Tải bản đầy đủ (.doc) (19 trang)

Đề xuất đổi mới phương pháp dạy học nhóm bài thơ đường trong chương trình ngữ văn 10 THPT, ban cơ bản

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (184.34 KB, 19 trang )

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THANH HOÁ

TRƯỜNG THPT HẬU LỘC 2

SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM

ĐỀ XUẤT ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC NHÓM
BÀI THƠ ĐƯỜNG TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGỮ VĂN
LỚP 10 THPT - BAN CƠ BẢN

Người thực hiện: Phạm Thị Tuyết
Chức vụ:
Giáo viên
Đơn vị công tác: Trường THPT Hậu Lộc 2
SKKN thuộc môn: Ngữ văn

THANH HOÁ NĂM 2019
1


MỤC LỤC
Phần một: Mở đầu
I. Lí do chọn đề tài :……………………………………………………Trang 2
II. Mục đích nghiên cứu: …………………………………… ………..Trang 3
III. Đối tượng nghiên cứu:…………………………………………….Trang 3
IV. Phương pháp nghiên cứu: ………………………………………..Trang 4
Phần hai: Nội dung:
Chương 1: Cơ sở nghiêncứu:……………………………………… ....Trang 4
Chương 2: Một số đề xuất về việc dạy học nhóm bài thơ Đường trong
chương trình Ngữ văn lớp 10- ban cơ bản:
I. Đổi mới trong tiến trình dạy học.......................................................Trang 6


II. Đổi mới trong kiểm tra đánh giá: … ……………………………Trang 11
Chương 3: Áp dụng sáng kiến trong dạy học văn bản “ Tại lầu Hoàng Hạc
tiến Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng”
I. Áp dụng sáng kiến trong thiết kế giáo án…………………………Trang 11
II. Áp dụng sáng kiến trong kiểm tra đánh giá……………………. Trang 14
Chương 4 : Hiệu quả của việc áp dụng sáng kiến sau khi giảng dạy thơ
Đường……………………………………………………………….…Trang 15
Phần ba: Kết luận:……………………………………………………Trang 16

2


PHẦN MỘT: MỞ ĐẦU
I. LÍ DO CHỌN ĐỀ TÀI
1. Về việc dạy và học chương trình văn học nước ngoài ở trường THPT
1.1 Dạy học các tác phẩm văn học nước ngoài (VHNN) từ lâu đã là một bộ
phận trong chương trình môn Ngữ Văn bậc trung học phổ thông (THPT). Điều
này phản ánh tính tất yếu trong quá trình hội nhập, giao lưu với thế giới, tiếp thu
có chọn lọc tinh hoa văn hóa nước ngoài của văn học và giáo dục Việt Nam.
Việc giới thiệu tác giả, tác phẩm thuộc nhiều nền văn học ở nhiều thời đại và thể
loại văn học khác nhau nhằm mục đích chính là thông qua sự tác động thẩm mĩ
của thế giới nghệ thuật do những nghệ sĩ tài năng sáng tạo nên để mở rộng hiểu
biết về văn học, nghệ thuật, bồi dưỡng tình cảm thẩm mĩ, giáo dục nhân cách
cho học sinh.
Với yêu cầu đó, chương trình VHNN bậc THPT đã chọn một số tác phẩm,
thể loại văn học thuộc những nền văn học lớn trên thế giới từ lâu đã gần gũi với
đời sống văn hóa người Việt Nam như sử thi Ấn Độ, sử thi Hi Lạp, thơ Đường,
kịch phục hưng Anh, tiểu thuyết lãng mạn Pháp, thơ trữ tình Nga, tiểu thuyết
chương hồi Trung Quốc...Rõ ràng là sự lựa chọn phong phú trong thể loại như
trên vừa có nền tảng khoa học hợp lý vừa mang lại niềm hứng thú, sự say mê

trong việc giảng dạy và học tập của giáo viên và học sinh. Nhiều tác phẩm được
chọn trong chương trình đã được đón nhận nồng nhiệt và tạo ấn tượng thẩm mĩ
dài lâu trong các thế hệ học sinh như thơ trữ tình của A. Pus - kin, Ta-go, truyện
ngắn của Lỗ Tấn, Sô - lô - khôp..Những hiểu biết về cuộc sống, nhất là thế giới
tâm hồn sâu thẳm bên trong của con người mà các tác phẩm VHNN mang lại đã
làm nên một phần không nhỏ trong vốn tri thức văn hóa, kỹ năng sống cho nhiều
thế hệ học sinh.
1.2 Tuy nhiên, cũng cần phải thừa nhận một thực tế tồn tại nhiều năm qua
trong quá trình dạy - học tác phẩm VHNN, đó là việc học sinh chưa thật sự say
mê, chưa dành thời gian thích đáng để hiểu đúng, hiểu sâu về vị trí, tầm vóc, các
lớp nội dung ý nghĩa và thành công nghệ thuật của các văn bản nước ngoài được
giới thiệu. Phần lớn học sinh kể tên được tác giả, tác phẩm VHNN được học
nhưng lại lúng túng trong việc trình bày, đánh giá điểm độc đáo, đặc trưng của
từng tác phẩm. Về phía người dạy, cũng không ít bạn đồng nghiệp gặp khó khăn
trong lựa chọn phương pháp, hình thức tổ chức dạy học. Bên cạnh đó, phải kể
đến tâm lí " Không thi không học " mảng VHNN của cả thầy và trò... đã làm cho
việc dạy và học VHNN chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Nói như trên, chúng tôi không hề có ý phủ định những thành tựu đã đạt
được mà mong muốn đặt ra vấn đề: dạy học tác phẩm văn học nước ngoài trong
chương trình THPT như thế nào để đạt mục tiêu như chuẩn kiến thức - kĩ năng
đã đặt ra ?
2. Về việc dạy học nhóm bài thơ Đường trong chương trình Ngữ văn lớp
10 THPT, ban cơ bản
2.1 Đặc điểm chương trình
Phần thơ Đường được phân phối chương trình dành 03 tiết:
- 01 tiết bài Tại lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng
3


- 01 tiết bài Cảm xúc mùa thu

- 01 tiết: Đọc thêm ba bài: Nỗi oán của người phòng khuê (Vương Xương
Linh), Lầu Hoàng Hạc (Thôi Hiệu), Khe chim kêu (Vương Duy).
Có thể nói, trong khuôn khổ có hạn của chương trình, phần thơ Đường đã được
dành một vị trí xứng đáng (so với sử thi Hi Lạp- 02 tiết, sử thi Ấn Độ - đọc
thêm).
2.2 Nằm trong tình hình chung của việc dạy học VHNN, việc dạy học thơ
Đường đã đạt được kết quả đáng khích lệ: giới thiệu được một di sản văn hóa
tinh thần của nhân dân Trung Quốc, giới thiệu được những tác giả tác phẩm
hàng đầu của Đường thi, mang đến cho người dạy và người học những rung cảm
thẩm mĩ mới mẻ, đậm chất nhân văn, mở rộng vốn từ Hán Việt, hình thành kĩ
năng đọc hiểu tác phẩm VH trung đại, bồi đắp tình cảm trong sáng...
Song việc dạy học thơ Đường đã và đang đặt ra nhiều câu hỏi. Rất nhiều
thầy cô giáo cảm nhận và thấm thía sự khó khăn của việc dạy thơ Đường: cảm
sao cho hết, dạy sao cho thấu chiều sâu và những bến bờ ý nghĩa tầng tầng lớp
lớp mà một văn bản rất mỏng manh mở ra ?Vì thế, phương pháp được chọn
thông thường vẫn là: thầy giảng trò ghi, thầy cảm nhận và trải nghiệm thay trò.
Và trong thực tế, nhiều người dạy thơ Đường như dạy một bài thơ trung đại Việt
Nam. Ngoài sự lúng túng về phương pháp nói trên, hình thức tổ chức dạy học và
kiểm tra đánh giá cũng chưa có nhiều đổi mới. Về phía người học, rất nhiều học
sinh tỏ ra thiếu hứng thú do sự khác biệt về ngôn ngữ, về văn hóa, sự xa cách về
thời đại và nhất là chưa xác định đúng động lực khi học VHNN.
Từ thực tế trên, bản sáng kiến kinh nghiệm của tôi chọn đề tài: "Đề xuất
đổi mới phương pháp dạy học nhóm bài thơ Đường trong chương trình
Ngữ văn 10 THPT, ban cơ bản ".
II. MỤC ĐÍCH NGHIÊN CỨU
Mục tiêu của sáng kiến này là phân tích những cơ sở lí luận và thực tiễn của việc
dạy học thơ Đường, bàn bạc về phương pháp và hình thức tổ chức dạy học, hình
thức kiểm tra đánh giá trong quá trình dạy học thơ Đường, soạn giáo án thử
nghiệm bài Tại lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng (Lí Bạch)
theo tinh thần đổi mới. Tôi mong muốn góp một tiếng nói dù còn nhỏ bé vào

việc nhận thức đúng vai trò vị trí của việc dạy học thơ Đường, đổi mới phương
pháp dạy học nhóm bài trên nhằm đạt hiệu quả giáo dục cao nhất.
III. ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU
Vì dung lượng có hạn của một sáng kiến kinh nghiệm, đề tài chỉ tập trung
vào nhóm bài thơ Đường trong chương trình Ngữ văn lớp 10 THPT, ban cơ bản.
Bao gồm các bài :
- “Tại lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng” ( Lí Bạch)
- “Cảm xúc mùa thu” ( Đỗ Phủ)
- Đọc thêm 3 bài: “Nỗi oán của người phòng khuê” (Vương Xương Linh),
“Lầu Hoàng Hạc” (Thôi Hiệu), “Khe chim kêu” (Vương Duy).
IV. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Sử dụng kết hợp các phương pháp:
- Phương pháp thống kê
4


- Phương pháp so sánh đối chiếu
- Phương pháp tiếp cận hệ thống
- Phương pháp lịch sử.
- Phương pháp tiếp cận thi pháp học.

PHẦN HAI: NỘI DUNG
CHƯƠNG 1
NHỮNG CƠ SỞ CỦA ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC PHẦN THƠ
ĐƯỜNG TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGỮ VĂN 10 THPT
I. CƠ SỞ LÍ LUẬN
1. Mức độ cần đạt về chuẩn kiến thức, kĩ năng đối với chủ đề thơ
Đường
Theo Tài liệu Hướng dẫn thực hiện chuẩn kiến thức, kĩ năng môn Ngữ
Văn lớp 10 (NXB Giáo dục, 2010), Chương trình Giáo dục phổ thông môn Ngữ

văn 10 quy định mức độ cần đạt về chuẩn kiến thức, kĩ năng đối với chủ đề thơ
Đường như sau:
- Hiểu được những đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của các bài thơ
(Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng - Lí Bạch; Thu hứng Đỗ Phủ; các bài đọc thêm: Hoàng Hạc lâu - Thôi Hiệu; Khuê oán - Vương
Xương Linh; Điểu minh giản - Vương Duy): đề tài, cấu tứ, bút pháp tình cảnh
giao hòa; phong thái nhân vật trữ tình; tính cách luật và vẻ đẹp hàm súc cổ điển.
- Hiểu một số đặc điểm cơ bản của thơ Đường; biết liên hệ đối chiếu để
hiểu một số đặc điểm của thơ Đường luật Việt Nam.
- Biết cách đọc hiểu tác phẩm thơ Đường theo đặc trưng thể loại.
2. Phương pháp và tiến trình dạy học nhóm bài thơ Đường
Sách giáo viên Ngữ Văn 10 tập 1 (NXB Giáo dục, 2006, trang 184) định
hướng: khi dạy học nhóm bài thơ Đường, giáo viên cần:
- Gợi cho học sinh liên tưởng về các mối quan hệ, đặt mình vào vị trí của
nhân vật trữ tình từ đó mà cảm nhận được tâm trạng nhân vật.
- Đối chiếu bản dịch thơ với nguyên tác để thấy giữa bản dịch và nguyên
tác có một khoảng cách.
- Liên hệ so sánh với những tác phẩm cùng đề tài trong văn học Việt Nam.
3. Phương tiện dạy học nhóm bài thơ Đường
Giáo viên có thể sử dụng tư liệu dạy học là tranh chân dung Lí Bạch, Đỗ
Phủ theo danh mục thiết bị dạy học của Bộ Giáo dục và đào tạo.
Ngoài ra, có thể sưu tầm tranh minh họa là phong cảnh sông Trường
Giang, phong cảnh vùng rừng núi Vu Sơn, Vu giáp mùa thu, tranh ảnh về lầu
Hoàng Hạc, tranh thủy mặc Trung Quốc.

II. CƠ SỞ THỰC TIỄN
5


1. Kiến thức của học sinh về thể loại văn học đã được trang bị ở bậc
THCS

Tại cấp học THCS, học sinh đã được học một số văn bản văn học viết
theo thể thơ thất ngôn bát cú, thơ ngũ ngôn của tác giả văn học Việt Nam, văn
học Trung Quốc thời trung đại ( “Cảnh ngày xuân” - Trần Nhân Tông, “Bánh
trôi nước” - Hồ Xuân Hương, “Qua đèo Ngang” - Bà Huyện Thanh Quan,
“Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh” - Lí Bạch). Qua những sáng tác trên, học sinh
đã phần nào hình dung được đặc điểm cơ bản của các thể thơ trên về số câu, về
số tiếng, quy định về niêm, đối, bút pháp tả cảnh ngụ tình, tính quy phạm trang
trọng, hình ảnh ước lệ cổ điển...Đây là vốn tri thức cần thiết, quý báu mà người
giáo viên cần lưu ý khai thác trong quá trình tổ chức học sinh tiếp cận văn bản
mới.
2. Kiến thức của học sinh về thơ Đường đã được trang bị ở bậc THCS
Ở chương trình THCS, văn bản thơ Đường được chọn học gồm:
- “Vọng Lư Sơn bộc bố” (Xa ngắm thác núi Lư - Lí Bạch )
- “Tĩnh dạ tư” (Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh - Lí Bạch)
- “Mao ốc thu phong sở phá ca” (Bài hát gió thu thổi tốc nhà - Đỗ
Phủ).
Qua tiếp cận với những tác phẩm trên, học sinh đã được trang bị kiến thức
cơ bản về thời gian xuất hiện, tồn tại và phát triển của thơ Đường, hiểu được
phần nào vẻ đẹp bay bổng lãng mạn trong thơ Lí Bạch, phong cách trầm uất
nghẹn ngào của thơ Đỗ Phủ. Đây là những tiền đề quan trọng cho việc dạy và
học những văn bản thơ Đường ở chương trình Ngữ Văn 10.
3. Kiến thức của học sinh về từ Hán Việt đã được trang bị ở bậc
THCS
Do hoàn cảnh lịch sử - địa lí, trong tiếng Việt có một lớp từ đặc biệt, đó là
lớp từ Hán Việt - kết quả của quá trình tiếp xúc, giao lưu ngôn ngữ - văn hóa
Việt - Hán kéo dài qua hàng chục thế kỉ. Với học sinh lớp 10 THPT, sau thời
gian dài học tập môn Ngữ Văn ở các cấp học trước, các em đã có một vốn từ
Hán Việt được trang bị khá đồng bộ và có hệ thống. Giáo viên cần chú ý khai
thác hiểu biết về từ Hán Việt của học sinh, nhất là khi so sánh đối chiếu giữa bản
dịch và nguyên tác. Việc làm này vừa có ý nghĩa giúp hiểu đúng tinh thần văn

bản vừa củng cố vốn từ Hán Việt cho các em, hướng tới tích hợp kiến thức và kĩ
năng bộ môn.
4. Tâm lí tiếp nhận thơ Đường của học sinh THPT
Từ lâu nay, thơ Đường và nhiều thành tựu văn học nghệ thuật Trung Quốc
đã đến với công chúng văn học Việt Nam, nhiều tác phẩm thậm chí đã có chỗ
đứng bền chặt trong tâm hồn người Việt. Các tác phẩm thơ Đường không quá xa
lạ trong tâm lí tiếp nhận của người Việt, trong đó có học sinh phổ thông, vì
những sáng tác này đều hướng đến giãi bày tình cảm, cảm xúc rất phổ biến với
người phương Đông như nỗi buồn biệt li sầu hận trong tình bạn, tình yêu, nỗi
buồn cô lẻ của người lữ thứ trong buổi chiều cô liêu xứ lạ... Qua quá trình giao
lưu, tiếp xúc văn hóa hàng ngàn năm nay giữa Việt Nam và Trung Quốc, những
cách diễn tả đặc trưng của thơ Đường như chấm phá, gợi tả, khơi gợi cảm nhận,
đánh thức liên tưởng, thiết lập những mối quan hệ...đã gần gũi hơn với tư duy
6


nghệ thuật của người Việt. Lớn lên trong môi trường văn hóa như vậy, học sinh
lớp 10 có thể cảm và hiểu những hình ảnh, những lớp ý nghĩa của văn bản thơ
Đường được giới thiệu không quá khó khăn như khi tiếp cận tác phẩm đến từ
những nền văn hóa có nhiều khác biệt.
Tóm lại, những cơ sở lí luận và thực tiễn mà chúng tôi phân tích ở trên có
ý nghĩa nhắc nhở người dạy cần cân nhắc, xem xét những điều kiện khách quan
và chủ quan ảnh hưởng tới sự lựa chọn phương pháp, hình thức, tiến trình dạy
học thơ Đường trong chương trình Ngữ Văn 10, nắm vững và khai thác triệt để
mặt tích cực của những cơ sở trên, người dạy và người học sẽ có con đường tiếp
cận thơ Đường phù hợp.
CHƯƠNG 2
MỘT SỐ ĐỀ XUẤT VỀ VIỆC DẠY HỌC
NHÓM BÀI THƠ ĐƯỜNG TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGỮ VĂN 10
THPT (BAN CƠ BẢN, CHƯƠNG TRÌNH CHUẨN)

Từ sự phân tích những cơ sở của hoạt động dạy học thơ Đường trong
chương trình Ngữ Văn 10 THPT hiện nay, kết hợp với thực tế công tác giảng
dạy những năm vừa qua, với mong muốn góp một tiếng nói nhỏ trong đổi mới
phương pháp dạy học Văn ở nhà trường phổ thông, chúng tôi mạnh dạn đưa ra
những đề xuất sau:
I. ĐỔI MỚI TRONG TIẾN TRÌNH DẠY HỌC
1. Tạo tâm lí thoải mái, hứng thú cho học sinh trước và trong suốt quá trình
tiếp cận văn bản thơ Đường
Tâm lí xem tác phẩm văn học nước ngoài là xa lạ, khó hiểu, học VHNN là
nhiệm vụ bắt buộc trong khi không thi Đại học cao đẳng vào phần VHNN khiến
học sinh học qua quít, chiếu lệ...là một thực tế tồn tại lâu nay. Bởi vậy, việc tạo
ra tâm lí chờ đợi, đón nhận, khao khát chiếm lĩnh tri thức mới để làm giàu vốn
văn học, văn hóa từ phía học sinh là điều giáo viên phải đặt ra, phải đạt tới từ
trước khi bắt đầu bài học và trong suốt quá trình tổ chức hướng dẫn học sinh tìm
hiểu bài. Trong mối quan hệ hình tam giác mà ba đỉnh lần lượt là giáo viên - văn
bản thơ Đường - học sinh thì người giáo viên phải là người chủ động thiết lập và
thúc đẩy mối quan hệ ấy từ tĩnh sang động, kích thích được ý thức tham gia tích
cực, có mục tiêu rõ ràng của học sinh gần như trùng khớp với chuẩn kiến thức kĩ năng - thái độ mà bài học đề ra.
Có thể khởi động tạo ra sự tương tác giữa ba chủ thể đó với nhau theo
hướng sau:
1.1. Chuẩn bị chu đáo lời giới thiệu bài mới
Giống như khi bắt đầu những giờ học văn bản văn học khác, lời giới thiệu
bài mới khi dạy học thơ Đường phải có khả năng khơi gợi tâm lí cảm thụ, tạo
tâm thế văn học cho học sinh. Ví dụ, lời vào bài “Tại lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh
Hạo Nhiên đi Quảng Lăng”; có giáo viên nêu lên câu hỏi về những bài thơ viết
về tình bạn mà em đã học, nhận xét ngắn gọn về sự khác biệt trong cách diễn tả
của từng nhà thơ. Câu hỏi này là một cây cầu nối tri thức đã biết với cái đang
7



cần tìm hiểu phía trước của học sinh. Từ đó, giáo viên đặt ra vấn đề: từ ngàn
năm trước, nhà thơ Lí Bạch cảm nhận và viết về tình bạn như thế nào, tiếng nói
xưa ấy có còn gần gũi với chúng ta…Thông qua cách đặt vấn đề này, người dạy
định hướng cả hai vấn đề lớn về nội dung và nghệ thuật thơ, đồng thời hướng
đến giáo dục về thái độ: dù trong hình thức thơ khác biệt, dù xa cách về thời
gian hay không gian thì với con người, tình bạn luôn là một giá trị được trân
trọng.
Vào bài “Cảm xúc mùa thu”, có thể khơi gợi cảm nhận của học sinh về
đặc trưng mùa thu ở đất nước nhiệt đới gió mùa Việt Nam, từ đó mở ra so sánh
với mùa thu ở những nước hàn đới như Hàn Quốc, Trung Quốc rồi giới thiệu
Cảm xúc mùa thu như một bức phác họa thâu tóm được thần thái mùa thu ở
vùng núi rừng Trung Quốc xưa.
Cũng có thể khởi đầu giờ học “Cảm xúc mùa thu” bằng câu chuyện
nhuốm màu truyền thuyết về cái chết của Thi thánh Đỗ Phủ trên con thuyền nhỏ
rách nát nơi xứ người, sau đó giới thiệu văn bản. Khi đó, sự cảm nhận của học
sinh về hình ảnh “Cô chu nhất hệ cố viên tâm” sẽ sâu sắc hơn, xúc động hơn.
1.2. Liên hệ, giới thiệu những giai thoại quanh văn bản
Những câu chuyện mang tính truyền thuyết về sự ra đời, số phận văn bản,
sự đáng giá phẩm bình của đương thời và hậu thế về văn bản luôn có sức hấp
dẫn học sinh. Do đó, khi đọc hiểu bài thơ Lầu Hoàng Hạc của Thôi Hiệu, giáo
viên có thể kể vắn tắt giai thoại Lý Bạch cũng từng đến lầu Hoàng Hạc, nảy sinh
thi hứng muốn cất bút đề thơ nhưng khi thấy Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu trên
vách chùa, Lý Bạch cảm khái thốt lên rằng:
Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc
Thôi Hiệu đề thi tại thượng lầu
( Dịch thơ:
Cảnh hay trước mắt nói không đặng
Thôi Hiệu đề thơ ở trên đầu)
rồi gác bút. Câu chuyện hẳn sẽ gây ngạc nhiên về sự khiêm tốn của Thi tiên Lý
Bạch và nhất là giúp học sinh hình dung phần nào về tầm vóc kì diệu của bài

Hoàng Hạc lâu. Nói chung, những giai thoại nhỏ về tác phẩm được đưa vào giờ
học đúng lúc, đúng chỗ, đúng dung lượng cần thiết sẽ gợi hứng thú cho người
học, mang tác phẩm đến gần cuộc đời hơn.
2. Chú trọng khâu đọc văn bản
Giáo viên cần hướng dẫn học sinh đọc cả ba bản: Phiên âm, dịch nghĩa,
dịch thơ. Phần phiêm âm cần kết hợp giữa đọc với giảng giải ý nghĩa của từ ngữ,
hình ảnh, nhất là từ ngữ được xem là nhãn tự trong bài. Sau khi đọc, cần yêu cầu
học sinh phát hiện và so sánh sự khác biệt giữa bản dịch thơ và nguyên tác. Hoạt
động này sẽ giúp các em nhận thức đúng, đủ về những tầng ý nghĩa phát lộ ngay
trên bề mặt và ẩn chứa trong bề sâu. Việc đọc, giảng giải từ ngữ có thể chiếm
nhiều thời gian trên lớp. Để khắc phục điểu này, người giáo viên có kinh nghiệm
dạy học cần đặt ra yêu cầu tự đọc văn bản trước khi tới lớp, quy định rõ ràng về
công việc tập tóm tắt văn bản, nếu là văn bản tự sự, học thuộc lòng toàn bộ hoặc
8


một đoạn trích, nếu là văn bản trữ tình. Sự hướng dẫn này tạo thành cách tiếp
cận chủ động, có ý thức ở học sinh.
3. Khai thác văn bản dựa trên đặc trưng nghệ thuật tác phẩm trữ tình và
đặc trưng của Đường thi
3.1. Đặc trưng về thể thơ
Thơ Đường có hàng vạn bài nhưng tựu trung lại, thường được sáng tác
theo ba thể: Đường luật, cổ phong, từ. Trong đó, phổ biến nhất là Đường luật với
các thể: tứ tuyệt, thất ngôn bát cú, bài luật (hay còn gọi là thơ trường thiên). Bài
học về một số thể thơ được giới thiệu ở chương trình Ngữ Văn 11 nhưng khi dạy
học nhóm bài thơ Đường, giáo viên có thể huy động vốn hiểu biết về thể thơ
Đường luật của học sinh vì các em đã tiếp cận với thơ thất ngôn bát cú và thơ tứ
tuyệt ở bậc THCS.
3. 2. Cấu tứ thơ Đường
Một bài thơ trung đại nói chung và thơ Đường nói riêng đều theo nguyên

lí cấu trúc như sau: bài thơ có hai phần khác nhau nhưng có quan hệ qua lại chặt
chẽ. Đó là cảnh (hoặc cảnh và sự) và tình. Cảnh là một bức tranh hiện thực nào
đó, sự là một sự việc nào đó. Cảnh và sự đóng vai trò gợi hứng, dẫn dắt tình.
Tình là cảm xúc, tình cảm, suy nghĩ. Nhờ có cảnh, sự gợi hứng mà tình bộc lộ.
Nhờ có tình mà cảnh trở nên một hình tượng có ý nghĩa. Dựa trên đặc trưng cấu
tứ trên, giáo viên định hướng học sinh trao đổi, tìm được yếu tố cảnh và tình
trong các văn bản được giới thiệu. Ví dụ, bài thơ Nỗi oán của người phòng khuê
mở đầu bằng một cảnh gợi cảm xúc: cảnh người thiếu phụ ngày xuân, soi gương
trang điểm rồi lên lầu ngắm cảnh. Từ cảnh, một cách hết sức tự nhiên, hình ảnh
màu dương liễu trở thành bản lề khép lại phần cảnh mở ra thế giới tâm trạng con
người. Suy tư, xúc cảm trong nửa còn lại của bài thơ bộc lộ rất tự nhiên.
Tỉ lệ số câu chữ dành cho tình cảnh, và sự trong mỗi bài thơ Đường là
khác nhau. Chẳng hạn, “Cảm xúc mùa thu” có 4 câu đầu gợi tả cảnh sắc mùa thu
ở vùng Vu Sơn, Vu Giáp - nơi nhà thơ đang lánh nạn. Hai câu 5, 6 dành cho cảm
xúc: nỗi lòng thương nhớ quê hương và tâm sự u ẩn của nhà thơ trước thực tại.
Nếu theo đúng kết cấu đề - thực - luận - kết thì đến hai câu kết, nhà thơ sẽ khái
quát tình ý toàn bài. Nhưng hai câu kết đã cho thấy xu hướng quy các chức năng
cho mỗi cặp câu theo tên gọi không phải bao giờ cũng đúng như vậy. Hai câu kết
không vận động theo hướng giãi bày tâm sự mà lại quay về kể sự việc, cảnh vật:
Hàn y xứ xứ thôi đao xích/Bạch đế thành cao cấp mộ châm. Cánh cửa tâm tình
vừa hé mở trong hai câu 5, 6 dường như lại khép để người đọc qua cảm nhận
cảnh đời thường ở thành Bạch Đế cuối thu để tìm đến mạch sâu trong tâm sự
của Đỗ Phủ: niềm chua xót tủi hận khi mái đầu đã bạc mà đường công danh lại
trắng tay, buồn thu trôi đi mà không thể níu kéo dòng thời gian, chỉ mong trở về
cố hương mà phiêu dạt mãi không biết đâu là chốn dừng chân. Cấu tứ của Cảm
xúc mùa thu hết sức tiêu biểu cho một bài Đường thi mẫu mực: thường ẩn trong
lòng kiểu kết cấu " đứt - nối" tạo ra những khoảng trống, khoảng trắng, khoảng
lặng đánh thức tiếng nói tri âm từ người đọc.
Vì thế, khi tổ chức đọc hiểu thơ Đường, giáo viên không thể không chú ý
khai thác cấu tứ phong phú, đa dạng thể hiện quan điểm thẩm mĩ của người

Trung Hoa thời trung đại.
9


3.3. Bút pháp chấm phá của thơ Đường
Nói tới thơ Đường là nói tới bút pháp đặc trưng của thơ ca phương Đông:
"ý tại ngôn ngoại"- ý ở ngoài lời, "ngôn tận ý bất tận" - lời hết mà ý chưa hết, "ý
đáo nhi bút bất đáo" - ý đến mà bút không đến, " họa vân hiển nguyệt" - vẽ mây
nảy trăng, " thi trung hữu họa" - trong thơ có họa...Hiểu theo cách hiện đại thì
thơ Đường có mạch ngầm văn bản vô cùng phong phú, sau lớp ngôn từ là tầng ý
nghĩa dạt dào, sâu thẳm, rất đặc trưng cho tư duy nghệ thuật và tâm hồn phương
Đông.
Hình ảnh thơ Đường tạo dựng từ sự đối lập giữa các mối quan hệ: xưa và
nay, mộng và thực, tiên và tục, sống và chết, vô hạn và hữu hạn, không gian và
thời gian, động và tĩnh, hình và nhạc, thơ và họa, tình và cảnh...Cái độc đáo của
thơ Đường không chỉ ở những tiểu tiết trên bề mặt có thể quan sát trực tiếp mà ở
bút pháp chấm phá: nhà thơ bắt lấy khoảnh khắc gợi cảm nhất, chứa đựng hồn
cốt của sự vật, sự việc hoặc chính lòng mình rồi bằng lượng ngôn từ và hình ảnh
ít nhất nén chặt cảm xúc, ý tình đó. Người đọc thơ đọc và cảm bằng tất cả vốn
văn hóa, rung động chân thành, phát huy liên tưởng và tưởng tưởng để tự mình
xây đắp nên một thế giới nghệ thuật mới mẻ, gần gũi nhưng không bao giờ trùng
khớp hoàn toàn với thế giới nghệ thuật mà nhà thơ đã dựng nên.
3.4. Ngôn từ nghệ thuật trong văn bản thơ Đường
Theo các nhà nghiên cứu phê bình văn học, vốn từ ngữ được dùng trong
thơ Đường không phải là nhiều, hầu hết là những từ ngữ rất phổ thông ( phong,
vân, tuyết, nguyệt, hoa, điểu, sầu , bi...) Song qua quá trình tinh luyện của người
nghệ sĩ, những từ ngữ quen thuộc đã trở thành ngôn ngữ văn học trong sáng,
phong phú, có khả năng diễn tả sâu sắc và tinh tế nhiều tầng bậc ý nghĩa. Trong
một văn bản, lại có những từ được xem là "nhãn tự": dồn nén tích tụ ý tình toàn
bài, làm thăng hoa vẻ đẹp của toàn tác phẩm. Chẳng hạn, trong Nỗi oán của

người phòng khuê, từ sầu cuối bài là một thần tự. Khai thác sự liên tưởng, trí
tưởng tượng và những xúc cảm thẩm mĩ trong tâm hồn học sinh về những từ "
đắt giá" trong thơ Đường là một việc làm hết sức cần thiết để vang dậy vẻ đẹp
của văn bản.
4. Dạy học thơ Đường phải chú ý đúng mức đến phong cách nghệ thuật của
tác giả
Nghệ thuật là lĩnh vực của cái độc đáo, của sự sáng tạo không lặp lại.
Tuốc - ghê - nhép từng nói: "Cái quan trọng trong tài năng văn học là tiếng nói
của mình, là cái giọng riêng biệt của chính mình không thể tìm thấy trong cổ
họng của bất kì người nào khác". Thơ Đường ra đời trong hoàn cảnh xã hội
phong kiến Trung Quốc song những công thức ước lệ, tính quy phạm của hệ
thống thi pháp cổ điển không che khuất được cá tính sáng tạo của những nghệ sĩ
tài năng. Năm bài thơ được học và đọc thêm trong chương trình Ngữ Văn 10 đều
gắn với nét riêng không lặp lại của người sáng tạo. Bởi vậy, khi tổ chức hoạt
động dạy học nhóm bài thơ Đường, giáo viên không thể bỏ qua vấn đè phong
cách tác giả.
Chẳng hạn, khi dạy - học bài “Tại lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên
đi Quảng Lăng”, giáo viên cần dựa trên phong cách nổi bật của thơ Lí Bạch. Đó
là hình ảnh thơ phóng khoáng kì vĩ, đầy lãng mạn, tự nhiên hào sảng. Hình ảnh
10


dòng Trường giang chảy vào khoảng không xanh biếc lưng trời vừa là thực vừa
rất ảo, nó là cả một trời thương nhớ của nỗi lòng đã được đo đếm bằng kích
thước của đất trời. Khác với Lí Bạch, thơ Đỗ Phủ trầm uất nghẹn ngào, là tiếng
nói của nội tâm đầy ẩn ức, đau đớn và day dứt. Vì thế, bốn câu đầu của Cảm xúc
mùa thu dắt người đọc vào thế giới ảm đạm, tiêu điều của rừng phong xơ xác khi
thu về, ngay cả dòng sông cũng không bình yên mà sóng cuộn tựa nỗi đau trong
lòng người. Đỗ Phủ dùng đại bút mà vẫn thấy cảnh tù túng, muốn vẫy vùng mà
lại bị khóa chặt trong u ám. Sự đối chiếu so sánh giữa các tác giả sẽ nhấn mạnh

sáng tạo nghệ thuật độc đáo của từng người, làm cho học sinh hiểu và ghi nhớ
những điểm chính yếu về kiến thức và kỹ năng sâu sắc hơn.
5. Dạy học thơ Đường trong liên hệ so sánh với thơ caViệt Nam
Thơ Đường có ảnh hưởng đặc biệt với quá trình phát triển thơ ca nhiều
nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Trong suốt tiến trình phát triển của văn học
trung đại Việt Nam, các thế hệ nhà thơ người Việt đã tiếp nhận và Việt hóa thành
công nhiều yếu tố nội dung và hình thức thơ ca có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Chính vì lẽ đó, trong khi dạy học thơ Đường, giáo viên có thể hướng dẫn học
sinh so sánh thơ Đường với những sáng tác thơ ca Việt Nam.
Một số tiêu chí có thể đưa ra để so sánh là:
- So sánh đề tài: đề tài tình bạn trong thơ Lí Bạch với thơ Nguyễn
Khuyến, Tú Xương, đề tài mùa thu trong thơ Đỗ Phủ và thơ Nguyễn Khuyến,
Nguyễn Du, đề tài chinh phụ trong thơ Vương Xương Linh và Đặng Trần Côn.
- So sánh hình thức thơ Đường với thơ Nôm Đường luật - một sáng tạo
độc đáo của người Việt.
6. Đổi mới hoạt động hướng dẫn tự học
- Hướng dẫn học sinh hệ thống hóa nhóm bài thơ Đường được học trong
nhà trường phổ thông theo những nội dung:
+ Hệ thống hóa tác giả, tác phẩm được học
+ Hệ thống hóa đặc điểm hình thức nghệ thuật thơ Đường
- Hướng dẫn liên hệ đối chiếu với những sáng tác cùng đề tài trong văn
học Việt Nam.
- Hướng dẫn học sinh viết bài nghị luận xã hội bàn về những vấn đề đặt ra
qua các sáng tác đã học: ví dụ như: Sau khi học Tại lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh
Hạo Nhiên đi Quảng Lăng, có thể yêu cầu học sinh tìm hiểu đề bài: Tình bạn
giữa Mạnh Hạo Nhiên với Lí Bạch và tình bạn trong cuộc sống hôm nay.
II. ĐỔI MỚI TRONG KIỂM TRA ĐÁNH GIÁ
Đổi mới kiểm tra đánh giá là một khâu quan trọng trong đổi mới phương
pháp dạỵ học. Do đó, khi dạy học nhóm bài thơ Đường trong chương trình Ngữ
Văn 10 THPT, không thể không nói tới nội dung này.Theo chúng tôi, việc kiểm

tra đánh giá thường xuyên (và cũng có thể đưa chủ đề thơ Đường vào nội dung
kiểm tra đánh giá định kì) phải hướng vào việc bám sát mục tiêu của từng bài và
nhóm bài thơ Đường được chọn dạy. Mục tiêu của kiểm tra đánh giá đặt ra yêu
cầu học sinh phải chủ động nắm bắt kiến thức một cách toàn diện, rèn luyện tính
tự chủ trong suy nghĩ và giải quyết vấn đề, tạo chuyển biến về tinh thần, thái độ
11


và phương pháp học tập góp phần từng bước nâng cao chất lượng học tập bộ
môn của học sinh.
Một số hình thức kiểm tra có thể áp dụng trong và sau khi dạy học nhóm
bài thơ Đường:
1. Kiểm tra thường xuyên
- Kiểm tra vấn đáp: sử dụng trước, trong và sau khi giáo viên tổ chức học
sinh học bài, giúp giáo viên thu hút sự chú ý, thúc đẩy, kích thích học sinh tích
cực học tập, giáo viên có thông tin phản hồi nhanh về bài giảng để có những
điều chỉnh kịp thời, thích hợp.
- Kiểm tra viết 15 phút: có thể sử dụng sau khi học sinh học xong bài Tại
lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng, hoặc sau khi học xong
nhóm bài thơ Đường trong chương trình.
2. Kiểm tra định kì
Nhóm bài thơ Đường được học ở cuổi kì 1 nên có thể đưa vào nội dung
kiểm tra đánh giá cuối học kì.
CHƯƠNG 3
ÁP DỤNG SÁNG KIẾN TRONG DẠY HỌC VĂN BẢN "TẠI LẦU
HOÀNG HẠC TIỄN MẠNH HẠO NHIÊN ĐI QUẢNG LĂNG" CỦA LÍ
BẠCH
Từ những đề xuất đã phân tích ở trên, chúng tôi đã áp dụng vào quá trình
soạn giảng và kiểm tra đánh giá khi dạy học văn bản "Tại lầu Hoàng Hạc tiễn
Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng".

I. Áp dụng sáng kiến trong thiết kế giáo án bài “Tại lầu Hoàng Hạc tiễn
Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng”
(I).Mục tiêu bài học: Giúp HS
- Cảm nhận được tình bạn chân thành, trong sáng của Lý Bạch
- Hiểu được phong cách thơ tứ tuyệt của tác giả.
(II). Phương tiện thực hiện:
(III)- Cách thức tiến hành: trao đổi, gợi mở, nêu vấn đề, thảo luận nhóm.
(IV)- Tiến trình dạy học:
1.Tổ chức:
2. Kiểm tra:
Nhận xét chung của anh chị về chủ nghĩa yêu nước trong văn học trung đại Việt
Nam?
3. Bài mới:
* Giới thiệu bài mới: Thơ Đường là thành tựu rực rỡ của nền VH Trung
Quốc với những tên tuổi sáng giá và nhiều kiệt tác bất hủ. Nếu Đỗ Phủ được
mệnh danh là “Thi Thánh”, Vương Duy được mệnh danh là “Thi Phật” thì Lí
Bạch được suy tôn là “Thi Tiên". Hồn thơ Lí Bạch thơ hào phóng bay bổng,
tự nhiên, tinh tế.Tình bạn là một đề tài lớn trong sáng tác của ông. Rất nhiều
bài thơ ông viết về tình bạn và những cuộc đưa tiễn vô cùng cảm động tha
thiết và sâu đậm: Nào là tiễn xá nhân họ Trương đi Giang Đông, tiễn Sơn
nhân họ Dương về núi Tung, tiễn khách về đất Ngô...Nhưng người yêu thơ Lí
12


Bạch sẽ không thể nào quên cuộc tiễn đưa của Thi Tiên với Mạnh Hạo Nhiên
trong thi phẩm nổi tiếng” “Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng
Lăng”.
Hoạt động của GV và HS
Những hiểu biết của anh chị về cuộc
đời và thơ ca Lý Bạch.


Lí giải nhan đề thơ.
Đọc và nhận xét về đề tài của bài.
Lưu ý HS khi đọc hiểu cần bám sát
vào nguyên tác chữ Hán, đối chiếu
so sánh với phần dịch thơ để thấy
tính chất hàm súc của Thơ Đường.
Cách dùng từ cố nhân có sức biểu
đạt như thế nào?
GV hướng dẫn cho HS xem tranh về
lầu Hoàng Hạc ở bài “Hoàng Hạc
Lâu” của Thôi Hiệu. Đồng thời giới
thiệu về huyền thoại Phí Văn Vi
thành tiên cưỡi hạc vàng từ đây bay
đi; giai thoại về Lí Bạch lần đầu
tiên đến thăm lầu Hoàng Hạc nảy
sinh thi hứng muốn cất bút đề thơ
nhưng khi thấy “Hoàng Hạc lâu”
của Thôi Hiệu trên vách chùa, Lý
Bạch cảm khái thốt lên rằng:
Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc
Thôi Hiệu đề thi tại thượng lầu
( Dịch
thơ:
Cảnh hay trước mắt nói không đặng
Thôi Hiệu đề thơ ở trên đầu)
rồi gác bút. Câu chuyện hẳn sẽ gây
ngạc nhiên về sự khiêm tốn của Thi

Nội dung cần đạt

I. Tìm hiểu chung
1. Tác giả
- Lý Bạch (701-762), quê: Cam Túc
-Tứ Xuyên Trung Quốc. Là người
thông minh, tài hoa, ước vọng hoài
bão lớn nhưng không toại nguyện.
- Nhà thơ lãng mạn vĩ đại được mệnh
danh: "Thi tiên". Phong cách thơ hào
phóng bay bổng, tự nhiên, tinh tế.
2. Văn bản:
- Mạnh Hạo Nhiên (689-740) là nhà
thơ thế hệ đàn anh mà Lý Bạch rất
hâm mộ về học vấn, tài năng và nhân
cách.
- Bài thơ: + thể thơ: Thất ngôn tứ
tuyệt
+ Đề tài chia ly tống biệt:
rất phổ biến trong thơ Đường.
II. Đọc hiểu:
1. Hai câu đầu
- Người ra đi: được gọi là cố nhân:
bạn cũ, người tri âm tri kỉ, gắn bó thân
thiết từ xưa. Cách gọi ít gặp trong thơ
Lý Bạch: thật sự gắn bó, quyến luyến,
trân trong bạn.
- Khung cảnh đưa tiễn:
+ Địa điểm: Lầu Hoàng Hạc- nơi tiên
ở - gắn với huyền thoại hạc vàng và
Phí Văn Vi- nơi thanh tĩnh, thoát tục,
hướng nội, mộng và thực chen lẫn.

 Lầu cao để dõi theo bạn xa hơn:
lưu luyến vô cùng.

13


tiên Lý Bạch
Trao đổi: Hình dung và phân tích
sức gợi tả của hai câu đầu về
khung cảnh, thời gian chia tay
giữa hai người bạn, tình thế của
người ra đi và người ở lại.

Sau lời thơ, có thể cảm nhận nỗi
niềm tâm trạng nào của tác giả ?

Giải nghĩa hình ảnh ở hai câu sau.

Thử đặt mình vào không gian nghệ
thuật câu thơ để hình dung về điểm
nhìn của người ở lại.
Nhận xét về nghệ thuật đối và bút
pháp chấm phá trong câu 3?

Sự thay đổi khoảng cách nhưng
không đổi điểm nhìn có giá trị biểu
đạt gì về tình cảm và tâm trạng con
người.

+ Thời gian: Tháng 3 - mùa xuân đẹp,

dòng Trường Giang mênh mông trong
sương khói, là mùa gặp gỡ, hội hè của
tao nhân mặc khách. Mùa lễ hội càng
khiến cho Dương Châu thêm đông
đúc, sầm uất.
+ Hướng đi: Tây từ: nơi xa vắng
+ Địa điểm đến: Dương Châu: Nơi
phồn hoa đô hội bậc nhất.
Điểm chia tay và điểm đến đối lập
nhau diễn tả khoảng cách xa vời của
hai người bắt đầu từ đây.
→ Chỉ 14 chữ qua 2 câu thơ mà
khung cảnh chia tay hiện lên đầy đủ,
chi tiết, rõ ràng: giữa lúc cảnh đẹp,
trời đẹp mà người lại chia phôi. Người
đi đến chốn hoa lệ, kẻ ở ẩn mình xứ
cô liêu. Lời thơ tự sự giản dị, tự nhiên
song cũng đầy lưu luyến, thân thiết về
tình bạn của Mạnh Hạo Nhiên và Lý
Bạch.
2. Hai câu sau:
- Hình ảnh “Cô phàm viễn ảnh”: Bóng
cánh buồm cô đơn lẻ loi. “Bích không
tận”: Không gian xanh biếc vô tận
Khai thác quan hệ đối lập: Hình ảnh
buồm cô đơn lẻ loi>< Không gian bao
la xanh biếc rợn ngợp: cái hữu hạn và
vô hạn, động và tĩnh, thực và hư, xa
và gần...
Hình ảnh thơ hàm súc, giàu sức gợi:

Không cần nói “bóng buồm khuất”
mà vẫn cảm nhận được nó đang dần
khuất nhờ nghệ thuật tương phản.
- Cái nhìn của người ở lại: “Duy kiến
trường giang thiên tế lưu”: Nhìn duy
nhất vào một điểm (dõi theo) thấy con
sông Trường Giang chảy ngang qua
bầu trời. Đây là hình ảnh thơ phóng
khoáng kì vĩ mang đậm phong cách
thơ Lí Bạch
→ Nhìn bề ngoài tưởng rằng đó là 2
câu thơ tả cảnh nhưng ngẫm kỹ: Bút
pháp tả cảnh ngụ tình: Cảnh rất động 14


Tâm trạng của người đưa tiễn như
thế nào?

Đánh giá đặc điểm nghệ thuật và nội
dung bài thơ.

như đang diễn ra trước mắt người đọc:
Từ “chiếc buồm” đến hình bóng của
nó- đến khi lẫn vào khoảng không
xanh biếc vô tận gợi quá trình dịch
chuyển ngày càng xa của con thuyền
→ Đôi mắt dõi theo của người đưa
tiễn: Dòng sông Trường Giang thời kỳ
thịnh Đường đông thuyền bè qua lại
mà chỉ nhìn thấy duy nhất một chiếc

thuyền chở Mạnh Hạo Nhiên : nuối
tiếc lưu luyến không lời nào tả xiết.
Bàng hoàng như sự tỉnh trước hiện
thực là bạn đã đi xa.
III. Tổng kết
- Bút pháp tả cảnh ngụ tình, nét chấm
phá kết hợp với thủ pháp đối lập
tượng trưng của thơ Đường
- Thể hiện một cách tinh tế diễn biến
cũng như sự sâu sắc trong tình cảm
của nhà thơ trong lần tiễn bạn đi xa.

4. Củng cố, nâng cao
- Nghệ thuật nổi bật của bài
- Vẻ đẹp tình bạn chân thành trong sáng.
- So sánh với tình bạn của Nguyễn Khuyến và Dương Khuê ( GV cung cấp văn
bản cho HS so sánh)
5. Hướng dẫn tự học
- Học thuộc lòng bài thơ
II. ÁP DỤNG SÁNG KIẾN TRONG KIỂM TRA ĐÁNH GIÁ TRƯỚC,
TRONG VÀ SAU KHI DẠY HỌC BÀI "TẠI LẦU HOÀNG HẠC TIỄN
MẠNH HẠO NHIÊN ĐI QUẢNG LĂNG"
1. Kiểm tra đánh giá trước khi dạy học
- Mục tiêu: kiểm tra đánh giá kiến thức, kĩ năng và thái độ học tập phần thơ
Đường mà học sinh đã có sau khi học nhóm bài thơ Đường ở bậc THCS.
- Phương pháp: đặt câu hỏi phát vấn trực tiếp trước khi dạy học bài mới
- Một số dạng câu hỏi:
+ Câu hỏi kể tên tác giả tác phẩm thơ Đường đã học và đọc thêm
+ Câu hỏi trắc nghiệm dạng đúng - sai, nội dung câu hỏi về kiến thức thơ
Đường đã học

15


+ Câu hỏi so sánh đặc điểm nghệ thuật thơ Đường với một số văn bản văn
học trung đại Việt Nam đã học trong chương trình.
2. Kiểm tra đánh giá sau khi dạy học
2.1. Một số câu hỏi trắc nghiệm củng cố kiến thức sau bài học
Câu 1: Lí Bạch là nhà thơ tiêu biểu cho phong cách thơ lãng mạn, đúng hay sai
( Đáp án: sai)
Câu 2: Phong cách nổi bật của thơ Lí Bạch là:
A. Trầm uất nghẹn ngào
B. Bay bổng lãng mạn
C. Lãng mạn hào hoa
D. Lãng mạn thoát ly
( Đáp án: B)
Câu 3: Dòng nào dưới đây nói đúng nghĩa của từ cố nhân trong bài thơ:
A. Bạn cũ từ lâu
C. Người bạn gắn bó, đáng trân trọng
C. Người bạn gắn bó, quý trọng từ lâu
D. Người xưa
( Đáp án: C)
Câu 4. Bài thơ đã tạo ra mối quan hệ nào thường thấy trong thơ Đường:
A. Tiên và tục
B. Thực và ảo
C. Cái có và cái không
D. Động và tĩnh
( Đáp án: D)
Câu 5: Bài thơ nào sau đây cùng thể thơ với Tại lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo
Nhiên đi Quảng Lăng:
A. Bạn đến chơi nhà

B. Rằm tháng giêng
C. Đồng chí
D. Cảnh ngày hè
(Đáp án: B)
2.2. Một số câu hỏi tự luận củng cố kiến thức và kĩ năng sau bài học
Câu 1: Viết đoạn văn ngắn nêu suy nghĩ của anh chị về một hình ảnh trong bài
thơ
Câu 2: Viết vài dòng phân tích một mối quan hệ trong bài thơ mà anh chị thích
Câu 3: Thời gian, không gian của cuộc đưa tiễn trong bài gợi cho anh chị cảm
nghĩ gì ?
Câu 4: Phân tích hình ảnh cánh buồm và tâm trạng nhà thơ
Câu 5: Cảm nhận về vẻ đẹp tình bạn trong bài thơ.

16


CHƯƠNG 4
HIỆU QUẢ CỦA VIỆC ÁP DỤNG SÁNG KIẾN SAU KHI GIẢNG DẠY
CHÙM THƠ ĐƯỜNG
1. Qua thực tế giảng dạy môn ngữ văn lớp 10 THPT ban cơ bản, tôi đã áp
dụng các phương pháp trên và thấy kết quả rất khả quan: Học sinh hứng thú học
tập, nắm được nội dung tác phẩm nhanh hơn, hiểu biết vấn đề một cách toàn
diện, sâu sắc. Bởi vậy qua kinh nghiệm trên tôi thất nếu giáo viên đầu tư thời
gian để hướng dẫn học sinh tìm hiểu các thể loại văn học, đặc biệt là với thơ
Đường- một thể loại được học sinh coi là khó, thì cũng có thể giúp các em tiếp
nhận nội dung, nghệ thuật của những bài thơ một cách hiệu quả hơn, thu hút, tạo
hứng thú cho các em học tập.
2. Khảo sát từ 3 lớp 10 tôi dạy, phiếu thăm dò cho kết quả như sau:
- Mức độ thích học thơ Đường: Đạt 50 %
- Mức độ hiểu, trả lời được những câu hỏi kiểm tra kiến thức cơ bản của mỗi bài

thơ: Đạt 90 %
- Mức độ hiểu nhưng vẫn thấy khó khi tiếp nhận thơ Đường: 10%
3. Kết quả trên cho thấy việc dạy thơ Đường là công việc không hề dễ dàng, việc
tạo cho học sinh niềm hứng thú say mê thơ Đường cũng là điều hết sức khó
khăn. Đòi hỏi mỗi giáo viên cần phải có niềm đam mê và có phương pháp
truyền đam mê ấy đến với học sinh. Bắt đầu từng bước một, từ thấp đến cao, từ
hiểu đến thích và say mê với bài học.

17


PHẦN BA: KẾT LUẬN
Một nhà phê bình nghệ thuật phương Tây từng nói về thơ Đường: " Khắp
thế giới không đâu thấy được một thứ thơ nào so sánh được với thứ thơ đó về
cách diễn tả thanh nhã tế nhị, về những tình cảm dịu dàng điều độ, về sự bình dị
và cô đọng của một câu ngắn thôi mà bao trùm được tư tưởng được cân nhắc kĩ
lưỡng". (Lịch sử văn minh Trung Quốc, NXB Giáo dục, 2001).
Dạy học thơ Đường là một nhiệm vụ với người dạy và người học. Nhưng
đó là nhiệm vụ vừa mang tính khoa học, tính giáo dục vừa giàu tính nghệ thuật.
Giống như nhiều văn bản, nhiều chủ đề khác trong chương trình Ngữ Văn, dạy
học thơ Đường không thể đứng ngoài công cuộc đổi mới phương pháp dạy học,
kiểm tra đánh giá hiện nay. Người giáo viên cần bám sát chuẩn kiến thức kĩ
năng, căn cứ vào đặc điểm người dạy người học, nguồn phương tiện trong nhà
trường để lựa chọn phương pháp và hình thức tổ chức dạy học phù hợp nhất.
Tôi tin tưởng rằng, sức sống lâu bền của thơ Đường trong tâm hồn Việt
Nam từ ngàn năm nay sẽ kết hợp hài hòa với phương tiện, phương pháp dạy học
hiện đại để đạt được hiệu quả dạy học và giáo dục cao nhất.
Trên đây là một số vấn đề mà trong quá trình học tập, tìm hiểu, nghiên
cứu và vận dụng trong quá trình giảng dạy, đổi mới phương pháp dạy học ngữ
văn nhằm nâng cao chất lượng học tập của học sinh mà tôi mạnh dạn đưa ra để

các bạn đồng nghiệp, quý thầy cô cùng tham khảo và đúc rút thêm kinh
nghiệm.Tất nhiên , trong khuôn khổ của một bài nghiên cứu mang tính chất cá
nhân, do điều kiện và thời gian có hạn nên đề tài chắc chắn sẽ không tránh khỏi
những thiếu sót, sẽ có những vấn đề chưa hợp lí, chưa giải thích một cách thỏa
đáng. Vậy nên tôi rất mong đồng nghiệp, quý thầy cô góp ý, xây dựng để bài
viết được hoàn thiện hơn, để việc vận dụng đổi mới phương pháp dạy học ngày
một đạt kết quả tốt hơn, đúc rút được nhiều bài học kinh ngiệm quý báu đáp ứng
được nhu cầu của nền giáo dục trong thời đại mới. Mục đích cuối cùng của đề
tài là tôi muốn góp một phần nhỏ vào sự nghiệp giáo dục của tỉnh nhà những
biện pháp dạy học có tính thiết thực bồi dưỡng thêm phương pháp dạy học môn
ngữ văn. Một lần nữa tôi rất mong được đồng nghiệp đánh giá, bổ sung . Trân
trọng cảm ơn!
Hậu Lộc, ngày 15 tháng 5 năm 2019
Người viết

Phạm Thị Tuyết

18


19



×