Tải bản đầy đủ (.pdf) (8 trang)

Năng lực dạy học của giảng viên trong các trường đại học sư phạm trước yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (157.85 KB, 8 trang )

JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE
Educational Sci., 2015, Vol. 60, No. 8B, pp. 10-17
This paper is available online at

DOI: 10.18173/2354-1075.2015-0185

NĂNG LỰC DẠY HỌC CỦA GIẢNG VIÊN TRONG CÁC TRƯỜNG
ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TRƯỚC YÊU CẦU ĐỔI MỚI
CĂN BẢN TOÀN DIỆN GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Trần Thị Tuyết Oanh
Khoa Tâm lí - Giáo dục học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Tóm tắt. Trong các trường đại học sư phạm (ĐHSP), năng lực dạy học của giảng viên tác
động trực tiếp tới việc hình thành và phát triển năng lực dạy học của sinh viên ngay trong
quá trình đào tạo họ để trở thành những giáo viên tương lai. Hệ thống các năng lực dạy học
của giảng viên cần được xác định dựa trên những cơ sở khoa học rõ ràng , đó là là căn cứ
cho việc đề xuất các biện pháp nhằm nâng cao năng lực dạy học cho giảng viên, góp phần
nâng cao chất lượng đào tạo trong các trường ĐHSP đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn
diện GD&ĐT ở nước ta hiện nay.
Từ khóa: Đào tạo; năng lực dạy học; giảng viên; sinh viên.

1.

Mở đầu

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào
tạo, trong phần nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết nêu rõ: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương
pháp dạy và học theo hướng hiện đại” [4]. Điều này cho thấy việc nâng cao năng lực dạy học cho
đội ngũ giảng viên trong các trường đào tạo giáo viên là cấp thiết. Năng lực dạy học của giảng
viên trong các Trường đại học Sư phạm tác động trực tiếp tới việc hình thành và phát triển năng
lực dạy học cho sinh viên để họ trở thành những giáo viên tương lai và làm việc có hiệu quả trong
lĩnh vực nghề nghiệp của mình.


Năng lực dạy học của giảng viên được thể hiện qua nhiều công trình nghiên cứu, các tác
giả Pevzner M.N. Zaichenko O.M., Gorycheva S.N. cho rằng năng lực dạy học của giảng viên là
một thành phần quan trọng của năng lực chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm được thể hiện như một
đặc điểm phức hợp tổng quát về trình độ chuyên nghiệp mà trình độ đó phản ánh tính chủ thể của
cá nhân giảng viên trong việc tổ chức quá trình dạy học [14]. Nhà giáo dục Iu.V. Makhova khẳng
định năng lực dạy học của giảng viên là một loại năng lực sư phạm của giảng viên, thể hiện trong
việc giải quyết các vấn đề chuyên môn phức tạp nảy sinh trong quá trình tổ chức dạy học tương
ứng với các các kiến thức, kĩ năng và kinh nghiệm sẵn có của họ [13]. Như vậy, năng lực dạy học
của giảng viên là năng lực cơ bản trong cấu trúc năng lực sư phạm của giảng viên thể hiện ở sự sẵn
sàng để tổ chức hiệu quả quá trình dạy học ở đại học. Những nghiên cứu về năng lực dạy học của
giảng viên còn rất ít, trong bài báo này chúng tôi đề cập năng lực dạy học của giảng viên và việc
nâng cao năng lực dạy học của giảng viên các trường ĐHSP, coi đó như một trong các giải pháp
Ngày nhận bài: 5/8/2015. Ngày nhận đăng:10/10/2015.
Liên hệ: Trần Thị Tuyết Anh, e-mail:

10


Năng lực dạy học của giảng viên trong các trường đại học sư phạm trước yêu cầu...

để nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường hiện nay nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản,
toàn diện GD&ĐT ở nước ta.

2.

Nội dung nghiên cứu

Năng lực dạy học của giảng viên được xem xét trên cơ sở quan điểm tiếp cận năng lực. Khái
niệm “năng lực” đã được các nhà tâm lí học, giáo dục học, xã hội học xem xét từ lâu. Tại Hội nghị
chuyên đề của Hội đồng châu Âu về những năng lực cơ bản, sau khi phân tích nhiều định nghĩa

về năng lực, F.E. Weinert đưa ra kết luận: năng lực được thể hiện như một hệ thống khả năng, sự
thành thạo hoặc những kĩ năng thiết yếu, có thể giúp con người đủ điều kiện vươn tới một mục
đích cụ thể. Cũng tại diễn đàn này, J. Coolahan cho rằng: Năng lực được xem như là những khả
năng cơ bản dựa trên cơ sở tri thức, kinh nghiệm, các giá trị và thiên hướng của một con người
được phát triển thông qua thực hành [11]. Tác giả người Mĩ McLagan P.A. hiểu năng lực như “là
một tập hợp các kiến thức, thái độ, và kĩ năng hoặc cách chiến lựơc tư duy mà tập hợp này là cốt
lõi và quan trọng cho việc tạo ra những sản phẩm đầu ra quan trọng” [10]. Năng lực được học giả
Barnett định nghĩa như là một tập hợp các kiến thức, kĩ năng, và thái độ phù hợp với một hoạt
động thực tiễn (Barnett, 1992) [9]. Như vậy, năng lực không phải là một thuộc tính đơn nhất. Đó
là một tổng thể của nhiều yếu tố có liên hệ tác động qua lại với nhau.
Chúng tôi cho rằng: năng lực là hệ thống khả năng của con người đã được phát triển và
được hiện thực hoá, thể hiện trong việc con người thực hiện linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả một
loại hoạt động nào đó. Tuy có các nhận định khác nhau về năng lực nhưng đều thống nhất với nhau
tại một điểm: Nói đến năng lực là phải nói đến khả năng thực hiện, là phải “biết làm”, chứ không
chỉ là “biết và hiểu".
Để ứng dụng quan điểm tiếp cận năng lực vào trong giáo dục và đào tạo một cách có hiệu
quả, các tác giả Boyatzis R.E. (1995), Whetten D.A. và Cameron K.S. (1995) cho rằng cần xử lí
một cách có hệ thống ba vấn đề là: (1) Xác định các năng lực; (2) Phát triển chúng; (3) Đánh giá
chúng một cách khách quan [12].
Năng lực dạy học của giảng viên trong các trường ĐHSP
Mục tiêu của giáo dục đại học là đào tạo những chuyên gia có trình độ cao cho các lĩnh vực
của xã hội, những công dân có trách nhiệm, có khả năng hoạt động chuyên môn với sự thành thạo
nghề nghiệp kết hợp với tri thức ở trình độ cao [8].
Trường đại học sư phạm là cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lí giáo dục có
trình đại học và sau đại học; cơ sở nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ phục vụ sự
nghiệp phát triển giáo dục của đất nước.
Chúng tôi xác định năng lực dạy học của giảng viên trong các trường đại học sư phạm dựa
trên một số căn cứ sau:
Hoạt động dạy học của giảng viên đại học
Quá trình dạy học ở đại học thực hiện các nhiệm vụ như: trang bị cho sinh viên những tri

thức khoa học hiện đại, những kĩ năng, kĩ xảo tương ứng về một lĩnh vực nghề nghiệp nhất định,
phương pháp luận nghiên cứu khoa học và phương pháp tự học; Phát triển năng lực hoạt động trí
tuệ, năng lực hoạt động sáng tạo và tư duy phê phán; Hình thành cho họ cơ sở thế giới quan khoa
học và các giá trị đạo đức, giá trị nghề nghiệp phù hợp với chuẩn mực xã hội.
Hội nghị thế giới tại Paris tháng 10/1998 bàn về giáo dục đại học cho thế kỉ XXI đã nêu ra
những năng lực cần có của người giảng viên đại học đó là:
- Hiểu được các cách học khác nhau của sinh viên;
11


Trần Thị Tuyết Oanh

- Có kiến thức kĩ năng, thái độ liên quan đến việc đánh giá sinh viên để giúp cho họ tiến bộ;
- Gắn bó với học vấn chuyên môn và tiêu chuẩn tri thức nghề nghiệp;
- Hiểu và áp dụng công nghệ thông tin trong chuyên môn và cách truy nhập nguồn tư liệu
trên thế giới;
- Nhạy bén với những tín hiệu của thị trường bên ngoài liên quan đến việc tuyển dụng sinh
viên của mình;
- Làm chủ được những tiến bộ về phương pháp dạy học, bao gồm cả hai cách dạy mặt giáp
mặt và dạy từ xa;
- Có khả năng dạy nhiều sinh viên ở các độ tuổi, nguồn gốc kinh tế, xã hội chủng tộc khác
nhau;
- Có khả năng điều khiển số lớn sinh viên trong các giờ thuyết giảng, xemina, hội thảo mà
không làm giảm chất lượng.
Tuy nhiên khó có giảng viên có được toàn diện các thế mạnh về những khả năng trên, mỗi
người có một thế mạnh ở một số mặt, cần có sự phát huy những thế mạnh đó.
Trong quy định về chế độ làm việc đối với giảng viên (ban hành kèm theo Quyết định số
64/2008/QĐ-BGDĐT, ngày 28 tháng 11 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo), nhiệm
vụ giảng dạy của giảng viên bao gồm: 1. Nghiên cứu và nắm vững mục tiêu giáo dục, nội dung,
chương trình, phương pháp giáo dục đại học, quy chế thi, kiểm tra, đánh giá, vị trí và yêu cầu của

môn học, ngành học được phân công đảm nhiệm; nắm bắt khả năng, kiến thức của người học; 2.
Xây dựng kế hoạch dạy học, đề cương môn học, bài giảng và thiết kế học liệu cần thiết phục vụ
cho giảng dạy; giảng bài, phụ đạo và hướng dẫn người học kĩ năng học tập, nghiên cứu, làm thí
nghiệm, thực hành, thảo luận khoa học, thực tập nghề nghiệp, tham gia các hoạt động thực tế phục
vụ sản xuất và đời sống; 3. Hướng dẫn sinh viên thực tập tốt nghiệp, xây dựng đề cương và làm đồ
án, khóa luận tốt nghiệp đại học; 4. Hướng dẫn học viên viết luận văn thạc sĩ, hướng dẫn nghiên
cứu sinh viết chuyên đề và luận án tiến sĩ (đối với giảng viên có bằng tiến sĩ); 5. Thực hiện quá
trình đánh giá kết quả học tập của người học; 6. Tham gia giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức cho
sinh viên, giúp sinh viên phát huy vai trò chủ động trong học tập và rèn luyện; hướng dẫn sinh viên
thực hiện mục tiêu đào tạo, nhiệm vụ chính trị của cơ sở giáo dục đại học; 7. Hướng dẫn người
học tham gia đánh giá hoạt động dạy học, thường xuyên cập nhật thông tin từ người học để xử lí,
bổ sung, hoàn chỉnh phương pháp, nội dung, kế hoạch giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng, hiệu
quả đào tạo, đáp ứng yêu cầu của xã hội; 8. Dự giờ và tham gia đánh giá hoạt động giảng dạy của
giảng viên khác; 9. Tham gia xây dựng và phát triển ngành học, chương trình đào tạo, cải tiến nội
dung, phương pháp giảng dạy, nghiên cứu và thực hành môn học; 10. Biên soạn giáo trình, sách
chuyên khảo và tài liệu tham khảo phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng; 11. Tham gia xây dựng
các cơ sở thí nghiệm và thực hành.
Ngày nay, hoạt động dạy học của giảng viên không phải chỉ bó hẹp trong việc truyền thụ tri
thức trên giảng đường, hoạt động dạy học này càng được mở rộng ở nội dung và phạm vi thực hiện
chúng. Vai trò của giảng viên và sinh viên thể hiện ngày càng rõ ở mối quan hệ hợp tác chặt chẽ,
trong đó sinh viên tham gia một cách chủ động, tích cực. Hoạt động giảng dạy của giảng viên bao
gồm:
- Truyền đạt kiến thức cho viên trong giờ học trên giảng đường, trong phòng thí nghiệm,
nơi thực hành, học từ xa. Truyền đạt kiến thức trong các buổi hội thảo, thảo luận;
- Tư vấn, giám sát sinh viên, học viên, tư vấn ngoài giờ học trên giảng đường về học thuật,
nghề nghiệp, cuộc sống; tư vấn về các đề tài tiểu luận, luận văn, luận án, đề tài nghiên cứu khoa
12


Năng lực dạy học của giảng viên trong các trường đại học sư phạm trước yêu cầu...


học. Giám sát sinh viên học viên trong hoạt động nghiên cứu, hoạt động thực hành, thực tập, các
buổi học tập ngoài giảng đường;
- Các hoạt động phục vụ cho dạy học như: thiết kế chương trình môn học, tài liệu tự học
cho sinh viên, học viên;
- Các hoạt động dự giờ, đánh giá đồng nghiệp, rút kinh nghiệm cho bản thân trong giảng
dạy, các hoạt động phát triển chuyên môn.
Trong bộ tiêu chuẩn tự đánh giá chương trình của các trường đại học Đông nam Á (AUN)
có nêu: Giảng viên là tài nguyên học tập quan trọng nhất và có giá trị nhất đối với sinh viên. Điều
quan trọng là các giảng viên cần có kiến thức và hiểu biết đầy đủ về bộ môn mình đang giảng dạy,
có các kĩ năng cần thiết và kinh nghiệm giảng dạy để truyền đạt, trao đổi những kiến thức và hiểu
biết đó cho sinh viên một cách hiệu quả trong môi trường dạy học. Tiêu chí 1 trong tiêu chuẩn 6
của bộ tiêu chuẩn yêu cầu giảng viên ở bậc đại học phải có những khả năng như:
- Thiết kế được một chương trình giảng dạy và học tập chặt chẽ, đồng thời thực hiện được
chương trình này;
- Áp dụng nhiều phương pháp dạy và học, và chọn lựa phương pháp thích hợp nhất để đạt
được kết quả học tập mong đợi;
- Sử dụng và phát triển nhiều loại phương tiện truyền thông trong dạy học;
- Sử dụng nhiều kĩ thuật khác nhau để đánh giá việc học của sinh viên phù hợp với những
kết quả học tập dự kiến;
- Tự giám sát và đánh giá việc giảng dạy cũng như chương trình giảng dạy của chính mình;
- Có suy nghĩ, cân nhắc kĩ về việc thực hành giảng dạy của chính mình;
- Xác định các nhu cầu và xây dựng các kế hoạch phát triển liên tục.
Chuẩn nghề nghiệp của giáo viên và chuẩn đầu ra của sinh viên sư phạm
Chuẩn nghề nghiệp giáo viên là các yêu cầu về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và các
năng lực mà người giáo viên phải đạt được để họ thực hiện có hiệu quả hoạt động nghề nghiệp của
mình. Chuẩn nghề nghiệp của giáo viên đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành như: Chuẩn
nghề nghiệp giáo viên Mầm non (ban hành năm 2008), Chuẩn nghề giáo viên Tiểu học (ban hành
năm 2007), Chuẩn nghề nghiệp giáo viên THCS và THPT (ban hành năm 2009). Dựa vào chuẩn
nghề nghiệp của giáo viên phổ thông ở các cấp học, thì giáo viên cần có các năng lực dạy học cơ

bản như:
- Lập kế hoạch dạy học;
- Tổ chức và thực hiện các hoạt động dạy học trên lớp;
- Vận dụng các phương pháp dạy học;
- Sử dụng các phương tiện dạy học;
- Sử dụng ngôn ngữ, phi ngôn ngữ trong dạy học;
- Xử lí các tình huống sư phạm trong dạy học;
- Xây dựng môi trường học tập.
Các trường ĐHSP có chức năng đào tạo giáo viên có trình độ đại học cho các các cấp học.
Do vậy, sinh viên của nhà trường sau khi tốt nghiệp cần đạt được các yêu cầu tương ứng chuẩn
nghề nghiệp giáo viên, chúng phải bao gồm các yếu tố cấu thành phẩm chất năng lực nghề nghiệp
giáo viên. Trong đó, yêu cầu đối với sinh viên sau khi tốt nghiệp cần phải: Nắm vững kiến thức
môn học và chương trình môn sẽ giảng dạy; Sử dụng được các phương pháp và hình thức dạy học
13


Trần Thị Tuyết Oanh

phù hợp với môn học; Thiết kế được giáo án dạy học; Có kĩ năng quản lí lớp học; Sử dụng được
các phương tiện dạy học phù hợp với môn học; xây dựng môi trường học tập; Có kĩ năng kiểm tra,
đánh giá kết quả học tập của học sinh; quản lí hồ sơ dạy học.
Trong quá trình sinh viên được đào tạo ở trường ĐHSP, năng lực dạy học của giảng viên
phải đưa đến tác động để hình thành năng lực nghề nghiệp cho sinh viên. Trước hết, tác động vào
hoạt động nhận thức có tính chất nghiên cứu của sinh viên được tiến hành dưới vai trò tổ chức,
hướng dẫn, điều khiển của giảng viên để thực hiện các mục tiêu dạy học ở đại học [6]. Đồng thời,
những năng lực dạy học của giảng viên phải tác động đến hình thành cho sinh viên những năng
lực dạy học - thành phần quan trọng trong năng lực nghề nghiệp của người giáo viên.
Từ những căn cứ trên, chúng tôi cho rằng Giảng viên trong các trường ĐHSP cần có các
năng lực dạy học cơ bản như:
- Lập kế hoạch dạy học;

- Thiết kế chương trình môn học và tài liệu tự học cho sinh viên;
- Tổ chức có hiệu quả các hoạt động dạy học trên giảng đường;
- Áp dụng các phương pháp và kĩ thuật dạy học phù hợp (làm chủ các phương pháp dạy
học; ứng dụng các phương pháp dạy học mới phù hợp;
- Sử dụng đa dạng các hình thức tổ chức dạy học;
- Sử dụng và phát triển đa dạng các phương tiện truyền thông trong dạy học (tạo cơ hội cho
sinh viên tích cực, chủ động, độc lập khai thác, xử lí thông tin; bồi dưỡng phương pháp học tập
cho sinh viên;
- Tư vấn cho sinh viên về học thuật, nghề nghiệp;
- Tư vấn, giám sát sinh viên trong các hoạt động thực hành, thực tập, nghiên cứu khoa học,
học tập ngoài giảng đường;
- Sử dụng các phương pháp và kĩ thuật để đánh giá việc học tập của sinh viên;
- Khả năng làm việc với cá nhân, với các nhóm nhỏ, các nhóm lớn;
- Tự đánh giá và giám sát việc giảng dạy của chính mình;
- Đánh giá hoạt động giảng dạy của giảng viên khác;
- Xây dựng và phát triển ngành học.
Trong mỗi năng lực cơ bản trên lại bao gồm các thành phần, tạo nên hệ thống năng lực về
dạy học. Các năng lực ngày càng được mở rộng cùng với yêu cầu về chất lượng đội ngũ giáo viên
trước yêu cầu của xã hội và sự phát triển của lí luận dạy học đại học.
Nâng cao năng lực dạy học của giảng viên
Chất lượng của quá trình dạy học ở đại học được tạo thành bởi nhiều thành tố, trong đó năng
lực của giảng viên, đặc biệt là năng lực dạy học đóng vai trò quan trọng đối với chất lượng của quá
trình này. Để nâng cao chất lượng dạy học trong các trường ĐHSP đáp ứng yêu cầu đổi mới căn
bản toàn diện GD&ĐT, đòi hỏi không chỉ xác định được các năng lực dạy học cần thiết của giảng
viên mà còn phải phát triển nâng cao và đánh giá được chúng một cách khách quan. Một số vấn
đề đặt ra cho việc nâng cao năng lực dạy học của giảng viên trong các cơ sở đào tạo giáo viên có
trình độ đại học như:
- Bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên, trường đại học có chức năng vừa chuyển
giao tri thức, vừa sản sinh tri thức, vừa đào tạo vừa tự đào tạo. Các giảng viên giảng dạy đại học
cũng được đào tạo từ trường đại học. Các sinh viên giỏi được giữ lại và được đào tạo, bồi dưỡng

14


Năng lực dạy học của giảng viên trong các trường đại học sư phạm trước yêu cầu...

để trở thành giảng viên, họ phải có khả năng tự học tự nghiên cứu ở mức độ độc lập cao. Trường
đại học sư phạm với các chuyên ngành đào tạo từ giáo viên mầm non đến giáo viên trung học phổ
thông có trình độ đại học. Khi là sinh viên họ được trang bị kiến thức chuyên môn và nghiệp vụ
sư phạm với các phương pháp dạy học và giáo dục phù hợp với từng cấp học theo mục tiêu đào
tạo, khi được giữ lại trường trở thành giảng viên họ sẽ giảng dạy cho sinh viên đại học, điều này
đòi hỏi những giảng viên này phải có nghiệp vụ sư phạm để giảng dạy ở đại học có hiệu quả. Cần
có những khảo sát về nhu cầu bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên, xác định những đối
tượng cần tham gia vào các khóa bồi dưỡng theo chương trình quy định về bồi dưỡng nghiệp vụ sư
phạm cho giảng viên đại học, chú ý đến các giảng viên trẻ. Mặt khác, để bồi dưỡng có hiệu quả,
cần mở các khóa bồi dưỡng theo chuyên đề về từng nội dung phù hợp với nhu cầu bồi dưỡng của
từng đối tượng giảng viên. Các khóa bồi dưỡng đó, đòi hỏi giảng viên phải thực sự tự giác, tích
cực để nâng cao kiến thức kĩ năng cho mình chứ không chỉ là có được một chứng chỉ. Điều này
cần có sự minh chứng kết quả thông qua việc trình bày thu hoạch ở tổ bộ môn để nâng trách nhiệm
cho giảng viên và chia sẻ kinh nghiệm.
- Tự bồi dưỡng của giảng viên có vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực giảng dạy
và phát triển nghề nghiệp của giảng viên. Tự bồi dưỡng của giảng viên được coi như một giải pháp
tự thân có hiệu quả để phát triển nghề nghiệp của mỗi giảng viên. Giảng viên chủ động trong việc
tìm kiếm các khóa bồi dưỡng liên quan đến lĩnh vực chuyên môn của mình khi thấy chúng thực
sự là cần thiết để phát triển nghề nghiệp của chính mình. Việc cập nhật các thông tin mới phục vụ
cho việc mở rộng, đào sâu kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ là việc làm thường xuyên không thể
thiếu của mỗi giảng viên trong tiến trình đổi mới GD&ĐT.
- Tổ bộ môn là một đơn vị chuyên môn về đào tạo, khoa học và công nghệ của một hoặc
một số ngành, chuyên ngành trực thuộc khoa trong trường đại học, có vai trò hết sức quan trọng
trong việc phát triển chuyên ngành. Sinh hoạt tổ bộ môn bao gồm rất nhiều nội dung. Để nâng
cao năng lực dạy học cho giảng viên thông qua sinh hoạt tổ bộ môn, thì các chủ đề cần hướng tới

như: Dự giờ đồng nghiệp để đánh giá chia sẻ kinh nghiệm về phương pháp, phương tiện giảng dạy,
kiểm tra đánh giá, đặc biệt là đối với những giảng viên đang tập sự để họ có thêm kinh nghiệm;
Thảo luận các vấn đề về biên soạn giáo trình, tài liệu tham khảo, kế hoạch bài giảng, các chương
trình tập huấn, hội thảo quốc tế, quốc gia liên quan đến chuyên môn mà thành viên trong bộ môn
tham gia; Thảo luận về những định hướng, những ý tưởng trong việc nâng cao hiệu quả dạy học,
tổ bộ môn phải là nơi trực tiếp tạo động lực cho sự phát triển của giảng viên
Đánh giá năng lực dạy học của giảng viên
Chất lượng của quá trình dạy học được đảm bảo qua hoạt động của hệ thống đánh giá, đánh
giá chất lượng của từng thành tố và chất lượng của cả quá trình dạy học. Nội dung đánh giá năng
lực dạy học của giảng viên bao gồm các khía cạnh như: Đánh giá mức độ hiểu biết của giảng viên
đối với chương trình và bộ môn, hiểu nguyên tắc cấu tạo chương trình, hiểu sâu môn học và phải
luôn cố gắng để cập nhật những cái mới trong bộ môn của mình, nắm vững những phương pháp
giảng dạy đặc trưng của môn học. Đánh giá năng lực tổ chức và tiến hành hoạt động dạy học, thể
hiện ở chất lượng tổ chức bài giảng, sử dụng có hiệu quả các phương pháp dạy học và sử dụng
được các phương tiện dạy học hiện đại, sử dụng tốt các phương pháp và phương tiện đánh giá tri
thức, kĩ năng thực hành của sinh viên. Có khả năng xây dựng và sử dụng các công cụ đánh giá kết
quả học tập của sinh viên. Đánh giá những cá tính nghề nghiệp, đảm bảo tốt cho hoạt động của
giảng viên trong mối quan hệ với sinh viên, với đồng nghiệp, thể hiện ở văn hoá giao tiếp. Đánh
giá hiệu quả làm việc của giảng viên với sinh viên và học viên thể hiện ở kĩ năng hướng dẫn họ
tự học, tự nghiên cứu. Cách đánh giá được thể hiện bằng những đơn vị đo, số lượng và những chỉ
tiêu chất lượng. Hiệu quả của việc đánh giá đòi hỏi các tiêu chí phải rõ ràng, cụ thể và đánh giá và
15


Trần Thị Tuyết Oanh

được thực hiện một cách có hệ thống [7].
Tự đánh giá của giảng viên đòi hỏi chính bản thân người giảng viên phải tiến hành thu thập
thông tin, phân tích, so sánh, tổng hợp để rút ra nhận định, kết luận về bản thân mình. tự đánh giá
về năng lực dạy học cũng cần dựa trên tiêu chí cụ thể rõ ràng. Nếu tự đánh giá có tính tích cực sẽ

có giá trị định hướng, điều chỉnh hành vi, nhằm giúp giảng viên vươn tới mức hoàn thiện hơn năng
lực dạy học của mình.
Đánh giá năng lực dạy học của giảng viên dựa trên ý kiến đánh giá của đồng nghiệp, cần
xem xét thông qua nhiều hoạt động đa dạngvà cần đảm bảo tính rõ ràng của mục đánh giá là hướng
vào nâng cao, hoàn thiện năng lực dạy học, đặc biệt là sự rõ ràng, cụ thể của các tiêu chuẩn, tiêu
chí về năng lực dạy học.
Ý kiến phản hồi của sinh viên về giảng dạy của giảng viên được coi là một trong các kênh
thông tin. Ý kiến của sinh viên có độ tin cậy nếu được khảo sát trên những mẫu lớn, với các thời
diểm khác nhau, ý kiến đúng đắn của sinh viên là động lực để người giảng viên nâng cao chất
lượng giảng dạy của mình. Tuy nhiên, thông tin này cũng cần thận trọng, nếu bị lạm dụng hoặc
không phản ánh đúng sẽ không giúp cho người giảng viên cải tiến giảng dạy mà còn gây tác dụng
ngược lại, làm cho việc giảng dạy trở nên nặng nề, nhất là ở những lớp học có nhiều sinh viên với
các đặc điểm hết sức đa dạng. Ý kiến của sinh viên là một trong nhiều kênh thông tin để tham
khảo tốt.
Ý kiến đánh giá khách quan của người lãnh đạo về hoạt động dạy học của giảng viên cần
được dựa trên nhiều thông tin thu được nhiều lần ở các đối tượng khác nhau, các thời điểm khác
nhau, các thông tin này cần được trao đổi thẳng thắn trực tiếp với riêng cá nhân giảng viên để họ
có thể chấp nhận chúng, nếu những thông tin này có cơ sở, có độ tin cậy sẽ giúp cho giảng viên
điều chỉnh hoạt động giảng dạy của mình. Đồng thời giúp cho lãnh đạo đi đến những kết luận phù
hợp và mang lại hiệu quả cao trong việc giải quyết những vấn đề đang đặt ra cho sự phát triển đội
ngũ giảng viên trong một đơn vị.

3.

Kết luận

Chất lượng đội ngũ giáo viên có trình độ đại học phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó quá
trình đào tạo ở các trường đại học sư phạm là nền tảng để hình thành và phát triển năng lực nghề
nghiệp cho họ. Năng lực dạy học là năng lực cơ bản trong hệ thống năng lực nghề nghiệp của
người giáo viên, việc hình thành và phát triển năng lực dạy học cho sinh viên được thực hiện trong

quá trình đào tạo tại các trường ĐHSP.
Giảng viên trong các trường ĐHSP có vai trò quan trọng trong việc tạo nên chất lượng đào
tạo của nhà trường, năng lực dạy học của giảng viên tác động trực tiếp tới sự hình thành và phát
triển năng lực dạy học của sinh viên trong quá trình đào tạo để trở thành giáo viên tương lai. Chính
vì vậy, cần thiết phải nâng cao năng lực dạy học cho giảng viên trong các trường ĐHSP, trong đó
xác định được rõ hệ thống các năng lực dạy học và việc phát triển các năng lực này sẽ tạo ra tác
động tích cực trong việc nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên có trình độ đại học cho hệ thống
giáo dục Quốc dân.
Lời cảm ơn: Bài viết sử dụng kết quả nghiên cứu của đề tài “Nghiên cứu năng lực dạy học
của giảng viên trong các trường đại học sư phạm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo
dục và đào tạo ở Việt Nam”, Mã số VI2.2-2013.27, do Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ
Quốc gia (NAFOSTED) tài trợ, PGS.TS. Trần Thị Tuyết Oanh làm chủ nhiệm.

16


Năng lực dạy học của giảng viên trong các trường đại học sư phạm trước yêu cầu...

TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]

Chuẩn nghề nghiệp giáo viên THCS, giáo viên THPT (Ban hành kèm theo Thông tư số
30/2009/TT-BGDĐT, ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT).
[2] Bernd Meier và Nguyễn Văn Cường, 2005. Phát triển năng lực thông qua phương pháp và
phương tiện dạy học mới (tài liệu hội thảo – tập huấn). Bộ GD&ĐT- Dự án phát triển giáo
dục THPT.
[3] Đặng Vũ Hoạt (chủ biên), Hà Thị Đức, 2003. Lí luận dạy học đại học. NXB Đại học Sư
phạm.
[4] Nghị Quyết Hội nghị Trung Ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào
tạo số: 29-NQ/TW.

[5] Lê Đức Ngọc, 2005. Giáo dục đại học phương pháp dạy và học. NXB Đại học Quốc gia, Hà
Nội.
[6] Trần Thị Tuyết Oanh, 2012. Định hướng phát triển kĩ năng sư phạm cho sinh viên theo tiếp
cận năng lực trong đào tạo giáo viên. Tạp chí Khoa học Giáo dục, số 80, tr. 23 - 25, 31.
[7] Trần Thị Tuyết Oanh, 2007. Đánh giá hoạt động của giảng viên và chất lượng dạy học ở đại
học. Tạp chí Giáo dục, Số 158, tr. 17 - 19.
[8] D. Chelmer , R. Fuller, 1995. Teaching for learning at University. ED.TH Cowan University
perth, wester Australia.
[9] Barnett, R., 1992 (eds) Learning to effect. The Society Research into Higher Education &
Open University Press
[10] McLagan, P. A., Suhadolnik, D., 1989. Models for HRD practice. Alexandria. VA: American
Society for Training and Development.
[11] Quebec Educational Reform, 2005. Nguồn: www.6swlauriersb.qc.ca
[12] Whetten, D. A. and Cameron, K. S., 1995. Developing Management Skills, 3rd ed. Harper
Collins, New York, NY.

ABSTRACT
Teaching professors of educational universities to be more competent
so that they can meet the needfor change in education and training
At universities of education, the competency of the professors directly affects students’
ability to become future educators. A clearly identified and scientific-based system of teaching
competency would be a foundation upon which methods to improve teacher capability could be
evaluated. Such a system might enhance the training quality at the universities of education in
order to meet the basic requirements for change in our country at this moment.
Keywords: Training, teaching competency, professors, teachers, students.

17




×