Tải bản đầy đủ (.docx) (10 trang)

NHỮNG KHÓ KHĂN, BẤT CẬP ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG CỦA QUỸ TÍN DỤNG NHÂN DÂN

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (72.85 KB, 10 trang )

NHỮNG KHÓ KHĂN, BẤT CẬP
ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG
CỦA QUỸ TÍN DỤNG NHÂN DÂN

Từ khi thành lập đến nay, hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) đã phát
triển và đang lớn mạnh không ngừng, với lợi thế “gần dân, hiểu dân”, về cơ bản
QTDND đã thực hiện được mục tiêu, tôn chỉ đề ra là huy động tại chỗ, cho vay tại
chỗ, tương trợ giữa các thành viên, giúp nhau phát triển kinh tế, tạo công ăn việc
làm, nâng cao đời sống, góp phần đấu tranh đẩy lùi nạn cho vay nặng lãi ở nông
thôn… Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động một số QTDND bộc lộ nhiều yếu
kém, khuyết điểm, thậm chí vi phạm pháp luật đe dọa an toàn hoạt động, gây mất
lòng tin trong nhân dân. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những yếu kém, khuyết
điểm, trong đó có những khó khăn, vướng mắc, bất cập tác động đến sự phát triển
bền vững của QTDND. Bài viết này đề cập đến một số khó khăn, vướng mắc, qua
đó đề xuất và kiến nghị mong được trao đổi để cơ quan quản lý Nhà nước và các
cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét.
1. Về tổ chức
QTDND là một tổ chức kinh tế có tính đặc thù, không như các tổ chức kinh tế
khác, chỉ bị điều chỉnh bằng một Luật cơ bản, nhưng QTDND bị điều chỉnh bằng
hai Luật cơ bản: Về tổ chức điều chỉnh theo Luật Hợp tác xã (HTX); về hoạt động
ngân hàng điều chỉnh bởi Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD).
Từ việc thành lập, tổ chức, bộ máy cán bộ, thành viên, góp vốn, sử dụng dịch
vụ, phân phối lợi nhuận… do Luật HTX điều chỉnh; hoạt động ngân hàng do Luật
Các TCTD điều chỉnh; cơ quan cấp phép hoạt động, quản lý nhà nước về tiền tệ và
hoạt động ngân hàng là Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Như vậy, việc lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động, lãnh đạo về công tác cán bộ và các
quy định liên quan đến luật HTX do cấp ủy và chính quyền địa phương.
Về hoạt động ngân hàng, thi hành Luật Các TCTD năm 1997, Chính phủ ban
hành Nghị định số 48/2001/NĐ-CP ngày 13/8/2001 quy định về tổ chức và hoạt
động của QTDND, trong đó quy định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành, UBND
các cấp đối với hoạt động của QDNND. Khi Luật Các TCTD năm 2010 thay thế


luật năm 1997 thì Nghị định số 48/2001 hết hiệu lực nhưng chưa có Nghị định mới


thay thế. Theo đó, trách nhiệm của UBND các cấp chưa được quy định cụ thể đối
với hoạt động của QTDND. Khi có sự cố xảy ra, cấp ủy, chính quyền một số địa
phương không thực sự vào cuộc và có suy nghĩ không đúng cho rằng QTDND là
của NHNN.
Về chế độ bầu cử, trong Đảng thì có Quy chế bầu cử của Đảng, các cơ quan
khác như Quốc hội và cơ quan lập pháp có Luật bầu cử Quốc hội và Hội đồng
nhân dân, quy định rõ việc bầu cử phải có số dư; các cơ quan, tổ chức khác pháp
luật không có quy định. Thực tế theo dõi nhiều năm việc chuẩn bị nhân sự để bầu,
bổ nhiệm Hội đồng Quản trị (HĐQT), Ban kiểm soát, Giám đốc, đa phần các
QTDND dự kiến theo cách số lượng cần bầu bao nhiêu thì danh sách nhân sự để
bầu bấy nhiêu, không có số dư, dẫn đến không có sự cạnh tranh, lựa chọn. Nếu đơn
vị nào làm tốt công tác nhân sự thì đơn vị đó lựa chọn được những cán bộ quản trị,
điều hành tốt và ngược lại. Đa số QTD lựa chọn số lượng HĐQT (theo quy định tối
thiểu) là 3 người: Chủ tịch làm nhiệm vụ chuyên trách; 2 thành viên còn lại thường
thì một người làm Giám đốc, một người có thể là Phó Giám đốc; Như vậy các
thành viên HĐQT đa số làm điều hành. Tương tự, Ban kiểm soát đa số chọn số
lượng là 3 người, trong đó, Trưởng Ban vừa làm nhiệm vụ kiểm soát viên chuyên
trách, vừa làm kiểm toán nội bộ, 2 thành viên còn lại bán chuyên trách, hưởng phụ
cấp. Do đó có thể thấy QTD thiếu nhân sự quản trị và kiểm soát, mặc dù có thể
tuyển dụng, đào tạo thêm nhưng không làm vì tiết kiệm nhân sự, tiết kiệm chi phí
trả lương, phụ cấp …
Vì thế, NHNN cần nghiên cứu trình Chính phủ ban hành Nghị định (thay thế
Nghị định số 48) quy định về tổ chức và hoạt động của QTDND, trong đó quy định
rõ trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với hoạt động của
QTDND.
Cần nghiên cứu quy trình chuẩn bị nhân sự, chấp thuận nhân sự để bầu, bổ
nhiệm Chủ tịch và các thành viên của HĐQT, Trưởng ban và các thành viên của

Ban kiểm soát, Giám đốc QTDND theo hướng: HĐQT khóa đương nhiệm phải
quy hoạch các chức danh được bầu, bổ nhiệm, báo cáo cấp ủy, chính quyền địa
phương phê duyệt. Khi dự kiến nhân sự chuẩn bị để bầu, bổ nhiệm cho nhiệm kỳ
mới, danh sách nhân sự phải có sự lãnh đạo và sự nhất trí, phê duyệt của cấp ủy địa
phương trước khi báo cáo NHNN chấp thuận thay vì quy trình như hiện nay là
NHNN có văn bản xin ý kiến UBND xã… Nhân sự dự kiến bầu các chức danh của
HĐQT, Ban kiểm soát phải nhiều hơn số lượng cần bầu. Như vậy, vừa bảo đảm
tính nguyên tắc trong lãnh đạo của Đảng, gắn chặt trách nhiệm của cấp ủy, chính


quyền địa phương trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ, xử lý khó khăn đối với
QTDND, vừa có nhiều sự lựa chọn, cạnh tranh để chọn ra những cán bộ tốt.
Cần phải có quy định cụ thể về HĐQT, ngoài chủ tịch HĐQT phải có một
người làm nhiệm vụ chuyên trách của HĐQT để tăng cường công tác quản trị
QTDND.
2. Về công tác cán bộ
Nhiều cán bộ đang hoạt động tại QTDND được đào tạo căn bản, có năng lực,
đạo đức và phẩm chất; nhưng cũng có nhiều nơi khi thành lập thí điểm thiếu cán bộ
được đào tạo căn bản, phải sử dụng những cán bộ chưa được đào tạo hoặc đào tạo
chưa căn bản đang công tác ở địa phương, hoạt động với kinh nghiệm là chủ yếu;
sau đó đào tạo lại, có thể nói rất nhiều cán bộ QTDND được đào tạo với hình thức
“vừa học, vừa làm”, tôi không khẳng định đào tạo “vừa học, vừa làm” là không tốt,
nhưng người được đào tạo theo dạng này ít nhất phải có “cái gốc, cái căn cốt”. Một
số cán bộ vào làm việc ở QTDND mới học xong trung học cơ sở (cấp II cũ), nhiều
người chưa học xong trung học phổ thông (cấp III cũ) sau một thời gian làm việc
tại QTD cần phải được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, được “hoàn thiện” về văn
hóa để đi học trung cấp hoặc đại học. Mặc dù rất cố gắng nhưng thiếu “cái gốc” rất
khó để tiếp thu về lý luận. Học xong, nhiều người với kinh nghiệm kết hợp với
những gì được học đã quản trị, điều hành và thực thi nhiệm vụ tương đối tốt nhưng
phần đông vẫn còn lúng túng, khi có việc mới cần có tư duy, cần có kiến thức về lý

luận thì gặp vô vàn khó khăn, có những việc vi phạm quy định, vi phạm pháp luật
mà không biết.
Nhiều cán bộ vào làm việc tại QTDND từ những ngày thí điểm thành lập,
đang là thành viên HĐQT, Giám đốc, trình độ và năng lực hạn chế, uy tín thấp,
tuổi đã cao (trên 60 tuổi, thậm chí cao hơn) nhưng chưa muốn nghỉ chế độ (những
cán bộ khác thì phải nghỉ công tác khi đủ 60 tuổi trở lên), là một trong các nhân tố
ảnh hưởng đến sự phát triển, gây ra sự so bì, dẫn đến mất đoàn kết nội bộ. Một số
cán bộ thuộc bộ máy quản trị, điều hành QTDND đủ hoặc quá tuổi lao động đã làm
chế độ nghỉ hưu, hưởng trợ cấp hưu trí nhưng vẫn tiếp tục quản trị, điều hành
QTDND để hưởng lương, phụ cấp tại QTD. Nhưng các quy định của pháp luật
hiện nay không giới hạn tuổi làm việc đối với cán bộ làm việc trong các HTX và
cũng không quy định cấm cán bộ đã làm việc tại QTDND đã nghỉ hưu được tiếp
tục làm việc tại QTDND.
Vì vậy, ngoài việc phải có quy định bắt buộc QTDND phải đào tạo lại cán bộ
nếu chưa được đào tạo cơ bản nếu muốn làm việc lâu dài thì phải có quy định tiêu


chuẩn rõ ràng đối với những cán bộ đã hết tuổi lao động theo quy định của Bộ luật
Lao động nếu muốn tiếp tục làm việc tại QTDND. Những cán bộ đã nghỉ chế độ
hưu trí từ QTDND thì không được tham gia quản trị, điều hành, kiểm soát
QTDND.
3. Về quy định bảo đảm an toàn
Rất nhiều quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn, tôi chỉ xin đề cập 2 vấn
đề:
Một là, theo quy định của NHNN thì QTDND không phải dự trữ bắt buộc,
QTDND phải chủ động dự trữ bảo đảm khả năng chi trả và khả năng thanh toán
(nhưng không có quy định cụ thể). Thực tế hoạt động cho thấy nhiều QTDND huy
động được bao nhiêu cho vay bấy nhiêu (và còn đi vay để cho vay), không có dự
trữ bảo đảm khả năng chi trả và thanh khoản, khi có khách hàng rút tiền gửi trước
hạn lớn hơn tồn quỹ tiền mặt thì ngay lập tức gặp khó khăn. Để khắc phục một

phần tình trạng này, khi ban hành Thông tư số 31/2012/TT-NHNN quy định về
Ngân hàng HTX, Thống đốc NHNN có quy định (Điều 41, Thông tư số
31/2012/TT-NHNN) “vốn nhàn rỗi của QTDND phải gửi vào tài khoản tiền gửi
điều hòa vốn tại Ngân hàng HTX và được duy trì ở một mức tối thiểu do Đại hội
thành viên Ngân hàng HTX quy định”. Ngân hàng HTX đã tổ chức triển khai thực
hiện được một thời gian, theo đó QTDND gửi và duy trì tối thiểu 3% số vốn huy
động và được Ngân hàng HTX trả lãi bằng lãi suất tiền gửi có kỳ hạn 3 tháng. Làm
như vậy, QTD có một khoản dự trữ để đảm bảo khả năng chi trả, cũng không bị
thiệt thòi, quá trình triển khai cũng không gặp khó khăn, trở ngại lớn. Nhưng
Thông tư số 09/2016/TT-NHNN ngày 17/6/2016 của Thống đốc NHNN sửa đổi,
bổ sung một số điều của Thông tư số 31/2012/TT-NHNN lại bỏ quy định này, có
thể nói làm thiếu đi một công cụ bảo đảm an toàn.
Hai là, Ngân hàng HTX được giao một số nhiệm vụ đối với QTDND, trong
đó quan trọng là nhiệm vụ điều hòa vốn. Muốn làm tốt công tác điều hòa vốn thì
phải nắm bắt được tình hình hoạt động của QTDND, muốn nắm bắt được tình hình
hoạt động thì ngoài việc giám sát từ xa còn phải được thông qua công tác kiểm tra
trực tiếp. Trước đây theo quy định tại Thông tư số 31/2012/TT-NHNN thì Ngân
hàng HTX được kiểm tra hoạt động của QTDND; nhưng Thông tư số
09/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 31 lại bỏ quy
định này, theo đó Ngân hàng HTX chỉ được kiểm tra sử dụng vốn cho vay đối với
QTDND.
Xin được đề xuất xử lý như sau:


Theo quy định hiện hành, QTDND không phải dự trữ bắt buộc thì NHNN nên
có quy định yêu cầu QTDND phải duy trì một tỷ lệ nhất định tiền gửi để bảo đảm
khả năng chi trả và khả năng thanh toán và giao cho Ngân hàng HTX thực hiện
như quy định trước đây tại Thông tư 31/2012/TT-NHNN.
Cho phép Ngân hàng HTX được kiểm tra hoạt động của QTDND để nắm bắt
đầy đủ tình hình hoạt động, làm cơ sở tiền đề cho việc cho vay về sau khi QTD có

nhu cầu; đưa ra các khuyến nghị, kiến nghị, báo cáo NHNN chi nhánh tỉnh, thành
phố khi cần thiết, tư vấn cho QTDND về hoạt động nhưng không làm thay chức
năng kiểm tra của Thanh tra giám sát Ngân hàng. Còn về cơ sở pháp lý thì theo
Luật Các TCTD hiện hành, Ngân hàng HTX là Ngân hàng của tất cả các QTDND,
vì vậy Ngân hàng HTX có thể được phép làm nhiệm vụ kiểm tra hoạt động của
QTDND nếu NHNN có quy định.
4. Về quy mô hoạt động
Qua theo dõi số liệu hoạt động thực tế, nếu QTDND hoạt động trong phạm vi
một xã, phường, thị trấn thì quy mô rất nhỏ (khoảng 50 - 60 tỷ đồng, thậm chí
nhiều Quỹ còn nhỏ hơn), những QTD hiện đang có quy mô lớn chủ yếu là QTDND
liên xã hoặc một xã nhưng mở rộng địa bàn sang nhiều xã (liền kề với trụ sở chính,
có một số không liền kề với trụ sở chính), QTD thành lập tại các nông trường, tập
đoàn kinh tế… mặt tích cực đối với những Quỹ có quy mô lớn là chuyển tải được
nhiều vốn cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhưng mặt hạn chế là có những
Quỹ đã vượt quá tầm quản trị, điều hành, đặc biệt là việc quản trị rủi ro, trình độ,
năng lực chưa đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ. Thực tế cho thấy nhiều Quỹ quá chú
trọng vào việc tăng quy mô hoạt động mà ít chú trọng đến công tác quản trị rủi ro,
ít chú trọng đến công tác giáo dục chính trị, đạo đức cho cán bộ dẫn đến không ít
cán bộ suy thoái về đạo đức, tham ô, ăn cắp, cố ý làm trái, gây ra những hậu quả
rất nặng nề cho QTDND.
Đã đến lúc chúng ta phải áp dụng các biện pháp để kiểm soát quy mô hoạt
động của QTDND phù hợp với trình độ cán bộ, năng lực quản trị, điều hành của
từng đơn vị. Tuy nhiên, nếu áp đặt bằng mệnh lệnh hành chính, ví dụ như quy định
một QTDND có quy mô dư nợ cho vay không quá 500 tỷ đồng thì lại có nhiều ý
kiến cho rằng, quy định như vậy là kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp, không
phù hợp với sự phát triển chung của đất nước và chỉ đạo của Chính phủ.
Xuất phát từ mục tiêu hoạt động, QTDND không thể hoạt động như ngân
hàng thương mại, tôi ủng hộ về nguyên tắc, QTDND chỉ thành lập và hoạt động
trong phạm vi một xã, phường, thị trấn; những QTD liên xã, liên phường hoặc



những QTD đã mở rộng địa bàn sang một hay nhiều xã thì phải được xử lý theo
hướng: xã có quy mô kinh tế nhỏ thì QTDND được phép hoạt động trên địa bàn tối
đa là 2 - 3 xã. Những QTD có địa bàn hoạt động từ 4 xã trở lên, thực hiện chia tách
thành 2 QTDND trở lên. Như vậy, quy mô một QTD vừa phải mà chúng ta không
phải dùng mệnh lệnh hành chính áp đặt và phải đưa nội dung này vào một trong
các giải pháp bắt buộc trong thực hiện cơ cấu lại QTDND.
5. Vấn đề cho vay đối với QTDND xảy ra sự cố rút tiền hàng loạt
QTDND có thể thua lỗ đến 100% vốn tự có (hoặc cao hơn) chưa chắc đã gây
ra đổ vỡ ngay, nhưng nếu sự cố rút tiền hàng loạt không được ngăn chặn kịp thời
thì nguy cơ đổ vỡ là điều khó tránh khỏi. Thống đốc NHNN đã có Thông tư quy
định về cho vay đặc biệt nhưng trên thực tế chưa QTD nào được vay, do nhiều
nguyên nhân và điều kiện; Ngân hàng HTX thực hiện nhiệm vụ điều hòa vốn, hỗ
trợ chi trả thì chỉ hỗ trợ chi trả cho những QTD tạm thời khó khăn về khả năng chi
trả, pháp luật không quy định Ngân hàng HTX cho vay để giải quyết sự cố rút tiền
hàng loạt; các QTDND thì không được cho vay lẫn nhau. Sự cố rút tiền hàng loạt
xảy ra ở QTD mà mọi khoản tiền huy động được hạch toán đầy đủ vào sổ sách và
sử dụng đúng mục đích để cho thành viên vay đang còn là vấn đề khó khăn, huống
chi sự cố này xảy ra đối với QTDND huy động tiền gửi một phần có hạch toán
trong sổ sách, một phần lại không hạch toán, là vấn đề vô cùng nan giải.
Hệ thống QTDND đã thành lập Quỹ bảo đảm an toàn hệ thống (Quỹ bảo toàn)
nhưng quỹ này còn quá nhỏ bé, chưa đủ khả năng ứng cứu cho sự cố rút tiền hàng
loạt, hơn nữa mục đích sử dụng của quỹ bảo toàn hiện tại chưa đặt vấn đề xử lý sự
cố rút tiền hàng loạt.
Việc ứng cứu với sự cố rút tiền hàng loạt, trước hết phải có “bàn tay” của Nhà
nước, NHNN cho vay đặc biệt, nhưng quy định về cho vay đặc biệt phải thực hiện
được khi sự cố xảy ra. Nếu giao cho Ngân hàng HTX xử lý thì khi xảy ra rủi ro
không thu được nợ, Nhà nước phải có cơ chế xử lý về vốn, chứ nếu chỉ có cơ chế
khi không thu được nợ, Ngân hàng HTX được phép trích lập dự phòng rủi ro thì lại
gây khó khăn cho Ngân hàng HTX.

6. Về quản lý “sổ tiết kiệm trắng”
Việc quản lý sổ tiết kiệm trắng đúng quy định có ý nghĩa rất quan trọng đối
với việc bảo đảm an toàn trong hoạt động và lòng tin đối với thành viên và nhân
dân đối với QTDND. Việc in ấn sổ tiết kiệm trắng được giao tự chủ cho QTDND
thực hiện, trong khi công tác quản lý của một số QTD có biểu hiện yếu kém. Đã có
nhiều cán bộ lợi dụng sơ hở trong việc quản lý sổ tiết kiệm trắng để cấu kết, thông


đồng với nhau, dùng sổ tiết kiệm trắng của QTDND, làm cho có đủ chữ ký, con
dấu của những người có thẩm quyền để huy động vốn, để ngoài sổ sách, tiêu dùng
cho cá nhân với số lượng tiền rất lớn gây thiệt hại cho QTDND, ảnh hưởng đến uy
tín, lòng tin của nhân dân. Nguyên nhân chính dẫn đến việc này là vấn đề đạo đức
cán bộ và công tác giáo dục chính trị, đạo đức cho cán bộ nhưng còn nguyên nhân
không kém phần quan trọng là cơ chế quản lý.
Trở lại lịch sử trước năm 1990, khi còn ngân hàng một cấp, NHNN ủy nhiệm
cho tất cả các HTX tín dụng của các xã làm đại lý huy động tiết kiệm, tiền tiết
kiệm huy động được sau khi đối trừ tiền chi trả được nộp về NHNN theo định kỳ.
NHNN kiểm soát rất chặt chẽ, trong đó có quản lý sổ tiết kiệm trắng từ khi nhận ở
NHNN về và các sổ tiết kiệm đã phát hành đang còn số dư (thuật ngữ khi ấy gọi là
sổ lưu hành); sổ tiết kiệm hư hỏng, rách nát; sổ tiết kiệm đã tất toán và sổ trắng
chưa phát hành; các loại sổ này được hạch toán ngoại bảng, theo dõi seri và số đến
từng sổ. Cơ chế kiểm soát là: tổng số sổ đang lưu hành (được thể hiện trên sao kê
tiền gửi tiết kiệm) cộng với (+) sổ hư hỏng, rách nát + sổ đã tất toán + sổ trắng
chưa phát hành phải bằng với (=) tổng số sổ tiết kiệm trắng QTDND nhận về.
Về hạch toán ngoại bảng được thực hiện:
- Khi nhận sổ tiết kiệm trắng về: Nhập sổ tiết kiệm trắng nhận về;
- Xuất ra để sử dụng: Xuất sổ tiết kiệm trắng; nhập sổ lưu hành hoặc nhập sổ
rách nát, hư hỏng (nếu sổ đó hư hỏng);
- Khi tất toán sổ: xuất sổ lưu hành; nhập sổ tất toán.
Cuối tháng kiểm kê và báo cáo NHNN sổ tiết kiệm trắng chưa sử dụng.

Việc đưa ra quy trình nghiêm ngặt như vậy sẽ giúp người điều hành biết được
cán bộ nghiệp vụ sử dụng bao nhiêu sổ tiết kiệm trắng và nó có được thể hiện trên
sao kê số dư hàng tháng về số lượng sổ đã được sử dụng. Nhìn vào đó để biết được
và kiểm soát được QTD đã dùng sổ tiết kiệm trắng đó phục vụ cho công tác huy
động vốn và được hạch toán đầy đủ vào sổ sách của đơn vị hay chưa.
Nêu lại cơ chế quản lý và quy trình hạch toán theo dõi như vậy không phải để
níu kéo cái cũ, cái lạc hậu, thủ công mà muốn đề cập đến vấn đề là chúng ta phải
ứng xử thế nào đối với việc quản lý sổ tiết kiệm trắng trong thời kỳ công nghệ
đang phát triển mạnh mẽ.
Theo tôi, NHNN nên ban hành cơ chế quản lý thống nhất việc in ấn sổ tiết
kiệm trắng, có thể giao cho Hiệp hội QTDND Việt Nam thực hiện, thống nhất một
mẫu sổ đối với hệ thống QTDND để thống nhất trong công tác quản lý. Nghiên


cứu ban hành chế độ hạch toán, quản lý sổ tiết kiệm trắng ở ngoại bảng trên cơ sở
kế thừa sự quản lý trước đây.
7. Về cơ chế tiền lương
Theo quy định hiện hành chế độ tiền lương được thực hiện theo Thông tư số
20/2018/TT-BTC ngày 12/2/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn một số
điều về chế độ tài chính đối với QTDND (kể cả các hướng dẫn trước đây), theo đó:
- Chi phí tiền lương và các khoản phụ cấp cho thành viên chuyên trách của
HĐQT, Ban kiểm soát. Mức chi do HĐQT QTDND quyết định trên cơ sở nghị
quyết của Đại hội thành viên.
- Chi phí tiền lương và các khoản phụ cấp trả cho cán bộ, nhân viên của
QTDND căn cứ theo Hợp đồng lao động hoặc thỏa ước lao động tập thể.
Quy định hiện hành là quy định rất “mở”, không khống chế mức chi, giao tự
chủ hoàn toàn cho QTDND. Việc trả lương, phụ cấp cho HĐQT, Ban kiểm soát;
lương cho CBNV mỗi QTDND thực hiện theo một cách. Nhưng điều đáng nói ở
đây là rất nhiều QTD chi lương với số lượng rất lớn mà không bị ràng buộc bởi cơ
chế quản lý, kiểm soát, tỷ lệ chi về tiền lương cho cán bộ. Vì vậy không tránh khỏi

tình trạng QTDND “chạy theo lợi nhuận”, tìm cách tăng thu để được chi nhiều tiền
lương, giảm tích lũy cho QTD, thành viên ít được hưởng phúc lợi từ QTD… làm
hạn chế mục tiêu “tương trợ cộng đồng”. Những Quỹ có quy mô lớn, thu nhập của
cán bộ quá cao so với mặt bằng chung thu nhập tại địa phương, gây ra sự “ghen tỵ”
lẫn nhau, thực tế đã có địa phương, nhiều người nhìn vào thu nhập của cán bộ QTD
mà “ao ước”, có tình trạng một số người tìm cách để được vào làm việc tại
QTDND, nội bộ cán bộ thi nói xấu thậm chí kiện tụng lẫn nhau, gây ra mất đoàn
kết nội bộ. Một số địa phương, cấp ủy, chính quyền đã can thiệp quá sâu vào hoạt
động của QTD trong đó có vấn đề về tiền lương.
Khi thí điểm thành lập QTDND, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 54TC/TCNH ngày 14/9/1996, hướng dẫn chế độ tài chính đối với QTDND, theo đó
về chi lương, QTDND được phép chi lương, phụ cấp cho HĐQT, Ban kiểm soát,
lương cho CBNV với tỷ lệ 40% thu nhập - chi phí (chi phí không tính lương). Khi
đó quy mô của QTD còn quá nhỏ (trên dưới 1 tỷ VND) nên áp dụng quy định này
QTD không có nguồn để trả lương cán bộ nên sau một thời gian thực hiện, quy
định này đã bị bãi bỏ. Hiện nay, quy mô của QTD đã tăng 100 lần, có QTD tăng
gần 1000 lần so với khi thực hiện thí điểm nên cần cân nhắc đến việc không chế tỷ
lệ chi lương, phụ cấp, thù lao HĐQT, Ban kiểm soát; lương, phụ cấp của CBNV để
khắc phục tình trạng chi lương một cách “thái quá” mà ít quan tâm đến quyền lợi


của thành viên, tích lũy cho QTDND. NHNN cần kiến nghị và phối hợp với Bộ Tài
chính nghiên cứu xem xét quy định về cơ chế tiền lương của cán bộ QTDND.
8. Về sửa đổi, bổ sung một số quy định hiện hành
- Thông tư số 04/2015/TT-NHNN đã triển khai thực hiện được gần 4 năm, quá
trình thực hiện đã bộc lộ một số điểm không phù hợp, gây ra những bất cập, khó
khăn cho hoạt động của QTDND, ngay sau khi Thông tư có hiệu lực một thời gian
ngắn đã có nhiều kiến nghị của QTDND kiến nghị xem xét sửa đổi một số điều để
QTDND có thể thực hiện được và phù hợp với thực tế. Vì vậy, cần phải được
nghiên cứu kỹ lưỡng để sửa đổi, bổ sung một số điều cho phù hợp nhưng vẫn phải
bảo đảm đáp ứng được nguyên tắc, mục tiêu hoạt động của QTDND theo quy định

của Luật HTX và Luật Các TCTD. Ví dụ như địa bàn hoạt động, vốn góp thường
niên, tỷ lệ vốn huy động của thành viên và ngoài thành viên, quy mô một
QTDND…
- Đề nghị NHNN nghiên cứu sửa đổi một số quy định về phân loại nợ, trích
lập dự phòng rủi ro đối với QTDND và Ngân hàng HTX quy định tại Quyết định
493/2005/QĐ-NHNN của Thống đốc NHNN cho phù hợp với quy định tại Thông
tư số 39/2016/TT-NHNN. Vì theo quy định tại Thông tư số 39 thì TCTD chuyển
nợ quá hạn khi khách hàng không trả đầy đủ nợ gốc khoản vay, trong khi Quyết
định số 493 thì TCTD chuyển nợ quá hạn, trích lập dự phòng rủi ro khi khách hàng
không trả đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi khoản vay. Như vậy, theo Thông tư số 39,
khách hàng không trả đầy đủ lãi thì không chuyển nợ quá hạn, nhưng vì QTDND
và Ngân hàng HTX vẫn đang thực hiện việc phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro
theo Quyết định 493 nên vẫn phải trích lập dự phòng rủi ro đối với phần lãi khách
hàng chưa trả đầy đủ...
- Đề nghị NHNN kiến nghị với Chính phủ sửa đổi mức bảo hiểm tiền gửi cho
một khách hàng cho phù hợp với sự phát triển kinh tế, mức bồi thường cho một
khách hàng như quy định hiện hành là quá thấp, vì hiện nay rất nhiều người gửi
tiền có số tiền gửi rất lớn, có khi lên tới hàng tỷ đồng...
Những ý kiến trên đây là những ý kiến nhỏ xin được góp ý, mong các cơ quan
chức năng nghiên cứu, xem xét, hy vọng rằng những ý kiến này sẽ đóng góp được
một phần cho sự phát triển bền vững của QTDND./.




×