KINH TẾ ĐỐI NGOẠI NƯỚC TA HIỆN NAY: TÌNH HÌNH VÀ CÁC
GIẢI PHÁP
Tác giả: PGS-TSKH Võ Đại Lược
Sự phát triển kinh tế đối ngoại nước ta trong thời gian vừa qua đã có ý nghĩa
hết sức quan trọng, thậm chí là quyết định đối với sự tăng trưởng kinh tế của
nước ta. Nước ta đã đạt được nhiều thành tựu cả về tăng trưởng xuất nhập
khẩu, thu hút vốn nước ngoài và phát triển du lịch. Bài viết này sẽ đề cập
đến hai vấn đề: phân tích hiện trạng và vấn đề; nêu ra các quan điểm phát
triển và giải pháp.
I. Hiện trạng và vấn đề
Việc đổi mới chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước đã là cơ sở cho
những thành công trong lĩnh vực kinh tế đối ngoại, nhưng đồng thời thực
tiễn những năm vừa qua cũng đã bộc lộ nhiều vấn đề cần phân tích lý giải.
Dưới đây xin nêu ra những điểm chính của tình hình và một số vấn đề có thể
là cấp bách.
1. Kinh tế đối ngoại đã đạt tốc độ tăng trưởng khá cao trong cả thập kỷ
90, mặc dù có sự giảm sút tốc độ từ năm 1999
Lý do cho sự tăng trưởng cao của các lĩnh vực kinh tế đối ngoại trên có thể
là tương đối rõ, nhưng lý do cho sự sụt giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế đối
ngoại trong những năm gần đây còn có thể có những ý kiến khác nhau.
Đúng là có lý do khách quan do suy giảm kinh tế toàn cầu và khu vực, do
giá hàng xuất khẩu của ta giảm nghiêm trọng... Tuy nhiên, Trung Quốc cũng
chịu tác động bởi những hoàn cảnh khách quan bên ngoài như nước ta
nhưng cả giá trị xuất khẩu lẫn FDI vào Trung Quốc trong vài năm nay vẫn
có mức tăng trưởng cao. Do vậy, việc giảm tăng trưởng của cả giá trị xuất
khẩu lẫn FDI vào nước ta trong thời gian qua không chỉ do nguyên nhân
khách quan, mà có thể lại do những nguyên nhân chủ quan là chính.
Trong các nguyên nhân chủ quan đó, có thể kể ra các nguyên nhân chính sau
đây:
Trước hết, đó là tình trạng bảo hộ mậu dịch không giảm đáng kể mà còn gia
tăng. Mức thuế suất nhập khẩu bình quân đã được giảm từ trên 16% xuống
còn trên 13% trong thời gian 1996 - 1998, nhưng đã tăng lên tới 16% vào
năm 2001. Khung thuế nhiều và nhiều mặt hàng nhập khẩu còn chịu mức
thuế cao; chỉ có 20% số dòng thuế được áp dụng mức thuế dưới 5%. Việc
hoàn thuế cho các hàng hoá nhập để xuất có quá nhiều thủ tục phức tạp
phiền hà và kém hiệu lực. Các biện pháp phi thuế quan nhằm bảo hộ mậu
dịch vẫn còn được áp dụng đối với nhiều lĩnh vực, đặc biệt là sự quản lý của
các bộ chuyên ngành. Hàng rào bảo hộ mậu dịch cao này tưởng như chỉ có
tác dụng ngăn chặn các dòng hàng nhập khẩu, nhưng trên thực tế chúng đã
tác động tiêu cực tới toàn bộ hoạt động kinh tế đối ngoại. Vì khi đánh thuế
cao vào các hàng hoá nhập khẩu, giá bán của chúng và các hàng hoá liên
quan ở trong nước đã tăng lên. Các nhà xuất khẩu phải sử dụng các hàng hoá
giá cao này, công nhân viên của họ cũng phải tiêu dùng các hàng hoá nhập
khẩu giá cao, mà mức cao giá này ước tính vào khoảng 20 - 100% tuỳ theo
mặt hàng. Do vậy đã đẩy chi phí của các hàng xuất khẩu tăng lên, giảm khả
năng cạnh tranh của chúng, và tác động xấu đến xuất khẩu. Hàng rào bảo hộ
mậu dịch cao chỉ khuyến khích sản xuất thay thế nhập khẩu, FDI cũng tự
nhiên phải theo hướng này, trong khi thị trường nội địa của ta nhỏ bé và
ngày càng bão hoà, do vậy FDI không tăng lên được và thậm chí đã chậm
lại. Hàng rào bảo hộ còn ảnh hưởng xấu tới cả du lịch, vì giá cả tiêu dùng ở
Việt Nam cao, không hấp dẫn khách du lịch.
Thứ hai, chi phí sản xuất của ta nói chung còn cao so với các quốc gia trong
khu vực, do vậy lợi thế cạnh tranh bị giảm thiểu.
Chi phí sản xuất phụ thuộc vào các yếu tố: thuế nhập khẩu, thuế doanh
thu,VAT, các phụ phí, tiền lương, giá các dịch vụ, công nghệ được sử
dụng...
Thuế nhập khẩu, kể cả hàng rào phi thuế quan, của nước ta hiện nay có lẽ ở
vào hàng cao nhất khu vực, cao hơn cả Trung Quốc, trong khi mức thuế
quan của nhiều quốc gia Đông Á hiện chỉ còn vào khoảng 4 - 6%. Thuế
doanh thu của ta ở mức 32%, cũng vào hàng cao nhất khu vực. Thuế VAT,
thuế tiêu thụ đặc biệt, phụ thu... đều ở mức cao. Thuế thu nhập đối với người
nước ngoài của ta hiện ở mức cao nhất trong khu vực, là 50%, trong khi ở
Inđônêxia là 30%, ở Thái Lan là 37%, ở Trung Quốc là 45%. Mức thuế thu
nhập cao này đã làm cho người nước ngoài không muốn làm việc ở Việt
Nam.
Tính chung chi phí lao động của nước ta hiện nay tương tự với Indonexia, và
thấp hơn các nước ASEAN-4, nhưng mức thấp này đã giảm dần.
Giá các dịch vụ như liên lạc, viễn thông, hàng không, điện, nước... đều ở
mức cao: chi phí điện cao hơn 4 nước ASEAN: Xingapo, Malaixia, Thái
Lan, Inđônêxia; giá nước cao hơn Philipin và gần ngang với Malaixia, Thái
Lan; chi phí liên lạc, viễn thông vào loại cao nhất khu vực; chi phí vận tải
hàng không, đường biển cao hơn cả Trung Quốc.
Công nghệ được sử dụng trong các doanh nghiệp Việt Nam khá lạc hậu so
với các quốc gia khác trong khu vực. Ví dụ, xí nghiệp sản xuất xi măng Sao
Mai do nước ngoài đầu tư sản xuất ở nước ta 1 tấn xi măng chi phí 12 USD,
trong khi các xí nghiệp sản xuất xi măng của ta chi phí 26 USD.
Chi phí sản xuất của ta cao như vậy, nên khả năng cạnh tranh của hàng Việt
Nam bị giảm thiểu cả ở thị trường trong lẫn ngoài nước.
Thứ ba, chính sách tiền tệ và tín dụng hỗ trợ hoạt động kinh tế đối ngoại
yếu.
Tỷ giá giữa đồng VN với USD và các đồng tiền khác tuy đã được nhiều lần
điều chỉnh kể từ 1996, nhưng hiện vẫn còn cao. Theo một số chuyên gia
nước ngoài, mức cao này khoảng trên 10%, và đã tác động tiêu cực đến hàng
xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường ASEAN, Nhật Bản và Liên minh
châu Âu, trừ Trung Quốc và Mỹ. Đồng VN cao giá và chưa do thị trường
đích thực xác định đã tác động xấu không chỉ tới xuất khẩu mà cả tới FDI và
du lịch. Đồng tiền Việt Nam cho đến nay, chưa có thể chuyển đổi tự do.
Trong khi tổng giá trị xuất nhập khẩu của nước ta đã ngang bằng tổng GDP,
thì đây là một vấn đề rất bất lợi. Buôn bán quốc tế lớn đến thế, mà đồng tiền
không chuyển đổi tự do được, có nghĩa là các nhà kinh doanh xuất nhập
khẩu của ta phải chịu các chi phí chuyển đổi tiền với thủ tục phiền hà và tốn
kém thời gian. Đã thế họ còn phải chịu thiệt do quy định về kết hối ngoại tệ,
tiền của họ thu được do xuất khẩu, khi nhập khẩu cần ngoại tệ lại phải xin
phép ngân hàng cấp.
Cung cấp tín dụng cho xuất khẩu là một trong các yếu tố quyết định sự thành
công của xuất khẩu, thế nhưng ở nước ta việc cung cấp các tín dụng này, đặc
biệt là cung cấp vốn lưu động cho các nhà xuất khẩu gặp nhiều trở ngại.
Những trở ngại này liên quan tới những thủ tục vay vốn phiền hà, những quy
chế phức tạp về thế chấp, nhất là trong điều kiện thị trường bất động sản
hoạt động rất kém, sự phân biệt đối xử đối với các loại hình doanh nghiệp,
và chưa có cơ chế tái chiết khấu các thương phiếu... Việc cung cấp tín dụng
yếu kém đã tác động xấu cả tới việc thu hút vốn FDI và du lịch, vì các nhà
đầu tư ít có cơ hội tiếp cận với các nguồn vốn trong nước để phát triển kinh
doanh.
Ngoài ba nguyên nhân trên còn có thể có những nguyên nhân khác như: lao
động Việt Nam ít được đào tạo, không lành nghề; thể chế hành chính luật
pháp không minh bạch; bộ máy quản lý yếu kém và quan liêu tham nhũng
và...
2. Nước ta đã trở thành nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về gạo, cà
phê, song đồng thời cũng phải chịu những tổn thất do giá gạo và cà phê
suy giảm.
Kể từ năm 1989, nước ta trở thành nước xuất khẩu gạo, sau đó là cà phê với
vị trí thứ hai, thứ ba thế giới. Song do giá cả các mặt hàng này hạ thấp liên
tục từ cuối thập kỷ 1990 đến nay đã gây cho ngành sản xuất gạo và cà phê
nước ta những tổn thất rất lớn. Ngay trong năm 2001, giá gạo còn tiếp tục hạ
thấp tới 12,2%, và giá cà phê hạ thấp 39,9% so với năm 2000.
Thực tế của thế giới cho thấy, trong vòng vài thập kỷ gần đây, giá cả các
hàng nông phẩm và nguyên liệu bị hạ thấp liên tục và không ổn định, do
những thay đổi về công nghệ sản xuất và sử dụng cũng như những thay đổi
trong cơ cấu tiêu dùng. Trong những năm tới đây chưa có những dự báo đảm
bảo chắc chắn là giá các hàng nông sản và nguyên liệu không giảm nữa.
Việc xuất khẩu hàng nông phẩm vào thị trường Mỹ như cá basa và tôm của
ta gần đây lại còn bị các nhà nuôi cá tôm Mỹ phản ứng và gây rắc rối nhằm
bảo vệ thị trường sản xuất của họ.
Vấn đề là thị trường thế giới cho đến nay gần như đã bão hòa, và sản phẩm
nào cũng đều đã có các ông chủ chiếm giữ thị phần. Nước ta là một thị
trường mới nổi, nên ta sản xuất thêm nhiều gạo, cà phê, cá basa..., thì người
khác phải giảm sản xuất những mặt hàng này, nếu không sẽ dẫn tới tình
trạng dư thừa, cung vượt cầu, giá cả sẽ hạ, hoặc dẫn tới những giải pháp bảo
hộ thương mại. Một trong các lý do chủ yếu làm cho giá gạo và cà phê giảm
liên tục là nước ta đã gia tăng xuất khẩu gạo từ 2,0 triệu tấn năm 1995 lên tới
trên 4 triệu tấn năm 1999 và từ 248 ngàn tấn cà phê năm1995 lên tới trên
500 ngàn tấn năm 2000. Cung về gạo và cà phê đã vượt cầu, do đó giá liên
tục giảm. Đứng trước tình trạng giá gạo và cà phê giảm, những người sản
xuất gạo và cà phê không có cách gì chống đỡ, ngoài việc phải thu hẹp sản
xuất. ở đây cung cầu của thị trường đã điều tiết giá cả và sản xuất. Người
sản xuất buộc phải thu hẹp sản xuất khi giá cả thị trường đã thấp hơn chi phí
sản xuất.
Trường hợp cá basa của ta xuất khẩu vào Mỹ lại có một sự khác biệt là thị
trường Mỹ có cả người tiêu dùng cá basa và người sản xuất cá da trơn tương
tự. Do cá basa của ta rẻ hơn, thâm nhập và chiếm lĩnh thị trường Mỹ với thị
phần khoảng 2% đã đặt những người nuôi cá basa ở Mỹ trước nguy cơ phá
sản. Trong trường hợp này người dân Mỹ nuôi cá đã kiện lên chính phủ Mỹ
và có thể có ba khả năng giải quyết: Nếu Việt Nam bán phá giá thì phải chịu
mức thuế 190%; Nếu không, Chính phủ Mỹ có thể áp dụng biện pháp hạn
chế định lượng bằng cô-ta nhập khẩu cá basa; Hoặc Mỹ sẽ tăng thuế nhập
khẩu tạm thời, có thời hạn lên đến mức đủ bảo vệ những người nuôi cá. Cuối
cùng là Mỹ đã tăng thuế nhập khẩu cá basa Việt Nam vào Mỹ.
Từ hai trường hợp trên đây ta có thể thấy rằng việc nghiên cứu tìm hiểu thị
trường, xác định dung lượng các thị trường, các giới hạn của thị trường và
khả năng thâm nhập tối đa của hàng Việt Nam vào các thị trường đó là một
vấn đề rất quan trọng. Nước ta đã xuất khẩu cà phê vào thị trường Mỹ mà
không gặp trở ngại gì, vì người Mỹ không trồng cà phê, nhưng giới hạn lại là
tổng cầu về cà phê trên thế giới. Không có sự nghiên cứu đánh giá chính xác
tổng cầu này chắc sẽ gây ra những tổn hại cho ta khi gia tăng quá mức một
mặt hàng xuất khẩu nào đó.
3. Sự phát triển vượt trội của khu vực kinh tế đối ngoại
Kim ngạch xuất nhập khẩu của nước ta năm 2001 đã đạt tới 31,2 tỷ USD,
nghĩa là xấp xỉ với tổng giá trị GDP, trong đó giá trị xuất khẩu khoảng 15 tỷ.
Trước thập kỷ 1990, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu so với GDP của nước ta
chỉ vào khoảng 30%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu so với GDP của
Trung Quốc hiện nay cũng chỉ vào khoảng trên 30%. Các nước Xingapo,
Malaixia, Thái Lan đã có tỷ trọng so sánh giữa giá trị xuất nhập khẩu và
GDP cao hơn ta.
Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã đăng ký vào Việt Nam đến năm
2001 là 38,8 tỷ USD. Tỷ trọng của vốn FDI được thực hiện trong tổng đầu
tư xã hội trong khoảng 20% - 32%, tức là năm cao nhất (1996) đã đạt tới
trên 32%; những năm đạt thấp vào khoảng trên 20%. Nếu tính cả các nguồn
vốn nước ngoài khác như vốn ODA và vốn vay thương mại, thì nguồn vốn
nước ngoài đã chiếm khoảng gần 50% tổng đầu tư xã hội vào giữa những
năm 1990 (những năm sau tỷ trọng này đã giảm).
Ngành du lịch Việt Nam đã có bước phát triển đáng kể. Số khách du lịch
quốc tế vào Việt Nam đã tăng đều, năm 2001, đạt 2,3 triệu khách và hiện có
hàng trăm ngàn lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài, đem lại
nguồn thu nhập hàng tỷ USD hàng năm cho đất nước.
Vấn đề đặt ra là một khi giá trị xuất nhập khẩu xấp xỉ bằng tổng GDP, vốn
FDI và các nguồn vốn nước ngoài khác đã chiếm tới gần 50% tổng vốn đầu
tư xã hội, số khách du lịch vào Việt Nam lên tới 2,3 triệu người, thì các thể
chế kinh tế nước ta không thể vẫn mang nặng tính chất hướng nội như trước
được. Đồng tiền Việt Nam không chuyển đổi được đã gây thiệt hại cho cả
hoạt động xuất nhập khẩu, đầu tư nước ngoài và du lịch. Người nước ngoài
và cả người Việt Nam kinh doanh đối ngoại sẽ nản lòng vì việc chuyển đổi
ngoại tệ khó khăn, tốn kém. Các vấn đề về tỷ giá, thuế quan, hải quan,
những quy chế về đầu tư nước ngoài, chính sách xuất nhập cảnh... cần được
xem xét lại và đổi mới thích hợp với những điều kiện mới của khu vực kinh
tế đối ngoại đã gia tăng vượt trội.
Kinh tế đối ngoại và đối nội thực chất chỉ là hai mặt của một nền kinh tế, vì
vậy những thay đổi về kinh tế đối ngoại đòi hỏi kinh tế đối nội phải thay đổi
theo. Chính sự tiến triển không kịp của kinh tế đối nội sẽ cản trở kinh tế đối
ngoại phát triển và ngược lại. Nước ta đang ở thời điểm kinh tế đối nội
không phát triển kịp, cản trở kinh tế đối ngoại - luật pháp thay đổi chậm, các
công ty chậm đổi mới và yếu kém, điều hành của bộ máy quản lý kém hiệu
lực...
4. Đội ngũ các doanh nghiệp hoạt động kinh tế đối ngoại đã tăng cả về
số lượng và chất lượng nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu hội nhập
kinh tế quốc tế hiện nay
Trước những năm 1990 các doanh nghiệp hoạt động kinh tế đối ngoại chỉ có
mấy trăm công ty xuất nhập khẩu và du lịch quốc tế và tất cả đều là của quốc
doanh. Nay đội ngũ doanh nghiệp hoạt động kinh tế đối ngoại đã lên đến
hàng nghìn gồm cả quốc doanh, tư nhân và các doanh nghiệp có vốn đầu tư
nước ngoài. Đó là một bước tiến to lớn cần phải khẳng định.
Đội ngũ các doanh nghiệp hoạt động kinh tế đối ngoại có một vai trò rất
quan trọng, nếu không nói là quyết định đối với sự phát triển kinh tế đất
nước. Thực tế thế giới cho thấy các doanh nghiệp này hoạt động rất đa dạng
trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, từ sản xuất, thương mại dịch vụ đến bảo
hiểm... Chính tính đa dạng này mới đảm bảo cho hoạt động kinh tế đối ngoại
có hiệu quả. Một doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu muốn có hiệu quả cần
phải vay mượn vốn nước ngoài (vì vốn trong nước không đủ và nhiều khi
quá đắt), cần phải có dịch vụ tư vấn nước ngoài (vì tư vấn trong nước chưa
đủ trình độ), cần chuyển đổi ngoại tệ, cần bảo hiểm rủi ro, cần thuê mướn
chuyên gia, cần marketing quốc tế... Ở nước ta các doanh nghiệp hoạt động
kinh tế đối ngoại thường mới hoạt động ở hai lĩnh vực: sản xuất và kinh
doanh xuất nhập khẩu, ở các lĩnh vực khác ta chưa có, nhưng cũng chưa cho
phép các công ty nước ngoài hoạt động.
Hoạt động của các công ty kinh doanh đối ngoại phải là xuyên quốc gia, để
có thể lợi dụng được những lợi thế so sánh của các nước khác. Công ty
Honda của Nhật đã có chi nhánh ở nhiều nước, vì tại mỗi một nước đó
Honda có thể tận dụng được lợi thế hoặc về tài nguyên, hoặc về lao động,
hoặc về vị trí địa lý..., do vậy có thể giảm thiểu các chi phí. Các công ty hoạt
động xuất khẩu của ta nói chung chưa hoạt động xuyên quốc gia. Đã thế ta
còn có chính sách nội địa hóa bắt buộc, ép các công ty nước ngoài phải sản
xuất càng nhiều các linh kiện ở Việt Nam càng tốt. Chính sách này đã triệt
tiêu mất lợi thế hoạt động của các công ty xuyên quốc gia. Vì các công ty
này chỉ muốn lợi dụng lao động rẻ và vị trí thuận lợi của Việt Nam để lắp
ráp rồi xuất vào Đông Nam Á. Nếu ta ép họ phải nội địa hóa cao, có nghĩa là
ta ép họ phải sản xuất những thứ linh kiện mà nước ta không có lợi thế, do
vậy là đi ngược lại lợi ích của họ. Kinh nghiệm của nhiều nước châu Á cho
thấy để có một đội ngũ các công ty hoạt động xuyên quốc gia cần nhiều thời
gian. Bước đi đầu tiên là thu hút các công ty xuyên quốc gia nước ngoài vào
hoạt động ở nước ta, biến họ thành các công ty của ta. Những công ty này
chính là hình mẫu để các công ty của ta đi theo và phát triển. Nước ta đang
đi theo hướng này, nhưng chúng ta mới chỉ cho phép họ xuất nhập khẩu
những gì họ đã đăng ký kinh doanh. Trong thời gian tới phải cho họ hoạt
động toàn diện hơn.
Các công ty kinh doanh đối ngoại của các quốc gia hiện nay đều là những
công ty xuyên quốc gia tư nhân, hoặc cổ phần có tiềm năng to lớn về cả kinh
tế, kỹ thuật, nhân lực, thị trường... Trong khi các công ty kinh doanh đối
ngoại của ta cho đến nay chủ yếu vẫn là các công ty quốc doanh, hoặc là
quốc doanh liên doanh với nước ngoài. Các công ty tư nhân và nhất là tư
nhân 100% vốn trong nước còn bị phân biệt đối xử trong hoạt động kinh tế
đối ngoại, mặc dù gần đây Nhà nước ta đã cho phép khu vực tư nhân được
hoạt động xuất nhập khẩu và liên doanh liên kết với nước ngoài.
Có thể nói, nếu các công ty hoạt động kinh tế đối ngoại của nước ta vẫn chủ
yếu là các công ty quốc doanh, không hoạt động xuyên quốc gia, không đa
dạng hóa các hoạt động... thì lợi thế so sánh của các công ty này trên thị
trường quốc tế chắc chắn sẽ khó tránh khỏi thua kém các công ty xuyên
quốc gia của các nước khác.
II. Các quan điểm và giải pháp
1. Các quan hệ kinh tế đối ngoại là quan hệ thị trường
Các quan hệ bên trong nền kinh tế nước ta hiện nay là quan hệ thị trường,
còn các quan hệ phi thị trường thì rất ít và có lẽ chỉ tồn tại trong viện trợ
ODA, viện trợ không hoàn lại, tài trợ của các loại quỹ tư nhân... Tính chất
thị trường đậm nét của các quan hệ kinh tế quốc tế đã buộc các quan hệ kinh
tế đối ngoại của mọi quốc gia trước hết phải tuân thủ các nguyên tắc của thị
trường: sản xuất lưu thông phải theo cung cầu của thị trường thế giới; tỷ giá
giữa các đồng tiền cũng do thị trường thế giới quy định, giá cả của các hàng
hoá và dịch vụ lưu thông trên thị trường thế giới là giá cả thị trường thế giới;
giá chứng khoán, công trái... cũng phải do thị trường quy định. Chính phủ
quốc gia có thể điều tiết, có khi khá chặt chẽ, các quan hệ kinh tế bên trong
của một quốc gia, nhưng chỉ có thể điều tiết một cách rất hạn chế những
quan hệ kinh tế quốc tế, chúng có một không gian rộng rãi hơn để tự do vận
động.