Tải bản đầy đủ (.doc) (4 trang)

BDT: Cuộc đời, Sự nghiệp Đ/c Hoàng Văn Thụ

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (127.38 KB, 4 trang )

Hoàng Văn Thụ
Hoàng Văn Thụ (1906-24 tháng 5 năm 1944) là nhà lãnh đạo cao cấp của Trung ương Đảng Cộng sản
Đông Dương, người có đóng góp lớn vào phong trào cách mạng giải phóng dân tộc và là nhà thơ cách mạng
Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Hoàng Văn Thụ là người dân tộc Tày, sinh năm 1906 tại xóm Lạc Phạn, xã Nhân Lý (nay là xã Hoàng
Văn Thụ), châu Điềm He, huyện Văn Uyên (nay là huyện Văn Lãng) tỉnh Lạng Sơn, Việt Nam.
Về xuất thân của ông, các tài liệu ghi khác nhau. Theo Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam,
ông sinh ra trong gia đình nông dân. Tuy nhiên theo một số tài liệu khác ông "ra đời trong một gia đình quan
lại, cha là tri phủ".
Một số tài liệu ghi ông còn có tên là Hoàng Đình Hưng.
Thoát ly theo cách mạng
Theo tài liệu của Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Hoàng Văn Thụ đã được học cả chữ
Hán và chữ quốc ngữ từ nhỏ. Năm 14 tuổi (1920), sau học đậu sơ học yếu lược
[2]
ông ra thị xã Lạng Sơn học
tiếp.
Tại đây, Hoàng Văn Thụ đã gặp và kết bạn với Hoàng Đình Dong (Roong, Gioong) và Lương Văn Chi,
những người trở thành bạn hoạt động cách mạng của ông sau này.
Năm 1926, sau lễ truy điệu nhà yêu nước Phan Chu Trinh, ông đã cùng Lương Văn Chi thành lập nhóm
thanh niên yêu nước ở Lạng Sơn. Cuối năm 1927, ông cùng Lương Văn Chi sang Bản Đáy (Quảng Tây,
Trung Quốc) là nơi Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội đang tổ chức các lớp huấn luyện chính trị.
Nhưng khi ông vừa tới nơi thì bị đặc vụ vây bắt. Ông chạy thoát về Long châu, trải qua nhiều khó khăn gian
khổ để kiếm sống và hoạt động, có lần phải đóng làm người "bán thuốc cao" và thậm chí phải đi xin ăn,
nhưng ông vẫn không nản chí.
Gây dựng cơ sở trong nước từ nước ngoài
Năm 1930, ông được người quen giới thiệu vào học thợ và làm việc tại xưởng cơ khí Nam Hưng, một xí
nghiệp do một số nhà cách mạng Việt Nam lập ra, làm cơ sở liên lạc, nơi hội họp đồng thời là cơ sở hoạt động
kinh tế để lấy kinh phí hoạt động. Tại đây Chi bộ Đông Dương cộng sản đảng gồm ba người: Hoàng Văn
Thụ, Hoàng Đình Roong và Hoàng Vĩnh Tuy đã được thành lập, Hoàng Đình Roong làm bí thư chi bộ. Từ chi
bộ ba người đã trở thành Ban liên tỉnh uỷ Cao - Lạng (Cao Bằng - Lạng Sơn). Hoàng Văn Thụ được phân
công phụ trách Lạng Sơn. Ông rời xưởng Nam Hưng về Long Châu, gây dựng cơ sở ở Lũng Nghìu làm nơi


liên lạc với những người cách mạng ở Việt Nam.
Năm 1930, ông gây dựng được 3 tổ quần chúng tại các xóm Ma Mèo, Tà Lài (huyện Văn Uyên), tới năm
1931 mở rộng ra các địa phương Khơ Đa, Na Sầm, Đồng Đăng, Kỳ Lừa, Thất Khê và tới năm 1932 mở rộng
tới xã Nhân Lý quê ông. Khi vận động được người nào, ông thường tập hợp tại hang Áng Cúm (gần Lũng
Nghìu) để huấn luyện rồi giao nhiệm vụ trở về phát triển tổ chức trong nước.
Nhận chỉ thị của Quốc tế Cộng sản, năm 1932, Lê Hồng Phong về nước hoạt động. Về tới Long châu, Lê
Hồng Phong bắt liên lạc với Ban liên lạc tỉnh uỷ Cao - Lạng và đã gặp ông. Ông được Lê Hồng Phong giúp
đỡ học tập chủ nghĩa Marx – Lenin và làm trợ bút cho tờ báo Châu Giang để học thêm tiếng Hán. Nhờ vốn
tiếng Hán, ông đã tiếp cận với nhiều trước tác của Mao Trạch Đông. Từ khi Ban chỉ huy hải ngoại thành lập,
ông trở thành người giúp việc tích cực của ban này và chắp nối với các cơ sở trong nước.
Cuối năm 1934, Hoàng Văn Thụ cùng các đảng viên trong Ban liên tỉnh uỷ lâm thời họp và được đề cử
đại biểu đi dự đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng cộng sản Đông Dương. Năm 1935, sau khi dự đại hội, ông
được cử về nước hoạt động.
Bí thư Xứ uỷ Bắc Kỳ
Hoàng Văn Thụ trở về Việt Bắc làm chủ bút báo “Tranh đấu” ở miền thượng du. Sau đó ông gây dựng cơ
sở đảng ở Vũ Nhai, Bắc Sơn. Chi bộ ghép được thành lập, trong đó có Chu Văn Tấn và Nông Văn Cún là
những người chỉ huy khởi nghĩa Bắc Sơn sau này.
Thời kỳ 1936-1939, thời kỳ Mặt trận dân chủ Đông Dương, còn gọi là thời kỳ Bình dân, sau một thời
gian sang Trung Quốc để in văn kiện đại hội Đảng gửi về nước, tháng 2 năm 1937, ông về Cao Bằng lãnh đạo
phong trào bình dân và viết báo Lao động. Sau đó, vì bị người Pháp theo dõi gắt gao, ông trốn sang Hương
Cảng.
Giữa năm 1938, ông được Lê Hồng Phong giao nhiệm vụ về gặp Xứ uỷ Bắc Kỳ tại Hà Nội để truyền đạt
chủ trương thành lập Mặt trận Dân chủ chống phát xít ở Đông Dương. Sau đó Hoàng Văn Thụ được bầu vào
Ban thường vụ Xứ uỷ Bắc Kỳ, cùng với Trường Chinh và Hoàng Quốc Việt, Bí thư Liên xứ uỷ Bắc Trung kỳ
giai đoạn này là Hoàng Văn Nọn tức Hoàng Tú Hữu
[3]
. Sau đó ông lại được cử ra Hòn Gai, Uông Bí để củng
cố cơ sở Đảng.
Đầu năm 1939, ông dự hội nghị Xứ uỷ mở rộng do Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ triệu tập ở Vạn Phúc
(Hà Đông) và được cử làm Bí thư Xứ uỷ Bắc Kỳ. Thời gian hoạt động ở Hà Đông, cơ quan Xứ uỷ bị người

Pháp theo dõi, khủng bố ráo riết. Để tránh bị lộ, ông thường xuyên phải cải trang và di chuyển, đi ở nhờ trong
nhiều nhà dân và vận động được nhiều người tham gia, ủng hộ cách mạng. Nhiều người biết đến ông với
những cái tên như "đồng chí Bảy", "anh Lý".
Ngoài công việc Xứ uỷ, ông còn được giao trực tiếp phụ trách Thành uỷ Hà Nội. Do bị nội phản, Thành
uỷ luôn bị phá. Từ năm 1939 đến 1943, ông đã 10 lần khôi phục lại Thành uỷ Hà Nội.
Tháng 11 năm 1940, tại Hội nghị Trung ương Đảng cộng sản Đông Dương lần thứ 7 diễn ra tại làng Đình
Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh, ông cùng Trường Chinh và Hoàng Quốc Việt được bầu là Uỷ viên thường vụ Trung
ương Đảng, Trường Chinh làm quyền Tổng Bí thư.
Chiến tranh thế giới lần thứ hai nổ ra, thực dân Pháp ở Đông Dương tăng cường đàn áp. Hàng ngàn đảng
viên đảng Cộng sản bị bắt giam. Đảng Cộng sản Đông Dương chủ trương rút vào hoạt động bí mật, ông cùng
Trường Chinh phải lặn lội đi nhiều tỉnh để chắp nối trong cảnh vô cùng thiếu thốn và gian khổ.
Phát xít Nhật đem quân tràn vào Đông Dương. Cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn nổ ra, dẫn đến việc thành lập
Cứu quốc quân do Chu Văn Tấn chỉ huy. Ông cùng Trường Chinh và Trần Đăng Ninh đã kịp thời lên Lạng
Sơn chỉ đạo để Cứu quốc quân, lúc đó chưa đủ mạnh, rút vào bí mật, để bảo toàn lực lượng.
Đầu năm 1941, ông được cử sang Tịnh Tây (Trung Quốc) dự đại hội đoàn thể cách mạng Việt Nam để
bàn việc thống nhất các lực lượng cách mạng trong và ngoài nước. Ông đã gặp Nguyễn Ái Quốc và nhận trách
nhiệm cùng tỉnh uỷ Cao Bằng đón Nguyễn Ái Quốc về nước.
Sau đó ông nhận lệnh của Trường Chinh sang Quảng Tây đón Nguyễn Ái Quốc, nhưng chuyến đi đó
chưa đón được. Tháng 4 năm 1941, Nguyễn Ái Quốc từ Vân Nam qua Quảng Tây về Cao Bằng, ở tại hang
Pắc Pó, nơi có dòng suối mà tiếng địa phương gọi là Khuổi Nậm. Hoàng Văn Thụ cùng Trường Chinh, Hoàng
Quốc Việt, Chu Văn Tấn từ Việt Nam sang Long Châu (Quảng Tây, Trung Quốc) rồi đi vòng về Cao Bằng.
Tại Pắc Bó, tháng 5 năm 1941, ông cùng đoàn đại biểu Xứ uỷ Bắc Kỳ dự hội nghị trung ương lần thứ VIII và
được cử vào Ban thường vụ Trung ương Đảng. Đại hội thành lập Việt Nam cách mạng đồng minh (Việt
Minh) đã cử ông vào Lâm thời Tổng bộ Việt Minh. Ông được phân công là Thường vụ trung ương phụ trách
binh vận.
Mặt trận Việt Minh ra đời, phong trào chống Pháp-Nhật lên cao. Đảng Cộng sản Đông Dương một mặt
xây dựng căn cứ ở Việt Bắc, mặt khác đẩy mạnh phong trào ở các tỉnh. Ban Thường vụ đặt cơ quan bí mật
ngay tại quận 5 Hà Nội. Hoàng Văn Thụ thường cùng ở với Tổng bí thư Trường Chinh. Ông tích cực hoạt
động binh vận (vận động binh lính địch) ở Hà Nội. Trong khi đang vận động các binh lính, do bị chỉ điểm,
ông bị bắt tháng 8 năm 1943 tại ngõ Nam Diệm khu Tám Mái

[4]
.
Trong lao ngục
Trong nhà lao thực dân Pháp, ông truyền thụ nhiều lý luận cách mạng và nêu cao tinh thần bất khuất cho
các đồng đội trong ngục. Ông mở cuộc tranh luận với các thủ lĩnh Đảng Đại Việt làm họ thấy chủ trương
đúng đắn của Mặt trận dân tộc thống nhất chống Pháp-Nhật do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo. Ông
tranh thủ cảm hoá các giám ngục, binh lính trông tù, nhiều người trong tù rất kính phục ông.
Hoàng Văn Thụ bị nhiều trận tra tấn rất nặng. Theo tài liệu của Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Cộng sản
Việt Nam, ông bị hơn 20 trận tra tấn, nhiều trận kéo dài từ 9 giờ đêm tới 3 giờ sáng. Tuy nhiên, thực dân Pháp
không thể khuất phục được ông. Trong thời gian chịu đòn tra tấn, ông vẫn ôn tồn thuyết phục, tuyên truyền
cho sự hợp tác giữa những người Pháp và ngưòi Đông Dương trong việc chống lại phát xít Nhật.
Tháng 1 năm 1944, ông bị kết án tử hình.
Ra pháp trường
Sáng ngày 24 tháng 5 năm 1944, thực dân Pháp mang ông ra xử bắn. Ông ung dung ra pháp trường
Tương Mai. Khi giám thị hỏi ông có cần bịt mắt hay không, ông trả lời không cần.
Quan toà hỏi ông có cần nói lời cuối cùng, ông nói:
"Trong cuộc đấu tranh sinh tử, giữa chúng tôi, những người mất nước và các ông, những kẻ cướp nước,
sự hy sinh của những người như tôi là một sự dĩ nhiên. Chỉ biết rằng cuối cùng chúng tôi sẽ thắng"
Cha cố hỏi ông có cần rửa tội hay không, ông đáp:
"Cảm ơn ông, tôi không có tội gì. Nếu yêu nước, cứu nước là có tội thì những người Pháp hiện giờ đang
đấu tranh chống phát xít Đức bên nước ông đều là có tội cả. Ông hãy về hỏi xem họ có tội không?"
6 giờ sáng, ông bị đưa đi bắn. Năm đó ông 38 tuổi.
Đời tư
Đời tư của ông được các tài liệu ghi không thực sự thống nhất, do xuất thân của ông cũng được các tài
liệu xác nhận khác nhau. Bài thơ Đoạn tuyệt của ông (xem bên dưới), có ý kiến cho rằng là bức thư trả lời cha
ruột làm tri phủ cộng tác với Pháp; lại có ý kiến cho rằng bài thơ đó trả lời cha vợ là đội Hiển, còn cha ruột
ông chỉ là nông dân.
Một số tài liệu ghi ông sinh năm 1909. Tuy nhiên, hồi ký của Trần Đăng Ninh, người cùng bị tù Hỏa Lò
với ông khi đó, mang tựa đề "Những ngày cuối cùng của anh Hoàng Văn Thụ" (ban hành năm 1959), đã có
đoạn khẳng định lời nói của ông với tác giả năm 1944 trong nhà lao Hỏa Lò: "Năm nay tôi 38 tuổi...". Như

vậy ông sinh năm 1906.
Một số tài liệu, trong đó có tài liệu của Ban nghiên cứu lịch sử Đảng tỉnh Hà Đông (ban hành năm 1964)
nói rằng giữa ông và bà Hoàng Ngân, một lãnh tụ của phong trào phụ nữ Việt Nam, ngoài tình đồng chí còn
có tình yêu.
Nhà thơ cách mạng
Hoàng Văn Thụ sáng tác nhiều bài thơ cách mạng bằng cả tiếng Tày lẫn tiếng Việt. Thơ của ông có vị trí
xứng đáng trong thơ ca cách mạng Việt Nam. Trong thơ ông có những nét truyền thống thi ngôn chí, thơ nói
lên ý chí tác gia của truyền thống thi ca cổ điển dân tộc, truyền thống phương Đông cũng như của thơ ca cách
mạng.
Đoạn tuyệt
Theo một số nguồn tài liệu, khi Hoàng Văn Thụ đi hoạt động cách mạng, cha vợ là ông đội Hiển đã viết
thư dụ ông về hợp tác với Pháp, nhưng ông đã viết bài thơ Đoạn tuyệt nổi tiếng để trả lời năm 1940:
Đọc mấy lời trong thư cha vừa dụ
Dòng lệ con hoen ố mảnh nhung y
Nhớ ngày nào cất bước ra đi
Trong trí dũng con ghi đầy kiêu hãnh!
Kìa lưỡi kiếm kẻ thù dính máu
Mà anh hùng tim lạnh cả vô danh
Trong phong ba vùng vẫy cá nghê kình
Tham mồi béo nên nộp mình cho ngư phủ
Chốn rừng xanh tung hoành con mãnh hổ
Ham mồi ngon nên ủ rũ chốn chuồng con!
Bả vinh hoa làm chết cả tâm hồn
Nhưng nào chuyển được lòng son dạ sắt!
Khói Hồng Lĩnh còn mịt mù u uất
Sông Nhị Hà còn chất chứa hờn căm
Thì đời con là của cả giang sơn
Dù giá rét mưa đông chi xá kể
Kìa những lúc cha vui vầy vị kỷ
Là con đang rầu rĩ khóc non sông

Đêm canh trường cha nệm ấm chăn bông
Nơi rừng sâu con nằm sương dãi đất
Cha hít thở những hương trầm thơm ngát
Pha những mùi máu thịt của lê dân
Thì mũi con đang ngạt thở, cổ khô khan
Tai vọng tiếng hờn căm trong thảm cảnh
Trên ngực cha đầy mề đay, kim khánh
Bên sườn con lấp lánh kiếm tiên cừu
Khi cha say mê với thiếu nữ yêu kiều
Thì con tận tuỵ với tình yêu đất nước
Cha mang hết tài năng trí óc
Mưu vinh thân là mục đích cuối cùng
Thì con đang mang xương trắng máu hồng
Đem cứu vớt non sông là ý nguyện
Cha với con là hai trận tuyến
Cha tiến một đường, con tiến một đường
Thôi từ nay hai chữ cương thường
Xin hạ xuống để dâng đất nước
Buổi đoàn viên thôi cha đừng mong ước
Cuộc hội đàm dùng đại bác với thần công!
Bức thư đây là bức thư cuối cùng
Mà cha chỉ là cha trong dĩ vãng...
Nhắn bạn
Trước khi bị địch bắn, Hoàng Văn Thụ đã viết một bài thơ tuyệt mệnh gửi ra ngoài nhà tù cho các đồng
chí của mình, mà có người cho rằng ông nhắn tới bà Hoàng Ngân, nằm ở sà lim cạnh phòng ông. Đó là bài thơ
Nhắn bạn bất hủ:
Việc nước xưa nay có bại thành,
Miễn sao giữ được chọn thanh danh,
Phục thù, chí lớn không hề nản,
Ngọc nát còn hơn giữ ngói lành.

Thân dẫu lao tù lâm cảnh hiểm,
Chí còn theo rõi buổi tung hoành.
Hỡi bạn gần xa đang chiến đấu,
Trước sau xin giữ tấm lòng thành!
Tưởng nhớ
Đời chiến đấu của Hoàng Văn Thụ không dài nhưng rất nhiều ý nghĩa. Trên bảng ghi công Tổng khởi
nghĩa tháng Tám 1945 có tên Hoàng Văn Thụ. Các thế hệ người cộng sản Việt Nam luôn ghi nhớ tấm gương
hy sinh và cuộc đời chiến đấu của ông cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Hoàng Văn Thụ được truy tặng danh hiệu anh hùng, liệt sĩ. Phần mộ của ông tại Tương Mai, từ sau ngày
giải phóng Thủ đô, 10-10-1954, được xây cất đẹp đẽ, sau đó được đưa về nghĩa trang Mai Dịch. Ở Tương
Mai, nơi ông bị bắn cũng có một nấm mộ và một tượng đài trong tư thế hiên ngang trước quân thù, dũng cảm
hy sinh vì tự do cho nhân dân, vì độc lập của Tổ quốc.
Xã Nhân Lý quê hương ông được đổi mang tên ông. Tại Hà Nội cũng có xã mang tên Hoàng Văn Thụ.
Nhiều thành phố ở Việt Nam có phố mang tên ông.

×