Tải bản đầy đủ (.pdf) (102 trang)

Triết lý nhân sinh của thiền phái trúc lâm yên tử và giá trị lịch sử của nó

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.08 MB, 102 trang )

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

HOÀNG VĂN HÙNG

TRIẾT LÍ NHÂN SINH
CỦA THIỀN PHÁI TRÚC LÂM YÊN TỬ
VÀ GIÁ TRỊ LỊCH SỬ CỦA NÓ

LUẬN VĂN THẠC SĨ TRIẾT HỌC

Hà Nội - 2016


ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

HOÀNG VĂN HÙNG

TRIẾT LÍ NHÂN SINH
CỦA THIỀN PHÁI TRÚC LÂM YÊN TỬ
VÀ GIÁ TRỊ LỊCH SỬ CỦA NÓ

Chuyên ngành: Triết học
Mã số: 60 22 03 01

LUẬN VĂN THẠC SĨ TRIẾT HỌC

Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS Hoàng Thị Thơ

Hà Nội - 2016




LỜI CAM ĐOAN

Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Trên cơ sở
kế thừa từ các công trình nghiên cứu của các tác giả đi trước và sự độc lập
nghiên cứu của bản thân dưới sự hướng dẫn của PGS.TS Hoàng Thị Thơ.
Nội dung trích dẫn trong luận văn là trung thực, có xuất xứ rõ ràng, nếu
sai tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Hà Nội, ngày 20 tháng 03 năm 2016
Tác giả luận văn

Hoàng Văn Hùng


LỜI CẢM ƠN

Để hoàn thành được luận văn này tôi xin chân thành cảm ơn các thầy
giáo, cô giáo trong khoa Triết học cũng như các thầy cô giáo của trường Đại
học Khoa học - Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, đã tận tình
truyền đạt kiến thức và các bạn, đồng nghiệp đã động viên, giúp đỡ tôi trong
quá trình thực hiện đề tài này.
Xin chân thành cảm ơn các đồng chí, đồng nghiệp hiện đang công tác
tại trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh, đặc biệt Ban giám hiệu Nhà
trường đã tạo điều kiện thuận lợi cho tôi trong quá trình học tập, nghiên cứu
cũng như hoàn thành luận văn.
Đặc biệt, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến sự hướng dẫn chuyên
môn tận tình, của PGS.TS Hoàng Thị Thơ.
Để có thể tiếp tục được học hỏi và hoàn thiện hơn nữa luận văn này, tôi
chân thành mong muốn nhận được sự góp ý quý báu của quý thầy, cô giáo,

các đồng chí, đồng nghiệp và các bạn học viên cho bản luận văn này của tôi.

Hà Nội, tháng 03 năm 2016
Tác giả luận văn

Hoàng Văn Hùng


MỤC LỤC

MỞ ĐẦU ....................................................................................................... 1
1. Lí do chọn đề tài ......................................................................................... 1
2. Tổng quan tình hình nghiên cứu ................................................................. 3
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu ............................................................ 12
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu............................................................. 12
5. Cơ sở lí luận và phương pháp nghiên cứu ................................................. 13
6. Đóng góp của luận văn ............................................................................. 13
7. Ý nghĩa lí luận và ý nghĩa thực tiễn của của luận văn ............................... 13
8. Kết cấu của đề tài ..................................................................................... 14
Chương 1 TIỀN ĐỀ HÌNH THÀNH TRIẾT LÍ NHÂN SINH CỦA
THIỀN PHÁI TRÚC LÂM YÊN TỬ ........................................................ 15
1.1. Bối cảnh chính trị - xã hội và Phật giáo trước khi hình thành thiền
phái Trúc Lâm Yên Tử .............................................................................. 15
1.1.1. Điều kiện chính trị - xã hội trước khi hình thành thiền phái Trúc Lâm
Yên Tử .......................................................................................................... 15
1.1.2. Điều kiện tôn giáo, văn hóa trước khi hình thành thiền phái Trúc Lâm
Yên Tử .......................................................................................................... 18
1.2. Tiền đề tư tưởng hình thành triết lí nhân sinh của thiền phái Trúc
Lâm Yên Tử................................................................................................ 22
1.2.1. Kế thừa sự dung hợp Tam giáo ở Việt Nam......................................... 22

1.2.2. Ba dòng thiền và ba môn phái Phật giáo Việt Nam............................. 28
1.2.3. Tư tưởng Phật học của Trần Thái Tông và Tuệ Trung Thượng Sĩ ....... 33
Tiểu kết chương 1 ....................................................................................... 46
Chương 2 NỘI DUNG TRIẾT LÍ NHÂN SINH CỦA THIỀN PHÁI
TRÚC LÂM YÊN TỬ VÀ GIÁ TRỊ LỊCH SỬ CỦA NÓ ........................ 48


2.1. Vài nét khái quát về Tam tổ - nhân tố chủ quan của thiền Trúc Lâm
Yên Tử ........................................................................................................ 48
2.1.1. Trần Nhân Tông (1258-1308) - tổ thứ nhất......................................... 48
2.1.2. Pháp Loa (1284 - 1330) - tổ thứ hai ................................................... 51
2.1.3. Huyền Quang (1254- 1334) - tổ thứ ba .............................................. 53
2.2. Triết lí Phật tại tâm và Nhập thế của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử 56
2.2.1. Triết lí Phật tại tâm của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử ......................... 56
2.2.2. Triết lí nhập thế của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử............................... 61
2.3. Một số giá trị lịch sử của triết lí nhân sinh của Thiền Trúc Lâm Yên
Tử ................................................................................................................ 67
2.3.1. Giá trị của triết lí Phật tại tâm ........................................................... 67
2.3.2. Giá trị của triết lí Nhập thế của thiền Trúc Lâm Yên Tử ..................... 71
Tiểu kết chương 2 ....................................................................................... 79
KẾT LUẬN ................................................................................................. 81
TÀI LIỆU THAM KHẢO.......................................................................... 83
PHỤ LỤC


MỞ ĐẦU

1. Lí do chọn đề tài
Thực tiễn hơn bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt
Nam đã chứng minh rằng, để trường tồn, phát triển trên mảnh đất đầy hiểm họa

xâm lăng và có nguy cơ bị đồng hóa, ông cha ta đã biết dựa vào sức mạnh tổng
hợp của toàn dân tộc để thực hiện quyền độc lập, tự chủ của mình, một trong
những sức mạnh tổng hợp đó là bản sắc truyền thống văn hóa, giá trị tinh thần,
mà từ góc độ cốt lõi tư tưởng đó chính là triết lí nhân sinh của dân tộc.
Phật giáo là một tôn giáo lớn, giáo lí của Phật giáo mang đậm tính triết
lí nhân sinh sâu sắc. Từ khi du nhập vào Việt Nam Phật giáo đã trải qua nhiều
biến đổi thịnh suy, thăng trầm cùng với lịch sử dân tộc. Phật giáo đã từng
vươn lên chiếm lĩnh vị trí tư tưởng - tôn giáo chính thống ở các triều đại Đinh,
Lê, Lý, Trần và để lại nhiều giá trị trong đời sống tinh thần trên nhiều lĩnh
vực như tư tưởng chính trị, lối sống đạo đức, văn hóa, tâm linh... Phật giáo đã
hòa đồng với tín ngưỡng, phong tục tập quán của người Việt gắn bó với các tư
tưởng truyền thống của dân tộc, đi vào đời sống của nhân dân truyền thừa giá
trị tốt đẹp qua các thế hệ. Nó đã trở thành Phật giáo của Việt Nam với bản sắc
riêng, với cốt cách riêng qua quá trình bồi đắp truyền thống văn hóa, chủ
nghĩa yêu nước, tinh thần cố kết cộng đồng... để đồng hành cùng dân tộc
trong quá trình dựng nước và giữ nước của người Việt.
Trong những đỉnh cao của lịch sử dân tộc, dòng thiền Trúc Lâm Yên
Tử có một vị trí đặc biệt, không chỉ đánh dấu bước ngoặt của Phật giáo Việt
Nam thống nhất với tổ chức giáo hội chính thức của thiền pháp Trúc Lâm Yên
Tử, mà cũng là một đỉnh cao tư tưởng (triết lí nhân sinh) của người Việt và
nhà nước Đại Việt.
Trong giai đoạn đổi mới, mở cửa và hội nhập, những giá trị triết lí nhân
sinh của Phật giáo dân tộc nói chung và thiền phái Trúc Lâm Yên Tử nói

1


riêng vẫn hết sức quý giá. Đây là một mốc son chói lọi của lịch sử Phật giáo
dân tộc. Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử do Trần Nhân Tông sáng lập có vai trò
tư tưởng và tôn giáo - triết học vô cùng to lớn đối với bản sắc văn hóa dân

tộc, đối với sự khẳng định tính thống nhất tư tưởng của quốc gia. Đó là sức
mạnh tinh thần của triều đại nhà Trần cũng như đối với nước Đại Việt mà tới
ngày nay nhiều ý nghĩa còn nguyên giá trị.
Ngày nay những giá trị tích cực của triết lí nhân sinh của Thiền phái
Trúc Lâm Yên Tử vẫn góp phần không nhỏ trong việc xây dựng lối sống,
hành đạo, trong đời sống tinh thần của Phật giáo cũng như của người dân. Vì
vậy, việc nghiên cứu triết lí nhân sinh của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, cũng
như hiểu và bảo tồn, phát triển các giá trị lịch sử của nó vẫn có ý nghĩa về mặt
lí luận và ý nghĩa thực tiễn.
Hiện nay trong giảng dạy đại học và sau đại học, lịch sử tư tưởng Phật
giáo Việt Nam nói chung và triết lí nhân sinh của Thiền Trúc Lâm Yên Tử nói
riêng đã và đang trở thành chủ đề quan trọng của môn triết học. Nhu cầu này
đòi hỏi sự nghiên cứu nghiêm túc, có hệ thống những tư tưởng, triết lí của các
thế hệ cha ông để hiểu và bảo tồn những giá trị quý báu đã trở thành sức sống
của dân tộc.
Là một người con của Quảng Ninh, tự hào với lịch sử dựng nước và giữ
nước hào hùng của truyền thống Quảng Ninh, và tự hào về nét độc đáo của
quê hương Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử, tôi nhận thấy cần góp phần phải phát
triển hơn nữa những giá trị cao đẹp trong Phật giáo nói chung, triết lí nhân
sinh của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử nói riêng để làm tài sản tinh thần cho
chúng ta trong bối cảnh hiện nay.

Từ những lí do trên, tôi đã lựa chọn đề tài: “Triết lí nhân sinh của
thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và giá trị lịch sử của nó” làm luận văn thạc
sĩ của mình.

2


2. Tổng quan tình hình nghiên cứu

Phật giáo ở Việt Nam nói chung và thiền phái Trúc Lâm Yên Tử nói
riêng là đề tài đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm của nhiều nhà nghiên
cứu. Nhưng đề tài luận văn này tiếp cận hẹp hơn, theo góc độ triết học về vấn
đề: “Triết lí nhân sinh” của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử. Để đáp ứng mục
đích, nhiệm vụ nghiên cứu đã đặt ra, luận văn sẽ tổng quan các thành tựu đi
trước theo các nhóm vấn đề sau:
2.1. Về tiền đề cho sự ra đời triết lí nhân sinh của thiền phái Trúc
Lâm Yên Tử
Nhiều tác giả đã nghiên cứu tiếp cận thiền phái Trúc Lâm Yên Tử về
mặt văn hóa, lịch sử. Trong đó xuất hiện hai công trình lớn do trí tuệ tập thể
của các nhà nghiên cứu Viện Sử học và Viện Văn học biên soạn là Tìm hiểu
xã hội Việt Nam thời Lý - Trần và Văn thơ Lý - Trần. Trong Tìm hiểu xã hội
Việt Nam thời Lý - Trần, những bài viết về tư tưởng Phật giáo thời Lý - Trần
của PGS Nguyễn Đức Sự, GS Nguyễn Huệ Chi, PGS Nguyễn Duy Hinh đã hệ
thống khá đầy đủ các điều kiện xã hội và tiền đề tư tưởng cho sự ra đời thiền
phái Trúc Lâm Yên Tử. Bộ sách Văn thơ Lý Trần của Viện Văn học cũng là
tài liệu hết sức quý báu và đáng tin cậy cho việc nghiên cứu tư tưởng của các
thiền sư Trúc Lâm thể hiện trong thơ thiền.

Hòa thượng Thích Thông Phương (2002) trong “Thiền Phái Trúc
Lâm Yên Tử”, đã cho chúng ta thấy được mạch nguồn Thiền phái Trúc
Lâm Yên Tử, những nét nổi bật của nó và sự phục hưng Thiền phái Trúc
Lâm… Đó là sự tiếp biến các dòng thiền Tì Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn
Thông, Thảo Đường trong thời Lý và thời Trần hình thành nên dòng thiền
Trúc Lâm mang đậm dấu ấn Việt Nam.
Trần Trương (2005), “Chùa Yên Tử, lịch sử - truyền thuyết di tích và
danh thắng”, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội; đã kể về danh sơn Yên Tử,
giúp độc giả hiểu thêm về Yên sơn trong cuộc hành hương chiêm bái chốn
Tổ Thiền Trúc Lâm.


3


2.2. Về “Tam tổ” của thiền phái Trúc Lâm Yên
Các công trình nghiên cứu về Trần Nhân Tông dưới góc độ tư tưởng
triết học, như các tác phẩm: Lịch sử tư tưởng Việt Nam, tập 1, do Nguyễn Tài
Thư chủ biên, Nxb. Khoa học xã hội, xuất bản năm 1993; Đại cương triết học
Phật giáo Việt Nam từ khởi nguyên đến thế kỉ XIV của Nguyễn Hùng Hậu,
Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, xuất bản năm 2002; Lược khảo tư tưởng Thiền
Trúc Lâm Việt Nam của Nguyễn Hùng Hậu, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội,
năm 1997; Góp phần tìm hiểu tư tưởng triết học Phật giáo Trần Thái Tông
của Nguyễn Hùng Hậu, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, năm 1996; Tư tưởng
triết học của Thiền Phái Trúc Lâm đời Trần của Trương Văn Chung, Nxb.
Chính trị Quốc gia, Hà Nội, xuất bản năm 1998; Đại cương lịch sử tư tưởng
triết học Việt Nam, tập 1, do Nguyễn Hùng Hậu chủ biên, Nxb. Đại học Quốc
gia, Hà Nội, xuất bản năm 2002; Tư tưởng Việt Nam thời Lý - Trần, do Doãn
Chính - Trương Văn Chung chủ biên, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, xuất
bản năm 2008; Lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam, tập 1, do Nguyễn Trọng
Chuẩn chủ biên, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2006; và các tác phẩm khác
như Tam tổ Trúc Lâm giảng giải của Thích Thanh Từ, Nxb. Thành phố Hồ
Chí Minh, năm 1997; Thiền sư Việt Nam của Thích Thanh Từ, Nxb. Thành
phố Hồ Chí Minh, năm 1995; Thiền học đời Trần của Thích Thanh Từ chủ
biên, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, năm 1995; Trần Nhân Tông toàn
tập của Lê Mạnh Thát, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2000…
Pháp Loa được đề cập đến trong hầu hết các công trình nghiên cứu liên
quan đến Phật giáo Việt Nam, nhưng chưa tác phẩm nào viết sâu về Pháp
Loa, mà chỉ là đánh giá chung, những đóng góp của ông trong việc hình thành
và phát triển thiền phái Trúc Lâm Yên Tử như Tam tổ Trúc Lâm giảng giải,
của Thích Thanh Từ trong đã đề cập đến Pháp Loa, ca ngợi cuộc đời cũng
như công lao của ông. Đọc qua các Thiền sư Việt Nam từ xưa đến nay, chưa

thấy một người nào đã chinh phục được các hàng vương tôn, quý tộc, khiến

4


cho họ tín nhiệm, quy y và ủng hộ hết mình như Thiền sư Pháp Loa. Ông là
một con người tích cực hoạt động, suốt đời tận tụy phục vụ đạo pháp cho đến
hơi thở cuối cùng. Điều đặc biệt quan tâm của ông là ấn hành Đại Tạng kinh,
do đó đã đề xuất, tiến hành và in xong bộ Đại Tạng kinh Việt Nam. Ngoài ra,
ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thống nhất Phật giáo, thiết lập một Giáo
hội Phật giáo thống nhất đầu tiên của Việt Nam, và ông là người thứ nhất
đứng ra thiết lập sổ bộ Tăng, Ni và tự viện trên khắp cả nước. Đó là vài nét
nổi bật của Thiền sư Pháp Loa (1284 - 1330).
Huyền Quang cũng được đề cập đến trong hầu hết các công trình
nghiên cứu liên quan đến Phật giáo Việt Nam, Thiền học Việt Nam. Về các
công trình này Trần Thị Băng Thanh trong Huyền Quang - cuộc đời, thơ và
đạo đã thống kê một cách khá đầy đủ 68 tác phẩm trong nước có đề cập đến
Huyền Quang [63, tr. 230 - 426]. Nhìn chung, tác giả các công trình nghiên
cứu này đều khẳng định vị trí quan trọng và Thiền học uyên thâm của Huyền
Quang, khẳng định ông là một thi sĩ tài hoa một Thiền sư lỗi lạc - nhưng hầu
hết chưa đi vào nghiên cứu sâu một cách có hệ thống về Thiền học.
Ngô Thì Nhậm, học giả nổi tiếng của Ngô Gia văn phái trong Trúc lâm
tông chỉ nguyên thanh phần Hành trạng ba vị Tổ sư chỉ giới thiệu ngắn gọn về
thân thế và cuộc đời Huyền Quang, còn lại dành phần lớn giới thiệu, phiên âm,
dịch nghĩa 24 bài thơ chữ Hán còn sót lại của ông, khẳng định tư tưởng của ông
có tác dụng “di dưỡng tinh thần, âm điệu ý tứ đều rất trang nhã” [52, tr. 200].
Gần đây, trong giới nghiên cứu, đặc biệt là có sự tham gia của các học giả
xuất gia, xuất hiện một số công trình nghiên cứu mới về Huyền Quang, như:
Thích Phước An trong bài viết Huyền Quang và con đường trầm lặng mùa
thu [1, tr. 48 - 52] đi sâu vào nghiên cứu khẳng định tiếng nói cảm thông, hóa

giải nỗi thống khổ của kiếp người, nhân sinh trong thơ ca Huyền Quang.
Thích Thanh Từ trong Tam tổ Trúc Lâm giảng giải, đã dành một phần
viết về Huyền Quang [79, tr. 523 - 631], ca ngợi cuộc đời và thơ ca của ông,

5


nhưng phần này chưa chỉ ra đặc điểm và tư tưởng Thiền học của Huyền
Quang, điều mà các công trình khác còn bỏ ngỏ hoặc chỉ nhắc đến một cách
khái quát. Cũng có thể vì mục đích giảng giải của tập sách nên tác giả chưa
chú trọng đến khái quát thành các luận điểm cụ thể.
Trong số các công trình nghiên cứu về Huyền Quang cho đến nay, đầy
đủ nhất phải kể đến Huyền Quang, cuộc đời, thơ và Đạo của tác giả Trần Thị
Băng Thanh đã tập trung khẳng định tư cách Thiền gia của Huyền Quang và
đi vào tổng hợp một cách đầy đủ và có hệ thống về con người, thời đại Huyền
Quang. Tác phẩm khẳng định: Sau các vị sáng lập, Huyền Quang vẫn là nhà
Phật học lỗi lạc trong các học giả của núi Yên Tử lúc bấy giờ, là vị Tổ có
công tích đối với dòng Thiền Trúc Lâm [63, tr.230 - 426].
2.3. Về các tài liệu liên quan đến triết lí nhân sinh và triết lí nhân
sinh của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử
+ Về triết lí nhân sinh

Tác giả Lê Kiến Cầu cho rằng: “Nhân sinh không chỉ bao gồm cuộc
sống của con người và sinh mệnh của con người mà bao gồm cả nhân tính
nữa” [6, tr. 24]. Theo cách giải thích của Lê Kiến Cầu thì nhân sinh bao
gồm những mặt như sau:
Thứ nhất, về mặt sinh mệnh của con người đó chính là yếu tố cơ bản
duy trì sự sinh tồn của con người, sinh mệnh của con người là do hai yếu tố
vật chất và tinh thần hợp thành. Cho nên trong sinh mệnh vật chất của mình,
con người phải nhờ vào nguồn tài nguyên vạn vật để duy trì sự phát triển của

sinh mệnh. Cũng vậy, trong sinh mệnh tinh thần của con người nếu không có
món ăn tinh thần để duy trì sự sinh tồn của sinh mệnh tinh thần đó thì nó sẽ
chết. Nuôi dưỡng sinh mệnh tinh thần là nuôi dưỡng lí tưởng của một người,
nuôi dưỡng trí thức và phẩm hạnh. Do đó, muốn sinh mệnh được phát triển
hoàn mĩ, thì phải làm cho hai mặt vật chất và tinh thần có một cơ sở tốt.

6


Thứ hai, cuộc sống của con người, mục đích của cuộc sống không chỉ
làm tốt cho mình mà còn làm tốt cho cả nhân loại sống tốt hơn. Cuộc sống ở
đây là cuộc sống nội tâm và cuộc sống ngoại tâm, cũng có thể gọi là đời sống
tinh thần và đời sống vật chất. Đời sống nội tâm chính là thái độ xử sự của
bản thân mỗi người khi đối mặt với chính mình, thái độ đó còn có được sau
khi đã có sự suy tư. Đời sống ngoại tâm chính là những hành vi cụ thể đã nảy
sinh sau khi dựa vào những sự phản tỉnh và suy tư đó. Đời sống nội tâm có
thể hoàn toàn là tinh thần, đời sống ngoại tâm có cả tinh thần và vật chất. Mục
đích cuối cùng của chúng ta là làm cho cuộc hiện thực đạt được như ý, đạt
được sự mĩ mãn, không những cho mình mà còn làm cho người khác nữa. Đó
là mục đích của cuộc sống và kết quả mà con người mong muốn. Trên thực tế
cuộc sống của con người, mọi người chỉ cần cố gắng làm cho cuộc sống của
bản thân, cuộc sống của mọi người tiến lên, điều đó tất yếu sẽ thu được kết
quả mĩ mãn.
Thứ ba, phương hướng của con người chính là hướng vào mục tiêu
nhất định. Phương hướng của con người không chỉ dừng lại ở cuộc sống hiện
thực: “cuộc sống của con người có hạn nhưng tri thức của con người thì
không giới hạn” điều đó có nghĩa là con người sống trên đời đều phải học tập,
nhưng học tập không chỉ là khuynh hướng duy nhất của con người, nếu chỉ có
học tập mà không có phương hướng thì ý nghĩa của sinh mệnh sẽ thiếu đi sự
thi vị. Con người có phương hướng cũng như người nhận rõ con đường đi, có

thể yên tâm vững bước tiến lên phía trước. Phương hướng của con người chỉ
cho con người thấy rằng không thể đem sinh mạng vài chục năm dùng làm
tiêu chuẩn cho ý nghĩa của nhân sinh, mà nên đem sinh mệnh không giới hạn
dùng mà cái nút cuối cùng của ý nghĩa nhân sinh, nếu không phương hướng
con người sẽ trở nên khiếm khuyết. Phương hướng của con người chỉ có thể
dựa vào sinh mệnh tinh thần dành được trong đời sống tinh thần. Đó là ý
nghĩa tích cực có trong con người sống tích cực, chủ động trong sinh mệnh

7


tinh thần, nhân sinh từ đó mới có phương hướng. Ý nghĩa chân chính của
nhân sinh là sau khi chúng ta nhìn rõ cái tích cực, cái chủ động đi tìm cái mục
tiêu có thể hành động, con người có thể cố gắng. Nhưng, những chủ trương
chỉ nhấn mạnh mặt nhân sinh không thể thực hiện, đó là cái mà không phải
nhân sinh theo đuổi, nhân sinh đáng quý ở chỗ thấy rõ cái theo đuổi đó không
thể làm mà vẫn làm, đó mới chính là viễn cảnh của nhân sinh. Như vậy, triết
lí nhân sinh là sự suy ngẫm của con người về cuộc sống, đã được đúc kết từ
thực tiễn thành lí luận để đạt được mục đích cuối cùng là xây dựng một xã hội
tốt đẹp không chỉ cho mình mà còn cho cả nhân loại.
Như vậy, triết lí nhân sinh là lí luận về vấn đề con người, đời người, ý
nghĩa sống chết, đạo lí làm người, mẫu người lí tưởng, mục đích lí tưởng…
song bắt đầu đạt đến tầm khái quát cao và có ý nghĩa phổ quát. Đó cũng chính
là nhân sinh quan trên nhiều phương diện.
+ Về triết lí nhân sinh của Thiền phái Trúc Lâm
Cuốn Lược khảo tư tưởng Thiền Trúc Lâm Việt Nam của Nguyễn Hùng
Hậu (1997) đã phân tích khía cạnh nhân sinh quan của các thiền sư, Phật tử
thời Trần như Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông, Tuệ Trung Thượng Sĩ, Pháp
Loa, Huyền Quang. Họ là những đại diện tư tưởng Phật giáo ở giai đoạn phát
triển đỉnh cao của Phật giáo ở thời kì Nhà Trần. Công trình này đã mang lại

cái nhìn khái quát về nhân sinh quan của Phật giáo thời Trần. Đây là cơ sở lí
luận quan trọng để luận văn kế thừa khi phân tích về triết lí nhân sinh của
Thiền Trúc Lâm Yên Tử.
Tác phẩm Tư tưởng triết học của thiền phái Trúc Lâm đời Trần của
Trương Văn Chung đã phân tích những tiền đề về xã hội, tôn giáo và tư tưởng
ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển của Thiền phái Trúc Lâm. Trong
đó tập trung phân tích ảnh hưởng tư tưởng của Trần Thái Tông, Tuệ Trung
Thượng Sĩ đến sự ra đời của phái thiền Trúc Lâm mà sau này vua Trần Nhân
Tông, là người sáng lập. Nội dung cơ bản của thiền phái Trúc Lâm cũng được

8


khảo sát qua tư tưởng của tam tổ: Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang.
Tác phẩm cũng nhấn mạnh đến tính nhập thế với mục đích hướng vào xã hội
để phụng sự dân tộc của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử thời Trần.
Đề tài của Nguyễn Công Lý về Văn học Phật giáo thời Lý - Trần, diện
mạo và đặc điểm (2000) là một công trình phân tích ảnh hưởng của tư tưởng
Phật giáo nói chung và nhân sinh quan Phật giáo nói riêng của thời đại Lý Trần tới các sáng tác văn học, tư duy nghệ thuật và cả đời sống văn hóa xã hội
thời kì này. Đề tài cũng đã khái quát được những đặc trưng của thời đại Lý Trần, từ đó phân tích sự tương tác giữa Phật giáo với con người Việt Nam
trong bối cảnh đất nước đang xây dựng và bảo vệ nền độc lập và hình thành
bản sắc văn hóa dân tộc đặc thù.

Gần đây các công trình nghiên cứu về thiền phái Trúc Lâm ngày
càng nhiều, đáng chú ý là một số bài của GS Nguyễn Hùng Hậu về tư
tưởng triết học của các vị tổ phái thiền này đăng trên Nghiên cứu Phật học
và Tạp chí Triết học. Tác giả đã bước đầu trình bày một cách hệ thống,
khái quát những vấn đề bản thể luận và nhân sinh quan của Trần Thái
Tông, Tuệ Trung Thượng Sĩ và Trần Nhân Tông... Những công trình này
đã cung cấp cơ sở phương pháp luận rất cần thiết và bổ ích cho việc nghiên

cứu về mặt triết lí nhân sinh của đề tài luận văn này.
Tựu chung lại, triết lí nhân sinh của thiền Trúc Lâm Yên Tử là quan
điểm về con người cá nhân, con người cụ thể, con người đại diện cho tôn
giáo, đại diện cho quốc gia, dân tộc, triều đại… đại diện cho Phật giáo Việt
Nam thời Trần.
2.4. Các tài liệu về đánh giá giá trị triết lí nhân sinh của thiền phái
Trúc Lâm Yên Tử
Liên quan đến nhóm vấn đề này còn nhiều bài báo, công trình khoa học
trên các tạp chí khoa học chuyên ngành và các kỉ yếu hội thảo khoa học, như:

9


Bài “Triết học Phật giáo Trần Thái Tông”, của Nguyễn Hùng Hậu, Nội
san nghiên cứu Phật học số 4/1994 và số 1/1995, bài “Tìm hiểu tư tưởng triết
học Thiền của Trần Nhân Tông” cũng của Nguyễn Hùng Hậu, Tạp chí Triết
học, số 3, năm 1995 hay bài “Tư tưởng triết học Trần Thái Tông“ của Doãn
Chính và Nguyễn Ngọc Phượng, Tạp chí Triết học số 1 (212) tháng 1 năm
2009; “Vài nhận xét về Thiền tông và phái Trúc Lâm Yên Tử đời Trần” của
Tạ Ngọc Liễn, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, năm 1976; và Kỉ yếu 700 năm
ngày viên tịch Sư tổ Trúc Lâm, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, xuất bản năm 2008,
v.v… Các công trình trên là những tư liệu giá trị đã nghiên cứu tư tưởng triết
học của Trần Nhân Tông qua các vấn đề lớn về bản thể luận, nhận thức luận
và triết lí đạo đức nhân sinh của ông gắn liền với quá trình phát triển của lịch
sử tư tưởng Phật giáo Việt Nam đương thời.
2.5. Một số thuật ngữ công cụ của luận văn
- Triêt lí: Theo tác giả Nguyễn Tất Thịnh, triết lí được hiểu là những
điều được rút tỉa bởi trải nghiệm, như một quan niệm nền tảng, cốt lõi trên cơ
sở nhìn nhận điều gì là cội nguồn tâm thế, giá trị tinh thần, sức mạnh ứng xử
được phát biểu ngắn gọn, súc tích như một tín điều, làm kim chỉ nam cho cách

xử thế, hành động hay lối sống của một cá nhân hay một cộng đồng [71, tr.1].
Có thể hiểu, triết lí nói theo cách hiểu thông thường là quan niệm, quan
điểm chưa đến tầm hệ thống tư tưởng vì không có tính hệ thống (tức không
thành môn học, thành ngành học) độc lập, song chúng được thể hiện qua văn
thơ, qua thành ngữ, qua một số tuyên ngôn (cũng chưa hệ thống) ... nhưng lại
có ảnh hưởng khá lớn đến lối tư duy, lối sống và niềm tin, hành động của
nhiều người (cộng đồng, dân tộc, tộc người...)
- Triết lí nhân sinh: Có rất nhiều quan niệm khác nhau về khái niệm
“nhân sinh”. Theo Đại từ điển tiếng Việt của Nguyễn Như Ý (chủ biên, 1999):
“Nhân sinh quan là quan niệm về cuộc đời, thành hệ thống bao gồm lí tưởng,
lẽ sống…” [98, tr. 1239]. Trong Từ điển Bách khoa Việt Nam (1995), quan

10


niệm “Nhân sinh quan là bộ phận của thế giới quan (hiểu theo nghĩa rộng),
gồm những quan niệm về cuộc sống của con người: lẽ sống của con người là
gì? mục đích, ý nghĩa, giá trị của cuộc sống con người ra sao và sống như thế
nào cho xứng đáng? trả lời những câu hỏi đó là vấn đề nhân sinh quan” [80,
tr. 235]. Đây là những thuật ngữ công cụ để luận văn trên cơ sở đó phân tích
về nội dung của triết lí nhân sinh của thiền phái Trúc Lâm.
Như vậy, triết lí nhân sinh là lí luận về vấn đề con người, đời người, ý
nghĩa sống chết, đạo lí làm người, mẫu người lí tưởng, mục đích lí tưởng…
song bắt đầu đạt đến tầm khái quát cao và có ý nghĩa phổ quát. Đó cũng chính
là nhân sinh quan trên nhiều phương diện.
- Triết lí Phật tại tâm: “Tâm” là gốc của thiền, thiền là gốc của Phật,
bàn đến tâm tức là bàn về gốc Phật. Khi đặt vấn đề về quan điểm Phật tại tâm
và khẳng định dấu mốc độc đáo như thế của Phật giáo Việt Nam thế kỉ XIII
thì chủ yếu là tập trung ở những giá trị tư tưởng - triết học Phật giáo, cùng
gương mặt Phật giáo nước nhà đương thời… [58, tr. 56].

Khi Phật giáo vào Việt Nam thì chữ “tâm” của Phật giáo được người Việt
hiểu với nghĩa gần gũi với đạo đức. Chữ “tâm” lúc này được gắn nhiều hơn với
giáo lí từ bi, hướng thiện, đạo đức của nhà Phật, Phật tức tâm, tâm tức Phật.
Triết lí nhập thế: Khái niệm “nhập thế” (being with/into life) được
dùng với nghĩa chỉ sự tham gia của các tôn giáo ngày càng chủ động, tích cực
thâm nhập vào cuộc sống thế tục, nhất là trong bối cảnh xã hội hiện nay khi
nhu cầu về tôn giáo ngày càng đa dạng hóa. Các tôn giáo không chỉ đơn thuần
đảm trách nhiệm về phần tâm linh, mà đã thực sự đóng vai trò tinh thần, văn
hóa quan trọng của xã hội trong nhiều phương diện của đời sống. Nói cách
khác, nhập thế là sự mở rộng phạm vi tham gia hoạt động của các tôn giáo ra
ngoài phạm vi tôn giáo, ví dụ như: chính trị, kinh tế, ngoại giao, nghệ thuật,
giáo dục...

11


3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu

3.1. Mục đích của luận văn là tìm hiểu và làm rõ nội dung triết lí
nhân sinh của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử từ đó chỉ ra một số giá trị lịch
sử của nó.
3.2. Nhiệm vụ để đạt được mục đích trên là:
- Khái lược lịch sử thiền phái Trúc Lâm Yên Tử trong toàn cảnh
(Thiền) Phật giáo Việt Nam.
- Làm rõ bối cảnh lịch sử, kinh tế, chính trị, xã hội, và tiền đề tư tưởng
cho sự hình thành triết lí nhân sinh của Thiền Trúc Lâm Yên Tử.
- Phân tích và làm rõ nội dung triết lí nhân sinh cơ bản của Phật giáo
nói chung và của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử nói riêng qua các nhà tư tưởng
và trước tác của họ.
- Nêu giá trị lịch sử của triết lí nhân sinh của thiền Trúc Lâm Yên Tử.

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
4.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận văn là triết lí nhân sinh của thiền phái
Trúc Lâm Yên Tử và giá trị lịch sử của nó.
4.2. Phạm vi nghiên cứu
- Về thời gian: sẽ giới hạn ở Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử trong thời đại
nhà Trần.
- Về nhân vật: sẽ giới hạn với một số đại diện tiêu biểu nhất (Trần Nhân
Tông, Pháp Loa, Huyền Quang) và một số người có liên quan mật thiết tới
thiền Trúc Lâm Yên Tử như Trần Thái Tông, Tuệ Trung Thượng Sĩ).
- Vê không gian: giới hạn ở trung tâm Phật giáo thiền Trúc Lâm Yên
Tử (ngày nay thuộc Uông Bí, Quảng Ninh).
- Về phạm vi tài liệu: sẽ giới hạn ở các tài liệu, kinh điển, văn thơ Phật
giáo thời Trần đã được dịch sang tiếng Việt.

12


5. Cơ sở lí luận và phương pháp nghiên cứu
5.1. Cơ sở lí luận
Đề tài luận văn dựa trên cơ sở lí luận triết học Mác - Lênin, tư tưởng
Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng và Nhà nước về tôn giáo và giá trị tư
tưởng, văn hóa, đạo đức của tôn giáo trong sự phát triển xã hội cũng như các
thành tựu lí luận về thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và lịch sử tư tưởng Phật giáo
Việt Nam.
5.2. Phương pháp nghiên cứu
Luận văn áp dụng các phương pháp nghiên cứu của khoa học xã hội:
Lịch sử, lôgic, so sánh, phân tích, tổng hợp, khái quát hóa; đồng thời sử dụng
các phương pháp nghiên cứu liên ngành: Triết học, Tôn giáo học, Văn học,
Sử học, Chú giải học và Giá trị học.

6. Đóng góp của luận văn

Từ kết quả nghiên cứu đạt được, đề tài có những đóng góp bước đầu
như sau:
- Khái quát và hệ thống nội dung tư tưởng triết lí nhân sinh của thiền
phái Trúc Lâm Yên Tử.
- Nêu đánh giá ý nghĩa lịch sử triết lí nhân sinh của Thiền phái Trúc
Lâm Yên Tử đối với Phật giáo Việt Nam đương thời nói riêng và phần nào
liên hệ với tư tưởng, văn hóa, đạo đức truyền thống Việt Nam nói chung.
7. Ý nghĩa lí luận và ý nghĩa thực tiễn của của luận văn
7.1. Ý nghĩa lí luận
Luận văn góp phần tìm hiểu, nghiên cứu về thiền phái Trúc Lâm Yên
Tử từ triết lí nhân sinh của nó, nhằm góp phần làm rõ giá trị lịch sử tư tưởng
của dòng thiền Phật giáo này trong lịch sử tư tưởng Việt Nam.
7.2. Ý nghĩa thực tiễn

13


Luận văn có thể làm tư liệu tham khảo cho nghiên cứu và giảng dạy về
thiền phái Trúc Lâm Yên Tử nói riêng và về lịch sử tư tưởng Phật giáo Việt
Nam nói chung.
8. Kết cấu của đề tài
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Danh mục tài liệu tham khảo, Phụ lục,
Luận văn gồm có 2 chương 5 tiết.

14


Chương 1

TIỀN ĐỀ HÌNH THÀNH TRIẾT LÍ NHÂN SINH
CỦA THIỀN PHÁI TRÚC LÂM YÊN TỬ

1.1. Bối cảnh chính trị - xã hội và Phật giáo trước khi hình thành
thiền phái Trúc Lâm Yên Tử
1.1.1. Điều kiện chính trị - xã hội trước khi hình thành thiền phái
Trúc Lâm Yên Tử
Triết lí nhân sinh của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã được chuẩn bị
tiền đề từ thực tiễn chính trị - xã hội và kế thừa những tiền đề tư tưởng, tôn
giáo (Phật giáo) trước đó. Đúng như C. Mác đã nói: “Các triết gia không mọc
lên như nấm từ trái đất, họ là sản phẩm của thời đại mình, của dân tộc mình,
mà dòng sữa tinh tế nhất, quý giá và vô hình được tập trung lại trong những tư
tưởng triết học” [47, tr. 156].

Điều kiện chính trị xã hội, tôn giáo, văn hóa trước khi hình thành
thiền phái Trúc Lâm Yên Tử mà tác giả tìm hiểu đó là thời nhà Lý và điểm
chuyển giao giữa thời Lý và Trần, có thể xem tiền đề hình thành từ thời Lý
sang thời Trần đó là quá trình tích lũy dần về lượng chuyển sang một chất
mới, hình thành dòng Phật giáo mang tên tuổi Việt Nam - thiền phái Trúc
Lâm Yên Tử, cụ thể như sau.
Việc hình thành nhà Lý gắn liền với sự kiện Lý Công Uẩn thay ngôi Lê
Long Đĩnh. Lý Công Uẩn trưởng thành, thăng tiến trong bộ máy triều đình
nhà Tiền Lê và lên ngôi vua đều có vai trò gây dựng rất lớn của thiền sư Vạn
Hạnh [87, tr 32 - 33]. Các nhà nghiên cứu thống nhất ghi nhận vai trò của sư
Vạn Hạnh và Đào Cam Mộc trong việc đưa Lý Công Uẩn lên ngôi nhanh
chóng, êm thấm và kịp thời, khiến cục diện chính trị nước Đại Cồ Việt được
duy trì ổn định trong quá trình chuyển giao quyền lực, không gây xáo trộn từ

15



trong cung đình lẫn bên ngoài [87, tr. 34]. Việc lên ngôi nhanh chóng và êm
thuận của Lý Công Uẩn được xem là điều kiện thuận lợi và nền tảng để ông
yên tâm bắt tay xây dựng đất nước thống nhất, mở đầu một vương triều thịnh
vượng lâu dài [50, tr. 72], mở ra thời kì phục hưng toàn diện của đất nước.

Nhà Lý thiết lập và lựa chọn thiết chế chính trị với đặc trưng riêng
biệt, được các sử gia gọi là mô hình tập quyền thân dân, với thể chế quân
chủ tập quyền mang nhiều điểm khác và vượt xa thời kì các triều Ngô,
Đinh, Tiền Lê. Cấp hành chính trung ương bao gồm ba bộ phận chủ yếu,
đó là: Các cơ quan giúp việc cho hoàng đế: sảnh, hàn lâm viện; Các cơ
quan đầu não của triều đình: khu mật viện, bộ; Các cơ quan giúp việc cho
triều đình: viện, ti, cuộc [50, tr. 290].
Các chức tướng công, thái phó được hoàng đế nhà Lý ban cho những
người có nhiệm vụ trực tiếp điều khiển toàn bộ chính quyền. Phụ tá cho các
thái phó là tả tham tri chính sự, hữu tham tri chính sự, và hành khiển. Phụ tá
cho thái phó còn có các cơ quan là khu mật viện và bộ. Địa giới phía bắc
nước Đại Việt, thời Lý là Bắc Bộ Việt Nam hiện nay và bao gồm cả một phần
nhỏ của tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Địa giới phía nam khi nhà Lý mới
thành lập chỉ tới khu vực Hà Tĩnh hiện nay. Năm 1069, Lý Thánh
Tông đánh Chiêm Thành, buộc vua Chiêm là Chế Củ dâng ba châu tương
đương với tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị hiện nay. Cương vực này được nhà
Trần tiếp tục duy trì ổn định. Trên vùng lãnh thổ này, nhà Lý chia cả nước
thành 24 đơn vị hành chính. Sự phân cấp hành chính ở địa phương lần lượt từ
cao xuống thấp lúc đó là: Phủ, lộ, châu, trại; Huyện, hương, giáp, phường,
sách, động. Đứng đầu bộ máy hành chính của các phủ, lộ là tri phủ, phán phủ,
của các châu là tri châu, của các trại, đạo là quan mục. Đứng đầu bộ máy của
các huyện là huyện lệnh. Dưới huyện là đơn vị giáp và thôn. Nhà Lý được xác
định là nhà nước đầu tiên ở Việt Nam chính thức có hệ thống pháp luật từ khi


16


giành độc lập sau thời Bắc thuộc mà thời nhà Ngô, nhà Đinh và nhà Tiền
Lê trước đó chưa có. Cơ quan chuyên trách pháp luật của nhà Lý là Bộ
Hình và Thẩm hình viện. Đảm nhận chức vụ này thường là á tướng kiêm
nhiệm. Trong một số trường hợp, vua đích thân xử án như vụ kiện [3, tr. 120 122]. Nhà Trần đã tiếp thu được nhiều thuận lợi về tổ chức chính trị từ thành
quả xây dựng mô hình nhà nước của nhà Lý.
Năm 1042, Lý Thái Tông ban hành bộ Hình thư, đây là bộ luật đầu tiên
của một triều đại Việt Nam, có thể coi như tổng hợp của luật dân sự, luật hình
sự, luật tố tụng hình sự. Bộ Hình thư gồm ba quyển, đã bị thất truyền sau thời
kì phá hủy văn hóa Đại Việt của nhà Minh vào đầu thế kỉ XV. Việc ra đời của
Hình thư cũng như các cơ quan Bộ hình và Thẩm hình được xem là bước tiến
trong việc tổ chức quản lí của nhà nước thời Lý, tuy hiệu lực vẫn còn hạn chế.
Do sự sùng bái Phật giáo của triều đại này mà các hình phạt nói chung không
quá nghiêm khắc. Pháp luật bảo vệ nguồn thu nhập của triều đình, đảm bảo dân
đinh là sức lao động chủ yếu mà triều đình sử dụng. Để đảm bảo sản xuất nông
nghiệp, việc giết trâu bò được quy định chặt chẽ. Người giết trâu, bò bừa bãi
không theo quy định bị xử tội nặng [59, tr. 127 - 129].
Sau thời kì hưng thịnh, từ khoảng giữa thế kỉ XII trở đi, triều đình nhà
Lý bước vào giai đoạn suy tàn. Đất nước rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội trầm trọng. Thiên tai, mất mùa, đói kém, dịch bệnh hoành hành khắp
nơi làm cho nền kinh tế ngày càng sa sút. Bên cạnh đó, do bộ máy chính
quyền nhà Lý từ trung ương đến địa phương tỏ ra quan liêu, lỏng lẻo trong
việc quản lí xã hội dẫn đến tình trạng ở nhiều địa phương, các thế lực địa chủ
phong kiến đã tập hợp lực lượng nổi dậy chống phá triều đình, gây nên tình
trạng cát cứ phân quyền. Nổi bật trong số các thế lực cát cứ thời bấy giờ là tập
đoàn quân sự của anh em họ Trần ở vùng Hải Ấp (Thái Bình). Do có công
giúp nhà Lý dẹp loạn, lập lại trật tự, gia tộc họ Trần được triều đình trọng
dụng nên đã từng bước thao túng quyền bính và dần thâu tóm quyền lực chính


17


trị trong tay. Tập đoàn quý tộc họ Trần rất khôn khéo, dần dần từng bước
vững chắc và cuối cùng chuyển chính quyền từ dòng họ Lý sang dòng họ Trần
một cách êm thấm trong hoàng cung mà hầu như không có tác động gì làm
xáo trộn xã hội [90, tr. 7].
Năm 1225 Lý Huệ Tông nhường ngôi cho con gái là Chiêu Thánh vừa
mới bảy tuổi, rồi lên làm Thái Thượng hoàng và sau đó xuất gia đi tu ở chùa
Chân Giáo, lấy hiệu là Huệ Quang đại sư. Theo sự dàn xếp của Trần Thủ Độ,
Chiêu Hoàng đã kết hôn với Trần Cảnh. “Mùa đông, tháng 12, ngày 12 năm
Ất Dậu (1225) nhận thiền vị của Chiêu Hoàng, lên ngôi hoàng đế, đổi niên
hiệu là Kiến Trung” [90, tr.7]. Có thể nói sự chuyển giao quyền lực từ nhà Lý
sang nhà Trần diễn ra một cách yên bình, tạo điều kiện tốt nhất cho việc thiết
lập quyền lực nhà Trần vững chãi ngay từ những năm đầu.
Nhà Trần trải qua các triều vua đã tiến hành nhiều biện pháp nhằm phát
triển các mặt kinh tế, chính trị, xã hội, thúc đẩy xã hội tiến lên một bước đáng
kể. Trần Thái Tông và Trần Nhân Tông đã thực hiện thắng lợi ba cuộc kháng
chiến chống quân Nguyên - Mông xâm lược (cuộc kháng chiến lần thứ nhất
năm 1258, cuộc kháng chiến lần thứ hai năm 1285, cuộc kháng chiến lần thứ
ba năm 1288) nâng cao vị trí nhà Trần trong lịch sử và vị thế của Việt Nam
trong khu vực lúc đó [90, tr. 19]. Đây là bối cảnh hội tụ đủ điều kiện thuận lợi
để các vua nhà Trần có thể thực hiện xây dựng một tôn giáo Việt Nam thống
nhất trong đối sánh với các nước trong khu vực và đặc biệt là khẳng định sự
độc lập tư tưởng, văn hóa đối với Trung Quốc - một nước lớn thường đe dọa
xâm lược lãnh thổ và khống chế về chính trị, văn hóa…lúc đó.
1.1.2. Điều kiện tôn giáo, văn hóa trước khi hình thành thiền phái
Trúc Lâm Yên Tử
Khi tiếp thu các tôn giáo ngoại lai, Việt Nam chưa có tôn giáo riêng
(theo nghĩa đầy đủ giáo đoàn, giáo luật, giáo lí và các nghi thức thờ cúng...)

nên sự tiếp thu tôn giáo ngoại lai khá cởi mở, hầu như không có xung đột tôn

18


giáo. Tuy nhiên tôn giáo dân tộc lại trở thành vấn đề khi dân tộc Việt Nam
cần khẳng định tư cách độc lập về văn hóa và tư tưởng. Sự ra đời Phật giáo
Trúc Lâm Yên Tử thời Trần là một nhu cầu tất yếu và trở thành một dấu mốc
quan trọng trong lịch sử tư tưởng, văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Phật giáo truyền vào Việt Nam bằng hai con đường: đường biển từ Ấn
Độ và đường bộ từ Trung Quốc. Đường biển, xuất phát từ các hải cảng vùng
Nam Ấn, rồi qua Srilanca, Inđônêsia… các thương thuyền Ấn Độ thường tới
vùng Đông Nam Á để buôn bán. Trong các chuyến đi này, các thương nhân
thường cung thỉnh các vị sư tăng đi theo để cầu nguyện cho họ, Phật giáo theo
đó được truyền bá vào Việt Nam vào những năm đầu Công nguyên. Nhân
sinh quan Phật giáo cũng rất phù hợp với người Việt vốn ưa chuộng hòa bình,
ghét xung đột, sống hòa hợp, giàu lòng nhân ái, nên dần dần triết lí này đã
được hòa nhập với tín ngưỡng bản địa của người dân Việt.
Phật giáo là một trong những tôn giáo có ảnh hưởng nhiều nhất, ngoài
ra Nho giáo và Đạo giáo cũng có tác động đến đời sống chính trị xã hội Việt
Nam trước khi hình thành Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử. Thời Lý đã có tư
tưởng tam giáo đồng nguyên, sử dụng cả ba tôn giáo (Phật, Nho và Lão). Các
vua Lý chú trọng xây dựng chùa chiền, đúc chuông, tô tượng, cử sứ sang
Trung Quốc xin nhà Tống kinh Phật, biến các chùa thành nơi cầu đảo, làm lễ
tạ ơn khi chiến thắng quân xâm lược, lễ đại xá… Các quý tộc và nhân dân
cũng đóng góp xây dựng nhiều chùa ở các địa phương. Việc chú trọng xây
dựng chùa thời Lý được sử gia Lê Văn Hưu thời Trần ghi nhận là "xây tường
cao ngất, tạc cột chùa bằng đá, làm chùa thờ Phật lộng lẫy hơn cả cung điện
của vua” [60, tr. 258]. Các chùa lớn và nổi tiếng có từ trước thời Trần khá
nhiều như chùa Dâu, chùa Phật Tích, chùa Dạm (Bắc Ninh), chùa Long Đọi

(Hà Nam), chùa Diên Hựu, chùa Trấn Quốc...
Bắt đầu từ thời Đinh - Lê cũng như thời Lý, nhiều nhà sư đã tham gia
vào việc triều chính, tuy họ chỉ đóng vai trò cố vấn tư tưởng, người giáo hóa

19


×