Tải bản đầy đủ (.docx) (11 trang)

Lê Đức Thọ: VAI TRÒ của GIA ĐÌNH TRONG GIÁO dục GIÁ TRỊ CHO THẾ hệ TRẺ HIỆN NAY

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (103.28 KB, 11 trang )

PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA GIA ĐÌNH TRONG GIÁO DỤC GIÁ TRỊ CHO
THẾ HỆ TRẺ Ở VIỆT NAM HIỆN NAY
PROMOTE THE ROLE OF THE FAMILY IN THE VALUE EDUCATION FOR
THE YOUNG GENERATION IN VIET NAM TODAY
Lê Đức Thọ1
Lâm Thị Hồng Thắm2
(Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc tế: “Giáo dục giá trị trong nhà trường”, Viện
Nghiên cứu giáo dục và giao lưu quốc tế Đại học Huế, Trường Cán bộ quản lý giáo
dục Thành phố Hồ Chí Minh, ISBN 978-604-974-078-7, Nxb. Đại học Huế, tr.853863. Năm 2019)
Tóm tắt
Bài viết nghiên cứu thực trạng giáo dục gia đình ở nước ta hiện nay, kết quả
nghiên cứu cho thấy, trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường và quá trình hội
nhập quốc tế đã tác động nhiều chiều đến giáo dục gia đình. Bên cạnh những giá trị
của gia đình truyền thống, có sự xuất hiện của những giá trị của gia đình hiện đại,
điều này cũng ảnh hưởng đến chức năng giáo dục giá trị của gia đình đối với thế hệ
trẻ. Bài nghiên cứu cũng đề xuất một số giải pháp nhằm phát huy vai trò của gia
đình trong giáo dục giá trị cho thế hệ trẻ ở Việt Nam hiện nay.
Từ khóa: Giáo dục gia đình; giáo dục giá trị; thế hệ trẻ.
Abstract
This paper examines the current situation of family education in our country.
The research results show that, in the context of market economy development and
international integration process, there have been many impacts on family education.
In addition to the values of traditional families, there is the emergence of modern
family values, which also affects the family's educational value to the younger
generation. The research also suggests some solutions to promote the role of families
in the value education for the young generation in Vietnam today.
1 ThS. Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng. Email:
2 ThS. Trường Cao đẳng Thương mại Đà Nẵng

1



Key words: family education; value education; younger generation.
1. Nêu vấn đề
Giáo dục thế hệ trẻ có tầm quan trọng đặc biệt trong sự nghiệp giáo dục và đào
tạo của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc. Bởi lẽ, thế hệ trẻ hôm nay sẽ là nội lực cho tương
lai. Vấn đề giáo dục đạo đức, nhân cách của thế hệ trẻ rất cần sự góp sức từ gia đình.
Nếu gia đình không có một phương pháp giáo dục đúng đắn thì gia đình nói riêng và
xã hội nói chung phải gánh chịu những hậu quả không thể lường trước được. Trong
bối cảnh hiện nay, việc phát triển nền kinh tế thị trường và quá trình hội nhập quốc tế
đã tác động đến giáo dục gia đình, điều này ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách
thế hệ trẻ. Chính vì vậy, việc nghiên cứu thực trạng của giáo dục gia đình ở nước ta
hiện nay, từ đó, đề xuất được một số giải pháp nhằm nâng cao vai trò của gia đình
trong giáo dục giá trị cho thế hệ trẻ là việc làm cần thiết, có ý nghĩa thực tiễn.
2. Vai trò của giáo dục gia đình
Trong bất kỳ thời kỳ nào của lịch sử, gia đình luôn là chiếc nôi để hình thành,
giáo dục, nuôi dưỡng nhân cách của mỗi con người. Gia đình trong xã hội hiện đại
ngày nay càng có vai trò quan trọng, từ định hướng, nuôi dưỡng nhân cách cũng như
giáo dục con người từ khi sinh ra đến lúc trưởng thành, trở thành những công dân có
ích đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của xã hội.
Gia đình là môi trường đầu tiên về phương diện thời gian và gần gũi nhất về
phương diện không gian đối với mỗi cá nhân. Gia đình được hiểu như một tập thể
nhỏ, trong đó các thành viên quan tâm đến nhau (sở thích, nhu cầu…). Không khí
tâm lí trong gia đình ảnh hưởng đến toàn thể gia đình như khí trời đối với con người.
Các nhà nghiên cứu dùng thuật ngữ không khí (“climate”) là một thuật ngữ sinh học
để chỉ một hiện tượng tâm lí. Không khí tâm lí gia đình được hiểu là tính chất của các
mối quan hệ qua lại trong gia đình, là tâm trạng bao trùm chủ yếu của gia đình. Sự
ảnh hưởng qua lại được thực hiện thông qua giao tiếp, hình thành nên nhân cách của
trẻ ở giai đoạn đầu tiên của cuộc đời (các mối quan hệ trong gia đình, tâm trạng
chung của gia đình).
Với tư cách là ngôi trường đầu tiên của mỗi cá nhân, gia đình có điều kiện, có

2


trách nhiệm và nhiều ưu thế trong việc tham gia vào giáo dục đạo đức, nhân cách cho
thế hệ trẻ hôm nay; sự ảnh hưởng của giáo dục gia đình tới việc hình thành nhân cách
của các em là rất lớn. Cùng với sự phát triển của xã hội hiện đại, các bậc phụ huynh
muốn thực hiện tốt vai trò là nhà giáo dục đặc biệt quan trọng của mình thì bên cạnh
nhiệm vụ xây dựng kinh tế gia đình, các bậc phụ huynh cần phải tự mình học hỏi,
trau dồi kiến thức mọi mặt, tạo lập môi trường sống lành mạnh cho con em mình.
Đồng thời, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa giáo dục gia đình với nhà trường và các
đoàn thể xã hội khác, bản thân ông bà, cha mẹ phải là tấm gương sáng về đạo đức cho
con cháu noi theo.
Ðối với phần lớn người Việt Nam chúng ta, gia đình luôn là mối quan tâm hàng
đầu, vì gia đình là tổ ấm của mỗi người, là nơi chúng ta được yêu thương và chia sẻ
tình yêu thương. Xây dựng hạnh phúc gia đình cũng chính là xây dựng tổ ấm gia
đình, vun đắp và lan tỏa tình yêu thương cho tất cả mọi người. Gia đình mang tính
liên kết chặt chẽ, gắn bó, quan hệ máu thịt giữa các thành viên trong gia đình. Trải
qua nhiều thế hệ, gia đình Việt Nam tồn tại và phát triển với những chuẩn mực, giá trị
tốt đẹp, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam, gia đình truyền thống Việt Nam
hòa thuận, hiếu thảo, khoan dung, chung thủy. Quá trình đất nước đổi mới và hội
nhập quốc tế ngày nay tạo ra nhiều cơ hội và điều kiện để gia đình Việt Nam phát
triển, tuy nhiên vấn đề gia đình và giáo dục gia đình cũng gặp nhiều khó khăn, thách
thức.
3. Thực trạng giáo dục gia đình ở nước ta hiện nay
Trong bối cảnh xã hội phát triển và hội nhập, gia đình Việt Nam đang có những
biến đổi mạnh mẽ về cấu trúc, hình thái, quy mô và các mối quan hệ trong gia đình.
Những giá trị, chuẩn mực truyền thống đã và đang bị tác động, thay đổi, xen lẫn với
những chuẩn mực, hành vi của xã hội mới. Mối quan tâm, chăm sóc của một bộ phận
cha mẹ dành cho con cái dường như bị suy giảm. Nền tảng đạo đức xã hội, nhân cách
của một bộ phận thế hệ trẻ đang có nguy cơ bị lung lay, bởi chủ nghĩa thực dụng, chủ

nghĩa cá nhân và thiếu vắng sự chăm sóc, bảo vệ của gia đình.
Ðiều đáng lo ngại hiện nay là, vì những lý do khác nhau, một bộ phận gia đình
đã không thật sự trở thành "tổ ấm" cho mỗi con người. Nếu cấu trúc gia đình lỏng
3


lẻo, liên kết giữa các thành viên gia đình yếu, các thành viên gia đình không được đối
xử bình đẳng, cha mẹ thiếu gương mẫu và không có thời gian hoặc không quan tâm
chăm sóc, giáo dục trẻ em, vợ chồng thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, xung đột, bạo
lực gia đình gia tăng... thì gia đình khó có thể làm tốt chức năng giáo dục, các thành
viên trong gia đình khó hòa thuận, hạnh phúc và đặc biệt con cái khó có thể sống
trong tình yêu thương, ấm no và hình thành nhân cách tốt.
Có thể nêu hai vấn đề bất cập chủ yếu trong đời sống gia đình có liên quan mật
thiết với giáo dục đối với các thành viên gia đình như sau: Một là, bạo lực gia đình.
Mâu thuẫn, xung đột gia đình mà đỉnh điểm là bạo lực gia đình nghiêm trọng, trong
đó nổi bật nhất là bạo lực của người chồng đối với người vợ và bạo lực của cha mẹ
đối với con cái. Những trẻ em sinh ra và lớn lên trong các gia đình thường xuyên phải
chứng kiến hành vi bạo lực của cha đối với mẹ, những cảnh mắng chửi nhau giữa các
thành viên gia đình, những lần bị đòn roi từ cha mẹ, cũng có xu hướng áp dụng các
hành vi bạo lực đối với người khác trong tương lai. Hai là, vấn đề ly hôn. Nhất là các
vụ ly hôn có con nhỏ, nếu bố mẹ xử sự sau ly hôn không khéo léo và thiếu tế nhị thì
các cháu cũng là người chịu rủi ro nhiều hơn trong cuộc sống, cá biệt cũng dễ bị rơi
vào những hành vi lệch lạc trong tương lai.
Trong bối cảnh của nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế hiện nay, chúng
ta đang chứng kiến một hiện tượng khá bất ổn ở không ít gia đình, đó là việc thiếu
vắng sự chăm sóc, giáo dục của các bậc cha mẹ đối với con cái, dù họ vẫn sống cùng
nhà với các con, cả đối với những người đang vật lộn mưu sinh cũng như các gia đình
khá giả hơn. Vẫn còn một tỷ lệ không nhỏ người cha và người mẹ không dành thời
gian để chăm sóc con cái. Sự thiếu quan tâm của cha mẹ đối với con cái có thể dẫn
đến nhiều hậu quả tiêu cực cả về mối liên hệ tình cảm cha mẹ - con cái hoặc tăng

thêm nguy cơ đối với các hành vi lệch chuẩn trong cuộc sống. Không ít trẻ em trong
các gia đình không được cha mẹ quan tâm đã bỏ học, đi lang thang bụi đời, để cuối
cùng rơi vào vòng xoáy của các tệ nạn xã hội như cờ bạc, nghiện hút, cướp giật, mại
dâm, trộm cắp,... gần đây nhất nhiều cháu gái nhỏ bị xâm hại rất thương tâm.
Thực tiễn cho thấy những đứa trẻ hư hỏng hỗn láo, phạm pháp thì một số
lượng không nhỏ là cha mẹ làm nghề buôn bán, không trung thực, lời nói không được
4


lịch sự hay cha mẹ li hôn không quan tâm con cái, cha mẹ mắc các tệ nạn xã hội như
lô đề, cờ bạc trộm cắp, cướp của, lừa đảo, nghiện và buôn bán ma túy, nhưng lại bắt
con cái mình phải ngoan ngoãn, thật thà, kính trọng bố mẹ thì thật khó mà trẻ vâng
lời được. Một điều nữa là không chỉ sự làm gương của cha mẹ mới ảnh hưởng tới con
cháu mà tấm gương ông bà cũng ảnh hưởng tới nhân cách trẻ
Có nhiều nguyên nhân cụ thể của tình hình nêu trên nhưng điều quan trọng
nhất là chúng ta chưa nhận thức đầy đủ vai trò của gia đình với tư cách là một thiết
chế xã hội đặc thù có mối quan hệ chặt chẽ với các thiết chế khác trong hệ thống xã
hội tổng thể, sự vững mạnh hay bất cập của gia đình sẽ có tác động lớn đối với việc
quản lý xã hội nói chung. Cũng từ nguyên nhân đó, giáo dục gia đình chưa được coi
trọng. Bản thân một số người làm cha làm mẹ chưa thật sự gương mẫu với các con,
đôi khi còn là hình ảnh xấu cho các con làm theo.
Về mặt xã hội, mặc dù Ðảng và Nhà nước đã quan tâm đến việc xây dựng hành
lang pháp lý tạo tiền đề cho các hoạt động xây dựng và củng cố gia đình, tuy nhiên,
hoạt động triển khai và thực thi chính sách gia đình vẫn còn nhiều hạn chế. Nhiều văn
bản luật và chính sách chưa được nhận thức đầy đủ. Cơ chế phối hợp triển khai thực
hiện chính sách gia đình chưa đồng bộ. Ðội ngũ cán bộ chuyên trách về công tác gia
đình ở cấp cơ sở còn thiếu các kỹ năng cần thiết và gặp nhiều khó khăn trong việc xử
lý các vấn đề về gia đình.
Về phía các gia đình, sự thiếu quan tâm đến việc giáo dục gia đình là một
nguyên nhân quan trọng khiến cho gia đình chưa phát huy được vai trò của nó với tư

cách là môi trường tạo nguồn nhân lực có chất lượng tốt cho xã hội. Nhiều gia đình
vẫn khoán trắng cho xã hội và nhà trường việc giáo dục trẻ em. Một số không ít các
bậc cha mẹ chưa dành được thời gian thích đáng để quan tâm tới con cái. Ngoài ra,
nhiều bậc cha mẹ còn thiếu kỹ năng và phương pháp giáo dục con cái một cách khoa
học. Một vấn đề cần đặc biệt lưu tâm là nâng cao mức sống của các gia đình ở nhiều
vùng khó khăn cũng là một yêu cầu đặt ra nhằm tạo điều kiện cho các gia đình quan
tâm, chăm sóc và giáo dục con cái một cách tốt hơn. Ðây chính là những vấn đề mà
các cơ quan chức năng của Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức
đoàn thể xã hội phải đặc biệt quan tâm.
5


4. Một số đề xuất giải pháp nhằm phát huy vai trò của gia đình trong giáo dục
giá trị cho thể hệ trẻ ở Việt Nam hiện nay
4.1. Quán triệt các quan điểm của Đảng về phát huy vai trò của gia đình trong
giáo dục giá trị cho thế hệ trẻ
Nghị quyết của các kỳ Ðại hội Ðảng đều nhấn mạnh sự quan tâm đến gia đình,
từ Nghị quyết Ðại hội Ðảng lần thứ VII xác định gia đình với tư cách là "tế bào của
xã hội, là cái nôi thân yêu nuôi dưỡng cả đời người, là môi trường quan trọng giáo
dục nếp sống và hình thành nhân cách", đến Ðại hội Ðảng lần thứ XII nêu rõ: "Thực
hiện chiến lược phát triển gia đình Việt Nam... Phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp,
xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh", "tập trung xây dựng con
người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc". Như vậy, gia
đình có một vai trò rất quan trọng đối với việc xây dựng mỗi người Việt Nam cũng
như nguồn nhân lực cho xã hội mới.
Thể chế các chủ trương, nghị quyết của Ðảng, nhiều bộ luật đề cập chế định
gia đình với vị trí, vai trò rất quan trọng như Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân và Gia
đình; Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Trẻ em; Luật
Người cao tuổi. Ðặc biệt, Chính phủ ban hành Chiến lược Phát triển gia đình Việt
Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và quyết định kể từ năm 2001, ngày 28-6 hằng

năm đã trở thành Ngày Gia đình Việt Nam.
4.2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của
gia đình trong giáo dục giá trị cho thế hệ trẻ
Cần chú trọng đổi mới công tác tuyên truyền về gia đình và giáo dục đạo đức,
lối sống trong gia đình, nâng cao hiệu quả giáo dục nhân cách cho thế hệ tương lai
của đất nước. Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực
trong gia đình và xây dựng nhiều hơn các mô hình gia đình gương mẫu trong đạo
đức, lối sống và nuôi dạy con cháu điển hình. Các bậc cha mẹ cần dành thời gian
quan tâm hơn đến con cái và tăng cường giáo dục con em về mối quan hệ tình cảm
gắn kết các thành viên, tạo điều kiện cho các em phát triển một cách tốt nhất trong
môi trường gia đình. Tăng cường các nghiên cứu cơ bản và đánh giá, tổng kết các kết
quả thực hiện các chính sách liên quan đến gia đình, đồng thời cân đối nguồn lực để
6


tiếp tục thực hiện hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu của Chiến lược phát triển gia đình
Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.
Nâng cao nhận thức về vai trò của gia đình đối với sự hình thành nhân cách trẻ
gắn liền với nâng cao trình độ và năng lực giáo dục con cái của các bậc cha mẹ. Để
phát huy vai trò của gia đình, của cha mẹ học sinh trong sự nghiệp giáo dục trước hết
phải nhìn nhận đúng đắn, đầy đủ vị trí, vai trò của gia đình trong giáo dục con cái.
Nhận thức đúng là khởi đầu của hành động đúng, nhận thức đầy đủ và đúng đắn vị
trí, vai trò của giáo dục gia đình đối với sự hình thành nhân cách trẻ là yếu tố quan
trọng trong sự thành công của giáo dục gia đình. Mặc dù trong điều kiện hiện nay, gia
đình không phải là thiết chế duy nhất chịu trách nhiệm giáo dục con trẻ nhưng nó là
môi trường xã hội đầu tiên và có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành nhân
cách gốc của con người. Cùng với nâng cao nhận thức về vai trò của gia đình trong
giáo dục nhân cách của thế hệ trẻ là nâng cao trình độ và năng lực giáo dục con cái
của các bậc cha mẹ.
4.3. Đổi mới và hoàn thiện hệ thống chính sách gia đình

Đổi mới và hoàn thiện hệ thống chính sách gia đình nhằm thực hiện có hiệu
quả mục tiêu: xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững cơ sở cho việc nâng cao vai trò của gia đình đối với sự hình thành nhân cách thế hệ
trẻ. Trước hết cần tuyên truyền Luật Hôn nhân và Gia đình đến từng gia đình Việt
Nam. Đây là một văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ
nghĩa Việt Nam quy định chế độ hôn nhân và gia đình tiến bộ, xây dựng chuẩn mực
pháp lý cho cách ứng xử của các thành viên trong gia đình, tạo việc làm cho người
lao động, chính sách bảo hiểm xã hội, xoá đói giảm nghèo nhất là đối với nông thôn
vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo. Mục đích là tạo điều kiện nâng cao đời sống
kinh tế cho mỗi gia đình, làm nền tảng để cha mẹ có điều kiện, thời gian quan tâm
giáo dục con và tiếp xúc với sự tiến bộ của đất nước và nhân loại.
Trong hoàn cảnh đổi mới đất nước, mỗi gia đình là một đơn vị kinh tế, một đơn
vị tiêu dùng, mọi thành viên trong gia đình phải dựa vào gia đình nhiều hơn trước đây
(đặc biệt là thành viên chưa trưởng thành). Do vậy, cần phải đầu tư vào gia đình, phát
triển kinh tế gia đình, nâng cao mức sống vật chất, tinh thần để gia đình làm tốt chức
7


năng của nó. Khuyến khích phát triển kinh tế gia đình là tạo điều kiện cho gia đình có
tư liệu, có vốn để sản xuất và làm giàu chính đáng. Chính sách khoán hộ, giao đất,
giao rộng ở nông thôn, chính sách kinh doanh dịch vụ, kinh tế tư nhân, chế độ lương
cho cán bộ công chức, thu nhập cho công nhân, lao động thỏa đáng, hợp lý là điều
kiện ổn định đời sống gia đình và cơ sở vật chất của đạo đức trong gia đình. Thực
hiện tốt hơn cuộc vận động "xóa đói, giảm nghèo", "giúp nhau lập nghiệp", giúp nhau
làm giàu.
Bảo đảm cho những chính sách xã hội được thực hiện công bằng và có hiệu
quả trên các lĩnh vực: y tế, sức khỏe, văn hóa, giáo dục, vệ sinh môi trường, sức khỏe
sinh sản... bằng cách lồng ghép các chương trình mục tiêu. Chính sách tín dụng, ưu
đãi cho người nghèo, chuyển giao công nghệ, tạo việc làm, hướng nghiệp... tạo điều
kiện cho các gia đình có đời sống vật chất bớt khó khăn, thì mới có thể làm tốt việc
xây dựng quan hệ gia đình và đạo đức trong gia đình tốt đẹp. Tổ chức tốt các dịch vụ

xã hội để giảm nhẹ lao động trong gia đình cho phụ nữ và trẻ em, tạo điều kiện rảnh
rỗi nhiều hơn cho họ tham gia vào sinh hoạt xã hội, văn hóa tinh thần, giáo dục con
cái, nâng cao tri thức, thẩm mỹ, thể lực. Tạo cho mỗi gia đình có điều kiện vật chất
tối thiểu (gia tài), chỗ ở (gia cư), môi trường sống (gia cảnh) làm cơ sở cho việc giáo
dục gia đình (gia đạo, gia huấn) tạo một nền nếp đạo đức gia đình (gia phong). Cương
lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội của Đảng đề ra
trong Đại hội Đảng VII (1991) ghi rõ: các chính sách của Nhà nước phải chú ý tới
xây dựng gia đình ấm no, hòa thuận, tiến bộ.
4.4. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho gia đình
Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho các gia đình trên cơ sở thực hiện
tốt các chính sách, chủ trương phát triển kinh tế - xã hội. Trong những năm qua Việt
Nam đã thực hiện khá tốt mục tiêu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho các
gia đình. Ðời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là đồng bào ở vùng sâu,
vùng xa, vùng biên giới, hải đảo được nâng lên rõ rệt. Công tác chăm sóc sức khỏe
nhân dân có nhiều tiến bộ. Hệ thống các bệnh viện và mạng lưới từ tỉnh đến cơ sở
tiếp tục được đầu tư nâng cấp, đáp ứng cơ bản nhu cầu khám chữa bệnh của nhân
dân. Những chính sách và chủ trương rất hợp lý này đã giúp cho mỗi người, mỗi gia
8


đình nâng cao đời sống cả vật chất lẫn tinh thần, đồng thời tạo điều kiện cho các gia
đình phát huy tốt hơn vai trò giáo dục nhân cách cho thế hệ trẻ của mình.
4.5. Đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục của gia đình đối với thế hệ trẻ
Nội dung giáo dục phải toàn diện bao gồm cả đạo đức, tri thức, lao động và rèn
luyện tính tự lập cho trẻ tới giáo dục thể chất và thẩm mỹ, giáo dục giới tính. Đổi mới
nội dung giáo dục đạo đức, giáo dục học tập, lao động, rèn luyện tính tự lập cho trẻ,
đồng thời phải quan tâm đến giáo dục thể chất, thẩm mỹ, giới tính cho thế hệ trẻ.
Gia đình cần sử dụng kết hợp các phương pháp khác nhau (nêu gương, rèn
luyện thói quen, khen thưởng, kỉ luật, trừng phạt) trong giáo dục thế hệ trẻ bởi đặc
điểm tâm lý, lứa tuổi của thế hệ trẻ là rất nhạy cảm, hiếu động, thích thể hiện bản

thân, dễ bị kích động,…Tránh xu hướng quá nghiêm khắc, áp đặt, khắt khe đối với trẻ
và cũng tránh xu hướng quá dân chủ, nuông chiều. Cả hai xu hướng đó đều có thể
dẫn đến những hậu quả không thể lường trước được. Phương pháp giáo dục nên thay
thế bằng phương pháp định hướng, khích lệ. Cha mẹ cần tìm thấy ở con mình có
những mầm mống, năng khiếu gì để quan tâm, tạo điều kiện giúp trẻ phát triển tài
năng, cần phân tích để con nhìn nhận, phân biệt đúng - sai, xấu - tốt, điểm mạnh –
yếu của bản thân và tự điều chỉnh.
Thường xuyên quan tâm đến tâm tư, tình cảm, mối quan hệ bạn bè của con.
Giúp con tự chủ, có tính độc lập, không ỷ lại vào cha mẹ và người khác. Cha mẹ cần
làm gương cho con noi theo. Trong gia đình, cha mẹ phải luôn chú ý rèn luyện, tu
dưỡng mình là tấm gương về đạo đức, nhân cách, là điểm tựa tinh thần của con để
con noi theo và học tập. Cha mẹ dạy con phải thế này, thế khác nhưng hành động của
bản thân cha mẹ lại không gương mẫu, nói một đằng làm một nẻo; điều đó làm cho
việc giáo dục trở nên phản tác dụng. Con cái không tin cha mẹ, không tin người lớn,
tự tìm những lối đi riêng cho bản thân, mất phương hướng, trong đó có những con
đường lạc lối đã đưa trẻ đến vi phạm pháp luật
4.6. Tăng cường sự kết hợp giữa gia đình với nhà trường và các tổ chức xã hội
trong giáo dục nhân cách cho thệ hệ trẻ
Sự phối hợp giữa giáo dục gia đình, nhà trường và xã hội đã được nêu ra và
thực hiện từ lâu nhưng trong thực tế còn nhiều hạn chế về nội dung, hình thức phối
9


hợp. Bản thân mỗi thiết chế này cũng bộc lộ những tồn tại như: Nhà trường quan tâm
nhiều đến dạy chữ, dạy nghề hơn là giáo dục văn hoá ứng xử trong quan hệ thày trò,
bạn bè, tình yêu. Cha mẹ thì dường như phó mặc việc dạy dỗ con cái cho nhà trường,
chỉ quan tâm đến đời sống vật chất cho con cái. Các tổ chức xã hội dù đã có nhiều
phong trào cho trẻ hoạt động nhưng còn nghèo nàn, chưa thu hút được đông đảo trẻ
tham gia. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục thế hệ trẻ. Mỗi
thiết chế này lại có những ưu nhược điểm khác nhau trong quá trình giáo dục trẻ, việc

phối hợp sẽ giúp các thiết chế bổ sung, hỗ trợ cho nhau để hiệu quả giáo dục trẻ tốt
hơn. Sự thành công trong giáo dục chỉ có được khi tất cả các lực lượng (gia đình, nhà
trường, xã hội) thống nhất với nhau về mục tiêu, nội dung giáo dục, tất cả vì thế hệ
tương lai đất nước.
Bên cạnh đó, gia đình cần kết hợp với nhà trường, xã hội trong việc giáo dục
giá trị đạo đức, nhân cách cho các em, không nên phó mặc trách nhiệm giáo dục con
em mình cho nhà trường và xã hội. Các bậc phụ huynh phải đầu tư nhiều thời gian
hơn, kết hợp trao đổi thông tin với nhà trường để động viên thành tích học tập và rèn
luyện của các em, từ đó để phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm, những tác
nhân xấu đang “rình rập” ngoài xã hội.
5. Kết luận
Là một bộ phận của sự nghiệp giáo dục nói chung, giáo dục của gia đình ngày
càng đóng vai trò quan trọng đối với sự hình thành nhân cách của mỗi cá nhân và đối
với sự phát triển của xã hội. Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi thân yêu nuôi
dưỡng cả đời người, là môi trường quan trọng, giáo dục nếp sống và hình thành nhân
cách. Với thiên chức riêng mà không một thiết chế xã hội nào thay thế được, gia đình
ngày nay càng khẳng định vị trí, vai trò to lớn của mình trong tiến trình phát triển của
xã hội cũng như sự phát triển của kinh tế quy định.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Phạm Khắc Chương (1993), Giải pháp tình huống trong giáo dục gia đình, Nxb.
Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội.
[2]. Nguyễn Thành Công (2007), Vai trò của giáo dục gia đình đối với sự hình thành
nhân cách thế hệ trẻ ở Việt Nam hiện nay, Luận văn Thạc sĩ khoa học triết học, Đại
10


học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quôc gia Hà Nội.
[3]. Đảng cộng sản Việt Nam (1991), Cương Lĩnh xây dựng đát nước trong thờ kỳ
quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
[4]. Đảng cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ

XII, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
[5]. Đặng Cảnh Khanh (2003), Vai trò của gia đình trong việc giáo dục giá trị truyền
thống cho trẻ em, Nxb. Lao động xã hội, Hà Nội.
[6]. Đức Minh (1976), Giáo dục gia đình đối với lứa tuổi thiếu niên, Nxb. Phụ nữ, Hà
Nội.
[7]. Lê Thi (1991), Vai trò của gia đình trong việc xây dựng nhân cách con người
Việt Nam, Nxb, Phụ nữ, Hà Nội.
[8]. Lê Đức Thọ (2017), “Vai trò của gia đình đối với sự hinh thành nhân cách toàn
diện cho sinh viên hiện nay”, Tạp chí Dạy và học ngày nay, số 11(2017).
[9]. Trần Thị Kim Xuyến (2001), Gia đình và những vấn đề gia đình hiện đại, Nxb.
Thống kê, Hà Nội.

11



×