Tải bản đầy đủ (.pdf) (7 trang)

Sự định vị và tính phản thân trong nghiên cứu định tính một tiếp cận phương pháp luận trong nghiên cứu kinh tế thị trường của người Dao ở huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.56 MB, 7 trang )

Tạp chí Nghiên cứu Dân tộc

KHOA HỌC, GIÁO DỤC VÀ CÔNG NGHỆ

SỰ ĐỊNH VỊ VÀ TÍNH PHẢN THÂN TRONG NGHIÊN CỨU ĐỊNH TÍNH
MỘT TIẾP CẬN PHƯƠNG PHÁP LUẬN TRONG NGHIÊN CỨU
KINH TẾ THỊ TRƯỜNG CỦA NGƯỜI DAO
Ở HUYỆN SA PA, TỈNH LÀO CAI
Bùi Minh Hào(1)

T

rong nhiều năm qua, phương pháp luận được quan tâm nhiều trong các ngành khoa học xã hội
nói chung và Nhân học nói riêng. Tuy nhiên, phần nhiều các tác giả đều đặt mối quan tâm vào
những công đoạn, những thao tác cụ thể. Trong khi đó, những thảo luận về phương pháp luận trên
phương diện triết học rất ít khi được quan tâm. Dựa trên quá trình nghiên cứu thực địa về người Dao
ở huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, bài viết hướng đến thảo luận về “sự định vị” và “tính phản thân”, hai
thuật ngữ quan trọng trong nghiên cứu định tính. Đây có thể coi là một thảo luận về phương pháp
luận được rút ra trong quá trình nghiên cứu thực địa nhằm trả lời những câu hỏi như nhà nghiên cứu
là ai và ở vị trí nào trên thực địa?; Quá trình thực địa nhà nghiên cứu tương tác với đối tượng nghiên
cứu như thế nào? Vấn đề đạo đức nghề nghiệp trong quá trình thực địa được thể hiện ra sao?... Nói
cách khác, đó là một cách tiếp cận quá trình trải nghiệm của nhà nghiên cứu trên thực địa nhằm tìm
hiểu thế giới quan, nhân sinh quan của chính nhà nghiên cứu.
Từ khóa: Sự định vị; tính phản thân; phương pháp nhân học; nghiên cứu định tính; người Dao
ở huyện Sa Pa.
Trong vài thập niên gần đây, thuật ngữ “trải
nghiệm” được nhiều nhà khoa học xã hội quan tâm,
đặc biệt là các nhà nhân học và hình thành cả một
lĩnh vực về nhân học trải nghiệm. Khái niệm trải
nghiệm được hiểu như là một quá trình tiếp xúc,
tương tác với các yếu tố trong một môi trường nhất


định và có ảnh hưởng đến tri thức, kỹ năng và quan
điểm cuộc sống của chủ thể nhất định. Nói đến trải
nghiệm là nói đến trải nghiệm của một chủ thể nhất
định, không phải là một đối tượng chung chung.
Chủ thể của trải nghiệm có thể là một cá nhân hoặc
một cộng đồng. Tuy nhiên, hầu hết các nghiên
cứu về trải nghiệm tập trung vào phân tích sự trải
nghiệm của đối tượng nghiên cứu của họ. Đó là trải
nghiệm cá nhân của một người qua những nghiên
cứu về lịch sử cuộc đời, hay trải nghiệm của một
cộng đồng trong một giai đoạn nào đó qua những
nghiên cứu về hồi cố. Điều này phần nào cho thấy
sự quan tâm đến trải nghiệm của đối tượng mà nhà
nghiên cứu tiếp cận. Sự trải nghiệm được nghiên
cứu, phân tích để hướng đến lý giải các quá trình
vận động của đối tượng chủ thể. Còn trải nghiệm
của chính các nhà nghiên cứu thì sao? Đó vẫn còn là
một khoảng trống trong quá trình nghiên cứu về lịch
sử khoa học ở Việt Nam. Tại sao phải tìm hiểu sự
trải nghiệm của các nhà nghiên cứu? Bởi đó là một
con đường để tiếp cận thế giới quan, nhân sinh quan
của nhà khoa học, là một con đường để hiểu sâu hơn
về các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học.
Quá trình trải nghiệm của các nhà nghiên cứu chính
Ngày nhận bài: 23/5/2018; Ngày phản biện: 27/5/2018; Ngày duyệt đăng: 5/6/2018
(1)
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội; e-mail:

là quá trình tương tác giữa nhà nghiên cứu với đối
tượng nghiên cứu, nó ảnh hưởng nhiều đến thế giới

quan, nhân sinh quan, quan điểm khoa học và cả
đạo đức khoa học của nhà nghiên cứu.
Bài viết này thảo luận về một số trải nghiệm
của tác giả trong khoảng hơn 10 năm (2007-2018)
nghiên cứu thực địa đối với nhóm người Dao ở
huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Trong khoảng thời gian
này đã có nhiều chuyến khảo sát với nhiều chủ đề
quan tâm khác nhau và một số kết quả nghiên cứu
đã được trình bày trong một số bài viết hay luận
văn liên quan. Tuy nhiên, trong quá trình tiếp cận,
do nhiều nguyên nhân khác nhau nên chưa thể trình
bày có hệ thống những phương pháp, thao tác kỹ
thuật đã vận dụng trên thực địa, đặc biệt là các
phương pháp định tính-phương pháp chủ đạo được
lựa chọn trong quá trình sản xuất tri thức. Điều đó
cũng không phải lạ lẫm gì bởi trong truyền thống
học thuật Việt Nam, các vấn đề phương pháp nghiên
cứu thường được coi như là công tác hậu trường và
ít khi được đưa ra để phân tích trên các công trình
nghiên cứu học thuật. Nó chỉ được bàn luận nhiều
trong khâu chuẩn bị cho một dự án nghiên cứu.
Gần đây, các phương pháp trong nghiên cứu
khoa học ở Việt Nam được nhiều người quan tâm.
Khi thảo luận về vấn đề này, một nhà nghiên cứu
nước ngoài nhận xét: “Việt Nam có khuynh hướng
áp dụng mô hình thực chứng đã thống trị trong các
thiết kế nghiên cứu thực nghiệm và thực tiễn, nên

55



Tạp chí Nghiên cứu Dân tộc
các phương pháp định lượng được chú trọng nhiều
hơn. Điều này có nghĩa là các bảng câu hỏi, khảo sát
và lập bản đồ thường được ưa thích hơn các cuộc
phỏng vấn bán cấu trúc, lịch sử truyền miệng, quan
sát tham gia hay các phương pháp nghiên cứu cụ
thể khác”1. Nhận xét này có thể đúng trong một số
lĩnh vực khoa học, tuy nhiên, trong nghiên cứu dân
tộc học-nhân học ở Việt Nam thì chưa hẳn chính
xác. Từ khá sớm, các nhà dân tộc học Việt Nam,
có thể chịu ảnh hưởng từ truyền thống dân tộc học
Pháp, đã hình thành phương pháp nghiên cứu điền
dã dài ngày và sử dụng nhiều phương pháp nghiên
cứu định tính2. Hầu hết các công trình nghiên cứu
Dân tộc học, Nhân học của nhiều học giả nổi tiểng
ở Việt Nam từ giữa thế kỷ XX đến cuối thế kỷ XX
như Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Từ Chi, Đặng
Nghiêm Vạn, Phan Hữu Dật… đều là kết quả của
quá trình nghiên cứu định tính. Đặc biệt là quá trình
nghiên cứu thực địa và phương pháp định tính của
Nguyễn Từ Chi, một người có ảnh hưởng rộng lớn
về phương pháp luận đối với Dân tộc học Việt Nam
nửa sau thế kỷ XX và được nhiều người xem là mẫu
mực trong phương pháp luận3. Các phương pháp
định lượng mới phổ biến vài thập niên gần đây
trong xã hội học hay một số ngành khác. Điều đó để
phần nào khẳng định rằng các phương pháp nghiên
cứu định tính trong khoa học xã hội, đặc biệt trong
nghiên cứu nhân học không phải là vấn đề mới. Tuy

nhiên, bàn luận về các phương pháp định tính dưới
góc nhìn triết học hay phương pháp luận thì lại mới
được quan tâm gần đây khi xuất hiện những công
trình nghiên cứu thảo luận trực tiếp về vấn đề này4.
Trong khi các nhà nghiên cứu Việt Nam tập
trung sự quan tâm vào các thao tác, kỹ thuật hay các
Scott, Miller và Lloyd, Doing Fieldwork in Development Geography:
Research Culture and Research Spaces in Vietnam. Geographical Research,
March 2006, 44(1): pp 31.
2.
Theo Nguyễn Duy Thiệu, Từ Chi với trường phái dân tộc học đề cao nghiên
cứu thực địa. In trong “Nhân học ở Việt Nam: Một số vấn đề lịch sử, nghiên
cứu và đào tạo. Nxb Tri thức, 2016, Hà Nội. Trang 155-172.
3.
Xem Bùi Xuân Đính, Từ Chi và nghiên cứu về làng xã-những điều ông dạy
học trò. In trong “Nhân học ở Việt Nam: Một số vấn đề lịch sử, nghiên cứu
và đào tạo”. Nxb Tri thức, 2016, Hà Nội. Trang 143; Lê Hồng Lý, Nhà dân
tộc học Từ Chi và cách ông dạy học trò. In trong “Nhân học ở Việt Nam:
Một số vấn đề lịch sử, nghiên cứu và đào tạo”. Nxb Tri thức, 2016, Hà Nội.
Trang 173; Trần Hữu Sơn, Cá tính Từ Chi trong ứng xử với nghề dân tộc học.
In trong “Nhân học ở Việt Nam: Một số vấn đề lịch sử, nghiên cứu và đào
tạo”. Nxb Tri thức, 2016, Hà Nội. Trang 183; Nguyễn Duy Thiệu, Từ Chi với
trường phái dân tộc học đề cao nghiên cứu thực địa. In trong “Nhân học ở
Việt Nam: Một số vấn đề lịch sử, nghiên cứu và đào tạo. Nxb Tri thức, 2016,
Hà Nội. Trang 155-172.
4.
Xem Gillian Rose, Situating knowledges: positionality, reflexivities and
otler tactics, Rrogrexx in Yuman Geography Z1,3 (1997) pp. 305-320; Scott,
Miller và Lloyd, Doing Fieldwork in Development Geography: Research
Culture and Research Spaces in Vietnam. Geographical Research, March

2006, 44(1):28– 40; Nairn, Munroand và Smith, A counter-narrative of a
‘failed’ interview. Qualitative Research 2005, 5, pp 221-244; Nguyễn Thu
Hương, Anthropology at ‘home’ through the lens of ntersubjectivity: Countertransference while interviewing a ‘vulnerable’ Vietnamese woman. Medische
Antropologie 19(1), 2007, pp 23-38; Christine Bonnin, Navigating fieldwork
politics, practicalities and ethics in the upland borderlands of northern
Vietnam. Asia Pacific Viewpoint, Vol. 51, No. 2, August 2010. ISSN 13607456, pp179–192; MacKenzie, Christensen và Turner, Advocating beyond the
academy: dilemmas ò communicating relevant. Qualitative Research, 2015,
Vol. 15(1), 105-121.
1.

56

KHOA HỌC, GIÁO DỤC VÀ CÔNG NGHỆ
phương pháp cụ thể trong nghiên cứu định tính, thì
các nhà nghiên cứu nước ngoài lại quan tâm nhiều
đến góc độ triết học. Trong đó, người ta thảo luận
nhiều về hai khái niệm Positionality và Reflexivity.
“Positinality” là một thuật ngữ trìu tượng, có thể
hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau. Trong nghiên cứu
nhân học, có thể tạm hiểu thuật ngữ này là “sự định
vị” của nhà nghiên cứu, bao gồm dân tộc, giới tính,
tôn giáo, xu thế tình dục, giai tầng, quan điểm sống
(hay quan điểm chính trị), sự trải nghiệm… cũng
như khả năng kết hợp, vận dụng các yếu tố này vào
các trường hợp cụ thể. Trong khi đó, “reflexivity”
có thể hiểu là “tính phản thân”, là quá trình tự nhận
thức về bản thân nhà nghiên cứu trong sự đồng cảm,
chia sẻ và tương tác với đối tượng nghiên cứu, là
một quá trình hướng nội của nhà nghiên cứu trong
quá trình tương tác với đối tượng nghiên cứu. Sự

định vị và tính phản thân có vai trò quan trọng trong
việc xác định vị thế, quá trình tiếp cận và khai thác
thông tin cũng như đạo đức khoa học của người làm
nghiên cứu. Nó cũng ảnh hưởng lớn đến thế giới
quan, nhân sinh quan của người nghiên cứu trong
các công trình nghiên cứu của mình. Tuy nhiên,
không phải ai bước vào con đường nghiên cứu nhân
học cũng được trang bị những hiểu biết về sự định vị
và tính phản thân trong nghiên cứu định tính. Nhất
là ở Việt Nam, khi mà sự trang bị về phương pháp
luận trong quá trình học tập không thật sự chu đáo.
Nó được nhận thức lại từ trải nghiệm, tương tác và
suy nghiệm trong quá trình tiếp cận với đối tượng
nghiên cứu dựa trên nền tảng tri thức về phương
pháp luận được học hỏi và đúc rút từ bản thân.
Đối với các nhà nghiên cứu mới vào nghề, ban
đầu chỉ là thực hành một số thao tác được gọi nôm
na là “ba cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) để tìm
hiểu cuộc sống của đối tượng nghiên cứu. Dân tộc
và cả quốc tịch cũng là những vấn đề ảnh hưởng
đến công việc của người nghiên cứu. Là một người
Kinh-dân tộc đa số ở Việt Nam, khi tiếp cận với
người dân tộc thiểu số, cũng là người “ngoại tộc”
nên cũng có những khó khăn. Tuy nhiên, là công
dân Việt Nam thì việc tiếp cận các dân tộc thiểu số
trong nước vẫn thuận lợi hơn so với các nhà nghiên
cứu là người nước ngoài. Một số nhà nghiên cứu
như Scott, Miller và Lloyd hay Bonnin đã kể lại
cuộc hành trình gian lao về các thủ tục hành chính
khi tiếp cận các dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc Việt

Nam. Một thực tế đã qua là càng nhìn về quá khứ,
quá trình tiếp cận đối tượng của các nhà nghiên cứu
nước ngoài ở Việt Nam càng nhiều khó khăn. Khó
khăn vì hệ thống thủ tục hành chính chồng chéo,
về các mối quan tâm liên quan đến an ninh quốc
gia, vì sự tương tác của người dân với người nước
ngoài còn hạn chế… Tuy nhiên, cùng với quá trình
hội nhập, số lượng các nhà khoa học nước ngoài
đến Việt Nam nghiên cứu cũng tăng lên. Cái nhìn
về học thuật của người nước ngoài ở Việt Nam
cũng thay đổi. Cùng với đó là những cải cách hành

Số 22 - Tháng 6 năm 2018


KHOA HỌC, GIÁO DỤC VÀ CÔNG NGHỆ

Tạp chí Nghiên cứu Dân tộc
chính, những thay đổi về tư duy, suy nghĩ của người
dân và các cán bộ địa phương. Những điều đó làm
cho việc tiếp cận nghiên cứu của người nước ngoài
được thuận lợi hơn. Dù vậy, họ vẫn gặp nhiều khó
khăn mà những phản ánh của Scott, Miller và Lloyd
hay Bonnin đến nay vẫn còn hiện hữu. Còn với một
người Việt Nam, dù có những điều kiện thuận lợi
hơn khi tiếp cận đối tượng nghiên cứu, nhưng nhiều
khi cũng mất nhiều thời gian đến sưu tầm tài liệu
ở các cơ quan địa phương do vấn đề thủ tục. Hầu
hết các nhà nghiên cứu trẻ, khi mới vào nghề còn
chưa có kinh nghiệm gì về thực địa, thì mọi thứ đều

rất lạ lẫm và mới mẻ. Trải qua một hành trình gần
chục năm với nhiều chuyến điền dã đã tạo nên cho
họ một số trải nghiệm khá thú vị. Cùng với đó là
những hiểu biết mới về phương pháp luận sẽ gợi
mở ra những nhận thức khác hơn về công việc của
mình, nhất là nhìn lại quá trình thực địa qua những
khái niệm như “sự định vị” hay “tính phản thân”.
Thực ra, không phải gần đây người ta mới quan
tâm đến “sự định vị” hay “tính phản thân” trong
nghiên cứu điền dã dân tộc học-nhân học. Có chăng
đó chính là đi sâu hơn vào phân tích, thảo luận về
phương diện khái niệm và đưa những vấn đề này
lên thành đối tượng nghiên cứu về phương pháp
luận khoa học. Còn những giá trị của “sự định
vị” và “tính phản thân” đã được nhiều nhà dân
tộc học tiền bối thể hiện từ hàng chục năm trước.
Trước hết, đó là nhà dân tộc học nổi danh thế giới
Goerge Condominas với một diễn ngôn nổi tiếng.
Năm 1948, Condominas đến Sar Luk, tiếp xúc với
người Mnông Gar khởi đầu cho một sự nghiệp lẫy
lừng của mình. Quá trình thực địa ở Tây Nguyên
Việt Nam đã đưa ông đi đến một kết luận: “Tôi đã
tìm ra chính bản thể của mình”5. Đây chính là một
tuyên ngôn về “tính phản thân” trong nghiên cứu
thực địa dân tộc học. Quá trình nghiên cứu thực địa
không chỉ là quá trình nhà nghiên cứu tìm hiểu về
đối tượng nghiên cứu, mà còn là quá trình khám
phá bản thân qua sự tương tác với đối tượng nghiên
cứu. Sau đó nữa, cũng một học giả nổi tiếng là
Nguyễn Từ Chi đã nhấn mạnh đến sự định vị của

nhà dân tộc học trong quá trình nghiên cứu thực địa
khi đưa ra diễn ngôn mang tính nguyên tắc: “Dân
tộc học là học dân”. Trên thực địa, với đối tượng
nghiên cứu, nhà dân tộc học không phải là những
nhà thông thái, càng không phải là những người cán
bộ chính sách hay nhà quản lý. Ở đó, họ phải đặt
mình vào nhiều vị trí khác nhau, để học được nhiều
tri thức, hiểu được nhiều vấn đề. Đó cũng là lý do
mà G.Condominas đã kết luận về cuộc đời làm dân
tộc học của mình: “Với tôi, dân tộc học là một loại
hình sống”6. Quan niệm đó cũng ảnh hưởng lớn đến
Nguyễn Từ Chi sau đó. Xuyên suốt cuộc đời nghiên
cứu của hai nhà dân tộc học trứ danh này là khẳng
Nguyên Ngọc, Loại hình sống” Condominas. In trong “Nguyên Ngọc: Tác
phẩm”. Tập 2. Nxb Hội Nhà văn, 2009, Hà Nội, trang 116.
6.
Nguyên Ngọc, Loại hình sống” Condominas. In trong “Nguyên Ngọc: Tác
phẩm”. Tập 2. Nxb Hội Nhà văn, 2009, Hà Nội, trang 113.
5.

Số 22 - Tháng 6 năm 2018

định sự định vị của nhà nghiên cứu trên thực địa. Nó
đúng với tuyên ngôn của G. Condominas về công
tác của nhà dân tộc học trên thực địa: “Anh vừa phải
quên và làm cho mọi người trong làng quên tư cách
nhà dân tộc học đến quan sát của anh đi, cố gắng
không để cho sự có mặt của mình làm biến dạng
cuộc sống ở đây, đồng thời anh phải cứ là một nhà
dân tộc học tò mò, chăm chú, thậm chí trong từng

giây phút, để quan sát, ghi chép, đánh giá. Nghĩa là
vừa phải nhập vào đến tận cùng, vừa lại phải tách ra
đến mức tỉnh táo”7. Điều đó cho thấy, ngay từ giữa
thế kỷ XX, các nhà dân tộc học đã quan tâm đến sự
định vị và tính phản thân trong nghiên cứu thực địa.
Tuy nhiên, họ xem đó là những nguyên tắc mà họ
thực hiện trong quá trình nghiên cứu, chứ chưa xem
nó là đối tượng để nghiên cứu, để trình bày trong
các nghiên cứu. Nhưng nó cũng là sự nhận thức,
phát triển các nguyên tắc của các nhà dân tộc học
khi tiến hành thực địa ở các cộng đồng, các nền văn
hóa khác biệt.
Quay lại đề tài cụ thể ở đây, khi tiến hành nghiên
cứu về người Dao là bắt đầu đi vào một nền văn
hóa khác biệt. Sự khác biệt là một vấn đề đáng
được quan tâm trong nghiên cứu thực địa vì nó ảnh
hưởng nhiều đến quá trình khai thác thông tin. Làm
sao để từ sự khác biệt về nhiều yếu tố, có thể tìm
và nhận được sự đồng cảm, chia sẻ và tương tác
của đối tượng nghiên cứu? Bước vào cuộc sống
của một cộng đồng với nền văn hóa khác cũng là
một cuộc dấn thân mà ở đó, nhiều điều thú vị đang
chờ khám phá nhưng cũng không thiếu những nguy
hiểm mà nhà nghiên cứu phải đối diện. Nhiều tình
huống không mong đợi lại xẩy ra bất ngờ và nhiều
khi trở nên khó xử, trong những trường hợp, chỉ
cần có một ứng xử không phù hợp có thể khiến cả
cuộc điền dã bị thất bại hoàn toàn. Nhưng dù cẩn
thận đến đâu thì những “thất bại” trong quá trình
thực địa là không tránh khỏi. Ví dụ thực tế là có

một nhà nghiên cứu trẻ đã đến điền dã dân tộc học
ở Sa Pa, nhưng ngay những lần đầu tiên, khi mang
sổ đến phỏng vấn các gia đình tham gia sản xuất
thuốc tắm trên địa bàn thực địa, đã không thu được
kết quả mong muốn. Những người phụ nữ ở đây
thường nói rằng “người dân ở đây khổ lắm, phải
đi làm cả ngày thôi, phải làm nhiều việc thôi…”
rồi họ tập trung vào công việc. Khi nhà nghiên cứu
trình bày là muốn hỏi họ về quá trình sản xuất, buôn
bán thuốc tắm và thổ cẩm thì họ chỉ nói rằng họ
làm theo các gia đình khác và đem bán cho khách
nếu khách có nhu cầu. Và họ cũng chẳng biết nói gì
thêm. Khi nhà nghiên cứu từ chối mua hàng hóa của
họ thì gần như họ không muốn nói chuyện tiếp. Gần
như 3 ngày đầu tiên ở thực địa, những cuộc phỏng
vấn đều không thu được nhiều thông tin. Những câu
hỏi đưa ra được đối tượng trả lời một cách ngắn
gọn và người dân phản ứng với nhà nghiên cứu
Nguyên Ngọc, Loại hình sống” Condominas. In trong “Nguyên Ngọc: Tác
phẩm”. Tập 2. Nxb Hội Nhà văn, 2009, Hà Nội, trang 116-117
7.

57


Tạp chí Nghiên cứu Dân tộc
chưa có nhiều thiện cảm vì hai bên chưa hiểu biết
nhiều về nhau. Thực ra, những hành động, thái độ
và cử chỉ của họ cũng là những thông tin quý giá
nhưng lúc đó người thực địa chưa đủ kinh nghiệm

để nhận ra được “ngôn ngữ cơ thể” của họ. Đó có
thể nói là những cuộc phỏng vấn thất bại đầu đời và
gợi ra nhiều suy nghĩ. Những “thất bại” trong các
cuộc phỏng vấn, như phân tích của Nairm và đồng
nghiệp là một thách thức với nhà nghiên cứu: “Để
đặt một cuộc phỏng vấn “không thành công” làm
trọng tâm của một bài báo học thuật tiềm ẩn nguy
cơ bị phản bác bởi học thuật là một lĩnh vực cạnh
tranh, nơi mà “thành công”, chứ không phải “thất
bại”, được khen ngợi”8. Tuy nhiên, từ những nghiên
cứu của mình, các tác giả này cũng nhấn mạnh vai
trò của việc phân tích các cuộc phỏng vấn “thất bại”
trong quá trình sản sinh tri thức của nhà nghiên
cứu. Phân tích sự “không thành công” của các cuộc
phỏng vấn luôn làm cho nhà nghiên cứu nhận thức
sâu hơn về đối tượng của mình và về bản thân mình
cũng như cách thức mà mình tiếp cận, để từ đó thay
đổi chiến thuật cho những cuộc phỏng vấn tiếp theo
có hiệu quả hơn. Và khi phân tích lại những “thất
bại” ban đầu của mình, nhà nghiên cứu nhận thấy
sự xuất hiện quá mới lạ của mình và cách đặt vấn đề
trực tiếp là không hiệu quả. Do vậy cần phải chuyển
sang chiến thuật làm quen, tạo mối quan hệ và bước
vào câu chuyện một cách tự nhiên hơn thì kết quả
thu được khả quan hơn.
Định vị bản thân trên nghiên cứu thực địa tạo
tâm thế cho nhà nghiên cứu vững vàng hơn trong
quá trình thu thập thông tin, dữ liệu. Nó cũng giúp
nhà nghiên cứu hạn chế những nguy hiểm rình rập
hay tránh được sự nhầm lẫn về mục đích. Một nhà

nghiên cứu điền dã dân tộc học giàu kinh nghiệm đã
kết luận rằng: Đi nghiên cứu dân tộc học ở miền núi
phải có tâm hồn lãng mạn một chút để luôn luôn có
cảm hứng tìm tòi và có đủ nghị lực vượt qua những
khó khăn trên rừng núi. Tại địa bàn thực địa, các
nhà nghiên cứu trẻ dễ được các cô gái bản địa trẻ
đẹp chú ý. Chẳng ai có thể cấm đoán những người
thanh niên mơ mộng, nhất là khi cả hai phía đều có
những sự khác biệt về văn hóa có thể chia sẻ với
nhau để khám phá sự mới mẻ. Nó giống như chuyện
tình rất đẹp và lãng mạn của một nhà văn nổi tiếng
với một cô gái Mông ở cao nguyên Đồng Văn trong
một tập bút ký nổi tiếng được nhiều nhà dân tộc học
yêu thích. Tuy nhiên, là người đang làm công tác
học thuật, thì những suy nghĩ “tài tử” như một nhà
văn, một nghệ sĩ là chưa hợp lý. Như Max Weber
lập luận: “Hầu như tất cả các ngành khoa học xã hội
đều mang ơn những người “tài tử” về những nhận
xét thường khá hay, đôi khi quý báu. Nhưng nếu
cách làm việc tài tử trở thành nguyên tắc khoa học,
thì chính nó sẽ kết liễu khoa học”9. Nếu nhà nghiên
Nairn, Munroand và Smith, A counter-narrative of a ‘failed’ interview.
Qualitative Research 2005, 5, pp 237.
9.
Max Werber, (2010), Nền đạo đức tin lành và tinh thần của chủ nghĩa tư
bản. (Bùi Văn Nam Sơn, Nguyễn Nghị, Nguyễn Tùng, Trần Hữu Quang
dịch). Nxb Tri thức, Hà Nội. Trang 64.
8.

58


KHOA HỌC, GIÁO DỤC VÀ CÔNG NGHỆ
cứu chú ý đến các cô gái bản địa (về tình cảm) thì
có nghĩa là tự đặt mình vào vị trí đối thủ cạnh tranh
(về mặt tình cảm) với những người con trai khác
trong bản và nó sẽ gây nhiều bất lợi cho công việc,
thậm chí còn nguy hiểm cho nhà nghiên cứu. Và
điều đó cũng khiến cho nhà nghiên cứu phải mất
thời gian xử lý những mối quan hệ nhạy cảm này
để có thể làm việc lâu dài tại địa phương. Những
khó khăn không chỉ xuất hiện trong giai đoạn nhà
nghiên cứu mới xuất hiện ở địa bàn nghiên cứu, mà
ngay cả khi nhà nghiên cứu có một quá trình thực
địa lâu dài, gây dựng được mối quan hệ tốt đẹp với
người dân địa phương, thì vẫn còn hiện hữu nhiều
khó khăn. Sự lạ lẫm, xa lạ là một hạn chế. Nhưng
nhiều khi, những khó khăn lại xuất hiện từ chính sự
thân thuộc giữa nhà nghiên cứu và đối tượng nghiên
cứu, từ tình cảm mà người dân địa phương dành cho
nhà nghiên cứu. Đó là những gì được rút ra được
từ sự trải nghiệm của người thực địa trong nhiều
năm thực địa ở người Dao. Trong một khoảng thời
gian khá dài, người thực địa chỉ ở lại trong một gia
đình trên địa bàn nghiên cứu. Được mọi người trong
gia đình cũng coi như một thành viên quen thuộc,
là “người nhà” của họ. Nhưng rồi sự việc xẩy ra
ngoài ý muốn khi người chủ nhà có một cậu con trai
cũng trạc tuổi nhà nghiên cứu. Họ trở thành đôi bạn
hay uống rượu và nói chuyện với nhau. Nhưng khi
người này bỏ việc, sa đà vào các cuộc ăn nhậu nhiều

hơn mà không quan tâm đến công việc thì người chủ
nhà thường hay mắng. Trong một số câu chuyện,
người chủ nhà lấy nhà nghiên cứu ra so sánh với cậu
con trai như để phê phán. Điều đó làm cho cậu ta
bực mình và coi nhà nghiên cứu như là một nguyên
nhân mà cậu bị mắng. Nhà nghiên cứu đã mất khá
nhiều thời gian trò chuyện và chia sẻ với con chủ
nhà thì mối quan hệ mới tốt đẹp hơn. Nhưng sau
những sự việc đó, đã xuất hiện một khoảng cách
giữa họ. Nó làm cho nhà nghiên cứu không cảm
thấy thoải mái trong quá trình thực địa. Mặc dù đây
là tình huống ngoài dự kiến và ngoài sự kiểm soát
của nhà nghiên cứu, nhưng nếu chú ý hơn và mẫn
cảm hơn thì có lẽ những sự việc như vậy đã không
xẩy ra. Đó là những bài học kinh nghiệm đầu tiên
trong quá trình nghiên cứu thực địa giúp nhà nghiên
cứu không ngừng suy ngẫm và định vị lại bản thân
trong quá trình nghiên cứu. Sự định vị bản thân một
cách hợp lý là điều kiện để xử lý tình huống cũng
như tránh các nguy hiểm trên thực địa, những cái
mà trong trường học ít khi được giảng dạy.
Giới tính cũng là vấn đề ảnh hưởng đến quá trình
thu thập dữ liệu trên thực địa. Không thể khẳng định
được rằng nam giới thì thuận lợi hơn nữ giới trong
quá trình nghiên cứu thực địa hay ngược lại, mà điều
đó còn phụ thuộc vào chủ đề, địa bàn nghiên cứu,
đối tượng nghiên cứu cụ thể. Nhiều người nghĩ rằng
đi lên vùng dân tộc thiểu số, phải tiếp xúc với văn
hóa rượu, phải đi lại nhiều thì nam giới có lợi thế. Có
thể góc độ nào đó, nhận xét này cũng có lý, nhưng


Số 22 - Tháng 6 năm 2018


KHOA HỌC, GIÁO DỤC VÀ CÔNG NGHỆ

Tạp chí Nghiên cứu Dân tộc
nó không đúng với mọi trường hợp. Giới tính, vấn
đề được Naim với cộng sự, và cả Bonin phân tích
khá kỹ cả về đối tượng nghiên cứu lẫn người thông
dịch. Trong đó, các tác giả không khẳng định giới
tính nào thuận lợi hơn mà đi vào phân tích những
khó khăn của từng giới tính trong những trường hợp
cụ thể. Trường hợp cụ thể đang được phân tích ở
đây, khi tiếp cận những người Dao, là nam giới nên
nhà nghiên cứu có nhiều thuận lợi khi tiếp xúc với
họ dễ dàng hơn qua những cuộc rượu cũng như sự
cơ động trong quá trình di chuyển. Tuy nhiên, phần
lớn các hoạt động thị trường của người Dao đều
là phụ nữ, trong đó có nhiều lứa tuổi khác nhau.
Và điều này cũng gây ra những khó khăn nhất định
cho công việc của nhà nghiên cứu. Trong một lần đi
phỏng vấn một người phụ nữ trẻ tham gia khá sớm
vào hoạt động du lịch tại nhà (homestay) ở đây, nhà
nghiên cứu được gia đình chị mời ở lại ăn cơm và
trò chuyện. Vì công việc này chủ yếu liên quan đến
người phụ nữ nên sau bữa cơm rượu, người vợ ra
hiệu cho chồng vào trong để chị trả lời các câu hỏi
mà nhà nghiên cứu đưa ra. Cuộc phỏng vấn cũng
thu được nhiều thông tin thú vị, nhưng ngày hôm

sau, có người cho nhà nghiên cứu biết rằng vì buổi
làm việc hôm qua của ông mà vợ chồng nhà chị kia
xẩy ra mâu thuẫn. Có thể anh chồng cảm thấy “tổn
thương” khi không được tham gia vào câu chuyện,
hay cảm thấy không hài lòng khi vợ tiếp chuyện
một người đàn ông mà không cần sự hiện diện của
ông… Nhà nghiên cứu đã phải suy nghĩ rất nhiều và
có phần lo lắng, sợ nó sẽ ảnh hưởng đến công việc
trong thời gian tiếp theo. Sau đó, ông đã nghĩ ra
một cách để giải tỏa “ấm ức” cho người chồng của
người phụ nữ đã phỏng vấn hôm trước bằng một
buổi phỏng vấn về những công việc mà anh ta phụ
trách trong gia đình nhằm làm cho các mối quan hệ
trở nên tốt đẹp hơn. Câu chuyện này là một bài học
kinh nghiệm quý báu khi tiến hành các cuộc phỏng
vấn khác một cách khéo léo hơn và không lặp lại
tình huống cũ.
Khả năng kiểm soát một cuộc phỏng vấn của
nhà nghiên cứu là một kỹ năng quan trọng ảnh
hưởng đến công tác thực địa. Nhất là trong các cuộc
phỏng vấn nhóm, phỏng vấn mở hay phỏng vấn
ở những nơi công cộng. Trong những cuộc phỏng
vấn, sự xuất hiện đột ngột của những người không
mong đợi là một tình huống khó tránh khỏi và nó
ảnh hưởng lớn đến chất lượng thông tin và kết quả
phỏng vấn. Một miêu tả của Bonnin về tình huống
khi bà cùng trợ lý nghiên cứu đang phỏng vấn những
người buôn bán trong một khu chợ thì người quản
lý thị trường (đã quen trước) xuất hiện khiến những
người buôn bán dừng các câu chuyện đang trao đổi

hoặc chuyển hướng sang câu chuyện khác, thái độ
của họ cũng thay đổi khi người này xuất hiện. Khi
biết bà có quan hệ quen biết với người quản lý thị
trường thì những người buôn bán không muốn chia
sẻ các thông tin với bà nữa, họ nghi ngại về mối

Số 22 - Tháng 6 năm 2018

quan hệ này có thể ảnh hưởng đến công việc của
họ10. Những trường hợp như vậy khá phổ biến trong
quá trình nghiên cứu thực địa, và kinh nghiệm của
nhà nghiên cứu chưa hẳn giúp họ tránh được vấn
đề này, mà chỉ giúp giải quyết vấn đề này sao cho
hiệu quả nhất. Khi tiến hành phỏng vấn một nhóm
gồm 6 phụ nữ tham gia câu lạc bộ Thổ cẩm Tả Phìn
(nằm trên địa bàn nghiên cứu thực địa). Vấn đề nhà
nghiên cứu muốn hỏi liên quan đến việc quản lý câu
lạc bộ và phân chia nguồn lực, phân chia lợi nhuận
nên đã cố tình không mời người phụ trách câu lạc bộ
cũng là chủ tịch Hội Phụ nữ xã tham gia (trước đó
đã dành riêng một buổi phỏng vấn người này). Tuy
nhiên, khi mọi người đang tranh luận với nhau về
việc phân chia lợi nhuận trong câu lạc bộ thì người
phụ trách xuất hiện làm những người khác im lặng,
họ không bàn về chuyện này nữa. Thực chất người
này đến đây không phải để theo dõi hay nắm bắt
thông tin phản ánh của những người trong câu lạc
bộ. Bà đến vì quan tâm đến việc những người kia
có giúp đỡ nhà nghiên cứu hay không. Người này
còn đứng ra thuyết minh cho mọi người về mong

muốn của nhà nghiên cứu và cả những gợi ý cho
mọi người về việc trả lời. Điều đó khiến cho những
mục tiêu đặt ra trong việc thu thập thông tin của
nhà nghiên cứu cũng bị thay đổi. Tuy nhiên, những
trường hợp như vậy không phải không có giá trị gì
đối với nhà nghiên cứu. Bởi như đã nói, thái độ,
hành động của những người được phỏng vấn cũng
là những thông tin quan trọng. Những người phụ nữ
được phỏng vấn có sự thay đổi khi có sự xuất hiện
của chủ nhiệm câu lạc bộ thổ cẩm chứng tỏ mối
quan hệ giữa họ cũng có những khoảng trống nhất
định. Một vấn đề khó khăn khác trong việc kiểm
soát các cuộc phỏng vấn chính là ứng xử, giải quyết
mối quan hệ giữa các chủ thể của các ý kiến trái
chiều với nhau. Trong một cuộc phỏng vấn nhóm
4 người về việc trồng rau sạch để bán cho các nhà
hàng vào cuối năm 2011 là một trải nghiệm khác.
Trong khi 3 người cho rằng việc trồng rau để bán
ra thị trấn thì cũng cần phải sử dụng phân bón và
thuốc bảo vệ thực vật để đảm bảo sản lượng cung
cấp cho khách hàng. Vấn đề là phải làm cho hợp
lý, đảm bảo an toàn cho người sử dụng như việc
bón phân, phun thuốc phải cách xa ngày thu hoạch.
Một người đã đứng lên phản đối ý kiến này khi
cho rằng làm như vậy thì không còn là rau sạch, và
không đúng với hướng dẫn của những người đứng
ra xây dựng chương trình. Sau đó, người này đã rời
khỏi cuộc phỏng vấn khi mà ý kiến của mình khác
những người kia. Phải đến nhiều năm sau, khi thực
hiện nhiều cuộc phỏng vấn nhóm và trao đổi với

nhiều người hơn thì khả năng xử lý các trường hợp
này cũng trở nên thuần thục hơn. Tuy nhiên, những
trường hợp xẩy ra ngoài ý muốn như vậy cũng tạo
ra những bài học quan trọng trong việc đặt vấn đề
Christine Bonnin, Navigating fieldwork politics, practicalities and ethics in
the upland borderlands of northern Vietnam. Asia Pacific Viewpoint, Vol. 51,
No. 2, August 2010. ISSN 1360-7456, pp184.
10.

59


Tạp chí Nghiên cứu Dân tộc
và đặt câu hỏi của người nghiên cứu khi tổ chức
thảo luận nhóm hay phỏng vấn đối tượng nghiên
cứu.
Những nguyên tắc về đạo đức khoa học cũng là
vấn đề quan trọng mà nhà nghiên cứu phải đối diện
trong nghiên cứu thực địa và công bố các kết quả
nghiên cứu. Khi tiếp cận với đối tượng nghiên cứu,
nhà nghiên cứu thường muốn khai thác được nhiều
thông tin nhất bằng kỹ năng của mình. Nhưng việc
sử dụng các thông tin khai thác được, nếu không
hợp lý sẽ gây ảnh hưởng đến cuộc sống của những
người đã cung cấp thông tin. Đó cũng là cơ sở cho
nguyên tắc ẩn danh trong nhân học. Tuy nhiên, nếu
sự ẩn danh là nguyên tắc dễ chấp hành khi công bố
kết quả nghiên cứu thì trên thực địa lại có vô vàn
những tình huống khó xử liên quan đến vấn đề đạo
đức. Tại các địa điểm nghiên cứu thực địa ở huyện

Sa Pa, kinh tế thị trường khá phát triển và truyền
thông quảng cáo đóng vai trò quan trọng trong quá
trình phát triển đó. Một hộ kinh doanh nhiều sản
phẩm hay là một sản phẩm của một hộ gia đình nếu
được lên báo chí, lên các trang website có nhiều
người truy cập trên internet thì sẽ có nhiều khách
đến mua hơn. Vậy nên, khi đến khảo sát thực địa,
nhiều hộ gia đình nghĩ nhà nghiên cứu là nhà báo
và có ý muốn nhờ viết một bài báo để quảng bá
sản phẩm cho họ. Thậm chí có vài hộ gia đình đã
mời người thực địa vào nhà chơi và đề nghị trả cho
một khoản tiền để nhà nghiên cứu viết một bài báo
quảng bá họ trên báo và internet. Điều đó khiến nhà
nghiên cứu phải giải thích rất nhiều lần cho nhiều
người rằng mình không phải là nhà báo và cũng
không có mục đích đến đây tìm hiểu để viết báo hay
làm quảng cáo. Tuy nhiên, vẫn có người nghĩ nhà
nghiên cứu không viết bài quảng bá cho họ vì “chê”
ít tiền. Hay nhiều khi các nhà nghiên cứu cũng bị lôi
cuốn vào các cuộc cạnh tranh giữa các hộ gia đình
kinh doanh với nhau. Chủ nhà mà người thực địa
ở thường có nhiều khách du lịch đến nghỉ và bán
được nhiều hàng hóa (do người chủ nhà rất năng
động, có mạng lưới xã hội rộng lớn và biết cách
giới thiệu, quảng bá hình ảnh, bên cạnh đó là sự
hiểu biết về tri thức dân gian, về truyền thống người
Dao cũng như cơ sở hạ tầng tốt…). Nhiều gia đình
khác cho rằng sự xuất hiện của nhà nghiên cứu đã
tạo điều kiện cho chủ nhà kinh doanh, buôn bán tốt
hơn thông qua các mối quan hệ mà nhà nghiên cứu

và người chủ nhà đã xây dựng. Họ nghĩ rằng nhiều
khách đến ở lại nhà người chủ nhà là do nhà nghiên
cứu giới thiệu. Vậy nên khi nhà nghiên cứu đến
phỏng vấn gia đình khác thì họ hỏi dò lại về chuyện
làm ăn của chủ nhà. Nếu nói với họ thì đã làm sai
nguyên tắc về chia sẻ thông tin đã phỏng vấn chủ
nhà. Còn không chia sẻ, thì người muốn phỏng vấn
cho rằng nhà nghiên cứu không chân thành, không
gần gũi với họ. Lúc đó, chỉ biết cố gắng giải thích
lại cho họ hiểu rõ hơn về công việc và mục đích
nghiên cứu của mình. Sự xuất hiện của một nhà

60

KHOA HỌC, GIÁO DỤC VÀ CÔNG NGHỆ
nghiên cứu ở địa phương là người dân tộc thiểu
số mang theo nhiều niềm hy vọng cho người dân.
Nhiều người dân còn gọi nhà nghiên cứu là “cán
bộ” và với họ cũng chẳng khác gì cán bộ trong các
cơ quan nhà nước, họ tự mang theo hy vọng sẽ có
được điều kiện, lợi ích gì đó qua việc tiếp xúc hay
có mối quan hệ tốt với nhà nghiên cứu. Nhà nghiên
cứu không thể cấm người dân hy vọng, nhưng việc
họ phải làm là giải thích rõ ràng về công việc và
mục đích của mình, để người dân hiểu và không đặt
nhiều kỳ vọng vào mình. Một điều cấm kỵ mà các
nhà nghiên cứu nhân học phải nắm rõ là không cố
tình tạo ra những hy vọng cho người dân về cơ hội
phát triển, về sự nâng đỡ hay về việc giải quyết các
công việc khác ngoài chuyên môn, ngoài khả năng

của mình. Bởi để rồi khi đáp ứng được sự kỳ vọng
đó, có thể mối quan hệ giữa cộng đồng chủ thể, giữa
các cá nhân trong cộng đồng đó với nhà nghiên cứu
sẽ xấu đi và nhà nghiên cứu sẽ gặp nhiều khó khăn
trong công việc của mình.
Tóm lại, nghiên cứu định tính trên thực địa là
một quá trình trải nghiệm và tương tác văn hóa
của nhà nghiên cứu. Quá trình trải nghiệm đó ảnh
hưởng nhiều đến thế giới quan, nhân sinh quan, đến
việc sản xuất tri thức khoa học của nhà nghiên cứu.
Chất lượng những tri thức được sản sinh cũng chịu
nhiều sự chi phối bởi “sự định vị” và “tính phản
thân” của nhà nghiên cứu trong quá trình nghiên
cứu thực địa. “Sự định vị” và “tính phản thân” giúp
cho nhà nghiên cứu có chiến lược thu thập thông tin
tối ưu cũng như sự xử lý linh hoạt các tình huống
nhạy cảm trong quá trình nghiên cứu thực địa. Tuy
nhiên, vì những khái niệm “sự định vị” và “tính
phản thân” mang tính trừu tượng trong khi nghiên
cứu thực địa lại là một “cuộc sống” khác của nhà
nghiên cứu, nó đa dạng, biến đổi liên tục và không
có một nguyên tắc bất biến nào được tuyệt đối hóa.
Đó là những điều người thực địa nhận thấy trong
gần một thập kỷ tiến hành nghiên cứu thực địa tại
cộng đồng người Dao ở Sa Pa. Những câu chuyện
phía trên chỉ là một số rất ít những tình huống gặp
phải trong vô vàn những “thất bại” của mình. Phân
tích và thảo luận thêm về những tình huống đó, là
không chỉ là quá trình nhận thức lại vấn đề nghiên
cứu, mà còn để khám phá thêm về bản thân-một giá

trị rất quan trọng của những người làm nghiên cứu
nhân học và khoa học xã hội nói chung./.
Tài liệu tham khảo
[1] Christine Bonnin, Navigating fieldwork
politics, practicalities and ethics in the upland
borderlands of northern Vietnam. Asia Pacific
Viewpoint, Vol. 51, No. 2, August 2010. ISSN
1360-7456, pp179–192;
[2] Bế Viết Đẳng, Nguyễn Nam Tiến, Nông
Trung (1971), Người Dao ở Việt Nam, NXB. Khoa
học Xã hội, Hà Nội;
[3] Bùi Xuân Đính, Từ Chi và nghiên cứu về

Số 22 - Tháng 6 năm 2018


Tạp chí Nghiên cứu Dân tộc
làng xã - Những điều ông dạy học trò. In trong
“Nhân học ở Việt Nam: Một số vấn đề lịch sử,
nghiên cứu và đào tạo”. NXB. Tri thức, 2016, Hà
Nội. Trang 143;
[4] Émile Durkheim (2012), Các quy tắc của
phương pháp xã hội học. Đinh Hồng Phúc dịch,
NXB. Tri thức, Hà Nội;
[5] Gillian Rose, Situating knowledges:
positionality, reflexivities and otler tactics, Rrogrexx
in Yuman Geography Z1,3 (1997) pp. 305-320;
[6] Grant Evans (chủ biên, 2001), Bức khảm văn
hoá Châu á. NXB. Văn hóa Dân tộc, Hà Nội;
[7] Từ truyền thống đến thị trường: sự chuyển

đổi kinh tế của người Dao Đỏ ở xã Tả Phìn, huyện
Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Tạp chí Thông tin Khoa học
Xã hội, Số 8, tháng 8/2015. Tr. 31;
[8] Nguyễn Thu Hương, Anthropology at ‘home’
through the lens of ntersubjectivity: Countertransference while interviewing a ‘vulnerable’
Vietnamese woman. Medische Antropologie 19(1),
2007, pp 23-38;
[9] Lê Hồng Lý (2016), Nhà dân tộc học Từ
Chi và cách ông dạy học trò. In trong “Nhân học ở
Việt Nam: Một số vấn đề lịch sử, nghiên cứu và đào
tạo”. NXB. Tri thức, Hà Nội. Trang 173;
[10] MacKenzie, Christensen và Turner,

KHOA HỌC, GIÁO DỤC VÀ CÔNG NGHỆ
Advocating beyond the academy: dilemmas ò
communicating relevant. Qualitative Research,
2015, Vol. 15(1), 105-121;
[11] Max Werber (2010), Nền đạo đức tin lành
và tinh thần của chủ nghĩa tư bản. (Bùi Văn Nam
Sơn, Nguyễn Nghị, Nguyễn Tùng, Trần Hữu Quang
dịch). NXB. Tri thức, Hà Nội;
[12] Nairn, Munroand và Smith, A counternarrative of a ‘failed’ interview. Qualitative
Research 2005, 5, pp 221-244;
[13] Nguyên Ngọc (2009), Loại hình sống
Condominas. In trong “Nguyên Ngọc: Tác phẩm”.
Tập 2. NXB. Hội Nhà văn, Hà Nội, trang 111-121;
[14] Scott, Miller và Lloyd, Doing Fieldwork
in Development Geography: Research Culture
and Research Spaces in Vietnam. Geographical
Research, March 2006, 44(1):28– 40;

[15] Trần Hữu Sơn (2016), Cá tính Từ Chi trong
ứng xử với nghề dân tộc học. In trong “Nhân học ở
Việt Nam: Một số vấn đề lịch sử, nghiên cứu và đào
tạo”. NXB. Tri thức, Hà Nội. Trang 183;
[16] Nguyễn Duy Thiệu (2016), Từ Chi với
trường phái dân tộc học đề cao nghiên cứu thực
địa. In trong “Nhân học ở Việt Nam: Một số vấn đề
lịch sử, nghiên cứu và đào tạo. NXB. Tri thức, Hà
Nội. Trang 155-172.

LOCALIZATION AND REFLEXIVITY IN QUALITATIVE RESEARCH - A METHODOLOGICAL APPROACH
IN MARKET ECONOMICS OF DAO PEOPLE IN SA PA DISTRICT, LAO CAI PROVINCE
Bui Minh Hao
Abstract: Over the years, methodology is of great interest in the social sciences in general and in
anthropology in particular. However, many authors put their concerns into specific steps and actions.
At the same time, philosophical methodological discussions are rarely taken into account. Based on the
fieldwork on Dao people in Sa Pa District, Lao Cai Province, the article aims to discuss “localization”
and “reflexivity”, two important terms in qualitative research. This can be considered a discussion of the
methodology drawn during fieldwork to answer questions such as who the researcher is and where he is
in the field? How does the researcher interact with the research object during the fieldwork? How does the
ethical issue show on during the fieldwork? ... In other words, it is an approach to the experiential process
of the field researcher to understand the worldview and point of view of himself.
Keywords: Localization; reflexivity; anthropological method; qualitative research; Dao people

Số 22 - Tháng 6 năm 2018

61




×