Tải bản đầy đủ (.pdf) (8 trang)

Tư tưởng văn hóa phương Tây hiện nay từ một góc nhìn

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (283.37 KB, 8 trang )

TƯ TƯỞNG VĂN HÓA PHƯƠNG TÂY HIỆN NAY
TỪ MỘT GÓC NHÌN
Trần Hương Thư
Tư tưởng văn hóa phương Tây hiện nay rất phong phú và phức tạp.
Tuy nhiên, tùy theo từng góc nhìn khác nhau mà người ta có thể khái
quát nên những đặc điểm khác nhau của nó. Theo tác giả bài viết này, thì
những nét lớn của tư tưởng văn hóa phương Tây hiện nay là ở chỗ xuất
hiện sự hoài nghi với chính khoa học: Khoa học hiện có còn khoa học
không?, sự gặp gỡ giữa khoa học thực nghiệm và khoa học nhân văn; sự
gắn bó chặt chẽ giữa khoa học và đạo đức (như vấn đề nhân bản vô tính),
xu hướng tôn giáo cá nhân, tâm linh...
Kỳ vọng, từ nhiều góc nhìn, bạn đọc có thể thấy và trao đổi về những
đặc điểm khác của văn hóa phương Tây hiện nay.
Điểm nổi bật trước tiên là một Khuynh hướng muốn xóa bỏ ranh giới
giữa những cái được gọi là khoa học chính xác như: vật lý, hóa học, sinh học,
toán học… với những cái được gọi là khoa học nhân văn như sử học, ngôn
ngữ học, tâm lý học… Trong khuynh hướng này có thể kể đến nhà toán học
Pháp René Thom, nhà hóa vật lý Bỉ Ilya Prigogine, hoặc nhà khoa học cha đẻ
của trí thông minh nhân tạo người Mỹ Marvin Minsky… Dĩ nhiên ở các thế
kỷ trước, ta vẫn thấy có những nhà khoa học vừa là triết gia như Thalès,
Descartes, Leibniz…, nhưng đó là một Descartes triết gia và một Descartes
toán học gia với hai phạm trù nghiên cứu riêng biệt nhau. Trong khi đó, một
số nhà khoa học của thế kỷ XX muốn ứng dụng các lý thuyết khoa học chính
của họ vào các lĩnh vực nghiên cứu nhân văn; nhà khoa học trở thành nhà tư
tưởng bằng chính những nghiên cứu khoa học của mình. Hoặc trong một
nghĩa nào đó, nó phù hợp với điều mà nhà sinh thái học người Anh James
Lovelock đã nói: "Các nhà khoa học gia, các nhà vật lý, nhà hóa học chính là
những nhà sáng tạo, giống như các nhà văn" (1). Đó phải chăng là một thứ
triết học của nhà kỹ thuật (Philosophie d'ingénieur)? Dù sao, không vì thế mà
triết học đó giảm đi giá trị tư tưởng của nó. Nhà toán học đồng thời là nhà tư
tưởng theo thuyết quyết định (déterminisme) René Thom đã đưa ra lý thuyết


về tai biến (Théorie des Catastrophes) với tham vọng áp dụng những định lý
toán học để giải thích những hiện tượng tự nhiên. Thí dụ ông đã áp dụng lý
thuyết này để lý giải hiện trạng của các đường biên giới, có nghĩa là xác minh
một vấn đề lịch sử bằng mô thức hình học. Hoặc trên cơ sở hệ động lực không
ổn định, một khái niệm ngược hẳn với vật lý cổ điển khi cho rằng vũ trụ là
một tập hợp những thực thể ổn định như chiếc đồng hồ đã được điều chỉnh
vĩnh viễn một lần, nhà khoa học Ilya Prigogine đã đưa ra lý thuyết về những
"cấu trúc tiêu hao" (les structures dissigatives) trong nhiệt động học: từ tình


trạng mất thăng bằng của vật chất đi đến một trật tự với sự tiêu hao nhiều
năng lượng. Prigogine khẳng định: "Khái niệm về tính không ổn định này trở
thành cơ bản cho sự hiểu biết về những định luật lớn trong vật lý" (2). Ông đã
phát triển khái niệm đó trong nhiều lĩnh vực khác nhau như xã hội học, sinh
học, kinh tế học, khí tượng học, cả trong lĩnh vực qui hoạch đô thị nữa. Thí
dụ: với khái niệm "hiệu ứng cánh bướm" (l'effet papillon), Prigogine đã đưa
ra một minh họa gây ấn tượng: một cái đập cánh của con bướm ở Bắc Kinh có
thể gây nên một làn gió nhẹ, rồi dần dà sẽ tạo nên một cơn bão dữ dội ở
California! Đó là một dẫn chứng về tính không ổn định và ngẫu nhiên trong
khí tượng học. Và điều đó giải thích tại sao trong lĩnh vực này, người ta khó
dự báo về tình hình khí tượng một cách chính xác trong một thời gian xa, bởi
vì nó lệ thuộc vào hệ động lực không ổn định. Trong kinh tế học cũng vậy:
một sự giao dịch kém quan trọng ở thị trường chứng khoán Tokyo vẫn có thể
dẫn đến sự sụp đổ tài chính ở New York. Vậy thì sự sụp đổ tài chính tháng
mười 1987 chẳng hạn, theo Prigogine cũng thuộc về "hiệu ứng cánh bướm":
nó không thể được dự kiến một cách xác định. Nền kinh tế nói chung, theo
ông cũng vận hành trên mô thức đó: từ một toàn bộ những hoạt động cá nhân
rối rắm nảy sinh trật tự xã hội và tiến triển kinh tế, nhưng để đạt đến tình
trạng trên, nó phải trải qua nhiều sự biến động với sự tiêu hao nhiều nguồn
năng lượng.

Hệ thống Prigogine dựa trên tính không ổn định phản ánh một nghịch lý
lạ thường của phương Tây hiện nay, đó là sự mất niềm tin vào khả năng vô
hạn của khoa học; và nói như nhà khoa học cha đẻ của trí thông minh nhân
tạo Marvin Minsky thì bộ óc con người không được tạo ra để hiểu biết vũ trụ,
mà là để thực hiện những chức năng hoàn toàn khác.Nhưng thực tế cho thấy,
chỉ trong vài thập kỷ vừa qua, khoa học đã có những bước tiến vượt bậc như
đi hia bảy dặm, chưa từng thấy trong các thế kỷ đã qua, thể hiện trong mọi
lĩnh vực như sinh học, cơ học lượng tử, tin học, y học…, sao lại có thể tồn tại
quan niệm đó? Điều lạ thường nữa là ngay những nhà khoa học có tư tưởng
đối nghịch hẳn với Prigogine, như René Thom chẳng hạn, cũng cho rằng khoa
học đã hỏng máy từ lâu. Khi đối chiếu những thành tựu khoa học những năm
gần đây so với thời kỳ của cha ông, Thơm cho rằng những bậc tiền bối hưởng
được nhiều thay đổi có tính cách đột phá trong khoa học hơn là thời đại chúng
ta. Thí dụ như điện, radio, điện thoại, động cơ, xe hơi, phi cơ, chất kháng
sinh… Kể từ khi chất kháng sinh ra đời, hoặc sau phát hiện về giải mã di
truyền bằng ADN vào những năm 50, y học và sinh học đã dẫm chân tại chỗ.
"Ngõ cụt của sinh học", theo R.Thom là biểu hiện đặc trưng của sự sa sút về
tiến bộ khoa học. Sự chế tạo bom hạt nhân hoặc sự phát triển tin học chỉ tác
động đến một số đông hơn là với từng cá nhân; ngược lại, các thao tác di
truyền trong điều trị bệnh cho con người thì chỉ có giá trị cho một vài bệnh
hiếm hoi. Như vậy, theo R.Thom, những tiến bộ khoa học mà chúng ta thụ
hưởng ngày hôm nay thuộc về những tiến bộ về lượng chứ chưa có những
bước nhảy vọt về chất có qui mô tương xứng. Cho dù sự phân tích của


R.Thom có quá đáng đi chăng nữa, nó gợi cho ta sự cần thiết phải có một lý
thuyết, mà nói theo Claude Lévi-Strauss, đó là mắt kính thiết yếu để có thể hy
vọng thoáng nhìn được thực tại vật chất tự nhiên hoặc xã hội. Vậy thì tiến bộ
đã hỏng máy, phải chăng bởi vì hiện nay khoa học chỉ quan sát mà không còn
suy nghĩ nữa, nó đã trở nên một "nghĩa địa các sự kiện" theo như cách nói của

R.Thom.
Nhưng nếu R.Thom vẫn có niềm tin rằng nếu có những lý thuyết đúng
đắn, nếu khoa học chịu khó suy nghĩ, nó vẫn có khả năng giải đáp những vấn
đề mà hiện nay ta còn chưa biết, thì ngày càng có nhiều nhà khoa học hoài
nghi về khả năng vô tận của nó. Barush S.Blumberg, người đoạt giải Nobel về
y học năm 1976, trong một phát biểu trước hội nghị những người đoạt giải
Nobel đã nói: "Ta càng biết nhiều thì ta càng hiểu rõ mức độ không hiểu biết
của ta" (3). Ông dùng huyền thoại Dédale trong thần thoại Hylạp cổ đại để
hình dung cái mê cung của trí thức: là một kiến trúc sư, một kỹ sư, một nhà
điêu khắc, một thợ thủ công tài ba, nhưng hễ mỗi lần Dédale giải quyết xong
một vấn đề thì lập tức nảy sinh một vấn đề khác, và cứ thế vô tận. Phải chăng
tri thức như cái mê cung mà Dédale xây dựng và con người cứ mãi mò mẫm
trong đó để giải quyết bất tận những vấn đề? Và phải chăng con người cuối
cùng sẽ không bao giờ tìm được câu trả lời rốt ráo cho mọi hoài nghi của
mình?


Đó là xét về khía cạnh năng lực của khoa học. Ngày nay người ta càng
không tin rằng những tiến độ khoa học sẽ đưa đến những tiến bộ về đạo đức
và xã hội. Tiến bộ kỹ thuật đã đi trước đạo đức. Thế kỷ XX đã chứng kiến sức
hủy diệt của khoa học cũng như những gì mà khoa học đã mang đến cho con
người. Có khi mối đe dọa của nó còn chiếm ưu thế hơn! Sức tàn phá của trái
bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki chưa đủ, người ta còn chế tạo bom
H với sức hủy diệt ngàn lần hơn! Trong kỹ thuật sinh học, một mặt người ta
phấn khởi trước những khám phá mới về di truyền cho phép lai tạo những
giống cây, súc vật có năng suất cao, thậm chí người ta còn thực hiện sinh sản
vô tính hoặc cho phép thay đổi những gène khuyết tật trong điều trị bệnh cho
con người; nhưng mặt khác, người ta lo sợ những mưu toan muốn tác động
vào gène di truyền hòng biến đổi con người như ước mơ về dòng giống Aryan
thượng đẳng của Adolf Hitler! Nỗi lo âu đó bộc lộ qua phát biểu của Jean

Dausset, nhà sinh học Pháp được giải Nobel 1980, người có thẩm quyền về
vấn đề này: "Cá nhân tôi cho rằng không có một giới hạn nào đối với việc mở
rộng tri thức, ngay cả và có lẽ nhất là tri thức về di sản di truyền con người,
tức là bản đồ gène của con người. Ngược lại, tôi hoàn toàn tin tưởng rằng cần
phải ngăn cấm mọi mưu toan biến đổi di sản này" (4). Như thế, nếu không
kèm theo một tinh thần đạo đức, khoa học có khả năng trở thành một vũ khí
hủy diệt con người, không như nhà côn trùng học Edward Wilson của trường
Đại học Harvard đã tin tưởng rằng con người, do "bị gène dắt mũi" nên không
có được sự tự do đó để hủy diệt mình!
Như vậy, cho đến cuối thế kỷ XX, xét về khía cạnh văn hóa cũng như
năng lực tự thân, khoa học vẫn chưa tạo được niềm tin trong việc giải quyết
những vấn nạn căn bản của con người. Những lý thuyết dùng để giải thích về
tự nhiên đã cạn kiệt. Những vấn đề muôn thuở của con người vẫn còn đó. Đó
là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự trở về của con người tôn
giáo vào cuối thế kỷ XX. Sự hồi sinh của tôn giáo, nói theo nhà thần học
Harvery Cox, là "Một hiện tượng toàn cầu có liên hệ đến sự khám phá tính
hiện đại". Ông cho rằng nó đánh dấu sự cáo chung của thứ niềm tin cho rằng
khoa học sẽ khắc phục mọi vấn đề của chúng ta (5). Các lời tiên tri trong
Thánh kinh tỏ ra không yếu đi vì tiến bộ khoa học như tiên đoán của các nhà
tư tưởng duy lý của phong trào ánh sáng mà ngược lại, ngày càng trở nên
sống động nhờ được nuôi dưỡng bởi tính hiện đại. Ở phương Tây ngày nay,
ngày càng có nhiều tin tưởng vào những hiện tượng nêu trong Thánh kinh
theo đúng nghĩa đen của chúng như lửa địa ngục, lưu huỳnh, phép lạ hoặc
ngày tận thế… Một số tôn giáo khác ngoài hệ thống Cơ Đốc như:Hồi giáo,
Do Thái giáo, Thần đạo, Phật giáo, Ấn Độ giáo… cũng phát triển và ngày
càng thu hút nhiều tín đồ. Đặc biệt, số tín đồ có bằng cấp đại học cũng ngày
càng gia tăng. Ở Hoa Kỳ hiện nay, các tôn giáo đã sử dụng những thành tựu
kỹ thuật như: vô tuyến truyền hình, viễn thông… để truyền giáo, và thậm chí
còn làm marketing để thu hút tín đồ! Bằng chứng cho sự phát triển tôn giáo
mạnh mẽ này là số nhà thờ được xây mới ngày càng nhiều hơn (6).



Nhưng dù vậy, nét nổi bật của sự hồi sinh tôn giáo là những người tín
ngưỡng có xu thế hướng về tâm linh hơn là về nhà thờ như một tôn giáo có tổ
chức. Nói như một người theo phong trào Thời Đại Mới (New Age
Movement) ở Mỹ thì: "Tôn giáo theo cách giải bày cổ truyền nói với con
người bên trong chúng ta ngày càng ít. Con người muốn có kinh nghiệm cảm
nhận sống động về tâm linh. Họ học cách tiếp xúc với linh hồn" (7). Cho nên
không lạ gì khi thấy xuất hiện những nhà nghiên cứu thần học Cơ Đốc đứng
bên ngoài mọi thiết chế của Giáo hội. Đó là trường hợp nhà nghiên cứu René
Girard của trường đại học Stanford (Mỹ) hoặc nhà trí thức biệt lập Claude
Tresmontant giảng dạy tại đại học Sorbonne (Pháp). Họ đều là những nhà
nghiên cứu sâu xa các bản Thánh kinh, đều tin vào sự Mặc khải Cơ Đốc,
nhưng với một cách nhìn hoàn toàn mới. C.Tresmontant cố gắng làm một
cuộc tổng hợp giữa vật lý và siêu hình học bằng cách nhấn mạnh ý nghĩa của
Sáng tạo. Ông đưa ra một dẫn chứng về khám phá của khoa vật lý thiên văn,
đó là vụ Nổ Lớn (Big Bang) sáng tạo ra vũ trụ. Thế nhưng các nhà khoa học
vẫn cho là không thể giải thích lý do tại sao, cũng như cái gì đã có trước nó.
Như thế, họ không trả lời được câu hỏi cốt yếu mà trí tuệ con người đã đặt ra.
Vậy theo Tresmontant, câu trả lời phải thuộc về siêu hình học Do Thái - Cơ
Đốc. Đó là lý do để ông khẳng định là quan điểm vô thần không thể nào tồn
tại được. R.Girard cũng chia sẻ quan điểm đó khi xác tính về sự mặc khải Cơ
Đốc giáo. Nói chung, do tri thức khoa học không trả lời được những vấn nạn
căn bản của con người, những kẻ tín ngưỡng đã rút ra tính hiện đại những lý
lẽ mới để tin tưởng và hi vọng.
Chẳng những tồn tại những vấn nạn căn bản của con người, tư tưởng
phương Tây hiện đại vẫn ghi nhận sự tồn tại những mâu thuẫn giữa các quan
điểm đối nghịch nhau và vẫn tiếp tục gây nhiều tranh cãi, như mâu thuẫn giữa
thuyết quyết định và bất quyết (déterminisme-indétermination), giữa trật tự và
hỗn độn (ordre-chaos), ngẫu nhiên và tất yếu (hasard-nécessité), bẩm sinh và

tập thành (inné-acquis), tuyệt đối và tương đối (absolu-relatif)… Đó là những
vấn nạn trung tâm của thời đại. Nếu Priogine, với khái niệm hỗn độn (chaos),
đã phủ nhận quan niệm cổ điển xem vũ trụ như một chiếc đồng hồ đã được
điều chỉnh vĩnh viễn một lần, không cần biết đến diễn tiến của thời gian; thì
ngược lại, R.Thom cho khái niệm đó là một thứ "hỗn độn của khoa học"! Ông
này cho rằng thế giới dễ hiểu và tất cả có thể dự kiến được, vấn đề là chưa có
một lý thuyết hoàn chỉnh để hiểu nó. Với Prigogine việc viện dẫn đến Thượng
đế như là người bảo đảm cho những qui luật vĩnh cửu, mà đại diện là Newton,
Leibniz, và đặc biệt là Einstein với câu nói nổi tiếng: "Thượng đế không chơi
trò may rủi" (Dieu ne Joue pas aux dés) đã tỏ ra sai lầm. Theo ông, vũ trụ
được bao quát bởi "mũi tên thời gian": những hiện tượng không bao giờ xảy
ra lại cái giống như cũ và trở nên không thể dự kiến được bằng sự xác định.
Như vậy, phải chăng khoa học chỉ làm công việc phỏng đoán, còn sự chính
xác thuộc về quyền hạn của ngẫu nhiên? Và như vậy, hẳn nhiên là Thượng đế
đã chơi trò đổ xúc xắc!


Nhưng nếu cho rằng ngẫu nhiên giữ vai trò quyết định trong sự tiến hóa
của tự nhiên và xã hội thì vai trò của con người sẽ trở nên như thế nào? Ở đây
bộc lộ một mâu thuẫn nan giải giữa những người ủng hộ quan điểm cho rằng
lịch sử tuân theo những quy luật tiến hóa và những người phủ nhận tiến bộ
như là một tất yếu của lịch sử mà tiêu biểu là triết gia Karl Popper hoặc nhà
nhân học Claude Lévi-Strauss. Với K. Popper, "tiến bộ không có tính tất yếu
nào cả, không có gì bảo đảm ngày mai sẽ tốt hơn". Popper quy cho tất cả
những ai tìn rằng xã hội tiến triển đến sự hoàn hảo, rằng cá nhân phục tùng
những tất yếu của một lịch sử đang tiến bước đều thuộc về cái mà ông gọi là
thuyết duy sử (L'historicisme). Bởi vì theo ông, không có gì trong hiện tại cho
phép dự đoán tương lai; nếu xảy ra việc tương lai giống các dự báo đã được
hình thành, thì thường là bởi người dự báo đã tự mình tác động lên chính diễn
biến các sự kiện (8). Cùng chia sẻ quan điểm này, Lévi-Strauss, với phương

pháp phân tích cấu trúc các nền văn minh sơ khai, đã hoài nghi tính tuyệt đối
của tiến bộ. Ông cho rằng đôi khi thực ra người ta chỉ tạo ra cái lớn lao ngay
từ lúc ban đầu. Cái gì càng đến sau càng có thể sa sút. Cho nên phải hiểu tiến
bộ như là một khái niệm rất tương đối, chứ không phải như một định luật tổng
quát và tất yếu (9). Trong khi đi tìm cái ông gọi là cốt yếu và bền vững của
con người, Lévi-Strauss phủ nhận lịch sử như là điều kiện của tiến bộ, cái đến
sau phải hay hơn cái đến trước. Theo ông, không có sự phân biệt dân tộc này
văn minh với dân tộc kia không văn minh hay kém văn minh, mà chỉ có văn
minh khác nhau mà thôi (10). Với ông, lịch sử là huyền thoại cuối cùng của
các xã hội "hiện đại" mà người ta vận dụng tuỳ tiện để sáng chế ra một cái
nhìn toàn bộ về vũ trụ. Tóm lại, phương pháp cơ cấu của Lévi-Strauss mang
tính chất chống lại lịch sử, chống lại phương pháp biện chứng.
Cũng trong vấn đề văn minh loài người, người ta thấy nổi lên một cuộc
tranh luận gay gắt giữa những người ủng hộ lý thuyết về bẩm sinh và những
người ủng hộ lý thuyết về tập thành. Những người nghiêng về bẩm sinh như
nhà ngôn ngữ học nổi tiếng Noam Chomsky hoặc nhà côn trùng học Edward
Wilson của trường đại học Harvard (Mỹ) thì cho rằng những nét đặc trưng cốt
yếu của con người như ngôn ngữ, văn hóa không phải là những tập tính do
học tập mà có, mà chúng ta đã được mã hóa trong hệ gène của con người. N.
Chomsky chỉ ra rằng chúng ta không học ngôn ngữ của mình bởi vì nó là bẩm
sinh, đã được ghi trong cơ thể sinh học của chúng ta. Đi xa hơn nữa, E.
Wilson với cái gọi là xã hội - sinh học (la sociobiologie), đã đem áp dụng
những khám phá về tập tính di truyền của loài vật vào cả xã hội loài người.
Ông cho rằng cả những tình cảm của con người cũng được chương trình hóa
trong hệ gène. E.Wilson nghĩ là mâu thuẫn khi một mặt thừa nhận bộ óc con
người là sản phẩm của tiến hóa rồi giải thích rằng sau đó, nó lại thoát ra khỏi
mọi ràng buộc sinh học. Đó là điều mà nhà cổ sinh học vật học đồng liêu với
E.Wilson, Stephen Goul đã cực lực bài bác. Ông này khẳng định sở dĩ con
người có những lựa chọn tự do là bộ óc không được chương trình hóa. Chính
nhờ đó, con người thoát ra khỏi quy luật của sự tuyển chọn tự nhiên để đi vào



một trật tự mới, trật tự của văn hóa. Đó là một kiểu tiến hóa khác thoát ra
ngoài phạm vi của chủ thuyết Darwin, thể hiện trong các lĩnh vực như nghệ
thuật, âm nhạc, văn chương, đạo đức, những chiến đấu cá nhân, chủ nghĩa
nhân văn hoặc tín ngưỡng…; tóm lại, đó là tiến hóa văn hóa. Vậy, theo
S.Goul, khác với tự nhiên, văn hóa là tập thành, thích nghi và truyền lại.
Không như mọi loài vật, con người có thể tưởng tượng ra những giải pháp và
những cách xử sự, truyền lại cho những người chung quanh và cho con cháu
mà không có những điều kiện tiên quyết cũng như những hệ quả di truyền.
Thật ra, trong cuộc tranh luận này, ưu thế thuộc về những người ủng hộ lý
thuyết bẩm sinh. Vì lẽ, mỗi con người mới không phải chỉ là một trang giấy
trắng để ngỏ cho ảnh hưởng của cha mẹ, thầy học hoặc sự tiến bộ ngẫu nhiên,
mà là một con người đã được chương trình hóa. Tuy vậy, sinh học dù là một
bó buộc, nhưng không phải là một tiền định, và bản chất con người cũng nằm
ở chỗ chế ngự Tự nhiên.
Một vấn đề cũng gây tranh cãi không kém, đối lập giữa những người ủng
hộ thuyết tương đối với những kẻ theo về những giá trị vĩnh cửu. Trường hợp
sau là của Karl Popper khi ông này cho rằng có thể phân định rõ cái chân và
cái giả ở mọi nơi và trong mọi trường hợp. Ông bài bác những người theo
thuyết tương đối khi họ cho rằng không tồn tại chân lý, hoặc không có cách
nào phân định giữa hai lý thuyết, cái nào vượt trội hơn cái nào. Bởi vì theo
K.Popper, vẫn có những chuẩn mực hoặc những quy tắc xử sự để lượng định.
Cùng truy tìm cái tuyệt đối triết học có thể kể đến nhà văn người Mexico
Octavia Paz khi ông khẳng định rằng sự tồn tại một chân lý và duy nhất có
một để đảm bảo phát triển về văn hóa, kinh tế hay chính trị: đó là tôn trọng tự
do cá nhân và quyền tư hữu. Đối lập với nhóm người trên là nhà nhân chủng
học Claude Lévi-Strauss với thuyết tương đối về văn hóa. Với Lévi-Strauss,
tiến bộ chỉ có tính chất tương đối. Khi nghiên cứu về những nền văn minh sơ
khai, Lévi-Strauss buộc phải thừa nhận sự kính trọng đối với tư duy hoang dã

(pensée sauvage) và sự nhún nhường về văn hóa. Cùng trong chiều hướng
này, một số người hoài nghi tính tuyệt đối của tính chân lý. Với họ, "chân lý
có nhiều, là con đẻ của trí tưởng tượng của chúng ta". Nhà sử học đương đại
Pháp Paul Veyne chẳng hạn đã so sánh chân lý như một "lâu đài" mà những
người sống ở đó không biết gì cả đến sự tồn tại của các lâu đài khác. Hệ thống
tư tưởng, với ông là một cái "chậu" mà người ta không nhìn thấy các vách của
nó và kết quả là người ta thậm chí còn không biết là chúng hiện hữu. Chính
tưởng tượng bao hàm cả chân lý lẫn sai lầm, và một khi "người ta tưởng
tượng ra một hệ thống tư tưởng mới, một quan niệm mới, một cái nhìn mới về
thế giới, thì mặc nhiên sẽ tạo lập lại một sự sắp xếp mới về cái thật và cái giả,
một sự xếp loại giữa những gì liên quan đến những quy tắc đến cái "chậu" của
chúng ta với cái gì khác nó" (11). Cái "tưởng tượng" đó, có người gọi là "tri
thức", nhưng P.Veyne cho rằng thực ra nó là một quyền, bởi vì nó tiến hành
xếp đặt thế giới… Và cứ thế, cuộc tranh luận về tuyệt đối - tương đối vẫn như
là mò kim đáy bể!


Những mâu thuẫn trên đây phải chăng phản ánh sự bất lực của tư tưởng,
của triết học trong việc giải quyết những vấn đề còn tồn tại của nhân loại? Và
tình hình đó phải chăng dự báo rằng thế kỷ XXI này sẽ không còn những nhà
kiến tạo hệ thống, những triết gia hiểu theo nghĩa là những người xây đắp
những hệ tư tưởng được xem như là động lực của lịch sử? Nhà sử học tư
tưởng người Anh Isaiah Berlin nhận xét rằng thế kỷ XX khá nghèo những nhà
kiến tạo như vậy. Ông cho rằng thế kỷ này sống một cách hậu hỹ với những lý
thuyết, với kho dự trữ những tư tưởng của thế kỷ XIX. Theo ông, thế kỷ XX
bị chế ngự bởi hai hiện tượng: một mặt là tiến bộ của khoa học, và mặt kia là
cuộc cách mạng Nga. Thế mà, vẫn theo nhận xét của ông, hai hiện tượng này
là sản phẩm của ý thức hệ thống trị của thế kỷ XIX: đó là niềm xác tín rằng
nhân loại sẽ hiến thân cho Tiến bộ, và Tiến bộ cần phải được tổ chức (12).
Nếu thế kỷ XX chỉ là sự kế tục của thế kỷ đi trước theo như nhận định của

I.Berlin, thì quá trình lịch sử của tư tưởng phải chăng sẽ đi đến chỗ biến mất
những hệ tư tưởng để chỉ còn là những mảnh vụn của triết học? Thực tế cho
thấy đã cạn kiệt những lý thuyết dùng để giải thích Tự nhiên. Con người
phương Tây hiện đại nhìn chung đã có khuynh hướng quay về với những
niềm tin siêu hình, trong đó có cả các nhà khoa học. Vả chăng, theo nhận định
của K.Popper, người tự nhận là triết gia cuối cùng của trào lưu Ánh sáng
(philosophie des Lumières) đề cao lý tính thì phương pháp khoa học không
phải là chứng minh tính chất hợp lý của một lý thuyết mà là cố gắng đánh đổ
nó đi. Khả năng bị đặt lại vấn đề của một lý thuyết sẽ quyết định tính chất
khoa học của nó, đó là cái mà Popper gọi là khả năng bị bài bác
(falsifiability). Trong diễn trình đó, một lý thuyết chỉ có thể được xem là đích
thực của khoa học khi nào nó đứng vững được sau những thử thách đó.
Nhưng K.Popper cũng lưu ý là cho đến khi một lý thuyết đến sau thay thế nó
trong sự kế tục những thử thách và truy tìm sai lầm (13). Và cứ thế tiếp diễn.
Trong trường hợp như vậy, liệu có thể xuất hiện những nhà kiến tạo hệ thống
để thay thế những lý thuyết đã tỏ ra sai lầm hay không, trong tình hình thế kỷ
XX không xuất hiện những hệ tư tưởng lớn như thế kỷ trước, như đánh giá
của I.Berlin? Vẫn theo I.Berlin, sự phát sinh các tư tưởng không tùy thuộc bất
kỳ một logic lịch sử nào, nó chỉ tùy thuộc sự xuất hiện của các nhà thiên tài,
và tùy thuộc vào những nơi chốn được xác định rõ. Nhưng đây cũng là một
bấp bênh!
Như vậy phương Tây sẽ bước vào thế kỷ XXI với một cuộc phiêu lưu tư
tưởng mới mà không thể dự kiến diện mạo của nó sẽ ra sao. Đó phải chăng
cũng thuộc về điều mà nhà nghiên cứu Guy Sorman gọi là những bí ẩn của
thế kỷ này.



×