ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
_________________oOo________________
TIỂU LUẬN CUỐI KỲ
Đề bài: khảo sát mô hình một số tòa soạn hiện tại, trình bày cơ cấu tổ
chức và mô hình hoạt động của tòa soạn truyền thống ở những đơn vị
mà mình khảo sát. Đề xuất mô hình hoạt động của các cơ quan báo chí
trong tương lai trước sự vận động và xu thế thời đại của hoạt động
báo chí truyền thông.
Môn học:
Giảng viên:
Hệ đào tạo:
Năm học: 2019-2020
Hà Nội – 2019
LỜI MỞ ĐẦU
Trong thời đại bùng nổ thông tin, sự tồn tại của báo chí là vô cùng thiết
yếu nhằm cung cấp cho bạn đọc nhiều thông tin cần thiết, quan trọng
trong cuộc sống.
Nhìn lại lịch sử hình thành báo chí, ý nghĩa và vai trò của báo chí đã
thay đổi rất nhiều cho đến ngày nay. Nếu sự tồn tại của báo chí là quan
trọng thì việc duy trì, tổ chức một tòa soạn báo sẽ là công việc đòi hỏi sự
đầu tư, liên tục đổi mới để bắt kịp với xu thế trên thế giới.
Mỗi một tòa soạn lại có những cách tổ chức khác nhau, tuy nhiên về mặt
cốt lõi chúng sẽ có những cấu tạo chung nhất, làm nền tảng cho sự sáng
tạo của từng tòa soạn riêng.
Trong bài tiểu luận này, cơ cấu tổ chức và mô hình hoạt động của 3 tờ
báo Nhân dân, Lao động, Tiền Phong sẽ lần lượt được khảo sát để từ đó
rút ra một cơ cấu tổ chức và mô hình truyền thống giữa các báo, đồng
thời đề xuất một số mô hình hoạt động mới, cập nhật xu thế và có tiềm
năng phát triển trong tương lai.
MỤC LỤC
CHƯƠNG I: CƠ SỞ LÝ LUẬN
Khái niệm tòa soạn báo chí
Tòa soạn xuất phát từ tiếng Latinh: Redactús; tiếng Pháp: Redaction;
tiếng Nga: редакция đều có hai ý nghĩa chính. Thứ nhất có nghĩa là biên
tập, tu chỉnh, gọt dũa. Thứ hai có nghĩa là sắp đặt, sắp xếp, nề nếp, tật tự
quy củ. Tùy thuộc vào tính huống cụ thể để hiểu các ý nghĩa trên. Thông
thường ý nghĩa thứ nhất để chỉ công tác biên tập và ý nghĩa thứ hai để
chỉ các cơ quan thông tin đại chúng như báo in, phát thanh, truyền hình,
hãng thông tấn, v.v...
1.1.
Có những quan niệm khác nhau về tòa soạn báo chí. Ở các nước tư bản,
tòa soạn được cho rằng cũng tương đương như các nhà máy, xí nghiệp,
là nơi “chế biến” các sự kiện thành tin tức để mang lại lợi nhuận kinh tế
và uy tín chính trị.
V.I. Lênin khái quát tòa soạn báo và báo chí nói chung là người tuyên
truyền tập thể, cổ động tập thể và tổ chức tập thể. Tòa soạn báo là dàn
nhạc giao hưởng, còn số báo là bản nhạc do chính dàn nhạc giao hưởng
đó chơi.
Ở Việt Nam, cách hiểu về tòa soạn cũng chưa thống nhất. Trong luật sửa
đổi, bổ sung một số điều của Luật báo chí tháng 6-1999 không đề cập
đến khái niệm “tòa soạn báo” mà chỉ cho rằng: “Cơ quan báo chí là cơ
quan thực hiện một loại hình báo chí. Báo in, báo nói, báo hình, báo điện
từ, v.v...”. Cho đến bản cập nhật năm 2016, cũng vẫn chưa bổ sung điều
luật nào đề cập đến khái niệm “tòa soạn báo” mà chỉ có mục 2, chương
III có các điều luật về cơ quan báo chí.
Một số tác giả khác thì cho rằng “Tòa soạn - công việc chính là biên tập,
tổ chức trang” hoặc “Trong bất kì một cơ quan báo chí nào dù nhỏ hay
lớn, báo ngành, báo địa phương hay báo trung ương, tòa soạn bao giờ
cũng là ban chuyên môn được tổng biên tập quan tâm nhất. Nếu so sánh
ban biên tập như bộ não thì tòa soạn chính là trái tim của cơ thể báo chí.
Tất cả mọi tin, bài, tranh, ảnh,... từ các ban chuyên môn, từ bạn đọc, các
chỉ thị, nghị quyết của Trung ương và địa phương, các tin tức từ nước
ngoài đều đổ về tòa soạn để từ đó được chọn lọc, biên tập, tổ chức, thiết
kế thành tờ báo hoàn chỉnh”.
Cũng có ý kiến lại cho ràng, tòa soạn, tòa báo, trụ sở báo hay cơ quan
báo chí có ý nghĩa như nhau, chỉ khác về cách gọi.
Từ các quan điểm trên, theo tác giả Đinh Văn Hường viết trong cuốn Tổ
chức và hoạt động của tòa soạn, định nghĩa tương đối về “tòa soạn”
được đưa ra như sau: Tòa soạn báo chí là cơ quan do Đảng, chính quyền,
các tổ chức và đoàn thể xã hội lập ra để xuất bản báo chí theo quy định
của pháp luật. Đó là cơ quan ngôn luận của một tổ chức nhất định, thực
hiện tôn chỉ, mục đích nhiệm vụ do tổ chức đó đặt ra bằng những
phương tiện và biện pháp đặc biệt.
Ở nước ta, bất kỳ một tờ báo, tạp chí, đài phát thanh, vô tuyến truyền
hình, hãng thông tấn, báo trực tuyến,... đều do tổ chức Đảng, Nhà nước,
chính quyền hay tổ chức đoàn thể xã hội lập ra để thực hiện mục đích,
tôn chỉ và nhiệm vụ của tổ chức đó đặt ra. Ở Việt Nam không có báo chí
tư nhân nên tổ chức Đảng, chính quyền, tổ chức và đoàn thể xã hội là cơ
quan chủ quản của từng tòa soạn báo chí cụ thể.
Như vậy, các tòa soạn báo chí nước ta vừa thực hiện mục đích, tôn chỉ,
nhiệm vụ của từng tổ chức, cơ quan cụ thể, vừa thực hiện tôn chỉ, mục
đích chung “báo chí là tiếng nói của Đảng, của nhà nước, của các tổ
chức chính trị, đoàn thể xã hội và là diễn đàn nhân dân...”
CHƯƠNG II: CƠ CẤU TỔ CHỨC VÀ MÔ HÌNH HOẠT ĐỘNG
CỦA TÒA SOẠN BÁO NHÂN DÂN, LAO ĐỘNG VÀ TIỀN
PHONG
“Muốn biết ý Đảng - đọc báo Nhân Dân, muốn biết lòng dân - đọc báo
Lao Động”. Khảo sát được tiến hành trên 3 báo, trong đó có 2 báo Nhân
Dân và báo Lao Động là 2 tờ báo vô cùng nổi tiếng, có uy tín trong lịch
sử nước ta. Một báo nữa là báo Tiền Phong, đại diện cho tiếng nói tuổi
trẻ cả nước.
2.1. CƠ CẤU TỔ CHỨC VÀ MÔ HÌNH HOẠT ĐỘNG CỦA TÒA
SOẠN BÁO NHÂN DÂN
2.1.1. Thông tin tòa soạn và lịch sử hình thành
Báo Nhân dân do Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập. Cơ quan chủ quản
của báo Nhân dân là Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, báo được
đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên của Bộ Chính trị, Ban Bí
thư, có chức năng là cơ quan ngôn luận Trung ương của Đảng Cộng sản
Việt Nam, tiếng nói của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam; ngọn
cờ chính trị - tư tưởng của Đảng trên mặt trận báo chí nước ta; cầu nối
giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.
Báo Nhân Dân, Cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam,
Tiếng nói của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, ra số đầu ngày
11-3-1951 tại Chiến khu Việt Bắc trong cuộc kháng chiến chống thực
dân Pháp.
Báo Nhân Dân kế tục truyền thống báo Thanh Niên do Chủ tịch Hồ Chí
Minh sáng lập ngày 21-6-1925 và các báo Tranh Đấu, Dân Chúng, Cờ
Giải Phóng, Sự Thật.
Báo Nhân Dân có quan hệ hữu nghị, hợp tác, trao đổi kinh nghiệm
nghiệp vụ với nhiều báo trên thế giới.
Trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và
trong sự nghiệp đổi mới xây dựng nước Việt Nam vì "Dân giàu, nước
mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh", báo Nhân Dân luôn có mặt
trên những trận tuyến nóng bỏng bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, là tiếng
nói của Đảng, Nhà nước, đồng thời là diễn đàn tin cậy của nhân dân.
Trong gần 30 năm Đổi mới do Đảng CS Việt Nam phát động từ Đại hội
VI năm 1986, báo Nhân Dân đã tuyên truyền, cổ vũ việc thực hiện
đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước,
phản ánh tâm tư, nguyện vọng, sáng kiến và ý chí của các tầng lớp nhân
dân, tham gia tổng kết thực tiễn, hoàn thiện đường lối Đổi mới.
2.1.2 Cơ cấu tổ chức và mô hình hoạt động của tòa soạn báo Nhân
dân.
2.1.2.1 Cơ cấu tổ chức của tòa soạn Báo Nhân Dân:
Tổng biên tập hiện tại của Báo Nhân Dân là ông Thuận Hữu.
Phó Tổng Biên tập phụ trách: Đinh Như Hoan, Lê Quốc Khánh.
Trụ sở Bộ biên tập được đặt tại địa chỉ: 71 Hàng Trống - Hà Nội.
Cơ cấu tổ chức của Báo Nhân Dân gồm 25 đầu mối là các ban biên tập
chuyên môn, các vụ và đơn vị sau đây:
- Ban Xây dựng Đảng.
- Ban Chính trị - Xã hội.
- Ban Kinh tế - Công nghiệp.
- Ban Nông nghiệp.
- Ban Khoa giáo.
- Ban Văn hoá - Văn nghệ.
- Ban Quốc tế.
- Ban Bạn đọc.
- Ban Nhân Dân điện tử.
- Ban Nhân Dân cuối tuần.
- Ban Nhân Dân hằng tháng.
- Ban Thư ký - Biên tập.
- Ban Quản lý phóng viên thường trú.
- Cơ quan thường trực tại Thành phố Hồ Chí Minh.
- Cơ quan thường trực tại Đà Nẵng.
- Cơ quan thường trực tại Cần Thơ.
- Cơ quan thường trú tại Pháp.
- Cơ quan thường trú tại Trung Quốc.
- Cơ quan thường trú tại Thái Lan.
- Ban Trị sự.
- Phòng Tư liệu - Thư viện.
- Vụ Tổ chức - Cán bộ.
- Nhà in Báo Nhân Dân tại Hà Nội.
- Nhà in Báo Nhân Dân tại Thành phố Hồ Chí Minh.
- Nhà in Báo Nhân Dân tại Đà Nẵng.
Các ban, vụ, cơ quan thường trực có cán bộ cấp vụ trưởng là thủ trưởng
và một số phó vụ trưởng. Các cơ quan thường trú ngoài nước có thủ
trưởng cơ quan (không nhất thiết phải là cấp vụ).
Các nhà in tự chủ sản xuất kinh doanh, hạch toán độc lập, thực hiện biên
chế và quỹ tiền lương theo những quy định đối với doanh nghiệp nhà
nước. Về cán bộ, Ban Biên tập quản lý ba chức danh giám đốc, phó
giám đốc, kế toán trưởng.
Ngoài cơ cấu tổ chức như trên, Báo Nhân Dân được thành lập bộ phận
bổ trợ xuất bản (phát hành báo, kinh doanh các ấn phẩm, khai thác
quảng cáo...).
Khi cần điều chỉnh, bổ sung cơ cấu tổ chức, Báo Nhân Dân thống nhất
với Ban Tổ chức Trung ương và báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
2.1.2.2. Mô hình hoạt động của tòa soạn báo nhân dân
Báo chủ yếu phát hành dài hạn đến hệ thống chi bộ. Và được bán ở các
sạp báo. Báo Nhân Dân cùng với Tạp chí Cộng sản là hai cơ quan ngôn
luận chủ chốt của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đối tượng đọc Báo Nhân
Dân là cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Chỉ thị 11 yêu cầu các chi bộ đảng phải mua, đọc và làm theo báo đảng
này đã được đưa vào thực hiện được 15 năm (tính tới thời điểm năm
2012). Việc chỉ thị này do chính Bộ chính trị ban hành chứng tỏ đảng
Cộng sản rất đề cao vai trò của báo Nhân Dân trong hệ thống Chính trị
Việt Nam. Gồm những ấn phẩm sau đây:
•
•
•
•
•
•
Báo ngày, tức Nhật báo
Báo Nhân Dân dạng điện tử
Báo Nhân Dân cuối tuần
Báo Nhân Dân hàng tháng
Báo Thời Nay
Kênh truyền hình Nhân Dân
2.2. CƠ CẤU TỔ CHỨC VÀ MÔ HÌNH HOẠT ĐỘNG CỦA TÒA
SOẠN BÁO LAO ĐỘNG.
2.2.1. Thông tin tòa soạn và Lịch sử hình thành
Lao Động là tờ báo của giai cấp công nhân và lao động Việt Nam, là cơ
quan ngôn luận của Tổng Công hội đỏ, nay là Tổng Liên đoàn Lao động
Việt Nam, là tiếng nói của người lao động. Cơ quan chủ quản của báo
Lao động là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Đây là một trong
những tờ báo lâu đời nhất và có ảnh hưởng nhất trong hệ thống báo chí
truyền thông của chính quyền Việt Nam hiện tại.
Tòa soạn và trị sự của báo Lao động được đặt tại địa chỉ 51 Hàng Bồ, Hà
Nội. Trung tâm Kỹ thuật - Chế bản - Thư ký Tòa soạn đặt tại địa chỉ 169
Tây Sơn, Hà Nội.
Lịch sử báo Lao Động là tấm
gương phản ảnh lịch sử phong
trào công nhân và hoạt động
Công đoàn của cách mạng Việt
Nam qua 89 năm dưới sự lãnh
đạo của Đảng.
Báo Lao Động đã ra đời do lãnh
tụ Nguyễn Đức Cảnh thực hiện.
Vào ngày 28.7.1929 tại số 15 phố
Hàng Nón - Hà Nội, lúc đó là
Hiệu thuốc lào Thuận Mỹ, tại đây
đã diễn ra Hội nghị thành lập
Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ. Dự
hội nghị có bảy đại biểu do
Nguyễn Đức Cảnh chủ trì. Hội
nghị đã bầu Nguyễn Đức Cảnh
làm Hội trưởng lâm thời, quyết
định ra một tờ báo mang tên báo Lao Động, một tạp chí mang tên Công
hội Đỏ. Sau hội nghị, Nguyễn Đức Cảnh bắt tay ngay vào việc chuẩn bị
ra báo Lao Động. Địa điểm làm báo là một ngôi nhà nhỏ, được ngụy
trang để người làm báo tiện ẩn nấp, ở ngõ Thông Phong đầu phố Hàng
Bột, ngày nay là phố Tôn Đức Thắng.
Sự kiện năm 1929 báo Lao Động ra được 4 số đầu tiên là sự kiện lịch sử
có giá trị truyền thống sâu sắc. Sau một thời gian gián đoạn, theo yêu
cầu của Tổng Bí thư Trường Chinh, báo Lao Động tiếp tục được xuất
bản bí mật, do Tổng biên tập Nguyễn Văn Trân thực hiện. Từ cuối năm
1943 đến khởi nghĩa 19.8.1945 ra được 12 số. Cách mạng Tháng Tám
năm 1945 mở ra một trang đẹp rực rỡ trong lịch sử báo Lao Động: Báo
ra công khai.
Ngày 12.12.1946, báo Lao Động ra số 42, đó là số báo cuối cùng ở thủ
đô Hà Nội trước khi bước vào cuộc kháng chiến toàn quốc. Ngay sau đó,
xuất bản 200 số báo trong suốt 9 năm kháng chiến. Số báo đầu tiên ra
mắt công chúng Hà Nội trở lại là số 276 ngày 6.11.1954, gần một tháng
sau ngày giải phóng thủ đô. Từ đây bắt đầu một thập kỷ thịnh vượng của
lịch sử báo Lao Động. Báo liên tục ra tuần hai kỳ cho đến năm 1961 thì
ra tuần ba kỳ vào các ngày thứ ba, thứ năm, thứ bảy.
Năm 1962, báo Lao Động đã vào Nam tăng cường cho các hoạt động
Công đoàn giải phóng. Trong số đó có những người đã hy sinh vì sự
nghiệp giải phóng miền Nam.
Ngày 5.8.1964 giặc Mỹ đem tàu chiến khiêu khích ở Vịnh Bắc Bộ. Do
khó khăn chiến tranh, báo ra hai kỳ/tuần, thứ tư và thứ bảy nhưng hành
trình 1965 – 1975 là những năm báo Lao Động phát triển đến đỉnh cao
theo quan niệm báo chí vô sản. Sau ngày 30.4.1975, báo Lao Động từ số
nhà 51 - Hàng Bồ - Hà Nội chuyển lên các chuyến xe của Tổng Công
đoàn đi xuyên Việt vào phát hành trong thành phố Sài Gòn giải phóng.
Báo Lao Động trở thành một trong những tờ báo đứng ở hàng đầu cuộc
đấu tranh đổi mới báo chí.
Ngày 3.12.1989, số báo Lao Động Chủ nhật đầu tiên ra đời. Ngay trong
năm 1990 báo Lao Động Chủ nhật đã phát hành bình quân 80.000 bản
mỗi số. Ngày từ ngày 17.3.1991 Ban Thư ký Tổng Liên đoàn Lao động
Việt Nam đã họp, xem xét và ra quyết định số 198-QĐ-TLĐ xin phép
Nhà nước cho báo Lao Động ra hằng ngày.
Năm 2000, lần đầu tiên báo ra 5 kỳ/tuần. Năm 2001, lần đầu tiên Lao
Động ra 6 kỳ báo/tuần. Năm 2002, lần đầu tiên trong lịch sử hình thành
và phát triển, Báo Lao Động phát hành đúng nhịp độ báo ngày, liên tục
từ thứ hai đến chủ nhật – 7 kỳ báo/tuần trên toàn quốc.
Trước đó, ngày 19.5.1999 là một dấu mốc rất đáng nhớ của báo Lao
Động, báo đã hòa vào mạng thông tin điện tử toàn cầu với tên miền thân
thiện: www.Laodong.com (nay là www.Laodong.vn), trở thành tờ báo
điện tử đầu tiên của Việt Nam.
Trải qua 15 thời kỳ Tổng biên tập đến nay, Báo Lao Động đã đạt nhiều
danh hiệu cao quý và trở thành những tờ báo có số lượng phát hành và
lượng độc giả lớn hiện nay.
2.2.2. Cơ cấu tổ chức và mô hình hoạt động của tòa soạn báo Lao
động
2.2.2.1. Cơ cấu tổ chức của tòa soạn báo Lao động
Tên cơ quan: Báo Lao động.
Ban lãnh đạo của báo Lao động có 1 Tổng biên tập (Ông Nguyễn Ngọc
Hiển) và phó tổng biên tập phụ trách nội dung và phụ trách kinh doanh.
Tòa soạn được chia làm 2 ban chính: Ban Kinh doanh & Trị sự, Ban Nội
dung.
Trong Ban Kinh doanh & Trị sự thì gồm các phòng ban như: Văn phòng
(Hỗ trợ các vấn đề về giấy phép, điện nước, v.v…), Phòng tài chính
(chịu trách nhiệm về các lĩnh vực tài chính của tòa soạn), Phòng Quảng
cáo và phát hành (quản lý các vấn đề về quảng cáo và phát hành báo).
Ban Nội dung có các ban chuyên đề như thời sự, kinh tế, văn hóa, thể
thao, công đoàn, v.v...
Bên cạnh đó còn có một phòng Báo điện tử riêng, chịu trách nhiệm quản
lý bảo Lao động điện tử.
Hiện tại, báo Lao động có đội ngũ nhân sự với hơn 200 nhân viên làm
việc tại các phòng ban khác nhau. Bên cạnh nhân viên chính thức còn có
đội ngũ cộng tác viên, góp phần bổ sung, làm phong phú đề tài, tin bài
và giảm chi phí nhân sự.
2.2.2.2. Mô hình hoạt động của tòa soạn báo Lao động:
Báo Lao động hiện có 3 ấn phẩm chính:
• Báo Lao động.
• Lao động cuối tuần.
• Lao động điện tử.
Báo Lao động:
Báo Lao động là một tờ nhật báo, được xuất bản ở khổ giấy A3, gồm 8
trang, được phát hành từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần với số lượng phát
hành 75.000 bản/kỳ.
Đối tượng độc giả của báo khá rộng, từ tri thức, công nhân viên chức
đến người lao động, từ các cơ quan trung ương đến các địa phương. Số
lượng độc giả thường xuyên của Báo Lao động là 600.000 người.
Giá thành 1 tờ báo Lao động là 2.500 VNĐ.
Đây là một tờ báo cập nhật tin tức liên tục hàng ngày, về nội dung, Báo
có lượng tin bài phong phú trên các lĩnh vực Chính trị - Văn hóa - Xã
hội - Kinh tế, v.v…
Về hình thức, chỉ một số sang quảng cáo và trang nhất được in màu, còn
lại là in đen trắng.
Lao động cuối tuần:
Lao động cuối tuần là một trong những ấn phẩm của Báo Lao động,
dược phát hành cuối tuần. Báo được in 4 màu khổ A3 với 24 trang, trong
đó có 12 trang màu.
Báo Lao động cuối tuần có nhiều nội dung phong phú như Gặp gỡ cuối
tuần, Truyện ngán, Nhịp cầu du học, Khung cửa pháp luật, Doanh
nghiệp và doanh nhân, v.v...
Báo Lao động điện tử:
Đối tượng độc giả của báo tập trung chủ yếu tại các văn phòng, công sở
tại Việt Nam. Báo Lao động điện tử được truy cập dưới tên miền
“www.laodong.vn” với nhiều chuyên mục hấp dẫn, thú vị như thế thới,
xã hội, pháp luật, kinh doanh, bất động sản, văn hóa - giải trí, thể thao,
v.v...
Các hoạt động khác:
Ngoài việc xuất bản các ấn phẩm trên, báo Lao động cũng là đơn vị bảo
trợ cho nhiều hoạt động xã hội khác như Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động,
Văn phòng Lao động - Việc làm, Cuộc thi “Trí tuệ Việt Nam”.
2.3. CƠ CẤU TỔ CHỨC VÀ MÔ HÌNH HOẠT ĐỘNG CỦA TÒA
SOẠN BÁO TIỀN PHONG.
2.3.1. Thông tin tòa soạn và lịch sử hình thành
Báo Tiền phong do Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh
thành lập, là tiếng nói của tuổi trẻ cả nước. Cơ quan chủ quản của báo
Tiền Phong là Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.
Báo Tiền Phong Ra đời ngày 16-11-1953 tại chiến khu Việt Bắc. Ra đời
giữa thời điểm cuộc kháng chiến chín năm đang bước vào giai đoạn cao
trào, ngay từ những ngày đầu, báo Tiền Phong đã trở thành ngọn cờ tập
hợp lý tưởng, ý chí, sức trẻ của tuổi trẻ chiến khu Việt Bắc và cả nước,
chiến đấu hy sinh vì giải phóng dân tộc.
Những năm chống Mỹ, báo là cơ quan thông tin tuyên truyền ở tuyến
đầu trong việc truyền tải tinh thần nhiệm vụ xây dựng và đấu tranh
thống nhất đất nước, tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng,
Nhà nước, trở thành ngọn cờ tập hợp thanh niên, động viên hàng triệu
người trên các mặt trận.
Bản lĩnh tôi luyện qua kháng chiến đã trở thành mặt chân đế vững chắc
để Tiền Phong tiếp tục phát triển, làm tốt nhiệm vụ là cơ quan trung
ương của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Diễn đàn của tuổi trẻ cả nước
trong thời kỳ xây dựng và đổi mới đất nước. Báo đã bắt kịp rất nhanh
với công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo. Tờ báo đã từ
một đơn vị tuyên truyền bước tới mở rộng thêm nhiệm vụ và trách
nhiệm, trở thành một cơ quan truyền thông đúng nghĩa, thực sự trở thành
diễn đàn của tuổi trẻ, là tiếng nói đổi mới của Đoàn trong giáo dục lý
tưởng, động viên sức trẻ phát triển kinh tế và bảo vệ Tổ quốc.
Báo Tiền Phong đã tiên phong đi đầu, khởi xướng nhiều việc: Là tờ báo
ra số Chủ nhật đầu tiên của các tờ báo T.Ư; Sáng lập Quỹ khuyến khích
tài năng trẻ (năm 1987); Sáng lập Quỹ Đền ơn đáp nghĩa đầu tiên; Tổ
chức Cuộc thi hoa hậu đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất; Tổ chức
giải thể thao quốc gia lâu đời nhất – Giải Việt dã báo Tiền phong; Là tờ
báo đầu tiên ở Việt Nam thành lập Công ty…Tiền Phong không chỉ là tờ
báo có uy tín về nội dung, luôn đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực,
đấu tranh bảo vệ lẽ phải, bảo vệ công bằng, dân chủ, bảo vệ sự tiến bộ
và quyền lợi chính đáng của hàng triệu người… được hàng triệu độc giả
yêu quý mà còn là tờ báo làm tốt công tác xã hội sau mặt báo.
2.3.3. Cơ cấu tổ chức và mô hình hoạt động của tòa soạn báo Tiền
Phong
2.3.3.1. Cơ cấu tổ chức của tòa soạn báo Tiền Phong
Tổng biên tập hiện tại là ông Lê Xuân Sơn. Phó Tổng biên tập là ông Vũ
Tiến, Phùng Công Sưởng, Lê Minh Toản, Phạm Công Luận.
Trụ sở chính của tòa soạn được đặt tại địa chỉ số 15 phố Hồ Xuân
Hương, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Ngoài ra còn có các ban đại diện được đặt tại TPHCM, Đà Nẵng, Nghệ
An, Cần Thơ, Tây Nguyên.
2.3.3.2. Mô hình hoạt động của tòa soạn báo Tiền Phong
Tiền phong hiện là tờ báo có nhiều ấn phẩm nhất trong làng báo cả nước,
với:
• Báo giờ (Tiền Phong điện tử)
• Báo ngày (nhật báo Tiền Phong)
• Báo tuần (Tiền phong Chủ nhật)
• Nguyệt san (Người đẹp Việt Nam, Tri thức trẻ)
Tiền Phong hiện đang in đồng thời tại 5 điểm in trên cả nước: Hà Nội,
TPHCM, Đà Nẵng, Ban Mê Thuột, Nghệ An).
CHƯƠNG III: CƠ CẤU TỔ CHỨC VÀ MÔ HÌNH HOẠT ĐỘNG
CỦA TÒA SOẠN TRUYỀN THỐNG Ở 3 ĐƠN VỊ ĐƯỢC KHẢO
SÁT TRÊN
Tùy thuộc vào quy mô, vị trí và nhiệm vụ chính trị của từng loại hình
báo chí Trung ương, địa phương, các bộ, ngành và tổ chức đoàn thể xã
hội để thiết kế bộ máy tòa soạn phù hợp với điều kiện của cơ quan chủ
quản và chính tòa soạn đó. Nhìn chung, cơ cấu bộ máy tòa soạn báo
tương đối chuẩn, gồm 4 bộ phận sau:
• Ban lãnh đạo và quản lý tòa soạn có Ban biên tập, tổng biên tập,
các phó tổng biên tập, thư ký tòa soạn, các ủy viên.
• Các phòng ban chuyên môn của tòa soạn
• Các phòng ban chuyên môn với các phóng viên, biên tập viên,
nhân viên của các phòng ban đó.
• Bộ phận hành chính - dịch vụ.
• Bộ phận ngoài tòa soạn gồm các văn phòng đại diện, các phần xã,
các phóng viên thường trú, nhà in, v.v... trong và ngoài nước.
3.1. Ban lãnh đạo và quản lý tòa soạn có Ban biên tập, tổng biên tập,
các phó tổng biên tập, thư ký tòa soạn, các ủy viên.
3.1.2. Bộ, ban biên tập
Bộ, ban biên tập là đầu não của tòa soạn, đó là bộ phận lãnh đạo và quản
lý tòa soạn. Bộ, ban biên tập là một tổ chức do cơ quan chủ quản và tòa
soạn lập ra để bàn bạc và quyết định những vấn đề liên quan đến toàn bộ
hoạt động xuất bản các ấn phẩm báo chí của tòa soạn đó. (nguồn sách)
Thành phần Bộ, ban biên tập gồm tổng biên tập (tổng giám đốc, giảm
đốc), các phó tổng biên tập (phó giám đốc, phó tổng biên tập), một số
trưởng ban (phòng) quan trọng, thư ký tòa soạn và một số nhà báo có uy
tín. Tổng biên tập lãnh đạo trực tiếp bộ, ban biên tập.
3.1.3. Tổng biên tập (Tổng giám đốc, giám đốc)
Tổng biên tập là người đứng đầu cơ quan báo chí, trực tiếp lãnh đạo, tổ
chức và giáo dục tập thể tòa soạn, chăm lo củng cố khối đoàn kết nội bộ
và xây dựng mối liên hệ với quần chúng. Tổng biên tập chịu trách nhiệm
về chất lượng, nội dung chính trị và hình thức thể hiện của tờ báo.
Người đứng đầu cơ quan báo chí ở nước ta được pháp luật quy định về
chức danh, tiêu chuẩn, quyền hạn và trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước
và nhân dân, thể hiện sự quan tâm của xã hội về vị trí quan trọng này.
3.1.4. Phó tổng biên tập (Phó tổng giám đốc, phó giám đốc)
Đây là nhân vật quan trọng số hai trong tòa soạn. Số lượng phó tổng
biên tập nhiều hay ít hoặc không có, tùy thuộc vào quy mô, vị trí và
nhiệm vụ chính trị của từng tờ báo.
Ví dụ báo Nhân dân có từ 3 đến 4 phó tổng biên tập, báo Lao động có từ
2 đến 3 phó tổng biên tập. Như vậy, số lượng phó tổng biên tập ở các cơ
quan báo chí tùy thuộc cụ thể vào nhiệm vụ chính trị của từng tờ báo và
mang tính tương đối.
Phó tổng biên tập do cơ quan chủ quản bổ nhiệm trên cơ sở đề đạt của
tổng biên tập và được sự đồng ý bằng văn bản của các cơ quan chỉ đạo
và quản lý Nhà nước về báo chí.
Nhiệm vụ của phó tổng biên tập là giúp việc cho tổng biên tập. Thông
thường, tổng biên tập phụ trách chung, đối ngoại, tổ chức và phân công
các phó tổng biên tập phụ trách từng mảng công việc của tòa soạn và
chịu trách nhiệm trước tổng biên tập về các công việc đó. Tuy nhiên sự
phân công mảng công việc là tương đối vì tổng biên tập vẫn là người
quyết định cuối cùng.
3.1.5. Các phòng, ban chuyên môn của tòa soạn
Ban hay phòng về chức năng, nhiệm vụ như nhau nhưng có khác nhau
về mức độ. Thông thường những cơ quan báo chí lớn lập các Ban, còn
các cơ quan báo chí có quy mô nhỏ hơn thì lập các phòng, tiểu ban hoặc
chuyên trang. Ví dụ như báo Nhân dân lập các ban, trong ban có phòng,
tiểu ban, v.v...
Số lượng ban, phòng nhiều hay ít là do tổng biên tập và Bộ, ban biên tập
quyết định, tùy thuộc vào nhiệm vụ chính trị của cơ quan báo chí đó.
Tên gọi các Ban, phòng cũng do tổng biên tập và Bộ (ban) biên tập
quyết định, phù hợp với tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ của cơ
quan báo chí.
Các Ban (Phòng) đều mang tính chuyên ngành, chuyên môn như Ban
(Phòng) xây dựng Đảng, Ban Kinh tế, Ban quốc tế, Ban văn hóa - xã
hội, Bạn nội chính, v.v… Việc phân chia như vậy là để vừa chuyên sâu
từng lĩnh vực, vừa bao quát được các vấn đề xã hội khác nhau trên mặt
báo.
3.1.6. Ban thư ký
Sau bộ, ban biên tập thì ban thư ký đóng vai trò quan trọng nhất. Ban thư
ký chính là trung tâm của một tờ báo, là nơi kết nối các bộ phận khác
nhau của tờ báo, là nơi thể hiện rõ nhất ý đồ của bộ, ban biên tập. Do đó,
mối quan hệ giữa Ban thư ký và bộ, ban biên tập rất quan trọng, phải
luôn đồng điệu, thống nhất trong công việc.
Nhiệm vụ của Ban thư ký là giúp lãnh đạo tòa soạn xây dựng kế hoạch,
chọn lọc, xử lý, biên tập tin, bài, ảnh của phóng viên, cộng tác viên và
bạn đọc để tổ chức thành tờ báo hoàn chỉnh.
Ban thư ký tòa soạn là nơi hội tụ và quản lý những nguồn tin mới mẻ,
cập nhật và có giá trị nhất. Mọi thông tin đều tập trung về đây. Ban phải
chọn lọc, xử lý, biên tập bài, ảnh cho từng số báo.
3.1.7. Thư ký tòa soạn
Là nhân vật quan trọng nhất của Ban thư ký tòa soạn. Có thể gọi thư ký
tòa soạn, trưởng ban thư ký hoặc tổng thư ký tòa soạn tùy mỗi báo. Tài
liệu báo chí Pháp cho rằng, thư ký tòa soạn là cánh tay phải của tổng
biên tập. Tổng biên tập có thể thông qua thư ký tòa soạn để kiểm soát tờ
báo. Họ đòi hỏi thư ký tòa soạn phải có chuyên môn giỏi, dày dạn kinh
nghiệm, nhạy cảm chính trị, có khả năng thẩm định, đánh giá tin, bài,
ảnh về mặt thời sự, chính trị, văn học hiệu quả; đồng thời nắm rõ quá
trình ra số báo, thông hiểu cả về kỹ thuật in, làm maket, sửa chữa và
đính chính các lỗi trên mặt báo.
3.2. Các Ban, phòng hành chính - trị sự
Bộ phận mang tính hành chính, giúp việc cho bộ máy tòa soạn, đảm bảo
các điều kiện cần thiết cho tòa soạn hoạt động liên tục, hiệu quả. Đó là
các phòng, tổ: trị sự, tài vụ, quảng cáo, quản trị, phát hành, thư viện - lưu
trữ, tổ chức cán bộ, đội xe, văn thư, tổ điện, nước, tổ bảo vệ cơ quan,...
Các cán bộ, nhân viên ở các bộ phân này được tuyển dụng từ nhiều
nguồn khác nhau, phù hợp với công việc, họ không trực tiếp làm báo,
nhưng họ hiểu công việc của tòa soạn, là bộ phận quan trọng cấu thành
tòa soạn và đảm bảo mọi điều kiện để tòa soạn hoạt động bình thường.
3.3. Bộ phận ngoài tòa soạn
Đó là văn phòng đại diện, phóng viên thường trú trong và ngoài nước,
phân xã, nhà in, v.v…
Gọi là ngoài tòa soạn bởi đây là những bộ phận của tòa soạn, thuộc tòa
soạn nhưng được đặt ở các địa điểm khác nhau trong và ngoài nước. Ví
dụ như báo Nhân dân có hệ thống nhà in ở các tỉnh, thành phố trong
nước để in cùng lúc các ấn phẩm báo chí.
3.4. Kết luận
Có thể nói, cơ cấu tổ chức các tòa soạn báo là một bộ máy hoàn chỉnh,
thống nhất mang tính đặc thù. Ở đó có những người trực tiếp làm báo và
có những người không trực tiếp làm báo nhưng tất cả đều vì mục đích
chung là tòa soạn phải hoạt động nhịp nhàng, đồng bộ ấn phẩm báo chí
ra đúng định kỳ, đạt chất lượng và hiệu quả cao về tuyên truyền, cổ động
và tổ chức tập thể.
CHƯƠNG IV: KẾT LUẬN, ĐỀ XUẤT MÔ HÌNH HOẠT ĐỘNG
CỦA CÁC CƠ QUAN BÁO CHÍ TRONG TƯƠNG LAI
4.1. KẾT LUẬN
Như vậy, sau khi tiến hành khảo sát sơ bộ cơ cấu tổ chức và mô hình
hoạt động của 3 báo Nhân dân, Lao động, Tiền phong, có thể rút ra kết
luận rằng về cơ bản 3 báo trên vẫn đang duy trì cơ cấu tổ chức và mô
hình hoạt động theo kiểu truyền thống.
Ngày nay, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, báo chí
cũng đã tự mình đổi mới và có bước phát triển nhanh chóng được biểu
hiện qua các công tác chuyên môn như in ấn, phát hành, đa dạng sản
phẩm, tương tác với người dùng. Bên cạnh đó, báo chí cũng tích cực
tham gia vào các hoạt động cộng đồng, thiết lập phòng ban phục vụ cho
các mục đích xã hội khác.
Tính đến ngày 30/11/2019, có 850 cơ quan báo chí, trong đó có 179 cơ
quan báo, 648 tạp chí, 23 cơ quan báo chí điện tử độc lập; có 72 cơ quan
có giấy phép hoạt động phát thanh-truyền hình với 2 đài Quốc gia, 64
đài địa phương, 5 kênh truyền hình. Cả nước hiện có trên 41.000 người
đang công tác tại các cơ quan báo chí (cả 4 loại hình), trong đó có
20.407 trường hợp đã được cấp thẻ nhà báo.
Bộ Bưu chính – Viễn thông đã phối hợp với các cơ quan chức năng tăng
cường quản lý tần số phát thanh, truyền hình, Internet, mở rộng mạng
lưới phát hành báo chí và truyền dẫn thông tin.
4.2. ĐỀ XUẤT MÔ HÌNH HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC CƠ QUAN
BÁO CHÍ TRONG TƯƠNG LAI
4.2.1. Mô hình tòa soạn hội tụ
Mô hình “tòa soạn hội tụ” hay “đa phương tiện” đã trở thành biểu tượng
của sự phát triển và thay đổi mô hình tòa soạn báo chí và truyền thông
ngày nay. Mặt khác, sự phát triển mạnh mẽ của internet và xu hướng hội
tụ công nghệ cũng đã thúc đẩy sự phát triển mô hình tổ chức cơ quan
báo chí. Ngay từ năm 1978, giáo sư công nghệ truyền thông nổi tiếng
người Mỹ Nicholas Negroponte đã đưa ra khái niệm hội tụ. Điều đó cho
thấy, quá trình hội tụ trên thế giới đã diễn ra từ vài thập kỷ nay. Tuy
nhiên, đối với báo chí Việt Nam đây là vấn đề mới.
Trong thời đại hiện nay, việc phát triển truyền thông đa phương tiện là
xu thế tất yếu để đáp ứng nhu cầu thông tin của lớp công chúng mới.
Vấn đề xây dựng tòa soạn truyền thông đa phương tiện trong thời đại kỹ
thuật số không chỉ có ở Việt Nam mà là xu hướng chung của cả thế giới.
Đây có thể được coi là vấn đề thời sự của báo chí. Để có thể tiếp tục
khẳng định vị trí không thể thay thế trong xã hội, tôi nghĩ báo chí phải
liên tục cập nhật, tiếp cận được những thành tựu của khoa học, công
nghệ hướng tới xây dựng tòa soạn hội tụ và cơ quan báo chí đa phương
tiện.
Ở Việt Nam đã có một số cơ quan báo chí thành công trong việc xây
dựng tòa soạn hội tụ như Báo Công Thương - đơn vị đang trên bước
đường cải thiện, đổi mới rất mạnh mẽ. Bên cạnh tờ báo giấy Công
Thương được đầu tư kỹ lưỡng về nội dung và hình thức, làm nổi bật
được những vấn đề trọng tâm của đời sống kinh tế ngành Công Thương,
thì Báo Công Thương Điện tử đã có sự tiến bộ rõ nét với các Tọa đàm,
bản tin Chuyển động Công Thương.
Đối với báo in, báo điện tử, mục tiêu đến năm 2025, 100% người dân ở
vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo được tiếp cận báo in hoặc báo điện
tử phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu; giảm tỷ
lệ mất cân đối trong thụ hưởng các sản phẩm báo chí giữa khu vực thành
phố, thị xã và các vùng nông thôn, vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa,
đạt mức 60%/40%; sắp xếp đầu mối các cơ quan báo chí theo Quy hoạch
Phát triển và Quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025; tăng số lượng tạp
chí khoa học; 80% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa
soạn hội tụ, phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến
trên thế giới.
Kinh nghiệm của một số tòa soạn nổi tiếng trên thế giới cho thấy, một
trong những đặc điểm cơ bản nhất của tòa soạn hội tụ là từ sếp đến nhân
viên đều làm việc trên một mặt phẳng. Trong tòa soạn, các phóng viên
của các loại hình truyền thông khác nhau như truyền hình, phát thanh,
báo in, báo mạng điện tử cùng hợp nhất địa điểm làm việc trong một văn
phòng lớn, thay vì mỗi loại hình bố trí riêng rẽ một tầng hay một tòa nhà
riêng biệt.
Thực ra, ý tưởng về một văn phòng của tòa soạn hội tụ rất đơn giản, đó
là sự phá vỡ những rào cản giữa báo in, truyền hình, phát thanh và báo
mạng điện tử, từ đó tạo ra một hệ thống giao tiếp mở - nơi các nhà báo
có thể thu thập, xử lý thông tin ngay tại chỗ, sau đó thể hiện các bản tin
qua các phương tiện truyền thông khác nhau.
Theo ông David Brewer, chuyên gia tư vấn chiến lược truyền thông
(Vương quốc Anh), “việc xây dựng tòa soạn hội tụ không chỉ đơn giản là
việc sắp xếp lại vị trí làm việc mà còn là cấu trúc lại quy trình phối hợp
giữa các bộ phận trong tòa soạn. Thay vì lập kế hoạch độc lập để sản
xuất trên mỗi loại hình báo chí truyền thống như trước đây, tại tòa soạn
hội tụ, các biên tập viên sẽ cùng xây dựng một kế hoạch sản xuất từ
những gói thông tin nhất quán. Trong đó, có sự đánh giá, sắp xếp, phân
loại mức độ thể hiện và thời gian đăng tải thông tin trên từng loại hình
báo chí, sao cho phù hợp với tính quan trọng, sức ảnh hưởng của đề tài”.
Phương thức hoạt động trên cũng giúp giản lược hóa quá trình thu thập
thông tin, nhưng lại tăng tốc độ sản xuất và nâng cao chất lượng; đồng
thời tránh được sự trùng lặp, giúp giảm chi phí và tiết kiệm nguồn lực
cho tòa soạn.
Đồng thời, trong mô hình tổ chức tòa soạn hội tụ, sự xuất hiện của yếu
tố tương tác với công chúng là điều cần được quan tâm đặc biệt. Nó
không chỉ đáp ứng nhu cầu của công chúng, mà còn giúp phát triển mối
quan hệ của các cơ quan báo chí với công chúng.
Việc phát triển mô hình tòa soạn hội tụ sẽ đảm bảo chất lượng nội dung
thông tin trong tòa soạn được kiểm soát theo hướng tập trung.
4.2.2. Mô hình tòa soạn trực tuyến
Work from home hay làm việc tại nhà được xem là giải pháp công nghệ
tốt nhất cho các Doanh nghiệp trong lúc dịch viêm phổi cấp Covid-19
đang diễn biến phức tạp trong năm 2020. Và trong tương lai, không có
gì đảm bảo rằng một đại dịch hay một biến cố tương tự sẽ không xảy ra.
Do đó, “làm việc tại nhà” hay “tòa soạn trực tuyến” cũng có thể là một
giải pháp đáng để cân nhắc nhằm chuẩn bị tốt nhất cho những vấn đề có
thể xảy đến trong tương lai, cản trở việc suy trì hoạt động tại cơ quan
của tòa soạn.
Khái niệm làm việc từ xa đang dần trở nên phổ biến hơn trong thời kì
công nghệ phát triển. Trong khi nhiều nước trên thế giới đã áp dụng làm
việc từ xa (Đặc biệt là các lĩnh vực về công nghệ, kỹ thuật) thì các doanh
nghiệp ở Việt Nam vẫn còn nhiều e ngại.
Khi làm việc tại công ty, nhân viên tập trung, có cơ hội để trao đổi trực
tiếp với đồng nghiệp. Đồng thời, trách nhiệm khi thực hiện công việc tại
văn phòng cũng cao hơn bởi không gian và môi trường phù hợp hơn.
Mặc dù vậy, trong nhiều trường hợp, làm việc từ xa thực sự cần thiết.
Có thể bàn đến đặc thù công việc của báo chí là liên tục cập nhật, liên
tục đổi mới, và những câu chuyện xoay quanh “làm việc ngoài giờ” của
nhân viên tòa soạn đã không còn là điều gì mới lạ. Nếu có thể chuẩn hóa
một giải pháp để hạn chế giờ làm trực tiếp tại tòa soạn và kết hợp với
làm việc trên tòa soạn trực tuyến, rất nhiều vấn đề có thể được giải
quyết. Ví dụ như giảm lượng phương tiện phải tham gia, tăng cương
hiệu suất làm việc so thời gian gặp mặt giới hạn, thời gian làm việc trực
tuyến tăng lên cũng đồng nghĩa với việc cá nhân có nhiều không gian tự
do hơn, v.v…
Tuy nhiên nếu bàn về mặt tích cực thì làm việc trực tuyến cũng có
những mặt trái như mất tập trung trong giờ làm, hoặc giảm tương tác
trực tiếp giữa người và người.
Nhiều công ty công nghệ đã xây dựng những giải pháp hỗ trợ doanh
nghiệp giải quyết bài toán quản lý nhân sự trong trường hợp không làm
việc tập trung. Đây là nỗi lo ngại lớn nhất của nhà quản trị khi quyết
định nên hay không đưa ra chính sách cho phép làm việc từ xa. Do đó,
các tòa soạn hoàn toàn có thể tiến hành nghiên cứu phương án này trong
thời đại luôn đổi mới.