Tải bản đầy đủ (.pdf) (10 trang)

Đề xuất một vài giải pháp về giảng dạy kiến thức văn hóa nhằm nâng cao chất lượng dạy học tiếng Pháp (ngoại ngữ 2) tại Học viện Khoa học Quân sự

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (361.46 KB, 10 trang )

v PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY

ĐỀ XUẤT MỘT VÀI GIẢI PHÁP VỀ GIẢNG DẠY
KIẾN THỨC VĂN HÓA NHẰM NÂNG CAO CHẤT
LƯỢNG DẠY-HỌC TIẾNG PHÁP (NGOẠI NGỮ 2)
TẠI HỌC VIỆN KHOA HỌC QUÂN SỰ
NGUYỄN THANH HÀ *

Học viện Khoa học Quân sự, ✉
Ngày nhận bài: 22/4/2018; ngày sửa chữa: 20/5/2018; ngày duyệt đăng: 22/5/2018
*

TÓM TẮT
Văn hóa và ngôn ngữ là hai yếu tố không thể tách rời. Văn hoá là môi trường trong đó ngôn ngữ
được sử dụng theo các quy tắc ứng xử chung của một cộng đồng ngôn ngữ. Ngôn ngữ là một thành
tố quan trọng hàng đầu của văn hóa, là công cụ để ghi lại và biểu đạt văn hóa. Nói cách khác, ngôn
ngữ chứa đựng trong nó rất nhiều kiến thức văn hóa của cộng đồng sử dụng ngôn ngữ đó. Vì vậy,
trong giảng dạy ngôn ngữ, giảng dạy kiến thức văn hóa cần được chú trọng và quan tâm đúng mực.
Trên cơ sở đánh giá khái quát thực trạng giảng dạy kiến thức văn hóa trong quá trình giảng dạy tiếng
Pháp, bài báo tập trung đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy-học tiếng Pháp tại
Học viện Khoa học Quân sự thông qua giảng dạy kiến thức văn hóa.
Từ khóa: văn hóa, ngôn ngữ, giảng đạy văn hóa, giảng dạy ngôn ngữ

1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Ngày nay, với xu thế hội nhập, quốc tế hóa
diễn ra sâu rộng, dạy và học ngoại ngữ đang ngày
càng trở nên cần thiết. Tuy nhiên, việc dạy-học
ngoại ngữ trong quá trình toàn cầu hóa hiện nay
không chỉ đơn thuần là dạy-học về kiến thức ngôn
ngữ hay các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết mà phải
hướng tới rèn luyện năng lực giao tiếp hiệu quả,


đặc biệt là khả năng giao tiếp ở những nền văn
hóa khác nhau. Nói cách khác, dạy-học một ngôn
ngữ không thể tách rời dạy-học văn hóa của đất
nước sử dụng ngôn ngữ đó. Việc hiểu biết về văn
hóa giúp người dạy cũng như học viên, sinh viên
tiếp thu được ngôn ngữ một cách có hiệu quả bởi

64

KHOA HỌC NGOẠI NGỮ QUÂN SỰ

Số 13 - 5/2018

nghĩa của một từ, nội dung lời thoại của bất kỳ
ngôn ngữ nào cũng thay đổi theo ngữ cảnh, tình
huống giao tiếp cụ thể. Ngược lại, ngôn ngữ cũng
trợ giúp cho văn hóa được chuyển tải dễ dàng và
phát triển đa dạng, phong phú hơn. Bàn về vai trò
của văn hóa trong giảng dạy ngoại ngữ, nhà ngôn
ngữ học người Mỹ, Winston Breambeck đã phát
biểu: “Biết một ngôn ngữ nào đó mà không hiểu
văn hóa của họ thì chính là cách tốt nhất để biến
mình thành một kẻ ngốc nói ngoại ngữ trôi chảy”.
Tuy nhiên, trong giảng dạy ngoại ngữ, dạy lồng
ghép kiến thức văn hóa không phải lúc nào cũng
được chú trọng. Thực tế trong quá trình giảng dạy
tiếng Pháp tại Học viện Khoa học Quân sự, chúng


PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY v


tôi nhận thấy giảng viên chưa quan tâm đúng mực
đến việc dạy kiến thức văn hóa cho học viên, sinh
viên; nội dung kiến thức văn hóa chưa được đưa
vào chương trình chi tiết môn học cũng như kế
hoạch giảng bài của tổ bộ môn.
Với mong muốn giảng viên, học viên, sinh
viên sẽ có nhận thức đúng đắn hơn về tầm quan
trọng của dạy-học kiến thức văn hóa trong dạy-học
ngoại ngữ, đồng thời ứng dụng được những kiến
thức này trong quá trình dạy-học của mình, trong
bài viết này, chúng tôi xin được đề cập đến một số
khái niệm về văn hóa; mối quan hệ giữa ngôn ngữ
và văn hóa; sự cần thiết phải dạy văn hóa trong
lớp học ngoại ngữ; thực trạng giảng dạy văn hóa
Pháp tại Học viện (trên cơ sở quan sát và phiếu
khảo sát thực tế việc dạy-học của giảng viên và
học viên…); từ đó đề xuất một vài giải pháp nhằm
nâng cao chất lượng dạy-học tiếng Pháp thông qua
giảng dạy kiến thức văn hóa.
2. KHÁI NIỆM VĂN HÓA
“Văn hóa” là một từ cổ trong tiếng Pháp, xuất
hiện vào khoảng cuối thế kỷ XIII để chỉ một thửa
đất được trồng trọt. Đầu thế kỷ XVIII, văn hóa
chính thức được đưa vào Từ điển Hàn lâm Pháp
(1718). Đến giữa thế kỷ XIX, cùng với sự phát
triển của các khoa nhân loại học, xã hội học, dân
tộc học…, khái niệm văn hóa đã thay đổi, có
nghĩa rộng như hiện nay. Người đầu tiên đưa ra
định nghĩa mới về văn hóa là E.B. Tylor (18321917), nhà nhân loại học đầu tiên của nước Anh.

Ông nói:“Văn hóa là một tổng thể phức tạp, bao
gồm tri thức, tín ngưỡng, nghệ thuật, đạo đức,
luật pháp, tập quán và cả những năng lực, thói
quen khác mà con người chiếm lĩnh được với tư
cáchmột thành viên của xã hội” (Tylor, 1871, tr.1).
Sau Tylor, rất nhiều học giả khác cũng đã đưa
ra định nghĩa về văn hóa tùy theo lĩnh vực nghiên
cứu, góc độ đề cập và quan điểm của họ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, danh nhân văn hóa thế
giới thì cho rằng:“Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích
của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát
minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật,

khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những
công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặt ăn, ở và các
phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và
phát minh đó tức là văn hóa” (Hồ Chí Minh, 1995).
Nhà văn hóa học Việt Nam, Trần Ngọc Thêm
(2004) cho rằng: “Văn hóa là một hệ thống hữu cơ
các giá trị vật chất và tinh thần do con nguời sáng
tạo và tích lũy trong quá trình hoạt động thực tiễn,
trong sự tương tác giữa con người với môi trường
tự nhiên và xã hội của mình”.
UNESCO (2002) đã đưa ra định nghĩa về
văn hóa như sau: “Văn hóa nên được đề cập đến
như là một tập hợp của những đặc trưng về tâm
hồn, vật chất, tri thức và xúc cảm của một xã hội
hay một nhóm người trong xã hội và nó chứa
đựng, ngoài văn học và nghệ thuật, cả cách sống,
phương thức chung sống, hệ thống giá trị, truyền

thống và đức tin”.
Nhìn chung, các định nghĩa về văn hóa hiện
nay rất đa dạng. Mỗi định nghĩa đề cập đến những
dạng thức hoặc những lĩnh vực khác nhau trong
văn hóa. Tuy nhiên, đa số các học giả đều cho
rằng: “Văn hóa là tổng thể những giá trị vật chất
và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá
trình lịch sử”.
Chúng tôi dựa trên các định nghĩa đã nêu trên
để xác định cho mình một khái niệm văn hóa phù
hợp với nội dung nghiên cứu có liên quan đến ngôn
ngữ và giao tiếp: Văn hóa được hiểu là những giá
trị biểu hiện như trang phục, ngôn ngữ, ẩm thực…
và những giá trị ẩn như niềm tin, chuẩn mực đạo
đức, tư duy và thái độ của một cộng đồng trong xã
hội mà ở đó, các yếu tố giao thoa văn hóa chủ yếu
nằm trong những khía cạnh ẩn, trừu tượng, tạo ra
rào cản trong giao tiếp.
3. MỐI QUAN HỆ GIỮA NGÔN NGỮ VÀ
VĂN HÓA
Từ định nghĩa trên về văn hóa, chúng ta có
thể khẳng định mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn
hóa là “vô cùng chặt chẽ, tới mức mà ta không thể
hiểu và đánh giá đúng được cái này nếu không có
KHOA HỌC NGOẠI NGỮ QUÂN SỰ

Số 13 - 5/2018

65



v PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY
kiến thức về cái kia” (Sapir, 1991). Theo Brown
(1996), ngôn ngữ là một phần của văn hóa và văn
hóa là một phần của ngôn ngữ, cả hai đan xen nhau
để cái nọ không tách khỏi cái kia mà không mất đi
ý nghĩa của ngôn ngữ hay văn hóa.
Emmit & Pollock (1997) có cùng quan điểm
khi cho rằng, ngôn ngữ có nguồn gốc từ văn hóa
và văn hóa được phản ánh và được chuyển tải bởi
ngôn ngữ từ thế hệ này sang thế hệ khác. Allwringht
Baily (1991) cho rằng, học một ngoại ngữ mới
liên quan đến học một nền văn hóa mới. Và kết
quả là: “Giảng viên ngoại ngữ cũng là giảng viên
văn hóa” (Byram, 1992). Có thể nói, mối quan hệ
giữa ngôn ngữ và văn hóa là mối quan hệ có tính
tương tác qua lại, tác động hỗ trợ lẫn nhau để cùng
phát triển. Nói cách khác, ngôn ngữ là phương tiện
chuyển tải mọi kiến thức, trong ý nghĩa đó ngôn
ngữ là một phần của văn hóa và tư duy.
Theo quan điểm của Wenying (1989), ngôn
ngữ và văn hóa được chuyển tải thông qua các ẩn
dụ sau:
- Từ quan điểm triết học:
Ngôn ngữ   +   Văn hóa => Cơ thể sống
Thịt                  Máu
Ngôn ngữ và văn hóa tạo thành cơ thể sống:
ngôn ngữ là thịt và văn hóa là máu. Không có văn
hóa, ngôn ngữ sẽ chết, không có ngôn ngữ, văn
hóa sẽ không được hình thành

- Từ quan điểm giao tiếp:
Ngôn ngữ  + Văn hóa => Bơi (giao tiếp)
Kỹ năng bơi     Nước
Giao tiếp là bơi, ngôn ngữ là kỹ năng bơi và
văn hóa là nước. Không có giao tiếp ngôn ngữ thì
vẫn tồn tại một lượng nước nhỏ; không có văn hóa,
sẽ không có giao tiếp. 
- Từ quan điểm ngữ dụng:
Ngôn ngữ + Văn hóa => Giao thông (giao tiếp)
Phương tiện   Đèn giao thông

66

KHOA HỌC NGOẠI NGỮ QUÂN SỰ

Số 13 - 5/2018

Giao tiếp giống như giao thông: ngôn ngữ là
phương tiện và văn hóa là đèn giao thông. Ngôn
ngữ làm cho văn hóa dễ dàng hơn và nhanh hơn,
văn hóa đôi khi thúc đẩy và đôi khi cản trở giao tiếp.
Tóm lại, ngôn ngữ và văn hóa là mối quan hệ
có tính phản ánh, văn hóa là nội dung và ngôn ngữ
là phương tiện để mô phỏng nội dung đó. Từ quan
điểm trên, có thể nhận thấy  tầm quan trọng của
kiến thức văn hóa trong giao tiếp là không thể phủ
nhận. Giảng viên ngôn ngữ nên áp dụng phương
pháp giao tiếp trong quá trình dạy và học, đồng
thời bổ sung các tài liệu dạy có yếu tố văn hóa để
cung cấp cho học viên những thông tin về ngôn

ngữ xã hội.
4. SỰ CẦN THIẾT ĐƯA KIẾN THỨC VĂN
HÓA VÀO CÁC GIỜ DẠY NGOẠI NGỮ
Có thể nói rằng, việc học ngoại ngữ bao gồm
nhiều yếu tố như hiểu biết ngữ pháp, năng lực giao
tiếp, cũng như thái độ và nhận thức đối với văn
hóa bản ngữ và văn hóa nước ngoài. Do đó, trong
những năm gần đây, nhiều giảng viên ngoại ngữ
đã nhận thức về tầm quan trọng của các yếu tố văn
hóa, giao văn hóa trong giảng dạy ngôn ngữ.
Về vấn đề này, nhà nghiên cứu Seelye (1993)
đã khẳng định: “Khi bạn có sinh viên để dạy, hãy
dạy họ về văn hóa”. Còn Kramsch (1993) đã nhấn
mạnh trong nghiên cứu của mình rằng: “Văn hóa
không phải là một kỹ năng thứ 5 trong giảng dạy
ngôn ngữ, gắn liền với nghe, nói, đọc, viết. Đó là
nền tảng để chỉ ra sự giới hạn trong năng lực giao
tiếp, thách thức khả năng của học viên, sinh viên
và chỉ ra cho họ thấy ý nghĩa của thế giới”.
Bên cạnh đó, thực tế đã chỉ ra rằng kỹ năng
giao tiếp bằng ngoại ngữ không chỉ đòi hỏi khả
năng sử dụng ngôn ngữ thành thạo, đặc biệt trong
nghe-nói, mà còn yêu cầu vốn sống, sự hiểu biết
nhất định về đặc thù văn hóa.
Quá trình giao tiếp bao gồm hai yếu tố: truyền
thông tin và phân tích thông tin. Để truyền thông
tin, con người sử dụng ngôn ngữ với nhiều ký hiệu
khác nhau. Tuy nhiên, để phân tích thông tin, ta



PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY v

cần giải mã các ký hiệu đó để đạt mục đích cuối
cùng là hiểu thông tin theo đúng nghĩa nó được
truyền đi. Cả hai quá trình này đều liên quan đến
văn hóa. Khi người nghe không hiểu văn hóa của
người nói thì người nghe sẽ giải mã thông tin theo
văn hóa của chính mình. Nếu nội dung thông tin ở
hai nền văn hóa khác nhau, được hiểu khác nhau,
quá trình giao tiếp coi như thất bại. Ví dụ, trong
văn hóa Pháp, khi một người đàn ông gặp một
người phụ nữ, anh ta sẽ chào “Bonjour” và ôm hôn
vào má của người phụ nữ đó, nhưng trong văn hóa
Việt Nam, nếu người đàn ông ôm hôn một người
phụ nữ ở chốn đông người thì anh ta sẽ bị cho là
khiếm nhã, bất lịch sự… Hay khi làm quen, người
Việt Nam có thể hỏi “Bạn bao nhiêu tuổi?”, “Bạn
có gia đình chưa?”... nhưng với người Pháp và
người phương Tây, đây lại là những câu hỏi mang
tính chất riêng tư và nên tránh sử dụng trong quá
trình giao tiếp.
Từ những lý do trên, có thể khẳng định rằng,
học viên, sinh viên ngoại ngữ nhất thiết phải được
học về văn hóa và giao văn hóa. Đối với học viên,
sinh viên tiếng Pháp, hiểu biết về văn hóa Pháp sẽ
giúp họ hứng thú hơn trong quá trình học môn tiếng
Pháp, từ đó hiệu suất học tập sẽ tốt hơn; đồng thời
nâng cao năng lực giao tiếp, tránh được những “cú
sốc văn hóa” do thiếu hiểu biết về văn hóa gây ra.
5. THỰC TRẠNG GIẢNG DẠY KIẾN

THỨC VĂN HÓA TRONG CÁC GIỜ TIẾNG
PHÁP (NGOẠI NGỮ 2) TẠI HỌC VIỆN
KHOA HỌC QUÂN SỰ
5.1. Chương trình đào tạo
Môn tiếng Pháp (Ngoại ngữ 2) là môn học
được giảng dạy trong 3 học kỳ (tương ứng với 3
học phần tiếng Pháp: Tiếng Pháp 1, Tiếng Pháp
2, Tiếng Pháp 3) cho học viên, sinh viên chuyên
ngành tiếng Anh và tiếng Trung tại Học viện. Học
viên học theo hình thức niên chế, thời lượng 100
tiết/học phần, tương ứng với 4 đơn vị học trình.
Sinh viên học theo hình thức tín chỉ, thời lượng
125 tiết/học phần, tương ứng với 5 tín chỉ.

Nội dung chương trình môn học được thiết kế
nhằm trang bị cho học viên, sinh viên kiến thức
tiếng Pháp cơ bản, phát triển đồng đều cả bốn kỹ
năng (nghe, nói, đọc, viết), làm cơ sở học tập và
công tác sau này; giúp học viên, sinh viên hình
thành cơ sở ngôn ngữ và các kỹ năng, bước đầu xây
dựng kỹ năng giao tiếp cơ bản. Theo quy định về
chuẩn đầu ra của Học viện Khoa học Quân sự, học
viên, sinh viên sẽ phải đạt bậc 2 theo Khung năng
lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam, tương
đương với trình độ A2 theo Khung tham chiếu
Châu Âu về ngôn ngữ (Cadre Européen commun
de Référence pour les langues - CECRL). Sau khi
kết thúc môn học, đối với môn ngoại ngữ 2 (tiếng
Pháp), học viên, sinh viên phải đảm bảo cả bốn kỹ
năng ở trình độ sơ cấp: Học viên, sinh viên có thể

hiểu được các câu và cấu trúc thường xuyên được
sử dụng liên quan đến nhu cầu giao tiếp hàng ngày,
chẳng hạn như các thông tin về bản thân, gia đình,
đi mua sắm, đặt phòng khách sạn, hỏi đường, việc
làm...; có thể giao tiếp những chủ đề đơn giản, trao
đổi thông tin về những vấn đề quen thuộc như: kể
về các hoạt động trong ngày, kỳ nghỉ, cuộc sống
nông thôn-thành thị, sức khỏe...
5.2. Giáo trình tài liệu
Giáo trình chính đang được sử dụng giảng dạy
tiếng Pháp (Ngoại ngữ 2) hiện nay là giáo trình
Initial 1, 2 kèm đĩa CD và sách bài tập được biên
soạn bởi tác giả Sylvie POISSON-QUINTON và
Marina SALA, nhà xuất bản Clé International,
năm 2001. Mỗi cuốn giáo trình gồm sáu chương,
mỗi chương có bốn bài, cuối chương là phần tổng
kết các kiến thức đã học. Mỗi bài học gồm hai tình
huống giao tiếp thông dụng trong đời sống hàng
ngày; phần kiến thức từ vựng, ngữ pháp và ngữ
âm kết hợp với các hoạt động/bài tập thực hành
trong giáo trình hoặc trong sách bài tập. Bên cạnh
giáo trình chính, tổ bộ môn tiếng Pháp còn biên
soạn các tài liệu bổ trợ như Bài tập từ vựng-ngữ
pháp, Đọc hiểu tiếng Pháp, Viết tiếng Pháp, Nghe
tiếng Pháp giúp học viên, sinh viên có thêm tài liệu
luyện tập từ vựng, ngữ pháp cũng như các kỹ năng
thực hành tiếng. Trên thư viện còn có thêm các
giáo trình như Le Nouveau Taxi 1, 2; Festival 1,
2; Alter Ego 1, 2; Delf A1, A2... Nhìn chung, giáo
KHOA HỌC NGOẠI NGỮ QUÂN SỰ


Số 13 - 5/2018

67


v PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY
trình, tài liệu tiếng Pháp đáp ứng được yêu cầu
giảng dạy tiếng Pháp (Ngoại ngữ 2) tại Học viện.
Tuy nhiên, giáo trình, tài liệu về văn hóa còn rất
hạn chế. Một số giáo trình văn hóa vượt quá khả
năng, trình độ của học viên, sinh viên học ngoại
ngữ 2 nên không hữu ích với học viên, sinh viên.
5.3. Đội ngũ giảng viên
Tổ bộ môn tiếng Pháp trực thuộc Khoa tiếng
Pháp và tiếng các nước khác, hiện có 10 giảng viên
trực tiếp tham gia giảng dạy, trong đó 01 giảng viên
chính có trình độ tiến sĩ và 09 giảng viên có trình
độ thạc sỹ. Đội ngũ giảng viên trong Tổ bộ môn
được đào tạo cơ bản tại các trường Đại học Ngoại
ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Hà Nội;
05 đồng chí đã tham gia các khóa đào tạo tiếng
Pháp và nghiệp vụ sư phạm ngắn hạn tại Cộng hòa
Pháp và Vương quốc Bỉ. Đội ngũ giảng viên đều
có kinh nghiệm giảng dạy tiếng Pháp lâu năm, có
tinh thần trách nhiệm cao, yêu ngành, yêu nghề, có
trình độ chuyên môn vững, năng lực sư phạm tốt,
đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đào tạo của Học viện.
Đặc biệt, tổ tiếng Pháp có 03/10 giảng viên có
trình độ cử nhân Anh văn, các giảng viên còn lại

đều đang theo học lớp tiếng Anh do Học viện tổ
chức, nên trong quá trình giảng dạy cho học viên,
sinh viên chuyên ngành tiếng Anh, các giảng viên
có thể dễ dàng liên hệ, so sánh đối chiếu tiếng
Pháp với tiếng Anh cả về cách phát âm, từ vựng,
ngữ pháp, cấu trúc câu, văn hóa... Đây là một lợi
thế của các giảng viên tiếng Pháp trong quá trình
dạy môn tiếng Pháp (ngoại ngữ 2) nói chung và
cho đối tượng học viên, sinh viên chuyên ngành
tiếng Anh nói riêng.
5.4. Đối tượng học viên, sinh viên
Đối tượng học ngoại ngữ 2 tiếng Pháp là học
viên, sinh viên năm thứ ba, thứ tư chuyên ngành
tiếng Anh và tiếng Trung Quốc tại Học viện Khoa
học Quân sự. Hiện tại, Tổ bộ môn tiếng Pháp Khoa tiếng Pháp và tiếng các nước khác đang thực

68

KHOA HỌC NGOẠI NGỮ QUÂN SỰ

Số 13 - 5/2018

hiện giảng dạy ngoại ngữ 2 cho 07 lớp, tổng sĩ
số 107 học viên, sinh viên trong đó lớp có sĩ số
thấp nhất là 05, cao nhất là 26. Đa số học viên,
sinh viên đều chưa từng học tiếng Pháp trước
đó, nên môn học này hoàn toàn mới mẻ với họ.
Học viên quân sự sống, sinh hoạt và học tập
tập trung trong trường theo chế độ quân nhân. Tuy
nhiên, cơ hội sử dụng máy tính, điện thoại, internet

bị hạn chế nên việc truy cập tìm tài liệu, thông tin
về văn hóa gặp nhiều khó khăn. Học viên, sinh
viên sinh viên sống ngoài doanh trại nên có điều
kiện thuận lợi hơn trong việc tìm kiếm thông tin,
tài liệu phục vụ học tập nói chung và tìm hiểu về
những vấn đề văn hóa nói riêng.
5.5. Những khó khăn của giảng viên, học
viên, sinh viên trong quá trình dạy-học văn hóa
Để tìm hiểu những khó khăn của giảng viên, học
viên, sinh viên trong quá trình dạy-học kiến thức
văn hóa, chúng tôi đã chuẩn bị phiếu điều tra cho
tất cả 10 giảng viên tổ tiếng Pháp và 100 học viên,
sinh viên đang học tiếng Pháp (Ngoại ngữ 2) tại Học
viện. Dưới đây là những khó khăn của giảng viên,
học viên, sinh viên mà chúng tôi đã tổng hợp lại.
5.5.1. Khó khăn của giảng viên
Học viên, sinh viên thiếu kiến thức chung về
văn hóa nói chung và văn hóa Pháp nói riêng
Khó khăn lớn nhất mà giảng viên gặp phải
trong quá trình dạy kiến thức văn hóa là học viên,
sinh viên thiếu kiến thức chung về văn hóa (60%)
và thiếu kiến thức chung về văn hóa Pháp (90%).
Qua thực tế giảng dạy, chúng tôi cũng nhận thấy
kiến thức về văn hóa nói chung và văn hóa Pháp
nói riêng của học viên, sinh viên rất hạn chế. Khi
được hỏi những vấn đề liên quan đến văn hóa Pháp
như: vị trí địa lý nước Pháp, diện tích, dân số, khí
hậu, sông ngòi, các thành phố lớn, một số nhân vật
nổi tiếng của Pháp..., học viên, sinh viên hầu như
không biết gì. Điều này gây khó khăn rất lớn cho

giảng viên trong quá trình giảng dạy văn hóa.


PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY v

Thiếu kiến thức thực tế về văn hóa Pháp
Ở vị trí thứ hai là khó khăn liên quan đến chính
bản thân giảng viên. 50% giảng viên được hỏi tự
nhận mình còn thiếu kiến thức thực tế về văn hóa
Pháp. Điều này có thể lý giải bởi hơn 60% giảng
viên của tổ tiếng Pháp chưa từng được đi thực tế ở
Pháp hoặc ở các nước Pháp ngữ. Những kiến thức
văn hóa mà họ giảng dạy chủ yếu được nghiên cứu
từ sách báo và trên mạng internet. Thêm vào đó,
trong quá trình giảng dạy, đôi lúc giảng viên không
tránh khỏi tâm lý mình đang dạy môn ngoại ngữ
2, không phải là môn chuyên ngành nên chưa tích
cực, chủ động tự học, tự rèn nhằm nâng cao trình
độ chuyên môn; ít tìm tòi, nghiên cứu, đầu tư cho
bài giảng, nhất là tìm tòi, nghiên cứu về các vấn
đề văn hóa.
Thiếu giáo trình, tài liệu về văn hóa
Khó khăn tiếp theo của giảng viên liên quan
đến giáo trình, tài liệu. 40% giảng viên được hỏi
cho rằng, việc thiếu giáo trình, tài liệu về văn hóa
là trở ngại tương đối lớn đối với họ trong quá trình
nghiên cứu, tìm hiểu về văn hóa Pháp. Thực tế,
giáo trình, tài liệu tiếng Pháp ở thư viện của Học
viện chủ yếu là các giáo trình, tài liệu thực hành
tiếng, rất ít giáo trình, tài liệu liên quan đến văn

hóa. Chính vì điều này mà có đến 90% giảng viên
được hỏi có đề xuất bổ sung thêm giáo trình, tài
liệu tiếng Pháp và giáo trình, tài liệu về văn hóa
Pháp vào thư viện Học viện.
Không đưa kiến thức văn hóa vào các bài kiểm
tra học trình và cuối học phần
Đây cũng là một khó khăn đối với giảng viên.
Điều này khiến giảng viên không quan tâm nhiều
đến việc dạy lồng ghép kiến thức văn hóa trong
các giờ ngoại ngữ. Trên thực tế, giảng viên thường
nặng về dạy kiến thức ngôn ngữ. Đa số giảng viên
chỉ cung cấp kiến thức văn hóa khi kiến thức đó
xuất hiện trong giáo trình, tài liệu trong khi đây
lại là một hạn chế của giáo trình Initial và các tài
liệu bổ trợ. Bên cạnh đó, nếu có giới thiệu kiến
thức văn hóa, giảng viên cũng chỉ giới thiệu sơ
lược bằng tiếng Việt, ít có hình ảnh hoặc clip minh

họa, do đó kiến thức văn hóa không sâu, không tạo
được ấn tượng sâu sắc với học viên, sinh viên.
5.5.2. Khó khăn của học viên, sinh viên
Thiếu kiến thức ngôn ngữ
Trong số những khó khăn của học viên, sinh
viên đã được điều tra, thống kê, đứng đầu là khó
khăn về thiếu kiến thức ngôn ngữ (81%). Thật vậy,
học viên, sinh viên đều là những học viên, sinh
viên năm thứ 3, thứ 4 mới học tiếng Pháp chưa lâu
nên lượng từ vựng của học viên, sinh viên có rất
ít, học viên, sinh viên không thể tự mình nghiên
cứu, tìm hiểu các vấn đề văn hóa Pháp nếu không

có sự trợ giúp từ phía giảng viên. Bên cạnh đó, các
chủ đề trong giáo trình chính Initial 1, 2 đang được
giảng dạy chủ yếu là những chủ đề giao tiếp hàng
ngày, ít đề cập đến những vấn đề văn hóa. Do đó,
học viên, sinh viên đang bị thiếu hụt một lượng
lớn kiến thức và từ vựng liên quan đến mảng văn
hóa Pháp.
Thiếu kiến thức chung về văn hóa và thiếu kiến
thức về văn hóa Pháp
Đây là những khó khăn tiếp theo của học viên,
sinh viên với tỷ lệ phần trăm tương ứng là 44% và
65%. Tỷ lệ này tương đối phù hợp với tỷ lệ của
giảng viên khi đưa ra khó khăn là học viên, sinh
viên thiếu kiến thức văn hóa chung và thiếu kiến
thức văn hóa Pháp. Việc thiếu kiến thức văn hóa này
gây trở ngại lớn cho học viên, sinh viên trong quá
trình tìm hiểu các thông tin liên quan đến đất nước,
con người và văn hóa Pháp. Với học viên, sinh viên
học viên, cuộc sống, sinh hoạt hầu như diễn ra trong
doanh trại quân đội, ít có điều kiện tiếp xúc với bên
ngoài thì những hiểu biết của học viên, sinh viên
về văn hóa chung và văn hóa Pháp càng hạn chế.
Kiến thức văn hóa chưa được đưa vào kiểm
tra, đánh giá
Đứng thứ tư trong danh sách những khó khăn
của học viên, sinh viên với 44% lựa chọn là Kiến
thức văn hóa chưa được đưa vào kiểm tra, đánh
giá. Tỷ lệ này cũng tương đương với đánh giá của
KHOA HỌC NGOẠI NGỮ QUÂN SỰ


Số 13 - 5/2018

69


v PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY
giảng viên về nội dung này (50%). Thông thường,
với học viên, sinh viên, khi giảng viên không đưa
một nội dung nào đó vào kiểm tra đánh giá thì họ
cũng sẽ không quan tâm, không coi trọng nội dung
đó. Điều này lý giải tại sao tỷ lệ thiếu kiến thức
văn hóa chung và văn hóa Pháp ở học viên, sinh
viên cao như chúng ta vừa phân tích ở trên.
Thiếu tài liệu tham khảo liên quan đến văn hóa
Một khó khăn nữa của học viên, sinh viên với
tỷ lệ lựa chọn tương đối cao (42%) là khó khăn
về thiếu tài liệu tham khảo liên quan đến văn hóa.
Như đã nói ở trên, giáo trình, tài liệu tiếng Pháp
trong thư viện chủ yếu là giáo trình, tài liệu thực
hành tiếng, rất ít giáo trình, tài liệu liên quan đến
văn hóa để học viên, sinh viên có thể nghiên cứu.
Một số giáo trình, tài liệu văn hóa vượt quá trình
độ ngôn ngữ của học viên, sinh viên ngoại ngữ 2
nên không hữu ích đối với các em. Do đó, bổ sung
thêm vào thư viện những giáo trình, tài liệu về văn
hóa phù hợp với đối tượng học tiếng Pháp (Ngoại
ngữ 2) là hết sức cần thiết.
6. MỘT VÀI GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG
CAO CHẤT LƯỢNG DẠY-HỌC TIẾNG
PHÁP (NGOẠI NGỮ 2) THÔNG QUA GIẢNG

DẠY KIẾN THỨC VĂN HÓA
Xuất phát từ thực trạng và khó khăn của giảng
viên, học viên, sinh viên về dạy-học kiến thức văn
hóa trong quá trình dạy-học ngoại ngữ, chúng tôi
xin được đề xuất một vài giải pháp nhằm nâng cao
chất lượng dạy-học tiếng Pháp tại Học viện thông
qua giảng dạy kiến thức văn hóa.
6.1. Tăng cường dạy lồng ghép kiến thức
văn hóa trong các giờ tiếng Pháp
Như đã nói ở trên, văn hóa và ngôn ngữ là 2
yếu tố không thể tách rời và dạy một ngôn ngữ
không thể tách rời dạy văn hóa của đất nước sử
dụng ngôn ngữ đó. Việc dạy văn hóa giúp học viên,
sinh viên cải thiện năng lực giao tiếp và tránh được
những cú sốc do thiếu hiểu biết về văn hóa gây ra.
Đối với học viên, sinh viên tiếng Pháp (Ngoại ngữ
2) tại Học viện Khoa học Quân sự, qua điều tra,

70

KHOA HỌC NGOẠI NGỮ QUÂN SỰ

Số 13 - 5/2018

tỷ lệ thiếu kiến thức về văn hóa chung và văn hóa
Pháp là khá cao (65% và 44%). Điều đó đặt ra yêu
cầu cần phải tăng cường dạy lồng ghép kiến thức
văn hóa trong các giờ ngoại ngữ. Dưới đây, chúng
tôi đề xuất một số nội dung văn hóa bám sát theo
nội dung kiến thức trong giáo trình chính Initial

1, 2 mà học viên, sinh viên đang học, đồng thời
đề xuất một vài phương pháp, hoạt động dạy lồng
ghép kiến thức văn hóa.
6.1.1. Nội dung văn hóa
Khi đề xuất nội dung kiến thức văn hóa, chúng
tôi dựa theo những tiêu chí sau: Nội dung kiến
thức văn hóa phải bám sát mục tiêu đào tạo, chuẩn
đầu ra của Học viện đối với học viên, sinh viên
học ngoại ngữ 2 và gắn với chương trình học theo
giáo trình chính Initial 1, 2. Nội dung giảng dạy
cần được lồng ghép trong các bài thực hành tiếng
tổng hợp cũng như các tiết rèn luyện, phát triển kỹ
năng ngôn ngữ với thời lượng, dung lượng kiến
thức phù hợp. Nội dung giảng dạy phải rõ ràng,
ngắn gọn, thiết thực, mang tính thời sự, phù hợp
với trình độ và nhu cầu của người học.
Liên quan đến nội dung văn hóa được đưa vào
giảng dạy lồng ghép cho đối tượng học tiếng Pháp
(Ngoại ngữ 2), chúng tôi đề xuất 15 nội dung tương
ứng với 3 học phần tiếng Pháp, mỗi học phần gồm
5 nội dung như sau:
- Học phần 1:
+ Giới thiệu tổng quan nước Pháp (vị trí địa
lý, diện tích, dân số, sông ngòi, khí hậu, các thành
phố lớn…)
+ Văn hóa chào hỏi của người Pháp
+ Ngôn ngữ cử chỉ của người Pháp
+ Một số nhân vật nổi tiếng ở Pháp
+ Một số thành phố lớn ở Pháp
- Học phần 2:

+ Văn hóa ẩm thực
+ Văn hóa mua sắm
+ Du lịch
+ Giao thông ở Pháp
+ Đặt phòng ở khách sạn


PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY v

- Học phần 3:
+ Lễ hội Pháp
+ Cuộc sống hôn nhân và gia đình
+ Phương tiện truyền thông của Pháp
+ Hệ thống giáo dục của Pháp
+ Liên minh Châu Âu và cộng đồng Pháp ngữ.
6.1.2. Phương pháp và hoạt động dạy lồng
ghép kiến thức văn hóa
Vận dụng linh hoạt các phương pháp giảng
dạy kiến thức văn hóa
Mỗi phương pháp dạy học đều có những ưu
điểm và hạn chế nhất định. Vì thế, căn cứ vào mục
tiêu, yêu cầu, nội dung bài học, thời gian lên lớp
và đối tượng học viên, sinh viên mà giảng viên
lựa chọn, kết hợp các phương pháp giảng dạy cho
phù hợp. Đối với các nội dung văn hóa, giảng viên
có thể kết hợp phương pháp nghe-nhìn, nghenói; phương pháp thuyết trình với sử dụng các
phương tiện hỗ trợ bài giảng như hình ảnh, video,
powerpoint…; phương pháp liên văn hóa, giao văn
hóa để tạo sự hào hứng, phấn khởi cho học viên,
sinh viên, giúp học viên, sinh viên tiếp thu bài dễ

dàng và ghi nhớ nội dung kiến thức sâu hơn.
Đa dạng hóa các hoạt động giảng dạy văn hóa
Song song với sử dụng linh hoạt các phương
pháp giảng dạy, giảng viên còn cần lồng ghép, đa
dạng hóa các hoạt động giảng dạy văn hóa, chúng
tôi đề xuất một số các hoạt động sau:
+ Thuyết trình
Với hoạt động này, giảng viên có thể cung
cấp trước cho học viên, sinh viên các chủ đề
văn hóa, yêu cầu họ tìm tài liệu liên quan đến
chủ đề rồi thuyết trình trước lớp. Chẳng hạn,
giảng viên có thể yêu cầu tìm các tài liệu về
biểu tượng của nước Pháp hoặc các nhân vật
nổi tiếng ở Pháp... Trong quá trình thuyết trình,
học viên, sinh viên có thể sử dụng phương tiện
như máy tính, tivi để hỗ trợ thêm cho bài thuyết

trình của mình. Hoạt động này giúp nâng cao ý
thức tự học của học viên, sinh viên và khuyến
khích họ tìm tòi kiến thức văn hóa thông qua các
phương tiện thông như sách, báo, internet…
+ Thảo luận
Giảng viên nên thường xuyên tổ chức các buổi
thảo luận xung quanh các chủ đề văn hóa Pháp
được đề cập đến trong thực hành giao tiếp tiếng
Pháp để giúp học viên, sinh viên nắm bắt các khác
biệt giữa hai nền văn hóa, và xa hơn, giúp họ tránh
được các cú sốc văn hóa trong quá trình tiếp xúc
với nền văn hóa đích này. Ví dụ như sau khi học
xong một bài liên quan đến hôn nhân và gia đình

của người Pháp, giảng viên có thể đưa ra các yêu
cầu đối với học viên, sinh viên như:”Bạn suy nghĩ
như thế nào về hôn nhân và gia đình trong xã hội
Việt Nam hiện nay?”,
+ Câu đố
Đây là cách để trắc nghiệm khả năng ghi nhớ,
tiếp nhận thông tin của sinh viên về các vấn đề mới
trong bài học. Sinh có thể chỉ phỏng đoán đáp án,
dựa trên hiểu biết của bản thân. Câu trả lời đúng
có thể được giảng viên cung cấp thông qua đoạn
băng, hình ảnh… Có thể thấy, đây là phương pháp
mang tính trực quan cao, có khả năng kích thích
học viên, sinh viên, tạo hiệu quả tốt.
+ Bài hát
Một bài hát không những truyền tải được nội
dung ngôn ngữ mà còn thể hiện được nét đặc trưng
văn hóa của một dân tộc. Vì thế, dạy lồng ghép
các bài hát trong quá trình dạy ngôn ngữ, qua đó
truyền đạt kiến thức văn hóa là một hoạt động rất
được khuyến khích trong dạy ngoại ngữ. Khi dạy
một bài hát, giảng viên có thể giới thiệu về hoàn
cảnh ra đời của bài hát, nhạc sĩ, ca sĩ thể hiện bài
hát, thông điệp được truyền tải qua bài hát… Đây
chính là kiến thức văn hóa mà bài hát mang lại.
Ngoài ra, học bài hát còn giúp không khí lớp học
nhẹ nhàng, thoải mái; học viên, sinh viên hứng
khởi, tích cực tham gia vào bài.
KHOA HỌC NGOẠI NGỮ QUÂN SỰ

Số 13 - 5/2018


71


v PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY
6.2. Tăng cường thêm giáo trình, tài liệu về
văn hóa
Giáo trình, tài liệu giảng dạy là những yếu tố
ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng dạy học ngoại
ngữ nói chung và dạy học kiến thức văn hóa nói
riêng. Vì vậy, cần tăng cường thêm giáo trình, tài
liệu tiếng Pháp cũng như giáo trình, tài liệu về văn
hóa Pháp vào thư viện nhằm đáp ứng nhu cầu dạyhọc của giảng viên, học viên, sinh viên.
Giáo trình, tài liệu có thể được tăng cường bằng
2 cách: Thứ nhất là các giảng viên trong tổ biên
soạn giáo trình, tài liệu, chuyên đề liên quan đến
văn hóa. Thứ hai là thẩm định, đưa vào sử dụng
những giáo trình văn hóa, văn minh do người bản
ngữ biên soạn. Giáo trình, tài liệu cần bám sát nội
dung, chương trình đào tạo, khắc phục những hạn
chế của giáo trình Iitial 1, 2 đang được sử dụng và
phải phù hợp với đối tượng học viên, sinh viên.
6.3. Đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh
giá: Đưa kiến thức văn hóa vào quá trình kiểm
tra học trình và cuối học phần
Để nâng cao chất lượng dạy-học kiến thức văn
hóa, góp phần nâng cao chất lượng dạy-học môn
tiếng Pháp, giảng viên cần đưa kiến thức văn hóa
vào quá trình kiểm tra học trình và cuối học phần.
Nội dung kiểm tra, đánh giá kiến thức văn hóa

chiếm 5% đến 10% tổng số nội dung được kiểm
tra, đánh giá. Hình thức kiểm tra đánh giá có thể
được đa dạng hóa bằng các bài tập trắc nghiệm
đúng/sai, câu hỏi đa lựa chọn, câu hỏi đóng, câu
hỏi mở về kiến thức văn hóa.
Kiểm tra, đánh giá được thực hiện thường
xuyên, liên tục và toàn diện trong suốt quá trình
dạy học sẽ đảm bảo tính khách quan, chính xác,
giúp học viên, sinh viên tích cực, chủ động hơn
trong học tập.
7. KẾT LUẬN
Học viên, sinh viên ngoại ngữ chỉ có thể giao
tiếp thành công nếu nắm vững kiến thức văn hóa
của đất nước sử dụng ngôn ngữ đó. Vì thế, giảng

72

KHOA HỌC NGOẠI NGỮ QUÂN SỰ

Số 13 - 5/2018

dạy ngôn ngữ không thể tách rời giảng dạy kiến
thức văn hóa. Đối với môn tiếng Pháp cũng vậy,
trong quá trình giảng dạy, giảng viên cần chú trọng
đến việc truyền tải các kiến thức văn hóa Pháp cho
học viên, sinh viên, giúp họ làm quen, hiểu được
và thích ứng dần với các thực tế văn hóa, xa hơn là
hành động và ứng xử hiệu quả, thành công trong
cộng đồng Pháp ngữ. Để làm được điều đó, cần
tăng cường giảng dạy kiến thức văn hóa Pháp, bổ

sung thêm giáo trình, tài liệu về văn hóa vào thư
viện giúp người dạy, học viên, sinh viên dễ dàng
và thuận lợi nghiên cứu, tìm hiểu về văn hóa Pháp,
đồng thời đưa kiến thức văn hóa vào quá trình
kiểm tra, đánh giá. Chúng tôi hy vọng những giải
pháp này sẽ hữu ích với cả giảng viên và học viên,
sinh viên trong quá trình dạy-học tiếng Pháp nói
chung và kiến thức văn hóa Pháp nói riêng./.
Tài liệu tham khảo:
1.  Hồ Chí Minh (1995), Toàn tập, NXB Chính
trị quốc gia, Hà Nội.
2. Trần Ngọc Thêm (2004), Tìm về bản sắc văn
hóa Việt Nam, NXB Tổng hợp, TP Hồ Chí Minh.
3. Emmit, M. & Pollock, J. (1990), Language
and Learning, Oxford University Press, Oxford.
4. Sapir, E. (1991), Language, Harcourt,
NewYork.
5. Byram M. (1992), Culture et éducation en
langue étrangère, Hatier/Didier, Paris.
6. Poisson-Quinton S., Sala M, (2001), Initial
1, CLE international, Paris.
7. Poisson-Quinton S., Sala M, (2001), Initial
2, CLE international, Paris.
8. Steele R. (2001), Civilisation progressive
du français (Niveau intermédiaire), CLE
international, Paris.
9. Zarate G. (1986), Enseignement une culture
étrangère, Collection F, Hachette, Paris.



PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY v

SUGGESTED SOLUTIONS OF TEACHING CULTURAL KNOWLEDGE TO IMPROVE
THE QUALITY OF TEACHING AND LEARNING FRENCH AS THE SECOND FOREIGN
LANGUAGE AT MILITARY SCIENCE ACADEMY

NGUYEN THANH HA
Abstract: Culture and language are two inseparable elements. The culture is the environment in
which language is used according to the general rules of behavior of a language community. Language
is an important element of culture, a tool for recording and expressing culture. In other words, the
language holds in it a lot of cultural knowledge of that language community. Therefore, in teaching
language, teaching culture must be emphasized. On the basis of the current situation of teaching
cultural knowledge in the French teaching process, the article focuses on proposing some solutions
to improve the quality of teaching and learning French at the Military Science Academy through
teaching cultural knowledge.
Keywords: language, culture, teaching culture, teaching language
Received: 22/4/2018; Revised: 20/5/2018; Accepted for publication: 22/5/2018

KHOA HỌC NGOẠI NGỮ QUÂN SỰ

Số 13 - 5/2018

73



×