Tải bản đầy đủ (.docx) (13 trang)

Báo cáo kiến tập công chứng HP2-CC2: Quy định về giao kết hợp đồng trong Bộ luật dân sự năm 2015

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (108.9 KB, 13 trang )

LỜI MỞ ĐẦU
Bộ luật Dân sự hiện hành - còn gọi là Bộ luật dân sự 2015, đã được Quốc hội khóa
XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 24/11/2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017.
Đây là Bộ luật chứa đựng hệ thống các quy tắc xử sự chung, mang tính nguyên tắc cho
lĩnh vực dân sự. Đây có thể được xem là văn bản luật được áp dụng nhiều nhất, hằng ngày
trong đời sống xã hội. Do đó, tất cả các công dân đều có quyền, nghĩa vụ tìm hiểu về các
quy định trong Bộ luật này để áp dụng phù hợp trong cuộc sống. Đối với những người
công tác trong lĩnh vực tư pháp thì việc nghiên cứu, nắm bắt đầy đủ các quy định trong
Bộ luật dân sự càng trở nên quan trọng và bắt buộc. Bởi vì, đó là những kiến thức, quy
định mà đối tượng này phải áp dụng hàng ngày. Cũng chính vì vậy, đây là những người dễ
phát hiện ra những bất cập của quy định pháp luật và có tiếng nói phản biện các quy định
này để các nhà làm luật điều chỉnh cho phù hợp.
Trong các quy định của Bộ luật dân sự thì quy định về giao kết hợp đồng là nội dung
rất quan trọng bởi vì có giao kết hợp đồng thì quyền và nghĩa vụ của các bên mới được
xác lập, hậu quả pháp lý mới xảy ra. Bộ luật dân sự năm 2015 là Bộ luật dân sự thứ 3
được ban hành sau khi nước ta thống nhất. Do đó, Bộ luật này đã tiếp thu được những ưu
điểm, loại bỏ những khuyết điểm của Bộ luật dân sự năm 1995 và Bộ luật dân sự năm
2015. Tuy vậy, Bộ luật dân sự năm 2015 vẫn còn những bất cập sau gần 2 năm được áp
dụng chính thức, và quy định về giao kết hợp đồng trong Bộ luật này không phải là ngoại
lệ.
Với tư cách là một người đang công tác trong lĩnh vực pháp luật, được đào tạo để trở
thành những Công chứng viên tương lai, học viên chọn đề tài “Quy định về giao kết hợp
đồng trong Bộ luật dân sự năm 2015, những bất cập và hướng hoàn thiện” để làm báo
cáo, kết thúc học phần. Báo cáo được chia thành 2 phần tương ứng với tên đề tài gồm:
Phần 1 là các quy định về giao kết hợp đồng trong Bộ luật dân sự năm 2015; Phần 2 là
những bất cập và hướng hoàn thiện.
Học viên mong rằng, những nội dung mà mình nêu trong Báo cáo sẽ góp phần hoàn
thiện Bộ luật dân sự nói chung và quy định về giao kết hợp đồng dân sự nói riêng trong
pháp luật Việt Nam.

1




QUY ĐỊNH VỀ GIAO KẾT HỢP ĐỒNG TRONG
BỘ LUẬT DÂN SỰ NĂM 2015
1. Khái niệm hợp đồng
Theo quy định tại Điều 385 Bộ luật dân sự năm 2015 thì “Hợp đồng là sự thỏa
thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”. Đây
là một quy định mang tính ổn định bởi nó không có gì thay đổi so với quy định tại Bộ luật
dân sự năm 1995 và Bộ luật dân sự năm 2005 ngoại trừ việc bỏ đi hai từ “dân sự” trong
khái niệm. Theo tác giả, đây là sự thay đổi phù hợp bởi quan hệ pháp luật dân sự theo
nghĩa rộng bao gồm cả những quan hệ về đầu tư, lao động, kinh doanh thương mại, bảo
hiểm…. Theo đó, nếu trong khái niệm về hợp đồng từ “dân sự” được đặt đằng sau hai từ
“hợp đồng” và sau hai từ nghĩa vụ thì điều này dẫn đến thực tiễn thi hành pháp luật có
cách hiểu rằng những quy định của Bộ luật dân sự hiện hành chỉ liên quan đến hợp đồng
dân sự. Như vậy, sẽ làm hạn chế phạm vi điều chỉnh của Bộ luật dân sự đối với tất cả các
loại hợp đồng, bao gồm cả hợp đồng dân sự, hợp đồng lao động, hợp đồng kinh doanh
hay hợp đồng thương mại.
Với quy định tại Điều 385 Bộ luật dân sự năm 2015 thì Hợp đồng dân sự có những
đặc trưng như sau:
Một là, quan hệ hợp đồng phải có tối thiểu hai chủ thể tham gia. Khác với các giao
dịch là hành vi pháp lý đơn phương thể hiện ý chí của một bên chủ thể như lập di chúc,
hứa thưởng… thì hợp đồng phải là sự thể hiện ý chí của ít nhất hai bên chủ thể. Lưu ý hai
bên chủ thể khác với hai chủ thể, vì một bên chủ thể có thể gồm một người hoặc một
nhóm người. Thông thường, một hợp đồng bao gồm hai bên nhưng cũng có những hợp
đồng có thể bao gồm ba, bốn bên… những hợp đồng như vậy được gọi chung là hợp đồng
đa phương.
Hai là, hợp đồng là sự thỏa thuận, thống nhất giữa các bên. Không phải cứ có hai
bên chủ thể bày tỏ ý chí thì có thể hình thành nên hợp đồng. Hợp đồng chỉ có thể được
hình thành nếu sự thỏa thuận của các bên đạt được đến sự thống nhất tức là ý chí của hai
bên đã đồng thuận và cùng chấp nhận một hậu quả pháp lý đến với mình sau khi giao kết

hợp đồng.
Ba là, thỏa thuận của các bên phải có hậu quả pháp lý làm xác lập, thay đổi hoặc
chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Các bên thỏa thuận phải có hậu quả pháp lý làm xác
lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Không phải mọi sự thỏa thuận và có
sự thống nhất ý chí của hai hay nhiều bên thì đều hình thành nên hợp đồng. Ví dụ như
thỏa thuận một vụ đi chơi, thỏa thuận cuộc hẹn… không phải là hợp đồng vì nó không hề
2


làm phát sinh, thay đổi hay chấm dứt bất kỳ sự kiện pháp lý nào. Chỉ khi những thỏa
thuận có hậu quả pháp lý mới hình thành nên hợp đồng.
2. Đề nghị giao kết hợp đồng
Đề nghị giao kết hợp đồng được quy định tại 12 Điều trên tổng số 28 Điều của nội
dung giao kết hợp đồng trong Bộ luật dân sự năm 2015. Điều này cho thấy, đề nghị giao
kết hợp đồng rất quan trọng, làm tiền đề cho việc giao kết hợp đồng chính thức.
2.1 Khái niệm
Khoản 1 Điều 386 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: “Đề nghị giao kết hợp đồng
là việc thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng và chịu sự ràng buộc về đề nghị này của bên
đề nghị đối với bên đã được xác định hoặc tới công chúng”. Như vậy, các yếu tố cấu
thành nên đề nghị giao kết hợp đồng là: (i) thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng; (ii) thể
hiện ý chí của bên đề nghị muốn được ràng buộc nếu bên kia chấp nhận nó; (iii) đề nghị
được gửi tới đối tượng xác định cụ thể.
2.2 Thông tin trong đề nghị giao kết hợp đồng
Theo quy định tại Điều 387 Bộ luật dân sự năm 2015 thì trường hợp một bên có
thông tin ảnh hưởng đến việc chấp nhận giao kết hợp đồng của bên kia thì phải thông báo
cho bên kia biết. Tác giả đánh giá quy định nêu trên là hợp lý vì đảm bảo chất lượng của
giao dịch. Nếu một trong các bên chấp nhận hoặc không chấp nhận giao dịch khi thiếu
thông tin thì trong quá trình thực hiện giao dịch, các bên khó đạt được kết quả cao nhất,
xa hơn là có thể dẫn đến tranh chấp.
Ví dụ, Công ty A chuyên thu mua, phân phối đường, công ty B chuyên sản xuất

đường. Công ty A gửi cho Công ty B một đề giao kết hợp đồng mua 2000 tấn đường, giao
trong 6 tháng tới. Qua tìm hiểu, công ty A được biết rằng, các nông dân ở khu vực vựa
mía mà công ty B bao tiêu đang có ý định chặt bỏ cây mía để chuyển sang trồng đậu
nành. Đây là thông tin có thể anh hưởng đến việc chấp nhận giao kết hợp đồng của Công
ty B nên công ty A cần thông báo cho công ty B biết khi đưa ra đề nghị giao kết hợp đồng.
Khoản 2 Điều 387 Bộ luật dân sự năm 2015 cũng quy định rằng, trường hợp một
bên nhận được thông tin bí mật của bên kia trong quá trình giao kết hợp đồng thì có trách
nhiệm bảo mật thông tin và không được sử dụng thông tin đó cho mục đích riêng của
mình hoặc cho mục đích trái pháp luật khác. Đây là cũng là một quy định hợp lý bởi
thông tin này được bên đối lập cung cấp, phục vụ giao dịch giữa các bên nên bên còn lại
không được tự ý công khai thông tin hoặc sử dụng thông tin này cho mục đích riêng.
2.3 Thời điểm có hiệu lực của đề nghị giao kết hợp đồng
3


Theo quy định tại Điều 388 Bộ luật dân sự năm 2015 thì thời điểm đề nghị giao kết
hợp đồng có hiệu lực là thời điểm do bên đề nghị ấn định hoặc nếu bên đề nghị không ấn
định thì đề nghị giao kết hợp đồng có hiệu lực kể từ khi bên được đề nghị nhận được đề
nghị đó, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.
Bên được đề nghị đã nhận được đề nghị giao kết hợp đồng khi rơi vào một trong các
trường hợp sau: (i) Đề nghị được chuyển đến nơi cư trú, nếu bên được đề nghị là cá nhân;
được chuyển đến trụ sở, nếu bên được đề nghị là pháp nhân; (ii) Đề nghị được đưa vào hệ
thống thông tin chính thức của bên được đề nghị; (iii) Khi bên được đề nghị biết được đề
nghị giao kết hợp đồng thông qua các phương thức khác.
2.4 Các trường hợp chấm dứt đề nghị giao kết hợp đồng
Các trường hợp đề nghị giao kết hợp đồng chấm dứt được quy định tại Điều 391 Bộ
luật dân sự năm 2015, bao gồm:
Một là, bên được đề nghị chấp nhận giao kết hợp đồng. Chấp nhận đề nghị giao kết
hợp đồng là sự trả lời của bên được đề nghị về việc chấp nhận toàn bộ nội dung của đề
nghị. Sự im lặng của bên được đề nghị không được coi là chấp nhận đề nghị giao kết hợp

đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc theo thói quen đã được xác lập giữa các bên.
Hai là, chấm dứt đề nghị giao kết hợp đồng khi bên được đề nghị trả lời không chấp
nhận. Theo tác giả, việc trả lời này phải được thể hiện bằng một hình thức cụ thể, rõ ràng
và đảm bảo bên đề nghị nhận được trả lời đó. Ví dụ, bên được đề nghị có thể trả lời bằng
điện thoại, bằng email, bằng văn bản hoặc công khai trên phượng tiện thông tin đại chúng.
Ba là, chấm dứt đề nghị giao kết hợp đồng khi hết thời hạn trả lời chấp nhận. Thời
hạn này được xác định như sau: Khi bên đề nghị có ấn định thời hạn trả lời thì việc trả lời
chấp nhận chỉ có hiệu lực khi được thực hiện trong thời hạn đó, (nếu bên đề nghị giao kết
hợp đồng nhận được trả lời khi đã hết thời hạn trả lời thì chấp nhận này được coi là đề
nghị mới của bên chậm trả lời); Khi bên đề nghị không nêu rõ thời hạn trả lời thì việc trả
lời chấp nhận chỉ có hiệu lực nếu được thực hiện trong một thời hạn hợp lý.
Bốn là, chấm dứt đề nghị giao kết hợp đồng khi thông báo về việc thay đổi hoặc rút
lại đề nghị có hiệu lực. Bên đề nghị giao kết hợp đồng có thể thay đổi, rút lại đề nghị giao
kết hợp đồng trong trường hợp sau đây: Bên được đề nghị nhận được thông báo về việc
thay đổi hoặc rút lại đề nghị trước hoặc cùng với thời điểm nhận được đề nghị; Điều kiện
thay đổi hoặc rút lại đề nghị phát sinh trong trường hợp bên đề nghị có nêu rõ về việc
được thay đổi hoặc rút lại đề nghị khi điều kiện đó phát sinh. Khi bên đề nghị thay đổi nội
dung của đề nghị thì đó là đề nghị mới.
4


Năm là, chấm dứt đề nghị giao kết hợp đồng khi thông báo về việc hủy bỏ đề nghị
có hiệu lực. Bên đề nghị giao kết hợp đồng có thể hủy bỏ đề nghị nếu đã nêu rõ quyền
này trong đề nghị và bên được đề nghị nhận được thông báo về việc hủy bỏ đề nghị trước
khi người này gửi thông báo chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng.
Sáu là, chấm dứt đề nghị giao kết hợp đồng theo thỏa thuận của bên đề nghị và bên
được đề nghị trong thời hạn chờ bên được đề nghị trả lời.
Trường hợp bên đề nghị chết, mất năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong
nhận thức, làm chủ hành vi sau khi bên được đề nghị trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng
thì đề nghị giao kết hợp đồng vẫn có giá trị, trừ trường hợp nội dung giao kết gắn liền với

nhân thân bên đề nghị.
Trường hợp bên được đề nghị đã chấp nhận giao kết hợp đồng nhưng sau đó chết,
mất năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì việc
trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng vẫn có giá trị, trừ trường h
2.6 Rút lại thông báo chấp nhận giao kết hợp đồng
Bên được đề nghị giao kết hợp đồng có thể rút lại thông báo chấp nhận giao kết hợp
đồng, nếu thông báo về việc rút lại này đến trước hoặc cùng với thời điểm bên đề nghị
nhận được trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng.
3. Địa điểm giao kết hợp đồng
Theo quy định tại Điều 399 Bộ luật dân sự năm 2015 thì địa điểm giao kết hợp đồng
do các bên thỏa thuận; nếu không có thỏa thuận thì địa điểm giao kết hợp đồng là nơi cư
trú của cá nhân hoặc trụ sở của pháp nhân đã đưa ra đề nghị giao kết hợp đồng.
Theo tác giả, địa điểm giao kết hợp đồng có ý nghĩa rất quan trọng trong việc chứng
minh sự hiện thực của hợp đồng xác nhận lời đề nghị giao kết hợp đồng, chọn pháp luật
để áp dụng ký kết, thực hiện hợp đồng, giải quyết tranh chấp, xác định cơ quan tiến hành
tố tụng khi xảy ra tranh chấp,...
4. Thời điểm giao kết hợp đồng
Thời điểm giao kết hợp đồng được quy định tại Điều 400 Bộ luật dân sự năm 2015.
Thời điểm này được xác định như sau: Hợp đồng được giao kết vào thời điểm bên đề nghị
nhận được chấp nhận giao kết; Trường hợp các bên có thỏa thuận im lặng là sự trả lời
chấp nhận giao kết hợp đồng trong một thời hạn thì thời điểm giao kết hợp đồng là thời
điểm cuối cùng của thời hạn đó; Thời điểm giao kết hợp đồng bằng lời nói là thời điểm
các bên đã thỏa thuận về nội dung của hợp đồng; Thời điểm giao kết hợp đồng bằng văn
bản là thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản hay bằng hình thức chấp nhận khác được
5


thể hiện trên văn bản; Trường hợp hợp đồng giao kết bằng lời nói và sau đó được xác lập
bằng văn bản thì thời điểm giao kết hợp đồng được xác định theo thời điểm hợp đồng
giao kết bằng lời nói.

Như vậy, hình thức giao kết của hợp đồng khác nhau, thì thời điểm giao kết hợp
đồng cũng được xác định khác nhau. Ngoài ra, cần lưu ý rằng, thời điểm giao kết hợp
đồng và thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là khác nhau. Trong trường hợp, hợp đồng
được giao kết hợp pháp và không có sự thỏa thuận khác hoặc có quy định khác của pháp
luật, thì hiệu lực của hợp đồng mới chính là thời điểm giao kết hợp đồng.
5. Hiệu lực của hợp đồng
Theo quy định tại Điều 401 Bộ luật dân sự năm 2015 thì hợp đồng được giao kết
hợp pháp có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật
liên quan có quy định khác.
Ví dụ 1, công ty A và công ty B giao kết Hợp đồng thuê nhà. Theo đó, công ty A cho
công ty B thuê một tòa nhà. Để tạo điều kiện cho công ty B, công ty A dành cho công ty B
thời gian một tháng để trang trí lại tòa nhà thuê, phục vụ việc kinh doanh. Do đó, tuy ngày
ký hợp đồng thuê nhà là 01/10/2018 nhưng thời điểm có hiệu lực được các bên thỏa thuận
là từ ngày 01/11/2018. Đây là trường hợp hiệu lực hợp đồng được xác định theo thỏa
thuận của các bên.
Ví dụ 2, theo quy định tại khoản 3 Điều 188 Luật đất đai năm 2013 thì việc chuyển
đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất,
góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực
kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính. Đây là trường hợp thời điểm có hiệu lực của
hợp đồng tuân theo pháp luật có liên quan.
Từ thời điểm hợp đồng có hiệu lực, các bên phải thực hiện quyền và nghĩa vụ đối
với nhau theo cam kết. Hợp đồng chỉ có thể bị sửa đổi hoặc hủy bỏ theo thỏa thuận của
các bên hoặc theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, cần lưu ý rằng thời điểm có hiệu lực
của hợp đồng khác với thời điểm thực hiện quyền và nghĩa vụ của các bên. Từ thời điểm
hợp đồng có hiệu lực thì quyền và nghĩa vụ các bên phát sinh nhưng thời điểm thực hiện
quyền và nghĩa vụ đó thì căn cứ vào nội dung của hợp đồng.
Ví dụ, cũng trong hợp đồng thuê nhà giữa công ty A và công ty B nêu trên, các bên
thỏa thuận thời điểm thanh toán tiền thuê nhà là 3 tháng 1 lần và vào ngày dầu tiên của kỳ
thanh toán. Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là ngày 01/10/2018 nên nghĩa vụ thanh
toán tiền thuê kỳ đầu tiên của công ty B là ngày 01/10/2018, nghĩa thanh toán tiền thuê kỳ

thứ hai là ngày 01/01/2019…
6


6. Các loại hợp đồng chủ yếu
Theo quy định tại Điều 402 Bộ luật dân sự năm 2015 thì hợp đồng gồm nhiều loại.
Sau đây, tác giả sẽ nêu lần lượt các hợp đồng theo các tiêu chí phân loại:
a. Xét theo tiêu chí mối liên hệ về quyền và nghĩa vụ dân sự giữa các bên, hợp đồng được

phân thành hai loại: Hợp đồng song vụ và hợp đồng đơn vụ.
Hợp đồng song vụ là hợp đồng mà mỗi bên đều có nghĩa vụ đối với nhau. Đây là
loại hợp đồng phổ biến và thông dụng trong đời sống xã hội. Ví dụ, hợp đồng mua bán tài
sản, hợp đồng thuê, hợp đồng lao động, hợp đồng thi công…
Hợp đồng đơn vụ là hợp đồng mà chỉ một bên có nghĩa vụ. Ví dụ, hợp đồng tặng
cho tài sản; hợp đồng cho vay tài sản mà các bên đã xác định thời điểm có hiệu lực của nó
là kể từ khi bên cho vay đã giao tài sản cho bên vay
b. Xét theo tiêu chí sự phụ thuộc lẫn nhau về hiệu lực giữa các hợp đồng, thì hợp đồng được
phân thành hai loại: Hợp đồng chính và hợp đồng phụ. Hợp đồng chính là hợp đồng mà
hiệu lực không phụ thuộc vào hợp đồng phụ. Hợp đồng phụ là hợp đồng mà hiệu lực phụ
thuộc vào hợp đồng chính. Ví dụ, trong quan hệ vay tiền có thế chấp thì hợp đồng vay tiền
là hợp đồng chính, hợp đồng thế chấp là hợp đồng phụ.
c. Hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba là hợp đồng mà các bên giao kết hợp đồng đều phải
thực hiện nghĩa vụ và người thứ ba được hưởng lợi ích từ việc thực hiện nghĩa vụ đó. Khi
thực hiện hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba thì người thứ ba có quyền trực tiếp yêu cầu
bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ đối với mình; nếu các bên trong hợp đồng có
tranh chấp về việc thực hiện hợp đồng thì người thứ ba không có quyền yêu cầu thực hiện
nghĩa vụ cho đến khi tranh chấp được giải quyết. Bên có quyền cũng có thể yêu cầu bên
có nghĩa vụ thực hiện hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba.
d. Hợp đồng có điều kiện là hợp đồng mà việc thực hiện phụ thuộc vào việc phát sinh, thay
đổi hoặc chấm dứt một sự kiện nhất định. Ví dụ, hợp đồng tặng cho có điều kiện, hợp

đồng hứa thưởng nếu bên được hứa thưởng hoàn thành một công việc nhất định.
7. Phụ lục hợp đồng
Theo quy định tại Điều 403 Bộ luật dân sự thì hợp đồng có thể có phụ lục kèm theo
để quy định chi tiết một số điều khoản của hợp đồng. Phụ lục hợp đồng có hiệu lực như
hợp đồng. Nội dung của phụ lục hợp đồng không được trái với nội dung của hợp đồng.
Trường hợp phụ lục hợp đồng có điều khoản trái với nội dung của điều khoản trong
hợp đồng thì điều khoản này không có hiệu lực, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Trường hợp các bên chấp nhận phụ lục hợp đồng có điều khoản trái với điều khoản trong
hợp đồng thì coi như điều khoản đó trong hợp đồng đã được sửa đổi.
Ví dụ, phụ lục hợp đồng về việc gia hạn thời gian thuê nhà; phụ lục sửa đổi, bổ sung
một số điều khoản trong hợp đồng mua bán tài sản…
8. Giải thích hợp đồng
7


Theo quy định tại Điều 404 thì khi hợp đồng có điều khoản không rõ ràng thì việc
giải thích điều khoản đó không chỉ dựa vào ngôn từ của hợp đồng mà còn phải căn cứ vào
ý chí của các bên được thể hiện trong toàn bộ quá trình trước, tại thời điểm xác lập, thực
hiện hợp đồng. Khi hợp đồng có điều khoản hoặc ngôn từ có thể hiểu theo nhiều nghĩa
khác nhau thì phải giải thích theo nghĩa phù hợp nhất với mục đích, tính chất của hợp
đồng. Khi hợp đồng có điều khoản hoặc ngôn từ khó hiểu thì phải được giải thích theo tập
quán tại địa điểm giao kết hợp đồng. Các điều khoản trong hợp đồng phải được giải thích
trong mối liên hệ với nhau, sao cho ý nghĩa của các điều khoản đó phù hợp với toàn bộ
nội dung hợp đồng. Trường hợp có sự mâu thuẫn giữa ý chí chung của các bên với ngôn
từ sử dụng trong hợp đồng thì ý chí chung của các bên được dùng để giải thích hợp đồng.
Trường hợp bên soạn thảo đưa vào hợp đồng nội dung bất lợi cho bên kia thì khi giải
thích hợp đồng phải theo hướng có lợi cho bên kia.
9. Hợp đồng theo mẫu
Theo quy định tại Điều 405 Bộ luật dân sự năm 2015 thì hợp đồng theo mẫu là hợp
đồng gồm những điều khoản do một bên đưa ra theo mẫu để bên kia trả lời trong một thời

gian hợp lý; nếu bên được đề nghị trả lời chấp nhận thì coi như chấp nhận toàn bộ nội
dung hợp đồng theo mẫu mà bên đề nghị đã đưa ra.
Hợp đồng theo mẫu phải được công khai để bên được đề nghị biết hoặc phải biết về
những nội dung của hợp đồng. Trình tự, thể thức công khai hợp đồng theo mẫu thực hiện
theo quy định của pháp luật. Trường hợp hợp đồng theo mẫu có điều khoản không rõ ràng
thì bên đưa ra hợp đồng theo mẫu phải chịu bất lợi khi giải thích điều khoản đó. Trường
hợp hợp đồng theo mẫu có điều khoản miễn trách nhiệm của bên đưa ra hợp đồng theo
mẫu, tăng trách nhiệm hoặc loại bỏ quyền lợi chính đáng của bên kia thì điều khoản này
không có hiệu lực, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
10. Hợp đồng vô hiệu
Theo quy định tại Điều 407 thì quy định về giao dịch dân sự vô hiệu từ Điều 123
đến Điều 133 của Bộ luật dân sự 2015 được áp dụng đối với hợp đồng vô hiệu. Sự vô
hiệu của hợp đồng chính làm chấm dứt hợp đồng phụ, trừ trường hợp các bên có thỏa
thuận hợp đồng phụ được thay thế hợp đồng chính. Quy định này không áp dụng đối với
biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Sự vô hiệu của hợp đồng phụ không làm chấm dứt
hợp đồng chính, trừ trường hợp các bên thỏa thuận hợp đồng phụ là một phần không thể
tách rời của hợp đồng chính.
Ví dụ, A cho B thuê nhà, B cho C thuê lại một phần nhà (Hợp đồng thuê giữa A và B
cho phép B cho thuê lại). Nếu hợp đồng thuê giữa A và B chấm dứt (Hợp đồng chính) thì
Hợp đồng thuê giữa B và C cũng đương nhiên chấm dứt (Hợp đồng phụ). Ngược lại, nếu
hợp đồng giữa B và C chấm dứt thì Hợp đồng giữa A và B vẫn có hiệu lực.

8


Kết luận: Trên đây là những nội dung chủ yếu của Bộ luật dân sự năm 2015 liên
quan đến việc giao kết hợp đồng. Tuy mới chính thức có hiệu lực từ 01/01/2017 nhưng Bộ
luật này chứa đựng những bất cập, vướng mắc khi thực hiện. Tác giả sẽ trao đổi các vấn
đề này trong phần tiếp theo của Báo cáo.


9


NHỮNG BẤT CẬP VÀ HƯỚNG HOÀN THIỆN VỀ
QUY ĐỊNH GIAO KẾT HỢP ĐỒNG

1. Đề nghị giao kết hợp đồng tại Điều 386 Bộ luật dân sự năm 2015
Khoản 1 Điều 386 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: “Đề nghị giao kết hợp đồng
là việc thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng và chịu sự ràng buộc về đề nghị này của bên
đề nghị đối với bên đã được xác định hoặc tới công chúng”.
Theo quan điểm tác giả, để một lời đề nghị trở thành một đề nghị giao kết hợp đồng
thì nó phải được cấu thành từ 3 yếu tố là: (i) thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng; (ii) thể
hiện ý chí của bên đề nghị muốn được ràng buộc nếu bên kia chấp nhận nó; (iii) đề nghị
được gửi tới đối tượng xác định cụ thể.
Tác giả xin bàn về yếu tố thứ ba là đề nghị được gửi tới đối tượng xác định cụ thể.
Đối tượng này có thể là một người cụ thể hoặc nhóm người. Nhóm người này phải có
những đặc điểm chung với nhau, phân biệt nhóm này với nhóm khác tức mang tính nhận
diện. Ví dụ, đề nghị chào hàng gửi tới các công ty nằm trong hiệp hội bất động sản Thành
phố Hồ Chí Minh, đề nghị chào hàng gửi tới các công ty có trụ sở tại tỉnh Bình Dương…
Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1 Điều 386 Bộ luật dân sự năm 2015 thì đề nghị
giao kết hợp đồng có thể gửi tới “công chúng”. Đây là một khái niệm rất mơ hồ và rộng
lớn. Có thể hiểu rằng, bất kỳ người nào cũng là đối tượng nhận được đề nghị giao kết hợp
đồng, trở thành bên được đề nghị giao kết hợp đồng. Như vậy, thật khó phân biệt đề nghị
giao kết hợp đồng với hoạt động quảng cáo. Bởi bản thân quảng cáo cũng chứa đựng các
thông tin, yếu tố nêu ở trên. Theo quy định của Công ước Viên năm 1980, đề nghị giao
kết hợp đồng được gọi là “chào hàng” và phải được gửi cho một hay nhiều người xác
định. Đề nghị gửi cho những người không xác định chỉ được coi là một lời mời làm chào
hàng, trừ phi bên đề nghị đã phát biểu rõ ràng điều trái lại1.
Ngoài ra, để ràng buộc trách nhiệm của bên đề nghị giao kết hợp đồng, đồng thời
giúp bên được đề nghị giao kết hợp đồng hiểu rõ hơn về đề nghị giao kết thì bên đề nghị

giao kết phải cung cấp, gửi kèm thông tin về các điều khoản chủ yếu của hợp đồng khi
gửi đề nghị giao kết.
Kiến nghị hoàn thiện

1 Điều 14 của Công ước Viên năm 1980.

10


Khoản 1 Điều 386 Bộ luật dân sự năm 2015 nên được sửa đổi như sau: “Đề nghị
giao kết hợp đồng là việc thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng và chịu sự ràng buộc về đề
nghị này của bên đề nghị đối với một hay một số người xác định. Đề nghị giao kết hợp
đồng phải có hoặc gửi kèm với các điều khoản chủ yếu của hợp đồng”.
2. Về hủy bỏ đề nghị giao kết hợp đồng tại Điều 390 Bộ luật dân sự năm 2015
Điều 490 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: “Bên đề nghị giao kết hợp đồng có thể
hủy bỏ đề nghị nếu đã nêu rõ quyền này trong đề nghị và bên được đề nghị nhận được
thông báo về việc hủy bỏ đề nghị trước khi người này gửi thông báo chấp nhận đề nghị
giao kết hợp đồng”.
Vậy, thời điểm bên được đề nghị gửi thông báo chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng
là thời điểm nào. Bộ luật dân sự năm 2015 không có quy định về vấn đề này. Việc gửi
thông báo chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng có thể thực hiện theo nhiều phương thức
như: Gửi trực tiếp, gửi bằng đường bưu điện, gửi thư điện tử hoặc trả lời trực tiếp qua
điện thoại… Việc xác định thời điểm gửi thông báo chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng
cũng tùy vào từng phương thức này mà có sự khác nhau: Nếu gửi qua đường bưu điện thì
có thể căn cứ vào ngày đóng dấu của bưu điện; Nếu gửi thư điện tử thì căn cứ vào thời
gian gửi trong thư điện tử (gần như bên đề nghị giao kết hợp đồng sẽ nhận được ngay thư
chấp nhận của bên được đề nghị giao kết hợp đồng); Trả lời trực tiếp qua điện thoại được
xác định vào thời điểm các bên có cuộc điện thoại cho nhau… Tuy nhiên, đối với việc trả
lời bằng cách gửi văn bản trực tiếp (do nhân viên hoặc người đại diện của bên được đề
nghị giao kết hợp đồng thực hiện) thì khó xác định.

Ví dụ, công ty A ở Hà Nội gửi đề nghị giao kết hợp đồng cho công ty B ở Thành phố
Hồ Chí Minh. Sau khi nhận được đề nghị, công ty B đồng ý với đề nghị giao kết hợp
đồng. Để thể hiện sự tôn trọng của mình dành cho công ty A, công ty B đã cử Phó Giám
đốc của mình trực tiếp ra ngoài Hà Nội trao thông báo chấp nhận đề nghị giao kết hợp
đồng. Vậy, thời điểm gửi thông báo chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng trong trường
hợp này là thời điểm nào: Thời điểm công ty B giao văn bản thông báo chấp nhận đề nghị
giao kết hợp đồng cho ông Phó Giám đốc, thời điểm ông Phó Giám đốc rời nhà để ra sân
bay, thời điểm máy bay chở ông Phó Giám đốc khởi hành hay là thời điểm ông Phó Giám
đốc gửi văn bản cho công ty A. Đây là điều rất khó xác định.
Ngoài ra, Điều 490 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định việc hủy bỏ đề nghị giao kết
hợp đồng được thực hiện trước khi bên được đề nghị giao kết hợp đồng gửi thông báo
chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng chưa thực sự hợp lý. Bởi lẽ, từ thời điểm bên được
đề nghị giao kết hợp đồng gửi thông báo chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng đến thời
11


điểm bên đề nghị giao kết hợp đồng nhận được thông báo đó, bên đề nghị giao kết hợp
đồng không có phương thức nào rút lại, hủy bỏ đề nghị giao kết hợp đồng của mình.
Trong khi đó, đây là quãng thời gian mà Hợp đồng chưa được giao kết2.
Từ các phân tích nêu trên, thời điểm “trước khi người này gửi thông báo chấp nhận
đề nghị giao kết hợp đồng” nên được sửa thành “thời điểm bên đề nghị nhận được thông
báo chấp nhận đề nghị”.
Kiến nghị hoàn thiện
Điều 490 Bộ luật dân sự năm 2015 nên được sửa đổi như sau: “Bên đề nghị giao kết
hợp đồng có thể hủy bỏ đề nghị nếu đã nêu rõ quyền này trong đề nghị và bên được đề
nghị nhận được thông báo về việc hủy bỏ đề nghị trước thời điểm bên đề nghị nhận được
thông báo chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng”.
3. Cụm từ “thời hạn hợp lý” tại khoản 1 Điều 394 Bộ luật dân sự năm 2015
Khoản 1 Điều 394 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: “Khi bên đề nghị có ấn định
thời hạn trả lời thì việc trả lời chấp nhận chỉ có hiệu lực khi được thực hiện trong thời

hạn đó; nếu bên đề nghị giao kết hợp đồng nhận được trả lời khi đã hết thời hạn trả lời
thì chấp nhận này được coi là đề nghị mới của bên chậm trả lời. Khi bên đề nghị không
nêu rõ thời hạn trả lời thì việc trả lời chấp nhận chỉ có hiệu lực nếu được thực hiện trong
một thời hạn hợp lý.”
Thời hạn trả lời là yếu tố quan trọng, ảnh hưởng đến việc xúc tiến giao kết hợp đồng
giữa các bên. Bên cạnh đó, thời hạn này cũng ràng buộc trách nhiệm của bên đề nghị giao
kết hợp đồng không được giao kết hợp đồng với người thứ ba. Tuy nhiên, điều khoản nêu
trên lại không ấn định một thời hạn cụ thể để chấm dứt đề nghị giao kết hợp đồng nếu bên
đề nghị không chủ động ấn định thời hạn này.
Kiến nghị hoàn thiện
Khoản 1 Điều 394 Bộ luật dân sự năm 2015 nên được sửa đổi, bổ sung theo hướng
ấn định thời hạn trả lời nếu bên đề nghị không nêu rõ thời hạn đó trong đề nghị giao kết
hợp đồng.
4. Về khoản 6 Điều 404 Bộ luật dân sự năm 2015
Điều khoản này quy định: “Trường hợp bên soạn thảo đưa vào hợp đồng nội dung
bất lợi cho bên kia thì khi giải thích hợp đồng phải theo hướng có lợi cho bên kia”.
2 Khoản 1 Điều 400 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: “Hợp đồng được giao kết vào thời điểm bên đề nghị nhận
được chấp nhận giao kết”.

12


Tác giả cho rằng, dù hợp đồng do bên nào soạn thảo thì trước khi giao kết, các bên
tham gia đều có trách nhiệm đọc lại toàn bộ nội dung hợp đồng, hiểu và đồng ý toàn bộ
nội dung hợp đồng rồi mới tiến hành giao kết. Việc ký kết này đều do các bên tự nguyện,
ràng buộc trách nhiệm của mình vào hợp đồng và hiểu về hậu quả pháp lý khi giao kết.
Do đó, nếu bên không trực tiếp soạn thảo hợp đồng thấy hợp đồng có nội dung bất lợi cho
mình thì phải yêu cầu điều chỉnh, thỏa thuận lại trước khi ký kết.
“Bất lợi” là một khái niệm rất mơ hồ, khó xác định trong giao kết hợp đồng. Bởi lẽ,
có trường hợp, “bất lợi” được các bên diễn giải theo hướng là có nhiều nghĩa vụ hoặc

nghĩa vụ mang tính khó thực hiện hơn. Tất nhiên, nghĩa vụ càng khó thực hiện thì quyền
lợi của chủ thể càng nhiều. Vậy nên, quy định tại khoản 6 Điều 404 Bộ luật dân sự năm
2015 dễ bị áp dụng tùy tiện, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của bên soạn thảo hợp đồng,
dẫn đến tranh chấp giữa các bên. Khoản 2 Điều 405 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về
hợp đồng mẫu, cũng là một hình thức hợp đồng do một bên soạn thảo trước nhưng quy
định về điều khoản bất lợi mang tính hợp lý và hài hòa quyền lợi các bên hơn 3. Đây là
điều mà chúng ta có thể áp dụng để sửa đổi quy định tại khoản 2 Điều 404 Bộ luật dân sự
năm 2015.
Kiến nghị hoàn thiện
Từ các phân tích nêu trên, tác giả kiến nghị sửa đổi khoản 2 Điều 404 Bộ luật dân sự
năm 2015 như sau: “Trường hợp hợp đồng do một bên soạn thảo mà có điều khoản
không rõ ràng, gây bất lợi cho bên kia thì khi giải thích hợp đồng phải theo hướng có lợi
cho bên kia”.
Kết luận: Tuy có nhiều điểm sửa đổi, tiến bộ hơn so với Bộ luật dân sự năm 1995,
Bộ luật dân sự năm 2005 vẫn chứa đựng những bất cập, vướng mắc cần sửa đổi, bổ sung
cho phù hợp.

3 Trường hợp hợp đồng theo mẫu có điều khoản không rõ ràng thì bên đưa ra hợp đồng theo mẫu phải chịu bất lợi
khi giải thích điều khoản đó.

13



×