Tải bản đầy đủ (.docx) (13 trang)

Chính sách tín dụng của Chính phủ Hàn Quốc để phát triển các tập đoàn kinh tế Chaebol và bài học rút ra cho Việt Nam

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (108.61 KB, 13 trang )

Chính sách tín dụng của Chính
phủ Hàn Quốc để phát triển các
tập đoàn kinh tế Chaebol và bài
học rút ra cho Việt Nam
Từ những năm 1950-1960, Chính phủ Hàn Quốc đã chủ trương xây dựng
các tập đoàn kinh tế Chaebol lớn mạnh theo mô hình tương tự như các Zaibatsu
hoặc Keiretsu tại Nhật bản để trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng chung của
cả nền kinh tế và góp phần đưa nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu của Hàn Quốc trở
thành một quốc gia công nghiệp hiện đại trên thế giới. Theo đó, Chính phủ Hàn
Quốc đã có những chính sách ưu đãi về tín dụng cho các Chaebol và theo nhiều
nghiên cứu thì những chính sách ưu đãi này đã mang lại hiệu quả cho việc phát
triển các Chaebol trong những thập niên đầu cải cách kinh tế tại Hàn Quốc. Từ
kinh nghiệm của Hàn Quốc, bài viết cũng rút ra các bài học về chính sách tín dụng
cho Việt Nam trong quá trình hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân.
1. Sự phát triển và vai trò của các Chaebol trong nền kinh tế Hàn Quốc
Chaebol là mô hình các tập đoàn thuộc sở hữu của gia đình ở Hàn Quốc. Từ
đầu những năm 1960, Hàn Quốc đã đưa ra các kế hoạch 5 năm và chiến lược phát
triển kinh tế, chọn một số tập đoàn lớn để phối hợp thực hiện chiến lược phát triển
kinh tế quốc gia theo hướng xuất khẩu và đồng thời thay thế hàng nhập khẩu. Sự
hợp tác giữa chính phủ với các chaebol đã đóng vai trò quan trọng trong tăng
trưởng kinh tế và tạo nên những kỳ tích về tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc. Kinh
tế Hàn quốc đã phát triển nhanh chóng từ một trong những quốc gia nghèo nhất
trên thế giới đã trở thành một trong những cường quốc kinh tế, một quốc gia công


nghiệp hiện đại có GDP đứng thứ tư Châu Á và thứ mười hai trên thế giới trong
năm 2018. GDP bình quân đầu người của Hàn Quốc tăng từ mức 158 USD năm
1960 lên đến 31.362 USD năm 2018 và Hàn Quốc được xem là quốc gia có tốc độ
tăng trưởng kinh tế nhanh nhất trong lịch sử thế giới hiện đại với tốc độ tăng
trưởng kinh tế trung bình trên 10% trong nhiều thập niên bất chấp các ảnh hưởng
tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế Châu Á năm 1997, kinh tế quốc gia nay đã


khôi phục nhanh chóng và phát triển bền vững. Năm 1996, Hàn Quốc trở thành
thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) bao gồm các nền
kinh tế thị trường phát triển nhất thế giới và các Chaebol giữ vai trò trung tâm
trong việc đưa nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu của Hàn Quốc vào những năm
1960 trở thành một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Trong những năm từ 1970 đến 1980, Kinh tế Hàn Quốc tập trung vào
các ngành công nghiệp nặng và sản xuất xe hơi và các Chaebol đảm nhiệm vai trò
là các doanh nghiệp đầu tàu trong các lĩnh vực này. Hiện nay, trong lĩnh vực sản
xuất thép, POSCO là nhà sản xuất hàng đầu Hàn Quốc và đứng thứ 3 trên thế giới
về sản xuất thép. Hàn Quốc là nước có ngành công nghiệp đóng tàu lớn nhất trên
thế giới với các công ty hoạt động đa quốc gia thuộc hai Chaebol là Samsung và
Huyndai chiếm lĩnh thị phần lớn nhất trên thị trường đóng tàu toàn cầu.
Ngành công nghiệp sản xuất ô tô cũng phát triển một cách nhanh chóng, và Hàn
Quốc đã trở thành một trong những nước sản xuất lắp ráp xe hơi đứng hàng đầu thế
giới khi sản lượng sản xuất ô tô đứng thứ 5 toàn cầu với các thương hiệu nổi tiếng
như Huyndai và Kia. Bên cạnh lĩnh vực công nghiệp nặng và xe hơi, các lĩnh vực
điện tử, điện thoại, sản xuất chất bán dẫn của Hàn Quốc cũng nằm trong những
những nhà cung cấp, sản xuất, xuất khẩu hàng đầu thế giới hiện nay với các sản
phẩm được sản xuất bởi tập đoàn Samsung và LG. Bên cạnh sự đóng góp của các
Chaebol vào nền kinh tế Hàn Quốc trong nhiều thập niên gần đây thì sự phát triển


của các Chaebol đã cho thấy sự phụ thuộc của nền kinh tế nước này vào các tập
đoàn lớn rất rõ rệt. Trong năm tập đoàn đứng đầu là Samsung, Hyundai, SK Group,
LG và Lotte, chiếm khoảng 50% giá trị thị trường chứng khoán Hàn Quốc. Trong
năm 2017, 10 tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc đã có kết quả doanh thu lên đến 677,8
tỷ USD, tương đương 44,2% GDP của quốc gia. Trong khi đó, tỷ lệ này ở Nhật
Bản năm 2017 là 24,6% GDP ở Mỹ là 11,8% GDP. Chỉ riêng hai tập đoàn
Samsung Electronics Co. và Hyundai Motor Co. đã có doanh thu chiếm đến 1/5
GDP nền kinh tế. Trong năm 2017, Samsung Electronics có mức doanh thu 224,2

tỷ USD, tương đương 14,6% GDP, Hyundai Motor đứng thứ hai với 5,9% GDP,
tiếp sau đó là LG Electronics Inc. với 3,8% GDP, Posco với 3,7% GDP và Korea
Electric Power Corp với 3,7% GDP. Trong khi công ty có doanh thu hàng đầu ở
Mỹ, Walmart Inc có doanh thu năm 2017 chỉ chiếm 2,6% GDP. Công ty có đóng
góp lớn nhất vào GDP Nhật Bản năm 2017 là Toyota Motor Corp với 5,7% GDP.
2. Các chính sách tín dụng, quy mô cấu trúc các khoản tín dụng và quản
lý rủi ro nhằm phát triển các Chaebol
Các chính sách tín dụng của Chính phủ
Nguyên nhân mang đến thành công như hiện nay của các Chaebol là nhờ sự
hợp tác chặt chẽ với Chính phủ. Trong nhiều thập kỷ, chính phủ Hàn Quốc đã hỗ
trợ các Chaebol dưới nhiều hình thức khác nhau, từ trợ cấp, cho vay cho đến ưu đãi
thuế giúp các Chaebol trở thành trụ cột của nền kinh tế quốc gia này. Từ sau Chiến
tranh Triều Tiên (1950-1953), nhờ nguồn viện trợ của Mỹ cho Hàn Quốc, Chính
phủ đã cung cấp hàng trăm triệu USD cho các khoản vay đặc biệt cũng như các
hình thức hỗ trợ tài chính khác cho các Chaebol để xây dựng lại nền kinh tế, đặc
biệt là các ngành công nghiệp quan trọng như xây dựng, hóa chất, dầu và thép. Từ
đầu những năm 1960 các Chaebol tiếp tục phát triển mạnh khi Chính phủ Hàn
Quốc có chiến lược phát triển kinh tế định hướng xuất khẩu. Bắt đầu từ năm 1961


Chính phủ Hàn Quốc đã từng bước mua lại cổ phần và là cổ đông chi phối của một
số các ngân hàng thương mại, đồng thời Bộ Tài chính Hàn Quốc sẽ quyết định về
vấn đề bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo chủ chốt tại các ngân hàng thương mại này
hàng năm. Ngoài ra, Hàn Quốc có các ngân hàng được thành lập và kiểm soát hoàn
toàn bởi Chính phủ với việc nhà nước nắm giữ 100% cổ phần. Chính phủ thông
qua các ngân hàng thương mại mà Nhà nước nắm cổ phần chi phối, các ngân hàng
nhà nước nắm toàn bộ cổ phần để cấp các khoản tín dụng ưu đãi cho các Chaebol.
Vào thập niên 1960, Hàn Quốc là một quốc gia nghèo với tổng tiết kiệm nội
địa của nền kinh tế rất thấp. Để có thêm nguồn lực tài chính đầu tư cho các chiến
lược phát triển công nghiệp mà trọng tâm là phát triển các Chaebol. Chính phủ Hàn

Quốc đã thông qua luật về bảo lãnh các món nợ nước ngoài nhằm tạo hành lang
pháp lý đảm bảo cho các khoản vay nước ngoài của các doanh nghiệp Hàn Quốc.
Sau khi luật này được thông qua nhiều công ty Hàn Quốc dễ dàng hơn trong việc
vay nợ nước ngoài để mở rộng đầu tư. Theo đó, các khoản vay nợ có đảm bảo phải
được chấp thuận của Hội đồng Kế hoạch kinh tế, trong đó quyết định tổng số nợ
cần vay và các ưu tiên đầu tư vào các lĩnh cụ thể trong kế hoạch phát triển kinh tế 5
năm. Bộ Tài chính sẽ giám sát tất cả các khoản vay nước ngoài được Chính phủ
bảo lãnh và lộ trình trả nợ của các doanh nghiệp. Vào năm 1966, Chính phủ Hàn
quốc còn cho phép các ngân hàng tham gia bảo lãnh các khoản vay mà không cần
thông qua của Quốc Hội. Tuy nhiên, tại các ngân hàng này thì Chính phủ là cổ
đông nắm cổ phần chi phối.
Hàn Quốc có các chương trình tín dụng xuất khẩu nhằm khuyến khích xuất
khẩu. Chương trình thông qua hệ thống ngân hàng thương mại cấp tín dụng ưu đãi
cho các doanh nghiệp xuất khẩu cũng như nhập khẩu các nguyên liệu thô, hàng hóa
trung gian để sử dụng sản xuất phục vụ mục tiêu xuất khẩu. Ngoài ra, Ngân hàng
Trung ương Hàn Quốc cũng mở rộng cho vay tái cấp vốn cho các ngân hàng


thương mại để cấp tín dụng cho các dự án đầu tư trang thiết bị trong lĩnh vực công
nghiệp nặng, hóa chất vì những ngành này được ưu tiên phát triển trong giai đoạn
thập niên 1970. Bên cạnh đó, chính phủ Hàn Quốc cũng thành lập ngân hàng xuất
nhập khẩu với mục tiêu chính là cung cấp các khoản vay trung và dài hạn cho các
doanh nghiệp xuất khẩu.
Năm 1965, Chính phủ Hàn Quốc thực hiện thay đổi chính sách về lãi suất.
Theo đó, lãi suất tiền gửi sẽ tăng lên và dao động khoảng từ 15%/năm đến
30%/năm, trong khi lãi suất cho vay của các khoản tín dụng dao động từ 16%/năm
đến 26%/năm. Sự thay đổi về chính sách lãi suất này đã khiến lãi suất nhiều khoản
tín dụng còn thấp hơn lãi suất huy động, do đó sẽ khuyến khích tiết kiệm trong nền
kinh tế và giảm gánh nặng nợ cho các doanh nghiệp. Để hỗ trợ và đảm bảo việc
kinh doanh có lãi của các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Trung ương Hàn

Quốc trả lãi suất ở mức 3,5%/năm cho các khoản dự trữ bắt buộc của các ngân
hàng thương mại tại Ngân hàng Trung ương. Đối với các khoản cho vay xuất khẩu
lãi suất ở mức rất ưu đãi khoảng 6.5%/năm trong khi mặt bằng lãi suất đối với các
khoản cho vay thông thường có lúc tăng lên 26%/năm. Ngoài ra, lãi suất tiền gửi
tăng đã dịch chuyển dòng vốn tiết kiệm của dân chúng từ các thị trường tài chính
phi chính thức vào hệ thống ngân hàng thương mại. Cụ thể, trong ba tháng đầu tiên
áp dụng chính sách lãi suất mới tổng tiền gửi tại các ngân hàng đã tăng 50% và
trong 4 năm sau tỷ lệ tăng trưởng tiền gửi hàng năm là gần 100%/năm. Đồng thời,
tăng trưởng tín dụng hàng năm từ mức 10,9%/năm trong giai đoạn 1963-1964 lên
đến 61.5%/năm trong giai đoạn 1965 - 1969.
Chính phủ Hàn Quốc ban hành Nghị định về chính sách lãi suất và kiểm soát
sự phân bổ các khoản cho vay tín dụng trong nền kinh tế. Theo Nghị định, cấm các
khoản cho vay trên thị trường tín dụng phi chính thức và giảm lãi suất các khoản
cho vay trong hệ thống ngân hàng từ khoảng 23%/năm xuống còn 15,5%/năm. Hàn


Quốc tăng cường cho vay theo chính sách tín dụng chỉ định đối với các nghành
công nghiệp sản xuất ô tô và công nghiệp nặng. Năm 1973, Chính phủ Hàn Quốc
thiết lập một quỹ đầu tư quốc gia để tài trợ cho vay đối với các dự án đầu tư trong
lĩnh vực công nghiệp nặng và sản xuất ô tô. Quỹ này được đóng góp từ các trung
gian tài chính và Chính phủ đã chiếm khoảng 60% các khoản cho vay trong đầu tư
đối với lĩnh vực công nghiệp nặng và sản xuất ô tô. Ngân hàng Trung ương Hàn
Quốc cũng tăng kỳ hạn cho vay đối với đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp nặng và
sản xuất ô tô tối đa từ 8 năm lên 10 năm. Ngoài ra, Ngân hàng Trung ương Hàn
Quốc ban hành hướng dẫn cho vay trong hệ thống ngân hàng thương mại khi quy
định lĩnh vực công nghiệp nặng và sản xuất ô tô là ưu tiên hàng đầu khi xem xét
cấp tín dụng.
Quy mô và cấu trúc các khoản tín dụng cho các Chaelbol
Quy mô các khoản tín dụng từ chính sách hỗ trợ của Chính phủ Hàn quốc
cho các Chaebol chiếm khoảng 50% tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tài chính

trong nước trong những năm 1970. Tuy nhiên, quy mô tín dụng này đã giảm
khoảng còn 31% trong cuối những năm 1980 bởi vì sự mở rộng kinh doanh của các
tổ chức tài chính phi ngân hàng và các tổ chức này không có nghĩa vụ phải đáp ứng
các khoản cho vay tín dụng chính sách cho các Chaebol từ Chính phủ, đồng thời,
Chính phủ thay đổi định hướng tín dụng nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và
vừa, nông nghiệp. Trong giai đoạn 1973 - 1981, cho vay đối với xuất khẩu chiếm
tỷ lệ lớn nhất trong tổng tín dụng ưu đãi của Chính phủ cho các Chaebol khi chiếm
21,3%, nhưng tỷ lệ này đã giảm dần từ giữa năm 1980 khi cán cân thương mại của
Hàn Quốc đã đạt thặng dự lớn và đến giai đoạn 1987-1991 quy mô của các khoản
tín dụng xuất khẩu trong tổng tín dụng chính sách giảm xuống còn 5,2%.


Tại Hàn Quốc nguồn vốn để cho vay đối với các khoản tín dụng chính sách
theo định hướng của Chính phủ cho các Chaebol đến từ Ngân hàng Trung ương,
tiền gửi được huy động qua các ngân hàng trong nước, các quỹ tài chính của Chính
phủ. Trong đó, nguồn vốn hỗ trợ cho các khoản tín dụng chính sách từ các quỹ tài
chính Nhà nước chiếm khoảng 7.6%, Ngân hàng Trung ương Hàn quốc đóng vai
trò quan trọng hơn chiếm khoảng 35,1% khi tái chiết khấu hay có các chính sách
ưu đãi để tài trợ các khoản tín dụng của các ngân hàng thương mại trong nước. Từ
giữa năm 1980 trở đi, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc tăng cường cho vay tái
chiết khấu để tài trợ cho ngân hàng thương mại cấp tín dụng nhằm tái cấu trúc các
doanh nghiệp yếu kém trong các lĩnh vực vận tải biển, xây dựng các dự án ở nước
ngoài và điện tử với tổng dư nợ trong giai đoạn 1985 - 1987 là 1,7 nghìn tỷ won
với lãi suất 3%. Đối với lĩnh vực xuất khẩu, trong giai đoạn 1973 - 1991, ngân
hàng Trung ương Hàn Quốc đã có các chính sách ưu đãi thông qua các ngân hàng
thương mại để cho vay xuất khẩu hoặc trực tiếp cho vay tái chiết khấu các giấy tờ
có giá từ các ngân hàng thương mại để tài trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu và
tỷ trọng dư nợ cho vay xuất khẩu đến từ hỗ trợ của Ngân hàng Trung ương chiếm
trên 50% tổng dư nợ cho vay xuất khẩu, trong khi đối với lĩnh vực nông lâm thuỷ
sản chỉ chiếm khoảng 18,5%. Do đó, thực chất Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc

đã sử dụng chính sách tái chiết khấu như một công cụ để trực tiếp hỗ trợ các khoản
cho vay của ngân hàng thương mại đến các lĩnh vực kinh tế nằm trong ưu tiên
chiến lược.
Vai trò của chính phủ trong giải quyết các rủi ro sụp đổ của các Chaebol
Đầu tư cho các ngành công nghiệp của Hàn Quốc được tài trợ chủ yếu thông
qua vay nợ trong suốt ba thập niên từ những năm 1960. Mặc dù các chính sách tài
khoá cùng với lãi suất tín dụng cho vay thấp đã giúp cho các doanh nghiệp tích luỹ
được lợi nhuận kiếm được từ các hoạt động đầu tư kinh doanh, tuy nhiên việc thiếu


một thị trường vốn hiệu quả dẫn đến tín dụng từ ngân hàng và các khoản nợ nước
ngoài là nguồn tài chính chủ yếu cho các dự án đầu tư mở rộng các sản xuất trong
ngành công nghiệp. Giai đoạn 1963 - 1971 dự nợ cho vay đối với lĩnh vực sản xuất
tăng lên gấp 4 lần mặc dù khi thị trường chứng khoán bắt đầu có những bước phát
triển từ những năm 1980 tạo điều kiện cho các doanh nghiệp niêm yết có thể huy
động vốn trên thị trường chứng khoán nhưng kênh vay nợ từ hệ thống ngân hàng
hoặc các khoản nợ nước ngoài vẫn là chủ yếu để tài trợ cho các hoạt động đầu tư.
Với tỷ lệ vay nợ cao trong các doanh nghiệp dẫn tới Hàn Quốc dễ bị tổn thương
bởi các cú sốc trong nước và ngoài nước, tuy nhiên, rủi ro được giảm bớt khi
Chính phủ Hàn Quốc thường có các chính sách để tháo gỡ cho các doanh nghiệp
gặp khó khăn trong nền kinh tế. Thực tế, Chính phủ Hàn Quốc đã có các chính
sách tháo gỡ khó khăn cho các tập đoàn kinh tế trong các thời điểm 1969 - 1970,
1972, 1979-1981 và 1984 - 1988 để giúp nền kinh tế thoát khỏi suy thoái và khủng
hoảng tài chính.
Nền kinh tế được kiểm soát chặt chẽ bởi Chính phủ và dựa vào tín dụng để
tài trợ cho các dự án đầu tư là lý do chính giúp Chính phủ dễ dàng hơn các quốc
gia khác trong việc tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp thông qua can thiệp
vào thị trường trường tín dụng. Chính phủ sẽ can thiệp để tháo gỡ các khó khăn
trên thị trường tài chính khi cần thiết được xem là việc làm có tiền lệ ở Hàn Quốc,
do đó, các tập đoàn công nghiệp lớn có thể thực hiện các dự án đầu tư mạo hiểm

khi Chính phủ luôn có các giải pháp hỗ trợ các ngành công nghiệp ưu tiên trong
giai đoạn khó khăn và Chính phủ sẽ cùng chia sẻ những rủi ro kinh doanh với các
Chaebol. Tuy nhiên, sự chia sẻ rủi ro giữa Chính phủ và các Chaebol cũng mang
lại những mặt trái đó là sẽ khuyến khích các Chaebol không đánh giá đầy đủ kỹ
lưỡng về hiệu quả kinh doanh đối với các dự án đầu tư làm đầu tư quá mức và
ngày càng phụ thuộc vào Chính phủ trong những giai đoạn khó khăn về tài chính.


Đồng thời cũng hạn chế các ngân hàng thương mại nâng cao đổi mới cách thức
quản lý, ứng dụng công nghệ bởi Chính phủ sẽ can thiệp bất cứ lúc nào đối với các
khoản nợ của doanh nghiệp trong hệ thống ngân hàng thương mại có khó khăn về
tài chính.
Chức năng của hệ thống ngân hàng khi tín dụng được kiểm soát bởi
Chính phủ
Theo đánh giá về hệ thống ngân hàng dưới quan điểm truyền thống về tài
chính và sự phát triển, một quốc gia với hệ thống ngân hàng được kiểm soát bởi
Chính phủ như Hàn Quốc sẽ dẫn tới nền kinh tế phát triển trì trệ. Tuy nhiên, nền
kinh tế Hàn Quốc đã tăng trưởng nhanh trong nhiều thập kỷ và hệ thống ngân hàng
được xem là công cụ hiệu quả để Chính phủ thúc đẩy sự phối hợp và tuân thủ giữa
các doanh nghiệp nhằm khuyến khích xuất khẩu và công nghiệp hoá đất nước.
Chính sách hỗ trợ tín dụng đã giúp Chính phủ phân phối nguồn lực vốn linh
động dựa theo kết quả hoạt động của các doanh nghiệp hoặc ngành công nghiệp
nằm trong danh sách được ưu đãi. Các doanh nghiệp trong ngành xuất khẩu và các
ngành công nghiệp ưu tiên sẽ tiếp tục nhận được nguồn vốn vay hoặc tăng thêm
hạn mức cho vay nếu hoạt động kinh doanh đạt kết quả tốt theo các năm trong khi
những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh kém sẽ bị giảm bớt dư nợ tín dụng
hoặc chấm dứt hoàn toàn về hỗ trợ tín dụng. Để tiếp tục được hưởng các ưu đãi về
tín dụng của Chính phủ các doanh nghiệp phải làm hài lòng Chính phủ bằng cách
mở rộng xuất khẩu, đầu tư xây dựng các nhà máy. Do đó, các chương trình chính
sách ưu đãi tín dụng đã trở thành một công cụ hiệu quả trong thực hiện chính sách

công nghiệp hoá của Chính phủ và được xem hiệu quả hơn các ưu đãi về tài khoá.
Ngoài ra, Chính phủ Hàn Quốc thường xuyên đối thoại với các lãnh đạo doanh
nghiệp, tăng cường giám sát tình hình kinh doanh thông qua các kênh như các cuộc


họp về thúc đẩy xuất khẩu hay cuộc họp về báo cáo xu hướng kinh tế được tổ chức
hai lần một tháng và có sự tham gia của các thành viên Chính phủ, các lãnh đạo
doanh nghiệp. Thông qua đó, doanh nghiệp sẽ kiến nghị những khó khăn hiện thời
để Chính phủ có những giải pháp tháo gỡ kịp thời từ đó giảm thiểu rủi ro của các
khoản tín dụng chính sách. Chẳng hạn, khi các doanh nghiệp xuất khẩu báo cáo
trong cuộc họp về thị trường xuất khẩu khó khăn và nhu cầu quốc tế tăng chậm dẫn
đến hàng tồn kho nhiều thì Chính phủ sẽ yêu cầu các ngân hàng thương mại tăng
thêm hạn mức cho vay đối với tín dụng tài trợ cho vốn lưu động.
Ngoài ra, trong giai đoạn đầu những năm 1950 - 1960 Hàn Quốc là một
quốc gia đang phát triển với thị trường vốn không hoàn hảo. Chính phủ cũng chưa
hoàn thiện được bộ máy, cơ chế cần thiết để vận hành thị trường vốn hiệu quả.
Trong hệ thống ngân hàng, các ngân hàng thương mại sẽ cấp tín dụng cho những
dự án an toàn trong khi sẽ hạn chế cho vay đối với các dự án có triển vọng mang
lại lợi nhuận tiềm năng cao nhưng lại nhiều rủi ro mặc dù những doanh nghiệp có
nhu cầu vốn trong các dự án này sẵn sàng trả lãi suất tín dụng ở mức cao hơn. Nếu
một quốc gia có thị trường vốn hoạt động hiệu quả thì các dự án này có thể được
tài trợ thông qua thị trường chứng khoán và nhà đầu tư có thể chia sẻ cả lợi nhuận
và rủi ro đối với doanh nghiệp khi tiến hành đầu tư mở rộng các dự án tiềm năng.
Do đó, qua các chính sách ưu đãi của Chính phủ Hàn Quốc phân phối tín dụng trực
tiếp cho các ngành và lĩnh vực ưu tiên được xem như một phương pháp đổi mới để
vượt qua rào cản về thị trường vốn không hoàn hảo của nước này.
3. Một số kinh nghiệm rút ra cho chính sách tín dụng hỗ trợ phát triển
các tập đoàn tư nhân Việt Nam
Các ưu đãi về chính sách tín dụng trong giai đoạn đầu của tiến trình công
nghiệp hoá, hiện đại hoá đã phát triển hình thành nên những tập đoàn kinh tế



Chaebol có quy mô và ảnh hưởng quốc tế trở thành động lực quan trọng thúc đẩy
phát triển nền kinh tế. Chiến lược của Chính phủ Hàn Quốc trong giai đoạn đầu khi
nguồn lực về vốn trong nền kinh tế còn hạn hẹp là tập trung nguồn vốn để cho vay
đối với các tập đoàn hoạt động trong các ngành công nghiệp ưu tiên và các doanh
nghiệp xuất khẩu. Tuy nhiên, Chính phủ sẽ chấm dứt cho vay ưu đãi đối với các
doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả và sẽ mở rộng cho vay ưu đãi đối với doanh
nghiệp hoạt động tốt tạo động lực khuyến khích các doanh nghiệp phải đổi mới
nâng cao hiệu quả đầu tư kinh doanh để nhận được ưu đãi tín dụng của Chính phủ.
Chính phủ Hàn Quốc tạo lập sự gần gũi và tăng cường hiệu quả của các chính sách
vào thực tiễn khi thường xuyên tổ chức các cuộc họp giữa lãnh đạo các tập đoàn và
Chính phủ để tiếp thu những khó khăn vướng mắc của các tập đoàn. Sau hơn 20
năm liên tục thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi đối với các tập đoàn kinh tế,
Chính phủ Hàn Quốc đã từng bước giảm thiểu các ưu đãi này từ những năm 1980,
bởi vì giai đoạn này, các tập đoàn kinh tế ở Hàn Quốc đã trở thành đầu tàu kinh tế
cùng với quy mô hoạt động đã dần mở rộng hoạt động ở nhiều quốc gia trên thế
giới, cán cân thương mại liên tục thặng dư. Đồng thời, Chính phủ Hàn Quốc cũng
nhận ra mặt trái của các chính sách tín dụng ưu đãi, khi Chính phủ luôn sẵn sàng
tháo gỡ cho các tập đoàn đang gặp khó khăn dẫn đến việc các tập đoàn kinh tế
ngày càng phụ thuộc vào Chính phủ, và đầu tư kém hiệu quả. Một khi các tập đoàn
kinh tế dựa vào tiền lệ trước đó là, giá như hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó
khăn thì Chính phủ sẽ tháo gỡ để tránh dẫn tới suy thoái kinh tế hay khủng hoảng
tài chính, hệ thống tài chính cũng sẽ khó phát triển do bị chi phối quá mức của
Chính phủ. Thay vào đó, từ những năm 1980 đến nay Chính phủ có chính sách ưu
đãi về tín dụng vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời từng bước tự do hoá
hệ thống tài chính thông qua việc: Cổ phần hoá các ngân hàng thương mại cổ phần
nhà nước, giảm thiểu các rào cản cho việc gia nhập vào hoạt động kinh doanh



trong ngành Tài chính ngân hàng, từng bước giảm dư nợ các khoản cho vay tín
dụng ưu đãi đối với các Chaebol.
Thực tế, tại Việt Nam đã có các chính sách phát triển các tập đoàn kinh tế
nhà nước để trở thành động lực cho nền kinh tế. Tuy nhiên, việc các tập đoàn kinh
tế Nhà nước hoạt động hiệu quả thấp làm giảm động lực đổi mới sáng tạo hơn so
với các tập đoàn kinh tế tư nhân, bởi với tư nhân thì họ luôn có những phương án
nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, hiệu quả hơn vì họ chính là người được
hưởng lợi ích và chịu trách nhiệm trực tiếp với kết quả kinh doanh đó. Tương đồng
với Hàn Quốc những năm 1960 - 1980 là thị trường vốn của Việt Nam hiện nay
chưa hoàn hảo, kém phát triển và nguồn vốn hỗ trợ cho đầu tư kinh doanh vẫn chủ
yếu qua kênh vay nợ từ hệ thống ngân hàng. Cụ thể, huy động vốn qua thị trường
chứng khoán trong năm 2019 đạt 313.900 tỉ đồng thấp hơn nhiều so với dư nợ tín
dụng khoảng 8 triệu tỷ đồng tính đến tháng 10/2019 trong hệ thống ngân hàng. Do
đó, chính sách tín dụng vẫn là một công cụ hiệu quả và tác động lớn trong việc
phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân tại Việt Nam trong bối cảnh thị trường vốn
của Việt Nam mới phát triển ở giai đoạn đầu. Thực tiễn cho thấy, Việt Nam cần
thiết hình thành và tạo cơ chế ưu đãi cho các tập đoàn kinh tế tư nhân phát triển
mạnh vì nhìn chung các doanh nghiệp tập đoàn quy mô lớn sẽ có năng suất lao
động, khoa học công nghệ hơn so với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Từ đó, năng
suất lao động chung của nền kinh tế sẽ tăng lên cùng với sự phát triển của các tập
đoàn kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, bên cạnh các chính sách tín dụng ưu đãi đối với
các tập đoàn kinh tế tư nhân thì vai trò giám sát đối thoại với các lãnh đạo tập đoàn
kinh tế thường xuyên qua các cuộc họp hàng tháng để tháo gỡ các khó khăn, tạm
dừng hoặc giảm cho vay ưu đãi đối với các tập đoàn kinh tế làm ăn kém hiệu quả
là điều cần thiết theo kinh nghiệm của Hàn Quốc. Do đó, việc tăng cường giám sát
đối thoại thường xuyên với các tập đoàn kinh tế để có giải pháp tháo gỡ khó khăn,


giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế và hệ thống tài chính là vấn
đề thiết thực hiện nay đối với các cơ quan hoạch định chính sách Việt Nam. Cuối

cùng, lộ trình thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi để ưu tiên nguồn vốn tín dụng
phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân trong giai đoạn đầu cải cách kinh tế, sau đó
sẽ giảm dần các ưu đãi này và thay vào đó là hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng
với chính sách tự do hoá thị trường tài chính của Hàn Quốc là bài học cho Việt
Nam trong quá trình công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước.
Tài liệu tham khảo
Joon Kyung Kim và Chung H. Lee (2007). The Political Economy of Government,
Financial System, and the Chaebols before and after the 1997 Financial Crisis in
Korea.
/>%20Korea.pdf
Yoon Je Cho (2002). Financial Repression, Liberalization, Crisis and
Restructuring: Lessons of Korea’s Financial Sector Policies. ADB Institute
Research Paper, No 47.
/>


×