Tải bản đầy đủ (.pdf) (164 trang)

Tư tưởng chính trị xã hội của karl raimund popper những giá trị và hạn chế về mặt triết học

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.1 MB, 164 trang )

VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI

DƯƠNG THỊ PHƯỢNG

TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI CỦA KARL RAIMUND POPPER.
NHỮNG GIÁ TRỊ VÀ HẠN CHẾ VỀ MẶT TRIẾT HỌC

LUẬN ÁN TIẾN SĨ TRIẾT HỌC

HÀ NỘI - Năm 2019


VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI

DƯƠNG THỊ PHƯỢNG

TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI CỦA KARL RAIMUND POPPER.
NHỮNG GIÁ TRỊ VÀ HẠN CHẾ VỀ MẶT TRIẾT HỌC
Chuyên ngành : Triết học
Mã số

: 92.29.001

LUẬN ÁN TIẾN SĨ TRIẾT HỌC

NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC
PGS.TS. Nguyễn Tấn Hùng

HÀ NỘI - Năm 2019




MỤC LỤC
MỞ ĐẦU .................................................................................................................... 1
Chương 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU CÓ LIÊN QUAN ĐẾN
ĐỀ TÀI LUẬN ÁN .................................................................................................... 7
1.1. Những công trình nghiên cứu về bối cảnh lịch sử, tiền đề lý luận, cuộc đời và
sự nghiệp khoa học của Karl Popper. ..................................................................... 8
1.2. Những công trình nghiên cứu có liên quan đến tư tưởng triết học về chính trị
- xã hội của Karl Popper ....................................................................................... 13
1.3. Những công trình đánh giá về những giá trị và những hạn chế về mặt triết
học trong tư tưởng chính trị - xã hội của karl popper ........................................... 21
1.4. Nhận xét chung về các công trình nghiên cứu, đánh giá về Karl Popper ...... 24
Chương 2: BỐI CẢNH VÀ TIỀN ĐỀ HÌNH THÀNH TƯ TƯỞNG TRIẾT
HỌC VỀ CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI CỦA KARL POPPER ................................... 28
2.1. Bối cảnh kinh tế, chính trị và xã hội hình thành tư tưởng triết học về chính trị
- xã hội của Karl Popper ....................................................................................... 28
2.2. Những tiền đề khoa học tự nhiên cho sự hình thành tư tưởng triết học về
chính trị - xã hội của Karl Popper ......................................................................... 34
2.3. Những tiền đề triết học và lý luận xã hội cho sự hình thành tư tưởng triết học
về chính trị - xã hội của Karl Popper .................................................................... 41
2.4. Khái quát về cuộc đời và sự nghiệp khoa học của Karl Popper .................... 59
Chương 3: NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN TRONG TƯ TƯỞNG TRIẾT HỌC
VỀ CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI CỦA KARL POPPER ............................................. 65
3.1. Quan niệm của Karl Popper về chủ nghĩa tự do xã hội ................................. 66
3.2. Quan niệm triết học của Karl Popper về xã hội mở ...................................... 70
3.3. Sự phê phán của Karl Popper đối với chủ nghĩa lịch sử như là kẻ thù của xã
hội mở ................................................................................................................... 84
Chương 4: NHỮNG ĐÓNG GÓP VÀ HẠN CHẾ VỀ MẶT TRIẾT HỌC
TRONG TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI CỦA KARL POPPER ........... 105

4.1. Những đóng góp về mặt triết học trong tư tưởng chính trị - xã hội của Karl
Popper ................................................................................................................. 105
4.2. Một số hạn chế về mặt triết học trong tư tưởng chính trị - xã hội của Karl
Popper ................................................................................................................. 127
KẾT LUẬN ........................................................................................................ 14848
DANH MỤC CÔNG TRÌNH CÔNG BỐ CỦA TÁC GIẢ LUẬN ÁN........... 1522
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO ............................................................. 153


MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Bên cạnh triết học và chính trị học Mác - Lênin, việc nghiên cứu về triết học
và tư tưởng chính trị phương Tây hiện đại trong đó có triết học Karl Popper cũng
được những người làm công tác lý luận ở các nước xã hội chủ nghĩa trước đây quan
tâm. Tuy nhiên, trong thời kỳ trước đổi mới, việc nghiên cứu về các trào lưu này
được tiến hành chỉ với mục đích vạch ra những sai lầm về mặt lý luận của các trào
lưu này. Nhìn chung, trong thời kỳ trước đổi mới, chủ nghĩa xã hội mô hình Liên
Xô chưa bộc lộ rõ nét những yếu kém của nó, chưa rơi vào khủng hoảng nghiêm
trọng, do vậy khuynh hướng tán dương và bảo vệ chủ nghĩa xã hội mô hình này còn
giữ vai trò chủ đạo trong giới nghiên cứu lý luận, tất cả những ý kiến phản biện đều
bị coi là ‘xét lại’, ‘phản động’, ‘thù địch’. Trong bối cảnh lịch sử đó, việc nghiên
cứu về triết học phương Tây hiện đại thường thiếu thái độ khách quan, cầu thị, kết
quả nghiên cứu thường mang tính chủ quan, không phản ánh hết được những đóng
góp có giá trị của các trào lưu này.
Công cuộc đổi mới đất nước được Đảng Cộng sản Việt Nam chính thức khởi
xướng từ năm 1986 không bó hẹp trong lĩnh vực kinh tế mà là một cuộc đổi mới
toàn diện, cả trong lĩnh vực chính trị - tư tưởng. Để đổi mới công tác lý luận, trước
hết Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ ra một trong những khiếm khuyết, bất cập của nó
là từ trước đến nay chúng ta chỉ bó hẹp việc nghiên cứu trong phạm vi chủ nghĩa Mác Lênin và thiếu nghiên cứu về những thành tựu lý luận của các trào lưu tư tưởng khác.
Nghị quyết của Bộ Chính trị (khóa VII), ngày 28 tháng 3 năm 1992 đã chỉ ra nguyên

nhân của tình trạng này như sau: “Trong nhiều năm qua, nội dung đào tạo đội ngũ cán bộ
lý luận hầu như chỉ bó hẹp trong các bộ môn khoa học Mác - Lênin, chưa coi trọng việc
nghiên cứu các trào lưu khác và tiếp nhận những thành tựu khoa học của thế giới. Hậu
quả là số đông cán bộ lý luận thiếu hiểu biết rộng rãi về kho tàng tri thức của loài người,
do đó khả năng phát triển bị hạn chế” [17, tr. 20-21].
Hơn hai mươi năm sau, Bộ Chính trị (khóa XI) lại ban hành một Nghị quyết
mới để thúc đẩy hơn nữa phong trào này. Đó là “Nghị quyết của Bộ chính trị ngày 9

1


tháng 10 năm 2014 về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030”.
Nghị quyết đánh giá: “Nghiên cứu những trào lưu tư tưởng, học thuyết mới, lý thuyết
mới chưa được nhiều”. Từ đó, Nghị quyết đề ra phương hướng chỉ đạo: “Đối với
những trào lưu tư tưởng, học thuyết, lý thuyết mới, tiếp tục mở rộng và đi sâu nghiên
cứu trên quan điểm khách quan, biện chứng và tiếp thu những giá trị tiến bộ” [20].
Như vậy, việc nghiên cứu tư tưởng triết học của Karl Popper là phù hợp với
chủ trương đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nó sẽ có tác dụng hai mặt: một
là, góp phần phát triển chuyên ngành lịch sử triết học, nhất là triết học phương Tây
hiện đại; hai là, tiếp thu những giá trị tiến bộ trong các trào lưu triết học đó để phục
cho sự nghiệp xây dựng xã hội mới ở nước ta. Trong tư tưởng triết học về chính trị xã hội của Karl Popper, ngoài những khiếm khuyết có tính cực đoan, phiến diện của
nó, còn có một số giá trị triết học có tính khoa học và tiến bộ mà chúng ta có thể
tiếp thu được để phục vụ yêu cầu đổi mới về lý luận chủ nghĩa xã hội.
Sự khủng hoảng của chủ nghĩa xã hội và sự sụp đổ của Liên Xô và các nước
xã hội chủ nghĩa Đông Âu đặt ra câu hỏi về nguyên nhân đích thực của tình trạng
này. Liệu có những khiếm khuyết trong lý luận về chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa
cộng sản hay đây chỉ là những sai lầm về mặt thực tiễn? Mặt khác, các trào lưu tư
tưởng chống cộng, trong đó có triết học của Karl Popper tìm cách phủ nhận hoàn
toàn triết học Mác và chủ nghĩa cộng sản, đồng nhất triết học Mác với ‘chủ nghĩa
lịch sử’, coi xã hội cộng sản là xã hội ‘đóng’, đối lập với xã hội mở. Ngoài ra, trong

lĩnh vực nghiên cứu lý luận hiện nay cũng đang tồn tại một khuynh hướng sai lầm là
quá tán dương tư tưởng chính trị - xã hội của Karl Popper để phủ nhận hoàn toàn
chủ nghĩa Mác. Vì vậy, nghiên cứu tư tưởng triết học về chính trị - xã hội của Karl
Popper một mặt kế thừa một số điểm hợp lý để bổ sung, phát triển triết học Mác,
mặt khác chỉ ra những sai lầm cực đoan trong tư tưởng của Karl Popper để bảo vệ
những giá trị không thể chối bỏ được của triết học Mác và những thành tựu của
cách mạng Việt Nam.
Sự nghiệp đổi mới ở nước ta gắn liền với chuyển đổi mô hình của chủ nghĩa
xã hội từ kế hoạch hóa tập trung (cơ bản là ‘đóng’ ở nhiều mặt) sang mô hình chủ

2


nghĩa xã hội dựa trên cơ chế thị trường (biểu hiện cơ bản của xã hội mở về kinh tế,
văn hóa, giáo dục), với việc từng bước loại bỏ cơ chế xã hội bảo thủ, khép kín và
thực hiện chủ trương mở cửa, hội nhập với thế giới bên ngoài, không chỉ trong kinh
tế mà còn trong nhiều lĩnh vực khác nữa. Chúng tôi nhận thấy rằng việc nghiên cứu
tư tưởng triết học chính trị - xã hội của Karl Poppper, nhất là tư tưởng của ông về xã
hội mở” sẽ có những đóng góp nhất định cho yêu cầu này của nước ta hiện nay.
Việc nghiên cứu và giảng dạy lý luận nhất là lý luận triết học, chính trị -xã hội,
lịch sử ở các nước xã hội chủ nghĩa trước đây, trong đó có nước ta, thường được
tiến hành theo một mục đích và phương pháp giáo điều, bảo thủ, thiếu tinh thần
khoa học thực sự, tức là chỉ tìm cách chứng minh cho tính đúng đắn tuyệt đối của
chủ nghĩa Mác - Lênin và phê phán sai lầm của các quan điểm chống đối. Hiện nay,
việc đổi mới công tác nghiên cứu và giảng dạy lý luận đòi hỏi phải nghiên cứu các
trào lưu triết học với “quan điểm khách quan, biện chứng và tiếp thu những giá trị
tiến bộ” để bổ sung lý luận của chúng ta. Do vậy, việc nghiên cứu tư tưởng triết học
chính trị - xã hội của Karl Popper sẽ đáp ứng được phần nào cả hai mặt nói trên.
Trong việc nghiên cứu và giảng dạy lý luận, phương pháp tư duy phê phán hay
phản biện từ trước đến nay chưa được áp dụng một cách thực sự đầy đủ. Tình hình

này làm cho người học (học sinh, sinh viên) thiếu hứng thú trong việc học tập các
môn lý luận chính trị, xã hội, lịch sử và tạo ra một thói quen chấp nhận một chiều,
thiếu đào sâu suy nghĩ, phê phán. Do vậy, phương pháp tư duy phê phán mà Karl
Popper đặc biệt nhấn mạnh trong các tác phẩm của ông cần được nghiên cứu và vận
dụng nhằm đem lại một luồng sinh khí mới trong nghiên cứu, giảng dạy, học tập và
vận dụng các môn lý luận khoa học ở nước ta hiện nay với chất lượng, hiệu quả thật sự.
Từ trước đến nay, việc nghiên cứu về triết học Karl Popper nói chung và tư
tưởng triết học về chính trị - xã hội của ông nói riêng ở Việt Nam còn khá khiêm
tốn. Những công trình nghiên cứu về Karl Popper tuy đã xuất hiện, nhưng còn rất
hạn chế. Trong thời gian gần đây tuy đã có một số công trình nghiên cứu mới về
ông, nhưng chưa có một công trình nào đi sâu về chỉ ra những điểm hợp lý và
những điểm không thỏa đáng của Karl Popper trong việc phê phán chủ nghĩa lịch sử
và đề cập một cách toàn diện về quan điểm triết học về xã hội mở của ông.
3


Tóm lại, việc nghiên cứu tư tưởng triết học chính trị - xã hội của Karl Popper,
chỉ ra những đóng góp của nó sẽ góp phần đổi mới và phát triển công tác nghiên
cứu lý luận ở nước ta, trong đó có việc nghiên cứu lịch sử triết học; tìm ra những
chỗ thiếu sót trong việc hiểu và vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin nhằm hoàn thiện
cách tiếp cận đối với nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn, đổi mới phương pháp giảng
dạy, học tập các bộ môn Mác - Lênin, phát huy vai trò của tư duy phê phán, mở
rộng dân chủ và phát huy vai trò sáng tạo của mọi cá nhân trong xây dựng xã hội
mở và hội nhập quốc tế ở nước ta hiện nay. Đồng thời, việc vạch ra những hạn chế
cực đoan, phiến diện trong tư tưởng triết học về chính trị - xã hội của Karl Popper
sẽ góp phần bảo vệ những giá trị của chủ nghĩa Mác- Lênin và đường lối của Đảng
Cộng sản Việt Nam. Chính vì những lý do trên, chúng tôi chọn đề tài: “Tư tưởng
chính trị - xã hội của Karl Raimund Popper. Những giá trị và hạn chế về mặt triết
học” làm đề tài luận án tiến sĩ triết học của mình.
2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận án

Mục đích của luận án là nghiên cứu phân tích một cách hệ thống để làm rõ
những nội dung cơ bản trong tư tưởng triết học về chính trị - xã hội của Karl
Popper, từ đó chỉ ra những giá trị cùng những hạn chế về mặt triết học của nó để
một mặt, bổ sung, phát triển lý luận triết học về chủ nghĩa xã hội, mặt khác vạch ra
những sai trái trong các luận điệu phủ nhận triết học Mác.
Để thực hiện được mục đích nêu trên, những nhiệm vụ mà luận án phải thực
hiện là:
- Làm rõ cuộc đời, sự nghiệp lý luận khoa học, bối cảnh lịch sử và những tiền
đề lý luận cho sự hình thành tư tưởng triết học về chính trị - xã hội của Karl Popper.
- Làm rõ những nội dung cơ bản trong tư tưởng triết học về chính trị - xã hội
của Karl Popper, trong đó có quan niệm của ông về chủ nghĩa tự do; sự phê phán
chủ nghĩa lịch sử; quan niệm và phương pháp của ông về xây dựng xã hội mở.
- Phân tích những giá trị trong tư tưởng triết học về chính trị - xã hội của Karl
Popper để bổ sung, phát triển triết học Mác, kế thừa và vận dụng trong công tác lý
luận và hoạt động thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, đồng thời chỉ ra
những hạn chế phiến diện, cực đoan của nó nhằm bảo vệ tính đúng đắn của triết học
4


Mác, vạch trần những sai trái trong các luận điệu chống triết học Mác.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận án là những nội dung tư tưởng triết học về
chính trị - xã hội của Karl Popper.
Phạm vi nghiên cứu của luận án là những tư tưởng triết học về chính trị - xã
hội của Karl Popper trong hai tác phẩm “Sự nghèo nàn của chủ nghĩa lịch sử” và
“Xã hội mở và những kẻ thù của nó”. Hai quyển sách này là những công trình
nghiên cứu tương đối đồ sộ của Karl Popper, trong đó tác giả đề cập đến nhiều khía
cạnh rất chi tiết của chủ nghĩa lịch sử và xã hội mở. Tuy nhiên, Luận án chỉ đi sâu
vào khía cạnh triết học, tức khía cạnh chung nhất, mang tính bản chất của các vấn
đề, những khía cạnh có vai trò thế giới quan và phương pháp luận cho toàn bộ quan

điểm chính trị - xã hội của ông..
4. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu
Luận án dựa trên nền tảng lý luận của triết học Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí
Minh, quan điểm, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam về các vấn đề triết học,
chính trị - xã hội và lịch sử.
Cơ sở phương pháp luận của luận án là chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ
nghĩa duy vật lịch sử. Ngoài ra, luận án còn sử dụng kết hợp một số phương pháp cụ
thể, như phân tích và tổng hợp, lôgic và lịch sử; so sánh, đối chiếu, hệ thống hóa,
phương pháp thông diễn học hay chú giải học (phương pháp thông hiểu và diễn giải
các văn bản), phương pháp tư duy phê phán, v.v..
5. Cái mới của luận án
- Về mặt nội dung. Nhờ dựa trên nguồn tài liệu phong phú và tương đối đầy
đủ, luận án làm rõ được những khía cạnh quan trọng trong tư tưởng triết học về
chính trị - xã hội của Karl Popper, phân tích và rút ra được những giá trị và hạn chế
của nó, chỉ ra khả năng liên hệ và vận dụng chúng trong lý luận và thực tiễn.
- Về mặt phương pháp. Nhờ tiếp cận được một cách trực tiếp với những tác
phẩm gốc, khắc phục được những hạn chế về tài liệu và ngôn ngữ đã từng có trước

5


đây, luận án đưa ra một sự đánh giá khách quan cả hai mặt đóng góp và hạn chế của
Karl Popper, khắc phục được thái độ phê phán, đánh giá một chiều như trước đây.
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án
Về mặt lý luận, luận án góp phần vào việc nghiên cứu lịch sử tư tưởng của các
trường phái và triết gia phương Tây hiện đại, cụ thể là tư tưởng triết học về chính trị
- xã hội của Karl Popper với mục đích kế thừa những điểm hợp lý để bổ sung triết
học Mác – Lênin, đồng thời phê phán những biểu hiện cực đoan của nó để bảo vệ
tính đúng đắn của triết học Mác – Lênin. Đây là một vấn đề đang được đặt ra cấp
thiết đối với nghiên cứu lịch sử triết học phương Tây ở Việt Nam.

Về mặt thực tiễn, luận án góp phần đổi mới cách tiếp cận đối với nhiều vấn đề
xã hội, lịch sử; đóng góp ý kiến tham mưu cho các cấp Đảng và Nhà nước trong
việc điều chỉnh một số quan niệm về xây dựng chủ nghĩa xã hội; thực hiện dân chủ,
phát huy tối đa mọi tiềm năng sáng tạo của cá nhân và tập thể trong xây dựng xã hội
mới ở nước ta hiện nay. Luận án có thể dùng làm tài liệu tham khảo cho việc nghiên
cứu, giảng dạy và học tập lịch sử triết học phương Tây hiện đại nói chung và triết
học Karl Popper nói riêng ở Việt Nam.
7. Kết cấu của luận án
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Danh mục tài liệu tham khảo, nội dung cơ bản
của luận án bao gồm 4 chương, 13 tiết.
Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu có liên quan đến đề tài luận án.
Chương 2: Bối cảnh và tiền đề hình thành tư tưởng triết học về chính trị - xã
hộị của Karl Popper.
Chương 3: Những nội dung cơ bản trong tư tưởng triết học về chính trị - xã
hội của Karl Popper.
Chương 4: Những đóng góp và hạn chế về mặt triết học trong tư tưởng chính
trị - xã hội của Karl Popper.

6


CHƯƠNG 1

TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
CÓ LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN
Karl Popper là một nhà triết học nổi tiếng thế giới. Các tác phẩm của ông chủ
yếu được viết và xuất bản bằng tiếng Đức và tiếng Anh nên rất quen thuộc đối với
các nhà nghiên cứu ở các nước như Đức, Áo, Mỹ, Anh, v.v.. Ở nước ta tuy đã có
một số công trình dịch và nghiên cứu về Karl Popper nhưng vẫn còn rất hạn chế.
Trên thế giới, đã có nhiều công trình chuyên khảo về Karl Popper như “The

Philosophy of Karl Popper”(Triết học của Karl Popper) của nhà triết học Đức
Herbert Keuth được dịch ra tiếng Anh do Nxb Cambridge University Press xuất bản
năm 2005; “The Philosophy of Popper” (Triết học của Popper) của T.E. Burke do
Nxb Manchester University Press xuất bản năm 1983. Đặc biệt là công trình “The
Philosophy of Karl Popper” (Triết học của Karl Popper), do Paul A. Schilpp chủ
biên với sự đóng góp của rất nhiều nhà triết học nổi tiếng nghiên cứu, nhận xét về
Karl Popper, do The Open Court Publishing Company, Chicago, Illinois xuất bản
thành hai tập năm 1974. Chuyên khảo về tư tưởng chính trị Karl Popper có tác
phẩm “The Political Thought of Karl Popper” (Tư tưởng chính trị của Karl
Popper), do Jeremy Shearmur, một người đã từng là trợ lý của Karl Popper trong 8
năm (1971-1979) được Routledge, New York xuất bản năm 1996.
Ở nước ta, chưa có công trình nghiên cứu chuyên khảo nào về Karl Popper;
phần lớn các sách chuyên khảo về Karl Popper bằng tiếng nước ngoài chưa được
dịch ra tiếng Việt. Chúng tôi đã cố gắng sưu tầm nhưng chỉ có được trong tay hai
cuốn sách chuyên khảo đã được dịch ra tiếng Việt, như cuốn “Triết học mở và xã
hội mở”, do Đỗ Minh Hợp dịch, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2002 (dịch từ
cuốn“The Open Philosophy and the Open Society: A Reply to Dr. Karl Popper’s
Refutation of Marxism” của Maurice Cornforth, một nhà mácxít Anh, Nxb
Lawrence & Whishart, London, 1968), và cuốn “Karl Raimund Popper”của Lý
Quốc Tú (Trung Quốc), do Đặng Lâm dịch, Nxb Thuận Hóa, Huế, 2005.

7


Hiện nay ở nước ta, việc nghiên cứu về Karl Popper tuy có tăng hơn nhưng
vẫn còn rất hạn chế. Hiện đã có ba trong số các tác phẩm của Karl Popper được dịch
ra tiếng Việt, trong đó chỉ có hai cuốn được xuất bản thành sách: cuốn “Sự nghèo
nàn của thuyết sử luận” (‘'Thuyết sử luận’ là từ dịch không chính xác, đúng ra là
‘chủ nghĩa lịch sử’) và cuốn “Tri thức khách quan” do Chu Đình Lan dịch, Nxb Tri
thức, Hà Nội, 2012. 'Cuốn “Xã hội mở và những kẻ thù của nó” đã được Nguyễn

Quang A dịch và công bố trên mạng internet nhưng chưa được xuất bản thành sách
in. Tuy đã được dịch nhưng việc chuyển ngữ từ tiếng Anh ra tiếng Việt chưa được
tốt lắm, cho nên người đọc gặp nhiều khó khăn với các thuật ngữ trong các sách này.
Tháng 11 năm 2012, một cuộc hội thảo quốc tế được tổ chức tại Viện Triết
học thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam có chủ đề “Triết học Áo và ý
nghĩa hiện thời của nó”, trong đó có mấy bài tham luận về triết học của Karl
Popper. Kỷ yếu Hội thảo đã được xuất bản thành sách do Phạm Văn Đức chủ biên [22].
Ở nước ta ngoài một số luận văn thạc sĩ, cho đến nay chưa có một luận án tiến
sĩ nào đã được bảo vệ về tư tưởng chính trị - xã hội của Karl Popper.
Những công trình nghiên cứu trong và ngoài nước về tư tưởng chính trị - xã
hội của Karl Popper có thể phân ra thành các loại như sau:
1.1. NHỮNG CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU VỀ BỐI CẢNH LỊCH SỬ, TIỀN
ĐỀ LÝ LUẬN, CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP KHOA HỌC CỦA KARL POPPER
1.1.1. Những công trình nghiên cứu về bối cảnh hình thành tư tưởng triết
học về chính trị - xã hội của Karl Popper
Tác phẩm “Unended Quest: An Intellectual Autobiography” (Cuộc sưu tầm
chưa kết thúc: Một Tự tiểu sử trí tuệ) [111] là một nguồn tài liệu quý (vì do chính
ông kể lại) để nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của Karl Popper. Ông dành 3
mục: 1) Ký ức tuổi thơ, 2) Những ảnh hưởng đầu tiên và 3) Chiến tranh thế giới lần
thứ nhất [111, pp.2-11], để thuật lại khá đầy đủ bối cảnh xã hội ở thành phố Viên và
hoàn cảnh gia đình ông lúc bấy giờ. Đó là tình trạng đói nghèo, chính trị rối ren và
chính bối cảnh đó có nhiều thay đổi trong quan niệm của Karl Popper về triết học
chính trị - xã hội. Đồng thời Karl Popper cũng phân tích những ảnh hưởng đầu tiên
8


đến tư tưởng triết học về chính trị - xã hội của ông, đó là ảnh hưởng tính cách của
người cha, của tủ sách gia đình, nhất là ảnh hưởng của người bạn thân nhất (lớn hơn
ông 20 tuổi) là Arthur Arndt một người mácxit kịch liệt chống chủ nghĩa dân tộc,
người đã giới thiệu ông quyển sách về chủ nghĩa xã hội đầu tiên “Looking

Backward”. Karl Popper lúc đó 12 tuổi rất chăm chú nghe Arndt nói về lý tưởng xã
hội chủ nghĩa, nhưng ông chỉ còn nhớ có một điều là ‘chấm dứt nghèo đói’ .
Gilles Dostaler trong phần I của tác phẩm Chủ nghĩa tự do của Hayek (Nguyễn
Đôn Phước dịch, Nxb Tri thức, Hà Nội, 2008) [8] trình bày khá chi tiết bối cảnh
lịch sử, xã hội của nước Áo đầu thế kỷ XX. Nạn đói ở thủ đô Viên của nước Áo đã
gây nên những cuộc bạo loạn. Cuộc cách mạng Bonsevich ở Nga năm 1917, sự
thành lập của Cộng hòa Áo năm 1918, cuộc nổi dậy của phong trào Spartacus năm
1919 ở Đức kích thích các phong trào cực tả ở Áo. Giành thắng lợi trong các cuộc
bầu cử năm 1919, Đảng Công nhân xã hội dân chủ Áo lên chấp chính cùng với
Đảng xã hội Kitôgiáo. Bối cảnh này để lại dấu ấn trong sự hình thành tư tưởng của
Hayek, đồng thời qua đó chúng ta có thể liên hệ để hiểu thêm về bối cảnh hình
thành tư tưởng triết học chính trị của Karl Popper và mối quan hệ về tư tưởng giữa
Hayek và Popper. Trong chương này có một phần tác giả nói về mối quan hệ giữa
Hayek và Popper. Từ chỗ đồng hành với nhau về quan điểm, hai người trở thành
bạn thân. Năm 1936, Hayek mời Popper đọc một tham luận khoa học trong một
cuộc semina do Hayek tổ chức tại Trường Kinh tế London (LSE). Bài tham luận
chính là một phần của công trình của Popper về sau được đăng trên tạp chí
Economica của trường này trong các năm 1944-1945 với tiêu đề “The Poverty of
Historicism” (Sự nghèo nàn của chủ nghĩa lịch sử). Cũng chính nhờ Hayek giới
thiệu mà Popper sang làm việc tại LSE từ năm 1946 và “Với sự hỗ trợ của Hayek,
Popper được bổ nhiệm giáo sư tại LSE năm 1949” [26, tr.33].
Các trang web như Wikipedia, the free Encyclopedia (Bách khoa thư mở
Wiki), Stanford Encyclopedia of Philosophy (Bách khoa thư triết học Stanford),
cũng dành một phần trong bài viết về Karl Popper để nói về thời thơ ấu, hoàn cảnh
gia đình và việc học hành, công việc xã hội đầu tiên của Popper.

9


Lý Quốc Tú trong nội dung đầu tiên của chương IV tác phẩm “Karl Raimund

Popper” [49], tác giả nói về sự mở rộng tầm mắt sang lĩnh vực triết học chính trị
của Popper, tác giả cho rằng cuộc sống và công việc của Popper ở New Zealand rất
dễ chịu, nhân dân ở đó rất khiêm nhường, niềm nở và hiếu khách, mọi người cảm
thấy bình yên. Trong khi ở châu Âu lại đang khói lửa chiến tranh; Phát xít Đức tấn
công điên cuồng ở trong nước. Và trong thời gian ở New Zealand, Popper đã hoàn
thành hai cuốn sách triết học chính trị: “Sự nghèo nàn của chủ nghĩa lịch sử” và
“Xã hội mở và những kẻ thù của nó”. Tác giả trình bày rất kỹ bối cảnh ra đời của
hai tác phẩm, và sự ảnh hưởng của hai tác phẩm đó đến xã hội phương Tây lúc bấy giờ.
1.1.2. Những công trình nghiên cứu về tiền đề lý luận cho sự hình thành tư
tưởng triết học về chính trị - xã hội của Karl Popper
Gilles Dostaler trong “Chủ nghĩa tự do của Hayek”[8] nói về sự ảnh hưởng lẫn
nhau về tư tưởng giữa F. Hayek và Karl Popper. Hayek kiên trì tiến hành một cuộc
đấu tranh kép, một mặt chống lại sự can thiệp của nhà nước trong chủ nghĩa tự do
xã hội của Keynes, mặt khác chống chủ nghĩa xã hội, hai mặt được ông xem là kết
nối chặt chẽ với nhau và cuối cùng đều dẫn đến chủ nghĩa toàn trị. Công trình còn
đề cập đến bối cảnh và điều kiện gặp nhau giữa hai nhà triết học của nước Áo là
Hayek và Popper. Sau khi đọc xong các tác phẩm của Popper thì Hayek chấp nhận
ngay triết học của Popper. Ông nói: “Nhận ra điều này đã là đủ cho tôi nhưng khi
thấy Popper lập luận và biện minh một cách rõ ràng thì, một cách tự nhiên, tôi liền
chấp nhận triết học của ông vì triết học ấy đã khai triển điều tôi hằng cảm nhận. Từ
đó, tôi luôn đồng hành cùng với Popper. Cuối cùng, chúng tôi trở thành bạn rất
thân. Nói chung, trên những vấn đề triết học, tôi đồng ý với ông hơn là với bất kì ai
khác”. Như vậy công trình này cho chúng tôi thấy được Hayek là một trong những
người đi đầu và là một trong những giáo chủ của cái được gọi là “chủ nghĩa tân tự
do”. Và chính những tư tưởng này ảnh hưởng đến Popper sau này.
Lý Quốc Tú trong “Karl Raimund Popper” đã dành một phần nhỏ trong
chương II để nói về người có ảnh hưởng quyết định đến sự hình thành quan điểm
triết học của ông. Tác giả cho rằng nhìn theo quan điểm lâu dài, thì có lẽ đó là ảnh

10



hưởng quan trọng nhất. Đó là việc Popper tiếp xúc với lý luận của Einstein và nhận
được sự khêu gợi trong thái độ của Einstein đối với lý luận khoa học.
Vũ Mạnh Toàn trong “Triết học Bertrand Russell và ý nghĩa của nó” (Luận án
tiến sĩ triết học, Học viện Khoa học xã hội, Hà Nội, 2011) [85], tác giả cho ta thấy
được sự biến đổi mạnh mẽ của logic học và toán học vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế
kỷ XX. Sự biến đổi này có ảnh hưởng lớn đến ra đời chủ nghĩa thực chứng mới. Khi
đề cập đến những tiền đề triết học, tác giả trình bày chủ nghĩa thực chứng qua các
thời kỳ: Chủ nghĩa thực chứng sơ kỳ đầu thế kỷ XIX với người sáng lập là Auguste
Comte. Giai đoạn thứ hai là chủ nghĩa phê phán kinh nghiệm vào những năm 70 của
thế kỷ XIX với hai đại diện là Ernst Mach và Richard Avenarius. Giai đoạn thứ ba
là chủ nghĩa thực chứng mới (chủ nghĩa thực chứng lôgic). Có thể nói đây là một
nguồn tư liệu cho chúng tôi trong việc trình bày các tiền đề tư tưởng lý luận cho sự
hình thành tư tưởng triết học về chính trị – xã hội của Karl Popper.
A.S. Bôgômôlôp, Ju.K. Menvin, I.S.Narơski với tác phẩm: “Chủ nghĩa thực
chứng mới trong triết học tư sản hiện đại ”(Nxb Matsxcơva 1978 – Tư liệu dịch của
Viện Triết học) [04]. Trong công trình này, các tác giả đã trình bày về quá trình xuất
hiện, nguồn gốc và nội dung cơ bản của chủ nghĩa thực chứng mới. Trong đó, các
tác giả đã giành một phần để giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp triết học của Karl
Popper trong nhiều lĩnh vực mà ông hoạt động. Đặc biệt các tác giả phân tích mối
quan hệ giữa Karl Popper với chủ nghĩa thực chứng nhóm Viên.
Tác giả Nguyễn Tấn Hùng trong tác phẩm “Một số trào lưu triết học và tư
tưởng chính trị phương Tây đương đại” [36] cho rằng quan điểm chính trị - xã hội
của Karl Popper là kết quả của một quá trình đối chiếu, lựa chọn có cân nhắc kỹ
lưỡng sau khi đã tiếp xúc với tất cả các trào lưu tư tưởng đang thịnh hành lúc bấy
giờ ở Áo, không chỉ về lý luận mà còn có thời gian tham gia hoạt động thực tiễn với
họ nữa. Karl Popper nghiên cứu Phân tâm học của Sigmund Freud và Alfred Adler,
có thời gian ông tình nguyện làm việc trong một bệnh viện phân tâm học nhi khoa
của Adler, nhưng cuối cùng, ông cũng phát hiện ra tính phi khoa học của học thuyết

này. Karl Popper cũng có tiếp xúc với các nhà khoa học ‘nhóm Viên’, tham dự các

11


cuộc thảo luận của nhóm dưới sự chủ trì của Moritz Schlick, với sự tham gia của
Rudolf Carnap, Otto Neurath, Viktor Kraft, Hans Hahn và Herbert Feigl,
v.v., nhưng ông cũng không trở thành hội viên chính thức của nhóm này; và do việc
Karl Popper phê phán các luận điểm cơ bản của chủ nghĩa thực chứng lôgic nên về
sau ông không còn được mời tham dự nữa. Karl Popper cũng đã tham gia các hoạt
động chính trị của đảng xã hội và đảng cộng sản ở Áo, nhưng ông đã sớm phát hiện
ra tính không tưởng (utopia) của chủ nghĩa cộng sản nên đã từ bỏ nó và đứng hẳn về
phía chủ nghĩa tự do xã hội.
1.1.3. Những công trình nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp triết học và
khoa học của Karl Popper
Các từ điển và bách khoa thư như “Từ điển Bách khoa Việt Nam”; “The
Internet Encyclopedia of Philosophy” (Bách khoa thư Triết học Internet);
“Wikipedia, the free encyclopedia” (Bách khoa mở Wiki); “The Stanford
Encyclopedia of Philosophy” (Bách khoa thư Triết học Stanford); “Encyclopædia
Britanica” (Bách khoa thư Britanica), “Tân Bách khoa thư triết học” của Liên bang
Nga (Новая Философская Энциклопедия) đều dành một phần quan trọng trong
mục từ Popper để cung cấp những nét cơ bản về tiểu sử và sự nghiệp triết học và
khoa học của ông. Các tài liệu này cũng nói về nguồn gốc tính cách của Karl Popper
như là sự kế thừa truyền thống gia đình.
Trong tác phẩm “Một số trào lưu triết học và tư tưởng chính trị phương tây
đương đại”, tác giả Nguyễn Tấn Hùng trước khi đi vào phân tích tư tưởng triết học
của Karl Popper đã điểm qua về tiểu sử và sự nghiệp khoa học của ông, như hoàn
cảnh gia đình (cha, mẹ) của Karrl Popper từ lúc ông rời trường phổ thông 16 tuổi,
đến khi học đại học Viên, tốt nghiệp tiến sĩ về Tâm lý năm 1928 và sau đó làm giáo
viên ở một trường phổ thông, rồi trở thành giảng viên trường đại học và giáo sư

Trường Kinh tế London. Tuy không nhiều nhưng ta cũng hình dung được tiểu sử
của ông từ thơ ấu đến khi ông qua đời. Đặc biệt trong phần này, tác giả trình bày sự
nghiệp khoa học của Popper. Ngoài việc hoàn thành những tác phẩm quan trọng
như: “Lôgic của phát minh khoa học”, “Xã hội mở và những kẻ thù của nó”; “Sự

12


nghèo nàn của chủ nghĩa lịch sử”; “Phỏng định và bác bỏ: Sự tăng tiến của tri
thức khoa học”; “Hai vấn đề căn bản của lý luận nhận thức”, Popper còn tham gia
hoạt động khoa học trong một số hội nghiên cứu. Có thể nói Popper có những đóng
góp xuất sắc trên phương diện triết học khoa học. Và chính những tư liệu của tác
giả đã cho chúng ta thấy được điều này.
Bách khoa thư Triết học Stanforth đề cập đến sự kiện có ý nghĩa quyết định
đối với việc Karl Popper rời bỏ quê hương và di cư ra sinh sống ở nước ngoài, đó là
sự tiên đoán chính xác của ông về nguy cơ nước Áo bị Đức Quốc xã thôn tính và sát
nhập vào nước Đức phát xít [126].
1.2. NHỮNG CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU CÓ LIÊN QUAN ĐẾN TƯ
TƯỞNG TRIẾT HỌC VỀ CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI CỦA KARL POPPER
1.2.1. Những công trình liên quan đến lập trường tư tưởng tự do xã hội của
Karl Popper
Lập trường chính trị - xã hội của Karl Popper là “chủ nghĩa tự do xã hội”
(social liberalism). Chủ nghĩa tự do xã hội khác với các biến thể khác, như chủ
nghĩa tự do cổ điển (classical liberalism) và chủ nghĩa tân tự do (neo-liberalism) của
Friedrich Hayek và một số biểu hiện cực đoan của chủ nghĩa tự do đang tồn tại trên
thế giới như Đảng tự do (Liberitarian Party) ở Mỹ hiện nay. Chủ nghĩa tự do xã hội
một mặt đề cao vai trò của tự do cá nhân, nhưng mặt khác phản đối tình trạng bất
công xã hội, chủ trương giúp đỡ người nghèo khổ. Tư tưởng tự do xã hội của Karl
Popper đã có mầm mống từ lúc nhỏ trong bối cảnh xã hội Áo lúc bấy giờ và nhất là
do giáo dục và truyền thống của gia đình ông. Điều này được thể hiện trong ‘Tự tiểu

sử’, trong đó Karl Popper nói rằng người cha của ông là người theo chủ nghĩa tự do
xã hội không phải chỉ về mặt tư tưởng mà còn chủ động tổ chức những hoạt động
giúp đỡ người nghèo nữa. Ý thức về giúp đỡ người nghèo đã đưa Popper đến với
chủ nghĩa xã hội và sau đó là chủ nghĩa tự do xã hội.
Tác phẩm “Một số trào lưu triết học và tư tưởng chính trị phương Tây đương
đại” của Nguyễn Tấn Hùng cũng đã dành một phần nói về quan điểm triết học
chính trị - xã hội của Karl Popper. Sau khi rời khỏi Đảng Cộng sản Áo, Karl Popper

13


đứng hẳn về phía lập trường chủ nghĩa tự do xã hội. Tác giả điểm qua một vài đặc
trưng của chủ nghĩa tự do nói chung và ‘chủ nghĩa tự do xã hội’ nói riêng. Chủ
nghĩa tự do xã hội tuy cũng đề cao tự do cá nhân, phản đối gay gắt chế độ cai trị độc
tài, nhưng lại ủng hộ một số biện pháp can thiệp cần thiết của nhà nước để giải
quyết khủng hoảng kinh tế, đấu tranh chống bất công xã hội, tạo công ăn việc làm
và tạo phúc lợi xã hội. John Stuart Mill là một nhà triết học Anh đã góp phần quan
trọng vào việc phát triển hình thức mới này của chủ nghĩa tự do. Chính Karl Popper
đã thừa nhận người cha của mình là một người tự do chủ nghĩa thuộc trường phái
John Stuart Mill.
Bách khoa mở Wikipedia [128] có nói về tác động của sự kiện năm 1919 (cuộc
biểu tình do Đảng Cộng sản Áo tổ chức) đến sự thay đổi lập trường chính trị của
Karrl Popper. Từ chủ nghĩa cộng sản, Karl Popper chuyển sang lập trường chủ
nghĩa tự do xã hội.
Đặc biệt trong Bách khoa thư triết học Internet (Internet Encyclopedia of
Philosophy), mục từ “Karl Popper: Political Philosophy” (Karl Popper: Triết học
chính trị), tác giả William Gorton (Đại học Alma, Michigan) đã phân tích và trích
dẫn rất cụ thể về lập trường tự do xã hội của Karl Popper. Tác giả viết rằng Karl
Popper đã cảnh báo những nguy hại của chủ nghĩa tư bản không được kiểm soát,
thậm chí Popper còn tuyên bố rằng “Sự bất công và vô nhân đạo của ‘hệ thống tư

bản không được kiềm chế’ đã được Mác mô tả thì không có gì phải bàn cãi cả”.
Karl Popper yêu cầu “Chúng ta cần phải xây dựng những thiết chế xã hội được tăng
cường bằng quyền lực nhà nước nhằm bảo vệ người yếu về kinh tế chống lại kẻ
mạnh về kinh tế”. Cũng theo nhận xét của William Gorton, “Có lẽ những chính sách
của Popper nếu được đem ra thực hiện sẽ tạo ra một xã hội giống như chế độ dân
chủ xã hội ở Bắc Âu, với những chương trình phúc lợi quãng đại hơn và sự điều
chỉnh nền công nghiệp tốt hơn là ở nước Mỹ với chế độ tư bản laissez-faire (để ai
muốn làm gì thì làm) và phúc lợi xã hội không đáng kể” [125].
Một số bách khoa thư khác, như: ‘Stanford Encyclopedia of Philosophy’ cũng
có đề cập đến tư tưởng tự do xã hội của Karl Popper.

14


1.2.2. Những công trình liên quan đến quan niệm về xã hội mở của Karl Popper
Bách khoa mở Wikipedia trong mục từ ‘Open society’ khẳng định rằng khái
niệm ‘xã hội mở’ được đưa ra lần đầu tiên bởi nhà triết học Pháp Henri Bergson và
được Karl Popper phát triển trong hai tập sách của mình.
Herbert Keuth dành phần II. Triết học xã hội (Social Philosophy) trong ba
phần của nội dung cuốn sách “The Philosophy of Karl Popper” để phân tích tư
tưởng triết học chính trị - xã hội của Karl Popper trong đó có vấn đề xã hội mở và
chủ nghĩa lịch sử. Tác giả trình bày tư tưởng của Karl Popper trong sự liên hệ với
các nhà triết học từ Platon, Aristotle đến Hêghen, Mác [101, pp.193-248].
Các từ điển và bách khoa thư ở Liên Xô trước đây tuy có đề cập dến quan
niệm về xã hội mở của Karl Popper nhưng lại quy lập trường của ông về sự biện hộ
cho tự do tư sản. Còn Tân bách khoa thư triết học Nga [119] tuy có trình bày cụ thể
quan niệm về xã hội mở của Karl Popper nhưng không có bình luận, phê phán. Nhà
triết học Nga T.I. Oizerman (Т.И. Оизерман) trong một số bài viết và nhất là trong
tác phẩm “Chủ nghĩa Mác và chủ nghĩa không tưởng” (Марксизм и утопизм) có
nhiều chỗ đề cập đến tư tưởng về xã hội mở của Popper. Theo Oizerman, Karl

Popper không hoàn toàn bác bỏ mà còn đề cao những đóng góp nhất định của Mác
trong lý luận về giai cấp, trong sự phê phán của Mác đối với những bất công của
chủ nghĩa tư bản [Xem: 118].
Người phê phán quan điểm xã hội mở của Karl Popper mạnh mẽ nhất là nhà
mácxít Anh Maurice Cornforth với tác phẩm “The Open Philosophy and The Open
Society: A Reply to Dr. Karl Popper’s Refutations of Marxism” (Lawrence &
Whishart, London, 1968), được Đỗ Minh Hợp dịch từ tiếng Nga với tiêu đề “Triết
học mở và xã hội mở” [06]. Trong lời giới thiệu cuốn sách, nhà triết học Nga I.S.
Narxki viết: Cuốn sách này “dường như là kết quả hội ngộ của hai số phận trực tiếp
đối lập với nhau: ‘nhà lý luận, kẻ chống cộng số một’ Karl Popper và nhà triết học,
nhà mácxít nổi tiếng người Anh – M. Cornforth”. M. Cornforth viết tác phẩm này
với mục đích bảo vệ triết học Mác bằng hình thức trả lời những vấn đề mà các nhà
phê phán chủ nghĩa Mác đặt ra, và trong những người phê phán đó ông chọn Karl

15


Popper. Vì quyển sách ra đời vào năm 1968, trong khi mô hình chủ nghĩa xã hội kế
hoạch hóa tập trung đang thịnh hành, chưa gặp khủng hoảng, cho nên có nhiều điều
mà M. Cornforth bảo vệ cho đến nay đã lỗi thời, nhưng phải nói rằng đây là nguồn
tư liệu quý giá để chúng tôi tham khảo.
Trong lời tựa, M. Cornforth nói: “Tôi muốn nhấn mạnh rằng, tôi không có ý
định phê phán hay bác bỏ những gì ngài Popper đã nói về khoa học hay về xã hội.
Ngược lại, tôi tiếp nhận nhiều điều và nhất trí với nhiều điều. Cuốn sách này không
phải là sự luận chiến với ngài Popper, mà là câu trả lời cho cuộc luận chiến chống
lại chủ nghĩa Mác của ông” [06, tr.35]. Trong phần III của cuốn sách của M.
Cornforth có hai chương đáng lưu ý. Chương III nói về xã hội mở trong đó ông trả
lời những vấn đề về quan hệ giữa xã hội mở và xã hội đóng và con đường tiến tới xã
hội mở. Theo M. Cornforth, Karl Popper không đưa ra điều gì mới cả. Ông nói:
“Nhưng nếu có ai muốn tìm trong đó những tri thức về cách thức tiến lên xã hội mở

và những điều cần tránh, những hiểu biết ấu trĩ, những cái ngẫu nhiên mà chúng đã
làm cho cá nhân phải đau khổ trước kia, thì người đó sẽ không thấy gì ngoài những
lời nói ba hoa chung chung về trách nhiệm cá nhân” [06, tr.620]. Trong chương VI
của tác phẩm, M. Cornforth trả lời cho Popper về kẻ thù của xã hội mở. Theo ông,
chủ nghĩa cộng sản mới thực sự là xã hội mở, còn chủ nghĩa tư bản là xã hội đóng.
Tiến tới xã hội mở chính là xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Vì
vậy, kẻ thù của xã hội mở chính là chủ nghĩa chống cộng. Cách tiếp cận của M.
Cornforth là đại diện cho những khuynh hướng tư tưởng bảo thủ thời kỳ trước đổi
mới thể hiện trong hầu hết những tác phẩm được viết trong thời kỳ này về triết học
phương Tây hiện đại, trong đó có triết học Karl Popper.
Lý Quốc Tú, trong chương IV tác phẩm “Karl Raimund Popper” [49], đề cập
đến quan niệm về xã hội mở trong tác phẩm “Xã hội mở và những kẻ thù của nó”
của Karl Popper. Tác giả cho rằng trọng điểm của Popper là đả phá các quan điểm
chính diện của Platon, Aristotle, Hêghen và Mác, còn quan niệm của ông về xã hội
mở thì đề cập rất ít trong tác phẩm. Những nội dung mà ông công kích cùng với các
nội dung mà ông tán dương và tích cực khởi xướng, hình thành các bộ phận hợp

16


thành không thể chia cắt của tư tưởng triết học chính trị của ông. Tác giả khái quát
hết sức cơ bản quan niệm của Popper về xã hội mở và xã hội đóng. Có thể nói, đây
là nguồn tư liệu để chúng tôi đi vào nghiên cứu quan niệm của Popper về xã hội mở.
Lưu Phóng Đồng trong “Triết học phương Tây hiện đại”, tập IV [48], tuy dành
phần chủ yếu để phân tích tư tưởng triết học về khoa học của Karl Popper, nhưng
cũng có một đoạn ngắn nói về tư tưởng triết học chính trị của Karl Popper. Theo
Lưu Phóng Đồng, Karl Popper phản đối quyết định luận lịch sử. Ông cho rằng sự
phát triển của lịch sử xã hội không có tính quy luật, mọi người cũng không thể dự
định trước cho tương lai của xã hội. Theo ông, ‘Chủ nghĩa Utopia’ có liên hệ tự
nhiên với quyết định luận lịch sử; chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản là một

loại công trình xã hội kiểu Utopia. Vì thế, ông đề xướng ‘công nghệ xã hội từng
bước’, tức là tiến hành cải tạo từng bước, thiết thực, khả thi đối với xã hội, và lấy đó
để phản đối lý luận cách mạng xã hội của chủ nghĩa Mác, ông nói, chủ nghĩa xã hội
và chủ nghĩa cộng sản của chủ nghĩa Mác là ‘xã hội đóng’, xã hội mà ông cố gắng
thực hiện lại là ‘xã hội mở’ [48, tr.240].
Sách “Một số trào lưu triết học và tư tưởng chính trị phương Tây đương đại”
của Nguyễn Tấn Hùng phân tích và trích dẫn nhiều đoạn quan trọng trong tác phẩm
của Popper “Xã hội mở và những kẻ thù của nó”. Kẻ thù của xã hội mở theo Popper
chính là những xã hội đóng được xây dựng theo mô hình của các lý thuyết xã hội
không tưởng (được Popper gọi là chủ nghĩa lịch sử). Tác giả khái quát những đặc
trưng cơ bản của xã hội mở được Karl Popper nêu ra trong tác phẩm của mình bằng
cách đối lập nó với những hình thức xã hội đóng. Một là, xã hội mở là xã hội do
mọi người sáng tạo một cách tự do, không phụ thuộc vào tính tất yếu và quy luật
lịch sử và tác giả đã đưa ra những nhận định và phê phán của mình về quan điểm đó
của Popper. Hai là, Popper cho rằng xã hội mở được xây dựng theo một “công nghệ
xã hội” nhất định được ông gọi là ‘kiến thiết xã hội từng phần’ đối lập với phương
pháp kiến thiết ‘toàn phần’ hay ‘không tưởng’. Karl Popper còn so sánh hiệu quả
của phương pháp cải biến xã hội toàn phần và xã hội từng phần, rồi từ đó chỉ ra tính
ưu thế của phương pháp cải tạo xã hội từng phần so với phương pháp cải tạo toàn

17


phần. Tác giả đưa ra nhiều trích dẫn để làm rõ sự khác biệt giữa kiến thiết toàn phần
và kiến thiết từng phần như thế nào Tuy chỉ mới khái quát một cách tổng thể quan
niệm của Popper về xã hội mở và những kẻ thù của nó nhưng chúng ta có thể hình
dung một bức tranh tổng thể quan niệm của Popper về xã hội mở để giúp chúng tôi
có những cơ sở và luận cứ khoa học để tiếp thu, kế thừa trong luận án của mình.
Tác giả Lương Đình Hải đề cập đến quan điểm về xã hội mở của Karl Popper
trong bài “Karl Popper - Xã hội mở và những kẻ thù của nó” [24]. Mở đầu bài viết,

tác giả giới thiệu sơ lược về cuộc đời, sự nghiệp khoa học của Popper. Điều đặc biệt
trong bài viết này chính là tác giả chỉ cho người đọc thấy được rằng mặc dù, trong
tổng thể và trong dòng chủ đạo của tư tưởng Karl Popper là phê phán, bác bỏ, phủ
nhận chủ nghĩa Mác, nhưng không phải không có những chỗ, những lúc ông ca
ngợi, đánh giá cao triết học Mác. Do vậy, việc nghiên cứu các quan điểm của
Popper, có thể giúp chúng ta hiểu sâu thêm nhiều luận điểm của triết học Mác và
toàn bộ chủ nghĩa Mác nói chung. Và theo tác giả, việc nghiên cứu tư tưởng Popper
sẽ giúp cho chúng ta có một tinh thần phê phán, giúp chúng ta hình thành nên trong
tư duy của mình cách nhìn hai mặt. Điều này giúp chúng ta hiểu sâu hơn các nguyên
lý của triết học Mác, đồng thời hiểu sâu thêm cả những tư tưởng hợp lý và những tư
tưởng phi lý của Popper. Tác giả còn chỉ ra một số luận điểm của Mác mà Popper
phê phán, và tác giả đưa ra nhận xét của mình cho những luận điểm đó. Tác giả còn
trình bày quan niệm của Popper về xã hội mở, xã hội đóng. Quan niệm về xã hội
mở sau này được học trò của ông George Soros (1930) phát triển trên cả bình diện
lý luận lẫn thực tiễn. Có thể nói, đây là một bài viết hết sức sâu sắc của tác giả, thể
hiện được chính kiến của mình khi đánh giá Popper. Đây là nguồn tư liệu quý giá để
chúng tôi tham khảo khi phân tích quan điểm của Popper về xã hội mở và những kẻ
thù của nó.
George Soros trong tác phẩm “Xã hội mở: Cải cách chủ nghĩa tư bản toàn
cầu” (Open Society: Refoming Global Capitalism) [76]. Soros là môn đệ của
Popper, ông chủ trương xây một xã hội mở trên phạm vi toàn cầu, theo đường
hướng của vị sư phụ nổi danh Karl Popper, mà ông có dịp được thụ giáo trong thời

18


gian theo học tại trường Kinh tế Luân đôn hồi cuối thập niên 1940 qua đầu thập
niên 1950. Soros cho rằng người ta nói nhiều về hội nhập kinh tế trong nền kinh tế
toàn cầu. Cơ chế thị trường đã thành công xuất sắc trong giải phóng tài năng kinh
doanh và tạo ra của cải. Nếu chỉ dựa vào cơ chế thị trường và nhấn mạnh thái quá

đến các giá trị thị trường, chủ nghĩa tư bản không thể đảm bảo tự do, dân chủ, và
pháp trị; có thể, và nó đã dẫn đến những thảm họa như hai cuộc Chiến tranh thế
giới, các cuộc khủng hoảng tài chính. Vì sao chúng xảy ra? Làm sao có thể tránh
được những thảm họa như vậy, hay chí ít làm nhẹ bớt tác động tai họa của chúng?
Trong nội dung phần I, tác giả đề cập đến khái niệm “Xã hội mở”, khái niệm này
được Henri Bergson dùng đầu tiên năm 1932, và Karl Popper phát triển và làm cho
khái niệm được biết đến rộng rãi. Soros chịu ảnh hưởng mạnh bởi Karl Popper. Cho
nên thông qua việc tìm hiểu quan điểm của ông về các nguyên tắc chỉ đạo cho một
xã hội mở toàn cầu, chúng ta sẽ phần nào hiểu được quan niệm về xã hội mở của
Popper. Đây là một cuốn sách về triết học thực tiễn, nó có ích cho các học giả, các
nhà hoạch định chính sách, và tất cả những ai quan tâm đến những vấn đề chính trị
và kinh tế thế giới, và dĩ nhiên có ý nghĩa đối với bản thân nghiên cứu sinh trong
quá trình làm luận án.
1.2.3. Những công trình đề cập đến sự phê phán chủ nghĩa lịch sử của Karl
Popper
Bách khoa thư mở Wikipedia trong mục từ ‘Historicism’ khái quát quá trình
tiến hóa của khái niệm này qua một số nhà triết học như Karl W. F. Schlegel,
Michel de Montaigne, G. B. Vico, Georg Hegel, Franz Boas và sau đó phân tích
những đặc trưng của khái niệm này ở Karl Popper.
Trong bài tham luận Hội thảo về “Triết học Áo và ý nghĩa hiện thời của nó”,
tác giả Nguyễn Tấn Hùng phân tích lập luận 5 điểm nhằm bác bỏ khả năng nhận
thức quy luật xã hội được Karl Popper nêu ra trong Lời nói đầu tác phẩm “Sự nghèo
nàn của chủ nghĩa lịch sử” . Tác giả cũng chỉ ra mặt hợp lý và mặt sai lầm của Karl
Popper về vấn đề này [Xem 22, tr. 187-199].
Trong tác phẩm “Một số trào lưu triết học và tư tưởng chính trị phương Tây

19


đương đại”, tác giả giải thích kỹ hơn về khái niệm ‘chủ nghĩa lịch sử’ như sau:

+ Chủ nghĩa lịch sử là một cách tiếp cận xã hội, nó cho rằng xã hội vận động
theo quy luật có thể nhận thức được.
+ Chủ nghĩa lịch sử cho rằng trên cơ sở nhận thức được xu hướng, quy luật
khách quan, con người có thể ’dự báo’ được tiến trình của xã hội tương lai.
+ Chủ nghĩa lịch sử cho rằng con người có thể cải biến toàn bộ xã hội cũ, xây
dựng xã hội mới theo những quy luật đã được nhận thức và những mô hình lý tưởng
đã được xác định dựa trên những dự báo về tương lai lâu dài của xã hội [Xem 36,
tr.97-98].
Tác giả Lý Quốc Tú trong tác phẩm “Karl Raimund Popper” dành một phần
rất lớn trình bày quan điểm của Karl Popper về phê phán chủ nghĩa lịch sử, về công
nghệ xã hội từng phần. Tác giả cho rằng, chủ nghĩa lịch sử là trọng điểm phê phán
của Popper. Tác giả trình bày những phê phán của Popper đối với chủ nghĩa lịch sử
ở cả hai trường phái: chủ nghĩa phản tự nhiên và chủ nghĩa tự nhiên mở rộng, có sự
phân tích và cuối cùng tác giả đưa ra những đánh giá của mình đối với sự phê phán
đó. Popper cho rằng, chủ nghĩa lịch sử là lý luận và phương pháp nghiên cứu sự
phát triển xã hội không chỉ có hại cho nghiên cứu khoa học xã hội, mà còn có hại
cho thực tiễn xã hội. Popper nêu lên ‘công nghệ xã hội từng phần’ để đối lập với
‘công nghệ xã hội không tưởng (Utopia)’. Và tác giả đi vào phân tích những quan
niệm trên của Popper. Cuối cùng tác giả đưa ra những nhận định của mình đối với
quan niệm trên của Popper, có thể nói đây là nguồn tư liệu quý để giúp chúng tôi
nghiên cứu và đưa vào trong luận án của mình. [Xem: 49]
Tác giả Nguyễn Minh Hoàn: “Tư tưởng triết học chính trị của Karl Raimund
Popper trong Sự nghèo nàn của thuyết sử luận nhìn từ phương pháp luận mácxít”.
[27]. Đây cũng là bài viết của tác giả tham gia hội thảo quốc tế “Triết học Áo và ý
nghĩa hiện thời của nó”. Trong bài viết này, tác giả đi vào phân tích những quan
điểm triết học chính trị chủ yếu của Popper, với phương pháp luận của mình,
Popper đánh giá về chủ nghĩa lịch sử, nhất là quan điểm lịch sử của triết học Mác.
Tác giả còn đi vào trình bày quan điểm của Popper khi ông phân chia chủ nghĩa lịch

20



sử thành ‘chủ nghĩa phản tự nhiên’ và ‘chủ nghĩa duy tự nhiên’ và tiến hành phê
phán nó. Có thể nói, tuy bài viết ngắn nhưng tác giả đã khái quát cơ bản tư tưởng
triết học chính trị của Popper và đưa ra những nhận xét quý báu góp phần làm rõ
hơn tư tưởng của Popper khi phê phán chủ nghĩa lịch sử.
1.3. NHỮNG CÔNG TRÌNH ĐÁNH GIÁ VỀ NHỮNG GIÁ TRỊ VÀ
NHỮNG HẠN CHẾ VỀ MẶT TRIẾT HỌC TRONG TƯ TƯỞNG CHÍNH
TRỊ - XÃ HỘI CỦA KARL POPPER
1.3.1. Những công trình đánh giá những giá trị về mặt triết học trong tư
tưởng chính trị - xã hội của Karl Popper
Tác giả Lương Đình Hải trong “Karl Popper - xã hội mở và những kẻ thù của
nó” [24], cho rằng việc nghiên cứu các quan điểm của Popper, có thể giúp chúng ta
hiểu sâu thêm nhiều luận điểm của triết học Mác và toàn bộ chủ nghĩa Mác nói
chung, đồng thời hiểu rõ hơn cả những quan điểm của các nhà mácxít đương đại.
Đương nhiên, không thể đồng ý với Popper trên rất nhiều điểm về lịch sử loài
người, về xã hội, về lập trường và cách lập luận của ông, nhưng việc đọc ông giúp
chúng ta hình thành nên trong tư duy của mình cách nhìn hai mặt, suy tư bằng hai
con mắt, hai lỗ tai và bằng tư duy hai chiều, có phê phán, với tất cả những gì mà
chúng ta đã học. Việc đó, một mặt, làm cho chúng ta hiểu sâu hơn các nguyên lý
của chủ nghĩa Mác; mặt khác, hiểu sâu thêm cả những tư tưởng hợp lý và những tư
tưởng phi lý của Popper. Như vậy, có thể xem đây là một đóng góp của Popper
trong việc nghiên cứu triết học nói chung và chủ nghĩa Mác nói riêng.
Khi đi vào phân tích quan niệm của Popper về lịch sử xã hội, tác giả cho rằng
Popper đã chống lại cả một cách nhìn, một loại tư duy siêu hình trong xem xét, mô
tả, giảng dạy và viết lịch sử đang tồn tại thực tế ở nhiều nước, nhiều nơi và nhiều
thời đoạn khác nhau. Không nên bóp méo, xuyên tạc lịch sử theo lợi ích cục bộ, tập
đoàn để viết và nhìn nhận lịch sử theo kiểu khuếch đại mặt này mà xem nhẹ, làm
mờ nhạt các mặt khác làm cho lịch sử mất ý nghĩa chân chính của nó. Quan niệm
của Popper là phải nhìn lịch sử trong sự đa dạng, phong phú, chân thực, đầy đủ như

nó vốn có trong thực tế. Không thể đồng ý với Popper ở nhiều điểm trong quan

21


niệm của ông về lịch sử nói chung, nhưng không thể không đồng ý với ông ở điểm này.
Tác giả cũng cho rằng tư tưởng xã hội mở của Popper là một trong những nội
dung then chốt trong triết học xã hội và chính trị của ông. Sau khi phân tích quan
niệm của Popper về xã hội mở và sự khác nhau giữa xã hội mở và xã hội đóng.
Những quan niệm về xã hội mở của Popper mấy chục năm qua đã có ảnh hưởng rất
lớn đến triết học chính trị, đến việc phê phán chủ nghĩa quyền uy trong tư tưởng
chính trị - xã hội phương Tây. Theo tác giả, tuy không thể hoàn toàn đồng ý với
Popper, nhưng những tư tưởng của ông về đề cao sự tự do lý trí, lý tính của con
người, phủ bác mọi sự cấm kỵ phi lý trí, được thần thánh hóa hay thần bí hóa, ủng
hộ tiến bộ của nhân loại dẫn đến xã hội mở cho đến nay và chắc chắn cho đến cả
mai sau vẫn luôn còn giá trị.
Với những phân tích có dẫn chứng, tác giả đã cho ta thấy được sự đóng góp
của Popper cho khoa học; triết học và khoa học lịch sử trong tác phẩm “Sự nghèo
nàn của chủ nghĩa lịch sử”. Tuy nhiên, do mục đích nghiên cứu, tác giả chỉ trình
bày những đóng góp về mặt triết học trong tác phẩm, sẽ còn nhiều những đóng góp
của Popper cho lịch sử tư tưởng nhân loại mà chúng tôi cần phải rõ hơn nữa.
1.3.2. Những công trình đánh giá về những hạn chế về mặt triết học trong
tư tưởng chính trị - xã hội của Karl Popper
Maurice Cornforth trong tác phẩm “Triết học mở và xã hội mở”, có thể nói đây
là một tác phẩm mà Cornforth phê phán Popper một cách kịch liệt bằng cách bác bỏ
các luận điểm của ông nhằm bảo vệ triết học Mác.
+ Popper cho rằng, triết học Mác là triết học ‘đóng’ tức là ‘giáo điều, cực
đoan’, không có khả năng hoàn thiện và phát triển, còn chủ nghĩa xã hội và chủ
nghĩa cộng sản là sự hiện thực hóa thực tiễn của chúng ta là ‘xã hội đóng’.
Cornforth phê phán quan điểm này của Popper và cho rằng chính triết học mácxít

mới có tính chất “mở” theo đúng nghĩa. Nó là một học thuyết sáng tạo, luôn phát
triển, mở để tiếp thu những thành tựu mới của thực tiễn xã hội và khoa học. Tác giả
cho rằng chính chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản là một chế độ xã hội “mở”
theo nghĩa tính dân chủ đích thực và khả năng của nó luôn được hoàn thiện và tiến

22


×