Tải bản đầy đủ (.pdf) (5 trang)

Tính huyền bí của văn hóa Ấn Độ

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (203.64 KB, 5 trang )

TÍNH HUYỀN BÍ CỦA VĂN HÓA ẤN ĐỘ
Ấn Độ là một trong những cái nôi sớm nhất của nền văn minh nhân loại. Nền
văn minh Ấn - Hằng, từ 3000 năm trước CN tồn tại và bồi đắp theo dòng lịch sử,
to cao sừng sững như dãy núi Hymalaya hùng vĩ với ngọn Meru thần thánh
được gọi là cột trụ trời, là cõi trời tỏa chiếu ánh hào quang lấp lánh, rực sáng cả
vùng trời phương Đông. Cũng chính từ cột trụ trời ấy mà Ấn Độ huyền bí, nền
văn hóa Ấn Độ huyền bí đi vào cõi tâm linh, và chính Ấn Độ chứ không phải
nơi nào khác dẫn đưa các vùng đất phương Đông trở thành duy linh. Đó là kết
tinh sâu thẳm mọi giá trị của văn hóa Ấn Độ, và chừng nào đó, của văn hóa
phương Đông.
Nói tính huyền bí của văn hóa Ấn Độ bởi Ấn Độ từ xưa được mệnh danh là
xứ sở của thần thoại, huyền thoại với muôn điều kỳ diệu, xứ sở của cổ tích, truyền
thuyết, của thần tích purana đại dương truyện. Với việc thờ phụng hàng nghìn thần
linh trong tự nhiên cùng với sự suy tôn hàng nghìn nhân thần qua cặp kính phóng
đại nhân cách hóa, con người Ấn Độ đã tạo dựng một hệ thống thần thoại kỳ vĩ,
phong phú, không hề thua kém thần thoại Hy Lạp. Cũng chính từ cội gốc thần
thoại Ấn Độ và thần thoại Hy Lạp trong quá trình phát triển xã hội đã tạo ra hai
ngả đường tư duy triết lý khác nhau, không hề gặp nhau và luôn đối lập nhau: một
ngả đường duy linh phương Đông và đối lập với nó là ngả đường duy lý phương
Tây. Lịch sử văn minh của loài người bắt đầu xuất phát điểm từ sự toàn cầu hóa
theo cách gọi đương đại hôm nay (thế giới đại đồng, như chúng ta vẫn gọi, thể hiện
rõ nhất trong folklore của mọi dân tộc, ở tầng thứ nhất của lịch sử văn hóa loài
người khi những gì con người làm ra, sáng tạo ra trong quan hệ với tự nhiên để tạo
dựng xã hội con người, phân biệt con người với giới động vật, con người ngày
càng tách xa khỏi giới động vật; còn ở tầng thứ hai là những đặc trưng văn hóa
phát triển, biến đổi theo địa lý và lịch sử giúp chúng ta phân biệt dân tộc này với
dân tộc khác, khu vực văn hóa này với khu vực văn hóa khác). Và trên con đường
đi kiếm tìm, biến đổi lâu dài (về thời gian) và phát triển, loài người lại quay gặp lại
điểm xuất phát ấy, gần như đường đi của một vòng tròn. Đó là tính toàn cầu hóa
trong phát triển của các xã hội loài người ở TK XXI, ở một nền văn minh mới.
Theo tôi, toàn cầu hóa là xu thế phát triển của loài người, nếu không nói là tất yếu,


trong tình hình biến động xã hội hiện nay của con người. Đó là nhu cầu khách quan
của xã hội loài người đương đại, trong đó có các xã hội đang tìm cách đi cụ thể để
đặt chân vào toàn cầu hóa, hội nhập thế giới. Bàn về các giá trị văn hóa và phát
triển của Ấn Độ là nhắc đến một trong những cái nôi văn minh sớm nhất của loài
người, như chúng ta thấy, và hoàn toàn có thể chứng minh được, chính nền văn
hóa này đã mang tính toàn cầu hóa, đã toàn cầu hóa từ thời cổ đại. Những giá trị,
những phát hiện từ nền văn hóa này đã chiếu rọi ảnh hưởng, lan tỏa, hội tụ rất
nhiều vào những vùng đất, vùng văn hóa ở gần nó (như Đông Nam Á chẳng hạn)
và ít hơn, nhạt hơn vào những vùng đất, vùng văn hóa ở xa nó (như Trung Á và
châu Âu). Sự tỏa sáng của văn hóa Ấn Độ và sự đón nhận sáng tạo của các nền văn
hóa khác trên trái đất đã làm chúng ta sửng sốt, kinh ngạc, ngưỡng mộ nó. Những


câu hỏi tại sao sẽ giúp kiếm tìm những giá trị văn hóa phù hợp cho mình từ một
nền văn hóa của một đất nước vẫn luôn được coi là huyền bí.
Theo sử liệu và khảo cổ học, chúng ta biết đến nền văn minh Ấn cổ
Mohenjodaro và Harappa - nền văn minh Ấn - Hằng từ 3000 năm trước CN của
người Sumerian và người Dravidian phát triển rực rỡ. Bắt đầu từ nền văn minh
này, người Ấn Độ cổ đại đã có con mắt quan sát rất tinh tế bằng trực giác để hình
thành một quan niệm về vũ trụ, đất trời. Việc thờ yoni (âm vật) - linga (dương vật)
là ý niệm về sự sinh tồn, sinh sôi nảy nở trong trời đất do đực cái kết hợp. Hai
giống này có khắp nơi, luôn tìm gặp nhau theo ý muốn tự nhiên. Đây là tính duy
vật thô sơ, tự phát, nguyên thủy (protomaterialisme). Cũng từ ý niệm này mà người
Ấn Độ mới dựng nên hệ thống thần thoại về vũ trụ thiên nhiên bằng việc cha trời
và mẹ đất lấy nhau đẻ ra tất cả vạn vật, che chở cho vạn vật. Cũng từ ý niệm đó mà
ra đời hệ thống thần thoại về thần tình cảm, tình yêu (Kama), làm phấn chấn và lôi
cuốn muôn loài. Thần tình yêu là tự tại, vô hình, ở xung quanh con người trong
mọi nơi mọi chốn, là nguồn tình lai láng của loài người, tạo ra giống nòi mãi mãi.
Xuất phát từ đó, thần thoại Ấn Độ mới giải thích về thần sáng tạo, thủy tổ loài
người, mới thờ người khổng lồ, giải thích người Ấn Độ do người khổng lồ sinh ra,

sinh ra các Manu nguyên thủy. Đó là thời kỳ người Arian vào đất Ấn Độ (1500
năm trước CN) chinh phục và đồng hóa các chủng tộc thổ dân, sắp xếp thần thoại
theo hệ thống thành ra thần ca Vêđa (Rig Veda). Thời Vêđa huy hoàng, thần diệu
là thế, rồi sự phân biệt màu da đã ra đời chế độ đẳng cấp khắc nghiệt mà Mác gọi
là “sự phân công lao động nguyên thủy” và tôn giáo Bàlamôn ra đời làm cho thần
thoại Ấn Độ thời hậu Vêđa trở nên siêu hình thần bí, làm cho hao hụt đi phần nào
đó giá trị văn hóa của thần thoại.
Nói tính huyền bí của văn hóa Ấn Độ bởi Ấn Độ là quê hương của các tôn
giáo lớn (Ấn Độ giáo, Phật giáo) và là tiểu lục địa dung chứa nhiều tôn giáo nhất,
cả tôn giáo bản địa và tôn giáo ngoại nhập (đạo Sích, đạo Jain, đạo Hồi, đạo Thiên
chúa…). Tất cả các tôn giáo khác nhau ở Ấn Độ đều chung sống hòa bình, khoan
dung từ xưa đến nay dưới mái nhà văn hóa Ấn Độ. Mỗi tôn giáo đều có tôn chỉ,
giáo lý của mình nhưng đều hướng thiện. Những khái niệm như luân hồi
(samsara), nghiệp báo (karma), nhân quả hay quá trình tu luyện hướng tới mục
đích cuối cùng là giải thoát, siêu thoát (moksa) và những điều răn sống đạo đức,
bình đẳng, bác ái, thực hiện đúngdharma, hay luật bất tồn sinh (ahimsa) đều có thể
tìm thấy trong đạo Hindu ra đời sớm nhất, quyện chặt và song hành với sự phân
chia đẳng cấp khắc nghiệt mang tính chất thế tập (cha truyền con nối, đời đời
không bao giờ thay đổi, bất di bất dịch về huyết thống) và tạo nên cấu trúc xã hội
Ấn Độ tồn tại lâu dài. Giáo lý dharma của Ấn Độ giáo (hay Hindu giáo) đã quy
định mỗi người từ khi sinh ra đã vĩnh viễn thuộc về đẳng cấp nào của mình rồi.
Con người ở đẳng cấp thấp (như nô lệ chẳng hạn) chỉ có thể kỳ vọng kiếp này đem
hết sức mình ra để phục vụ cho kẻ khác, tu luyện cho dày công đức để mong kiếp
sau đầu thai vào đẳng cấp cao hơn (theo thuyết luân hồisamsara). Chính điều này
mới là cơ sở vững chắc nhất để lý giải, để cắt nghĩa tại sao dân chúng Ấn Độ lại
mộ đạo. Và Hindu giáo trở thành cứu cánh duy nhất cân bằng đời sống tinh thần


cho đại đa số dân chúng, là sức mạnh tinh thần giúp người dân Ấn Độ vượt qua
mọi trở lực, thử thách, mọi nỗi đau trần thế để xây dựng và phát triển xã hội Ấn Độ

cho đến ngày hôm nay. Hindu giáo trở thành một nhu cầu không thể thiếu như hơi
thở, cơm ăn nước uống hàng ngày trong đời sống tâm linh của người Ấn Độ. Nó là
thứ thuốc an thần hữu hiệu, xoa dịu nỗi đau, khích lệ con người Ấn Độ thêm nhiều
nghị lực vượt qua mọi éo le, bất hạnh, tiếp sức sống mãnh liệt cho họ bằng thuyết
luân hồi và nghiệp báo, đem lại niềm hy vọng vĩnh hằng cho người Ấn Độ bằng
thuyết lý giải thoát, siêu thoát. Cũng chính từ đó, từ giáo lý dharma tạo nên tính
cách cam chịu, nhẫn nại, bền bỉ, hòa hợp, tính thiện, hòa đồng với tự nhiên, thuận
theo tự nhiên của người Ấn Độ trong lao động, trong đấu tranh để phát triển xã hội.
Tôn giáo là một trong những nhân tố quan trọng nhất quy định bộ mặt văn hóa dân
tộc với những giá trị nằm ở chiều sâu của nó. Với Ấn Độ, tôn giáo là tất cả.
Tính huyền bí của văn hóa Ấn Độ ẩn chứa trong triết học, từ gốc nguồn kinh
Vêđa và về sau đẳng cấp, tôn giáo ra đời làm cho triết học Ấn Độ cùng tồn tại với
tôn giáo một cách hòa bình. Tôn giáo và triết học Ấn Độ lại gắn kết mật thiết với
nhau, chi phối lẫn nhau. Có khuynh hướng triết học duy vật và khuynh hướng duy
tâm. Triết học Ấn Độ phong phú, đa dạng với nhiều môn phái khác nhau
(pháicharvac, phái darsana…) trong đó phái vedanta ảnh hưởng sâu sắc nhất đến tư
tưởng Ấn Độ. Vedanta là triết học trừu tượng, siêu hình, tư biện, giải thích nguyên
lý về linh hồn tuyệt đối (brahman) đồng nhất với linh hồn cá thể (atman) trong
kinh Upanisad. Về sau môn phái sùng tín (TK X, Bhakti) ảnh hưởng tới các nhà
văn hóa Ấn Độ, có khuynh hướng tiến bộ, đề cao tình yêu thương của con người,
kêu gọi hòa hợp, phủ nhận đẳng cấp. Triết học Yoga của Ấn Độ ảnh hưởng sâu
rộng ở nhiều nơi trên thế giới. Các phép tu luyện Yoga với những kết quả của nó
làm cho chúng ta kinh ngạc về những khả năng vô biên của con người mà con
người chưa làm chủ được những khả năng của chính mình. Triết học và tôn giáo
vừa là động lực vừa biến thành mục tiêu phát triển văn hóa Ấn Độ. Tôn giáo - triết
học - văn hóa nghệ thuật là ba bộ phận hữu cơ cấu thành cốt lõi nền văn hóa Ấn
Độ, hoàn toàn mang bản sắc Ấn Độ.
Văn hóa nghệ thuật Ấn Độ phát triển xuôi dòng theo sự phát triển của tôn
giáo, triết học. Nếu như thời cổ đại, người Ấn Độ đã biết phép tính toán bằng dây
thừng, toán học được soạn thành sách, đề ra lý thuyết và giải các phương trình 2 ẩn

số, căn thức bậc 2, bậc 3, sin, cosin, biết tính chu vi đường tròn theo số pi, phát
minh ra chữ số Ả rập, số không thì thời hiện đại đã có nhà máy điện nguyên tử
(năm 1960), sở hữu bom nguyên tử (1974), phóng vệ tinh nhân tạo lên vũ trụ (năm
1975) và hiện nay phần mềm vi tính là một trong những công nghệ hàng đầu thế
giới (sau Mỹ). Chính sách khoa học kỹ thuật, nghiên cứu khoa học ứng dụng vào
sản xuất của Ấn Độ đang có những bước phát triển mới, có nhiều thành tựu mới
trong các lĩnh vực khác nhau. Khoa học thiên văn, khoa học y dược Ấn Độ phát
triển nhờ sự kế thừa thành tựu từ truyền thống, từ thời cổ đại…
Văn hóa với các thành tố khác nhau của nó như kiến trúc, điêu khắc, ca múa
nhạc, văn chương… ở Ấn Độ đều đượm màu sắc tôn giáo. Các công trình kiến trúc


đền thờ, cung điện được xây dựng từ trước CN theo phong cách stupa ở Ấn Độ rất
độc đáo, kỳ vĩ, nguy nga; các công trình hòa trộn nghệ thuật Hồi giáo và Ấn Độ
giáo rất nổi tiếng - chẳng hạn như tháp Kutur Minar (ở Đêli), lăng mộ Taj Mahal
(ở Agra), cung điện vua Akbar, Sa Dahan… là những kỳ quan văn hóa đóng góp
cho nhân loại. Kiến trúc điêu khắc của Ấn Độ đã lan tỏa ảnh hưởng tới khu vực
Đông Nam Á, Tây Á làm cho bóng hình văn hóa Ấn Độ trở nên trường tồn và
mang tính quốc tế hóa cao độ. Nghệ thuật Ấn Độ nói chung luôn luôn tìm tòi cái
đẹp trong sự tôn nghiêm, uy nghi, tĩnh mịch nhưng rất ôn hòa. Nghệ thuật song
hành cùng tôn giáo Ấn Độ, tôn giáo chi phối nghệ thuật, tôn giáo “đọc” cho văn
học chép. Văn học Ấn Độ với bề dày lịch sử 40 thế kỷ đã để lại cho văn học thế
giới nhiều tác phẩm vĩ đại, nhiều tên tuổi lừng danh như sử thi Ramayana,
Mahabharata, nhà thơ Kalidasa - kỳ công thứ nhất của nền văn học Ấn Độ, và R.
Tagore - kỳ công thứ hai sau Kalidasa, là mặt trời của đất nước Ấn Độ, một nhà
khai sáng vĩ đại trong nền văn học Ấn Độ tạo ra một thời đại văn học mới - thời
hiện đại của văn học Ấn Độ (R. Tagore là thi hào châu Á đầu tiên được nhận giải
thưởng Nobel văn học năm 1913). Nhà hiền triết, nhà văn hóa vĩ đại R. Tagore là
kết tinh của nền văn hóa, tư tưởng truyền thống Ấn Độ nhưng được ông khai sáng
soi rọi, nhận thức lại trong sự kết hợp Đông - Tây trên tinh thần phát triển của thời

đại mới, đặc biệt là ở Ấn Độ. Trong hoàn cảnh của đất nước Ấn Độ, của xứ sở tôn
giáo mờ mịt khói hương, của kho tàng huyền thoại, thần phả, thần tích, đạo sĩ và
vũ nữ, R.Tagore đã lấy thơ ca làm thần tỏa sáng, vén bức màn khói hương bao phủ
dày đặc trên bầu trời Ấn Độ để soi rọi, khai mở trí tuệ muôn màu cho dân tộc Ấn
Độ. R. Tagore đã cống hiến toàn bộ tài năng, trí tuệ của mình để phụng sự con
người, vì tình yêu thương con người, cho con người, tôn thờ con người bởi lẽ tất cả
mọi cái đang, sẽ tồn tại con người là và sẽ là tối cao(kinh Veda). Văn hóa và phát
triển để cho con người, vì con người trong kỷ nguyên của chúng ta đã được R.
Tagore thực hành. “Nhà nhân đạo chủ nghĩa vĩ đại” Tagore (lời của Nehru) cũng
như các lãnh tụ Ấn Độ đã khai thác những giá trị tích cực của nền văn hóa truyền
thống Ấn Độ - nền văn hóa thấm đẫm tinh thần nhân văn cao cả trong suốt 5000
năm lịch sử Ấn Độ - để phát triển xã hội mới ở Ấn Độ trước xu thế toàn cầu hóa.
Con người đã và đang tạo ra thiên nhiên thứ hai cho mình là văn hóa. Con
người Ấn Độ, trong nền văn hóa ấy, của nền văn hóa ấy, dù muốn hay không, luôn
đeo bên mình hành trang văn hóa như hình với bóng với những giá trị văn hóa ở
chiều sâu của nó, nhưng vẫn có thể nhận ra đặc điểm tính cách, tâm lý của họ. Do
đặc thù không gian môi trường văn hóa, con người Ấn Độ luôn luôn mâu thuẫn với
chính mình: vừa khát vọng tâm linh cao siêu huyền bí, vừa sâu sắc tình người trần
thế, thống nhất hòa quyện sự vận động vũ trụ vào nhịp sống của con người. Người
Ấn Độ coi trọng đời sống tâm linh và tư duy luôn hướng vào cái tuyệt đối, cái vô
hạn, xem nhẹ cái cụ thể, cái cá biệt và luôn có cách thích nghi với thế giới thực tại.
Người Ấn Độ sống hướng nội, luôn chiêm nghiệm đời sống, để tâm hồn mình bay
bổng vào thế giới trừu tượng huyền ảo và không bao giờ ngơi nghỉ đấu tranh vì
cuộc sống hòa bình, bình đẳng, bác ái, vì cái thiện và tình yêu, vì sự hòa hợp của
các dân tộc. Con người và văn hóa Ấn Độ là đồng nhất. Văn hóa Ấn Độ có bề dày
lịch sử lâu đời, đồ sộ, kết nối liên tục không hề đứt đoạn theo một dòng chảy từ cổ


đại cho đến thời kỳ hiện đại. Người Ấn Độ hiện đại vẫn luôn luôn tìm về những giá
trị văn hóa truyền thống, khai thác và phát triển những yếu tố, những giá trị phù

hợp với sự phát triển xã hội đương đại trong sự nối kết văn hóa Đông - Tây, trong
bối cảnh toàn cầu hóa. Văn hóa Ấn Độ đầy tính nhân văn ấy đã cống hiến cho loài
người nhiều di sản có giá trị và chính những giá trị trường tồn ấy là sức mạnh to
lớn để Ấn Độ phát triển sức mạnh toàn cầu hóa của Ấn Độ ngày mai.



×