Tải bản đầy đủ (.pdf) (8 trang)

CẢNH QUAN NGHIÊN cứu PHÂN TẦNG xã hội ở VIỆT NAM landscape of social stratification research in vietnam

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (572.78 KB, 8 trang )

Xã hội học thực nghiệm

Xã hội học, số 3 (135), 2016

7

CẢNH QUAN NGHIÊN CỨU PHÂN TẦNG XÃ HỘI Ở VIỆT NAM
BÙI THẾ CƯỜNG*

Tóm tắt: Lượng ấn phẩm về chủ đề cơ cấu xã hội/ phân tầng xã hội ở Việt Nam
tăng nhanh qua thời gian, cứ sau mỗi 10 năm lại tăng gần gấp đôi. Xuất xứ đề tài và ấn
phẩm chỉ ra ba cụm địa chỉ chính có những nghiên cứu cơ cấu xã hội/ phân tầng xã hội
tương đối lớn, ổn định và bền bỉ qua thời gian. Sau khi nêu 11 nhận xét về cảnh quan
nghiên cứu phân tầng xã hội ở Việt Nam, bài viết kiến nghị: để tiếp tục phát triển nghiên
cứu về cơ cấu xã hội/ phân tầng xã hội ở Việt Nam, các trung tâm nghiên cứu chủ chốt
cần nỗ lực đổi mới về lý thuyết, phương pháp và định chế; hoạt động nghiên cứu xã hội
cần có tầm nhìn và cam kết mạnh mẽ hơn; đặc biệt chú trọng để nghiên cứu có ảnh
hưởng thực sự đến thay đổi chính sách, qua đó thay đổi thực tiễn.
Từ khóa: cơ cấu xã hội, phân tầng xã hội.

Cơ cấu xã hội là một trong những chủ đề trung tâm của xã hội học và nhiều ngành
khoa học xã hội khác (Scott, 2005: 644-645; Magill, 1995: 1262-1282). Cũng giống như
trên thế giới, ở miền Bắc Việt Nam thoạt đầu khái niệm hay thuật ngữ kết cấu xã hội được
hiểu và sử dụng đồng nghĩa với cơ cấu các giai cấp cơ bản trong xã hội. Sau này xuất hiện
thuật ngữ cơ cấu hay cấu trúc xã hội dùng song song với thuật ngữ kết cấu xã hội. Từ cuối
thập niên 1980 đầu thập niên 1990 bắt đầu xuất hiện và phổ biến khái niệm phân tầng xã
hội để chỉ cơ cấu các tầng lớp xã hội, bao gồm cả giai cấp. Còn khái niệm cơ cấu xã hội
được quan niệm và dùng theo nghĩa mở rộng hơn. Tuy nhiên, xã hội học trên thế giới và ở
Việt Nam vẫn tiếp tục dùng thuật ngữ cơ cấu (hay cấu trúc) xã hội để chỉ cơ cấu của các
giai cấp hay tầng lớp xã hội mang tính giai cấp. Theo đó, thuật ngữ cơ cấu xã hội và phân
tầng xã hội được sử dụng tương đối đồng nghĩa với nhau, có thể chuyển đổi cho nhau.


Đây cũng là cách hiểu trong bài này. Độc giả sẽ thấy trong bài viết nhiều cụm từ theo
nghĩa tương đương nhau như cơ cấu xã hội, kết cấu xã hội, phân tầng xã hội, cơ cấu/ phân
tầng xã hội, cơ cấu giai tầng xã hội.
Bài viết là sản phẩm của Đề tài “Chuyển dịch cơ cấu xã hội trong phát triển xã hội
và quản lý phát triển xã hội ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020” (mã số
KX.02.20/11-15). Một nhiệm vụ của Đề tài là tổng quan tình hình nghiên cứu cơ cấu/
phân tầng xã hội ở Việt Nam. Do khuôn khổ dành cho mỗi bài tạp chí, kết quả của tổng
quan ấy phải trình bày trong một số bài viết khác nhau. Bài viết này bắt đầu bằng một tóm
lược ngắn tình hình nghiên cứu trên thế giới. Tiếp theo, trình bày cảnh quan chung của
*

Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ.


8

Cảnh quan nghiên cứu phân tầng xã hội ở Việt Nam

nghiên cứu cơ cấu/ phân tầng xã hội ở Việt Nam từ cuối thập niên 1970 đến nay. Dự định
những bài viết sau sẽ đi sâu vào từng giai đoạn lịch sử. Do hạn chế khuôn khổ tạp chí,
mục tài liệu tham khảo trong bài viết chỉ nêu những tài liệu cung cấp tổng quan cho độc
giả hoặc được đề cập trong bài.
1. Một tóm tắt về nghiên cứu phân tầng xã hội trên giới
Nghiên cứu về cơ cấu xã hội với những khác biệt mang tính tầng lớp xã hội có lịch sử đã
hàng ngàn năm. Thời cổ đại ở phương Tây (thời kỳ Hy Lạp), các nhà triết học nổi tiếng như
Socrates, Plato, Aristotle đều ít nhiều đề cập đến “mô hình xã hội” bao gồm các tầng lớp xã hội
khác nhau, mang tính trên - dưới, thống trị - bị trị. Ở phương Đông, Khổng Tử đã mô tả kỹ
lưỡng các tầng lớp xã hội cơ bản, xác định rõ vị trí và danh phận của họ.
Cách mạng công nghiệp tư bản chủ nghĩa nảy sinh ở Tây Âu dẫn đến những cuộc
đấu tranh giai cấp ác liệt, một số giai cấp mới xuất hiện trên sân khấu lịch sử, một số giai

cấp suy tàn, biến mất hoặc thay hình đổi dạng. Trong bối cảnh kịch tính ấy, nhiều học giả
đã nghiên cứu về khác biệt giai cấp và đấu tranh giữa những giai cấp ấy. Mác nổi lên
trong số họ như là một nhà khoa học lớn, người đã đưa ra lý thuyết duy vật lịch sử làm cơ
sở cho việc lý giải sự hình thành các giai cấp (“Bản thảo kinh tế - triết học 1844”; “Tuyên
ngôn Cộng sản” xuất bản năm 1848; “Góp phần phê phán kinh tế học chính trị” ra đời
năm 1859). Ông sử dụng lý thuyết này vào việc phân tích chuyển động của những cơ cấu
xã hội cụ thể, cụ thể là qua các tác phẩm “Đấu tranh giai cấp ở Pháp” (1850), “Ngày 18
tháng Sương Mù của Louis-Napoléon Bonaparte” (1851-1852), “Nội chiến ở Pháp”
(1870-1871). Kế tục Mác, Lê Nin đã có những công trình nghiên cứu sâu về kết cấu xã
hội Nga (“Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản ở Nga” xuất bản năm 1899).
Cùng thời với Lê Nin, Max Weber là người đã đưa việc nghiên cứu lý thuyết về cơ
cấu xã hội, giai cấp và phân tầng xã hội sang một cách thức mới, khi ông nêu lên ba yếu
tố trong sơ đồ phân tích: địa vị kinh tế (sở hữu tài sản và cơ may thị trường), địa vị chính
trị (quyền lực) và địa vị xã hội (uy tín). Với sơ đồ phân tích ấy, ông mở rộng việc nghiên
cứu cơ cấu xã hội không phải chỉ ở các giai cấp cơ bản mà còn là những tầng lớp khác
nữa (giai tầng), không phải chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà cả trong các lĩnh vực khác
(Scott, 2005: 639-640; 696-699).
Kết thúc thời kỳ xã hội học cổ điển (cuối thập niên 1920), xã hội học bước sang thời
kỳ hiện đại. Trong thời kỳ này, nghiên cứu về cơ cấu/ phân tầng xã hội một mặt tiếp tục
kế thừa thành quả trước, mặt khác có nhiều phát triển mới, đặc biệt về mặt thực nghiệm
(Scott, 2005; Grusky, 2001).
Truyền thống Mác xít ở các nước phương Tây tiếp tục nghiên cứu về cơ cấu giai
cấp, cơ sở kinh tế - xã hội và hệ quả văn hóa - xã hội của chúng ở các nước công nghiệp
phát triển. Nó cũng nghiên cứu nhiều về cơ cấu xã hội và giai cấp ở các nước thuộc Thế
giới thứ ba (Bùi Thế Cường, 2010c).
Truyền thống Mác xít ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu tập trung
nghiên cứu về kết cấu giai tầng trong các xã hội xã hội chủ nghĩa phát triển (Bùi Quang
Dũng và Lê Ngọc Hùng, 2005). Nó cũng nghiên cứu về kết cấu giai tầng ở các nước
phương Tây và các nước đang phát triển. Mặc dù có tác dụng nhất định trong việc hiểu
thực tế xã hội và từ đó đóng góp cho quản lý xã hội, song nghiên cứu về kết cấu xã hội và

giai tầng ở khối các nước xã hội chủ nghĩa nhìn chung sa lầy vào tình trạng minh họa giáo


Bùi Thế Cường

9

điều, góp phần tạo ra những quan niệm/ lý thuyết về cơ cấu xã hội và giai tầng không
phản ánh đúng hiện thực xã hội. Điều này ảnh hướng lớn đến tình trạng các nhà quản lý
xã hội hiểu biết không đầy đủ thực tế xã hội, tạo điều kiện cho những nhận định sai và ra
quyết định sai.
Bên cạnh truyền thống Mác xít, các nhà xã hội học ở phương Tây còn vận dụng
nhiều truyền thống lý luận khác nữa (lý thuyết về cơ cấu/ phân tầng xã hội của Weber,
chức năng luận, cấu trúc luận, quan điểm xung đột) để đẩy mạnh nghiên cứu phân tầng xã
hội về mặt thực nghiệm. Chịu ảnh hưởng sâu sắc của truyền thống thực chứng luận,
những nghiên cứu thực nghiệm đã góp phần làm rõ kết cấu giai tầng của các xã hội phát
triển ở phương Tây, giúp cho các Nhà nước cầm quyền có thể kiểm soát và quản lý được
tương đối hiệu quả sự vận động của xã hội (Mai Huy Bích, 2006, 2010; Bùi Thế Cường,
2010; Đỗ Thiên Kính, 2012).
Cách nghiên cứu thực nghiệm về cơ cấu/ phân tầng xã hội đã lan sang cả các nước
không phải phương Tây, bao gồm nhiều nước ở châu Á, Trung Quốc, cũng như ở Nga và
các nước xã hội chủ nghĩa cũ từ thập niên 1990 trở đi (Lục Học Nghệ, 2004; Phùng Thị
Huệ, 2008; Tạ Ngọc Tấn, 2013).
Từ đó cho đến nay, khảo sát thực nghiệm về phân tầng xã hội (bao gồm cả việc mở
rộng những phương án lý thuyết làm cơ sở cho thực nghiệm) đã trở nên rất thông dụng trong
xã hội học trên thế giới, trở thành công cụ không thể thiếu của quản lý xã hội: nhận diện động
năng xã hội, chẩn đoán, trị liệu và dự báo kịch bản. Người ta làm điều này cả ở cấp độ địa
phương, quốc gia và toàn cầu. Những nghiên cứu thực nghiệm ấy tìm cách làm rõ diện mạo
phân tầng xã hội, đồng thời đưa hàng loạt biến số về đặc điểm kinh tế, xã hội và văn hóa vào,
để tìm hiểu những khía cạnh khác của cơ cấu xã hội (Bùi Thế Cường, 2010).

Giới nghiên cứu phân tầng xã hội trên thế giới nhất trí với nhau rằng Mác và Max
Weber là hai tác giả đi tiên phong trong nghiên cứu cơ cấu xã hội mang tính giai cấp và
giai tầng. Lý thuyết của hai ông vẫn là cơ sở phương pháp luận chủ yếu cho nghiên cứu
về phân tầng xã hội hiện nay. Lý thuyết của Mác về hình thái kinh tế - xã hội và cơ cấu
giai cấp dựa trên quan hệ sản xuất là một nền tảng quan trọng cho nghiên cứu thực
nghiệm về cơ cấu/ phân tầng xã hội. Lý thuyết phân tầng xã hội của Max Weber phân loại
giai tầng xã hội dựa trên ba khía cạnh chủ yếu: kinh tế (tài sản và thu nhập), chính trị
(quyền lực), và văn hóa (uy tín xã hội). Từ cơ sở lý thuyết trên, trong các nước phát triển
người ta triển khai đều đặn hàng loạt điều tra cơ bản về thực trạng và xu hướng biến đổi
của cơ cấu giai tầng xã hội, nhằm thu thập thông tin phục vụ công tác hoạch định chính
sách và quản lý xã hội (Mai Huy Bích, 2006, 2010; Scott, 2005).
2. Cảnh quan nghiên cứu phân tầng xã hội ở Việt Nam
Lượng ấn phẩm về chủ đề cơ cấu xã hội/ phân tầng xã hội ở Việt Nam tăng nhanh qua
thời gian. Hình 1 thống kê chưa đầy đủ, nhưng giúp ta một ý niệm về tốc độ tăng số công
trình nghiên cứu có liên quan. Nói chung, số công trình tăng gần gấp đôi sau mỗi 10 năm.
Xuất xứ đề tài và ấn phẩm chỉ ra ba địa chỉ chính mà ta không thể bỏ qua khi tìm
hiểu tình hình nghiên cứu chủ đề ấy ở Việt Nam. Đó là (1) Ngân hàng Thế giới và Tổng
cục Thống kê; (2) cụm các cơ quan nghiên cứu của Đảng mà nòng cốt là Học viện Chính
trị quốc gia Hồ Chí Minh; và (3) Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, trong đó chủ
yếu là Viện Xã hội học và Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ. Trong cụm 1 còn có thể


10

Cảnh quan nghiên cứu phân tầng xã hội ở Việt Nam

kể đến một số cơ quan quốc tế khác như UNDP hay một số NGO. Trong cụm 2 có thể
bao gồm cả Hội đồng Lý luận Trung ương.
Hình 1. Số ấn phẩm (bài tạp chí khoa học và sách) về nghiên cứu phân tầng xã hội
ở Việt Nam từ thập niên 1980 đến gần đây


Nguồn: Bùi Thế Cường (2015b) (Số liệu chưa đầy đủ).

Tổng quan nghiên cứu cơ cấu/ phân tầng xã hội ở Việt Nam từ cuối thập niên 1970
đến nay, tác giả rút ra những nhận xét sau đây.
1. Sự phát triển của hướng nghiên cứu cơ cấu/ phân tầng xã hội đã được quan tâm
từ rất sớm, ngay từ cuối thập niên 1970 đầu thập niên 1980 trước thời kỳ Đổi mới, ngày
càng mở rộng trong hai thập niên 1990-2000 và những năm gần đây.
2. Nhiều tác giả và công trình đã chú trọng đến khía cạnh lý luận, phương pháp luận
cũng như kỹ thuật phân tích số liệu. So với nhiều chủ đề nghiên cứu khác, có thể nói rằng
ở lĩnh vực này nhiều nhà nghiên cứu rất cố gắng tìm tòi về mặt lý luận và kỹ thuật phân
tích. Điều ấy đem lại những thông tin và tri thức mới, tương đối đáng tin cậy, góp phần
vào nhận thức và xây dựng chính sách có liên quan đến cơ cấu giai tầng xã hội.
3. Thông qua những khảo sát định lượng cỡ mẫu lớn về mức sống dân cư và về
những chủ đề khác, Việt Nam đã có được những bộ số liệu đại diện toàn quốc và có hệ
thống qua thời gian, chứa đựng nhiều tiềm năng phát hiện thông tin và tri thức.
Ở đây cần nói thêm rằng, những bộ số liệu và nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới
và Tổng cục Thống kê luôn chiếm một vị trí đặc biệt, cho dù họ không trực tiếp đặt trọng
tâm vào phân tích phân tầng xã hội. Vị trí đặc biệt thể hiện ở chỗ họ định kỳ sản xuất ra
những bộ số liệu có hệ thống đại diện toàn quốc và có tính thẩm quyền chính thống.
Theo tôi, cần đánh giá cao đóng góp của Ngân hàng Thế giới ít nhất ở ba điều. Thứ
nhất, chính tổ chức này chứ không phải ai khác đã khởi xướng và sử dụng nguồn lực cũng
như ảnh hưởng của mình để thực hiện ở Việt Nam các khảo sát định lượng có hệ thống xét
về mặt chọn mẫu, thiết kế bảng hỏi, và nghiên cứu lặp định kỳ. Thứ hai, “phong cách phân
tích thống kê” của Ngân hàng Thế giới, tuy thường bị phê phán trên thế giới, song ở Việt
Nam đã đem đến luồng gió mới mẻ, dẫn đến những kết quả thực chứng khó bác bỏ về hiện
trạng cũng như mối liên quan giữa chính sách và hiện thực bất bình đẳng xã hội. Và điều ấy
đã tác động mạnh đến điều chỉnh chính sách ở Việt Nam. Thứ ba, tổ chức này còn một



Bùi Thế Cường

11

đóng góp quan trọng nữa mà hình như không được nhiều người chú ý. Đó là ảnh hưởng
mang tính quyết định của nó đối với việc đưa những cơ sở dữ liệu gốc nói trên ra công luận.
Nhờ chính sách công khai ấy của Ngân hàng Thế giới mà cộng đồng nghiên cứu trong nước
có thể tiếp cận dữ liệu gốc tương đối dễ dàng, điều trước đây chưa từng có.
Những đóng góp trên của Ngân hàng Thế giới đã tạo nên thách thức cũng như cơ hội
cho sự nở rộ và thành công của nhiều công trình nghiên cứu thực nghiệm trong nước về
phân tầng xã hội. Nhiều nhà nghiên cứu sử dụng những bộ số liệu ấy để phân tích về cơ cấu
xã hội và phân tầng xã hội ở Việt Nam. Tuy nhiên, so với tiềm năng của các bộ số liệu thì
mức độ khai thác còn khiêm tốn. Tương tự, bên cạnh các bộ số liệu định lượng, trong hơn
hai mươi năm qua, Việt Nam đã tích lũy được nhiều bộ dữ liệu định tính có liên quan. Song
mức độ khai thác cho chủ đề cơ cấu/ phân tầng xã hội cũng chưa nhiều như kỳ vọng.
4. Cũng cần phân biệt hai dòng nghiên cứu khác nhau, tuy có mối liên hệ khá chặt
chẽ. Dòng thứ nhất liên quan đến những khảo sát định lượng hộ gia đình hoặc cá nhân. Từ
dòng này, phần lớn các cơ quan thực hiện chủ yếu quan tâm đến chủ đề mức sống, bất
bình đẳng, các nhóm thiệt thòi (nghèo, dân tộc thiểu số, nông thôn, nữ). Dòng thứ hai là
những công trình trực tiếp đặt ra câu hỏi nghiên cứu liên quan đến cơ cấu xã hội/ phân
tầng xã hội. Dòng này cũng sử dụng dữ liệu của các khảo sát định lượng lớn nói trên.
5. Ở Việt Nam có thể nói đến ba địa chỉ chủ yếu có những nghiên cứu cơ cấu xã
hội/ phân tầng xã hội tương đối lớn, ổn định và bền bỉ qua thời gian. Đó là Viện Xã hội
học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), Viện Xã hội học (Học viện Chính trị
quốc gia Hồ Chí Minh) cùng một số cơ quan trực thuộc Học viện này, và Viện Khoa học
xã hội vùng Nam Bộ (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam). Hai cơ quan trực thuộc
Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam đã khởi đầu sớm (từ cuối thập niên 1970),
nhưng có vẻ như giảm đôi chút sự chú ý đến chủ đề này trong khoảng thời gian nửa sau
thập niên 1990 và nửa đầu thập niên 2000, và chỉ mới chú ý lại trong khoảng thời gian 10
năm trở lại đây. Trong khi đó, một số cơ quan nghiên cứu thuộc hệ thống cơ quan Đảng

liên tục chú ý đến chủ đề này từ đầu thập niên 1990 cho đến nay.
6. Người ta có thể nói đến ở mức độ nhất định về một hướng nghiên cứu cơ cấu/
phân tầng xã hội ở vùng Nam Bộ và thành phố Hồ Chí Minh do các nhà nghiên cứu làm
việc ở thành phố Hồ Chí Minh thực hiện. Truyền thống ấy bắt đầu từ cuối thập niên 1970,
vẫn tiếp nối trong thập niên 1990 và 2000, và có những bước phát triển mới trong thập
niên 2010. Đặc điểm của truyền thống này là chú trọng nghiên cứu thực nghiệm và
thường dựa trên khảo sát xã hội định lượng. Trong truyền thống đó, ngay từ cuối thập
niên 1970 đầu thập niên 1980, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ đóng vai trò quan
trọng và mang tính liên tục theo thời gian.
Trong phần lớn công trình nghiên cứu về phân tầng xã hội, nếu có tiến hành khảo
sát định lượng trực tiếp, có vẻ như ít có nỗ lực chọn mẫu mang tính đại diện cao cho
những quần thể dân cư có ý nghĩa. Ngoại lệ là ba cuộc khảo sát của Viện Khoa học xã hội
vùng Nam Bộ năm 2008 và 2010, thông qua cách chọn mẫu, đã cố gắng để chúng đạt tới
mức độ đại diện cho toàn vùng Nam Bộ.
7. Nghiên cứu thực nghiệm về cơ cấu/ phân tầng xã hội ở Việt Nam vẫn còn khá
manh mún, mặc dù từ đầu thập niên 1990 Nhà nước đã tăng cường đầu tư cho khoa học
xã hội. Các đề tài cấp Nhà nước tập hợp trong những chương trình (dưới mã số KHXH và


12

Cảnh quan nghiên cứu phân tầng xã hội ở Việt Nam

KX) suốt từ đầu thập niên 1990 đến nay là rất đồ sộ về quy mô (số lượng đề tài, mức kinh
phí). Song, chúng được “thiết kế” thiếu tầm nhìn hệ thống trong từng chu kỳ cũng như
thiếu tầm nhìn về tính liên tục giữa các chu kỳ. Kết quả là cho đến nay, với lịch sử gần 30
năm, hầu như khu vực các chương trình KX không để lại được những bộ dữ liệu có tính
hệ thống nào tương tự của Ngân hàng thế giới và Tổng cục Thống kê. Tính hệ thống thể
hiện ở chỗ vừa có được một tập hợp các chỉ số xã hội cơ bản phản ánh trạng thái xã hội
tại mỗi thời điểm, vừa có được tập hợp các chỉ số xã hội cơ bản ấy qua thời gian có thể so

sánh được theo nghĩa chặt chẽ, nhờ đó phân tích được biến đổi xã hội trong dài hạn. Điều
này cũng đúng với lĩnh vực nghiên cứu phân tầng xã hội. Đây là điều thực sự đáng tiếc, vì
mất mát thời gian và kinh phí là quá lớn.
8. Tuy có nhiều bước tiến về lý thuyết và kỹ thuật nghiên cứu như nhận xét thứ hai
nêu trên, song lĩnh vực này vẫn còn nhiều “tồn tại” về mặt phương pháp. Đây cũng là
điều bình thường, song vấn đề ở chỗ có quá ít nếu không nói là hầu như không có bài viết
thảo luận và phê phán nghiêm túc về các hạn chế trong phương pháp và kết quả nghiên
cứu1. Phần lớn, kể cả phân tích của Ngân hàng Thế giới, tập trung vào khác biệt mức
sống, và liên kết tình trạng này với biến số học vấn, vùng, nông thôn - đô thị, tộc người,
phần nào với biến số nghề. Kết quả, đem lại những bức ảnh chụp về “khác biệt xã hội”
hơn là về “phân tầng xã hội”. Điều lý thú là có sự tồn tại song song và xen kẽ nhau của
hai truyền thống nghiên cứu Mác xít và không Mác xít ở Việt Nam. Nhưng mặt hạn chế
của tình trạng này là thiếu sự tranh luận, cũng như đi đến cùng của quá trình nghiên cứu.
Việc đề cập cơ sở lý thuyết có vẻ còn tách rời với thực tiễn thực nghiệm, đôi khi mang
tính trang trí hời hợt.
9. Trong sử học có nhiều công trình nghiên cứu về cơ cấu xã hội và phân tầng xã
hội trong quá khứ. Nhưng hình như chưa có bài viết nào giúp ta có một tổng quan về tình
hình nghiên cứu đó. Một số ấn phẩm nghiên cứu về phân tầng xã hội đương đại, trước khi
đi vào nội dung chính, trong phần đầu thường đề cập đến phân tầng xã hội trong lịch sử.
Tuy nhiên, các tác giả mới phác họa mô hình hoặc sơ bộ diễn giải (Đỗ Thiên Kính, 2012;
Lê Văn Toàn, 2012; Tạ Ngọc Tấn và cộng sự, 2013). Sẽ bổ ích, nếu các nhà xã hội học và
sử học hợp tác với nhau để nhìn lại và tiếp tục phát triển hướng nghiên cứu ấy. Đặc biệt
bổ ích là nghiên cứu về các giai đoạn lịch sử rất gần đây, chẳng hạn cơ cấu/ phân tầng xã
hội ở Việt Nam trong thế kỷ XX cho đến trước thập niên 1990. Vì những cơ cấu/ phân
tầng xã hội ở giai đoạn này còn để lại nhiều hệ quả thực tiễn và tư tưởng đến tận ngày
nay, thậm chí vài thập niên nữa. Về mặt này, một số công trình về lịch sử kinh tế thời bao
cấp của Đặng Phong đem lại khá nhiều thông tin về phân tầng xã hội trong thời kỳ đó
(Đặng Phong, 2014). Hiện nay, ta cũng biết rất ít về phân tầng xã hội (thực tiễn cũng như
công trình nghiên cứu) ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, cũng như ở miền Bắc và miền
Nam Việt Nam giai đoạn 1954-1975.

10. Hướng nghiên cứu này cũng có một nhược điểm chung như nhiều lĩnh vực
nghiên cứu xã hội khác. Đó là sự cô lập tương đối cao của nghiên cứu trong nước với lĩnh
vực, chủ đề tương tự ở Đông Nam Á, Đông Á và trên thế giới. Hiếm thấy nghiên cứu
1

Trao đổi gần đây của Đỗ Thiên Kính (2014b) với Nguyễn Đình Tấn (2010a), theo tôi, là một bước đáng
khích lệ. Ta nên hoan nghênh Tạp chí Xã hội học đã nuôi dưỡng tinh thần hay môi trường trao đổi học thuật
như thế (Xem bài của hai tác giả này trong Tạp chí Xã hội học, Số 4(128)/2014).


Bùi Thế Cường

13

trong nước về cơ cấu/ phân tầng xã hội có so sánh với kết quả nghiên cứu tương tự ở khu
vực và trên thế giới. Cũng hiếm thấy nhà nghiên cứu Việt Nam công bố kết quả nghiên
cứu về cơ cấu/ phân tầng xã hội ở Việt Nam trên tạp chí khoa học quốc tế.
3. Triển vọng của thực tiễn và nghiên cứu phân tầng xã hội
Một số tác giả có nhận định khá bi quan về triển vọng biến đổi phân tầng xã hội ở Việt
Nam trong thập niên 2000-2010 (Đỗ Thiên Kính, 2012; 2014a; Bùi Thế Cường, 2010, 2015a).
Khoảng cách phân tầng ngày càng rộng và tỏ ra mất kiểm soát, có vẻ như không thể
đảo ngược được nữa. Quan sát ở cấp vi mô và vĩ mô cho thấy những chuyển động kịch
tính. Mọi chủ thể vi mô (cá nhân, gia đình, và có thể là cộng đồng, nhóm nhỏ) đang nỗ
lực vật lộn với “cấu trúc phân tầng xã hội” với hy vọng cải thiện hoàn cảnh sống và vị thế
xã hội của mình, nhưng có vẻ như chỉ một thiểu số thành công, đa số còn lại tuy có cải
thiện nhiều về điều kiện sống nhưng tương quan vị thế không thay đổi thậm chí xấu đi.
Các chủ thể hành động ở cấp vĩ mô chưa thấy thể hiện ra một cam kết chính trị đủ mạnh
cũng như hành động chính sách kiên quyết và có hiệu quả. Khác với các nước và vùng
lãnh thổ ở Đông Á (Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan) và Singapore ở Đông Nam Á, càng khác
với những nước đạt được tính định hướng xã hội chủ nghĩa (về mặt phúc lợi toàn dân) cao

ở Bắc Âu, Việt Nam dường như đang ngày càng khó có triển vọng hình thành được một
cơ cấu xã hội mang tính trung lưu phổ biến với mức bất bình đẳng thấp.
Nếu động năng vừa qua và hiện nay của thực tiễn phân tầng xã hội dẫn đến dự đoán
khiêm tốn, thì ta lại có thể tương đối lạc quan về sự phát triển của nghiên cứu phân tầng
xã hội ở Việt Nam trong khoảng 10 năm tới.
Nhưng để hiện thực hóa triển vọng lạc quan ấy, các trung tâm nghiên cứu chủ chốt cần
nỗ lực đổi mới lý thuyết, phương pháp và định chế. Những tổ chức và cá nhân có ảnh hưởng
lớn đến định hướng nghiên cứu xã hội (nhà nghiên cứu cao cấp, nhà quản lý các cơ quan
nghiên cứu, các tổ chức tài trợ, và cơ quan quản lý Nhà nước về nghiên cứu khoa học) cần có
tầm nhìn và cam kết mạnh mẽ hơn. Một vấn đề tối quan trọng là làm thế nào để nghiên cứu
có ảnh hưởng thực sự đến thay đổi chính sách, qua đó thay đổi thực tiễn. Thực ra, giới nghiên
cứu đã cảnh báo rất sớm và rõ ràng về thực trạng và xu hướng phân tầng xã hội, nhưng “thực
tiễn ấy” vẫn “bứt phá” trên con đường riêng của nó với tốc độ và sự “cương quyết” ngày càng
cao, trước sự thờ ơ, hay bất lực, hay phẫn nộ của mọi người ở mọi vị trí.
Để tiếp tục phát triển nghiên cứu về cơ cấu xã hội/ phân tầng xã hội ở Việt Nam,
trước mắt cần những tổng quan và thảo luận sâu rộng, nêu bật những kết quả và hạn chế
chủ yếu. Đồng thời, các nhà quản lý khoa học và giới nghiên cứu xã hội cao cấp cần thay
đổi quan niệm và cải tiến cơ chế để xây dựng những chương trình nghiên cứu mang tầm
nhìn hệ thống và tầm nhìn thời gian hơn
Tài liệu tham khảo
Bùi Quang Dũng, Lê Ngọc Hùng. 2005. Lịch sử xã hội học. Nxb Lý luận chính trị. Hà Nội.
Bùi Thế Cường. 2010. Góp phần tìm hiểu biến đổi xã hội ở Việt Nam hiện nay. Nxb Khoa học xã hội.
Hà Nội.
Bùi Thế Cường. 2014. Nghiên cứu phân tầng xã hội ở Việt Nam. Chuyên đề Đề tài “Chuyển dịch cơ cấu xã
hội trong phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm
2020”, Mã số: KX.02.20/11-15.


14


Cảnh quan nghiên cứu phân tầng xã hội ở Việt Nam

Bùi Thế Cường. 2015a. Nông dân trong cấu trúc phân tầng xã hội. Tạp chí Xã hội học, số 2: 20-31.
Bùi Thế Cường. 2015b. Nghiên cứu phân tầng xã hội ở Nam Bộ (Nhìn từ đóng góp của Viện Khoa học
xã hội vùng Nam Bộ). Tạp chí Khoa học xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, số 9+10: 42-57. Tp.
Hồ Chí Minh.
Bùi Thế Cường. 2016. Người dân ở vùng Đông Nam Bộ xếp bậc uy tín nghề nghiệp. Tạp chí Xã hội học, số
1: 13-19.
Đặng Phong. 2014. Tư duy kinh tế Việt Nam 1975-1989. Tái bản lần thứ tư.. Nxb Tri thức. Hà Nội
Đỗ Thiên Kính. 2012. Hệ thống phân tầng xã hội ở Việt Nam hiện nay (Qua những cuộc điều tra mức sống
hộ gia đình Việt Nam 2002-2004-2006-2008). Nxb Khoa học xã hội. Hà Nội.
Đỗ Thiên Kính. 2014a. Rào cản đối với tầng lớp nông dân trong hệ thống phân tầng xã hội ở Việt Nam hiện
nay. Tạp chí Xã hội học, số 2: 4-14.
Đỗ Thiên Kính. 2014b. Trao đổi về nghiên cứu phân tầng xã hội ở Việt Nam hiện nay. Tạp chí Xã hội học,
số 4: 74-81.
Grusky, David B. (editor). 2008. Social Stratification: Class, Race, and Gender in Sociological Perspective.
Third Edition. Westview Press.
Lê Hữu Nghĩa và Lê Ngọc Hùng (đồng chủ biên). 2012. Cơ cấu xã hội, phân tầng xã hội trong điều kiện
Đổi Mới ở Việt Nam. Nxb. Chính trị quốc gia. Hà Nội
Lê Hữu Nghĩa, Nguyễn Đình Tấn và Lê Ngọc Hùng. 2010. Cơ cấu xã hội và phân tầng xã hội (Qua khảo
sát một số tỉnh, thành phố ở Việt Nam). Nxb Đại học Quốc gia. Hà Nội.
Lê Văn Toàn. 2012. Phân tầng xã hội ở Việt Nam trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường và
hội nhập quốc tế. Nxb Chính trị quốc gia. Hà Nội.
Lục Học Nghệ (chủ biên). 2004. Báo cáo nghiên cứu giai tầng xã hội Trung Quốc đương đại. Viện Nghiên
cứu Trung Quốc. Hà Nội,
Magill N. Frank (editor). 1995. International Encyclopedia of Sociology. Volume 1 and 2. London and
Chicago: Braun-Brumfield, Inc.
Mai Huy Bích. 2006. Lý thuyết phân tầng xã hội và những phát triển gần đây ở phương Tây. Tạp chí Xã hội
học, số 3: 106-115.
Mai Huy Bích. 2010. Một số quan điểm xã hội học phương Tây (phi Marxist) trong việc tiếp cận nghiên

cứu phân tầng xã hội trên thế giới. Chuyên đề Đề tài cấp Bộ của Đỗ Thiên Kính. 2009-2010.
Một số vấn đề cơ bản về sự biến đổi cơ cấu xã hội ở Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Viện Xã
hội học. Hà Nội.
Ngân hàng Thế giới. 1995. Việt Nam Đánh giá sự nghèo đói và chiến lược. Hà Nội.
Ngân hàng Thế giới. 1999. Báo cáo phát triển Việt Nam 2000 Tấn công nghèo đói. Hà Nội.
Ngân hàng Thế giới. 2003. Báo cáo phát triển Việt Nam 2004 Nghèo. Hà Nội.
Nguyễn Đình Tấn. 2010a. Xã hội học về cơ cấu xã hội và phân tầng xã hội - một chặng đường 20 năm
nghiên cứu, phát triển và ứng dụng. Tạp chí Xã hội học, số 3: 6-12.
Nguyễn Đình Tấn (chủ biên). 2010b. Xu hướng phân tầng xã hội trong quá trình phát triển kinh tế thị
trường ở Việt Nam hiện nay. Nxb Lao động. Hà Nội.
Phùng Thị Huệ. 2008. Biến đổi cơ cấu giai tầng ở Trung Quốc trong thời kỳ cải cách mở cửa. Nxb Khoa
học xã hội. Hà Nội.
Scott, John and Gordon Marshall. 2005. Oxford Dictionary of Sociology. New York: Oxford
University Press.
Tạ Ngọc Tấn (chủ biên). 2010. Một số vấn đề về biến đổi cơ cấu xã hội Việt Nam hiện nay. Hà Nội. Nxb
Chính trị quốc gia.
Tạ Ngọc Tấn (chủ biên). 2013. Xu hướng biến đổi cơ cấu xã hội Việt Nam. Nxb Chính trị quốc gia. Hà Nội.



×