Tải bản đầy đủ (.pdf) (14 trang)

chẩn đoán và điều trị lồng ruột ở trẻ em

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (695.67 KB, 14 trang )

LỒNG RUỘT Ở TRẺ EM
BS Vũ Tuấn Ngọc, Đại học Y Dược TP.HCM. VN

1. GIỚI THIỆU ........................................................................................................................
1.1 ĐỊNH NGHĨA:
Lồng ruột là một trạng thái bệnh lý được tạo nên do một đoạn ruột chui vào lòng của đoạn
ruột kế cận, gây nên một hội chứng tắc ruột cơ học mà cơ chế vừa là bít nút vừa là thắt nghẽn.
1.2. LỊCH SỬ BỆNH:
- 1674 Paul Barbette mô tả trường hợp lồng ruột điển hình ở trẻ còn bú và cũng là phẩu thuật
viên đầu tiên đề nghị mổ tháo lồng.
- 1871 Jonathan Hutchinson thành công trong trường hợp mổ tháo lồng đầu tiên.
- 1876 Hirschsprung ở Copenhagen đăng thống kê một loạt đầu tiên thành công với tháo lồng
bằng áp lực nước.
- Tử suất giảm dần 1884, 75% ; 1939, 30% ; 1970 (tháo lồng không mổ) 0% và hiện nay, 0 –
2%.
1.3. BỆNH SINH HỌC:
 Lồng ruột cấp tính ở trẻ nhũ nhi (từ 3 tháng tuổi đến 2 tuổi).
Liên quan đến tình trạng rối loạn nhu động ruột mà hiện nay chưa tìm thấy nguyên nhân gây
bệnh. Không thấy tổn thương thực thể khi mổ. Có nhiều giả thuyết được đưa ra để giải thích.
 Thay đổi chế độ ăn:
Nhiều tác giả nhận thấy ở các trẻ trong các nước chậm phát triển thì tỷ lệ lồng ruột tăng cao từ
4 tháng tuổi trở lên, ngược lại ở các nước phát triển thì tỷ tăng cao ở trẻ 6 tháng tuổi trở lên.
Các tháng tuổi này đều liên quan đến chế độ ăn của trẻ bị thay đổi, từ chế độ ăn lỏng đến chế
độ ăn đặc (từ sữa sang ăn dặm), làm rối loạn nhu động ruột, thay đổi về số lần nhu động và cả
về cường độ nhu động (nhanh hơn và mạnh hơn), nhưng quan trọng hơn là nhu động ruột
không đều (lúc nhanh lúc chậm, lúc mạnh lúc yếu) nên ruột dễ chui vào nhau.
 Nhiễm siêu vi đường ruột.
Nguồn gốc do siêu vi trùng của bệnh lý này được gợi ý bỏi các dữ kiện dịch tể theo mùa. Sự
hiện diện Adénovirus trong phân, trong hạch mạc treo, trong khối lồng, trong dịch ruột kết
hợp với lồng ruột một cách có ý nghĩa. Người ta cho rằng nhiễm virus làm tăng nhu động



ruột. Được làm thử nghiệm với mèo, khi cho nhiễm Adénovirus thì niêm mạc ruột phù nề gây
cản trở nhu động ruột, đây là yếu tố tạo thuận lợi cho lồng ruột xuất hiện.
 Các yếu tố khác.
- Thần kinh: ưu thế thần kinh X ở trẻ nhu nhi làm lồng ruột dễ xuất hiện.
- Giới tính: bé trai hay gặp hơn bé gái do áp xuất trong bụng bé trai mạnh hơn bé gái
(Obadalex), nhu động ruột ở bé trai khỏe hơn bé gái.
Những yếu tố này vẫn tỏ ra mơ hồ, chưa thuyết phục được nhiều phẫu thuật viên ngoại nhi.
 Lồng ruột thứ phát:
Phần lớn là những lồng ruột ở trẻ trên 2 tuổi. Khởi điểm là một thương tổn thực thể khu trú
hay rối loạn nhu động ruột do nhiều nguyên nhân khác nhau.
 Hạch: mật độ các mảng Peyer và các hạch mạc treo ruột ở vùng góc hồi manh tràng rất
quan trong, người ta cho rằng chính sự phì đại những tổ chức lympho này tạo nên sự cản
trở nhu động ruột, thường là khởi điểm của lồng ruột.
 Các thương tổn ở thành ruột (túi thừa Meckel, ruột đôi, Polyp, u lành hay ác):
những thương tổn này gây chèn ép vào thành ruột, làm nhỏ lại khẩu kính lòng ruột nên
làm thay đổi nhu động ruột, là một nguyên nhân gây lồng ruột ở trẻ lớn.
 Bệnh lý toàn thân (u lympho, bang xuất huyết dạng thấp, bệnh viêm quánh niêm dịch,
can thiệp phẫu thuật, bệnh nhân đạng được hóa trị) đều có thể là nguyên nhân gây lồng
ruột ở tuổi thiếu niên hay người lớn.
 Lồng ruột mãng tính:
Minchin và Fisacovici nhận thấy 80% trẻ dưới 1 tuổi có manh tràng di động. Vereanu,
Socolescu thấy ở trẻ dưới 4 tháng tuổi, hồi tràng và manh tràng có kích thước không khác
nhau lắm, nhưng trong khoảng từ 4 – 12 tháng tuổi, manh tràng phát triển to nhanh hơn nhiều,
cũng có sự khác biệt về vấn đề vận động cơ ruột ở góc hồi manh tràng bởi sự khác nhau các
phần thu nhận kích thích thần kinh, những yếu tố này là nguyên nhân chính gây lồng ruột tái
đi tái lại nhiều lần, thường lồng ruột dạng này không gây tắc ruột.
1.4. GIẢI PHẪU BỆNH:
 Khối lồng:
Đoạn ruột lồng được gọi là khối lồng

gồm:
- 3 ống vỏ:
+ Ống vỏ ngoài của đoạn ruột chứa
lồng.


+ Ống vỏ trong của đoạn ruột bị lồng.
+ Ống vỏ giữa.
- Đầu lồng.
- Cổ lồng.
- Túi cùng niêm mạc.
- Túi cùng thanh mạc.
Lồng ruột đơn giản nhất có 3 ống ruột,
nhưng có thể lên đến 5 ống ruột (lồng
ruột phức tạp)
 Tên lồng ruột:
– Tên đoạn ruột bị lồng.
– Tên đoạn ruột trung gian.
– Tên đoạn ruột chứa lồng.
Thường gặp nhất là lồng đoạn cuối hồi tràng vào manh tràng hay đại tràng (95%). Điểm khởi
đầu là đoạn cuối hồi tràng, cách van hồi manh tràng từ 10 – 15cm, khối lồng đi theo khung
đại tràng về phía hậu môn.

 Lồng ruột hồi - đại tràng: Khối lồng
không có sự tham gia của manh
tràng (hồi tràng cuốn vào trong đại
tràng), manh tràng và ruột thừa nằm
ngoài khối lồng.
 Lồng ruột hồi – manh – đại tràng:
khi khối lồng có sự tham gia của

manh tràng, ruột thừa nằm trong
khối lồng.
 Lồng ruột hồi – hồi tràng: lồng ruột
non đơn thuần, là thể hiếm gặp của
lồng ruột, khối lồng ở đoạn ruột trên
cao (hồi tràng đoạn trên hay hổng
tràng), đại tràng không tham gia
trong khối lồng.
 Lồng ruột đại – đại tràng: chỉ gặp ở
trẻ thiếu niên (12 – 15 tuổi) là có
nguyên nhân thực thể như sau phẫu
thuật đường tiêu hóa, hay bệnh lý
polypposis.


1.5. SINH LÝ BỆNH.
Khi khối lồng di chuyển theo hướng nhu động ruột, thì mạc treo ruột sẽ chui vào túi cùng
thanh mạc, cho đến khi mạc treo ruột căng cứng thì khối lồng sẽ bị giữ lại không cho tiếp thục
di chuyển nữa (thường đầu lồng ngưng lại ở góc lách đại tràng). Mạc treo ruột bị kẹt trong túi
cùng thanh mạc làm bít nút lòng ruột, làm ứ trệ mạch máu ở cổ lồng, tiến tới là nghẹt các
mạch máu nơi này, phù nề niêm mạc ruột, làm thắt nghẽn ruột, rồi quay lại làm tăng thêm sự
chèn ép mạch máu.

Các dấu hiệu
khởi bệnh:

- Xanh xao, lạnh lẽo do co thắt
mạch ngoại vi
- Nôn sớm


Đau bụng

Thần kinh thực vật
Bạch mạch

Thiếu máu
cục bộ

Động mạch

Chèn ép mạc treo
trong lồng ruột

Phù nề

Tĩnh mạch

Hoại tử
ruột

Mao mạch

Xuất huyết và
xuất tiết nhày

Tiêu máu mũi nhày


2. LÂM SÀNG. ........................................................................................................................
2.1. Lồng ruột cấp ở trẻ nhũ nhi:

 Yếu tố cơ hội:
 Giới: ưu thế phái tính nam với tỷ lệ 2/1.
 Tuổi: có thể gặp ở mọi lứa tuổi, đa số dưới 24 tháng (90%) với đỉnh cao từ 4 tháng – 9
tháng tuổi. Nếu xảy ra sau 2 tuổi thường nằm trong nhóm lồng ruột có nguyên nhân.
 Mùa: phần lớn các tác giả đều ghi nhận tỷ lệ lồng ruột tăng cao vào đầu mùa xuân (có
trùng hợp giữa mùa viêm ruột, viêm phế quản, viêm phổi). Với các vùng khí hậu ôn hòa
tỷ lệ lồng ruột xuất hiện quanh năm.
 Bụ bẩm: Kinh điển lồng ruột thường xảy ra ở trẻ dinh dưỡng tốt (bụ bẫm, sổ sữa),
không thấy ở trẻ suy dinh dưỡng. Thường thể hiện ở trạng thái khỏe mạnh, đặc biệt rất
hiếu động.
 Triệu chứng cơ năng:
 Khóc thét: đột ngột và dữ dội về cường độ, khóc từng đợt theo sự gia tăng về cường độ
của nhu động ruột. Bé đang khỏe mạnh, háu bú, đột nhiên khóc thét 2 chân co, ưởn
người. Nếu bé đang được bế thì bé sẽ bám chặt vào mẹ hoặc ưởn gồng người ra phía
trước. Mỗi cơn khóc do đau kéo dài từ 5 – 10 phút, trong cơn bé tái nhợt vã mồ hôi.
Giữa hai cơn bé mệt lã, thiếp đi và bỏ bú.
 Bỏ bú: (do bé đau không thể bú được) được xem là triệu chứng chỉ điểm cho bệnh lý
lồng ruột ở trẻ nhũ nhi. Bé thường khóc thét và lắc đầu ra khỏi vú mẹ hay ở trẻ lớn hơn
sẽ dùng tay gạt vú mẹ ra ngoài.
 Nôn vọt: Thường xuất hiện sớm sau những cơn khóc thét đầu tiên. Lúc đầu là nôn sớm
ra sữa và thức ăn vừa ăn vào (do phản xạ), muộn hơn là nôn ra thức ăn đã tiêu hóa lẫn
dịch mật (do tắc ruột).
 Tiêu nhày máu: Thường xuất hiện từ 6 – 12 giờ sau cơn đau đầu tiên. Đây là triệu
chứng khiến cha mẹ đưa bé đến bệnh viện. Thường là máu lẫn nhày (đàm máu) là những
đám nhày trắng quyện vào những sợi máu hay những đám máu nhỏ. Trước 6 giờ bé vẫn
có thể đi cầu phân vàng bình thường do trong bóng trực tràng của bé vẫn còn lại phân
cũ. Nếu sau 12 giờ bé vẫn không đi cầu máu, thì ta có thể đặt sonde hậu môn (nelaton)
sau đó rút ra nếu có dính đàm máu trên đầu ống sonde thì coi như bé có triệu chứng tiêu
đàm máu.
Ba triệu chứng khóc thét, nôn vọt, tiêu đàm máu được coi là tam chứng kinh điển để chẩn

đoán lồng ruột ở trẻ nhũ nhi.


 Triệu chứng toàn thân.
Nếu trẻ đến sớm trước 48 giờ thì tổng trạng còn tốt, trường hợp đến muộn trẻ mệt mõi, lờ đờ,
mất nước – điện giải và có thể sốt.
 Triệu chứng thực thể.
 Khối lồng: nếu trẻ đến sớm, bụng chưa chướng khám dọc khung đại tràng từ hố chậu
trái sang hố chậu phải có thể sờ thấy khối lồng dưới dạng khối hình bầu dục hay hơi dài,
chắc, bề mặt láng, giới hạn không rõ, di động nhiều, vị trí thường nằm ở hông phải hay
hạ sườn phải. Khi sờ vào khối lồng bé đau và có phản ứng thành bụng. Điều cần lưu ý là
đừng lầm lẫn khối lồng với múi cơ thẳng bụng hay bờ dưới gan. Tỷ lệ khám thấy được
khối lồng rất cao trên 85% nếu trẻ được cho an thần (làm dịu cơn đau). Bình thường khi
khám bụng trẻ quấy khóc, gồng bụng nên ít khi sờ thấy được khối lồng.
 Hố chậu phải rỗng (dấu hiệu Dance): hiếm có và chỉ thấy khi trẻ đến thật sớm do
manh tràng và đại tràng lên bị cuốn lên vào trong khối lồng, muộn hơn thì các quai ruột
non chướng hoi sẽ lắp đầy hố chậu phải, thường dấu hiệu này không có giá trị chẩn
đoán.
 Thăm trực tràng: bóng trực tràng rỗng và có thể thấy có máu theo găng. Trong trường
hợp khối lồng xuống quá sâu, ta có thể sờ chạm khối lồng (chú ý: chỉ thăm khám trực
tràng ở trẻ đã lớn, ở trẻ nhỏ sẽ làm tổn thương hậu môn).
2.2. Lồng ruột thứ phát:
 Ở trẻ sơ sinh:
Rất hiếm, chỉ thấy nói trong y văn. Thường xảy ra do có một dị dạng ruột (ruột đôi, nang
ruột). Bệnh cảnh lâm sàng thường tắc ruột non kèm theo đi cầu ra máu, sờ thấy khối u trong ổ
bụng. Chỉ được chẩn đoán xác định trong lúc phẫu thuật.
 Trẻ trên 2 tuổi:
Những lồng ruột mà khởi điềm là một tổn thương thực thể tại chổ hay rối loạn nhu động ruột
do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Nguyên nhân gây bệnh.

– Túi thừa Meckel: 50% các trường hợp lồng ruột ở trẻ trên 2 tuổi
– Khối u:
 U lành: polype đơn độc, đa polype thiếu niên hay u loạn sản phôi, hội chứng Peutz –
Jeghers, u máu.
 U ác: sarcome hay lymphosarcome.
 Hạch: viêm sưng to ở góc hồi manh tràng.


– Dị dạng đường tiêu hoá: ruột đôi, các lạc sản mô tuỵ hay dạ dày. Những tổn thương này
thường gây lồng hồi – hồi tràng, không thấy trên phim đại tràng cản quang và chẩn đoán siêu
âm là phương tiện để tìm thấy khối lồng ở ruột non.
Nguyên nhân toàn thân:
– Lồng ruột trên bệnh nhân có ban xuất huyết dạng thấp (BXHDT): gặp ở trẻ 4 – 8 tuổi. Là
một biến chứng kinh điển, hiếm gặp (5 – 10% BXHDT). Có thể là hậu quả những rối loạn nhu
động do ban xuất huyết ở đường tiêu hoá, một hématome ở thành ruột có thể là khởi điểm
lồng, biểu hiện trong đợt XHDT, thường gặp những thể lồng ruột thoáng qua, gây triệu chứng
đau bụng.
– Lồng ruột trên bệnh viêm quánh niêm dịch: hiếm gặp ở trẻ trên 4 tuổi, chiếm 1% những
biểu hiện tiêu hoá của bệnh lý này. Tắc ruột do phân đặc quánh trong trong đoạn cuôi ruột
non là nguyên nhân có thể gây lồng ruột.
– Lồng ruột ở trẻ đang dùng đa hoá trị: đặc biệt là Méthotrexate có thể có rối loạn nhu động
ruột, day thành ruột, tạo thuận lợi cho lồng ruột xuất hiện.
– Lồng ruột sau mổ: Chuyên biệt ở trẻ em (1,5 – 6% các trường hợp lồng ruột 0,08 – 0,5% sau
các phẫu thuật trong ổ bụng), thường xuất hiện sau những phẩu thuật làm thay đổi những liên
quan giải phẫu trong ổ bụng, đặc biệt sau những phẫu thuật ở tầng trên mạc treo đại tràng
ngang, sau phúc mạc, những trường hợp cắt bỏ những khối u lớn, hạ đại tràng đường bụng –
tầng sinh môn, thoái vị hoành và ngay cả những can thiệp trên ruột non. Tuy nhiên, có thể gặp
sau những phẫu thuật tim mạch, lồng ngực, chỉnh hình.

 Chẩn đoán:

Các triệu chứng lâm sàng ở trẻ lồng ruột thứ phát thường nghèo nàn, triệu chứng không rõ
ràng, trẻ có thể chỉ đau bụng đơn thuần từng cơn, hay chỉ nôn, giống như tìng trạng rối loạn
tiêu hóa. Chỉ được chẩn đoán xác định nhờ các xét nghiệm về hình ảnh học.
2.3 Lồng ruột mãn tính:
 Nguyên nhân của lồng ruột mãn tính là do manh tràng di động hay sự bất tương xứng về
khẩu kính giữa hồi tràng và manh tràng.
 Triệu chứng thường thể hiện tình trạng lồng ruột cấp trong một thời gian ngắn sau đó
tình trạng lại bình thường. Một thời gian sau triệu chứng lồng ruột cấp lại xuất hiện. Nếu
được xử trí tháo lồng không mổ các triệu chứng sẽ biến mất ngay, nhưng sau một thời
gian triệu chứng lồng ruột cấp lại xuất hiện. Tình trạng này có thể kéo dài nhiều lần
trong một tháng hay trong một năm.
 Chẩn đoán lồng ruột mãn thường dựa vào các triệu chứng đau bụng từng cơn, nôn vọt,
khám sờ thấy khối lồng và cận lâm sàng về hình ảnh học nhìn thấy được khối lồng.


3. CHẨN ĐOÁN HÌNH ẢNH HỌC. ....................................................................................
Nhờ những tiến bộ kỹ thuật hình ảnh, từ vai năm nay siêu âm đã trở thành xét nghiệm
chính để chẩn đoán.
3.1. X quang bụng không sửa soạn.
Trong trường hợp trẻ đến sớm chưa có dấu
hiệu tắc ruột, Xquang bụng bụng không sửa
soạn ít đóng góp cho chẩn đoán lồng ruột,
chỉ có tác dụng gợi ý lồng ruột trong các
trường hợp với các hình ảnh:
– Vắng hơi và phân trong đại tràng.
– Khối mờ hình bầu dục của u lồng (rất hiếm
thấy).
– Không thấy bóng manh tràng ở hố chậu
phải.
Nếu trẻ đến trễ Xquang bụng không sửa

soạn giúp chẩn đoán tắc ruột với các hình
ảnh:
– Ổ bụng mờ, các quai ruột non dãn căng, có
nhiều mức nước – hơi phân tầng.
Cần lưu ý là khi có triệu chứng tắc ruột cơ
học thật sự: đau, nôn, chướng hơi, sonde dạ
dày ra dịch xanh rêu, sonde ra máu bầm, sẽ
chống chỉ định thụt tháo để chẩn đoán hay
điều trị và không được loại trừ chẩn đoán
lồng ruột bằng phim bụng không chuẩn bị.
3.2. Chụp đại tràng cản quang.
Khi không có siêu âm, chụp đại tràng cản quang vẫn là xét nghiệm chính chẩn đoán.
Chất cản quang có thể dùng là baryte, cản quang có iod tan trong nước (cho trẻ dưới 3 tháng tuổi)
hay hơi.
Các hình ảnh thường gặp là hình cắt cụt, càng cua, lưỡi liềm (mỏ chim), bia hay đáy chén.

HÌNH CẮT CỤT

HÌNH LƯỠI LIỀM


HÌNH CÀNG CUA
3.3. Siêu âm.
Là bước chủ yếu của chẩn đoán, có một độ nhậy tuyệt vời 100% với một giá trị chẩn đoán
âm tính cũng là 100%.
Làm tốt khi trẻ nằm yên. Đại đa số những trường hợp khối lồng nằm trong đại tràng , vùng
dưới gan.
Khối lồng: cắt ngang có hình cocarde với vòng ngoại vi giảm âm, bao quanh một vùng
trung tâm tăng âm (vỏ hành). Cắt dọc có hình ảnh bánh mì sandwich hay “giả thận”, một vùng
giảm âm bao quanh một vùng tăng âm. Phù nề ruột càng ít, sự phân biệt các lớp khác nhau

này càng dễ.
Hình ảnh cocarde không phải là hình ảnh đặc trưng của LR, có thể gặp trong bệnh Crohn,
viêm ruột non ruột già, máu tụ hay xoắn ruột. Chính các dữ kiện lâm sàng khi đó hướng dẫn
siêu âm chẩn đoán.
Ngoài ra còn có thể tìm thấy thương tổn nguyên nhân gây lồng ruột: polype, túi thừa, khối
u, ruột đôi và còn giúp hướng dẫn tháo lồng không mổ dưới áp lực nước hay hơi
Giới hạn của siêu âm là đôi khi khó kiểm tra những trường hợp lồng hồi – hồi tràng do có
hơi trong các quai ruột non xen vào.

4.

HÌNH CORCARDE

HÌNH GIẢ THẬN


CHẨN ĐOÁN. .........................................................................................................................
4.1. Chẩn đoán xác định:
 Ở tuổi nhũ nhi.
Tam chứng kinh điển (khóc thét, nôn vọt, tiêu đàm máu) và triệu chứng bỏ bú là các triệu
chứng vàng để chẩn đoán lồng ruột ở trẻ nhũ nhi. Nếu sờ thấy khối lồng có thể đưa ra chẩn
đoán xác định. Nếu không sờ thấy khối lồng thì siêu âm bụng có hình ảnh cocarde hay giả
thận được coi như đã xác định chắc chắn lồng ruột.
 Ở trẻ lớn hay thể mãn tính:
Cận lâm sàng mang tính chất quyết định để chẩn đoán lồng ruột, vì triệu chứng lâm sáng quá
nghèo nàn và mơ hồ.
4.2. Chẩn đoàn phân biệt:
 Khi chỉ có tiêu máu.
- Lỵ :
Hiếm gặp ở trẻ nhũ nhi, chỉ có thể lầm lẫn với thể bán cấp ở trẻ lớn.

Có quấy khóc nhưng không thành cơn điển hình.
Thường không bỏ bú.
Ít khi có nôn.
- Viêm dạ dày, ruột
Cũng có quấy khóc nhưng không thành cơn.
Không bỏ bú.
Ít khi có nôn.
Tình trạng nhiễm trùng ngay từ đầu.
Về mặt nguyên tắc, ở nhũ nhi có tiêu máu thì không được chẩn đoán và điều trị như một bệnh
lý nội khoa tiêu hoá khi chưa loại trừ hoàn toàn lồng ruột.
 Khi chỉ sờ thấy u lồng.
Cần phân biệt với búi giun trong bệnh cảnh tắc ruột do giun:
– Rất ít xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi, do đó chỉ có thể lầm lẫn với u lồng trẻ lớn.
– Không có tiêu máu mũi nhày.
– U sờ thấy quanh rốn, mềm và lổn nhổn những lằn của giun.
Trong mọi trường hợp X quang và siêu âm sẽ giúp chẩn đoán phân biệt dễ dàng hơn.


5. ĐIỀU TRỊ. ............................................................................................................................
5.1. Hồi sức bệnh nhân:
Khi đã có chẩn đoán lồng ruột thì bé cần được điều trị càng sớm càng tốt. Trường hợp cần
được hồi sức thì cũng không nên kéo dài quá 3 giờ.
– Đặt và lưu thông dạ dày để tháo lưu dịch dạ dày và hút cách khoảng.
– Bồi hoàn nước và điện giải.
– Kháng sinh: nếu có sốt, bạch cầu tăng cao.
– Xét nghiệm tiền phẫu.
5.2. Tháo lồng không mổ : Bằng hơi( oxy, không khí), nước muối sinh lý, baryt.
Xuất phát từ các yếu tố sau: 80 – 90% lồng ruột xảy ra dưới 24 tháng, 90% các lồng ruột tự
phát không có nguyên nhân. 95% lồng hồi – manh tràng, hồi – manh – đại tràng.
 Tháo lồng bằng hơi áp lực chuẩn có van an toàn:

Phổ biến nhất tại Việt Nam. Nguyên tắc tháo lồng không phẫu thuật là tăng áp lực đại tràng
đoạn dưới khối lồng, dùng áp lực này để đẩy đầu lồng thoát khỏi cổ lồng.
Chống chỉ định.
 Đến muộn sau 48 giờ.
 Tắc ruột hoàn toàn trên lâm sàng và X-quang , hay đã có biến chứng thủng ruột gây
viêm phúc mạc, có thể có sốc.
 Lồng ruột non.
 Nguyên tắc tiến hành (tháo lồng bằng hơi)
 Tiền mê, chống co thắt
 Tháo với áp lực chuẩn 90-110 mmHg, duy trì một áp lực cao nhất không quá 3-4 phút
một lần.
 Không tháo quá 3 lần, mỗi lần tháo nghỉ 5 phút.
Dụng cụ:
 Một sonde foley: dùng bóng khí
của sonde để đóng chặt hậu môn,
không cho khí thoát ra ngoài.
 Một manomètre kiểm soát áp lực
90-110mmHg.


Dấu hiệu tháo lồng thành công:
 Cột áp lực không lên cao được khi tiếp tục tiến hành bơm hơi vào ruột.
 Bụng chướng tròn đều, đặc biệt là bụng giữa không xẹp đi nhiều sau khi đã ngưng tháo
và lưu thông trực tràng.
 Hơi qua thông dạ dày.
 Không sờ thấy u lồng và các triệu chứng của lồng ruột được cải thiện nhanh chóng.
 X-quang hay siêu âm kiểm tra không còn hình ảnh lồng ruột và hơi tràn đầy vào các
quai ruột non .
 Theo dõi sau tháo lồng :
Cho trẻ nằm viện từ 12 giờ đến 24 giờ tùy theo từng bệnh nhân. Việc nằm viện này nhằm

chắc chắn là không có lồng ruột tái phát sớm: lâm sàng cải thiện, trẻ ăn lại tốt, đi cầu được
phân vàng.
 Tai biến
– Hít chất nôn vào đường thở gây tử vong.
– Vỡ đại tràng: 0,1 – 1,1% (trong khi tháo bằng baryte 0,39 – 0,70%).


 Kết quả
Không có những nghiên cứu ngẫu nhiên đa trung tâm, do đó khó xác định ưu thế của các
phương pháp tháo lồng khác nhau. Kết quả tháo lồng thành công tùy thuộc vào kinh nghiệm
của ê-kíp hơn là phương pháp sử dụng.
Kết quả chung của tháo lồng bằng hơi vào khoảng > 90%.
Kết quả chung của tháo lồng bằng nước hay barryt vào khoảng 80% _ 85%
 Các nguyên nhân gây thất bại
– Thể lồng hồi – đại tràng, các thể lồng phức tạp.
– Có một tổn thương thực thể là khởi điểm lồng.
 Tái phát lại:
2 – 10% sớm (trong những ngày kế tiếp) hay muộn (trong những tuần hay tháng kế tiếp).
5.3. Mổ tháo lồng
 Chỉ định:
– Tuyệt đối :
+ Những trường hợp có chống chỉ định tháo lồng không mổ: chiếm 5-10% các trường hợp
lồng ruột.
+ Thất bại sau tháo lồng không mổ.
– Các trường hợp lồng ruột ở trẻ lớn hay thể mãn tính: phải mổ để cắt bỏ nguyên nhân
gây lồng.
Nguyên tắc phẫu thuật
– Đánh giá khả năng sống của ruột
– Không bỏ sót lồng hồi – hồi tràng bên trên.
– Tìm một nguyên nhân thực thể gây ra lồng ruột và xử trí nguyên nhân này.

Biến chứng : do gây mê, viêm phổi, sốt cao xanh tím, nhiễm trùng vết mổ, tắt ruột do dính:
1%
Thời gian nằm viện lâu hơn tháo lồng không mổ: 5 ngày.
 Phẫu thuật:
– Mổ tháo lồng bằng tay cần được thực hiện khi u lồng dễ tháo, chỉ cần xác định đoạn ruột có
bị hoại tử hay không.


– Cắt bỏ u lồng khi khối lồng không tháo được, nối hai đầu ruột nếu điều kiện bệnh nhân cho
phép.
– Cắt bỏ khối lồng, đưa hai đầu ruột ra ngòai trong trường hợp bệnh nhân nặng không cho
phép nối ruột thì đầu.

6. DỰ HẬU. ..............................................................................................................................
Tỷ lệ bệnh nặng: bệnh nhân đến trễ, những biến chứng của lồng ruột (hoại tử ruột hay thủng,
sốc nhiễm trùng) và bệnh căn dẫn đến lồng ruột.
Tử vong: 0 – 2% do chẩn đoán trễ, xử trí không hiệu quả, bệnh căn dẫn đến lồng ruột.
Nhờ chẩn đoán sớm, phối hợp chặt chẽ các ê-kíp : nhi khoa, nội khoa, X-quang và phẫu
thuật viên mà người ta đã cải thiện được tiên lượng bệnh lồng ruột, một bệnh lành tính ở nhũ
nhi và trẻ em.
7.TÀI LIỆU THAM KHẢO. ...................................................................................................
1. Daniel G.Young: Intussusception. In pediatric surgery – James A. O’Neils Jr. volume
two. Fifth Edition 1998; 77: 1185-95.
2. Daniel P.Doody. Intussusception. Surg. of Infants and children. Keith T. oldham, volum
two. 1997; 76: 1241-8.
3. Đức Nguyễn Văn: Lồng ruột. Phẫu thuật nhi khoa tập 1 cuốn 2. 1982; 5: 257-84.
4. Mark M.Ravitch. Intussusception. Pediatric surg., Kenneth J. Welch, volum two. 1986;
88: 868-82.
5. Mary E.Fallat, MD: Intussusception. In pediatric surgery. Ashcraft. 3rd Edition. 2000: 39:
518-26.

6. Linh Trương Nguyễn Uy: Lồng ruột ở trẻ em. Trong bệnh học và điều trị học Ngoại khoa
– Ngoại nhi. ĐHYD TP.HCM. 2002; 16: 163-75.
7. Liêm Nguyễn Thanh: Lồng ruột. Trong phẫu thuật tiêu hóa trẻ em. 2000; 16: 163-75.
8. Spencer W.Beasley. Intussusception. New Born Surg., prem puri. 2003: 58: 557-60.



×