ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
----------------&----------------
NGUYỄN BÁ ĐẠT
RỐI NHIỄU TÂM LÝ Ở TRẺ EM
SỐNG TRONG GIA ĐÌNH CÓ BẠO LỰC
LUẬN ÁN TIẾN SĨ TÂM LÝ HỌC
Hà Nội – 2014
ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
----------------&----------------
NGUYỄN BÁ ĐẠT
RỐI NHIỄU TÂM LÝ Ở TRẺ EM
SỐNG TRONG GIA ĐÌNH CÓ BẠO LỰC
Chuyên ngành: Tâm lý học xã hội
Mã số: Thí điểm
LUẬN ÁN TIẾN SĨ TÂM LÝ HỌC
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
1. GS. TS. Trần Thị Minh Đức
2. PGS.TS. Võ Thị Minh Chí
Hà Nội - 2014
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các dữ
liệu và kết quả trình bày trong luận án là trung thực và chưa từng được ai
công bố trong bất kỳ công trình nào khác.
Hà Nội, ngày 03 tháng 08 năm 2014
Tác giả luận án
NGUYỄN BÁ ĐẠT
LỜI CẢM ƠN
Trước tiên, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn đến GS.TS. Trần Thị Minh Đức,
PGS. TS. Võ Thị Minh Chí đã tận tụy hướng dẫn tôi trong suốt quá trình thực
hiện luận án. Tôi xin chân thành cảm ơn PGS.TS Nguyễn Thị Minh Hằng đã
đọc và góp ý cho luận án từ những bản thảo đầu tiên.
Tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến 52 trẻ em thuộc diện khảo sát thử,
374 trẻ em thuộc diện khảo sát chính thức và 88 cha mẹ, 12 giáo viên đã
nhiệt tình tham gia vào nghiên cứu này. Tôi xin chân thành cảm ơn Ban
Giám hiệu Trường THCS Tân An, xã Tân An, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải
Dương, Trường THCS Tân Phương, xã Tân Phương và Trường THCS Thạch
Đồng, xã Thạch Đồng, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ đã giúp đỡ tôi thực
hiện khảo sát, can thiệp rối nhiễu tâm lý cho trẻ em.
Cuối cùng, tôi xin cảm ơn các thầy cô giáo trong Khoa Tâm lý học,
Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN, bạn bè, đồng nghiệp, gia đình luôn động
viên tôi trong suốt quá trình học tập và thực hiện luận án!
NCS. NGUYỄN BÁ ĐẠT
DANH MỤC CÁC KÝ HIỆU VÀ CHỮ VIẾT TẮT
TRONG LUẬN ÁN
STT
Chữ viết tắt
Nội dung viết tắt
1
RNTL
Rối nhiễu tâm lý
2
GĐCBL
Gia đình có bạo lực
3
BLGĐ
Bạo lực gia đình
4
HVBL
Hành vi bạo lực
5
ĐTB
Điểm trung bình
6
ĐLC
Độ lệch chuẩn
7
CBCL
Phiếu kiểm kê hành vi do cha mẹ báo cáo
(The Child Behavior Checklist)
8
YSR
Phiểu kiểm kê hành vi do trẻ em tự đánh giá
(Youth Self – Report)
9
THCS
Trung học cơ sở
10
SL
Số lượng
11
DHLS
Dấu hiệu lâm sàng
12
cs
Cộng sự
MỤC LỤC
Trang
Mục lục
1
Danh mục bảng dữ liệu
4
Danh mục sơ đồ
4
Danh mục biểu đồ
5
Danh mục tranh vẽ của trẻ em
5
MỞ ĐẦU
6
CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN NGHIÊN CỨU VỀ RỐI NHIỄU TÂM
LÝ Ở TRẺ EM SỐNG TRONG GIA ĐÌNH CÓ BẠO LỰC
12
Tổng quan nghiên cứu vấn đề
12
1.1.1. Nghiên cứu về rối nhiễu tâm lý ở trẻ em
12
1.1.2. Nghiên cứu về RNTL ở trẻ em sống trong gia đình có bạo lực
15
1.1.
1.2.
Cơ sở lý luận nghiên cứu về rối nhiễu tâm lý ở trẻ em
19
1.2.1. Khái niệm rối nhiễu tâm lý
19
1.2.2. Các hình thức biểu hiện rối nhiễu tâm lý
26
1.3.
Cơ sở lý luận nghiên cứu về gia đình có bạo lực
28
1.3.1. Khái niệm gia đình có bạo lực
28
1.3.2. Đặc điểm của gia đình có bạo lực
30
1.3.3. Phân loại mức độ bạo lực gia đình
31
1.4.
Rối nhiễu tâm lý ở trẻ em sống trong gia đình có bạo lực
32
1.4.1. Khái niệm rối nhiễu tâm lý trẻ em
32
1.4.2. Khái niệm RNTL ở trẻ em sống trong gia đình có bạo lực
34
1.4.3. Đặc điểm RNTL ở trẻ em sống trong gia đình có bạo lực
34
1.4.4. Các hình thức biểu hiện RNTL ở trẻ em sống trong GĐCBL
37
1.4.5. Hậu quả của RNTL gây ra cho trẻ em sống trong GĐCBL
39
1.4.6. Các yếu tố liên quan đến RNTL ở trẻ em sống trong GĐCBL
41
1.5.
Can thiệp RNTL ở trẻ em sống trong gia đình có bạo lực
45
1.5.1. Can thiệp cá nhân
45
1.5.2. Can thiệp nhóm
46
1
1.5.3. Can thiệp gia đình
48
CHƯƠNG 2. TỔ CHỨC VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1.
Tổ chức nghiên cứu
51
51
2.1.1. Nghiên cứu lý luận
51
2.1.2. Nghiên cứu thực tiễn
52
2.1.3. Hoàn thiện luận án
56
Các phương pháp nghiên cứu
56
2.2.1. Phương pháp nghiên cứu bằng bảng hỏi
56
2.2.2. Phương pháp phỏng vấn sâu
71
2.2.3. Phương pháp thảo luận nhóm
72
2.2.4. Phương pháp nghiên cứu trường hợp
73
2.2.5. Phương pháp can thiệp RNTL ở trẻ em sống trong GĐCBL
74
2.2.6. Phương pháp xử lý kết quả nghiên cứu
77
2.2.
CHƯƠNG 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU THỰC TIỄN VỀ RỐI NHIỄU
TÂM LÝ Ở TRẺ EM SỐNG TRONG GIA ĐÌNH CÓ BẠO LỰC
81
3.1.
Thực trạng bạo lực gia đình
81
3.2.
Thực trạng RNTL ở trẻ em sống trong gia đình có bạo lực
83
3.2.1. Mức độ rối nhiễu tâm lý
84
3.2.2. Các hình thức biểu hiện rối nhiễu tâm lý
87
3.2.3. Sự biến đổi của các loại rối nhiễu tâm lý
101
3.2.4. Mối quan hệ giữa các loại rối nhiễu tâm lý
102
3.2.5. RNTL trẻ em sống trong GĐCBL xét theo giới tính, lứa tuổi
103
3.2.6. RNTL ở trẻ em xét theo mức độ bạo lực gia đình
105
3.3.
Hậu quả của việc trẻ em bị rối nhiễu tâm lý
108
3.3.1. Khó khăn trong việc thích ứng xã hội
108
3.3.2. Khó khăn trong việc giải quyết vấn đề
112
3.3.3. Khó khăn học đường
115
3.4.
Các yếu tố ảnh hưởng đến RNTL
118
3.4.1. Các yếu tố ảnh hưởng tiêu cực
118
3.4.2. Các yếu tố ảnh hưởng tích cực
124
2
Một số trường hợp điển hình
129
3.5.1. Trường hợp thứ nhất: Nguyễn Viết M
130
3.5.2. Trường hợp thứ hai: Nguyễn Xuân K
133
3.5.3. Trường hợp thứ ba: Nguyễn Thị H
137
3.5.
3.6.
Kết quả can thiệp RNTL ở trẻ em sống trong GĐCBL
139
3.6.1. Một số kết quả đạt được từ các buổi can thiệp
139
3.6.2. Kết quả đánh giá RNTL ở trẻ sau khi can thiệp
142
3.6.3. So sánh mức độ RNTL trước và sau khi can thiệp
143
3.6.4. So sánh RNTL ở trẻ em được can thiệp và nhóm đối chứng
144
3.6.5. So sánh những khó khăn tâm lý trẻ em trước và sau can thiệp
145
3.6.6. So sánh khó khăn tâm lý của nhóm can thiệp và nhóm đối chứng
145
Kết luận và kiến nghị
148
Danh mục công trình khoa học của tác giả liên quan đến luận án
151
Tài liệu tham khảo
152
Phụ lục
160
3
DANH MỤC CÁC BẢNG
Tên bảng
STT
Trang
2.1
Đặc điểm chung của trẻ em thuộc diện khảo sát chính thức
56
3.1
Mức độ RNTL ở trẻ em sống trong GĐCBL
85
3.2
Các dấu hiệu biểu hiện trạng thái lo âu
92
3.3
Các dấu hiệu biểu hiện trạng thái trầm cảm
93
3.4
Các dạng hành vi sai phạm của trẻ em sống trong GĐCBL
96
3.5
Các kiểu hành vi gây hấn của trẻ em sống trong GĐCBL
97
3.6
Những khó khăn trong giao tiếp xã hội
109
3.7
Khó khăn tâm lý cản trở trẻ em tham gia hoạt động nhóm
110
3.8
Khó khăn tâm lý cản trở trẻ em thích ứng với môi trường mới
112
3.9
Những cách phản ứng cản trở trẻ em phân tích vấn đề
113
3.10
Những khó khăn tâm lý của trẻ em trong giải quyết vấn đề
114
3.11
Những khó khăn tâm lý trong học tập của trẻ em bị RNTL
117
3.12
RNTL ở trẻ em trước và sau khi can thiệp
143
3.13
RNTL ở trẻ em được can thiệp và nhóm đối chứng
144
3.14
3.15
So sánh khó khăn tâm lý của trẻ em trước và sau can
thiệp
So sánh khó khăn tâm lý của trẻ em được can thiệp và
145
146
nhóm đối chứng
DANH MỤC CÁC SƠ ĐỒ
Tên các sơ đồ
STT
Trang
1.1
Các yếu tố ảnh hưởng tiêu cực làm gia tăng RNTL
41
1.2
Các yếu tố ảnh hưởng tích cực làm giảm nhẹ RNTL
43
3.1
Mối tương quan giữa các dấu hiệu lâm sàng
108
3.2
Mối tương quan giữa BLGĐ, RNTL và các yếu tổ ảnh
123
hưởng tiêu cực
4
DANH MỤC CÁC BIỂU ĐỒ
Tên các biểu đồ
STT
Trang
3.1
Xu hướng gia tăng HVBL trong gia đình
81
3.2
Tỷ lệ trẻ em sống trong GĐCBL bị RNTL
84
3.3
Các dấu hiệu biểu hiện hình ảnh BLGĐ xâm nhập trở lại
88
3.4
Phản ứng tâm lý tiêu cực khi hình ảnh BLGĐ xâm nhập trở lại
90
3.5
Các kiểu nhận thức sai lầm của trẻ em sống trong GĐCBL
94
3.6
Các dấu hiệu biểu hiện rối nhiễu tâm thể
99
3.7
Các dấu hiệu biểu hiện sự mất tập trung chú ý
100
3.8
Sự biến đổi của các dấu hiệu lâm sàng
102
3.9
Tỷ lệ trẻ em bị RNTL trong các nhóm gia đình
105
3.10
Những hành vi vi phạm kỷ luật học đường của trẻ em bị RNTL
116
3.11
RNTL ở trẻ em sau khi được can thiệp tâm lý
142
DANH MỤC TRANH VẼ CỦA TRẺ EM
Tranh vẽ của trẻ em
STT
Trang
3.1
Hình ảnh BLGĐ trong tâm trí của trẻ em
82
3.2
Trẻ em hồi tưởng lại cảnh cha mẹ có HVBL
89
3.3
Hành vi gây hấn
98
3.4
Tâm lý của trẻ khi chứng kiến BLGĐ
120
3.5
Các hình thức bạo lực gia đình
140
5
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Nhiều người cảm thấy hạnh phúc và tự hào mỗi khi hồi tưởng, nhớ lại cuộc
sống gia đình ở tuổi ấu thơ với tình yêu thương của người mẹ, sự che chở, dạy dỗ
của người cha, sự ganh đua giữa anh chị em và sự chăm sóc của ông bà. Những
nhân tố này giúp họ bước vào cuộc sống ở lứa tuổi trưởng thành đầy tự tin, có trách
nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Tuy nhiên, cũng không ít người khi nói về
gia đình ở tuổi ấu thơ một cách khó khăn và bối rối bởi những ký ức về bạo lực gia
đình (BLGĐ) giữa cha mẹ, những trận đòn của cha, mẹ tái hiện trong tâm trí khiến
họ cảm thấy giận chính bản thân và người thân. Trong số họ, không ít người khi
trưởng thành, có gia đình riêng đã vận hành cuộc hôn nhân của mình giống như
cuộc hôn nhân của cha mẹ. Họ trừng phạt con của mình như những gì họ trải qua ở
tuổi ấu thơ. Với họ, gia đình không phải là tổ ấm, gia đình là sự hội tụ của những
người ghét nhau nhưng buộc phải sống chung với nhau dưới một mái nhà.
Một số nghiên cứu, khảo sát chỉ ra rằng, BLGĐ xảy ra khá phổ biến trong
các gia đình Việt Nam. Nghiên cứu cấp Quốc gia về gia đình của Bộ Văn hoá, Thể
thao và Du lịch (2008) thực hiện cùng các đối tác cho thấy, 21,2% các cặp vợ
chồng xảy ra các hiện tượng bạo lực như đánh, mắng chửi, chấp nhận quan hệ tình
dục khi không có nhu cầu [1]. Người gây ra BLGĐ gồm cả vợ và chồng, trong đó
người chồng là người gây ra bạo lực chính với các hình thức bạo lực nghiêm trọng
về thể chất và tinh thần. Tỷ lệ chồng đánh vợ chiếm 3,4% trong khi đó tỷ lệ vợ
đánh chồng là 0,6%. Kết quả nghiên cứu còn chỉ ra, thực trạng đáng báo động về sự
trừng phạt của cha mẹ mỗi khi con cái mắc lỗi. Trong sự trừng phạt của cha mẹ đối
với con cái, có một sự khác biệt về giới, cha mẹ trừng phạt trẻ vị thành niên nam
nhiều hơn đối với trẻ vị thành niên nữ: 41,8% cha mẹ sử dụng hình thức “quát
mắng” và 14 % sử dụng hình thức “đánh đòn” khi trẻ vị thành niên nam có hành vi
sai phạm, tỷ lệ cha mẹ trừng phạt trẻ vị thành niên nữ thấp hơn.
Nghiên cứu Quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ của Tổng cục Thống kê Việt
Nam (2010) với sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Y tế Thế giới chỉ ra rằng, 54% phụ
nữ tham gia nghiên cứu đã phải chịu đựng bạo lực tinh thần do người chồng gây ra
từ khi kết hôn và 25% phụ nữ đã bị bạo lực tinh thần trong vòng 12 tháng tính từ
6
ngày khảo sát [29]; cũng với mốc thời gian như vậy, phụ nữ chịu bạo lực thể xác do
chồng gây ra lần lượt là 32% và và 6%; bạo lực tình dục lần lượt là 10% và 4%; kết
hợp bạo lực thể xác và bạo lực tình dục do chồng gây ra là 34% và 9%.
BLGĐ không chỉ để lại hậu quả tức thì tại thời điểm xảy ra hành vi bạo lực
(HVBL) mà còn để lại những tổn thương tâm lý lâu dài cho người chịu sự bạo lực
hoặc chứng kiến cảnh bạo lực. Đặc biệt, sự ảnh hưởng của BLGĐ đối với trẻ em là
rất nghiêm trọng. Nghiên cứu của Dauvergne và Johnson (2002) cho thấy, những
trẻ em chứng kiến BLGĐ gặp vấn đề về mặt cảm xúc, giao tiếp xã hội, nhận thức
bản thân và hành vi ứng xử. Những trẻ em này có điểm tự đánh giá bản thân, kỹ
năng xã hội, sự cảm thông, đồng cảm thấp, trầm cảm, lo âu và hẫng hụt cao hơn, so
với những trẻ em sống trong gia đình không có bạo lực [74]. Hậu quả của việc
chứng kiến BLGĐ đối với trẻ em là khác nhau, tuỳ thuộc vào giới tính, độ tuổi. Trẻ
em nam thường có hành vi chống đối và gây hấn với người khác, trẻ em nữ thường
có dấu hiệu trầm cảm, sợ hãi và có những rối nhiễu tâm thể.
Trong một thập kỷ qua, bạo lực giới, BLGĐ là những chủ đề thu hút được
nhiều sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, các cơ quan chính phủ và các tổ chức
phi chính phủ ở Việt Nam. Các nghiên cứu về chủ đề này đã đưa ra những bằng
chứng cho thấy tác hại tiêu cực của BLGĐ đối với phụ nữ; nguyên nhân và cơ chế
duy trì bạo lực; các biện pháp phòng chống bạo lực đối với phụ nữ. Tuy nhiên, hậu
quả của BLGĐ đối với sự hình thành, phát triển tâm lý nhân cách của trẻ em hoặc
rối nhiễu tâm lý (RNTL) do trẻ em phải chứng kiến cảnh bạo lực giữa cha mẹ và
chịu đựng sự ngược đãi của cha mẹ chưa được các nhà nghiên cứu quan tâm đúng
mức. Không có nhiều nghiên cứu cấp Quốc gia, cũng như các nghiên cứu vi mô về
chủ đề này. Do vậy, chưa có nhiều thông tin và bằng chứng khoa học được đăng tải
cho thấy tác hại của BLGĐ đối với trẻ em. Đây thực sự là một khoảng trống trong
nghiên cứu về BLGĐ.
Trước thực trạng nêu trên, việc nghiên cứu sâu và có hệ thống về sự ảnh
hưởng của BLGĐ đến đời sống tâm lý, hành vi ứng xử và sự hình thành, phát triển
nhân cách, cũng như các RNTL ở trẻ em trở thành vấn đề cấp bách hiện nay. Chính
vì vậy, vấn đề “Rối nhiễu tâm lý ở trẻ em sống trong gia đình có bạo lực” được
chúng tôi lựa chọn làm đề tài luận án tiến sĩ.
7
2. Mục đích nghiên cứu
Nghiên cứu lý luận và khảo sát thực trạng RNTL trẻ em sống trong gia đình
có bạo lực (GĐCBL), từ đó đề xuất một số biện pháp phòng ngừa, can thiệp RNTL
ở trẻ em sống trong GĐCBL, góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ, chăm
sóc, giáo dục trẻ em hiện nay.
3. Đối tượng nghiên cứu
Đặc điểm, các hình thức biểu hiện của RNTL, các yếu tố ảnh hưởng và các
biện pháp can thiệp RNTL cho trẻ em sống trong GĐCBL.
4. Nhiệm vụ nghiên cứu
Tổng quan nghiên cứu của các tác giả trong và ngoài nức về RNTL, RNTL trẻ
em, RNTL ở trẻ em sống trong GĐCBL.
Xây dựng cơ sở lý luận nghiên cứu RNTL ở trẻ em sống trong GĐCBL: khái
niệm RNTL ở trẻ em sống trong GĐCBL, đặc điểm và các hình thức biểu hiện.
Nghiên cứu thực trạng RNTL ở trẻ em sống trong GĐCBL và các yếu tố ảnh
hưởng làm gia tăng hoặc giảm nhẹ RNTL.
Thử nghiệm biện pháp can thiệp nhóm thông qua giáo dục kỹ năng sống cho trẻ
em bị RNTL sống trong GĐCBL thuộc diện khảo sát.
5. Giả thuyết khoa học
RNTL ở trẻ em sống trong GĐCBL biểu hiện ra ở mặt cảm xúc, hành vi
mang tính kém thích nghi chẳng hạn như lo âu – trầm cảm, hành vi gây hấn, sai
phạm và mất tập trung chú ý trong hoạt động.
RNTL ở trẻ em sống trong GĐCBL có mối tương quan thuận với khó khăn
học đường, thích ứng xã hội và giải quyết tình huống có vấn đề. Cảm xúc tiêu cực,
mặc cảm tội lỗi mỗi khi chứng kiến cha mẹ có HVBL và sự trừng phạt của cha mẹ
là các yếu tố làm gia tăng RNTL ở trẻ em. Mối quan hệ thân thiện giữa trẻ em và
cha mẹ, sự động viên của những người xung quanh giúp trẻ em giảm nhẹ RNTL.
Can thiệp nhóm thông qua giáo dục kỹ năng sống là một biện pháp tác động
có hiệu quả đối với những trẻ em sống trong GĐCBL ở trạng thái ranh giới hoặc bị
RNTL nhẹ.
8
6. Khách thể nghiên cứu
Tổng số khách thể nghiên cứu là 506 người, trong đó: 52 trẻ em thuộc nhóm
khảo sát thử; 374 trẻ em thuộc diện khảo sát chính thức, bao gồm: 141 trẻ em đang
sống trong GĐCBL; 233 trẻ em đang sống trong gia đình không có bạo lực; 88
người lớn là cha hoặc mẹ của trẻ em đang sống trong GĐCBL; 12 giáo viên đang
giảng dạy tại các trường THCS nơi trẻ em thuộc diện khảo sát học tập.
7. Giới hạn nghiên cứu
7.1. Về đối tượng nghiên cứu
Luận án tập trung làm sáng tỏ đặc điểm và hình thức biểu hiện của RNTL ở
trẻ em chứng kiến BLGĐ giữa cha mẹ và hoặc chịu sự trừng phạt của cha mẹ mỗi
khi mắc lỗi.
Luận án tập trung phân tích những cảm nhận, suy nghĩ và phản ứng của trẻ
em khi chứng kiến cảnh cha mẹ có HVBL tinh thần thông qua ngôn ngữ nói,
HVBL thể chất thông qua hành vi xô đẩy, đánh, đấm hoặc các hành vi đập phá tài
sản, đồ đạc trong nhà.
7.2. Về khách thể nghiên cứu
Luận án chỉ tập trung nghiên cứu những RNTL ở trẻ em đang sinh sống
trong GĐCBL, không nghiên cứu những RNTL ở trẻ em sống trong gia đình có cha
mẹ, người thân gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần; những trẻ em khuyết tật bẩm
sinh từ nhỏ đã có tiền sử về sức khỏe tâm thần hoặc trẻ em khuyết tật do tai nạn
hoặc một nguyên nhân nào đó dẫn đến bị RNTL.
7.3. Về độ tuổi của trẻ em thuộc diện khảo sát
Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em (2004) quy định trẻ em là công
dân Việt Nam dưới 16 tuổi. Luận án chỉ tập trung nghiên cứu trẻ em trong độ tuổi
từ 12 đến 16 tuổi.
7.4. Về địa bàn nghiên cứu
Luận án được giới hạn là một nghiên cứu vi mô, khảo sát thực tế trên hai
cộng đồng dân. Do vậy, luận án chỉ tập trung điều tra, khảo sát RNTL ở trẻ em
sống trong những GĐCBL ở xã Tân An, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương; xã Tân
9
Phương và xã Thạch Đồng của huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ. Hai địa phương
này được lựa chọn là địa bàn khảo sát bởi trong những năm qua, nơi đây có nhiều
biến đổi về kinh tế, văn hóa, xã hội ảnh hưởng đến cuộc sống của các gia đình (xem
thêm chương II).
8. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu
8.1. Phương pháp luận
Luận án dựa trên phương pháp tiếp cận văn hóa – xã hội trong nghiên cứu
tâm lý con người, đặc biệt là nguyên tắc quyết định luận xã hội, nguyên tắc phát
triển và nguyên tắc hệ thống.
8.2. Phương pháp nghiên cứu
Căn cứ vào mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu, luận án sử dụng các phương
pháp nghiên cứu:
a) Phương pháp nghiên cứu văn bản, tài liệu
b) Phương pháp điều tra bằng bảng hỏi
c) Phương pháp phỏng vấn sâu
d) Phương pháp thảo luận nhóm
e) Phương pháp nghiên cứu trường hợp
f) Phương pháp can thiệp RNTL ở trẻ em sống trong GĐCBL
g) Phương pháp xử lý số liệu bằng thống kê toán học
9. Đóng góp của luận án
9.1. Về mặt lý luận
Luận án phát triển và mở rộng một số khái niệm cơ bản làm cơ sở cho
nghiên cứu lý luận và thực tiễn chẳng hạn như khái niệm RNTL nói chung, RNTL
ở trẻ em nói riêng, gia đình có bạo lực, RNTL ở trẻ em sống trong GĐCBL, các
biện pháp can thiệp làm giảm RNTL ở trẻ em sống trong GĐCBL.
Kết quả nghiên cứu lý luận và thực tiễn góp phần làm sáng tỏ sự ảnh hưởng
tiêu cực của BLGĐ đến đời sống tâm lý, hoạt động học tập, sự thích ứng xã hội,
năng lực giải quyết vấn đề của trẻ em sống trong GĐCBL.
10
9.2. Về mặt thực tiễn
Luận án đã xây dựng được công cụ đo lường RNTL ở trẻ em sống trong
GĐCBL đáp ứng tiêu chuẩn thiết kế, đo lường và có độ tin cậy cao, có tính ứng
dụng trong thực hành tham vấn, trị liệu tâm lý.
Luận án đã can thiệp tâm lý thông qua hình thức giáo dục kỹ năng sống cho
một số trẻ em thuộc diện khảo sát bị RNTL sống trong GĐCBL. Kết quả cho thấy,
can thiệp tâm lý thông qua giáo dục kỹ năng sống phù hợp với những trẻ em sống
trong GĐCBL bị RNTL nhẹ.
10. Cấu trúc của luận án
Ngoài phần mở đầu, kết luận, kiến nghị, danh mục các công trình liên quan
đến luận án đã được công bố, danh mục tài liệu tham khảo và phần phụ lục, luận án
gồm 3 chương:
Chương 1. Cơ sở lý luận nghiên cứu về RNTL ở trẻ em sống trong GĐCBL
Chương 2: Tổ chức và phương pháp nghiên cứu
Chương 3: Kết quả nghiên cứu thực tiễn RNTL ở trẻ em sống trong GĐCBL
11
Chương 1
CƠ SỞ LÝ LUẬN NGHIÊN CỨU VỀ RỐI NHIỄU TÂM LÝ Ở
TRẺ EM SỐNG TRONG GIA ĐÌNH CÓ BẠO LỰC
1.1. Tổng quan nghiên cứu vấn đề
1.1.1. Nghiên cứu về rối nhiễu tâm lý trẻ em
Rối nhiễu tâm lý (RNTL) trẻ em là vấn đề thu hút sự quan tâm, nghiên cứu
của nhiều nhà Tâm lý học lâm sàng, Tâm bệnh học, Tâm thần học, Công tác xã hội
trên thế giới và Việt Nam. Các nghiên cứu nhằm lý giải nguồn gốc, các hình thức
biểu hiện, các yếu tố củng cố, duy trì và các liệu pháp can thiệp RNTL trẻ em được
thực hiện theo các hướng tiếp cận chính sau đây.
Hướng tiếp cận sinh học: Một số tác giả tiêu biểu theo hướng tiếp cận sinh
học: Crowe. R (1974), Kagan. J và Snidman. N (1991), Raine. A và cs (2000), Zoë
Prichard (2008). Các tác giả này cho rằng, RNTL trẻ em có nguồn gốc bẩm sinh, di
truyền hoặc do sự tổn thương não bộ, rối loạn sinh lý thần kinh [44,56,65,71]. Theo
hướng tiếp cận sinh học, trị liệu RNTL trẻ em chủ yếu dựa vào can thiệp y tế.
Hướng tiếp cận văn hóa - xã hội: Một số tác tác giả tiêu biểu theo hướng tiếp
cận này là Cole, D.A., (1998), Henry, D.B (2001), Woo BSC (2007), Ferguson C.
J (2008), Farrell A. D, (2011). Theo các tác giả này cộng đồng, mối quan hệ với
những người xung quanh, những sự kiện xảy ra trong cuộc sống, phương tiện
truyền thông đại chúng, trò chơi điện tử, sự đánh giá và chấp nhận của những người
xung quanh là các yếu tố liên quan trực tiếp đến RNTL trẻ em [43,46,47,52,70].
Công tác phòng ngừa, can thiệp RNTL trẻ em gắn liền với việc hạn chế những yếu
tố bất lợi từ môi trường sống, thay đổi mối quan hệ của trẻ em với những người
xung quanh, nâng cao năng lực thích ứng xã hội cho trẻ em.
Hướng tiếp cận tâm lý: Khác với các tác giả theo hướng tiếp cận văn hóa –
xã hội, nhấn mạnh đến các yếu tố khách quan, các tác giả theo hướng tiếp cận tâm
lý nhấn mạnh đến các yếu tố chủ quan gây ra RNTL trẻ em. Tuy nhiên, theo hướng
tiếp cận này, có nhiều trường phái tâm lý khác nhau, mỗi trường phái có những
cách thức lý giải riêng về nguồn gốc gây ra RNTL và biện pháp can thiệp, phòng
12
ngừa. Trường phái Phân tâm học của S. Freud coi những chấn thương tâm lý ở tuổi
ấu thơ và sự xung đột trong đời sống nội tâm giữa cái “Nó”, cái “Tôi”, cái “Siêu
tôi” là nguyên nhân chính gây ra RNTL ở lứa tuổi thanh thiếu niên, tuổi trưởng
thành. Trong công tác phòng ngừa và can thiệp, Freud và các nhà Phân tâm học
nhấn mạnh đến việc giải tỏa lo âu, nguyên nhân chính gây ra RNTL, củng cố sức
mạnh của cái “Tôi”. Trường phái Tâm lý học nhận thức – hành vi của Seligman
(1975), Bandura (1977), Lewinsohn (1979), Beck (1977), Ellis (1977) cho rằng,
RNTL trẻ em xuất phát từ quá trình điều kiện hóa những điều quan sát thấy và học
hỏi được từ môi trường xung quanh, từ sự nhận thức không phù hợp của cá nhân.
Trong công tác phòng ngừa và can thiệp, các nhà Tâm lý học nhận thức – hành vi
đề cao việc cấu trúc lại nhận thức, hình thành ở trẻ em những kiểu hành vi mới và
nâng cao năng lực ứng phó với các sự kiện gây stress trong cuộc sống. Lý thuyết
gắn bó của Bowlby (1969), Ainsworth, Blehar, Waters, Wall (1978). Lý thuyết liên
kết xã hội của Benjamin (1974,1993,1995), Thompson (2000)..v.v [dẫn theo 50].
Hai lý thuyết này cho rằng, RNTL trẻ em bắt nguồn từ sự thiếu vắng tương tác về
mặt cảm xúc giữa trẻ và người mẹ. Việc phòng ngừa và can thiệp RNTL ở trẻ em,
cần tập trung vào việc thay đổi mối quan hệ liên nhân cách và sự tương tác cảm xúc
trong quan hệ mẹ con.
Hướng tiếp cận sinh – tâm – xã hội: Các tác giả đi theo hướng nghiên cứu
này cho rằng, không chỉ có các yếu tố bên trong hoặc bên ngoài là nguyên nhân gây
ra RNTL ở trẻ em. Nguồn gốc gây ra RNTL trẻ em là sự kết hợp giữa các yếu tố
sinh học, tâm lý và những tác động từ môi trường văn hóa, xã hội. Một trẻ em
mang trong mình một gen tâm bệnh lý nào đó, sống trong gia đình có nhiều xung
đột và stress có nguy cơ cao dẫn đến bị RNTL. Trong trường hợp này gen đóng vai
trò nguồn gốc, stress trong gia đình là yếu tố khởi phát. Ngược lại, một trẻ em có
thể mang trong mình gen tâm bệnh lý nhưng sống trong môi trường thuận lợi, được
chăm sóc, không phải trải qua những sự kiện gây sang chấn nghiêm trọng sẽ không
bị RNTL.
Theo hướng nghiên cứu này, chúng ta có thể tham khảo một số tác giả:
Anjali Subbarao. A và cs (2008), nghiên cứu mối tương quan giữa di truyền, môi
trường và rối nhiễu hành vi, rối nhiễu trầm cảm điển hình ở trẻ em [41]; Zoë
Prichard và cs (2008) nghiên cứu sự tương tác giữa gen MAOA và hành vi chống
13
đối xã hội [71]; Kevin M. Beaver và cs (2009) nghiên cứu sự ảnh hưởng của di
truyền, môi trường xã hội đến sự tự kiểm soát và hành vi sử dụng ma túy, phạm
pháp, chống đối xã hội [58]. Theo hướng tiếp cận sinh – tâm – xã hội, việc phòng
ngừa, can thiệp RNTL trẻ em cần có sự kết hợp giữa can thiệp y tế, trị liệu tâm lý
và tác động làm thay đổi môi trường sống xung quanh, hạn chế sự tác động tiêu cực
từ môi trường sống đến trẻ em. Tuy nhiên, ở mỗi thời điểm và tùy thuộc vào mức
độ RNTL, một trong ba hình thức can thiệp trên sẽ được chú trọng và ưu tiên.
Ở Việt Nam, các nhà Tâm lý học luôn đặt vấn đề nghiên cứu tâm lý trẻ em nói
chung, RNTL trẻ em nói riêng theo hướng tiếp cận tâm lý – xã hội dựa trên quan
điểm Tâm lý học hoạt động [7,17]. Theo hướng tiếp cận này có các tác giả tiêu
biểu: Phạm Minh Hạc (1988), Lê Khanh (2003)..v,v. Bên cạnh hướng tiếp cận
truyền thống, một số tác giả: Nguyễn Công Khanh (2000), Nguyễn Thị Hồng Thúy
và cs (2007), Hoàng Cẩm Tú và cs (2007), Đỗ Ngọc Khanh (2010)..v.v, nghiên cứu
RNTL trẻ em theo phương pháp tiếp cận nhận thức – hành vi [16,19,27,30]. Một số
tác giả khác: Trần Thu Hương (2012), Nguyễn Minh Đức (2012) nghiên cứu RNTL
ở trẻ em theo luận thuyết Phân tâm học [12,81]. Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, người
đặt nền móng cho Tâm lý học lâm sàng trẻ em Việt Nam, có một quan điểm chiết
trung trong nghiên cứu và thực hành: chẩn đoán và trị liệu RNTL trẻ em [37].
Trong nghiên cứu này, hướng tiếp cận văn hóa – xã hội trong nghiên cứu tâm
lý con người là hướng tiếp cận chính được sử dụng làm cơ sở lý luận nghiên cứu về
RNTL ở trẻ em sống trong GĐCBL. Theo hướng tiếp cận này, tâm lý người có
nguồn gốc từ thế giới khách quan, trong đó nguồn gốc xã hội là yếu tố quyết định.
Vì vậy, RNTL ở trẻ em sống trong GĐCBL được xem là hậu quả của việc trẻ em
chứng kiến và chịu đựng sự trừng phạt của cha mẹ. Do vậy, khi nghiên cứu RNTL
ở trẻ em, phải xem xét hoàn cảnh gia đình và hình thức BLGĐ mà trẻ em chứng
kiến và trải nghiệm. Cũng theo hướng tiếp cận này, tâm lý con người mang tính chủ
thể, sự hình thành, phát triển và biến đổi của tâm lý con người diễn ra cùng với sự
phát triển của cá nhân, gia đình và xã hội. Vì thế, khi nghiên cứu RNTL ở trẻ em
sống trong GĐCBL cần xem xét sự nhận thức, cảm xúc và hành vi của trẻ em trong
và sau khi trải nghiệm BLGĐ, những ảnh hưởng trước mắt và lâu dài của BLGĐ
đối với sự phát triển tâm lý, nhân cách của trẻ em.
14
1.1.2. Nghiên cứu về rối nhiễu tâm lý ở trẻ em sống trong gia đình có bạo lực
Sự ảnh hưởng của BLGĐ đối với sự hình thành và phát triển tâm lý trẻ em
được bắt đầu nghiên cứu từ đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước [75]. Tuy nhiên, đến
nay đã có nhiều cách tiếp cận và quan điểm khác nhau về sự ảnh hưởng này. Dưới
đây là một số kết quả nghiên cứu của các tác giả trong và ngoài nước xung quanh
vấn đề này.
1.1.2.1.
Nghiên cứu ở nước ngoài
Trong ba thập kỷ qua, các nghiên cứu về việc trẻ em chứng kiến hoặc chịu
đựng BLGĐ không ngừng gia tăng ở Bắc Mỹ và Châu Âu. Tổng quan một số công
trình nghiên cứu về chủ đề này ở hai khu vực trên cho thấy, các tác giả tập trung lý
giải và làm sáng tỏ một số vấn đề:
Hậu quả của BLGĐ đối với trẻ em. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, việc trẻ
chứng kiến cảnh BLGĐ và hoặc bị cha mẹ ngược đãi ở tuổi ấu thơ gây ra một số
RNTL ở lứa tuổi thiếu niên, muộn hơn là ở tuổi trưởng thành, tuy nhiên sự ảnh
hưởng tiêu cực của BLGĐ đối với trẻ em là khác nhau ở mỗi trẻ em.
Nghiên cứu hội chứng stress sau sang chấn ở trẻ em của Kilpatrick và
Williams (1997) cho thấy, những trẻ em phải chứng kiến cảnh bạo lực giữa cha mẹ
dễ bị stress sau sang chấn hơn so với những trẻ em không phải chứng kiến cảnh bạo
lực này [59]. Nghiên cứu về hậu quả lâu dài của BLGĐ đối với trẻ em của Rossman
(2001) chỉ ra rằng, việc chứng kiến cảnh bạo lực giữa cha mẹ là điều kiện thuận lợi
để hình thành và phát triển hành vi gây hấn, phạm tội ở tuổi trưởng thành trong các
mối quan hệ liên nhân cách hoặc những triệu chứng tâm thần như buồn rầu, tự huỷ
hoại bản thân và những vấn đề liên quan đến sức khoẻ thể chất: đau đầu, cơ thể dễ
bị mệt mỏi và hành vi sử dụng các chất gây nghiện [66]. Nghiên cứu so sánh, đối
chứng của Fortin và cs (2002) giữa trẻ em sống trong GĐCBL và gia đình không có
bạo lực cho thấy, nhóm trẻ em sống trong GĐCBL phải chứng kiến cảnh bạo lực
giữa cha mẹ có biểu hiện rối nhiễu hành vi ứng xử như xâm kích, tăng động, phạm
pháp nhiều hơn so với nhóm trẻ em sống trong gia đình không có bạo lực giữa cha
mẹ [76]. Nhóm trẻ em chứng kiến BLGĐ cũng có xu hướng không vâng lời, nói
dối, phá huỷ đồ đạc, gian lận, đánh nhau hoặc tỏ ra hung dữ hơn so với nhóm trẻ
em đối chứng. Nhóm trẻ em sống trong GĐCBL còn bị rối nhiễu cảm xúc: lo âu,
15
trầm cảm; phụ thuộc vào người lớn, lo lắng, buồn rầu và cảm thấy không hạnh
phúc, năng lực xã hội thấp, không cảm thấy tự tin vào bản thân và gặp khó khăn
trong học tập và tập trung chú ý. Những trẻ em này thường gặp các vấn đề về sức
khỏe thể chất như chậm phát triển, dị ứng, bệnh ngoài da, đau đầu, rối nhiễu ăn
uống hoặc các vấn đề liên quan đến thính giác và thị giác.
Nghiên cứu mối quan hệ giữa việc bị ngược đãi trong gia đình ở tuổi ấu thơ
và khả năng thích ứng ở tuổi trưởng thành của Higgins và cs (2003) chỉ ra rằng,
chất lượng của những mối quan hệ liên nhân cách ở tuổi trưởng thành bị ảnh
hưởng bởi sự gắn bó, gần gũi giữa cha mẹ và trẻ em ở tuổi ấu thơ, sự gắn kết giữa
các thành viên trong gia đình ở tuổi ấu thơ. Mục tiêu cuộc sống ở tuổi trưởng thành
bị ảnh hưởng tiêu cực bởi sự ngược đãi tinh thần ở tuổi ấu thơ [53]. Higgins cũng
nhận thấy, khi trưởng thành nếu cá nhân có khả năng thích ứng tốt với cuộc sống
gia đình sẽ nhìn nhận cuộc sống xã hội một cách tích cực hơn.
Các yếu tố làm gia tăng hoặc giảm nhẹ RNTL ở trẻ em sống trong GĐCBL.
Các nghiên cứu về chủ đề này chỉ ra rằng, có các yếu tố nguy cơ làm gia tăng
RNTL, cũng có các yếu tố bảo vệ trẻ em tránh bị RNTL nặng nề khi chứng kiến
hoặc chịu đựng hành vi ngược đãi của cha mẹ.
Các yếu tố nguy cơ làm gia tăng RNTL ở trẻ em sống trong GĐCBL. Nghiên
cứu của Grych.J.H và Fincham.F.D (1990) chỉ ra rằng, tần suất và mức độ nghiêm
trọng của BLGĐ có mối quan hệ trực tiếp với cảm giác tuyệt vọng và những vấn đề
liên quan đến hành vi, đặc biệt trong những trường hợp sự xung đột giữa cha mẹ
kèm theo sự xâm hại thể chất đối với trẻ em [51]. Nghiên cứu của Mackenzie –
Keating và McDonald (1997) cho thấy, việc áp dụng hình thức kỷ luật hà khắc,
cứng nhắc đối với trẻ em chứng kiến BLGĐ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển
tâm lý – nhân cách, đặc biệt, khi hình thức kỷ luật này được người mẹ thực thi [62].
Kỷ luật hà khắc của cha mẹ tạo ra và duy trì khoảng cách, trẻ em không có nhiều cơ
hội nói về những mong muốn, nhu cầu của bản thân hoặc thương lượng với cha mẹ;
các em không nhận được sự cảm thông, chia sẻ, hỗ trợ từ cha mẹ, ngược lại cha mẹ
không lắng nghe và thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của trẻ.
Các yếu tố bảo vệ, giúp trẻ em sống trong GĐCBL tránh hoặc giảm RNTL.
Peled. E (1998) nhận định rằng, phần lớn trẻ em chứng kiến BLGĐ sử dụng chiến
16
lược ứng phó tập trung vào cảm xúc [64]. Holzworth – Munroe (1997) nhận định,
những cảm xúc tiêu cực quan sát thấy ở trẻ em sống trong GĐCBL là một hình
thức báo hiệu cho cha mẹ thấy hậu quả tiêu cực của BLGĐ gây ra [54]. Allen. N.E
(2003) quan sát thấy, trẻ em sống trong GĐCBL sử dụng chiến lược ứng phó chủ
động tập trung giải quyết vấn đề, bị động tập trung vào cảm xúc [39]. Fortin và cs
(2002) chỉ ra rằng, sự tự ý thức về bản thân, chiến lược ứng phó chủ động, trạng
thái tâm lý tích cực của người mẹ, chất lượng mối quan hệ mẹ con, mạng lưới trợ
giúp xã hội là những yếu tố bảo vệ trẻ em trong GĐCBL [76].
Mô hình phòng ngừa và can thiệp RNTL ở trẻ em sống trong GĐCBL. Các
tác giả quan tâm đến vấn đề này đã đề xuất hai mô hình can thiệp, phòng ngừa
RNTL ở trẻ em. Mô hình thứ nhất tập trung vào trẻ em, giúp trẻ ứng phó tốt với
BLGĐ và loại bỏ RNTL thông qua can thiệp cá nhân hoặc can thiệp nhóm; mô
hình thứ hai can thiệp hướng vào gia đình của trẻ em và cộng đồng. Đối với hình
thức can thiệp cá nhân, Lessard và cs (2003), MacAlister Groves (1999) đã tập
trung đánh giá hiệu quả và ý nghĩa của can thiệp tâm lý cá nhân đối với những trẻ
em bị tổn thương tâm lý nghiêm trọng sống trong GĐCBL [61,78]. Hình thức can
thiệp nhóm đối với những trẻ bị RNTL trong GĐCBL được Wilson và cs (1989)
tập trung xem xét tiêu chí lựa chọn trẻ em tham gia vào nhóm can thiệp [68].
Crockford và cs (1993), Evans và Shaw (1993) quan tâm đến hình thức tổ chức và
thời gian của một đợt can thiệp nhóm. Campeau và Berteau (2007) xem xét nội
dung của mỗi buổi can thiệp nhóm, các nhân tố tạo nên hiệu quả của can thiệp
nhóm [73]. Can thiệp hướng vào gia đình và cộng đồng, Wolfe và cs (2003) cho
rằng, can thiệp RNTL không chỉ tập trung vào trẻ em, cần tác động đến cha mẹ và
cộng đồng mới có hiệu quả bền vững. Chiến lược phòng ngừa và can thiệp BLGĐ
cần được thực hiện từ cấp độ vĩ mô đến cấp độ vi mô. Các chương trình can thiệp
hướng đến nâng cao năng lực nhận thức của người dân, của các cặp vợ chồng về sự
ảnh hưởng của BLGĐ đến trẻ em. Bên cạnh đó, các chương trình can thiệp hướng
đến từng gia đình có HVBL, giúp họ kiểm soát HVBL và nhận ra những RNTL ở
trẻ em do BLGĐ gây ra [69].
Nhìn chung, các tác giả nước ngoài nghiên cứu về sự ảnh hưởng của BLGĐ
đối với trẻ em đều khẳng định rằng, BLGĐ gây ra khó khăn tâm lý cho trẻ, đặc biệt
một số trẻ em còn bị RNTL nặng cần được can thiệp. Tuy nhiên, sự tác động của
17
BLGĐ đến trẻ em là khác nhau bởi có các yếu tố nguy cơ, các yếu tố bảo vệ trẻ em
tham gia vào quá trình tác động này. Các tác giả nước ngoài đưa ra ba mô hình can
thiệp đối với trẻ em sống trong GĐCBL. Câu hỏi đặt ra là liệu kết quả nghiên cứu
được nêu trên có đúng với trẻ em Việt Nam sống trong GĐCBL hay không? Các
yếu tố nào làm gia tăng RNTL ở trẻ em? Đó là những câu hỏi chỉ nghiên cứu thực
tế mới có câu trả lời xác đáng.
1.1.2.2.
Nghiên cứu trong nước
Trong những năm qua, bạo lực đối với phụ nữ, bạo lực gia đình, các phương
pháp can thiệp và phòng chống BLGĐ là những chủ đề được các nhà nghiên cứu,
các cơ quan chính phủ, phi chính phủ quan tâm, nghiên cứu. Bộ Văn hóa – Thể
thao và Du lịch cùng các đối tác (2008) công bố kết quả điều tra gia đình Việt Nam
năm 2006 đã chỉ ra rằng 21% các cặp vợ chồng trải nghiệm ít nhất một loại hình
BLGĐ. Cục Thống kê và các đối tác (2010) đã công bố kết quả nghiên cứu về
BLGĐ đối với phụ nữ ở Việt Nam cho thấy 32% phụ nữ kết hôn đã bị bạo lực thể
xác trong cuộc đời. Kết quả nghiên cứu của hai cơ quan quản lý nhà nước đã đưa ra
những bằng chứng cho thấy BLGĐ đối với phụ nữ và trẻ em diễn ra rất phổ biến
trong gia đình hiện nay.
Một số nghiên cứu trên quy mô nhỏ, đã cung cấp những bằng chứng cho
thấy, trẻ em phải chứng kiến hoặc chịu đựng BLGĐ rất là phổ biến, xảy ra ở mọi
địa phương, từ đồng bằng đến thành phố, dưới nhiều hình thức khác nhau [23]. Cha
mẹ trừng phạt trẻ em xảy ra cả trong gia đình hòa thuận lẫn gia đình có mâu thuẫn,
xung đột. Bạo lực giữa cha mẹ tương quan thuận với sự ngược đãi của cha mẹ đối
với trẻ em. Những gia đình thường xuyên xảy ra bạo lực giữa cha mẹ, trẻ em cũng
thường xuyên bị cha mẹ đánh, mắng, chửi. Trẻ em không bị ông bà, anh chị em lớn
tuổi hơn đánh đòn hay phạt, các em chủ yếu bị cha mẹ đánh, mắng hoặc bị trừng
phạt bằng các hình thức khác nhau [4].
Trừng phạt thân thể như đánh vào mông, tát, cốc vào đầu, đánh bằng roi hoặc
một vật khác, túm lấy tóc lắc; trừng phạt tinh thần như mắng, chửi, bắt trẻ quỳ, áp
mặt vào tường, không cho ăn, đuổi ra khỏi nhà... là những hình thức trừng phạt
được sử dụng phổ biến và thường xuyên. Trừng phạt thân thể đối với trẻ em gây ra
những hậu quả nghiêm trọng, nhiều trẻ sau khi bị cha mẹ đánh đòn phải đi khám ở
18
bệnh viện [32]. Có sự khác nhau nhất định trong hình thức trừng phạt của cha mẹ
đối với trẻ em nam và trẻ em nữ. Trẻ em nam thường bị cha mẹ sử dụng hình thức
trừng phạt thân thể, trẻ em nữ bị cha mẹ trừng phạt tinh thần [1].
Hình thức trừng phạt trẻ em mỗi khi các em mắc lỗi của cha mẹ được xem
như là một hình thức giáo dục chứ không được nhìn nhận như là một HVBL đối
với trẻ em. Cha mẹ đánh con, trừng phạt con một cách bạo lực với mong muốn con
ngoan hơn, biết nghe lời cha mẹ. Phương pháp giáo dục này của cha mẹ xuất phát
từ quan niệm cho rằng, “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt, cho bùi”.
Các nghiên cứu của các tác giả trong nước về BLGĐ đối với trẻ em khá
phong phú, tập trung ở một số khía cạnh như tính phổ biến của sự trừng phạt, các
hình thức, quan niệm của cha mẹ về việc trừng phạt trẻ em mỗi khi các em mắc lỗi.
Nghiên cứu của Enkhtor và cs (2007) về trừng phạt thân thể và tinh thần trẻ em ở
Việt Nam được xem là một nghiên cứu tốt, có sự kết hợp nhiều phương pháp
nghiên cứu khác nhau cũng dừng lại ở việc mô tả những cảm xúc, hành vi, suy nghĩ
tiêu cực của trẻ em khi bị cha mẹ, thầy cô giáo trừng phạt, chưa chỉ ra được hậu quả
lâu dài của sự trừng phạt đối với trẻ em.
Có thể nhận định rằng, đến nay chưa có nhiều nghiên cứu cấp quốc gia, cũng
như các nghiên cứu trên quy mô nhỏ, ở một cộng đồng dân cư cụ thể, mang tính
định lượng hoặc định tính chỉ ra hậu quả lâu dài về mặt tâm lý – xã hội do BLGĐ
gây ra cho trẻ em. Hiện nay, cộng đồng nói chung, cha mẹ nói riêng chưa ý thức rõ
được hậu quả tiêu cực đối với trẻ em do phải chứng kiến cảnh bạo lực giữa cha mẹ
hoặc chịu đựng hành vi ngược đãi của cha mẹ. Chính vì vậy, cần có những nghiên
cứu về RNTL ở trẻ em sống trong GĐCBL nhằm mang lại những thông tin khoa
học, những chứng cứ cụ thể về sự ảnh hưởng tiêu cực của BLGĐ đối với trẻ em,
giúp cộng đồng, các bậc cha mẹ ý thức rõ được vấn đề này, từ đó họ kiểm soát sự
xung đột mâu thuẫn trong gia đình và thay đổi phương pháp giáo dục con cái.
1.2. Cơ sở lý luận nghiên cứu về rối nhiễu tâm lý
1.2.1. Khái niệm rối nhiễu tâm lý
Những quan niệm giải thích về RNTL hay rối nhiễu tâm trí, trầm trọng hơn
gọi là rối loạn tâm thần (bệnh tâm thần) có từ rất lâu trong lịch sử nhân loại và có
sự thay đổi qua từng thời kỳ.
19
1.2.1.1.
Định nghĩa rối nhiễu tâm lý
Thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên, Hippocrates cho rằng, RNTL là sự mất
cân bằng giữa bốn loại thể dịch trong cơ thể: mật vàng, mật đen, máu và chất nhầy.
Nếu dư thừa mật vàng sẽ gây ra hưng cảm, dư thừa mật đen gây ra trầm cảm. Đến
thời kỳ Trung cổ, tôn giáo chiếm vị trí thống trị, các Tăng lữ, Giáo sĩ cho rằng,
RNTL là do ma quỷ gây ra, người bệnh muốn giải thoát khỏi ma quỷ, cần cầu
nguyện, hát thánh ca và uống nước thánh.
Đến cuối thế kỷ XIX, các nghiên cứu lâm sàng về RNTL đã được thực hiện
bởi các nhà Tâm thần học. Kết quả nghiên cứu của họ đã phần nào làm sáng tỏ
nguồn gốc xã hội và các hình thức biểu hiện của RNTL. Oppenheim (1884) đã mô
tả RNTL ở những bệnh nhân bị tai nạn lao động: “Sự lo hãi luôn thường trực ở nạn
nhân. Họ sợ phải đối mặt với những kích thích gợi lại sự kiện gắn với tai nạn, họ bị
rối loạn giấc ngủ và luôn gặp ác mộng, họ dễ cáu gắt, quá cảnh giác và thu mình”.
Oppenheim cũng là người đầu tiên sử dụng thuật ngữ nhiễu tâm sau sang chấn
(traumatischen neurosen) để chỉ những RNTL ở những bệnh nhân này. Trong
những bài giảng về bệnh hystérie và chứng suy nhược thần kinh, Jean – Martin
Charcot (1889) đã nhấn mạnh đến vai trò của sự kiện gây ra sự sợ hãi và phản ứng
khiếp sợ của những bệnh nhân là nạn nhân của các vụ tai nạn đường sắt. Charcot đã
mô tả triệu chứng lâm sàng của một người là trưởng toa của một tàu chở hàng, bị
tai nạn do hàng hoá đổ vào người, mắc bệnh hystérie một dạng RNTL như sau:
“Sau khi điều trị các vết thương trên cơ thể, bệnh nhân trở lại công việc nhưng anh
ta cảm thấy mình không còn khả năng làm việc, dễ khóc và xúc động, thường
xuyên giật mình trước những tiếng động, hay nhức đầu, luôn có cảm giác mệt mỏi
và lo âu”. Khác với các nhà tâm thần học trên, Emil Kraepelin (1899) cho rằng,
RNTL là những rối loạn sinh lý thần kinh xảy ra ở não. Quan niệm này nhấn mạnh
đến căn nguyên thực thể về RNTL. Kraepelin cũng là người đặt nền móng cho việc
phân loại các RNTL như hiện nay.
Nửa đầu thế kỷ XX, S. Freud và các nhà Phân tâm học đã có những luận giải
hết sức sâu sắc về RNTL. Freud coi RNTL là hậu quả của những sang chấn tâm lý
ở tuổi ấu thơ, nó cũng là kết quả của sự xung đột tâm lý bên trong giữa cái “Cái
Nó”, “Cái Tôi” và “Cái Siêu Tôi”. RNTL là kết quả từ sự lo hãi của “Cái Tôi” hoặc
20