Tải bản đầy đủ (.doc) (20 trang)

Hướng dẫn đối tượng học sinh lớp 10 THPT tiếp cận truyện kiều của nguyễn du qua tranh luận của các nhà văn đầu

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (132.09 KB, 20 trang )

I. PHẦN MỞ ĐẦU
I.1. Lí do chọn đề tài:
Nguyễn Du là nhà văn hóa lớn của dân tộc, là danh nhân văn hóa của thế
giới. Đoạn trường tân thanh (còn gọi là Truyện Kiều) của Nguyễn Du là một
trong những kiệt tác của nhân loại. Nó là kết tinh những tình cảm và tài năng của
một nhà thơ lớn. Từ khi mới ra đời, tác phẩm đã được mọi người đón nhận và ca
tụng. Trải qua gần ba trăm năm với nhiều triều đại và chế độ nhưng Truyện Kiều
vẫn sống, vẫn tồn tại và vẫn tiếp tục tạo ra nhiều âm hưởng hết sức độc đáo.
Trong chương trình giáo dục phổ thông, Truyện Kiều luôn được lựa chọn
và lưu giữ một vị trí quan trọng. Riêng trong chương trình Ngữ văn 10 hiện nay
tác phẩm này đã chiếm 6 tiết học (nhiều nhất so với các tác phẩm khác). Đặc
biệt theo đề án “chương trình giáo dục tổng thể” đang được đề xuất, Truyện
Kiều là một trong sáu tác phẩm bắt buộc phải đưa vào chương trình cũng đủ thấy
vị trí và tầm quan trọng của văn bản này.
Một lí do khác cũng cần phải nhắc đến là giá trị của Truyện Kiều rất lớn
nhưng sức hút và niềm đam mê của nó hình như đang phai nhạt dần trong điều
kiện xã hội thị trường, hội nhập hiện nay. Đối tượng học sinh không còn thấy
hứng thú như các thế hệ trước. Thậm chí theo khảo sát gần đây nhiều học sinh
không hiểu, không nắm bắt được tác phẩm. Từ đó tôi có ý định nghiên cứu và
ứng dụng đề tài này.
I.2. Mục đích nghiên cứu:
Với những lí do đã trình bày ở trên, trước trách nhiệm của một thầy giáo
dạy văn, tôi thấy cần phải đánh thức lại niềm đam mê, yêu thích những tác phẩm
vốn là kiệt tác của dân tộc ta đối với thế hệ học sinh hôm nay. (Thực ra, tôi biết
không ít bạn đọc trên thế giới vẫn yêu thích Truyện Kiều của Nguyễn Du. Thậm
chí có không ít luận văn thạc sĩ, tiến sĩ viết về Truyện Kiều, mà tác giả là những
người nước ngoài). Muốn vậy phải tiếp tục nghiên cứu, tìm ra những phương
pháp phù hợp tạo hứng thú cho đối tượng học sinh. Trong đó tôi chọn đề tài
hướng dẫn các em tiếp cận Truyện Kiều thông qua giới thiệu, tìm hiểu những
tranh luận của các nhà văn, nhà nghiên cứu trong những năm đầu của thế kỉ XX.


1


Mặc khác, tôi thiết nghĩ đây cũng là một hướng đón đầu cho chương trình
giáo dục tổng thể sẽ được thực hiện trong những năm tới đây mà Truyện Kiều là
một tác phẩm đóng vai trò quan trọng trong bộ môn Ngữ văn (đặc biệt ở bộ phận
học sinh có nguyện vọng học chuyên sâu).
I.3. Đối tượng nghiên cứu:
Vào những năm nửa đầu thế kỷ XX (tính đến Cách mạng tháng Tám 1945),
Truyện Kiều tiếp tục là tác phẩm được nhiều người quan tâm và đặc biệt là đã có
nhiều cuộc tranh luận sôi nổi, thông qua những luồng ý kiến rất khác nhau (thậm
chí là đối lập nhau) về cả nội dung và hình thức của tác phẩm nổi tiếng này.
Cuộc tranh luận không dừng lại ở một năm, hai năm mà kéo dài hơn hai mươi
năm (từ 1924 đến 1945) với những tên tuổi rất đáng lưu tâm như Phan Khôi,
Phạm Quỳnh, Vũ Đình Long, Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Trọng
Kim, Nguyễn Tường Tam, Lê Tràng Kiều, Nguyễn Bách Khoa, Hoài Thanh,
Đinh Gia Trinh… Bởi vậy có thể xem như đây là một sự kiện văn học rất đáng
được quan tâm trên diễn đàn phê bình văn học của dân tộc những năm đầu thế
kỷ XX.
Sau cuộc tranh luận nổi lửa ấy, đã có rất nhiều những bài viết đi vào phân
tích, đánh giá và đưa ra những nhận định rất đáng được chú ý. Tuy nhiên hầu hết
các nhà nghiên cứu chỉ tập trung vào màn đầu cực kỳ sôi nổi và gay gắt của
cuộc tranh luận, mà cụ thể là từ năm 1924 đến năm 1930 giữa các cây bút xuất
thân nho học là Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng với Phạm Quỳnh, Phan
Khôi… mà ít đề cập đến các cuộc tranh luận của các tác giả sau này. Bởi vậy
mới chỉ làm nổi bật lên hai quan điểm trái ngược (khen, chê) xuất phát từ quan
điểm chính trị, quan điểm dân tộc, mà chưa đề cập được các vấn đề khác xuất
phát từ cái nhìn nghệ thuật của các nhà phê bình.
Giữa năm 2009, các tác giả Nguyễn Ngọc Thiện, Cao Kim Lan cho xuất bản
cuốn Tranh luận Truyện Kiều (1924 - 1945) mà nội dung chính là tuyển chọn

các bài tranh luận của các nhà phê bình trong suốt thời gian từ năm 1924 đến
năm 1945 và khẳng định ngoài màn đầu như các bài viết từ trước đến nay

2


thường nói tới, Truyện Kiều còn có thêm hai màn nữa, trong đó màn thứ hai kéo
dài từ 1935 đến 1939 và màn thứ ba diễn ra trong những năm từ 1941 đến 1944.
Do trình độ, thời gian và khuôn khổ và mục đích của bài viết, tôi không có ý
định đi quá sâu vào các nội dung tranh luận của các nhà phê bình, mà chỉ tổng
hợp, phân tích, so sánh một số nét cơ bản nhất từ những ý kiến tranh luận. Từ đó
cung cấp và tạo hứng thú để đối tượng học sinh tiếp cận phần nào nội dung và
nghệ thuật của Truyện Kiều – một kiệt tác lớn của dân tộc và nhân loại.
I.4. Phương pháp nghiên cứu:
Để hoàn thành bài viết này, tôi chủ yếu sử dụng phương pháp thống kê, phân
tích, tổng hợp và phương pháp so sánh đối chiếu để làm nổi bật luận điểm mà tôi
trình bày.

3


II. PHẦN NỘI DUNG
II.1. Cơ sở lí luận của sáng kiến kinh nghiệm.
II.1.1. Như trên đã trình bày, cuộc tranh luận Truyện Kiều của Nguyễn Du
được xuất phát từ Bài diễn thuyết bằng Quốc văn của Phạm Quỳnh đọc tại lễ kỉ
niệm Nguyễn Du nhân ngày mất (10 tháng ba âm lịch) do Hội Khai trí Tiến Đức
(Ban văn học) tổ chức ngày 8 tháng 9 năm 1924 và sau đó được đăng trên báo
Nam Phong, số 86 tháng 8 năm 1924. Cổ suý cho bài diễn thuyết của Phạm
Quỳnh là bài viết Văn chương Truyện Kiều của Vũ Đình Long cũng đăng trên
tạp chí Nam Phong các số 81, 83 và 87 năm 1924. Ngay tức thì nhà nho Ngô

Đức Kế đã viết bài Luận về chính học cùng tà thuyết quốc văn – Kim Vân Kiều Nguyễn Du, đăng trên báo Hữu Thanh, số 21 ra ngày 1 tháng 9 năm 1924, đáp
trả lại quan điểm của hai bài viết trên. Trong những năm 1924 – 1925, bạn đọc
còn được chứng kiến một số bài viết khác như Mấy lời bình văn chương Truyện
Kiều của Nguyễn Tường Tam đăng trên báo Nam Phong số 79 (1924), Tựa
Truyện Kiều của Trần Trọng Kim đăng trong tác phẩm Truyện Thuý Kiều (Khảo
luận chú giải - Trần Trọng Kim và Bùi Kỉ biên soạn, 1925) cùng với Bàn góp
Truyện Kiều của Vũ Đoan Trang viết vào cuối năm 1924. Đến năm 1926 Phan
Bội Châu khi trả lời phỏng vấn nhà báo Yên Sơn (tức Thanh Tao) tại Huế cũng
đề cập lại vấn đề tranh luận này. (Bài này sau đó được đăng lại trên báo trung
lập ra ngày 8 tháng 8 năm 1931, với tựa đề Về chủ ý của Truyện Kiều).
II.1.2. Cuộc tranh luận tưởng như đã kết thúc, nhưng đến năm 1929, khi báo
Phụ nữ tân văn nêu câu hỏi: “Kiều nên khen hay nên chê”, thì một loạt các bài
viết xuất hiện để trình bày quan điểm của mình. Tôi xin thống kê ra một số bài
cụ thể như sau: Bài đáp thứ 3 của Thạch Lan (Phụ nữ tân văn, số 5, ngày 30
tháng 5 năm 1929); Bài đáp thứ 4 của Duyệt Vân Hiên cư sĩ (Phụ nữ tân văn, bộ
1 số 6, ngày 6 tháng 6 năm 1929); Bài đáp thứ 5 của Nguyễn Thị Xuân Sơn
(Phụ nữ tân văn, số 7, ngày 13 tháng 6 năm 1929); Bài đáp thứ 6 của Bùi Xuân
Hoè (Phụ nữ tân văn, số 7, ngày 12 tháng 6 năm 1929); Bài đáp thứ 7 của
Nguyễn Minh Bổng (Phụ nữ tân văn, số 8, ngày 20 tháng 6 năm 1929); Bài đáp
thứ 8 của M.Lle Bích Thuỷ (Phụ nữ tân văn, số 8, ngày 20 tháng 6 năm 1929);

4


Bài đáp thứ 9 của M.Lle Trần Linh Vân (Phụ nữ tân văn, số 9, ngày 27 tháng 6
năm 1929); Bài đáp thứ 10 của Nguyễn Thị Hồng Vân (Phụ nữ tân văn, số 9,
ngày 27 tháng 6 năm 1929); Bài đáp thứ 11 của NG. H. TH (Phụ nữ tân văn, số
9, ngày 27 tháng 6 năm 1929); Bài đáp thứ 12 của Triệu Văn Thạng (Phụ nữ tân
văn, số 10, ngày 4 tháng 7 năm 1929); Bài đáp thứ 13 của Ngọc Khôi (Phụ nữ
tân văn, số 10, ngày 4 tháng 7 năm 1929); Bài đáp thứ 14 của Lương Thị Đại

(Phụ nữ tân văn, số 44, ngày 20 tháng 3 năm 1930); Bài đáp thứ 15 của Trần
Minh Sinh (Phụ nữ tân văn, số 44, ngày 20 tháng 3 năm 1930); Bài đáp thứ 16
của Đ. V. T (Phụ nữ tân văn, số 44, ngày 20 tháng 3 năm 1930). Cũng trên báo
Phụ nữ tân văn còn có nhiều bài viết khác cùng tham gia diễn đàn này như Một
cái nghĩa mới của Truyện Kiều (tiêu đề do toà soạn đặt) của Trần Trọng Kim;
Cô Kiều đáng khen hay đáng chê của Song An Hoàng Ngọc Phách (bài này
được đăng lại trên Thời thế với văn chương, 1941).
Năm 1930, trên tạp chí Tiếng dân, số 317 (ngày 17 tháng 9 năm 1930) nhà
chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng đã có một bài viết khá nổi tiếng mang tựa đề Chánh
học cùng tà thuyết có phải là vấn đề quan hệ chung không? Và ngay sau đó lại
cho đăng bài Lại vấn đề chánh học hay tà thuyết (đăng trên Tiếng dân ngày 18
tháng 10 năm 1930).
Năm 1933, trên Phụ nữ thời đàm số 13 ra ngày 10 tháng 12 năm 1933 xuất
hiện bài viết Mấy lời chiêu tuyết cho Vương Thuý Kiều của Lưu Trọng Lư để rồi
ngay sau đó có bài phản hồi của Huỳnh Thúc Kháng Mê người trong tiểu thuyết
cùng mê người trong tuồng hát đăng trên Tiếng dân ngày 24 tháng 1 năm 1934,
để rồi sau đó ông tiếp tục thể hiện quan điểm của mình trong bài Lại câu chuyện
bác “Truyện Kiều” (báo Tiếng dân, ngày 17 tháng 2 năm1934).
Năm 1936, Tràng Kiều viết bài Nghệ thuật… đăng báo Hà Nội báo, số 2,
ngày 8 tháng 1 năm 1936. Ngay sau đó là những bài bút chiến của Khương Hữu
Tài Nội dung và hình thức, của Hoài Thanh Nội dung và hình thức…
Năm 1939, Lưu Trọng Lư cho đăng Một nền văn chương Việt Nam, đăng
trên Tao đàn tạp chí, số 2 năm 1939.

5


Năm 1941, Nguyễn Bách Khoa cho ra đời tác phẩm có dung lượng khá lớn
là Nguyễn Du và Truyện Kiều (Tạp chí Văn mới) và sau đó là Văn chương
Truyện Kiều (in lần đầu năm 1945).

Năm 1943, một loạt bài viết của các nhà nghiên cứu được đăng trên các báo
như: Nguồn gốc văn “Kiều” của Hoàng Xuân Hãn (báo Thanh Nghị, số 29, 30
tháng năm 1943); Nguyễn Du viết “Đoạn trường tân thanh” vào lúc nào của
Đào Duy Anh (Tri tân, số 96 tháng 5 năm 1943); Khảo luận về Truyện Kiều
cũng của Đào Duy Anh (Quan hải tùng thư, Huế, 1943); Một số bài viết của
Hoài Thanh: Một phương diện của thiên tài Nguyễn Du: Từ Hải (Thanh nghị, số
36 tháng 5 năm 1943), Kiều có mạt sát Hồ Tôn Hiến không? (Thanh nghị, số 45
năm 1943), Một vài ý kiến về quyển “Nguyễn Du và Truyện Kiều” của ông
Nguyễn Bách Khoa (Vì chúa nguyệt san, số 238, tháng 7, 8 năm 1943).
Kết thúc cuộc tranh luận về Truyện Kiều của Nguyễn Du là tác phẩm
Nghiên cứu về “Nguyễn Du và Truyện Kiều” của Đinh Gia Trinh, đăng trên báo
Thanh nghị các số 58, 59, 61, 62, 65, 66, 68, 80 năm 1944.
II.2. Thực trạng vấn đề trước khi áp dụng sáng kiến kinh nghiệm.
Tất cả mọi người chúng ta điều biết Truyện Kiều của Nguyễn Du là một kiệt
tác lớn, là đỉnh cao của văn học dân tộc. Không phải vô cớ mà từ khi ra đời tác
phẩm đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong lòng người dân Việt
Nam. Điều thú vị là nó đã có thời gian sống dài lâu trong cả nếp sống văn hóa
dân gian. Có một thời số lượng người biết, người yêu Truyện Kiều là rất lớn,
thậm chí có rất nhiều người không hề biết chữ mà vẫn thuộc Truyện Kiều, ít là
một vài đoạn, một vài chương, nhiều là toàn bộ tác phẩm. Theo khảo sát của bản
thân, tôi còn gặp những người đọc cả xuôi, cả ngược Truyện Kiều mà không sai,
không sót một câu, một chữ. Điều này đủ thấy tình yêu, sự trân trọng đối với
Truyện Kiều lớn tới mức nào.
Trong chương trình giáo dục của chúng ta, ngay từ những ngày đầu đất nước
thoát khỏi ách Thực dân phong kiến, Truyện Kiều đã được đưa vào sách giáo
khoa để dạy cho mọi thế hệ. Nó trở thành tác phẩm kinh điển, nó tạo nên bao
nguồn mạch cảm xúc, nó gợi lên nguồn cảm hứng để cho ra đời những bài văn

6



đầy xúc động của các thế hệ học trò, nó cũng để lại bao nhiêu hình ảnh đẹp của
những người thầy say sưa trên bục giảng khi được truyền đạt, được sống, được
hòa mình trong tác phẩm. Thiết nghĩ đó là những cảm xúc đẹp, những kỉ niệm
của một thời đáng yêu, đáng nhớ.
Tuy nhiên cùng với sự chảy trôi của thời gian, sự phát triển và đổi thay của
xã hội, quan điểm nhận thức cũng như tình yêu của các thế hệ học sinh đối với
Truyện Kiều dường như đang giảm sút rất nhanh. Theo khảo sát của cá nhân tôi
có tới gần năm mươi phần trăm học sinh trong một lớp học cụ thể không hề có
một ấn tượng gì về Truyện Kiều (dù các em đã được học nhiều tiết ở kì 1 lớp 9
trung học phổ thông cơ sở). Một số em có nhớ nhưng cũng chỉ nhớ sơ lược nội
dung Truyện Kiều theo kiểu tóm tắt ngắn gọn nhất. Vì vậy khi hướng dẫn đọc
hiểu các đoạn trích trong chương trình Ngữ văn 10 về tác phẩm Truyện Kiều các
em thường hiểu một cách hời hợt, đôi khi vụn vặt, thiếu liên kết. (Điều này được
thể hiện qua các bài tập tôi giao cho học sinh làm cả trên lớp và ở nhà). Đây quả
là một điều đáng lo ngại và báo động. (Cũng xin lưu ý những gì tôi khảo sát và
nhận định chỉ trên một đối tượng cụ thể, ở một địa bàn cụ thể còn gặp nhiều khó
khăn trong học tập với điểm tuyển sinh đầu vào còn rất thấp). Điều này thôi thúc
tôi cần có một cách nào đó để có thể tạo được hứng thú cho học sinh khi tiếp cận
tác phẩm Truyện Kiều của nhà văn hóa lớn Nguyễn Du.
II.3 Một số kinh nghiệm hướng dẫn học sinh tiếp cận “Truyện Kiều” của
Nguyễn Du qua các tranh luận, đánh giá của các nhà văn, nhà nghiên cứu.
II.3.1. Hướng dẫn học sinh tìm hiểu phần tranh luận, đánh giá về nội dung
Truyện Kiều.
II.3.1.1. Những cuộc tranh luận về Truyện Kiều những năm đầu thế kỉ XX
có ý nghĩa khởi xướng nhưng không kém phần quyết liệt, mà xuất phát điểm của
nó là từ Bài diễn thuyết bằng Quốc văn của Phạm Quỳnh (lúc này đang là chủ
bút báo Nam Phong). Trong bài diễn thuyết Phạm Quỳnh đã đề cao đến mức
sùng bái Truyện Kiều (thực ra tư tưởng sùng bái này đã được chính Phạm
Quỳnh khởi xướng từ năm 1919), trong đó ông nhấn mạnh và coi “Truyện Kiều

đối với vận mệnh nước ta có một cái quý giá vô ngần”. Ông cho rằng: “Truyện

7


Kiều là quốc hoa của ta”, “Truyện Kiều là quốc tuý của ta”, “Truyện Kiều là
quốc hồn của ta”, “Truyện Kiều là cái “văn tự” của giống Việt Nam ta”… Ông
còn mạnh dạn so sánh Truyện Kiều với các tác phẩm khác của thế giới như văn
học Trung Hoa, văn học Pháp để khẳng định giá trị nổi bật của tác phẩm này. Từ
đó mà đi đến kết luận: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; Tiếng ta còn, nước ta
còn”. Nhìn bề ngoài thì đây có vẻ là một tấm lòng ngưỡng vọng tiền nhân,
nhưng bên trong đó, thông qua sự tán dương quá đáng vị trí của Truyện Kiều đối
với sự tồn vong của dân tộc, của tiếng Việt, nhất là trong hoàn cảnh đất nước
đang bị Thực dân Pháp đô hộ, Phạm Quỳnh như muốn hướng đến một mục đích
khác mà như nhận định của Cố Tổng bí thư Trường Chinh là: “cốt nêu cao đạo
đức phong kiến để gián tiếp chống lại tư tưởng dân chủ và cách mạng, làm đãng
trí thanh niên, trí thức, khiến họ sao nhãng chính trị” (Trường Chinh - Chủ
nghĩa Mác và vấn đề văn hoá Việt Nam, Hội văn hoá Việt Nam xuất bản, Việt
Bắc, 1948).
Ngay tức khắc, một nhà nho thời đó là cụ Ngô Đức Kế đã lên tiếng phản bác
bằng một bài viết khá nổi tiếng Luận về chánh học cùng tà thuyết quốc văn –
Kim Vân Kiều - Nguyễn Du. Ở bài viết này sau khi phân tích, lập luận giữa
chánh văn và tà văn liên quan đến sự thịnh suy của một quốc gia, ông khẳng
định: “Tà thuyết lưu hành trong nước như gió lướt cỏ, như nước vỡ đê, không ai
ngăn cản, thì thường vào lúc chính học đã suy đồi, mà nhất là cuộc đời biến cải,
việc nước đổi thay, quốc thị mơ màng, nhân tâm bỡ ngỡ, nền cũ đã đổ, nhà mới
chưa thành, bậc hiền nhân quân tử thì kín tiếng dấu tăm, nằm co ở nơi thảo dã,
mà bọn bỉ phu tục tử thì khua chuông gõ mõ nhảy nhót ở trên vũ đài”. Tiếp đó
ông đi vào phân tích Truyện Kiều, từ tên gọi đến nguồn gốc tác phẩm, đến các
nhân vật. Một mặt ông thừa nhận tài thơ của Nguyễn Du nhưng mặt khác ông lại

chỉ ra cái “tà thuật” trong Tryuện Kiều: “Nói về văn chương quốc âm của ông
Nguyễn Du, thì vẫn là hay thiệt, song cái lối văn vần, ngâm nga ngợi hát, chỉ là
một lối trong đạo văn chương. Văn tuy hay nhưng chuyện là chuyện phong tình,
thì cái vẻ ai, dâm, sầu, oán, đạo, dục, tăng, bi, tám chữ ấy không tránh đường
nào cho khỏi.” Ông còn khẳng định: “Cái bản ý ông Nguyễn Du làm truyện

8


Đoạn trường tân thanh chỉ là mượn chút văn chương mà ngụ chút tâm sự mình”
mà thôi. Điều này cũng có nghĩa là tác phẩm chỉ có giá trị tiêu khiển. Từ đó ông
phê phán kịch liệt tư tưởng sùng bái cũng như cách thức tung hô quá trớn mà
Phạm Quỳnh đã làm một cách có chủ ý.
Có thể nói đây là hai bài viết nổi bật nhất và cũng là đối lập nhất về việc
tranh luận Truyện Kiều ở giai đoạn đầu, bởi cũng trong thời kì này và cũng cùng
mục đích tranh luận nhưng các bài viết của các tác giả khác như Nguyễn Tường
Tam, Trần Trọng Kim, Vũ Đoan Trang, Nguyễn Như Ngọc… lời lẽ và ý từ nhẹ
nhàng, chừng mực hơn nhiều.
II.3.1.2. Cuộc tranh luận giữa Ngô Đức Kế và Phạm Quỳnh đã có ảnh hưởng
nhất định đến nhận thức của một số người, bằng chứng là khi báo Phụ nữ tân
văn mở diễn đàn với chủ đề “Kiều nên khen hay nên chê” thì đã có một loạt bài
báo của nhiều tác giả lên tiếng (tôi đã tạm thống kê ở phần trên). Nhìn chung các
tác giả đều nghiêng về hướng chê trách Thuý Kiều. Chẳng hạn như Thạch Lan
trong Bài đáp thứ 3 (báo Phụ nữ tân văn, số 5 ngày 30 tháng 5 năm 1929):
“Kiều không biết giữ danh dự cho châu đáo, không biết cái danh dự khắt khe
của bậc chí sĩ anh hùng trong các truyện La Mã, Hy Lạp, không biết giữ tiết cho
thật sạch, giá cho thật trong, thường chỉ biết “xử biến tòng quyền”, cũng là đánh
liều “nhắm mắt đưa chân”, thành ra cuộc đời thật nhiều chỗ đáng chê”. Tác giả
còn kết luận một cách thật nặng nề: “Cô (Kiều) rước khách, cô giật chồng người,
cô ăn cắp, cô nói láo, cô ca hát cho kẻ giết chồng cô được nghe (…) Cô Kiều, tôi

tiếc cho tài sắc của cô, mà tôi chê cái đạo lý của cô”. Các bài đáp khác của
Duyệt Vân Hiên cư sĩ, Nguyễn Thị Xuân Sơn, Bùi Xuân Hoè, Nguyễn Mạnh
Bổng… đều có ý chê Kiều. Họ cho rằng: Kiều “tính tình bất chính” (Duyệt Vân
Hiên cư sĩ), rồi “cả đời Kiều không được một điều hay” (Nguyễn Thị Xuân
Sơn), “Thuý Kiều kể tài sắc cũng là bực nghiêng nước, nghiêng thành, nhạn sa
cá lặn, người rất thông minh hiếu thảo, kể tài tình thì thơ sánh với Tạ Ban, đàn
phỏng tầm Tư Mã. Song trước sau cái bước lưu li thì để lại tiếng chê rành rành”
(Lương Thị Đại). Có người đáp thẳng ngay rằng: “Theo thiển ý của tôi xin trả
lời rằng Kiều nhi không đáng khen, mà nên chê…” (Trần Mạnh Sinh)… Tất

9


nhiên bên cạnh rất nhiều những lời lên án, chê bai ấy cũng có những lời ca ngợi.
Ví như ý kiến của M. Lle Bích Thuỷ “Xét ra thì Kiều thì có gì mà đáng chê, mà
nhiều đoạn mình phải tấm tắc, ngậm ngùi mà thầm khen nữa. Kiều dẫu có ba
chìm, bảy nổi, có dày gió, dạn sương đi nữa, thì phẩm giá cũng còn thơm tho,
lóng lánh ngang ngọn gió phong trần”. Hoặc như sự bênh vực của Triệu Văn
Thạng “Dẫu cho mười lăm năm bấy nhiêu lần, chẳng qua là cái quả kiếp của
nàng xui nên phải vậy, vả chăng nàng lại mang lấy chữ tài, sắc, thì chữ tai, sao
cho thập toàn được. Vả chăng bà sư Tam Hợp đạo cô có nói với vãi Giác Duyên
rằng: “Thửa công đức ấy ai bằng” thì trung, hiếu, tiết, nghĩa, và công đức của
nàng hồ dễ đời xưa mấy mặt, mà đời này mấy gan, thiệt là hiếm có, đáng khen
nàng lắm vậy!” Nổi bật nhất là các quan điểm của Trần Trọng Kim khi ông dùng
thuyết lý đạo Phật để bênh vực cho Kiều, để khẳng định tất cả đều do cái nghiệp
tạo nên. Hay như quan điểm của Hoàng Ngọc Phách khi ông chỉ ra những nét tốt
đẹp của Kiều thông qua phép so sánh giữa Kiều với người em ruột của mình là
Thuý Vân.
II.3.1.3. Đánh giá về Truyện Kiều của Nguyễn Du, tác giả Vũ Đình Long đề
cao giá trị nội dung của tác phẩm. Ông cho rằng: “Cái đặc sắc của Truyện Kiều

là có chủ não, là bao nhiêu việc đều quay về cái chủ não ấy cả. Chủ não đã là
chữ “tình” làm hi sinh cho chữ “hiếu” thời bao nhiêu việc trước sau chỗ hi sinh
đều là những việc khiến cho độc giả ai cũng phải hết lòng thương người vì hiếu
quên tình, mà cả đến chỗ kết cục đoàn viên cũng thuộc chủ não Truyện Kiều…”.
Như vậy tác giả đã khẳng định giá trị đặc biệt của tác phẩm là đề cao cái tình,
cái hiếu của con người. Đây cũng là chuẩn mực đạo đức mang tính truyền thống
của xã hội Việt Nam.
Nhà phê bình Hoài Thanh trong bài viết “Nội dung và hình thức Truyện
Kiều” lại có một cách nhận định rất riêng, rất độc đáo. Tác giả cho rằng: “Theo
cách hiểu thông thường, nội dung ở đây tức là triết lí của Truyện Kiều, một cái
triết lí nhuộm màu Phật giáo mà người thì cho là từ bi, bác ái, người thì cho là
khiếp nhược, hàng phục. Còn hình thức là những tình, những cảnh, những hình
tượng, những âm điệu Nguyễn Du đã dùng để diễn dịch cái triết lí ấy.

10


Có lẽ chính ý muốn của Nguyễn Du cũng là thế. Song tôi không nghĩ thế:
cái điều mà người ta cho là nội dung Truyện Kiều, theo tôi, chỉ là hình thức mà
thôi. Và trái lại. Nội dung theo tôi, là những tình, những cảnh, những hình
tượng, những âm điệu, tất cả những cái gì biểu diễn thiên tài của Nguyễn Du hay
muốn nói vắn tắt hơn, nội dung Truyện Kiều chính là văn chương Truyện Kiều
vậy. Còn triết lí là một cái vỏ, một cái khung, giá có cất đi cũng không hại gì”.
Để thuyết phục, tác giả đã dùng những câu thơ trong tác phẩm để phân tích,
lí giải. Từ đó mà đi đến khẳng định: “Vậy văn chương Truyện Kiều chính là nội
dung Truyện Kiều vì nó là phần cốt yếu và vĩnh viễn. Phần ấy thiếu đi, Truyện
Kiều sẽ chỉ là một cái xác chết”.
Đánh giá về giá trị của Truyện Kiều, nhà thơ Lưu Trọng Lư trong “Mấy lời
chiêu tuyết cho Vương Thúy Kiều” cũng khẳng định một cách mạnh mẽ: “Sự
thật, thì tất cả người Việt Nam ngày nay, từ kẻ nhà quê mộc mạc cho chí kẻ

phong lưu đài các, đều đã đọc Truyện Kiều, và cũng đều nhận rằng quyển sách
của cụ Nguyễn Du là một khúc nhạc êm đềm, thánh thót, đã giúp cho sự sinh
hoạt của dân tộc được thêm vẻ điều hòa và êm dịu”.
Như vậy, dù có nhiều cách đánh giá khác nhau, nhưng ở bình diện chung
nhất vẫn chủ yếu là ca ngợi giá trị bất hủ của Truyện Kiều và đây là điều tôi luôn
lưu tâm đối với các thế hệ và đối tượng học sinh.
II.3.2. Hướng dẫn học sinh tìm hiểu phần tranh luận, đánh giá về nghệ thuật
Truyện Kiều.
Thiết nghĩ, đối với Truyện Kiều, đây là điều quan trọng nhất nên tôi cho học
sinh tìm hiểu một cách sâu sắc hơn. Tuy nhiên, với dung lượng bài viết không
thể trình bày đầy đủ và chi tiết, tôi chỉ có thể đưa ra một số vấn đề cơ bản tạm
xem là minh chứng vậy. Dựa theo một số đánh giá, tôi hướng dẫn học sinh tìm
hiểu tập trung ở một số lĩnh vực nghệ thuật cơ bản nhất của tác phẩm.
II.3.2.1. Những nhận định, đánh giá về bút pháp.
Đánh giá về Truyện Kiều về tài thơ Nguyễn Du, nhiều tác giả không tiếc lời
ca ngợi, khẳng định cái hay, cái độc đáo của kiệt tác này. Đó là những câu thơ
khi lên bổng, lúc xuống trầm, êm đềm vui vẻ; khi mơn man như ngọn cỏ, khi

11


cuồn cuộn như nước sông; khi nhẹ nhàng như cành trúc mùa xuân, khi nặng nề
như trời dông mưa gió. Và tất nhiên những vẻ đẹp ấy bắt nguồn từ nghệ thuật
Truyện Kiều trong đó có bút pháp thơ của thi nhân.
Nhà biên kịch Vũ Đình Long trong “Văn chương Truyện Kiều” đã khẳng
định: “Thơ cụ Nguyễn Du viết văn hoa bóng bảy lắm. Những câu tỉ dụ rải rác
trong văn cụ không chỗ nào không có…” Tác giả đưa ra hàng loạt những minh
chứng để khẳng định tài năng đặc biệt trong bút pháp tả người, tả cảnh, tả tình
của Nguyễn Du. Chẳng hạn những câu thơ kiếp đời lưu lạc giang hồ của người
con gái:

“Hoa trôi bèo dạt đã đành
Biết duyên mình, biết phận mình thế thôi!”
Hoặc:
“Phận bèo bao quản nước sa
Lênh đênh đâu nữa cũng là lênh đênh.”
Đặc biệt nhất là nghệ thuật tỉ dụ tiếng đàn. Tác giả Vũ Đình Long cho rằng:
“Có một tiếng đàn nàng Kiều gảy mà có khi cụ nghe ra tiếng sắt, tiếng vàng
chen nhau, có khi:
Trong như tiếng hạc bay qua,
Đục như nước suối mới sa nửa vời.
Tiếng khoan như gió thoảng ngoài,
Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa.”
Bút pháp tả cảnh cũng được xem là nét tài hoa độc đáo của Nguyễn Du. Tả
cảnh là dùng lời văn mà vẽ ra cảnh khiến cho độc giả không nhìn thấy cảnh
nhưng vẫn hình dung ra được, thậm chí có cảm giác như đang hiện ra trước mắt.
Ở bút pháp này Vũ Đình Long cho rằng: “Cụ Tiên Điền tả cảnh tài lắm, là vì cụ
khéo dùng những chữ, gọi là “hình dung từ”, nghĩa là những chữ vẽ ra cảnh, đọc
lên mà trông thấy cảnh vậy:
Cỏ non xanh dợn chân trời,
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.

12


Chữ dợn có thêm vào chữ xanh thì màu xanh của cỏ non kia mới tả đúng,
mà lại tả được cái vẻ hoạt động của đám cỏ non. Còn câu thơ sau có phải như vẽ
ra cây lê lốm đốm một vài bông hoa trắng không?”
Nhà văn Nguyễn Tường Tam trong “Mấy lời bình luận về văn chương
Truyện Kiều” cũng từng bàn luận: “Tả cảnh như câu:
Ngoài song thỏ thẻ oanh vàng,

Nách tường bông liễu bay ngang trước mành
thật là rõ một buổi sáng mát mẻ thanh khiết, có tiếng oanh hót trong ánh sáng
mùa xuân, có gió mát thoáng ngoài lay động bóng liễu. Cảnh vật xung quanh cô
Kiều đều có vẻ nên thơ như thế cả.”
Bút pháp tả người cũng được nhiều tác giả hết sức lưu tâm. Tôi đã thống kê
những đánh giá, nhận xét, những lời bình có giá trị để các em tham khảo. Chẳng
hạn như bình luận đánh giá của tác giả Trần Trọng Kim trong bài: “Tựa truyện
Thúy Kiều”, tác giả đã cho rằng: “Tả các vai người, thì người nào vẽ hệt người ấy.
Như Kim Trọng là một bậc người phong lưu nho nhã thì
- Đuề huề lưng túi gió trăng
- Một vùng như thể cây quỳnh cành dao.
Mã Giám sinh thì:
Quá niên trạc ngoại tứ tuần,
Mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao
Tú bà thì:
Thoắt trông nhờn nhợt màu da,
Ăn gì cao lớn đẫy đà làm sao!
Sở Khanh thì:
Một chàng vừa trạc thanh xuân,
Hình dong chải chuốt, áo khăn dịu dàng.
Từ Hải thì:
Râu hùm hàm én mày ngài,
Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao.
Tả người thực thì thế, tả người thấy trong chiêm bao thì:

13


Sương in mặt, tuyết pha thân,
Sen vàng lãng đãng như gần như xa;

thật rõ là người trông thấy trong khi mơ màng giấc mông.”
II.3.2.2. Những nhận định, đánh giá về nghệ thuật kể chuyện
Chúng ta đều biết nguồn gốc Truyện Kiều là từ cuốn tiểu thuyết chương hồi
Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài nhân, nghĩa là bản chất của nó là tự sự
và quả thực từ trước đến nay nhân dân vẫn gọi là truyện. Người ta có thể kể lại
nội dung Truyện Kiều một cách đầy đủ và súc tích. Thực ra nói về kể chuyện,
thuật chuyện ở những tác phẩm văn xuôi tự sự khác thì cũng luôn có những nét
nghệ thuật khác nhau. Ở đây là nói về tài kể chuyện của nhà thơ Nguyễn Du qua
Truyện Kiều. Phải khẳng định một điều nhờ tài năng kể chuyện mà người đọc
luôn cảm thấy hứng thú đối với tác phẩm ngay từ những câu thơ đầu tiên cho
đến những câu kết thúc. Và ở đâu người ta cũng thấy chuyện, hình dung ra
chuyện. Thậm chí có cảm giác như có bản thân mình trong đó. Có được điều này
bởi nhà thơ đã tả hình dung, hoàn cảnh, thái độ, tâm tính khi nói đến người. Và
khi nói đến việc đã nói đầy đủ cả nguyên nhân cùng kết quả của các sự việc ấy.
Các nhà phê bình nghiên cứu đã chỉ ra điều này. Chẳng hạn như ý kiến của tác
giả Vũ Đình Long (Văn chương Truyện Kiều): “Văn tự sự trong Truyện Kiều
bao giờ cũng rõ ràng, hoạt bát, nhanh nhẹn, lời ý đủ, nghe qua hiểu ngay. Văn
như thế mà vẫn đậm đà, vẫn êm ái, vẫn kêu, vẫn vui vì cụ Nguyễn Du khéo thay
đổi cách đặt câu, khi chêm câu hỏi, khi xen lời cảm thán”. Để minh chứng cho
quan điểm của mình tác giả đã dựng lại câu chuyện của họ Đô kể lại cho Kim
Trọng nghe toàn bộ lịch sử “giang hồ” của nàng Kiều trong mười lăm năm lưu
lạc một cách đầy đủ và chi tiết mà chỉ gói gọn trong hai sáu câu thơ. Từ đó mà
khảng định: “Một cái lịch sử giang hồ mười lăm năm mà thuật lại có trong bấy
nhiêu câu, đủ làm rõ, nghe qua hiểu hết đầu đuôi, văn tự sự thế là khéo.”
Tác giả Đào Duy Anh trong “Nguyễn Du viết Đoạn trường tân thanh vào
lúc nào” cũng có những đánh giá tương tự: “Đoạn văn có thể tiêu biểu cho ngòi
bút tự thuật tài tình của Nguyễn Du là chỗ tác giả mượn lời của ba người trong
truyện mà tóm tắt cả mười lăm năm lưu lạc của Thúy Kiều. Văn tự thuật ở đây,

14



lời rất gọn ghẽ rạch ròi, và mạch lạc, rất thông suốt mà khúc chiết …”. Nghệ
thuật kể chuyện còn ở chỗ nhà thơ không cho một người kể từ đầu đến cuối mà
có sự phân vai hết sức phù hợp với văn cảnh, đồng thời tạo được sự linh hoạt và
độc đáo.
Nghệ thuật kể chuyện của Nguyễn Du trong Truyện Kiều được các tác giả
nhìn dưới nhiều bình diện với những phát hiện khá thú vị. Chẳng hạn kể về nhân
vật Từ Hải nhà phê bình Hoài Thanh nhận thấy nếu như Thanh Tâm tài nhân ưa
tả thực thì Nguyễn Du lại chỉ gợi ý tưởng tượng cho người đọc. Và điều đáng
nói là Nguyễn Du chỉ nói rất ít nhưng hình ảnh của Từ vẫn hết sức đầy đủ, thậm
chí còn rõ ràng minh xác hơn. Trong cách kể chuyện của mình, Nguyễn Du đã
lọc bỏ đi rất nhiều chi tiết nhưng đồng thời lại cũng thêm vào những chi tiết để
tạo nên những con người mới, những câu chuyện mới. Tác giả dẫn chứng:
“Thanh Tâm tài nhân nói đến Từ Hải trên bốn mươi trang giấy, Nguyễn Du chỉ
nói trong mấy trang, mười phần bỏ đi tám. Tuy thế trong truyện Nguyễn Du có
những điều trong truyện Thanh Tâm tài nhân không có. Những điều có thể gợi
hình ảnh một người anh hùng”. Quả thực như chúng ta đều biết đoạn kể lại cuộc
chia tay giữa Từ Hải và Kiều (đoạn trích Chí khí anh hùng) Thanh Tâm tài nhân
chỉ nói một câu: “Từ Hải ở với Kiều năm tháng rồi biệt Kiều mà đi”, nhưng
Nguyễn Du lại dựng lên cả một đoạn trường li biệt hết sức độc đáo làm nổi bật
hình ảnh nhân vật và giá trị của tác phẩm. Tác giả Hoài Thanh đã bình về đoạn
này: “Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương. Con người này quả không
phải là con người của một nhà, một họ, một xóm, hay một làng. Con người này
là của trời đất, của bốn phương. Một người như thế lúc ra đi ắt cũng không thể
đi một cách tầm thường như Thanh Tâm tài nhân tưởng”. Quả là một cách kể
chuyện sinh động, tinh tế của một tài năng nghệ thuật bậc thầy.
II.3.2.3. Những nhận định, đánh giá về nghệ thuật vấn đáp.
Theo lí luận văn học tác phẩm tự sự là hình dung về cuộc đời, muốn vậy
phải dùng đến nghệ thuật vấn đáp thì truyện mới giống sự thực. Đọc truyện đến

chỗ có văn vấn đáp thì tác giả hình như trông thấy hoạt cảnh, mà nghe những
người trong truyện vấn đáp với nhau như thực. Tiểu thuyết nhờ nghệ thuật vấn

15


đáp mà tăng tính hoạt động. Nhưng mọi vấn đáp trong truyện phải phù hợp với
tình ý trong câu chuyện, với thể tài câu văn, đồng thời ngôn ngữ của hạng người
nào phù hợp với tư cách, trình độ của hạng người đó. Xét ở tiêu chí này thì
Truyện Kiều quả là đã đạt được.
Trong “Văn chương Truyện Kiều” của Vũ Đình Long đã có nhận định: “Văn
vấn đáp trong Truyện Kiều có đoạn như một áng văn biện thuyết rất hùng hồn.
Ví như Thúc sinh ngỏ ý muốn lấy Kiều làm vợ lẽ, thời trước hết Kiều cảm ơn và
tỏ ý ngần ngại không biết có nên chăng?” Từ đó đưa vào hàng loạt những lời đối
đáp vì lẽ này, vì lẽ kia, thậm chí có cả lời đón trước, lời rào sau một cách hết sức
thuyết phục. Thực ra nhiều khi những sự việc những chi tiết bề ngoài rất khó thể
hiện, người ngoài càng khó đánh giá một cách đầy đủ và chính xác nhất, như
vậy vấn đáp chính là nghệ thuật thể hiện một cách sâu sắc những điều khó biết,
khó thể hiện ấy. Vũ Đình Long nhận thấy rất rõ điều này: “Có khi nhà làm văn
dùng lối văn vấn đáp để tả những tình cảm hăng hái nồng nàn uất ức trong lòng
người, những tình cảm ấy muốn tả cho đúng phải để cho chính người trong
truyện thổ lộ can tràng”.
Ở nghệ thuật vấn đáp tác giả Đào Duy Anh cũng quan tâm nhìn nhận, đánh
giá. Trong đó tác giả đặc biệt chú ý đến nghệ thuật đàm thoại. Từ đó mà cho
rằng: “Về văn đàm thoại. Nguyễn Du cũng dùng một bút pháp giản khiết và hàm
súc như văn mô tả và tự thuật”. Để làm nổi bật quan điểm này tác giả đi vào đối
chiếu so sánh đoạn đàm thoại của Kim Trọng và Thúy Kiều khi gặp nhau ở vườn
Thúy giữa tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện (Thanh Tâm tài nhân) với Đoạn
trường tân thanh (Nguyễn Du), để đi đến nhận định: “… lời đàm thoại trong
nguyên văn đã sỗ sàng, mà lại dài dòng và tủn mủn quá, khiến ta lấy làm khó

chịu khi thấy Thúy Kiều quá dạn dĩ, và có vẻ lẳng lơ, khiêu khích, và thấy cặp
trai gái này chỉ ưa nói lí sự vụn.
Nguyễn Du thì tóm tắt lại, chỉ cho Thúy Kiều đáp một lần đầu mấy câu để
xin thoa, đáp một lần mấy câu để thối thác còn nhỏ không dám nói chuyện tình
duyên, và đáp một lần thứ ba để nhận lời một cách kín đáo bẽn lẽn”. Nhận định,
đánh giá, nhận xét và minh chứng của tác giả quả là hết sức thuyết phục, giúp

16


người đọc không chỉ hiểu thêm tài năng của Nguyễn Du mà còn thấy được cái
tâm cái đức, thấy được tình cảm yêu thương rộng mở của thi nhân và đặc biệt
phù hợp quan niệm văn hóa truyền thống của dân tộc.
II.4. Hiệu quả của sáng kiến kinh nghiệm đối với hoạt động giáo dục, với
bản thân, với đồng nghiệp và nhà trường.
Như phần mục đích nghiên cứu đã trình bày, trước thực trạng học sinh đang
có những biểu hiện giảm sút năng lực hiểu biết và cảm thụ một tác phẩm văn
học cụ thể, mà đó lại là kiệt tác của dân tộc, đồng thời tiếp thu sự đổi mới về
chương trình và phương pháp dạy bộ môn Ngữ văn, tôi đã mạnh dạn đề xuất và
thực hiện sáng kiến kinh nghiệm này. Qua quá trình thực nghiệm ở các đối
tượng cụ thể, tôi có thể đưa ra một số hiệu quả sau:
II.4.1. Đối với hoạt động giáo dục:
Áp dụng kinh nghiệm đưa các đánh giá nhận xét của các nhà văn, nhà
nghiên cứu có tiếng tăm từ trước đến nay thực sự đã tác động không nhỏ đến đối
tượng học sinh. Theo đánh giá của tôi, bước đầu các em thấy được vị trí, tầm
quan trọng cũng như âm vang của tác phẩm qua mọi thời đại. Từ đó mà có cái
nhìn đúng đắn và hợp lí hơn về giá trị của Truyện Kiều.
Từ những đoạn trích rời rạc làm các em khó nắm bắt, nhờ những nhận định
đánh giá này mà các em có cái nhìn tổng thể và tròn vẹn hơn, hiểu rõ hơn bối
cảnh và ý nghĩa cũng như nghệ thuật của từng đoạn trích.

Với cách đưa ra những nhận định, đánh giá, đồng thời khuyến khích các em
tự tìm hiểu, phân tích những nhận định, đánh giá từng được biết ngay từ màn
giới thiệu, dạo đầu của tiết học, quả thực đã tạo được nhiều hứng thú cho các đối
tượng học sinh ở nhiều trình độ nhận thức khác nhau.
Hướng dẫn tìm hiểu các tranh luận và đánh giá về Truyện Kiều, tôi đã mạnh
dạn đưa vào đó nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí là trái chiều, đối lập, nhằm
giúp cho các em có một cái nhìn sâu hơn, rộng hơn. Khuyến khích các em tự nảy
sinh những tranh biện để tự tìm ra những cách lí giải hợp lí nhất. thiết nghĩ đó
cũng là quan điểm đổi mới giáo dục hiện nay.

17


Thông qua việc khảo sát trực tiếp trên các đối tượng qua những bài tập cụ
thể, tôi nhận thấy sự tiến bộ rõ rệt ở nhiều học sinh. Đặc biệt đã có một số bài
viết biết cách vận dụng khá sáng tạo các nhận định, đánh giá được tìm hiểu, có
cách lí giải một cách hợp lí và chặc chẽ, thể hiện sự hứng thú đối với bản thân
các em.
II.4.2. Hiệu quả đối bản thân.
Khi làm và thực hiện theo sáng kiến này, tôi nhận thấy có khá nhiều điều bổ
ích cho bản thân. Rõ ràng Truyện Kiều là một kiệt tác, ai cũng yêu và quý nó, nhất
là những người thường tiếp súc với văn chương, nhưng đã rất nhiều năm nay rồi,
tác phẩm không mấy được chú ý. Trong chương trình Ngữ văn, học sinh học cả ở
trung học cơ sở lẫn trung học phổ thông, nhưng hầu như nó tuyệt nhiên vắng bóng
trong các cuộc thi cử, mà tâm lí chung thường là có thi mới chú tâm học. Nhiều
năm gần đây cũng rất ít có các chuyên đề về Truyện Kiều, càng ít có những bài
viết, những chuyên luận về nó. Âu cũng là điều đáng buồn và đáng tiếc
Thực hiện đề tài này, thực sự tôi đã được sống lại một thời hừng hực tình
yêu đối với tác phẩm, tôi như được trở lại với những cảm xúc một thời đầy
thương nhớ, được gặp lại những người thầy luôn đam mê trên bục giảng. Và trên

hết được ôn luyện lại những mảng kiến thức tưởng như đang xa dần, đang nhạt
dần trong chính bản thân của mình. Vả lại đây cũng là yêu cầu cơ bản đối với
mỗi giáo viên là không ngừng học hỏi nâng cao trình độ nhận thức của bản thân.
Trong quá trình thực hiện trên lớp, tôi cũng gặp không ít những trăn trở,
những phản biện những đánh giá của học sinh, bắt tôi phải đào sâu hơn, suy nghĩ
kĩ hơn để có những câu trả lời hợp lí cho các em. Có lẽ vì thế cũng sẽ giúp cho
những người thầy như chúng tôi có phần năng động hơn trong sử lí tình huống
sư phạm. Đó thực sự là những hiệu quả hết sức thiết thực.
II.4.3. Hiệu quả đối với đồng nghiệp và nhà trường.
Thực hiện sáng kiến này có sự tham gia đóng góp, hỗ trợ nhiệt tình của đồng
nghiệp, nó tạo nên giá trị tương hỗ đồng nghĩa với việc cũng đã giúp cho mọi
người có cái nhìn hợp lý và năng động hơn trong những bài giảng, những tiết
giảng cụ thể của mỗi người.

18


Trong quá trình thực hiện đề tài này, tôi đã vận dụng sáng kiến để tổ chức
tiết học theo chuyên đề, một phương pháp dạy học mới đang được Sở Giáo và
Đào tạo khuyến khích thực hiện. Kết quả tạo được sự hứng thú và tạo được
phong trào học tập cho khối, cho trường.
Đây thực sự chỉ là những kinh nghiệm thực tế có được trong quá trình giảng
dạy và tôi chỉ mới thực hiện trong phạm vi của một trường học cụ thể, với
những hoàn cảnh, đối tượng cụ thể nên không tránh được những hạn chế, thiếu
sót. Mong được các quý thầy cô đóng góp để bản kinh nghiệm này được hoàn
chỉnh hơn.

19



III. PHẦN KẾT LUẬN, KIẾN NGHỊ
III.1. Truyện Kiều của Nguyễn Du là một áng văn chương đã đi vào lịch sử
của dân tộc trong suốt gần 300 năm qua. Dù trải qua bao nhiêu sóng gió, dập
vùi, nhưng vẻ đẹp của nó vẫn không hề bị mai một. Nỗi niềm yêu mến về
Truyện Kiều vẫn tràn đầy trong trái tim của nhiều bạn đọc. Bình phẩm, đánh giá,
tranh luận về tác phẩm này đã diễn ra thường xuyên trong nhiều thế hệ qua. Nó
để lại nhiều dư âm đồng thời cũng tôn thêm vẻ đẹp cho thi phẩm.
III.2. Đầu thế kỉ XX (từ 1924 đến 1945) trên văn đàn tiếng Việt đã diễn ra
một cuộc tranh luận hết sức sôi nổi về Truyện Kiều mà xuất phát là từ quan điểm
chính trị, quan điểm giai cấp, quan điểm lập trường hoặc quan điểm về phương
pháp nhìn nhận, đánh giá, phân tích. Đã có không ít những bài được xem như là
bút chiến khi họ đưa ra những quan điểm gần như trái ngược nhau. Đó là quan
điểm sùng bái Truyện Kiều của Phạm Quỳnh và sự phản ứng dữ dội của Ngô
Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng. Đó là quan điểm nhìn nhận về Truyện Kiều của hai
phái nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh. Đó là quan điểm về
phương pháp phân tích Truyện Kiều của Nguyễn Bách Khoa mà Hoài Thanh và
Đinh Gia Trinh đã đối đáp lại một cách gay gắt. Bên cạnh đó còn có rất nhiều
bài viết tham gia diễn đàn tranh luận với những đóng góp quý báu vào việc nhìn
nhận, đánh giá Truyện Kiều.
III.3. Dù ở thời đại nào, Truyện Kiều vẫn luôn là một tác phẩm lớn cần được
quan tâm. Trước thực trạng học tập của các đối tượng học sinh cụ thể, vận dụng
những nhận xét, phẩm bình, đánh giá của các nhà văn, nhà nghiên cứu từ những
năm đầu thế kỉ XX là để tăng thêm niềm hứng thú cho các em. Cũng là một gợi
ý về một cách tiếp cận tác phẩm giúp cho học sinh có cái nhìn đa chiều, sâu sắc
hơn, năng động hơn trong quá trình học tập, nghiên cứu. Phù hợp với chương
trình giáo dục tổng thể cũng như phương pháp dạy học mới Bộ đã đề ra.

20




×