Tải bản đầy đủ (.pdf) (45 trang)

CĐ Khái quát văn học Việt Nam từ XX đến nay

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (747.57 KB, 45 trang )

Khởi soạn ngày 2/6/2015

CHUYÊN ĐỀ 1
KHÁI QUÁT VĂN HỌC VIỆT NAM
TỪ CÁCH MẠNG THÁNG TÁM NĂM 1945 ĐẾN HẾT THẾ KỈ XX
A. KIẾN THỨC
Trong sự phát triển của văn học, mỗi thời kì, mỗi giai đoạn luôn gắn với những
dấu mốc lịch sử quan trọng. Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một mốc son
trong lịch sử dân tộc và trong văn học Việt Nam. Cách mạng tháng Tám thành
công, đã mở ra một kỉ nguyên mới trong lịch sử dân tộc: thời kì độc lập tự do
gắn liền với chủ nghĩa xã hội, đồng thời cũng đã mở ra một thời kì mới cho văn
học nước ta.
Từ 1945 đến hết thế kỉ XX, văn học Việt Nam chia làm hai giai đoạn: giai đoạn
thứ nhất: từ 1945 đến 1975, giai đoạn thứ hai: từ 1975 đến hết thế kỉ XX. Trong
hoàn cảnh lịch sử cụ thể của mỗi giai đoạn, nền văn học mới có những đặc
điểm riêng, những quy luật riêng, và những thành tựu riêng.
I. VĂN HỌC VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 1945-1975
Giai đoạn 1945-1975: nền văn học mới tồn tại và phát triển trong hoàn cảnh
lịch sử đặc biệt. Thứ nhất: cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc vô cùng ác liệt
kéo dài suốt ba mươi năm. Thứ hai: công cuộc xây dựng đời sống mới, con
người mới ở miền Bắc. Thứ ba: điều kiện giao lưu văn hóa mà cụ thể là văn
học với nước ngoài không tránh khỏi hạn chế do điều kiện chiến tranh kéo dài
và sự đối lập về ý thức hệ trong thời kì “chiến tranh lạnh”. Sự tiếp xúc với văn
học thế giới chỉ là sự tiếp xúc với văn học của hệ thống các nước xã hội chủ
nghĩa mà trước hết là Liên Xô, Trung Quốc, nghĩa là sự tiếp xúc chỉ có giới
hạn.
1. Vài nét về hoàn cảnh lịch sử-xã hội, văn hóa, tư tưởng trong giai đoạn 19451975
a, Về lịch sử-xã hội
-Từ 1945 đến 1975, trên đất nước ta đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử trọng đại,
tác động mạnh mẽ, sâu sắc đến toàn bộ đời sống vật chất, tinh thần của con
người dân tộc, trong đó có văn học nghệ thuật.


+Cách mạng tháng Tám năm 1945, đã đập tan những xiềng xích trói buộc trong
hơn tám mươi năm thống trị của thực dân Pháp và sau đó là phát xít Nhật, đồng
thời lật nhào chiếc ngai vàng mục nát đã tồn tại hàng nghìn năm qua bao triều
đại phong kiến, để giành chính quyền về tay nhân dân, thành lập nước Việt
Nam dân chủ cộng hòa, mở ra một trang mới vẻ vang hào hùng trong lịch sử
dân tộc.
+Thực dân Pháp quay trở lai xâm lược nước ta, “vì chúng muốn cướp nước ta
lần nữa” (Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến-Hồ Chí Minh); cả dân tộc ta phải
tiến hành cuộc kháng chiến kéo dài chín năm đầy gian khổ, hi sinh để bảo vệ
1


Khởi soạn ngày 2/6/2015

nền độc lập mới giành được và nhà nước mới còn non trẻ. Tháng 7 năm 1954,
hiệp định Gionevo được kí kết lập lại hòa bình trên dải đất nước. “Chín năm
làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng” (Hoan hô chiến sĩ
Điện Biên-Tố Hữu).
+Từ sau hiệp định Gionevo (7-1954), đất nước tạm thời bị chia cắt thành hai
miền Bắc – Nam kéo dài trong khoảng hai mươi năm, với sự tồn tại của hai thể
chế chính trị, xã hội, kinh tế và hệ tư tưởng khác biệt. Tuy nhiên, khát vọng độc
lập dân tộc, thống nhất đất nước là ý nguyện thiêng liêng của tất cả con người
Việt Nam đã hòa làm một, tạo nên sức mạnh lớn lao.
+Miền Bắc được giải phóng và bắt tay vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã
hội với cuộc cách mạng ruộng đất những năm 1953-1955, phong trào hợp tác
hóa nông nghiệp diễn ra rầm rộ ở nông thôn những năm 1958-1960 đã tác động
mạnh mẽ và mang đến những biến đổi cơ bản trong xã hội Việt Nam.
+Miền Nam tiếp tục cuộc chiến tranh chống đế quốc Mĩ xâm lược, giải phóng
miền Nam, bảo vệ miền Bắc. Cuộc chiến đấu trường kì, kiên trì, bền bỉ và ác
liệt ấy đã kết thúc với thắng lợi trọn vẹn vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, giải

phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
- Quần chúng nhân dân mà trước hết là giai cấp công nhân và nhân dân, được
cách mạng giải phóng đã phát huy sức mạnh tiềm tàng của dân tộc để trở thành
lực lượng chủ lực của cách mạnh. Họ gánh trên vai cả hai cuộc kháng chiến
trường kì.
b, Về văn hóa, tư tưởng
- Văn học có sự lãnh đạo thống nhất, chặt chẽ, toàn diện của Đảng cộng sản.
+ Trong thời kì Pháp thuộc, nền văn học nước ta luôn phân hóa thành hai bộ
phận song song tồn tại, phân biệt với nhau bởi thái độ chính trị của người cầm
bút đối với chế độ thực dân: trực tiếp chống Pháp và không trực tiếp chống
Pháp. Bộ phận văn học trực tiếp chống Pháp hay bộ phận văn học cách mạng,
hoạt động bất hợp pháp, nhìn chung thuần nhất, đặc biệt là từ khi trở thành
tiếng nói của giai cấp vô sản cách mạng. Bộ phận văn học không trực tiếp
chống pháp, hoạt động hợp pháp, bao gồm nhiều xu hướng khác nhau, có khi
những xu hướng này đối lập với nhau. Những xu hướng văn học, một mặt phản
ánh sự thức tỉnh ý thức cá nhân của người nghệ sĩ, mặt khác phản ánh sự phân
hóa về tư tưởng, tâm lí, quan điểm thẩm mĩ của những cây bút tư sản, tiểu tư
sản thùy theo những diễn biến của của cuộc đụng độ quyết liệt giữa hai lực
lượng: cách mạng và phản cách mạng. Sự lãnh đạo của Đảng đã chấm dứt tình
trạng phân hóa phức tạp của nền văn học nước ta dưới ách thống trị của thực
dân Pháp.
+ Đảng tập hợp văn nghệ sĩ thành tổ chức. Xuất phát từ quan niệm văn học
nghệ thuật là vũ khí đấu tranh cách mạng, ngay từ 1943, Đảng đã công bố bản
Đề cương về văn há Việt Nam, nhằm phác thảo cương lĩnh đầu tiên về văn hóa
văn nghệ, đồng thời tập hợp một số văn nghệ sĩ tiến bộ vào Hội Văn hóa cứu

2


Khởi soạn ngày 2/6/2015


quốc. Bản đề cương ghi rõ “Cách mạng văn hóa muốn hoàn thành phải do
Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo”, và nêu lên ba nguyên tắc vận động
văn hóa mới: dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa. Đến tháng 6 năm 1945,
trong không khí chuẩn bị tổng khởi nghĩa, Hội văn hóa cứu quốc quyết định
xuất bản tờ Tiền tuyến (sau đổi thành Tiền phong). Hoạt động xung quanh tờ
báo này, là những hội viên đầu tiên của văn hóa cứu quốc: Nguyễn Huy Tưởng,
Tô Hoài, Nguyên Hồng, Nam Cao, Nguyễn Đình Thi, Thép Mới… Từ sau cách
mạng tháng Tám năm 1945, nền văn học Việt Nam hoàn toàn thống nhất về tư
tưởng, về tổ chức, về phương pháp sáng tác, về quan niệm nhà văn kiểu mới:
nhà văn – chiến sĩ.
+ Đảng định hướng tư tưởng cho hoạt động văn hóa trong đó có văn học. Trong
hoạt động văn hóa nói chung, văn học nói riêng, việc xác định lập trường tư
tưởng luôn luôn quan trọng nhất. Bản báo cáo Chủ nghĩa Mác và vấn đề văn
hóa Việt Nam của Trường Chinh, trình bày tại Đại hội Văn hóa toàn quốc lần
thứ hai, ngoài việc tiếp tục khẳng đinh ban phương châm xây dựng nền văn hóa
mới của Việt Nam: dân tộc, khoa học, đại chúng; còn xác định lập trường tư
tưởng trong sáng tác văn học. Văn học nghệ thuật mới “về xã hội lấy giai cấp
công nhân làm gốc. Về chính trị, lấy độc lập dân tộc, dân chủ nhân dân và chủ
nghĩa xã hội làm gốc. Về tư tưởng, lấy học thuyết duy vật biện chứng và duy
vật lịch sử làm gốc. Về sáng tác văn nghệ, lấy chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ
nghĩa làm gốc”. Bản báo cáo của Trường Chinh, đã đề ra đường lối chiến lược
chung cho sự tồn tại và phát triển của văn học, tuy nhiên ở mỗi giai đoạn của
cách mạng, yêu cầu cụ thể cho văn nghệ sĩ lại có mức độ khác nhau. Sau cách
mạng tháng Tám, Đảng chỉ nhấn mạnh: lập trường dân tộc, dân chủ nhân dân,
lập trường kháng chiến, yêu cầu sáng tác phục vụ cuộc chiến đấu theo ba
phương châm dân tộc, khoa học, đại chúng; còn sau khi miền Bắc được giải
phóng và bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, thì Đảng yêu cầu cao
hơn đối với người cầm bút: yêu nước phải gắn với yêu chủ nghĩa xã hội, tác
phẩm phải đạt tới tính Đảng và phải được sáng tác theo phương pháp hiện thực

xã hội chủ nghĩa…
2. Những đặc điểm cơ bản của nền văn học mới, giai đoạn 1945-1975
- Văn học giai đoạn 1945 – 1975 có ba đặc điểm: văn học dưới sự lãnh đạo của
Đảng, thực hiện nhiệm vụ chính trị, cổ vũ chiến đấu; văn học hướng về đại
chúng; văn học được sáng tác theo khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn.
Ba đặc điểm này có quan hệ mật thiết không thể tách rời. Chúng giúp phân biệt
giai đoạn văn học 1945 – 1975 với các giai đoạn trước và sau nó. Xét đến cùng
ba đặc điểm này đều bắt nguồn từ đường lối văng nghệ của Đảng trong hoàn
cảnh đặc biệt của đất nước. Đặc điểm thứ ba thể hiện rõ thi pháp riêng, diện
mạo riêng của giai đoạn văn học nhưng không tách rời hai đặc điểm trên.
- Mối quan hệ của ba đặc điểm. Quan hệ giữa ba đặc điểm có tính tất yếu, tính
quy luật. Văn học nhằm phục vụ chính trị tất nhiên trước hết phải tác động đến

3


Khởi soạn ngày 2/6/2015

đại chúng, bởi đại chúng là lực lượng cách mạng to lớn mà công nông binh là
chủ chốt quyết định cuộc cách mạng. Văn học cổ vũ chiến đấu, đương nhiên
phải tìm đến khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn.
a, Văn học dưới sự lãnh đạo của Đảng, tập trung thực hiện nhiệm vụ chính trị,
cổ vũ chiến đấu.
- Cách mạng tháng Tám thành công, chấm dứt hơn 80 năm nô lệ dưới gót giày
thực dân. Cả nước sống trong một dòng chảy chính trị sôi nổi hào hùng với
những hoạt động mít tinh, biểu tình, tập tự vệ, hát “tiến quân ca”…Con người
được yêu mến nhất là người ở chiến khu về, là cán bộ Việt Minh, là chiến sĩ
Giải phóng quân mà sau này là anh bộ đội Cụ Hồ. Họ thường trở thành những
hình tượng nổi bật được hâm mộ trong văn học. Liền ngay sau những ngày vui
tháng Tám, thực dân Pháp mang quân đội quay trở lại Việt Nam, khiến dân tộc

ta bật dậy sẵn sàng tự tay đốt nhà để “tiêu thổ kháng chiến”; hiến đất hiến nhà
cho cách mạng để làm nơi trú quân, đóng cơ quan nhà nước ở những vùng chưa
bị giặc đánh chiếm; đón đồng bào tản cư đến từ thành thị như một cách thể hiện
lòng yêu nước…Suốt trong những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ
sau này, nhân dân ta luôn sẵn sàng hiến dâng cho Tổ quốc, gác lại mọi lợi ích
cá nhân.
- Trong cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc do Đảng tổ chức và lãnh
đạo, mọi bình diện của đời sống xã hội từ chính trị, quân sự đến kinh tế, văn
hóa trong đó có văn học, đều được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Sự lãnh đạo
của Đảng đối với văn học được thể hiện cả về phương diện tổ chức và phương
diện tư tưởng. Về tổ chức, các văn nghệ sĩ đã có tổ chức Văn hóa cứu quốc. Về
tư tưởng, Đảng đề ra nhiệm vụ cho văn nghệ sĩ phải đứng trên lập trường kháng
chiến, phải tuyên truyền cách mạng, cổ vũ chiến đấu. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã
khẳng định với văn nghệ sĩ “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận, anh chị
em là chiến sĩ trên mặt trận ấy” (Thư gửi các họa sĩ nhân triển lãm hội họa
toàn quốc năm 1951 ở Việt Bắc). Đối với mỗi giai đoạn cách mạng cụ thể,
Đảng đều đề ra mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho các hoạt động văn học từ thâm
nhập thực tế, đến sáng tác, phê bình. Sự lãnh đạo của Đảng là kim chỉ Nam cho
hoạt động văn học, khiến văn học thực sự trở thành vũ khí tinh thần phục vụ có
hiệu quả nhất cho mục tiêu cách mạng. “Dùng cán bút làm đòn xoay chế độ/
Mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền” (Là thi sĩ – Sóng Hồng).
- Nền văn học mới hướng đến phục vụ những nhiệm vụ chính trị, theo sát
những yêu cầu của từng giai đoạn cách mạng.
+ Sự phục vụ những nhiệm vụ chính trị, theo sát những yêu cầu của từng giai
đoạn cách mạng; đã quy định từ sự phản ánh hiện thực cụ thể, đề tài chính, chủ
đề chính, cảm hứng bao trùm cho đến nhân vật trung tâm của văn học tương
ứng với từng giai đoạn cách mạng, tiêu chuẩn đánh giá trong phê bình văn học.
Nội dung của các tác phẩm văn học trong quá trình phát triển, luôn ăn nhịp với
từng bước đi của cách mạng, theo sát từng nhiệm vụ chính trị của đất nước:


4


Khởi soạn ngày 2/6/2015

1945-1946:ca ngợi cách mạng và cuộc sống mới, 1946-1954: cổ vũ kháng
chiến, biểu dương chiến công, theo sát chiến dịch, tuyên truyền thuế nông
nghiệp, phục vụ cải cách ruộng đất, 1954-1964: ca ngợi thành tựu khôi phục
kinh tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc (hợp tác hóa nông nghiệp,
công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa), phục vụ cuộc đấu tramh giải phóng miền
Nam, 1965-1975: cổ vũ kháng chiến chống Mĩ, giải phóng miền Nam, thống
nhất đất nước. Đề tài bao quát toàn bộ văn học Việt Nam từ Cách mạng tháng
Tám đến 1975 là đề tài Tổ quốc và chủ nghĩa xã hội. Trong phê bình văn học,
tiêu chuẩn chính trị trở thành tiêu chuẩn có giá trị cao nhất. Nhiều nhà phê
bình, coi tư tưởng chính trị như tiêu chí hàng đầu để đánh giá các tác phẩm văn
học.
+ Sự phục vụ nhiệm vụ chính trị, cổ vũ chiến đấu của văn học còn thể hiện ở
nhân vật trong văn học. Thứ nhất: Nhân vật trung tâm phải là những người
chiến sĩ trên mặt trận vũ trang, giao liên… và quần chúng cách mạng: thanh
niên xung phong, dân công du kích, dân công hỏa tuyến…. Đó là những con
người đúng ở mũi nhọn nhất của cuộc chiến đấu vì lợi ích thiêng liêng của Tổ
quốc.Thứ hai: sự phản ánh con người trong văn học, được thể hiện ở tư cách
công dân, ở ý thức chính trị và trong đời sống cộng đồng, trong cuộc đấu tranh
cho những lí tưởng cao cả của dân tộc. Lí tưởng độc lập, tự do, tinh thần chiến
đấu chống xâm lược, thái độ đối với chủ nghĩa xã hội… là những tiêu chuẩn
cao nhất để đánh giá nhân vật. Người anh hùng hay con người mới, là nhân vật
trung tâm, là người giác ngộ lí tưởng chính trị ở mức cao nhất. Trong truyện
ngắn tiểu thuyết, có một hình tượng trở thành môtíp phổ biến: nhân vật “người
Đảng”. Đó là nhân vật cần thiết phải xuất hiện để nâng sự giác ngộ chính trị
của nhân vật trung tâm đến mức cao nhất. Nhân vật A Châu trong Vợ chồng A

Phủ của Tô Hoài, anh Quyết trong Rừng Xà Nu của Nguyên Ngọc… là những
nhân vật theo motíp “người Đảng”. Thứ ba: Vận mệnh của mỗi cá nhân, những
vấn đề tư tưởng và các mối quan hệ của con người đều được xem xét từ những
lợi ích và số phận của cả cộng đồng, từ các yêu cầu và mục tiêu của từng giai
đoạn cách mạng. Thứ tư: Những tình cảm được thể hiện phong phú và cảm
động nhất trong văn học, là những tình cảm chính trị. Đó là những tình cảm
trong các quan hệ cộng đồng: tình yêu quê hương đất nước, tình đồng bào, tình
đồng chí đồng đội, tình quân dân, tình cảm giai cấp, tình cảm với Đảng với
lãnh tụ… Những tình cảm khác không phải không được nói đến nhưng đều
phải được nâng lên để thống nhất với tình cảm chính trị, đều được phán xét
đánh giá theo tiêu chuẩn chính trị, đều phải có tác dụng tô đậm thêm tình cảm
chính trị. Tình yêu, tình mẹ con, tình vợ chồng, tình bạn… đều đều được nâng
lên thành tình đồng chí.
+ Sự phục vụ nhiệm vụ chính trị, cổ vũ chiến đấu của văn học đòi hỏi và đã sản
sinh ra một đội ngũ nhà văn – chiến sĩ. Họ là những nghệ sĩ hăng hái và tự
nguyện đem nghệ thuật phục vụ cách mạng với tinh thần của người chiến sĩ

5


Khởi soạn ngày 2/6/2015

trên mặt trận văn hóa tư tưởng. Người nghệ sĩ đã gắn bó với cuộc sống của
quần chúng nhân dân, hòa mình vào cuộc đấu tranh trong kháng chiến chống
Pháp cũng như kháng chiến chống Mĩ bằng cách nhập ngũ, vào tuyến lửa. “Tôi
cùng xương thịt với nhân dân của tôi/ Cùng đổ mồ hôi cùng sôi giọt máu/ Tôi
sống với cuộc đời chiến đấu/ Của triệu người yêu dấu gian lao” (Những đêm
hành quân – Xuân Diệu).
b, Văn học hướng về đại chúng
- Quần chúng nhân dân mà chủ yếu là công nông binh đã trở thành lực lượng

chủ lực của cách mạng và kháng chiến. Vì thế, nền văn học phục vụ chính trị,
cổ vũ chiến đấu cũng phải là nền văn hướng về quần chúng nhân dân mà trước
hết là công nông binh. Trong kháng chiến, nói về cách viết, Chủ tịch Hồ Chí
Minh đặt ra câu hỏi “Viết cho ai?” và Chủ tịch trả lời “viết cho đại đa số công
nông binh (…). Để giáo dục, giải thích, cổ động, phê bình. Để phục vụ quần
chúng” (Văn Hồ Chủ tịch-Huỳnh Lí biên soạn).
- Quần chúng hóa hay đại chúng hóa, đã được nêu lên như một yêu cầu, một
phương châm của nền văn học ngay trong buổi đầu xây dựng. Đại chúng vừa là
đối tượng phản ánh, vừa là lực lượng sáng tác, vừa là công chúng văn học.
- Quan điểm văn học hướng đến đại chúng của Đảng phù hợp với yêu cầu
khách quan của lịch sử và phù hợp với bản chất yêu nước, trình độ, tâm lí của
văn nghệ sĩ nên được văn nghệ sĩ đón nhận hứng khởi. Là những trí thức yêu
nước, văn nghệ sĩ không thể không cảm phục quần chúng nhân dân-lực lượng
chủ yếu làm nên cuộc cách mạng tháng Tám và gánh trên đôi vai cả hai cuộc
kháng chiến. Có thể nói, các văn nghệ sĩ đã giác ngộ về vai trò cõ đại của nhân
dân lao động. Hướng tới nhân dân lao động để sáng tác một tực giác và đầy vui
sướng là đặc điểm tâm lí chung của giới trí thức văn nghệ sĩ yêu nước khi đứng
trước thắng lợi của Cách mạng tháng Tám và cảnh tượng hùng tráng của chiến
tranh nhân dân. Văn nghệ sĩ sẵn sàng từ bỏ sự nghiệp văn chương cũ để “lột
xác” để làm lại sự nghiệp nghệ thuật: như Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Chế Lan
Viên, Nam Cao…Tác phẩm Đôi mắt của Nam Cao được xem như một tuyên
ngôn nghệ thuật chung cho cả một thế hệ các nhà văn buổi đầu đi theo cách
mạng và kháng chiến. Nam Cao đã xác định đối tượng cần tìm hiểu và ca ngợi
của nền văn học mới là nhân dân lao động. Nguyễn Tuân, con người xưa nay
chỉ biết quý trọng cái tôi, nay “kính cẩn đối với hạt thóc”, “quyến luyến đối với
cây lúa” và thấy mình chỉ như “một ngọn cỏ, một cái lá” (Lột xác- Nguyễn
Tuân bàn về văn học nghệ thuật) bị cuốn theo chiều gió ào ạt của cách mạng.
- Tính chất đại chúng của văn học thường được thể hiện qua một số điểm sau:
+ Diễn tả trực tiếp sự thức tỉnh đầy xúc động của người viết về cai trò vĩ đại
của quần chúng nhân dân trong cách mạng (Đường vô Nam, Nhật kí ở rừng của

Nam Cao, Rãnh cày nổi dậy của Mạnh Phú Tư, Dân khí miền Trung của Hoài
Thanh, Nhớ quê của Tô Hoài, Ở chiến khu của Nguyễn Huy Tưởng…).
+ Phê phán cái nhìn có định kiến sai trái đố với quân chúng bằng cách đối lập

6


Khởi soạn ngày 2/6/2015

những nhân vật có quan điểm khác nhau và đề cao quan điểm đúng. (Đôi mắt
của Nam Cao); mô tả sự chuyển biến của nhân vật người dẫn truyện, đi từ chỗ
hiểu sai và xem thường đến chỗ hiểu đúng và khâm phục quần chúng (Mẫn và
tôi của Phan Tứ, Mảnh trăng cuối rừng của Nguyễn Minh Châu… ngoài ra còn
nhiều truyện ngắn của Nguyễn Khải, Nguyễn Kiên, Vũ Thị Thường, Bùi Hiển,
Nguyễn Quang Sáng).
+ Trực tiếp mô tả quần chúng như lực lượng chủ chốt của cách mạng và kháng
chiến. Trước đây, chưa bao giờ người ta thấy công nông binh, nam nữ, già trẻ,
thuộc mọi ngành, mọi giới, mọi binh chủng khác nhau có mặt đông đảo như
trong thế giới nghệ thuật của văn học 1945 -1975.
Một điểm độc đáo của văn học 1945 – 1975 là thiên hướng thể hiện đại chúng
qua hình tượng những đám đông. Đó là những đám đông sôi động và đầy khí
thế của công nhân, nông dân, bộ đội, dân công… (Kịch Bắc Sơn của Nguyễn
Huy Tưởng, Đuốc dân công tiếp vận của Nguyễn Tuân, Xung kích, vỡ bờ của
Nguyễn Đình Thi, Con trâu của Nguyễn Văn Bổng, Vùng mỏ của Võ Huy
Tâm, Của biển của Nguyên Hồng, Dấu chân người lính của Nguyễn Minh
Châu, Đêm liên hoan của Hoàng Cầm, Nhớ của Hồng Nguyên, Ta đi tới, Hoan
hô chiến sĩ Điện Biên của Tố Hữu, Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa
Điềm, Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận, Đường ra mặt trận của Chính
Hữu…).
Từ sau chiến thắng Điện Biên Phủ (1954), đặc biệt là trong cuộc kháng chiến

chống Mĩ cứu nước (1965 – 1975) tính quần chúng thường được thể hiện ở
những nhân vật có tầm khái quát lớn, kết tinh những phẩm chất cao đẹp của
giai cấp, của nhân dân, của dân tộc. (Rừng xà nu của Nguyên Ngọc, Người mẹ
cầm súng, Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi, Dấu chân người
lính của Nguyễn Minh Châu, Mẹ Tơm, Mẹ Suốt của Tố Hữu, Bài ca chim Chơ
Rao của Thu Bồn, Vùng trời của Hữu Mai, Sống như anh của Trần Đinh Vân,
Người đi tìm hình của nước của Chê Lan Viên …).
+ Mô tả sự đổi đồi của quần chúng nhân dân nhờ cách mạng. Đó là sự đổi đời
về thân phận: từ thân phận nô lệ thành người làm chủ, từ người bị trói buộc
thành người tự do. Đó cũng là sự đổi đời về tinh thần: từ chỗ mê muội lạc
đường do tác động của xã hội cũ hoặc của địch đến chỗ được giải phóng về tư
tưởng tìm thấy con đường đúng đắn. (Làng, Vợ nhặt của Kim Lân, Vợ chồng A
Phủ của Tô Hoài, Đứa con nuôi, Mùa Lạc của Nguyễn Khải, Xòe của Nguyễn
Tuân, Anh Keng của Nguyễn Kiên, Bão biển của Chu Văn…).
+ Văn học viết cho đại chúng tất nhiên phải dễ hiểu và phải được đông đảo
quần chúng ưa thích. Những lối viết khó hiểu không mang tính đại chúng
không được chấp nhận. Lối viết “biểu tượng hai mặt” với nhiều nghĩa không rõ
ràng thường bị “uấn nắn”, thậm chí bị coi là “có vấn đề” cho nên tiểu thuyết chỉ
viết về hiện thực với hình thức của bản thân hiện thực. Truyện người thật việc
thật, việc thật chép theo lời tự thuật của các anh hùng, chiến sĩ thi đua có một

7


Khởi soạn ngày 2/6/2015

thời rất được khuyến khích và đánh giá cao. Tập truyện ghi theo lời tự thuật của
các anh hùng chiến sĩ được bầu trong đại hội thi đua toàn quốc năm 1952, được
xếp giải ngoại hạng. Thơ không vần của Nguyễn Đình Thi bị phê phán. Lưu
Trọng Lư đòi “đuổi thơ Nguyễn Đình Thi ra khỏi nước Việt Nam dân chủ cộng

hòa” (Bùi Hiển - Cách mạng, kháng chiến và đời sống văn học). Hoài Thanh
phê phán hàng loạt những thứ “rơi rớt tiểu tư sản”(Nói chuyện thơ kháng
chiến – Hoài Thanh) trong văn học kháng chiến mà ông cho là không hợp với
tâm hồn lành mạnh của đại chúng công nông. Lối văn Nguyễn Tuân bị coi là
thiếu trong sáng.
+ Đại chúng viết, viết về đại chúng, viết cho đại chúng, nên phải khai thác
những cách thể hiện nghệ thuật quen thuộc với đại chúng. Nhiều nhà thơ đã tìm
về kho tàng văn học dân gian: Lưu Trọng Lư, Trần Hữu Thung, khai thác thể
hát dặm Nghệ Tĩnh. Tố Hữu chú ý vận dụng các thể thơ quen thuộc với đại
chúng như lục bát, song thất lục bát, thất ngôn và các thủ pháp của dân ca.
Xuân Diệu ra sức học tập ca dao dân ca. Ông viết “muốn làm được thơ khá,
thiết tưởng nên bắt đầu làm được ca dao khá. Vì thơ của ta phải hay trên cơ sở
quần chúng” (Phê bình giới thiệu thơ – theo hồi kí của Đoàn Giỏi).
+ Nhiều cây bút nổi lên từ những phong trào văn nghệ cho quần chúng được
Đảng phát động đặc biệt là trong quân đội. Các cây bút như Chính Hữu,
Nguyễn Khải, Nguyên Ngọc, Nguyễn Đình Thi, Hữu Mai, Nguyễn Quang
Sáng, Phạm Tiến Duật, Xuân Quỳnh, Nguyễn Duy, Hữu Thỉnh, Anh Đức,
Nông Quốc Chấn… đều xuất thân như thế.
c. Văn học chủ yếu được sáng tác theo khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng
mạn.
- Trong những năm kháng chiến, vận mệnh tổ quốc đứng trước những thử thách
gay gắt, cam go khiến cả dân tộc muôn người như một sát cánh kề vai trong
cuộc chiến đấu vì lí tưởng chung là độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc. Trong
những năm tháng ấy của lịch sử, văn học không thể là tiếng nói của những số
phận các nhân mà phải là tiếng nói của dân tộc bởi thế làm nên khuynh hướng
sử thi. Mỗi cá nhân một cách tự nhiên đầu cảm thấy hết sức gắn bó với cộng
đồng và có ý thức nhân danh cộng đồng mà suy nghĩ và hành động. Những gì
thuộc về cái tôi, cái riêng đều bị xem là nhỏ mọn, tầm thường. Chế Lan Viên đã
gọi những năm tháng kháng chiến là “Những năm toàn đất nước có một tâm
hồn, có chung khuôn mặt”. Khuynh hướng sử thi chi phối văn học từ 1945 –

1975 đến cuối những năm bảy mươi và đầu những năm tám mươi của thế kỉ
XX, rồi mờ nhạt dần để chuyển sang những khuynh hướng khác khi văn học
bước vào thời kì đổi mới.
Cũng trong những năm kháng chiến, cả dân tộc ta đã sống với tâm lí lãng mạn
từ đó làm nên cảm hứng lãng mạn trong văn học. Đó là một cảm hứng lãng
mạn thấm nhuần tinh thần lạc quan chiến thắng. Nếu không có lòng yêu nước
thiết tha và niềm tin chắc chắn ở tương lai tươi sáng thì làm sao nhân dân ta có

8


Khởi soạn ngày 2/6/2015

đủ sức mạnh tinh thần để vượt qua mọi thiếu thốn gian khổ, mọi thử thách nặng
nề của chiến tranh:
Củ khoai củ sắn thay cơm
Khoai bùi trong dạ, sắn thơm trong lòng
Hớp ngụm nước suối trong đỡ khát
Trông trời cao mà mát tâm can
(Tố Hữu)
Những năm tháng chiến tranh, tuy con người đứng trong đau khổ tột cùng,
nhưng tâm hồn lại sống trong niềm vui ấm áp của tình đồng bào, đồng chí, của
nghĩa Đảng tình dân và trong ánh sáng rực rỡ của lí tưởng và tương lai.
- Khuynh hướng sử thi trong văn học thể hiện ở một số điểm sau:
+ Những chủ đề bao trùm trong văn học giai đoạn 1945 – 1975 là những vấn đề
về vận mệnh của cộng đồng. Tác phẩm có thể chỉ viết về những sự việc và con
người trong một phạm vi hạn hẹp của không gian, thời gian nhưng vẫn nêu lên
những vấn đề có ý nghĩa toàn dân tộc (Truyện Tây Bắc của Tô Hoài).
+ Hiện thực mà văn học phản ánh là hiện thực lịch sử dân tộc.
+ Nhân vật trung tâm của các tác phẩm văn học là những con người đại diện

cho giai cấp, dân tôc, thời đại, sống chết với cộng đồng và kết tinh một cách
chói lọi những phẩm chất cao quý của cộng đồng. Trong văn học thời kì kháng
chiến chống Pháp, đó là nhân vật quần chúng. Ở văn học thời kì kháng chiến
chống Mĩ, xuất hiện những nhân vật cá nhân điển hình của người anh hùng
mang đầy đủ những nét phẩm chất tinh thần, sức mạnh ý chí của của cả dân tộc
đồng thời tiêu biểu cho số phận, con đường trưởng thành của quần chúng nhân
dân. Tố Hữu nhìn chị Trần Thị Lí không phải là một cá nhân mà là một con
người của dân tộc và nhân loại, với “trái tim vĩ đại” không phải “đập cho em”
mà cho “lẽ phải trên đời, cho quê hương em, cho Tổ quốc, loài người”. Nhà
thơ không gọi nhân vật của mình bằng một cái tên cụ thể bởi nó làm hiện lên
cái riêng, nên đã gọi chị Trần Thị Lí là “Người con gái Việt Nam”. Lê Anh
Xuân hình dung anh giải phóng quân hi sinh trên sân bay Tân Sơn Nhất như
một tượng đài hùng vĩ hiện lên trên nền bát ngát của không gian Tổ quốc và
thời gian thế kỉ. Người chiến sĩ ấy là ai? Không ai biết mà ai cũng biết, bởi đó
có thể là bất cứ người chiến sĩ nào mà cũng là tất cả những người chiến sĩ. Anh
không để lại tên tuổi, địa chỉ bởi anh là một biểu tượng của người chiến sĩ giải
phóng. Dáng đứng của anh là dáng đứng của mọi người, là “Dáng đứng Việt
Nam tạc vào thế kỉ”.
+ Giữa nhà văn và nhân vật anh hùng có một khoảng cách sử thi. Do khoảng
cách ấy, mà giọng văn sử thi thường trang nghiêm và thiên về ngợi ca với thái
độ chiêm ngưỡng đầy cảm phục và ngôn ngữ, hình ảnh sử thi thì thiên về vẻ
đẹp tráng lệ, hào hùng. Ở Tố Hữu, Chê Lan Viên giọng ngợi ca nhiều khi cao
vút lên hóa thành giọng hùng ca, thành lời truyền lệnh. Còn với nhiều cây bút
khác, giọng chủ âm ấy lại kết hợp với chất trữ tình lãng mạn tạo ra sự hài hòa

9


Khởi soạn ngày 2/6/2015


vừa trang nghiêm vừa tha thiết. Hình ảnh cụ Mết trong Rừng xà nu, với tiếng
nói vang núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ “chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm
giáo”, “Đốt lửa lên! Đốt lửa lên”. Cụ Mết hiện lên cao lồng lộng đại diện cho
cả cộng đồng, cho lịch sử ngìn năm.
+ Xen vào giữa giọng ngợi ca, còn là những giọng điệu khác như giọng đùa cợt
suồng sã, giọng châm biếm mỉa mai, giọng bi quan hoài nghi… Nhưng những
giọng ấy chỉ rải rác xuất hiện và thường không chiếm ưu thế và thường gắn với
nhân vật phản diện. Những tác phẩm mà những giọng điệu này gắn với nhân
vật chính diện thường bị phê bình ngăn chặn, lên án gay gắt như: những sáng
tác của nhóm Nhân văn – Giai phẩm, Đống rác cũ (tập 1) của Nguyễn Công
Hoan, Cái gốc của Nguyễn Thành Long…
- Cảm hứng lãng mạn thấm nhuần tinh thần lạc quan, có cơ sở thực tế. Chế độ
thuộc địa của Pháp và phát xít Nhật hết sức tàn bạo đã dẫn tới nạn đói có tính
chất hủy diệt với hơn hai triệu đồng bào chết đói. Đó là những ngày tháng
khủng khiếp mà nói như Nam Cao “có lẽ đến năm 2000, con cháu chúng ta
vẫn còn kể lại cho nhau nghe để rùng mình”. Đảng đã phát động cuộc Cách
mạng tháng Tám, cứu dân tộc ta ra khỏi những ngày tháng đen tối. Thực sự thì
sau Cách mạng tháng Tám một thời đại mới đã được mở ra, làm cơ sở cho niềm
lạc quan tương lai trong văn học. Niềm lạc quan tương trở thành xương sống
của cảm hứng lãng mạn trong văn học.
Cảm hứng lãng mạn thấm nhuần tinh thần lạc quan thể hiện ở một số điểm sau:
+ Những hình ảnh đất nước hồi sinh, tươi mới trong thi ca. Điều này có cơ sở
thực tiễn. Trước sự đổi thay của đất nước, tâm hồn của các cây bút dường như
được chảy một nguồn nhựa sống mới. Huy Cận một hồn thơ ảo não mang đầy
nỗi sầu vạn kỉ trong nhân thế nay nhìn đâu cũng thấy Trời mỗi ngày lại sáng,
Đất nở hoa, Bài thơ cuộc đời… Chế Lan Viên không còn lẻ loi khắc khoải
trong tinh cầu giá lạnh mà đầy khao khát tràn sức sống hướng đến Ánh sáng và
phù sa. Xuân Diệu vẫn nồng nàn rạo rực nhưng là trong hạnh phúc của sự đổi
thay
“Muôn trùng hạnh phúc dưới trời xanh

Có lẽ lòng tôi cũng hóa thành Ngói mới
(Ngói mới - Xuân Diệu)
“Xuân ơi xuân em mới đến dăm năm
Mà cuộc sống đã tưng bừng ngày hội”
(Bài ca xuân 61 - Tố Hữu)
+ Những hình ảnh hiện thực được nhân lên với kích thước cao rộng, bát ngát
của tương lai. Đó là những hình ảnh mang gió mát của ngày mai và hơi thở của
hồn thời đại.
“Dân có ruộng dập dìu hợp tác
Lúa mượt đồng ấm áp làng quê
Chiêm mùa cờ đỏ ven đê

10


Khởi soạn ngày 2/6/2015

Sớm trưa tiếng trống đi về trong thôn
Màu áo mới nâu non nắng chói
Mái trường tươi roi rói ngói son
Đã nghe nước chảy lên non
Đã nghe đất chuyển thành con sông dài
Đã nghe gió ngày mai thổi laị
Đã nghe hồn thời đại bay cao”
(Ba mươi năm đời ta có Đảng – Tố Hữu)
+ Hướng vận động của cốt truyện, của số phận nhân vật, của mạch văn, của
dòng cảm nghĩ của tác giả, đều đi từ bóng tối ra ánh sáng, từ gian khổ tới hạnh
phúc, từ nỗi buồn tới nhiềm vui, từ hiện tại đến tương lai hứa hẹn.
“Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước
Mà lòng phơi phới dậy tương lai”

(Theo chân Bác – Tố Hữu)
+ Niềm tin, niềm lạc quan trong hiện tại dù phải đối mặt với hiểm nguy gian
khó
“Những buổi vui sao cả nước lên đường
Xao xuyến bờ tre từng hồi trống giục”
(Đường ra mặt trận – Chính Hữu)
“Ta qua sống qua suối
Ta qua núi qua đèo
Lòng ta vui như hội
Như cờ bay gió reo”
( Bài ca lái xe đêm – Tố Hữu)
3. Những nét lớn về thành tựu và hạn chế của văn học Việt Nam 1945 – 1975
Kế thừa những truyền thống và kinh nghiệm nghệ thuật của lịch sự văn học lâu
đời, nền văn học mới đã đạt được những thành tựu xứng đáng với sứ mệnh cao
cả của văn học cách mạng. Tuy nhiên cũng không tránh khỏi một số hạn chế.
a, Thành tựu của văn học 1945 – 1975
- Thành tựu trong thực hiện nhiệm vụ. Văn học Việt Nam giai đoạn 1945 –
1975 đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ lịch sử của mình. Đó là nhiệm vụ chính
trị, cổ vũ cho cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc. Nói đến chiến thắng vĩ đại của
cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ không thể không kể đến công lao to
lớn của văn học nghệ thuật. Văn học nghệ thuật đã thắp lên và nuôi dưỡng
ngọn lửa niềm tin lí tưởng để con người có đủ sức mạnh vượt qua mọi thử
thách ác liệt. Chưa bao giờ sức mạnh chiến đấu của văn chương nghệ thuật lại
được phát huy mạnh mẽ như thế. Đúng như nhận định của Ban chấp hành
Trung ương tại Đại hội Đảng lần thứ tư: Văn học 1945 – 1975 “xứng dáng
đứng vào hàng ngũ tiên phong của những nền văn học nghệ thuật chống đế
quốc trong thời đại ngày nay”.
- Thành tựu về lực lượng sáng tác.

11



Khởi soạn ngày 2/6/2015

+ Trong giai đoạn 1945 – 1975 xuất hiện một đội ngũ nhà văn rất đông đảo, tài
năng bao gồm nhiều thế hệ: thế hệ “tiền chiến” đi từ nhiều khuynh hướng nghệ
thuật đến với nền văn học mới, thế hệ trong thời chống Pháp; thế hệ sau thời
kháng chiến chống Pháp và thế hệ thời kháng chiến chống Mĩ được phát hiện
và bồi dưỡng từ phong trào văn nghệ quần chúng đặc biệt là trong quân đội,
đem đến cho văn học sức trẻ và nét mới của một thế hệ sinh trưởng trong lòng
xã hội mới. Ba thế hệ nhà văn vừa thống nhất vừa bổ sung cho nhau. Những
năm chiến tranh là sự trải nghiệm vô giá cho các nhà văn, là sự đào luyện trong
cách mạng và kháng chiến khiến họ trở thành một lực lượng hùng hậu cho sự
sáng tạo văn học lâu dài.
+ Đội ngũ cầm bút trong giai đoạn 1945 – 1975 chủ yếu là nhà văn chiến sĩ.
Đất nước bị xâm lược, tình yêu nước như một lẽ tự nhiên sẽ dẫn tới hành động
chiến đấu hi sinh. Cuộc chiến tranh nhân dân được phát động tạo ra một thời
đại người người là chiến sĩ khiến người ta vào sân gặp dũng sĩ ra ngõ gặp anh
hùng. Thâm nhập vào thực tế chiến đấu để nhận thức và phản ánh, bao cây bút
trong văn học giai đoạn 1945 – 1975 thực sự trở thành nhà văn – chiến sĩ.
Trong nhiều trường hợp họ không chỉ là nhà văn chiến sĩ mà thực sự trở thành
nhữn người cầm súng. Nam Cao nói “sống đã rồi hãy viết” và biết bao người
cầm bút đã ngã xuống giữa chiến trường như những người cầm súng anh dũng
nhất: Nam Cao, Nguyễn Thi, Nguyễn Mĩ, Trần Đăng, Lê Anh Xuân… Không
phải giai đoạn văn học nào cũng có thể sản sinh và nuôi dưỡng những nhà văn
– chiến sĩ xuất sắc như giai đoạn 1945 – 1975.
- Thành tựu về tư tưởng nghệ thuật. Trên tiến trình vận động và phát triển của
lịch sử văn học dân tộc, văn học 1945 – 1975 tiếp nối và phát huy mạnh mẽ
những truyền thống tư tưởng lớn của văn học qua hàng nghìn năm dựng nước
và giữ nước đặc biệt là truyền thống yêu nước nhưng lòng yêu nước được nâng

cao thành chủ nghĩa yêu nước, và tinh thần nhân đạo nhưng được nâng cao
thành chủ nghĩa nhân đạo.
+ Cách mạng dân tộc dân chủ và lí tưởng xã hội chủ nghĩa đã đem đến cho
người cầm bút quan niệm: đất nước – nhân dân. Đất nước – nhân dân là đề tài
của hầu hết bài thơ, trang truyện của văn học 1945 – 1975. Khi đất nước bị xâm
lược, người yêu nước tất yếu phải hành động. Lúc đó chủ nghĩa yêu nước sẽ
chuyển hóa thành chủ nghĩa anh hùng. Cuộc chiến tranh nhân dân được phát
huy đến cao độ, khiến bất cứ người dân nào cũng là chiến sĩ tạo nên một chủ
nghĩa anh hùng toàn dân. Văn học đã phản ánh được chủ nghĩa anh hùng toàn
dân trong cuộc sống, tạo nên một chủ nghĩa anh hùng toàn dân trong văn học.
Ta có thể tìm thấy trong văn học những người dân bình hiền lành giản dị trong
cuộc sống nhưng trên chiến trường họ thực sự là những chiến sĩ chiến đấu quả
cảm như người đàn bà con mọn hăng hái cầm súng, người mẹ già tam gia chiến
đấu… Ta cũng có thể tìm thấy những chiến sĩ tương lai trong những đứa trẻ
chơi trò chiến trận ham lập chiến công…

12


Khởi soạn ngày 2/6/2015

Đất nước được nhân dân xây dựng và bảo vệ bằng mồ hôi, nước mắt và máu
xương qua trường kì lịch sử. Yêu nước là yêu nhân dân và yêu nhân dân là yêu
nước. Lòng yêu nhân dân thường được thể hiện trong tình làng xóm, tình đồng
bào, tình quân dân cá nước.
Lòng yêu nước không chỉ được thể hiện ở lòng yêu nhân dân mà còn thể hiện ở
tình yêu quê hương, tình đồng chí, niềm tự hào và ý thức làm chủ đất nước
trong tư tưởng đất nước gắn liền với nhân dân.
+ Một trong những truyền thống vô giá của văn học dân tộc ta là chủ nghĩa
nhân đạo. Chủ nghĩa nhân đạo truyền thống thể hiện chủ yếu ở: lòng thương

người nghèo khổ, bất hạnh, ở sự phát hiện nơi những con người bình thường
thậm chí tầm thường ấy những đức tính cao quý, ở sự đấu tranh cho quyền
sống, quyền hưởng hạnh phúc của họ trước những thế lực thống trị trà đạp. Văn
học 1945 – 1975 đã đem đến cho nội dung nhân đạo truyền thống những khía
cạnh mới: hướng hẳn về nhân dân lao động để thể hiện những bất hạnh của họ
trong xã hội cũ theo quan điểm giai cấp, phát hiện và đặt niềm tin ở nhân dân
lao động với khả năng cách mạng, phẩm chất anh hùng, khát vọng giải phóng
nhân dân lao động. Chủ nghĩa nhân đạo mới khác biệt với chủ nghĩa nhân đạo
truyền thống ở chỗ nó hướng về nhân dân lao động.
Trong chiến tranh, chủ nghĩa nhân đạo cũng cần phải phát huy tính chiến đấu.
Nó phải đốt lên ngọn lửa căm thù đối với bọn cướp nước. Ta hiểu vì sao Chế
Lan Viên đã viết những vần thơ thật dữ dội để hoan hô cái hầm chông mà ông
gọi là “Cái hầm chông nhân đạo”.
“Hỡi cái hầm chông
Ta yêu ngươi hơn vạn đóa hoa hồng
Cái hầm chông nhọn hoắt
Xé nát thây quân giặc
Cho quạ ăn ngoài đồng
Cái hầm chông nhân đạo
Ngươi trả thù cho máu
Cho vạn vành nôi không”
(Cái hầm chông giản dị - Chế Lan Viên)
- Thành tựu về ý thức nghệ thuật. Ý thức về con người cá nhân đang nhen
nhóm trở lại khiến bước đầu xuất hiện cảm hứng thế sự đời tư.
Văn học thời chiến tranh không thể nói nhiều đến hưởng thụ, hưởng lạc, hạnh
phúc cá nhân. Bởi những năm tháng chiến tranh, hạnh phúc trong đời sống hay
hạnh phúc trong văn học đều phải được định nghĩa bằng sự hi sinh. Hạnh phúc
vì được hi sinh, được cống hiến không phải cho riêng mình. Lời hạnh phúc sẵn
sàng viết bằng máu trên con đường đón ánh ban mai.
“Trong một góc vườn cháy khét lửa Napan

Em sửng sốt gặp một nhành hoa cúc
Và em gọi đó là hạnh phúc…

13


Khởi soạn ngày 2/6/2015

(Bài thơ về hạnh phúc – Bùi Minh Quốc)
Văn học không nói nhiều đến hưởng thụ, hưởng lạc, hạnh phúc cá nhân có
nghĩa là không phải không có. Ở một mức độ nào đó, trong văn học bắt đầu
xuất hiện cảm hứng thế sự đời tư. Nó như một dòng sông nhỏ chảy ở một góc
của tâm hồn con người những năm chiến tranh. Cảm hứng thế sự đời tư thể
hiện trong những tác phẩm viết về đời thường của một con người với quá khứ,
tình yêu… của các tác giả Quang Dũng, Hoàng Cầm, Nguyễn Tuân, Xuân
Diệu, Nguyễn Thành Long, Hữu Loan.... Khoảng những năm 1965 trở đi,
những chiến sĩ lên đường ra trận phần lớn là thanh niên, học sinh. Họ lên
đường ra mặt trận ngoài tiếng gọi của Tổ quốc, nhiều khi còn có sự cổ vũ của
một cô gái hậu phương gửi theo người ra tiền tuyến một ánh mắt đầy yêu
thương, một màu “áo đỏ” hay chút “hương thầm” trong buổi tiễn đưa. Bởi thế
trong văn thơ của họ đôi lúc xuất hiện những điều riêng tư.
- Thành tựu về sáng tác nghệ thuật.
+ Thành tựu về số lượng thể loại. Văn học giai đoạn 1945 – 1975 đã đạt nhiều
thành tựu về nghệ thuật trên các thể loại khác nhau. Văn học Việt Nam giai
đoạn này phát triển cân đối và toàn diện về thể loại của các sáng tác nhất là khi
miền Bắc được giải phóng (1954). Từ 1960 trở đi, có thể nói nền văn học nước
ta không thiếu một thể loại nào: các loại truyện (truyện ngắn, truyện vừa), tiểu
thuyết (bộ ba, bộ bốn), các loại kí (kí sự, truyện kí, bút kí, nhật kí, tùy bút), các
loại thơ (thơ trữ tình, truyện thơ, trường ca, truyện thơ…) với đủ các thể thơ (tứ
tuyệt, trường thiên, lục bát, song thất lục bát, tự do, trữ tình chính luận…), các

loại kịch bản, lí luận phê bình. Các thể loại phát triển khá đầy đủ phong phú
nhưng thơ, truyện ngắn, truyện vừa, kí vẫn có sự nổi trội. Tất nhiên do hoàn
cảnh lịch sử, cũng có những thể văn bị teo đi, như thể phóng sự hay thể văn
trào phúng kiểu Nguyễn Công Hoan…
+ Thành tựu về chất lượng của các thể loại. Thành tựu của văn học nghệ thuật
không quyết định ở hình thức thể loại hay ở khối lượng lớn hay nhỏ mà ở phẩm
chất thẩm mĩ tức chất lượng của các tác phẩm trong từng thể loại.
Thơ. Thành tựu nổi trội nhất tcủa văn học trong thời kì kháng chiến chống pháp
là thơ. Thơ ca trong thời kì kháng chiến chống Pháp đã đem đến một tiếng nói
trữ tình mới mẻ khỏe khoắn. Đó là tiếng nói trữ tình quần chúng. Các tên tuổi
thơ ca trong thời kì này như: Tố Hữu, Hoàng Cầm, Chính Hữu, Thôi Hữu,
Quang Dũng, Hoàng Trung Thông…
Từ 1958 đến 1964, văn học chứng kiến sự hồi sinh mạnh mẽ của hàng loạt nhà
thơ tiền chiến Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Tế Hanh…
Các nhà thơ trưởng thành trong thời kì kháng chiến chống Mĩ đã tạo nên hiện
tượng thơ trẻ kháng chiến chống Mĩ, với nhiều tài năng và sự chịu khó tìm tòi
sáng tạo góp phần đổi mới cho thơ ca như: Quang Dũng, Phạm Tiến Duật,
Nguyễn Khoa Điềm, Thanh Thảo, Thu Bồn, Lưu Quang Vũ, Hữu Thỉnh, Lâm
Thị Mĩ Dạ…Họ mang đến cho thơ ca một giọng điệu riêng của thế hệ mới. Tuy

14


Khởi soạn ngày 2/6/2015

nhiên, các nhà thơ lớp trước vẫn còn sáng tác, nổi trội lên là Tố Hữu, Chế Lan
Viên.
Truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết. Các thể loại này phát triển khá đầy đủ
toàn diện và đa dạng phong phú về phong cách và bút pháp.
Trong thời kì kháng chiến chống Pháp, những cây bút truyện ngắn hay và ghi

được dấu ấn riêng trong thể loại này như: Tô Hoài, Kim Lân, Nguyễn Thi, Anh
Đức, Nguyễn Thành Long, Nguyễn Kiên… Nhưng cây bút được đánh giá cao
khi viết tiểu thuyết, truyện vừa như: Nguyên Hồng, Nguyên Ngọc, Nguyễn
Khải, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Văn Bổng, Chu Văn…
Từ khoảng 1958 đến 1964, văn xuôi phát triển mạnh với sự góp mặt của nhiều
cây bút thuộc những thế hệ khác nhau như Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng,
Tô Hoài, Kim Lân, Nguyên Ngọc, Nguyễn Khải, Nguyễn Kiên, Vũ Thị
Thường…
Từ khoảng đầu những năm 60 trở đi, xuất hiện một số bộ tiểu thuyết nhiều tập:
Cửa biển của Nguyên Hồng – bộ tiểu thuyết đồ sộ nhất với bốn tập, Vỡ bờ (ba
tập) của Nguyễn Đình Thi, Bão biển (hai tập) của Chu Văn, Những người thợ
mỏ (hai tập) của Võ Huy Tâm. Nhìn chung, không có tác phẩm nào đạt đến
chất lượng nghệ thuật cao.
Kí. Thể loại này cũng có sự phát triển mạnh, ghi lại nhiều hình ảnh chân thực,
những sự kiện trọng đại của chiến tranh và cách mạng, biểu dương những tấm
gương anh hùng… Ngoài cay bút có nhiều đặc sắc là Nguyễn Tuân, còn phải
kể đến Tô Hoài, Trần Đưng, Nguyễn Huy Tưởng…
Kịch. Nền kịch cách mạng đánh dấu bằng sự ra đời bằng thành công của vở
kịch Bắc Sơn (1946) của Nguyễn Huy Tưởng. Tiếp đó, trong kháng chiến
chống Pháp đã có một phong trào sáng tác và biểu diễn kịch rất sôi nổi, rộng
khắp ở những vùng kháng chiến. Tuy nhiên hầu hết chỉ là loại kịch không có
kịch bản chặt chẽ. Trong sự phát triển của kịch, kịch bản và vở diễn ngày càng
phong phú cả về đề tài và thể kịch. Về thể kịch, bên cạnh kịch nói còn có các
thể kịch hát dân gian, kịch thơ… Từ sau 1954, trên sân khấu bên cạnh các vở
kịch từ kịch bản của Việt Nam, cò có sự hiện diện của các vở kịch với kịch bản
nước ngoài. Sự xuất hiện này có sức thu hút công chúng rất lớn. Trong thời kì
kháng chiến chống Mĩ, nhiều vở kịch giàu tính thời sự đã đến được với công
chúng ở nhiều vùng, kể cả ở tiền tuyến, đem tới sự động viên, cổ vũ đáng kể
cho quần chúng trong cuộc kháng chiến. Về tác giả kịch, phải kể đến tên tuổi
của Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi, Học Phi, Lộng Chương…

Lí luận phê bình. Lí luận, phê bình, nghiên cứu văn học đã có đóng góp đáng
kể vào đời sống văn học từ sau cách mạng tháng Tám 1945, trước hết là ở việc
giới thiệu, truyền bá tư tưởng và quan điểm văn nghệ mác xít, đường lối văn
nghệ của Đảng, biểu dương những tác phẩm thành công, khẳng định thành tựu
của nền văn học cách mạng, đấu tranh chống những quan điểm văn nghệ sai
lệch với quan điểm của Đảng. Từ sau 1954, nhất là từ khoảng 1960 trở đi, hoạt

15


Khởi soạn ngày 2/6/2015

động phê bình, nghiên cứu văn học trong nước có bước phát triển đáng kể., đặc
biệt là trong việc tìm hiểu, giới thiệu di sản văn học dân tộc với văn học dân
gian và văn học cổ điển, đồng thời cũng quan tâm nhiều hơn đến việc nghiên
cứu một số tác giả và tác phẩm tiêu biểu của văn học hiện đại Việt Nam. Một
số công trình lịch sử văn học Việt Nam được biên soạn theo quan điểm mới của
khoa nghiên cứu văn học mác xít, những bộ hợp tuyển văn học Việt Nam qua
các thời kì, có thể coi là thành tựu nổi bật của lí luận phê bình, nghiên cứu
trong giai đoạn 1945 – 1975.
b, Hạn chế của văn học 1945 – 1975
+ Nguyên nhân của các hạn chế: nguyên nhân khách quan của lịch sử đó là do
hoàn cảnh chiến tranh ác liệt; nguyên nhân chủ quan: thứ nhất: do nhận thức ấu
trĩ của lãnh đạo văn nghệ, giới sáng tác phê bình bởi đây là chặng đầu tiên của
nền văn học mới; thứ hai do những luồng ảnh hưởng tiêu cực của tư tưởng văn
nghệ lệch lạc du nhập từ bên ngoài.
+ Sự hạn chế về điều kiện sáng tác và phổ biến đến công chúng, sự tiếp nhận
của công chúng. Những sự hạn chế này, không thể tránh khỏi bởi văn học giai
đoạn này hình thành và tồn tại trong hoàn cảnh chủ yếu là hai cuộc kháng
chiến. Thêm vào đó, nhận thức ấu trĩ của nhiều cây bút về quan điểm giai cấp

khiến sự thể hiện con người càng giản đơn, sơ lược.
+ Nhiều tác phẩm thể hiện con người và cuộc sống một cách đơn giản xuôi
chiều, phiến diện. Các tác phẩm cũng không đề cập đến những hiện tượng tiêu
cực nội bộ. Những nhược điểm này khó tránh khỏi đối với một nền văn học
phục vụ kháng chiến.
Sự phản ánh cuộc sống trong văn học thường phiến diện. Để động viên chiến
đấu, văn học tất nhiên phải nói nhiều đến thuận lợi hơn là khó khăn, chiến
thắng nhiều hơn thất bại, thành tích nhiều hơn tổn thất, niềm vui nhiều hơn nỗi
đau, hi sinh nhiều hơn hưởng thụ. Sự phản ánh con người cũng không tránh
khỏi sự phiến diện. Trước sự sống còn của Tổ quốc và sự đối đầu quyết liệt
giữa ta và địch, con người trong văn học không thể không được thể hiện và
đánh giá chủ yếu ở thái độ chính trị, ở tư cách công danh. Các phương diện
khác của con người không được đi sâu.
Sự phản ánh con người trong văn học không chỉ phiến diện mà còn giản đơn:
người anh hùng không thể có tâm lí phức tạp, con người chỉ có tính giai cấp
không có tính nhân loại phổ biến…
+ Phẩm chất nghệ thuật của các tác phẩm còn chưa cao. Do văn học phải phục
vụ chính trị, cổ vũ chiến đấu một cách kịp thời nên các tác giả không thể chờ
đợi cảm hứng. Họ cũng không có điều kiện để hoàn toàn lựa chọn đề tài phù
hợp với tư tưởng, sở trường và vốn sống của mình. Tuy nhiên vẫn có những tác
phẩm đạt được giá trị cao nếu có đầy đủ các yếu tố cảm hứng, đề tài phù hợp
với sở trường.
+ Quan niệm hời hợt và sự vận dụng máy móc phương pháp hiện thực xã hội

16


Khởi soạn ngày 2/6/2015

chủ nghĩa của một số cây bút, nên họ đã quy sự đa dạng, phức tạp của đời sống

vào những hệ thống công thức giản đơn có tính quy phạm và tính phi ngã và
tính môtip. Điều này, cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát huy cá tính sáng
tạo và phong cách riêng của nhà văn. Các nhà nhà văn sáng tác thường áp dụng
công thức nên không có được cái bản ngã (cái riêng) mà chỉ có cái phi ngã
(không phải cái riêng). “Điều lệ nhà văn Liên Xô thông qua tại đại hội I xác
định chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa (chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ
nghĩa cũng có nghĩa là phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa – NTT) là
phương pháp sáng tác chủ đạo của văn học Xô Viết; nội dung của phương
pháp này được xác định như là yêu cầu miêu tả cuộc sống một cách chân thực,
cụ thể lịch sử, trong sự phát triển cách mạnh của nó” (150 thuật ngữ văn học –
Lại Nguyên Ân). Trong văn học giai đoạn này, thường xuyên xuất hiện những
công thức trở thành môtip như: các môtip chủ đề như: thức tỉnh, vùng dậy đấu
tranh, trưởng thành trong cách mạng, thay đổi vận mệnh từ lẻ loi cá nhân đến
hòa hợp tập thể, từ thân phận nô bị lệ đến số phận được giải phóng…
+ Đời sống thế sự và riêng tư ít được quan tâm thể hiện. Nếu có thì cũng được
nhìn nhận đánh giá trên quan điểm cộng đồng.
+ Sự hạn chế trong lí luận do ảnh hưởng theo các quan điểm tiêu cực lệch lạc
du nhập từ bên ngoài như ảnh hưởng của khuynh hướng xã hội học dung tục.
+ Sự hạn chế trong phê bình: chủ yếu dựa vào tiêu chuẩn chính trị là chính dẫn
đến xem xét đánh giá nặng nề về tư tưởng, ít coi trọng khám phá nghệ thuật nên
nhìn phong trào thơ mới 1932 – 1945 thường chỉ thấy tác hại, nhìn các sáng tác
như một số tùy bút của Nguyễn Tuân, thơ Quang Dũng (Tây Tiến), Hữu Loan
(Màu tím hoa sim)… thường chỉ thấy cái gọi là “rơi rớt” của chủ nghĩa lãng
mạn tiểu tư sản.
4. Các chặng đường phát triển của văn học 1945-1975
Văn học Việt Nam từ sau Cách mạng tháng Tám 1945 đến 1975 phát triển gắn
với những bước đi của lịch sử. Vì vậy, các chặng đường của văn học hầu như
trùng với các chặng đường lịch sử.
a, Từ 1945 đến 1954
Văn học chặng này có thể chia làm hai chặng nhỏ: 1945 1946, 1946 – 1954.

Văn học chặng 1945-1954 là chặng khởi đầu của một nền văn học mới. Bước
đi ban đầu của nền văn học mới cũng không tránh khỏi những non nớt, ấu trĩ,
chưa để lại được nhiều thành tựu kết tinh xuất sắc. Nhưng hoàn toàn không
thể nói văn học chặng này không có giá trị. Sự phát hiện và sáng tạo hình
tượng con người quần chúng với vẻ đẹp hồn nhiên, trong sáng, giản dị; sự
thể hiện đậm nét và phong phú những biểu hiện của tình quê hương đất
nước, tình đồng bào đồng chí là những giá trị nghệ thuật nổi bật của văn
học thời kì kháng chiến chống Pháp, sẽ được kế thừa ở các chặng đường sau.
* 1945 – 1946 Văn học trong những ngày đầu độc lập
- Về đội ngũ sáng tác. Đội ngũ sáng tác là những cây bút cấp tiến nhất mà nòng

17


Khởi soạn ngày 2/6/2015

cốt là các hội viên hội văn hóa cứu quốc. Xuân Diệu nổi lên như một cây bút
đầy nhiệt huyết. Ông viết đủ loại: thơ, bút kí, tùy bút, kịch nói, nghị luận chính
trị, phê bình văn học, văn châm biếm, thơ đả kích… Đặng Thai Mai, Nguyễn
Đình Thi, Như Phong, Nguyễn Văn Tỵ… là những nhà phê bình đầu tiên của
nền văn học mới. Họ say mê viết những bài giải thích ba nguyên tắc vận động
văn hóa mới: dân tộc, khoa học, đại chúng, đồng thời lấy đó làm tiêu chí để
tổng kết, phê bình, đánh giá thành tựu văn học buổi đầu: Văn nghệ với cuộc
chiến đấu hiện thời của dân tộc của Nguyễn Đình Thi… Phê bình tương lai
văn nghệ Việt Nam của Đạng Thai Mai… Xem kịch Bắc Sơn của Nguyễn Văn
Tỵ…
- Về tư tưởng.
+ Trong giới nghệ sĩ lúc này, không phải không có băn khoăn gì về vấn đề mâu
thuẫn giữa chính trị và văn nghệ, giữa tuyên truyền và nghệ thuật. Nhưng tinh
thần cách mạng, ý thức công dân đang ở cao độ đã át đi tất cả.

+ Người nghệ sĩ bước đầu hướng tới quần chúng, vẫn chưa tìm được tiếng nói
chung với họ. Nói như Nguyễn Đình Thi trong Văn nghệ với cuộc chiến đấu
hiện thời của dân tộc in trên Tiên Phong số 2 (1945), người nghệ sĩ chưa thể
“rung động được cái rung động của quần chúng”, bởi thế, trong nhiều vở kịch,
nhiều bài hát còn phảng phất hình ảnh chinh phu, tráng sĩ và chưa dứt được cái
điệu “du dương” của thời đã qua, lời lẽ còn “sặc mùi chí nam nhi” của văn
chương cổ. Còn nói như Xuân Diệu trong Hồn thơ trung cổ in trên Tiên Phong
số 6 (1946) thì đó là “hồn thơ trung cổ”, những “rác bẩn”, cách mạng cần đào
thải.
+ Sự chưa rũ bỏ hết những điệu cũ và thái độ phê phán quá đà là những sự ấu
trĩ khó tránh khỏi trong buổi đầu của nền văn học mới.
- Về nội dung. Cách mạng tháng Tám thành công, mở ra một thời kì mới cho
đất nước. Đời sống khắp nơi rộn rã, tưng bừng như trong ngày hội lớn. Điều đó
được phản ánh vào văn học trước hết ở nội dung cụ thể, thường là những cảm
xúc náo nức, hồ hởi
“Gió gió ơi! Hãy làm giông tố
Cuốn tung lên cờ đỏ máu thơm tươi
Vàng vàng bay, đẹp quá, sao ơi
Ta ngã vật trong dòng người cuộn thác”
(Huế tháng Tám - Tố Hữu)
Ở đề tài: tổ quốc độc lập, quần chúng cách mạng, đời sống mới, bình dân học
vụ, phong trào Nam tiến, tấm gương vì nước quên nhà… Ở cảm hứng ngợi ca.
- Về thể loại. Vì viết văn làm thơ lúc này, trước hết là hưởng ứng cách mạng
trong đó đặc biệt chú ý đến tuyên truyền cách mạng; nên người viết thương
dùng những thể văn ngắn gọn để có thể phục vụ kịp thời cách mạng: thơ,
truyện ngắn, bút kí, kí sự, tùy bút.
- Về đời sống văn nghệ. Hồi này trong đời sống văn nghệ, có một hiện tượng

18



Khởi soạn ngày 2/6/2015

rất đặc biệt: kịch quần chúng rất phát triển, không phải ở thành phố với những
bản kịch chuyên nghiệp của những tác giả Thế Lữ, Trần Huyền Trân, Sĩ Tiến…
mà ở các vùng nông thôn có khi rất hẻo lánh. Tất nhiên là kịch không có kịch
bản chặt chẽ (hay còn gọi là kịch cương). Loại kịch này, do quần chúng tự biên,
tự diễn. Cảm hứng của các vở kịch thường là đả kích chế độ cũ, ca ngợi đời
sống mới, ca ngợi đánh Tây bắt Việt gian, ca ngợi bình dân học vụ… Giờ đây,
kết thúc các cuộc mitsting không phải là những đêm chèo truyền thống mà là
những đêm kịch “Không khí nơi diễn kịch đầy ham mê nồng nàn. Công chúng
đã đứng mấy giờ đồng hồ liền để hoan hô, tung hô (…). Cuộc vui kết thúc, khi
các tài tử bước ra sân khấu đặt cao ngay góc ruộng, thì tiếng vỗ tay la lên bồng
bột mà không cần phải khêu ngòi” ( Kịch quần chúng A.M Tiên Phong, số Tết
Bính Tuất, 1946).
- Một số tác phẩm: Huế tháng Tám, Vui bất tuyệt của Tố Hữu, Ngọn quốc kì,
Hội nghị non sông của Xuân Diệu¸ Mùa thu mới của Thâm Tâm, Tình sông núi
của Trần Mai Ninh…
* 1946 – 1954 Văn học thời kháng chiến chống pháp
- Đội ngũ sáng tác.
+ Không kể những cây bút đã tham gia văn hóa cứu quốc từ Cách mạng tháng
Tám nay là nòng cốt của văn học kháng chiến, phần lớn trí thức văn nghệ sĩ từ
bỏ các thành phố địch chiếm để ra vùng tự do. Nhiều người trong số này, trong
lúc đầu không biết mình có thể làm được gì trong hoàn cảnh chiến tranh. Sau
đó, họ được Đảng liên hệ, tập hợp, tổ chức nhằm mục đích phát huy tài năng
vào việc hoạt động tuyên truyền kháng chiến. Đảng đã triệu tập Đại hội văn
nghệ toàn quốc lần thứ nhất, thành lập Hội văn nghệ Việt Nam với cơ quan
ngôn luận là Tạp chí văn nghệ, xuất bản ở Việt Bắc. Sau khi hội văn nghệ Việt
Nam ra đời, ở các địa phương cũng lần lượt thành lập chi hội văn nghệ, tập hợp
lực lượng và thúc đẩy sáng tác ở các liên khu. Văn nghệ sĩ đã tập kết với nhau

thành nhiều trung tâm từ Bắc vào Nam. Trong đó đông đảo nhất là ở Việt Bắc:
Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyên Hồng, Tô Hoài, Nam Cao,
Ngô Tất Tố, Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Thế Lữ, Trần Đăng, Quang Dũng,
Chính Hữu, Tô Ngọc Vân, Văn Cao… Bên cạnh đó, còn có trung tâm ở Thanh
Nghệ Tĩnh với Hải Triều, Đặng Thai Mai, Chế Lan Viên, Bùi Hiển, Lưu Trọng
Lư, Hoàng Trung Thông, Nguyễn Văn Tý; Quảng Nam-Đà Nẵng: Khương Hữu
Dụng, Tế Hanh, Nam Trân, Trinh Đường, Nguyễn Văn Bổng, Phan Huỳnh
Điểu; Bình Định: Quách Tấn, Yến Lan, Trần Mai Ninh, Phạm Hổ, Nguyễn Đỗ
Cung; Nam Bộ: Nguyễn Bính, Đoàn Giỏi, Phạm Anh Tài, Lưu Quý Kì, Bảo
Đinh Giang, Huỳnh Văn Nghệ, Hoàng Văn Bổn, Hoàng Việt, Diệp Minh
Châu…
+ Đội ngũ nhà văn chống Pháp gồm hai thế hệ: một là những người đã sáng tác
và ít nhiều đã có tên tuổi từ trước Cách mạng tháng Tám, hai là những thanh
niên trí thức (học sinh, sinh viên) tham gia kháng chiến rồi trưởng thành từ

19


Khởi soạn ngày 2/6/2015

phong trào văn nghệ quần chúng và được bồi dưỡng thành nhà văn, nhà thơ.
+ Hai thế hệ cầm bút đều là những trí thức tiểu tư sản được đào tạo từ thời Pháp
thuộc.
+ Văn nghệ sĩ khi được huy động vào công tác tuyên truyền kháng chiến, họ rất
nhiệt tình, tự nguyện làm bất cứ việc gì miễn là có ích cho cuộc chiến đấu: viết
báo, làm vè, ca dao, diễn kịch, nói chuyện thời sự, vẽ và triển lãm tranh tuyên
truyền lưu động… Với tư cách là người công dân với Tổ quốc, họ không nề hà
gì hết, hoạt động tuyên truyền một cách hào hứng. Nhưng với tư cách nghệ sĩ,
họ có coi đấy là nghệ thuật hay không thì lại là chuyện khác. Tuy nhiên, mọi
băn khoăn đều sẵn sàng gác lại hết, tạm thời dẹp đi hết.

- Về tư tưởng:
+ Văn học phục vụ kháng chiến, hướng về công nông binh, nên phương châm
dân tộc và đại chúng được đặc biệt nhấn mạnh như một quan niệm thẩm mĩ của
thời đại. Khái niệm dân tộc và đại chúng lúc này được hiểu một cách rất đơn
giản và thiết thực, nghĩa là cốt sao động viên được chiến đấu, hình thức ngắn
gọn, dễ hiểu, quen thuộc với quần chúng: “Những học thuyết cao siêu, những
luận đề huyền diệu và lí luận tinh vi đành phải gác lại để chú ý đến những vấn
đề thực hành, thiết cận” (Kháng chiến và văn hóa – Đặng Thai Mai - Cách
mạng, kháng chiến và đời sống văn học). Người cầm bút vì thế đều hăng hái
học hỏi, vận dụng các hình thức nghệ thuật dân gian: miền Bắc khai thác dân
ca, chèo, Nghệ Tĩnh vận dụng thể hát giặm, khu Năm diễn tuồng và hát bài
chòi, Nam Bộ soạn truyện thơ để diễn xướng theo lối “nói thơ” Lục Vân Tiên…
+ Văn học kháng chiến 1946 – 1954, trong quá trình vận động, phát triển có sự
chuyển biến về tư tưởng. Có thể xem thời điểm 1950, 1951 là một vạch ranh
giới tuy không nổi rõ nhưng có thật, phân chia hai chặng tư tưởng. Từ sự phân
chia về hai tư tưởng có thể phân chia hai chặng nhỏ của 1946 – 1954. Trước
1950, 1951 về lập trường chính trị, cuộc kháng chiến chỉ yêu cầu người cầm
bút tán thành đánh giặc và sáng tác phục vụ chiến đấu, còn về quan điểm nghệ
thuật thì chỉ nhấn mạnh tinh thần dân tộc và đại chúng hiểu theo nghĩa rộng
nhất. Bản báo cáo Chủ nghĩa Mác và vấn đề văn hóa Việt Nam của Trường
Chinh phát biểu năm 1948, tuy có đề cập đến chủ nghĩa Mác – Lênin, đến tính
giai cấp và phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa, nhưng giới văn
nghệ sĩ hầu như chỉ hiểu lơ mơ. Đào Xuân Quý nhớ lại “lúc ấy nghe báo cáo
xong, tôi chưa hiểu gì lắm. Vấn đề lại quá mới mẻ” (Nhớ lại. Cách mạng,
kháng chiến và đời sống văn học). Cuộc tranh luận giữa Trường Chinh và Tô
Ngọc Vân về tuyên truyền và nghệ thuật tuy có lúc diễn ra khá sôi nổi, nhưng
tác động của nó đối với đa số văn nghệ sĩ chưa có gì thật sự sâu sắc. Tuy
nhiên, tuyên truyền chiến đấu là yêu cầu cấp bách của cuộc kháng chiến. Nhận
thức đó lấn át mọi băn khoăn, thắc mắc. Từ 1950, 1951 trở về sau tư tưởng có
sự biến đổi khác. Nguyên nhân của sự biến đổi này: Biên giới Việt Trung được

giải phóng, mở thông sang phe xã hội chủ nghĩa. Từ đó sách vở lí luận của Liên

20


Khởi soạn ngày 2/6/2015

Xô, Trung Quốc bắt đầu đến tay các nhà văn. Đảng ra công khai, sự lãnh đạo
chặt chẽ hơn. Sự chỉnh huấn tập trung chuẩn bị phát động giảm tô và cải cách
ruộng đất. Cuộc chiến tranh đặt ra yêu cầu đối với người cầm bút là phải đứng
vững trên lập trường giai cấp, thanh toán triệt để tư tưởng thực dân đế quốc,
phong kiến, tư sản, tiểu tư sản. Nguyễn Tuân viết trong bản kiểm thảo của mình
“Vang bóng một thời của tôi tiêu biểu đầy đủ cho tư tưởng phong kiến, địa chủ
quan liêu” “tang chứng đầu tiên về tội lỗi của tôi đối với dân tộc, với cách
mạng” “nay tôi đứng trên lập trường nghệ thuật vị nhân sinh, đứng trên lập
trường nghệ thuật cách mạng sáng tác vì lợi ích công nông” (Nhìn rõ sai lầm.
Nguyễn Tuân bàn về văn học nghệ thuật). Đây là lí do giải thích vì sao trước
thời điểm 1950-1951 trong sáng tác của Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi,
Hoàng Cầm, Quang Dũng, Văn Cao…thường tồn tại những cái mà hồi đó Hoài
Thanh gọi là những “rơi rớt tiểu tư sản”. Tập phê bình, tiểu luận Nói chuyện
thơ kháng chiến của Hoài Thanh xuất bản năm 1950 có thể coi là bản tổng kết
về những “rơi rớt” kia sẽ được thanh toán trong chặng đường tiếp theo của văn
học kháng chiến.
Tóm lại, trước 1950, 1951 chưa có yêu cầu về lập trường giai cấp trong văn
học; sau 1950, 1951 có yêu cầu về lập trường giai cấp.
- Về nội dung:
+ Khuynh hướng viết người thật việc thật được đề cao do hai nguyên nhân: thứ
nhất vì nhiều cây bút đi từ viết báo cáo, viết kí đến viết văn; thứ hai vì những
tấm gương anh hùng chiến sĩ chiến sĩ chói lọi quá mà người viết tự thấy nhỏ bé
quá nên chỉ mong ghi chép cho đúng, không cần tưởng tượng hư cấu gì thêm.

Do khuynh hướng này mà bộ truyện anh hùng chiến sĩ được viết trong dịp Đại
hội chiến sĩ thi đua toàn quốc (1952) đã được nhận giải thưởng văn học ngoại
hạng, và theo Phan Đức Phúc “có lẽ chưa có tác phẩm nào được hoan nghênh
đến như vậy trong thời kì kháng chiến mặc dầu về mặt nghệ thuật “không đáng
giá là bao”” (Nhớ lại. Cách mạng, kháng chiến và đời sống văn học).
+ Đặt lên hàng đầu nhiệm vụ tuyên truyền đến mức coi văn học với truyên
truyền là một, và bên cạnh đó coi trọng tính đại chúng.
- Về thể loại.
+ Ban đầu chủ yếu là các thể loại không đòi hỏi công phu nghệ thuật. Người
cầm bút lựa chọn các thể loại này bởi: thứ nhất: do đặt lên hàng đầu nhiệm vụ
tuyên truyền nên phải mau lẹ. Mà mau lẹ thì không thể công phu nghệ thuật.
Thư hai: đại chúng là công nông binh hồi ấy với trình độ văn hóa còn thấp kém,
thậm chí mù chữ không thể tiếp nhận các tác phẩm công phu nghệ thuật. Thứ
ba: Thực tế, các tác phẩm với hình thức đơn giản được đại chúng đón nhận
nhiệt tình. Thứ tư: người cầm bút chưa tích lũy được kinh nghiệm và điều kiện
in ấn còn hạn chế. Các thể loại không đòi hỏi công phu nghệ thuật như là kịch,
ca dao, hò vè…
+ Trong quá trình phục vụ quần chúng, người cầm bút càng ngày càng tích lũy

21


Khởi soạn ngày 2/6/2015

được kinh nghiệm, điều kiện in ấn được cải thiện, trình độ tiếp nhận của quần
chúng được nâng cao hơn, nên người cầm bút có thể lựa chọn các thể loại cần
được đầu tư công phu hơn mà vẫn đáp ứng mau lẹ nhiệm vụ tuyên truyền. Từ
1948, 1949 nhiều bài thơ, truyện ngắn, bút kí, kí sự có giá trị xuất hiện. Từ đầu
1950, một số cây bút bắt đầu viết tiểu thuyết.
- Một số tác phẩm: tiểu thuyết Xung kích của Nguyễn Đình Thi, tiểu thuyết

Vùng Mỏ của Võ Huy Tâm, tiểu thuyết Con trâu của Nguyễn Văn Bổng, truyện
vừa Bên đường 12 và Nhân dân tiến lên của Vũ Tú Nam, kí sự Kí sự cao lạng
của Nguyễn Huy Tưởng, tập truyện Truyện Tây Bắc của Tô Hoài. Thơ, bên
cạnh thành tựu nổi bật của Tố Hữu, Tú Mỡ, là thơ của các nhà thơ thuộc thế hệ
kháng chiến như: Quang Dũng, Hoàng Cầm, Hữu Loan, Chính Hữu, Nguyễn
Đình Thi, Hoàng Trung Thông, Nông Quốc Chấn, Bàn Tài Đoàn… Thành tựu
của văn học kháng chiến chống Pháp được thể hiện tập trung ở giải thưởng văn
nghệ năm 1951-1952, và năm 1954-1955 của Hội văn nghệ Việt Nam.
* 1955-1964 Văn học phục vụ hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng chủ nghĩa xã
hội ở miển Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc với thắng lợi của chiến dịch
Điện Biên Phủ. Hòa bình được lập lại, nhưng đất nước phải tạm thời chia cắt.
Miền Bắc được giải phóng, đi vào phục hồi nền kinh tế sau chiến tranh, tiến
cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, nhân dân cả nước ta phải tiếp tục
cuộc đấu tranh để thống nhất đất nước. Nền văn học ách mạng sau chặng khởi
đầu ở thời kì kháng chiến chống Pháp, nay trong điều kiện mới của lịch sử, đã
có sự phát triển mạnh mẽ và khá toàn diện, đạt đến độ trưởng thành.
- Về lực lượng sáng tác:
+ Đầu 1958, Đảng tổ chức một đợt chỉnh huấn cho văn nghệ sĩ.
+ Sau chỉnh huấn, giữa năm 1958, nhiều văn nghệ sĩ được tạo điều kiện thâm
nhập thực tế cách mạng trong công cuộc lao động xây dựng đất nước.
+ Đợt đi thực tế này, đã tạo ra một nề nếp đi và viết của văn nghệ sĩ.
+ Với yêu cầu đặt ra là phải xây dựng một nền văn học xã hội chủ nghĩa phát
triển toàn diện với quy mô lớn với phẩm chất nghệ thuật cao. Nhiều nhà văn có
ý đồ sáng tác lớn khiến nhiều tác phẩm dài hơi, nhiều tiểu thuyết đồ sộ ra đời.
- Về tư tưởng:
+ Trong và ngoài nước xảy ra những sự kiện chính trị có tác động lớn tới tư
tưởng văn nghệ sĩ: sai lầm trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức được
phát hiện; những biến động ở Ba Lan, Hungari, Đại hội Đảng Cộng sản Liên xô
lần thứ XX phê phán tư tưởng sùng bái cá nhân Xtalin… Tư tưởng bi quan,

hoài nghi nảy sinh trong giới cầm bút. Trên tình hình ấy, nhóm Nhân văn- Giai
phẩm ra đời (1956). Đây là một nhóm văn nghệ sĩ lấy tờ Nhân văn và mấy tập
Giai phẩm làm cơ quan ngôn luận. Họ muốn xem xét lại đường lối lãnh đạo
văn nghệ của Đảng, đòi chính trị không được can thiệp sâu vào văn nghệ. Họ
phê phán nền chuyên chính vô sản và chế độ dân chủ cách mạng…Viết văn làm

22


Khởi soạn ngày 2/6/2015

thơ, họ thường dùng lối biểu tượng hai mặt và giọng mỉa mai châm biếm…
+ Đảng đã tiến hành một cuộc đấu tranh quyết liệt chống lại nhóm Nhân văn –
giai phẩm (1956, 1957), và đến đầu 1958, tổ chức một đợt chỉnh huấn lớn cho
văn nghệ sĩ. Đảng nhận định “Số đông văn nghệ sĩ tập trung ở Hà Nội, mấy
năm nay đã xa rời thực tế lao động và sinh hoạt của quần chúng công nông
binh, lại rất ít học tập chính trị (…) ranh giới địch và ta có lúc bị lu mờ, tình
trạng mất cảnh giác là phổ biến. Đồng thời tư tưởng cá nhaanchur nghĩa, tự
mãn, kiêu ngạo, hiếu danh, tham tiền, tư tưởng an nhàn, hưởng lạc ngày càng
nảy nở” (Nghị quyết Bộ chính trị, ngày 6-1-1858).
+ Cuộc đấu tranh chống Nhân văn – Giai phẩm trong những năm 1956-1958
diễn ra hết sức gay găt và phức tạp về cả tư tưởng chính trị và quan niêm văn
nghệ. Có thể gọi cuộc đấu tranh này là cuộc “nhận đường” lần thứ hai. Cuộc
nhận đường này, có mục tiêu: tiếp tục xác lập sự lãnh đạo của Đảng đối với văn
nghệ, đưa nền văn nghệ đi theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
+ Qua cuộc đấu tranh chống Nhân văn – Giai phẩm, nền văn học nước nhà
càng được nâng cao hơn nữa về tư tưởng, tính chiến đấu và nhiệm vụ phục vụ
chính trị. Tất nhiên, giờ đây, yêu cầu phục vụ chính trị có nội dung khác: ca
ngợi công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và cổ vũ cuộc đấu tranh
giải phóng miền Nam.

+ Văn học được chỉ đạo chặt chẽ bởi một nền lí luận mác-xít xây dựng trên
nghị quyết của Đảng về văn hóa văn nghệ, trên những bài phát biểu của Hồ Chí
Minh, Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Tố Hữu… trên những công
trình của một đội ngũ nhà lí luận, phê bình hình thành ngày càng đông từ sau
vụ Nhân văn – Giai phẩm và trên những sách vở lí luận của Liên Xô, Trung
Quốc được dịch và giới thiệu ngày một nhiều. Giờ đây, yêu cầu đối với văn
học nghệ thuật là phải nêu cao tính Đảng và phải sáng tác theo phương
pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa, mà nhiệm vụ cốt yếu là khẳng định con
người mới, con người xã hội chủ nghĩa – nhân vật điển hình của thời đại
cách mạng vô sản.
- Về nội dung:
+ Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, kháng chiến chống Pháp kết thúc, đã
mang đến nguồn cảm hứng chiến thắng, tự hào cho nhiều tác giả. + Đất nước
còn bị chia cắt, miền Nam vẫn trong tay giặc. Nhiệm vụ giải phóng dân tộc vẫn
phải tiếp tục. Nỗi đau chia cắt đất nước và khát vọng giải phóng miền Nam là
nguồn cảm hứng của nhiều trang văn, nhiều bài thơ đặc sắc của Tố Hữu,
Nguyễn Bính, Hoàng Trung Thông, Nguyễn Tuân, Anh Đức, Nguyễn Quang
Sáng…
+ Trong điều kiện miền Bắc được giải phóng, Đảng chủ trương đẩy mạnh cuộc
cách mạng xã hội chủ nghĩa, trong đó cách mạng tư tưởng và văn hóa có trách
nhiệm đi đầu. Thực hiện cuộc cách mạng này, một yêu cầu đặt ra là phải xây
dựng một nền văn học xã hội chủ nghĩa phát triển toàn diện với quy mô
23


Khởi soạn ngày 2/6/2015

lớn với phẩm chất nghệ thuật cao. Phấn đấu theo hướng ấy, nền văn học có
sự mở rộng rõ rệt về đề tài, có sự phát triển cân đối trên hầu hết các thể loại.
Nhiều nhà văn ôm ấp ý đồ lớn. Nhiều tác phẩm dài hơi, nhiều bộ tiểu thuyết đồ

sộ lần lượt ra đời. Ba hướng đề tài chính là: tái hiện cuộc kháng tái hiện cuộc
kháng chiến chống thực dân Pháp, cuộc đấu tranh cách mạng thời kì trước
1945, cuộc sống mới và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc cùng với cuộc
đấu tranh thống nhất đất nước.
Đề tài cuộc kháng chiến chống Pháp. Một số tác phẩm viết về đề tài này như:
tiểu thuyết Đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc, tiểu thuyết Người người lớp
lớp của Trần Dần, tiểu thuyết Vượt Côn Đảo của Phùng Quán, tiểu thuyết
Trước giờ nổ súng của Lê Khâm, tiểu thuyết Đất rừng phương Nam của Đoàn
Giỏi, tiểu thuyết Một chuyện chép ở bệnh viện của Bùi Đức Ái, tiểu thuyết
Sống mãi với thủ đô của Nguyễn Huy Tưởng, tiểu thuyết Phá vây của Phù
Thăng…
Đề tài xã hội Việt Nam thời kì trước 1945. Về đề tài này, các tác phẩm tập
trung vào hiện thực cụ thể trong khoảng mười năm từ phong trào Mặt trận dân
chủ đến cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám mà trung tâm là phong trào cách
mạng của quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản. Một số tác phẩm
như: Mười năm của Tô Hoài, Sóng gầm và Cơn bão đã đến của Nguyên Hồng,
Vỡ bờ của Nguyễn Đình Thi.
Đề tài về sự hồi sinh của đất nước sau chiến tranh và công cuộc xây dựng
xã hội chủ nghĩa trên miền Bắc. Đây là đề tài thu hút đông đảo các cây bút
thuộc nhiều thế hệ. Ở các tác phẩm viết về đề tài này, đều chung một cảm hứng
khẳng định cuộc sống mới, con người mới và con đường đi lên chủ nghĩa xã
hội. Số lớn các tác phẩm về đề tài này chỉ có giá trị thời sự, ngoại trừ một số tác
phẩm đã thể hiện được những vấn đề của đời sống tư tưởng, tình cảm, mối
quan hệ mới của con người.
+ Chủ đề thường được nêu lên trong các tác phẩm văn học là: tình yêu tha thiết
đổi với miền Nam ruột thịt, khát vọng thống nhất đất nước.
- Về thể loại:
+ Các thể loại có sự phát triển khá toàn diện.
Về thơ. Có sự hồi sinh của các nhà thơ từ phong trào thơ mới, cùng với lớp nhà
thơ kháng chiến, và một số gương mặt trẻ mới xuất hiện sau hòa bình. Nhiều

tập thơ có giá trị thu hút sự chú ý của công chúng liên tiếp được xuất bản trong
khoảng thời giạn từ 1959 đến 1964 như: Trời mỗi ngày lại sáng, Đất nở hoa,
Bài thơ cuộc đời của Huy Cận, Ánh sáng và phù sa của Chế Lan Viên, Riêng
chung của Xuân Diệu, Bài thơ Hắc Hải của Nguyễn Đình Thi, Những cánh
buồm của Hoàng Trung Thông, Gửi miền Bắc, Tiếng sóng của Tế Hanh, Gió
lộng của Tố Hữu,…
Về Truyện ngắn. truyện ngắn được mùa với không ít tập truyện có giá trị, đề
tài và bút pháp khá đa dạng. Xuát hiện một số cây bút chuyên về thể loại này và

24


Khởi soạn ngày 2/6/2015

đã hình thành được một số phong cách truyện ngắn.
Về Tiểu thuyết. Tiểu thuyết khá phong phú, vượt trội so với thời kì kháng
chiến chống Pháp.
Về Kí. Kí không ít tác phẩm đặc biệt ở thể tùy bút. Tuy nhiên không có nhiều
kí hay, ngoại trừ tập tùy bút Sông Đà của Nguyễn Tuân.
Về kịch bản sân khấu và ca kịch. Có số lượng nhiều hơn thời kì trước, nhưng
cũng giống như kí, thể loại kịch vẫn hiếm kịch bản hay.
Về lí luận phê bình, nghiên cứu văn học. Có bước phát triển rõ rệt về đội ngũ
và sự đóng góp vào quá trình văn học. Hình thành một đội ngũ ít nhiều mang
tính chuyên nghiệp.
* từ 1964 đến 1975. Chặng văn học thời kì cả nước chống Mĩ.
Ngày 5-8-1964, đế quốc Mĩ lần đầu cho máy bay ném bom, bắn phá miền Bắc
nước ta. Cuộc kháng chiến chống Mĩ mở rộng trên địa bàn cả nước. Cả dân tộc
bước vào cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất
đất nước. Nền văn học khoảng hai mươi năm xây dựng và trưởng thành đã
nhanh chóng nhập cuộc để cùng đứng vào đội ngũ chung của dân tộc trong

cuộc ra trận vĩ đại.
Trong hoàn cảnh chiến tranh chống Mĩ, văn học nhất thiết phải trở thành một
vũ khí tinh thần quan trọng, phục vụ cho những mục tiêu cao cả và sống còn
của cách mạng.
- Về đội ngũ sáng tác.
+ Trong những ngày này, lịch sử văn học chứng kiến một cuộc ra quân đồng
loạt chưa từng có của giới văn nghệ sĩ. Một cuộc ứng chiến kịp thời dường như
cũng nổ súng cùng một lúc với pháo binh, không quân, hải quân, nhưng không
phải bằng hình thức văn nghệ thô sơ như hồi đầu cuộc kháng chiến chống
Pháp. Các văn nghệ sĩ đều có những chuyến đi ra mặt trận hoặc bám sát các
trận địa. Nhiều người cầm bút tới các vùng chiến sự ác liệt ở ngay miền Bắc,
nhiều người lại được điều động bổ sung cho lực lượng văn nghệ giải phóng ở
miền Nam. Đa số văn nghệ sĩ thực sự vừa cầm súng vừa cầm bút và không ít
người đã hi sinh ở chiến trường trong tư cách người chiến sĩ.
“Vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến lũy
Bên những dũng sĩ đuổi xe tăng ngoài đồng và hạ trực thăng rơi”
(Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng – Chế Lan Viên)
+ Trong thơ. Các thế hệ đều có mặt và có đóng góp dồi dào. Nhưng đáng chú ý
là sự xuất hiện một thế hệ mới: những nhà thơ trực tiếp cầm súng. Thế hệ ấy
tạo nên một hiện tượng thơ trẻ kháng chiến chống Mĩ. Họ không phải là những
dân cày mặc áo lính năm xưa như trong những bài Cá nước của Tố Hữu, đồng
chí của Chính Hữu, Nhớ của Hồng Nguyên… mà là những học sinh, sinh viên
cầm súng và làm thơ. Họ đã tạo ra một tiếng thơ mới mẻ, trẻ trung, thông minh,
tươi nhộn. Họ rất có ý thức về nhiệm vụ lịch sử đồng thời cũng rất có ý thức
tiếng thơ riêng đặc trưng cho tâm hồn người lính thời chống Mĩ của thế hệ

25



×