1
ĐẶT VẤN ĐỀ
Buồng trứng là cơ quan sinh sản quan trọng của người phụ nữ, ngoài
chức năng tạo giao tử còn là một tuyến nội tiết chịu sự ảnh hưởng của các
tuyến nội tiết khác đặc biệt là vùng dưới đồi và tuyến yên. Buồng trứng có sự
thay đổi về mặt hình thái và chức năng trong suốt cuộc đời của người phụ nữ
và chính sự thay đổi này có thể là nguyên nhân hình thành nên các tổn thương
của buồng trứng, đặc biệt là những khối u, trong đó u biểu mô buồng trứng là
loại hay gặp nhất. U biểu mô của buồng trứng được chia ra làm ba loại tùy
thuộc vào tính chất của u gồm: u lành tính, u giáp biên và ung thư biểu mô
buồng trứng.
Khối u buồng trứng thể giáp biên hay còn được gọi là khối u buồng
trứng tiềm năng ác tính thấp được mô tả lần đầu tiên bởi Taylor vào năm
1929, đây là một nhóm các tổn thương không đồng nhất được xác định về mặt
mô học bởi sự tăng sinh biểu mô không điển hình nhưng không có sự xâm
nhập vào mô đệm. U buồng trứng giáp biên (UBTGB) chiếm khoảng 14 15% tất cả các khối u nguyên phát của BT [1]. Những u này xuất hiện trung
gian về mặt cấu trúc, lâm sàng và bệnh học giữa các u nang lành tính và các
ung thư biểu mô tuyến nang ác tính, những bệnh nhân có khối u loại này có
tiên lượng tốt hơn nhiều so với những người có khối u BT ác tính [2]. Do
những đặc điểm như vậy, năm 1973 WHO chính thức gọi những khối u loại
này là khối u buồng trứng thể giáp biên.
Dựa trên những số liệu đã công bố ở Mỹ, Đan Mạch và Thụy Điển, tỷ
lệ ước tính của các khối u giáp biên buồng trứng dao động từ 1,8 đến 5,5 trên
100.000 phụ nữ mỗi năm [1],[3]. Một số dữ liệu cho thấy tỷ lệ này đang gia
tăng [4]. Theo một nghiên cứu của Đan Mạch, tỷ lệ mắc UBTGB đã tăng từ
2,6/100.000 phụ nữ (năm 1978) lên tới 5,5/100.000 phụ nữ (năm 2006) [5].
2
Khác với việc chẩn đoán và điều trị u BT lành tính hay ác tính, chẩn
đoán UBTGB có những điểm chưa thống nhất. Việc chẩn đoán cần phải kết
hợp thăm khám lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh, nội soi, tìm các chất chỉ điểm u
(CEA, CA125…), mô bệnh học và trong đó nhuộm hóa mô miễn dịch giúp
ích nhiều trong chẩn đoán xác định, chẩn đoán phân biệt cũng như trong tiên
lượng bệnh.
Ở Việt Nam, tuy đã có nhiều công trình nghiên cứu u buồng trứng về
các u lành cũng như ung thư nhưng lại có rất ít các nghiên cứu về UBTGB,
đặc biệt là về mô bệnh học cũng như mối liên quan giữa đặc điểm mô bệnh
học với các đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng khác. Chính vì lý do trên,
chúng tôi tiến hành thực hiện đề tài “Nghiên cứu một số đặc điểm cận lâm
sàng và mô bệnh học của u biểu mô buồng trứng giáp biên thường gặp” với
hai mục tiêu sau:
1. Nhận xét đặc điểm cận lâm sàng và mô bệnh học của các loại u biểu
mô buồng trứng giáp biên thường gặp.
2. Xác định tỷ lệ và đặc điểm bộc lộ theo dưới typ mô học của một số dấu
ấn miễn dịch trong chẩn đoán các u biểu mô buồng trứng giáp biên.
3
Chương 1
TỔNG QUAN
1.1. Phôi thai học của buồng trứng [6]
Sự phát triển của buồng trứng trong thời kỳ phôi thai trải qua hai giai
đoạn: giai đoạn vô tính và giai đoạn hữu tính. Giai đoạn vô tính bắt đầu từ
tuần thứ nhất đến tuần thứ bẩy sau thụ tinh. Giai đoạn hữu tính bắt đầu từ tuần
thứ tám, tuyến sinh dục nữ hình thành phân biệt nam và nữ.
Giai đoạn vô tính: Giai đoạn này cơ quan sinh dục không phân biệt
được là buồng trứng hay tinh hoàn. Vào thời điểm phôi tuần thứ tư, biểu mô
mầm tăng sinh dầy lên, bên cạnh đó lớp trung mô bên dưới cũng phát triển
mạnh để tạo thành mào sinh dục. Các tế bào mầm nguyên thủy lúc đầu nằm
lẫn vào các tế bào nội bì phía cuối túi noãn hoàng, sau đó di cư dọc theo mạc
treo ruột cuối để chui vào mào sinh dục vào tuần thứ tám của phôi. Trong quá
trình phát triển, biểu mô mầm kết hợp với trung mô phía dưới hình thành nên
các dây sinh dục.
Giai đoạn hữu tính bắt đầu từ cuối tuần thứ tám của quá trình phát triển
phôi. Trong giai đoạn này có sự thoái hóa các dây sinh dục ở vùng trung tâm
và tăng sinh các dây sinh dục vùng vỏ của mầm sinh dục. Tại đây, quá trình
biệt hóa của các tế bào mầm nguyên thủy xảy ra và tạo thành các tế bào dòng
noãn. Biểu mô khoang cơ thể phủ mầm sinh dục tồn tại suốt đời và trở thành
biểu mô phủ bề mặt buồng trứng. Biểu mô này là nguồn gốc phát sinh chủ
yếu của các u nang cũng như ung thư của buồng trứng.
1.2. Giải phẫu, cấu tạo mô học buồng trứng
1.2.1. Giải phẫu buồng trứng
Mỗi phụ nữ có hai buồng trứng nằm ở vị trí hố chậu hai bên. BT có hình
hạt đậu dẹt, BT ở độ tuổi sinh đẻ có kích thước khoảng 1cm bề dày, 2cm bề rộng
4
và 3cm bề cao, thể tích khoảng 4 đến 6cm3. BT có hai mặt: trong và ngoài, có
hai đầu: trên và dưới, có hai bờ: bờ tự do và bờ mạc treo. Kích thước và trọng
lượng BT thay đổi theo giai đoạn phát triển của cơ thể [7].
1.2.2. Cấu tạo mô học của buồng trứng
Trên diện cắt qua rốn BT thấy BT có cấu tạo hai vùng rõ rệt: vùng vỏ
rộng ở phía ngoại vi và vùng tủy hẹp ở trung tâm, bao bên ngoài cùng là lớp
BM mầm [6],[7],[8].
1.2.2.1. Lớp biểu mô mầm
Lớp biểu mô mầm có nguồn gốc từ biểu mô phủ thành lưng sau của
khoang cơ thể phôi. Biểu mô này là loại biểu mô vuông đơn ở phụ nữ trẻ liên
tục với lớp phúc mạc ổ bụng và mạc treo BT, sau đó nó trở nên dẹt lại ở một
số nơi trừ những nơi có khe rãnh thấy trên mặt BT, một số vùng mất tính liên
tục và đôi khi không tìm thấy.
1.2.2.2. Vùng vỏ
Vùng vỏ BT là tổ chức nằm ngay sát dưới lớp BM mầm chiếm từ 1/3
đến 2/3 chiều dày của BT. Ở thời kỳ hoạt động tình dục mạnh lớp vỏ này rất
dày, trong giai đoạn mãn kinh lớp vỏ này rất mỏng. Phần giáp với lớp BM
mầm, mô đệm dày đặc tạo thành lớp vỏ trắng chứa ít tế bào sợi, ít huyết quản
nhưng nhiều sợi tạo keo và nhiều chất gian bào. Mô kẽ vùng vỏ được tạo bởi
những tế bào hình thoi có bào tương mảnh chứa các hạt nhỏ, nhuộm hóa mô
miễn dịch thấy bắt màu với vimentin, actin và desmin. Các tế bào phân bố
theo nhiều hướng khác nhau tạo nên những xoáy tròn rất đặc trưng cho BT.
Những tế bào này có khả năng biệt hóa thành những tế bào nội tiết gọi là tế
bào kẽ. Tế bào kẽ và tế bào vỏ tiết ra các hormon steroid đảm bảo chức năng
nội tiết của BT [9],[10],[11]. Vùi trong mô kẽ của phần vỏ BT là những nang
noãn ở các giai đoạn phát triển và thoái triển khác nhau. Mỗi nang trứng là
một túi đựng noãn. Ở trẻ gái trước tuổi dậy thì, các nang trứng rất nhỏ, khá
5
đều nhau và không thấy được bằng mắt thường. Chúng được gọi là những
nang trứng nguyên thủy. Từ tuổi dậy thì, hàng tháng dưới tác dụng của các
hormon của vùng dưới đồi và tuyến yên, các nang trứng tiến triển qua nhiều
giai đoạn: nang trứng nguyên thủy, nang trứng nguyên phát, nang trứng chín
(còn gọi là nang De Graaf) có kích thước khác nhau và có thể nhìn thấy được
bằng mắt thường. Cuối cùng là sự giải phóng nang trứng chín khỏi BT gọi là
phóng noãn. Nang trứng thứ phát trải qua các giai đoạn tiến triển: nang trứng
đặc, nang trứng có hốc và nang trứng có hốc điển hình [6].
Hình 1.1. Mô học buồng trứng [12]
1.2.2.3. Vùng tủy
Vùng tủy là vùng trung tâm hẹp, nằm trong cùng của BT, là đường đi
của mạch máu và thần kinh BT. Vùng tủy được cấu tạo bởi các mô liên kết
thưa có nhiều sợi tạo keo, nhiều sợi chun nhưng ít tế bào sợi hơn vùng vỏ.
Vùng này còn có các cơ trơn, các động mạch xoắn, những cuộn tĩnh mạch tạo
thành mô cương của BT [9],[10].
6
Ở rốn BT và mạc treo BT có một loại tế bào khác có kích thước lớn,
dạng biểu mô, trong bào tương có nhiều giọt mỡ giàu ester của cholesterol gọi
là tế bào rốn BT. Những tế bào này có đặc điểm cấu tạo và chức năng giống
như tế bào kẽ của tinh hoàn (tế bào Leydig), là những tế bào sản xuất
androgen [10],[13].
1.3. Nguồn gốc của u buồng trứng
1.3.1. U biểu mô bề mặt
Đã có nhiều giả thuyết được đưa ra để giải thích cho sự hình thành u
biểu mô BT, tuy nhiên đa số các tác giả thừa nhận và ủng hộ thuyết u biểu mô
phát sinh từ nang vùi biểu mô và theo sau đó là một quá trình dị sản. Giả thiết
này giải thích được các biểu hiện hình thái học và bào thai học cũng như có
nhiều bằng chứng cho thấy các u biểu mô phát triển trực tiếp từ biểu mô bề
mặt BT hoặc từ các nang vùi biểu mô [14]. Cơ chế của việc hình thành các
nang vùi biểu mô còn chưa hoàn toàn thống nhất. Các nang vùi có thể được
hình thành do hiện tượng phóng noãn và hình thành hoàng thể. Sau khi hoàng
thể thu nhỏ dần, mô xơ tăng sinh tạo thể trắng, các nang noãn thoái triển, sự
xơ hóa BT làm BT nhỏ đi, trên bề mặt có những xoắn vặn nhăn nhúm. Quá
trình này kéo biểu mô phủ ở phía trên vào mô đệm, dần dần tạo những ổ biểu
mô nằm sâu trong lớp mô đệm. Những ổ biểu mô này sẽ dần phân cách với
biểu mô phủ bề mặt bằng một lớp mô đệm để tạo thành những nang biểu mô
khoang cơ thể vùi trong vỏ BT [15].
Các nang vùi này cũng có thể được hình thành thứ phát do sự sát nhập
của phần cuối tua vòi tử cung với trung mô phúc mạc phủ BT, do dính vòi tử
cung-buồng trứng, quá trình này có thể được hỗ trợ bởi dịch nang noãn. Sau
đó vùng này được tổ chức hóa, bề mặt BT được tái tạo lại có thể dẫn tới hiện
tượng biểu mô phủ lên bề mặt BT vùi vào mô đệm vùng vỏ BT. Cũng có tác
7
giả cho rằng các nang vùi có thể là sự phát triển gợi lại ống Muller trong thời
kỳ bào thai [6],[16].
Tuy có nhiều giả thuyết khác nhau giải thích sự hình thành các nang vùi
biểu mô, nhưng quan trọng hơn là các nang vùi này có thể dị sản hoặc quá sản
dẫn tới hình thành các u biểu mô BT.
Như vậy, sự hình thành các nang biểu mô BT là do dị sản hoặc tăng sản
của biểu mô khoang cơ thể, loại biểu mô này có nguồn gốc từ ống Muller nên
khi biến đổi dị sản sẽ tạo ra:
- Nang nước (cấu trúc biểu mô nang giống biểu mô vòi tử cung)
- Nang nhầy (cấu trúc biểu mô giống ống cổ tử cung)
- Nang dạng nội mạc (cấu trúc biểu mô giống nội mạc tử cung)
- U Brenner (vùng chuyển tiếp)
Quá trình dị sản có thể xảy ra ở biểu mô bề mặt trước khi các nang vùi
hình thành hoặc xảy ra ở biểu mô phủ nang vùi.
Đối với ung thư biểu mô BT, có nhiều giả thuyết về nguyên nhân gây
ra loại ung thư này tuy nhiên có hai giả thuyết chính được các nhà nghiên
cứu ủng hộ:
- Giả thuyết thứ nhất: biểu mô vỏ BT bị chấn thương do quá trình
phóng noãn lặp đi lặp lại trong giai đoạn sinh sản của người phụ nữ. Giả
thuyết này có vẻ hợp lý vì ung thư biểu mô không gặp ở trẻ em và phụ nữ bị
teo đét BT. Đối với những phụ nữ dùng thuốc ức chế phóng noãn thì nguy cơ
ung thư biểu mô BT thấp hơn những phụ nữ không dùng thuốc này, đặc biệt ở
phụ nữ có thai hoặc cho con bú liên tục thì tỷ lệ ung thư biểu mô BT giảm
xuống 1,5 - 3,2 lần so với nhóm không có thai [17].
- Giả thuyết thứ hai cho rằng các chất gây UT đi qua âm đạo, cổ tử
cung, tử cung, vòi tử cung rồi tác động lên biểu mô bề mặt BT cũng như tác
động lên các nang vùi biểu mô. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy: ung thư biểu
mô BT chủ yếu phát sinh từ các nang vùi BT nhiều hơn là trực tiếp từ biểu mô
bề mặt và coi sự biệt hóa ống Muller là bước đầu trong sự hình thành ung thư
biểu mô BT [18].
8
Hiện nay, ung thư biểu mô BT được biết đến cơ chế do gen. Những
nghiên cứu về ung thư biểu mô BT gần đây đã chỉ ra rằng: mỗi typ mô học có
liên quan với hình thái tế bào u riêng và các biến đổi gen ở các cấp độ phân tử
khác nhau. Sự biến đổi hoặc mất chức năng ở một số gen, đặc biệt là gen
BRCA1, BRCA2 hay gen KRAS hoặc BRAF sẽ gây phát sinh các typ ung thư
biểu mô BT khác nhau với mức độ ác tính từ thấp đến cao.
1.3.2. U tế bào mầm
U tế bào mầm là do đơn tính sinh của tế bào mầm tạo ra. Các tế bào
sinh dục mặc dù chỉ có 23 nhiễm sắc thể vẫn có thể sinh ra một số bộ phận, tổ
chức trong cơ thể. Các u được tạo bởi các tế bào mầm trưởng thành chiếm
95%, đây là loại u lành tính. Trong nghiên cứu của Philip B Clement (2000)
thì có khoảng 1 - 3% u tế bào mầm là u quái không trưởng thành và là loại u
ác tính [19].
1.3.3. U dây sinh dục biểu mô đệm
Khối u mô đệm sinh dục có thể có nguồn gốc trung mô tuyến sinh dục,
là nơi có khả năng phát triển thành tuyến sinh dục nam và nữ, tạo ra các khối
u nam hóa và nữ hóa. Các u này thường gây rối loạn nội tiết, rối loạn sự phát
triển giới tính hay kinh nguyệt [16].
1.4. Phân loại u buồng trứng theo WHO 2014 (phụ lục 1)
1.5. U buồng trứng giáp biên
1.5.1. Định nghĩa
UBTGB là một loại u biểu mô BT, có đặc điểm giải phẫu bệnh và sinh
lý bệnh nằm ở mức độ ranh giới giữa u BT lành tính và ung thư biểu mô xâm
lấn, đó là những u có độ ác tính thấp.
1.5.2. Thuật ngữ
UBTGB đã được nhận dạng từ năm 1929, tuy nhiên đến những năm 70
của thế kỷ XX mới được các nhà y học thừa nhận và năm 1973 được WHO
9
chính thức đặt danh pháp: borderline ovarian tumors - BOT (u buồng trứng
giáp biên) và loại u này còn được biết đến với một cái tên khác: low
malignant potential - LMP (u có độ ác tính thấp) [20],[21],[22],[23].
1.6. Dịch tễ học
Những nghiên cứu về dịch tễ học UBTGB còn ít, theo một số nghiên
cứu ở nước ngoài thì u này chiếm 10 - 15% các loại u biểu mô BT [24],[25],
[26], có báo cáo lên tới 20% [2],[27]. Trong một nghiên cứu về u BT ở Thụy
Điển trong 45 năm (1960 - 2005) thấy rằng tỷ lệ của UBTGB so với u BT
tăng từ 8,3% (1960 - 1969) lên 23,6% (2000 - 2005) [1]. Ước tính khoảng 1/3
số phụ nữ được chẩn đoán UBTGB có độ tuổi ít hơn 40 tuổi [1],[28]. Điều
này càng làm tăng tầm quan trọng của việc bảo tồn chức năng của BT nói
chung cũng như khả năng sinh sản của người phụ nữ nói riêng.
UBTGB gồm hai loại chính là u thanh dịch và u dạng nhầy có nguồn gốc
từ tế bào biểu mô BT trong đó u thanh dịch hay gặp nhất sau đó đến u dạng
nhầy. UBTGB dạng nội mạc tử cung, tế bào sáng và Brenner hiếm gặp hơn. Đã
có nhiều nghiên cứu được tiến hành nhưng chưa có trường hợp nào được mô tả
là UBTGB có nguồn gốc tế bào không phải là biểu mô BT [29],[30].
Ở Việt Nam có rất ít các nghiên cứu về UBTGB đặc biệt là nghiên cứu
về dịch tễ. Theo nghiên cứu của Lê Quang Vinh (2008) tỷ lệ UBTGB là 20%
[17], độ tuổi trung bình của phụ nữ bị UBTGB là 40 - 45 tuổi. UBTGB gồm 2
loại chính là u thanh dịch và u dạng nhầy có nguồn gốc từ tế bào biểu mô BT,
trong đó u thanh dịch chiếm tỷ lệ cao nhất sau đó đến u dạng nhầy và UBTGB
dạng nội mạc tử cung.
1.7. Đặc điểm lâm sàng
• Triệu chứng cơ năng
U BT thường phát triển âm thầm, không có triệu chứng điển hình, chủ
yếu là các triệu chứng khó chịu hoặc đau ở vùng bụng. Một số bệnh nhân có
cảm giác đầy bụng hoặc cảm thấy nặng tức bụng. Theo Gregory P và Sutton
10
(2001) thì 39,5% các trường hợp có bất thường về kinh nguyệt [31]. Theo
nghiên cứu của Bostwick và CS có đến 25% bệnh nhân phát hiện bệnh khi đi
khám sức khỏe bình thường và được phát hiện bằng cận lâm sàng [32]. Một
số trường hợp tới khám vì xoắn khối u, sút cân và đau khi giao hợp.
• Triệu chứng thực thể
Khám thực thể bao gồm khám ngoài kết hợp với thăm âm đạo và/hoặc
trực tràng để xác định:
+ Vị trí khối u: UBTGB thường chỉ có ở một bên, rất hiếm khi có cả hai bên.
+ Kích thước u: có thể to nhỏ khác nhau, thường u dạng nhầy có kích
thước lớn hơn.
+ Mật độ u: mềm, căng,…
+ Bề mặt: thường nhẵn.
+ Độ di động: thường dễ, tách biệt với các ổ xung quanh
Khác với các bệnh nhân ung thư BT, những bệnh nhân có khối UBTGB
dường như không có các triệu chứng như tràn dịch ổ bụng, tắc ruột, tràn dịch
màng phổi và huyết khối tĩnh mạch.
1.8. Đặc điểm cận lâm sàng
1.8.1. Hóa sinh
• CA125 là một glycoprotein trọng lượng phân tử cao mà kháng thể đơn
dòng OC125 (anti CA125 mouse Mab) có thể định lượng được bằng phương
pháp miễn dịch phóng xạ. CA125 là sản phẩm của gen MUC 16 (mucin 16),
bình thường chất này hiện diện ở lá phôi trong, dẫn xuất từ biểu mô mầm,
gồm: phúc mạc, màng phổi, màng ngoài tim và màng ối. Nồng độ CA125 ở
người bình thường là ≤ 35 U/ml. Mức CA125 trong huyết thanh là yếu tố
quan trọng đánh giá khối u vùng chậu, đặc biệt là với u BT ác tính.
Trong một nghiên cứu hồi cứu của Kolwijch E và CS (2009) về nồng
độ CA125 tiền phẫu của 123 bệnh nhân được chẩn đoán UBTGB, mức độ
CA125 được đánh giá theo giải phẫu bệnh và giai đoạn của bệnh. Kết quả là
nồng độ CA125 tiền phẫu của các bệnh nhân có UBTGB trung bình là 118
11
U/ml, ở giai đoạn I (trung bình 28 U/ml; p < 0,001) và ở bệnh nhân có u dạng
thanh dịch thì nồng độ CA125 (trung bình 59 U/ml) cao hơn bệnh nhân có u
dạng nhầy (trung bình 25 U/ml; p < 0,001) [33]. Kết quả một tập hợp thống
kê gồm ba nghiên cứu tiền phẫu của các bệnh nhân có UBTGB, tỉ lệ số trường
hợp có nồng độ CA125 > 35 U/ml là 75% (trung bình 156 U/ml) [34].
1.8.2. Chẩn đoán hình ảnh
• Siêu âm vùng hố chậu: không có một đặc điểm trên siêu âm nào giúp
phân biệt một khối UBTGB với một khối u BT lành tính hay ác tính. Đặc
điểm trên siêu âm của khối UBTGB rất đa dạng từ hình ảnh một nang đơn
độc đến một khối với cả thành phần đặc và dịch; hình ảnh nhú thường gặp
[35],[36]. Exacoustos C và CS (2005) nghiên cứu hình ảnh siêu âm của
UBTGB thấy hình ảnh nhú hay gặp nhất (48%) trong khi hình ảnh này chỉ
gặp ở 4% u BT lành tính và 4% các khối u ác tính, ngược hình ảnh mô đặc
trong lòng nang chiếm 18% các trường hợp UBTGB trong khi đó chiếm tới
48% các trường hợp u ác tính và chỉ 7% các trường hợp u lành tính [36].
• MRI và CT
MRI và CT là 2 xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh có giá trị trong chẩn
đoán các khối u BT và được sử dụng ngày càng nhiều.
- MRI: trong một nghiên cứu của Nandita M và CS thấy rằng trong 19
bệnh nhân UBTGB thì đường kính khối u thay đổi từ 5 - 23 cm (trung bình
10,5 ± 5,4 cm), tất cả các khối u đều có hình ảnh vách ngăn, nhú hoặc cả hai,
dày vách ngăn thấy được ở 16/19 khối u, thành khối u không đều thấy ở 17/19
khối và xuất hiện dịch ổ bụng ở 17 BN (dịch ít hoặc nhiều), một số BN có
hạch chậu kích thước lớn hơn [37].
- CT: Khối u BT có khi chỉ là một dạng đồng nhất, nhưng cũng có hai
hoặc nhiều dạng hợp thành. U BT là dạng đồng nhất thì những hình ảnh chụp
CT sẽ biểu hiện mật độ đồng nhất đặc hoặc hỗn hợp. Khi u BT có nhiều u
12
khác nhau hợp thành thì có thể gồm nhiều hình ảnh như đặc lẫn nang nước,
hoặc nang nước và có vôi hóa cục bộ. Sau khi tăng sáng thì các khối u lành
tính thường có độ tăng sáng nhẹ, còn UBTGB sẽ tăng sáng vừa hoặc mạnh
[38]. Chụp CT được chỉ định để loại trừ dịch ổ bụng và hình ảnh đóng bánh
mạc nối, đây là hình ảnh điển hình gặp trong ung thư BT [39].
1.8.3. Mô bệnh học
1.8.3.1.UBTGB dạng thanh dịch
UBTGB dạng thanh dịch/ u thanh dịch tăng sinh không điển hình là
những khối u không xâm lấn, có sự tăng sinh biểu mô và hình thái tế bào
không điển hình nhiều hơn u thanh dịch lành tính nhưng ít hơn ung thư biểu
mô thanh dịch độ thấp.
Đại thể: khối u thường dạng nang và thường lớn hơn 5cm. Chúng
thường có các đám sùi ở bề mặt. Một số u khác dạng nang với các đám nhú
trong lòng nang hoặc kết hợp với cả các đám sùi ở bề mặt. U ở cả 2 bên
buồng trứng trong khoảng 1/3 số bệnh nhân [40].
Hình 1.2. Đại thể và vi thể u thanh dịch giáp biên
Vi thể: hình thái chia nhánh có trật tự đặc trưng bởi các nhú bất thường
từ lớn đến nhỏ mà điển hình là các nhóm tận biểu mô tách tự do. Các nhú
được lót bởi các tế bào không phân tầng hoặc vuông đến trụ tầng có nhung
mao điển hình. Nhiều khối u có một số lượng lớn các tế bào đa giác và hình
13
đầu đinh với bào tương ưa axit, nhân lớn, tăng sắc nhẹ và thỉnh thoảng có hạt
nhân, nhưng hình thái này hiếm gặp. Có thể thấy một số tế bào với bào tương
sáng. Một số UBTGB thanh dịch điển hình khác có các đám nhỏ vi nhú sắp
xếp không phân nhánh giả hình ảnh ung thư biểu mô thanh dịch độ thấp
không xâm lấn. Tuy nhiên những ổ tế bào này thường có nhân độ thấp hơn so
với ung thư biểu mô thanh dịch độ thấp và có kích thước nhỏ hơn 5mm [41].
Thuật ngữ vi xâm nhập được áp dụng cho những đám tế bào trong mô
đệm với bào tương ưa axit giống với những tế bào ưa axit ở bề mặt các nhú,
đường kính lớn nhất nhỏ hơn 5 mm. Những tế bào này hầu như ít bộc lộ
receptor estrogen và progesteron, chỉ số Ki67 thấp, gợi ý rằng chúng có thể biệt
hóa hoàn toàn hoặc đã lão hóa. Điều này có thể giải thích tại sao hầu hết các
tổn thương được xếp vào ‘vi xâm nhập’ không ảnh hưởng đến thời gian sống
thêm [42].
Các tổn thương ở màng bụng liên quan đến UBTGB thanh dịch được
phân loại thành cấy ghép không xâm lấn hoặc xâm lấn dựa vào việc các tổn
thương đã gắn vào bề mặt các cơ quan (không xâm lấn) hay xâm nhập vào mô
bên dưới (xâm lấn). Mảnh cấy ghép là các nhú chia nhánh hoặc đám tế bào
rời rạc không có mô đệm xơ, chỉ nằm ở phía bề mặt được định nghĩa là “cấy
ghép không xâm lấn dạng biểu mô”, trong khi đó những đám tế bào được bao
quanh bởi mô đệm phản ứng hoặc mô sợi đặc che mờ thành phần biểu mô và
xuất hiện “dính vào” bề mặt phúc mạc được gọi là các mô cấy ghép không
xâm nhập dạng xơ dính. Mặc dù sự hiện diện của xâm lấn là một đặc điểm
tiên lượng quan trọng tuy nhiên đây là một đặc điểm khó xác định trong nhiều
trường hợp [43].
UBTGB thanh dịch biến thể vi nhú không có cấu trúc chia nhánh phân
cấp mà bao gồm vi nhú (không có trục liên kết xơ mạch) và/hoặc dạng mắt
sàng với các tế bào tròn với bào tương ít và nhân không điển hình ở mức độ
trung bình. Những khối u này đặc trưng bởi cấu trúc có vô số các vi nhú
14
thường cao gấp 5 lần so với chiều rộng tỏa ra trực tiếp từ các nhánh lớn
thường là trục xơ. Các vi nhú có ít hoặc không có lõi đệm, tế bào nhỏ nhưng
hạt nhân nổi rõ và không thấy có lông, chỉ số nhân chia thấp nhưng thường cao
hơn UBTGB thanh dịch thể thông thường; trong khi đó các khối UBTGB
thanh dịch thể thông thường gồm các tế bào hình trụ thường có lông, các tế
bào trong khối u này có hình vuông tới đa diện, kích thước nhỏ, đồng dạng, tỷ
lệ nhân/bào tương cao và nhiều nhân không điển hình. Một số khối u có hình
thái mắt sàng trên bề mặt nhú và đôi khi khối u có chủ yếu hình thái mắt sàng
và/hoặc hình thái giống khe tuyến mà không có vi nhú. Đặc điểm vi nhú/mắt
sàng có thể cùng xuất hiện trong UBTGB thanh dịch thông thường dễ gây
nhầm lẫn với ung thư biểu mô thanh dịch độ thấp. Việc chẩn đoán ung thư biểu
mô thanh dịch độ thấp không xâm lấn đòi hỏi phải có một vùng vi nhú có
đường kính lớn hơn 5mm và có nhân lớn không điển hình hơn mức cho phép
trong UBTGB thanh dịch. Các khối u có ít vi nhú và không điển hình có thể
xếp vào nhóm UBTGB thanh dịch với đặc điểm vi nhú điểm.
Hóa mô miễn dịch: Bộc lộ nhiều marker bao gồm cytokeratin (CAM
5.2, AE1/AE3), EMA, BER-EP4, WT1 và PAX8. Bộc lộ rõ ràng mức độ cao
của cả ER và PR. Những khối u này cho thấy một hình thái bộc lộ lan rộng
p53. Thường không thấy bộc lộ lan tỏa p16.
1.8.3.2.U giáp biên nhầy/u nhầy tăng sinh không điển hình
Đây là những khối u gồm các tế bào biểu mô chứa chất nhầy, dạng ruột
không điển hình mức độ nhẹ đến trung bình, có biểu hiện tăng sinh lớn hơn so
với u nhầy lành tính, không có sự xâm nhập mô đệm.
Đại thể: đường kính lớn nhất của khối u dao động từ vài cm đến 50cm
(trung bình 21,5 cm) [44]. Các khối u gần như chỉ xuất hiện ở một bên buồng
trứng và có bề mặt ngoài nhẵn. Chúng bao gồm các nang từ nhỏ đến lớn chứa
chất nhầy. Vách nang thường nhẵn nhưng cũng có thể có vùng bị loét hoặc có
15
vùng phát triển dạng đặc. Việc lấy đầy đủ mẫu của khối u là rất quan trọng vì
chúng thường không đồng nhất và có thể ẩn chứa những điểm ung thư biểu
mô bị che lấp. Việc lấy mẫu nên lấy mỗi 1 cm 1 mảnh ở những khối u có
đường kính lớn nhất nhỏ hơn 10cm, tập trung vào các vùng đặc hoặc đại thể
nhìn bất thường. Một khi khối u đạt đến trên 10cm hoặc thấy vi xâm nhập
hoặc ung thư biểu mô tại chỗ thì việc lấy mẫu nên tăng lên 2 mảnh trên mỗi
cm đường kính của khối u [45].
Vi thể: các nang được lợp bởi các tế bào biểu mô dạng ruột như tế bào
biểu mô môn vị dạ dày, tế bào hình đài chế nhầy, tế bào thần kinh nội tiết và
đôi khi là tế bào Paneth. Các tế bào biểu mô có sự phân tầng ở các mức độ
khác nhau, tập trung thành búi, có lông hoặc nhú mảnh. Các tế bào có nhân
lớn từ nhẹ đến trung bình, chất nhiễm sắc tăng và thỉnh thoảng có giả tầng
nhưng đặc điểm nhân độ cao không bao giờ thấy. Vùng tăng sinh phải chiếm
lớn hơn 10% thể tích biểu mô của khối u mới đủ điều kiện là UBTGB thể
nhầy. Chỉ số nhân chia thay đổi từ ít đến nhiều. Vùng buồng trứng giả nhầy
(các bể nhầy không có tế bào trong mô đệm) có khoảng ở 20% các khối u và
thường thấy đáp ứng viêm hạt của mô đệm với sự vỡ của các tuyến và chất
nhầy [46].
U nhầy giáp biên có ung thư biểu mô nội ống có biểu thị các đặc điểm
của MBT và ngoài ra còn có các điểm với nhân không điển hình độ cao hơn
giới hạn trong lớp biểu mô. Thường có sự tăng sinh bất thường về mặt cấu
trúc như hình thái mắt sàng trên bề mặt hoặc biểu mô tầng lớn hơn 3 hàng tế
bào nhưng không đủ điều kiện để xếp loại ung thư nếu không có đặc điểm
nhân không điển hình mức độ nặng.
U nhầy giáp biên với vi xâm lấn được định nghĩa là một điểm nhỏ xâm
lấn mô đệm có đường kính lớn nhất nhỏ hơn 5mm, không có tiêu chuẩn giới
hạn về số lượng các ổ như vậy trọng một khối u. Nó được đặc trưng bởi các tế
bào đơn lẻ, các tuyến, các cụm/ổ, điểm nhỏ của các tuyến liền nhau hoặc dạng
16
phát triển mắt sàng có tế bào biểu mô chế nhầy không điển hình mức độ nhẹ
đến trung bình trong mô đệm. Các hình thái phát triển tương tự nhưng có sự
không điển hình của tế bào ở mức độ nặng hơn thì có thể phân loại vào “ung
thư biểu mô vi xâm nhập” [47].
Hóa mô miễn dịch: CK7 thường dương tính lan tỏa trong khi CK20 có
tỷ lệ dương tính thay đổi (thường ít lan tỏa như CK7). CDX2 dương tính với
tỷ lệ thay đổi đổi; ER và PR hầu như âm tính, trong khi PAX8 bộc lộ lên đến
50 - 60% các trường hợp [48].
1.8.3.3.U giáp biên dạng nội mạc tử cung/u dạng nội mạc tăng sinh không
điển hình
Là các khối u nang hoặc đặc bao gồm các dày đặc các tuyến dày được
lợp bởi các tế bào dạng nội mạc không điển hình và không có sự xâm lấn phá
hủy mô đệm, không có hình thái phát triển dính sát nhau của các tuyến.
Đại thể: u có kích thước thay đổi; kích thước trung bình 9cm. Khối u
điển hình thường có dạng đặc nhưng cũng có thể gặp dạng nang. Những khối
u dạng nang có những ổ u lợp trong lòng nang. Dịch nang thường màu nâu do
sự thoái hóa của hồng cầu. Những khối u đặc liên quan đến mô đệm xơ đặc.
Vi thể: U giáp biên dạng nội mạc tử cung thể hiện hai mô hình tăng sinh
chính: dạng xơ tuyến và dạng trong lòng nang. Đối với hình thái dạng xơ
tuyến sự tăng sinh tuyến có thể bao gồm các tuyến dạng nội mạc đứng chen
chúc nhau hoặc dạng back-to-back với tế bào không điển hình ở mức độ nhẹ
đến trung bình, thường là biểu mô tầng, tương tự như tăng sản không điển
hình/tân sản nội biểu mô dạng nội mạc. Sự tăng sinh biểu mô có thể dẫn đến
cầu nối và khoảng 30% khối u sẽ thấy hình thái phát triển dạng mắt sàng. Nếu
tế bào không điển hình ở mức độ nặng thì sẽ được chẩn đoán là “ung thư nội
biểu mô”. Dị sản vảy thường gặp, là đặc điểm quan trọng giúp chẩn đoán và
không nên nhầm với xâm lấn. Trong các trường hợp không có nền xơ tuyến,
sự tăng sinh biểu mô có thể thấy dạng tăng sinh back-to-back hoặc một hình
thái phát triển dạng nhú nhô vào trong lòng nang. Sự phát triển các tuyến dính
17
sát nhau kích thước trên 5mm hoặc xâm lấn rõ ràng cho phép chẩn đoán là
ung thư biểu mô. Vi xâm nhập được định nghĩa theo 2 cách; hoặc là hình thái
phát triển các tuyến dính sát nhau hoặc sự sắp xếp lộn xộn các tế bào đơn độc,
tuyến hoặc ổ các tế bào không điển hình có kích thước lớn hơn 5 mm. Một
nghiên cứu nhỏ cho thấy vi xâm nhập của cả 2 dạng trên đều không ảnh
hưởng đến tiên lượng của bệnh nhân [49].
1.8.3.4.UBTGB tế bào sáng/u tế bào sáng tăng sinh không điển hình
Là những khối u xơ tuyến tế bào sáng với tế bào biểu mô tuyến không
điển hình nhưng không có xâm lấn mô đệm.
Đại thể: kích thước của u rất thay đổi, trung bình khoảng 6cm. Diện cắt
qua đặc nhưng có thể chứa các nang nhỏ; hiếm khi thấy các nang lớn. Khi
phẫu tích bệnh phẩm chú ý những phần gồ ghề thô ráp trong các nang để loại
trừ thành phần ung thư biểu mô tế bào sáng [50].
Vi thể: các tuyến thường có hình tròn đến bầu dục và thường cách đều
nhau trong mô đệm xơ. Có thể thấy mức độ liên kết rõ ràng của các tuyến
với mô đệm nhưng xâm lấn chỉ được đặt ra khi thấy có sự bất thường về
cấu trúc một cách rõ ràng, đôi khi có biểu hiện phản ứng của mô đệm. Các
nang và tuyến được lợp bởi các tế bào vuông, đầu đinh hoặc lát với bào
tương sáng hoặc ưa axit. Có thể thấy sự xếp tầng tế bào và lòng tuyến có
thể được lấp đầy bởi các tế bào tân sinh. Các tế bào lợp có nhân không điển
hình mức độ trung bình, ít thấy nhân chia. Thường thấy những ổ lạc nội
mạc tử cung phối hợp cùng trên loại u này.
Hóa mô miễn dịch: những khối u này có hình thái miễn dịch tương tự
với các UTBM tế bào sáng.
1.8.3.5.U Brenner giáp biên/u Brenner tăng sinh không điển hình
Là một khối u với tế bào dạng chuyển tiếp (giống như các khối u biểu
mô đường niệu không xâm nhập, độ thấp) có biểu hiện tăng sinh biểu mô dựa
trên các u Brenner lành tính và không có sự xâm nhập mô đệm.
18
Đại thể: đây thường là những khối u lớn, dạng nang, đường kính trung
bình khoảng 18cm (10-28cm). Có khối nhú lồi vào trong lòng nang. Vùng đặc
thường là thành phần Brenner lành tính. Hiếm khi khối u đặc hoàn toàn. [51]
Hình 1.3. Đại thể, vi thể u Brenner giáp biên
Vi thể: thành phần nhú gần giống với u tế bào chuyển tiếp (đường niệu)
dạng nhú không xâm nhập độ thấp. Đặc điểm tế bào độ cao hiếm thấy và nếu
không thấy có dấu hiệu xâm nhập thì có thể chẩn đoán là u Brenner giáp biên có
ung thư biểu mô tại chỗ. Dị sản tế bào chế nhầy thường thấy. Những vùng đặc
của u Brenner lành tính hầu như luôn thấy giúp khẳng định dạng tế bào. Một
hình thái ít gặp là một đám lớn các tế bào chuyển tiếp chen chúc nhau, có thể có
hình thái phức tạp. Ngoài ra có thể có tăng hoạt động phân bào và/hoặc tế bào
không điển hình nhưng không phát hiện sự xâm lấn mô đệm rõ ràng [52].
Hóa mô miễn dịch: nhuộm hóa mô miễn dịch với p63 và GATA3
thường dương tính. WT1 luôn âm tính.
1.8.3.6.U giáp biên thanh dịch nhầy
Là một khối u biểu mô tăng sinh, không xâm lấn gồm nhiều hơn 1 loại
tế bào biểu mô, thường là dạng thanh dịch và chế nhầy dạng tuyến cổ trong cổ
19
tử cung; tuy nhiên có thể thấy tế bào dạng nội mạc, tế bào sáng, tế bào chuyển
tiếp hoặc tế bào vảy nhưng hiếm gặp.
Đại thể: kích thước trung bình là 8 - 10 cm. Những khối u này thường
ở 1 bên buồng trứng, bề mặt nhẵn, chứa dịch nhầy. Các khối nhú dễ vỡ chiếm
tỷ lệ khác nhau trong lòng nang. Nếu thấy các điểm chảy máu thường có sự
liên quan đến tế bào dạng nội mạc. Vùng đặc ít gặp. Có báo cáo cho thấy tới
40% các trường hợp gặp ở 2 bên buồng trứng.
Vi thể: Các khối u này có đặc điểm giống với UBTGB thanh dịch.
Chúng biểu hiện cấu trúc nhú phức tạp, phân chia nhánh kiểu thứ bậc thành
những nốt nhú nhỏ dần, kết thúc bằng những búi biểu mô nhỏ tách rời. Các
nhú lớn hơn có xu hướng phù mô đệm, chứa nhiều bạch cầu trung tính. Biểu
mô lợp nhú thường là biểu mô tầng và được cấu tạo chủ yếu bởi tế bào chế
nhầy dạng tuyến cổ trong cổ tử cung hoặc biểu mô thanh dịch; biểu mô dạng
nội mạc và biểu mô vảy ít gặp. Hiếm khi thấy tế bào chuyển tiếp hoặc tế bào
sáng. Không có tế bào hình đài. Bào tương tế bào ưa axit rõ, nhân độ thấp, ít
thấy hoạt động nhân chia. Đặc điểm vi xâm nhập, ung thư biểu mô tại chỗ và
vi nhú có thể thấy. Một phần của lòng nang có thể có biểu hiện của nang dạng
nội mạc tử cung.
Hóa mô miễn dịch: Những khối u này thường kết hợp hình thái hóa mô
miễn dịch CK7(+)/CK20(-)/CDX2(-). Chúng thường bộc lộ ER và PR; đa số
khối u âm tính với WT1. [53]
1.8.4. Một số dấu ấn hóa mô miễn dịch dùng trong chẩn đoán u BT
1.8.4.1.CK7 và CK20
CK7 là một keratin thuộc nhóm ưa base được tìm thấy ở rất nhiều các
tuyến và biểu mô chuyển tiếp . Trong các ung thư biểu mô tuyến, CK7 thường
20
dương tính ở phổi, vú, buồng trứng, cổ tử cung, UTBM đường mật, UTBM
đường niệu của bàng quang. Dấu ấn này thường xuyên âm tính trong các
UTBM vảy và UTBMtuyến đại tràng, UT biểu mô tuyến vú thể nhầy, UTBM
tế bào gan, UTBM tuyến tiền liệt, UTBM tế bào thận [13].
CK20 là một keratin có trọng lượng phân tử 46 kD, thuộc nhóm ưa
axit. CK20 dương tính trong các UTBM đại trực tràng, dạ dày, UTBM tuyến chế
nhầy BT, UTBM đường niệu, UTBM tế bào Merkel, UTBM tụy, ống mật. CK20
thường dương tính hằng định với UTBM tuyến đại tràng, UTBM tế bào Merkel
biểu bì, UTBM đường niệu; còn trong UTBM dạ dày, tụy, ống mật thì CK20
không hằng định [54],[55]. CK20 âm tính trong các UTBM tế bào vảy, buồng
trứng, nội mạc tử cung, UTBM vú, UTBM tuyến giáp, UTBM tế bào thận. Nhờ
sự phân bố có chọn lọc rõ rệt như vậy nên CK20 rất hữu ích trong chẩn đoán
phân biệt các UTBM tuyến [55],[56],[57].
CK7 và CK20 giúp ích trong việc chẩn đoán phân biệt các khối u BT
tiên phát với những tổn thương di căn vào BT.
Theo Vang và CS (2006), nhuộm CK7+/CK20+ là hình ảnh phổ biến
nhất trong các u nhầy BT tiên phát. Nhuộm CK7+/CK20- được quan sát thấy
trong một số UTBM buồng trứng tiên phát (23%). Với những u CK7+, sự
phân bố nhuộm màu thường rất lan tỏa (>50% các tế bào u dương tính). Với
những u CK20+, sự phân bố của nhuộm màu rất thay đổi và thường thành ổ
trong những u nhầy tiên phát. Những đặc điểm này giúp phân biệt UTBM
nhầy tiên phát buồng trứng với u nhầy di căn từ đại tràng (CK7-/CK20+) [58].
1.8.4.2.Thụ thể estrogen và progesteron (ER và PR)
ER và PR dương tính ở hầu hết các UTBM tuyến vú, ngoài ra còn
dương tính trong các UTBM buồng trứng, cổ tử cung và cả UTBM tuyến giáp
. Theo Patel, kết quả nghiên cứu năm 1997 cho thấy ER và PR dương tính
trong khoảng 50% các u biểu mô buồng trứng nói chung [59]. Nhiều công
21
trình nghiên cứu của các tác giả nước ngoài cũng đã nghiên cứu về sự bộc lộ
của ER và PR trong UTBM buồng trứng. Các tác giả cũng đã nêu rõ tần suất
bộc lộ của hai dấu ấn này và ý nghĩa tiên lượng của chúng. Trong nghiên cứu
của Nolan và Heatlev (2001) cho thấy những UTBM tế bào sáng của BT
dương tính với ER (7/10) và PR (6/10) và UTBM tuyến dạng nội mạc của BT
cũng dương tính với ER (9/10) và PR (10/10) [60].
1.8.4.3.Ki67 và p53
Ki67 là một kháng nguyên nằm trong nhân tế bào, hiện diện ở kỳ hoạt
động của các tế bào (G1,S,G2). Ki67 liên quan mật thiết với hình thái tăng
trưởng tế bào, đặc biệt là chỉ số nhân chia [61]. Sự bộc lộ mạnh của Ki67 cho
thấy một tiên lượng xấu, điều trị ít hiệu quả.
Đột biến gen p53 chiếm khoảng 30% các UTBM buồng trứng. Có nhiều
nghiên cứu chỉ ra rằng p53 là một yếu tố tiên lượng độc lập về tỷ lệ sống thêm
trong UTBM buồng trứng. Người ta đo sự bộc lộ của protein p53 bằng hóa mô
miễn dịch là một xét nghiệm chính xác để phát hiện sự tích lũy bất thường của
gen này trong nhân tế bào [62],[63]. Theo Shao và CS (2007), trong UTBM BT
độ cao có sự bộc lộ quá mức của p53 và có sự khác biệt về tỷ lệ bộc lộ này giữa
những UBTGB thanh dịch với những UTBM thanh dịch độ cao [48].
1.8.4.4.BRAF
BRAF là một protein kinase trung gian trong con đường RAS-RAFMEK-ERK dẫn truyền các tín hiệu từ ngoại bào đến nhân. Quá trình
phosphoryl hóa gây ra sự hoạt hóa dòng thác tín hiệu ngoại bào. Đột biến
V600E làm cho BRAF liên tục hoạt hóa, tác động tới khá nhiều chức năng
của tế bào bao gồm quá trình tăng sinh và di chuyển. Sự hoạt hóa của BRAF
không đủ để các tế bào chuyển dạng ác tính, vì BRAF không chỉ được xác
định trong các tổn thương ác tính như u hắc tố ác tính, ung thư biểu mô nhú
22
tuyến giáp, ung thư biểu mô tuyến nhú đại tràng, u tế bào thần kinh đệm mà
còn được xác định ở các nốt ruồi lành tính và các polyp đại tràng [64],[65].
Trong bảng tra cứu các đột biến sinh dưỡng trong ung thư (COSMIC,
bản 71)(2 BRAF mutation analysis in ovarian tumours) cho thấy đột biến điểm
BRAF xuất hiện ở trên 40000 các mẫu ung thư. Tỷ lệ đột biến BRAF thay đổi
ở các loại u khác nhau từ trên 40% ở u tuyến giáp và u da tới 0%-12,5% ở các
u tại các cơ quan khác. Sự đồng xuất hiện đột biến BRAF và KRAS là hiếm
gặp, tuy nhiên người ta nhận thấy rằng hình thái này hay xuất hiện ở các polyp
tăng sản tại đại tràng và ung thư biểu mô nhầy buồng trứng [66].
Đột biến điểm BRAF được báo cáo ước chừng 6% ở những mẫu mô
buồng trứng (COSMIC). Đa số các mẫu mô buồng trứng này đều đột biến ở
codon 600. Các dữ liệu cũng cho thấy đột biến BRAF chủ yếu xảy ra ở u
thanh dịch giáp biên buồng trứng, các báo cáo chỉ ra tỷ lệ đột biến BRAF ở u
thanh dịch giáp biên buồng trứng dao động từ 23%-71%. Ngược lại đột biến
BRAF rất hiếm xảy ra ở UTBM thanh dịch độ thấp giai đoạn muộn hoặc
UTBM thanh dịch độ cao, UTBM tế bào sáng, u giáp biên nhầy và UTBM
dạng nội mạc, nhưng lại hay gặp ở UTBM nhầy và u tuyến thanh dịch lành
tính [66]. Hiện nay, đột biến gen BRAF V600E đã phát hiện được gián tiếp
thông qua nhuộm HMMD với marker VE1 (BRAF V600E). Đây là một xét
nghiệm đơn giản, dễ thực hiện ngay trên bệnh phẩm đã cố định formol, tiết
kiệm chi phí, độ chính xác cao. Chính vì thế, gần đây nhiều nghiên cứu đã tập
trung vào tìm mối liên hệ giữa đột biến BRAF như là một yếu tố tiên lượng
trong u buồng trứng.
1.9. Một số nghiên cứu trong và ngoài nước về u giáp biên buồng trứng
1.9.1. Một số nghiên cứu trong nước
23
Lê quang vinh (2008), mặt ngoài u giáp biên thường nhẵn, u hay gặp ở
dạng nang, chứa dịch trong. Về hình ảnh vi thể của u giáp biên: cấu trúc mô
học giống như u biểu mô lành tính tương ứng nhưng tế bào quá sản xếp tầng
rõ và phát triển mất cực tính; nhân tế bào bất thường ở mức độ nhẹ đến vừa;
không thấy xâm nhập phá huỷ mô đệm. Về mặt bộc lộ HMMD của u giáp
biên: 100% các u dương tính với CK7, 80% âm tính với CK20, hầu hết âm
tính với Her2/neu, 20% dương tính với p53 [17].
Nguyễn Thị Hương Linh (2011), tuổi trung bình của các bệnh nhân
UBTGB 35,8± 0,47 tuổi, đa phần u ở một bên buồng trứng, di động được và
có ranh giới rõ. 58,1% UBTGB có kích thước ≥ 10 cm; tỷ lệ u nhầy có đường
kính ≥ 10 cm nhiều hơn u thanh dịch (82,8% so với 28,6%, p<0,001). Trên
siêu âm: 62,4% u có vách, 33,3% u có nhú và 70,9% có âm vang hỗn hợp.
Nồng độ CA125 trung bình trước phẫu thuật là 118,74± 0,56 U/ml, nồng độ
CA125 trung bình của u thanh dịch cao hơn u chế nhầy (184,1 U/ml so với
58,2% U/ml, p<0,05) [67].
Nguyễn Duy Tuấn (2013), tuổi trung bình của các bệnh nhân UBTGB là
43,5± 14,8 tuổi, nhóm tuổi từ 20-49 chiếm tỷ lệ lớn nhất là 54,7%. UBTGB
gặp ở một bên nhiều hơn hẳn so với gặp ở hai bên buồng trứng. Kích thước
trung bình của UBTGB trên siêu âm là 14,8± 7,1 cm, u chế nhầy thường to hơn
u thanh dịch (p = 0,01). Trên siêu âm, 50,7% khối UBTGB có dạng hỗn hợp,
siêu âm thấy có vách trong u chiếm tỷ lệ lớn nhất 54,7%, tỷ lệ phát hiện nhú
trong u là 22,6%. Nồng độ CA125 trung bình của UBTGB tại thời điểm chẩn
đoán là 131,5 U/ml, nhóm thanh dịch có nồng độ CA125 trung bình cao hơn
nhóm chế nhầy (p<0,001), nồng độ CA125 tỷ lệ thuận với giai đoạn bệnh [68].
1.9.2. Một số nghiên cứu của nước ngoài
Một nghiên cứu thực hiện trên 1042 phụ nữ được chẩn đoán u thanh
dịch giáp biên buồng trứng tại Đan Mạch trong vòng 25 năm thấy: những
bệnh nhân ở giai đoạn I có thời gian sống thêm toàn bộ tương tự như quần thể
24
bình thường (p=0,03). Độ tuổi trung bình lúc chẩn đoán là 50 tuổi, 27% số
phụ nữ nhỏ hơn hoặc bằng 40 tuổi [69].
Theo Preusser M. và cộng sự (2013), đột biến BRAF V600E xuất hiện
ở 13% số trường hợp u thanh dịch giáp biên, 5% ở ung thư biểu mô thanh
dịch xâm nhập và không có trường hợp nào đột biến ở các u biểu mô không
phải thanh dịch [70].
Theo Giurgea L. và cộng sự (2012), p53 dương tính ở 6,66% UBTGB,
Ki67 bộc lộ ở UBTGB và u buồng trứng lành tính với tỷ lệ thấp hơn so với
ung thư biểu mô buồng trứng (13,3% so với 9,09%) [71].
CHƯƠNG 2
ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. Đối tượng nghiên cứu
2.1.1. Đối tượng nghiên cứu
56 BN được chẩn đoán mô bệnh học là u biểu mô buồng trứng giáp biên
từ 1/1/2015 đến 30/05/2018 trong đó: 37 BN tại Bệnh viên Phụ sản Trung
ương và 19 BN tại bệnh viện K cơ sở Tân Triều.
2.1.2. Tiêu chuẩn chọn mẫu
Từ sổ ghi lưu kết quả giải phẫu bệnh mô bệnh học của Khoa Giải phẫu
bệnh Bệnh viện Phụ sản Trung ương và bệnh viện K cơ sở Tân Triều, chúng
tôi tìm ra những bệnh nhân có kết quả giải phẫu bệnh mô học là UBTGB và
trên cơ sở đó tìm hồ sơ bệnh án.
Hồ sơ bệnh án của bệnh nhân phải có đầy đủ các tiêu chuẩn sau đây:
- Có kết quả mô bệnh học thường quy là UBTGB
- Bệnh nhân vẫn còn đầy đủ tiêu bản và khối nến để phục vụ nghiên cứu
- Thời gian vào viện từ 1/1/2015 đến 30/05/2018
- Có đầy đủ các thông tin hành chính
- Bệnh án có đầy đủ.
25
2.1.3. Tiêu chuẩn loại trừ
- Hồ sơ bệnh án của bệnh nhân không đủ các tiêu chuẩn chọn vào mẫu
nghiên cứu
- Khối nến không còn đủ để phục vụ nghiên cứu
2.2. Phương pháp nghiên cứu
2.2.1. Thiết kế nghiên cứu
Nghiên cứu được thiết kế theo phương pháp hồi cứu và tiến cứu mô tả
cắt ngang.
2.2.2. Cỡ mẫu
Chọn mẫu nghiên cứu có chủ đích.
2.2.3. Các biến số nghiên cứu
* Các yếu tố đặc trưng của bệnh nhân:
- Tuổi: tính theo tuổi dương lịch của bệnh nhân.
* Các đặc điểm của u trên siêu âm:
- Kích thước u: <10cm và ≥10cm
- U có vách hay không
- U có nhú hay không
- U có tổ chức đặc hay không
- Có âm vang hỗn hợp hay không
* Giá trị thực của CA125
* Chẩn đoán mô bệnh học của UBTGB:
- Vi thể: khối u được phân loại vào các typ mô bệnh học theo bảng phân
loại của WHO 2014 (phụ lục 1).
- Hóa mô miễn dịch: các mẫu bệnh phẩm được nhuộm hóa mô miễn dịch
với các dấu ấn Ki67, BRAF V600E tự động với máy Ventana của hãng Roche
tại bệnh viện K cơ sở Tân Triều.
2.2.4. Quy trình nghiên cứu
- Thu thập những bệnh nhân có kết quả mô bệnh học là UBTGB dựa trên
sổ kết quả giải phẫu mô bệnh học của Khoa Giải phẫu bệnh Bệnh viện Phụ
sản Trung ương và bệnh viện K cơ sở Tân Triều từ đó tìm hồ sơ bệnh án tại
phòng lưu trữ hồ sơ của bệnh viện theo một mẫu thu thập số liệu thống nhất.