Tải bản đầy đủ (.pdf) (55 trang)

Giá trị nội dung và nghệ thuật thơ dương thuấn viết cho thiếu nhi

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.06 MB, 55 trang )

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI 2
KHOA GIÁO DỤC MẦM NON
======

TRẦN THU HIỀN

GIÁ TRỊ NỘI DUNG VÀ NGHỆ THUẬT
THƠ DƯƠNG THUẤN VIẾT CHO
THIẾU NHI
KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC
Chuyên ngành: Giáo dục Mầm non

HÀ NỘI, 2018


TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI 2
KHOA GIÁO DỤC MẦM NON
======

TRẦN THU HIỀN

GIÁ TRỊ NỘI DUNG VÀ NGHỆ THUẬT
THƠ DƯƠNG THUẤN VIẾT CHO
THIẾU NHI
KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC
Chuyên ngành: Giáo dục Mầm non
Người hướng dẫn khoa học

ThS. TRẦN THỊ MINH

HÀ NỘI, 2018




LỜI CẢM ƠN
Trong quá trình tìm hiểu, nghiên cứu đề tài, được sự giúp đỡ tận tình
của cô giáo Thạc sĩ Trần Thị Minh, tác giả khóa luận xin gửi lời cảm ơn sâu
sắc tới cô!
Tác giả khóa luận cũng xin cảm ơn chân thành các thầy, cô trong
khoa Giáo dục Mầm non - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đã tạo điều
kiện tốt nhất cho tác giả hoàn thành khóa luận này.
Hà Nội, ngày 16 tháng 5 năm 2018
Sinh viên

Trần Thu Hiền


LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Kết quả
nghiên cứu không trùng với kết quả nào khác.
Nếu sai tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Hà Nội, ngày 16 tháng 5 năm 2018
Sinh viên

Trần Thu Hiền


MỤC LỤC
MỞ ĐẦU .......................................................................................................... 1
1. Lí do chọn đề tài ............................................................................................ 1
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề ............................................................................ 2
3. Mục đích nghiên cứu ..................................................................................... 5

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu................................................................. 5
5. Phương pháp nghiên cứu............................................................................... 5
6. Cấu trúc của khóa luận .................................................................................. 5
NỘI DUNG....................................................................................................... 6
Chương 1. GIÁ TRỊ NỘI DUNG THƠ DƯƠNG THUẤN VIẾT CHO
THIẾU NHI ..................................................................................................... 6
1.1. Dương Thuấn và thơ viết cho thiếu nhi ..................................................... 6
1.1.1. Tiểu sử và sự nghiệp ............................................................................... 6
1.1.2. Thơ Dương Thuấn viết cho thiếu nhi - mảng màu riêng trong dòng chảy
thơ thiếu nhi Việt Nam ...................................................................................... 7
1.2. Các chủ đề chính ........................................................................................ 9
1.2.1. Bức tranh thiên nhiên vùng sơn cước ..................................................... 9
1.2.2. Thế giới loài vật phong phú, đa dạng.................................................... 15
1.2.3. Những em bé trên quê hương xứ Mây .................................................. 23
Chương 2. GIÁ TRỊ NGHỆ THUẬT THƠ DƯƠNG THUẤN VIẾT CHO
THIẾU NHI ................................................................................................... 32
2.1. Nghệ thuật sử dụng chất liệu dân gian ..................................................... 32
2.1.1. Hình thức đồng dao ............................................................................... 32
2.1.2. Hình thức thơ ngụ ngôn ........................................................................ 34
2.1.3. Hình thức mượn cốt truyện dân gian .................................................... 36
2.2. Nghệ thuật miêu tả qua điểm nhìn trẻ thơ ................................................ 38
2.3. Nghệ thuật sử dụng những chi tiết dí dỏm, hài hước ............................... 41
KẾT LUẬN .................................................................................................... 45
TÀI LIỆU THAM KHẢO ............................................................................ 47
PHỤ LỤC


MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
1.1. Trải qua một chặng đường dài hình thành và phát triển, thơ thiếu nhi

đã thực sự lớn mạnh một cách có ý thức với đội ngũ sáng tác ngày càng đông
đảo, nội dung phong phú và toàn diện. Để có được thành tựu như vậy phải kể
đến công sức của những nhà thơ đã có đóng góp rất lớn cho thơ ca thiếu nhi.
Trong đó, thơ thiếu nhi về đề tài miền núi là mảng sáng tác có ý nghĩa đặc biệt
So với những dân tộc khác, dân tộc Tày có một nền văn học khá phong
phú. Trải qua các giai đoạn phát triển, đến đầu thế kỉ XX, văn học Tày đã
thực sự trưởng thành với nhiều gương mặt tiêu biểu như: Nông Quốc Chấn,
Nông Minh Châu, Nông Viết Toại, Triều Ân, Ma Trường Nguyên, Mai Liễu,
Vi Thị Kim Bình, Y Phương, Dương Thuấn… Trong đó, Dương Thuấn là nhà
giáo, nhà thơ nổi tiếng. Ông thành công nhất ở lĩnh vực thơ ca, đặc biệt ở
mảng thơ viết cho thiếu nhi. Từ tập thơ đầu tay Cưỡi ngựa đi săn xuất bản
năm 1991 được Hội Nhà văn Việt Nam tặng giải A, đến nay, nhà thơ đã cho
ra đời lần lượt các tập thơ: Bà lão và chích chòe (1997), Thơ với tuổi thơ
(2005), Chia trứng công (2006) và tập thơ tiếng Tày: Trăng Mã Pí Lèng
(2002). Năm 2010, Dương Thuấn là nhà thơ dân tộc thiểu số đầu tiên cho ra
đời tập thơ song ngữ Tày - Kinh dày 2.000 trang gồm ba tập, trong đó tập thứ
ba là tập thơ dành riêng cho bạn đọc nhỏ tuổi. Thơ Dương Thuấn nói chung
và thơ viết cho thiếu nhi của ông nói riêng hấp dẫn người đọc ở sự giản dị mà
lôi cuốn, mộc mạc, chân thực mà tính biểu đạt dạt dào.
1.2. Với sức hấp dẫn riêng, thơ Dương Thuấn như bông hoa rừng ngào
ngạt hương thơm, giàu sức hút. Cho đến nay, đã có nhiều công trình, bài viết
quan tâm nghiên cứu vẻ đẹp thơ Dương Thuấn. Hầu hết những bài viết này
đều khai thác những sáng tác viết về quê hương, về tình yêu của nhà thơ - với

1


đối tượng nghiên cứu là bản sắc văn hóa dân tộc - nét đặc trưng nổi bật trong
thơ ông. Hầu hết các nhà nghiên cứu đều khẳng định, thơ Dương Thuấn hấp
dẫn bạn đọc bởi giọng thơ dung dị, không cầu kì, kiểu cách, với cách sử dụng

ngôn từ ví von, so sánh đầy tính trực cảm và giàu biểu tượng, gần gũi với
cách tư duy của người miền núi. Tuy nhiên, mảng thơ viết cho thiếu nhi của
tác giả đa dạng, phong phú và không kém phần đặc sắc lại chưa được quan
tâm một cách xứng đáng.
Vì vậy, chúng tôi mạnh dạn lựa chọn đề tài: Giá trị nội dung và nghệ
thuật thuật thơ Dương Thuấn viết cho thiếu nhi làm đề tài nghiên cứu của
mình với mong muốn đóng góp thêm một tiếng nói về giá trị của thơ thiếu nhi
Dương Thuấn trong dòng chảy thơ ca dân tộc thiểu số Việt Nam. Qua đó, tác
giả khóa luận đồng thời thể hiện sự trân trọng đối với một hồn thơ được nhiều
người yêu mến.
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
Với những tác phẩm viết cho thiếu nhi mang bản sắc riêng, độc đáo,
thơ Dương Thuấn viết cho thiếu nhi lâu nay đã thu hút sự quan tâm của giới
nghiên cứu, phê bình song những nhận định mới chỉ dừng lại ở một vài khía
cạnh nhất định mà chưa được nghiên cứu, xem xét đầy đủ, toàn diện. Hầu hết
những bài viết này được tác giả Đỗ Thị Thu Huyền tuyển chọn và giới thiệu
trong tập sách Dương Thuấn - Hành trình từ bản Hon [2].
Nhà phê bình văn học Phùng Ngọc Diễn trong Đọc Chia trứng công
của Dương Thuấn nhận định: “Nhiều năm nay chưa có nhà thơ dân tộc thiểu
số nào chuyên làm thơ cho các em thiếu nhi… 94 bài thơ trong tập Chia trứng
công đã hội tụ gần đủ các bài thơ của Dương Thuấn viết cho thiếu nhi, góp
phần vào mảng thơ ca viết cho thiếu nhi của nền văn học thiếu nhi nước nhà”
[2, 269]. Bằng cách nói, cách viết đậm đà bản sắc dân tộc của mình, Dương
Thuấn đã thành công trong việc truyền tải đến người đọc lời ngợi ca vẻ đẹp

2


nguyên sơ, kì vĩ của thiên nhiên. Qua đó, nhà thơ muốn bồi đắp thêm cho
những tâm hồn trong sáng, ngây thơ chất phù sa màu mỡ của tình yêu cây trái,

lòng yêu thương loài vật. Nhà thơ gốc Tày còn kể cho các em nghe những
chuyện cuộc sống giản dị, mộc mạc mà đậm đà tình nghĩa của người dân tộc
thiểu số. Từ chuyện nhà sàn, cầu thang… cho đến chuyện bẫy cá, hái măng đã
thực sự cuốn hút độc giả nhỏ tuổi.
Bày tỏ sự quan tâm đối với thơ viết cho thiếu nhi của Dương Thuấn, tác
giả Trần Thúy Hằng viết: “Thơ của Dương Thuấn có lối diễn đạt dung dị, không
cầu kì trong ngôn ngữ nhưng lại vô cùng sâu sắc. Các bài thơ đều có tứ lạ và
hay, đạt đến độ tinh tế về nghệ thuật cũng như nội dung thể hiện” [2, 275]. Nhận
định của Trần Thúy Hằng xuất phát từ những cảm nhận sâu sắc về thơ Dương
Thuấn. Những hình ảnh gần gũi, mộc mạc trong thơ phần lớn là sự tái hiện
những mảng kí ức ngọt ngào và tinh tế. Có thể nói đó là “những hình ảnh hoài
niệm một cách vô thức trong sáng tạo của tác giả” [2, 275].
Tác giả Đỗ Ngọc Thống trong bài viết Nhà thơ Dương Thuấn khẳng
định: “Dương Thuấn viết cho nhiều đối tượng khác nhau, nhưng đầu tiên là
cho thiếu nhi. Vâng, tôi nghĩ trước hết Dương Thuấn là nhà thơ dân tộc viết
cho thiếu nhi. Những bài thơ hay nhất và đậm đà chất dân tộc của anh cũng là
những bài viết cho thiếu nhi” [2, 92].
Bề thế nhất là lời giới thiệu in trong Tuyển tập Dương Thuấn, tập III [6]
của tác giả Chu Văn Sơn. Như một người dẫn đường tận tụy, tác giả mời gọi
các em vào khu vườn thiếu nhi đầy hấp dẫn, lý thú. Khu vườn ấy như là một
thế giới thu nhỏ của quê hương vùng cao trong cái nhìn hồn nhiên, trong sáng:
“Cái nhìn của cậu bé Dương Thuấn lần đầu chớp chớp mắt nhận ra hình thù
màu sắc của mọi vật xung quanh” [6, 13]. Trong đó nhà thơ cũng chính là
người làm vườn cần mẫn, tỉ mỉ “đã mở mang, đã khai phá bao nhiêu năm,
nâng niu từng tấc đất, tỉ mỉ với từng lối đi, từng con suối, từng mỏm đá, từng

3


góc núi, gieo trồng ở đây đầy đủ các cây cỏ ở quê mình, chăm nuôi đủ những

loại chim thú của đồng rừng mình, dựng lên đủ những khu vui chơi, lễ hội của
dân tộc mình…” [6, 9]. Tác giả bày tỏ sự đồng cảm tinh tế với Dương Thuấn
khi mời gọi các em vào khu vườn thơ đặc biệt để được chơi, được đắm mình
trong không gian văn hóa Tày đặc sắc.
Cũng nằm trong dòng cảm nhận về thơ viết cho thiếu nhi của Dương
Thuấn, trong bài viết Thơ viết cho thiếu nhi của Dương Thuấn - Khúc ca cao
nguyên, tác giả Lã Thị Bắc Lý khẳng định: “Thơ viết cho thiếu nhi của Dương
Thuấn - khúc ca cao nguyên đã ngân lên hơn hai chục năm qua và vẫn còn
đang tiêp tục ngân vang, ngân xa, làm đẹp cho văn học thiếu nhi, văn học
nước nhà” [5]. Khi biên soạn giáo trình Văn học trẻ em, Lã Thị Bắc Lý một
lần nữa nhấn mạnh hiện tượng thơ Dương Thuấn: “Đặc biệt là nhà thơ người
Tày Dương Thuấn với hàng loạt các bài thơ viết về con người và mảnh đất
vùng cao đã làm cho người đọc càng hiểu và yêu mến hơn sự hồn nhiên mộc
mạc và đời sống tâm hồn chất phác mà biết bao nghĩa tình, gắn bó với Cách
mạng của đồng bào, nhất là của trẻ em các dân tộc thiểu số phía Bắc. Năm
2010, Tuyển tập thơ Dương Thuấn viết cho thiếu nhi được xuất bản song ngữ
(Tiếng Kinh và tiếng Tày) đã làm phong phú cho mảng văn học viết về đề tài
miền núi của văn học thiếu nhi Việt Nam” [5, 18]. Những ý kiến ấy đã góp
thêm lời nhận định tin cậy về sự thành công của thơ thiếu nhi Dương Thuấn ở
mảng đề tài miền núi.
Nhìn chung, các bài viết, công trình đều nêu lên những cảm nhận ngắn
gọn, mang tính chất giới thiệu, nghiên cứu sơ bộ của tác giả về thơ viết cho
thiếu nhi của Dương Thuấn. Cho đến thời điểm hiện tại, chưa có công trình
nào nghiên cứu một cách hệ thống về giá trị nội dung - nghệ thuật thơ Dương
Thuấn viết cho thiếu nhi. Tuy nhiên, những ý kiến, những định hướng của tác
giả đi trước sẽ là những gợi ý quan trọng, giúp ích rất nhiều cho chúng tôi
trong việc nghiên cứu đề tài này.

4



3. Mục đích nghiên cứu
Với đề tài này, chúng tôi tập trung nghiên cứu giá trị thơ Dương Thuấn
viết cho thiếu nhi trên hai phương diện nội dung và nghệ thuật. Từ đó, góp
phần nâng cao năng lực cảm thụ văn học, phục vụ thiết thực cho công tác
giảng dạy ở trường Mầm non sau này.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
4.1. Đối tượng nghiên cứu
Thơ Dương Thuấn viết cho thiếu nhi.
4.2. Phạm vi nghiên cứu
Nghiên cứu giá trị thơ Dương Thuấn viết cho thiếu nhi trên hai phương
diện nội dung và nghệ thuật. Chúng tôi sử dụng cuốn Tuyển tập thơ Dương
Thuấn, tập III do Nhà xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành năm 2010 làm tư liệu
khảo sát chính. Trong tổng số hơn 300 bài thơ, chúng tôi chọn lọc 70 bài làm
tư liệu khảo sát. Những bài thơ này được tác giả khóa luận thống kê trong
phần phụ lục.
5. Phương pháp nghiên cứu
- Phương pháp hệ thống
- Phương pháp phân tích
- Phương pháp so sánh
6. Cấu trúc của khóa luận
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Tài liệu tham khảo, Phụ lục, phần Nội
dung của khóa luận được triển khai thành hai chương:
Chương 1: Giá trị nội dung thơ Dương Thuấn viết cho thiếu nhi
Chương 2: Giá trị nghệ thuật thơ Dương Thuấn viết cho thiếu nhi

5


NỘI DUNG

Chương 1
GIÁ TRỊ NỘI DUNG THƠ DƯƠNG THUẤN VIẾT CHO THIẾU NHI
1.1. Dương Thuấn và thơ viết cho thiếu nhi
1.1.1. Tiểu sử và sự nghiệp
Nhà thơ Dương Thuấn tên thật là Hoàng Minh Thông, sinh ngày 7
tháng 7 năm 1959 tại bản Hon, xã Bành Trạch, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn.
Giống như một số nhà thơ khác trên thi đàn Việt Nam, Dương Thuấn chưa
tìm đến văn chương ngay từ những bước đi đầu tiên trên con đường sự
nghiệp. Với điểm xuất phát là một tri thức Tày tốt nghiệp khoa Ngữ văn Đại
học Sư phạm, ông đã có bảy năm đứng lớp giảng dạy cho học trò vùng cao.
Là một nhà giáo tâm huyết với nghề song con tim khao khát cống hiến và
cháy bỏng đam mê của thầy giáo trẻ còn dành một “ngăn” lớn cho nghệ thuật
văn chương. Khát vọng sáng tác đã trở thành động lực to lớn thôi thúc thầy
giáo trẻ Dương Thuấn tạm biệt mái trường Việt Bắc để bước những bước đầu
tiên trên con đường nghệ thuật.
Dương Thuấn viết sớm, từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường Trường
Đại học Sư phạm Việt Bắc. Truyện ngắn đầu tay của ông với tựa đề Mùa hoa
mạ thứ ba xuất bản năm 1981 đã đưa ông đến với công việc sáng tác văn
chương chuyên nghiệp. Sau khi nhận ra khả năng biểu hiện kì diệu của thơ ca,
Dương Thuấn đã nguyện gắn bó trọn đời. Ông đã khởi nghiệp thơ ca cho mình
bằng những bài thơ viết cho con đọc. Bằng chứng rõ nét nhất là tập thơ Cưỡi
ngựa đi săn xuất bản năm 1991 đã được Hội Nhà văn Việt Nam tặng giải A.
Kể từ năm 1991 đến nay, ông đã lần lượt cho ra đời 13 tập thơ và liên
tiếp trong hai năm 2000, 2006 tác giả được nhận giải B của Hội Văn nghệ dân
tộc thiểu với hai tập thơ: Mười bảy khúc đảo ca, Chia trứng công. Năm 2005

6


Dương Thuấn còn được Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam trao giải

B cho tập thơ Đêm bên sông yên lặng. Ngoài ra, ông còn được tặng 12 giải
thưởng khác của các tổ chức chính trị - xã hội, các cuộc thi thơ do các báo và
nhà xuất bản Trung ương tổ chức. Đặc biệt, trong những tập thơ đã xuất bản,
có những bài thơ được nhạc sĩ An Thuyên và nhạc sĩ Cầm Phong phổ nhạc
như Khúc ca cao nguyên, Đi tìm bóng núi, Tình ca bên suối, Lá trầu…
Dương Thuấn thực sự đã tạo dựng được cho mình một vị trí xứng đáng
trong nền văn học Việt Nam hiện đại bằng nhiều giải thưởng danh giá và sự
yêu mến của bạn đọc nhiều lứa tuổi.
1.1.2. Thơ Dương Thuấn viết cho thiếu nhi - mảng màu riêng trong dòng
chảy thơ thiếu nhi Việt Nam
Văn học thiếu nhi Việt Nam kể từ thời kì đổi mới (1986) đã phát triển
phong phú, đa dạng về đề tài, thể loại và thực sự có những kết tinh nghệ thuật,
những thành tựu đáng ghi nhận. Mảng đề tài viết về miền núi nếu trước kia ít
được quan tâm và chỉ xuất hiện những tác phẩm rải rác, chủ yếu là truyện viết
về miền núi kháng chiến, như Hai làng Tà Pình và Động Hía của Bắc Thôn,
Kim Đồng, Vừ A Dính của Tô Hoài… thì tới giai đoạn này đã được quan tâm
hơn với sự xuất hiện của hàng loạt các tác phẩm viết về mọi lĩnh vực khác
nhau của cuộc sống như Chú bé thổi kèn của Quách Liêu, Một lớp trưởng
khác thường của Lương Tố Nga, Truyền thuyết trong mây của Đào Hữu
Phương, Kỉ vật cuối cùng của Hà Lâm Kì, Chân trời mở rộng của Đoàn Lư,
Đường về với mẹ chữ của Vi Hồng, Đồi sói hú của Nguyễn Quỳnh… Năm
1991, ông trình làng bằng tập thơ Cưỡi ngựa đi săn được giải A, giải thưởng
Văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam. Từ đó đến nay, Dương Thuấn
vẫn cần mẫn làm giàu thêm, làm đẹp thêm những sáng tác của mình. Cảm
hứng bao trùm trong thơ ông là niềm tự hào và tình yêu tha thiết với bản Hon
và núi rừng Bắc Kạn. Thơ Dương Thuấn đã dựng lên một không gian rộng

7



lớn, vừa hùng vĩ, vừa lãng mạn, vừa xa xôi vừa gần gũi, thân thương và quyến
rũ. Đó là cỏ cây hoa trái muôn màu, là tiếng suối reo, là hòn sỏi thần kì, là
tiếng hò săn bắn, là một làn khói sương sớm quyện với mùi thịt nướng, là
những sản vật địa phương lạ và quý; là những phong tục tập quán, những
huyền thoại làm mê đắm lòng người và những con người được sống hồn
nhiên, vô tư trong sự bao bọc, vỗ về của thiên nhiên và cái đẹp vô biên của
trời đất. Dương Thuấn đã làm sống dậy cả một nền văn hóa Tày cùng bề dày
lịch sử vừa sinh động, hiện hữu, chân thực và gợi cảm. Từ thơ Dương Thuấn,
ta khám phá ra những giá trị nhân bản, những tầng sâu văn hóa trong nếp sống
thường ngày, trong phong tục tập quán nghìn đời của người dân tộc vùng cao.
Không ít những sáng tác viết cho thiếu nhi của Dương Thuấn đã nhận được
những giải thưởng văn học cao quý, khẳng định tài năng nghệ thuật của ông.
Dương Thuấn đã ghi danh trong nền thi ca thời kì đổi mới trước hết với tư
cách là người thể hiện thành công mảng đề tài miền núi.
Dương Thuấn còn là người tiên phong trong sáng tác thơ song ngữ Tày Kinh. Là một nhà thơ dân tộc Tày, sinh ra và lớn lên trên mảnh đất vùng cao
Bắc Kạn, Dương Thuấn sáng tác thơ bằng cả hai thứ tiếng: Tiếng Tày và tiếng
Kinh. Biết nói tiếng Kinh từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, cho
đến nay, Dương Thuấn không chỉ sử dụng thông thạo mà còn rất am tường.
Ông luôn kết hợp cả hai thứ tiếng trong tư duy khi sáng tác và trở thành nhà
thơ tiên phong trong vấn đề sáng tác bằng hai thứ tiếng.
Dương Thuấn luôn lặng lẽ sáng tác, thầm lặng làm những việc mà mình
cho là gìn giữ và bảo vệ được văn hóa Tày trong dòng chảy của văn hóa Việt
Nam hiện đại. Thành quả Dương Thuấn đạt được là tuyển tập được đồng xác
nhận hai kỉ lục Guiness. Nhà thơ chia sẻ: “Tôi mất hơn hai năm để hoàn thành
Tuyển tập Dương Thuấn với nội dung sáng tác hơn hai mươi năm qua. Và
việc được xác nhận kỉ lục Guiness cũng chỉ là khiến tôi vui một chút thôi.

8



Những có lẽ, cái được lớn nhất là văn hóa Tày đã tìm được vị thế từ nền tảng
những giá trị cốt lõi được chuyền tải qua thơ ca, văn chương”. Qua tuyển tập thơ,
Dương Thuấn muốn chia sẻ với bạn đọc về sự đau đáu của ông trước những giá
trị văn hóa dân tộc đang ngày một phôi pha. Độc giả sẽ thấy được sự cố gắng
của nhà thơ trong việc khôi phục, bảo tồn văn hóa truyền thống quê hương.
Như vậy, Dương Thuấn không chỉ là một nhà thơ người Tày mà còn là
sứ giả truyền bá văn hóa Tày, góp phần gìn giữ, bảo vệ ngôn ngữ Tày, phát
triển văn hóa Tày. Trong nhịp sống hiện đại hiện nay, khi mọi giá trị tinh thần
đang có nguy cơ bị xói mòn thì Dương Thuấn đã làm sống dậy, phục hưng
văn hóa dân tộc Tày, đưa văn hóa dân tộc Tày vào hội nhập quốc tế - đánh
dấu một mảng màu riêng trong dòng chảy thơ thiếu nhi Việt Nam.
1.2. Các chủ đề chính
1.2.1. Bức tranh thiên nhiên vùng sơn cước
Đến với thơ thiếu nhi của Dương Thuấn, bạn đọc nhỏ tuổi có cảm giác
vui thích như được dạo chơi trong thế giới thiên nhiên vừa tươi đẹp, vừa hùng
vĩ, muôn hình muôn vẻ mang đậm đặc trưng của miền sơn cước. Thiên nhiên
không chỉ hấp dẫn bởi vẻ đẹp vốn có mà còn đưa các em đến với vùng trời tri
thức. Dương Thuấn không chỉ trong vai một nghệ sĩ mà còn là một thầy giáo
hóm hỉnh, nhẹ nhàng giải thích cho các em những băn khoăn, thắc mắc về thế
giới tự nhiên bằng lời thơ dễ hiểu, bằng kiểu tư duy gần gũi với trẻ thơ.
Gắn bó với trời đất, với núi ngàn bằng một chiều sâu văn hóa, Dương
Thuấn miệt mài viết nên những bài thơ về cảnh sắc thiên nhiên quê hương
hoang sơ vừa thơ mộng, vừa hùng vĩ và biến đổi không ngừng qua từng mùa
trong năm. Viết về mùa xuân, nhà thơ đã vẽ lên một khung cảnh miền núi thơ
mộng với những bông hoa đào, hoa ban:
Hoa đào nở thắm rồi
Rừng hoa ban nở trắng

9



Dậy ra núi cùng chơi
Mùa xuân đã đến rồi
(Bài ca mùa xuân)
Núi rừng Việt Bắc mỗi khi xuân về được tô điểm bởi những chùm hoa
lê đua nhau nở trắng một vùng trời:
Mùa xuân lên Việt Bắc
Bạn sẽ gặp hoa lê
Hoa nở vòng quanh bản
Hoa nở dài theo suối
Hoa nở dọc sườn núi
Trắng đầy ắp lòng thung
(Hoa lê Việt Bắc)
Hình ảnh những cánh rừng mơ phủ kín núi rừng:
Đã bao giờ bạn thấy
Một cánh rừng hoa mơ
Giăng giăng như màn lụa
Quanh dãy núi sương mờ
Đây như là huyền thoại
Đây như là trong mơ
Đây quê hương cổ tích
Bạn lên Bản Hon nhé
Hoa mơ trắng đang chờ
(Hoa mơ)
Núi rừng Việt Bắc không chỉ hiện lên lung linh, tươi đẹp lúc chính
xuân mà khoảnh khắc tháng ba khi đất trời đã vào cuối xuân vẫn có sức hút
đặc biệt làm ngây ngất lòng con trẻ. Sức hút ấy hiện ngay trên cây vông đỏ
thắm những hoa, những thung lũng rập rờn cánh bướm vàng bướm trắng, vị
dẻo thơm của món xôi đen, xôi đỏ:


10


Tháng ba đến
Hoa đậu đỏ ngọn vông
Tháng ba đi
Bướm vàng trắng đầy thung
Tháng ba đùa
Làm ra xôi đen đỏ
(Tháng ba)
Bằng giọng thơ bình dị mà đầy lôi cuốn, sức hút, tháng ba - một
khoảng thời gian trong năm hiện lên sinh động như một đứa trẻ với những
hoạt động cụ thể: tháng ba đến… tháng ba đi… tháng ba đùa… Bước đi của
thời gian đến đâu là mang cảnh sắc tươi đẹp cho cây cỏ, con người và vạn vật
đến đó.
Mỗi mùa, thiên nhiên lại có một vẻ đẹp rất riêng, rất khác biệt. Nếu mùa
xuân được miêu tả với những vẻ đẹp nên thơ của những rừng đào bừng lên như
những ngọn lửa bên cạnh những ngôi nhà sàn hay hình ảnh trắng ngần của hoa
mơ, hoa mận, hoa lê khắp triền thung thì mùa hè lại gắn với vẻ đẹp sinh động
của những khóm măng vầu, măng trúc cựa mình vút khỏi mặt đất:
Măng vầu cởi áo
Mở lá cánh ve
Ông trời thở phè
Bay từng phoi lửa
Ông sấm ra cửa
Tập súng trên cao
(Vào hè)
Mùa hè còn mang theo những hiện tượng thiên nhiên đầy khắc nghiệt:
Tháng sáu mưa ngàn
Bất ngờ cơn suối lũ


11


Tháng sáu nóng bức
Lên nương trồng bông
Cào cào bay lo mùa đông dài sang tết
Tháng sáu chân mang thêm xà cạp
Cỏ sắc, muỗi rừng, ong châm…
(Tháng sáu)
Tháng bảy
Đi lên nương
Han ăn vàng lá lúa
Đốt mẩn lưng hai bàn tay
Đau quá về ngâm nước măng chua
Tháng bảy
Trẻ con ra ở chòi
Nằm lăn lóc như dưa hấu
Thằn lằn ban trưa bò lên giát
Gió thổi giật mái nhà gianh làm trò…
(Tháng bảy)
Hình ảnh so sánh “Trẻ con ra ở chòi/ Nằm lăn lóc như dưa hấu” thật
độc đáo. Nó không chỉ gợi lên nỗi vất vả cực nhọc của vùng cao giữa thời tiết
mùa hè khắc nghiệt mà còn khắc họa vẻ đáng yêu rất riêng của trẻ con miền
núi. Trong kí ức của mỗi em bé xứ Mây, hẳn các em sẽ luôn nhớ về những lần
được lên nương cùng mẹ. Con còn nhỏ dại, mẹ đi làm rẫy cũng phải địu con
theo. Mẹ mê mải với những cây sắn, cây ngô, ngoài bãi để quên đi nỗi đau xót
bị han đốt mẩn lưng hai bàn tay. Trong lúc mẹ làm việc, các con của mẹ phải
ngủ ngoài chòi lá. Dáng nằm lăn lóc của chúng vừa dễ thương, đáng yêu với
chất nguyên sơ thánh thiện, vừa thể hiện mối quan hệ hòa quyện, sự gặp gỡ kì

diệu giữa trẻ thơ với thiên nhiên. Trong thơ Dương Thuấn, trẻ thơ và thiên
nhiên đều là hiện thân của vẻ đẹp tinh khôi, thuần khiết, đầy sức sống.

12


Viết về mùa thu trên quê hương vùng cao, nhà thơ rất tinh tế khi cảm
nhận được những chi tiết nhạy cảm của thời tiết, sự rung động của đất trời khi
chuyển sang tiết thu:
Ðêm qua trời hiu hiu gió
Sớm ra lành lạnh hơi người
Suối thu sắc xanh như lá
Một năm học mới đến rồi
(Cô giáo bản)
Thu qua, đông tới tháng chạp mang về cái lạnh như cắt da, cắt thịt.
Thời tiết lạnh buốt không chỉ do nhiệt độ thấp mà còn do sương mù phủ trắng
núi rừng, sương muối giăng mắc khắp bản làng, cành cây, ngọn cỏ:
Tháng chạp trời mau tối
Đi học về lội suối
Bước lần theo đom đóm
Tiếng ve núi ran ran
(Tháng chạp)
Mùa đông khi những cơn gió bấc thổi qua chỉ còn vương lại những
ngọn cây xơ xác, con người chỉ muốn tìm về với bếp lửa ấm áp, sự xum họp
gia đình trong những đêm đông giá buốt:
Mùa đông vừa mới đến chiều nay
Tối cả nhà quay mặt vào bếp lửa
Nghe vui tai hạt ngô nướng nổ
Gió vuốt cành lê buốt rợn người
(Mùa đông)

Không chỉ khắc họa bức tranh cảnh sắc bốn mùa, trong vườn thơ
Dương Thuấn còn xuất hiện thế giới của biết bao loại cây, loại quả phong
phú. Mỗi loài cây quả được nhà thơ khai thác ở khía cạnh riêng độc đáo và
khám phá ra vẻ đẹp giàu chất thơ của nó. Loài cây cũng được nhân hóa như

13


con người, nó để lại dấu ấn trong tâm trí mỗi người con nơi đây, khi đi xa thì
nhớ nhung lưu luyến:
Ðứng bên sườn núi
Trăm năm chẳng nói cùng ai
Ði xa bản ai ai cũng nhớ
Trẻ con nhớ mùa làm tổ
Người lớn nhớ mùa lá non
(Cây sau sau)
Quả núc nác với sức sống mãnh liệt, mặc nắng táp, gió giật vẫn neo
chắc trên ngọn cây, tác giả rất thành công khi kể về cây núc nác:
Mặc cho nắng táp
Mặc cho gió xoay
To bằng bàn tay
Dài như lưỡi mác
(Núc nác)
Những quả chuối rừng thơm lừng khiến cho cả những chú sóc nửa đêm
cũng phải lao lên ngọn cây để đi tìm:
Chuối rừng chín thơm thật thơm
Mùi hương thoảng bay lên triền dốc
Chú sóc đang ngủ say liền tỉnh giấc
Nửa đêm lao lên ngọn cây cao đi tìm
(Chuối rừng)

Qua cảm nhận của Dương Thuấn, những loài cây còn có một sức sống
vô cùng mãnh liệt:
Dây bò vươn khắp
Rồi leo lên cây
Bóng tỏa rừng dày
Khi mùa xuân tới

14


Bồ khai ra ngọn
Búp dài tươi xanh…
(Bồ khai)
Nhà thơ lí giải sự sinh sản của cây hồng bằng hình ảnh cây hồng chịu
đau đớn “sinh con”:
Sau mùa hái quả
Chém đứt rễ hồng
Từ vết nhựa ứ
Mọc lên cây mầm
Hồng không có hột
Chẳng giống bao cây
Phải chịu đau đớn
Sinh con lạ thay
(Hồng sinh con)
Nhìn chung, những bài thơ viết về thiên nhiên núi rừng Việt Bắc đã cho
bạn đọc thấy một hồn thơ dạt dào cảm xúc của Dương Thuấn. Ðó là món ăn
tinh thần quý giá mà nhà thơ đã trân quý tặng cho thiếu nhi. Qua đó, các em
không chỉ được mở rộng nhận thức về thế giới tự nhiên, môi trường xung
quanh mà còn được tiếp thêm tình yêu thiên nhiên đất nước và ý thức giữ gìn,
bảo tồn môi trường thiên nhiên, bảo vệ màu xanh cho đại ngàn Việt Bắc.

1.2.2. Thế giới loài vật phong phú, đa dạng
Viết về loài vật là một trong những mảng đề tải hấp dẫn trong thơ
Dương Thuấn. Nhà thơ mang đến cho các em niềm vui khám phá như được
dạo chơi trong một khu vườn bách thú. Các em gặp trong đó những loài vật
nuôi sống ở trong nhà như mèo, chó, ngựa, trâu… đến những loài vật hoang
dã sống ở trong rừng như gấu, sóc, nhím, khỉ… cả những loài chim trời như
cú, quạ… và những loài vật sống dưới nước như cá, nòng nọc… Tất cả hợp

15


lại thành một xã hội chim thú, côn trùng đông vui, sinh động, đầy ắp những
tiếng hót, tiếng kêu, tiếng trò chuyện… ríu rít inh ỏi như thế giới trẻ thơ đầy
ắp tiếng cười, tiếng hát thật đáng yêu. Qua mỗi bài thơ, Dương Thuấn muốn
giới thiệu đến bạn đọc nhỏ tuổi một thế giới vô cùng mới lạ, trong đó mỗi loài
vật được khắc họa với những hình dáng và tính cách khác nhau.
Bạn đọc sẽ cảm thấy vô cùng thú vị khi bắt gặp những con vật gần gũi,
thân quen, biết được đặc trưng của từng con vật xung quanh mình. Từ những
quan sát tỉ mỉ, Dương Thuấn đã mang vào trong thơ hình ảnh sống động về
một chú sóc rừng, hình ảnh một chú sóc rừng nhỏ con nhưng nhanh nhẹn:
Mắt bằng hạt đậu đen
Mồm luôn kêu túc tắc
Đuôi ngúc ngoa ngúc ngoắc
Phẩy sạch bụi lá cành
Lựa quả chín quả xanh
Chân đưa nhanh thoăn thoắt
Quả trên cây cao vút
Vù lên hái xuống ngay
(Con sóc)
Nhà thơ miêu tả chú sóc thật cụ thể từ đặc điểm bên ngoài với đôi mắt

nhỏ xinh bằng hạt đậu, cái miệng kêu tắc tắc và cái đuôi linh hoạt ngúc ngoa
ngúc ngoắc mà theo cảm nhận độc đáo của tác giả là để quẩy sạch bụi trên lá,
cành. Trong cảm nhận của ông, chú sóc hiện ra tựa như một bác lao công
chăm chỉ, đáng yêu và nhanh nhẹn của núi rừng. Hằng ngày, “bác lao công
sóc” cần mẫn quét sạch bụi bẩn vương trên mọi cành cây, kẽ lá bằng chiếc
chổi lông đặc biệt. Dương Thuấn mang đến cách nghĩ, cách nói, cách viết hồn
nhiên, thuần hậu của một người có tuổi thơ gắn bó với núi rừng, với thiên
nhiên hoang dã.

16


Dưới ngòi bút miêu tả của Dương Thuấn, hình ảnh con nhím hiện ra
với đúng hình dáng đặc trưng của nó:
Mình bao mũi tên
Cái đầu bé xíu
Cái mắt tí hi
Cái đuôi đeo mõ
Lắc kêu re re
Gặp khi bưởi chín
Bắn rụng rồi đi
(Con nhím)
Một con gấu béo mũm mĩm, mắt béo híp chuẩn bị đi ngủ đông:
Mắt buồn ngai ngái
Ăn suốt mùa hè
Gió bấc tràn về
Vào hang nằm ngủ
(Con gấu)
Những loài chim ở núi rừng được Dương Thuấn miêu tả bằng con mắt
kì thú và tràn đầy yêu thương. Chú chim gõ kiến thật đẹp bởi tinh thần cống

hiến tình yêu lao động:
Sáng
Trưa
Chiều
Chim gõ kiến
Chăm bắt mồi
Không biếng lười
Cốc…pốc…
Cốc…pốc…
(Chim gõ kiến)

17


Vì sao những chú chim lại hát hay, giọng nói trong veo làm xanh da
trời, nhà thơ đã lí giải thật tài tình là do uống nước hồ Ba Bể, qua đây trẻ biết
yêu quê hương mình hơn:
Tiếng chim hót trong veo
Làm xanh biếc da trời
Con chim đã uống nước
Hồ Ba Bể đấy thôi
(Tiếng chim)
Hình ảnh những chú chim lửa trời báo tết đến xuân sang được miêu tả
thật vui nhộn:
Những con chim mắt đen bé xíu
Muôn màu đỏ, tím, vàng, nâu
Cùng ríu ran báo rằng: Tết đến!
Báo cho người rồi trở lại rừng sâu
(Chim lửa trời báo tết)
Qua bài thơ ta thấy được đôi mắt tinh tế cũng như sự quan sát tỉ mỉ của tác

giả. Những con chim với đủ màu sắc, mang đến một không gian vô cùng nhộn
nhịp và sinh động trong rừng sâu với tiếng hót trong ngần, thánh thót. Bài thơ
cũng để lại dấu ấn sâu sắc trong tâm trí các em bởi nó nói đúng tâm lí trẻ em
thích tết. Tiếng chim như đánh thức cả đất trời, vạn vật xung quanh, nó dường
như muốn báo hiệu một điều gì đó đến và đúng như vậy, đó chính là mùa xuân,
mùa xuân của vạn vật, của muông thú, của các loài cây thi nhau đua sắc.
Thế giới loài vật mở ra muôn vàn điều thú vị để các em khám phá.
Không chỉ có các con vật ở trên cạn, Dương Thuấn mở ra trước mắt các em
một thế giới của các loài vật sống dưới nước. Cái thế giới đó hiện lên với
dáng vẻ phong phú, rộn rã màu sắc và âm thanh. Đó là những chú ếch ăn
trăng, cá thần, nòng nọc hay là những con côn trùng như rết, sâu róm, tắc

18


kè… qua đôi mắt ngây thơ của các em đã trở thành một thế giới rất riêng của
núi rừng.
Hình ảnh chú ếch đang mải mê ăn trăng cho trời đổ cơn mưa rào sao
mà ngộ nghĩnh, đáng yêu đến lạ:
Một đêm mùa hạ
Trời đầy trăng sao
Có một chú ếch
Ngồi ở bờ ao
Mồm luôn đớp đớp
Uống bóng trăng vào
Cá rô thấy lạ
Mới hỏi làm sao
Ếch bảo cố đớp
Ăn hết trăng sao
Thành cơn mưa rào

Cá rô nghe vậy
Cười sủi cả ao
(Chú ếch ăn trăng)
Chỉ bằng vài nét phác họa, Dương Thuấn đã dựng lên một khung cảnh
vui tươi đầy màu sắc, nhộn nhịp, lại phù hợp với tâm trí trẻ nhỏ, tò mò và
thích khám phá những điều mới lạ.
Chú nòng nọc hay bị chê là đen trũi nhưng lại có tiếng nói quan trọng
như trong dân gian vẫn thường hay nói là bảo được ông trời:
Dù bị chê là đen trũi
Nòng nọc chẳng than phiền
Đông chí lạnh họp nhau bờ suối
Chẳng cần để ý đến lời ai
Mẹ cóc đẻ ra thế nào, cứ thế…

19


Nòng nọc luôn nhận mình xấu xí
Xấu xí thôi nhưng bảo được ông trời
(Nòng nọc)
Điều đặc biệt là Dương Thuấn đã giúp các em phát hiện ra ở những con
nòng nọc tưởng như là không có gì dễ yêu, dễ mến ấy lại mang vẻ đẹp rất
riêng. Chúng không dễ thương vẻ bên ngoài nhưng “công việc” mà chúng làm
hằng ngày là những việc tốt, mang lại lợi ích cho vạn vật xung quanh. Nòng
nọc khi lớn lên sẽ là những chú cóc kêu “ộp ộp” gọi về những cơn mưa mát
mẻ, tốt lành. Chẳng thế mà con cóc được dân gian gọi bằng cái tên đáng nể:
Con cóc là cậu ông trời.
Còn vô vàn các loài vật vừa lạ vừa quen. Con sâu róm đáng sợ thân thì
đen sì, xấu xí nhưng qua ngòi bút Dương Thuấn, những con sâu róm lại trở nên
đáng yêu, đáng mến. Nhà thơ kể cho các em nghe nguồn gốc của những chú

bướm xinh xắn bay trên cánh đồng thực ra chính là những chú sâu róm lột xác:
Cả đời leo trên ngọn cây
Có ai biết chuyện róm không
Hè mặc áo đen làm sâu ăn lá
Thu áo hoa làm bướm trên đồng
(Sâu róm)
Không chỉ sâu róm, những con sâu cơi cặp mắt nổi vằn xanh, vằn đỏ,
lưng có gai nhưng không hề đáng đáng sợ mà trở thành trò chơi của các em bé
trên quê hương xứ Mây :
Sâu cơi đi gồng lưng ai cũng sợ
Chỉ có lũ trẻ con thích nghịch thôi
Chỉ có lũ trẻ con đợi mùa sâu cơi
Nhìn xấu xí nhưng nhả ra dây đẹp…
(Những con sâu cơi)

20


×