JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE
Social Sci., 2016, Vol. 61, No. 10, pp. 134-140
This paper is available online at
DOI: 10.18173/2354-1067.2016-0095
BÀN VỀ VẤN ĐỀ ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ PHÁT TRIỂN
KHU KINH TẾ VEN BIỂN Ở VIỆT NAM
Ngô Thúy Quỳnh
Khoa Quản lí Nhà nước về Đô thị - Nông thôn, Học viện Hành chính Quốc gia
Tóm tắt. Vấn đề đánh giá hiệu quả phát triển khu kinh tế ven biển đang là một đòi hỏi cấp
bách. Cho tới nay ở Việt Nam chưa có công trình nào nghiên cứu thỏa đáng về vấn đề đánh
giá hiệu quả phát triển khu kinh tế ven biển. Mục đích của bài báo là đề xuất quan niệm
về hiệu quả phát triển khu kinh tế ven biển; kiến nghị bộ chỉ tiêu (hay hệ thống chỉ tiêu)
và vận dụng bộ chỉ tiêu đó để đánh giá hiệu quả phát triển khu kinh tế ven biển trong điều
kiện Việt Nam.
Từ khóa: Khu kinh tế, hình thức tổ chức lãnh thổ kinh tế, hiệu quả phát triển, chỉ tiêu đánh
giá hiệu quả phát triển khu kinh tế ven biển.
1.
Mở đầu
Ngay từ năm 2004, Chính phủ Việt Nam đã triển khai chủ trương phát triển khu kinh tế ven
biển (bằng việc thí nghiệm phát triển khu kinh tế Chu Lai ở tỉnh Quảng Nam) nhưng mãi đến năm
2008 Thủ tướng chính phủ mới ra Quyết định phê duyệt dự án quy hoạch phát triển khu kinh tế
ven biển đến 2020. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư [1], đến tháng 8 năm 2015 ở Việt
Nam đã có 15 khu kinh tế ven biển. Tuy thế, cho đến nay việc đánh giá hiệu quả phát triển khu
kinh tế ven biển vẫn chưa được tiến hành ở cả cấp quốc gia và cấp địa phương. Khi đánh giá hiệu
quả phát triển khu kinh tế ven biển đang còn gặp nhiều vướng mắc cả về mặt lí thuyết và thực tiễn.
Trong đó, đặc biệt là hiểu biết về hiệu quả phát triển khu kinh tế ven biển chưa rõ và các chỉ tiêu
đánh giá cũng chưa được nghiên cứu. Trước tình hình ấy, tác giả xin trình bày ý tưởng của mình về
hiệu quả phát triển khu kinh tế ven biển và đề xuất hệ thống chỉ tiêu đánh giá hiệu quả phát triển
khu kinh tế ven biển trong điều kiện Việt Nam.
2.
2.1.
Nội dung nghiên cứu
Tình hình nghiên cứu về hiệu quả phát triển khu kinh tế ven biển ở Việt
Nam
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt số
1353/QĐ-TTg (23/9/2008) [4] phê duyệt quy hoạch phát triển khu kinh tế ven biển đến 2020 và
theo đó đến năm 2020 sẽ có 15 khu. Đến năm 2015 Việt Nam đã có 15 khu kinh tế ven biển. Qua
Ngày nhận bài: 15/5/2016. Ngày nhận đăng: 20/9/2016
Liên hệ: Ngô Thúy Quỳnh, e-mail:
134
Bàn về vấn đề đánh giá hiệu quả phát triển khu kinh tế ven biển ở Việt Nam
8 năm phát triển khu kinh tế ven biển nhưng Việt Nam chưa có những đánh giá, tổng kết cần thiết.
Khi bàn về hiệu quả phát triển khu kinh tế ven biển đang còn dừng lại ở các nhận xét định tính và
đang có nhiều ý kiến khác nhau, cụ thể là:
- Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, chủ trương phát triển khu kinh tế ven biển là đúng đắn và
đã đem lại nhiều kết quả quan trọng, rõ nhất là đã thu hút được hàng chục tỉ đô la Mỹ vốn đầu tư
nước ngoài và tạo ra khoảng gần 1 triệu chỗ làm việc cho người lao động. . . nhưng chưa nói gì
hoặc có nói thì cũng rất ít và chung chung đến mặt chưa được.
- Loại ý kiến thứ hai, lại cho rằng tuy chủ trương phát triển khu kinh tế ven biển của Nhà
nước là đúng và việc phát triển khu kinh tế ven biển tuy đạt được một số kết quả nhất định như
thu hút được khối lượng đáng kể vốn đầu tư nước ngoài, tạo ra nhiều việc làm, đóng góp tương đối
khá cho ngân sách nhà nước, góp phần tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu nhưng chưa thu hút được
những Tập đoàn kinh tế xuyên quốc gia có sức mạnh tài chính và công nghệ của thế giới và hệ lụy
ô nhiễm môi trường ở nhiều nơi rất nặng nề. Hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường của việc phát
triển các khu kinh tế ven biển đạt được còn thấp; thậm chí họ còn nói rằng càng thu hút nhiều vốn
đầu tư trực tiếp nước ngoài càng gây thiệt hại cho nền kinh tế quuốc dân và càng có nguy cơ trở
thành nước chỉ có công nghiệp công nghệ trung bình hoặc thấp. . .
Tại sao lại có sự đánh giá khác nhau như vậy? Tác giả cho rằng, nguyên nhân chính là việc
đánh giá hiệu quả phát triển khu kinh tế ven biển của cả hai loại ý kiến vừa nêu chưa dựa trên
những chỉ tiêu chuẩn mực.
2.2.
Quan điểm và kiến nghị của tác giả về hiệu quả phát triển khu kinh tế ven
biển
Có câu hỏi lớn đặt ra là, hiểu thế nào về hiệu quả phát triển khu kinh tế ven biển; bộ chỉ tiêu
đánh giá hiệu quả phát triển khu kinh tế ven biển là gì? Để góp phần làm rõ những câu hỏi đó, tác
giả bài báo xin trình bày một cách khái quát hai vấn đề cơ bản dưới đây:
2.2.1. Hiệu quả phát triển khu kinh tế ven biển: quan niệm mới và một việc phải làm
Hiệu quả phát triển khu kinh tế ven biển là tiêu chí quan trọng để đánh giá việc phát triển
các khu kinh tế ven biển. Nó phản ánh tác động tích cực (đóng góp cho sự phát triển chung) hay
tiêu cực (gây tác hại cho sự phát triển chung) từ việc phát triển khu kinh tế ven biển tới sự phát
triển của nền kinh tế quốc dân. Hiệu quả phát triển khu kinh tế ven biển thể hiện trên hai phương
diện chủ yếu: a). Hiệu quả của bản thân khu kinh tế ven biển và b). Đóng góp của khu kinh tế ven
biển cho sự phát triển chung của cả nền kinh tế. Theo nguyên tắc chung của hiệu quả phát triển đã
được học giả Ngô Doãn Vịnh đề cập [5], tác giả cho rằng, hiệu quả phát triển khu kinh tế ven biển
thể hiện ở ba khía cạnh: hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội và hiệu quả môi trường. Trong đó, hiệu
quả kinh tế có ý nghĩa quyết định. Nếu không có hiệu quả kinh tế thì chẳng thể có hiệu quả xã hội
và chẳng thể có hiệu quả môi trường. Có hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường thì sẽ có phát triển
bền vững.
Việc đánh giá hiệu quả phát triển khu kinh tế ven biển là đòi hỏi cấp bách để chúng ta kịp
thời điều chỉnh chủ trương phát triển và tìm cách làm mới cho các khu kinh tế ven biển trở nên
có tác dụng lớn hơn đối với sự phát triển của nền kinh tế cả nước cũng như của các địa phương.
Tác giả cho rằng, hàng năm hoặc hai năm, ba năm, năm năm cần tiến hành đánh giá hiệu quả phát
triển các khu kinh tế ven biển và công khai kết quả đánh giá đó để giúp xã hội có chung nhận thức
và đánh giá đúng đắn về tác dụng của các khu kinh tế ven biển. Việc đánh giá hiệu quả phát triển
các khu kinh tế ven biển phải hết sức khách quan và có căn cứ khoa học. Muốn vậy phải có bộ chỉ
135
Ngô Thúy Quỳnh
tiêu phù hợp.
2.2.2. Xác định bộ chỉ tiêu đánh giá hiệu quả phát triển khu kinh tế ven biển ở Việt Nam
a) Quan niệm về bộ chỉ tiêu
- Bộ chỉ tiêu đánh giá hiệu quả phát triển khu kinh tế ven biển sẽ bao gồm một số chỉ tiêu,
mỗi chỉ tiêu phản ánh từng mặt hiệu quả để cùng nhau phản ánh tương đối đầy đủ, toàn diện, hết
sức bản chất về hiệu quả tổng hợp phát triển khu kinh tế ven biển ở Việt Nam.
- Các chỉ tiêu phải tính toán được trên cở sở số liệu có thể thu thập; tức là chúng phải có
tính khả thi.
- Các chỉ tiêu phải tuân thủ nguyên tắc và nội dung của hiệu quả chung đối với sự phát triển
của cả nền kinh tế quốc dân.
b) Xác định bộ chỉ tiêu đánh giá hiệu quả phát triển khu kinh tế ven biển
Tham khảo các chỉ tiêu tính toán hiệu quả của việc tổ chức lãnh thổ kinh tế trên địa bàn
tỉnh Vĩnh Phúc [2] do chính tác giả đề xuất và căn cứ vào hệ thống chỉ tiêu phân tích hiệu quả phát
triển chung đối với nền kinh tế của học giả Ngô Doãn Vịnh [5], tác giả tiến hành xác định bộ chỉ
tiêu để đánh giá hiệu quả phát triển khu kinh tế ven biển ở nước ta. Đó là:
(1) - Nhóm các chỉ tiêu phản ánh hiệu quả trực tiếp của bản thân khu kinh tế ven biển
Gồm 3 chỉ tiêu chính và 2 chỉ tiêu phụ. Đó là:
+ Chỉ tiêu 1: Hiệu suất sử dụng một lao động của khu kinh tế ven biển (nói theo cách khác,
thì đây chính là năng suất lao động của khu kinh tế ven biển; kí hiệu là hL ). Chỉ tiêu này phản ánh
doanh thu hoặc giá trị gia tăng tạo ra bình quân một lao động làm việc trong khu kinh tế ven biển
(tính cho một năm hoặc tính mức trung bình năm của một thời kì) và được tính bằng biểu thức:
hL = D : Lk
Trong biểu thức này:
- D: Doanh thu (hoặc giá trị gia tăng) của khu kinh tế ven biển;
- Lk : Số lao động làm việc trong khu kinh tế ven biển.
+ Chỉ tiêu 2: Giá trị xuất khẩu bình quân một lao động làm việc trong khu kinh tế ven biển
(XL ) và được tính bằng biểu thức:
XL = Xk : Lk
Trong biểu thức này:
- Xk : Tổng giá trị xuất khẩu của khu kinh tế ven biển;
- Lk : Số lao động làm việc trong khu kinh tế ven biển.
XL càng cao càng chứng tỏ khả năng cạnh tranh của khu kinh tế ven biển trên thị trường
quốc tế.
+ Chỉ tiêu 3: Nộp ngân sách nhà nước bình quân một lao động làm việc trong khu kinh tế
ven biển (Nn ) và được tính bằng biểu thức:
Nn = Nk : Lk
Trong biểu thức này:
- Nk : Tổng nộp ngân sách nhà nước của khu kinh tế ven biển;
- Lk : Số lao động làm việc trong khu kinh tế ven biển.
Về lí thuyết nếu trong điều kiện mà chính sách thuế hợp lí, nộp ngân sách càng nhiều càng
136
Bàn về vấn đề đánh giá hiệu quả phát triển khu kinh tế ven biển ở Việt Nam
chứng tỏ khu kinh tế ven biển làm ăn có hiệu quả.
Ngoài ba chỉ tiêu nêu trên, tác giả cho rằng, còn cần phân tích thêm hai chỉ tiêu bổ trợ. Đó
là:
a. Hiệu suất sử dụng điện năng của khu kinh tế ven biển (hd ). Chỉ tiêu này phản ánh doanh
thu (giá trị gia tăng) tính trung bình trên một KWh điện đã tiêu thụ của khu kinh tế ven biển và
được thể hiện bằng biểu thức:
hd = D : Đk
Trong biểu thức này: Đk : Tổng sản lượng điện tiêu thụ của khu kinh tế ven biển (thường
tính bằng KWh); D: Doanh thu hay giá trị gia tăng của khu kinh tế ven biển làm ra.
Nên nhớ, Hd càng lớn càng chứng tỏ hiệu suất sử dụng điện năng càng cao. Tiết kiệm điện
và giảm mức tiêu thụ sẽ làm cho hd tăng.
Hoặc tính theo biểu thức khác: = Đk : D; Biểu thức này cho biết mức tiêu tốn điện năng
(Kwh) để tạo ra một dơn vị doanh thu hoặc một đơn vị giá trị gia tăng của khu kinh tế ven biển.
b. Hiệu suất sử dụng một ha đất mà khu kinh tế ven biển đang chiếm (hoặc chỉ số giá trị gia
tăng của khu kinh tế ven biển làm ra trên một ha diện tích đất đai mà Khu kinh tế đang chiếm, kí
hiệu là hha ).
Chỉ tiêu này phản ánh giá trị gia tăng được tạo ra trên một ha đất của khu kinh tế ven biển
và được tính toán theo biểu thức:
hha = D : Sk
Trong biểu thức trên:
- Sk : Tổng diện tích đất mà khu kinh tế ven biển chiếm giữ.
- D: như đã ghi chú ở trên.
Hai chỉ tiêu này rất quan trọng. Nó cần phân tích vì hiện nay các doanh nghiệp FDI sử dụng
nhiều điện và đất đai. Tuy nhiên, việc tính toán, phân tích theo 2 chỉ tiêu bổ trợ nêu trên là rất khó
vì ở Việt Nam chưa thống kê được hai chỉ tiêu này.
(2)- Nhóm chỉ tiêu phản ánh về đóng góp của khu kinh tế ven biển cho nền kinh tế quốc
dân
Nhóm chỉ tiêu này gồm có 4 chỉ tiêu. Đó là:
+ Chỉ tiêu 1: tỉ lệ đóng góp của khu kinh tế ven biển vào xuất khẩu của nền kinh tế quốc
dân, (kí hiệu là đx ). Chỉ tiêu này phản ánh mức độ đóng góp của khu kinh tế ven biển vào tổng giá
trị xuất khẩu của cả nền kinh tế và được tính bằng biểu thức:
đx = (Xk : Xc )*100 (%)
Trong biểu thức này:
- Xk : Giá trị xuất khẩu của khu kinh tế ven biển.
- Xc : Giá trị xuất khẩu của cả nền kinh tế (của cả nước, hoặc của cả vùng kinh tế lớn hoặc
của cả tỉnh).
Từ biểu thức trên cho thấy, đx càng lớn càng nói lên vai trò tích cực của khu kinh tế ven
biển đối với nền kinh tế Việt Nam; đx càng lớn càng góp phần tăng cường sức cạnh tranh của nền
kinh tế nước ta. Mặt khác, đx còn cho phép tính được tỉ lệ đóng góp vào độ mở của nền kinh tế
quốc dân.
+ Chỉ tiêu 2: tỉ lệ đóng góp của khu kinh tế ven biển vào tạo việc làm của cả nền kinh tế (kí
hiệu là đv ). Chỉ tiêu này phản ánh mức đóng góp của khu kinh tế ven biển vào tổng lao động của
137
Ngô Thúy Quỳnh
cả nền kinh tế và được tính theo biểu thức sau đây:
đv = (Lk : Lc )*100 (%)
Trong biểu thức trên:
- Lk : Tổng lao động làm việc trong khu kinh tế ven biển;
- Lc : Tổng lao động làm việc trong các ngành kinh tế quốc dân của cả nền kinh tế.
Tỉ trọng Lk trong Lc càng cao chứng tỏ khu kinh tế ven biển tạo ra nhiều việc làm cho nền
kinh tế quốc dân. Điều đó là tốt nhưng nếu các khu kinh tế ven biển sử dụng công nghệ cao. Còn
nếu các khu kinh tế ven biển đạt được chỉ số đv lớn nhưng sử dụng công nghệ thấp thì không tốt.
+ Chỉ tiêu 3: Tỉ lệ đóng góp của khu kinh tế ven biển vào thu ngân sách nhà nước (kí hiệu
là đn ). Chỉ tiêu này phản ánh mức đóng góp (mức nộp ngân sách) của khu kinh tế ven biển vào
tổng thu ngân sách của cả nền kinh tế quốc dân và được tính toán theo biểu thức:
đn = (Nk : Nc )*100 (%)
Trong biểu thức này:
- Nk : Phần nộp ngân sách nhà nước của khu kinh tế ven biển;
- Nc : Tổng thu ngân sách của cả nền kinh tế.
Từ biểu thức trên cho thấy, đn càng lớn càng tốt và ngược lại. Tuy nhiên, đn có giới hạn, tức
thu ngân sách từ các khu kinh tế ven biển bao nhiêu là vừa, để vừa động viên khu kinh tế ven biển
nộp ngân sách và vừa tạo điều kiện để gia tăng sản xuất của các khu kinh tế ven biển.
+ Chỉ tiêu 4: Tỉ lệ doanh thu (tính theo giá trị tăng thêm) của khu kinh tế ven biển so với
tổng GDP của nền kinh tế (td ). Chỉ tiêu này càng lớn càng chứng tỏ khu kinh tế ven biển đóng góp
càng nhiều cho nền kinh tế quốc dân; và ngược lại. Nó được tính bằng biểu thức:
td = (D: G)*100 (%)
Trong biểu thức này:
- D: doanh thu của khu kinh tế ven biển;
- G: Tổng GDP của cả nền kinh tế.
Tùy điều kiện của số liệu thống kê có được mà xác định sử dụng những chỉ tiêu nào trong
số các chỉ tiêu tác giả đã nêu để tính toán và phân tích.
2.3.
Vận dụng bộ chỉ tiêu để đánh giá hiệu quả phát triển khu kinh tế ven biển
ở Việt Nam
Theo số liệu công bố của các cơ quan: Cục đầu tư nước ngoài, Tổng cục thống kê thuộc Bộ
Kế hoạch và Đầu tư và vận dụng bộ chỉ tiêu đã đề xuất ở mục 2, tác giả đã tính toán được các chỉ
tiêu chính về hiệu quả phát triển khu kinh tế ven biển của Việt Nam và từ đó đã rút ra những nhận
định cần thiết về tình trạng hiệu quả thấp của việc phát triển các khu kinh tế ven biển ở nước ta.
Cụ thể là:
2.3.1. Về hiệu quả của bản thân các khu kinh tế ven biển
Nhìn chung hiệu quả phát triển của các khu kinh tế ven biển ở Việt Nam đang còn thấp.
Điều đó thể hiện ở kết quả tính toán 3 chỉ tiêu chính và phản ánh qua những điểm chủ yếu như:
năng suất lao động tính theo doanh thu chỉ đạt khoảng 9700 USD* (cũng chỉ bằng khoảng 2,8 lần
năng suất lao động trung bình của cả nước tính theo GDP*); giá trị xuất khẩu bình quân một lao
động chỉ đạt khoảng 9.780 USD* (trung bình của cả nước khoảng 2795 USD/lao động); nộp ngân
138
Bàn về vấn đề đánh giá hiệu quả phát triển khu kinh tế ven biển ở Việt Nam
sách bình quân một lao động cũng chỉ được khoảng 1630 USD* (trung bình của cả nước khoảng
794 USD/lao động).
Nguyên nhân của tình trạng hiệu quả phát triển các khu kinh tế ven biển ở Việt Nam đang
đạt ở mức thấp có thể chỉ ra là: thu hút được ít nhà đầu tư lớn và có công nghệ cao (đặc biệt là
mới thu hút được ít các nhà đầu tư từ nước ngoài) vào làm ăn tại các khu kinh tế ven biển (doanh
nghiệp trong nước chiếm số lượng chủ yếu nhưng phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ, ít vốn và
chỉ có công nghệ trung bình). Mặt khác, nhà nước chưa có chính sách đủ sức hấp dẫn đề thu hút
các nhà đầu tư vào các khu kinh tế ven biển.
2.3.2. Về đóng góp của các khu kinh tế ven biển cho sự phát triển của nền kinh tế quốc dân
Cho đến năm 2014, trên phạm vi cả nước đã có 15 khu kinh tế ven biển (với tổng diện tích
khoảng 660 nghìn ha gồm cả đất liền và mặt nước) đang xây dựng kết cấu hạ tầng và một số nơi
đã thu hút được doanh nghiệp vào làm ăn. Phát triển của các doanh nghiệp tại các khu kinh tế ven
biển còn ít. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Cục đầu tư nước ngoài [1] và Tổng cục thống kê [6]),
tổng vốn đầu tư thu hút vào các khu kinh tế ven biển cho đến hết năm 2014 quy ra tiền đô la Mỹ
được khoảng 17 tỉ USD (trong đó vốn của các dự án FDI khoảng 5 tỉ USD, chiếm khoảng 28,4%
và vốn của các dự án trong nước khoảng 12 tỉ USD chiếm 71,6%. Tính ra vốn đầu tư bình quân
trên một lao động chỉ đạt mức khoảng 18 triệu USD.) và trung bình vốn FDI trên một khu kinh
tế ven biển mới được khoảng 327 triệu USD (Đây là mức quá thấp so yêu cầu. Hơn nữa mục đích
thành lập các khu kinh tế ven biển là để thu hút vốn FDI nhưng thực tế cho thấy mục đích này chưa
đạt được). Căn cứ vào số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tác giả đã tính toán được 4 chỉ tiêu chủ
yếu phản ánh mức độ đóng góp của các khu kinh tế ven biển cho nền kinh tế cả nước. Cụ thể là:
Theo Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) [1] , tổng doanh thu của 15 khu kinh tế ven
biển mới được khoảng 9 tỉ USD (bằng khoảng 5,3% GDP quốc gia* . Còn nếu tính theo giá trị gia
tăng thì chỉ bằng 2,5% GDP*). Giá trị xuất khẩu khoảng 1,3 tỉ USD (bằng khoảng 0,9% tổng kim
ngạch xuất khẩu của cả nước*). Nộp ngân sách được khoảng 1,5 tỉ USD (bằng khoảng 3,5% tổng
thu ngân sách nhà nước*). Tạo ra chỗ làm việc cho khảng 92 vạn lao động (bằng khoảng 1,7%
tổng lao động xã hội của cả nước*).
Nguyên nhân của tình trạng các khu kinh tế ven biển đóng góp còn ít cho nền kinh tế quốc
dân chủ yếu là vì: thu hút chưa được nhiều doanh nghiệp vào làm ăn tại các khu kinh tế ven biển.
Chính sách của Nhà nước chưa cụ thể; quản lí khu kinh tế ven biển của Nhà nước còn nhiều bất
cập; các địa phương thiếu chủ động tìm kiếm các nhà đầu tư và trông chờ ỷ lại vào nguồn vốn hỗ
trợ từ trung ương...
2.3.3. Kiến nghị
Đề nghị Chính phủ rà soát lại quy hoạch phát triển các khu kinh tế ven biển đến 2020;
thực hiện chủ trương đầu tư tập trung và hoàn thiện chính sách phát triển các khu kinh tế ven biển
cho những năm tiếp theo. Kết quả đánh giá hiệu quả khu kinh tế ven biển nên được công khai đại
chúng. Để thúc đẩy việc đánh giá kết quả, hiệu quả phát triển khu kinh tế ven biển ở nước ta, Bộ
Kế hoạch và Đầu tư (hiện là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ quản lí nhà nước về khu kinh tế, khu
công nghiệp) cần tổ chức nghiên cứu nội dung đánh giá, hệ thống chỉ tiêu đánh giá rồi từ đó tiến
hành tập huấn nghiệp vụ đánh giá hiệu quả phát triển khu kinh tế ven biển cho các địa phương.
Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần phối hợp với các Trường đại học có điều kiện để triển khai
việc đào tạo chuyên gia về lĩnh vực tổ chức lãnh thổ kinh tế và đánh giá hiệu quả phát triển các
hình thức tổ chức lãnh thổ kinh tế.
139
Ngô Thúy Quỳnh
3.
Kết luận
Việc đánh giá hiệu quả phát triển các khu kinh tế ven biển là cần thiết, nó vừa có cơ sở lí
luận và vừa có cơ sở thực tiễn. Đây là việc khó, phức tạp nhưng phải làm để nhận biết đúng đắn về
sự phát triển và thực tế hiệu quả phát triển các khu kinh tế ven biển ở Việt Nam. Để làm việc này,
tác giả đã xác định bộ chỉ tiêu phản ánh hiệu quả phát triển khu kinh tế ven biển. Từ kết quả vận
dụng bộ chỉ tiêu đã đề xuất để đánh giá hiệu quả phát triển khu kinh tế ven biển, cho thấy, bộ chỉ
tiêu mà tác giả đưa ra là hữu ích, có tính khả thi. Nhà nước có vai trò quan trọng hàng đầu trong
việc phát triển các khu kinh tế ven biển và có ý nghĩa lớn đối với việc gia tăng hiệu quả phát triển
các khu kinh tế ven biển ở nước ta.
Ghi chú: Những số liệu đánh dấu (*) là do tác giả tính toán.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]
[2]
[3]
[4]
[5]
[6]
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Cục đầu tư nước ngoài), 2014. Báo cáo tình hình phát triển các khu
kinh tế và khu công nghiệp của Việt Nam.
Ngô Thúy Quỳnh, 2009. Tổ chức lãnh thổ kinh tế, giáo trình - Học viện Chính sách và Phát
triển. Nxb Chính trị Quốc gia.
Tổng cục Thống kê, 2014. Niên giám thống kê Việt Nam. Hà Nội
Thủ tướng Chính phủ, 2008. Quyết định số 1353/QĐ-TTg, ngày 23/9/2008 về việc phê duyệt
quy hoạch phát triển khu kinh tế ven biển đến 2020.
Ngô Doãn Vịnh, 2009. Bàn về phát triển kinh tế - Nghiên cứu con đường dẫn tới giàu sang.
Nxb Chính trị Quốc gia.
Ngô Doãn Vịnh, 2013. Giải thích thuật ngữ trong nghiên cứu phát triển. Nxb Chính trị Quốc
gia.
ABSTRACT
Some Opinions about Evaluating the Development Efficiency
of Coastal Economic Zones of Vietnam
Ngo Thuy Quynh
State Management Department of Urban and Rural
National Academy of Public Administration
Evaluating the development efficiency of coastal economic zones in particular and forms
of economic zones organization in general has been put in urgent. So far, however, no research
studies regarding these issues have met the demand, so assessing coastal economic zones. General
Purpose: to propose a conception about coastal economic development efficiency, to propose the
evaluation criteria (or evaluation criteria system) and applying the criteria to effectively evaluate
the coastal economic development in the current situation of Vietnam.
Keywords: Economic zone, forms of economic zones organization, development efficiency,
evaluation criteria for the efficiency of economic zones development.
140