LÝ LUẬN CHUNG VỀ NĂNG LỰC ĐẤU THẦU CỦA CÁC
DOANH NGHIỆP XÂY LẮP
I. VAI TRÒ CỦA ĐẤU THẦU ĐỐI VỚI CÁC DOANH NGHIỆP XÂY
LẮP
1. Khái niệm chung về đấu thầu:
Trong nền kinh tế thị trường, hầu như không tồn tại sự độc quyền trong
sự cung cấp cho bất kỳ một loại hàng hóa hay dịch vụ nào trừ một số loại hàng
hóa đặc biệt ví dụ như quốc phòng. Có rất nhiều nhà sản xuất, nhiều nhà cung
cấp một loại hàng hóa và dịch vụ. Cũng trong nền kinh tế thị trường, người tiêu
dùng bao gồm cả các nhà đầu tư và gọi chung là người mua, luôn mong muốn
có được hàng hóa và dịch vụ tốt nhất với chi phí thấp nhất. Do đó, mỗi khi
người mua có nhu cầu mua sắm một loại hàng hóa hay dịch vụ nào đó họ
thường tổ chức các cuộc đấu thầu cho các nhà thầu, gồm các nhà cung cấp hàng
hóa và dịch vụ, cạnh tranh với nhau về giá cả, công nghệ, kỹ thuật và chất
lượng. Trong các cuộc đấu thầu ấy, nhà thầu nào đưa ra được mẫu hàng hóa và
dịch vụ đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người mua thì sẽ được chấp nhận trao hợp
đồng. Tùy theo nhu cầu sử dụng mà người mua sẽ đưa ra các yêu cầu về chất
lượng hàng hóa, yêu cầu về kỹ thuật, thời hạn thanh toán, phương thức thanh
toán và các yêu cầu khác của hợp đồng. Như vậy, không phải khi nào người
mua cũng yêu cầu chất lượng hàng hóa và dịch vụ tốt nhất. Nhà thầu căn cứ vào
những thông tin trong đề nghị chào hàng để gửi hồ sơ dự thầu đến cho người
mua. Nếu trong trường hợp có quá nhiều đơn dự thầu cùng đáp ứng các yêu cầu
của người mua thì nhà thầu nào có mức giá chào hàng thấp nhất sẽ được chọn
để trao hợp đồng.
Như vậy: Đấu thầu là phạm trù kinh tế tồn tại trong nền kinh tế thị trường
trong đó người mua đóng vai trò tổ chức để các nhà thầu ( những người bán )
cạnh tranh với nhau. Mục tiêu của người mua là có được hàng hóa dịch vụ thỏa
mãn các yêu cầu của mình về kỹ thuật, chất lượng và chi phí thấp nhất. Mục tiêu
của nhà thầu là giành quyền cung cấp hàng hóa và dịch vụ đó với giá cả bù đắp
các chi phí đầu vào đồng thời đảm bảo mức lợi nhuận cao nhất có thể. Hay có
thể hiểu ngắn gọn “Đấu thầu là quá trình lựa chọn nhà thầu đáp ứng được các
yêu cầu của bên mời thầu trên cơ sở cạnh tranh giữa các nhà thầu”
Qua các khái niệm trên chúng ta có thể thấy được bản chất của đấu thầu
là quá trình mua bán đặc biệt trong đó người mua ( bên mời thầu ) có quyền lựa
chọn cho mình người bán ( nhà thầu ) tốt nhất một cách công khai . Một số
người có sự nhầm lẫn và đồng nhất giữa “đấu thầu” và “đấu giá” là một. “Đấu
thầu” xảy ra trong trường hợp cung người bán > cầu người mua. “Đấu giá” là
một cuộc đấu do người bán đứng ra tổ chức để người mua cạnh tranh với nhau
về giá một cách công khai tại một thời điểm nhất định. Người mua nào có giá
cao nhất sẽ là người chiến thắng và giành được quyền mua hàng hóa đó.
2. Một số khái niệm liên quan:
Để hiểu rõ hơn khái niệm đấu thầu chúng ta làm rõ hơn một số khái niệm
liên quan chặt chẽ với khái niệm đấu thầu. Theo quy chế đấu thầu :
• “Bên mời thầu” là chủ dự án, chủ đầu tư hoặc pháp nhân đại diện hợp
pháp của chủ dự án, chủ đầu tư được giao trách nhiệm thực hiện công
việc đấu thầu.
• “Nhà thầu” là cá nhân, tổ chức kinh tế trong và ngoài nước có đủ điều
kiện để tham gia thực hiện và ký kết hợp đồng. Nhà thầu phải đảm bảo
về sự độc lập tài chính của mình. Trong đấu thầu xây lắp, Nhà thầu là
nhà xây dựng. Nhà thầu có thể tham dự thầu độc lập hay liên doanh với
các nhà thầu khác.
• “Nhà thầu phụ” là những đơn vị được thuê để thực hiện từng phần công
việc hoặc hạng mục công trình vì nhiều lý do, trong đó thường là những
công việc đòi hỏi những kỹ năng kỹ xảo đặc biệt cụ thể nào đó. Nhà thầu
phụ có thể được chủ đầu tư hoặc nhà thầu chính chọn, nhưng cần được
sự nhất trí giữa chủ đầu tư và nhà thầu chính.
• “Gói thầu” là toàn bộ dự án hay một phần công việc của dự án, được chia
theo tính chất kỹ thuật hoặc trình tự thực hiện dự án, có quy mô hợp lý
và đảm bảo tính đồng bộ của dự án. Trong trường hợp mua sắm, gói thầu
cá thể là một hoặc một loại đồ dùng, trang thiết bị hoặc phương tiện. Gói
thầu được thực hiện theo một hoặc nhiều hợp đồng ( khi gói thầu được
chia thành nhiều phần )
• “Hồ sơ mời thầu” là toàn bộ tài liệu do bên mời thầu lập, bao gồm các
yêu cầu cho một gói thầu được dùng làm căn cứ để nhà thầu chuẩn bị hồ
sơ dự thầu và bên mời thầu đánh giá hồ sơ dự thầu.
• “Hồ sơ dự thầu” là các tài liệu do nhà thầu lập theo yêu cầu của hồ sơ
mời thầu.
• “Giá gói thầu” là giá được xác định cho từng gói thầu trong kế hoạch đấu
thầu của dự án trên cơ sở tổng mức đầu tư hoặc tổng dự toán, dự toán
được duyệt.
• “Giá dự thầu” là giá do nhà thầu ghi trong hồ sơ dự thầu sau khi đã trừ
phần giảm giá ( nếu có ) bao gồm toàn bộ các chi phí cần thiết để thực
hiện gói thầu.
3. Vai trò của đấu thầu với các doanh nghiệp xây lắp.
Để thực hiện được các công việc của quá trình xây dựng cơ bản chủ đầu
tư có thể lựa chọn các phương thức: tự làm, giao thầu hoặc đấu thàu. So với các
phương thức tự làm và phương thức giao thầu, phương thức đấu thầu có những
ưu điểm nổi bật, mang lại lợi ích to lớn cho cả chủ đầu tư và cả các nhà thầu.
Mục tiêu của đấu thầu là nhằm thức hiện tính cạnh tranh công bằng, minh bạch
trong quá trình đấu thầu để lựa chọn được nhà thầu thích hợp đảm bảo cho lưoij
ích kinh tế của dự án. Đấu thầu có vai trò hết sức to lớn đối với các daonh
nghiệp xây lắp, chủ đầu tư và đối với cả Nhà Nước.
3.1.Đối với chủ đầu tư:
Đấu thầu giúp cho chủ đầu tư lựa chọn được nhà thầu đáp ứng được các
yêu cầu dự án của mình với chi phí hợp lý nhất và chất lượng cao nhất.
Đấu thầu giúp thực hiện có hiệu quả yêu cầu về xây dựng công trình, tiết
kiệm vốn đầu tư, thực hiện và đảm bảo đúng tiến độ công trình.
Hình thức đấu thầu giúp chủ đầu tư tăng cường quản lý vốn đầu tư, tránh
thất thoát, lãng phí vốn.
Thực hiện dự án theo phương thức đấu thầu giúp chủ đầu tư chủ động,
tránh được tình trạng phụ thuộc vào nhà xây dựng trong xây dựng công
trình .
Đấu thầu tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng và lành mạnh giữa các đơn
vị xây dựng.
3.2. Đối với các nhà thầu.
Đấu thầu tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà thầu. Do
đó nhà thầu muốn thắng thầu phải tự nâng cao năng lực, năng suất chất
lượng sản phẩm của mình.
Đấu thầu giúp phát huy tối đa tính chủ động, tích cực trong việc tìm kiếm
các thông tin về công trình mời thầu, về chủ đầu tư, về các cơ hội tham
dự đấu thầu.
Đấu thầu tạo cơ hội cho các nhà thầu khẳng định vị thế của mình trên thị
trường, chứng minh khả năng, ưu thế của doanh nghiệp trước đối thủ
cạnh tranh.
Đấu thầu giúp nhà thầu đầu tư có trọng điểm giúp nâng cao năng lực và
công nghệ, hoàn thiện các mặt quản lý, nâng cao năng lực của đội ngũ
cán bộ.
Đấu thầu còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với các nhà thầu mới
xuất hiện trong thị trường vì nếu thành công sẽ mang lại cơ hội để phát
triển.
3.3. Đối với Nhà Nước.
Trong điều kiện xây dựng nền kinh tế mở, với nhiều công trình có quy
mô lớn, yêu cầu kỹ thuật phức tạp, đấu thầu là phương thức hiệu quả để
xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đáp ứng được yêu cầu của đất nước.
Đấu thầu còn được xem như một phương pháp quản lý dự án có hiệu quả
nhất, được xem như là nguyên tắc trong quản lý dự án của Nhà Nước.
Đấu thầu là phương thức phù hợp với thông lệ quốc tế nó tạo ra môi
trường thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường xây
dựng Việt Nam.
Công tác quản lý Nhà nước về đấu thầu trong xây dựng ngày càng hoàn
thiện góp phần chống tham nhũng đồng thời tạo ra môi trường tốt nhất
cho các doanh nghiệp hoạt động.
4. Các loại hình đấu thầu.
Để đạt được mục tiêu của công tác đấu thầu là tạo ra sự cạnh tranh, công
bằng, minh bạch và đạt hiệu quả kinh tế, trên cơ sở đặc thù về hàng hóa và
dịch vụ cần mua, hoạt động đấu thầu được chia làm 3 lĩnh vực chủ yếu :
4.1. Đấu thầu tuyển chọn tư vấn.
Trong đầu tư để thực hiện tốt tất cả các quá trình từ bước xác định dự án,
chuẩn bị báo cáo tiền khả thi , báo cáo nghiên cứu khả thi đến tổ chức thực hiện
giám sát quá trình xây dựng,… cần có đội ngũ chuyên gia có kinh nghiệm và có
đủ kiến thức về khoa học kỹ thuật hiện đại trên thế giới để làm công tác tư vấn,
phục vụ cho các quá trình này. Do đó, nhà tài trợ trong quá trình đấu thầu
thường yêu cầu chủ đầu tư tổ chức đấu thầu tuyển chọn tư vấn của các chuyên
gia bao gồm các công việc :
Tư vấn chuẩn bị đầu tư:
+ Lập báo cáo nghiên cứu khả thi.
+ Thẩm định các báo cáo nghiên cứu khả thi.
Tư vấn thực hiện đầu tư :
+ Lập thiết kế, tổng dự toán và dự toán
+ Thẩm định thiết kế và tổng dự toán
+ Lập hồ sơ mời thầu, đánh giá và xếp hạng nhà thầu
Các tư vấn khác :
+ Vận hành trong thời gian đầu