TRƯỜNG ĐẠI HỌC ĐỒNG THÁP
KHOA VĂN HÓA - DU LỊCH
GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM
DU LỊCH SINH THÁI DỪA Ở TỈNH BẾN TRE
SV: Lê Thị Mỹ Duyên, Lớp: ĐHVNH15A
GVHD: ThS. Võ Nguyên Thông
Tóm tắt
Là một tỉnh nằm ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, Bến Tre có điều kiện tự nhiên thuận
lợi trong khai thác phát triển du lịch sinh thái nhất là du lịch sinh thái dừa loại cây chủ yếu của
Tỉnh. Hiện nay, trong các loại hình du lịch của tỉnh, du lịch sinh thái miệt vườn là loại hình ưu
thế (chiếm 64% các hình thức hoạt động du lịch), được du khách ưa chuộng nhờ đặc tính gần
gũi với thiên nhiên và thân thiện với môi trường.
Với tiềm năng về sinh thái miệt vườn đặc biệt cây dừa bài viết trình bày những ưu thế
và thực trạng phát triển du lịch sinh thái (DLST) dừa. Từ đó, đưa ra giải pháp và một số định
hướng phát triển loại hình du lịch này để tương xứng với tiềm năng góp phần nâng cao vị thế
nghành du lịch của Bến Tre.
Từ khóa: du lịch sinh thái dừa, định hướng phát triển, tỉnh Bến Tre
1. Đặt vấn đề
Với vị trí địa lý thuận lợi nằm ở hạ lưu sông Mekong, tiếp giáp với biển Đông, Bến Tre
có mạng lưới sông ngòi chằn chịt, Tỉnh được 4 sông bao bọc là sông Hàm Luông, sông Cổ
Chiên, sông Ba Lai và sông Mỹ Tho, hợp thành ba dãy lao Cù Lao Minh, Cù Lao Bảo và Cù
Lao An Hóa. Được thiên nhiên ưu đãi, khí hậu quanh năm thuận lợi, với khoảng 27% diện tích
đất phù sa là điều kiện thuận lợi cho những vườn trái cây phát triển xum xuê, trĩu quả cùng
những vườn dừa xanh mướt thu hút nhiều du khách.
Nhờ những lợi thế tự nhiên này, trong những năm qua, tỉnh Bến Tre đã và đang khai
thác phát triển du lịch miệt vườn, tạo sức hút đối với khách du lịch trong và ngoài nước. Trong
quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020, tỉnh đã xác định
ưu tiên tập trung đầu tư cho loại hình du lịch này. Bởi ngoài việc đáp ứng nhu cầu giải trí, khám
phá thiên nhiên của du khách, đem lại lợi ích kinh tế, thì loại hình du lịch này còn góp phần
nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của du khách và cộng đồng dân cư địa phương về bảo
vệ môi trường thiên nhiên.
Cây dừa cùng nhân dân Bến Tre đánh giặc đã làm nên lịch sử phong trào Đồng Khởi,
dừa đem lại kinh tế, công ăn việc làm cho người dân. Bến Tre được gọi với tên khác là quê
hương xứ dừa vì có diện tích dừa lớn nhất nước, năm 2015 chiếm 71.125ha. Toàn bộ cây dừa
từ thân đến ngọn, hầu hết mỗi bộ phận đều được sử dụng triệt để để chế biến thành các sản
phẩm để phục vụ nhu cầu trong cuộc sống. Dừa được sử dụng trong ẩm thực, trong xây dựng
nhà ở, trong thơ ca và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo như đan những con cào cào,
châu chấu hay thắt một chiếc nón từ lá dừa, bộ ấm trà, chén, hộp tăm…
Với giá trị kinh tế rất lớn từ cây dừa bên cạnh giá trị văn hóa của vùng đất Bến Tre là
điều kiện rất thuận lợi khai thác du lịch sinh thái dừa nhằm đa dạng sản phẩm du lịch góp phần
thu hút du khách đến với Bến Tre.
2. Thực trạng khai thác phát triển sản phẩm du lịch sinh thái dừa ở tỉnh Bến Tre
2.1. Khu tham quan mua sắm
Với bộ óc sáng tạo, thẩm mỹ cùng đôi bàn tay khéo léo, tài hoa các nghệ nhân xứ dừa
đã biến những thứ có giá trị thấp của cây dừa thành những sản phẩm có hồn, có giá trị mỹ thuật
cao, đặc sắc với hàng trăm mẫu mã phong phú, độc đáo. Bến Tre hiện có đến hàng chục cơ sở
làm thủ công mỹ nghệ dừa có quy mô lớn, sản phẩm của các cơ sở này cung ứng cho thị trường
trong và ngoài nước như Malaysia, Philippines, Hàn Quốc…hiện nay, các sản phẩm mỹ nghệ
dừa đã được các nghệ nhân sáng tạo nên gần 500 sản phẩm đa dạng.
Gỗ từ thân dừa được sử dụng tạo ra như túi xách, ví, đũa, muỗng… các con vật trong
đời sống hàng ngày như gà, heo…cọng dừa ngoài để bó chổi, qua đôi bàn tay khéo léo của thợ
Trang 155
KỶ YẾU HỘI NGHỊ SINH VIÊN NGHIÊN CỨU KHOA HỌC NĂM 2019
thủ công được đan thành những lẵng hoa, giỏ quà, chà dừa có thể biến thành những chiếc lồng
đèn với kiểu dáng đa dạng, gáo dừa được mài nhẵn thành chén, xơ dừa được chế biến thành
thảm được sử dụng trong các khách sạn lớn có tác dụng chống trơn trượt và được khuyên dùng
thay cho thảm nhung, thảm lông cừu. Gỗ dừa làm sản phẩm mỹ nghệ phải có tuổi thọ cao vì gỗ
lâu năm mới có vân đẹp và bền chắc. Tùy theo sản phẩm đơn giản hay phức tạp mà các khâu
thực hiện sẽ khác nhau. Nghề thù công mỹ nghệ từ dừa đã góp phần quan trọng trong việc phát
triển du lịch ở Bến Tre.
Ngoài các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, các loại kẹo mứt đặc biệt là kẹo dừa, bánh tráng,
rượu dừa cũng là những món quà thơm thảo, thân tình có thể mua về tặng người thân, bạn bè.
“Bến tre nước ngọt sông dài
Nơi chợ Mỏ Cày có kẹo nổi danh”
Kẹo dừa - đặc sản danh tiếng của Bến Tre mấy chục năm qua luôn đứng vững trên thị
trường trong và ngoài nước. Kẹo dừa có nhiều loại khác nhau như kẹo dừa đậu phộng sầu riêng,
kẹo dẻo nước cốt dừa, kẹo dừa lá dừa, kẹo dừa cacao…với các thương hiệu nổi tiếng như kẹo
dừa Thanh Long, kẹo dừa Tuyết Phụng, kẹo dừa Bà Hai Tỏ - năm 1998 bà đã sang Trung Quốc
kiện hãng kẹo dừa bên đó làm nhái kẹo Bến Tre và bà đã thắng kiện,… Buổi chiều tối gia đình
cùng quây quần trò chuyện nhâm nhi tách trà nóng cùng một viên kẹo ngọt thì còn gì bằng,
những người con đi xa chỉ cần thưởng thức một viên kẹo ngọt ngọt, beo béo, mùi nước cốt dừa
hòa quyện với nhau thì cũng đủ làm nhớ quê hương da diết.
2.2. Khu lưu trú
Homestay là loại hình du lịch dựa vào cộng đồng, tức lưu trú tại nhà dân, địa phương
nơi khách đến, giúp nơi đó quảng bá văn hóa, con người và cảnh đẹp một cách chân thật
nhất. Loại hình du lịch homestay ở Bến Tre những năm gần đây khá phát triển, nếu như ở khách
sạn dừa Coconut Hotel ở Ben Tre Riverside Resort khá đắt đỏ thì du khách có thể đến homestay
dừa vừa chi phí phải chăng, vừa gần gũi, hòa mình với thiên nhiên, vừa trải nghiệm cuộc sống
cùng những người dân xứ dừa nói riêng và người dân miền Tây nói chung hiền lành, chân chất,
cởi mở, hiếu khách và hào sản.
Nếu muốn tránh những ồn ào, xô bồ chốn thị thành thì “homestay dừa” ở Bến Tre là
một lựa chọn khá tuyệt vời. Những ngôi nhà nhỏ xinh xắn bên cạnh những vườn dừa rộng lớn,
bình yên tạo cho du khách cảm giác gần gũi, bình dị nơi miền Tây sông nước, ví dụ như
Homestay Coconut ở huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre.
Gọi “homestay dừa” không chỉ vì ở đây là xứ dừa mà còn là các vật bên trong homestay
tất cả hầu hết từ các bộ phận của cây dừa chế biến thành. Các ngôi nhà được làm hoàn toàn từ
dừa tạo cho du khách cảm giác ấm áp, gần gũi vì homestay được thiết kế theo lối xưa. Gian nhà
gồm phòng khách và bên trong là phòng ngủ. Phòng khách gồm bộ bàn ghế, bộ bình tách dùng
nước. Khu nhà vệ sinh chung được thiết kế xây dựng sạch sẽ, khô thoáng nhằm tạo cảm giác
thoải mái, dễ chịu cho du khách người Việt và nước ngoài.
Khi đến với homestay du khách sẽ được mặc bộ quần áo bà ba nâu và quấn chiếc khăn
rằn của người nông dân xưa, sau đó sẽ đến với vườn nông sản hữu cơ để bắt đầu trải nghiệm.
Tại đây chia làm hai khu vực là khu trồng trọt và khu thu hoạch, ở đây khách sẽ được trồng và
thu hoạch các loại rau quả thường được dùng trong bữa ăn hàng ngày như cải, rau muống, bí,
mướp… Khu trồng trọt du khách sẽ được hướng dẫn cách xới đất, trộn mụn dừa cùng các loại
phân rồi gieo hạt tưới nước, xong quy trình này du khách sẽ được qua khu thu hoạch tự hái
những loại rau quả mà khách muốn dùng trong bữa ăn cuối ngày, như vậy khách vừa được trải
nghiệm vừa được thưởng thức rau sạch từ khu vườn trong homestay.
2.3. Khu ăn uống
Các món ăn ở đây rất đa dạng và phong phú như bánh xèo hến tép thịt, gỏi củ hủ dừa,
tôm sông luộc nước dừa, gà thả vườn quay/nướng, cá tai tượng chiên xù,… mang nét đặc trưng
của miền Tây nói chung và Bến Tre nói riêng. Nói về dừa ở Bến Tre thì có một món đặc sản
đối với những người sành ăn đó là món đuông dừa nhúng nước mắm, vị béo ngậy của đuông
cùng vị mặn của nước mắm làm cho món ăn thêm đậm đà hơn, hay đuông dừa chiên bơ cũng
không làm thực khách thất vọng. Đến đây ít nhiều gì du khách cũng nên thưởng thức một vài
Trang 156
TRƯỜNG ĐẠI HỌC ĐỒNG THÁP
KHOA VĂN HÓA - DU LỊCH
chung rượu dừa, rượu dừa có hai loại loại được đóng trong chai thủy tinh và loại được chứa
hoàn toàn trong trái dừa, nếu ai đã từng nếm rượu dừa thì chắc sẽ say, say tình, say người, say
mảnh đất xứ dừa vừa hiền hòa, vừa kiên cường từng chịu qua bao bom đạn của kẻ thù. Nước
giải khát từ dừa hiện nay có nước dừa tươi, dừa đóng hộp Vietcoco, sữa dừa Cocoxim, đặc biệt
cuối năm 2017 trên thị trường có thêm một loại sản phẩm nữa, chính sản phẩm này đã giúp giá
trị của quả dừa tươi thường ngày tăng lên gấp ba lần và hiện tại đã có mặt ở nhiều tỉnh thành
của Việt Nam đó là sản phẩm dừa nướng ba đốt. Nước dừa thường ngày đã thơm ngon ngọt,
bây giờ đem nướng hương vị đặc biệt hơn nhiều, sản phẩm này khá thuận lợi, chỉ cần mở nắp,
thưởng thức nước và dùng cơm dừa một cách dễ dàng.
Dừa đem nướng phải được chọn lựa kỹ, không quá non, cũng không quá già, độ dày vỏ
vừa phải, khi nướng lên vỏ dừa không bị nứt Đầu tiên, dừa nguyên trái được đem vào lò nướng
với nhiệt độ 100oC, thời gian nướng tầm khoảng 30 phút. Kế đến, người thợ gọt bỏ lớp vỏ ngoài,
gọt đẽo lớp vỏ trông sao cho đẹp mắt. Sau đó, quả dừa thành phẩm được đem đi khắc logo
thương hiệu bằng bằng máy khắc tia lazer chuyên dụng. Cuối cùng, sản phẩm được hút chân
không để kéo dài thời gian bảo quản. Không cần đẽo gọt như dừa tươi, trái dừa nướng chỉ cần
bật nắp là có thể uống, vị thơm, ngọt đậm. Phần cơm dừa thì tróc hoàn toàn khỏi gáo, lột ra dễ
dàng, vị dẻo ngọt.
2.4. Khu vui chơi, giải trí
Sau khi đã dùng bữa với những món ăn miền Tây, đã nạp đầy năng lượng từ các đặc sản
của xứ dừa thì bắt đầu vui chơi, trải nghiệm cùng nhau các trò chơi có tại đây. Các trò chơi dân
gian như kéo co, múa sạp, đánh đu, cò chẹp, nhảy dây…đến đây giúp du khách ôn lại tuổi thơ
của mình, cùng bạn bè vui chơi, giải trí sau khoảng thời gian làm việc mệt nhọc, tăng thêm tính
đoàn kết, tinh thần đồng đội, tạo sự linh hoạt, nhạy bén trong mỗi trò chơi. Tát mương bắt cá
cũng là một trò chơi rất thú vị, những con mương len lõi trong từng rặng dừa, với không gian
mát mẻ của những lá dừa rợp bóng, cùng bạn bè xuống mương tát nước rồi bắt bắt từng con cá,
con tép…sau đó đem chiến lợi phẩm về tự làm bữa cơm chiều tại homestay thì thật tuyệt.
3. Những giải pháp phát triển sản phẩm du lịch sinh thái dừa ở tỉnh Bến Tre
Để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với Bến Tre, Tỉnh cần đa dạng hóa
các loại hình du lịch kết hợp. Chú trọng phát triển du lịch sinh thái gắn với cảnh quan, sông
nước, vườn dừa, vườn cây ăn trái và hoa kiểng nhưng đi đôi với bảo vệ môi trường bền vững
và đặc biệt là du lịch sinh thái dừa loại cây chủ lực của địa phương.
Nhạy bén, linh hoạt, tạo ra tính đa dạng cho việc phát triển thêm các sản phẩm thủ công
mỹ nghệ từ dừa, nhằm góp phần cho ra đời các sản phẩm vừa thể hiện tính sáng tạo của con
người Bến Tre, vừa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường, vừa tạo được tính đặc thù cho
sản phẩm ở địa phương.
Liên kết với các cơ sở kinh doanh, quảng cáo, quảng bá trên các trang mạng thông tin
điện tử nhằm tạo đầu ra rộng rãi, ổn định cho các sản phẩm thủ công mỹ nghệ.
Kết hợp các loại thực phẩm hiện có tại địa phương để tạo nên những món ăn mới, lạ
miệng nhằm kích thích vị giác, tạo hương vị khó quên trong lòng thực khách mỗi khi đến "quê
hương Đồng Khởi".
Chú trọng hỗ trợ - đầu tư - tư vấn cho cộng đồng nông thôn trong khai thác phát triển
du lịch sinh thái dừa gắn với homestay. Mở các lớp tập huấn, giáo dục, tuyên truyền, phổ biến
đến người dân tầm quan trọng của du lịch đối với địa phương, cách thức làm du lịch homestay
nhằm góp phần cải thiện kinh tế quê hương, phát triển hình ảnh Bến Tre đến khách tham quan
trong khu vực và cả nước, xa hơn nữa là nước ngoài.
Phát huy các lợi thế so sánh của địa phương để đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản
phẩm du lịch sinh thái “xứ dừa”, cũng nhằm nâng cao vị thế của địa phương du lịch sinh thái
miệt vườn nổi trội với thương hiệu du lịch sinh thái dừa đặc trưng, từng bước khẳng định gía
trị và thế mạnh của du lịch Bến Tre trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Tổ chức các tour tham quan làng nghề, du khách vừa có thể quan sát quy trình chế biến
sản phẩm, vừa có thể tham gia vào quy trình, vừa thưởng thức được sản phẩm tại chỗ, vừa có
Trang 157
KỶ YẾU HỘI NGHỊ SINH VIÊN NGHIÊN CỨU KHOA HỌC NĂM 2019
thể mua đem về sản phẩm ngon tại lò như khu chế biến kẹo dừa ở Cồn Phụng, làng nghề bánh
tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc ở Giồng Trôm,...
Phát triển du lịch sinh thái dừa gắn với các giá trị văn hóa, lễ hội truyền thống, bảo vệ
và phát huy truyền thống bản sắc địa phương trong quảng bá thu hút khách du lịch.
Tổ chức thêm nhiều trò chơi gắn liền với sông nước một cách an toàn nhằm giúp du
khách vừa được xả stress, vừa được hòa mình với thiên nhiên như đua ghe, bắt vịt trên sông,...
Bổ sung thêm các trò chơi dân gian tạo cảm giác quay về tuổi thơ, gắn với miền quê dân
dã, đôn hậu, hiền hòa như múa sạp, xích đu, ô ăn quan,...
Duy trì và mở rộng phát huy lợi thế của khu chợ nổi dừa ở chợ Thom, Mỏ Cày Nam,
đến đây du khách được ngắm nhìn các loại ghe xuồng mua bán trao đổi dừa, hai bên bờ sông là
các bãi dừa người dân đang lột dừa, cại cơm dừa để vận chuyển sản xuất thành các sản phẩm
từ dừa.
Xây dựng lịch trình trải nghiệm nông nghiệp phù hợp với thời điểm mùa vụ trong năm.
Chuẩn bị nông cụ, trang phục cần thiết cho thao tác nông nghiệp, trải nghiệm thu hoạch chế
biến các sản phẩm từ dừa để thu hút du khách.
Đào tạo nguồn nhân lực có kiến thức và kinh nghiệm trong việc hướng dẫn tham quan,
du lịch sinh thái dừa từ các kỹ năng cụ thể hoạt động hướng dẫn du lịch, giao tiếp, ngoại ngữ,
chế biến phục vụ cho du khách.
Gắn mô hình đổi mới tổ chức quản lí với yêu cầu đảm bảo tính hiệu quả, đồng bộ, bảo đảm
sự phối hợp chặt chẽ trong nhiệm vụ chung bảo vệ tài nguyên và môi trường phát triển bền vững.
Đẩy mạnh các hoạt động kết nối liên vùng trong du lịch với các địa các ngành kinh tế
khác, tạo điều kiện để các ngành kinh tế khác phát triển. Tăng cường liên kết vùng trong du lịch
với các địa phương, đặc biệt là các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Tp HCM để tạo dựng hệ
thống sản phẩm đa dạng, loại hình du lịch phù hợp với thế mạnh, nhằm thu hút mạnh mẽ lượng
du khách quốc tế và nội địa.
Kết luận
Loại hình du lịch sinh thái gắn với cộng đồng những năm gần đây được ưu tiên phát
triển mạnh, và được khách du lịch đến tham quan trải nghiệm khá nhiều. Giữa năm 2018, ở chợ
Thom, Mỏ Cày Nam mới hình thành nên khu chợ nổi dừa, đến đây du khách được ngắm nhìn
các loại ghe xuồng mua bán trao đổi dừa, hai bên bờ sông là các bãi dừa người dân đang lột
dừa, cại cơm dừa để vận chuyển sản xuất thành các sản phẩm.
Nếu kết hợp giữa khu du lịch sinh thái dừa cùng với chợ nổi dừa sẽ cho du khách chuyến
tham quan rất tuyệt vơi, rất dừa, rất Bến Tre. Du lịch sinh thái dừa vừa góp phần phát triển kinh
tế địa phương, vừa góp phần quảng bá du lịch Bến Tre đến các tỉnh trong vùng và cả nước. tuy
nhiên, muốn phát triển bền vững thì cần phải đa dạng hóa sản phẩm, tạo ra sản phẩm đặc thù
và tránh sự trùng lắp với các sảm phẩm khác trong vùng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Đình Hòe (2000), Môi trường và phát triển bền vững, Nxb Giáo dục.
2. Phạm Trung Lương (2002), Du lịch sinh thái, Nxb Giáo dục.
3. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre (2013), Số liệu thống kê về doanh thu, lượt
khách du lịch đến Bến Tre giai đoạn 2010 đến 2012.
4. Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Bến Tre (2014), Sức hút từ du lịch sinh thái Bến Tre.
5. Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre (2014), Đề án điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển du
lịch tỉnh Bến Tre đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020.
6. />7. />8. />9. />10. />Một số hình ảnh du lịch sinh thái dừa ở Bến Tre
Trang 158