BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Số: 46/2008/CT-BGDĐT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 05 tháng 8 năm 2008
CHỈ THỊ
Về việc tăng cường công tác đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục
Trong công cuộc công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, giáo dục giữ
một vị trí quan trọng trong việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng
nhân tài, góp phần vào việc xây dựng một nền kinh tế tri thức. Tuy nhiên, giáo
dục ở các cấp học và trình độ đào tạo đang phải đối mặt với những khó khăn và
thách thức mới, nhất là tình trạng chất lượng giáo dục chưa đáp ứng yêu cầu
phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay. Thực hiện Luật Giáo dục
2005 và Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ
quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục, Bộ Giáo
dục và Đào tạo, đang triển khai đổi mới mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo
dục, tiếp tục đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, giảng viên, tăng cường cơ
sở vật chất, và đẩy mạnh công tác đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục ở
các cấp học và trình độ đào tạo nhằm nhanh chóng tạo bước chuyển biến lớn về
chất lượng giáo dục. Công tác đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục được
triển khai trong vài năm gần đây, đã có những tác động tích cực đến chất lượng
giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân. Để tiếp tục đẩy mạnh công tác này, Bộ
trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ thị các cấp quản lý giáo dục, các đơn vị và
cơ sở giáo dục thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
1. Tăng cường nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, giáo viên, giảng
viên về công tác đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục; khẩn trương xây
dựng nội dung, tài liệu và tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về công tác
đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục cho cán bộ chủ chốt của các cơ quan
quản lý nhà nước về giáo dục, các cán bộ quản lý đào tạo của các Bộ, ngành liên
quan và cán bộ quản lý của các cơ sở giáo dục; chủ động đề xuất các nội dung
về công tác đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục vào chương trình giáo
dục của các trường sư phạm, chương trình bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ để
mỗi cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, giảng viên đều có những hiểu biết nhất
định về công tác đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục tương ứng với vị trí
công tác của mình.
2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về đánh giá và kiểm định chất lượng
giáo dục. Thông qua các diễn đàn, các chương mục trên báo chí, truyền hình và
các phương tiện truyền thông khác, phổ biến kiến thức và các kết quả đánh giá,
kiểm định chất lượng giáo dục đã đạt được, để tạo điều kiện cho xã hội biết và
tham gia giám sát chất lượng giáo dục.
1
3. Tăng cường phát triển đội ngũ chuyên gia về đánh giá và kiểm định
chất lượng giáo dục, lập kế hoạch phát triển đội ngũ chuyên gia nòng cốt của
ngành về đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục; lập kế hoạch đào tạo về
đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục ở trong và ngoài nước.
Tăng cường đào tạo cán bộ có trình độ Thạc sĩ về đo lường và đánh giá
giáo dục ở trong và ngoài nước. Các đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng,
trung cấp chuyên nghiệp, sở giáo dục và đào tạo lập kế hoạch cử cán bộ đi học
nhằm đảm bảo đến năm 2010 có đủ cán bộ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ để
chủ động triển khai công tác đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục theo kế
hoạch của đơn vị mình. Khuyến khích các học viên cao học và nghiên cứu sinh
nghiên cứu các đề tài về đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục.
4. Nghiên cứu tạo động lực cho công tác đánh giá và kiểm định chất
lượng giáo dục trên cơ sở bảo đảm sự hài hoà giữa các lợi ích: Nhà nước, nhà
trường, xã hội và người học, nghiên cứu và đề xuất chính sách cụ thể, hỗ trợ các
cơ sở giáo dục triển khai các hoạt động đánh giá và kiểm định chất lượng giáo
dục theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo; công bố những cơ sở giáo dục
được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục; đề xuất các chính sách cụ
thể để triển khai áp dụng từ năm học 2008 - 2009.
5. Xây dựng và củng cố hệ thống các đơn vị làm công tác đánh giá và
kiểm định chất lượng giáo dục tại các đại học, học viện, trường đại học, cao
đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, sở giáo dục và đào tạo; Cục Khảo thí và Kiểm
định chất lượng giáo dục chủ trì soạn thảơ để trình cấp có thẩm quyền ban hành
quy định về điều kiện thành lập, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của tổ
chức kiểm định chất lượng giáo dục độc lập; phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ
Giáo dục và Đào tạo xây dựng và tăng cường năng lực cho ít nhất ba trung tâm,
cơ quan đánh giá chất lượng giáo dục, trong đó có một đơn vị đánh giá chất
lượng giáo dục phổ thông trong năm học 2008 - 2009.
Hướng dẫn các đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng thành lập
trung tâm (hoặc đơn vị chuyên trách trong phòng chuyên môn) về đảm bảo chất
lượng giáo dục, triển khai xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong của
nhà trường; hướng dẫn các sở giáo dục và đào tạo thành lập, củng cố và phát
triển phòng khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục; phối hợp với các dự án
nghiên cứu bổ sung các cấu phần đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục để
đào tạo nhân lực, xây dựng công cụ và triển khai đánh giá, kiểm định chất lượng
giáo dục các cấp học và trình độ đào tạo.
6. Khẩn trương triển khai các hoạt động đánh giá và kiểm định chất lượng
giáo dục. Từ năm học 2008-2009, tất cả các đại học, học viện, trường đại học, cao
đẳng và trung cấp chuyên nghiệp triển khai tự đánh giá hằng năm và nộp báo cáo
tự đánh giá cho cơ quan quản lý trực tiếp; thực hiện cải tiến chất lượng dựa trên
kết quả tự đánh giá; định kỳ đăng ký kiểm định chất lượng giáo dục; phấn đấu
đến năm 2010 có ít nhất 80% số trường đại học, 50% số trường cao đẳng và 30%
số trường trung cấp chuyên nghiệp được kiểm định chất lượng. Kết hợp giữa
kiểm định cơ sở giáo dục với kiểm định chương trình giáo dục. Kết hợp giữa
2
kiểm định cơ sở giáo dục với đánh giá các cơ sở giáo dục trên diện rộng để so
sánh, đối chiếu ở nhiều góc độ khác nhau. Triển khai thu thập thông tin phản hồi
từ học sinh, sinh viên đã ra trường, từ các nhà tuyển dụng để có thêm thông tin về
chất lượng dạy và học của nhà trường, trên cơ sở đó có các biện pháp cải tiến và
nâng cao chất lượng giáo dục.
Triển khai các hoạt động đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông. Trong
năm học 2008-2009, mỗi sở giáo dục và đào tạo triển khai đánh giá khoảng
2,5% số trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông (trung bình mỗi
sở có 10 trường) trên các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau theo
các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành nhằm
xác định thực trạng chung của các cơ sở giáo dục. Cục Khảo thí và Kiểm định
chất lượng giáo dục phối hợp với các đơn vị và các dự án liên quan hỗ trợ cho
các hoạt động đánh giá và kiểm định chất lượng các trường ở cấp học phổ thông;
tiếp tục triển khai áp dụng thí điểm bộ tiêu chí quản lý chất lượng trường trung
học phổ thông; kết hợp với Viện Khoa học giáo dục Việt Nam và các dự án liên
quan nghiên cứu thí điểm tăng cường năng lực cho một số sở giáo dục và đào
tạo để triển khai đánh giá chất lượng các môn học của học sinh một số khối lớp
trong phạm vi của địa phương; nghiên cứu, chuẩn bị triển khai chủ đề của năm
học 2009 - 2010 là Năm học đánh giá chất lượng giáo dục. Trong những năm
tới, các đơn vị chức năng của Bộ kết hợp với các dự án tiếp tục định kỳ đánh giá
chất lượng môn Toán và Tiếng Việt của học sinh khối lớp 5, 7, 9, 11 trong phạm
vi cả nước, tiến tới tăng số môn học và khối lớp học được đánh giá; nghiên cứu,
hỗ trợ các trường phổ thông cở sở và phổ thông trung học từng bước tham gia
“Chương trình đánh giá sinh viên quốc tế (PISA)”, “Xu hướng quốc tế nghiên
cứu Toán và Khoa học (TIMSS)”.
7. Thực hiện phân cấp quản lý công tác đánh giá và kiểm định chất lượng
giáo dục. Các cơ quan quản lý trực tiếp của các cơ sở giáo dục có trách nhiệm
chỉ đạo, đôn đốc triển khai tự đánh giá, tiếp nhận báo cáo tự đánh giá, nghiên
cứu và có ý kiến phản hồi cho các cơ sở giáo dục; giám sát việc triển khai thực
hiện các giải pháp cải tiến chất lượng trên cơ sở kết quả tự đánh giá; nghiên cứu
đề xuất phân cấp quản lý công tác đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục
cho các Bộ, ngành và địa phương.
8. Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đánh giá và kiểm định chất
lượng giáo dục. Khuyến khích các đơn vị liên quan, các trường, trung tâm đăng
ký làm thành viên của các tổ chức đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục
quốc tế, nhất là Mạng lưới chất lượng Châu Á – Thái Bình Dương (APQN),
Mạng lưới quốc tế các tổ chức đảm bảo chất lượng giáo dục đại học
(INQAAHE), Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Hiệp hội quốc tế
về đánh giá và các thành tựu giáo dục (IEA ) nhằm trao đổi, chia sẻ, học tập
kinh nghiệm quốc tế và có thể so sánh giáo dục của Việt Nam với các nước
khác. Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục chuẩn bị để năm 2009 tổ
chức thành công Hội nghị thường niên của APQN tại Việt Nam; có kế hoạch
đăng cai tổ chức các Hội nghị quốc tế khác liên quan đến công tác đảm bảo và
kiểm định chất lượng giáo dục.
3
9. Định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết công tác đánh giá và kiểm định chất
lượng giáo dục để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm. Trước mắt, trong tháng 12 năm
2008, tổ chức hội nghị sơ kết công tác kiểm định chất lượng giáo dục các trường
đại học; tiếp theo là các trường cao đẳng, trường trung cấp chuyên nghiệp và các
trường phổ thông cở sở và phổ thông trung học.
Chỉ thị này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng công báo.
Chỉ thị này phải được phổ biến tới tất cả các cơ quan quản lý giáo dục
thuộc hệ thống giáo dục quốc dân để quán triệt và thực hiện; giao Cục Khảo thí
và Kiểm định chất lượng giáo dục là đơn vị đầu mối hướng dẫn, kiểm tra, đôn
đốc; Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ giáo dục và Đào tạo, các cấp quản lý giáo
dục, các cơ sở giáo dục theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm
triển khai, thực hiện nghiêm túc./.
Nơi nhận:
- VP Trung ương Đảng;
- VP Quốc hội;
- VP Chủ tịch nước;
- VP Chính phủ;
- Ban Tuyên giáo Trung ương;
- Các Bộ, cơ quan ngang bộ, các UBND tỉnh,
thành phố trực thuộc TƯ quản lý các cơ sở
giáo dục;
- Các cơ sở giáo dục;
- Các cơ sở giáo dục và đào tạo;
- Bộ trưởng và các Thứ trưởng;
- Các Cục, Vụ, Viện, Thanh tra,
Văn phòng và đơn vị thuộc Bộ GDĐT;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Kiểm toán Nhà nước;
- Công báo; Website Chính phủ;
- Website Bộ;
- Lưu: VT, PC, KTKĐCLGD.
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG THƯỜNG TRỰC
(đã ký)
Bành Tiến Long
4
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Số: 83/2008/QĐ-BGDĐT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2008
QUYẾT ĐỊNH
Ban hành Quy định về quy trình và chu kỳ kiểm định chất lượng
cơ sở giáo dục phổ thông
BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2007 của
Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các
Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2008 của
Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ
Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính
phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo
dục,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về quy trình và chu
kỳ kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục phổ thông.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng
Công báo.
5
Điều 3. Chánh Văn phòng, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất
lượng giáo dục, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào
tạo; Thủ trưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Giám đốc đại học, học viện, Hiệu
trưởng trường đại học có cơ sở giáo dục phổ thông; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc sở giáo dục và đào tạo,
Trưởng phòng phòng giáo dục và đào tạo; Hiệu trưởng, Giám đốc các cơ sở
giáo dục phổ thông chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội;
- Ban Tuyên giáo TƯ;
- UBVHGDTNTNNĐ của QH;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ,
cơ quan trực thuộc CP;
- Cục KtrVBQPPL (Bộ Tư pháp);
- Kiểm toán nhà nước;
- Như Điều 3;
- Công báo;
- Website Chính phủ;
- Website Bộ GDĐT;
- Lưu: VT, Vụ PC, Cục KTKĐCLGD.
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG THƯỜNG TRỰC
(đã ký)
Bành Tiến Long
6
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
QUY ĐỊNH
Về quy trình và chu kỳ kiểm định chất lượng
cơ sở giáo dục phổ thông
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 83/2008/QĐ-BGDĐT
ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Văn bản này quy định về quy trình và chu kỳ kiểm định chất lượng cơ sở
giáo dục phổ thông, bao gồm: tự đánh giá của cơ sở giáo dục phổ thông; đăng ký
kiểm định chất lượng giáo dục của cơ sở giáo dục phổ thông; đánh giá ngoài và
đánh giá lại cơ sở giáo dục phổ thông; công nhận cơ sở giáo dục phổ thông đạt tiêu
chuẩn chất lượng giáo dục và cấp giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục.
2. Văn bản này áp dụng đối với các trường tiểu học, trường trung học cơ
sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học, Trung tâm
kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp (sau đây gọi chung là cơ sở giáo dục phổ
thông) thuộc loại hình công lập và tư thục trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong văn bản này, một số từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. “Chất lượng cơ sở giáo dục phổ thông” là sự đáp ứng của cơ sở giáo
dục phổ thông đối với các yêu cầu về mục tiêu giáo dục phổ thông được quy
định tại Luật Giáo dục.
2. “Kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục phổ thông” là hoạt động đánh giá
cơ sở giáo dục phổ thông về mức độ đáp ứng các Quy định về tiêu chuẩn đánh giá
chất lượng giáo dục đối với từng loại cơ sở giáo dục phổ thông do Bộ Giáo dục và
Đào tạo ban hành.
3. “Tự đánh giá của cơ sở giáo dục phổ thông” là hoạt động tự xem xét, tự
kiểm tra, đánh giá của cơ sở giáo dục phổ thông căn cứ vào tiêu chuẩn đánh giá
chất lượng giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành để chỉ ra các điểm mạnh,
điểm yếu, xây dựng kế hoạch cải tiến chất lượng và các biện pháp thực hiện nhằm
đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng giáo dục.
4. “Đánh giá ngoài cơ sở giáo dục phổ thông” là hoạt động đánh giá của
đoàn đánh giá ngoài chất lượng cơ sở giáo dục phổ thông nhằm xác định mức độ
cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục
do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
7
5. “Thông tin trong báo cáo tự đánh giá” là những tư liệu được sử dụng để
hỗ trợ và minh hoạ cho các phân tích, giải thích, nhận định, kết luận trong báo
cáo tự đánh giá.
6. “Minh chứng trong báo cáo tự đánh giá” là những thông tin gắn với các
tiêu chí để xác định từng tiêu chí đạt hay không đạt. Các minh chứng được sử
dụng làm căn cứ để đưa ra các phân tích, giải thích, nhận định, kết luận trong
báo cáo tự đánh giá.
Điều 3. Mục đích kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục phổ thông
Kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục phổ thông nhằm xác định mức độ đáp
ứng mục tiêu giáo dục trong từng giai đoạn của cơ sở giáo dục phổ thông nhằm
nâng cao chất lượng giáo dục; thông báo công khai với các cơ quan quản lý nhà
nước và xã hội về thực trạng chất lượng giáo dục; để cơ quan chức năng đánh giá
và công nhận cơ sở giáo dục phổ thông đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục.
Điều 4. Quy trình kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục phổ thông
Quy trình kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục phổ thông được thực hiện
như sau:
1. Tự đánh giá của cơ sở giáo dục phổ thông.
2. Đăng ký kiểm định chất lượng giáo dục của cơ sở giáo dục phổ thông.
3. Đánh giá ngoài và đánh giá lại (nếu có) cơ sở giáo dục phổ thông.
4. Công nhận cơ sở giáo dục phổ thông đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục
và cấp giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục.
Điều 5. Tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục phổ thông
1. Tiêu chuẩn đánh chất lượng cơ sở giáo dục phổ thông do Bộ Giáo dục
và Đào tạo ban hành, bao gồm: tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường
tiểu học; tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường trung học cơ sở; tiêu
chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường trung học phổ thông; tiêu chuẩn đánh
giá chất lượng giáo dục trường phổ thông có nhiều cấp học và tiêu chuẩn đánh
giá chất lượng giáo dục Trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp.
2. “Tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục phổ thông” (sau đây
gọi tắt là tiêu chuẩn) là mức độ yêu cầu mà cơ sở giáo dục phổ thông phải đáp
ứng để được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục. Mỗi tiêu chuẩn bao
gồm các tiêu chí đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục phổ thông.
3. “Tiêu chí đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục phổ thông” (sau đây gọi
tắt là tiêu chí) là mức độ yêu cầu mà cơ sở giáo dục phổ thông cần đạt được ở
một khía cạnh cụ thể của mỗi tiêu chuẩn. Mỗi tiêu chí có các chỉ số đánh giá
chất lượng giáo dục.
4. “Chỉ số đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục phổ thông” (sau đây gọi tắt
là chỉ số) là mức độ yêu cầu mà cơ sở giáo dục phổ thông cần đạt được ở một
khía cạnh cụ thể của mỗi tiêu chí.
8
Điều 6. Nguyên tắc kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục phổ thông
1. Tuân thủ theo quy trình và chu kỳ kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục phổ
thông theo Quy định này.
2. Đánh giá các cơ sở giáo dục phổ thông theo các tiêu chuẩn đánh giá
chất lượng giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, bao gồm: tiêu chuẩn
đánh giá chất lượng giáo dục trường tiểu học; tiêu chuẩn đánh giá chất lượng
giáo dục trường trung học cơ sở; tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường
trung học phổ thông; tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường phổ thông
có nhiều cấp học; tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục Trung tâm kỹ thuật
tổng hợp - hướng nghiệp.
3. Độc lập, khách quan, công khai và minh bạch.
Điều 7. Điều kiện đăng ký kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục phổ thông
1. Trường tiểu học đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 trở lên
theo Quyết định số 32/2005/QĐ-BGD&ĐT ngày 24/10/2005 của Bộ trưởng Bộ
Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành quy chế công nhận trường tiểu học đạt chuẩn
quốc gia. Khuyến khích các trường tiểu học chưa đạt chuẩn quốc gia thực hiện tự
đánh giá nhằm không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục.
2. Trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ
thông có nhiều cấp học có đủ các khối lớp học và có ít nhất một khoá học sinh
đã hoàn thành chương trình giáo dục của lớp cuối cấp.
3. Trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp thực hiện đầy đủ các
nhiệm vụ theo quy định tại Điều 3 của Quyết định số 44/2008/QĐ-BGDĐT
ngày 30/7/2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về Quy chế Tổ chức và
hoạt động của Trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp.
Điều 8. Chu kỳ kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục phổ thông
1. Đối với trường tiểu học có chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục là 5
năm / lần.
2. Đối với trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ
thông có nhiều cấp học và Trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp có chu
kỳ kiểm định chất lượng giáo dục là 4 năm / lần.
Chương II
TỰ ĐÁNH GIÁ CỦA CƠ SỞ GIÁO DỤC PHỔ THÔNG
Điều 9. Quy trình tự đánh giá của cơ sở giáo dục phổ thông
1. Thành lập Hội đồng tự đánh giá.
2. Xác định mục đích, phạm vi tự đánh giá.
3. Xây dựng kế hoạch tự đánh giá.
4. Thu thập, xử lý và phân tích các thông tin, minh chứng.
5. Đánh giá mức độ đạt được theo từng tiêu chí.
9
6. Viết báo cáo tự đánh giá.
7. Công bố báo cáo tự đánh giá.
Điều 10. Hội đồng tự đánh giá cơ sở giáo dục phổ thông
1. Hiệu trưởng quyết định thành lập Hội đồng tự đánh giá cơ sở giáo dục
phổ thông (sau đây gọi tắt là Hội đồng tự đánh giá); Hội đồng tự đánh giá có ít
nhất 07 thành viên.
2. Thành phần của Hội đồng tự đánh giá gồm:
a) Chủ tịch Hội đồng tự đánh giá là Hiệu trưởng hoặc Giám đốc Trung
tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp;
b) Phó Chủ tịch Hội đồng tự đánh giá là Phó Hiệu trưởng hoặc Phó Giám
đốc Trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp;
c) Thư ký Hội đồng tự đánh giá là thư ký Hội đồng trường hoặc giáo viên
có uy tín của cơ sở giáo dục phổ thông;
d) Các thành viên gồm đại diện Hội đồng trường đối với trường công lập
hoặc Hội đồng quản trị đối với trường tư thục, các tổ trưởng tổ chuyên môn, giáo
viên có uy tín, tổ trưởng tổ văn phòng, đại diện các tổ chức đoàn thể; đại diện một
số các phòng, ban, tổ Giáo vụ và Quản lý học sinh, tổ Quản lý nội trú (nếu có).
3. Nhóm thư ký có từ 2 đến 3 người do Chủ tịch Hội đồng tự đánh giá quyết
định thành lập; nhóm trưởng là một thành viên trong Hội đồng tự đánh giá.
4. Chủ tịch Hội đồng tự đánh giá chịu trách nhiệm về các hoạt động của
Hội đồng tự đánh giá.
5. Nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng tự đánh giá:
a) Phổ biến quy trình tự đánh giá và yêu cầu các bộ phận, cá nhân của cơ sở
giáo dục phổ thông phối hợp thực hiện; xây dựng kế hoạch tự đánh giá; thu thập
thông tin, minh chứng; rà soát các hoạt động giáo dục, đối chiếu, so sánh kết quả tự
đánh giá với các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào
tạo ban hành; đánh giá mức độ cơ sở giáo dục phổ thông đạt được theo từng tiêu
chí; viết báo cáo tự đánh giá; tổ chức thực hiện việc duy trì cơ sở dữ liệu về chất
lượng giáo dục gồm các thông tin chung, kết quả về điều tra thực trạng và các vấn
đề khác nhằm hỗ trợ việc duy trì, nâng cao chất lượng cơ sở giáo dục phổ thông;
b) Yêu cầu lãnh đạo, giáo viên, nhân viên và học sinh của cơ sở giáo dục phổ
thông thực hiện kế hoạch cải tiến chất lượng phát huy các điểm mạnh, khắc phục
điểm yếu đã đề ra trong báo cáo tự đánh giá;
c) Được đề nghị lãnh đạo của cơ sở giáo dục phổ thông thuê chuyên gia tư
vấn để hỗ trợ việc triển khai hoạt động tự đánh giá.
6. Hội đồng tự đánh giá làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ và
thảo luận để đi đến thống nhất; mọi quyết định có giá trị khi ít nhất 2/3 số thành
viên trong Hội đồng tự đánh giá nhất trí.
10
Điều 11. Mục đích, phạm vi tự đánh giá
1. Mục đích tự đánh giá là cơ sở giáo dục phổ thông tự xem xét, tự kiểm
tra, chỉ ra các điểm mạnh, điểm yếu của từng tiêu chí, xây dựng kế hoạch cải tiến
chất lượng và các biện pháp thực hiện để đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng giáo
dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành nhằm không ngừng cải tiến, nâng cao
chất lượng giáo dục và để đăng ký kiểm định chất lượng giáo dục.
2. Phạm vi của tự đánh giá bao quát toàn bộ các hoạt động giáo dục của cơ sở
giáo dục phổ thông theo từng tiêu chí trong tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục
do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
Điều 12. Xây dựng kế hoạch tự đánh giá
Kế hoạch tự đánh giá do Chủ tịch Hội đồng tự đánh giá phê duyệt bao gồm
các nội dung: mục đích và phạm vi tự đánh giá; phân công nhiệm vụ cho từng
thành viên; dự kiến các nguồn lực và thời điểm cần huy động; công cụ đánh giá; dự
kiến các thông tin và minh chứng cần thu thập cho từng tiêu chí; thời gian biểu cho
từng hoạt động (bao gồm thời gian cần thiết để triển khai tự đánh giá và lịch trình
thực hiện các hoạt động cụ thể).
Điều 13. Thu thập, xử lý và phân tích các thông tin, minh chứng
1. Căn cứ vào các tiêu chí của tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục do
Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, cơ sở giáo dục phổ thông tiến hành thu thập
thông tin và minh chứng.
2. Thông tin và minh chứng phải có nguồn gốc rõ ràng và tính chính xác,
được thu thập ở hồ sơ lưu trữ của cơ sở giáo dục phổ thông, các cơ quan có liên
quan, hoặc bằng khảo sát, điều tra phỏng vấn những người có liên quan và quan
sát các hoạt động giáo dục trong cơ sở giáo dục phổ thông.
3. Các thông tin và minh chứng cần được xử lý, phân tích dùng làm căn cứ,
minh hoạ cho các nhận định trong báo cáo tự đánh giá.
4. Phiếu đánh giá tiêu chí (Phụ lục 1) được lập cho từng tiêu chí làm cơ sở
để tổng hợp thành báo cáo tự đánh giá.
Điều 14. Đánh giá mức độ đạt được tiêu chí
Tiêu chí được xác định là đạt yêu cầu khi tất cả các chỉ số của tiêu chí đều
đạt yêu cầu.
Điều 15. Viết báo cáo tự đánh giá
1. Mỗi tiêu chí trong báo cáo tự đánh giá được trình bày đầy đủ các nội
dung: mô tả hiện trạng, điểm mạnh, điểm yếu, kế hoạch cải tiến chất lượng và tự
đánh giá theo từng tiêu chí.
2. Báo cáo tự đánh giá được trình bày dưới dạng một bản báo cáo có cấu
trúc và hình thức theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
3. Báo cáo tự đánh giá là một văn bản ghi nhớ quan trọng để cơ sở giáo dục
phổ thông cam kết thực hiện các hoạt động cải tiến và nâng cao chất lượng giáo dục.
11
Điều 16. Công bố báo cáo tự đánh giá
1. Dự thảo báo cáo tự đánh giá được công bố công khai trong thời gian 15
ngày làm việc tại cơ sở giáo dục phổ thông để lấy ý kiến góp ý. Hội đồng tự
đánh giá thu thập, xử lý các ý kiến thu được và hoàn thiện báo cáo. Các thành
viên trong Hội đồng tự đánh giá ký xác nhận vào bản báo cáo tự đánh giá; hiệu
trưởng hoặc giám đốc của cơ sở giáo dục phổ thông ký tên, đóng dấu.
2. Công bố công khai báo cáo tự đánh giá; các thông tin và minh chứng phục
vụ tự đánh giá được lưu trữ đầy đủ trong một chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục.
Chương III
ĐĂNG KÝ KIỂM ĐỊNH CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC
CỦA CƠ SỞ GIÁO DỤC PHỔ THÔNG
Điều 17. Hồ sơ và thời gian đăng ký kiểm định chất lượng giáo dục của
cơ sở giáo dục phổ thông
1. Hồ sơ đăng ký kiểm định chất lượng giáo dục của cơ sở giáo dục phổ
thông, bao gồm:
a) Bản đăng ký kiểm định chất lượng giáo dục (Phụ lục 2);
b) Báo cáo tự đánh giá (03 bản) và các văn bản, tài liệu, thông tin, minh
chứng kèm theo.
2. Thời gian đăng ký kiểm định chất lượng giáo dục của cơ sở giáo dục phổ
thông được thực hiện trong tháng 3 hoặc tháng 11 hằng năm.
Điều 18. Quy trình tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ đăng ký kiểm định
chất lượng giáo dục của cơ sở giáo dục phổ thông
1. Đối với phòng giáo dục và đào tạo:
a) Tiếp nhận hồ sơ đăng ký kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục phổ
thông thuộc quyền quản lý;
b) Kiểm tra báo cáo tự đánh giá theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
c) Trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký
kiểm định chất lượng giáo dục, thông báo cho cơ sở giáo dục phổ thông biết hồ
sơ được chấp nhận để đánh giá ngoài hoặc yêu cầu tiếp tục hoàn thiện;
d) Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, gửi
công văn (kèm theo hồ sơ đăng ký kiểm định chất lượng giáo dục của cơ sở giáo dục
phổ thông) đề nghị Giám đốc sở giáo dục và đào tạo tổ chức đánh giá ngoài và thông
báo cho cơ sở giáo dục phổ thông thuộc quyền quản lý được đánh giá ngoài biết;
đ) Tháng 01 và tháng 5 hằng năm, báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện,
quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân
cấp huyện) và Giám đốc sở giáo dục và đào tạo về danh sách các cơ sở giáo dục
phổ thông thuộc quyền quản lý hoàn thành báo cáo tự đánh giá được chấp nhận
đánh giá ngoài.
2. Đối với sở giáo dục và đào tạo:
12
a) Tiếp nhận hồ sơ đăng ký kiểm định chất lượng giáo dục hợp lệ từ các
phòng giáo dục và đào tạo; kiểm tra và thông báo cho phòng giáo dục và đào tạo
biết những hồ sơ được chấp nhận để đánh giá ngoài;
b) Tiếp nhận hồ sơ đăng ký kiểm định chất lượng giáo dục của các cơ sở
giáo dục phổ thông thuộc quyền quản lý;
c) Kiểm tra báo cáo tự đánh giá theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo
về báo cáo tự đánh giá;
d) Trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký kiểm
định chất lượng giáo dục, thông báo cho cơ sở giáo dục phổ thông thuộc quyền quản
lý về hồ sơ được chấp nhận đánh giá ngoài hoặc yêu cầu tiếp tục hoàn thiện;
đ) Tháng 02 và tháng 7 hằng năm, báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Chủ tịch Uỷ ban
nhân dân cấp tỉnh), Bộ Giáo dục và Đào tạo về các cơ sở giáo dục phổ thông
hoàn thành báo cáo tự đánh giá được chấp nhận đánh giá ngoài, kế hoạch đánh
giá ngoài các cơ sở giáo dục phổ thông và thông báo công khai trên Website của
sở giáo dục và đào tạo.
Chương IV
ĐÁNH GIÁ NGOÀI VÀ ĐÁNH GIÁ LẠI CƠ SỞ GIÁO DỤC PHỔ THÔNG
Điều 19. Đoàn đánh giá ngoài cơ sở giáo dục phổ thông
1. Cơ cấu tổ chức:
Đoàn đánh giá ngoài cơ sở giáo dục phổ thông (sau đây gọi tắt là đoàn
đánh giá ngoài) có 5 đến 7 thành viên, do Giám đốc sở giáo dục và đào tạo quyết
định thành lập, bao gồm:
a) Trưởng đoàn, thư ký;
b) Các thành viên còn lại là chuyên gia có chuyên môn, nghiệp vụ về
kiểm định chất lượng giáo dục; đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục ở các
cơ sở giáo dục phổ thông, phòng giáo dục và đào tạo, sở giáo dục và đào tạo; đại
diện Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, các Bộ, ngành liên quan;
2. Tiêu chuẩn của các thành viên đoàn đánh giá ngoài:
a) Có tư cách đạo đức tốt, trung thực và khách quan; trước đây và hiện
nay không làm việc tại cơ sở giáo dục phổ thông được đánh giá ngoài; có ít nhất
05 năm công tác trong ngành giáo dục; có chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận đã qua
khoá đào tạo nghiệp vụ chuyên môn về đánh giá ngoài do Bộ Giáo dục và Đào
tạo cấp hoặc đơn vị được Bộ Giáo dục và Đào tạo uỷ quyền tổ chức cấp hoặc do
tổ chức nước ngoài cấp và được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận;
b) Trưởng đoàn là Hiệu trưởng hoặc Phó Hiệu trưởng, Giám đốc hoặc Phó
Giám đốc Trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp (hoặc nguyên là Hiệu
trưởng, Phó Hiệu trưởng hoặc Giám đốc, Phó Giám đốc Trung tâm kỹ thuật tổng
hợp - hướng nghiệp) tương ứng với cơ sở giáo dục phổ thông được đánh giá ngoài
hoặc Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng giáo dục và đào tạo, Trưởng phòng, Phó
13
Trưởng phòng các phòng chức năng của sở giáo dục và đào tạo hoặc chuyên viên
chính công tác trong ngành giáo dục và đào tạo;
c) Thư ký phải tốt nghiệp đại học trở lên;
d) Chuyên gia kiểm định chất lượng giáo dục phải tốt nghiệp đại học trở
lên, có kinh nghiệm triển khai đánh giá chất lượng giáo dục.
3. Nhiệm vụ của đoàn đánh giá ngoài và các thành viên:
a) Đoàn đánh giá ngoài có nhiệm vụ khảo sát, đánh giá và xác định mức
độ cơ sở giáo dục phổ thông đáp ứng các tiêu chí trong tiêu chuẩn đánh giá chất
lượng giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành; đề nghị công nhận hoặc
không công nhận cơ sở giáo dục phổ thông đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục;
b) Trưởng đoàn chịu trách nhiệm điều hành các hoạt động của đoàn đánh
giá ngoài và phân công nhiệm vụ cho các thành viên;
c) Thư ký chuẩn bị các báo cáo, biên bản, tổng hợp kết quả đánh giá
ngoài và giúp Trưởng đoàn triển khai các hoạt động đánh giá ngoài;
d) Các thành viên thực hiện các nhiệm vụ đánh giá ngoài do Trưởng đoàn
phân công.
5. Đoàn đánh giá ngoài có trách nhiệm giữ bí mật các thông tin liên quan
đến nội dung công việc và các kết quả đánh giá trước khi chính thức gửi kết quả
cho cơ sở giáo dục phổ thông được đánh giá ngoài.
Điều 20. Các hoạt động của đoàn đánh giá ngoài
1. Trưởng đoàn cùng thư ký xây dựng kế hoạch đánh giá ngoài; trưởng
đoàn phân công nhiệm vụ cho các thành viên của đoàn đánh giá ngoài.
2. Các thành viên trong đoàn đánh giá ngoài nghiên cứu báo cáo tự đánh
giá, các văn bản, tài liệu, thông tin, minh chứng.
3. Trưởng đoàn, thư ký tiến hành khảo sát sơ bộ tại cơ sở giáo dục phổ thông
được đánh giá ngoài và thông báo kế hoạch đánh giá ngoài cho các bên liên quan
được biết để chuẩn bị các điều kiện phục vụ các hoạt động đánh giá ngoài.
4. Đoàn đánh giá ngoài khảo sát chính thức và thảo luận với lãnh đạo,
giáo viên, nhân viên của cơ sở giáo dục phổ thông được đánh giá ngoài; thu thập
thêm tài liệu, thông tin, minh chứng và rà soát các hoạt động giáo dục của cơ sở
giáo dục phổ thông được đánh giá ngoài.
5. Đối chiếu, so sánh với các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục do
Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, đánh giá mức độ mà cơ sở giáo dục phổ
thông đã đạt được theo từng tiêu chí đánh giá chất lượng giáo dục.
6. Viết báo cáo đánh giá ngoài (được trình bày dưới dạng một bản báo cáo
có cấu trúc và hình thức theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Điều 21. Thông báo kết quả đánh giá ngoài
1. Bản dự thảo báo cáo đánh giá ngoài phải được gửi cho cơ sở giáo dục
phổ thông được đánh giá ngoài để tham khảo ý kiến.
14
2. Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được dự thảo báo
cáo đánh giá ngoài, nếu cơ sở giáo dục phổ thông không có ý kiến phản hồi, thì
xem như đã đồng ý.
3. Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được ý kiến phản hồi
của cơ sở giáo dục phổ thông được đánh giá ngoài hoặc kể từ ngày hết thời hạn trả
lời ý kiến nêu tại khoản 2 của Điều này, đoàn đánh giá ngoài có văn bản thông báo
cho cơ sở giáo dục phổ thông biết những ý kiến được tiếp thu hoặc bảo lưu.
Trường hợp bảo lưu ý kiến, đoàn đánh giá ngoài phải nêu rõ lý do.
4. Báo cáo đánh giá ngoài, được ít nhất 2/3 số thành viên nhất trí thông
qua, sẽ gửi cho cơ sở giáo dục phổ thông được đánh giá ngoài và trình sở giáo
dục và đào tạo, trong đó đề xuất về việc công nhận hoặc không công nhận cơ sở
giáo dục phổ thông đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục.
Điều 22. Đánh giá lại kết quả đánh giá ngoài
1. Kết quả đánh giá ngoài được đánh giá lại khi cơ sở giáo dục phổ thông
không nhất trí với báo cáo đánh giá ngoài và có công văn khiếu nại gửi sở giáo
dục và đào tạo.
2. Trường hợp cơ sở giáo dục phổ thông đồng ý với dự thảo báo cáo do
đoàn đánh giá ngoài gửi đến để lấy ý kiến và kết quả đánh giá ngoài không có
thay đổi so với dự thảo báo cáo đánh giá ngoài tại thời điểm lấy ý kiến thì cơ sở
giáo dục phổ thông không được yêu cầu đánh giá lại.
3. Đoàn đánh giá lại kết quả đánh giá ngoài (sau đây gọi là đoàn đánh giá
lại) có ít nhất 05 thành viên do Giám đốc sở giáo dục và đào tạo quyết định thành
lập gồm đại diện phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Thanh tra và
các đơn vị chức năng của sở giáo dục và đào tạo; chuyên gia am hiểu về kiểm
định chất lượng giáo dục. Các thành viên đoàn đánh giá ngoài không tham gia
đoàn đánh giá lại.
4. Đoàn đánh giá lại có trách nhiệm nghiên cứu hồ sơ, tài liệu làm việc
của đoàn đánh giá ngoài, thảo luận với các thành viên của đoàn đánh giá ngoài;
tiến hành khảo sát tại cơ sở giáo dục phổ thông, thảo luận với lãnh đạo cơ sở
giáo dục phổ thông được đánh giá ngoài, Hội đồng tự đánh giá và viết báo cáo
đánh giá lại kết quả đánh giá ngoài (được trình bày dưới dạng một bản báo cáo
có cấu trúc và hình thức theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo).
5. Kết quả đánh giá lại có giá trị thay thế kết quả đánh giá ngoài.
Điều 23. Sử dụng kết quả đánh giá ngoài và đánh giá lại
Kết quả đánh giá ngoài và đánh giá lại (nếu có) được sử dụng làm cơ sở
để xem xét công nhận hoặc không công nhận cơ sở giáo dục phổ thông đạt tiêu
chuẩn chất lượng giáo dục.
15
Chương V
CÔNG NHẬN CƠ SỞ GIÁO DỤC PHỔ THÔNG ĐẠT TIÊU CHUẨN
CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC VÀ CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN
KIỂM ĐỊNH CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC
Điều 24. Các cấp độ của kết quả kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục
phổ thông
1. Cấp độ 1: cơ sở giáo dục phổ thông có từ 50% đến dưới 65% số tiêu chí
đạt yêu cầu.
2. Cấp độ 2: cơ sở giáo dục phổ thông có từ 65% đến dưới 80% số tiêu chí
đạt yêu cầu.
3. Cấp độ 3: cơ sở giáo dục phổ thông có từ 80% trở lên số tiêu chí đạt
yêu cầu.
Điều 25. Công nhận cơ sở giáo dục phổ thông đạt tiêu chuẩn chất
lượng giáo dục
1. Cơ sở giáo dục phổ thông đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục cấp độ 1 hoặc
cấp độ 2 theo quy định tại khoản 1 và 2 Điều 24 của Quy định này, Giám đốc sở giáo
dục và đào tạo ra quyết định tạm thời công nhận cơ sở giáo dục phổ thông đạt tiêu
chuẩn chất lượng giáo dục ở cấp độ 1 hoặc cấp độ 2.
2. Cơ sở giáo dục phổ thông đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục cấp độ 3 theo
quy định tại khoản 3 Điều 24 của Quy định này, Giám đốc sở giáo dục và đào tạo
trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định công nhận cơ sở giáo dục phổ
thông đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục.
Điều 26. Thời hạn đăng ký kiểm định chất lượng giáo dục đối với cơ
sở giáo dục phổ thông đã kiểm định chất lượng giáo dục, nhưng chưa đạt
tiêu chuẩn chất lượng giáo dục ở cấp độ 3
1. Cơ sở giáo dục phổ thông có số tiêu chí chỉ đạt yêu cầu dưới 50% của
tổng số tiêu chí trong tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục, thì sau 4 học kỳ
(1 năm học tương đương với 2 học kỳ) nhưng không quá 5 học kỳ được đăng
ký kiểm định chất lượng giáo dục.
2. Cơ sở giáo dục phổ thông đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục
cấp độ 1 theo quy định tại khoản 1 Điều 24 của Quy định này, thì sau 3 học kỳ
nhưng không quá 4 học kỳ được đăng ký kiểm định chất lượng giáo dục.
3. Cơ sở giáo dục phổ thông đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục
cấp độ 2 theo quy định tại khoản 2 Điều 24 của Quy định này, thì sau 2 học kỳ
nhưng không quá 3 học kỳ được đăng ký kiểm định chất lượng giáo dục.
Điều 27. Cấp giấy chứng nhận và công bố kết quả kiểm định chất
lượng giáo dục
1. Cơ sở giáo dục phổ thông đạt tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục ở
cấp độ 3 theo quy định khoản 3 Điều 24 của Quy định này, thì được Chủ tịch Uỷ
ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục, có giá
16
trị 5 năm đối với trường tiểu học, 4 năm đối với trường trung học cơ sở, trường
trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học và Trung tâm kỹ thuật
tổng hợp - hướng nghiệp.
2. Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục cấp cho cơ sở giáo dục
phổ thông đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục cấp độ 3 theo quy định tại khoản 3
Điều 24 của Quy định này, có kích thước 21 cm × 29 cm có nội dung theo mẫu
Phụ lục 3. Các nội dung ghi trong giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo
dục được viết bằng loại mực màu đen, chữ viết rõ ràng, tên cơ sở giáo dục phổ
thông được viết kiểu chữ in hoa.
3. Kết quả kiểm định chất lượng giáo dục của cơ sở giáo dục phổ thông được
công bố công khai trên Website của sở giáo dục và đào tạo.
Điều 28. Thu hồi giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục
Trường hợp giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục của sơ cơ giáo
dục phổ thông đạt tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục cấp độ 3 theo quy định
khoản 3 Điều 24 của Quy định này còn trong thời hạn, mà cơ sở giáo dục phổ thông
không còn đáp ứng yêu cầu các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục do Bộ Giáo
dục và Đào tạo ban hành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định thu hồi
giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục.
Chương VI
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 29. Trách nhiệm của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng
giáo dục
1. Lập kế hoạch kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục phổ thông.
2. Quản lý, tổ chức thực hiện, hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các
hoạt động kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục phổ thông theo quy định.
3. Biên soạn các tài liệu hướng dẫn liên quan đến kiểm định chất lượng cơ
sở giáo dục phổ thông.
4. Hằng năm, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục báo cáo Bộ
trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về tình hình kiểm định chất lượng cơ sở giáo
dục phổ thông và thông báo trên Website của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Điều 30. Trách nhiệm của sở giáo dục và đào tạo
1. Xây dựng kế hoạch kiểm định chất lượng giáo dục, hướng dẫn, chỉ đạo,
kiểm tra, giám sát các phòng giáo dục và đào tạo, cơ sở giáo dục phổ thông do
sở giáo dục và đào tạo quản lý để thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục theo
quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
2. Chủ trì tổ chức tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho các đơn vị, cá
nhân thực hiện công tác kiểm định chất lượng giáo dục; thực hiện các hợp đồng
tổ chức hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục;
3. Tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục phổ
thông do phòng giáo dục và đào tạo quản lý và cơ sở giáo dục phổ thông thuộc
quyền quản lý.
17
4. Lập kế hoạch đánh giá ngoài, đánh giá lại và ra quyết định thành lập đoàn
đánh giá ngoài, đoàn đánh giá lại.
5. Tiếp nhận báo cáo đánh giá ngoài, báo cáo đánh giá lại (nếu có).
6. Thực hiện các thủ tục, đảm bảo các điều kiện cho hoạt động của đoàn
đánh giá ngoài và đánh giá lại.
7. Hằng năm, thống kê số liệu các cơ sở giáo dục phổ thông đăng ký kiểm
định chất lượng giáo dục; chỉ đạo và yêu cầu các cơ sở giáo dục phổ thông chưa
đăng ký kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục phổ thông triển khai kế hoạch
phấn đấu để các cơ sở giáo dục phổ thông đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục.
8. Giám sát các cơ sở giáo dục phổ thông đã được công nhận hoặc không
được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục khi thực hiện kế hoạch cải
tiến chất lượng trong báo cáo tự đánh giá, các kiến nghị trong báo cáo đánh giá
ngoài, báo cáo kết quả đánh giá lại về việc khắc phục những điểm yếu, phát huy
những điểm mạnh để nâng cao, cải tiến chất lượng các hoạt động giáo dục.
9. Báo cáo với Bộ Giáo dục và Đào tạo (Cục Khảo thí và Kiểm định chất
lượng giáo dục) và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh về các hoạt động liên quan đến
kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục phổ thông để được hướng dẫn, chỉ đạo,
kiểm tra, thanh tra và giám sát.
Điều 31. Trách nhiệm của phòng giáo dục và đào tạo
1. Xây dựng kế hoạch kiểm định chất lượng giáo dục, hướng dẫn, chỉ đạo,
theo dõi, kiểm tra, thanh tra các cơ sở giáo dục phổ thông thuộc quyền quản lý
về việc thực hiện các văn bản liên quan đến kiểm định chất lượng giáo dục do sở
giáo dục và đào tạo và Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
2. Báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện, Giám đốc sở giáo dục và
đào tạo về việc chấp nhận các cơ sở giáo dục phổ thông để đánh giá ngoài và thực
trạng quản lý chất lượng các cơ sở giáo dục phổ thông thuộc quyền quản lý; đề
nghị Giám đốc sở giáo dục và đào tạo đánh giá ngoài các cơ sở giáo dục phổ thông
thuộc quyền quản lý.
3. Phối hợp với phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục – sở giáo
dục và đào tạo, các đơn vị và cá nhân có liên quan để tổ chức tập huấn chuyên
môn, nghiệp vụ về đảm bảo chất lượng cho các cơ sở giáo dục phổ thông thuộc
quyền quản lý.
4. Tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ đăng ký kiểm định chất lượng giáo dục các
cơ sở giáo dục phổ thông thuộc quyền quản lý để đánh giá ngoài.
5. Theo dõi các cơ sở giáo dục phổ thông thuộc quyền quản lý thực hiện kế
hoạch cải tiến và nâng cao chất lượng giáo dục phát huy những điểm mạnh, khắc
phục những điểm yếu mà cơ sở giáo dục phổ thông đã đề ra trong báo cáo tự
đánh giá.
6. Thực hiện các thủ tục và đảm bảo các điều kiện cho hoạt động của đoàn
đánh giá ngoài, đánh giá lại (nếu có); tiếp nhận báo cáo đánh giá ngoài, báo cáo
đánh giá lại và các ý kiến của cơ sở giáo dục phổ thông thuộc quyền quản lý
được đánh giá ngoài.
18
7. Hằng năm thống kê số liệu các cơ sở giáo dục phổ thông thuộc quyền
quản lý đăng ký kiểm định chất lượng giáo dục; chỉ đạo và yêu cầu các cơ sở
giáo dục phổ thông thuộc quyền quản lý chưa đăng ký kiểm định chất lượng
giáo dục cần triển khai kế hoạch phấn đấu để đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục.
8. Giám sát các cơ sở giáo dục phổ thông thuộc quyền quản lý đã được công
nhận hoặc không được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục thực hiện các
kiến nghị của đoàn đánh giá ngoài, đoàn đánh giá lại, sở giáo dục và đào tạo về việc
để khắc phục những tồn tại, tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động giáo dục.
9. Báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện, Giám đốc sở giáo dục và
đào tạo về các hoạt động liên quan đến kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục
phổ thông thuộc quyền quản lý để được hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, thanh tra và
giám sát.
Điều 32. Trách nhiệm của cơ sở giáo dục phổ thông
1. Thực hiện quy trình tự đánh giá theo quy định tại Điều 9 của Quy định này.
2. Thực hiện các kế hoạch cải tiến chất lượng đã đề ra trong báo cáo tự
đánh giá và các kiến nghị của đoàn đánh giá ngoài, đoàn đánh giá lại,
3. Chuẩn bị các điều kiện để phục vụ đoàn đánh giá ngoài và đoàn đánh giá
lại (nếu có).
4. Bảo vệ và phát huy kết quả kiểm định chất lượng giáo dục đã được công
nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục, không ngừng nâng cao và cải tiến chất
lượng giáo dục.
5. Các sơ sở giáo dục phổ thông chưa đủ điều kiện đăng ký kiểm định chất
lượng giáo dục theo quy định tại Điều 7 của Quy định này, cần có kế hoạch cam kết
phấn đấu không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn đánh giá chất
lượng giáo dục để được đăng ký kiểm định chất lượng giáo dục.
Điều 33. Kinh phí hoạt động
1. Hoạt động kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục phổ thông được tổ chức
thực hiện bằng nguồn kinh phí của Nhà nước và các nguồn hỗ trợ của các tổ
chức, cá nhân trong và ngoài nước theo các quy định hiện hành của Luật Ngân
sách nhà nước và các quy định khác có liên quan.
2. Hằng năm, sở giáo dục và đào tạo và phòng giáo dục và đào tạo lập dự
toán kinh phí từ nguồn kinh phí của Nhà nước để chi cho các hoạt động kiểm
định chất lượng cơ sở giáo dục phổ thông.
3. Hằng năm, các cơ sở giáo dục phổ thông lập dự toán kinh phí từ ngân
sách nhà nước (đối với cơ sở giáo dục phổ thông công lập), từ nguồn kinh phí
hoạt động của nhà trường (đối với các cơ sở giáo dục phổ thông tư thục) và các
nguồn tài trợ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để chi cho
công tác tự đánh giá, cải tiến chất lượng giáo dục và các hoạt động có liên quan
đến kiểm định chất lượng giáo dục.
19
Chương VII
THANH TRA, KIỂM TRA, KHIẾU NẠI, TỐ CÁO, KHEN THƯỞNG
VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 34. Thanh tra và kiểm tra
1. Các hoạt động kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục phổ thông chịu sự
thanh tra, kiểm tra chuyên môn của các cơ quan chức năng có thẩm quyền và
theo quy định của pháp luật.
2. Phòng giáo dục và đào tạo định kỳ hoặc đột xuất tổ chức thanh tra,
kiểm tra tình hình thực hiện quy định về kiểm định chất lượng các cơ sở giáo
dục phổ thông thuộc quyền quản lý.
3. Sở giáo dục và đào tạo định kỳ hoặc đột xuất tổ chức thanh tra, kiểm tra
tình hình thực hiện quy định về kiểm định chất lượng các phòng giáo dục và đào
tạo và cơ sở giáo dục phổ thông.
4. Bộ Giáo dục và Đào tạo định kỳ hoặc đột xuất tổ chức thanh tra, kiểm
tra tình hình thực hiện quy định về kiểm định chất lượng giáo dục tại các cơ sở
giáo dục phổ thông và các đơn vị liên quan.
Điều 35. Khiếu nại và tố cáo
1. Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại đối với hành vi, quyết định trái pháp
luật của người có thẩm quyền về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục phổ thông.
2. Các tổ chức và cá nhân có quyền tố cáo hành vi vi phạm về kiểm định
chất lượng cơ sở giáo dục phổ thông và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội
dung tố cáo của mình.
Điều 36. Khen thưởng và xử lý vi phạm
1. Tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện kiểm định
chất lượng cơ sở giáo dục phổ thông được khen thưởng theo quy định của pháp
luật về thi đua khen thưởng.
2. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm Quy định này, tuỳ theo tính chất,
mức độ vi phạm bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm
hình sự; nếu gây thiệt hại thì bồi thường theo quy định của pháp luật./.
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG THƯỜNG TRỰC
(đã ký)
Bành Tiến Long
20
Phụ lục 1. Phiếu đánh giá tiêu chí
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 83/2008/QĐ-BGDĐT ngày 31 tháng 12
năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)
Cơ quan chủ quản........
Trường...........................
Nhóm..............................
PHIẾU ĐÁNH GIÁ TIÊU CHÍ
Tiêu chuẩn...................................................................................................................................
Tiêu chí .…..…………………………………………………………………......................
a)……………………………………………………………………...................
b).……………………………………………………………………..................
c)...........................................................................................................................
1. Mô tả hiện trạng (mục này phải có các thông tin, minh chứng kèm theo)
.......................................................................................................................................................................
.......................................................................................................................................................................
2. Điểm mạnh:
...........................................................................................................................................................................
.....................................................................................................................................................................
3. Điểm yếu:
...........................................................................................................................................................................
.....................................................................................................................................................................
4. Kế hoạch cải tiến chất lượng:
.......................................................................................................................................................................
........................................................................................................................................................................
5. Tự đánh giá:
5.1. Xác định nhà trường đạt hay chưa đạt được yêu cầu từng chỉ số của tiêu chí:
Chỉ số a Chỉ số b Chỉ số c
Đạt:
Không đạt:
Đạt:
Không đạt:
Đạt:
Không đạt:
5.2. Tự đánh giá tiêu chí:
Đạt:
Không đạt:
(Tiêu chí Đạt khi 03 chỉ số được đánh giá Đạt).
Người viết báo cáo (ghi rõ họ và tên):..................................................................................................
21
Phụ lục 2. Bản đăng ký kiểm định chất lượng giáo dục
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 83/2008/QĐ-BGDĐT ngày 31 tháng 12
năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)
TÊN CƠ QUAN QUẢN LÝ CẤP TRÊN
TÊN TRƯỜNG...........
Số:..................
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
...... , ngày ..... tháng ...... năm ....
ĐĂNG KÝ KIỂM ĐỊNH CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC
Kính gửi: - Phòng Giáo dục và Đào tạo.............
- Sở Giáo dục và Đào tạo...................
(Cơ sở giáo dục phổ thông thuộc quyền quản lý sở giáo dục và đào tạo không cần
gửi phòng giáo dục và đào tạo)
Tên trường: .................................................................................................
Địa chỉ: .......................................................................................................
.....................................................................................................................
Điện thoại: ...........................................; Fax:..............................................
E-mail: ..................................................; Website: .....................................
Đăng ký kiểm định chất lượng giáo dục theo .............số:................................
ngày.....tháng.....năm.........của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành
Quy định tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục ............
(Hồ sơ đăng ký kèm theo).
TT Tên tài liệu, văn bản Có Không
1
2
3
4
5
...
Hiệu trưởng/Giám đốc)
(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)
22
SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
CERTIFICATE OF ACCREDITATION
CHAIRMAN OF PEOPLE COMMITTEE OF
PROVINCE / CITY…………………….
Based on the Recommendation of the Director of
Department of Education and Training
RECOGNIZES
School: ……………….......…………………………...
Address:…...…………………………………………..
…………………………………………………………..
has fully met the required accreditation standards.
This certificate is valid for….years from the day of issue.
This ……….. day of ….. 200...
CHAIRMAN
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
GIẤY CHỨNG NHẬN KIỂM ĐỊNH CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC
CHỦ TỊCH UBND TỈNH / THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
…………………………
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo
CÔNG NHẬN
Trường…….................................................................................................
Địa chỉ: …………………………………………………………………..
……………………………………………………………………………..
đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục.
Giấy chứng nhận này có giá trị …. năm kể từ ngày ký.
Vào sổ đăng ký:......…........
23
2
3
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Số: 12 /2009/TT-BGDĐT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 12 tháng 5 năm 2009
THÔNG TƯ
Ban hành Quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục
trường trung học cơ sở
BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Căn cứ Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2007 của
Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các
Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2008 của
Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của
Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính
phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo
dục, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định như sau:
Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này Quy định về tiêu chuẩn đánh
giá chất lượng giáo dục trường trung học cơ sở.
Điều 2. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 26 tháng 6 năm 2009.
Điều 3. Chánh Văn phòng, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất
lượng giáo dục, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo;
26
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc sở
giáo dục và đào tạo chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Ban Tuyên giáo TƯ;
- UBVHGDTNTNNĐ của QH;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ,
cơ quan trực thuộc CP;
- Cục KTrVBQPPL (Bộ Tư pháp);
- Kiểm toán nhà nước;
- Công đoàn Giáo dục Việt Nam;
- Hội Khuyến học Việt Nam;
- Hội Cựu Giáo chức Việt Nam;
- Như Điều 3;
- Công báo;
- Website Chính phủ;
- Website Bộ GDĐT;
- Lưu: VT, Vụ PC, Cục KTKĐCLGD.
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG THƯỜNG TRỰC
(đã ký)
Bành Tiến Long
27