Tải bản đầy đủ (.pdf) (85 trang)

Rối loạn lo âu và trầm cảm trong nhóm nam đồng tính tại hà nội

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.6 MB, 85 trang )

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƢỜNG ĐẠI HỌC GIÁO DỤC

NGUYỄN HỮU ANH

RỐI LOẠN LO ÂU VÀ TRẦM CẢM
TRONG NHÓMNAM ĐỒNG TÍNH TẠI HÀ NỘI

LUẬN VĂN THẠC SĨ TÂM LÝ HỌC

Hà Nội – 2018


ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƢỜNG ĐẠI HỌC GIÁO DỤC

NGUYỄN HỮU ANH

RỐI LOẠN LO ÂU VÀ TRẦM CẢM
TRONG NHÓM NAM ĐỒNG TÍNH TẠI HÀ NỘI

LUẬN VĂN THẠC SĨ TÂM LÝ HỌC
CHUYÊN NGÀNH: TÂM LÝ HỌC LÂM SÀNG TRẺ EM VÀ VỊ THÀNH NIÊN

Mã số: Thí điểm

NGƢỜI HƢỚNG DẪN KHOA HỌC: PGS.TS ĐỖ NGỌC KHANH

Hà Nội – 2018



LỜI CẢM ƠN
Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới PGS.TS Đỗ Ngọc Khanh - người
Thầy đã tận tình chỉ bảo, hướng dẫn tôi trong suốt quá trình hoàn thành luận
văn tốt nghiệp. Tôi xin gửi lời cảm ơn tới các Thầy, Cô trong chương trình
Tâm lý học lâm sàng trẻ em vàvị thành niên đã tận tình giảng dạy, trang bị
kiến thức để tôi hoàn thành cuốn luận văn này.
Tôi cũng xin chân thành cảm ơn ban giám hiệu, phòng sau đại học
trường Đại học Giáo dục- Đại học Quốc Gia Hà Nội đã tạo mọi điều kiện để
tôi có thể hoàn thành quá trình học tập và thực hiện luận văn tốt nghiệp.
Xin trân trọng cảm ơn ban lãnh đạo cùng các anh, chị, em và bạn đồng
nghiệp tại phòng khám SHP (Sống Hạnh Phúc) thuộc Trung tâm Nghiên cứu
và Đào tạo cán bộ phòng chống HIV/AIDS -Trường Đại học Y Hà Nội đã tạo
điều kiện cho tôi triển khai đề tài nghiên cứu để hoàn thành luận văn tốt
nghiệp.
Cuối cùng, tôi xin gửi lời cảm ơn tới bạn bè, những người thân yêu
trong gia đình đã luôn động viên tôi và là chỗ dựa để tôi có được kết quả như
ngày hôm nay.

Hà Nội, tháng 3 năm 2018
Tác giả

Nguyễn Hữu Anh

i


DANH MỤC CÁC KÍ HIỆU, CÁC CHỮ VIẾT TẮT

TỪ VIẾT TẮT


NGUYÊN NGHĨA

DSMV

Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorder (Hướng
dẫn chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần)

HIV

Human immunodeficiency virus infection (virus gây suy
giảm miễn dịch mắc phải ở người)

IDAHO

International DayAgainst Homophobia and Transphobia (Ngày
Quốc tế chống kỳ thị người đồng tính và chuyển giới)

ICD 10

International Classification of Diseases (Phân loại quốc tế
về bệnh tật)

MSM

Men who have sex with men (Nam có quan hệ tình dục với nam)

LGBT

Lesbian, Gay, Bisexual, Transgender (Đồng tính nữ, đồng
tính nam, lưỡng tính và chuyển giới)


NĐT

Nam đồng tính

STIs

Sexually transmitted infections (Các bệnh lây truyền qua
đường tình dục)

WHO

World Health Organization (Tổ chức y tế thế giới)

ii


MỤC LỤC
LỜI CẢM ƠN .......................................................................................................... i
DANH MỤC CÁC KÍ HIỆU, CÁC CHỮ VIẾT TẮT ................................... ii
DANH MỤC BẢNG ...............................................................................................v
DANH MỤC BIỂU ĐỒ........................................................................................ vi
MỞ ĐẦU ...................................................................................................................1
CHƢƠNG 1CƠ SỞ LÝ LUẬNVỀ RỐI LOẠN LO ÂU VÀ TRẦM CẢM
TRONG NHÓM NĐT ............................................................................................6
1.1Tổng quan tình hình nghiên cứu .................................................................. 6
1.1.1 Các nghiên cứu trên thế giới .................................................................... 7
1.1.2 Các nghiên cứu tại Việt Nam ................................................................. 10
1.2Một số khái niệm ........................................................................................ 13
1.2.1Rối loạn lo âu .......................................................................................... 13

1.2.2Trầm cảm................................................................................................. 22
1.2.3Nam đồng tính ......................................................................................... 28
1.2.4Rối loạn lo âu và trầm cảm trong nhóm nam đồng tính ......................... 31
Tiểu kết chương 1............................................................................................ 32
CHƢƠNG 2TỔ CHỨC VÀ PHƢƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU..................33
2.1 Tổ chức nghiên cứu ................................................................................... 33
2.1.1 Đặc điểm địa bàn nghiên cứu:................................................................ 33
2.1.2 Đặc điểm khách thể nghiên cứu: ............................................................ 33
2.2. Quy trình nghiên cứu ............................................................................... 34
2.3 Các phương pháp nghiên cứu.................................................................... 34
2.3.1 Phương pháp nghiên cứu lý luận............................................................ 34
2.3.2 Phương pháp điều tra bảng hỏi có sử dụng thang đo ............................. 35
2.3.3 Phương pháp chọn mẫu .......................................................................... 37
2.3.4 Phương pháp phân tích và xử lý số liệu ................................................. 38
2.4. Đạo đức nghiên cứu ................................................................................. 38

iii


CHƢƠNG 3KẾT QUẢ NGHIÊN CỨUVỀ RỐI LOẠN LO ÂU VÀ
TRẦM CẢM TRONG NHÓM NĐT ................................................................40
3.1 Đặc điểm chung của đối tượng tham gia nghiên cứu............................... 40
3.1.1 Đặc điểm nhân khẩu xã hội học nhóm nghiên cứu ................................ 40
3.1.2. Đặc điểm tình dục nhóm NĐT .............................................................. 42
3.1.3 Sử dụng chất gây nghiện ........................................................................ 45
3.1.4. Kỳ thị ..................................................................................................... 46
3.1.5. STIs và tiếp cận dịch vụ y tế ................................................................. 48
3.2. Thực trạng lo âu, trầm cảm trên nhóm NĐT............................................ 49
3.2.1. Tỷ lệ lo âu.............................................................................................. 49
3.2.2. Tỷ lệ trầm cảm ...................................................................................... 51

3.3. Một số yếu tố liên quan đến lo âu, trầm cảm trên nhóm NĐT ................ 54
3.3.1. Phân tích một số yếu tố nguy cơ liên quan đến lo âu trên nhóm NĐT 54
3.3.2. Phân tích một số yếu tố nguy cơ liên quan đến trầm cảm trên nhóm NĐT 56
Tiểu kết chương 3............................................................................................ 60
KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ ....................................................................61
TÀI LIỆU THAM KHẢO ...................................................................................64
PHỤ LỤC................................................................................................................69

iv


DANH MỤC BẢNG

Bảng 3. 1 Đặc điểm nhân khẩu xã hội học về đối tượng nghiên cứu ............. 40
Bảng 3. 2 Đặc điểm tình dục của nhóm NĐT ................................................. 43
Bảng 3. 3 Trải nghiệm về kỳ thị trong nhóm NĐT ......................................... 46
Bảng 3. 4 Sức khỏe tình dục và tiếp cận dịch vụ y tế trong 6 tháng qua ........ 48
Bảng 3. 5 Biểu hiện lo âu theo thang đo GAD7 ............................................. 49
Bảng 3. 6 Biểu hiện trầm cảm theo thang đo PHQ9 ....................................... 51
Bảng 3. 7 Một số yếu tố nguy cơ liên quan đến lo âu trên nhóm NĐT .......... 54
Bảng 3. 8 Một số yếu tố nguy cơ liên quan đến trầm cảm trên nhóm NĐT ... 56

v


DANH MỤC BIỂU ĐỒ
Biểu đồ 3. 1. Đặc điểm giới tính bản thân ...................................................... 42
Biểu đồ 3. 2 Tình hình sử dụng chất gây nghiện trong nhóm NĐT ............... 45
Biểu đồ 3. 3. Phân loại mức độ lo âu .............................................................. 50
Biểu đồ 3. 4. Phân loại các mức độ trầm cảm................................................. 53


vi


MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Lo âu và trầm cảm là những vấn đề rối loạn tâm thần phổ biến trong quần
thể nói chung. Trên thế giới ước tính có khoảng trên 200 triệu người có các
triệu chứng trầm cảm điển hình tương đương với 5% dân số toàn cầu trong
khi đó ở Việt Nam tỷ lệ này là 2,8% [3]. Điều tra dịch tễ học 10 bệnh tâm
thần thường gặp cho thấy rối loạn lo âu chiếm tỷ lệ 2,7% số người có rối loạn
tâm thần [44]. Tỷ lệ trầm cảm ở trẻ vị thành niên khoảng 8,3% trong đó trầm
cảm nặng chiếm khoảng 20% [49].
Các tổ chức quốc tế ước tính có khoảng 3% đến 5% nam giới trong độ
tuổi 15-49 thường xuyên quan hệ tình dục đồng giới và 15% đã từng có trải
nghiệm quan hệ tình dục đồng giới ít nhất một lần trong đời [23]. Trong xã
hội thì nam đồng tính (NĐT) gặp nhiều các vấn đề liên quan đến kỳ thị và
phân biệt đối xử từ trong cộng đồng về xu hướng tình dục của nhóm. Nhiều
quốc gia cũng chưa có luật liên quan đến quần thể này như vấn đề hôn nhân
đồng tính cũng như thiếu các dịch vụ y tế phù hợp với nhóm này. Vì vậy đây
là một quần thể ẩn, khó tiếp cận trong các hoạt động nghiên cứu và can thiệp
về sức khỏe [42][7].
Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy nhóm NĐT phải đối diện với nguy
cơ cao về các rối loạn tâm thần trong đó có lo âu, trầm cảm [42][40]. Các
nghiên cứu cũng chỉ ra mối quan hệ giữa các vấn đề sức khỏe tâm thần (lo âu,
trầm cảm) liên quan đến hành vi tình dục nguy cơ, tình trạng lây nhiễm HIV,
kỳ thị, phân biệt đối xử của cộng đồng, khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ y
tế, việc tiết lộ khuynh hướng tình dục bản thân. Những vấn đề sức khỏe tâm
thần không được can thiệp có thể dẫn tới các vấn đề về tự tử hay lạm dụng
chất như một cách thức đối phó [42].

Ở Việt Nam các nghiên cứu trên nhóm NĐT bắt đầu từ những năm 2000
tuy nhiên chủ yếu tập trung vào hành vi tình dục của nhóm này liên quan đến

1


lây nhiễm vào HIV và STIs [7][1]. Từ năm 2005 trở lại đây các nghiên cứu
tập trung nhiều về vấn đề sử dụng chất, kỳ thị của xã hội tuy nhiên chủ yếu
quan tâm đến nhóm nam bán dâm đồng tính [9][10]. Cho đến nay còn thiếu
thông tin liên quan đến các vấn đề sức khỏe tâm thần trên nhóm NĐT nói
chung. Để góp phần tăng cường các can thiệp hỗ trợ về vấn đề sức khỏe tâm
thần liên quan đến trầm cảm và lo âu rất cần có những hiểu biết đầy đủ về
thực trạng vấn đề sức khỏe tâm thần trên quần thể này. Trên cơ sở đó chúng
tôi thực hiện nghiên cứu “Rối loạn lo âu và trầm cảm trong nhóm nam đồng
tính tại Hà Nội”.
2. Mục đích của nghiên cứu
Việc triển khai đề tài “Rối loạn lo âu và trầm cảm trên nhóm nam đồng
tính tại Hà Nội” hướng tới 2 mục tiêu:
-

Mục tiêu 1: Tìm hiểu thực trạng rối loạn lo âu, trầm cảm trên nhóm

nam đồng tính ở Hà Nội.
-

Mục tiêu 2: Phân tích các yếu tố liên quan đến tỷ lệ lo âu, trầm cảm trên

quần thể này nhằm hướng tới nâng cao nhận thức về sức khỏe tâm thần cho
nhóm và có những can thiệp hỗ trợ phù hợp.
3. Nhiệm vụ nghiên cứu

Trong khuôn khổ đề tài luận văn, nhiệm vụ nghiên cứu sẽ tập trung vào
các vấn đề:
-

Tìm hiểu cơ sở lý luận của đề tài nghiên cứu: một số khái niệm liên

quan bao gồm NĐT, lo âu, trầm cảm. Tổng quan về các nghiên cứu trên thế
giới và Việt Nam đã làm về vấn đề lo âu, trầm cảm trên quần thể nam thanh
niên nói chung và nam đồng tình nói riêng.
-

Tìm hiểu thực trạng về rối loạn lo âu và trầm cảm và các yếu tố liên

quan trên quần thể NĐT ở Hà Nội.
4. Đối tƣợng và khách thể nghiên cứu
-

Đối tượng nghiên cứu: rối loạn lo âu và trầm cảm.

-

Khách thể nghiên cứu: 100 NĐT hiện đang sinh sống ở Hà Nội.

2


5. Câu hỏi nghiên cứu
-

Rối loạn lo âu và trầm cảm trên nhóm NĐT tại Hà Nội như thế nào?


-

Có những yếu tố gì liên quan đến rối loạn lo âu và trầm cảm trên quần

thể NĐT tại Hà Nội?
6. Giả thuyết khoa học
-

Tỉ lệ về nguy cơ trầm cảm và rối loạn lo âu trong nhóm NĐT cao hơn

so với quần thể dân số nói chung.
-

Có mối liên quan giữa các yếu tố đặc điểm nhân khẩu học, đặc điểm về

nhân dạng tình dục, mức độ kỳ thị, sử dụng chất với tình trạng lo âu, trầm
cảm trên nhóm NĐT tại Hà Nội.
7. Phƣơng pháp nghiên cứu
7.1 Phương pháp nghiên cứu lý luận
Đọc, phân tích các tài liệu nghiên cứu để khái quát hóa cơ sở lý luận
cho đề tài
7.2 Phương pháp nghiên cứu thực tiễn
7.2.1 Phương pháp điều tra bảng hỏi có sử dụng test và thang đo
-

Bảng hỏi thu thập thông tin về đặc điểm nhân khẩu học: tuổi, nơi sinh,

thời gian sinh sống ở Hà Nội, trình độ học vấn, nơi ngủ qua đêm, nghề
nghiệp, thu nhập trong 30 ngày qua.

-

Bảng hỏi về đặc điểm tình dục: đặc điểm giới tính tự nhận, xu hướng

tình dục, tên gọi mô tả chính xác bản thân, bạo lực tình dục.
-

Bảng hỏi về sử dụng chất gây nghiện: từng sử dụng các chất gây nghiện

trong cuộc đời của khách thể và trong 30 ngày qua. Các chất gây nghiện bao
gồm 3 nhóm là (1) nhóm các chất hợp pháp có rượu/bia và thuốc lá, (2) nhóm
các chất ma túy có cần sa, thuốc lắc, các chất dạng amphetamine và (3) các
loại thuốc sử dụng không vì mục đích điều trị bệnh có các loại thuốc ngủ.
-

Bảng hỏi về các vấn đề sức khỏe và tiếp cận dịch vụ y tế: các vấn đề

sức khỏe gặp phải trong 6 tháng qua, tiếp cận dịch vụ y tế trong 6 tháng qua.
3


7.2.2 Phương pháp trắc nghiệm
Sử dụng các trắc nghiệm tiêu chuẩn để khả sát các vấn đề về kỳ thị và
các vấn đề về sức khỏe tâm thần trên nhóm NĐT bao gồm: (1) Thang đo đánh
giá vấn đề kỳ thị bao gồm 3 thang đo là “Bị kỳ thị” , “Nhận thức về kỳ thị” và
“Tự kỳ thị” đã được thích ứng tại Việt Nam[35] ; (2) Thang đo GAD-7
(Generalized anxiety Disorder) để sàng lọc phân loại mức độ lo âu [45]; (3)
Thang đo PHQ9 (Patient health questionnaire-9) để sàng lọc và phân loại mức
độ trầm cảm [36].
7.2.3 Phương pháp thống kê

Số liệu sau khi thu thập được chúng tôi tiến hành tổng hợp, mã hóa, xử
lý, phân tích và viết báo cáo. Số liệu được nhập bằng phần mềm epidata 3.1
và phân tích bằng phần mềm STATA 13.0.
8. Phạm vi nghiên cứu
8.1 Về thời gian và địa điểm nghiên cứu
-

Thời gian: nghiên cứu trong khoảng thời gian từ tháng 8/2017 đến

tháng 11/2017.
-

Địa điểm: tại phòng khám SHP (Sexual health promotion clinic)- Trung

tâm Nghiên cứu vàĐào tạo cán bộ phòng chống HIV/AIDS - Trường đại học
Y Hà Nội.
8.2 Về mẫu nghiên cứu
108 nam giới nhận mình có khuynh hướng tình dục đồng giới được thu
thập tại phòng khám SHP.
9. Giới hạn nghiên cứu
-

Do hạn chế về thời gian, nguồn nhân lực nên trong nghiên cứu này

chúng tôi chưa tiếp cận được nhiều khách thể. Chúng tôi mới chỉ tập trung thu
thập khách thể tại phòng khám SHP mà chưa tiếp cận tại các câu lạc bộ, các
địa điểm trong cộng đồng nên đối tượng mẫu chưa đa dạng vì có nhiều khách
thể ngại không muốn tới bệnh viện hay phòng khám. Các nghiên cứu trong

4



tương lai có thể triển khai nghiên cứu lâu hơn và ở nhiều địa điểm có NĐT
hơn để tăng số lượng cũng như sự đa dạng trong mẫu nghiên cứu.
-

Trong nghiên cứu này chúng tôi tìm hiểu thực trạng về rối loạn lo âu và

trầm cảm, xem xét các mức độ phân loại của rối loạn lo âu và trầm cảm để có
bức tranh chung nên chưa đi sâu vào từng thể loại các vấn đề rối loạn lo âu và
trầm cảm. Các nghiên cứu trong thời gian tới sẽ tìm hiểu rõ hơn từng loại vấn
đề lo âu và trầm cảm trên cơ sở đó sẽ giúp hiểu rõ hơn về các nhóm vấn đề
này trong quần thể NĐT.
10. Đóng góp mới của đề tài
-

Kết quả nghiên cứu làm rõ hơn đặc điểm tâm lý của quần thể NĐT.

-

Đưa ra được tỷ lệ về nguy cơ liên quan đến rối loạn lo âu và trầm cảm

trong nhóm NĐT.
-

Tìm thấy các yếu tố liên quan đến rối loạn lo âu và nguy cơ trầm cảm

trên nhóm NĐT
11. Cấu trúc luận văn
Nội dung chính của luận văn bao gồm các chương:

Chương 1: Cơ sở lý luận của đề tài nghiên cứu
Chương 2: Tổ chức và phương pháp nghiên cứu
Chương 3: Kết quả nghiên cứu và một số đề xuất

5


CHƢƠNG 1
CƠ SỞ LÝ LUẬN
VỀ RỐI LOẠN LO ÂU VÀ TRẦM CẢM TRONG NHÓM NĐT

1.1 Tổng quan tình hình nghiên cứu
NĐT và sức khỏe tâm thần của nhóm NĐT đã được quan tâm và
nghiên cứu từ lâu, các nghiên cứu đã đề cập đến lịch sử ra đời của nhóm
NĐT, quá trình đấu tranh công nhận người đồng tính, các vấn đề sức khỏe
tâm thần và các yếu tố liên quan.
Sự ra đời nhóm NĐT
Đồng tính trong xã hội đã tồn tại từ lâu và vấn đề nhóm đồng tính phải
đối diện là sự kỳ thị của xã hội liên quan đến khuynh hướng quan hệ tình dục
của nhóm này. Vào khoảng trước thế kỉ thứ 19, hiện tượng đồng tính không
được xã hội chấp nhận như một điều tự nhiên mà bị coi như một vấn đề bệnh
lý liên quan đến sức khỏe tâm thần và cần phải chữa trị. Sau đó một thời gian
dài cho đến thập niên 1960, bắt đầu xuất hiện cuộc đấu tranh đòi quyền bình
đẳng của những nhóm đồng tính nam đã xảy ra song hành cùng với nhiều
cuộc đấu tranh khác tiêu biểu như cuộc cách mạng về quyền của người phụ
nữ và quyền công dân. Biểu trưng cho cuộc đấu tranh về quyền lợi của nhóm
gay được đánh dấu bằng cuộc bạo loạn xảy ra tại Greenwich Village tại thành
phố New York năm 1969 sau khi cảnh sát tấn công bất ngờ vào quán
Stonewall. Trong suốt khoảng thời gian từ giữa cho đến cuối thập niên 1960,
rất nhiều nhóm đồng tính nam đã phát triển và bắt đầu tạo áp lực với ngành Y

tế và Hội tâm thần liên quan đến việc coi đồng tính như một bệnh. Trước
những áp lực về chính trị và xã hội, năm 1970 Hội tâm thần Hoa Kỳ đã nhìn
nhận và đánh giá lại hiện tượng đồng tính luyến ái. Vào tháng 12 năm 1973,
hội tâm thần Hoa Kỳ đã quyết định loại bỏ hiện tượng “đồng tính” ra khỏi
danh sách các bệnh lý tâm thần mà đã được đề xuất trước đó [47]. Đến ngày
17/5/1990, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố loại bỏ đồng tính luyến
6


ái ra khỏi danh sách bệnh tâm thần. Sự kiện 17/5 được tổ chức tại hơn 100
quốc gia, tại tất cả các khu vực trên thế giới từ năm 2004. Sự kiện này được
công nhận chính thức bởi nhiều Chính phủ và tổ chức quốc tế như Nghị viện
Châu Âu và rất nhiều nhà chức trách địa phương. Liên Hiệp quốc đã chọn
ngày 17 tháng 5 hàng năm là "Ngày quốc tế chống kỳ thị, phân biệt đối xử đối
với người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT) - IDAHO" (Tiếng
Anh: International Day Against Homophobia and Transphobia) [20].
Tuy nhiên, đồng tính nam không phải xã hội nào cũng chấp nhận, họ
chịu sự kỳ thị của cộng đồng và là nhóm yếu thế trong xã hội. Từ khi dịch
HIV xuất hiện được phát hiện trên những người nam giới có quan hệ tình dục
đồng tính, nhóm đồng tính nam được coi là một trong những nhóm có nguy
cơ cao liên quan đến lây nhiễm HIV bởi hành vi quan hệ tình dục của họ [30].
1.1.1 Các nghiên cứu trên thế giới
Trên thế giới đã có các nghiên cứu tìm hiểu vê vấn đề sức khỏe tâm thần trên
nhóm NĐT, các yếu tố liên quan và hệ quả của các vấn đề sức khỏe tâm thần lên
nhóm NĐT.
Hướng nghiên cứu về tỷ lệ rối loạn lo âu và trầm cảm của nhóm NĐT
Các nghiên cứu trên thế giới chỉ ra những vấn đề sức khỏe tâm thần mà
quần thể NĐT phải đối mặt như vấn đề trầm cảm, lo âu khá phổ biến. Nghiên
cứu của Murugesan Sivasubramanian tại Ấn Độ cho thấy trong số 150 nam
quan hệ tình dục đồng giới (MSM- Men who have sex with men), 29% có

nguy cơ trầm cảm và 24% có bất kỳ một rối loạn lo âu. Kết quả này gợi ý cần
có dịch vụ chăm sóc về sức khỏe tâm thần cho nhóm MSM ở Mumbai [42].
Nghiên cứu của Louis F. Graham và cộng sự năm 2011 trên quần thể
NĐT da đen tại Mỹ cho thấy tỷ lệ có nguy cơ trầm cảm là 30% và lo âu là
33% [40].
Trong nghiên cứu của Yan và cộng sự khi so sánh sự hỗ trợ xã hội và
triệu chứng trầm cảm giữa nhóm nam có quan hệ tình dục đồng tính và nhóm
7


nam bán dâm cho thấy triệu chứng trầm cảm trong nhóm nam bán dâm là
70% cao hơn nhóm MSM là 46% [33].
Nghiên cứu của Tomori điều tra trên 11000 MSM cho thấy 11% gặp
vấn đề trầm cảm trong đó 1,1% trầm cảm nặng và 9,9% trầm cảm trung bình.
Tỷ lệ có ý tưởng tự tử tương đối phổ biến trong nhóm nghiên cứu chiếm 34%.
Tỷ lệ trầm cảm cao hơn trong nhóm MSM biết được tình trạng bị nhiễm HIV
của mình là 55,6% và điều này cho thấy nhóm MSM nhiễm HIV dễ gặp vấn
đề trầm cảm hơn so với nhóm không bị nhiễm HIV [26].
Hướng nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng đến lo âu và trầm cảm ở
nhóm NĐT
Có nhiều nghiên cứu tìm hiểu về các yếu tố phân biệt kỳ thị có liên
quan đến vấn đề sức khỏe tâm thần trong quần thể nhóm NĐT. Trong một
nghiên cứu khác của tác giả Guanzhi Chen và cộng sự nghiên cứu trên 710
MSM chỉ ra rằng khoảng gần 1/2 MSM tham gia nghiên cứu này có những
trải nghiệm với các hình thức khác nhau liên quan đến phân biệt đối xử và kỳ
thị sau khi tiết lộ khuynh hướng tình dục bản thân. Và 44-60% trong số này
cho biết cảm thấy đau khổ buồn phiền bởi khuynh hướng tình dục của bản
thân và có hoặc không liên quan đến hành vi tình dục nguy cơ [32].
Nghiên cứu của Louis F. Graham trên quần thể NĐT da mầu cũng chỉ
ra mối liên quan chặt chẽ giữa sự phân biệt đối xử liên quan đến vấn đề đồng

tính. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng cho thấy phân biệt chủng tộc và nhận thức
của bạn bè những người đồng tính về tư tưởng chống đối lại những người
đồng tính có liên quan đến tình trạng trầm cảm và lo âu của đối tượng tham
gia nghiên cứu [40].
Nghiên cứu của Kyung-Hee Choi trên quần thể MSM gốc Phi, Á cũng
chỉ ra nhận thức của cộng đồng về chủ nghĩa phân biệt người đồng tính là yếu
tố liên quan đến trầm cảm của người tham gia nghiên cứu [37].

8


Kết quả nghiên cứu của Tomori trên nhóm MSM chỉ ra mối tương quan
chặt chẽ giữa việc tiết lộ tình trạng xu hướng tình dục đồng giới của bản thân,
tiết lộ tình trạng HIV bản thân và việc sử dụng chất gây nghiện làm tăng nguy
cơ trầm cảm trong nhóm này. Việc thiếu hỗ trợ về tâm lý sau khi MSM tiết lộ
xu hướng tình dục và tình trạng HIV của bản thân với người khác có thể đóng
vai trò quan trọng làm tăng nguy cơ trầm cảm trong nhóm này. Điều này cho
thấy các dịch vụ hỗ trợ về sức khỏe tâm thần là cấu phần không thể thiếu cho
các chương trình chăm sóc sức khỏe cho các nhóm MSM nói chung và MSM
nhiễm HIV [26].
Bên cạnh các yếu tố làm tăng nguy cơ cao với trầm cảm và lo âu thì
cũng có những yếu tố làm giảm các nguy cơ này trên nhóm MSM đã được các
nghiên cứu chỉ ra.
Một hướng nghiên cứu khác tìm hiểu các yếu tố bảo vệ giúp cho người
đồng tính có thể đối phó với vấn đề trầm cảm và lo âu. Nghiên cứu của
Murugesan Sivasubramanian trên 150 MSM ở Ấn Độ nhận thấy rằng yếu tố
tự tin vào bản thân và biết đến những dịch vụ hỗ trợ xã hội thì ít gặp vấn đề
trầm cảm và lo âu [42].
Trong nghiên cứu của Yan trên nhóm MSM và nam bán dâm đồng tính
cho thấy hỗ trợ xã hội là yếu tố bảo vệ với nguy cơ trầm cảm cụ thể nam bán

dâm đồng tính nhận được nhiều dịch vụ hỗ trợ xã hội thì giảm nguy cơ gặp
các dấu hiệu trầm cảm. Kết quả này gợi ý tới việc thiết kế các chương trình hỗ
trợ tâm lý cho quần thể này [33].
Hướng nghiên cứu về hậu quả của các vấn đề sức khỏe tâm thần trong
nhóm đồng tính
Nghiên cứu của Salomon đề cập đến tác động của trầm cảm ảnh hưởng
đến lòng tự trọng, sự tự tin, hành vi tự bảo vệ và có thể tăng nguy cơ sử dụng
chất gây nghiện trong nhóm NĐT. Tỷ lệ sử dụng chất gây nghiện của nhóm
MSM từ kết quả nghiên cứu này khá phổ biến bao gồm tài mà (60%), các loại

9


ma túy gây ảo giác (40%) và amphetaminenhư (18%) [46]. Việc sử dụng chất
gây nghiện như một chiến lược giúp MSM vượt qua các vấn đề về tâm thần
mà họ đang gặp phải tuy nhiên họ cũng đối diện với các nguy cơ từ tác động
gây hại của chất gây nghiện lên cơ thể trong quá trình sử dụng.
Với nhóm MSM nhiễm HIV, các nghiên cứu cũng đề cập tới các vấn đề
sức khỏe tâm thần mà nhóm gặp phải nếu không được hỗ trợ sẽ ảnh hưởng
đến việc gắn kết nhóm này với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và tuân thủ
điều trị HIV [26].
Hệ quả nguy hại nhất của trầm cảm nếu không được hỗ trợ kịp thời có
thể dẫn đến tự tử. Nghiên cứu của Murugesan Sivasubramanian tại Ấn Độ cho
thấy tỷ lệ gặp các vấn đề sức khỏe tâm thần trong nhóm MSM ở Mumbai rất
cao và 45% có ý tưởng về tự tử trong đó 66% nguy cơ thấp, 19% nguy cơ
trung bình và 15% nguy cơ cao [42].
1.1.2 Các nghiên cứu tại Việt Nam
Các nghiên cứu tại Việt Nam bắt đầu quan tâm đến quần thể MSM
trong đó có nhóm NĐT từ những thập niên 1990. Tuy nhiên, từ những năm
2000 trở đi mới có những nghiên cứu quan tâm đến vấn đề sức khỏe tâm thần

của quần thể MSM.
Hướng nghiên cứu về đặc điểm nhóm NĐT ở Việt Nam và nguy cơ lây
nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Trong bối cảnh ở Việt Nam, từ cuối thập niên 1990 đến đầu thập niên
2000 đã có những nghiên cứu tìm hiểu về nhóm MSM như nghiên cứu của
Done Colby trên 219 MSM [27], nghiên cứu của Nguyễn Anh Tuấn và cộng
sự trên 600 MSM tại thành phố Hồ Chí Minh tìm hiểu về đặc điểm nhân khẩu
xã hội học cũng như những hành vi nguy cơ liên quan đến sức khỏe tình dục
và sự kỳ thị [19]. Trong thời gian gần đây các nghiên cứu mở rộng và quan
tâm nhiều đến nhóm nam bán dâm đồng tính. Một nghiên cứu tiến hành trên
110 nam bán dâm đồng giới tại Hà Nội năm 2007 để tìm hiểu đặc điểm dịch
10


tễ học lây nhiễm HIV/STIs [7]. Nghiên cứu của Vũ Ngọc Bảo và cộng sự tại
thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội tìm hiểu vấn đề sử dụng chất gây nghiện
trong nhóm này [1]. Nhìn chung, các nghiên cứu cho thấy hiện tượng tình dục
đồng giới nam ở Việt Nam không phải là hiếm và khá đa dạng về xuất thân,
lối sống, hành vi quan hệ tình dục và những nguy cơ liên quan đến lây nhiễm
HIV/STIs.
Hướng nghiên cứu về sức khỏe tâm thần và các yếu tố nguy cơ liên quan
trên nhóm NĐT
Nghiên cứu của Vũ Ngọc Bảo và cộng sự tiến hành từ năm 2009-2010
quan tâm đến vấn đề sử dụng ma túy và tiếp cận dịch vụ y tế của quần thể
nam đồng tính ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cho thấy sử dụng ma túy
không chỉ một loại mà nhiều loại và mục đích sử dụng như cách thức đối phó
với các vấn đề căng thẳng trong cuộc sống [1]. Nghiên cứu của Bùi Thị Minh
Hảo và cộng sự trên 710 nam bán dâm đồng giới cho thấy tỷ lệ sử dụng
methamphetamine là 33% và sử dụng trong 30 ngày qua là 17% [11]. Bên
cạnh việc quan tâm đến hành vi sử dụng ma túy, một số nghiên cứu sau này

quan tâm nhiều hơn tới thực trạng trầm cảm lo âu trên quần thể nhóm nam
bán dâm đồng tính. Nghiên cứu của Bùi Thị Minh Hảo và cộng sự cho thấy
có tới 1/3 đối tượng bị stress (31%), 1/2 đối tượng trầm cảm (49,1%) và gần
2/3 đối tượng lo âu (57,7%) [11];
Nghiên cứu của Vũ Thị Thu Nga và cộng sự về vấn đề sức khỏe tâm
thần trên hơn 600 NĐT ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh năm 2014 cho
thấy tỷ lệ trầm cảm trên nhóm NĐT là 11,3% trong đó 10% từng cho biết là
đã nghĩ đến tự tử trong 2 tuần qua [43].
Các yếu tố nguy cơ liên quan đến vấn đề sức khỏe tâm thần các nghiên
cứu đưa ra đó là vấn đề sử dụng ma túy nhất là các loại ma túy tổng hợp, bạo
lực và lạm dụng tình dục, kỳ thị....

11


Trong nghiên cứu của Vũ Thị Thu Nga và cộng sự cho thấy nguy cơ
trầm cảm trong nhóm sử dụng ATS (các chất ma túy thuộc nhóm
amphetamine) cao gấp 2 lần so với nhóm không sử dụng ATS và trong nhóm
bị kỳ thị liên quan đến đồng tính cao gấp 2 lần nhóm không bị kỳ thị [43].
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng có mối liên quan giữa việc sử dụng ma
túy và vấn đề sức khỏe tâm thần trên nhóm nam bán dâm đồng giới. Nghiên
cứu của Bùi Minh Hảo và cộng sự cho thấy trong hơn 600 nam bán dâm đồng
giới tham gia nghiên thì đối tượng đang sử dụng ma túy có nguy cơ trầm cảm
cao gấp 1,72 lần đối tượng hiện không sử dụng ma túy. Nguy cơ lo âu của đối
tượng chỉ liên quan với sử dụng ma túy trong 30 ngày qua (aOR=1,52; 95%CI
[1,07-2,15]), trong đó đối tượng hiện đang sử dụng ma túy có nguy cơ lo âu
cao gấp 1,52 lần đối tượng hiện đang không sử dụng ma túy [11].
Liên quan đến vấn đề trầm cảm trong nhóm nam bán dâm đồng tính,
nghiên cứu của Bùi Thị Minh Hảo và cộng sự cho thấy những nam bán dâm
đồng tính từng có trải nghiệm về bạo lực tình dục thì có nguy cơ trầm cảm

cao hơn những đối tượng mà chưa bao giờ trải qua [11].
Kỳ thị cũng là một yếu tố phổ biến xảy ra trong gia đình, trường học,
cộng đồng và gây nên những áp lực tinh thần trên nhóm NĐT [16] và sự kỳ
thị phân biệt do biểu hiện giới khác với kỳ vọng xã hội về sự nam tính. [17].
Với nhóm nam bán dâm đồng tính còn chịu sự kỳ thị lớn hơn vì xã hội coi
mại dâm là tệ nạn xã hội, phá vỡ hạnh phúc gia đình và là nguyên nhân lây
nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục [18]. Trong nghiên cứu
của Hà Huy và cộng sự cho thấy có sự liên quan giữa tự kỳ thị và trầm cảm,
sử dụng chất trong nhóm NĐT tham gia nghiên cứu [34] .
Tính đến nay ở Việt Nam đã có các nghiên cứu quan tâm đến nhóm NĐT
nhưng chủ yếu tập trung vào vấn đề HIV, các bệnh lây truyền qua đường tình
dục và sử dụng chất. Một số nghiên cứu đã tìm hiểu về vấn đề sức khỏe tâm
thần như stress, lo âu, trầm cảm nhưng chủ yếu các nghiên cứu này tập trung

12


trên quần thể nhóm nam bán dâm đồng tính. Còn thiếu các thông tin về các
vấn đề sức khỏe tâm thần trên nhóm NĐT nói chung trong khi các nghiên cứu
trên thế giới đã chỉ ra nhóm này cũng gặp nhiều áp lực trong xã hội và một tỷ
lệ không nhỏ trong nhóm này gặp các vấn đề liên quan đến trầm cảm, lo âu và
tự sát. Vì vậy nghiên cứu về “Rối loạn lo âu và trầm cảm trong nhóm NĐT tại
Hà Nội” giúp đưa ra thực trạng vấn đề sức khỏe tâm thần ở nhóm này, nhằm
giúp các nhà hoạch định chính sách có những biện pháp phù hợp để nâng cao
sức khỏe tâm thần cho nhóm đồng tính nam không chỉ có ý nghĩa về mặt lý
luận mà còn có ý nghĩa về mặt thực tế cao.
1.2 Một số khái niệm
1.2.1 Rối loạn lo âu
1.2.1.1.Khái niệm về rối loạn lo âu
Lo âu là hiện tượng phản ứng của con người trước những khó khăn và

các mối đe dọa của tự nhiên, xã hội mà con người phải tìm cách vượt qua và
tồn tại. Lo âu là một tín hiệu báo động, báo trước một nguy hiểm sắp xảy đến,
cho phép con người sử dụng mọi biện pháp để đương đầu với sự đe dọa.
Theo Freud, lo âu là triệu chứng cảnh báo cho “Cái Tôi” về sự nguy
hiểm có thể có khi một mong ước vô thức nào đó bị dồn nén và đang có nguy
cơ trồi lên ý thức. Lúc đó, “Cái Tôi” sẽ huy động các cơ chế phòng vệ thường
là ở cấp độ vô thức để ngăn ngừa điều này. Các cơ chế phòng vệ này kiểm
soát và làm giảm sợ hãi bằng việc làm méo mó thực tế theo một cách thức nào
đó [12].
Lo âu bệnh lý là lo âu quá mức hoặc dai dẳng không tương xứng với sự
đe dọa được cảm thấy, ảnh hưởng đến hoạt động của người bệnh, có thể kèm
theo những ý nghĩ hay hành động có vẻ như quá mức hay vô lý [22].
Theo từ điển Tâm lý học do Vũ Dũng làm chủ biên, lo âu là những trải
nghiệm cảm xúc tiêu cực được quy định bởi sự chờ đợi điều gì đó nguy hiểm,
có tính chất khuếch tán, không liên quan đến các sự kiện cụ thể. Trạng thái

13


cảm xúc xuất hiện trong các tình huống nguy hiểm không xác định và được
thể hiện trong việc chờ đợi sự tiến triển không thuận lợi của sự kiện. Khác với
hoảng sợ, lo âu được coi là phản ứng đối với một đe dọa cụ thể nào đó, lo âu
thể hiện sự sợ hãi chung chung, mang tính lan truyền và không có đối tượng,
thường có liên hệ với việc chờ đợi điều không may trong tương tác xã hội và
thường được tạo bởi sự không ý thức thức được nguồn gốc của nỗi nguy hiểm [6].
Như vậy, trên cơ sở tổng hợp các khái niệm của các tác giả, trong nghiên
cứu này chúng tôi đưa ra khái niệm rối loạn lo âu như sau: rối loạn lo âu là
một rối loạn cảm xúc được đặc trưng bởi sự lo lắng quá mức, dai dẳng và
kéo dài về một tình huống vô lý, lặp đi lặp lại và ảnh hưởng đến sự thích
nghi trong cuộc sống đồng thời đi kèm với những trạng thái liên quan đến

thể chất như khó thở, mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ, ra mồ hôi, tim đập nhanh...
1.2.1.2.Nguyên nhân gây nên rối loạn lo âu
Giả thuyết về di truyền
Các nghiên cứu về gen di truyền đã chỉ ra rằng bệnh nhân có những
người trong gia đình quan hệ ở mức độ 1 (bố, mẹ, anh, chị, em) bị lo âu thì
cũng có nguy cơ đối diện với lo âu. Sự phù hợp cao hơn đối với rối loạn ám
ảnh cưỡng bức ở những những người sinh đôi cùng trứng so với các cặp sinh
đôi khác trứng [14].
Giả thuyết sinh học
Vai trò của serotonin trong rối loạn lo âu được đánh giá bởi tác dụng
chống lo âu của một số thuốc chống trầm cảm có tác dụng trên thụ cảm thể 5hydroxytryptamin. Các thuốc bình thần không benzodiazepine có tác dụng
trên thụ cảm thể 5 – HT 1a cũng có hiệu quả trong lo âu mức độ trung bình.
Các thụ cảm thể benzodiazepine liên quan rõ rệt đến cơ chế tạo ra lo
âu. Các thụ cảm thể này được tìm thấy với mật độ cao ở thùy thái dương và
thùy trán. Ngoài ra các chất chống thụ cảm thể benzodiazepine tăng cao
trong lo âu [14].
14


Giả thuyết tâm lý
Thuyết phân tâm: lo âu là một tín hiệu khuấy động bản ngã thực hiện
hành động phòng vệ chống lại những áp lực từ bên trong. Một cách lý tưởng
sự dồn nén thành công tạo nên sự cân bằng tâm lý mà không có triệu chứng.
Học thuyết này mô tả rối loạn lo âu như là kết quả của những xung đột trong
vô thức. Freud đã sử dụng thuật ngữ “angst” nghĩa là sợ hãi để mô tả phản
ứng nội tâm đơn giản đối với mối đe dọa bên trong và bên ngoài. Freud đã
cho rằng những xung đột và những ức chế tạo ra sự thất bại trong việc kiểm
soát các xung động tình dục. Việc kìm hãm các xung động cùng với việc mất
kiểm soát các xung động sẽ dẫn đến lo âu. Freud đã sớm nhận ra hạn chế
trong học thuyết của mình và gợi ý rằng rằng lo âu là sự chuyển dạng của các

xung động tình dục và đã chấp nhận lo âu là kết quả của sự đe dọa [12].
Thuyết tập nhiễm xã hội: thuyết tập nhiễm xã hội của Bandura năm
1969 đã đưa ra vai trò quan trọng của nhận thức trong việc hình thành lo âu.
Lo âu có thể được tập nhiễm từ người chăm sóc hay từ những người khác
trong gia đình hoặc là liên quan đến môi trường sống của trẻ. Như vậy cha mẹ
liên quan đến yếu tố hình thành và phát triển lo âu của trẻ qua những hành vi
diễn ra hàng ngày trong cuộc sống mà trẻ quan sát được [12].
Thuyết nhận thức: theo giải thích của Beck, những trạng thái cảm xúc
bất thường như trầm cảm, lo âu là khi có kích thích tác động lên nhận thức sẽ
dẫn đến một đáp ứng. Khi gặp phải một tình huống gây lo sợ thì nhận thức bị
bóp méo sự ước lượng của chúng về những kích thích gây lo âu. Sự ước
lượng này chứa đựng những kinh nghiệm, niềm tin sai lệch về chính bản thân
mình, về thế giới và về tương lai. Khi gặp phải một kích thích tương tự sẽ so
sánh nó với những tình huống xảy ra trong quá khứ [12].
Thuyết hành vi: Các nhà trị liệu theo Tiếp cận Hành vi cũng xây dựng
mô hình nhận thức của rối loạn lo âu. Theo đó, lo âu được giải thích là phản
ứng chuẩn bị của cơ thể khi gặp các kích thích mang tính đe dọa (cả vật lý lẫn

15


tâm lý- xã hội). Trong tình huống này con người chỉ có 2 lựa chọn hoặc là đối
mặt chống lại hoặc là né tránh chốn chạy. Beck và Weishaar cho rằng rối loạn
lo âu là khi các cơ chế sinh tồn bình thường này bị vận hành quá mực hoặc có
lỗi. Đó là khi nhận thức của cá nhân về các mối đe dọa được xây dựng trên
những giả định sai so với thực tế theo hướng phóng đại chúng lên trong khi
đó lại tối thiểu hóa khả năng ứng phó của bản thân [12].
1.2.1.3.Các biểu hiện của rối loạn lo âu
Ở khía cạnh sinh lý phản ứng của lo âu biểu hiện ra bên ngoài liên quan
đến đến nhịp tim mạch, hô hấp, dạ dày, ruột, huyết áp, hưng phấn và giảm

ngưỡng cảm giác. Ở khía cạnh tâm lý rối loạn lo âu được thể hiện bằng tình
trạng căng thẳng, dễ bị kích động và dễ xúc động.
-

Hành vi: căng thẳng, run hoặc bồn chồn, bất an không tập trung tư

tưởng, có khi cáu kỉnh, có khi như sắp khóc, ấp úng không nói lên lời.
+ Né tránh tiếp xúc
+ Phụ thuộc người khác
-

Về nhận thức:
+ Cảm giác, tri giác: không thật, lệch lạc âm thanh, ánh sáng, cảm giác

mơ hồ hoặc tri giác sai thực tại.
+ Tư duy tưởng tượng
+ Tập trung và các biểu hiện của bản thân một cách quá mức
+ Luôn sợ hãi, lo lắng, tưởng tượng một cách quá mức cái gì đó đe dọa
cuộc sống: sợ ốm đau, bệnh tật, tai nạn hoặc người thân chết, đói kém, cư xử
ngốc nghếch với người khác...
+ Đánh giá tương lai một cách bi quan, bất hạnh...
-

Các biểu hiện cơ thể (do rối loạn hệ thần kinh thực vật)
+ Hệ tim mạch: tim đập nhanh, hồi hộp, đau ngực, tức ngực, vã mồ hôi...
+ Hệ hô hấp: cảm giác ngột ngạt, thiếu không khí thở, thở nhanh, thở

sâu, thở dài, thở hắt, rối loạn nhịp thở...

16



+ Hệ tiêu hóa: cảm giác vướng họng, khó nuốt, khô miệng, biếng ăn, co
thắt dạ dày, ăn không tiêu, nôn nao, táo bón...
+ Hệ tiết niệu: đái dắt, đái són, đái nhiều, đái dầm...
+ Hệ thần kinh: đau đầu, chóng mặt, nhìn, tê chân tay, khó ngủ, ác
mộng, cáu bẳn, dễ bị kích thích....
+ Hệ xương: mỏi nhức xương khớp, căng cơ bắp.... [22][14]
1.2.1.4. Chẩn đoán các rối loạn lo âu
Trong bảng phân loại bệnh Quốc tế lần thứ 10 (ICD 10), rối loạn lo âu
nằm trong mục rối loạn suy nhược, rối loạn liên quan đến stress và các dạng
cơ thể. Lo âu được phân thành các nhóm [48]:
Các rối loạn lo âu ám ảnh sợ:


Ám ảnh sợ khoảng trống (Không có rối loạn hoảng sợ và có rối loạn

hoảng sợ);


Ám ảnh sợ xã hội;



Ám ảnh sợ đặc hiệu;



Các rối loạn lo âu ám ảnh sợ khác,




Rối loạn lo âu ám ảnh sợ, không biệt định.

Các rối loạn lo âu khác:


Rối loạn hoảng sợ;



Rối loạn lo âu lan toả;



Rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm;



Các rối loạn lo âu hỗn hợp khác;



Các rối loạn lo âu biệt định khác;



Rối loạn lo âu không biệt định

Rối loạn ám ảnh nghi thức:



Những ý tưởng hoặc nghiền ngẫm ám ảnh chiếm ưu thế,



Hành vi nghi thức chiếm ưu thế,

17


×