Tải bản đầy đủ (.doc) (101 trang)

Ths xuat ban quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản bản đồ ở việt nam

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.05 MB, 101 trang )

1

MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Trong những năm gần đây, làn sóng dư luận trong nước liên tục lên
tiếng về việc Trung Quốc tranh thủ các diễn đàn khoa học trong nước và quốc
tế, các công trình nghiên cứu ở tất cả các lĩnh vực khoa học xã hội cũng như
khoa học tự nhiên để lồng ghép tuyên bố trắng trợn "đường lưỡi bò" về chủ
quyền trên Biển Đông. Những bản đồ có "đường lưỡi bò" này xuất hiện ở hầu hết
các ấn phẩm khoa học, kể cả sách ngôn ngữ, sách dân số... Người Trung Quốc
ngang nhiên tuyên bố cho cả thế giới biết rằng quần đảo Hoàng Sa và Trường
Sa của Việt Nam thuộc về Trung Quốc. Còn ở Việt Nam, chúng ta nói gì?
Một mặt, chúng ta lên tiếng phản đối sự ngang ngược của Trung Quốc
trước vấn đề biển Đông. Nhiều nhà khoa học nỗ lực chứng minh Hoàng Sa và
Trường Sa của Việt Nam từ nhiều căn cứ pháp lý cũng như bằng chứng lịch
sử có thật, góp phần không nhỏ vào cuộc chiến bảo vệ biển đảo quê hương,
chống lại những luận điểm xuyên tạc của Trung Quốc nhằm chiếm hữu hai
quần đảo này của nước ta.
Tuy vậy, trái với những nỗ lực nêu trên, hàng triệu bản đồ của người
Việt xuất hiện trong các ấn phẩm trong nước, trên các trang mạng internet
cũng như những bản đồ phục vụ du khách nước ngoài đến Việt Nam lại
nghiễm nhiên "từ chối" chủ quyền của chúng ta đối với Hoàng Sa và Trường
Sa. Nhiều ấn phẩm còn thiếu sót đến mức in bản đồ Trung Quốc để minh họa
cho nội dung sách lại xuất hiện "đường lưỡi bò" ngạo ngược.
Mặt khác, nhiều bản đồ lậu có sai phạm về nội dung được xuất bản, in
ấn và phát hành rộng rãi mà không có sự kiểm tra, xử lý của bất kỳ cơ quan
quản lý nhà nước nào, không chỉ gây thiệt hại về quyền lợi chính trị của đất
nước mà còn gây ảnh hưởng không nhỏ tới các nhà xuất bản, doanh nghiệp,
cơ quan xuất bản bản đồ hiện nay. Việc in lậu và phát hành bản đồ không rõ



2

nguồn gốc xuất xứ đã dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Người
dân mua phải những bản đồ kém chất lượng, có nội dung sai phạm. Các
doanh nghiệp làm ăn chân chính rơi vào cuộc chiến không cân sức trên thị
trường bản đồ. Vì vậy, chức năng giáo dục và định hướng của cơ quan quản lý
nhà nước về xuất bản bản đồ ở Việt Nam trở nên bức thiết. Các đơn vị sản
xuất, kinh doanh xuất bản phẩm bản đồ chân chính cần được bảo vệ trong một
môi trường cạnh tranh lành mạnh và hơn tất cả, người sử dụng bản đồ dù ở
bất kỳ độ tuổi nào cũng cần được sử dụng bản đồ có chất lượng, có nội dung
chuẩn xác. Bản đồ không giống như các ấn phẩm tranh ảnh thông thường,
không chỉ mang những giá trị về khoa học, kinh tế, giải trí nói chung. Bản đồ
còn là tiếng nói riêng của mỗi quốc gia trong vấn đề bảo vệ chủ quyền và biên
giới lãnh thổ, là phương tiện giáo dục lòng yêu nước và xây dựng niềm tự hào
dân tộc, sự tự chủ trên phạm vi lãnh thổ quốc gia mình.
Vì vậy, đứng trên phương diện những người nghiên cứu khoa học xuất
bản, chúng tôi chọn đề tài "Quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản bản đồ
ở Việt Nam" làm đề tài luận văn tốt nghiệp thạc sĩ, chuyên ngành Xuất bản
nhằm đưa ra cách nhìn nhận và đánh giá đúng mực về công tác quản lý của
nhà nước đối với hoạt động xuất bản bản đồ ở nước ta hiện nay.
2. Lịch sử nghiên cứu
Trong thời gian qua, nhiều công trình nghiên cứu về công tác quản lý
nhà nước đối với hoạt động xuất bản cũng như về pháp luật xuất bản nói
chung của các nhà khoa học thuộc lĩnh vực xuất bản đã được công bố, như:
Các luận án tiến sĩ của các tác giả: Đường Vinh Sường: "Đổi mới quản
lý nhà nước đối với hoạt động của các nhà xuất bản trong bước chuyển sang cơ
chế thị trường", Chuyên ngành Kinh tế, quản lý và kế hoạch hóa kinh tế quốc
dân, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, 1993; Vũ Mạnh Chu: "Pháp
luật xuất bản ở Việt Nam, quá trình thực hiện và đổi mới trong điều kiện cơ chế
thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa", Chuyên ngành Lý luận Nhà nước và

pháp quyền, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, 1996; Khuất Duy Hải:


3

"Một số vấn đề về hoàn thiện tổ chức quản lý ở các nhà xuất bản nước ta hiện
nay", Chuyên ngành Kinh tế, quản lý và kế hoạch hóa kinh tế quốc dân, Học
viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, 1994 …; hay luận văn thạc sĩ của các tác
giả: Trần Thu Hà: "Tăng cường quản lý Nhà nước bằng pháp luật về xuất bản ở
Việt Nam hiện nay", Chuyên ngành lý luận lịch sử nhà nước và pháp luật, Học
viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, 2005; Phạm Quốc Chính: "Những giải
pháp hoàn thiện quản lý nhà nước về xuất bản ở nước ta hiện nay", Chuyên
ngành Quản lý hành chính công, Học viện Hành chính quốc gia, 2006; Trương
Thị Văn: "Tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất bản nước ta
hiện nay", Chuyên ngành Xuất bản, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, 2007,…
Các công trình nghiên cứu này đã xây dựng một hệ thống lý luận chặt
chẽ và đầy đủ về quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất bản nói chung cũng
như đánh giá được thực trạng công tác quản lý nhà nước về hoạt động xuất
bản dưới nhiều góc độ khác nhau: hệ thống văn bản pháp luật, tổ chức bộ máy
quản lý nhà nước, chế độ kiểm tra, giám sát thực hiện, chế độ xử phạt... Hơn
nữa, nhiều công trình đã đề cập đến quản lý nhà nước đối với từng loại hình
xuất bản phẩm cụ thể: sách giáo khoa, từ điển, sách thiếu nhi, sách lý luận
chính trị... tuy nhiên, chưa có công trình nào đề cập tới hoạt động quản lý nhà
nước về xuất bản phẩm bản đồ.
Về lĩnh vực xuất bản bản đồ, dưới góc độ là một chuyên ngành độc
lập cũng đã có một số nghiên cứu, đánh giá tổng quan, thể hiện qua một số
Khóa luận tốt nghiệp bậc Đại học chuyên ngành Biên tập - Xuất bản tại Học
viện Báo chí và Tuyên truyền như: Nguyễn Thế Phương: "Xuất bản bản đồ du
lịch - Thực trạng và Giải pháp", Chuyên ngành Biên tập - Xuất bản, Phân
viện Báo chí và Tuyên truyền, 1997; Biện Thị Lan "Xuất bản bản đồ ở Việt

Nam - Thực trạng và giải pháp", Chuyên ngành Xuất bản, 2011. Tuy nhiên,
nghiên cứu về hoạt động xuất bản bản đồ ở khía cạnh quản lý nhà nước thì
chưa có nghiên cứu cụ thể nào. Do đó, đề tài mà luận văn đưa ra mới mẻ và
cần thiết, nhưng cũng rất phức tạp và hạn chế về tư liệu.


4

3. Mục đích nghiên cứu
Nghiên cứu quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản bản đồ ở Việt
Nam, luận văn hướng tới mục đích:
- Phân tích đặc điểm, vai trò của hoạt động xuất bản bản đồ và quản
lý nhà nước về hoạt động xuất bản bản đồ;
- Đánh giá đúng thực trạng của đối tượng quản lý nhà nước về hoạt
động xuất bản bản đồ nhằm chỉ ra những yêu cầu đổi mới;
- Xác định mục tiêu, phương hướng nhiệm vụ nhằm đưa ra giải pháp
tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản bản đồ ở nước ta.
4. Phạm vi tiến hành nghiên cứu
Phạm vi về đối tượng: quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản bản đồ
cũng giống như quản lý hoạt động xuất bản nói chung được thể hiện trên rất
nhiều phương diện ở cả 3 khâu của hoạt động xuất bản nói chung, gồm: xuất
bản, in và phát hành. Tuy nhiên, trong phạm vi đề tài này, luận văn tập trung
vào quản lý nhà nước về lĩnh vực xuất bản thông qua nghiên cứu hệ thống
chính sách và pháp luật xuất bản bản đồ ở Việt Nam.
Phạm vi về không gian: Khảo sát thông qua hoạt động xuất bản bản đồ
trên phạm vi cả nước.
Phạm vi về thời gian: Từ năm 2006 trở lại đây.
5. Phương pháp nghiên cứu
Luận văn được thực hiện dựa trên cơ sở vận dụng, tổng hợp các phương
pháp luận duy vật biện chứng và duy vật lịch. Kết hợp các phương pháp phân

tích, tổng hợp, quan sát, phỏng vấn và so sánh nội dung quản lý nhà nước và
hệ thống văn bản pháp luật về hoạt động xuất bản bản đồ.
Một số phương pháp chính:


5

+ Phương pháp phân tích tài liệu
Thu thập, tổng hợp và phân tích các nguồn tài liệu khác nhau liên
quan đến đề tài nghiên cứu, phân tích, làm rõ các vấn đề liên quan đến cơ sở
lý luận, phương pháp luận và những vấn đề thực tiễn mà đề tài đặt ra.
+ Phương pháp quan sát
Phương pháp quan sát được kết hợp trong quá trình phỏng vấn, nhận
diện thái độ hành vi của nhóm đối tượng nghiên cứu, kiểm tra tính trung thực
của thông tin, minh họa thêm cho quá trình thực hiện nghiên cứu.
6. Kết cấu của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục,
nội dung của luận văn gồm 3 chương:
Chương 1: Cơ sở lý luận chung về xuất bản bản đồ và quản lý nhà
nước về hoạt động xuất bản bản đồ.
Chương 2: Thực trạng quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản bản đồ
và yêu cầu đổi mới.
Chương 3: Mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp tăng cường quản lý nhà
nước về xuất bản bản đồ.


6

Chương 1
CƠ SỞ LÝ LUẬN CHUNG VỀ XUẤT BẢN BẢN ĐỒ

VÀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ HOẠT ĐỘNG XUẤT BẢN BẢN ĐỒ

1.1. KHÁI QUÁT VỀ HOẠT ĐỘNG XUẤT BẢN BẢN ĐỒ

1.1.1. Khái niệm về bản đồ và hoạt động xuất bản bản đồ
1.1.1.1. Khái niệm về bản đồ
a) Định nghĩa bản đồ
Bản đồ là sản phẩm của nền văn minh cổ đại, từ nhiều năm qua đã có
nhiều cách định nghĩa khác nhau về bản đồ. Đứng trên các bình diện, bản đồ
được diễn đạt với những nội hàm và ngoại diên khác nhau. Tuy nhiên, bản đồ
theo cách hiểu khái quát và phổ thông cũng có những điểm chung cơ bản.
Theo Đại từ điển Tiếng Việt của tác giả Nguyễn Như Ý (chủ biên), có
định nghĩa: "Bản đồ dt.hình ảnh thu nhỏ và khái quát hóa của một phần mặt
đất lên mặt giấy phẳng theo những quy luật toán học nhất định" [52, tr. 65].
Bản đồ trong định nghĩa này đã thể hiện được bản chất của bản đồ là "hình
ảnh thu nhỏ và khái quát hóa một phần mặt đất... theo những quy luật toán
học nhất định", tuy nhiên lại bị giới hạn về hình thức thể hiện bản đồ "lên mặt
giấy". Hiện nay, sự bùng nổ của khoa học kỹ thuật đã mở đường cho công
nghệ bản đồ phát triển vượt bậc, nếu giới hạn bản đồ "lên mặt giấy" sẽ chỉ
phản ánh được một phần rất nhỏ của bản đồ. Hơn nữa, định nghĩa trên chưa
phản ánh được khả năng giải thích toàn bộ tính chất của các đối tượng có trên
bản đồ.
Còn theo nhà khoa học bản đồ hàng đầu nước Nga, A.V Gheđưmin
cho rằng: "Bản đồ địa lí là những biểu hiện thu nhỏ quy ước của bề mặt trái
đất lên mặt phẳng, xây dựng trên cơ sở toán học và phản ảnh sự phân bố,


7

trạng thái và mối liên hệ tương quan của các hiện tượng tự nhiên và xã hội

loài người" [30]. K. A. Xalishev đã định nghĩa bản đồ với đầy đủ các tính chất
của bản đồ dưới góc độ bản đồ học. Tuy nhiên, ông chưa nói đến các hình
thức tồn tại của bản đồ hay nói cách khác là các chất liệu chứa đựng, sử dụng
bản đồ.
Một định nghĩa khác về bản đồ đã được thống nhất và đưa vào sử
dụng tại Đại hội lần thứ 10 Hội Bản đồ thế giới (tại Barcelona, Tây Ban Nha):
"Bản đồ là hình ảnh của thực tế địa lí, được kí hiệu hóa, phản ánh các yếu tố
hoặc các đặc điểm một cách có chọn lọc, kết quả từ sự nỗ lực sáng tạo trong
lựa chọn của tác giả bản đồ và được thiết kế để sử dụng chủ yếu liên quan đến
các mối quan hệ không gian" [19]. Mặc dù định nghĩa này được đánh giá là
rộng và phù hợp hơn với tình hình hiện nay nhưng ở đây chưa phản ánh hết
những đặc điểm của xuất bản phẩm bản đồ.
Đặt trong khuôn khổ của đề tài, chúng tôi mong muốn xây dựng một
định nghĩa về bản đồ trong vai trò là sản phẩm của ngành xuất bản, bản đồ
cần được hiểu như một dạng tồn tại, thể hiện của xuất bản phẩm, phục vụ trực
tiếp nhu cầu nghiên cứu, học tập, lao động, đi lại... của đối tượng sử dụng.
Theo định nghĩa khái quát về xuất bản phẩm trong vai trò là sản
phẩm của hoạt động xuất bản, bản đồ cũng được hiểu:
Là tác phẩm, tài liệu về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội,
giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn học, nghệ thuật
được xuất bản bằng tiếng Việt, tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam,
tiếng nước ngoài và còn được thể hiện bằng hình ảnh, âm thanh
trên các vật liệu, phương tiện kỹ thuật khác nhau [43].
Cách hiểu theo Luật trên đây còn tương đối chung chung, chưa rõ
ràng về tính chất của xuất bản phẩm nói chung cũng như các loại hình xuất
bản phẩm nói riêng. Bản đồ trên phương diện là sản phẩm của hoạt động


8


xuất bản cũng mang những đặc tính nhất định của xuất bản phẩm, bao gồm:
là sản phẩm khoa học tổng hợp, được xuất bản bằng ngôn ngữ nhất định,
thể hiện chủ yếu bằng hình ảnh, trên các vật liệu và phương tiện khác nhau.
Vì vậy, có thể đưa ra một định nghĩa khái quát về bản đồ như sau:
Bản đồ là biểu hiện hình ảnh khái quát của bề mặt trái đất theo quy
tắc toán học, phản ánh có chọn lọc mối quan hệ không gian về sự phân bố,
tình trạng và liên kết của những hiện tượng tự nhiên và xã hội, được thể hiện
bằng các phương thức, vật liệu khác nhau.
b) Lịch sử hình thành, phát triển của bản đồ
- Thời kỳ Cổ đại
Khoa học bản đồ được hình thành và phát triển dựa trên thành tựu của
toán học, đặc biệt là hình học. Lịch sử toán học thế giới đã chứng minh, người
Lưỡng Hà (thời kỳ Babylon) là ông tổ của toán học và chính họ cũng là người
đặt nền móng cho ngành bản đồ học thế giới. Người ta không thống nhất được
thời điểm xuất hiện bản đồ đầu tiên nhưng đa số ý kiến đều cho rằng Lưỡng
Hà là quê hương của những ông tổ bản đồ học. Một trong những bản đồ thế
giới được xếp vào loại cổ nhất khoảng 2.500 năm trước Công nguyên là bản vẽ
trên tấm đất sét được tìm thấy khi khai quật thành phố Gasur (Phía bắc Babylon).
Tấm bản đồ cổ nhất thế
Tuy nhiên, nhiều học giả lại
khẳng định rằng bản đồ cổ nhất thế
giới xuất hiện từ thiên niên kỷ thứ 5
Tr.CN, như vậy là sớm hơn rất nhiều
so với bản đồ phát triển trong thời
kỳ văn minh cổ đại Babylon.
Cùng với người Lưỡng Hà,
người Ai Cập cổ đại cũng có đóng
góp rất lớn vào sự phát triển của bản
Nguồn:
[17].

đồ. Nơi đây có những bản đồ đạc điền đầu
tiên khi
người Ai Cập cổ đại thực


9

hiện việc theo dõi và chia ruộng đất tại vùng thung lũng sông Nin - nơi bị
ngập lụt hàng năm. Khoảng 3.000 năm Tr.CN, người Ai Cập đã có thành tựu
rất lớn "lập được bản đồ bầu trời, nhận dạng các định tinh chính và khá thành
công trong việc định vị trí chính xác các tinh tú" [28]. Người ta cũng tìm thấy
bản đồ các mỏ khai thác vàng ở Ai Cập từ 1.400 năm trước công nguyên, trên
đó thể hiện rõ những núi quặng, những hố khai thác, đường giao thông…
Bản đồ trong thời kỳ văn minh Hy Lạp - La Mã cũng có nhiều thành
tựu phát triển đáng kể. Thời kỳ đế quốc La Mã phát triển mạng lưới đường sá
nhằm cai quản đất đai và thu tô, do đó bản đồ đường sá được ra đời, trong đó
có tấm bản đồ đường sá dài 6,32m, rộng 0,33m. Bản đồ chưa có lưới chiếu,
không có kinh, vĩ tuyến nhưng rất có giá trị về quân sự và hành chính, được
xem là tấm bản đồ "vĩ đại" nhất của thời Cổ đại.
Ở Trung Quốc, những biểu hiện bản đồ cổ nhất được tìm thấy trên các
vật liệu khác như một bình bằng bạc chạm các sông chảy từ dãy Capcadơ ra
biển đã đào được trong ngôi mộ cổ ở Maikôp (Miền Cuban) và chín đỉnh cổ
của Trung Quốc từ thời Hạ Vũ (từ 2205 Tr.CN - 2198 Tr.CN) có khắc bản đồ.
Đến thế kỷ thứ III, nhà bác học Trung Quốc Bùi Tú (234 - 271) đã thành lập
bản đồ lãnh thổ Trung Quốc và đề ra 6 nguyên tắc đo vẽ bản đồ là Phân xuất
(Tỷ lệ); Chuẩn vọng (phương hướng); Đạo lí (khoảng cách); Cao hạ (cao
thấp); Phương tà (góc độ) và Vu trực (cong thẳng). Những nguyên tắc này có
ý nghĩa thực tiễn rất lớn, đặc biệt đối với việc đo vẽ các bình đồ. Cùng thời
gian này, một người Trung Quốc tên là Thái Luân đã phát minh ra giấy (năm
105), đã góp phần đáng kể vào sự phát triển của khoa học bản đồ.

- Thời kỳ Trung cổ và Phục hưng
Thời Trung cổ sự thống trị của Thiên chúa giáo đã bóp nghẹt những
tiến bộ khoa học của nền văn hóa Cổ đại. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh
không thế lực đen tối nào có thể tiêu diệt được sức mạnh của khoa học. Bản


10

đồ cũng không ngừng phát triển trong thời kỳ Trung Cổ và Phục Hưng.
Cuối thế kỷ XIII, Trung Quốc phát minh ra la bàn, đã mở ra bước phát
triển mới cho các phát kiến địa lí và sự phát triển của ngành bản đồ. Phát
minh này đã tạo điều kiện cho ngành hàng hải phát triển. Nhiều bản đồ thể
hiện các đường bờ biển ra đời. Những bản đồ này được gọi là "Portulan" (bản
đồ địa bàn, bản đồ biển). Đặc điểm của bản đồ này là trên bản đồ có các tâm
được xem như các "bông hồng". Từ các bông hồng tỏa ra 16 tia có ghi hướng.
Trên các bản đồ này dần dần được bổ sung lưới kinh vĩ tuyến, tỷ lệ
tuyến tính. Bản đồ địa bàn phát triển chủ yếu ở Italia, vùng bờ biển Địa
Trung hải, trung tâm buôn bán thời bấy giờ. Bản đồ địa bàn thịnh hành đến
thế kỷ XVII, XVIII, được xem là tiền thân của bản đồ hàng hải và là bước quá
độ chuyển từ Bản đồ học thời Cổ đại sang Bản đồ học thời Phục hưng.
Bản đồ Peutingeriana
Bản đồ Peutingeriana - một trong
những bảo vật của Thư viện Quốc gia
Áo, lần đầu tiên đã được trưng bày tại
Vienna. Tấm bản đồ bằng da có từ thời
Trung Cổ này là hình ảnh duy nhất còn
sót lại về thời hậu kỳ Đế chế La Mã.
Với chiều dài khoảng bảy mét,
bản đồ đã thể hiện mạng lưới những con
đường chính từ Tây Ban Nha dẫn tới Ấn

Độ. Ở trung tâm của bản đồ Peutigeriana
là thành Rome. Thành Rome (được biểu
Nguồn:
diễn
bởi
hình vương miện đặt trên ngai vàng) có vô số con đường dẫn đến và
tỏa ra từ nó. Một số con đường, như Via Appia và Via Aurelia, vẫn tồn tại cho
đến tận ngày nay. Bản đồ Peutingeriana có niên đại khoảng cuối thế kỷ 12 tới
đầu thế kỷ 13, và được làm tại miền Nam nước Đức hoặc ở nước Áo.


11

Thế kỷ XV, XVI, các cuộc thám hiểm lớn của các nhà địa lí như
Cristoforo Colombo (1492 - 1504 - tìm ra châu Mỹ), Vasco da Gama (1497 1499 - phát hiện thêm các chi tiết vùng bờ biển Nam Phi trên đường sang Ấn
Độ); Fernando de Magallanes (1519 - 1522 - thám hiểm vòng quanh thế giới)
đã cho nhiều hiểu biết để vẽ bản đồ các châu lục và thế giới.
Cùng với những phát kiến mới, sự tiến bộ của các ngành khoa học liên
quan như Thiên văn học, Toán học, Vật lí học, Địa lí học và các ngành kĩ
thuật, đặc biệt ngành in phát triển vượt bậc được đánh dấu bởi phát minh của
Johannes Gutenberg (1456) đã tạo ra sự phát triển mạnh mẽ của ngành bản
đồ. Cũng trong thế kỷ XV, Italia đã xây dựng bản đồ châu Phi bằng những kí
hiệu quy ước thay cho những dấu hiệu hình tượng phức tạp trước đây trên các
bản đồ, đã tạo nên sự biến đổi về chất trong sự biểu hiện bản đồ.
Người được ghi nhận có công lớn nhất đối với khoa học bản đồ thời
kì này phải kể đến nhà bản đồ học người Hà Lan G. Mercator (thế kỷ XVI).
Những công trình lớn của G. Mercator là bản đồ châu Âu, chữa những chỗ
sai trên bản đồ của Ptôlêmê (Địa Trung Hải), cải tiến hệ thống chữ viết,
đưa kiểu chữ in nghiêng vào bản đồ thay thế kiểu chữ Gô tích. Hai công
trình nổi tiếng nhất của G.Mercator là đưa toán học vào Bản đồ học,

chuyển mạng lưới kinh, vĩ tuyến từ mặt hình cầu Quả đất sang mặt phẳng
bản đồ và thành lập tập bản đồ (Atlat). Tiêu biểu cho những công trình này
là bản đồ hàng hải thế giới (1569), vẽ theo phép chiếu hình trụ thẳng đồng
góc, đảm bảo vẽ các đường tà hành là đường thẳng. Và tuyển tập bản đồ
với tên "Atlat" (tên của nhà vua huyền thoại xứ Libi) gồm 107 bản đồ được
xuất bản đầy đủ năm 1602. G.Mercato được coi như người sáng lập ra
ngành Bản đồ học hiện đại.
- Thời kỳ hiện đại


12

Từ cuối thế kỷ XVII nền kinh tế và khoa học kĩ thuật trên thế giới
bước vào thời kỳ phát triển mới. Nhiều Viện Hàn lâm khoa học đã được thành
lập ở các nước: Pháp (Paris 1666), Đức (Berlin - 1700) Nga (Peterburg - 1724).
Sự thành lập các bản đồ đã trở thành nhu cầu khoa học, kinh tế, quân sự của
nhiều quốc gia. Phạm vi biểu hiện của bản đồ không chỉ còn giới hạn quanh
các tuyến đường thám hiểm và các bờ biển mà ngày càng mở rộng vào sâu
trong các lục địa, với những địa hình phức tạp.
Một số nước châu Âu đã thành lập các Cơ quan bản đồ nhà nước như
ở Anh (1791), Pháp (1817) và từ đó xuất hiện các loại bản đồ "Tôpô" với sự
bắt đầu bằng việc xây dựng hệ thống Tam giác nhà nước, làm cơ sở khống chế
tọa độ thống nhất quốc gia, như ở Nauy (1779- 1882), Thụy Điển (1805 1919), Phần Lan (1830- 1913)… Một số nước đã thành lập bộ bản đồ tỷ lệ lớn
toàn quốc như Nhật Bản (1:50.000), Pháp (1:80.000), Nauy (1:100.000)...
Đến cuối thế kỷ XIX, hầu hết các lãnh thổ châu Âu, phần lớn châu Mỹ và một
phần châu Á, châu Phi đã được vẽ lên bản đồ và nhiều nước đã in ấn trọn bộ
các bản đồ địa hình quân sự tỷ lệ lớn.
Thế kỷ XVIII là thế kỷ xuất hiện nhiều công trình toán bản đồ của các
nhà toán học, bản đồ học như Bonn, J.Lambert (1728- 1777), K.Wollweide
(1774- 1825), Fr.Gauss (1775- 1855)… đã góp phần nâng cao tính chính xác

toán học của bản đồ.
Từ cuối thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX khi các ngành khoa học
như Toán học, Thiên văn học, Vật lí học phát triển đến trình độ cao đã tạo cho
khoa học Bản đồ phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt với sự phát triển của các ngành
khoa học nghiên cứu Trái Đất như Địa chất học, Khí hậu học, Địa mạo học...
đã đặt ra cho khoa học Bản đồ những nhiệm vụ mới, nội dung biểu hiện bản
đồ không chỉ giới hạn những đối tượng phân bố trên mặt đất mà còn những
đối tượng nằm sâu trong lòng đất và cả các hành tinh khác.
Ngày nay, nhờ những thành tựu của khoa học kĩ thuật mới (chụp ảnh


13

máy bay, ảnh vệ tinh, các máy chụp nhiều màu, máy tính, công nghệ tin học,
v.v…) công việc đo vẽ, biên tập, vẽ và sản xuất bản đồ, atlat được thuận lợi,
nhanh chóng. Do đó các sản phẩm bản đồ ngày càng phong phú và đa dạng cả
về nội dung và hình thức.
Nhìn chung, lịch sử hình thành và phát triển của bản đồ thế giới là kết
quả trực tiếp từ sự phát triển của ngành bản đồ học cũng như các ngành khoa
học có liên quan, đặc biệt là toán học, thiên văn học, vật lý học…
Ở Việt Nam, đất nước trải qua nhiều năm trong chiến tranh và bão lụt,
thành quả nghiên cứu khoa học không nhiều, tuy nhiên chúng ta cũng có
những thành tựu nhất định trong ngành bản đồ học.
Việc đo vẽ bản đồ đã được ông cha ta tiến hành từ những năm đầu
công nguyên nhằm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Năm 43 sau công
nguyên, đã đo đạc và dựng các mốc đồng dọc biên giới và năm 724 đo vẽ bản
đồ để đắp cao hệ thống đê phòng thủ Đại La.
Thời Hồng Đức, tập bản đồ có giá trị khoa học và được coi là xuất
hiện sớm nhất là "Tập bản đồ Hồng Đức", thành lập ở triều vua Lê Thánh
Tông (1460- 1497).

Về cơ sở lí luận, thế kỷ XVII, nhà bác học Lê Quý Đôn (1726- 1783)
trong pho sách "Vân đài loại ngữ" gồm 9 tập đã dành 1 tập viết về Bản đồ học
cùng với 2 tập khác viết về Vũ trụ học và Địa lí học. Tài liệu này hiện vẫn
được lưu giữ.
Từ thế kỷ XVI - XVII, cũng xuất hiện nhiều bản đồ Việt Nam tương
đối hoàn chỉnh nhưng do các nhà truyền giáo, thuyền trưởng nước ngoài xây dựng.
Sau cách mạng Tháng Tám, nước ta đã thành lập Phòng bản đồ Bộ
tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngày 14/12/1959, Nhà nước
đã thành lập Cục Đo đạc và Bản đồ trực thuộc Phủ Thủ tướng. Trải qua nhiều
thay đổi tổ chức như: Cục đo đạc và Bản đồ Nhà nước, Tổng cục Địa chính,


14

nay (theo Nghị định 19/2002/NĐ-CP ngày 11/11/2002) là Cục đo đạc và Bản
đồ trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đến nay nước ta đã hoàn chỉnh
hệ thống mạng lưới tam giác khống chế toàn quốc từ cấp I đến cấp IV lập lưới
tọa độ quốc gia Việt Nam 2002 và hệ thống bản đồ địa hình, làm cơ sở thành
lập các bản đồ khác.
Hiện nay, công nghệ thành lập và xây dựng bản đồ hiện nay không chỉ
dừng lại ở các tấm bản đồ vẽ tay. Ngoài bản đồ in trên giấy, bản đồ nổi, quả
cầu, sa bàn các loại, chúng ta đã tự triển khai xây dựng được hệ thống bản đồ
số về giao thông, hành chính, du lịch ở phạm vi vùng và phủ trùm toàn quốc,
phục vụ cho sự phát triển đa ngành, liên ngành hiện nay.
1.1.1.2. Khái niệm về hoạt động xuất bản bản đồ
a) Định nghĩa hoạt động xuất bản bản đồ
Hoạt động xuất bản là hoạt động thuộc lĩnh vực tinh thần, hoạt động
trí tuệ, tư tưởng - văn hóa, hướng tới việc cảm hóa con người, cải tạo con
người, cải tạo tự nhiên, xã hội. Nhưng hoạt động xuất bản không thể chuyển
tải những ý tưởng của mình nếu không có những điều kiện vật chất nhất định,

không thông qua hoạt động sản xuất. Vì vậy, xuất bản còn là hoạt động sản
xuất, hoạt động kinh tế.
Như vậy, hoạt động xuất bản là một quá trình lao động sản xuất
trong xã hội, vừa thuộc lĩnh vực tư tưởng văn hóa vừa thuộc lĩnh vực kinh
tế, gồm ba lĩnh vực: tổ chức bản thảo và biên tập, in, phát hành; 03 lĩnh vực
này có những đặc thù hoạt động riêng, độc lập nhau, nhưng lại gắn kết hữu cơ
với nhau.
- Xuất bản, gồm các công việc: tổ chức bản thảo, biên tập, là đầu vào
của xuất bản, là quá trình tổ chức việc sáng tạo của tác giả để có bản thảo tác
phẩm, xử lý và hoàn chỉnh bản thảo, bản mẫu.


15

- In: sau khi hoàn chỉnh bản thảo, bản mẫu được chuyển đến cơ sở in,
nhân thành nhiều bản (xuất bản phẩm) để phát hành. Với thiết bị, công nghệ
in hiện nay, công đoạn này được thực hiện rất nhanh chóng, thỏa mãn nhu cầu
xuất bản.
- Phát hành: là việc đưa xuất bản phẩm đến với bạn đọc, là đầu ra của
xuất bản, quyết định sự tồn tại, phát triển của xuất bản, là thước đo hiệu quả
của hoạt động xuất bản.
Xuất bản bản đồ là một bộ phận của hoạt động xuất bản cũng mang
những nét tương đồng cơ bản. Xuất bản bản đồ được thực hiện dựa trên cơ sở
tuyển chọn những đề tài đáp ứng nhu cầu của người sử dụng, thành lập, biên
tập hoàn thiện, in ấn thành nhiều bản và phát hành rộng rãi ra thị trường. Vì
thế có thể định nghĩa về hoạt động xuất bản bản đồ như sau:
Hoạt động xuất bản bản đồ quá trình tổ chức các nguồn lực xã hội
để thành lập, biên tập, hoàn thiện những tác phẩm bản đồ hoàn chỉnh với
mục đích để nhân bản và phổ biến đến nhiều người, đáp ứng nhu cầu sử dụng
bản đồ của xã hội.

b) Lịch sử hình thành, phát triển của hoạt động xuất bản bản đồ Việt Nam
Hoạt động xuất bản của Việt Nam được xuất hiện khá sớm, ngay từ
thời kỳ cổ trung đại. Nền móng của hoạt động xuất bản chính là sự ra đời của
chữ viết, chữ Hán du nhập vào nước ta từ thời Triệu Đà (207-137Tr.CN). Ban
đầu, xuất bản nằm chủ yếu ở hai khu vực, triều đình và nhà chùa theo phương
thức chép tay. Ở triều đình, chủ yếu là chép sử và chép các tác phẩm văn học,
về sau phát triển thêm các dạng sách dư địa chí. Ở nhà chùa chủ yếu chỉ chép
kinh phật. Tuy nhiên, khoảng từ thế kỷ I đến thế kỷ III, nghề in khắc gỗ mới
bắt đầu manh nha xuất hiện ở nước Việt, phục vụ in kinh phật. Sang thời Lý,
Trần nghề in mới phát triển mạnh mẽ, các loại sách khác bắt đầu được xuất
bản theo phương pháp in khắc gỗ. Nhưng do sự hủy hoại của chiến tranh, khí
hậu khắc nghiệt những bản in kể trên bị mất mát rất nhiều.


16

Tác phẩm bản đồ tiêu biểu, có giá trị khoa học và được coi là xuất
hiện sớm nhất là "Tập bản đồ Hồng Đức". Tập bản đồ Hồng Đức là tập bản
đồ chính thức đầu tiên của quốc gia thời quân chủ, hoàn thành vào năm 1490,
do Lê Thánh Tông chủ trương và đề xướng từ
rất sớm. Vào năm 1467 các thừa tuyên được
lệnh vẽ bản đồ của địa phương mình. Hai năm
sau đã có được một tập bản đồ bước đầu chưa
đầy đủ, các thừa tuyên lại phải bổ sung, chỉnh
đốn cho đến khi có khá đầy đủ một bản đồ
chung của cả nước, một bản đồ Đông Đô và
các bản đồ của 13 thừa tuyên gồm 52 phủ, 178
huyện, 50 châu, 20 hương, 36 phường, 665
xã,... Nhờ tập bản đồ rất chi tiết này mà ngày
nay chúng ta còn có hình ảnh sinh động và cụ

thể về tổ quốc cách nay hơn 500 năm. Tập này đã bị thất truyền. Tuy nhiên,
theo các tài liệu dẫn, các bản đồ này đã thể hiện hình dạng nước ta trong đó đã
công bố chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Vào thời kỳ cận hiện đại các nước châu Âu mở rộng sự truyền giáo và
xâm chiếm thuộc địa, nhiều nhà truyền giáo và nhà quân sự đã đến vẽ bản đồ
nước ta. Năm 1650 nhà truyền giáo Alexandre de Rhodes đã lập bản đồ "Vương
quốc An Nam" và cùng thời gian này (1666) nhà hàng hải Pieter Goos lập bản
đồ bờ biển vùng bờ biển nước ta. Cuối thế kỷ XVII để chuẩn bị cho sự xâm
chiếm thuộc địa, nhiều sĩ quan Pháp đã đến quan sát và lập bản đồ bờ biển
nước ta như bản đồ Hàng hải Nam Kỳ (1818), bản đồ Địa lí An Nam (1838)...
Vào thời Nguyễn, bản đồ "Việt Nam thống nhất toàn đồ" xuất hiện
(năm 1834), thể hiện lãnh thổ Việt Nam tương đối đầy đủ về đất liền và vùng
biển như ngày nay. Đây là bằng chứng pháp lý quan trọng chứng minh 2 quần
đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam.


17

Khi Pháp đặt chân đến

Đại Nam thống nhất toàn đồ (1834)

Việt Nam, bắt đầu cuộc viễn chinh
bằng việc vẽ bản đồ Việt Nam theo
kỹ thuật khoa học hơn cho đúng
kinh tuyến và vĩ tuyến. Về phần
bờ biển - biển Đông - hải đảo,
Pháp trao nhiệm vụ cho hải quân
Pháp (Service hydrographique de
la Marine) đo đạc và thực hiện các

bản đồ. Những bản đồ này ghi cả
độ sâu gần khắp biển Đông rộng
khoảng 1 triệu km2. Tài liệu sưu
tầm được khoảng 100 bản đồ cỡ
54 x 75cm và 74 x 104cm vẽ rõ
bờ biển, biển Đông và hải đảo,
kể cả Hoàng Sa và Trường Sa,
thực hiện từ 1884 đến 1930.
Sau khi đất nước giải phóng, việc phân định lại đường biên giới và
xác định chủ quyền lãnh thổ cũng đặt cho chúng ta nhiệm vụ xuất bản nhiều
bản đồ khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Công trình bản đồ đồ sộ nhất,
tiêu biểu cho sự phát triển của khoa học Bản đồ nước ta là tập "Atlas Quốc gia
Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam", được manh nha thực hiền từ
năm 1981 nhưng mãi đến năm 1996 mới được xuất bản. Hiện nay, tập Atlas
này đang được tiến hành chỉnh lý, bổ sung và hiện đại hóa trên có sở bản đồ
số. Đây là công trình được đầu tư lớn, tập trung phần lớn các nhà bản đồ học
đầu ngành của Việt Nam cùng tham gia thực hiện, kỳ vọng mang lại thành
quả lớn, chứng minh sự phát triển của ngành bản đồ Việt Nam.
Trong những năm gần đây, hằng năm chúng ta xuất bản hàng triệu ấn
bản bản đồ các loại trên cả nước. Phổ biến nhất là bản đồ giao thông, du lịch.


18

Các bản đồ chuyên ngành cũng được thành lập và xuất bản đều đặn như bản
đồ hành chính, quy hoạch, đô thị, môi trường, khí hậu, khoáng sản… phục vụ
trực tiếp nhu cầu sinh hoạt và làm việc của người dân. Đặc biệt, các loại bản
đồ số được sử dụng trực tuyến trên mạng internet và các thiết bị số cũng trở
nên phổ biến. Vì vậy, công tác quản lý hoạt động xuất bản bản đồ trở nên khó
khăn, phức tạp hơn.

1.1.1.3. Phân loại bản đồ
Dựa trên các tiêu chí khác nhau có thể phân loại bản đồ theo một số
cách cơ bản như sau:
a) Hình thức biểu hiện: in, số, khác
Về hình thức biểu hiện bản đồ ngày càng trở nên phong phú đa dạng.
Từ thuở sơ khai, người cổ đại vẽ bản đồ lên đất sét, da, giấy papyrus,… Mỗi
bản đồ thường chỉ có 1 bản chính hoặc kèm một hai bản sao, đối tượng sử
dụng bản đồ hạn chế. Ngày nay, bản đồ lại được in ấn hàng loạt, phát hành
rộng rãi. Hình thức bản đồ phổ biến nhất là bản đồ in trên giấy. Với công nghệ
in ngày càng phát triển, hình ảnh rõ nét, màu sắc phong phú. Người sử dụng
bản đồ ngày càng có nhiều lựa chọn với nhiều loại sản phẩm bản đồ in có chất
lượng cao. Bản đồ in giấy thường được phân thành 3 loại cơ bản: bản đồ gấp
(thường là bản đồ du lịch, bản đồ chỉ dẫn đường phố…), bản đồ tập hoặc bản
đồ đóng kèm sách báo (bản đồ khảo sát, nghiên cứu…) và bản đồ treo tường
(bản đồ hành chính, quy hoạch, bản đồ giáo khoa, địa lý…). Ngoài ra còn
nhiều loại bản đồ in với các hình thức thể hiện và mục đích sử dụng khác
nhau. Tùy mục đích sử dụng và ý đồ thông tin mà người làm bản đồ lựa chọn
hình thức phù hợp.
Song song với bản đồ giấy, bản đồ số sử dụng trực tuyến trên mạng
internet và các thiết bị số ngày càng phát triển. Bản đồ số thường được phân
thành 2 loại, bản đồ raster và bản đồ vector. Bản đồ raster là dạng bản đồ tĩnh,
các yếu tố trên bản đồ được thể hiện bằng hình ảnh chết. Thông qua các tuyến


19

thông tin hình ảnh và hệ thống chú thích người xem có thể nắm bắt được
thông tin. Trong khi đó, bản đồ vector là sự tích hợp của hệ thống hình cảnh,
số liệu, các phép toán bản đồ thông minh cho phép người dùng nhận diện đối
tượng, xác định hướng, đo khoảng cách giữa các đối tượng, tìm kiếm điểm

bằng liên kết… Bản đồ số ngày càng phát triển mạnh mẽ và phong phú, được
sử dụng trong nhiều loại bản đồ ứng dụng khác nhau.
Về hình thức, bản đồ còn được thể hiện bằng hình khối, phối cảnh. Cụ
thể như quả cầu, sa bàn,…
b) Phân loại theo mục đích sử dụng
Dựa trên nhu cầu, mục đích sử dụng, thể hiện thông tin cũng như công
tác nghiên cứu cụ thể sẽ có những loại bản đồ khác nhau.
- Bản đồ nền (nội dung cơ sở địa lý): là bản đồ cơ sở dùng để xây dựng
các loại bản đồ khác: bản đồ hiện trạng, bản đồ giao thông, bản đồ quy hoạch,
bản đồ sử dụng đất các cấp… là tài liệu đo vẽ trực tiếp mặt đất hoặc các tài
liệu bản đồ xây dựng bằng phương pháp gián tiếp.
- Bản đồ tra cứu, chỉ dẫn: Thường là các loại bản đồ giao thông, du
lịch, các yếu tố địa lý tự nhiên kết hợp với hành chính thông thường được sử
dụng với mục đích tìm điểm đến và chỉ dẫn đường đi.
- Bản đồ quân sự: là loại bản đồ mật, sử dụng phục vụ tác chiến, bố trí
hệ thống quân sự, giám sát, bảo đảm trinh sát, giám sát, cung cấp thông tin
liên lạc và khí tượng một cách toàn diện, có hiệu quả cho lực lượng liên quân.
- Bản đồ hàng hải: bản đồ chuyên dụng để dẫn đường cho tàu thuyền
đi biển, dùng để vạch tuyến đi và xác định vị trí của con tàu. Các phần tử nội
dung chính của bản đồ hàng hải gồm: địa hình đáy biển được thể hiện bằng hệ
thống đường đẳng sâu và các điểm độ sâu, hình dáng và tính chất của bờ biển,
địa hình và các địa vật dễ định hướng trên bờ, các tuyến đường biển, các vật
cản nguy hiểm cho tàu (bãi nông, đá ngầm, đá nổi, san hô...), chất đáy (bùn,


20

cát, đá...), tình huống hoa tiêu (đèn biển, phao tiêu...), tài liệu về độ lệch từ
thiên, các đặc trưng hải văn (hải lưu, thủy triều...) cũng như mạng lưới tọa độ
chuyên dụng.

- Bản đồ hàng không: dùng cho việc xác định đường bay để chuẩn bị
và dẫn đường không thực hiện chuyến bay. Trên bản đồ hàng không thường
ghi những yếu tố địa lí và hàng không có liên quan đến việc bay như hệ thống
các sân bay, đài dẫn đường, vật cản thẳng đứng, khu vực có từ lực dị thường,
tuyến từ sai khu đặc biệt trên không... để vạch đường bay, xác định cự li,
phương hướng, độ cao bay và tìm mục tiêu trên mặt đất. Theo mục đích sử
dụng, bản đồ hàng không gồm có: bản đồ bay và bản đồ trong buồng lái.
- Bản đồ khí hậu: bản đồ phản ánh đặc điểm khí hậu. Gồm các nhóm
bản đồ: các nhân tố khí hậu (tổng bức xạ Mặt Trời, cân bằng bức xạ, số giờ
nắng); chế độ nhiệt (nhiệt độ trung bình năm, tháng...); chế độ ẩm (lượng mưa
trung bình năm, mùa, tháng, số ngày có mưa, độ ẩm không khí...); chế độ gió
(hướng, tần suất, tốc độ gió); các hiện tượng khí quyển (số ngày sương muối,
bão, gió nóng...); khí hậu ứng dụng (khí hậu nông nghiệp, khí hậu kĩ thuật...);
phân vùng khí hậu. Bản đồ khí hậu thường lập ở tỉ lệ nhỏ. Phương pháp biểu
thị chủ yếu là đường đẳng trị kết hợp với thang tầng màu và biểu đồ định vị.
- Bản đồ kinh tế: bản đồ phản ánh sự phân bố, cơ cấu và phát triển
toàn bộ nền kinh tế cũng như của từng ngành, từng đối tượng kinh tế. Chủ đề
của bản đồ kinh tế rất phong phú. Bản đồ kinh tế chia ra: Bản đồ kinh tế
chung và bản đồ phân vùng kinh tế, bản đồ kinh tế của từng ngành (công
nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải...), bản đồ chuyên ngành hẹp (cơ khí luyện kim, chăn nuôi...) và bản đồ đối tượng kinh tế hoặc thành phần (diện
tích gieo trồng cà phê, năng suất và sản lượng lúa, vv.). Bản đồ quy hoạch
phát triển kinh tế và phân bố lực lượng sản xuất cũng thuộc bản đồ kinh tế.
Bản đồ giáo khoa: là những bản đồ được sử dụng trong mục đích giáo
dục, cần đảm bảo cho việc dạy và học trong các cơ quan giáo dục, dưới tất cả


21

mọi hình thức, tạo nên một hệ thống giáo dục cho tất cả các tầng lớp từ học
sinh đến đào tạo chuyên gia. Những bản đồ đó được sử dụng trong nhiều

ngành khoa học đặc biệt là địa lý, lịch sử, khí hậu, môi trường, xây dựng, thủy
lợi, nông - lâm nghiệp…
Trên thực tế, theo mục đích sử dụng còn rất nhiều loại khác nhau nữa:
bản đồ môi trường, thủy văn, quy hoạch đất, bản đồ viễn thông...
c) Phân loại theo tiêu chí của bản đồ học
Dựa theo cách phân loại của Giáo sư K.A. Xalisev, nhà bản đồ học nổi
tiếng Liên Xô thì có 3 cách phân loại bản đồ:
- Phân loại theo tỷ lệ: Dựa theo mức độ thu nhỏ bề mặt trái đất khi
biểu thị trên bản đồ. Chia theo 3 nhóm:
Bản đồ tỷ lệ lớn: bao gồm bản đồ có tỷ lệ từ 1/200.000 và lớn hơn
Bản đồ tỷ lệ trung bình: từ 1/300.000 đến 1/1.000.000
Bản đồ tỷ lệ nhỏ: nhỏ hơn 1/1.000.000
- Phân loại theo nội dung: chia thành 3 nhóm là bản đồ địa lý tự nhiên,
bản đồ kinh tế xã hội và các bản đồ kỹ thuật
+ Nhóm bản đồ địa lý chung cho thấy đặc điểm của lãnh thổ về các
mặt địa lý tự nhiên lần lượt được chia ra:
Bản đồ địa lý tự nhiên chung
Bản đồ địa chất (địa tầng, kiến tạo, thạch học, địa chất kỷ thứ tư, địa
chất thủy văn, khoáng sản và những bản đồ địa chất khác).
Bản đồ địa vật lý
Bản đồ địa hình mặt đất (địa mạo, đẳng cao)
Bản đồ thủy quyển (bản đồ hải dương, thủy văn lục địa)
Bản đồ thổ nhưỡng


22

Bản đồ thực vật
Bản đồ động vật
+ Nhóm bản đồ kinh tế - xã hội bao gồm:

Bản đồ dân cư (phân bố dân cư, thành phần dân cư, biến động tự
nhiên, di cư…)
Bản đồ kinh tế (bản đồ tài nguyên thiên nhiên với những đánh giá
chung về mặt kinh tế, các bản đồ nông nghiệp, công nghiệp, giao thông, các
phương tiện liên lạc, thương mại, quan hệ tài chính,…)
Bản đồ văn hóa (giáo dục, nghiên cứu khoa học…)
Bản đồ y tế
Bản đồ hành chính - chính trị
Bản đồ lịch sử
+ Nhóm bản đồ kỹ thuật cũng được chia thành các nhóm nhỏ:
Bản đồ hàng hải
Bản đồ hàng không
Bản đồ thiết kế
Bản đồ kỹ thuật khác
- Phân theo mức độ bao quát lãnh thổ: bản đồ có thể chia ra thành bản
đồ thế giới, các bán cầu, các châu lục, các đại dương, các biển, nhóm các châu
lục, các nước riêng biệt hoặc các nhóm nước, bản đồ quốc gia hoặc các khu
vực thuộc quốc gia…
Như vậy, về phân loại bản đồ có rất nhiều phương thức phân loại dựa trên
các nhóm tiêu chí khác nhau. Trên đây, chúng tôi chỉ trình bày một vài phương
pháp phân loại cơ bản để thấy bản đồ rất phong phú, có ứng dụng rộng rãi trong
đời sống, giáo dục, nghiên cứu khoa học cũng như các lĩnh vực hoạt động khác.


23

1.1.2. Vị trí, vai trò của xuất bản phẩm bản đồ
trong đời sống xã hội
Xuất bản phẩm nói chung giữ vị trí quan trọng trong đời sống chính trị kinh tế - xã hội. Vị trí ấy càng được khẳng định trong điều kiện xã hội hiện
đại, với nền tri thức phát triển đồng thời với nhu cầu tiếp nhận thông tin, khoa

học, văn hóa ngày càng lớn. Bản đồ là một bộ phận của hệ thống xuất bản
phẩm nói chung cũng có vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống kinh tế xã hội.
Trước tiên, xuất bản phẩm bản đồ giữ vai trò là một kênh truyền bá tri
thức tới cộng đồng, nâng cao nhận thức xã hội về các lĩnh vực khoa học, văn
hóa, kinh tế - xã hội. Bản đồ là một sản phẩm khoa học được hình thành dựa
trên sự tổng hợp của khoa học bản đồ với tri thức của nhiều ngành khoa học
khác nhau hoặc kết hợp riêng lẻ với từng bộ môn khoa học chuyên sâu. Bởi
vậy, bản đồ không chỉ cung cấp các tri thức về địa lý, vị trí lãnh thổ, địa hình,
… mà còn truyền tải nhiều dạng thông tin thuộc nhiều lĩnh vực khoa học: địa
giới hành chính, biên giới lãnh thổ, lãnh hải, các thông tin về dân số, môi
trường, khoáng sản, khí hậu,…
Thứ hai, xuất bản phẩm bản đồ giữ vai trò quan trọng trong công tác
an ninh quốc phòng. Việc truyền bá và khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia,
thông qua các xuất bản phẩm bản đồ góp phần vào công cuộc đấu tranh bảo vệ
toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải từng quốc gia nói chung. Ngày nay, những ấn phẩm
bản đồ cổ đã trở thành căn cứ lịch sử quan trọng trong việc khẳng định chủ
quyền biên giới lãnh thổ quốc gia bên cạnh các căn cứ pháp lý khác. Điều đó cho
thấy, bản đồ có vai trò chính trị đặc biệt quan trọng trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Thứ ba, xuất bản phẩm là phương tiện hỗ trợ quan trọng cho công tác
nghiên cứu chuyên ngành, chuyên đề. Các ngành khoa học, kinh tế cơ bản,
muốn phát triển đều phải xây dựng cho mình một hệ thống bản đồ chuyên
ngành. Bản đồ chuyên ngành vừa là kết quả của nhiều công trình nghiên cứu,
vừa là cơ sở khoa học để khảo sát và ứng dụng kết quả nghiên cứu trên thực


24

địa cũng như là nền tảng cho hoạt động nghiên cứu chuyên sâu hơn nữa.
Thứ tư, bản đồ có vai trò quan trọng trong hỗ trợ giảng dạy và học tập
ở tất cả các cấp. Đối với các chương trình học từ tiểu học, trung học, đại học

hay đào tạo chuyên sâu sau đại học, xuất bản phẩm bản đồ cung cấp công cụ
giảng dạy trực quan, sinh động và gắn chặt với thực tiễn. Bên cạnh đó, bản đồ
cung cấp cho học sinh cách tư duy khoa học, hệ thống về vấn đề đang nghiên
cứu. Ngày nay, không chỉ riêng khoa học địa lý mà ở nhiều bộ môn khoa học
đều sử dụng bản đồ như một công cụ giảng dạy và học tập thiết yếu như lịch
sử, sinh học, nhân chủng học, ngôn ngữ học, văn hóa học… đặc biệt là những
bộ môn khoa học chuyên sâu.
Với đặc trưng là sản phẩm của văn hóa và tri thức, bản đồ cũng thể
hiện vị trí, vai trò quan trọng với các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã
hội giống như các xuất bản phẩm nói chung. Tuy nhiên, với những đặc trưng
riêng có của mình, bản đồ còn thể hiện vai trò quan trọng ở những khía cạnh
khác mà không phải xuất bản phẩm nào cũng làm được.
Vai trò định vị, vai trò đầu tiên và quan trọng nhất của bản đồ đó là
xác định vị trí đối tượng được thể hiện trên bản đồ. Từ xác định vị trí châu lục
trên thế giới, xác định vị trí quốc gia trong châu lục, đến xác định vị trí núi,
sông, hồ, công trình xây dựng, mỏ quặng… Khả năng định vị của bản đồ giúp
cho người xem biết được đối tượng họ cần tìm kiếm nằm ở phía nào, khoảng
cách tới đó bao xa, địa hình khu vực và xung quanh khu vực đối tượng đó thế
nào… Vai trò định vị còn thể hiện ưu việt hơn trong điều kiện công nghệ
thông tin phát triển như hiện nay. Với các công cụ hỗ trợ, người ta có thể định
vị được vị trí của một cá nhân riêng lẻ thể trên phạm vi toàn cầu. Điều đó cho
thấy, với sự hỗ trợ của bản đồ con người có thể làm được những việc tưởng
như không thể.


25

Vai trò chỉ dẫn, khi đã biết được vị trí nơi cần đến người ta sẽ quan
tâm đến việc làm thế nào để đi đến đó. Bản đồ từ xưa đã là người bạn đồng
hành của con người trên khắp các nẻo đường. Chúng ta có bản đồ giao thông

đường bộ (phục vụ việc định hướng và tìm đường cho người tham gia giao
thông đường bộ), các bản đồ hàng hải (bản đồ dành cho người đi biển), bản
đồ hàng không (dành cho việc di chuyển, quản lý các tuyến hàng không),
bản đồ đường sắt (dành cho việc tìm hiểu và lưu chuyển trên các tuyến
đường sắt)… Ngoài ra, các loại bản đồ như: tự nhiên, hành chính, du lịch
đều kết hợp thể hiện yếu tố giao thông, phục vụ trực tiếp nhu cầu tìm đường
của người sử dụng. Do đó, xuất bản phẩm bản đồ có vai trò quan trọng trong
việc chỉ dẫn đường.
Vai trò là nền để quy hoạch cơ sở hạ tầng, xuất bản phẩm bản đồ góp
phần vào công cuộc xây dựng và phát triển nền kinh tế - xã hội. Từ việc hỗ
trợ công tác quy hoạch, xây dựng, thiết kế cơ sở hạ tầng cơ bản trên diện rộng
đến thiết kế quy hoạch phát triển chi tiết trên phạm vi hẹp. Bản đồ cho phép
hệ thống quản lý có cái nhìn trực quan, sinh động cũng như cơ sở khoa học
hợp lý để quy hoạch, thiết kế phát triển vùng, lãnh thổ. Tất cả các hoạt động
như xây dựng đô thị, khu công nghiệp, phát triển nông nghiệp, du lịch, giao
thông… đều cần có các loại bản đồ về địa hình, môi trường, khí hậu,… làm
cơ sở khoa học để khảo sát nhằm phục vụ quy hoạch và phát triển. Do đó, các
xuất bản phẩm bản đồ hỗ trợ tích cực cho hoạt động quy hoạch, xây dựng và
phát triển kinh tế xã hội nói chung cũng như xây dựng và phát triển kinh tế
vùng, ngành nói riêng.
Như vậy, xuất bản phẩm bản đồ cũng giống như hầu hết các loại hình
xuất bản phẩm khác, có vai trò quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội, văn hóa, khoa học, giáo dục đất nước nói chung. Đặc biệt, với những
đặc trưng riêng có của mình, xuất bản phẩm bản đồ còn thể hiện vai trò quan
trọng trong nhiều khía cạnh khác. Đặc biệt, bản đồ là một trong những


×