Tải bản đầy đủ (.doc) (6 trang)

Người viết bài thơ: Suối Lê Nin

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (145.45 KB, 6 trang )

Gặp người viết bài thơ Suối Lênin
NDĐT- 39 năm trước, vào ngày 19-5-1969, bài thơ Suối Lênin của anh sinh viên Trần Văn Loa
- năm thứ 3 khoa Ngữ văn, trường Đại học Sư phạm Việt Bắc - đã được in trang trọng trên
báo Nhân Dân, số đặc biệt kỷ niệm 79 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
“Ơi con suối xanh xanh
Dáng mềm mại thanh thanh
Xưa Bác ngồi câu cá
Vầng trán rộng mênh mông
Bác làm thơ cho suối
Đặt tên gọi Lênin
Bác uống nước dòng suối
Để thành máu nuôi tim…”
Những câu thơ giản dị, trong trẻo và giàu hình tượng đã gợi lên sự đồng điệu về cảm xúc, hai nhạc sĩ
Hoàng Đạm, Phạm Tuyên đã phỏng theo bài thơ và phổ nhạc, góp vào nền âm nhạc cách mạng hai ca
khúc cùng mang tên Suối Lênin, đều được công chúng đón nhận và yêu mến.
Người sinh viên năm xưa, nay là nhà thơ, nhà giáo Trần Văn Loa - hội viên Hội Văn học nghệ thuật Thái
Nguyên, giảng dạy ở chính ngôi trường đại học ông đã từng học. Người thầy giáo già, vóc dáng bé nhỏ,
có kiến văn sâu sắc mà lặng lẽ, tiếp tôi trong căn nhà giản dị xanh mướt cây lá nằm ở ven thành phố
Thái Nguyên. Ông sôi nổi kể lại những kỷ niệm thú vị khi viết bài thơ Suối Lênin, bài thơ đã đưa tên tuổi
ông vào đời sống văn học - nghệ thuật của đất nước.
- Tháng 4 năm 1969, chúng tôi, những sinh viên Văn khoá 1 của trường được đưa về Hà Nội học tập và
tham quan, thực tế. Chúng tôi được gặp gỡ các nhà văn nổi tiếng của nền văn học nước nhà như Nguyễn
Công Hoan, Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Tú Mỡ, Hoàng Trung Thông, Phan Tứ…, được đi thăm các bảo tàng
ở Thủ đô. Lần đến Viện Bảo tàng cách mạng Việt Nam, tôi tần ngần đứng ngắm mãi cái sa bàn về Pác Bó.
Dòng suối Lênin uốn lượn mềm mại bên ngọn núi Các Mác giữa một không gian rừng núi xanh ngắt, cùng
với không khí thành kính và thiêng liêng trong Viện Bảo tàng, gợi lên trong tôi cảm xúc rất khó tả. Tôi
bỗng muốn viết một bài thơ về Bác Hồ. Về nhà, tôi trăn trở mãi. Lúc ấy tôi đã làm nhiều thơ, có thơ đăng
ở Tiền phong, Văn nghệ, tham gia Hội Văn nghệ Việt Bắc rồi, nên tôi hiểu là: viết về Bác Hồ vừa dễ lại
vừa khó. Dễ, vì ai cũng yêu kính Bác, chắc chắn là cảm xúc sẽ chân thành; nhưng cũng rất khó, vì viết
thế nào để bài thơ thực sự là của riêng mình. Nghĩ mãi, rồi chợt bật ra cái ý: Bác Hồ là người đưa chủ
nghĩa Mác - Lênin vào nước mình, trở thành đường lối cho Đảng và nhân dân làm cách mạng giải phóng


dân tộc. Từ đầu nguồn Pác Bó, bên dòng suối Lênin, Bác lãnh đạo toàn Đảng toàn dân làm cách mạng.
Dòng suối nguồn trong trẻo trở thành dòng máu nuôi tim, như chủ nghĩa Mác - Lê nin nuôi dưỡng và làm
nên sức sống của cách mạng Việt Nam. Nghĩ vậy, tôi cắm cúi viết. Lúc đầu tôi làm thơ lục bát, thấy
không ổn, lại viết theo thể thất ngôn như truyện thơ Tày. Sau cũng không ưng ý, tôi viết thành thơ 5
chữ. Viết xong, tôi gửi báo Nhân dân và thấp thỏm chờ đợi. Hơn một tuần sau, bài thơ được in trang
trọng trên báo Nhân dân số ra ngày 19-5-1969. Tôi mừng ứa nước mắt.
Sau ngày Bác mất, tháng 12-1969, bài thơ được nhạc sĩ Hoàng Đạm phỏng lời và phổ nhạc theo giai điệu
dân ca Nhắng. Và vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Lênin, tháng 4 năm 1970, nhạc sĩ Phạm Tuyên lại
phổ nhạc trong âm hưởng làn điệu then của dân tộc Tày, có bớt đi ba khổ thơ để tập trung cảm hứng về
lãnh tụ. Hai bài hát được nghệ sĩ Tường Vi và nghệ sĩ Thuý Hà thể hiện, phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam,
được nhiều người yêu thích. Tôi thật hạnh phúc.
- Tôi được biết, khi viết bài thơ Suối Lênin, ông… chưa từng đến suối Lênin? Tôi ngập ngừng hỏi. Nhà thơ
Trần Văn Loa cười:
- Đúng vậy. Năm 1971 tôi mới có dịp lên Pác Bó. Ngày ấy khu di tích lịch sử Pác Bó chưa được tôn tạo
như bây giờ. Men theo lối mòn ven suối, nhìn rừng núi hoang sơ đầy sơn lam chướng khí, vẫn như thuở
Bác về nhen lửa cách mạng, tôi vô cùng xúc động và càng thêm khâm phục Người. Nhẩm lại các câu thơ
đã viết, tôi thấy may mắn vì những gì mình nghĩ và viết vẫn hợp với cảnh và tình nơi này.
- Từ bấy đến giờ các bài hát được sử dụng nhiều, ông có định đăng ký bản quyền và đề nghị được trả
nhuận bút không? Tôi hỏi.
- Ấy, không đâu! - Ông xua tay - Tôi đòi hỏi làm gì chứ? Bài thơ của tôi được các nhạc sĩ phổ nhạc như
chắp cho đôi cánh bay xa, được công chúng biết đến và yêu thích, đã là “nhuận bút” lớn lắm rồi. Không
tiền nào mua được. Một điều cũng lạ lùng là chừng ấy năm đã qua nhưng tôi chưa từng gặp hai nhạc sĩ
Hoàng Đạm và Phạm Tuyên. Tôi muốn được cám ơn hai ông ấy.
- Ông còn làm thơ nữa không?
- Từ ngày tham gia Hội Văn nghệ Việt Bắc, rồi Hội Văn học nghệ thuật Thái Nguyên, tôi có in hai tập thơ
và làm nghiên cứu, phê bình văn học. Nhưng sau này đọc lại, tôi thấy không hài lòng, nên ngừng viết để
nhìn lại mình. Tôi sẽ viết tiếp, nhưng viết khác đi, theo hướng tự sự, nhiều suy ngẫm hơn.
- Ông có tiếp tục viết về lãnh tụ nữa không?
- Đó là một đề tài mà tôi vẫn theo đuổi, nhưng sẽ viết ở góc độ khác. Từ cảm nhận về cuộc sống hôm
nay, suy ngẫm về những gì mà các bậc lãnh tụ đã đặt nền móng và kiến thiết, những gì các ông đã mơ

ước và hiện thực hoá, và cả những điều mà hậu thế chưa làm được như các ông mong muốn. Mà này,
đừng gọi tôi là nhà thơ nhé. Tôi chỉ là nhà giáo thôi.
Thiên Bảo
----------------------------------------
Suối Lê nin
Ơi con suối xanh xanh
Dáng mềm mại thanh thanh
Xưa Bác ngồi câu cá
Vầng trán rộng mênh mông
Bác làm thơ cho suối
Đặt tên gọi Lê-nin
Bác uống nước dòng suối
Để thành máu nuôi tim.
Nước của rừng, của núi
Bác rửa mặt hằng ngày
Bước Bác đi sớm tối
Mang xuân về đó đây...
Ơi con suối Lê-nin
Cho em in mái tóc
Cả trời xanh dịu hiền
Thành tiếng ca em hát
Đẹp như là đôi mắt
Của người yêu gọi ta
Suối Lê-nin trong vắt
Những tâm hồn bao la
Khi nước nhà có giặc
Anh khoác súng lên đường
Chia tay em bờ suối
Anh chào dòng Lê-nin
Là thượng nguồn nơi sinh

Của nghìn dòng sông cả
Đây con suối Lê-nin
Xưa Bác ngồi câu cá?
Bên núi cao Các Mác
Vạch con đường đấu tranh...
Ta đã đến nơi đây
Xanh xanh ngời con suối
Chú chim nhỏ trên cây
Đang gọi hè mở hội.
Rừng với chim nao nức
Ngồi cắt nắng làm hoa
Những bông hồng, bông cúc
Nở quanh ảnh Bác Hồ.
Nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh nhà thơ Nguyễn Bính (1918-1966)
Tìm lại một bài thơ Nguyễn Bính viết về phong trào xuống đường của sinh viên
Giới nhà văn và bạn đọc vừa kỷ niệm 90 năm ngày sinh nhà thơ Nguyễn Bính (1918-1966); nhân dịp
này xin giới thiệu lại với bạn đọc một bài thơ Nguyễn Bính viết về phong trào xuống đường biểu
tình chống quân xâm lược của học sinh sinh viên Sài Gòn - Chợ Lớn hồi đầu năm 1950.
Như Nguyễn Bính ghi rõ dưới bài thơ: ông viết bài này ngay sau cuộc biểu tình của học sinh Sài Gòn - Chợ
Lớn ngày 19-1-1950. Không rõ tác giả có đưa đăng bài thơ này ở báo nào tại Sài Gòn hay vùng kháng
chiến ở Nam bộ đương thời hay không, chỉ biết là ngay sau khi tập kết ra Bắc, Nguyễn Bính đã đăng bài
thơ Máu chảy trên đường phố này trên báo Trăm Hoa số 7, ra ngày thứ bảy 22-10-1955, tờ báo tư nhân ở
Hà Nội mà chủ nhiệm là Trúc Đường Nguyễn Mạnh Phác, anh ruột Nguyễn Bính (phân biệt với tờ Trăm
Hoa do Nguyễn Bính tục bản vào tháng 10-1956).
Bài thơ Máu chảy trên đường phố cho thấy một nét mà chúng ta còn hơi ít được thấy ở tài thơ Nguyễn
Bính: khả năng viết các thiên bi hùng ca tranh đấu. Có lẽ người ta chỉ mới biết thoáng qua chất anh hùng
ca khi nghe lời bài hát Tiểu đoàn 307. Xin nhớ rằng Nguyễn Bính có cả một tập Ông lão mài gươm viết hồi
kháng chiến chín năm (1946 - 1954) ở Nam bộ. Nhà thơ có cốt cách dân gian nhuần nhị đến độ cổ điển này
khi đi vào cuộc kháng chiến của toàn dân, đã khá dễ dàng bắt giọng hùng ca. Và với đề tài về cuộc đấu
tranh đổ máu của học sinh sinh viên đô thị, nhà thơ còn mô tả và cảm khái bằng âm hưởng bi hùng.

Xin giới thiệu cùng bạn đọc bài thơ có lẽ còn hiếm người biết này.
Lại Nguyên Ân
Máu chảy trên đường phố
(Làm sau cuộc biểu tình của học sinh tại Sài Gòn - Chợ Lớn ngày 19-1-1950)
Những học sinh của Sài Gòn - Chợ Lớn
Bước chân tơ ngày hai buổi tới trường
Lắng tai nghe sóng gió dậy ngàn phương
Ôi! Bực bội! Bốn bức tường nhỏ hẹp!
Ngoài kia vang sắt thép?
Ngoài kia rực ánh vàng son?
Ngoài kia vui? Sao đây sầu vạn kiếp?
Nắng ngoài kia? Đây lạnh buốt tâm hồn?
Là những mầm non
Hoa chờ trái đợi
Hồn trong trắng thơm tho trang vở mới,
Bàn tay mềm như mái tóc tơ xanh
Đàn chim non bay mát rượi kinh thành
Trao hứa hẹn giữa nụ cười kết bạn.
Mùa thu năm bốn lăm
Toàn dân làm cách mạng
Sao vàng mọc, núi sông trào ánh sáng
Khắp đô thành nhảy múa một màu son
Hạnh phúc về quy tụ giữa tim non
Hoa độc lập hẹn thơm mùa giải phóng.
***********************
Giặc Pháp thừa cơ
Đem binh chiếm đóng
Chợ Lớn - Sài Gòn hỗn loạn bóng xâm lăng
Dân chúng âm thầm
Nuốt hờn ngậm nhục

Trong tay giặc, nghiến răng không khuất phục
Giữa đêm dày hồn vẫn thắm cờ son.
Những học sinh của Sài Gòn Chợ Lớn
Lắng tai nghe sóng gió dậy ngàn phương
Bước chân tơ ngày hai buổi tới trường
Mà cảm thấy như mình đi lạc lối
Ôi! Khao khát hoa rừng thơm nước suối
Ôi! Thèm nghe chim hót sáng bình minh
Cha chúng ta trong những chiến khu xanh
Mài gươm bén đêm đêm truy kích giặc
Các anh ta vượt Trường Sơn ra Việt Bắc
Bác ngoài kia khuya sớm vọng về Nam…
Mà ở đây trong vuốt giặc hung tàn
Nghẹt thở quá! Họng muốn trào máu đỏ.
- “Lũ giặc nước lại ra tay khủng bố
Lại giam cầm các bạn của ta sao?
Không! Không! Không! Không! Chẳng có khi nào!
Hãy trả lại cho ta năm bạn ấy!
Ta có bạn và tim ta máu chảy
Anh em ơi! Làm một cuộc biểu tình!
Máu Việt Nam là dòng máu xuân xanh
Kết hợp lại, hiền hòa, trật tự…”
Nhưng đế quốc là một bầy thú dữ
Bọn bù nhìn là một lũ chó săn
Với chúng ư? Đâu còn có công bằng
Đâu nhân đạo và đâu là luật pháp?
Giương nanh vuốt chúng thản nhiên đàn áp,
Máu học sinh tuôn đổ giữa châu thành
Máu nhuộm tóc xanh
Máu loang áo lụa

Máu nhòe má đỏ
Máu bết môi non
Em mười lăm tuổi mới chớm trăng tròn
Đầu vỡ nát, óc văng đầy trộn cát
Súng sáu, liên thanh, lưỡi lê, ma trắc
Giặc reo cười, đạp, bắn, giết như mưa
Cánh tay mềm, đôi mắt sáng, ngực non tơ
Bọn Pháp Mỹ xả vào, man rợ!
Em ngã xuống rồi
Chị xông lên đỡ
Tiếng thét tiếng la
Căm hờn giãy giụa.
Rời vú mẹ miệng vẫn thơm mùi sữa
Mới sáng nay còn đầm ấm giữa gia đình
Vì đế quốc các em giờ tắt thở
Đời các em như tia nắng bình minh
Bỗng vụt tắt bởi bàn tay lũ giặc.
Các bạn học sinh
Chịu cơn tàn sát
Máu các bạn đổ nhiều
Chúng hả hê ca hát
Miệng sài lang vẫn khát máu thanh niên.
Các em đôi mắt dịu hiền
Chan hòa lửa hận
Khăng khít kinh hoàng
Tình thương nỗi giận.
Ngực các em đầy đốm máu hồng tươi
Như những tấm huy chương rực rỡ chói ngời
Những huy chương tranh đấu
Lịch sử muôn đời

Những anh hùng đất nước
Chưa tới tuổi hai mươi.
Môi mím chặt mà các em không khóc
Chân không run mà tay chẳng rời tay
Giữa Sài Gòn Chợ Lớn, giữa ban ngày
Đem tuổi thơ sinh các em đi phá ngục…
Dòng máu xuân xanh
Chói màu bất khuất
Đường phố chuyển mình
Thấm sâu lòng đất
Cả non sông rung chuyển khối căm thù.
********************
Người ở chiến khu
Lòng đau kính mến
Mắt đăm đắm phía kinh thành tạm chiếm
Lệ muốn trào mà lửa hận bừng sôi
Lửa bốc cao ngang với lửa mặt trời
Lệ không chảy mà lòng dâng biển hận
Bọn đế quốc, lũ bù nhìn, quân khốn nạn
Tới ngày cùng uống cả máu thơ sinh
Một ngày kia ta giải phóng kinh thành
- Tiến lên! Các bạn!
Bọn đế quốc, lũ bù nhìn, quân khốn nạn
Phải tan thành cát bụi dưới chân ta!
Hỡi quân thù, loài lang chó thối tha!
Mi phải chết, phải đền bao tội ác
Bọn quỷ cùng đường
Dã man hèn nhát
Giết học sinh không vũ khí trong tay
Giết học sinh trên đường phố giữa ban ngày

Cả nhân loại sẽ nghìn đời vạn kiếp

×