Tải bản đầy đủ (.pdf) (6 trang)

Cập nhật các chỉ định can thiệp ngoại khoa điều trị suy tĩnh mạch nông mạn tính chi dưới

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (374.57 KB, 6 trang )

CHUYÊN ĐỀ KHOA HỌC

Cập nhật các chỉ định can thiệp ngoại khoa điều
trị suy tĩnh mạch nông mạn tính chi dưới
Đoàn Quốc Hưng**, Nguyễn Thế May*, Nguyễn Công Huy*, Nguyễn Văn Đại*


Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức**, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp*

TÓM TẮT
Bệnh lý suy giãn tĩnh mạch nông chi dưới mạn
tính là bệnh lý thường gặp, gặp nhiều ở phụ nữ hơn
nam giới, bệnh do sự trào ngược và suy van trong lòng
tĩnh mạch. Bệnh gặp nhiều ở các nước phát triển, có
liên quan mật thiết đến lối sống. Nhu cầu điều trị
bệnh ngày càng tăng, hiện có nhiều phương pháp và
lựa chọn trong điều trị. Điều trị bằng phẫu thuật cho
kết quả tốt, bắt đầu và duy trì bằng điều trị nội khoa
với thuốc làm tăng sức bền thành tĩnh mạch và tất
y khoa. Việc điều trị kết hợp giữa nội khoa – phẫu
thuật và tất y khoa cho kết quả tốt và lâu dài.
Từ khóa: Suy tĩnh mạch nông chi dưới mạn tính.

ĐẶT VẤN ĐỀ
Suy tĩnh mạch mạn tính chi dưới là bệnh phổ
biến, chiếm từ 15 – 25% dân số người lớn nói chung
và là một trong những nguyên nhân khám bệnh
thường gặp nhất trên lâm sàng, bệnh gặp ở nữ gặp
nhiều hơn nam (tỷ lệ 3 nữ/1 nam) [1]. Bệnh có
thể gây ra các biến chứng như giãn tĩnh mạch nông,
huyết khối tĩnh mạch, thuyên tắc động mạch phổi,


loét chi…làm giảm đáng kể chất lượng cuộc sống và
tăng gánh nặng chi phí cho nền y tế. Bệnh gặp nhiều
ở những nước phát triển, có mối liên quan mật thiết
với lối sống, tính chất công việc… Hiện nay, ở Pháp
có khoảng 18 triệu người bị suy tĩnh mạch chi dưới,
trong đó có khoảng 10 triệu người giãn tĩnh mạch.
Có khoảng 1% dân số thế giới bị loét chi dưới do

nguyên nhân tĩnh mạch. Đây là một vấn đề sức khỏe
và xã hội trầm trọng hiện nay: Tại Pháp: Kinh phí
điều trị suy tĩnh mạch chiếm khoảng 2,6% tổng
kinh phí cho ngành y tế; Tại Mỹ: chi phí khoảng 1
tỷ đô la/năm cho điều trị loét mạn tính do nguyên
nhân tĩnh mạch…[2]
Hiện nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của
khoa học kỹ thuật, điều trị bệnh lý suy tĩnh mạch
mạn tính chi dưới có nhiều phương pháp mới
tiên tiến và đem lại hiệu quả cao, có tính thẩm
mỹ, cải thiện tốt triệu chứng và mang lại sự hài
lòng cho người bệnh. Trong khuôn khổ bài viết
này, chúng tôi trình bày cập nhật các phương
pháp điều trị ngoại khoa, can thiệp trong điều trị
suy tĩnh mạch nông mạn tính chi dưới hiện đang
được áp dụng.

ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Đối tượng nghiên cứu
Các phương pháp điều trị ngoại khoa, can thiệp
điều trị suy tĩnh mạch mạn tính chi dưới hiện nay
đang được áp dụng ở Việt Nam và Thế giới.

Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp phân tích và tổng hợp lý thuyết.
Khái niệm suy tĩnh mạch mạn tính [3]
- Suy tĩnh mạch mạn tính chi dưới là tình trạng
suy giảm chức năng hệ tĩnh mạch chi dưới do suy
các van tĩnh mạch thuộc hệ tĩnh mạch nông và/
hoặc hệ tĩnh mạch sâu, có thể kèm theo thuyên tắc
tĩnh mạch hoặc không.

TẠP CHÍ TIM MẠCH HỌC VIỆT NAM - SỐ 78.2017

63


CHUYÊN ĐỀ KHOA HỌC

- Suy tĩnh mạch sâu xảy ra khi các van trong hệ
tĩnh mạch sâu bị tổn thương, ví dụ do huyết khối
tĩnh mạch sâu. Vì không có van bình thường để
ngăn cản dòng chảy ngược trong hệ tĩnh mạch sâu
nên áp lực thủy tĩnh trong hệ tĩnh mạch chi dưới sẽ
tăng lên rất cao, tình trạng này được gọi là hội chứng
sau huyết khối (postphlebitic syndrom).
- Suy tĩnh mạch nông là thể hay gặp nhất của suy
tĩnh mạch. Trong suy tĩnh mạch nông, các van trong
hệ tĩnh mạch sâu có thể bình thường, máu từ hệ tĩnh
mạch sâu chảy vào các tĩnh mạch nông bị giãn do
các van bị hở.
Các van tĩnh mạch nông bị hở do nhiều nguyên
nhân. Tổn thương trực tiếp hoặc huyết khối tĩnh

mạch sâu có thể gây suy van tiên phát. Thành tĩnh
mạch bị yếu bẩm sinh có thể bị giãn dưới áp lực bình
thường, gây suy van thứ phát. Các van bất thường
bẩm sinh cũng có thể bị hở dưới áp lực tĩnh mạch
nông bình thường. Các tĩnh mạch và van bình
thường cũng có thể bị căng ra quá mức do ảnh
hưởng của các hormon (ví dụ trong khi có thai).
Theo thời gian, các tĩnh mạch nông bị giãn to tới
mức các van tĩnh mạch không thể khép kín được
nữa, các tĩnh mạch này ngày càng giãn to và ngoằn
nghoèo. Khi đó được gọi là giãn tĩnh mạch.
Hầu hết các trường hợp suy van tĩnh mạch nông
xảy ra sau một điểm dò áp lực cao duy nhất giữa hệ
tĩnh mạch sâu và nông. Áp lực cao có thể đổ vào các
tĩnh mạch nông do hở các van ở bất cứ điểm nối nào
giữa hệ tĩnh mạch sâu và nông. Hai nguồn chính gây
dò áp lực cao từ hệ tĩnh mạch sâu vào hệ tĩnh mạch
nông là hở van ở các quai tĩnh mạch hiển và hở van
của các tĩnh mạch xuyên. Hở van ở quai tĩnh mạch
hiển: Hay gặp nhất là hở van tiên phát tại chỗ nối
giữa tĩnh mạch hiển lớn và tĩnh mạch đùi chung.
Dạng ít gặp hơn là hở van tiên phát ở chỗ nối giữa
tĩnh mạch hiển bé và tĩnh mạch khoeo. Hở van của
các tĩnh mạch xuyên: Vị trí hay gặp nhất là hở van
của các tĩnh mạch xuyên ở một phần ba trên đùi
64

(tĩnh mạch xuyên Hunter) và ở phía trên bắp chân
(tĩnh mạch xuyên Boyd).
Phân loại suy tĩnh mạch mạn tính theo hệ thống

CEAP nâng cao[3]
Phân loại CEAP được áp dụng rộng rãi trên toàn
thế giới. Gồm các tiêu chí:
Phân loại lâm sàng (Clinique)
C0: Không có biểu hiện bệnh lý tĩnh mạch có
thể quan sát hoặc sờ thấy
C1: Giãn mao tĩnh mạch mạng nhện hoặc dạng
lưới Ø < 3 mm
C2: Giãn tĩnh mạch Ø > 3 mm
C3: Phù chi dưới, chưa có biến đổi trên da
C4: Biến đổi trên da do bệnh lý tĩnh mạch
C4a: rối loạn sắc tố và/hoặc chàm tĩnh mạch
C4b: Xơ mỡ da và/hoặc teo trắng kiểu Milian
C5: Loét đã liền sẹo
C6: Loét đang tiến triển

Hình 1. Phân loại lâm sàng theo CEAP
Phân loại nguyên nhân (Etiologie)
Ec: Bẩm sinh
Ep: Tiên phát
Es: Thứ phát
En: Không xác định được nguyên nhân tĩnh mạch
Phân loại giải phẫu (Anatomique)
As: Tĩnh mạch nông

TẠP CHÍ TIM MẠCH HỌC VIỆT NAM - SỐ 78.2017


CHUYÊN ĐỀ KHOA HỌC


Ad: Tĩnh mạch sâu
Ap: Tĩnh mạch xuyên
An: Vị trí tĩnh mạch không xác định
Phân loại sinh bệnh học (Pathogénie)
Pr: Trào ngược
Po: Tắc nghẽn
Pr/o: Trào ngược và tắc nghẽn
Pn: Không xác định được bệnh sinh
Chẩn đoán
Dựa vào các tiêu chí:
- Tiền sử bệnh
- Khám lâm sàng
- Thăm dò cận lâm sàng không xâm nhập: siêu
âm doppler màu tĩnh mạch: xác định được suy van
tĩnh mạch, huyết khối, đường kính tĩnh mạch, vẽ sơ
đồ tĩnh mạch…
- Thăm dò cận lâm sàng xâm nhập: hiếm khi sử
dụng, chỉ sử dụng khi cần xác định mức độ nặng
của bệnh hay khi cần cân nhắc chỉ định phẫu thuật:
chụp cản quang hệ tĩnh mạch…

Phẫu thuật stripping[4],[5]
Stripping là kỹ thuật lột bỏ toàn bộ tĩnh mạch
hiển bị suy (tĩnh mạch hiển lớn hoặc hiển nhỏ)
bằng cách sử dụng dây rút tĩnh mạch (stripper), có
thể phối hợp thắt hoặc cắt các tĩnh mạch xuyên bị
suy. Phương pháp này được thực hiện phổ biến từ
năm 1950 đến ngày nay. Với phẫu thuật stripping, sử
dụng hai vết rạch da ở chân: vết rạch khoảng 3 cm ở
bẹn để bộc lộ quai tĩnh mạch hiển lớn, các nhánh đổ

về quai và vết rạch 1 cm ở trước mắt cá trong bộc lộ
đầu xa của tĩnh mạch hiển lớn. Thắt và cắt quai tĩnh
mạch hiển lớn, các nhánh đổ về quai, luồn stripper
vào lòng tĩnh mạch từ 2 vết rạch ở mắt cá chân và
ở bẹn. Tĩnh mạch hiển sau đó sẽ được kéo rút ra
và các vết rạch được khâu lại. Phẫu thuật stripping
tương đối nhanh chóng: khoảng 30 phút đối với 1
chân và 1 giờ đối với 2 chân. Bệnh nhân hoàn toàn
tỉnh táo, có thể ăn uống, đi lại bình thường và xuất
viện ngay ngày hôm sau.

Phẫu thuật stripping

KẾT QUẢ VÀ BÀN LUẬN
Các phương pháp điều trị ngoại khoa
Mục tiêu chính của các phương pháp điều trị
là cải thiện tuần hoàn tĩnh mạch bằng cách loại
bỏ dòng trào ngược trong lòng các tĩnh mạch
bị suy. Chỉ định ngoại khoa được đặt ra khi suy
tĩnh mạch không đáp ứng với điều trị nội khoa
và xuất hiện các biến chứng của dòng trào ngược.
Tùy theo tổn thương nằm ở hệ tĩnh mạch nông,
sâu, xuyên, bác sĩ phẫu thuật sử dụng các phương
pháp phẫu thuật khác nhau. Các kỹ thuật cổ điển
bao gồm thắt với stripping, thắt đơn thuần và
phân chia dòng tĩnh mạch (trong các trường hợp
hở van tĩnh mạch xuyên), điều trị gây xơ (có thắt
hoặc không) và hai kỹ thuật tiên tiến hiện nay
đang được áp dụng mạnh mẽ và rộng rãi trên thế
giới là loại bỏ tĩnh mạch bằng sóng radio và bằng

laser nội tĩnh mạch.

Phẫu thuật Muller (phlebectomy)
Phẫu thuật Muller được chỉ định trong những
trường hợp các nhánh tĩnh mạch nông bàng hệ
(thuộc hệ tĩnh mạch hiển hoặc không) giãn to
ngoằn nghoèo dưới da và suy tĩnh mạch chi dưới
mức độ nặng, với điều kiện đã điều trị triệt để
suy tĩnh mạch hiển. Phẫu thuật Muller được bác
sĩ Robert Muller đề xướng vào năm 1962. Với
phẫu thuật này, bác sĩ tiến hành rạch những vết
mổ nhỏ khoảng 2 – 3 mm(microphlebectomy)
ngay vị trí các tĩnh mạch nông giãn, qua đó dùng

TẠP CHÍ TIM MẠCH HỌC VIỆT NAM - SỐ 78.2017

65


CHUYÊN ĐỀ KHOA HỌC

móc hoặc kẹp chuyên dụng rút bỏ các tĩnh mạch
này. Đây là phương pháp phẫu thuật mang lại hiệu
quả cao. Một ngày sau phẫu thuật, bệnh nhân có
thể đi lại bình thường, các vết bầm dọc theo tĩnh
mạch sẽ tự mất sau 3-4 tuần.

Phẫu thuật Mueller (phlebectomy)

Dr. Robert Mueller


Phẫu thuật CHIVA (chirurgie vasculaire ambulatoire)
[6]
Dựa vào bản đồ tĩnh mạch chi dưới với đánh
dấu tỉ mỉ vị trí tĩnh mạch có dòng trào ngược (bằng
siêu âm Doppler), thắt hoặc cắt bỏ những vị trí tĩnh
mạch là nguyên nhân gây ra sự trào ngược, trong khi
bảo tồn tối đa tĩnh mạch hiển.

Phẫu thuật CHIVA

Dr. Claude Franceschi

Phẫu thuật Linton
Với suy tĩnh mạch xuyên, điều trị ngoại khoa cổ
điển được biết đến là phẫu thuật Linton. Năm 1938,
Linton đã tiến hành phẫu thuật cột các nhánh tĩnh
mạch xuyên trong điều trị loét do suy tĩnh mạch
66

xuyên. Phẫu thuật Linton điều trị được những vết
loét tĩnh mạch, thế nhưng tỉ lệ nhiễm trùng vết mổ
lại khá cao, xấp xỉ 50%. Nguyên nhân được Linton
và các tác giả khác ghi nhận là do đường mổ dài, bóc
tách rộng. Sau đó, nhiều cải tiến được nghiên cứu
nhằm khắc phục biến chứng nhiễm trùng của phẫu
thuật Linton.
Phẫu thuật ít xâm lấn, phẫu thuật nội soi
Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của
phẫu thuật nội soi, phẫu thuật nội soi cắt tĩnh mạch

xuyên dưới cân đang là 1 lựa chọn tốt trong điều trị.
Bệnh nhân có tĩnh mạch xuyên bệnh lý (dòng trào
ngược trên 0,5 giây, giãn trên 3,5mm, phân độ C5C6) có thể điều trị bằng phẫu thuật nội soi loại bỏ
các tĩnh mạch xuyên dưới cân cơ (SEPS: subfascial
endoscopic perforator vein surgery). Giữa thập kỉ
80, một số tác giả Châu Âu đã báo cáo kỹ thuật mổ
ít xâm lấn trong điều trị suy tĩnh mạch xuyên và
sau đó được hưởng ứng bởi các tác giả người Mỹ.
Năm 1985, Hauer đã áp dụng phẫu thuật nội soi
để cột nhánh tĩnh mạch xuyên Cockett bị suy.
Năm 1996, Gloviczki đã mô tả hàng loạt trường
hợp áp dụng phẫu thuật nội soi trong điều trị suy
tĩnh mạch xuyên. Năm 1997, Pierik đã thực hiện
nghiên cứu ngẫu nhiên có đối chứng trên 2 nhóm
bệnh nhân suy tĩnh mạch xuyên. Kết quả cho thấy
tỉ lệ nhiễm trùng trong nhóm mổ hở là 53% so với
không trường hợp nào trong nhóm mổ nội soi.
Các phương pháp can thiệp nội mạch [6],[7]
Từ cuối thập niên 90, một số phương pháp điều
trị dòng trào ngược tĩnh mạch ít xâm lấn, ít đau, ít
biến chứng và thời gian hồi phục nhanh được báo
cáo trong điều trị bệnh lý suy tĩnh mạch chi dưới.
Đó là các phương pháp can thiệp nội tĩnh mạch: tia
laser, sóng cao tần, tiêm xơ. Tuy nhiên, các phương
pháp này chỉ can thiệp trên tổn thương ở tĩnh mạch
nông. Các phương pháp này hiệu quả, an toàn được
áp dụng ngày càng nhiều trên thế giới. Các thủ thuật
này nên được thực hiện trong môi trường ngoại

TẠP CHÍ TIM MẠCH HỌC VIỆT NAM - SỐ 78.2017



CHUYÊN ĐỀ KHOA HỌC

khoa, bởi các bác sĩ ngoại mạch máu, hoặc nội mạch
máu can thiệp
Phương pháp tiêm xơ tĩnh mạch bằng chất xơ
tạo bọt
Phương pháp tiêm xơ bắt đầu được công bố
1986 – 1989. Nguyên tắc của phương pháp này là
tiêm chất xơ vào lòng tĩnh mạch sẽ làm tan lớp màng
fibrinogen bảo vệ nội mạc làm phá hỏng lớp nội
mạc và thành phần lân cận của lớp trung mạc. Fibrin
lắng đọng trong và xung quanh thân tĩnh mạch tạo
ra phản ứng viêm gây xơ hóa tĩnh mạch trong vòng
khoảng 6 tháng và làm nghẽn mạch. Các loại thuốc
tiêm xơ thường được dùng: Polidocanol, Iodine,
Sodium tetradecylsulfate, Sodium salicylate…
Tuy nhiên, phương pháp này chỉ được áp dụng cho
những trường hợp tĩnh mạch giãn có đường kính
nhỏ: suy thân tĩnh mạch hiển với điều kiện tĩnh
mạch giãn không quá 1 cm; suy các tĩnh mạch xuyên,
có thể gây giãn tĩnh mạch tái phát nếu không điều
trị; giãn các tĩnh mạch bàng hệ của hệ tĩnh mạch
hiển, với điều kiện đã điều trị tình trạng giãn và
suy của hệ tĩnh mạch hiển đó. Các biến chứng có
thể gặp là: phản ứng dị ứng, thuyên tắc xa, hoại tử
mô nếu chất tạo xơ thoát ra ngoài lòng mạch, thay
đổi sắc tố da, tiêm vào lòng động mạch có thể gây
tắc động mạch và hoại tử chi, viêm tĩnh mạch hay

quanh tĩnh mạch do tiêm quá nhiều chất xơ, tỷ lệ
tái phát cao.
Điều trị nhiệt nội tĩnh mạch
Nguyên lý: Phóng thích một năng lượng nhiệt
vừa đủ vào trong lòng tĩnh mạch để phá hủy tĩnh
mạch bằng những phản ứng sinh lý không thể đảo
ngược. Có hai phương pháp hiện nay đang được
áp dụng rộng rãi và phổ biến trên thế giới: Điều
trị nhiệt nội tĩnh mạch bằng sóng cao tần (RF)
và điều trị nhiệt nội tĩnh mạch bằng laser. Với hai
phương pháp này, luồn sợi dây đốt RF/laser qua
da vào lòng tĩnh mạch dưới hướng dẫn của siêu
âm. Xác định vị trí đầu đốt cách điểm nối tĩnh

mạch hiển lớn – tĩnh mạch đùi chung hoặc điểm
nối giữa tĩnh mạch hiển bé với tĩnh mạch khoeo
10 – 20 mm, bơm dung dịch gây tê và làm mát
xung quanh đoạn tĩnh mạch hiển cần can thiệp,
do đó sẽ tách rời được tĩnh mạch hiển ra khỏi da
và các cấu trúc dưới cân nhằm bảo vệ mô khỏi bị
nhiệt năng của sóng RF/laser. Khởi động chế độ
đốt RF/laser, sond được rút ra từng đoạn hay rút
đều đặn trên suốt chiều dài của tĩnh mạch theo
đúng quy trình của từng máy. Phương pháp can
thiệp này có nhiều ưu điểm như: can thiệp tối
thiểu, không cần nằm viện, có thể gây tê tại chỗ,
không để lại sẹo, thời gian phục hồi nhanh, ít đau.
*Phương pháp xơ hoá tĩnh mạch bằng nhiệt
cao tần: Phương pháp can thiệp nội tĩnh mạch
bằng nhiệt cao tần trong điều trị suy tĩnh mạch

nông chi dưới được công bố năm 1998. Nguyên
lý của phương pháp này là tác dụng nhiệt trực tiếp
lên thành tĩnh mạch để làm teo và xơ hoá lòng tĩnh
mạch. Hiệu quả của phương pháp này khá cao,
khoảng 97%. Phương pháp có tác dụng tốt nhất với
những tĩnh mạch có đường kính ≤ 12mm và vận
tốc trào ngược lớn hơn 10 cm/giây. Các thông số
này được xác định qua siêu âm Doppler tĩnh mạch.
Phương pháp xơ hoá tĩnh mạch bằng laser
Phương pháp laser nội tĩnh mạch được công
bố vào năm 1999. Nguyên lý của phương pháp này là
dùng năng lượng của ánh sáng laser để biến đổi thành
nhiệt thông qua sự hấp thụ của Hemoglobin trong
máu để tác động lên thành tĩnh mạch. Phương pháp
này áp dụng được cho hầu hết mọi đường kính tĩnh
mạch nhưng tốt nhất là ≤ 20mm. Laser nội tĩnh
mạch cũng cho kết quả thành công cao, khoảng 97
– 98%, và ít tai biến.
Nhìn chung, các phương pháp can thiệp nội
mạch áp dụng hiệu quả cho điều trị suy tĩnh mạch
nông chi dưới. Các phương pháp này chỉ mới phát
triển trong khoảng 30 năm trở lại đây. Tại Việt Nam,
các phương pháp này được triển khai khoảng một

TẠP CHÍ TIM MẠCH HỌC VIỆT NAM - SỐ 78.2017

67


CHUYÊN ĐỀ KHOA HỌC


thập kỉ nay, chủ yếu là với phương pháp tiêm xơ dưới
siêu âm. Trong vài năm trở lại đây, phương pháp xơ
hoá tĩnh mạch bằng laser nội tĩnh mạch và sóng cao
tần đã được thực hiện tại Việt Nam và bước đầu đã
thu được những kết quả nhất định.

KẾT LUẬN
Suy tĩnh mạch chi dưới là một bệnh lý được phát
hiện và mô tả từ rất lâu với tổn thương đặc trưng là
dòng máu trào ngược do sự suy yếu hoặc mất chức
năng của các van trong lòng tĩnh mạch. Trải qua

quá trình lịch sử lâu dài, nhiều phương pháp điều
trị được áp dụng, đánh giá và chắt lọc. Ngày nay,
điều trị suy tĩnh mạch chi dưới là một sự kết hợp
nhiều phương pháp nội – ngoại khoa từ thay đổi lối
sống, uống thuốc, mang tất y khoa, phẫu thuật và
can thiệp nội mạch nhằm đem lại một kết quả tốt
nhất và sự hài lòng cho người bệnh. Trong đó các
phương pháp điều trị nội mạch như sử dụng Laser,
sóng cao tần để làm xơ hóa tĩnh mạch và triệt tiêu
dòng trào ngược của tĩnh mạch nông ngày càng
chứng minh hiệu quả của nó cả về phương diện
điều trị lẫn phương diện thẩm mỹ cho bệnh nhân.

SUMMARY
Surgical treatment indications for low extremities chronic venous insuficiency and varicose vein
Doan Quoc Hung**, Nguyen The May*, Nguyen Cong Huy*, Nguyen Van Dai
Viet Duc hospital**, Viet Tiep hospital*

Chronic venous insuficiency and varicose vein is a common disorder that affects the veins of the legs,
common problem, especially in women. In which the venous valves incompetence cause reflux flow and
malfunction of venous system. This is a very common problem in many developed countries and is affected
by modern lifestyle. There are many methods in the treatment of lower extremities varicose and chronic
venous insuficiency disease, include: medical care; pressure stocking and surgical technologies. Surgical
treatment proved to be a good choice when it was combined with phlebologic drugs and pressure stocking.
Key word: Chronic venous insuficiency.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Mark H, Meissner, Pannier F (2007). Primary chronic venous disorders. J Vasc sur; 46: 54s-65s.
2. Khirurgiia (Mosk) (2002). Surgical technologies in the treatment of lower extremity varicose disease
– (1): 10-5 Related Articles, Books.
3. Nguyễn Tuấn Hải (2012). Cập nhật điều trị suy tĩnh mạch mạn tính chi dưới. Hội nghị Tim mạch toàn
quốc lần thứ XIII.
4. Lê Nữ Thị Hòa Hiệp, Văn Tần (2003). Kết quả bước đầu điều trị ngoại khoa suy tĩnh mạch nông chi dưới
mạn tính tại Bệnh viện Bình Dân và Nhân dân Gia Định. Tạp chí Y học Thành phố Hồ Chí Minh, Tập 7, số 2.
5. Hồ Khánh Đức, Cao Văn Thịnh, Nguyễn Công Minh, Phan Thanh Hải, Văn Tần, (2014). Điều trị
suy tĩnh mạch nông chi dưới bằng phương pháp laser nội tĩnh mạch (kết quả sau 2 năm theo dõi), Tạp chí Y
học Thành Phố Hồ Chí Minh, Tập 18, Số 1.
6. Phạm Thắng và Đoàn Quốc Hưng (2007). Bệnh mạch máu ngoại vi, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội.
7. Robert F. Merchant, Robert L. Kistner (2009). Radiofrequency treatment of the incompetent
saphenous vein. Handbook of venous disorders, p. 415.
68

TẠP CHÍ TIM MẠCH HỌC VIỆT NAM - SỐ 78.2017



×