Ý kiến đề xuất nhằm đẩy mạnh hoạt động
cho vay đối với doanh nghiệp tại chi nhánh
NHNoPTNT Hà Tây
3.1. Định hướng trong hoạt động cho vay đối với doanh nghiệp
của NHNo&PTNT Hà Tây
Thực hiện phương châm hoạt động của hệ thống NHNo&PTNT Việt Nam
“Agribank mang phồn thịnh đến cho khách hàng”, NHNo&PTNT Hà Tây tiếp tục đổi
mới toàn diện hoạt động kinh doanh, phấn đấu giữ vững và nâng cao hơn nữa những
thành tựu đã đạt được trong thời gian qua. Từ những kết quả đã đạt ở trên, ngân hàng
đã xác định các mục tiêu chủ yếu nhằm định hướng cho hoạt động cho vay đối với
doanh nghiệp trong thời gian tới như sau:
- Tổng nguồn vốn huy động 6.080 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng 17%/năm, đảm bảo
đủ nguồn vốn để đáp ứng các nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp khi có đủ điều kiện
vay.
- Dư nợ tín dụng là 6.080 tỷ đồng, tăng trưởng với tốc độ 14%/ năm. Trong đó dư
nợ doanh nghiệp là 3.648 tỷ đồng, chiếm 60% tổng dư nợ. Tốc độ tăng trưởng dư nợ
doanh nghiệp vừa và nhỏ là 19%.
- Giữ vững và phát triển thị phần cho vay doanh nghiệp trên địa bàn. Phấn đấu
50% các doanh nghiệp trên địa bàn được tiếp cận vay vốn NHNo&PTNT Hà Tây. Tiếp
tục thực hiện sự chỉ đạo hoạt động tín dụng theo hướng doanh nghiệp (đặc biệt là
DNNQD) là nhóm khách hàng tiềm năng, là khách hàng mục tiêu trong chiến lược phục
vụ lâu dài.
- Tỷ lệ nợ xấu dưới 2%
- Cung cấp các sản phẩm, dịch vụ hiện đại cho khách hàng doanh nghiệp như: tín
dụng, bảo lãnh, thấu chi, dịch vụ ngoại tệ, chuyển tiền, thanh toán trong nước và quốc
tế, thẻ,…
- Tiếp tục làm tốt công tác điều tra, khảo sát các doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh
làm cơ sở để đẩy mạnh hoạt động cho vay đối với doanh nghiệp. Đồng thời tiếp tục chủ
động tìm đến các doanh nghiệp có tiềm năng để nắm bắt các nhu cầu về vốn, về các
dịch vụ, từ đó ngân hàng có giải pháp để đáp ứng kịp thời các nhu cầu đó của doanh
nghiệp.
3.2. Ý kiến đề xuất
Từ những mặt đã đạt được, hạn chế, nguyên nhân gây ra hạn chế trong hoạt động
cho vay đối với doanh nghiệp và định hướng hoạt động cho vay đối với doanh nghiệp
của NHNo&PTNT Hà Tây như trên, dưới đây em xin đề xuất một số ý kiến nhằm đẩy
mạnh hoạt động cho vay đối với doanh nghiệp của NHNo&PTNT Hà Tây như sau:
3.2.1. Nâng cao năng lực trình độ đội ngũ cán bộ tín dụng
Năng lực trình độ đội ngũ CBTD là một vấn đề then chốt ảnh hưởng quyết
định đến việc đẩy mạnh hoạt động cho vay đối với doanh nghiệp. Có thể khẳng định
rằng chất lượng cho vay không tốt nếu như ngân hàng có đội ngũ CBTD tồi. Ở
NHNo&PTNT Hà Tây có tới 62% cán bộ có trình độ là trung cấp, sơ cấp và đa phần
các CBTD được đào tạo trong thời kỳ bao cấp. Vì vậy việc đào tạo, đào tạo lại
CBTD và tuyển dụng CBTD mới nhằm nâng cao năng lực trình CBTD là nhiệm vụ
trọng tâm quan trọng cả trước mắt và lâu dài trong chiến lược đẩy mạnh hoạt động
cho vay đối với doanh nghiệp của ngân hàng.
Trong chiến lược đẩy mạnh hoạt động cho vay đối với doanh nghiệp đòi hỏi
CBTD vừa phải có kiến thức nội ngành - là những kiến thức thuộc về chuyên môn
trong hoạt động cho vay doanh nghiệp của ngân hàng, vừa phải có kiến thức ngoại
ngành - là tất cả những kiến thức thuộc các mảng kinh tế, tài chính, pháp luật, thị
trường… để khi tiếp cận doanh nghiệp CBTD đưa ra được những kết luận đúng đắn
về tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó giúp cho việc chấm điểm
xếp hạng doanh nghiệp được chính xác, công bằng và do đó sẽ giúp cho quá trình
thẩm định món vay, phê duyệt cho vay được chính xác, nhanh chónh và hiệu quả.
Như vậy, để việc đào tạo và đạo tào lại CBTD có hiệu quả và đảm bảo phù hợp
với điều kiện mình, NHNo&PTNT Hà Tây cần phải tiến hành như sau:
+ Trước hết cần khuyến khích tự học tới 100% CBTD: Với yêu cầu tự học, tự
cập nhật kiến thức mới là yêu cầu bắt buộc với tất cả các CBTD để tránh lạc hậu so
với tiến bộ đất nước. CBTD phải tự học qua các phương tiện thông tin đại chúng, tự
học qua tập san, tạp chí khoa học của ngành ngân hàng, tự học văn bản chế độ thể lệ
mới, chính sách pháp luật liên quan trực tiếp đến hoạt động cho vay doanh nghiệp.
+ NHNo&PTNT Hà Tây cần tăng cường tập huấn huấn nghiệp vụ cho CBTD
về quy trình nghiệp vụ, văn bản chế độ mới, kiến thức pháp luật liên quan đến hoạt
động cho vay đối với doanh nghiệp. Gửi cho CBTD các bài tập về nghiệp vụ cho
vay đối với doanh nghiệp để CBTD làm và gắn các nghiệp vụ đó với thực tiễn để
đánh giá điểm phù hợp, điểm không phù hợp và điều chỉnh kịp thời nhằm cung cấp
cho CBTD những kỹ năng, kỹ xảo trong hoạt động cho vay doanh nghiệp.
+ Khuyến khích các CBTD có điều kiện về thời gian, có hiệu quả trong công
tác nâng cao trình độ của họ bằng cách cử họ đi học tại các lớp đào tạo, đi học tại
chức nhằm tạo ra một lực lượng CBTD có kiến thức toàn diện, vừa học vừa làm,
phát huy những kiến thức đào tạo áp dụng vào thực tiễn công tác.
+ Tuyển dụng CBTD mới: Việc tuyển dụng CBTD mới là yêu cầu cần thiết
vừa để trẻ hoá đội ngũ CBTD vừa để thu hút nhân tài. Với đội ngũ CBTD trẻ trung
năng động, có đầy đủ kiến thức nên khi tiếp cận các doanh nghiệp họ sẽ có những
nhận xét đánh giá nhanh nhậy và chính xác về tình hình hoạt động kinh doanh của
doanh nghiệp. Từ đó, hoạt động cho vay đối với doanh nghiệp sẽ đạt hiệu quả hơn.
Để đạt được yêu cầu trên đòi hỏi ngân hàng phải công khai hoá việc tuyển dụng trên
phương tiện thông tin đại chúng để thu hút đối tượng tuyển dụng có cơ hội được
tuyển chọn, thành lập hội đồng thi tuyển, phỏng vấn trực tiếp và chấm bài đảm bảo
khách quan chính xác.
3.2.2. Thực hiện tốt việc nghiên cứu, thu thập thông tin về doanh nghiệp
Nắm bắt xử lý thông tin về khách hàng là một trong những nhiệm vụ quan trọng
hàng đầu của NHNo&PTNT Hà Tây trong việc đẩy mạnh hoạt động cho vay đối với
doanh nghiệp. NHNo&PTNT Hà Tây có địa bàn hoạt động rộng, đa dạng. Hơn nữa, các
doanh nghiệp trên địa bàn lại chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, trình độ quản lý còn
thấp, sản xuất kinh doanh với quy mô nhỏ lẻ, manh mún, quá trình tổ chức sản xuất chủ
yếu dựa vào kinh nghiệm truyền thống. Với thực trạng này, việc làm tốt công tác nghiên
cứu thu thập thông tin về doanh nghiệp đang là vấn đề bức xúc trong hoạt động cho vay
đối với doanh nghiệp tại NHNo&PTNT Hà Tây. Để làm tốt công tác này nhằm đẩy
mạnh hoạt động cho vay đối với doanh nghiệp, ngân hàng cần làm tốt những việc sau
đây:
+ Trước hết, các cán bộ lãnh đạo và CBTD phải xác định chiến lược cho vay
doanh nghiệp một cách đúng đắn. Phải nhận thức được khi tiến hành cho doanh nghiệp
vay vốn, nếu thiếu thông tin về doanh nghiệp sẽ có thể dẫn đến sai lầm và rủi ro. Hơn
nữa khi không có đầy đủ thông tin thì việc xử lý thông tin để đưa ra quyết định cho vay
sẽ chậm trễ và gây phiền hà bất lợi cho doanh nghiệp và có thể ảnh hưởng đến hoạt
động kinh doanh của doanh nghiệp do không được đáp ứng vốn kịp thời. Khi đó các
doanh nghiệp có thể tìm đến các ngân hàng khác để vay vốn, do vậy sẽ ảnh hưởng đến
tính cạnh tranh của ngân hàng với các ngân hàng đối thủ khác trên địa bàn.
+ Tiếp theo, NHNo&PTNT Hà Tây nên thành lập bộ phận tư vấn thông tin tín
dụng doanh nghiệp, có nhiệm vụ theo dõi các doanh nghiệp trên các phương tiện lưu
trữ thông tin hiện đại (máy vi tính), cập nhật thường xuyên tình hình hoạt động kinh
doanh của các doanh nghiệp, tổng kết đánh giá xếp hạng doanh nghiệp. Như vậy, với
những thông tin thu thập, khi doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn của ngân hàng bộ
phận này sẽ tư vấn giúp cho doanh nghiệp sử dụng vốn vay hiệu quả nhất, đồng thời
bộ phận này sẽ tham mưu với các CBTD để lựa chọn hình thức cho vay, khối lượng
cho vay phù hợp với thực trạng của doanh nghiệp nhằm giảm thiểu các rủi ro có thể
phát sinh.
+ Ngoài ra, với thực trạng ngày càng có nhiều doanh nghiệp được thành lập dưới
nhiều loại hình doanh nghiệp khác nhau, NHNo&PTNT Hà Tây nên có quy chế cụ thể
để điều tra phân loại doanh nghiệp, đồng thời phải xây dựng những tiêu chuẩn để phân
đoạn thị trường doanh nghiệp, xây dựng hệ thống đánh giá chấm điểm doanh nghiệp để
sàng lọc những doanh nghiệp hiện tại hoạt động kinh doanh không hiệu quả, xác định
được doanh nghiệp tiềm năng. Từ đó, ngân hàng sẽ có được chính sách cho vay phù
hợp và những chính sách ưu đãi nhằm thu hút các doanh nghiệp tiềm năng này đến vay
vốn ngân hàng.
3.2.3. Mở rộng hệ thống màng lưới để tiếp cận được nhiều hơn và gần hơn với
doanh nghiệp
Mở rộng hệ thống mạng lưới có ý nghĩa hết sức quan trọng trong hoạt động kinh
doanh nói chung và hoạt động cho vay đối với doanh nghiệp của NHNo&PTNT Hà Tây
nói riêng. Trong thời gian qua, hệ thống ngân hàng liên xã, ngân hàng lưu động được
mở rộng củng cố, vừa tạo điều kiện cho việc mở rộng cho vay, nâng cao được chất
lượng cho vay đối với doanh nghiệp không có điều kiện đến ngân hàng vay vốn, vừa
nâng cao khả năng cạnh tranh của ngân hàng trong cơ chế thị trường với các ngân hàng
khác trên cùng địa bàn. Tuy nhiên, việc mở rộng hệ thống mạng lưới đối với
NHNo&PTNT Hà Tây cần đảm bảo các yêu cầu cơ bản là:
+ Mở rộng hệ thống mạng lưới trên cơ sở điều kiện khả năng cho phép,
NHNo&PTNT Hà Tây nên mở rộng mạng lưới ở những môi trường có điều kiện kinh
doanh tốt, những nơi gần khu công nghiệp, cụm công nghiệp, những nơi kinh tế hàng
hoá phát triển để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vay vốn, rút ngắn thời gian đi lại của
doanh nghiệp. Mặt khác, mạng lưới mở rộng của ngân hàng phải kết hợp được với cấp
uỷ chính quyền địa phương để khai thác nắm bắt thông tin về doanh nghiệp, từ đó có
đầy đủ thông tin để đưa ra quyết định cho vay chính xác, kịp thời, vừa đáp ứng được
nhu cầu vốn cho doanh nghiệp, vừa đẩy mạnh hoạt động cho vay có hiệu quả.
+ Mở rộng hệ thống mạng lưới phải đảm bảo nâng cao được khả năng cạnh
tranh, tạo khả năng mở rộng thị phần khách hàng doanh nghiệp. Mở rộng thị phần hoạt
động trên cả lĩnh vực nông nghiệp nông thôn để đáp ứng kịp thời vốn cho các doanh
nghiệp tư nhân trong các làng nghề.
3.2.4. Tiếp tục làm tốt công tác khoán tài chính đến từng CBTD
Trong thời gian qua, NHNo&PTNT Hà Tây đã thực hiện khoán tài chính đến
từng CBTD gắn với chỉ tiêu kế hoạch nguồn vốn. Để đẩy mạnh hoạt động cho vay đối
với doanh nghiệp, thời gian tới trong công tác khoán tài chính, ngân hàng nên đưa ra kế
hoạch cụ thể về doanh số cho vay doanh nghiệp, doanh số thu nợ doanh nghiệp trong