Tải bản đầy đủ (.doc) (3 trang)

''''Người thầy'''' hay chuyện về chữ Người của một thầy giáo

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (149.38 KB, 3 trang )

'Người thầy' hay chuyện về chữ Người của một thầy giáo
Hạnh Linh
Cuốn hồi ký được viết từ những trải nghiệm hơn 30 năm dạy học của một người thầy gợi ra nhiều
liên tưởng, về những ký ức trường lớp xưa, về giấc mơ Mỹ của một người Ireland nhỏ bé, về câu
chuyện giáo dục vẫn được báo chí nhắc đến thời gian gần đây: dạy học tích cực.
Không giống các thể loại khác, sự thành công của một cuốn hồi ký ít nhiều tỷ lệ thuận với tên tuổi và sự chìm nổi
trong đời nhân vật chính. Người ta thường trông đợi những best-seller từ một siêu sao, một điệp viên, một cô điếm
sinh viên hay những người khốn khổ bị chiến tranh, nạn bạo hành và kỳ thị đánh cắp cuộc sống... hơn là từ một
thầy giáo già đã lục tuần viết về trường lớp. Hầu như ai cũng có cái may mắn (và cả nỗi thống khổ) được làm học
trò, và ký ức về không gian sư phạm dường như không đủ ly kỳ để biến tác giả thành “cục cưng của giới truyền
thông” trong chốc lát. Chính vì lẽ đó, sự thành công của Frank McCourt cùng bộ ba hồi ký, trong đó có cuốn
Người thầy khiến độc giả ngạc nhiên xen lẫn thú vị.
Sinh ra tại Mỹ trong một gia đình Ireland khốn khó, lao đao vì cuộc đại khủng hoảng kinh tế những năm ba mươi,
bị bỏ lại bởi người cha ái quốc nghiện rượu và ám ảnh bởi cảnh bần hàn của mấy mẹ con, Frank McCourt phải
bươn chải kiếm sống từ khi còn nhỏ. Mặc cảm nghèo hèn không chỉ đeo đẳng ông suốt thời ấu thơ, mà còn song
hành cho đến khi ông giải ngũ, vừa theo học đại học New York vừa làm phu tại bến cảng, và cuối cùng chọn nghề
giáo mong tìm chút trọng vọng nho nhỏ trong đời. Làm một xếp sòng của đạo quân bốc vác hay đứng trên bục
giảng thuyết về văn học Anh - Mỹ? Sự lựa chọn tình cờ này là khởi đầu cho đời giáo đầy màu sắc của Frank
McCourt, quãng đời sẽ được kể lại trong cuốn hồi ký Người thầy, quãng đời như một bước đệm quan trọng giúp
ông trở thành “nhà văn trẻ” ở tuổi sáu mươi. Hãy khoan nói về “màn hai” như Frank McCourt vẫn gọi công việc
viết lách của mình, bởi điểm thú vị của Người thầy bắt nguồn từ những trang viết sinh động, hóm hỉnh về ba mươi
năm làm thầy. Người ta dạy bạn về ngôn ngữ, thơ ca, lịch sử… cùng những phương pháp dạy học tích cực để thu
hút học sinh, nhưng khi bước lên bục giảng, đừng trông mong vào mớ lý thuyết ấy! Dạy học tương tác ư? Mời bạn
độc thoại khi học sinh khẩu chiến dưới lớp, hoặc may mắn hơn là trố mắt lên nhìn! Bạn muốn phát huy tính chủ
động của người học? Hãy cẩn thận với vô vàn cái bẫy câu giờ được giăng ra! Bạn muốn tâm sự? Câu chuyện riêng
tư bạn gìn giữ bấy lâu sẽ bị lan truyền dưới hình thức tam sao thất bản…
Trang bìa cuốn sách.
Frank McCourt bắt đầu chuyện trường chuyện lớp của mình bằng những khóc cười chung của nhiều giáo sinh trẻ.
Nhưng điểm khác biệt khiến học sinh nhớ đến ông, giúp ông thành công trong nghề với danh hiệu "Nhà giáo của
năm" vào 1976, và cũng là tinh thần của cuốn sách này, đó là ý thức về chữ Người (man) luôn song hành cùng chữ
Thầy (teacher) khi đứng trên bục giảng cũng như khi cầm bút kể lại chuyện đời. Thiếu chữ Người ấy, McCourt đã


không đủ hồn nhiên để cầm miếng bánh học sinh ném xuống sàn lớp lên ăn, không đủ thân thiện để kể cho học trò
về tích chuyện hẹn hò với cừu của dân Ireland, không đủ táo bạo để thử nghiệm những phương pháp dạy học mới
chưa từng xuất hiện trong giáo trình sư phạm, và không đủ thành thật đến tha thiết khi thốt lên rằng “giá chi có một
ông hiệu trưởng bảo: Lớp học này là của thầy đấy, thầy McCourt ạ, thầy muốn làm gì xin cứ tự nhiên, có lẽ tôi sẽ
bảo học sinh: Dẹp ghế đi các em. Hãy nằm xuống nền. Ngủ đi. Các em hãy vừa nằm xuống nền vừa tự mình suy
nghĩ lấy đi. Sẽ có tiếng cười khúc khích khi một cậu bé sán đến gần một cô bé. Những đứa ngủ sẽ ngáy ngon ơ. Tôi
cũng sẽ nằm dài xuống cạnh chúng và hỏi em nào biết hát ru. Chắc chắn một cô bé sẽ cất tiếng hát và những đứa
kia sẽ hát theo… Chuông reo. Chúng lần lượt đứng dậy. Chúng bước ra khỏi lớp, thấy dễ chịu và lấy làm ngạc
nhiên. Xin đừng hỏi tại sao tôi cho cả lớp học như thế. Cái cần vận động là tâm hồn”. Và mặc dù sau mỗi lần thử
nghiệm một phương pháp dạy học mới, anh giáo McCourt lại tự dằn vặt mình không ra dáng một ông thầy đúng
mực, nhưng điều đó có hề gì, khi một cậu học trò viết thư kể rằng, điều duy nhất nó nhớ được lúc bước vào phòng
thi là bài thơ thầy McCourt dạy, và đứa con gái da đen quậy phá ngày nào mơ trở thành giáo viên, một giáo viên
giống như thầy McCourt của chúng.
Ý thức rõ nét về chữ Người khi làm trong khi làm Thầy không chỉ giúp McCourt chinh phục từ đám trẻ trường cao
đẳng nghề ngỗ nghịch cho đến những học sinh chuyên danh giá trường Stuyvensant mà còn giúp ông nhìn và viết
về nghề dạy từ một góc độ khác. Bức tranh trường lớp trong Người thầy không giản đơn được vẽ nên từ những nét
nghiêm cẩn và kính trọng. Ta có thể gặp ở đó ngài hiệu trưởng xấu bụng và thích nguyên tắc, những phụ huynh há
hốc mồm khi thấy thầy giáo ngồi bên vại bia, và cả dăm ba cái suy nghĩ nhàm tẻ của người đời về chân dung nhà
giáo được McCourt diễn tả theo đúng chất giọng mỉa mai đặc trưng của dân Ireland. “Đồ ngủ của thầy giáo toàn
bằng vải bông thôi. Thầy giáo làm gì với thú đồ ngủ bằng lụa chứ? À, không đâu, thầy giáo không bao giờ ngủ
khỏa thân. Hễ anh đề cập tới khỏa thân là học trò kinh ngạc ngay. Này bồ, bồ có hình dung nổi vài ông thầy ở
trường mình khỏa thân không? Những câu như thế này luôn làm cả lớp cười ồ. Tôi tự hỏi phải chăng chúng đang
ngồi đó hình dung xem tôi khỏa thân ra sao. Trước khi thiếp vào giấc ngủ thầy giáo sẽ nghĩ đến chuyện gì ư?
Trước khi thiếp vào giấc ngủ, khoan khoái trong bộ đồ ngủ bằng bông ấm áp, mọi ông thầy chỉ nghĩ đến chuyện
ngày mai sẽ dạy gì thôi. Thầy giáo là những người đàng hoàng, mực thước, đầy ý thức, trách nhiệm, lại tận tâm, họ
không khi nào ngồi gác chân lên người nằm bên cạnh. Thầy giáo bị liệt từ rốn trở xuống mà”. Những hình ảnh hài
hước ấy làm nên cái duyên riêng cho cuốn hồi ký, còn những câu chuyện như thế này, có lẽ, sẽ khiến Người thầy ở
lại trong lòng độc giả, bởi mỗi tâm hồn học trò là một thế giới, thầy McCourt đã bước vào thế giới ấy, ngay cả nơi
kín khuất nhất, bằng sự chân thành của một người bạn, trong khi làm một người thầy: Kevin, đứa học trò ương
bướng và kỳ quặc không thầy nào dám nhận, họ đẩy nó sang lớp thầy McCourt, sự lầm lỳ chỉ được phá vỡ khi thầy

tôn trọng và khuyến khích sở thích của nó: được làm việc với những lọ màu đựng hóa chất trong phòng thí nghiệm
“Nó đặt bàn tay lem luốc đủ màu lên vai tôi, bảo rằng tôi là ông thầy tuyệt vời nhất thế gian, nếu có ai làm tôi bực
mình thì nó sẽ trị cho kẻ đó một trận vì nó biết cách xử lý những kẻ làm phiền lòng thầy giáo”. Kevin đi lính rồi
chết tại chiến trường Việt Nam. Trong phòng nó, những chiếc lọ được xếp thành chữ MCCOURT, và kỷ vật cuối
cùng để lại cho thầy là chiếc lọ đựng máu khô trộn lẫn những lọn tóc rực đỏ.
Người Thầy thành công vang dội chính là bởi nó đã khắc hoạ được một người thầy mà theo như tờ Washington
Post, "tất cả chúng ta đều ao ước có được." Để từ đó, Người Thầy, bên cạnh yếu tố một cuốn sách hấp dẫn đại
chúng về phận làm thầy, về phận người, như nhận xét của tờ Publisher Weekly, đã trở thành một "tài liệu đọc bắt
buộc cho mọi giáo viên ở Mỹ".

×