BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA
HỒ CHÍ MINH
HỌC VIỆN BÁO CHÍ VÀ TUYÊN TRUYỀN
NGUYỄN BÙI KHIÊM
PHONG CÁCH TẢN VĂN BÁO CHÍ
CỦA NGÔ TẤT TỐ
LUẬN ÁN TIẾN SĨ BÁO CHÍ HỌC
HÀ NỘI - 2019
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA
HỒ CHÍ MINH
HỌC VIỆN BÁO CHÍ VÀ TUYÊN TRUYỀN
NGUYỄN BÙI KHIÊM
PHONG CÁCH TẢN VĂN BÁO CHÍ
CỦA NGÔ TẤT TỐ
Ngành:
Báo chí học
Mã số:
9.32.01.01
LUẬN ÁN BÁO CHÍ HỌC
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: GS, TS. TẠ NGỌC TẤN
HÀ NỘI - 2019
LỜI CAM ĐOAN CỦA TÁC GIẢ LUẬN ÁN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số
liệu, kết quả được trình bày trong luận án này là trung thực và chưa được
công bố trong bất kỳ công trình nào khác.
Tác giả luận án
NGUYỄN BÙI KHIÊM
LỜI CẢM ƠN
Tôi xin trân trọng cảm ơn Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Khoa Báo
chí đã tạo điều kiện thuận lợi cho tôi học tập và nghiên cứu; xin bày tỏ lòng
biết ơn sâu sắc tới các thầy giáo, cô giáo Khoa Báo chí và các khoa, phòng,
ban, trung tâm của Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã tận tình giảng dạy,
giúp đỡ tôi trong quá trình học tập, nghiên cứu, hoàn thành luận án này.
Đặc biệt, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành và sâu sắc đến Giáo sư, Tiến
sĩ Tạ Ngọc Tấn - người đã tận tình giúp đỡ tôi trong suốt quá trình học tập,
nghiên cứu và hoàn thành luận án.
Hà Nội, ngày 22 tháng 01 năm 2019
Tác giả luận án
NGUYỄN BÙI KHIÊM
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU ....................................................................................................................1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VỀ PHONG CÁCH TẢN VĂN
BÁO CHÍ CỦA NGÔ TẤT TỐ ................................................................................7
Chƣơng 1: LÝ LUẬN CHUNG VỀ TẢN VĂN VÀ PHONG CÁCH TẢN VĂN
BÁO CHÍ..................................................................................................................28
1.1. Tản văn và tản văn báo chí......................................................................28
1.2. Phong cách và phong cách báo chí .........................................................41
1.3. Một số nhân tố chi phối, ảnh hưởng tới phong cách tản văn báo chí của
Ngô Tất Tố .....................................................................................................46
Chƣơng 2: PHONG CÁCH TẢN VĂN BÁO CHÍ CỦA NGÔ TẤT TỐ QUA
BÌNH DIỆN NỘI DUNG TÁC PHẨM .................................................................55
2.1. Đề tài trong tản văn báo chí của Ngô Tất Tố ..........................................55
2.2. Chi tiết trong tản văn báo chí của Ngô Tất Tố ........................................62
2.3. Một số dự báo trong tản văn báo chí của Ngô Tất Tố ............................72
Chƣơng 3: PHONG CÁCH TẢN VĂN BÁO CHÍ CỦA NGÔ TẤT TỐ QUA
BÌNH DIỆN HÌNH THỨC VÀ KẾT CẤU TÁC PHẨM ....................................83
3.1. Phong cách đặt đầu đề tản văn báo chí của Ngô Tất Tố .........................83
3.2. Sức sáng tạo trong kết cấu tản văn báo chí của Ngô Tất Tố ...................88
3.3. Sức thuyết phục logíc của tản văn báo chí Ngô Tất Tố ..........................96
Chƣơng 4: PHONG CÁCH NGÔN NGỮ TẢN VĂN BÁO CHÍ CỦA
NGÔ TẤT TỐ ............................................................................... 104
4.1. Sử dụng linh hoạt nhiều lớp từ ..............................................................104
4.2. Sáng tạo trong việc sử dụng các tình thức biểu cảm .............................111
4.3. Sử dụng ngôn ngữ trào phúng, châm biếm, giàu tính chiến đấu ..........119
Chƣơng 5: Ý NGHĨA VÀ MỘT SỐ BÀI HỌC VỀ NGHIỆP VỤ LÀM BÁO
RÚT RA TỪ KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU PHONG CÁCH TẢN VĂN BÁO CHÍ
CỦA NGÔ TẤT TỐ ..............................................................................................128
5.1. Ý nghĩa thực tiễn của kết quả nghiên cứu về tản văn báo chí Ngô Tất Tố........128
5.2. Một số bài học về nghiệp vụ làm báo rút ra từ kết quả nghiên cứu phong
cách tản văn báo chí của Ngô Tất Tố ...........................................................136
KẾT LUẬN ............................................................................................................147
DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH ĐÃ CÔNG BỐ CỦA TÁC GIẢ ...............152
TÀI LIỆU THAM KHẢO ....................................................................................153
DANH MỤC BẢNG
Bảng 3.1. Bảng so sánh độ dài của đầu đề tản văn báo chí của Ngô Tất Tố, theo từng tờ
báo và từng năm từ năm 1928 đến năm 1945 ..................................................84
Bảng 3.2. Bảng thống kê độ dài của đầu đề tản văn báo chí của Ngô Tất Tố (trên
tổng số 1.147 tác phẩm được khảo sát) .........................................................85
Bảng 4.1. Bảng phân tích thành ngữ sử dụng trong tản văn báo chí của Ngô Tất Tố
......................................................................................................................116
QUY ƢỚC TRÌNH BÀY
Tài liệu trích dẫn được ghi theo số thứ tự tương ứng trong phần danh
mục TÀI LIỆU THAM KHẢO và được đặt trong dấu ngoặc vuông [x, tr.]
ngay sau phần có liên quan, sau dấu phảy (, tr.) là số trang. Thông tin đầy đủ
về tài liệu trích dẫn được ghi trong mục tài liệu tham khảo đặt cuối luận án.
Tên của các cơ quan, tài liệu được in nghiêng, ví dụ: Nhà xuất bản Giáo
dục; Viện dân biểu. Trong một số trường hợp, tên của bài báo, tài liệu, hoặc
tên, số báo được đặt trong hai dấu ngoặc đơn (…) ví dụ (Ở hiền gặp lành),
hoặc tên các tài liệu tờ báo được sử dụng, trích dẫn, như: (Thực nghiệp Dân
báo, 1933). Phần được trích dẫn in nghiêng và được đặt trong hai dấu ngoặc
kép “…”. Ví dụ: Các tác giả của Từ điển tiếng Việt định nghĩa “Thành ngữ là
tập hợp từ cố định đã quen dùng mà nghĩa thường không thể giải thích được
một cách đơn giản bằng nghĩa các từ tạo nên nó”[38, tr.789].
Đối với các trích dẫn không nguyên văn, trong dấu [x] chỉ có số thứ tự
tài liệu tham khảo mà không có số trang.
1
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Ngô Tất Tố là một trong những nhà văn, nhà báo lớn, có nhiều đóng
góp cho sự nghiệp văn học và báo chí nước ta những năm đầu thế kỷ XX. Tài
năng của ông được bộc lộ trên nhiều phương diện: sáng tác, khảo cứu, dịch
thuật. Riêng ở mảng sáng tác, ông bộc lộ tài năng trên nhiều thể loại: tiểu
thuyết, phóng sự, tản văn báo chí… Ở bất kỳ thể loại nào, Ngô Tất Tố cũng
để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc. Thân thế, sự nghiệp sáng
tác của ông đã thu hút sự chú ý của nhiều nhà nghiên cứu, phê bình trên cả
lĩnh vực văn học và báo chí.
Theo tổng hợp chưa đầy đủ, đến nay đã có khoảng 400 công trình
nghiên cứu là những bài báo của các cây bút cùng thời với Ngô Tất Tố; các
chuyên đề nghiên cứu khoa học của các nhà giáo, nhà nghiên cứu; các khóa
luận tốt nghiệp đại học, luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ… với mục đích, phạm
vi, đối tượng nghiên cứu liên quan đến các bình diện khác nhau về cuộc đời,
sự nghiệp văn học, sự nghiệp báo chí của Ngô Tất Tố.
Việc nghiên cứu về Ngô Tất Tố nhìn chung đã khá toàn diện. Tuy
nhiên, theo khảo sát của chúng tôi, các công trình nghiên cứu về sự nghiệp
báo chí của ông vẫn còn khá khiêm tốn và còn có những khoảng trống nhất
định bởi hầu hết chỉ dựa trên cơ sở nghiên cứu khoảng 100 tác phẩm báo chí
được xác định là của Ngô Tất Tố và công bố từ năm 1975, trong khi di sản
báo chí của ông còn rất lớn. Mặt khác, nói đến tác phẩm báo chí của Ngô Tất
Tố không thể không nhắc đến tản văn - thể loại tác phẩm chứa đựng sắc nét
phong cách của Ngô Tất Tố nhưng lại chưa được nghiên cứu, lý giải thỏa
đáng cho tương xứng với tầm vóc của chủ thể sáng tạo.
Trong thời gian qua, nhiều nhà nghiên cứu đã dày công tìm kiếm và
tổng hợp được một số lượng lớn tác phẩm báo chí của Ngô Tất Tố đăng báo
trong khoảng thời gian từ năm 1926 đến năm 1945; năm 2005 đã có khoảng
2
1.350 tác phẩm báo chí đã được xác định là của Ngô Tất Tố và năm 2011 các
tác phẩm đó được hợp tuyển và in trong cuốn Tổng tập tản văn Ngô Tất Tố.
Bước đầu khảo sát những tác phẩm báo chí của Ngô Tất Tố, chúng tôi
đặt ra một số vấn đề cần nghiên cứu: 1) Sự hình thành và phát triển văn xuôi
trên báo chí Việt Nam giai đoạn từ nửa sau thế kỷ XIX đến năm 1945 là cơ sở
để hình thành và phát triển của tản văn báo chí; 2) Bối cảnh kinh tế - xã hội
đầu thế kỷ XX là một trong những nhân tố chi phối và hình thành phong cách
tản văn báo chí nói chung và tản văn báo chí của Ngô Tất Tố nói riêng; 3) Tản
văn báo chí của Ngô Tất Tố là kết quả của những tìm tòi thể nghiệm của ông
trong tiến trình vận động và phát triển của báo chí Việt Nam; 4) Phong cách
tản văn báo chí của Ngô Tất Tố từng bước có sự phát triển theo hướng hoàn
thiện phong cách làm báo hiện đại.
Với di sản báo chí to lớn mới được xác định, cùng với những vấn đề đặt
ra nêu trên cần có lời giải đáp, chúng tôi thấy rằng, việc nghiên cứu về sự
nghiệp báo chí của Ngô Tất Tố nói chung, về phong cách tản văn báo chí của
Ngô Tất Tố nói riêng là cần thiết. Qua đó, có thể hệ thống hóa được phong
cách tản văn báo chí của Ngô Tất Tố trong bối cảnh hoạt động báo chí trước
Cách mạng tháng Tám; góp phần đánh giá được đầy đủ và toàn diện hơn về
tài năng, thành tựu cũng như những đóng góp của ông trong lịch sử báo chí
Việt Nam; góp phần làm giàu cơ sở lý luận báo chí và rút ra được ý nghĩa và
những bài học, giúp cho người làm báo hôm nay nâng cao trình độ nghiệp vụ.
Từ những lý do đó, chúng tôi chọn đề tài nghiên cứu: “Phong cách tản
văn báo chí của Ngô Tất Tố” cho luận án tốt nghiệp khóa nghiên cứu sinh
ngành báo chí học của mình.
2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
2.1. Mục đích nghiên cứu
Trên cơ sở hệ thống hóa và phát triển lý thuyết về tản văn báo chí và
phong cách tản văn báo chí, luận án đi sâu phân tích để có thể nhận diện được
phong cách tản văn báo chí của Ngô Tất Tố thể hiện qua nội dung, hình thức kết
3
cấu và ngôn ngữ tản văn báo chí của ông. Từ đó có thể rút ra ý nghĩa và một số
bài học về nghiệp vụ làm báo nói chung và thể loại tản văn báo chí nói riêng.
2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
- Nghiên cứu và hệ thống hóa những vấn đề lý luận văn học, lý luận
báo chí liên quan đến tản văn, tản văn báo chí; phong cách và phong cách tản
văn báo chí.
- Tổng hợp, phân tích và đánh giá tản văn báo chí của Ngô Tất Tố, qua
đó làm rõ đặc điểm phong cách tản văn báo chí của Ngô Tất Tố.
- Đúc kết những bài học thiết thực cho hoạt động nghiệp vụ báo chí đương
đại từ thực tiễn hoạt động báo chí và sáng tạo tản văn báo chí của Ngô Tất Tố.
- Đề xuất những vấn đề cần tiếp tục giải quyết, nghiên cứu.
3. Đối tƣợng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận án là phong cách tản văn báo chí của
Ngô Tất Tố cả về phương diện nội dung tư tưởng lẫn hình thức thể hiện thông
qua các tư liệu của Ngô Tất Tố nói chung và các tác phẩm tản văn báo chí của
ông nói riêng.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
- Nghiên cứu, khảo sát những tác phẩm tản văn báo chí của Ngô Tất Tố
đã được tuyển in trong: Tổng tập tản văn Ngô Tất Tố; Ngô Tất Tố tiểu phẩm
báo chí; Ngô Tất Tố tác phẩm… và một số tác phẩm báo chí của Ngô Tất Tố
đăng báo trước năm 1945 mà chúng tôi tiếp cận được từ các nguồn khác.
- Nghiên cứu tổng quan về Ngô Tất Tố; qua đó phân tích, kế thừa một
số kết quả nghiên cứu về Ngô Tất Tố, nhất là về sự nghiệp báo chí của Ngô
Tất Tố đã có từ trước đến nay.
4. Cơ sở lý luận và phƣơng pháp nghiên cứu
4.1. Cơ sở lý luận
- Luận án được xây dựng trên cơ sở vận dụng quan điểm của chủ nghĩa
Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí, nhất là những quan điểm,
nguyên tắc trong hoạt động sáng tạo của người làm báo.
4
- Vận dụng lý luận báo chí, lý luận văn học và những kết quả nghiên
cứu: 1) Về lịch sử báo chí; 2) Về hệ thống lý luận thể loại tác phẩm báo chí,
nhất là về thể loại tác phẩm báo chí chính luận nghệ thuật; 3) Về lý luận văn
học; 4) Về lý luận phong cách và các tài liệu liên ngành liên quan.
4.2. Phương pháp nghiên cứu
Để thực hiện mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài, chúng tôi chủ
yếu sử dụng các phương pháp nghiên cứu sau đây:
- Phương pháp nghiên cứu lịch sử: lý giải đặc điểm phong cách tản văn
báo chí của Ngô Tất Tố trong mối quan hệ trực tiếp với môi sinh văn hóa thời
cuộc mà ông đã sống và sáng tạo.
- Phương pháp hệ thống: đặt các tản văn báo chí của Ngô Tất Tố trong
toàn bộ sự nghiệp báo chí của ông và trong bối cảnh phát triển của báo chí
Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến Cách mạng tháng Tám. Qua đó có thể đánh
giá toàn diện hơn những đóng góp của Ngô Tất Tố về thể loại tản văn báo chí
và phong cách tản văn báo chí của ông.
- Phương pháp nghiên cứu nội dung: đi sâu nghiên cứu về nội dung tản
văn báo chí của Ngô Tất Tố và các yếu tố chi phối và ảnh hưởng đến nội dung
tác phẩm báo chí của ông.
- Phương pháp nghiên cứu liên ngành: nghiên cứu tản văn báo chí của
Ngô Tất Tố trong mối liên hệ đa ngành với văn học, ngôn ngữ, lịch sử, tâm lý,
xã hội học…
Với các phương pháp nêu trên, chúng tôi thu thập, xử lý thông tin tham
khảo từ các nguồn tài liệu sau đây:
- Nguồn tài liệu sơ cấp: Tổng tập tản văn Ngô Tất Tố, Ngô Tất Tố tác
phẩm, Tiểu phẩm báo chí Ngô Tất Tố…; một số báo, tạp chí, tài liệu liên quan
đến phạm vi nghiên cứu của luận án được khai thác tại Thư viện Quốc gia,
Viện Văn học, Thư viện Hà Nội, Thư viện Học viện Báo chí và Tuyên
truyền…
- Nguồn tài liệu thứ cấp: Cơ sở lý luận báo chí, lý luận văn học, lịch sử
báo chí, lịch sử văn học; lịch sử các phong trào chính trị, xã hội trước năm
5
1945; các công trình nghiên cứu về Ngô Tất Tố đã được công bố dưới dạng
sách, luận văn, luận án; các bài nghiên cứu trên các tạp chí khoa học chuyên
ngành; quan điểm của các nhà lãnh đạo, nhà quản lý; hồi ký của một số nhà
báo; quan điểm của các nhà nghiên cứu nước ngoài về văn học, báo chí Việt
Nam, về sự nghiệp báo chí và hoạt động báo chí của Ngô Tất Tố.
5. Giả thuyết nghiên cứu
Theo mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu, chúng tôi xác định một số nội
dung quan trọng cần được nghiên cứu là các vấn đề lý luận và thực tiễn liên
quan đến tản văn và tản văn báo chí; phong cách tác giả, phong cách tác phẩm
và phong cách tản văn báo chí của Ngô Tất Tố… Với một số giả thuyết
nghiên cứu như sau:
5.1. Những tìm tòi thể nghiệm về tản văn báo chí là những đóng góp
của Ngô Tất Tố trong tiến trình vận động và phát triển của báo chí Việt Nam.
5.2. Ngô Tất Tố là một trí thức cựu học, làm báo trong bối cảnh giao
thoa văn hóa Đông - Tây với những biến động chính trị - xã hội trước Cách
mạng tháng Tám năm 1945… Đó là những nhân tố hình thành phong cách tản
văn báo chí của Ngô Tất Tố.
5.3. Phong cách tản văn báo chí của Ngô Tất Tố có ý nghĩa lịch sử đối
với báo chí Việt Nam và những bài học ích dụng đối với lao động nghề báo
hiện nay.
6. Đóng góp mới của luận án
6.1. Về lý luận
Trên cơ sở khảo sát những công trình nghiên cứu trong và ngoài nước
về tản văn và tản văn báo chí, luận án khái quát hóa những vấn đề lý luận căn
bản về tản văn báo chí, từ đó đề xuất khái niệm và những đặc trưng chủ yếu
của thể loại tản văn báo chí. Hiện nay, khía cạnh lý luận tản văn báo chí vẫn
đang là khoảng trống cần được khơi mở, bổ sung để từng bước hoàn thiện
trong hệ thống lý luận về thể loại báo chí ở Việt Nam.
6.2. Về thực tiễn
- Thông qua việc nghiên cứu phong cách tản văn báo chí của Ngô Tất
Tố, chúng tôi mong muốn khẳng định vị thế của tản văn báo chí Việt Nam
6
nửa đầu thế kỷ XX và là một bộ phận quan trọng trong đời sống báo chí dân
tộc trên con đường hiện đại hóa.
- Kết quả nghiên cứu của luận án có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo,
biên soạn giáo trình, tài liệu học tập, nghiên cứu cho các cơ sở đào tạo, bồi
dưỡng về báo chí - truyền thông.
7. Kết cấu của luận án
Ngoài phần Mở đầu, Tổng quan tình hình nghiên cứu, Kết luận, Tài
liệu tham khảo, luận án được kết cấu theo 5 chương:
Chương 1. Lý luận chung về tản văn và phong cách tản văn báo chí.
Chương 2. Phong cách tản văn báo chí của Ngô Tất Tố qua bình diện
nội dung tác phẩm.
Chương 3. Phong cách tản văn báo chí của Ngô Tất Tố qua bình diện
hình thức và kết cấu tác phẩm.
Chương 4. Phong cách ngôn ngữ tản văn báo chí của Ngô Tất Tố.
Chương 5. Ý nghĩa và một số bài học về nghiệp vụ làm báo rút ra từ kết
quả nghiên cứu phong cách tản văn báo chí của Ngô Tất Tố.
7
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
VỀ PHONG CÁCH TẢN VĂN BÁO CHÍ CỦA NGÔ TẤT TỐ
Ngô Tất Tố là nhà văn hiện thực phê phán nổi tiếng trước Cách mạng
tháng Tám với những tác phẩm văn học tiêu biểu như các tiểu thuyết Tắt đèn,
Lều chõng, các tập phóng sự Việc làng, Tập án cái đình, Dao cầu thuyền
tán… Ông cũng là một nhà báo lớn với khoảng 1.350 tác phẩm đã được đăng
báo trong thời gian từ năm 1926 đến Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Trong gần một thế kỷ qua, kể từ tác phẩm đầu tay là Cẩm hương đình
được phát hành năm 1923, sự nghiệp văn học, báo chí của Ngô Tất Tố đã
nhận được sự quan tâm, mến mộ của nhiều nhà nghiên cứu, phê bình, các thế
hệ nhà giáo, học viên, sinh viên. Tuy nhiên, phần lớn công trình nghiên cứu
đều tập trung về sự nghiệp văn học của ông, nhất là về tác phẩm Tắt đèn, như
Phong Lê đã nhận định “hơn nửa thế kỷ qua, tên tuổi Ngô Tất Tố trước hết và
gần như bao quát là gắn liền với Tắt đèn”[62, tr.110].
Chúng tôi nghiên cứu tổng quan tình hình nghiên cứu về sự nghiệp của
Ngô Tất Tố nói chung, sự nghiệp báo chí và phong cách sáng tạo của ông nói
riêng theo ba giai đoạn: trước năm 1945; từ năm 1945 đến năm 1985; và từ
năm 1986 đến nay. Cụ thể như sau:
1. Tình hình nghiên cứu về Ngô Tất Tố trƣớc năm 1945
Trước năm 1945, có lẽ Phan Khôi, một người bạn thân thiết của Ngô
Tất Tố, là người đầu tiên nhận xét về phong cách của Ngô Tất Tố. Khi đọc
những bài thơ Thú quê, Buổi chiều qua sông, Nghe gà gáy cảm hoài ký tên
N.T.T. trên báo Thần Chung số tháng 9-1929, Phan Khôi viết: “Đọc ba bài
nầy phải đoán ra tác giả là người có chí khí, có tâm sự, mà lại đã từng trải
giang hồ nữa. Tuy vậy, trong thơ chẳng hề dùng một chữ nào ngông nghênh,
một lời nào xốc nổi, ý kín mà không tối, khí mạnh mà dằn, cái hay ở trong
đó”[57, tr.114].
Năm 1939, trên cơ sở hợp tuyển các nội dung của tác phẩm Tắt đèn đã
đăng báo nhiều kỳ, nhà sách Mai Lĩnh phát hành lần đầu cuốn Tắt đèn của
Ngô Tất Tố. Nhân dịp này, một số đồng nghiệp của ông đã có bài báo giới
8
thiệu tác phẩm Tắt đèn, qua đó, giới thiệu về sự nghiệp, về phong cách sáng
tạo của ông.
Vũ Trọng Phụng nhận xét: “Ngô Tất Tố là một nhà báo về phái Nho
học và là một tay ngôn luận xuất sắc trong đám nhà Nho. Làng báo Bắc Kỳ,
Trung Kỳ, Nam Kỳ, cũng như độc giả, hẳn không ai là không biết danh tiếng
người ra đời từ hồi thi sĩ Nguyễn Khắc Hiếu chủ trương An Nam tạp chí và đã
viết nhiều bài đại luận khảo cứu, bút chiến, phê bình, nhiều truyện lịch sử có
giá trị, trong nhiều tờ báo và tạp chí cả Nam lẫn Bắc. Với cái sự đời hoan
nghênh ấy, Ngô Tất Tố chẳng cần ai giới thiệu nữa”[89].
Chỉ với ít dòng giới thiệu đó, Vũ Trọng Phụng đã khái quát giới
thiệu Ngô Tất Tố là người có phong cách làm báo thuộc “phái Nho học”;
người đã từng ra Bắc vào Nam với những bài đại luận khảo cứu, bút chiến,
phê bình…
Trên báo Mới, số ra ngày 15-6-1939, trong bài giới thiệu về tác phẩm
Tắt đèn, Trần Minh Tước đã đồng tình với nhận định của Vũ Trọng Phụng về
phong cách đậm chất Nho gia của Ngô Tất Tố và cho rằng, ngòi bút ấy đã
vượt ra khỏi những câu văn “điền viên vui thú”, vượt qua những nội dung về
“cải lương hương chính”, “vượt khỏi cả thế hệ của mình. Người môn đồ của
Khổng Mạnh này đã thở hít cái không khí xã hội của K.Marx như tất cả
những thiếu niên văn sĩ ở hàng tranh đấu”[128]. Nói cách khác, Ngô Tất Tố
là cây bút cựu học nhưng đã tiếp cận được trào lưu chung của xã hội, của
K.Marx. Theo Trần Minh Tước, việc tiếp cận những trào lưu xã hội của
K.Marx chính là tiền đề để Ngô Tất Tố đứng vào hàng ngũ những nhà văn,
nhà báo đấu tranh vì tiến bộ xã hội.
Cũng trong năm 1939, trong bài Tắt đèn - tiểu thuyết của Ngô Tất Tố,
trên báo Đông phương, tác giả Phú Hương cho rằng Ngô Tất Tố tuy đã chịu
ảnh hưởng của lối viết của Âu - Tây nhưng hoạt động sáng tạo của ông vẫn
mang đậm phong cách Nho gia với những di tích Hán học, những câu chuyện
kể theo lối Á Đông, tuy đã “chia ra từng chương một, nhưng nó đi luôn một
mạch từ đầu đến cuối, chuyện nọ liên tiếp chuyện kia…”[44]. Trong bài báo
này, Phú Hương đã rút ra nhận xét đó khi phân tích về mối liên kết nội dung
9
trong tác phẩm Tắt đèn. Sau này, khi tiếp cận sâu hơn di sản báo chí của Ngô
Tất Tố, chúng tôi đã thấy rõ hơn mối liên kết về nội dung trong mỗi tác phẩm
báo chí, cũng như giữa các tác phẩm báo chí với nhau luôn có sự liền mạch,
có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, tạo nên một bức tranh tổng thể về đời sống
chính trị - xã hội đương thời.
Trong những năm từ 1942 đến 1945, Vũ Ngọc Phan đã lần lượt phát
hành các tập của bộ Nhà văn hiện đại. Có thể xem đây là một trong những
công trình nghiên cứu về các tác giả, tác phẩm đầu tiên của văn học, báo chí
Việt Nam. Vũ Ngọc Phan đã dành sự trân trọng đặc biệt đối với Ngô Tất Tố:
“Ông là một tay kỳ cựu trong làng văn, làng báo Việt Nam… vào số những
nhà Hán học đã chịu ảnh hưởng văn học Âu Tây và được người ta kể vào
hạng nhà Nho có óc phê bình, có trí xét đoán, có tư tưởng mới... và ông đã
theo kịp cả những nhà văn thuộc phái tân học xuất sắc nhất”[83, tr.549].
Theo Vũ Ngọc Phan, Ngô Tất Tố có phong cách đặt câu rất “Tây”, đó là
những chữ được, chữ bằng, chữ bị vốn thường dùng trong lối văn của người
phương Tây, do vậy, khi đọc văn của Ngô Tất Tố “người ta có cái cảm tưởng
như đọc những câu văn dịch ở tiếng Pháp”[83, tr.555].
Khi viết về những nhà Nho cùng thời với Ngô Tất Tố như Phan Kế
Bính, Trần Văn Ngoạn, Nguyễn Đôn Phục, Nguyễn Hữu Tiến… Vũ Ngọc
Phan cho rằng, sản phẩm các tác giả đó chủ yếu là những tác phẩm dịch thuật,
biên soạn theo những tác phẩm chữ Hán, hoặc viết theo truyện cổ dân gian…
còn Ngô Tất Tố là người đầu tiên đi vào lĩnh vực sáng tác, phê bình như các
cây bút lớp mới đương thời.
Vũ Ngọc Phan “thích nhất anh Tố ở những bài bút chiến”[83, tr.419],
những tác phẩm “bút chiến” của Ngô Tất Tố có thể chia thành hai nhóm: “một
loại bút chiến, gồm những bài đả kích những tệ tục, thói tham ô, dởm đời của
bọn quan lại, cường hào và tư sản. Cũng có những bài viết dưới dạng châm
biếm, trào lộng như những bài ở mục: “Nói mà chơi”; và “một loại nữa là
phóng sự và tiểu thuyết”[83, tr.423].
Như vậy, Vũ Trọng Phụng, Trần Minh Tước, Phú Hương và Vũ Ngọc
Phan đã chỉ ra một số đặc trưng về thể loại cũng như phong cách sáng tạo của
10
Ngô Tất Tố. Với bất kỳ thể loại nào, cây bút của Ngô Tất Tố cũng thể hiện sự
sắc sảo, sôi nổi, nhiệt tâm và được đồng nghiệp thừa nhận là “một tay bút
chiến đầy nhiệt tình, luôn luôn đứng về phía nhân dân, đả kích không khoan
nhượng giai cấp phong kiến và giai cấp tư sản”[83].
2. Tình hình nghiên cứu về Ngô Tất Tố từ năm 1945 đến năm 1985
2.1. Thời kỳ 1945 - 1959
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đất nước đã giành được độc lập,
nhưng chỉ sau một thời gian rất ngắn cả dân tộc lại phải bước vào cuộc kháng
chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Cũng như nhiều văn nghệ sỹ, trí thức
yêu nước cùng thời, Ngô Tất Tố lên đường phục vụ cách mạng, phục vụ
kháng chiến thông qua hoạt động sáng tạo của mình.
Ngô Tất Tố mất ngày 20-4-1954, ngay trước ngày giải phóng Điện
Biên, kết thúc chín năm kháng chiến trường kỳ. Những tháng ngày đó và
những năm tiếp theo, nhiều anh em, đồng chí của Ngô Tất Tố đã có bài viết
thể hiện niềm tiếc thương và kính trọng cuộc đời và sự nghiệp của ông:
Nguyên Hồng với Ngô Tất Tố (Văn nghệ, năm 1954); Nguyễn Công Hoan với
Đọc Tắt đèn của Ngô Tất Tố (Văn nghệ, năm 1956); Hồng Chương với
chuyên đề Tắt đèn cuốn tiểu thuyết hiện thực xuất sắc in trong sách Phương
pháp sáng tác trong văn học nghệ thuật (Nxb Sự thật, 1956); Bùi Huy Phồn
với Đọc lại Việc làng (Văn nghệ, năm 1958)…
Nghiên cứu lại những những bài viết đó, chúng tôi thấy rằng, các tác
giả đều đề cao tài năng của Ngô Tất Tố trong sự nghiệp sáng tác nói chung
của ông, nhất là qua những tác phẩm văn học Tắt đèn, Lều chõng; các tập
phóng sự Việc làng, Dao cầu thuyền tán… Tuy nhiên, các bài viết chỉ đề cập
chung chung về sự nghiệp báo chí và gần như không có nhận xét về đặc điểm,
phong cách sáng tạo báo chí của Ngô Tất Tố.
Năm 1954, khi nhận xét về văn nghiệp của Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng
đã cho rằng: “Ngòi bút rắn chắc của Ngô Tất Tố đã không e dè đưa lên những
sự thật. Người nông dân giãy lên trên những dòng chữ của Ngô Tất Tố (…).
Cái mạnh, cái sắc của Ngô Tất Tố ở chỗ dám nhìn thẳng vào sự thực, căm
giận, chửi rủa và phá bỏ. Cái mạnh, cái sắc của Ngô Tất Tố còn ở chỗ đi sâu
11
vào những khía cạnh đen tối, sai trái của kẻ thù”[39]. Dù đây chỉ là những
nhận xét chung về sự nghiệp cầm bút của Ngô Tất Tố, nhưng Nguyên Hồng
đã khắc họa được những đặc trưng phong cách của ngòi bút độc đáo này, đó
là tính chân thực, bám sát hiện thực của đời sống xã hội và dũng cảm đấu
tranh với những điều đen tối, sai trái của kẻ thù.
Năm 1956, trong một bài viết về Ngô Tất Tố, Hà Xuân Trường nhận
định: “Ngô Tất Tố đã can đảm nhìn vào sự thật, can đảm nói lên sự thật. Ngô
Tất Tố không góp nhặt tài liệu, không làm con số cộng. Ngô Tất Tố đã mang
vốn sống của mình nhận xét người, cảnh, biểu hiện người, cảnh. Ngô Tất Tố
không nói quá, cũng không tô vẽ. Ngô Tất Tố nói thật, viết thật… Tài châm
biếm của Ngô Tất Tố có khi chua xót, mỉa mai, có khi sắc cạnh, nhưng đó là
những mũi kim châm thẳng vào những kẻ thống trị gian ác”[123, tr.286].
Theo Hà Xuân Trường, chỉ có tài năng và lòng can đảm mới có thể tạo nên
những tác phẩm có phong cách như của Ngô Tất Tố.
Cũng trong năm 1956, trong bài Đọc Tắt đèn của Ngô Tất Tố, một cây bút
lão thành trên báo Văn nghệ, Nguyễn Công Hoan đã bày tỏ sự kính nể đối với
Ngô Tất Tố, một cây bút Nho gia nhưng “những tác phẩm của ông từ lối trình
bày, tả cảnh, cho đến cách hành văn, thật là mới mẻ - ngày ấy, chúng tôi gọi là
“Tây”, là “Âu hóa”[35, tr.181]. Sau này, trong công trình nghiên cứu về di sản
báo chí của Ngô Tất Tố, các nhà nghiên cứu đã chứng minh được rằng, Ngô Tất
Tố ít nhiều được học và biết tiếng Pháp, ngoài những câu chữ và lối viết của
người Pháp đã được Ngô Tất Tố vận dụng, ông còn nắm được một số phương
pháp tư duy của phương Tây ngay từ những năm 1928 - 1931 [17].
Năm 1959, ở Sài Gòn, Thế Phong xuất bản cuốn Những nhà văn tiền
chiến 1930 - 1945, tác giả đã dành cho Ngô Tất Tố những tình cảm thật cảm
động, ông xếp Ngô Tất Tố vào nhóm các nhà văn, nhà báo điển hình của giai
đoạn trước năm 1945, cho rằng Ngô Tất Tố là cây bút “hoài vọng dĩ vãng”;
“có vốn Nho học uyên bác nhưng chịu học hỏi Tây học”; “là nhà văn, nhà báo
của bình cũ rượu mới, có lối văn sáng sủa, hấp dẫn, quan sát tận tường, với
những rung cảm phong phú”[88, tr.403].
Chúng tôi cho rằng, những nhận xét của Thế Phong là sự khái quát xác
đáng về phong cách sáng tạo của Ngô Tất Tố mang đậm chất uyên bác của
12
người phương Đông, nhưng lại có cách viết văn, viết báo mới mẻ, hiện đại
của người phương Tây.
2.2. Thời kỳ 1960 - 1974
Năm 1961, Nhà xuất bản Giáo dục phát hành tập sách Văn học Việt
Nam 1930 - 1945 [74], đây là công trình nghiên cứu và khoa giáo đầu tiên của
nền giáo dục Việt Nam sau ngày hòa bình lập lại. Trong tập sách này, Nguyễn
Công Hoan đã có những nhận xét về Ngô Tất Tố: “anh em cầm bút phục nhất
ông ở điểm đặc biệt sau này ông là một nhà Nho thuần túy… Thế thì hẳn là
ông gần văn học Trung Quốc hơn văn học Pháp…”[45, tr.52].
Là bạn văn, bạn báo, cùng là cây bút hiện thực phê phán hàng đầu trước
Cách mạng tháng Tám, những lời nhận xét đó vừa là sự kính trọng của Nguyễn
Công Hoan đối với Ngô Tất Tố, vừa là những nhận định về phong cách của Ngô
Tất Tố trong hoạt động sáng tạo. Tuy làm báo là hoạt động sáng tạo theo cách
của người phương Tây, nhưng phong cách của Ngô Tất Tố “hẳn là gần văn học
Trung Quốc hơn”. Đó chính là phong cách “bình cũ rượu mới”, dù lối viết có
cách tân, hiện đại thế nào thì hồn cốt, nội dung, tư tưởng của tác phẩm vẫn được
chứa đựng, gói ghém trong những lối viết của một nhà cựu học, trong tâm thức
của sự “hoài vọng dĩ vãng” như cách nói của Thế Phong.
Năm 1957, Nguyễn Đức Đàn được Viện Văn học phân công nghiên cứu
về sự nghiệp sáng tác của Ngô Tất Tố. Bốn năm sau, năm 1961, Nguyễn Đức
Đàn đã báo cáo chuyên đề Ngô Tất Tố một cây bút chiến đấu xuất sắc trong
văn học Việt Nam [15]. Theo đó, nhà Nho Ngô Tất Tố, người đã từng đỗ đầu
xứ, nhưng trước những biến thiên của thời đại, vị đồ đệ “cửa Khổng sân
Trình” đã sớm tiếp thu được những tư tưởng học thuật mới và trở thành một
cây bút xuất sắc, một kiện tướng trong dòng văn học hiện thực phê phán.
“Trong làng văn, làng báo, cái tên Ngô Tất Tố đã trở nên quen thuộc và được
nhiều người mến phục. Từ những tác phẩm lớn cho đến những bài báo, những
bài phóng sự ngắn, ngòi bút của Ngô Tất Tố luôn luôn biểu hiện một tinh thần
chiến đấu sắc bén và mạnh mẽ”[13, tr.331].
Theo Nguyễn Đức Đàn, hầu hết những tác phẩm báo chí của Ngô Tất
Tố là những bài phê bình, đả kích hoặc châm biếm, giễu cợt với giọng văn
13
linh hoạt, sắc sảo, có khi nhẹ nhàng, tinh tế, có khi đanh thép, mạnh mẽ.
“Ngòi bút của Ngô Tất Tố là một ngòi bút chiến đấu có phẩm chất cách
mạng. Phẩm chất cách mạng ấy biểu hiện ở chỗ ngòi bút của ông biết tôn
trọng sự thật và biết đứng về phía quần chúng bị áp bức mà phát biểu”[15].
Ngòi bút của Ngô Tất Tố còn bộc lộ tình cảm nồng nhiệt đối với quần chúng
và cách mạng, “có một ý nghĩa vị nhân sinh rõ rệt. Cái nhìn của Ngô Tất Tố
đối với con người và cuộc sống xã hội là một cái nhìn chân thực, đúng đắn,
không phiến diện”[15].
Theo quan điểm của một số cây bút cùng thời với Ngô Tất Tố và của
một số nhà nghiên cứu sau này, vấn đề thể loại báo chí trước Cách mạng
tháng Tám chủ yếu được phân định qua nội dung của tác phẩm báo chí, hoặc
qua những chiều hướng dư luận khác nhau được tạo ra bởi nội dung của tác
phẩm đó trong đời sống chính trị - xã hội. Chính từ quan điểm đó, Nguyễn
Đức Đàn đã khu biệt giữa sáng tác với phê bình nghiên cứu, ông nhận định:
“Trên báo chí cũng như trong sáng tác, phê bình nghiên cứu, ngòi bút của
Ngô Tất Tố luôn luôn dũng cảm tố cáo những cái xấu xa, vạch ra những cái
thoái hóa, lạc hậu ở trong xã hội”[13, tr.332]. Phải chăng, Nguyễn Đức Đàn
đã khu biệt những bài báo thông thường như cách gọi hiện nay với các bài bút
chiến mà ông gọi là phê bình? Năm 1942, Vũ Ngọc Phan đã đưa ra quan điểm
về thể loại tác phẩm báo chí của Ngô Tất Tố, đó là: “một loại bút chiến, gồm
những bài đả kích những tệ tục, thói tham ô, dởm đời của bọn quan lại, cường
hào và tư sản…”[83, tr.423].
Như vậy, những bài báo tố cáo những cái xấu xa, vạch ra những cái
thoái hóa, lạc hậu ở trong xã hội; đả kích những tệ tục, thói tham ô, dởm đời
của bọn quan lại, cường hào và tư sản… có thể gọi là bài báo phê bình như
cách nói của Vũ Ngọc Phan; hoặc gọi là những bài bút chiến như cách nói của
Nguyễn Đức Đàn. Và theo hai ông, dù gọi bằng tên gì thì đó chính là thể loại
tác phẩm Ngô Tất Tố viết nhiều nhất trước Cách mạng tháng Tám.
Trong lời giới thiệu cuốn Tắt đèn do Nhà xuất bản Văn hóa phát hành
năm 1962, Nguyễn Tuân đã nhận định rằng sự nghiệp cầm bút của Ngô Tất
Tố gồm nhiều mặt: sáng tác, luận bình, bút chiến và dịch thuật [118], có lẽ
Nguyễn Tuân đã xếp các tác phẩm văn học của Ngô Tất Tố vào nhóm sáng
14
tác; dịch thuật là một nhóm riêng; còn bình luận và phê bình là những tác
phẩm báo chí được xếp chung vào một nhóm.
Năm 1962, Nguyễn Đức Đàn và Phan Cự Đệ đã báo cáo chung kết quả
nghiên cứu về sự nghiệp cầm bút của Ngô Tất Tố [14]. Trong chuyên đề Một
cây bút chiến đấu sắc bén trong làng báo thời Pháp thuộc, các tác giả đã tập
trung nghiên cứu sâu về loại văn “Nói mà chơi” của Ngô Tất Tố. Theo đó,
loại văn trong chuyên mục “Nói mà chơi” do Ngô Tất Tố đảm đương là
“những bài bình luận ngắn, gọn về xã hội, chính trị, thời sự, văn nghệ, giáo
dục…”[14, tr.20]. Theo các nhà nghiên cứu, loại văn này được gọi là tiểu
phẩm, là những bài bình luận ngắn được đăng báo trong các chuyên mục.
Trước năm 1945, loại văn này rất thịnh hành, nó xuất hiện do yêu cầu phê
phán xã hội với lối viết châm biếm dí dỏm, sắc cạnh, phù hợp với khẩu vị của
độc giả thành thị lúc bấy giờ, hơn nữa, loại văn này phù hợp với điều kiện
thời gian của cả người viết báo và người đọc báo. Ngô Tất Tố “bằng một
nghệ thuật châm biếm sắc cạnh, Ngô Tất Tố đã ngang nhiên vạch mặt chỉ
trán tất cả những chuyện tàn ác thối tha, nhơ nhớp, kệch cỡm, giả dối, bịp
bợm của xã hội thời thuộc Pháp”[14, tr.20].
Những tiểu phẩm báo chí của Ngô Tất Tố từng bước thể hiện sự
trưởng thành của cây bút có xuất thân cựu học và “ngày càng đạt đến một
trình độ nghệ thuật xuất sắc”[14, tr.21]. Ngay từ những tác phẩm đầu tiên,
Ngô Tất Tố đã đứng trên lập trường của chủ nghĩa hiện thực phê phán, cũng
giống như Lỗ Tấn thời kỳ từ 1927 trở về trước, Ngô Tất Tố luôn phê bình xã
hội, vạch mặt những cái xấu xa, giả dối, bịp bợm của giai cấp thống trị [14].
Nghệ thuật viết tiểu phẩm của Ngô Tất Tố được thể hiện ở 4 bình diện,
đó là: điển hình hóa; tính hình tượng; nghệ thuật châm biếm; ngôn ngữ. Trong
đó, nổi bật nhất là nghệ thuật châm biếm, một số bài châm biếm của Ngô Tất
Tố đã đạt đến một trình độ xuất sắc [14].
Cũng trong năm 1962, trong bài Ngô Tất Tố như tôi đã biết trên Tạp
chí Văn nghệ, Nguyễn Đức Bính nhận định: “Ngô Tất Tố trước hết là một nhà
báo, một nhà báo cả những khi viết tiểu thuyết, một nhà báo có biệt tài”[5];
ông là một người đặc biệt bởi ông “là nhà báo viết tạp văn, cái mà Âu Tây gọi
15
là tiểu phẩm, thời bình, một loại văn trên có nhiều nhà văn có tài như Lỗ Tấn
chẳng hạn đã xây dựng cả một sự nghiệp”[5].
Theo Nguyễn Đức Bính, tạp văn là một vũ khí đấu tranh trong xã hội
có đấu tranh giai cấp. Một bên là do cuộc đấu tranh chống áp bức bóc lột
không cho phép sáng tác trong những điều kiện thời gian rộng rãi, một bên là
tài năng hài hước, là nhiệt tình xã hội của nhà văn, hai yếu tố ấy cộng lại làm
nên tạp văn.
Như vậy, những tác phẩm báo chí của Ngô Tất Tố, Vũ Ngọc Phan gọi là
“bút chiến”; Nguyễn Đức Đàn và Phan Cự Đệ gọi là “tiểu phẩm” và đặt tiểu
phẩm trong mối liên hệ tạp văn, tản văn; còn Nguyễn Đức Bính là người đầu tiên
cho rằng, tác phẩm báo chí của Ngô Tất Tố gọi là “tạp văn” với dẫn chiếu “Âu
Tây gọi là tiểu phẩm”, đồng thời cho rằng, đó loại văn mà Lỗ Tấn đã xây dựng
cả một sự nghiệp.
Nguyễn Đức Bính không đi sâu về khái niệm tạp văn, nhưng ông đã nói
kỹ hơn về đặc điểm của về thể loại này, đó là một lối văn đặc biệt. “Nhẹ nhàng
mà vẫn thâm thúy, thẳng thắn mà vẫn kín đáo, cứng rắn mà không làm mất
duyên dáng, nghiêm nghị mà không làm mất thân mật, bóng bẩy nhưng vẫn rõ
ràng như cục đất ném vào mặt, với một chút, nhưng chất phác, như tinh nghịch,
như dí dỏm, khóc hổ ngươi, cười ra nước mắt, đó là tạp văn. Ngô Tất Tố trước
hết là một nhà viết tạp văn”[5].
Theo Nguyễn Đức Bính, phong cách của Ngô Tất Tố rất cụ thể, đó là
“một lối viết mới, độc đáo nữa là khác, không chút gì nhắc lại lối văn biền ngẫu
của các cụ đồ, giọng văn khi thì đậm đà, khi thì duyên dáng, nhưng đặc biệt là dí
dỏm; câu văn sắc cạnh, trong sáng, ngắn gọn, chữ dùng thường mạnh dạn và ý
nhị”[5]. Phong cách đó còn thể hiện tinh thần chiến đấu, bởi “Chỉ trong bút
chiến nhà văn mới phát huy được hết tài năng của mình”[5].
Năm 1973, Nhà xuất bản Giáo dục phát hành bộ sách Lịch sử văn học
Việt Nam, trong tập V (1930 - 1945), Nguyễn Đăng Mạnh đã có chuyên đề
giới thiệu về Ngô Tất Tố. Tác giả cho rằng, Ngô Tất Tố là nhà văn, nhà báo
có nhiều đức tính tốt đẹp:“Lòng yêu nước, thương dân đã khiến ông phát huy
được những yếu tố tích cực của Nho giáo và của các học thuyết cổ đại Trung
Hoa nói chung; là người có tài năng nhiều mặt, có sức sáng tạo phong phú,
16
bền bỉ. Ông có đầy đủ điều kiện cốt yếu về đức và tài để có thể trở thành một
nhà báo, một nhà văn xuất sắc”[74, tr.71].
Cũng trong năm 1973, từ miền Nam, trong cuốn Bốn mươi năm nói láo,
Vũ Bằng đã bày tỏ sự kính phục Ngô Tất Tố về đức độ, văn tài, học lực và coi
Ngô Tất Tố như một người thầy; hai ông từng có một thời gian khá dài làm
việc ở tờ Tương lai và tờ Công dân, cùng nhau theo theo nghiệp cầm bút với
mục tiêu: “đả kích quan trường và lên án chế độ thực dân”[3, tr.112].
Vũ Bằng hồi tưởng “Ngô Tất Tố (dưới bút hiệu Ngô Công) viết phim
thì tuyệt tác vì không những dí dỏm mà lại sâu sắc (có lẽ vì bác có cái vốn
chữ Nho rất khá mà lại ham học ham đọc các sách Tàu, dịch các sách Tây
ra). Ngô Tất Tố là một trong những bậc thầy đã khuyên tôi phải viết cho rõ,
cho sáng, phải lấy nghệ thuật phục vụ nhân sinh”[46, tr.262]. Vũ Bằng gọi
những tác phẩm báo chí của Ngô Tất Tố là “phim hàng ngày”[3, tr.97] và
được ông lý giải, đó là “một loại văn đặc biệt dễ làm cho người ta ưa và dễ đi
sâu vào tâm hồn người đọc hơn cả các loại văn khác trong văn chương kim
cổ. Có lẽ vì thế tờ báo nào muốn cho phổ cập cũng có mục “phim”, vui cười,
nói phiếm” [4, tr.175].
Theo Vũ Bằng, Ngô Tất Tố là người đã hướng dẫn cho ông nhiều về
cách viết báo, phải viết “cho sáng, cho rõ”, phải đặt mình ở tầm hiểu biết,
trình độ của người đọc thì mới viết đúng, người đọc mới có thể hiểu được,
nếu không thì “không ai hiểu, vì bác không ở tỉnh và ở quê nên không biết:
trình độ độc giả của mình còn kém, viết như bác chỉ để một vài anh trí thức
đọc thôi, còn đa số thì không hiểu mô tê gì cả”[46, tr.262].
2.3. Thời kỳ 1975 - 1985
Năm 1975, Nhà xuất bản Văn học phát hành bộ sách 2 tập Ngô Tất Tố tác phẩm do của Phan Cự Đệ chủ biên. Sau báo cáo kết quả nghiên cứu Ngô
Tất Tố được Nguyễn Đức Đàn và Phan Cự Đệ công bố năm 1962 thì đây là
công trình giới thiệu toàn diện hơn về sự nghiệp của Ngô Tất Tố với những
thành công của ông trên các lĩnh vực: báo chí, nghiên cứu dịch thuật, văn
học... Riêng về lĩnh vực báo chí, lần đầu tiên Phan Cự Đệ tuyển tập và giới
thiệu 112 tác phẩm báo chí của Ngô Tất Tố được viết trong khoảng thời gian
1929 - 1943.
17
Ở công trình này, Phan Cự Đệ cho rằng Ngô Tất Tố là một nhà Nho
nghèo yêu nước tiến bộ, sớm giác ngộ, đi theo cách mạng và nỗ lực, phấn đấu
trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Theo Phan Cự Đệ, nếu không
thấy rõ điểm xuất phát đó của Ngô Tất Tố thì không thể đánh giá đúng mức
được những cố gắng và sự tiến bộ vượt bậc của ông.
Năm 1983, Lê Thị Đức Hạnh có bài Đặc sắc trong tiểu phẩm của Ngô
Tất Tố trên tạp chí Văn học. Trong bài báo này, Lê Thị Đức Hạnh đã thống
nhất với quan điểm của Nguyễn Đức Đàn và Phan Cự Đệ, cho rằng, tiểu
phẩm báo chí ra đời và phát triển trước hết là do những đòi hỏi của tình hình
chính trị - xã hội những năm 1930-1945. Trước phong trào đấu tranh của quần
chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, thực dân Pháp và chính quyền bù
nhìn đã đưa ra những chính sách mị dân, ngu dân, tìm cách ru ngủ và trụy lạc
hóa thanh niên, đánh lạc hướng suy nghĩ của trí thức... bọn “bồi bút” dấy lên
các phong trào như bảo tồn quốc túy, vui vẻ trẻ trung, cải lương hương
chính… bàn về các chuyện bảo hộ, trực trị, “với cái nhìn nhạy bén, Ngô Tất
Tố chĩa ngay ngòi bút trào phúng vào những chính sách bịp bợm đó”[31].
Bước sang thời kỳ Mặt trận Dân chủ (1936-1939), do chính quyền thực dân
phải nới lỏng chính sách kiểm duyệt báo chí nên những tác phẩm báo chí
mang tính chiến đấu của Ngô Tất Tố có điều kiện ra đời dồn dập và chưa bao
giờ ngòi bút của ông tỏ ra sắc sảo và dũng cảm bằng lúc này.
Lê Thị Đức Hạnh gọi những tác phẩm báo chí của Ngô Tất Tố là tiểu
phẩm, đó là “những bài báo rất giàu tính nghệ thuật, là sự kết hợp nhuần
nhuyễn giữa lý trí và hình tượng, thông qua những sự kiện, những tài liệu cụ
thể, tạo nên một sức thuyết phục mạnh”[31]. Những bài báo của Ngô Tất Tố
luôn sử dụng tiếng cười làm vũ khí phê phán, có sức gợi cảm đặc biệt ở nhiều
mức độ. Ở ông, có khi tiếng cười như ngọn roi quất mạnh vào mặt đối thủ, có
khi lại là sự mỉa mai, giễu cợt, mới đọc qua tưởng như bông đùa nhẹ nhàng,
nhưng sau mới ngấm dần, càng ngấm càng đau.
Theo Lê Thị Đức Hạnh, phong cách viết báo của Ngô Tất Tố giản dị, tự
nhiên, nhưng giàu chất lý luận; sử dụng nhiều hình ảnh sinh động, cụ thể, có
khả năng gây cười, song vẫn giữ được sự nghiêm túc và tính chiến đấu mạnh
18
mẽ. Với xuất thân cựu học nên những tác phẩm báo chí của Ngô Tất Tố luôn
mang những vết tích về đạo đức, như sự tiết tháo, tính cương trực, lòng trong
sạch, không chịu hạ mình xu phụ, cầu cạnh kẻ quyền thế, không chịu khuất
phục thế lực đồng tiền, bán rẻ lương tâm và ngòi bút cho kẻ thống trị [130].
Về nghệ thuật báo chí của Ngô Tất Tố, Lê Thị Đức Hạnh khái quát ở
năm khía cạnh, đó là: sử dụng những hình ảnh quen thuộc trong cuộc sống
hàng ngày; sử dụng nhiều điển tích, tục ngữ, ca dao, giai thoại văn học; sử
dụng lối tỉ dụ, ngoa ngữ, chơi chữ; khai thác các đề tài bằng cách đặt đối lập
một hiện tượng nào đó. Với nghệ thuật đó, đọc những bài báo của Ngô Tất Tố
người đọc không thấy có sự đơn điệu, trùng lặp, người đọc dễ dàng bắt gặp
những sự thú vị, bất ngờ. Đó chính là phong cách của Ngô Tất Tố.
3. Tình hình nghiên cứu về Ngô Tất Tố từ năm 1986 đến nay
3.1. Tình hình nghiên cứu về Ngô Tất Tố ở Việt Nam
Năm 1993, Bộ Văn hóa - Thông tin, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà báo
Việt Nam và Viện Văn học đã phối hợp tổ chức Hội thảo kỷ niệm lần thứ một
trăm ngày sinh của Ngô Tất Tố. Nhân dịp này, nhiều nhà báo, nhà nghiên cứu
phê bình đã công bố những công trình nghiên cứu về sự nghiệp của Ngô Tất Tố
với những thành tựu quan trọng liên quan đến sự nghiệp báo chí của ông.
Trong bài Ngô Tất Tố - nhà báo nghiệp văn, Phan Quang, lúc đó là
người đứng đầu Hội Nhà báo Việt Nam đã nhận định: “nói đến sự nghiệp báo
chí Ngô Tất Tố, không ít người nghĩ ngay đến tiểu phẩm của ông. Cũng là
điều hợp lý. Đó là những áng văn xuất sắc, còn lại với thời gian. Có lần tôi
đánh liều liên hệ tiểu phẩm của ông với Lỗ Tấn, vì cảm thấy ở thể loại này,
hai nhà văn có những tố chất chung”[92, tr.658]. Theo Phan Quang, tiểu
phẩm báo chí là thể loại tác phẩm báo chí được nhiều cây bút sử dụng để bày
tỏ chính kiến của mình. Tuy nhiên, để thành công với thể loại này, người viết
phải hội tụ được ít nhất hai điều kiện: một là, phải có nền tảng văn hóa thâm
hậu, hiểu mười nói một; hai là, phải có trí tuệ sắc sảo biểu hiện bằng ngôn từ.
Phan Quang khái quát: “Cái trên là kết quả tích cóp, tu dưỡng cả đời người.
Cái sau, có phần trời phú, song còn là đức khiêm nhường, lòng tôn kính
người đọc, không cẩu thả dù trong phút giây”[92, tr.658].