Tải bản đầy đủ (.pdf) (219 trang)

Quan hệ của vương quốc ryukyu với các quốc gia đông á thế kỷ XV XIX

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (4.4 MB, 219 trang )

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƢỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
-------------------------

LÊ THỊ KHÁNH LY

QUAN HỆ CỦA VƢƠNG QUỐC RYUKYU VỚI
CÁC QUỐC GIA ĐÔNG Á THẾ KỶ XV – XIX

LUẬN ÁN TIẾN SĨ LỊCH SỬ

Hà Nội - 2016


ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƢỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
-------------------------

LÊ THỊ KHÁNH LY

QUAN HỆ CỦA VƢƠNG QUỐC RYUKYU VỚI
CÁC QUỐC GIA ĐÔNG Á THẾ KỶ XV – XIX
Chuyên ngành: LỊCH SỬ THẾ GIỚI
Mã số:

62 22 03.11

LUẬN ÁN TIẾN SĨ LỊCH SỬ

NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC
GS.TS. NGUYỄN VĂN KIM



Hà Nội - 2015


LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu khoa học của riêng tôi.
Các số liệu, ví dụ và trích dẫn trong luận án đảm bảo độ tin cậy, chính xác và
trung thực. Những kết luận khoa học của luận án chưa từng được ai công bố
trong bất kỳ một công trình nghiên cứu nào khác.

Tác giả luận án

Lê Thị Khánh Ly


LỜI CẢM ƠN
Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành nhất đến GS,TS Nguyễn Văn Kim,
người Thầy đã luôn tận tâm giúp đỡ, chỉ dạy và khích lệ tôi trong quá trình học tập
và nghiên cứu từ khi tôi còn là một sinh viên cho đến khi hoàn thành luận án.
Tôi cũng xin bày tỏ lòng tri ân sâu sắc tới GS Vũ Dương Ninh là giáo viên
hướng dẫn luận án năm đầu tiên của tôi; xin tri ân tới các Thầy, Cô giáo bộ môn
Lịch sử Thế giới, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, các
anh, em trong Nhóm nghiên cứu Thương mại châu Á, bạn bè đồng nghiệp của tôi
tại Khoa Văn hóa học và Trường Đại học Văn hóa Hà Nội và các nhà nghiên cứu tại
Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện nghiên cứu Đông Nam Á... đã tạo điều kiện
giúp đỡ tôi rất nhiều trong quá trình trong quá trình học tập và hoàn thiện luận án.
Xin chân thành cảm ơn bố mẹ, gia đình, đặc biệt là chồng và các con tôi đã là
chỗ dựa vững chắc để tôi có thể vượt qua mọi khó khăn, phấn đấu đạt được những
mục tiêu đặt ra trong quá trình học tập và nghiên cứu.
Tôi xin trân trọng cảm ơn!

Lê Thị Khánh Ly


MỤC LỤC
MỞ ĐẦU ....................................................................................................................1
CHƢƠNG 1. TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU..........................................................7
1.1. Các bộ sử và công trình nghiên cứu ở Việt Nam ........................................7
1.2. Các bộ sử và công trình nghiên cứu trên thế giới .....................................11
1.3. Nhận xét về tình hình nghiên cứu và những vấn đề đặt ra cho luận án .....17
CHƢƠNG 2. RYUKYU TRONG BỐI CẢNH ĐÔNG Á THẾ KỶ XV - XIX .......22
2.1. Quá trình thống nhất của vƣơng quốc Ryukyu ........................................22
2.1.1. Ryukyu trước khi thống nhất ..................................................................22
2.1.2. Quá trình thống nhất của vương quốc Ryukyu ......................................26
2.2. Vƣơng quốc Ryukyu trong các mối bang giao khu vực (1429-1879) ......30
2.2.1. Những nhân tố ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của Ryukyu .........30
2.2.2. Thời hoàng kim của vương quốc Ryukyu: mở rộng quan hệ với
“thế giới Đông Á” (1429-1608)........................................................................33
2.2.3. Chính sách duy trì nền “độc lập tương đối” của Ryukyu (1609-1853) ......35
2.3. Sự suy vong của vƣơng quốc Ryukyu (1853-1879) ...................................40
CHƢƠNG 3. QUAN HỆ GIỮA VƢƠNG QUỐC RYUKYU VỚI KHU
VỰC ĐÔNG BẮC Á ...............................................................................................44
3.1. Đƣờng lối đối ngoại của Ryukyu với các quốc gia Đông Bắc Á ..............44
3.2. Quan hệ giữa Ryukyu - Trung Quốc thế kỷ XV - XIX ............................46
3.2.1. Ryukyu và chính sách đối ngoại mềm dẻo với Trung Quốc ..................46
3.2.2. Quan hệ giao thương giữa Ryukyu với Trung Quốc ..............................51
3.2.3. Tiếp thu văn hóa và truyền thống giáo dục Trung Quốc ........................57
3.2.4. Vai trò của người Hoa trong quan hệ của Ryukyu với các nước
trong khu vực ....................................................................................................62
3.3. Quan hệ giữa Ryukyu - Nhật Bản thế kỷ XV - XIX .................................69
3.3.1. Chính sách “thần thuộc hình thức” của Ryukyu trong quan hệ với

Nhật Bản (1415-1609) ......................................................................................69


3.3.2. Chủ trương ngoại giao “cân bằng nước lớn” đối với Nhật Bản
(1609-1879) ......................................................................................................73
3.3.3. Hàng hóa trao đổi giữa Nhật Bản và Ryukyu thông qua chính sách
“thuế hiện vật” ..................................................................................................78
CHƢƠNG 4. QUAN HỆ CỦA VƢƠNG QUỐC RYUKYU VỚI CÁC
QUỐC GIA ĐÔNG NAM Á THẾ KỶ XV - XIX .................................................84
4.1. Sự thiết lập mối quan hệ bang giao của Ryukyu với khu vực Đông
Nam Á ..................................................................................................................84
4.1.1. Nhu cầu mở rộng bang giao với khu vực Đông Nam Á.........................84
4.1.2. Ryukyu thiết lập quan hệ bang giao với các nước Đông Nam Á ...........87
4.2. Mức độ quan hệ của Ryukyu với các quốc gia Đông Nam Á ..................97
4.3. Hàng hoá trao đổi giữa Ryukyu và Đông Nam Á ...................................102
4.3.1. Hàng hoá đưa từ Ryukyu đến các quốc gia Đông Nam Á ...................102
4.3.2. Hàng hóa từ Đông Nam Á tới Ryukyu .................................................114
4.4. Quan hệ giữa Ryukyu với Đại Việt ..........................................................117
CHƢƠNG 5. MỘT SỐ NHẬN XÉT VỀ BANG GIAO VÀ LỊCH SỬ CỦA
VƢƠNG QUỐC RYUKYU THẾ KỶ XV - XIX ................................................126
5.1. Sự thăng trầm của Ryukyu trong bối cảnh Đông Á thế kỷ XV - XIX ......126
5.1.1. Quan hệ “nước lớn - nước nhỏ” ở Đông Á: số phận của các tiểu quốc ....126
5.1.2. “Hệ thống thương mại Đông Á” và môi trường phát triển của
vương quốc Ryukyu .......................................................................................132
5.2. Sự lựa chọn con đƣờng phát triển của Ryukyu ......................................135
5.2.1. “Thể chế biển” Ryukyu - “cầu nối” thương mại khu vực Đông Á ......135
5.2.2. Đường lối đối ngoại linh hoạt là nhân tố quan trọng để bảo về độc lập ...141
KẾT LUẬN ............................................................................................................149
DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC ĐÃ CÔNG BỐ LIÊN
QUAN ĐẾN NỘI DUNG LUẬN ÁN ...................................................................154

TÀI LIỆU THAM KHẢO ....................................................................................155
PHỤ LỤC ...............................................................................................................170


MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài nghiên cứu
Là một quốc đảo nhỏ ở khu vực Đông Bắc Á, tồn tại độc lập trong khoảng
thời gian những năm 1429 - 1879, Ryukyu sớm nhận thức và tận dụng được những
cơ hội phát triển từ điều kiện tự nhiên và xã hội chính trị khu vực. Trước thế kỷ
XVII, Ryukyu đạt trình độ phát triển cao về kinh tế thương nghiệp, nắm giữ vai trò
quan trọng trong hệ thống thương mại khu vực Đông Á. Năm 1879, Ryukyu bị sáp
nhập vào lãnh thổ Nhật Bản, trở thành tỉnh Okinawa cho đến hiện nay.
Lịch sử phát triển độc đáo của vương quốc Ryukyu gắn liền với đường lối
đối ngoại khôn khéo của triều đình Shuri với các quốc gia trong khu vực Đông Á.
Trong sự phát triển đa dạng của các quốc gia châu Á, chính sách đối ngoại của quốc
đảo này đã tạo nên dấu ấn, sự khác biệt với các nước. Trong hơn 4 thế kỷ, vương
quốc Ryukyu đã theo đuổi đường lối ngoại giao đa dạng hóa, đa phương hóa. Triều
đình Shuri vừa lợi dụng được chính sách đóng cửa của nhà Minh ở Trung Quốc,
vừa tận dụng được tình thế hỗn loạn chính trị của Nhật Bản và khai thác vị trí địa lý
thuận lợi của đất nước để tìm ra cơ hội phát triển cho chính mình. Từ đó, Ryukyu đã
tự khẳng định được vị thế độc lập về chính trị và kinh tế ở khu vực Đông Á.
Thế kỷ XIV - XVI, vương quốc Ryukyu nhanh chóng thiết lập quan hệ ngoại
giao với nhiều nước trong khu vực. Mối quan hệ đó có ảnh hưởng rất lớn đến sự
phát triển của vương quốc Ryukyu, trong đó, quan hệ với Trung Quốc và Nhật Bản
được triều đình Shuri đặc biệt coi trọng. Từ những mối bang giao đó, Ryukyu vươn
lên trở thành một Vương quốc thương nghiệp, đạt được sự phát triển phồn thịnh nhờ
vào chính sách đối ngoại năng động, linh hoạt, nắm giữ và duy trì vai trò cầu nối
thương mại giữa hai khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Dưới tác động của mối
quan hệ đa chiều với Trung Quốc, Nhật Bản và các quốc gia Đông Nam Á, Ryukyu
trở thành một “Thể chế biển” (Marine polity) với những đặc tính văn hóa, hoạt

động kinh tế, thể chế chính trị mang đậm sắc thái biển. Ryukyu trở thành một
"trường hợp độc đáo" trong nền hải thương của khu vực.
Để tồn tại và phát triển, đường lối đối ngoại và chính sách kinh tế là một
nhân tố đặc biệt quan trọng mang lại sự phát triển của vương quốc đó. Theo quy

1


luật chung, các nước luôn phải chủ động và linh hoạt trong việc lựa chọn con đường
phát triển kinh tế, mở rộng bang giao khu vực và quốc tế để giữ gìn được nền độc
lập dân tộc. Với vị thế là một vương quốc nhỏ bé, tài nguyên thiên nhiên không
thực sự thuận lợi, luôn chịu áp lực chính trị từ Trung Quốc và Nhật Bản, tại sao
Ryukyu có thể có những bước phát triển nhanh chóng để trở thành một “vương
quốc thương mại” trong khu vực như vậy? Chịu sức ép liên tục từ hai nước lớn là
Trung Quốc và Nhật Bản, Ryukyu phải có được chính sách đối ngoại như thế nào
để vừa giữ được chủ quyền vừa phát triển đến cực thịnh ở thế kỷ XV - XVI? Những
câu hỏi đó khiến Ryukyu trở thành đề tài hấp dẫn trong nghiên cứu so sánh khu vực
và nghiên cứu về hệ thống thương mại châu Á.
Vì vậy, nghiên cứu về lịch sử Ryukyu và quan hệ của nước này với các quốc
gia Đông Á có thể giúp chúng ta thấy rõ hơn những vấn đề có tính quy luật về sự
tồn tại và phát triển của các nước nhỏ bên cạnh các nước lớn ở khu vực châu Á.
Thông qua đó, cũng cho thấy bối cảnh chung về kinh tế và chính trị của các quốc
gia trong khu vực thời kỳ này.
Năm 1879, sau nhiều cố gắng duy trì nền độc lập tương đối, vương quốc
Ryukyu sụp đổ hoàn toàn. Sự suy yếu và sụp đổ của vương quốc Ryukyu cũng gợi
mở cho các nhà nghiên cứu có thể tìm hiểu và nhìn nhận sâu hơn về lịch sử khu vực
ở một số khía cạnh như: số phận của các tiểu quốc trước âm mưu bành trướng của
các nước lớn trong khu vực, sự khôn khéo trong chính sách đối ngoại có thể tạo ra
sự phát triển bền vững thực sự cho các quốc gia nhỏ hay không, vai trò của thương
nghiệp trong sự phát triển chung của khu vực,...

Cho đến nay, Ryukyu vẫn là một địa danh tương đối xa lạ đối với nhiều nhà
nghiên cứu Việt Nam. Nghiên cứu về lịch sử phát triển Ryukyu trong mối quan hệ
bang giao với các quốc gia Đông Á góp phần lấp đi một khoảng trống trong nhận
thức về quốc đảo Ryukyu trong nước hiện nay.
Với những lí do như vậy, nghiên cứu sinh đã lựa chọn đề tài "Quan hệ của
vƣơng quốc Ryukyu với các quốc gia Đông Á thế kỷ XV - XIX" làm đề tài nghiên
cứu cho luận án Tiến sĩ của mình.

2


2. Mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu
2.1. Mục tiêu nghiên cứu
Luận án tập trung nghiên cứu về quá trình hình thành, phát triển các mối
quan hệ đa dạng, phong phú của vương quốc Ryukyu với khu vực Đông Á thế kỷ
XV - XIX.
Mục tiêu cụ thể:
- Làm rõ quan hệ ngoại giao và thương mại giữa vương quốc Ryukyu và các
quốc gia trong khu vực Đông Á.
- Làm rõ nguyên nhân Ryukyu đạt được sự phát triển nhanh chóng và nắm
giữ được vai trò đặc biệt trong thương mại khu vực.
- Tập trung phân tích một số vấn đề như bản chất, hệ quả của mối quan hệ
ngoại giao giữa các quốc gia trong bối cảnh khu vực châu Á nói chung và Đông Á
nói riêng trong giai đoạn chuyển giao từ trung đại sang cận đại.
2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
Luận án đặt ra một số nhiệm vụ cụ thể như sau:
1. Trên cơ sở phân tích bối cảnh quốc tế và khu vực tác động đến quá trình
hình thành, phát triển của vương quốc Ryukyu, luận án đi sâu tìm hiểu tầm nhìn,
chính sách của vương quốc Ryukyu trong việc thúc đẩy quan hệ thương mại, bang
giao với các nước. Đặc biệt, luận án tập trung phân tích chính sách ngoại giao khôn

khéo để xác định vị thế của vương quốc Ryukyu trong các mối quan hệ khu vực.
2. Để làm rõ hơn về hoạt động thương mại của Ryukyu trong khu vực, luận
án chú ý phân tích, khảo cứu những nguyên nhân, động lực thúc đẩy cho sự phát
triển quan hệ bang giao của Ryukyu như nguồn cung cấp, tiêu thụ hàng hóa, chính
sách của các nước trong khu vực đối với Ryukyu thời kỳ này. Từ đó, luận án phân
tích những tác động của hệ thống thương mại ở châu Á đến hoạt động thương mại
của vương quốc Ryukyu, những thay đổi trong tính chất của những mối quan hệ ấy
trong bối cảnh khu vực, đặc biệt là mối quan hệ với Nhật Bản và Trung Quốc.
3. Luận án đặt Ryukyu trong sự so sánh với các quốc gia khác để tìm ra những
điểm tương đồng và khác biệt của Ryukyu với các nước trong khu vực Đông Á trong
cùng thời gian và sự thay đổi tương ứng của mối quan hệ ấy qua các thời kỳ khác nhau.

3


3. Đối tƣợng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tƣợng nghiên cứu
Luận án tập trung nghiên cứu về mối quan hệ của vương quốc Ryukyu với
một số quốc gia trong khu vực Đông Á. Trong quá trình nghiên cứu, bên cạnh các
vấn đề về chính trị, văn hóa, xã hội, luận án tập trung khảo cứu hoạt động kinh tế
hải thương của Ryukyu trong quá trình lịch sử cùng những ứng biến và đối sách
ngoại giao của vương quốc này trước những biến đổi lớn trong khu vực.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
- Giới hạn không gian: Luận án giới hạn trong phạm vi vương quốc Ryukyu
(theo cách phiên âm của Trung Quốc, Ryukyu còn được gọi là vương quốc Lưu Cầu)
và những mối quan hệ ngoại giao chính của vương quốc này với các quốc gia trong
khu vực Đông Á, tập trung vào 2 khu vực:
+ Với Đông Nam Á, luận án tập trung khảo cứu quan hệ của Ryukyu với
Ayutthaya, Malacca, Java, Palembang, Sumatra, Sunda-Karapa, Patani và Đại Việt.
+ Với Đông Bắc Á, luận án tập trung khảo cứu mối quan hệ của Ryukyu với

Trung Quốc và Nhật Bản, là hai mối quan hệ có ảnh hưởng lớn nhất đến sự phát
triển của vương quốc Ryukyu.
- Giới hạn thời gian của luận án: Phạm vi thời gian của đề tài luận án nằm
trong khoảng từ thế kỷ XV đến thế kỷ XIX.
4. Nguồn tƣ liệu và Phƣơng pháp nghiên cứu
4.1. Nguồn tƣ liệu
Luận án khai thác tối đa các nguồn tư liệu sẵn có trong nước: từ các sách,
báo, tạp chí, chuyên đề nghiên cứu, luận án đã hoàn thành liên quan đến đề tài.
Tuy nhiên, vì đây là một đề tài mới, hầu như chưa có những công trình khảo
cứu chuyên sâu về các vấn đề liên quan trực tiếp đến đề tài nên luận án khai thác tối
đa các tư liệu nước ngoài từ nhiều nguồn khác nhau: sách từ các thư viện nước
ngoài, tạp chí nước ngoài, các chuyên đề nghiên cứu, công trình nghiên cứu của các
trường đại học trên thế giới, các bài viết từ các hội thảo khoa học quốc tế,... và
nguồn tài liệu Internet về các vấn đề có liên quan.

4


4.2. Phƣơng pháp nghiên cứu
Là một luận án tiến sĩ sử học, tác giả sử dụng phương pháp nghiên cứu chính
là các Phương pháp nghiên cứu của khoa học lịch sử theo nguyên tắc khảo cứu
những vấn đề đặt ra theo những lát cắt đồng đại và lịch đại, đặt Ryukyu trong quá
trình hình thành - phát triển - suy vong, trong bối cảnh lịch sử cụ thể để phân tích,
đối chiếu và nhận xét. Phương pháp thống kê, phân tích văn bản được sử dụng triệt
để nhằm khai thác các nguồn tài liệu, đặc biệt là các thông tin từ Reikidai hoan và
Minh thực lục để có thể phác họa lại bức tranh kinh tế và chính trị của Ryukyu một
cách hiệu quả nhất.
Phương pháp so sánh và tiếp cận theo quan điểm khu vực học, Phương pháp
nghiên cứu hệ thống cấu trúc có ý nghĩa quan trọng trong mục tiêu đặt Ryukyu
trong bối cảnh khu vực để tìm ra những điểm tương đồng và dị biệt trong chính sách

đối ngoại của vương quốc này so với các quốc gia khác. Coi Ryukyu như một
vương quốc độc đáo trong khu vực, luận án sử dụng Phương pháp nghiên cứu
trường hợp, luận án coi Ryukyu như một “trường hợp nghiên cứu điển hình” để đưa
ra những nhận xét mang tính logic và lý thuyết về một số vấn đề trong khu vực
trong thời kỳ này như về hệ thống triều cống, hệ thống thương mại Biển Đông...
Lấy “mối quan hệ của Ryukyu với các quốc gia” là đối tượng nghiên cứu
chính, việc sử dụng các Phương pháp nghiên cứu quan hệ quốc tế, Phương pháp
nghiên cứu liên ngành được luận án đặc biệt coi trọng. Đặt Ryukyu trong những
mối quan hệ và sự “ràng buộc” với các quốc gia trong khu vực, luận án cố gắng tái
hiện và lý giải những thay đổi trong chính sách ngoại giao của vương quốc này dưới
góc nhìn khu vực và các lý thuyết về bang giao quốc tế thời kỳ trung - cận đại.
5. Đóng góp của luận án
Luận án tập trung trình bày quá trình hình thành, phát triển và những đặc tính
nổi bật của vương quốc Ryukyu giai đoạn 1429-1879, đồng thời đi sâu phân tích
mục tiêu, nội dung, phạm vi, mức độ hoạt động quan hệ giao thương của Ryukyu
với các quốc gia Đông Á. So với các quốc gia khu vực, Ryukyu có nhiều “phát triển
độc đáo” trong việc việc ứng đối và thúc đẩy mối quan hệ với các quốc gia được coi
là tam giác kinh tế - chính trị quan trọng hàng đầu của khu vực Đông Á là: Trung

5


Quốc, Nhật Bản và Đông Nam Á. Từ đó, luận án tập trung làm rõ những vấn đề
mang tính bản chất và hệ quả nhiều mặt của mối quan hệ bang giao giữa các quốc
gia khu vực trong bối cảnh và chuyển biến chung của châu Á thế kỷ XV-XIX.
Nghiên cứu và đánh giá sự lựa chọn con đường phát triển lấy kinh tế thương
mại làm chủ đạo của Ryukyu, luận án tập trung khảo cứu vai trò của kinh tế hải
thương đối với sự phát triển và củng cố mối bang giao, vị thế chính trị của vương
quốc này. Từ đó, đưa ra những vấn đề có tính chất lý luận về mục tiêu và hệ quả đa
diện của quan hệ giao thương Đông Á cùng những tác động của hệ thống này trước

những tác động nội vùng, ngoại vi. Phân tích những nguyên nhân dẫn đến sự suy
yếu của vương quốc Ryukyu cũng cho thấy rõ diện mạo và những thách thức đặt ra
đối với các quốc gia châu Á trong việc lựa chọn con đường phát triển, bảo vệ chủ
quyền và nền độc lập dân tộc thời cận đại.
Luận án là công trình đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu về lịch sử thăng trầm
của vương quốc Ryukyu và những quan hệ đối ngoại của vương quốc này một cách
hệ thống, toàn diện; góp phần mở rộng và làm rõ hơn về định hướng nghiên cứu
thương mại biển của châu Á cũng như Nhật Bản trong mối liên hệ vùng và liên
vùng; phạm vi cùng những tác động nhiều mặt của các chính sách kinh tế đối
ngoại mà Ryukyu cũng như các quốc gia khu vực theo đuổi. Các kết quả nghiên
cứu của luận án góp phần làm sáng tỏ mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai
dân tộc Việt - Nhật, đồng thời tiếp tục củng cố, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác, đối
tác chiến lược giữa hai nước ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương hiện nay.
6. Bố cục của luận án
Ngoài Phần mở đầu, Kết luận, Phụ lục và Tài liệu tham khảo, luận án gồm có
5 chương nội dung:
Chương 1: Tổng quan nghiên cứu.
Chương 2: Ryukyu trong bối cảnh Đông Á thế kỷ XV - XIX.
Chương 3: Quan hệ giữa vương quốc Ryukyu với khu vực Đông Bắc Á.
Chương 4: Quan hệ của vương quốc Ryukyu với các quốc gia Đông Nam Á.
Chương 5: Một số nhận xét về bang giao và lịch sử của vương quốc Ryukyu
với các quốc gia Đông Á.

6


CHƢƠNG 1
TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU
Do lịch sử phát triển đặc biệt của mình, vương quốc Ryukyu sớm trở thành đề
tài nghiên cứu hấp dẫn với nhiều nhà khoa học trên thế giới, đặc biệt là các chuyên

gia nghiên cứu về Nhật Bản và quan hệ thương mại châu Á. Tuy vậy, đây vẫn là một
đề tài mang tính chất chuyên sâu trong ngành Nhật Bản học do tính chất riêng biệt
của lịch sử vương quốc này. Vì vậy, trong những năm 1960-1970, trên một số tạp chí,
trường đại học và viện nghiên cứu trên thế giới có một số công trình nghiên cứu liên
quan đến Ryukyu. Tuy vậy, hầu hết các công trình đó vẫn chưa khảo cứu đầy đủ và
sâu sắc về nhiều nội dung, vấn đề khoa học trong lịch sử Ryukyu.
1.1. Các bộ sử và công trình nghiên cứu ở Việt Nam
Ở Việt Nam, tài liệu viết về Ryukyu và quan hệ bang giao giữa vương quốc
Ryukyu với các quốc gia trong khu vực không có nhiều, đặc biệt là tài liệu tiếng
Việt. Hầu hết chúng ta chỉ biết đến quần đảo Okinawa (tên hiện nay của Ryukyu) là
một tỉnh của Nhật Bản, đã và đang là một căn cứ quân sự của Mỹ.
Các học giả Việt Nam chưa dành nhiều sự quan tâm đến Ryukyu, hầu như
chưa có một công trình nghiên cứu nào viết về vương quốc này một cách cụ thể.
Trong các bộ chính sử của các triều đại phong kiến Việt Nam như Việt sử thông giám
cương mục, Đại Nam thực lục,... Ryukyu không hề được nhắc đến.
Tuy nhiên, khi khảo cứu Đại Việt sử ký toàn thư ta thấy, có hai lần Ryukyu
(Lưu Cầu) đã được nhắc đến như một quốc gia đã từng xuất hiện trong đời sống
chính trị của triều đình Lê Sơ. Đó là sự kiện Ngự sử đài đô sử Quách Hữu Nghiêm
tâu sớ vào ngày 25-7-1499 (Mậu Ngọ) [58; tr.17] và lời bàn nhân dịp Mạc Đăng
Dung xưng hoàng đế năm Thống Nguyên thứ 6 (1527) [58; tr.113]. Có thể nói, đối
với chính quyền quân chủ Việt Nam, địa danh Lưu Cầu không hoàn toàn là xa lạ,
nhưng ít được nhắc tới. Nguyên nhân có thể do mối quan hệ bang giao giữa Đại
Việt và Ryukyu không thực sự thường xuyên, không có tác động mạnh mẽ đối với
các vấn đề chính trị, xã hội của nước ta thời đó.
Thế kỷ XVII, trong văn học Việt Nam nổi lên tác phẩm “Cung oán ngâm
khúc” của Nguyễn Gia Thiều, trong đó có hai câu thơ nổi tiếng:

7



“Giết nhau chẳng cái Lưu Cầu
Giết nhau bằng cái u sầu độc chưa?”
Cuốn “Tiếng Việt lý thú” của nhà ngôn ngữ học Trịnh Mạnh giải thích về
việc sử dụng chữ “Lưu Cầu” mà tác giả Nguyễn Gia Thiều dùng như sau: “đây
không chỉ được ưa chuộng tại Nhật Bản mà còn ở nhiều nơi khác ở Á châu. Do Lưu
Cầu là một địa danh ở Nhật Bản nổi tiếng với nghề làm kiếm. Kiếm sản xuất ở đó
rất sắc bén và có giá trị buôn bán cao, vì vậy, "Lưu Cầu" được sử dụng theo lối
hoán dụ để chỉ thanh kiếm sắc” [66; tr.68].
Như vậy, đến thế kỷ XVIII, Ryukyu đã trở thành một địa danh khá nổi tiếng
trong khu vực, nhưng dường như người Việt Nam mới chỉ có những hiểu biết nhất
định về mặt hàng vũ khí được buôn bán nổi tiếng của đất nước này.
Mặc dù không xuất hiện nhiều trong sử học Việt Nam, nhưng Ryukyu để lại
một số dấu ấn trong nền văn học và ngoại giao phong kiến Việt Nam. Những hình
ảnh về đất nước và con người vương quốc này xuất hiện trong những bài văn thơ
hoặc nhận định của những sứ thần nước ta khi có cơ hội gặp gỡ các sứ thần Ryukyu
tại các lưu xá dành cho sứ thần các nước đến triều cống Trung Quốc.
Tác phẩm “Mai Lĩnh sứ Hoa thi tập” của Phùng Khắc Khoan đã có những
cái nhìn tương đối cụ thể hơn về văn hoá của Ryukyu trong tương quan so sánh với
Việt Nam và quan hệ bang giao hai nước. Tuy nhiên, đó chỉ là những cái nhìn sơ
lược, chưa được trình bày thành một nghiên cứu có tính chất tập trung và khoa học
mà chỉ rải rác nằm trong tác phẩm văn học này [76; tr.128-129].
Thế kỷ XVIII, Lê Quý Đôn nổi bật trong lịch sử bang giao của dân tộc như
một nhà ngoại giao thông minh và khéo léo, là một trong những người thường xuyên
được cử sang triều cống Trung Quốc. Lê Quý Đôn luôn có sự ghi chép cẩn thận và
công phu đối với những điều ông thấy từ trong chuyến đi sứ và tiếp sứ của mình.
Trong tác phẩm "Kiến văn tiểu lục”, có hai lần ông nhắc đến Ryukyu. Lần thứ nhất,
ông kể lại sự việc sứ thần nước ta là Lê Hữu Kiều đi sứ sang Trung Quốc bắt gặp một
bài thơ của sứ thần Ryukyu trên tường (1738), lần thứ hai là nói về việc Lê Quý Đôn
đi sứ sang Trung Quốc có hai nho sinh người Ryukyu vào tiếp kiến (1760) [13;
tr.259-260]. Cuộc gặp gỡ đó khiến Lê Quý Đôn có ấn tượng đặc biệt về tinh thần cầu


8


thị học hỏi và khiêm nhường của con người đất nước này. Tuy nhiên, đó chỉ là những
ấn tượng mang tính chất cá nhân và chủ quan của Lê Quý Đôn mà không phải là
những ghi chép cụ thể về đất nước Ryukyu, không phải là những nghiên cứu có tính
chuyên khảo hoặc thực sự khoa học về vương quốc Ryukyu.
Đầu thế kỷ XX, tác phẩm “Lưu Cầu huyết lệ tân thư” (1903) của nhà yêu
nước Phan Bội Châu có nhắc đến việc mất nước bi đát của nhân dân Lưu Cầu
(Ryukyu bị Nhật Bản chiếm vào năm 1879). Ryukyu được sử dụng như một bài học
về sự mất nước để khuyến cáo và thức tỉnh tinh thần dân tộc của nhân dân ta. Trong
tác phẩm đó, Phan Bội Châu cũng chưa cho thấy có sự nghiên cứu cụ thể nào về
tình hình kinh tế, chính trị của đất nước này.
Đầu năm 1999, cuốn sách “Việt Nam cái nhìn địa - văn hóa” của GS.Trần
Quốc Vượng được xuất bản. Trong đó, có bài viết “Về một dải văn hóa Nam Đảo”
(được viết vào năm 1998) của GS.Trần Quốc Vượng đã có sự chú ý đặc biệt đến
Ryukyu1 và mối quan hệ giữa Ryukyu và Đại Việt trong khoảng thời gian thế kỷ
XIV - XVII trên cơ sở những bộ sưu tập gốm sứ Việt Nam được tìm thấy và lưu giữ
tại bảo tàng Okinawa và cảng Naha. Mặc dù chưa đưa ra những nhận xét hoặc
phỏng đoán nào về mối quan hệ này, nhưng GS.Trần Quốc Vượng đã nhấn mạnh sự
hạn chế trong nghiên cứu về Ryukyu ở Việt Nam: “Lạ một điều, ở hội thảo quốc tế
về Hội An (1990) và về Phố Hiến (1993), các học giả Nhật Bản chỉ nói về quan hệ
giao lưu văn hóa - kinh tế giữa Hội An, Phố Hiến và cảng thị Nagasaki mà không
nói một điều gì về quan hệ Riukyu - Đại Việt...” [97; tr.352]. Tuy không phải là kết
quả khảo cứu cụ thể về vương quốc Ryukyu và quan hệ bang giao của Ryukyu,
nhưng nhận xét của GS.Trần Quốc Vượng cho thấy rõ những khoảng trống trong
nghiên cứu về Ryukyu và mối quan hệ Ryukyu - Đại Việt ở cả Việt Nam và Nhật
Bản hiện nay. Ý kiến của GS.Trần Quốc Vượng thực sự có giá trị trong việc hệ
thống lại các nghiên cứu đã từng quan tâm đến vương quốc Ryukyu ở Việt Nam vào

cuối thế kỷ XX.
Tháng 2-2003, Tạp chí Xưa & Nay đã công bố một công trình đáng chú ý
của giáo sư Vĩnh Sính: “Một văn thư vương quốc Lưu Cầu gửi sang Việt Nam vào
1

GS.Trần Quốc Vượng sử dụng cách phiên âm “Riukyu” và “Riukyuko” trong bài viết này.

9


đầu thế kỷ XVI” (Vĩnh Sính giới thiệu và chú giải). Từ một văn bản ngoại giao được
lưu giữ trong bộ sử Reikidai hoan, nhà sử học Vĩnh Sính đã có sự phân tích kết hợp
với các nguồn tư liệu lịch sử nước ta để chỉ ra rằng: có mối quan hệ nhất định giữa
chính quyền Đại Việt và chính quyền Ryukyu vào đầu thế kỷ XVI (1509). Tuy
nhiên, nghiên cứu của Vĩnh Sính mới dừng lại ở việc dịch và xác định “có mối quan
hệ nào đó” giữa Ryukyu và Đại Việt chứ chưa thực sự đưa ra những kết luận cụ thể
về mối quan hệ này. Tuy vậy, đây là một ý tưởng gợi mở hướng nghiên cứu về quan
hệ Ryukyu - Đại Việt.
Trong những năm gần đây, Ryukyu được nhắc đến nhiều hơn trong các bài
viết, công trình nghiên cứu ở Việt Nam. Đất nước đang thời kỳ mở cửa, con người
Việt Nam đang cố gắng tìm tòi để lựa chọn những con đường phát triển phù hợp
với khả năng và điều kiện của mình trong bối cảnh hội nhập quốc tế, việc khảo
cứu về Ryukyu được coi như một trong những phương thức tìm tòi và lựa chọn bài
học từ lịch sử cho Việt Nam hiện nay.
Tháng 5-2003, công trình nghiên cứu “Quan hệ của Nhật Bản với Đông Nam
Á thế kỷ XV - XVII” của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Kim được xuất bản thành
sách, đánh dấu quá trình tìm hiểu về đề tài Ryukyu ở Việt Nam được nâng lên một
bước cao hơn. Trong đó, tác giả đã có sự khảo cứu, phân tích về Ryukyu và quan hệ
của Ryukyu với khu vực Đông Nam Á kĩ hơn, xác định rõ hơn về vị trí và vai trò,
tác động của “Vương quốc biển” này trong hệ thống thương mại châu Á cùng thời.

Dựa vào kết quả nghiên cứu này, năm 2003, Nxb.Đại học Quốc gia Hà Nội đã cho
xuất bản cuốn sách “Nhật Bản với châu Á - Những mối liên hệ lịch sử và chuyển
biến kinh tế - xã hội”. Cuốn sách là tập hợp những công trình nghiên cứu chuyên
sâu về Nhật Bản và hệ thống thương mại Biển Đông đã được công bố trên các tạp
chí nghiên cứu khoa học của tác giả Nguyễn Văn Kim. Trong cuốn sách này, có
một số công trình nghiên cứu có giá trị về Ryukyu và quan hệ của Ryukyu với các
quốc gia trong khu vực như: “Quan hệ thương mại Nhật Bản - Siam thế kỉ XVIXVII; “Quan hệ thương mại của vương quốc Ryukyu với các nước Đông Nam Á thế
kỉ XV-XVI”; “Quan hệ của Đại Việt với vương quốc Ryukyu thế kỉ XVI-XVIII qua

10


một số nguồn tư liệu”; “Ryukyu trong quan hệ với Trung Quốc và Nhật Bản thời
cận thế”; “Quan hệ giữa vương quốc Ryukyu với Triều Tiên thế kỉ XV-XVII”...
Đây là những bài nghiên cứu được công bố trên các tạp chí nghiên cứu
chuyên ngành, kết quả nghiên cứu đó góp phần xây dựng một bức tranh sáng rõ hơn
và thực sự cần thiết trong mục tiêu nghiên cứu về lịch sử vương quốc Ryukyu hơn ở
nước ta.
1.2. Các bộ sử và công trình nghiên cứu trên thế giới
Trên thế giới, các nhà nghiên cứu có sự quan tâm sâu sắc hơn đối với lịch sử
kinh tế, chính trị của Ryukyu. Nhìn chung, các tài liệu viết về đảo quốc này chủ yếu
là tài liệu Hán ngữ, Nhật ngữ và Anh ngữ. Ở châu Âu, những ghi chép của người
Anh, người Bồ Đào Nha, người Hà Lan,... có liên quan đến Ryukyu hiện vẫn đang
được lưu giữ cẩn thận trong các kho lưu trữ của các nước trên thế giới.
Ryukyu với cách lựa chọn con đường phát triển riêng biệt của mình, đã
nhanh chóng gây được sự chú ý của nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới. Từ rất sớm,
Ryukyu trở thành đề tài nghiên cứu của các nhà Nhật Bản học phương Tây (ở Mỹ,
Đức, Hà Lan...). Sự quan tâm đến lịch sử vương quốc Ryukyu của các nhà nghiên
cứu châu Âu và Nhật Bản dần dần ảnh hưởng đến khuynh hướng nghiên cứu ở một
số nước châu Á khác như Trung Quốc, Singapore, Thái Lan,...

- Reikidai hoan (Lịch đại bảo án):
Rekidai hoan là một tập hợp các văn bản ngoại giao liên quan đến mối quan
hệ giữa Ryukyu với Trung Quốc, Triều Tiên và các quốc gia ở khu vực Đông Nam
Á trong 444 năm (từ năm 1424-1867). Các tài liệu này ghi chép lại chi tiết hoạt
động của các phái bộ ngoại giao Ryukyu đến các nước như: ngày gửi, mục đích, lộ
trình, tên và cấp bậc của các thành viên phái bộ, số lượng hàng hóa, danh sách các
quà tặng và nhiều loại thông tin khác liên quan đến phái bộ. Đây là những tài liệu
vô giá cho việc nghiên cứu lịch sử ngoại giao của Ryukyu. Bộ sử này do các sử gia,
trí thức Nho giáo đã sống và phục vụ trong triều đình Ryukyu biên soạn vào các thế
kỷ XVIII - XIX, với mục đích “văn bản quý truyền nhiều đời”.
Rekidai hoan bao gồm 3 tập hợp tư liệu (bộ sưu tập) và phần Phụ lục riêng:

11


+ Bộ sưu tập đầu tiên (dai-isshu): Được bắt đầu tập hợp và biên soạn vào
ngày 23-5-1697 và hoàn thành vào ngày 8-1-1698, bao gồm 49 tập. Trong đó, có 43
tập đầu tiên là các văn bản liên quan đến giai đoạn 1424-1696, và 6 tập còn lại là
những bản báo cáo của các sứ thần Trung Quốc đã từng được cử đến Ryukyu.
+ Bộ sưu tập thứ 2 (dai-nishu): Được biên soạn trong khoảng thời gian từ
năm 1726 đến năm 1729. Tập hợp này có 16 tập, bao gồm các văn bản ngoại giao từ
năm 1697 đến 1727 và một tập danh mục nội dung. Tuy nhiên, từ năm 1729 đến
năm 1858, bộ sưu tập này được bổ sung hàng năm nên tổng số lượng của nó đã lên
đến 200 tập vào năm 1858. Ngoài ra, bộ sưu tập còn có thêm một tập danh mục nội
dung gồm 2 phần để hiệu đính cho 124 tập đầu tiên và 2 tập chú thích nội dung cho
các tập từ tập 1 đến tập 200.
+ Bộ sưu tập thứ 3: Được tập hợp và biên soạn từ năm 1859 đến năm 1867,
gồm 13 tập. Phần này không có danh mục các nội dung, có thể mục đích ban đầu
của những người viết bộ sưu tập này là viết cho đến khi đã hoàn thành một khối
lượng tập hợp lớn hơn mới dừng lại và bổ sung bảng thống kê nội dung theo đó.

Reikidai hoan không chỉ cung cấp những thông tin phong phú về đời sống
kinh tế - xã hội của vương quốc Ryukyu trong lịch sử mà còn thể hiện khá toàn diện
về hoạt động ngoại giao, thương mại của nước này trong thời kỳ trung thế và cận
thế. Trong một số tập của tác phẩm này có ghi lại nội dung của nhiều văn bản ngoại
giao trao đổi giữa Ryukyu và các quốc gia khác trong khu vực. Tuy vậy, bộ sử này
chỉ viết về Ryukyu trong khoảng thời gian từ 1425 đến 1867.
Mặc dù chỉ là một bộ sử lưu giữ các văn bản ngoại giao của Ryukyu gửi đến
các nước trong thời kỳ độc lập, nhưng bộ sử này có ý nghĩa vô cùng quan trọng
trong quá trình khảo cứu và đưa ra những đánh giá và nhận xét cơ bản nhất của luận
án về hoạt động bang giao và thương mại của Ryukyu.
- Minh Thực lục (Ming Shi-lu): Minh Thực lục (hoặc Hoàng Minh Thực lục)
là một bộ sử biên niên đồ sộ dưới thời 13 triều vua nhà Minh (1368-1644) của
Trung Quốc, từ Minh Thái Tổ đến Minh Hy Tông, gồm 3.053 quyển, với tổng cộng
hơn 40.000 trang, ước tính khoảng 11.520.000 chữ Hán. Thời phong kiến, Minh
Thực lục được lưu giữ bí mật trong văn phòng Nội các cho đến niên hiệu Vạn Lịch

12


(1573-1620) triều vua Minh Thần Tông. Mặc dù bộ sử được viết dưới “nhãn quan”
của các sử gia phong kiến và quan điểm chính trị của các vị vua nhà Minh, nhưng
do mối quan hệ mật thiết với triều đình nhà Minh, Ryukyu trở thành một cái tên
thường xuyên xuất hiện trong bộ sử nổi tiếng này. Thông qua đó, chúng ta cũng có
thể chắt lọc được nhiều thông tin về chính sách ngoại giao và kinh tế - xã hội của
vương quốc này.
Mặc dù vậy, một số nhà nghiên cứu cho rằng nếu muốn khảo cứu kĩ lưỡng về
hàng hóa và cống phẩm của các nước mang đến Trung Quốc (trong đó có Ryukyu)
thì Minh Thực lục “không thực sự đầy đủ” mà cần mở rộng sử dụng các nguồn tài
liệu đáng tin cậy của chính các nước triều cống như Đại Việt sử kí toàn thư của Việt
Nam hay Kyoro sử của Triều Tiên,... [126; tr.111]. Trong khi đó, Đại Việt sử kí toàn

thư của nước ta lại hầu như không đề cập nhiều đến sự hiện diện của Ryukyu trong
quan hệ bang giao của nước ta thời trung đại. Đó là một khó khăn trong quá trình
khai thác nguồn tài liệu chính sử phục vụ cho quá trình triển khai luận án này. Có
thể coi đây là một nguồn tài liệu vô cùng quý giá giúp chúng ta có cái nhìn bao quát
hơn về vị thế của Ryukyu trong khu vực thời kỳ này và mối quan hệ đặc biệt của
Ryukyu với chính quyền Trung Quốc.
Trong nghiên cứu Nhật Bản, các nhà nghiên cứu rất coi trọng hai công trình
nghiên cứu công phu là “Lược sử văn hoá Nhật Bản” (2 tập) và “Lịch sử Nhật Bản”
(3 tập) của G.B.Sansom. Tuy vậy, trong hai công trình đồ sộ đó, tác giả có nhắc đến
Ryukyu như một đối tác ngoại thương của Nhật Bản nhưng chưa quan tâm đến
Ryukyu như một đối tượng nghiên cứu.
Trên thế giới, đề tài Ryukyu được quan tâm sớm hơn. Tại một số trường đại
học uy tín như trường Đại học Quốc gia Singapore (NUS), Đại học Michigan, Đại
học Honolulu Hawaii..., đã có nhiều nhà nghiên cứu đã công bố nhiều công trình
nghiên cứ về Ryukyu. Có thể điểm tên một số công trình tiêu biểu như sau:
- Năm 1963, trên tạp chí nghiên cứu Journal of the American Oriental
Socienty, Vol 82, No.1, nhà nghiên cứu Shunzo Sakamaki đã công bố một công
trình chuyên khảo “Reikidai hoan”. Công trình đã có sự phân tích kĩ sự tồn tại và
nội dung của bộ sử và các bản sao của nó trên thế giới. Thông qua đó, chúng ta có

13


thêm được những thông tin quý giá về quá trình ra đời và lưu giữ bộ sử này ở nhiều
nước trên thế giới.
Một bản sao của bộ Reikidai hoan đã được lưu giữ tại Đại học Hawaii trở
thành một gợi ý đặc biệt cho ý tưởng nghiên cứu về lịch sử độc đáo của vương quốc
này. Năm 1962-1963, Viện nghiên cứu và Phát triển thuộc Trung tâm Đông -Tây
Honolulu (Hawai - Hoa Kỳ) đã tổ chức biên soạn và dịch Reikidai hoan sang Anh
ngữ. Năm 1969, cuốn sách “Ryukyuan Relations with Korea and South Sea

Countries” của hai tác giả Nhật Bản Atsushi Kotaba và Mitsugu Matsuda được xuất
bản. Cuốn sách đã dịch và chú giải 127 văn bản ngoại giao giữa Ryukyu với Triều
Tiên và các quốc gia Đông Nam Á được viết trong các tập từ 39 đến 42 và phần lớn
tập 43 của bộ Reikidai hoan [99; tr.55]. Thông qua công trình nghiên cứu này, một
bức tranh khái quát về quan hệ bang giao chính thức giữa Ryukyu và các quốc gia ở
khu vực Đông Nam Á và Triều Tiên đã được tái hiện tương đối toàn diện. Trong hội
thảo Khoa học quốc tế Northest Asia in Maritime Perspective: A dialogue with
Southest Asia tại Okinawa năm 2004, GS Takara Kurayoshi đã khẳng định trong 2
năm 1974-1975, ông đã mang khoảng 20 bản sao công trình nghiên cứu đặc biệt này
tới Hong Kong, Thái Lan, Singapore, Malaysia và Indonesia [147; tr.4].
Trong cuộc hội thảo quốc tế lớn về bối cảnh kinh tế thương mại biển châu Á
(10-2004) tại Naha (Okinawa - Nhật Bản), nhà nghiên cứu Geoff Wade đã công bố
một công trình nghiên cứu rất tỉ mỉ, có giá trị về toàn bộ lịch sử và chính trị của
vương quốc Ryukyu được ghi chép trong Minh Thực lục: “Ryukyu in the Ming-Shilu 1380s-1580s”. Đến năm 2007, từ công trình tham gia hội thảo quốc tế, Geoff
Wade đã phát triển thành một công trình khảo cứu khá công phu Ryukyu in the
Ming Reign Annals 1380s-1580s. Công trình tập trung khảo cứu về hoạt động
thương mại và triều cống của Ryukyu trong mối quan hệ với chính quyền Trung
Quốc và phần nào cho thấy quan hệ bang giao của nước này với một số vương quốc
khác trong khu vực châu Á. Đặc biệt, công trình đã trích dẫn (bản đã dịch sang tiếng
Anh) toàn bộ những ghi chép về những sự kiện liên quan đến Ryukyu trong triều
đình Bắc Kinh theo hình thức biên niên trong khoảng thời gian 1360-1567. Từ góc
độ chính trị, bang giao, những vấn đề liên quan đến kinh tế, thương nghiệp được

14


đúc rút và so sánh tạo ra một khung lý thuyết thú vị về mối quan hệ chặt chẽ giữa
chính trị và kinh tế của các quốc gia phong kiến trong khu vực châu Á. Công trình
được đặc biệt coi trọng, tạo tiếng vang lớn không chỉ ở Mỹ, Nhật mà còn có ảnh
hưởng mạnh mẽ đến giới nghiên cứu Nhật Bản học ở châu Á, đặc biệt đối với

những nhà nghiên cứu quan tâm đến Ryukyu.
“Ryukyuan Relations with Korea and South Sea Countries” và “Ryukyu in
the Ming Reign Annals 1380s-1580s” là hai chuyên khảo nghiên cứu về vương quốc
Ryukyu từ hai bộ sử chính thống quan trọng Reikidai hoan và Minh Thực lục. Chình
vì vậy, luận án sẽ khai thác tối đa những thông tin có được từ hai bộ sử cũng như
hai công trình chuyên khảo này để giải quyết các vấn đề đặt ra trong luận án.
- Life Under Satsuma and Qing China through to Annexation by Japan in
1879 - Harvard University Press, 1968. Công trình này nghiên cứu rất sâu về chính
sách cai trị dưới hình thức đánh thuế của lãnh địa Satsuma đối với chính quyền
Ryukyu trong những năm 1603-1879. Thông qua đó có thể khai được thêm tư liệu về
mối quan hệ của Ryukyu với Nhật Bản thời kỳ này.
Cũng nhìn dưới góc độ cai trị bằng thuế, nhưng coi chế độ đó như một hình
thức triều cống của Ryukyu đối với chính quyền Tokugawa, là góc độ tiếp cận của
Misugu Sakihara trong bài viết "Ryukyu's Tribute - tax to Satsuma during the
Tokugawa period", Modern Asian Studies, No.6. 1972.
Một công trình nữa cũng đưa ra những phân tích khá sắc xảo về sự khôn
khéo của Ryukyu cũng như của Nhật Bản trong việc tận dụng mối quan hệ thương
mại giữa hai nước thời kỳ sau 1603 của nhà nghiên cứu Robert Sakai "The Satsuma
- Ryukyu trade and Tokugawa Seclution Policy", Journal Asian Studies, Vol. XXIII.
No.3. May 1964.
Ngoài ra, có thể kể đến một số chuyên khảo của các nhà nghiên cứu uy tín
như: Shunzo Sakamaki, “Ryukyu and Southest Asia” The Journal of Asian Studies
Vol.XXIII No.3, May 1964; Piyada Chonlaworn, “Relation between Ayutthaya and
Ryukyu”, The Journal of the Siam Society, Vol 92. 2004...
Giới nghiên cứu văn hóa và lịch sử, đặc biệt là lịch sử ngoại thương ở châu
Âu cũng công bố một loạt công trình nghiên cứu về Ryukyu. Họ quan tâm nhiều

15



hơn đến số phận cuối cùng của vương quốc này, đến sự biến đổi văn hóa của đảo
quốc này dưới sự tác động của tàu thuyền phương Tây và những mối quan hệ trao
đổi buôn bán với người “Tây dương” của Ryukyu vào những năm cuối của thế kỷ
XVII đầu thế kỷ XIX. Nhà nghiên cứu người Đức Josef Kreiner đã dày công sưu
tập những bài viết đó và biên soạn lại thành một cuốn sách mang tên: “Sources of
Ryukyuan history and Culture in European collections”, xuất bản năm 1996. Công
trình giúp ta có bức tranh về xã hội Ryukyu trong mối quan hệ với các nước phương
Tây thế kỷ XVII - XIX, xây dựng thêm bức tranh về một “số phận châu Á” trước sự
tác động của tàu thuyền phương Tây. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu châu Âu còn
có những cuốn sách viết về lịch sử Ryukyu dưới dạng biên niên như: Okinawa the
history of an Island people, Charles E. Tuttle Company of Rutland Vermont &
Tokyo, Japan 1960 của George H.Kerr; hay Vision of Ryukyu, University of Hawaii
Press 1999 của Gregory Smith…
Tuy là những công trình có tính chất thông sử khái quát hoặc mô tả sự kiện
lịch sử, nhưng những thông tin khai thác được từ đó giúp cho nghiên cứu sinh đưa
ra được những kiến giải về các vấn đề đặt ra trong luận án.
Trong hai ngày 29, 30-10-2004, tại Naha (Okinawa - Nhật Bản), các nhà
nghiên cứu đã tổ chức một cuộc hội thảo lớn về thương mại khu vực Đông Á. Trong
đó, các nhà nghiên cứu đặc biệt quan tâm đến vai trò của vương quốc Ryukyu. Rất
nhiều bài viết về Ryukyu đã được công bố, với nhiều nghiên cứu mới về đảo quốc
này, thu hút sự chú ý của nhiều nhà khoa học trên thế giới. Các bài viết đó đã được
một nhóm tác giả gồm 3 nhà nghiên cứu là Yamauchi Shinji, Fujita Kayoko và
Piyada Chonlawon biên soạn lại thành một cuốn sách mang tên: “Northeast Asia in
maritime perspective: a dialogue with Southeast Asia”. Kỷ yếu của hội thảo đã
được Nhà xuất bản Đại học Osaka ấn hành tháng 2-2005.
Các bài nghiên cứu này tập trung nhiều vào sự lựa chọn con đường phát triển
riêng biệt của Ryukyu bằng việc tận dụng tối đa vị trí cầu nối (địa kinh tế) của mình
trong khu vực từ thế kỷ XIV - XVI. Vẫn là những công trình khảo cứu ở giới hạn
không gian và thời gian nhỏ hẹp, nhưng đây là những công trình có ý nghĩa gợi mở
quan trọng cho nghiên cứu sinh trong quá trình triển khai luận án nhằm đưa ra được


16


những đánh giá có tính chất khái quát về Ryukyu nói riêng và bối cảnh của khu vực
châu Á nói chung trong khoảng thời gian này.
Trong xu thế đó, năm 2013, Nhà xuất bản Đại học Hawaii (Honolulu - Mỹ)
đã công bố một công trình nghiên cứu được đánh giá đặc biệt “Ancient Ryukyu” của
Richard Pearlson2. Công trình là kết quả nghiên cứu sau một thời gian dài về vương
quốc biển này dưới góc nhìn địa lý học về lịch sử, kinh tế, văn hóa và mối quan hệ
chính trị với các quốc gia xung quanh. Đặc biệt, dưới góc nhìn địa lý học và các
chứng cứ khảo cổ học, Richard Pearlson đã có sự phân tích rất kĩ về nguồn gốc và
lịch sử phát triển của quốc gia này trong khu vực biển Đông Bắc Á. Công trình
được đặc biệt đề cao về giá trị và ý nghĩa của nó trong lĩnh vực nghiên cứu về Nhật
Bản và phương Đông tại Anh. Có thể coi đây là một trong những công trình nghiên
cứu đáng chú ý gần đây nhất về vương quốc biển Ryukyu với những kết quả nghiên
cứu có ý nghĩa thực sự quan trọng trong lĩnh vực này.
1.3. Nhận xét về tình hình nghiên cứu và những vấn đề đặt ra cho luận án
Ryukyu là một vương quốc nhỏ, thời gian tồn tại với tư cách là một vương quốc
độc lập kéo dài khoảng gần 500 năm. So với nhiều vương quốc có lịch sử hình thành
và phát triển hàng nghìn năm trong khu vực châu Á, sự tồn tại của vương quốc Ryukyu
được cho là ngắn. Tuy vậy, thời gian đó đủ để Ryukyu để lại một dấu ấn đặc biệt trong
lịch sử ngoại giao và hải thương trong khu vực. Số lượng các công trình nghiên cứu về
Ryukyu cho thấy có sự quan tâm không nhỏ đối với lịch sử vương quốc này.
Ngoài những bộ sử chính thống do triều đình Ryukyu tổ chức biên soạn,
Minh Thực lục được coi là bộ sử có sự xuất hiện thường xuyên nhất của vương quốc
Ryukyu. Điều đó cho thấy, chính quyền Trung Quốc có sự quan tâm đặc biệt đối
với vương quốc nhỏ bé này trong thời trung cận đại. Trong khi đó, sự hạn chế xuất
hiện của Ryukyu trong sử sách Việt Nam cho thấy mối quan tâm của chính quyền
phong kiến và các sử gia, trí thức Việt Nam thời phong kiến chưa thực sự rõ ràng.

Tuy vậy, trong thời kỳ hiện đại, các nhà nghiên cứu ở Việt Nam đã có sự
quan tâm nhiều hơn với đề tài này. Lịch sử hình thành và phát triển của vương quốc
2

Giáo sư Danh dự tại Đại học Hoàng gia Anh (UBC) và là giáo sư giảng dạy tại Đại học Hawaii về “Nhân
học địa lý phương Đông”.

17


Ryukyu (Lưu Cầu) bước đầu được xác định như một hướng nghiên cứu mới trong
ngành Nhật Bản học ở Việt Nam, khi coi Ryukyu là một bộ phận của Nhật Bản
(trên cơ sở sự kiện Ryukyu bị sáp nhập vào Nhật Bản năm 1879).
Trong số đó, những nghiên cứu của tác giả Nguyễn Văn Kim thực sự đáng
chú ý. Thông qua những khảo cứu của mình, Nguyễn Văn Kim đã đưa ra những
nhận định khái quát, có tính chất định hướng khá rõ trong cách thức tìm hiểu về mối
quan hệ giữa vương quốc Ryukyu với nhiều quốc gia về các lĩnh vực liên quan đến
kinh tế hải thương như mục tiêu buôn bán, thời gian buôn bán, các loại hàng hóa...
Các công trình của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Kim có ý nghĩa rất lớn trong hệ
thống các nguồn tài liệu về Ryukyu ở Việt Nam.
Ngoài những bài nghiên cứu của Nguyễn Văn Kim và Vĩnh Sính, Ryukyu cũng
đã được nhắc đến trong một số ít các công trình nghiên cứu về hệ thống thương mại
châu Á, về hoạt động kinh tế biển hay quan hệ bang giao giữa các nước trong khu vực
Đông Á từ thế kỷ XV - XVII. Nhưng, Ryukyu thường chỉ được đề cập đến với vai trò
là một trong nhiều thương cảng thông dụng trong hoạt động thương mại khu vực thời
kỳ này mà chưa được coi đó là một đối tượng nghiên cứu cụ thể.
Có thể nói, địa danh Ryukyu đã phần nào quen thuộc với các nhà nghiên cứu
lịch sử và kinh tế ở Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có nghiên
cứu nào thực sự chuyên sâu về Ryukyu, lấy vương quốc Ryukyu làm đối tượng
nghiên cứu chính để tìm hiểu về lịch sử phát triển, vai trò, vị trí của vương quốc này

trong khu vực. Đó là một khoảng trống trong các nghiên cứu về Ryukyu ở Việt
Nam, cũng là một sự gợi mở cho hướng đặt vấn đề và giải quyết vấn đề trong luận
án này với mục tiêu khỏa lấp một phần khoảng trống đó.
Trong khi đó, các nhà nghiên cứu trên thế giới có sự quan tâm đặc biệt đến
Ryukyu, đặc biệt trong những năm 50 - 70 của thế kỷ XX. Địa danh Ryukyu dần trở
nên phổ biến và quen thuộc hơn trong các nhà nghiên cứu về lĩnh vực thương mại
biển khu vực gắn liền với xu hướng nghiên cứu kinh tế biển đã và đang phát triển
mạnh mẽ. Cho đến nay, Ryukyu không còn xa lạ trong giới nghiên cứu Nhật Bản
học trên thế giới. Vị thế và vai trò của Ryukyu trong khu vực vào thế kỷ XIV - XVI
đã được khẳng định với sự đánh giá rất cao của các nhà khoa học. Ryukyu được

18


quan tâm đến không chỉ đơn thuần là thương cảng, là cầu nối hàng hóa trong khu
vực. Lịch sử phát triển, quá trình bị sáp nhập vào Nhật Bản hay sự lựa chọn con
đường phát triển của vương quốc này trong từng bước ngoặt lịch sử quan trọng...
dần trở thành những đề tài thu hút các nhà nghiên cứu đặt ra và tìm cách biện giải.
Các công trình nghiên cứu về Ryukyu phát triển mạnh ở các nước ngoài Nhật
Bản như Mỹ, Đức, Hà Lan, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc... Ryukyu trở thành
đối tượng nghiên cứu được đặc biệt quan tâm đối với các nhà nghiên cứu là Nhật
kiều đang sinh sống và nghiên cứu tại các trường đại học lớn trên thế giới như Đại
học Hawaii, Đại học Quốc gia Singapore, Đại học Michigan, Đại học Hoàng gia
Anh,... Trong khi đó, không có nhiều nhà nghiên cứu ở Nhật thực sự quan tâm sâu
sắc đến Ryukyu và có những chuyên khảo công phu về vương quốc này. Nếu có
công trình tìm hiểu về vương quốc này, hầu như các nhà nghiên cứu ở Nhật Bản
quan tâm nhiều đến lịch sử Ryukyu sau năm 1879 hơn là thời kỳ phát triển đỉnh cao
của Ryukyu giai đoạn thế kỷ XV - XVI.
Mối quan tâm về Ryukyu không trở thành một trào lưu, nhưng vẫn thường
xuyên được xuất hiện theo thời gian. Những biến động liên tục trong đời sống kinh

tế và chính trị thế giới cuối thế kỷ XX khiến một số nước và vùng lãnh thổ nhỏ bé
ngày càng được chú ý hơn trên bản đồ thế giới. Các nhà nghiên cứu vì thế lại càng
có nhu cầu tìm lại những “số phận đặc biệt” của những quốc gia nhỏ, nhưng có thể
tồn tại và phát triển bên cạnh những nước lớn, coi đó như quá trình tìm kiếm những
quy luật, con đường phát triển riêng biệt cho những nước nhỏ trong “thế giới
phẳng” hiện đại, những con đường hội nhập và phát triển “không hòa tan” trở thành
vấn đề nóng hổi trên các diễn đàn thế giới. Và Ryukyu với con đường phát triển độc
đáo của mình lại trở thành một đề tài nghiên cứu được quan tâm của các nhà sử học
và dân tộc học trong những năm đầu tiên của thế kỷ XXI.
Tuy nhiên, nhưng công trình nghiên cứu đó chủ yếu là các bài nghiên cứu
được công bố rải rác trên các tạp chí chuyên ngành ở các nước, chỉ dừng lại ở
những không gian thu hẹp hoặc giới hạn trong một khoảng thời gian ngắn. Đa số
các công trình này đều là những khảo cứu mang tính rời rạc, tập trung vào một vấn
đề nào đó liên quan đến Ryukyu mà chưa thực sự có cái nhìn bao quát hoặc đặt ra

19


×