Tải bản đầy đủ (.pdf) (6 trang)

Nhân sinh quan trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (227 KB, 6 trang )

NGÀNH NGÔN NGỮ HỌC

NHÂN SINH QUAN TRONG TÍN NGƯỠNG THỜ CÚNG
TỔ TIÊN CỦA NGƯỜI VIỆT
BELIEFS IN ANCESTORS WORSHIPING OF
VIETNAMESE PEOPLE
Trần Hoàng Yến
Email: yendhsd @gmail.com
Trường Đại học Sao Đỏ
Ngày nhận bài: 29/10/2017
Ngày nhận bài sửa sau phản biện: 13/3/2018
Ngày chấp nhận đăng: 28/3/2018
Tóm tắt
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, trải qua hàng nghìn năm đã hun đúc những giá trị
nhân văn cao đẹp. Trong những giá trị ấy, có những giá trị chịu ảnh hưởng bởi tác động của các yếu tố
tư tưởng bên ngoài như: tư tưởng Nho giáo, Đạo giáo, Phật giáo,… Tuy vậy, có những yếu tố nội sinh
đã làm nên bản sắc, cốt cách của con người Việt Nam chúng ta, trong những yếu tố đó có giá trị đạo thờ
cúng tổ tiên được thể hiện rất đậm nét. Thờ cúng tổ tiên có giá trị và ý nghĩa bao trùm mọi hoạt động trong
đời sống sinh hoạt cá nhân, cộng đồng, nó hướng con người ta tới cội nguồn và là một trong những động
lực thúc đẩy cho xã hội phát triển. Vì vậy, trong giai đoạn ngày nay với những tác động của quá trình phát
triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ, sự tác động của cuộc cách mạng khoa học công nghệ, việc nghiên cứu
nhân sinh quan trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt càng có ý nghĩa quan trọng. Trong bài
viết này, tác giả chỉ tập trung làm rõ ý nghĩa và giá trị trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt
qua nghiên cứu những quan niệm chung về tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, từ đó phân tích những biểu hiện
chính trong các giá trị văn hóa thờ cúng tổ tiên của người Việt và đưa ra một số giải pháp để duy trì và
bảo tồn những giá trị tốt đẹp của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong bối cảnh mới hiện nay.
Từ khóa: Tín ngưỡng; thờ cúng tổ tiên; văn hóa tín ngưỡng; văn hóa người Việt; văn hóa thờ cúng tổ tiên.
Abstract
In the history of building and defending our nation, thousands of years have molded the noble human
values. In those values, there are values ​​influenced by external factors such as Confucianism, Taoism,
Buddhism, etc. However, there are endogenous factors that make up the identity and personality of


our Vietnamese people, among them valuable values ​​of worship of ancestors are expressed very
dramatically. Ancestor worshipping has the value and meaning that covers every activity in the life of
the individual, the community, it directs people to the roots and is one of the motivations for social
development. Thus, in today’s period with the impact of strong socio-economic development, the impact
of the technological revolution, the study of human life in the ancestor worshiping of Vietnamese people
is more and more important. In this article, the author only focuses on clarifying the meaning and value
of Vietnamese ancestor worshiping by studying the common notions of ancestor worship and analyzing
the main manifestations in the cultural values ​​of the ancestors of the Vietnamese and then offer some
solutions to preserve the good values ​​of ancestor worshiping in the new context.
Keywords: Beliefs; worshiping ancestors; cultural beliefs; Vietnamese culture; Ancestor worshiping culture.
1. ĐẶT

VẤN ĐỀ

Thờ cúng tổ tiên là một loại hình tín ngưỡng có
lịch sử từ lâu đời mang tính phổ biến của người
Việt. Nó có ý nghĩa rất lớn nhằm nhắc con cháu
đang sống phải nhớ đến nguồn gốc, cội nguồn
của bản thân. Chính vì vậy, phải biết kính trọng,

phụng dưỡng ông bà, cha mẹ lúc sinh thời, thờ
phụng khi mất. Thờ cúng tổ tiên được coi là một
nét tinh hoa của truyền thống văn hóa, và đã trở
thành đạo lý, lẽ sống của người Việt. Trong xã hội
ngày nay, thờ cúng tổ tiên có ý nghĩa to lớn trong
đời sống tinh thần của mỗi cá nhân trong gia đình,
xã hội và dân tộc ta.

Tạp chí Nghiên cứu khoa học - Đại học Sao Đỏ, ISSN 1859-4190 Số 1(60).2018 101



NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
2. MỘT SỐ KHÁI NIỆM CƠ BẢN
Tín ngưỡng là “sự tin tưởng vào sức mạnh của
một đấng thiêng liêng và những giáo lý của một
tôn giáo” [2, 823].
Nhân sinh quan là quan niệm, suy nghĩa về toàn
bộ hoạt động sống của con người.
Theo C.Mác cho rằng: “Đời sống xã hội, về thực
chất là có tính chất thực tiễn.  Tất cả những sự
thần bí đang đưa lý luận đến chủ nghĩa thần bí,
đều được giải đáp một cách hợp lý trong thực
tiễn của con người và trong sự hiểu biết thực
tiễn ấy” [4, 12].
Tổ tiên là khái niệm để chỉ những người có cùng
huyết thống, đã mất như: kỵ, cụ, ông, bà, cha,
mẹ,... là những người có công sinh thành và nuôi
dưỡng, có ảnh hưởng lớn đến đời sống vật chất
và tinh thần của các thế hệ con cháu. Tổ tiên còn
là người có công truyền nghề, tạo dựng cuộc sống
hiện tại cho con cháu được tôn thành các tổ sư,
nghệ tổ,.... Như vậy, khái niệm tổ tiên được mở
rộng, không chỉ bó hẹp trong phạm vi tổ tiên cùng
huyết thống.
Như vậy: Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là một
bộ phận của ý thức xã hội, là một hình thức tín
ngưỡng được hình thành từ thời nguyên thủy
trước hết là sự biết ơn, tưởng nhớ và tôn thờ
những người có công sinh thành, tạo dựng, bảo
vệ cuộc sống như: kỵ, cụ, ông, bà, cha, mẹ, tổ sư,

tổ nghề, thành hoàng làng, tổ nước,... đồng thời
với một niềm tin thiêng liêng rằng, tổ tiên đã chết
sẽ che chở, phù giúp cho con cháu, có được cuộc
sống ấm no, hạnh phúc, phát tài, phát lộc, thăng
tiến trong công danh, sự nghiệp.
Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên (TNTCTT) được hiểu
theo hai nghĩa:
- Nghĩa hẹp: TNTCTT là sự thờ cúng tổ tiên, ông
bà, cha mẹ - những người có cùng huyết thống đã
chết, những người đã có công sinh thành và nuôi
dưỡng con cháu.
- Nghĩa rộng: TNTCTT không chỉ mở rộng huyết
thống từ gia đình đến họ tộc mà còn mở rộng ra cả
tổ tiên làng xã, đất nước bao gồm cả việc thờ trời
đất, thờ người có công dựng nước và giữ nước,
có công với cộng đồng, làng xóm và cả những
thần linh liên quan đến cuộc sống của con người.
Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên có ba cấp độ: quốc
gia; làng xã; gia đình (Bài này tác giả nghiên cứu
hai cấp độ gia đình và làng xã).
- Gia đình: thờ kỵ cụ, ông bà, cha mẹ đã khuất.

- Làng xã: thờ thành hoàng làng - là những tổ
nghề, những người có công khai phá vùng đất
mới; dựng làng lập ấp, đánh giặc cứu dân.
- Đất nước: thờ vua như một vị thần của quốc gia
mà điển hình là vua Hùng.
3. THỜ CÚNG TỔ TIÊN CỦA NGƯỜI VIỆT LÀ
SỰ THỂ HIỆN ĐẠO HIẾU - ĐẠO LÀM NGƯỜI
Không giống người phương Tây thiên về tư duy

hướng ngoại, người Việt thiên về tư duy hướng
nội, việc chiêm nghiệm về thế giới bên ngoài
không được chú trọng bằng thế giới nội tâm.
Do ảnh hưởng của Nho giáo, người Việt đã rất
chú trọng tới việc xây dựng gia đình theo chế độ
tông pháp - lấy gia đình, dòng họ là đơn vị cơ
sở của xã hội. Trong gia đình, dòng họ, điều cốt
lõi là con người phải có hiếu. Hiếu là biểu hiện
của nhân. Hiếu còn gắn với trung, là nguồn gốc
của trung. Trước đây, các triều đại phong kiến Việt
Nam đều đề cao chữ hiếu, lấy hiếu để củng cố gia
đình và ổn định xã hội. Hiếu được xem như một
chuẩn mực đạo đức xã hội và cũng là thước đo
lòng trung thành với vua.
Trong ý thức hệ của người Việt, hiếu kính với cha
mẹ, không chỉ thể hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của
đạo làm con mà hiếu kính với cha mẹ nó thể hiện
tình cảm, lòng biết ơn, sự thành kính của những
người làm con đối với bậc sinh thành.
Trong tâm thức của người Việt, công cha nghĩa
mẹ, như trời cao, đất dày. Làm con phải thảo kính
với cha mẹ lúc còn sống phải chăm sóc, phụng
dưỡng cha mẹ lúc về già. Cha mẹ đau ốm, con cái
phải luôn bên cạnh động viên, thuốc thang, sớm
hôm nâng giấc. Khi cha mẹ về với tổ tiên thì đau
buồn, thương tiếc, lòng thành kính cẩn. Từ ngàn
xưa, người Việt đã có câu “khi sống thì chẳng cho
ăn, đến khi chết mới làm văn tế ruồi” để chê bai
những kẻ làm con không biết giữ tròn đạo hiếu với
ông bà, cha mẹ, lúc sống, thì đến lúc ông bà, cha

mẹ không còn nữa dù có cúng mâm cao, cỗ đầy
cũng chẳng có ý nghĩa gì.
Đối với người Việt, ngày giỗ cha mẹ, tổ tiên có ý
nghĩa thiêng liêng về mặt tâm linh thể hiện sâu sắc
ý thức, lòng biết ơn công sinh thành của cha mẹ,
tổ tiên, một sự thành tâm, tưởng niệm người đã
khuất, đồng thời còn có ý nghĩa sum họp anh em,
chú bác trong gia đình và đoàn kết, thân ái trong
gia tộc. Anh, em, con, cháu sum vầy, hỏi han về
công việc, sức khỏe, bảo ban những điều hay, lẽ
phải, nhắc nhở để cùng nhau tiến bộ.

102 Tạp chí Nghiên cứu khoa học - Đại học Sao Đỏ, ISSN 1859-4190 Số 1(60).2018


NGÀNH NGÔN NGỮ HỌC
Đạo hiếu của người Việt không chỉ dừng lại ở tư
tưởng, quan niệm trong gia đình, xã hội, nó còn
được thể chế hóa bởi luật pháp của nhà nước
phong kiến. Điển hình là, trong bộ luật triều Lê
sơ đã qui định rất rõ nghĩa vụ của con cháu đối
với ông bà, cha mẹ “Đạo làm con phải hiếu kính
cha mẹ, khi tuổi già phải sớm khuya phụng dưỡng,
không được để thiếu thốn, cũng là không được bắt
buộc các con làm việc quá khó nhọc mới cấp cho
ăn uống. Các việc tế tự và tang táng thì phải căn
cứ vào lễ ký, như thế mới hết đạo làm con. Đạo
làm anh em trong gia đình phải cùng nhau hòa
thuận. Anh thì yêu em, em thì kính anh, chớ nên
tranh nhau tài sản; chớ nên nghe lời vợ mà quên

nghĩa cốt nhục. Đạo làm vợ chồng phải cùng kính
yêu nhau, dốc lòng ân nghĩa,... vợ phải kính thờ
cha mẹ chồng và không được trái lời dạy bảo của
chồng, không được dòng dỗ ghen tuông, mà cũng
không nên chán cảnh nghèo đói đến nỗi bỏ nhau
để bại điều phong hóa. Làm cha mẹ phải biết sửa
mình để ngay thẳng gia đình, lấy nghĩa lý dạy con
trai, lấy nữ công nữ tắc dạy con gái. Nếu cha mẹ
không biết dạy dỗ con cái, (và) con trai, con gái
không chịu nghe lời dạy bảo thì cho phép các viên
phường xã, thôn trưởng được tố giác với các nha
môn. Nếu lỗi nhỏ thì trừng phạt bằng roi vọt, nếu lỗi
lớn thì chiếu phép trị tội” [3, 141-142].
Như vậy, đạo hiếu đòi hỏi mỗi thành viên trong
cộng đồng phải hiếu kính ông bà, cha mẹ, phụng
dưỡng khi sống, hiếu đễ với anh em, thuận hòa
với hàng xóm. Ai làm trái với đạo hiếu chẳng
những bị dư luận lên án, chê bai mà còn bị luật
pháp trừng trị.
Lúc sống là vậy, còn khi chết thì sao? Nho giáo ít
chú ý tới lẽ tử sinh, rằng chưa biết được việc sống
thì sao biết được việc chết. Người ta cho giàu
sang tại mệnh, phú quý tại trời. Trời - đất - người
hợp nhất, cùng một bản thể. Con người giống như
một “tiểu vũ trụ” linh ứng với những đổi thay, chịu
sự qui định của “đại vũ trụ” (trời - đất). Con người
do trời, đất sinh ra, khi chết con người lại trở về
với đất, trời. Theo thuyết âm dương, ngũ hành thì
con người là âm dương hòa hợp, ngũ hành sinh
khắc. Khi chết thì thể xác tan ra thành đất, chỉ còn

tinh anh (tinh thần). Do đó hiếu tử như hiếu sinh,
hiếu với người chết, thực hiện các nghi lễ tang
ma, giỗ chạp, đồng thời cũng phải đối xử tốt với
cha mẹ, ông bà đang sống. Nho giáo là học thuyết
thiên về mặt chính trị - xã hội và đạo đức, mang
tính nhập thế rất rõ. Các nghi thức cúng giỗ và
tang ma của người Việt chủ yếu dựa trên sự mô
phỏng các nghi thức của Nho giáo, do đó cũng
mang tính thực tiễn. Đối xử với người chết không

chỉ dừng lại ở đó, mà chủ yếu, thông qua đó là thể
hiện sự đối xử với người đang sống. Là sự nhắc
nhở người đang sống, làm cho người đang sống
tự điều chỉnh hành vi của mình trong mối quan hệ
với cộng đồng. Tuy nhiên, những quan niệm sinh,
tử của Nho giáo cũng chứa đựng những yếu tố
duy tâm, thần bí góp phần làm phức tạp thêm nghi
thức thờ cúng, tang ma, làm cơ sở cho mê tín, dị
đoan hình thành và tồn tại. Là sợi dây trói buộc con
người bởi các nghi lễ khắt khe. Trong cuộc sống
văn minh, hiện đại, nhiều cái đã trở thành hủ tục, lạc
hậu cần phải phê phán, loại bỏ.
Như vậy, đạo hiếu - đạo làm người có ý nghĩa vô
cùng quan trọng trong các nguyên tắc ứng xử của
người Việt, thể hiện triết lý nhân sinh vừa dung
dị, mang tính thực tiễn, tính phổ quát, vừa sâu
sắc. Phụng dưỡng ông bà, cha mẹ lúc sống, thờ
phụng khi chết, không chỉ là tín ngưỡng mà còn
là lẽ sống, được hình thành, bồi đắp qua bao thế
hệ và trở thành tục lệ ăn sâu trong tiềm thức của

mỗi người.
Từ nhận thức, tư tưởng đến hoạt động thờ phụng
là cả một quá trình. Tư tưởng triết học trong tín
ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt được thể
hiện sinh động qua hệ thống nghi lễ và nội dung
thờ cúng tổ tiên ở cộng đồng gia đình, họ tộc, làng
và nước. Đó là ý thức tưởng nhớ về cội nguồn.
4. THỜ CÚNG TỔ TIÊN CỦA NGƯỜI VIỆT LÀ Ý
THỨC TƯỞNG NHỚ VỀ CỘI NGUỒN
Thời nguyên thủy, người ta cho rằng, vạn vật
trong vũ trụ kể cả trời, đất đều có cội nguồn của
mình. Bước sang xã hội có giai cấp, nhận thức
của con người về cội nguồn của mình đã bớt yếu
tố thần thoại, mang nội dung thiết thực hơn. Nếu
như chim có tổ, cây có rễ, nước có nguồn thì con
người cũng có tổ tông.
Do đó, ý thức tưởng nhớ, biết ơn tổ tiên được
hình thành, phát triển và được khẳng định thành
đạo lý, lẽ sống,... Đạo lý biết ơn và tiếp tục nối
dõi truyền thống tổ tiên được thể hiện thông qua
các nghi thức thờ cúng có tính chất huyền bí
thiêng liêng.
Do ảnh hưởng của tam giáo, tín ngưỡng thờ cúng
tổ tiên của người Việt có những nét mô phỏng theo
nghi lễ Nho giáo song lại có những yếu tố gần gũi
với Phật giáo và Đạo giáo. Những tư tưởng triết
học trong tam giáo đã ảnh hưởng khá sâu sắc tới
hình thức và nội dung thờ cúng tổ tiên.
Trong mỗi gia đình đều thiết lập bàn thờ tổ tiên.
Bàn thờ tổ tiên là không gian thiêng liêng để các


Tạp chí Nghiên cứu khoa học - Đại học Sao Đỏ, ISSN 1859-4190 Số 1(60).2018 103


NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
thành viên gia đình thể hiện, gửi gắm lòng tưởng
nhớ, biết ơn tiên tổ. Bàn thờ là nơi tổ tiên “đi”, “về”
và ngự trên đó. Bàn thờ tổ tiên thường được lập
cố định, ở chỗ trang trọng nhất, gian chính giữa
của nhà trên. Đây là sự khác biệt với một số dân
tộc khác.
Việc bài trí trên bàn thờ gia tiên thường không
hoàn toàn giống nhau, điều này phụ thuộc vào
quan niệm tâm linh và cả điều kiện kinh tế của
gia chủ. Nhìn chung, một bàn thờ gia tiên thường
được chia làm hai lớp, giữa hai lớp được ngăn
bằng một bức y môn bằng vải che rủ. Lớp trong
đặt long khám của thần chủ (ngai hoặc ỷ, tượng
trưng cho cho ngôi vị của tổ tiên), bộ đồ thờ để đặt
hộp trầu, chén nước, đĩa hoa quả,... Lớp ngoài là
hương án, trên đặt bình hương, đèn, ống hương,
mâm bồng,... Ngày thường y môn được vén lên,
chỉ khi nào có lễ, sau khi con cháu thắp hương
khấn mời thì y môn mới được buông rủ xuống.
Theo cách giải thích dân gian, làm như thế để tổ
tiên được hưởng lễ một cách tự nhiên, không cho
ai nhìn ngó, quấy nhiễu. Ngoài ra, bàn thờ của
các gia đình giàu có hoặc đại gia khoa bảng còn
treo các bức hoành phi ở bên trên, câu đối ở hai
bên, được sơn son thếp vàng. Nếu như hoành

phi, câu đối trong nhà thờ họ, tông tộc mang nặng
tính tổng kết, phô trương và tôn vinh dòng họ để
làm gương cho hậu thế thì hoành phi, câu đối ở
bàn thờ gia tiên thường được viết với nội dung
bày tỏ lòng thành kính, biết ơn, hoặc lời hứa của
con cháu đối với tổ tiên.
Bài vị tổ tiên thường được làm bằng gỗ mít (vì
gỗ mít không mọt, có mùi thơm, cây mít thường
sai quả, mỗi múi có một hạt, mỗi hạt sẽ phát
triển thành một cây, tượng trưng cho sự sinh sôi
nảy nở dồi dào), ghi tên tuổi các vị tổ. Bộ đồ thờ
của những gia đình bình dân thường đơn giản,
thường là bộ tam sự, gồm bát hương ở giữa
và hai bên là hai cây đèn, nến. Theo thuyết âm
dương ngũ hành thì bát hương thể hiện hành thổ,
nên ở giữa (trung tâm). Hai cây đèn nến thể hiện
hành hỏa. Nén hương đốt lên có cả ba yếu tố:
hỏa (phần đang cháy), mộc (phần thân hương)
và thổ (phần chân hương cắm trong bát hương).
Mộc sinh hỏa, hỏa sinh thổ, sự chuyển hóa thể
hiện ước vọng sinh sôi, phát triển. Nếu theo Đạo
giáo thì bát hương tròn tượng trưng cho bàn thái
cực, hương được thắp lên tượng trưng cho các vì
tinh tú. Hai cây đèn tượng trưng cho nhật, nguyệt
quang minh.
Những gia đình khá giả, đồ thờ phụng là bộ ngũ
sự hay thất sự. Bộ ngũ sự gồm bát hương, hai cây

đèn nến, lọ độc bình, mâm bồng ngũ quả, cái kỷ
hay còn gọi là tam sơn gồm bộ đài ba chiếc: giữa

đặt chén rượu, hai bên, một bên để đĩa trầu cau,
một bên để bát nước. Rượu và nước mang tính
âm, hành thủy. Khi thắp hương, đèn nến cúng vái,
âm dương hòa hợp, mọi việc tốt lành. Lọ độc bình
thường để cắm hoa huệ trắng, hoa hải đường,
hoa đào ngày tết. Cành hoa hành mộc, cắm vào
nước (thủy sinh mộc) ý nghĩa là khai hoa, tươi tốt
quanh năm.
Mâm bồng để đựng hoa quả. Có hoa, có quả thể
hiện ước vọng thịnh đạt. Ngày tết, hoa quả cúng
thường là 5 loại (ngũ quả): quả bưởi (bòng) màu
vàng đặt ở giữa, hành thổ; quả cam giấy màu đỏ
hành hỏa; nải chuối xanh hành mộc; quả hồng
xiêm màu nâu tối, hạt đen hành thủy; quả na
ruột trắng hành kim. Ngũ quả thể hiện ngũ hành,
tương sinh tương khắc, tạo nên muôn vật trong
thế giới vũ trụ.
Ý thức về cội nguồn được thể hiện tập trung ở
lễ giỗ. Giỗ gia tiên là kỷ niệm ngày qua đời của
người mất. Theo Thọ Mai gia lễ, giỗ một năm ngày
qua đời là giỗ đầu, còn gọi là tiểu tường. Giỗ năm
thứ hai là giỗ hết hay còn gọi là đại tường. Sau đại
tường là hết tang. Từ năm thứ ba là giỗ thường
hay gọi là cát kỵ. Cát kỵ là ngày giỗ lành. Đó là
ngày cháu con tụ hội để cúng lễ, tưởng nhớ người
qua đời, sự tụ hội này là điều lành, tốt đẹp. Giỗ
thường hay cát kỵ là ngày giỗ sau cải táng, tức
là sau khi đã tống trùng, vong hồn không về quấy
nhiễu, và trong ngày cát kỵ không còn khóc lóc
nữa, mà chủ yếu mang tính chất vui liên hoan của

con cháu, nhắc nhở lại công lao đạo đức của ông
bà (hoặc cha mẹ) như một tấm gương có tác dụng
giáo dục đối với người sống.
Lễ phẩm thì tùy, to sang thì dùng bò, lợn, dê, nếu
không cũng sửa vài mâm cỗ, hoặc thủ lợn mâm
xôi, chí ít cũng phải đĩa xôi con gà, hoặc bát cơm
quả trứng, con cá, bát canh, còn lễ chay thì oản
quả, xôi chè... tùy thuộc gia cảnh và nội dung ngày
lễ, nhưng điều thiết yếu là đồ lễ phải là những thứ
thanh khiết và được dành riêng.
Khi tiệc rượu đã tàn, khách đã vãn, gia chủ cúng
thêm tuần hương nữa rồi mới lễ tạ và hóa vàng.
Một nghi thức cần thiết là lúc hóa vàng phải đổ
theo vào đống lửa một chén rượu cúng. Chén
rượu này làm vàng mã bốc cháy, song ý nghĩa
của việc làm là cốt biến vàng mã trên trần thành
vàng thật, đồ dùng thật dưới âm, cho người âm.
Nghi thức cúng giỗ rất trang trọng, thành kính.
Người con trai trưởng ăn mặc chỉnh tề đứng trước

104 Tạp chí Nghiên cứu khoa học - Đại học Sao Đỏ, ISSN 1859-4190 Số 1(60).2018


NGÀNH NGÔN NGỮ HỌC
bài vị gia tiên khấn mời gia tiên về hâm hưởng,
giỗ của ai thì mời người đó về trước sau đó mời
đến những người theo thứ bậc từ trên xuống dưới
theo gia phả, để phù hộ cho con cháu mạnh khỏe,
phát đạt, công thành danh toại. Trước đây khấn
gia tiên thường dùng văn Thọ Mai để khấn, hiện

nay khi đời sống có sự thay đổi nhất định, nhiều
người không hiểu chữ nghĩa nên thường thì khấn
theo văn nói.
Việc thờ cúng tổ tiên được người Việt rất tôn
trọng, vì việc cúng giỗ nghiêm túc là thể hiện đạo
hiếu. Cho nên gửi giỗ là nghĩa vụ nhưng người
ta còn muốn nhân ngày giỗ là cơ hội để họp mặt
anh em, con cháu trong nhà mà hàng năm phải xa
cách nhau vì sinh kế, thắt chặt thêm tình thân giữa
những người cùng huyết thống bằng sợi dây tâm
linh tình nghĩa.
5. THỜ CÚNG TỔ TIÊN CỦA NGƯỜI VIỆT
LÀ NÉT ĐẸP TRONG SINH HOẠT VĂN HÓA
CỘNG ĐỒNG
Nhà - họ - làng - nước là cơ cấu xã hội truyền
thống của người Việt trong lịch sử. Trong xã hội,
diện mạo của mỗi cá nhân rất mờ nhạt, dường
như người ta chỉ biết đến “anh ta” là con nhà ai,
người họ nào, làng nào. Nhà nước quản lý dân
đinh của mình thông qua bộ máy quản lý làng xã,
việc phân bổ nghĩa vụ binh lính, phu phen tạp dịch
được căn cứ theo kê khai của bộ phận chức dịch
của làng. Trong tình hình như vậy, làng thực sự
đóng vai trò là chiếc cầu nối giữa những thành
viên với cộng đồng quốc gia.
Trong hệ thống quản lý hành chính 4 cấp của nhà
nước phong kiến Việt Nam, xã là đơn vị hành
chính cấp cơ sở cuối cùng. Có xã chỉ có một thôn
(nhất xã nhất thôn), trong trường hợp đó làng và
xã đồng nhất với nhau; lại có xã có 2, 3 thôn, hoặc

nhiều hơn nữa (nhất xã nhị, tam... thôn).
Xét trên lĩnh vực kinh tế và tổ chức sản xuất, nếu
như mỗi gia đình là một đơn vị kinh tế - tổ chức
sản xuất hoàn chỉnh, họ là tập hợp của những
gia đình cùng huyết thống liên kết với nhau chủ
yếu bằng sợi dây tình cảm tâm linh thì làng là một
đơn vị kinh tế - xã hội - văn hóa thống nhất chặt
chẽ, liên kết giữa các gia đình, dòng họ lại với
nhau trong một cộng đồng lãnh thổ chung. Phong
tục tập quán - tâm lý - lối sống và tín ngưỡng là
những yếu tố tạo nên bản sắc, thần thái văn hóa
riêng của mỗi làng. Các làng ở Việt Nam đều thờ

nhiều vị thần, trong đó có vị thần được xem là thần
bản mệnh của cả làng. Đó là Thành Hoàng làng.
Các thần và Thành Hoàng là đối tượng thờ cúng
của Nho giáo và Đạo giáo, song trên phương diện
tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên thì Thành Hoàng còn
được xem là ông Tổ của cả làng. Ông Tổ của làng
có thể là nhiên thần, hoặc nhân thần. Dù là nhiên
thần hay nhân thần thì trong ý thức tâm linh của
dân làng, Thành Hoàng làng là những người có
công giúp dân trị thủy, đánh giặc. Ngoài Thành
Hoàng làng, các vị Tổ nghề, Tổ sư, các anh hùng
dân tộc, các danh nhân văn hóa cũng được dân
làng thờ cúng. Họ không chỉ là những người có
công, được xem như tiền hiền, hậu hiền, còn là
những người có sức mạnh linh thiêng che chở
phù giúp cho dân làng trong cuộc sống. Ý thức về
cộng đồng củng cố thêm qua lễ hội làng.

6. MỘT SỐ GIẢI PHÁP DUY TRÌ VÀ BẢO TỒN
VỀ TÍN NGƯỠNG THỜ CÚNG TỔ TIÊN TRONG
BỐI CẢNH HIỆN NAY
Trên cơ sở những giá trị văn hóa tín ngưỡng thờ
cúng tổ tiên đã phân tích, để bảo tồn và phát huy
có hiệu quả những di sản tín ngưỡng thờ cúng tổ
tiên của người Việt, cần phải thực hiện một số giải
pháp sau:
Một là, cần phải xây dựng một đời sống văn hóa
lành mạnh cho nhân dân nói chung và các bạn
trẻ nói riêng. Môi trường văn hóa là cách thể hiện
bên ngoài của tâm linh, của phong tục thờ cúng và
của các tôn giáo khác. Vì vậy, xây dựng đời sống
văn hóa, nếp sống văn minh trong thế hệ trẻ nói
riêng và cộng đồng người Việt nói chung giúp cho
xã hội giảm bớt, xóa bỏ đi những hủ tục, phát huy
những giá trị tốt đẹp trong tín ngưỡng thờ cúng tổ
tiên từ nghìn đời nay mà dân tộc ta hun đúc, xây
dựng và phát triển.
Hai là, kết hợp tuyên truyền giáo dục các giá trị
nhân văn của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong
đời sống xã hội. Đảng và Nhà nước ta cần tuyên
truyền giáo dục sâu rộng và mạnh mẽ hơn nữa
nhằm làm cho người dân có được nhận thức tích
cực của hoạt động tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên.
Bởi vì, tín ngưỡng chính là sản phẩm tinh thần
của con người, việc tín ngưỡng “tốt” hay “xấu”
không phải ở bản thân của nó mà là ở chỗ con
người sử dụng nó như thế nào.
Ba là, giáo dục đạo hiếu của con cháu đối với ông

bà, cha mẹ. Đó vừa là nghĩa vụ, vừa là lòng thành

Tạp chí Nghiên cứu khoa học - Đại học Sao Đỏ, ISSN 1859-4190 Số 1(60).2018 105


NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
kính của con cháu đối với các bậc sinh thành. Tín
ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt không
chỉ là cách ứng xử của người sống đối với những
người đã khuất mà còn là cách ứng xử giữa
những người đang sống. Đây chính là nét độc đáo
của dân tộc Việt Nam nói chung mà không phải
bất kỳ dân tộc nào trên thế giới cũng có được.
Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt trước
hết nó thể hiện lòng thành kính đối với tổ tiên của
mình, nó được thể hiện qua hành vi cư xử của con
cháu đối với ông bà, bố mẹ đang sống và đối với
những người đã khuất.
Bốn là, cần phải tiến hành nghiên cứu một cách
có hệ thống, toàn diện tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên
của người Việt. Trên cơ sở đó đánh giá lại toàn bộ
các giá trị tryền thống của tín ngưỡng thờ cúng tổ
tiên của người Việt, để lựa chon những phương
thức, biện pháp bảo tồn và phát huy đối với tín
ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong cộng đồng.
Năm là, thực hiện bảo tồn và phát huy tín ngưỡng
thờ cúng tổ tiên của người Việt trên cơ sở đánh
giá đúng nhu cầu và nhận thức của cộng đồng
về tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên lâu đời của chính
bản thân họ. Việc bảo tồn, phục hồi và phát triển

các giá trị truyền thống liên quan đến tín ngưỡng
thờ cúng trước hết phải xuất phát từ những yêu
cầu này.
Sáu là, cần nâng cao ý thức của nhân dân về tín
ngưỡng thờ cúng tổ tiên truyền thống của dân tộc
Việt Nam ta. Có như vậy, cộng đồng mới ý thức
giữ gìn các giá trị tín ngưỡng của dân tộc Việt. Từ
đó giúp nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác
bảo tồn và phát huy tính thiết thực, tốt đẹp của tín
ngưỡng thờ cúng tổ tiên này.
Bảy là, cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của
Đảng, quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực bảo
tồn và phát huy những truyền thống văn hóa, tín
ngưỡng, tâm linh gắn với việc thực hiện đại đoàn
kết cả dân tộc vì mục tiêu dân giàu nước mạnh,
xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, đặc biệt là

trong thế hệ trẻ. Xử lý kịp thời những hành vi vi
phạm đến đạo đức, văn hóa, tín ngưỡng.
7. KẾT LUẬN
Trong quá trình lao động sản xuất, trên cơ sở
nhận thức về tự nhiên, xã hội, người Việt nhận
thức về mình và đề ra triết lý nhân sinh phù hợp.
Trong các triết lý nhân sinh của mình thì thờ cúng
tổ tiên là một trong những nội dung cốt lõi.
Ở Việt Nam, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên có nguồn
gốc, bản chất chung như các loại hình tín ngưỡng
khác song nó có sắc thái riêng, mang đậm dấu ấn
văn hóa của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước.
Ngày nay, trong bối cảnh xã hội đang có những

biến đổi hết sức sâu sắc về kinh tế, chính trị, xã
hội và văn hóa, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của
người Việt vẫn được duy trì và có những biểu hiện
khá phức tạp, chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu
và có những định hướng để bảo tồn và lưu giữ
những giá trị văn hóa tích cực, góp phần xây dựng
nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Phan Kế Bính (2006).  Việt Nam phong tục. NXB
Văn học, Hà Nội.
[2]. Nguyễn Văn Đạm (1999). Từ điển tiếng Việt. NXB
Văn hóa thông tin, Hà Nội.
[3]. Phan Đại Doãn (chủ biên) (1998). Một số vấn đề
Nho giáo Việt Nam. NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
[4]. C.Mác Ph. Ăngghen, (1983). Toàn tập, tập 4. NXB
Sự thật Hà Nội.
[5]. Trần Ngọc Thêm (1997). Cơ sở văn hóa Việt Nam.
NXB Giáo dục, Hà Nội.
[6]. Nguyễn Xuân Trường (2017) (biên soạn). Thọ Mai
gia lễ. NXB Hồng Đức.
[7]. Đặng Nghiêm Vạn (chủ biên) (1996). Về tôn giáo
tín ngưỡng Việt Nam hiện nay. NXB Khoa học xã
hội, Hà Nội.
[8]. Tân Việt (1997). Một trăm điều nên biết về phong tục
Việt Nam. NXB Văn hóa dân tộc, Hà Nội.

106 Tạp chí Nghiên cứu khoa học - Đại học Sao Đỏ, ISSN 1859-4190 Số 1(60).2018




×