ĐỂ TRỞ THÀNH GIÁO VIÊN DẠY GIỎI
Nguyễn Hồng Quảng - THCS Mạo Khê II
Đăng ngày: 28/01/2008- Lượt đọc: 173
Nghề dạy học là một trong những nghề cao quý. Được vinh dự làm nghề dạy
chữ - dạy người là hạnh phúc của mỗi chúng ta. Tuy nhiên dạy học như thế nào để đạt
được mục đích: học sinh nhanh chóng tiếp nhận được kiến thức, vận dụng được kiến
thức ấy để có kỹ năng thực hành tốt, giờ học nhẹ nhàng, hấp dẫn lôi cuốn được học
sinh, đó là tiêu chí cần đạt được cho một giờ dạy của mỗi người thầy, đó cũng là nhận
thức của tôi từ khi mới bước chân vào trường sư phạm, phải coi mỗi bài dạy là một tìm
tòi, khám phá mới, coi mỗi học sinh là một chủ thể sáng tạo để trân trọng những suy
nghĩ, những nhận xét của các em. Đồng thời mỗi giờ lên lớp đã để lại trong học sinh
những chuẩn mực đạo đức gì? Học sinh có học được gì qua cách ứng xử của thày cô
giáo trong giờ dạy hay không?. Nói cách khác thày cô giáo có phải là tấm gương sáng
cho học sinh noi theo hay không.
Với nhận thức, suy nghĩ ấy, trong những năm qua đứng trên bục giảng tôi đã cố
gắng để thực hiện được mục tiêu, tiêu chí của công việc giảng dạy. Theo tôi, muốn đạt
được những mục đích ấy, muốn có sự kính nể trong học sinh, sự quý trọng của đồng
nghiệp, sự tin yêu của phụ huynh ta cần làm được những công việc sau trong công tác
giảng dạy:
Trước giờ lên lớp.
Yêu cầu đầu tiên của mỗi giáo viên trước khi lên lớp không thể không nói đến
đó là soạn bài. Bài soạn phải được chuẩn bị chu đáo, từ hình thức đến nội dung. Trong
đó quan trọng nhất là nội dung, phương pháp truyền thụ kiến thức tới học sinh như thế
nào? Người thầy phải hình dung và chủ động trong suốt giờ học: Với mỗi lớp, mỗi loại
đối tượng học sinh thì có những câu hỏi, phương pháp phù hợp, có như vậy mới không
bị động, lúng túng. Trong bài soạn, nếu chỉ có hệ thống câu hỏi đầy đủ, nội dung,
phương pháp hợp lý, chính xác, theo tôi chưa chắc giờ dạy đã thành công. Bên cạnh
việc chuẩn bị nội dung kiến thức, người thầy cần biết cân đối, phân bổ thời gian cho
từng đơn vị kiến thức. Phần này tuy nhỏ nhưng rất quan trọng vì vậy, trong giáo án
cũng cần sắp xếp thời gian hợp lý.
Vì dạy học ngày nay người thầy là người hướng dẫn, tổ chức cho học sinh làm
việc, hay nói cách khác học sinh làm việc dưới sự điều khiển của thầy nên việc chuẩn bị
kỹ đồ dùng và các phương tiện khác phục vụ giảng dạy là rất trọng. Trên lớp, với các
môn KH tự nhiên người thầy làm không thành công một thí nghiệm hoặc với các môn
KH xã hội người thầy không tìm thấy một địa danh nào đó trên bản đồ, chỉ nhầm ký
hiệu… là những hạn chế vô cùng lớn cho bài giảng, vì vậy song song với chuẩn bị tốt
giáo án chúng ta cũng cần chú ý chuẩn bị, tìm hiểu, tiến hành thử trước với các thiết bị,
đồ dùng dạy học.
Trong giờ lên lớp.
Mỗi giờ học là cả một công trình, vì thế trước hết theo tôi người thầy cần tạo
một tâm thế tốt khi bước chân lên bục giảng. Cũng có những lo toan, phiền muộn, bực
dọc đời thường nhưng khi đã vào lớp chúng ta phải biết quên, biết bỏ chúng lại ngoài
cửa lớp, thậm chí bỏ chúng lại ngoài cổng trường. Tạo được tâm thế tốt chúng ta đã
giúp cho học sinh có định hướng ngay vào bài học với ham muốn học tập, hứng thú với
những kiến thức sẽ được học tập.
Trong giờ dạy, việc thực hiện trung thành nội dung, phương pháp trong giáo án
đã chuẩn bị nhiều khi cũng cần được thực hiện linh hoạt trước các tình huống khác nhau
ở các lớp, các nhóm đối tượng khác nhau. Trước mỗi tình huống trả lời của học sinh
không có trong “kịch bản” người thầy phải hết sức bình tĩnh, chủ động, lắng nghe để có
thể là “trọng tài” phân giải đúng sai, chính xác để các em “tâm phục, khẩu phục”.
Việc giao lưu tình cảm giữa thầy và trò trong một giờ học cũng rất quan trọng,
không nên thao thao bất tuyệt giảng bài, cũng không nên hỏi dồn dập hoặc miệt mài ghi
chép mà quên các em ở dưới lớp. Ta nên chú ý quan sát các đối tượng học sinh trong
khắp lớp học, ngôn ngữ phải rõ ràng, có ngữ điệu, phải biết mỉm cười với học sinh đúng
lúc, pha trò đúng lúc… Những giao lưu này giúp chúng ta kiểm soát được tất cả học
sinh nhưng các em vẫn thấy dễ chịu, vẫn bị cuốn hút vào bài dạy, các em không bị thụ
động, buồn tẻ và chủ động tìm hiểu, vận dụng kiến thức một các linh hoạt.
Bồi dưỡng thường xuyên.
Để thực sự tạo được lòng tin trong học sinh, trong phụ huynh, không có cách gì
khác là chúng ta phải học hỏi, tự bồi dưỡng hoàn thiện mình cả về nhân cách, kiến thức
và phương pháp. Chúng tôi thường xuyên dự giờ của các đồng nghiệp, tự giác để học
hỏi, rút kinh nghiệm, dù đồng nghiệp ấy là một giáo viên có tay nghề vững vàng hay là
một cô giáo trẻ bởi ở mỗi người chúng ta đều có thể học hỏi được rất nhiều điều, dù là
nhỏ bé.
Ngoài việc học hỏi từ đồng nghiệp, chúng tôi cũng chú ý đến việc tự bồi dưỡng
qua sách báo, cập nhật tin tức hàng ngày. Ngày nay khoa học kỹ thuật rất phát triển,
việc dạy học theo phương pháp tiên tiến, hiện đại cũng được người thầy phải làm quen,
phải thuần thục. Vì vậy chúng ta cũng cần trang bị cho mình thói quen tự học, tự nghiên
cứu, có chọn lọc, có ghi chép. Phải tích luỹ được bề dày kiến thức, có đủ bản lĩnh dạy
học thì trong các tình huống dạy học người thầy mới không bị động, không né tránh,
không phiến diện trước học sinh.
Ngoài ra cũng cần phải chú ý học hỏi từ rất nhiều nguồn, nhiều đối tượng. Ta
học hỏi ngay từ học sinh, từ thực tế cuộc sống. Tất cả sẽ giúp chúng ta có kinh nghiệm
dạy học phong phú.
Khi làm nghề dạy học phải xác định học tập là việc làm cần được tiến hành
thường xuyên, liên tục, mọi nơi, mọi lúc, tuyệt đối tránh tư tưởng cho là đã biết, đã
hiểu.
Trên đây là một số suy nghĩ, việc làm của tôi trong những năm qua, rất mong
các bạn lắng nghe và có thể áp dụng linh hoạt, có chọn lọc để công tác giảng dạy trong
đợt thực tập này và mãi mãi về sau đạt kết quả tốt nhất.
Trần Thị Phương Thảo
Tổ Lý - Tin Trường THCS Mạo Khê II