Tải bản đầy đủ (.docx) (120 trang)

Thực trạng và các yếu tố liên quan đến stress của bác sỹ và điều dưỡng tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ngãi năm 2018 (FULL TEXT)

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (932.67 KB, 120 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

BỘ Y TẾ

ĐẠI HỌC HUẾ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y DƯỢC

VÕ VĂN VĂN

THỰC TRẠNG VÀ CÁC YẾU TỐ
LIÊN QUAN ĐẾN STRESS CỦA BÁC SĨ
VÀ ĐIỀU DƯỠNG TẠI BỆNH VIỆN ĐA KHOA
TỈNH QUẢNG NGÃI NĂM 2018

LUẬN VĂN CHUYÊN KHOA CẤP II

HUẾ - 2019

MỤC LỤC



DANH MỤC BẢNG


DANH MỤC BIỂU ĐỒ


5

ĐẶT VẤN ĐỀ


Theo Tổ chức Y tế thế giới, sức khỏe là trạng thái khỏe mạnh hoàn toàn về
thể chất, tâm thần và xã hội chứ không chỉ là tình trạng không có bệnh tật hoặc
ốm yếu (WHO, 1978). Stress không phải là một bệnh nhưng lại là một trạng thái
áp lực tâm sinh lý có thể dẫn đến nhiều hậu quả nặng nề về sức khỏe thể chất,
tâm thần và xã hội [7]. Stress có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất như các
bệnh lý hệ hô hấp, tim mạch, tiêu hóa, chuyển hóa hoặc các vấn đề sức khỏe tâm
thần như trầm cảm, lo âu, tự tử. Stress nặng cũng có thể gây ra nhiều hậu quả về
mặt xã hội như giảm khả năng làm việc, học tập, giảm khả năng nhận thức và
kiểm soát bản thân, giao tiếp kém, rối loạn hành vi lối sống… Trong giai đoạn
đầu, stress có thể gây ra sự mệt mỏi, lo âu, trầm cảm, không thoả mãn với
công việc, giảm chất lượng cuộc sống của chủ thể. Nếu không thể thích nghi được
hoặc kéo dài, stress có thể gây ra các vấn đề sức khỏe về thể chất và tâm thần cũng
như các hậu quả về mặt xã hội.
Cán bộ y tế tại bệnh viện là những người làm việc và liên quan trực tiếp đến
bệnh nhân và tính mạng con người, phải chịu áp lực lớn từ công việc quá tải, áp lực
về y đức và sự cố y khoa, chế độ làm việc nghiêm ngặt và kéo dài. Môi trường làm
việc thiếu thốn, thiếu sự hỗ trợ của đồng nghiệp và cấp trên, thái độ thiếu tôn trọng
hoặc không hợp tác của bệnh nhân, áp lực từ người nhà bệnh nhân là những nguyên
nhân khiến cho tỷ lệ stress nặng ở cán bộ y tế tăng cao [9]. Nhiều nghiên cứu đã chỉ
ra các nhân viên y tế làm việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân có
nguy cơ bị stress cao hơn nhiều lần so với các ngành nghề khác. Nghiên cứu của
Yassen và cs (2007) đối với 250 điều dưỡng và 250 cán bộ khác của một số khoa
trong 7 bệnh viện ở thành phố Mosul, I rắc cho thấy: có 10% điều dưỡng bị stress
nặng trong khi các ngành còn lại là 6% [63]. Sharifah và cs (2011) sử dụng thang đo
DASS-21 cho thấy có 10% điều dưỡng làm việc tại các bệnh viện công lập ở Kuala
Lumpur bị stress nặng vừa đến nặng [56]. Tại Việt Nam, một số nghiên cứu cho
thấy tỷ lệ stress ở cán bộ y tế cao hơn nhiều. Nghiên cứu của Lê Thành Tài (2008) ở
điều dưỡng tại các bệnh viện Cần Thơ và Hậu Giang cho thấy tỷ lệ điều dưỡng cảm



6
nhận stress nặng dao động trong khoảng 42-54% [20]; nghiên cứu Dương Thành
Hiệp (2014) ở Bến Tre cũng cho thấy tỷ lệ tương tự (56,9%) [10]; Nguyễn Thu Hà
(2016) nghiên cứu ở nhân viên y tế ngành tâm thần cho thấy tỷ lệ strees nặng chiếm
khoảng (66,7%) trong đó đa số nhân viên y tế có thể kiểm soát được stress (61,7%)
và chỉ có 5% cán bộ y tế bị stress cần sự can thiệp sớm. Tuy vậy, các nghiên cứu về
stress ở cán bộ y tế chủ yếu được thực hiện ở đối tượng là điều dưỡng tại các bệnh
viện ở miền Nam và miền Bắc trong khi có rất ít nghiên cứu về stress và các yếu tố
ảnh hưởng ở nhân viên y tế tại khu vực các tỉnh Miền Trung. Quảng Ngãi là một
tỉnh nghèo của Miền Trung, hệ thống y tế còn gặp nhiều khó khăn như thiếu trầm
trọng nguồn nhân lực cộng với áp lực về y đức, sự quá tải người bệnh, tình trạng
thiếu máy móc, trang thiết bị, môi trường làm việc chưa đảm bảo là gánh nặng đối
với nhân viên y tế. Để cung cấp bằng chứng khoa học và thực tiễn cho Lãnh đạo
Bệnh viện cũng như ngành Y tế xác định giải pháp nâng cải thiện chất lượng cuộc
sống và hiệu quả công việc cho cán bộ y tế tại tỉnh Quảng Ngãi, chúng tôi tiến hành
đề tài: “Thực trạng và các yếu tố liên quan đến stress của bác sỹ và điều dưỡng
tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ngãi năm 2018.” nhằm 02 mục tiêu sau đây:
1. Đánh giá mức độ stress của bác sĩ và điều dưỡng tại Bệnh viện đa khoa
tỉnh Quảng Ngãi.
2. Tìm hiểu một số yếu tố liên quan đến stress ở đối tượng nghiên cứu.


7

Chương 1
TỔNG QUAN TÀI LIỆU
1.1. Khái niệm về stress
Stress là một thuật ngữ tiếng Anh bắt nguồn từ chữ La tinh “stringi”, có nghĩa là
“bị kéo căng ra”, được dùng trong vật lý học để chỉ một sức nén mà vật liệu phải chịu
đựng. Đến thế kỷ thứ XIX xuất phát từ ý nghĩa sức ép trên vật liệu, thuật ngữ stress

được sử dụng để chỉ trạng thái căng thẳng tâm lý ở người khi chịu tác động của các
yêu tố từ môi trường bên trong hoặc bên ngoài [35].
Về lịch sử, stress là một thuật ngữ được vay mượn từ lĩnh vực vật lý học và
Hans Selye (1907-1982) là một người tiên phong trong nghiên cứu về stress.
Trong vật lý học, thuật ngữ stress được dùng để chỉ một trạng thái căng của vật
liệu (strain) khi chịu một lực tác động (force). Ví dụ: Sự uốn cong của một thanh
kim loại cho đến khi nó bị gãy khi chịu một lực tác động nào đó. Như vậy, xét về
khía cạnh vật lý học, trạng thái stress của 1 loại vật liệu xảy ra với 3 đặc trưng cơ
bản: 1) Sự xuất hiện của một lực tác động, 2) Phản ứng chống lại lực tác động đó
của vật liệu (bị uốn cong) và 3) Sự phá vỡ cấu trúc vật liệu nếu lực tác động vượt
quá khả năng chịu đựng của vật liệu [7].
Năm 1920, Hans Selye bắt đầu sử dụng thuật ngữ stress trong lĩnh vực Y
học. Ông cho rằng bệnh nhân nhập viện bất kể vì lý do gì đều có biểu hiện một
trạng thái tâm lý chung đó là sự mệt mỏi (they all look sicked), ông gọi đó là trạng
thái stress thể chất (physical stress). Sau đó, ông đã đề xuất thuật ngữ "Hội chứng
đáp ứng thích nghi chung - General Adaptation Syndrome". Ông cho rằng: Stress
là một trạng thái căng thẳng không đặc hiệu gây ra bởi sự bất thường trong các
hoạt động chức năng của cơ thể dẫn đến các phản ứng về sinh lý và giải phóng các
hormone stress. Ông cũng là người đầu tiên khởi xướng trục phản ứng stress của
cơ thể: Trục dưới đồi - tuyến yên - tuyến thượng thận. Quan điểm của Hans Selye
cho rằng, phản ứng stress khác với tất cả các phản ứng vật lý khác vì stress là một
trạng thái căng thẳng chung cho dù tác nhân kích thích là tốt hay xấu, tích cực hay
tiêu cực. Ông sử dụng thuật ngữ "distress" để chỉ những trạng thái stress tiêu cực
và thuật ngữ "eustress" để chỉ những trạng thái stress tích cực. Ông cũng đề xướng


8
ba thuật ngữ khác để chỉ ba giai đoạn trong quá trình đáp ứng thích nghi: l. Giai
đoạn cảnh báo "alarm state"; 2. Giai đoạn kháng cự "resistant state", và 3. Giai
đoạn kiệt quệ "exhausted state". Những quan điểm của Hans Selye cho thấy cơ chế

về phản ứng sinh lý học của stress và chủ yếu dựa trên học thuyết ổn định nội môi
của 2 nhà sinh lý học người Pháp và ngưỡi Mỹ là Claude Bernard (1813-1878) và
Walter Cannon (1871-1945) [7].
Tuy vậy, các nghiên cứu sau đó cũng chứng minh rằng, phản ứng stress không
chỉ đơn thuần là phản ứng về mặt sinh lý và nó còn bao gồm cả các phản ứng về
mặt xã hội. Richard S.Lazarus và Susan Folkman (1984) đã bổ sung cơ chế trong
phản ứng stress về mặt xã hội. Theo đó, bản chất của stress là tổng hợp các phản
ứng của chủ thể đối với các kích thích từ môi trường bên trong hoặc bên ngoài cơ
thể, là sự tương tác giữa chủ thể với với yếu tố môi trường [47]. Khác với Hans
Selye, Lazarus và Folkman lại quan tâm đến các cơ chế phản ứng về mặt xã hội,
trong đó chủ thể đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa và thích nghi đối với
các tác nhân gây stress. Cùng một tác nhân như nhau nhưng các cá nhân khác
nhau có ngưỡng chịu đựng khác nhau, nhìn nhận và đánh giá về stress khác nhau,
và thực hiện các cách khác nhau để đối phó với stress. Xuất phát từ quan điểm
này, Lazarus và Folkman đề xuất học thuyết về chiến lược đối phó với stress
(Coping strategy) là cơ cở để nghiên cứu và đánh giá bản chất của stress nói chung
[47].
1.2. Các biểu hiện của stress
Có thể nói stress là một quá trình diễn biến phức tạp trong cuộc sống hàng
ngày bao gồm các phản ứng sinh lý, tâm lý và cách ứng xử; trong đó yếu tố tâm lý
có vai trò khá quan trọng. Đây là tất cả các sự việc, hoàn cảnh, điều kiện sinh hoạt
xã hội, những tác động của môi trường tự nhiên... có khả năng ảnh hưởng đến hoạt
động của con người, đến trạng thái tâm thần.
Stress thường gây nên tình trạng cảm xúc mạnh, chủ yếu là hiện tượng tiêu
cực như: sợ hãi, lo âu, buồn bã, tức giận... làm cho con người bị tác động cả về thể
chất lẫn tinh thần. Nhịp sống của xã hội hiện đại rất dồn dập và nhiều thách thức.
Trong quá trình đối phó với nó, stress trong môi trường làm việc có thể nảy sinh.


9

Stress xảy ra thường xuyên có tác hại khá nghiêm trọng đến sức khỏe và làm giảm
chất lượng cuộc sống.
Stress do công việc thường gây cảm giác kiệt sức, tự đánh giá thấp bản thân,
tuyệt vọng, trầm cảm..., thậm chí tự tử, đồng thời liên quan đến các rối loạn trong
nhiều chứng bệnh. Stress do công việc là những phản ứng có hại về mặt cảm xúc và
cơ thể, xuất hiện khi yêu cầu của công việc vượt quá khả năng đối phó hay kiểm
soát của bản thân. Đó cũng có thể là sự mất cân bằng gây căng thẳng quá mức giữa
yêu cầu của công việc và cuộc sống cá nhân [14], [20].
Theo Hans Selye (1956) quá trình phản ứng stress xảy ra qua 3 giai đoạn. Giai
đoạn đầu tiên là giai đoạn cảnh báo "Alarm state". Trong giai đoạn này, khi mới đối
diện với yếu tố stress, cơ thể được huy động để chống lại tác nhân gây stress bao
gồm tăng nhịp tim, tăng tần số thở, tăng chuyển hóa. Giai đoạn 2 cơ thể kháng cự và
chịu đựng stress "resistant" là giai đoạn cơ thể cố gắng nỗ lực để đối phó với stress
và cố gắng để chống chọi nhằm tạo được trạng thái thích nghi mới. Giai đoạn 3 là
giai đoạn kiệt quệ "exhaustion". Nếu cơ thể chúng ta không thích nghi được ở cuối
giai đoạn 2 và/hoặc tác nhân gây stress vẫn tiếp tục tác động hoặc tăng cường độ
vượt quá ngưỡng chịu đựng thì cơ thể sẽ rơi vào trạng thái kiệt quệ (exhausted), rối
loạn các chức năng sinh lý của cơ thể và dẫn đến stress bệnh lý.
Ngày nay, mô hình về đáp ứng thích nghi chung của Selye vẫn còn giá trị. Một
trong những lý do là nó cung cấp những cơ sở lý thuyết chung về sự phản ứng stress
đối với nhiều loại tác nhân stress khác nhau và thời gian khác nhau. Đó là sự ảnh
hướng lẫn nhau giữa các yếu tố sinh lý và yếu tố môi trường. Thứ hai, nó cho phép
chúng ta hiểu rõ hơn về quan hệ giữa stress với bệnh tật. Đặc biệt, Selye tin rằng
nếu tác nhân stress tiếp tục hoặc lặp đi lặp lại sẽ gây tổn thương các hoạt động chức
năng sinh lý của các cơ quan trong cơ thể. Đây là cơ sở bệnh học của các bệnh tật
liên quan đến stress (ví dụ: Các bệnh lý tim mạch, bệnh viêm khớp, tăng huyết áp,
các bệnh lý liên quan đến suy giảm miễn dịch, đái tháo đường, nhiễm trùng, loét dạ
dày – tá tràng…) [7].
Biểu hiện của trạng thái stress rất đa dạng và phong phú, song về cơ bản chia
làm 4 nhóm biểu hiện về mặt thể chất, sức khỏe; tâm thần, cảm xúc; hành vi, lối



10
sống và hiệu quả đến công việc hoặc học tập. Triệu chứng sớm của stress do công
việc thường là nhức đầu, mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ, khó tập trung, dễ cáu kỉnh, khó
chịu ở dạ dày, không hài lòng về công việc, sa sút tinh thần. Stress dễ gây ra lo âu,
mất tập trung chú ý, mất tự tin, mất động cơ làm việc, cảm giác thất vọng, dễ bị
kích thích, dễ giận dữ, lạm dụng rượu hay chất gây nghiện, trầm cảm nặng có thẻ
dẫn đến tự tử. Đặc biệt, stress gây ảnh hưởng đến hiệu quả công việc hoặc làm tăng
nguy cơ mắc sai sót, nhất là trong môi trường làm việc nguy hiểm hay cần duy trì sự
chú ý cao độ như y tế. Stress trong công việc cũng làm ảnh hưởng đến các mối quan
hệ với đồng nghiệp [13]. Nếu stress tại nơi làm việc không được giải quyết, dễ dẫn
đến tình trạng kiệt sức liên tục về mặt thể chất và tâm thần, xuất hiện những cảm xúc
tiêu cực như tự đánh giá thấp bản thân, cảm giác không ai có thể giúp mình được và
tuyệt vọng. Những biểu hiện này sẽ dẫn đến các rối loạn mãn tính về sức khỏe, suy
giảm trầm trọng chất lượng cuộc sống. Những người bị stress trong công việc cũng
thường để stress tác động tới đời sống gia đình do họ dễ bị kích thích, dễ giận, mất
kiên nhẫn, buồn, kiệt sức, mất thích thú, quá mệt mỏi, giảm tình dục, ảnh hưởng đến
sự chăm sóc con cái và đến quan hệ với các thành viên khác trong gia đình [13].
Nhân viên y tế là những người làm công việc đặc biệt trực tiếp chăm sóc cho
người bệnh, biểu hiện stress của NVYT được thể hiện dưới nhiều dạng khác nhau.
- Biểu hiện stress về mặt cơ thể
Nhân viên y tế thường phải trực đêm nhiều, chế độ làm việc theo ca kíp nên
thường có những biểu hiện như rối loạn giấc ngủ, khi giấc ngủ không được đảm bảo
hoặc giấc ngủ không đủ thì kéo theo những biểu hiện như mặt mày ủ rủ, cảm giác
mệt mỏi. Nguy cơ rối loạn giấc ngủ sẽ tăng lên khi mà tình trạng thiếu nhân lực
trong các bệnh viện hiện nay sẽ khiến cho NVYT phải tăng cường trực đêm nhằm
đáp ứng nhu cầu chăm sóc bệnh nhân làm cho NVYT không có thời gian để nghĩ
ngơi lấy lại sức khỏe để tiếp tục công việc. Điều này kéo dài sẽ gây căng thẳng, mệt
mỏi cho NVYT. Bên cạnh đó khi là việc với áp lực công việc nhiều, bệnh nhân luôn

quá tải sẽ khiến cho họ có những biểu hiện nhức đầu, chóng mặt, viêm dạ dày, tăng
huyết áp, bệnh tim, suyễn, đau nhức khớp xương, đổ mồ hôi, tức ngực khó thở, tay
chân bủn rủn, ăn không ngon, khó ngủ, mất ngủ, tim đập nhanh, thở gấp, tiêu chảy


11
hoặc táo bón. Một số khác có các biểu hiện như rối loạn ăn uống do ăn uống thất
thường do công việc nhiều và vận động không đủ, dẫn đến các vấn đề về cân nặng,
và tăng tỷ lệ cholesterol, sức đề kháng giảm sút và xuất hiện các bệnh về da
- Biểu hiện về mặt tâm lý, cảm xúc
Những biến đổi về mặt sinh lý luôn luôn có quan hệ mật thiết và là cơ sở cho
những biến đổi về mặt tâm lý ở con người và ngược lại. Tuy nhiên, mọi biểu hiện
tâm lý không phải lúc nào cũng xuất phát từ những biến đổi sinh lý. Biểu hiện của
stress về mặt tâm lý được nhìn nhận, khai thác trên nhiều góc độ khác nhau. Có thể
nói biểu hiện về mặt tâm lý của stress được thể hiện ở sự thay đổi hoạt động của các
quá trình tâm lý, trạng thái tâm lý, thuộc tính tâm lý... Những thay đổi này thể hiện
ra bên ngoài hay qua các thông số có thể đo được ở nhiều mức độ khác nhau tùy
theo cường độ, nhịp độ các tác nhân gây ra stress, phụ thuộc vào nhận thức, cách
biểu hiện của chủ thể trước tác nhân. Các dấu hiệu cảm xúc của stress trong công
việc gây ra cho NVYT như: Cảm thấy khó chịu trong người, do đó có thể gây ra
kích động hoặc đè nén những cảm xúc của mình. Khi NVYT có những thể hiện bao
gồm sự cáu gắt thường xuyên, có cảm giác khó chịu, căng thẳng về tâm lý; biểu lộ
cảm xúc quá mức cần thiết hoặc quá kích động trước những tình huống có tính chất
đối kháng; buồn chán, không hài lòng với chính mình, cảm giác chán nản, buồn bã,
mặc cảm tự ti. Thay đổi tính cách, cảm thấy trống rỗng, đơn độc, mất sự tự tin vào
bản thân, thường than thân trách phận; có những biểu hiện lo âu, ám ảnh sợ. Những
lo âu, ám ảnh sợ này hình thành trên nền một sự lo âu dai dẳng, xuất hiện những
cơn lo lắng về nơi xảy ra tình huống stress. Các rối loạn này có khi mở rộng sang
các lãnh vực khác nhau như sợ các phương tiện giao thông công cộng, sợ xung đột
với cấp trên, với người thân, sợ giao tiếp, sợ bệnh tật,...trầm cảm, thiếu sinh khí,

mất khả năng hài hước và khả năng tập trung vào công việc thường nhật thường đơn
giản nhất.
- Biểu hiện về hành vi
Những rối loạn tâm lý biểu hiện về mặt hành vi do công việc gây stress cho
nhân viên y tế như: không thể duy trì được những hoạt động kéo dài và không quản
lý được thời gian của mình. Những người bị stress thường có xu hướng rối loạn


12
hành vi, lối sống ví dụ: rối loạn ăn uống, tăng nguy cơ các hành vi có hại như hút
thuốc, uống rượu, lạm dụng chất kích thích …. Stress có thể biến người ít hút thuốc
thành người hút thuốc lá liên tục, và biến một người chỉ uống rượu xã giao thành
một người nghiện rượu thực sự. Ngoài ra, những người bị stress nặng hoặc kéo dài
cũng có xu hướng né tránh, tự tách mình khỏi gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và xã
hội.
1.3. Các ảnh hưởng của stress
Theo Lazarus và Folkman (1984), stress nhẹ có thể có lợi là do vùng dưới đồi của
não bộ sẽ phát tín hiệu tới tuyến thượng thận để kích thích tăng tiết adrenalin,
noreadrenalin và cortisol. Những chất này sẽ làm tăng tuần hoàn và tăng chuyển hóa
trong cơ thể, chúng ta sẽ cảm thấy có nhiều năng lượng và tỉnh táo. Tuy vậy, nếu stress
vừa và nặng đặc biệt là stress kéo dài hoặc cấp có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm
trọng đối với sức khỏe thể chất, tâm thần, xã hội và hiệu quả học tập, làm việc [47].
- Ảnh hưởng của Stress đến sức khỏe
Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng stress có ảnh hưởng đến nhiều vấn đề sức
khỏe. Stress là nguyên nhân hoặc là yếu tố nguy cơ đối với nhiều bệnh tật.
+ Bệnh lý tiêu hóa: Susane (2000) đã mô tả rất chi tiết cơ chế gây bệnh của
stress đối với bệnh lý viêm loét dạ dày – tá tràng qua cả 2 cơ chế: Thay đổi hành vi
và thay đổi sinh lý. Các thay đổi hành vi khi bị stress bao gồm: Tăng các hành vi có
hại cho sức khỏe như hút thuốc, uống rượu, hoặc sử dụng các thuốc kháng viêm
non-steroid; giảm chất lượng bữa sáng và hạn chế chất lượng giấc ngủ. Những yếu

tố này sẽ làm giảm chức năng của lớp nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày và tăng tải
acide dịch vị. Các thay đổi sinh lý bao gồm: Giảm tuần hoàn máu, tăng tiết acide,
giảm khả năng miễn dịch phòng vệ. Các yếu tố này sẽ dẫn đến hậu quả là làm tăng
tiết acide dịch vị và tăng nguy cơ nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori ở dạ dày. Các
thay đổi hành vi và sinh lý trên sẽ dẫn đến hậu quả là loét dạ dày tá tràng.
+ Bệnh lý tim mạch và chuyển hóa: Tobias và cộng sự (2002) đã mô tả rất rõ
cơ chế ảnh hưởng của stress đến nhiều bệnh lý tim mạch. Ông gọi đó là các bệnh lý
tim mạch liên quan đến stress (stress-related cardiovascular diseases) như xơ vữa
động mạch, bệnh lý mạch vành, tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim và bệnh đái tháo
đường không phụ thuộc insulin.


13
+ Các bệnh lý nhiễm trùng: Rất nhiều các nghiên cứu cho thấy vai trò của
stress đối với tăng nguy cơ các bệnh lý nhiễm trùng qua cơ chế suy giảm chức năng
miễn dịch (Cohen, 1991).
- Ảnh hưởng của stress đối với học tập và lao động
Stress có ảnh hưởng lớn đến kết quả học tập và hiệu quả lao động. Đối với học
tập, một số nghiên cứu gần đây cho thấy mức độ stress nhẹ và vừa có thể có ảnh
hưởng tích cực đến kết quả học tập của học sinh, sinh viên. Ngược lại, mức độ
stress nặng và rất nặng lại có ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả học tập [45]. Le Blanc
(2009) thực hiện một nghiên cứu hệ thống về ảnh hưởng của stress cấp đến kỹ năng
lâm sàng của sinh viên Y khoa. Kết quả cho thấy, mức độ stress nặng có thể gây ảnh
hưởng tiêu cực đến việc thực hành các kỹ năng lâm sàng của sinh viên, ví dụ: Giảm
khả năng tập trung đặc biệt là tập trung cao độ đối với những kỹ năng phức tạp như
thủ thuật, phẫu thuật; giảm khả năng ghi nhớ; hay quên và khó nhớ lại thông tin;
khả năng ra quyết định kém, tăng nguy cơ mắc sai sót trong thực hành y khoa, và
làm suy giảm tính chuyên nghiệp người cán bộ y tế (sự cảm thông, chia sẽ, thấu
hiểu đối với bệnh nhân và đồng nghiệp). Đối với hiệu quả lao động, stress có ảnh
hưởng rất lớn đến khả năng làm việc và hiệu quả lao động. Các nghiên cứu gần đây

cho thấy stress nặng có thể làm giảm sự hài lòng công việc, ảnh hưởng xấu đến mối
quan hệ đồng nghiệp và quan hệ lãnh đạo trong công việc, hạn chế sáng tạo trong
công việc, suy giảm sự cố gắng, và làm giảm hiệu quả, năng suất lao động [7]
- Ảnh hưởng đến tâm thần, cảm xúc: Các nghiên cứu đã chứng minh rằng,
stress là nguyên nhân của nhiều rối loạn tâm thần như trầm cảm, lo âu, rối loạn hành
vi, rối loạn cảm xúc, và tâm thần phân liệt…
- Ảnh hưởng đến hành vi, lối sống: Stress ảnh hưởng đến việc giao tiếp và sự
tác động qua lại về mặt xã hội giữa người với người: stress có thể làm khả năng
giao tiếp giảm sút (e dè, ngại giao tiếp, khó khăn trong việc hỗ trợ, chia sẻ cảm xúc
với người khác), thay đổi tiêu cực trong cung cách ứng xử làm cho các mối quan hệ
có chiều hướng xấu đi làm phá vỡ mối liên hệ giữa cá nhân với người khác hoặc tập
thể, nhóm. Stress còn làm thay đổi khẩu vị như chán ăn hoặc ăn quá nhiều, trì hoãn
mọi thứ và trốn tránh trách nhiệm của bản thân trong công việc chung, tăng cường
sử dụng rượu, ma túy hoặc thuốc lá…


14
Biểu hiện về mặt tâm lý của stress cũng chính là những sự thay đổi các hoạt
động tâm lý, thay đổi cảm xúc, thay đổi hành vi, hành động ứng xử, hoạt động và
nhận thức của cá nhân đã nêu trên. Những thay đổi này ở các mức độ khác nhau và
dấu hiệu khác nhau ở mỗi cá nhân tùy theo cường độ, độ lâu dài của tác nhân gây
stress và sự đánh giá chủ quan của cá nhân về tác nhân đó.
1.4. Nguyên nhân gây stress
Theo Trung tâm nghiên cứu về stress ở người thì các yếu tố gây stress
(stressors) là những yếu tố có thể tác động lên cá nhân làm giải phóng hormone
stress, bao gồm 2 nhóm yếu tố chính:
-

Các yếu tố môi trường bên trong. Đó là các yếu tố xuất phát từ môi trường bên
trong cơ thể (physiological or physical stressors). Bao gồm các yếu tố về bệnh tật,

chấn thương, các yếu tố lý hóa ảnh hưởng đến cơ thể... Các chấn thương hoặc sang
chấn về thể chất có thể gây ra hội chứng stress, ví dụ: rối loạn stress sau chấn
thương (post traumatic stress disorder), stress ở phụ nữ sau sinh hoặc stress ở những
bệnh nhân mạn tính (ung thư, đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh tim mạch...).

-

Các yếu tố môi trường bên ngoài. Đó là các yếu tố thuộc tâm lý, hành vi, môi
trường tự nhiên và xã hội. Bao gồm đặc điểm tâm lý, nhân cách, niềm tin của từng
cá nhân, các bối cảnh hoặc sự cố xảy ra trong cuộc sống (life crises), các mối quan
hệ xã hội, kinh tế, văn hóa...; ví dụ: Mất người thân, sự đổ vỡ hôn nhân, môi trường
học tập, môi trường làm việc, môi trường gia đình... Các nghiên cứu gần đây cho
thấy các yếu tố môi trường sống như quan hệ gia đình và cấu trúc gia đình, quan hệ
hôn nhân, khó khăn kinh tế, áp lực học tập,... có ảnh hướng rất lớn đến mức độ
stress [7] [20].
Theo thuyết xung đột thì stress xuất hiện khi con người không có việc làm,
không có nhà ở, stress là hậu quả của những mối quan hệ xã hội ít ổn định, của
nghèo khổ, của quyền hạn thấp kém, và stress nảy sinh do những vấn đề của toàn
cầu hóa, quá tải dân số, gia tăng tội phạm, suy thoái kinh tế, thất nghiệp, hội nhập
xã hội và tuân giữ các tiêu chuẩn xã hội, sự phân phối hàng hóa kinh tế và dịch vụ
xã hội, sự phát triển của khoa học công nghệ mạnh mẽ, sự quá tải thông tin và


15
những biến động xã hội, những giá trị thay đổi, địa vị xã hội tác động lên cá nhân
làm cá nhân không thích ứng kịp và dễ rơi vào tình trạng stress. Ngòai ra, stress còn
nảy sinh khi chúng ta xử lý sai các thông tin hỗn độn và ồ ạt từ môi trường xã hội
xung quanh mình hoặc khi mong muốn một cái gì đó mà kết quả lại tệ hại ngoài dự
kiến hoặc do có vấn đề trong quá trình thích ứng về mặt tâm lý trước những sự kiện
thay đổi, biến cố trong cuộc sống.

Stress do những mối quan hệ giữa các cá nhân với nhau trong xã hội, con
người sống trong xã hội luôn phải gắn kết với những quan hệ xã hội nhất định, và
những mối quan hệ này có ảnh hưởng lớn đến sự tồn tại và phát triển của mỗi
người, do đó những vấn đề bất lợi từ những mối quan hệ xã hội như quan hệ bạn bè,
đồng nghiệp, gia đình, tình yêu sẽ là một tác nhân gây stress đáng kể cho con người
[9]. Ngoài ra, việc thiếu những quan hệ gần gũi, thiếu bạn bè, thiếu giao tiếp, sống
một mình và cô độc hoặc phải ở một mình khi bản thân không muốn sẽ làm con
người có cảm giác cô đơn hay những người thiếu mạng lưới hỗ trợ xã hội cũng có
nguy cơ và gia tăng mức stress.
Những yếu tố liên quan đến nghề nghiệp có thể gây stress bao gồm: những
thay đổi, biến động trong công việc; đảm trách nhiều vai trò, trách nhiệm; bên cạnh
đó điều kiện, môi trường, thời gian lao động; tính chất, yêu cầu của công việc; vấn
đề thu nhập trong công việc; quan hệ trong lao động, công việc; sự phát triển nghề
nghiệp; về phương diện cơ cấu tổ chức quản lý không phù hợp với cá nhân đều có
thể trở thành tác nhân gây stress cho cá nhân đó.
Sự thiếu ý thức về khả năng kiểm soát sự kiện sẽ làm tăng thêm stress khi khi
cá nhân cảm thấy hành vi của họ chẳng có hiệu quả gì hoặc các sự kiện là không thể
kiểm soát được. Điều này được đặc trưng bởi tính thụ động trong hành vi, cảm xúc
ức chế và tư tưởng tập trung vào sự thất vọng. Sự không chắc chắn như không chắc
chắn về tương lai, không dự đoán trước được những sự kiện quan trọng, không dự đoán
trước được những thay đổi cũng gây ra stress. Khi cá nhân cảm thấy không có quyền
hoặc ít có quyền quyết định những việc của bản thân hoặc việc quan trọng thì sẽ
chịu đựng một ít stress bất lợi. Cảm giác hẫng hụt khi các nhu cầu bị cản trở trong
việc làm thỏa mãn chúng cũng là một nguồn gốc gây stress, việc cản trở có thể là do


16
chậm trễ hay trì hoãn, hoặc cũng có thể bắt nguồn từ thất bại mặc dù đã cố gắng tìm
sự thỏa mãn nhưng không được, hoặc do mất đi nguồn gây thỏa mãn, mâu thuẫn nội
tâm trong mỗi người những chấn thương tâm lý cũng là nguồn gốc cơ bản gây stress

Yếu tố tự đánh giá, tự nhận thức, suy nghĩ là yếu tố gây stress và quyết định
mức độ stress của cá nhân. Một tình huống chỉ có thể là nguyên nhân dẫn đến stress
nếu cá nhân nhận định là tiêu cực và ngược lại. Bên cạnh đó việc đánh giá thấp khả
năng giải quyết vấn đề của bản thân hoặc cứ nghiền ngẫm những thất bại hoặc trải
nghiệm bất lợi trong quá khứ hoặc cũng sẽ làm gia tăng stress. Những cảm xúc thái
quá, tiêu cực như lo lắng, buồn rầu, chán nản, thất vọng, đau khổ...kéo dài lâu ngày
sẽ khiến con người rơi vào tình trạng stress và trầm trọng hơn là bị trầm cảm;
Những người hay có trạng thái cảm xúc không ổn định, hay lo âu, căng thẳng, né
tránh cũng là những nét nhân cách dễ bị tổn thương.
-

Các yếu tố gây stress ở cán bộ y tế: Một số nghiên cứu cho thấy rằng các yếu tố đặc
thù trong công việc có thể gây ra stress cho NVYT.
+ Về tính chất công việc: công việc có độ nguy hiểm cao, áp lực công việc
lớn, sự thay đổi công việc thường xuyên, chăm sóc quản lý quá nhiều bệnh nhân,
tình trạng thiếu nhân lực, áp lực đối với sự cố y khoa, điều kiện lao động không an
toàn, không phù hợp … là những yếu tố góp phần gây stress cho NVYT.
+ Về phương diện tổ chức: sắp xếp công việc thiếu hợp lý, sự phân công công
việc không rõ ràng, công việc gây nhàm chán, sự quản lý không hiệu quả từ cấp
trên, phải kiêm nhiệm nhiều việc một lúc, chưa được huấn luyện chuyên môn đầy
đủ, chế độ trực ca kíp, trực đêm nhiều, thường phải làm việc quá giờ, không có thời
gian để nghĩ ngơi đầy đủ, áp lực gần đến hạn phải hoàn thành công việc, không đủ
thời gian để hoàn thành nhiệm vụ, được giao những công việc ngoài chức năng
nhiệm vụ hoặc không tương xứng với trình độ chuyên môn nghiệp vụ, thành quả lao
động không được đánh giá và nhìn nhận một cách công bằng, ít có cơ hội thăng tiến
và học tập nâng cao trình độ..
+ Môi trường làm việc: Mối quan hệ với cấp trên không tốt, thiếu sự hỗ trợ
của lãnh đạo, thiếu công bằng và khách quan trong phân công và đánh giá việc thực
hiện nhiệm vụ được giao, luôn bị chỉ trích từ cấp trên, bị đỗ lỗi trong những trường
hợp sai sót chuyên môn, không có mặt kịp thời khi bệnh nhân kích động, cấp trên



17
đòi hỏi những yêu cầu bất hợp lý, ít nhận được sự quan tâm động viên từ cấp trên.
Mối quan hệ không tốt với đồng nghiệp; không có cơ hội để nói chuyện cởi mở với
đồng nghiệp trong công việc; bất đồng với đồng nghiệp liên quan đến công việc;
thiếu sự hỗ trơ từ đồng nghiệp; gặp khó khăn khi làm việc chung với đồng nghiệp;
không có cơ hội để chia sẽ kinh nghiệm và cảm xúc với đồng nghiệp. Chứng kiến
cái chết của một bệnh nhân; phải đối phó với những bệnh nhân kích động; người
nhà bệnh nhân thường xuyên chửi mắng, đe dọa; tình trạng bệnh nhân không được
cải thiện; gia đình bệnh nhân đòi hỏi những yêu cầu bất hợp lý; khi bệnh nhân hoặc
người nhà bệnh nhân hỏi mà chưa có câu trả lời thỏa đáng; không đủ thời gian để hỗ
trợ tinh thần cho bệnh nhân; không đủ thời gian để đáp ứng yêu cầu của gia đình
bệnh nhân; chưa chuẩn bị đầy đủ để giúp đỡ cho gia đình của bệnh nhân [22]
1.5. Thang đo lường trầm cảm, lo âu, stress DASS
Stress là một khái niệm đa khía cạnh và là một trạng thái thường xuyên thay
đổi phụ thuộc vào sự tồn tại của yếu tố kích thích, môi trường và khả năng thích
nghi của mỗi cá nhân. Do đó, các công cụ chủ yếu để đánh giá stress hiện nay là sử
dụng các thang đo đa khía cạnh.
Hiện nay có nhiều thang đo stress được phát triển, chuẩn hóa và sử dụng
rộng rãi như Thang đo sức khỏe tổng quát GHQ (General Health Questionnaire),
Thang đo stress nghề nghiệp (Job Stress Questionnaire), Thang đo trầm cảm, lo âu
và stress DASS (Depression Anxiety and Stress Scales)…Trong số các thang đo này
thì thang đo Trầm cảm, Lo âu và Căng thẳng 21 câu hỏi (Depression Anxiety and
Stress Scales 21 items (DASS-21) được phát triển bởi Lovibond S.H và Lovibond
P.F (1995) là thang đo đã được dịch và chuẩn hóa để đo lường mức độ stress ở
người trưởng thành tại Việt Nam [48].
Thang đo DASS được phát triển bởi Lovibond S.H và Lovibond P.F vào năm
1995 để sàng lọc mức độ trầm cảm, lo âu và căng thẳng ở cộng đồng ở người
trưởng thành (Lovibond, 1995)[48]. Nguyên bản, thang đo DASS có 42 câu hỏi,

mỗi khía cạnh đo lường (trầm cảm, lo âu và căng thẳng) có 14 câu hỏi. Tuy vậy,
thang đo DASS rút ngắn 21 câu hỏi phân bố đều cho 3 khía cạnh đo lường đã được
tác giả đánh giá lại năm 2001. Kết quả độ tin cậy (Cronbach alpha), độ nhạy và độ
đặc hiệu vẫn đảm bảo như thang đo nguyên bản khi đánh giá với thang đo trầm cảm


18
của Beck (BDI-II) và thang đánh giá Lo âu của Zung. Do đó, thang đo DASS rút
ngắn được khuyên dùng để sàng lọc mức độ trầm cảm, lo âu ở cộng đồng vì có số
câu hỏi ít hơn. Thang đo DASS 21 đã được Nguyễn Văn Hùng và cộng sự dịch sang
Tiếng Việt năm 2013 theo quy trình forward và backward [45]. Sau đó, nó đã được
đánh giá độ tin cậy, độ nhạy, độ đặc hiệu sử dụng hệ số Cronbach alpha, thang đo
trầm cảm của Beck (BDI) và thang đo lo âu của Zung (SAS). Kết quả cho thấy
thang đo Việt hóa DASS 21 đảm bảo độ tin cậy (Cronbach alpha dao động 0.75 đến
0.81) và có độ nhạy, độ đặc hiệu tốt (Se và Sp cho khía cạnh trầm cảm là 0.68 và
0.68 khi đánh giá với BDI-II; Se và Sp cho khía cạnh lo âu là 1.0 và 0.69 khi đánh
giá với SAS) (Hùng và cs 2013).
Đối với thang đo DASS 21, mỗi khía cạnh có 7 câu hỏi đo lường và mỗi câu
hỏi được trả lời theo thang điểm Likert từ 0 “không đúng đối với tôi”, 1 “đúng với
tôi một phần hoặc đôi lúc”, 2 “khá đúng với tôi hoặc khá đều đặn” và 3 “rất đúng
đối với tôi hoặc thường xuyên”.[23]
Với thang đo DASS 21, sau khi cộng tổng điểm của từng nhóm 7 tiểu mục, kết
quả thu được sẽ nhân với 2, ra bảng đánh giá mức độ dưới đây:
Mức độ
Bình thưòng
Nhẹ
Vừa
Nặng
Rất nặng


Trầm cảm
0-9
10-13
14-20
21-27
>28

Lo âu
0-7
8-9
10-14
15-19
>20

Stress
0-14
15-18
19-25
26-33
>34

Sau khi đối chiếu số điểm thu được với bảng trên kết quả sẽ cho biết trạng stress,
lo âu, trầm cảm đang ở mức độ nào: bình thường, nhẹ, vừa, nặng hoặc rất nặng.
Thang đo DASS 21 đã được Nguyễn Văn Hùng và cộng sự dịch sang Tiếng
Việt năm 2013, kết quả cho thấy, DASS 21 có thể áp dụng tốt ở Việt Nam vì trong
quá trình sử dụng thang đo, thông tin được phỏng vấn trực tiếp từ đối tượng nghiên
cứu, thang đo đảm bảo tính khách quan, chuẩn hóa, dễ hiểu, sử dụng nhanh. Tuy
nhiên, trong khuôn khổ của nghiên cứu này chúng tôi chỉ mô tả các mức độ của stress
trong các đối tượng nghiên cứu là bác sĩ, điều dưỡng và áp dụng công cụ của DASS



19
21 để đánh giá 7 tiểu mục của stress bao gồm: (1) tình trạng thoải mái, (2) xu hướng
phản ứng thái quá với mọi tình huống, (3) suy nghĩ quá nhiều, (4) dễ bị kích động, (5)
cảm thấy khó thư giãn, (6) không chấp nhận được việc có cái gì đó xen vào cản trở
việc đang làm, (7) dễ phật ý, tự ái. [45]
1.7. Các nghiên cứu về stress ở nhân viên y tế
1.7.1. Một số nghiên cứu trên thế giới
Nghiên cứu của Refai Yassen Al-Hussein và Ahmed Moshirf Al-Mteiwty
(2007) sử dụng thang đo DASS 21 để đánh giá tỷ lệ nhân viên y tế (NVYT) bị trầm
cảm, lo âu, stress tại 07 bệnh viện (BV) tại thành phố Mosul-Iran. Mẫu của nghiên
cứu gồm hai nhóm: 250 điều dưỡng và 250 NVYT khác gồm nhân viên X-quang,
nhân viên phòng xét nghiệm, dược sĩ và cán bộ vật lý trị liệu. Kết quả thu được có
đến 16% điều dưỡng bị trầm cảm trong khi tỷ lệ này ở nhóm nhân viên còn lại là
7,6%; có 20,8% điều dưỡng có rối loạn lo âu, nhóm còn lại là 7,6%; có 10% điều
dưỡng bị stress trong khi nhóm còn lại là 6%. Nghiên cứu khẳng định rằng điều
dưỡng có nhiều nguy cơ mắc các rối loạn tâm thần hơn các NVYT khác. Và việc
tiếp xúc với những hành vi không mong muốn từ người bệnh, đặc điểm cá nhân của
điều dưỡng có thể dẫn đến các rối loạn tâm thần. Tuy nhiên nghiên cứu chưa phân
tích được nguyên nhân cụ thể dẫn đến kết luận trên cũng như các yếu tố liên quan
đến vấn đề SKTT của các nhóm đối tượng [63].
Nghiên cứu của Asad Zandi và cộng sự (2011) đánh giá tỷ lệ stress, lo âu, trầm
cảm của 272 điều dưỡng làm việc tại 29 khoa phòng thuộc một Bệnh viện quân đội.
Nghiên cứu sử dụng thang đo DASS 21, thang đo đã được dịch và chuẩn hóa trên
một nhóm dân cư ở Mashhad (400 người) với độ tin cậy được báo cáo là trầm cảm
0,7, lo lắng 0,66 và stress 0,76. Kết quả nghiên cứu cho thấy điều dưỡng bị trầm cảm
là 24,9%, lo âu 27,9% và stress 23,8%. Nữ giới có tỷ lệ trầm cảm cao hơn nam giới.
Có mối liên quan có ý nghĩa thống kê giữa trầm cảm, lo âu, stress với tuổi, trình độ
học vấn, số giờ làm thêm và nơi làm việc của điều dưỡng. Nghiên cứu chỉ tập trung
tìm hiểu mối liên quan giữa các yếu tố nhân khẩu học, công việc... chưa mở rộng đến

các yếu tố cá nhân như mối quan hệ với gia đình, bạn bè, xã hội [33].
Nghiên cứu của Sharifah Zainiyah (2011) sử dụng thang đo DASS để đánh giá
tình trạng stress trên 110 điều dưỡng tại một bệnh viện Kuala Lumpur. Kết quả thu


20
được tỷ lệ stress là 23,6%, trong đó mức độ nhẹ là 13,6%, vừa là 5,5%, nặng là
0,9%, rất nặng là 3,6%. Hạn chế của nghiên cứu là loại trừ tất cả các điều dưỡng
mang thai và nam điều dưỡng. Trong khi phụ nữ đang mang thai có thể là người khá
nhạy cảm với stress, hay nam điều dưỡng trong một số nghiên cứu lại bị stress
nhiều hơn nữ điều dưỡng [56].
Nghiên cứu định tính của Oliveira và cộng sự (2013), chỉ ra rằng tình trạng quá tải
công việc là một yếu tố quan trọng cho sự căng thẳng trong phòng cấp cứu. Làm việc
trong phòng cấp cứu là một công việc cực kỳ khó tính, xử lý các thủ tục phức tạp phải
được thực hiện trong cách đơn giản, đây là một tình huống gây stress nhiều nhất. Điều
kiện làm việc có ảnh hưởng đối với sự căng thẳng, đây là cảm nhận của tất cả các nhân
viên tại nơi làm việc, từ điều dưỡng cho đến các nhân viên làm sạch, số lượng lớn các
trường hợp người bệnh cần điều trị ngoại trú, công việc tổ chức và môi trường gây ra rất
nhiều áp lực, quá tải về thể chất và cảm xúc trong các hoạt động hàng ngày của họ.
Trong phòng cấp cứu, điều dưỡng phải làm việc gấp đôi để vượt qua những hạn chế; dẫn
đến tình trạng sức khỏe dễ xấu đi và có nguy cơ tâm thần. Mối quan hệ giữa các cá nhân,
đối phó với cơn đau và cái chết; đối phó với điều kiện làm việc không lành mạnh, cấu
trúc quản lý cứng nhắc, thiếu trách nhiệm trong ra quyết định; làm việc theo ca; làm việc
dưới áp lực thời gian và quá tải. Tất cả đã gây ra sự căng thẳng khủng khiếp cho NVYT
tại phòng cấp cứu, đặc biệt là đối với điều dưỡng. Cuối cùng, thiếu động lực điều dưỡng
hiển nhiên là biểu tượng của tình hình căng thẳng và gây ra những thay đổi đáng kể trong
sự năng động công việc của điều dưỡng [62].
1.7.2. Một số nghiên cứu tại Việt Nam
Nghiên cứu của tác giả Trần Thị Thúy (2011) Đánh giá trạng thái stress của
cán bộ y tế khối lâm sàng bệnh viện Ung bướu Hà Nội năm 2011, có 120 NVYT

khối lâm sàng Bệnh viện Ung bướu Hà Nội tham gia. Kết quả ghi nhân được có
36,9% NVYT có biểu hiện stress, trong đó mức độ nặng 0,9%. Nghiên cứu cũng
cho thấy một số yếu tố liên quan làm tăng trạng thái stress: trực 04 buổi trở lên
trong một tháng; cảm nhận công việc ít hứng thú; thường xuyên tiếp xúc với hóa
chất độc hại; cảm nhận thấy mối quan hệ của họ với người bệnh không tốt [27].
Nghiên cứu của tác giả Trần Trung Tần (2012) stress của nhân viên y tế tại
bệnh viện Tâm thần Tiền Giang, qua khảo sát 136 NVYT của bệnh viện Tâm thần


21
Tiền Giang, kết quả có 14,7% NVYT bệnh viện Tâm thần Tiền Giang bị stress
thường xuyên, 75,7% ở mức độ thỉnh thoảng còn lại 9,6% hiếm khi bị stress. Có sự
khác biệt về mức độ stress của NVYT so với thời gian công tác, mức độ stress
thường xuyên chủ yếu tập trung vào thời gian công tác dưới 5 năm và trên 20 năm.
Không có sự khác biệt giữa mức độ stress của bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng, hộ lý và
nhân viên làm việc gián tiếp [21].
Đậu Thị Tuyết (2013), Tình trạng stress, lo âu, trầm cảm của cán bộ y tế khối
lâm sàng tại bệnh viện đa khoa thành phố Vinh, Bệnh viện đa khoa 115 Nghệ An,
Kết quả cho thấy tỷ lệ NVYT có biểu hiện stress chiếm 20,4%. Các yếu tố liên quan
đến stress mức độ hứng thú trong công việc, nhiệt độ nơi làm việc và nguy cơ lây
nhiễm bệnh tật [30].
Nghiên cứu của tác giả Dương Thành Hiệp (năm 2014) trên 246 điều
dưỡng, hộ sinh ở 8 khoa lâm sàng tại Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu tỉnh Bến
Tre cho thấy có 56,9% điều dưỡng, hộ sinh ở 8 khoa lâm sàng của bệnh viện có
nguy cơ bị stress [10].
Nghiên cứu củaTrần Thị Thu Thủy (2015), Tình trạng căng thẳng và một số
yếu tố nghề nghiệp liên quan đến căng thẳng ở điều dưỡng viên tại bệnh viện Hữu
nghị Việt Đức năm 2015, Kết quả cho thấy tỷ lệ stress của điều dưỡng tại bệnh viện
Việt Đức là 18,5%. Các yếu tố liên quan tới stress của điều dưỡng gồm tham gia
công tác quản lý, mối quan hệ với đồng nghiệp và mâu thuẫn với cấp trên. Cụ thể

những điều dưỡng có kiêm nhiệm cả công tác quản lý có nguy cơ bị stress cao gấp
5,2 lần, mối quan hệ với đồng nghiệp ở mức bình thường/ không tốt có nguy cơ
stress cao gấp 2,3 lần; từng có mâu thuẫn với cấp trên có nguy cơ stress cao gấp 4,3
lần so với nhóm so sánh [28].
1.8. Sơ lược về địa bàn nghiên cứu
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi được xếp hạng II, trực thuộc Sở Y tế tỉnh
Quảng Ngãi quản lý, đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt đề án lên
hạng I giai đoạn 2016-2020, là tuyến cuối về chuyên môn kỹ thuật của tỉnh; nằm
trên đường Lê Hữu Trác, phường Nghĩa Lộ, thành phố Quảng Ngãi; được xây mới
và đưa vào hoạt động vào cuối năm 2009; thiết kế ban đầu cho 600 giường bệnh;
tổng diện tích sàn là 35.753m2 trên diện tích đất gần 5 hecta; được giao kế hoạch


22
800 giường bệnh nhưng thực kê đến 1.222 gường bệnh; công suất sử dụng gường
bệnh năm 2017 là 138,4% [1].
Bệnh viện hiện có 08 phòng chức năng, 20 khoa lâm sàng, 08 khoa cận lâm
sàng và 01 phòng Giám định pháp y; là nơi tập trung phần lớn thiết bị y tế hiện đại
và nhân lực chất lượng cao của tỉnh. Ban Giám đốc gồm 01 Giám đốc và 03 Phó
Giám đốc. Tổng số công chức, viên chức, người lao động là 839 người (635 biên
chế, 22 hợp đồng theo Nghị định 68 và 182 hợp đồng theo chức danh) gồm 155 bác
sĩ (02 tiến sĩ, 13 CKII, 32 thạc sĩ, 45 CKI, 63 bác sĩ đa khoa), 52 dược sĩ (02 thạc sĩ,
02 CKI, 06 đại học, 03 cao đẳng, 39 trung học); 337 điều dưỡng (17 đại học, 48 cao
đẳng, 272 trung học), 10 hộ sinh viên (01 đại học, 09 trung học), 77 kỹ thuật viên y
(23 đại học, 15 cao đẳng, 39 trung học), 166 nhân viên khác (04 thạc sĩ, 36 đại học,
12 cao đẳng). Trong đó, hệ điều trị có 558 bác sĩ và điều dưỡng (66,51%), bao gồm
134 bác sĩ (15,97%) và 424 điều dưỡng (50,54%) [1].
Bệnh viện có nhiệm vụ khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân trong tỉnh, người
nước ngoài sinh sống và làm việc trên địa bàn tỉnh và nhân dân các tỉnh lân cận;
thực hiện 07 chức năng, nhiệm vụ: (1) Cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh (2) Đào tạo

cán bộ y tế (3) Nghiên cứu khoa học về y học (4) Chỉ đạo tuyến dưới về chuyên
môn, kỹ thuật (5) Phòng bệnh (6) Hợp tác quốc tế (7) Quản lý kinh tế y tế [1], [2].
Tính đến ngày 31/12/2017, tổng số giường bệnh kế hoạch của tỉnh là 3.195
giường, đạt 25,2 giường bệnh/vạn dân, công suất sử dụng giường bệnh là 109,8%
[15]. Riêng tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ngãi công suất sử dụng giường bệnh
trong 5 năm (2013 - 2017) luôn trên 140%, tình trạng quá tải người bệnh nội trú cục
bộ xảy ra thường xuyên, người bệnh phải nằm đôi, nhất là các khoa Hồi sức tích
cực - Chống độc, Nội tim mạch, Lão khoa và Cán bộ trung cao, Nội tổng hợp,
Ngoại tổng hợp, Ngoại Chấn thương chỉnh hình - Bỏng,…
1.9.Khung lý thuyết nghiên cứu
Các yếu tố nhân khẩu học
Tuổi, giới, hôn nhân, hoàn cảnh kinh
tế - xã hội…


23

Các yếu tố chuyên môn nghề nghiệp
Chuyên ngành, trình độ chuyên môn,
thâm niên công tác, lĩnh vực làm việc,
chăm sóc bệnh nhân nặng, số ngày
trực …

STRESS

- Stress nhẹ
- Stress vừa
- Stress nặng
- Stress rất nặng


Các yếu tố môi trường làm việc
Diện tích, nhiệt độ và tiếng ồn nơi
làm việc, cơ sở vật chất, mối quan hệ
với cấp trên, sự hỗ trợ của cấp trên,
mối quan hệ với đồng nghiệp, sự phối
hợp và hỗ trợ của đồng nghiệp, tính
chất và mức độ công việc được phân
công, sự ổn định trong công việc, mối
quan hệ với người bệnh, cơ hội học
tập, thang tiến…

Sơ đồ 1.2. Khung lý thuyết nghiên cứu


24
Chương 2

ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU
Bác sĩ và điều dưỡng tại các khoa lâm sàng Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ngãi.
2.1.1. Tiêu chuẩn lựa chọn
- Bác sĩ và điều dưỡng làm việc tại các khoa lâm sàng đã có chứng chỉ hành nghề.
- Có thời gian làm việc liên tục tại Bệnh viện tính đến thời điểm nghiên cứu.
- Đồng ý tham gia nghiên cứu.
2.1.2.Tiêu chuẩn loại trừ
- Bác sĩ, điều dưỡng mới về công tác tại bệnh viện nhưng chưa hết thời gian
tập sự, chưa có chứng chỉ hành nghề.
- Bác sĩ, điều dưỡng chỉ làm công việc quản lý hành chính tại các phòng/đơn
vị chức năng.
- Không đồng ý điền đầy đủ thông tin trong Phiếu điều tra.

2.1.3. Thời gian và địa điểm nghiên cứu
- Từ tháng 6/2018 đến tháng 12/2018.
- Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi, phường Nghĩa Lộ, thành phố Quảng
Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi.
2.2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.2.1. Thiết kế nghiên cứu
Nghiên cứu mô tả cắt ngang có phân tích, kết hợp nghiên cứu định lượng và định
tính. Nghiên cứu định tính được thực hiện sau khi xử lý sơ bộ kết quả nghiên cứu định
lượng giúp tìm hiểu sâu hơn một số kết quả nghiên cứu định lượng, đồng thời tìm hiểu
về một số giải pháp phòng ngừa tình trạng stress cho bác sĩ, điều dưỡng bệnh viện.
2.2.2. Cỡ mẫu và phương pháp chọn mẫu
2.2.2.1.Cỡ mẫu định lượng
Chọn mẫu toàn bộ. Chọn toàn bộ bác sĩ, điều dưỡng đủ tiêu chuẩn vào mẫu
nghiên cứu, căn cứ theo danh sách cung cấp của phòng Tổ chức cán bộ, cỡ mẫu 466
nhân viên (130 bác sĩ và 336 điều dưỡng).
2.2.2.2 Phương pháp chọn mẫu nghiên cứu định lượng
Lấy toàn bộ 466 bác sĩ, điều dưỡng đủ tiêu chuẩn lựa chọn vào mẫu nghiên
cứu định lượng.


25
2.2.2.3 Cỡ mẫu và phương pháp chọn mẫu nghiên cứu định tính
a.
b.
+
+
+
+

Cỡ mẫu:

Chọn 08 - 10 đối tượng tham gia phỏng vấn sâu
Chọn 04 nhóm thảo luận nhóm có trọng tâm
Phương pháp chọn mẫu nghiên cứu định tính: chọn mẫu chủ đích
Phỏng vấn sâu: Chọn cỡ mẫu 8-10 đối tượng. Cụ thể:
Nhóm 1: chọn 02 đối tượng bác sĩ có stress sau khi có kết quả định lượng.
Nhóm 2: chọn 02 đối tượng bác sĩ không có stress sau khi có kết quả định lượng.
Nhóm 3: Chọn 02 đối tượng Điều dưỡng có stress, sau khi có kết quả định lượng).
Nhóm 4: Chọn 02 đối tượng Điều dưỡng không có stress, sau khi có kết quả định

-

lượng.
Thảo luận nhóm có trọng tâm: Chọn 04 thảo luận nhóm có trọng tâm, mỗi TLN có
08-10 người. Chọn mẫu TLN có trọng tâm được thực hiện sau khi có kết quả nghiên
cứu định lượng. Mỗi TLN có trọng tâm chọn 2 nhân viên/mỗi khoa (trong đó có 01

stress nặng và 01 stress nhẹ), cụ thể:
+ TLN1 (nhóm bác sĩ có stress nặng): gồm 8-10 người đại diện các khoa khoa Khám
và Cấp cứu, khoa Nội tổng hợp, và khoa Hồi sức tích cực - Chống độc và Khoa Nội
tim mạch, Lão khoa và Cán bộ trung cao. Mỗi khoa chúng tôi chọn 2 nhân viên để
+

tham gia thảo luận nhóm có trọng tâm.
TLN2 (nhóm bác sĩ có stress nhẹ): gồm 8-10 người đại diện các khoa khoa Khám
và Cấp cứu, khoa Nội tổng hợp, và khoa Hồi sức tích cực - Chống độc và Khoa Nội
tim mạch, Lão khoa và Cán bộ trung cao. Mỗi khoa chúng tôi chọn 2 nhân viên để

tham gia thảo luận nhóm có trọng tâm.
+ TLN3 (nhóm điều dưỡng có stress nặng): gồm 8-10 người đại diện các khoa
Ngoại Tổng hợp, khoa Ngoại Thần kinh, Ngoại Chấn thương chỉnh hình - Bỏng

và khoa Gây mê hồi sức. Mỗi khoa chúng tôi chọn 2 nhân viên để tham gia thảo
+

luận nhóm có trọng tâm.
TLN4 (nhóm điều dưỡng có stress nhẹ): gồm 8-10 người đại diện các khoa
Ngoại Tổng hợp, khoa Ngoại Thần kinh, Ngoại Chấn thương chỉnh hình - Bỏng
và khoa Gây mê hồi sức. Mỗi khoa chúng tôi chọn 2 nhân viên để tham gia thảo
luận nhóm có trọng tâm.
2.2.3. Phương pháp thu thập số liệu
2.2.3.1.Phương pháp thu thập số liệu


×