Tải bản đầy đủ (.doc) (5 trang)

Vĩnh biệt nhà thơ "Màu tím hoa sim"

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (135.93 KB, 5 trang )

VĨNH BIỆT NHÀ THƠ HỮU LOAN
Vào lúc 19g00 tối nay 18.3.2010, nhà thơ Hữu Loan, tác giả của bài thơ "Màu Tím Hoa Sim" đã vĩnh
viễn từ giã cõi đời khi chuẩn bị bước sang tuổi 95 (12.4.1916 – 18.3.2010). Trong lúc chờ đợi con cái về
đông đủ, bà Nhu, vợ ông và 4 người con ở quê đã khâm liệm đặt ông vào quan tài yên nghỉ vào lúc 23g
cùng ngày.
Nhà thơ Hữu Loan tên đầy đủ là Nguyễn Hữu Loan, quê làng Vân Hoàn, xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn,
tỉnh Thanh Hóa. Ông đậu tú tài nhưng về quê mở trường dạy học và hoạt động phong trào Mặt trận
Bình dân. Năm 1943 , ông gây dựng phong trào Việt Minh. Cách mạng Tháng Tám nổ ra, ông làm Phó
chủ tịch Uỷ ban khởi nghĩa huyện Nga Sơn. Sau Cách mạng Tháng Tám, ông được cử làm Uỷ viên Văn
hóa trong Uỷ ban hành chính lâm thời tỉnh Thanh Hóa, phụ trách các ty: Giáo dục, Thông tin, Thương
chính và Công chính. Kháng chiến chống Pháp ông thuộc Đại đòan 304. Sau năm 1954, ông làm việc
tại báo Văn Nghệ.
Bài thơ "Đèo cả" mở đầu sự nghiệp thi văn của ông đã vang danh khắp chiến trường kháng chiến
chống Pháp. Tiếp đó, người vợ đầu tiên Nguyễn Thị Ninh mất (1949) và ông nghe tin dữ khi đang trên
đường hành quân khiến ông đã viết lên những vần thơ bất hủ "Màu Tím Hoa Sim" đi sâu vào lòng
người cho đến tận bây giờ và có lẽ cũng là mãi mãi.
Lấy người vợ thứ hai vào năm 1954, bà Nguyễn Thị Nhu, ông tiếp tục làm ở báo Văn Nghệ cho đến
khi bị đi tù với nỗi oan nghiệt dính vào nghiệp văn chương. Ra tù, ông trở về quê đục đá kiếm sống nuôi
10 người con và sống với những ký ức vừa đẹp đẽ vừa đau thương cho đến ngày hôm nay, bên cạnh
người vợ tần tảo, thủy chung.
Đêm nay, xin thắp một nén hương thiêng vĩnh biệt linh hồn người thi sĩ đáng kính.
Sự ra đi của Hữu Loan, tác giả bài thơ được nhắc nhở cả hai miền Nam Bắc trong suốt cuộc chiến Việt
Nam và cả những năm sau cuộc chiến, có lẽ còn nói và viết nhiều. Nhưng có một vài chi tiết bên lề có
lẽ rồi đây sẽ được nói rõ: Bài viết của Ngân Hà cho biết tên người vợ đầu tiên của thi sĩ là Nguyễn thị
Ninh và người vợ sau là Nguyễn thị Nhu, thế nhưng bản tin trên tờ Thanh Niên cho biết người vợ trẻ có
tên là Đỗ Thị Lệ Ninh “đã mất sau ngày cưới không lâu vì chết đuối. Các anh của “nàng”, theo tài liệu
của Hàn Anh Trúc là 3 người có thực ở chiến trường Đông Bắc. Đó là Đỗ Lê Khôi - tiểu đoàn trưởng hy
sinh trên đồi Him Lam, Đỗ Lê Nguyên nay là Trung tướng Phạm Hồng Cư và Đỗ Lê Khang - nguyên
Thường vụ Trung ương Đoàn” và ngay tên người vợ sau của thi sĩ cũng khác họ. bài viết ghi bà tên
Nguyễn Thị Nhu trong khi chú thích ảnh thì ghi là Phạm Thị Nhu.. Nhưng trong bài Tự Thuật của thi sĩ
thì người con gái trong bài thơ Màu Tím Hoa Sim tên thật là Lê Đỗ Thị Ninh con ông Lê Đỗ Kỳ. Thi sĩ


viết: “Với mảnh tú tài Tây trong tay, tôi rời quê nhà lên Thanh Hóa để dạy học. Nhãn mác con nhà
nghèo học giỏi của tôi được bà tham Kỳ chú ý, mời về nhà dạy cho hai cậu con trai. Tên thật của bà
tham Kỳ là Đái thị Ngọc Chất, bà là vợ của của ông Lê Đỗ Kỳ, tổng thanh tra canh nông Đông Dương,
sau này đắc cử dân biểu quốc hội khóa đầu tiên. Ở Thanh Hóa, Bà tham Kỳ có một cửa hàng bán vải
và sách báo, tôi thường ghé lại xem và mua sách, nhờ vậy mới được bà để mắt tới.
Bà tham Kỳ là một người hiền lành, tốt bụng, đối xử với tôi rất tốt, coi tôi chẳng khác như người nhà
.Nhớ ngày đầu tiên tôi khoác áo gia sư, bà gọi mãi đứa con gái - lúc đó mới 8 tuổi- mới chịu lỏn lẻn
bước ra khoanh tay, miệng lí nhí: 'Em chào thầy ạ' Chào xong, cô bé bất ngờ mở to đôi mắt nhìn thẳng
vào tôi. Đôi mắt to, đen láy, tròn xoe như có ánh chớp ấy đã hằng sâu vào tâm trí tôi, theo tôi suốt cả
cuộc đời. Thế là tôi dạy em đọc, dạy viết. Tên em là Lê Đỗ Thị Ninh, cha làm thanh tra nông lâm ở Sài
Gòn nên sinh em trong ấy, quen gọi mẹ bằng má. Em thật thông minh, dạy đâu hiểu ấy nhưng ít nói và
mỗi khi mở miệng thì cứ y như một 'bà cụ non'. Đặc biệt em chăm sóc tôi hằng ngày một cách kín đáo:
em đặt vào góc mâm cơm chỗ tôi ngồi ăn cơm lúc thì vài quả ớt đỏ au, lúc thì quả chanh mọng nước
em vừa hái ở vườn; những buổi trưa hè, nhằm lúc tôi ngủ trưa, em lén lấy áo sơ mi trắng tôi treo ở góc
nhà mang ra giếng giặt ...”
Trong một email của nhạc sĩ Hoàng Thi Thao tôi được đọc bài trả lời phỏng vấn của báo Nhịp Cầu Thế
Giới ở Hungary, nhạc sĩ Phạm Duy cho biết ông quen Hữu Loan từ ngày ông vào Khu 4 trong năm
1948 và làm văn nghệ trong Trung Đoàn 9. “Khi đó anh Hữu Loan là cán bộ trong Ủy Ban Kháng chiến
tỉnh Thanh Hoá, ngày ngày cưỡi ngựa đi công tác khắp nơi trong tỉnh, trông rất oai nghiêm khiến tôi bái
phục.. Biết anh cũng làm thơ, tôi cùng anh đàm đạo về thơ, được nghe anh đọc bài Màu Tím Hoa Sim,
Đèo Cả, Tò He, Chiếc Chiếu, Những Làng Đi Qua, Hoa Lúa… Tôi đã có ý định phổ nhạc bài Màu Tím
Hoa Sim ngay từ lúc đó…”
1
Phạm Duy cũng cho biết năm 2006, khi trở về nước, ông có đi xe ôm trong một ngày mưa lạnh đến
Thanh Hoá thăm Hữu Loan và có tặng Hữu Loan một video trong đó có phần ông trả lời phỏng vấn về
bài Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà…
Trả lời câu hỏi "Màu Tím Hoa Sim" của Hữu Loan đã được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc, như "Những đồi
hoa sim" (Dzũng Chinh), "Chuyện hoa sim" (Anh Bằng) và nhất là "Áo anh sứt chỉ đường tà" (Phạm
Duy). Mỗi ca khúc một vẻ, đều tôn vinh thi phẩm, nhưng ca khúc của bác đã phản ánh một cách bi hùng
nhất những đau thương, mất mát của con người trong chiến trận. Tại sao bác lại chọn hình thức phổ

nhạc như thế?” Phạm Duy nói: Hai nhạc sĩ Dzũng Chinh, Anh Bằng phổ nhạc bài thơ Màu Tím Hoa Sim
một cách rất tốt nhưng dùng hình thức ‘tiểu khúc’ bình dân ngắn ngủi chỉ có một đoản khúc Pop Bolero,
Slow Rock, giản dị dễ nghe, dễ hiểu… Và cũng vì các ông này không có kinh nghiệm đi kháng chiến
nên không đem được nhiều cảm xúc buồn thương hay hùng vĩ vào trong nét nhạc. Còn tôi thì muốn
soạn một “đại khúc” (grand music) bi hùng dài tới 5, 7 đoạn, một “chant patriotic. Có thế thôi!”
Trong bài Tự Thuật của Hữu Loan, thi sĩ cho biết “…cuối năm 2004, công ty Viek VTB đột nhiên đề nghị
mua bản quyền bài Màu Tím Hoa Sim của tôi với gía 100 triệu đồng. Họ bảo, đó là một hình thức bảo
tồn tài sản văn hóa. Thì cũng được đi. Khoản tiền 100 triệu trừ thuế đi còn 90 triệu, chia 'lộc' cho 10
đứa con hết 60 triệu đồng, tôi giữ lại 30 triệu đồng, phòng đau ốm lúc tuổi gìa, sau khi trích một ít để in
tập thơ khoảng 40 bài mang tên Thơ Hữu Loan. Sau vụ này cũng có một số công ty khác xin ký hợp
đồng mua mấy bài thơ khác nhưng tôi từ chối, thơ tôi làm ra không phải để bán.”
“Thơ tôi làm ra không phải để bán!”
Hữu Loan đã viết như thế trong bài tự thuật.
Thi sĩ Hữu Loan ra đi, nhưng bài thơ Màu Tím Hoa Sim của ông sẽ còn ở lại mãi mãi với chúng ta.
Màu tím hoa sim là một bài thơ rất nổi tiếng của nhà thơ Hữu Loan, được sáng tác năm 1949 tại Thanh
Hoá, vào thời điểm được cho là sau khi người vợ đầu tiên của tác giả qua đời.
Bài thơ xuất hiện đầu tiên trên tờ Trăm Hoa của Nguyễn Bính. Trong vụ án Nhân văn giai phẩm, nó bị
coi là thứ văn chương ủy mị, mang tư tưởng tiểu tư sản, và là một trong những bằng chứng để bộ văn
hóa đương thời kết tội tác giả của nó. Tuy nhiên bài thơ vẫn được truyền đi rộng rãi trong công chúng
và ra tới miền Nam Việt Nam, tại đây bài thơ đã được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc thành những bài hát nổi
tiếng. Vào năm 2004, nó được mua bản quyền với giá 100 triệu đồng tiền Việt Nam, trở thành một kỷ
lục Việt Nam[1].
Năm 1990, bài thơ được in lần đầu trong 1 tập thơ, đó cũng là tập thơ đầu tiên được xuất bản của Hữu
Loan: Mầu tím hoa sim.
Nội dung, xuất xứ
Thơ nói về 1 cuộc tình đau khổ trong chiến tranh, với nhân vật chính là anh lính và một cô thiếu nữ. Họ
yêu nhau, cưới nhau, trước khi chia tay nhau để anh lính đi ra trận. Anh vẫn thường lo lắng nếu như
mình bỏ mạng nơi chiến trường thì thương cho người vợ, thế nhưng vào cái ngày anh trở về với niềm
háo hức, thì nghe tin vợ đã chết. Trong miền hồi tưởng, anh nhớ về những kỷ niệm xưa, với hình bóng
dịu dàng, thầm lặng của người thiếu nữ, anh nghĩ đến những đứa em, những người anh của cô gái

cũng đã đi lính nơi xa xăm. Rồi anh lại ra đi. Trên con đường hành quân, qua những đồi sim tím, hình
bóng của người vợ nhỏ vẫn vang về đâu đó, như nhắc khơi về một câu ca dao cũ: "Áo anh sứt chỉ
đường tà/Vợ anh mất sớm, mẹ già chưa khâu...".
Thời điểm sáng tác của bài thơ, theo nhiều người, là sau khi người vợ đầu tiên, bà Lê Đỗ Thị Ninh của
tác giả chết đuối khi trượt chân xuống bến nước trong trang trại của nhà[2] (trong bản in của bài thơ
thường có thêm phần đóng dấu trong ngoặc đơn: "Khóc vợ Lê Đỗ Thị Ninh"). Bà Ninh là một thiếu nữ
đẹp, con gái của ông Lê Đỗ Kỳ, kỹ sư canh nông, đã từng giữ chức Tổng Thanh tra Canh nông Đông
Dương. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông Kỳ là đại biểu Quốc hội khoá đầu tiên.[3]. Vợ ông là
con một nhà khoa bảng đất Thanh Hóa, sau Cách mạng có công tác ở hội phụ nữ.
Hữu Loan quen biết gia đình ông Lê Đỗ Kỳ khi nhà thơ 26 tuổi và được mời về dạy học cho ba người
con trai lớn của ông quan kỹ sư Canh nông, lúc đó cô Ninh mới 10 tuổi. Trong suốt thời gian ở trong gia
đình họ Lê Đỗ, ông coi cô như em gái của mình.[3]
2
yêu nàng
như tình yêu em gái
Điều mà nhà thơ không biết là bà Kỳ rất quý mến ông nên đã có ý gả cô em gái tên Nga cho ông,
nhưng do cô Nga không muốn vương vấn chuyện đời mà muốn xuất gia theo đạo nên bà lại chuyển
sang muốn gả con gái mình.[3] Ông bà Lê Đỗ Kỳ không thổ lộ điều này nhưng bắt đầu bí mật để ý đến
nhà thơ. Khi Hữu Loan đi tham gia kháng chiến, làm chính trị viên tiểu đoàn ở Đại đoàn 304 của tướng
Nguyễn Sơn, cùng đơn vị với ông có Quốc, là người em họ với cô Ninh. Mãi cho đến một hôm, Quốc
mới tiết lộ cho ông biết là bà Kỳ cử Quốc "giám sát" Hữu Loan để đề phòng ông có tình ý với những
phụ nữ khác.[2]
Khi biết được gia đình ông bà Kỳ có ý tác thành, nhà thơ về thưa chuyện với ông bà xin cưới cô Ninh.
Đám cưới diễn ra đơn giản, cô Ninh tuy là con nhà giàu, tư sản gia đình có đến 500 mẫu ruộng[2]
nhưng cô sống hết dức giản dị, ngày cưới cô còn không đòi phải may áo mới: "ngày hợp hôn nàng
không đòi may áo cưới" vì cô Ninh nói với ông là vợ chồng cốt ở yêu nhau, không cần bày vẽ.[2] Nhà
thơ và "cô em gái nhỏ" làm lễ thành hôn ngày 16 tháng 2 năm 1949 trong một lần ông xin về phép.
Điểm nội bật của đám cưới chỉ là chiếc bình hoa. Chiếc bình mà ba tháng sau ông về khóc vợ đã thành
chiếc bình đựng hương trên mộ, chiếc bình hương đặc biệt ấy ông Hữu Loan vẫn giữ đến tận bây giờ,
đặt trên bàn thờ cô Ninh.[2]

chiếc bình hoa ngày cưới
thành bình hương tàn lạnh
vây quanh
Từ ngày cưới 16 tháng 2 đến ngày 29 tháng 5 cô Ninh mất là hơn 3 tháng.[2] Số ngày cô sống bên
chông chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cô Ninh hay mặc áo tím và ông cũng đã có lần dẫn cô đi chơi lên
những đồi hoa sim tím và ngẫu nhiên là dọc bờ sông nơi cô chết cũng mọc đầy những hoa sim tím.[2]
Bài thơ lâu nay được lưu truyền nhiều dị bản, các bản thường khác nhau về cách xuống dòng, về từ
ngữ, viết hoa và viết thường. Bản được Cục Bản quyền tác giả văn học nghệ thuật đóng dấu đăng ký là
bản chép tay của ông vào ngày 12/10/2004.
Nhân vật trong bài
Trong bài ngoài 2 nhân vật chính là anh lính và người vợ, còn có 3 người anh:
Một chiều rừng mưa
ba người anh,
từ chiến trường Đông Bắc
được tin em gái mất
trước khi em lấy chồng
Ba người anh cũng là nhân vật có thật: người anh cả là ông Lê Đỗ Khôi, làm Chính ủy tiểu đoàn, hy
sinh trên đồi Him Lam chỉ vài giờ trước khi trận Điện Biên Phủ kết thúc. Người anh thứ hai là ông Lê Đỗ
Nguyên, tức Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị còn người anh
thứ ba là ông Lê Đỗ An, tên công tác là Nguyễn Tiên Phong, nguyên Bí thư Trung ương Đoàn - Phó
Ban dân vận Trung ương.[2] Lúc đó cả ba người anh đều đang ở chiến trường Đông Bắc, do thư từ
thời đó vận chuyển khó khăn nên họ nhận được tin em gái chết trước khi nhận được thư nhà báo tin
em lấy chồng[2]
Trích đoạn
Đoạn trích sau đây lấy từ bản đăng trên báo Tuổi trẻ Online [2]:
Nàng có ba người anh đi bộ đội
Những em nàng
Có em chưa biết nói
Khi tóc nàng xanh xanh
Tôi người Vệ quốc quân

xa gia đình
Yêu nàng như tình yêu em gái
Ngày hợp hôn
nàng không đòi may áo mới
3
Tôi mặc đồ quân nhân
đôi giày đinh
bết bùn đất hành quân
Nàng cười xinh xinh
bên anh chồng độc đáo
Tôi ở đơn vị về
Cưới nhau xong là đi
Từ chiến khu xa
Nhớ về ái ngại
Lấy chồng thời chiến binh
Mấy người đi trở lại
Nhỡ khi mình không về
thì thương
người vợ chờ
bé bỏng chiều quê...
Nhưng không chết
người trai khói lửa
Mà chết
người gái nhỏ hậu phương
...
Phổ nhạc
Sự nổi tiếng của bài thơ còn được góp công phần nào bởi các nhạc sĩ: Dzũng Chinh, Phạm Duy, Anh
Bằng, Duy Khánh... là những người đã phổ nhạc dựa trên ý thơ của bài. Riêng bài "Những đồi hoa sim"
của Dzũng Chinh và "Áo anh sứt chỉ đường tà" của Phạm Duy, một bi ca, một hùng ca, cho đến nay
vẫn là những tác phẩm nổi tiếng nhất dựa trên bài thơ Mầu tím hoa sim.

Những đồi hoa sim
Bài chi tiết: Những đồi hoa sim
Bài Những đồi hoa sim của Dzũng Chinh ra đời vào thập niên 1960, là bản phổ nhạc sớm nhất được
ghi nhận của bài thơ này, được nhiều thế hệ ca sĩ thể hiện: Phương Dung, Hương Lan, Duy Quang,
Sơn Tuyền, Như Quỳnh...
Bài hát viết theo điệu Slow rumba (cũng thường được đàn theo điệu Boléro), âm giai chủ Rê thứ. Lời
bài ca không bám sát theo nội dung thơ, chỉ lấy ý. Tuy nhiên trên 1 bài phát biểu trong Kiến thức ngày
nay, Hữu Loan cho rằng ông thích nhất bản phổ nhạc này.
Trích lời:
Những đồi hoa sim ôi những đồi hoa sim
tím chiều hoang biền biệt
Vào chuyện ngày xưa nàng yêu hoa sim tím khi còn tóc búi vai
Mấy lúc xông pha ngoài trận tuyến ai hẹn được ngày về
Rồi một chiều mây bay, từ nơi chiến trường đông bắc đó
Lần ghé về thăm xóm hoàng hôn tắt sau đồi
Hữu Loan sinh ngày 2.4.1916 - đồng niên với Xuân Diệu. Theo lời kể của ông, tuy nhà nghèo, nhưng
ông lại được một cụ đồ trong làng ưu ái dạy chữ nho rất tận tâm. Từ đó, ông lên học quốc ngữ trường
huyện, học Collège Thanh Hoá.

Ở đấy, ông vừa học, vừa làm gia sư cho nhà ông Lê Đỗ Kỳ - Tổng Thanh tra Nông lâm Đông Dương
(sau đó là Đại biểu Quốc hội khoá I Việt Nam Dân chủ Cộng hoà). Thầy “Tú Loan” không chỉ được vợ
chồng ông Kỳ quý mến, mà các con cũng đều kính trọng. Bà Lê Đỗ Thị Ninh - con gái ông Kỳ - kém
thầy 16 tuổi, sau này đã trở thành vợ ông và đã mất sớm năm 1949.
Chính bà là nhân vật “nàng” trong bài thơ “Màu tím hoa sim” tuyệt bút mà Hữu Loan hay gọi là bài thơ
4
khóc vợ. Năm 1941, Hữu Loan thi đỗ tú tài ở Hà Nội, đậu thư ký văn phòng toàn quyền, song ghét tây
nên không đi làm.
Ông về Nga Sơn tham gia Việt Minh. Sau đó, ông lên làm Uỷ viên
văn hoá trong Uỷ ban Hành chính lâm thời tỉnh Thanh Hoá, tổ
chức “Tuần lễ vàng” tại đây hết sức thành công.

Việc gia nhập quân đội năm 1946 đã tạo ra nhà thơ Hữu Loan với
bài thơ đầu tiên “Đèo Cả”, với lối thơ bậc thang kiểu Mayakovsky
đã làm rung động bao con tim chiến sĩ mặt trận. “Đèo Cả” cùng
“Tình sông núi”, “Nhớ máu” của Trần Mai Ninh, “Hải Phòng - ngày
19.11.1946” của Trần Huyền Trân đã tạo thành bộ “tứ bình” thơ
bậc thang, khởi đầu thơ chống Pháp, khác hẳn “Thơ mới” lãng
mạn, “Xuân thu nhã tập” tượng trưng, “Dạ đài” siêu thực.

Nhưng phải đến khi “Màu tím hoa sim” ra đời, tên tuổi Hữu Loan
mới thực sự sáng láng trên văn đàn. Bài thơ làm xong trong hai
giờ đồng hồ vào một trưa của thời kỳ chỉnh huấn tại Nghệ An
1949. Tuy không ấn hành, nhưng nó đã được truyền miệng rộng
rãi và sau đó được Nguyễn Bính in trên tờ “Trăm Hoa”. Và bi kịch
chiến tranh trong bài thơ đã góp phần trở thành bi kịch của nhà
thơ. Đang công tác ở Hà Nội, Hữu Loan bỏ về quê như trút bỏ mọi
phiền muộn để làm công việc nặng nề, nhưng thanh thản của một
người thồ đá.
Hữu Loan “tái xuất giang hồ” vào thời đổi mới. Năm 1988, khi có việc “xoá án” cho những Hữu Loan,
Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán..., thơ Hữu Loan đã được giới thiệu trở lại trên tờ “Thanh
Niên” và sau đó, năm 1990, tập thơ “Màu tím hoa sim” đã được ấn hành tại NXB Hội Nhà văn. Năm ấy,
tôi đã cùng ông và Đỗ Nam Cao lang thang khắp Sài Gòn.

Ông nói: “Phải lang thang cho hết hòn ngọc Viễn Đông xem nó đẹp đến thế nào mà khiến mình phải
chuốc thêm hoạ”. Cái hoạ mà ông nói chính là khi “Màu tím hoa sim” được Phạm Duy phổ nhạc và hát
nhiều ở Sài Gòn thời chế độ cũ.
Bởi thế, Hữu Loan tuy đã ở ẩn, mà vẫn còn chịu nhiều thị phi. Nhưng đất nước đã đến lúc cần hoà giải
dân tộc. Màu tím hoa sim trong thơ ông mãi mãi là màu tím đa cảm và lành sạch của tâm hồn ông. Năm
2005, Phạm Duy đã về định cư tại TPHCM. Năm 2008, nhạc sĩ về Nga Sơn thăm Hữu Loan.

Cùng đi chuyến ấy, nhạc sĩ - hoạ sĩ Lê Quân đã vẽ chân dung ông bằng sơn dầu đầy thần khí. Năm

ngoái, “Màu tím hoa sim” đã lần đầu tiên vang lên tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Bài thơ “Màu tím hoa sim”
cũng đã được một công ty truyền thông ở Sài Gòn mua bản quyền với giá 100 triệu đồng, cho đến nay
vẫn giữ kỷ lục.
Hữu Loan chuyển cõi. Nhưng tác phẩm và khí phách của ông sẽ còn tím mãi màu hoa sim trên dương
thế. Xin vĩnh biệt ông.
Ông ra đi như vừa chở xong chuyến đá
Đúng 15 giờ ngày 19.3, nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn VN - đã đọc điếu văn tiễn biệt nhà
thơ Hữu Loan về nơi an nghỉ cuối cùng (ảnh). Điếu văn có đoạn: “Ông ra đi thanh nhàn, nhẹ nhõm và
mãn nguyện như vừa chở xong một chuyến xe đá giữa bà con xóm giềng.
Những người như ông không bao giờ coi cái chết là trút xong một món nợ đời, mà chính là bước
sang một thế giới khác sinh sinh, hóa hóa vô thường. Thế hệ đời sau nhớ mãi một nhà thơ chiến sĩ,
nhớ mãi thi nhân chở đá xây đời”... Tác giả của tuyệt tác “Màu tím hoa sim” đã về với tổ tiên trong
bóng chiều ngả vàng nơi chân núi Vân Hoàn, Nga Lĩnh, Nga Sơn.
Anh Tuấn
5

×