A. ĐẶT VẤN ĐỀ
Nhằm đảm bảo nguyên tắc tự do, tự nguyện khi xác lập HĐLĐ, pháp luật lo động
quy định NLĐ và NSDLĐ có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ. Ngày nay, việc các
chủ thể của quan hệ lao động đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái luật xảy ra ngày càng
nhiều. Vì thế, việc pháp luật quy định “hậu quả pháp lý của trường hợp đơn phương
chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật” có ý nghĩa lớn trong việc giải quyết thực trạng trên. Hãy
cùng nhau phân tích, bình luận để hiểu sâu sắc hơn về nội dung này.
B. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
I. Vài nét về đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật
Đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật là việc NLĐ hoặc NSDLĐ chấm dứt
HĐLĐ không đúng với quy định của pháp luật hiện hành. Cụ thể là:
- Đối với NLĐ: Đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật thể hiện ở việc NLĐ
chưa đưa ra một trong những lý do quy định tại khoản 1 Điều 37 (nếu HĐLĐ là xác định
thời hạn) và chưa tuân thủ thời hạn báo trước theo khoản 2, 3 Điều 27 BLLĐ.
- Đối với NSDLĐ: trường hợp này thể hiện ở việc NSDLĐ chưa đưa ra được một
trong những lý do được định tại khoản 1 Điều 38, chưa tuân thủ thời hạn báo trước và thủ
tục chấm dứt HĐLĐ theo khoản 2, 3 Điều 38 hoặc vi phạm Điều 39 BLLĐ.
II. Hậu quả pháp lý của trường hợp đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật
1. Chế độ trợ cấp và bồi thường
* Trường hợp NSDLĐ lao động đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật
Khoản 1 Điều 41 BLLĐ đã sửa đổi, bổ sung có quy định:
“ Trong trường hợp người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao
động trái pháp luật thì phải nhận người lao động trở lại làm công việc theo hợp đồng đã
ký và phải bồi thường một khoản tiền tương ứng với tiền lương và phụ cấp lương (nếu có)
trong những ngày người lao động không được làm việc cộng với ít nhất hai tháng tiền
lương và phụ cấp lương (nếu có).
Trong trường hợp người lao động không muốn trở lại làm việc, thì ngoài khoản tiền
được bồi thường quy định tại đoạn 1 khoản này, người lao động còn được trợ cấp theo
quy định tại Điều 42 của Bộ luật này.
Trong trường hợp người sử dụng lao động không muốn nhận người lao động trở lại
làm việc và người lao động đồng ý thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại đoạn 1
khoản này và trợ cấp quy định tại Điều 42 của Bộ luật này, hai bên thỏa thuận về khoản
tiền bồi thường thêm cho người lao động để chấm dứt hợp đồng lao động.”
Như vậy, hậu quả pháp lý trong trường hợp NSDLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ
trái pháp luật trước hết là phải nhận NLĐ trở lại làm công việc theo hợp đồng đã ký và
phải bồi thường một khoản căn cứ điều luật trên, Khoản 1 Điều 15 Nghị định
114/2002/NĐ-CP và Khoản 1 Điều 14 Nghị định số 44/2003/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, trong thực tế vẫn xảy ra trường hợp sau khi NSDLĐ đơn phương
chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật thì NLĐ không muốn tiếp tục làm việc hoặc NSDLĐ
không muốn nhận NLĐ trở lại làm việc. Lúc này, hậu quả pháp lý sẽ khác đi. Cụ thể:
- Nếu NLĐ không muốn trở lại làm việc, thì ngoài khoản tiền được bồi thường quy
định tại đoạn 1 khoản 1 Điều 41, NLĐ còn được trợ cấp theo quy định tại Điều 42 BLLĐ,
tức là NSDLĐ có trách nhiệm trợ cấp thôi việc cho NLĐ đã làm việc thường xuyên trong
doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức từ đủ 12 tháng trở lên, cứ mỗi năm làm việc là nửa tháng
lương, cộng với phụ cấp lương (nếu có).
- Nếu NSDLĐ không muốn nhận NLĐ trở lại làm việc và NLĐ đồng ý thì ngoài
khoản tiền bồi thường theo đoạn 1 khoản 1 Điều 41 và trợ cấp theo Điều 42 của BLLĐ,
hai bên thỏa thuận về khoản tiền bồi thường thêm cho NLĐ để chấm dứt HĐLĐ.
* Trường hợp NLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật
Khoản 2 Điều 41 BLLĐ đã sửa đổi, bổ sung quy định: “Trong trường hợp người
lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật thì không được trợ cấp
thôi việc và phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương và phụ cấp
lương (nếu có).”
Điều 13 Nghị định số 44/2003/NĐ-CP có quy định: “Người lao động đơn phương
chấm dứt hợp đồng lao động phải bồi thường chi phí đào tạo theo quy định tại khoản 4
Điều 32 Nghị định số 02/2001/NĐ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2001 của Chính phủ quy
định chi tiết thi hành Bộ luật Lao động và Luật Giáo dục về dạy nghề, trừ trường hợp
chấm dứt hợp đồng lao động mà thực hiện đúng và đủ các quy định tại Điều 37 của Bộ
luật Lao động đã sửa đổi, bổ sung.”
Như vậy, trường hợp NLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật thì bên
cạnh việc không được trả trợ cấp thôi việc, NLĐ còn phải bồi thường cho NSDLĐ nửa
tháng lương và phụ cấp lương (nếu có). Đồng thời, nếu NLĐ đơn phương chấm dứt
HĐLĐ trái luật mà không thực hiện đúng, đủ các quy định tại Điều 37 BLLĐ đã sửa đổi,
bổ sung thì phải bồi thường chi phí đạo cho NSDLĐ theo khoản 4 Điều 32 Nghị định
02/2001/NĐ-CP.
2. Thời hạn thực hiện trách nhiệm
Trong thời hạn 7 ngày kể từ gày chấm dứt HĐLĐ, hai bên có trách nhiệm thanh
toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên. Trường hợp đặc biệt có
thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày.
III. Bình luận
Tóm lại, việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật có thể do NLĐ hay
NSDLĐ và để lại những hậu quả pháp lý khác nhau. Từ việc phân tích trên ta nhận thấy:
- Trường hợp NSDLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật: Khoản 1
Điều 41 BLLĐ quy định “NSLĐ… phải nhận NLĐ làm việc trở lại… và bồi thường…”,
điều này cho thấy BLLĐ luôn hướng đến bảo vệ quyền lợi của NLĐ. Tuy nhiên, nhằm
đảm bảo tính tự do, tự nguyện trong giao kết HĐLĐ, pháp luật cũng quy định NLĐ có
không trở lại làm việc và NSDLĐ cũng có quyền không để NLĐ trở lại làm việc nhưng
NLĐ phải đồng ý. Mỗi trường hợp này đều đem lại những hậu quả pháp lý khác nhau,
chứng tỏ pháp luật lao động luôn nghiêng về phía NLĐ nhưng vẫn không hạn chế quyền
lợi của NSDLĐ nhằm đảm bảo yếu tố bình đẳng trong quan hệ lao động (NSDLĐ có thể
đề nghị NLĐ không trở lại làm việc và chấp nhận bồi thường theo quy định pháp luật).
- Trường hợp NLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật: Khoản 2 Điều
41 BLLĐ đã sửa đổi, bổ sung quy định trường hợp này NLĐ không được nhận trợ cấp và
phải bồi thường cho NSDLĐ. Điều này cho thấy pháp luật lao động không chỉ bỏ vệ
NLĐ mà còn bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của NSDLĐ.
C. KẾT THÚC VẤN ĐỀ
Nhìn chung, hậu pháp lý của trường hợp đơn phương chấm dứt HĐLĐ được pháp
luật quy định tương đối rõ ràng, cụ thể và hợp lý. Điều này có ý nghĩa lớn trong việc điều
chỉnh các quan hệ lao động, giảm thiểu các tranh chấp nảy sinh sau sự kiến đơn
phương chấm dứt HĐLĐ và giải quyết phần nào thực trạng ngày nay về HĐLĐ và việc
làm.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Giáo trình luật lao động Việt Nam, Trường Đại học Luật Hà Nội,
Nxb.CAND, Hà Nội, 2009.
2. Giáo trình luật lao động Việt Nam, Khoa Luật, Trường Đại học Mở Hà Nội,
nxb Giáo Dục Việt Nam, 2009.
3. Bộ luật lao động năm 1994 sửa đổi, bổ sung năm 2002, 2006, 2007.
4. Nghị định của Chính phủ số 02/2001/NĐ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2001
của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Bộ luật Lao động và Luật Giáo dục
về dạy nghề.
5. Nghị định của Chính phủ số 144/2002/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2002
quy định chi tiết thi hành Bộ luật Lao động và Luật giáo dục về tiền lương.
6. Nghị định của Chính phủ số 44/2003/NĐ-CP ngày 9 tháng 5 năm 2003 quy
định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về hợp
đồng lao động.