Tải bản đầy đủ (.pdf) (85 trang)

Đặc trưng văn học vết thương trung quốc qua tùy tưởng lục của ba kim và dịch thuật tác phẩm này tại việt nam

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (978.04 KB, 85 trang )

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
-----------------------------------------------------

LÊ THỊ NGUYÊN

ĐẶC TRƯNG VĂN HỌC VẾT THƯƠNG
TRUNG QUỐC QUA TÙY TƯỞNG LỤC CỦA
BA KIM VÀ DỊCH THUẬT TÁC PHẨM NÀY
TẠI VIỆT NAM

LUẬN VĂN THẠC SĨ
Chuyên ngành: Văn học nước ngoài

Hà Nội-2016


ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
--------------------------------------------------

LÊ THỊ NGUYÊN

ĐẶC TRƯNG VĂN HỌC VẾT THƯƠNG
TRUNG QUỐC QUA TÙY TƯỞNG LỤC CỦA
BA KIM VÀ DỊCH THUẬT TÁC PHẨM NÀY
TẠI VIỆT NAM

Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành: Văn học nước ngoài
Mã số: 60 22 02 45


Người hướng dẫn khoa học: TS. Nguyễn Thu Hiền

Hà Nội-2016


MỤC LỤC
Lời cảm ơn
Mục lục

1

MỞ ĐẦU

3

1. Lý do chọn đề tài

3

2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề

5

3. Mục đích, đối tượng và phạm vi nghiên cứu

10

4. Phương pháp nghiên cứu

11


5. Cấu trúc luận văn

11

Chương 1: VĂN HỌC VẾT THƯƠNG - CÁC NGHIÊN CỨU Ở

12

TRUNG QUỐC VÀ TIẾP NHẬN Ở VIỆT NAM
1.1.

Trào lưu sáng tác Văn học vết thương tại Trung Quốc

12

1.2.

Nghiên cứu trào lưu Văn học vết thương Trung Quốc ở

25

Việt Nam
Chương 2: VĂN HỌC VẾT THƯƠNG QUA TÙY TƯỞNG

31

LỤC CỦA BA KIM
2.1.


Tinh thần Văn học Ngũ Tứ như là ngọn nguồn của Văn

31

học vết thương
2.2.

Đặc trưng Văn học vết thương trong Tùy tưởng lục

34

2.2.1. Vạch trần tội ác của “bè lũ bốn tên”

34

2.2.2. Tiếp nối tinh thần Ngũ Tứ

41

2.2.3. Tinh thần tự sám hối trong Tùy tưởng lục

47

Chương 3: DỊCH THUẬT TÙY TƯỞNG LỤC Ở VIỆT NAM
3.1.

Vấn đề tái cấu trúc Tùy tưởng lục trong bản dịch tiếng Việt

1


53
53


3.2.

Thông điệp tác phẩm sau tái cấu trúc

58

KẾT LUẬN

64

TÀI LIỆU THAM KHẢO

66

PHỤ LỤC

70

2


MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Vào những năm 70 - 80 trên văn đàn Trung Quốc, điều đáng chú ý nhất
có lẽ chính là trào lưu Văn học vết thương. Văn học vết thương nguyên gốc
tiếng Trung là 伤痕文学 (tức văn học vết thương hay vết sẹo, nhưng ở Việt

Nam chúng ta quen dùng với thuật ngữ “Văn học vết thương”). Đúng như tên
gọi của mình, trào lưu Văn học vết thương để chỉ những tác phẩm văn học
viết về nỗi đau suốt mười năm “cách mạng văn hóa” ở Trung Quốc. Mười
năm ấy với những nỗi đau, ám ảnh không thể xóa mờ trong trái tim, tâm trí
những người trí thức, vết thương bên ngoài thể xác của họ có thể lành nhưng
vết thương trong tâm hồn thì vẫn mãi nhức nhối không yên. Mười năm “cách
mạng văn hóa” là mười năm của khổ đau, mà khổ đau nhất ở đây chính là sự
áp chế về mặt tư tưởng. Chính vì vậy, vào cuối những năm 70 của thế kỷ XX,
khi Trung Quốc bước vào thời kỳ cải cách mở cửa, các nhà văn Trung Quốc
đã nhìn lại quãng thời gian đen tối ấy, viết lại những nỗi đau mà vết thương
nó để lại vẫn trong trái tim họ. Văn học vết thương phản ánh tấn bi kịch tinh
thần mà người trí thức phải chịu trong mười năm “cách mạng văn hóa”, nhằm
phủ định cuộc “cách mạng văn hóa” kia, đồng thời Văn học vết thương còn là
sự tiếp nối truyền thống tinh thần đấu tranh của người trí thức từ thời Văn học
Ngũ Tứ. Đó là tinh thần khai minh, sự dũng cảm của những người cầm bút
dám đứng lên để bảo vệ lẽ phải, sự tự do (không chỉ thể xác mà còn là cả tinh
thần) cho những người trí thức. Không chỉ phản ánh, Văn học vết thương còn
như một lời sám hối, phản tư của bản thân nhà văn đối với một giai đoạn lịch
sử (cụ thể ở đây chính là mười năm “cách mạng văn hóa”). Và Văn học vết
thương cần được nhìn nhận trong dòng chảy văn học Trung Quốc với tư cách

3


tiếp nối tinh thần của văn học Ngũ Tứ trước đó. Ngoài ra, Văn học vết thương
cũng bắt đầu chú ý tới những con người, những số phận nhỏ bé trong xã hội.
Tuy chỉ kéo dài trong khoảng chưa đầy mười năm nhưng Văn học vết thương
có giá trị lịch sử to lớn, nó chính là trào lưu mở đầu cho hàng loạt trào lưu văn
học sau đó của Trung Quốc, như Văn học phản tư, Văn học cải cách, Văn học
tầm căn... Có thể ví Văn học vết thương như cánh én báo hiệu mùa xuân trên

văn đàn Trung Quốc hiện đại.
Những nhà văn tiêu biểu của trào lưu Văn học vết thương có thể kể tới
Ba Kim, Tiêu Kiền, Vương Tây Ngạn, Kha Linh, Hồ Phong, Ngưu Hán, Tân
Địch, Trần Kính Dung, Ngải Thanh, Công Lưu, Lưu Sa Hà…
Trong đó, Ba Kim (tên thật Lý Nghiêu Đường) được coi là “cây đại
thụ” trong nền văn học Trung Quốc, là một trong những nhà văn hiện đại nổi
tiếng nhất Trung Quốc. Ông sinh ra trong một gia đình quan lại phong kiến,
chính vì vậy, từ nhỏ Ba Kim đã phải tiếp xúc rất nhiều chuyện bất công, bất
hợp lý trong chính dinh cơ rộng lớn của gia đình mình. Ông oán ghét, thậm
chí căm thù những đấu đá, bất công của chế độ phong kiến ấy. Tới năm 1919,
phong trào Ngũ Tứ như một luồng gió mới thổi bùng lên tư tưởng dân chủ,
đổi mới trong Ba Kim. Ông say mê sáng tác vì đó như một cách hữu hiệu để
bày tỏ tư tưởng của Ba Kim. Và tinh thần ấy như sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong
các tác phẩm của Ba Kim, mà sau này, trong Tùy tưởng lục, tinh thần phơi
bày hiện thực đen tối của xã hội, để từ đó kêu gọi mọi người chống lại “cách
mạng văn hóa”, cũng như sự phản tư, sám hối của chính nhà văn - người
trong cuộc - đã để lại ấn tượng mạnh mẽ đối với người đọc. Và Tùy tưởng lục
cũng trở thành một trong số những tác phẩm tiêu biểu nhất của trào lưu Văn
học vết thương của Trung Quốc.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, Ba Kim chưa được biết tới nhiều, chủ yếu chỉ
là những giới thiệu sơ lược, các tác phẩm của ông cũng chỉ được dịch rất ít,

4


gồm Gia đình, Mùa xuân, Trời lạnh về khuya và Tùy tưởng lục. Trong đó tác
phẩm Tùy tưởng lục nguyên bản gồm năm tập, nhưng người dịch (Trương
Chính, Ông Văn Tùng) chỉ chọn trong mỗi tập một số bài để dịch thành một
tập Tùy tưởng lục bằng tiếng Việt. Tùy tưởng lục có thể coi là một trong
những tác phẩm tiêu biểu của trào lưu Văn học vết thương, nó là lời tố cáo,

phản tư, sám hối của một nhà văn lớn của Trung Quốc về cuộc “cách mạng
văn hóa” suốt mười năm. Như Ba Kim từng nói, tập sách này như một lời
nhắc nhớ về những nỗi đau trong quá khứ, để mỗi người không ai được quên
về những tội ác từng xảy ra, để ngăn chặn những tội ác như thế có thể xảy ra
thêm một lần nữa.
Ở Việt Nam, trào lưu Văn học vết thương cũng mới chỉ được giới thiệu
một cách sơ lược, chưa có một công trình nghiên cứu toàn vẹn nào về trào lưu
văn học này. Chính vì vậy, chúng tôi quyết định lựa chọn đề tài “Đặc trưng
văn học vết thương Trung Quốc qua Tùy tưởng lục của Ba Kim và dịch
thuật tác phẩm này tại Việt Nam” làm đề tài nghiên cứu nhằm đưa ra một
cái nhìn sơ bộ về trào lưu văn học vết thương Trung Quốc đặt trong sự quan
sát và khái quát về tình hình dịch thuật cũng như tiếp nhận Văn học vết
thương Trung Quốc ở Việt Nam. Chúng tôi cũng sẽ đi sâu nghiên cứu về
những biểu hiện của Văn học vết thương qua tác phẩm cụ thể là Tùy tưởng lục
cũng như việc tái cấu trúc tác phẩm này qua bản dịch tiếng Việt của tác phẩm.
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
Ở Trung Quốc, đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về trào lưu Văn
học vết thương.
Các công trình giới thiệu một cách bao quát nhất về trào lưu Văn học
vết thương có thể kể tới cuốn 新时期文学简史 (Giản sử văn học thời kỳ mới,
Trần Tư Hòa, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Quảng Tây, 2010) ở mục một,

5


chương một “Trở lại với tinh thần Ngũ Tứ” tác giả đã giới thiệu về bối cảnh
lịch sử, các đặc trưng và các tác giả tiêu biểu của trào lưu Văn học vết thương.
Trào lưu Văn học vết thương được hiểu như trào lưu mở đầu cho văn học thời
kỳ mới, được ra đời sau chính sách cởi trói cho văn nghệ của chính phủ Trung
Quốc. Trào lưu được định danh qua tên tác phẩm Vết thương của Lư Tân Hoa.

Chỉ là một phần trong chương đầu tiên của cuốn sách, tuy nhiên đã khái quát
cho người đọc cái nhìn bao quát, đầy đủ về trào lưu văn học này.
Tiếp tới, công trình được coi là đầy đủ nhất về nghiên cứu Văn học vết
thương là luận án 作为文艺思潮的伤痕文学(1976 - 1984 年)(“Văn học
vết thương” với tư cách là một trào lưu văn học (năm 1976 - 1984)) của tác
giả Vương Quỳnh, bảo vệ tại Đại học Sư phạm Hoa Đông, Trung Quốc năm
2009. Trong công trình này, tác giả đã mô tả rất chi tiết bối cảnh lịch sử, quá
trình hình thành, đặc trưng nội dung, ý nghĩa cũng như những hạn chế của
trào lưu Văn học vết thương. Luận án được cấu trúc gồm bốn chương, đã nêu
lên mối quan hệ của “phong trào giải phóng tư tưởng” của Văn học vết
thương và “phong trào thơ ca Thiên An Môn”, xem xét Văn học vết thương
với tư cách một hình thái ý thức của lịch sử trần thuật mang tính hiện đại, xuất
hiện mối quan hệ phức tạp giữa văn học và chính trị. Đồng thời thông qua lịch
sử ngữ cảnh mà tái hiện quá trình hình thành khái niệm Văn học vết thương,
thông qua một số tác phẩm kinh điển để nghiên cứu trào lưu này. Luận án so
sánh trào lưu Văn học vết thương với các trào lưu khác để từ đó nhìn nhận
tiến trình của văn học Trung Quốc hiện đại. Từ đó đi tới kết luận quá trình
hình thành, phát triển, suy thoái của trào lưu Văn học vết thương cũng chính
là quá trình chữa lành vết thương do “cách mạng văn hóa” để lại với văn học
và lịch sử tư tưởng Trung Quốc.
Bên cạnh đó cũng có những công trình nghiên cứu tiếp cận trào lưu
Văn học vết thương ở những khía cạnh khác nhau, như luận án “伤痕” 与
6


“反思”文学中的创伤叙事研究 (Nghiên cứu tự sự vết thương trong văn
học “vết thương” và văn học “phản tư”), tác giả Lý Mẫn, bảo vệ tại Đại học
Sư phạm Sơn Đông, năm 2007, đi theo hướng nghiên cứu là lý giải trào lưu
Văn học vết thương và phản tư từ góc độ hoàn cảnh lịch sử, yếu tố, loại hình
tự sự vết thương. Luận án gồm bốn chương, trong đó chương một trình bày

khởi nguồn và phát triển của tự sự vết thương, khảo cứu tự sự vết thương qua
lịch sử Văn học vết thương và Văn học phản tư. Ở chương hai tác giả nghiên
cứu các yếu tố của tự sự vết thương trên văn bản như nghiên cứu về thời gian,
nhân vật, cách sắp xếp tình tiết truyện. Trong chương ba, luận án chia tự sự
vết thương thành ba loại: loại chính trị, loại luân lý truyền kỳ và loại kinh
nghiệm cá nhân. Ở chương bốn nghiên cứu những góc khuất trong xã hội mà
tự sự vết thương hướng tới. Để từ đó đưa tới kết luận rằng tự sự vết thương
trong Văn học vết thương và Văn học phản tư chủ yếu là “vết thương chính
trị”.
Còn luận văn thạc sĩ 伤痕文学叙事模式分析 (Phân tích các mô thức
tự sự của Văn học vết thương) Vu Diễm Hoa, bảo vệ tại Đại học Cát Lâm,
năm 2009, thông qua việc phân tích các mô hình tự sự của trào lưu Văn học
vết thương nhằm giới thiệu hoàn cảnh lịch sử ra đời trào lưu này. Đồng thời
luận văn nghiên cứu mối quan hệ giữa các tác phẩm trong trào lưu Văn học
vết thương để từ đó thấy được vai trò của trào lưu này trong tiến trình phát
triển của văn học Trung Quốc.
Qua đó có thể thấy, Văn học vết thương đã nhận được nhiều sự quan
tâm của giới nghiên cứu Trung Quốc, trào lưu này được nghiên cứu, xem xét
từ nhiều góc độ khác nhau. Bên cạnh đó, trong các công trình như giáo trình
Giản sử văn học thời kỳ mới và luận án Nghiên cứu tự sự vết thương trong
văn học “vết thương” và văn học “phản tư” đều đề cập tới Ba Kim và Tùy
tưởng lục như những tác giả, tác phẩm tiêu biểu nhất của trào lưu Văn học vết
7


thương, là tiếng nói đầu tiên về sự tự sám hối của cá nhân trước vận mệnh của
dân tộc, đất nước.
Nhưng ở Việt Nam, đây dường như vẫn còn là mảnh đất khá mới mẻ.
Trong cuốn Tiểu thuyết Trung Quốc thời kỳ cải cách mở cửa, PGS.TS Lê Huy
Tiêu đã giới thiệu về mặt nội dung có thể chia các tiểu thuyết Văn học vết

thương thành bốn loại: “Vạch trần tội ác của “bọn bốn tên” và phơi bày nỗi
bất hạnh do mười năm động loạn gây nên” [30; tr. 69]; “Đồng tình thương xót
những cảnh ngộ của nhân dân và ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của họ”
[30; tr. 70]; “Thể hiện tinh thần đấu tranh bất khuất của nhân dân chống lại
“bè lũ bốn tên” và phe phản động” [30; tr. 70]; “Vừa viết về cảnh “động loạn
mười năm”, vừa nêu ra những vấn đề khiến mọi người phải suy ngẫm” [30; tr.
71]. Còn về mặt phương pháp sáng tác, theo tác giả, “tiểu thuyết dòng Văn
học vết thương đã khôi phục lại truyền thống hiện thực chủ nghĩa” [30; tr. 72].
Tuy nhiên, về mặt nghệ thuật của các tác phẩm thuộc trào lưu Văn học vết
thương “còn thô thiển, quá lộ liễu, cá biệt có những tác phẩm chỉ là những
triển lãm những hành vi tội ác mà thôi” [30; tr. 72].
Trong luận văn Đặc trưng mỹ học của bộ phận văn học “vết thương”
trong văn xuôi Việt Nam thời kỳ đổi mới, tác giả Lê Văn Hiệp, bảo vệ tại Đại
học Khoa học Xã hội và Nhân văn, năm 2012, tác giả đã dùng Văn học vết
thương Trung Quốc như một thế so sánh để nhằm làm rõ hơn bộ phận văn học
“vết thương” ở Việt Nam. Trong luận văn này, theo tác giả “tiêu chí quan
trọng và gần như duy nhất tạo nên Văn học Vết thương đó là sự phản ánh và
tố cáo những bi kịch của con người trong Cách mạng văn hóa. Vượt ra khỏi
tiêu chí này, chẳng hạn nếu như tác giả cố gắng lý giải nguyên nhân của
những bi kịch mà người ta phải chịu đựng trong Cách mạng văn hóa, thì
những tác phẩm ấy lại được xếp vào trào lưu Văn học Phản tư (suy nghĩ lại,

8


đặt lại vấn đề), trào lưu văn học tồn tại gần như song song với Văn học Vết
thương.” [13; tr. 30].
Có thể thấy rằng, Văn học vết thương Trung Quốc mới được tiếp cận
một cách khá sơ lược ở Việt Nam, đồng thời cách hiểu về trào lưu này cũng
chưa thực đầy đủ khi chỉ chú trọng và cho rằng đặc trưng duy nhất của Văn

học vết thương là vạch trần tội ác của “cách mạng văn hóa”. Trong luận văn
này, mục tiêu của chúng tôi là trình bày về hoàn cảnh ra đời, đặc trưng tiêu
biểu, giới nghiên cứu Trung Quốc đối với Văn học vết thương và ý nghĩa lịch
sử của trào lưu này. Để từ đó có cái nhìn đối sánh với những nghiên cứu, cách
hiểu về trào lưu Văn học Trung Quốc này tại Việt Nam có những sai khác,
khuyết thiếu gì.
Ở Việt Nam, Ba Kim được biết đến hầu hết qua một số bài báo nhỏ,
hoặc những bài giới thiệu ngắn về ông trên các tác phẩm đã được dịch của Ba
Kim. Trong đó Ba Kim được giới thiệu với tư cách một nhà văn lớn, bậc thầy
của văn học Trung Quốc hiện đại, khái lược cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng
chính trong các sáng tác của Ba Kim. Các tác phẩm của Ba Kim đã được dịch
ở Việt Nam có: Gia đình, Mùa xuân, Trời lạnh về khuya và Tùy tưởng lục.
Trong đó tác phẩm Tùy tưởng lục được dịch giả Trương Chính, Ông
Văn Tùng giới thiệu ở Việt Nam năm 1998. Trong nguyên tác Tùy tưởng lục
gồm năm tập, tập đầu xuất bản năm 1978, tập cuối xuất bản năm 1986. Tập
đầu không có tên gọi riêng mà gọi là Tùy tưởng lục tập một, tập hai đề là Tìm
tòi, tập ba đề là Lời nói thật, tập bốn là Nằm bệnh, tập cuối cùng là Vô đề.
Trong đó, dịch giả Trương Chính, Ông Văn Tùng chọn hai bài ở tập Tùy
Tưởng lục tập một, hai mươi sáu bài ở tập Tìm tòi, mười lăm bài ở tập Lời nói
thật, mười một bài ở tập Nằm bệnh, năm bài trong tập Vô đề để dịch thành
một tập Tùy tưởng lục bằng tiếng Việt.

9


Tùy tưởng lục được xem là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất
của Văn học vết thương, chính vì thế chúng tôi chọn tác phẩm này để phân
tích, làm rõ những đặc trưng của trào lưu Văn học vết thương trong đó. Đồng
thời, bản dịch tiếng Việt của Tùy tưởng lục đã được cấu trúc lại, chúng tôi sẽ
khảo sát cấu trúc bản tiếng Trung, cấu trúc bản dịch, để từ đó xem xét trên cả

phương diện mục đích cũng như nội dung, ý nghĩa của tác phẩm có còn giữ
nguyên qua quá trình chuyển ngữ và tái cấu trúc hay không.
3. Mục đích, đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Mục đích nghiên cứu
Từ thực trạng nghiên cứu vấn đề đã trình bày ở trên, mục tiêu chúng tôi
đặt ra cho luận văn của mình cụ thể là:
Khái quát tình hình nghiên cứu Văn học vết thương ở Trung Quốc và
Việt Nam, xác định định nghĩa, những biểu hiện cụ thể của Văn học vết
thương ý nghĩa lịch sử của trào lưu này, một số tác giả, tác phẩm tiêu biểu của
trào lưu Văn học vết thương đã được dịch ở Việt Nam. Đồng thời chỉ ra được
những sự khác biệt trong cách hiểu về Văn học vết thương trong giới nghiên
cứu ở Trung Quốc và ở Việt Nam.
Những biểu hiện cụ thể của trào lưu Văn học vết thương qua tác phẩm
Tùy tưởng lục của Ba Kim. Trong quá trình dịch thuật hai dịch giả đã tái cấu
trúc lại tác phẩm, vậy sự tái cấu trúc văn bản liệu có thể đảm bảo được tinh
thần “vết thương” trong tác phẩm hay không?
3.2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Trên cơ sở của việc xác định đề tài, phân tích lịch sử nghiên cứu và
nhiệm vụ nghiên cứu, đối tượng chính mà luận văn sẽ tiến hành khảo sát là
chỉ ra những đặc trưng của Văn học vết thương trong cuốn Tùy tưởng lục của
nhà văn Ba Kim, bên cạnh đó khảo sát tình hình dịch thuật ở Việt Nam, đặt
10


trọng tâm vào quan sát sự tái cấu trúc về hình thức tác phẩm trong bản dịch
tiếng Việt.
Phạm vi nghiên cứu là tác phẩm Tùy tưởng lục do Trương Chính - Ông
Văn Tùng dịch nhà xuất bản Văn hóa thông tin ấn hành năm 1998, trên cơ sở
so sánh, đối chiếu với nguyên bản tiếng Trung 随想录(作家出版社,2009).
Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ khảo sát các tác phẩm tiêu biểu của trào lưu Văn

học vết thương đã được dịch ở Việt Nam, cũng như các tác phẩm khác của
nhà văn Ba Kim để so sánh, đối chiếu, nhằm làm nổi bật vấn đề cần nghiên
cứu.
4. Phương pháp nghiên cứu
Trong khuôn khổ luận văn, chúng tôi sẽ ứng dụng lý thuyết về dịch
thuật, sử dụng một số phương pháp nghiên cứu như phương pháp hệ thống,
phương pháp so sánh, phương pháp văn học sử.
Ngoài ra chúng tôi cũng sử dụng các thao tác bổ trợ như thao tác thống
kê, phân tích, tổng hợp…
5. Cấu trúc luận văn
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo và Phụ lục, luận văn
của chúng tôi sẽ được triển khai theo ba chương như sau:
Chương 1: Văn học vết thương - các nghiên cứu ở Trung Quốc và tiếp
nhận ở Việt Nam
Chương 2: Đặc trưng Văn học vết thương trong Tùy tưởng lục của Ba
Kim
Chương 3: Dịch thuật tác phẩm Tùy tưởng lục ở Việt Nam

11


Chương 1:
VĂN HỌC VẾT THƯƠNG CÁC NGHIÊN CỨU Ở TRUNG QUỐC VÀ TIẾP NHẬN Ở VIỆT NAM
Trào lưu Văn học vết thương có giá trị như tiếng nói đầu tiên của văn
học Trung Quốc thời kỳ mới, mở ra một loạt các trào lưu sau đó. Ở chương
này, chúng tôi giới thiệu về hoàn cảnh ra đời, ba đặc trưng tiêu biểu nhất của
Văn học vết thương nhằm khu biệt trào lưu này với các trào lưu khác cùng
thời kỳ, một số hướng nghiên cứu về Văn học vết thương ở Trung Quốc cũng
như những giá trị lịch sử của Văn học vết thương trong tiến trình văn học của
Trung Quốc. Đồng thời, ở chương 1, chúng tôi cũng trình bày về hiện trạng

nghiên cứu Văn học vết thương Trung Quốc tại Việt Nam. So sánh và làm rõ
cách hiểu về Văn học vết thương ở Trung Quốc và Việt Nam có gì giống và
khác nhau.
1.1. Trào lưu sáng tác Văn học vết thương tại Trung Quốc
Đại hội Trung ương Trung Quốc lần thứ 11, sau khi “cách mạng văn
hóa” kết thúc đã mở ra một thời kỳ mới cho văn học nghệ thuật Trung Quốc.
Cùng với sự thay đổi của cục diện chính trị, phiên họp lần 3 của Đại hội toàn
quốc Trung ương Trung Quốc lần thứ 11 đã khẳng định việc cởi trói cho tư
tưởng, phủ định “cách mạng văn hóa”, phủ định đấu tranh giai cấp, công tác
trọng điểm của toàn Đảng là thực hiện xây dựng kinh tế hiện đại hóa. Những
chuyển biến lịch sử này đã thực sự cởi trói cho sáng tác văn học, xóa bỏ
những “khu vực cấm” trong sáng tác. Tháng 10 năm 1979, Đại hội văn học
toàn quốc lần 4 được khai mạc, Đặng Tiểu Bình thay mặt Đảng cộng sản
Trung Quốc phát biểu, đã chỉ rõ, “Sự lãnh đạo của Đảng đối với văn nghệ
không phải là chỉ huy ra lệnh, không phải yêu cầu văn học nghệ thuật phải kịp
thời, cụ thể, trực tiếp trực thuộc các nhiệm vụ chính trị, mà là phải căn cứ vào
12


đặc trưng và quy luật của văn học nghệ thuật, giúp đỡ những người làm công
tác văn học nghệ thuật có điều kiện để cống hiến hơn nữa cho sự nghiệp văn
học nghệ thuật.”1 [41; tr. 2]. Chính những phát biểu ấy của Đặng Tiểu Bình
cùng những đường lối cải cách mở cửa đã giúp “cởi trói” văn nghệ, để nhà
văn, nhà thơ… được quyền nói lên nỗi lòng của mình.
Sau không khí ngột ngạt, bị kìm tỏa mọi mặt của “cách mạng văn hóa”,
khi mà người viết chỉ được viết trong một khuôn khổ rất hẹp theo đường lối,
sự chỉ đạo của cấp trên, không được phép viết ra ngoài những đường biên ấy,
thì sự “cởi trói” trong văn nghệ này đã giúp các nhà văn Trung Quốc dám nói
thẳng nói thật, nhìn nhận lại những vấn đề tồn đọng, những góc khuất tối tăm
và cả những đau thương trong quá khứ.

Năm 1978, sự xuất hiện của trào lưu Văn học vết thương chính là sự
cởi trói mạnh mẽ nhất của giới văn nghệ sĩ đối với các vấn đề thời sự lúc bấy
giờ. Lúc này, nhà văn Trung Quốc được quyền nhìn thẳng vào mười năm
“cách mạng văn hóa”, được khai thác những đề tài trước đây không được
phép, và trào lưu này nhanh chóng trở thành tâm điểm cho văn học Trung
Quốc đương đại.
Trong cuốn Giản sử văn học thời kỳ mới, Trần Tư Hòa đã viết, “Tháng
10 năm 1976, với việc bắt giam ‘bè lũ bốn tên’ đã kết thúc cuộc ‘cách mạng
văn hóa’ trước đây chưa từng xảy ra, truyền thống Văn học Ngũ Tứ bị tàn phá
suốt thời gian dài bắt đầu được khôi phục. Trong thời gian nửa năm sau đó,
giới văn nghệ vẫn còn chưa phổ biến, tự giác từ bỏ phương thức tư duy và
phương thức biểu hiện của thời kỳ ‘cách mạng văn hóa’. Dấu vết khôi phục
truyền thống Văn học Ngũ Tứ sớm nhất chính là bộ ba tác phẩm: Kịch bản
Bình minh của Bạch Hoa, lấy đề tài về lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc,
lấy bi kịch lịch sử để mượn xưa nói nay, đầu tiên là biểu lộ mối hận dồn nén
1

Nội dung này do người viết dịch.
13


trong lòng mọi người suốt mấy chục năm nay đối với đường lối ‘tả’ trong nội
bộ Đảng; truyện ngắn Chủ nhiệm lớp của Lưu Tâm Vũ lấy sự thiếu hiểu biết
của học sinh trung học làm tiếng chuông cảnh tỉnh, viết ra sự nguy hại của
mười năm thịnh hành trào lưu chính trị phản trí thức phản văn hóa; báo cáo
văn học Giả thuyết Goldbach, thể hiện sự bất bình đối với những việc mà
người trí thức gặp phải trong ‘cách mạng văn hóa’, thẳng thắn bày tỏ sự kính
trọng và ca ngợi với tầng lớp trí thức. ‘Ba cánh én mang theo gió xuân’ này
báo hiệu con đường mới mà văn học Trung Quốc đương đại sẽ đi tới, đồng
thời, thể hiện xu hướng thay đổi nhanh chóng của giới chính trị và giới tư

tưởng.”1 [41; tr. 15, 16].
Như vậy, văn học thời kỳ mới của Trung Quốc đã bắt đầu manh nha từ
năm 1976, nhưng phải tới tận năm 1978 ta mới có thể nhận thấy sự chuyển
mình mạnh mẽ của cả văn học và tư tưởng. Tiêu biểu phải kể tới tác phẩm Vết
thương của Lư Tân Hoa đăng trên Văn hối báo Thượng Hải ngày 11 tháng 8
năm 1978 đã gây tiếng vang lớn trong dư luận xã hội. Ngày mùng 2 tháng 9,
Văn nghệ báo Bắc Kinh tổ chức tọa đàm về Chủ nhiệm lớp và Vết thương.
Trong cuốn giáo trình Giản sử văn học thời kỳ mới, tác giả Trần Tư
Hòa cũng chỉ ra: Văn học vết thương đã biểu đạt lập trường phơi bày và phê
phán “cách mạng văn hóa”, điều này đã nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt
của quần chúng nhân dân, trở thành vũ khí đấu tranh với “cách mạng văn
hóa”. Chỉ trong ngắn ngủi vài năm nhưng Văn học vết thương đã đạt được
nhiều thành tựu to lớn, nhờ tiếp thu tinh thần Văn học Ngũ Tứ đã có sức
mạnh rất lớn trên phương diện phê phán hiện thực.
Văn học vết thương được định danh từ tên truyện ngắn Vết thương của
Lư Tân Hoa, đại diện cho thái độ của thanh niên trí thức với lịch sử và hiện
thực cuộc sống. Những người thanh niên trí thức này chính là những học sinh,
1

Nội dung này do người viết dịch.
14


sinh viên… đã bị đưa về nông thôn cải tạo lao động trong “cách mạng văn
hóa”. Những áp chế về mặt tinh thần, tư tưởng đã để lại những “vết thương”
vĩnh viễn không thể liền sẹo trong trái tim họ.
Chủ đề của các tác phẩm chủ yếu tập trung phê phán, vạch trần những
tội ác của “cách mạng văn hóa” tới tinh thần con người, những vết thương
không bao giờ chữa lành. Các tác phẩm này dám phá bỏ những nguyên tắc
sáng tác trong thời kỳ “cách mạng văn hóa”, dám bày tỏ những bi kịch đau

thương trong thời kỳ “văn cách”, chính điều đó đã tạo lên tiếng vang rất lớn
trong quần chúng nhân dân. Tinh thần dũng cảm dám trực tiếp đối mặt và phê
bình hiện thực cuộc sống này đã mở đầu cho hàng loạt các trào lưu, sáng tác
dám phơi bày những mặt tối trong xã hội sau này. Các nhà văn hy vọng việc
phơi bày căn nguyên tội ác của “cách mạng văn hóa” sẽ giúp thúc đẩy xã hội
cải cách, tiến bộ hơn.
Tinh thần phê phán chính trị của tầng lớp thanh niên trí thức của Văn
học vết thương là sự trở về với truyền thống của Văn học Ngũ Tứ. Ý nghĩa
của sự trở về với truyền thống này chính là ở việc đã luôn dũng cảm đấu tranh,
cấp thiết phê phán những ung nhọt, những mặt tối trong xã hội. Như Lỗ Tấn
từng nói: “Phải chân thành, sâu sắc, mạnh dạn nhìn nhận và viết ra máu thịt
của nhân dân.”1 [41; tr. 19]. Sau “cách mạng văn hóa”, tầng lớp trí thức chính
là người đại diện phát ngôn của nhân dân, các nhà văn từ những tầng lớp lão
thành đến những người trẻ tuổi nhất đều nhiệt tình, dũng cảm đối diện với
hiện thực xã hội, tạo thành lực lượng phê phán là những người trí thức, như
các nhà văn Băng Tâm, Tiêu Kiền, Vương Tây Ngạn, Kha Linh… Họ chính
là những người đầu tiên phản tỉnh, phủ định lại những mặt xấu xa, tăm tối
trong xã hội. Có thể nói, thời kỳ văn học mới của Trung Quốc được mở đầu

1

Nội dung này do người viết dịch.
15


bằng trào lưu Văn học vết thương, đây chính là việc ngọn cờ đấu tranh với
tinh thần thanh niên Ngũ Tứ một lần nữa được giương cao.
Sự trở về với tinh thần Ngũ Tứ thể hiện đầu tiên ở sự tự giác trở về với
tinh thần Ngũ Tứ của các nhà văn. Tiêu biểu trong số đó không thể không kể
tới Ba Kim với tác phẩm Tùy tưởng lục. Mất tám năm để hoàn thành bộ sách

này, dùng những kinh nghiệm cá nhân để phản tỉnh “cách mạng văn hóa”
đồng thời đau lòng kêu gọi sự trở về với truyền thống tinh thần Ngũ Tứ.
Bên cạnh đó, giai đoạn này xuất hiện nhóm “những nhà thơ trở về” như
Hồ Phong, Ngưu Hán, Tân Địch, Trần Kính Dung, Ngải Thanh, Công Lưu,
Lưu Sa Hà… Họ tự giác tiếp nối tinh thần Ngũ Tứ, một mặt tiếp tục giữ
nguyên phong cách sáng tác, mặt khác lại dùng phương thức biểu lộ hoặc
nhiệt tình hoặc lạnh lùng phê phán thực tế xã hội suốt mấy chục năm qua, thể
hiện cao độ tinh thần dân tộc.
Những năm 70 ở Trung Quốc nổi lên phái Thơ mông lung với các cây
bút tiêu biểu như: Cố Thành, Thư Đình, Giang Hà, Dương Luyện, Mang Khắc,
Đa Đa, Nghiêm Lực, Lương Tiểu Bân. Thơ mông lung chịu ảnh hưởng của
văn nghệ phương Tây, sử dụng thủ pháp ẩn dụ, tượng trưng. Trong bối cảnh
thời đại sau “cách mạng văn hóa”, có thể thấy trên bình diện phê phán hiện
thực, Thơ mông lung đã gắn kết vận mệnh cá nhân với vận mệnh dân tộc, hơn
nữa còn thể hiện rõ ý thức cá nhân và tìm kiếm tinh thần tự chủ.
Giáo sư Trần Tư Hòa kết luận: “Quá trình phát triển của văn học thời
kỳ mới không hề được thuận buồm xuôi gió. Khi tinh thần Ngũ Tứ được khôi
phục, trong các sáng tác văn học dần dần nảy sinh tinh thần đấu tranh hiện
thực mang tính phê phán và ý thức tinh anh của tầng lớp trí thức, văn học
không thể tránh khỏi việc cọ xát với hiện thực cuộc sống. Từ năm 1979 đến
năm 1981, Văn học vết thương và các tác phẩm phản ánh những mặt tối của
xã hội tiếp tục thu hút được sự tranh luận rộng rãi trên phương diện xã hội và

16


tư tưởng văn hóa, thái độ phê phán hiện thực một cách tự phát cũng bắt đầu
dần dần giảm xuống, Văn học vết thương theo đó cũng bị các trào lưu văn học
khác thay thế.”1 [41; tr. 22]. Như vậy, có thể thấy, Văn học vết thương với sứ
mệnh mở đầu của mình, nó đã hoàn thành xuất sắc vai trò lịch sử, là những

tiếng nói đầu tiên của người trí thức sau mười năm “cách mạng văn hóa”, mở
ra một thời kỳ tự do văn nghệ, tự do tư tưởng, tình cảm.
Nói tới bất kỳ một trào lưu văn học nào không thể không nhắc tới các
tác phẩm tiêu biểu. Bởi lẽ, chính những phát biểu, hình tượng, tư tưởng trong
các tác phẩm là mấu chốt để tạo nên tiếng vang, hình thành một trào lưu văn
học nào đó. Về trào lưu Văn học vết thương, có thể coi truyện ngắn Chủ
nhiệm lớp của nhà văn người Tứ Xuyên - Lưu Tâm Vũ - đăng trên tờ Văn học
nhân dân số 11 năm 1977 là tác phẩm đầu tiên của dòng Văn học vết
thương. Chủ nhiệm lớp vén lên bức màn hồi cố lịch sử “vết thương”. Nhân
vật được chú ý trong tác phẩm không phải là nhân vật chính Trương Tuấn
Thạch mà là lớp trưởng Tạ Huệ Mẫn, người được Lưu Tâm Vũ xây dựng như
một hình tượng nhân vật điển hình bị tổn thương về mặt tinh thần. Sự xuất
hiện của nhân vật này thể hiện rõ thái độ sáng tạo của nhà văn trước hiện thực
đời sống và phản ánh hiện thực.
Cho đến khi khổ nạn của phong trào “cách mạng văn hóa” được phản
ánh thành một trào lưu trong văn học thì tác phẩm được coi là định danh cho
trào lưu Văn học vết thương là truyện ngắn Vết thương của Lư Tân Hoa đăng
trên Văn hối báo ngày 11 tháng 8 năm 1978.
Mười năm “cách mạng văn hóa” giới văn nghệ sĩ Trung Quốc gần như
không có những sáng tác mang tính sáng tạo, các bài viết đều cùng chung một
mô thức về “công, nông, binh”, anh hùng cách mạng. Chính vì thế, sau khi
được cởi trói, những nhà văn, nhà thơ Trung Quốc say mê khai thác các đề tài
1

Nội dung này do người viết dịch.
17


mới mẻ mà trước đây không được viết. Bởi lẽ đó, vấn đề nội dung, tư tưởng
luôn được đặt lên hàng đầu, những cách tân nghệ thuật không quá được chú

trọng. Cho nên, các tác phẩm thuộc trào lưu này không tránh khỏi những hạn
chế còn non yếu về mặt thủ pháp sáng tác. Nhưng trên hết, nhìn nhận một
cách khách quan, giá trị lớn nhất của Văn học vết thương nằm ở nội dung mà
nó phản ánh. Đó là những tiếng nói đau thương của một thế hệ người đi ra từ
cuộc “cách mạng văn hóa” tàn khốc. Những tiếng nói của người trong cuộc ấy
giúp khắc họa một cách rõ nét nhất những tội ác của “bè lũ bốn tên”, những bi
kịch mà nhân dân Trung Quốc, đặc biệt là giới trí thức phải chịu đựng suốt
một thập kỷ. Chính bởi lẽ đó, Văn học vết thương nhận được sự hưởng ứng
nồng nhiệt của quần chúng nhân dân, trở thành vũ khí đấu tranh với “cách
mạng văn hóa”. Chỉ trong ngắn ngủi vài năm nhưng Văn học vết thương đã
đạt được nhiều thành tựu to lớn, nhờ tiếp thu tinh thần Văn học Ngũ Tứ đã có
sức mạnh rất lớn trên phương diện phê phán hiện thực.
Nhắc tới một trào lưu văn học, ta không thể không đề cập tới các đặc
trưng, tiêu chí để nhận diện, khu biệt trào lưu đó với các trào lưu cùng thời kỳ.
Qua quá trình khảo sát, chúng tôi nhận thấy, trào lưu Văn học vết thương gồm
ba đặc trưng tiêu biểu nhất:
Đặc điểm đầu tiên và nổi bật nhất của Văn học vết thương chính là tập
trung phê phán, vạch trần những tội ác của “cách mạng văn hóa” tới tinh thần
con người, những vết thương không bao giờ chữa lành. Các tác phẩm này
dám phá bỏ những nguyên tắc sáng tác trong thời kỳ “cách mạng văn hóa”,
dám bày tỏ những bi kịch đau thương trong thời kỳ “cách mạng văn hóa”,
chính điều đó đã tạo lên tiếng vang rất lớn trong quần chúng nhân dân. Tinh
thần dũng cảm dám trực tiếp đối mặt và phê bình hiện thực cuộc sống này đã
mở đầu cho hàng loạt các trào lưu, sáng tác sau này như Văn học phản tư,

18


Văn học tầm căn... Các nhà văn hy vọng việc phơi bày căn nguyên tội ác của
“cách mạng văng hóa” sẽ giúp thúc đẩy xã hội cải cách, tiến bộ hơn.

Đặc điểm thứ hai của Văn học vết thương chính là sự trở về với truyền
thống của Văn học Ngũ Tứ. Ý nghĩa của sự trở về với truyền thống này chính
là ở việc đã luôn dũng cảm đấu tranh, cấp thiết phê phán những ung nhọt,
những mặt tối trong xã hội. Như Lỗ Tấn từng nói: “Phải chân thành, sâu sắc,
mạnh dạn nhìn nhận và viết ra máu thịt của nhân dân.”1 [41; tr. 19]. Sau “cách
mạng văn hóa”, tầng lớp trí thức chính là người đại diện phát ngôn của nhân
dân, các nhà văn từ những tầng lớp lão thành đến những người trẻ tuổi nhất
đều nhiệt tình, dũng cảm đối diện với hiện thực xã hội, tạo thành lực lượng
phê phán là những người trí thức. Họ chính là những người đầu tiên phản tỉnh,
phủ định lại những mặt xấu xa, tăm tối trong xã hội. Có thể nói, thời kỳ văn
học mới của Trung Quốc được mở đầu bằng trào lưu Văn học vết thương, đây
chính là việc ngọn cờ đấu tranh với tinh thần thanh niên Ngũ Tứ một lần nữa
được giương cao.
Đặc điểm thứ ba của Văn học vết thương chính là sự tự thức tỉnh, sám
hối của người trí thức đã bị đày đọa suốt mười năm “cách mạng văn hóa”.
Không chỉ là tố cáo tội ác của “bè lũ bốn tên”, mà người trí thức còn nhận
thấy một phần trách nhiệm không nhỏ của mình ở trong đó. Bởi lẽ, chính vì
chịu cúi đầu nhận tội, tự làm nô lệ tinh thần nên “bè lũ bốn tên” mới có thể
lộng hành như thế. Tinh thần phản tỉnh, tự sám hối này thể hiện rõ nhất trong
Tùy tưởng lục của Ba Kim mà chúng tôi sẽ đi sâu phân tích ở chương sau.
Trên đây là ba đặc điểm chính của trào lưu Văn học vết thương, chính
những đặc điểm này giúp chúng ta nhận diện các tác phẩm thuộc trào lưu Văn
học vết thương đồng thời như một đường biên nhằm phân biệt với rất nhiều
trào lưu nở rộ thời kỳ “cởi trói” cho văn học này của Trung Quốc.
1

Nội dung này do người viết dịch.
19



Là tiếng nói đầu tiên của vừa mới thoát khỏi mô thức sáng tác cứng
nhắc của “cách mạng văn hóa” nên Văn học vết thương không thể tránh khỏi
một số tồn tại, hạn chế nhất định, như:
Văn học vết thương không phủ định triệt để “cách mạng văn hóa”, chỉ
đi từ góc độ chính trị, xã hội, mối quan hệ giữa người với người để khảo sát
nguyên nhân gây tổn thương cho tinh thần con người mà thiếu sự phân tích
tâm lý văn hóa truyền thống và hệ ý thức phong kiến.
Bởi mải mê theo đuổi những đề tài mới mẻ, mang tính thời sự, nên
nghệ thuật biểu hiện của Văn học vết thương tương đối non kém. Ngoài ra, do
tác giả dòng Văn học vết thương nhấn mạnh hiện thực nên tình cảm của nhà
văn thường bị kìm nén, quan điểm dao bị động nên nội dung tác phẩm thường
nông cạn, hời hợt.
Các tác phẩm Văn học vết thương tuy xuất hiện nhiều bi kịch nhưng
tinh thần bi kịch đó chủ biểu hiện yếu ớt ở bề ngoài. Tác phẩm chú ý miêu tả
câu chuyện bi thảm mà coi nhẹ việc khắc họa nhân cách. Như vậy, nhân vật
chính trong các tác phẩm Văn học vết thương chỉ đơn thuần là kẻ bị hại mà
không phải là nhân vật thể hiện cái đẹp.
Dù có một vài hạn chế nhất định, nhưng không ai có thể phủ nhận giá
trị lịch sử cũng như những đóng góp to lớn của Văn học vết thương đối với
văn học đương đại Trung Quốc. Trải qua gần bốn mươi năm nhìn lại, văn học
giai đoạn từ giữa những năm 70 đến đầu những năm 80 đã bị các trào lưu văn
học khác vượt qua khiến cho nhiều người đã quên mất nó, trong vòng văn hóa
đại lục, Văn học vết thương đã sớm trở thành một vấn đề cũ. Có điều, việc
một vấn đề cũ không nhằm chỉ một tác phẩm này vô giá trị hoặc ý nghĩa, mà
là nói các tác phẩm văn học này phải đặt trong bối cảnh văn học đặc trưng xã
hội thì mới có ý nghĩa.

20



Văn học vết thương mở đầu cho văn học sau “cách mạng văn hóa”,
đồng thời chất liệu được sử dụng của trào lưu này cũng được lấy từ mười năm
động loạn, đặc điểm tự sự là kể về vết thương cả thể xác lẫn tâm hồn của cá
nhân cũng như quần chúng nhân dân do mười năm động loạn gây nên.
Nguyên tắc của thủ pháp sáng tác là kể lại một cách chân thực hiện trạng và
những bạo lực của xã hội ấy. Có thể nói, Văn học vết thương giống như Văn
học Ngũ Tứ, đã tạo sự chuyển biến mới đối với văn học Trung Quốc.
Vào những năm 20 của thế kỷ XX, nhân đạo chủ nghĩa là đề tài phổ
biến và nhạy cảm ở Trung Quốc. Văn học Ngũ Tứ không chỉ phổ biến rộng
rãi chủ nghĩa nhân đạo thức tỉnh con người mà còn hình thành nên ý thức chủ
thể mạnh mẽ và đặc tính rõ ràng trong sáng tác văn học mới. Sự phát triển của
văn học mới sau đó dù gặp rất nhiều trắc trở, nhưng chủ nghĩa nhân đạo vẫn
là chủ đề, nội dung tư tưởng mà nhiều tác giả, tác phẩm lớn hướng tới. “Cách
mạng văn hóa” đã mang tới vô số tai họa cho nhân dân Trung Quốc, ở thời
điểm ấy, con người không còn được là con người, mà bị biến thành công cụ
đấu tranh giai cấp; một bộ phận bị ép thành “kẻ thù giai cấp” mà bị tước mất
tư cách làm người; một bộ phận khác lấy “danh nghĩa làm cách mạng” mà
nảy sinh thú tính tàn sát đồng loại, mất đi sự tôn nghiêm và tự trọng của bản
thân. Sau khi “cách mạng văn hóa” kết thúc, mọi người nhớ về mười năm
động loạn ấy, phản tư lại lịch sử, thì điểm quan trọng và nổi bật nhất chính là
những phát hiện và nhận thức mới về “con người”, vấn đề bức thiết là cần
phục hồi tôn nghiêm và đề cao giá trị con người. Vì vậy, các sáng tác văn học
nghệ thuật sau thời kỳ “cách mạng văn hóa”, ngay từ đầu đã tự giác gánh lấy
trách nhiệm này. Trong Đại hội Văn học Toàn quốc lần 4 năm 1979, các nhà
văn đã nêu cao khẩu hiệu “con người là mục đích, con người là trung tâm”,
trên bình diện nhân đạo chủ nghĩa đó là sự khẳng định tác dụng vạch trần, tố

21



cáo một giai đoạn lịch sử tàn nhẫn là “cách mạng văn hóa”, đồng thời là lời
kêu gọi, là sự kỳ vọng đối với văn học những năm 80.
Đối tượng biểu hiện của Văn học vết thương được mở rộng, các nhà
văn bắt đầu chú ý đến người dân lao động tầng lớp dưới, từ đó thoát khỏi quy
định giáo điều của văn học thập niên 70 và “cách mạng văn hóa” thế kỷ trước
chỉ được viết về “công, nông, binh” hay nhân vật anh hùng dân tộc. Nhân vật
của dòng Văn học vết thương khá đa dạng, có cả những phần tử tri thức,
những người phụ nữ nông dân...
Các tác phẩm văn học là một bằng chứng sống cho một giai đoạn xã
hội, một thời kỳ lịch sử, cho nên Văn học vết thương đã ghi lại một cách chân
thực máu và nước mắt của một thời đại. Trào lưu này đã đánh một dấu mốc
quan trọng trong lịch sử văn học đương đại Trung Quốc, có thể ví như những
tiếng nói đầu tiên, mở ra một loạt các trào lưu văn học tiếp sau đó.
Văn học vết thương là phong trào đầu tiên, mở ra một thời kỳ văn học
vô cùng sôi nổi của Trung Quốc, vậy nên trào lưu Văn học vết thương là đề
tài nghiên cứu của nhiều công trình, bài báo khoa học. Từ năm 1977 đến 2009
có khoảng hơn 100 công trình nghiên cứu lý luận và sáng tác về Văn học vết
thương hoặc “vết thương” ở Trung Quốc.
Những năm 1980, Văn học vết thương nhận được sự chú ý và quan tâm
rộng rãi, nhiều cuộc thảo luận sôi nổi đã diễn ra. Văn học vết thương trở thành
một đề tài văn hóa chính trị quan trọng, thu hút nhiều độc giả, nhà văn đi sâu
nghiên cứu. Có người gọi là Văn học vạch trần, Văn học thương cảm, Văn
học chủ nghĩa hiện thực phê phán, cũng có người gọi là: “lời mở đầu của Văn
học thời kỳ mới”… Nghiên cứu về Văn học vết thương cơ bản là thảo luận
các tác phẩm vết thương. Kỳ 2 năm 1979, Báo văn nghệ của Trung Quốc
đăng bài Là văn học vạch trần sao? đã dẫn đến sự thảo luận về vấn đề ca ngợi
công lao và vạch trần trong văn học đương đại Trung Quốc. Sau đó tại hội

22



nghị của báo Văn nghệ ở Bắc Kinh đã thảo luận hai tác phẩm: Chủ nhiệm lớp
và Vết thương. Cách gọi Văn học vết thương bắt đầu từ đây, cùng với việc xác
lập khái niệm Văn học vết thương và thảo luận ca tụng và vạch trần. Văn học
vết thương được nghiên cứu rất sôi nổi, mọi người tập trung thảo luận vào vấn
đề vết thương do “cách mạng văn hóa” gây nên. Đây là vết thương lớn đối với
một thế hệ thanh niên Trung Quốc trong “cách mạng văn hóa”. Vết thương và
ký ức là mệnh đề lịch sử của sự phản tư toàn diện, những người bị hại về tâm
hồn, tinh thần đã không ngừng thảo vấn, thể hiện thái độ tình cảm đối với
“cách mạng văn hóa” đặc biệt văn học theo đuổi phản ánh vết thương lịch sử,
làm sao để tái hiện lại những vết thương ấy. Quá trình này khó khăn nhất là ở
bản thân kinh nghiệm vết thương không dễ gì thể hiện và biểu đạt. Các nhà
văn trải qua “cách mạng văn hóa” chính là chứng nhân của sự kiện lịch sử này,
họ hiểu lịch sử của bản thân và lịch sử vết thương của mọi người, mặc dù họ
bị người khác cho rằng là một nhà nghệ thuật chính trị, nhưng họ dám bước
vào vùng cấm kỵ, dám dùng văn học để nói lại những gì đã xảy ra trong sự
kiện lịch sử ấy.
1977 - 1987 là thời kỳ nghiên cứu Văn học vết thương sôi nổi nhất,
nhiều học giả quan tâm nghiên cứu, các cuộc thảo luận diễn ra sôi nổi. Mặc
dù không ít công trình văn học sử của Trung Quốc khi nhắc tới Văn học vết
thương đều cho rằng tên của truyện ngắn Vết thương đã định danh cho trào
lưu Văn học vết thương, nhưng truy nguyên tới cùng thì từ “vết thương” hay
Văn học vết thương được giới học thuật dùng để khái quát một trào lưu văn
học sớm nhất là từ khi nào? Đã có nhiều học giả nghiên cứu về vấn đề này.
Có nhà nghiên cứu cho rằng Tài liệu văn học nghệ thuật thời kỳ đổi mới (1976
– 1985) của Khoa Văn học Đại học Phúc Đán đã ghi người sử dụng khái niệm
Văn học vết thương sớm nhất là Trần Kị Mẫn trong bài Tiểu luận văn học
“vết thương” trên báo Văn nghệ Thượng Hải số ra tháng 12 năm 1987. Trong

23



×