Tải bản đầy đủ (.pdf) (60 trang)

Hình tượng nhân vật phụ nữ trong tập truyện mây và mặt trời của r tagore

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (740.8 KB, 60 trang )

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI 2
KHOA NGỮ VĂN

NGUYỄN THỊ PHƯƠNG VI

HÌNH TƯỢNG NHÂN VẬT PHỤ NỮ
TRONG TẬP TRUYỆN MÂY VÀ MẶT TRỜI
CỦA R.TAGORE
KHOÁ LUẬN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC
Chuyên ngành: Văn học nước ngoài

HÀ NỘI, 2018


TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI 2
KHOA NGỮ VĂN

NGUYỄN THỊ PHƯƠNG VI

HÌNH TƯỢNG NHÂN VẬT PHỤ NỮ
TRONG TẬP TRUYỆN MÂY VÀ MẶT TRỜI
CỦA R.TAGORE
KHOÁ LUẬN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC
Chuyên ngành: Văn học nước ngoài
Người hướng dẫn khoa học

ThS. BÙI THUỲ LINH

HÀ NỘI, 2018



LỜI CẢM ƠN
Để thực hiện khoá luận này, tôi đã nhận được sự giúp đỡ tận tình từ các
thầy cô giáo trong khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, đặc biệt
là các thầy cô giáo trong tổ Văn học nước ngoài và ThS. Bùi Thuỳ Linhngười hướng dẫn trực tiếp.
Tôi xin chân thành cảm ơn ThS. Bùi Thuỳ Linh, người đã hết lòng giúp
đỡ và chỉ bảo tận tình cho tôi trong quá trình nghiên cứu và hoàn thành khoá
luận này.
Hà Nội, ngày 02 tháng 05 năm 2018
Sinh viên thực hiện

Nguyễn Thị Phương Vi


LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan khoá luận tốt nghiệp Hình tượng nhân vật phụ nữ
trong tập truyện Mây và mặt trời của R.Tagore là kết quả nghiên cứu của
riêng tôi. Các kết quả nghiên cứu trong khoá luận là hoàn toàn trung thực và
chưa từng được công bố trong bất cứ công trình nghiên cứu nào. Nếu sai tôi
xin hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Hà Nội, ngày 02 tháng 05 năm 2018
Sinh viên thực hiện

Nguyễn Thị Phương Vi


MỤC LỤC
LỜI CẢM ƠN
LỜI CAM ĐOAN
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU .......................................................................................................... 1

1. Lí do chọn đề tài .......................................................................................... 1
2. Lịch sử vấn đề .............................................................................................. 4
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu.............................................................. 8
4. Phương pháp nghiên cứu............................................................................ 9
5. Đóng góp của khóa luận ............................................................................. 9
6. Bố cục khóa luận ....................................................................................... 10
NỘI DUNG..................................................................................................... 11
CHƯƠNG 1. ĐẶC ĐIỂM HÌNH TƯỢNG NHÂN VẬT PHỤ NỮ
TRONG TẬP TRUYỆN MÂY VÀ MẶT TRỜI ........................................... 11
1.1. Khái niệm nhân vật và hình tượng nhân vật....................................... 11
1.1.1. Nhân vật văn học.................................................................................. 11
1.1.2. Hình tượng nhân vật............................................................................ 12
1.1.3. Hình tượng nhân vật phụ nữ .............................................................. 12
1.2. Một số đặc điểm tiêu biểu của hình tượng nhân vật phụ nữ trong
Mây và mặt trời của R.Tagore ...................................................................... 13
1.2.1. Số phận bất hạnh ................................................................................. 15
1.2.1.1. Bất hạnh trong tình yêu và hôn nhân ................................................. 15
1.2.1.2. Bất hạnh bởi chế độ đẳng cấp và những hủ tục lạc hậu.................... 18
1.2.2. Phẩm chất tốt đẹp................................................................................ 24
1.2.2.1. Lòng nhân hậu và đức hy sinh ........................................................... 25
1.2.2.2. Tâm hồn khát khao hạnh phúc ........................................................... 28
1.2.2.3. Ý thức phản kháng .............................................................................. 31


1.2.2.4. Tư tưởng tiến bộ ................................................................................. 32
Tiểu kết chương 1 ......................................................................................... 34
CHƯƠNG 2. NGHỆ THUẬT XÂY DỰNG HÌNH TƯỢNG NHÂN VẬT
PHỤ NỮ TRONG TẬP TRUYỆN MÂY VÀ MẶT TRỜI .......................... 35
2.1. Nghệ thuật miêu tả ................................................................................. 35
2.1.1. Miêu tả ngoại hình ............................................................................... 35

2.1.2. Miêu tả tâm lý nhân vật ....................................................................... 38
2.1.3. Miêu tả cảnh vật ................................................................................... 41
2.2. Ngôn ngữ ................................................................................................. 43
2.2.1. Ngôn ngữ của tác giả ........................................................................... 44
2.2.2. Ngôn ngữ nhân vật .............................................................................. 45
Tiểu kết chương 2 .......................................................................................... 48
KẾT LUẬN .................................................................................................... 49
TÀI LIỆU THAM KHẢO
PHỤ LỤC


MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Ấn Độ là một quốc gia giàu truyền thống văn hóa, đất nước có nền văn
minh phát triển rực rỡ, được xem là một trong năm nền văn hoá lớn của nhân
loại. Đất nước Ấn Độ được xem là có một kho tàng thơ và truyện vô cùng
lớn. Nói đến truyền thống văn hoá và ngôn ngữ Ân Độ, ta không thể không
nói đến hai bộ sử thi vĩ đại là Mahabharata và Ramayana.Theo cố thủ tướng
Ấn Độ J. Nehru thì chưa có bộ sách nào và chưa ở đâu lại có một bộ sách có
ảnh hưởng liên tục và tràn ngập đối với quần chúng như hai bộ sử thi trên.
Không chỉ ở văn học cổ đại, văn học hiện đại của Ấn Độ cũng rất đồ sộ và
giàu giá trị với thơ, tiểu thuyết, truyện ngắn và nhiều thể loại khác. Nền văn
học Ấn Độ có một sức ảnh hưởng lớn không những trong khu vực mà còn cả
thế giới. Dòng chảy văn học của Đông Nam Á chịu ảnh hưởng nhất định từ
Ấn Độ, Đông Nam Á là nơi tiếp thu được khá nhiều nét đặc sắc từ nền văn
hóa văn học Ấn Độ, trong đó có các quốc gia Lào, Campuchia và Việt Nam.
Rabindranath Tagore là một nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch lớn, một
nhạc sĩ nổi tiếng, một nhà hoạt động xã hội và là nhà nhân đạo chủ nghĩa của
đất nước Ấn Độ, Tagore là người Châu Á đầu tiên đoạt giải Nobel Văn học.
Ông là thiên tài của Ấn Độ.Tác giả Lê Thanh Huyền nhân xét : “Vượt ra khỏi

ranh giới quốc gia, Tagore đã mang đến cho những học giả Phương Đông
cũng như Phương Tây sự ngạc nhiên và ngưỡng mộ nhờ tầm vóc tư tưởng lớn
lao của mình” [6,104]. Tagore đã để lại một gia tài nghệ thuật vô cùng quý giá
cho nhân loại. Thơ ca chiếm ưu thế trong sự nghiệp sáng tác của R.Tagore với
hơn 1.000 bài thơ, tuy nhiên ông cũng để lại nhiều tiểu thuyết, truyện ngắn,
kí, luận văn, tranh vẽ, và rất nhiều bài hát. Trong đó đặc biệt là tập Thơ Dâng
được giải thưởng Nobel Văn học cao quý năm 1913. Cả thế giới đã đánh giá
tập thơ này là linh hồn của văn học Ấn Độ. Gia tài nghệ thuật mà Tagore để

1


lại cho nhân loại vô cùng giàu có và nó ảnh hưởng mạnh mẽ đến văn hoá văn
học về sau của Ấn Độ và cả Bangladesh. Rabindranath Tagore đã trở thành
biểu tượng cho văn hoá văn học Ấn Độ. Ông được xem là “ “Tam vị nhất thể”
của Ấn Độ phục hưng (M.Gandhi, Nehru, R.Tagore) khiến dân tộc Belgan đã
tự hào kiêu hãnh: Nếu tất cả đại dương biến thành mực, tất cả đất đai biến
thành giấy, tất cả cây rừng biến thành bút thì cũng không ghi đủ công tích của
R.Tagore” [9,1]. Đóng góp của Tagore cho tiến trình văn hóa, văn học Ấn Độ
hết sức lớn lao. Với một tầm nhìn sâu rộng, một năng lực sáng tạo đặc biệt,
ông đã góp phần tạo nên một cuộc cách mạng trong văn học Ấn Độ, đưa văn
học Ấn Độ hội nhập vào nền văn học hiện đại, rút ngắn được khoảng cách
giữa hai nền văn học Đông và Tây. Trong nền văn học Ấn Độ, tài năng của
Tagore lan tỏa khắp mọi nơi như ánh sáng mặt trời. Sau hơn 70 năm sáng tạo,
ông đã để lại cho đời một khối lượng tác phẩm đồ sộ. Chính vì lẽ đó, nghiên
cứu, tìm hiểu sáng tác của R.Tagore không chỉ để hiểu về một tài năng kiệt
xuất mà còn là để hiểu về một nền văn học Ấn Độ hết sức phong phú và giàu
truyền thống.
Tagore không chỉ là biểu tượng của thơ ca Ấn Độ mà còn là một ngôi
sao sáng ở thể loại truyện ngắn.Tagroe là nhà văn mở đường đồng thời cũng

là người có công đưa thể loại này đến đỉnh cao bằng những sáng tác của
mình. R.tagore đến với thể loại truyện ngắn vào thập niên chín mươi của thế
kỉ XIX, khi mà ông đã xác lập được một vị thế rõ ràng của mình trên nền văn
học Ấn Độ trong tư cách một nhà thơ. Đây có thể xem là một bước ngoặt
không chỉ đối với sáng tạo của Tagore mà cả với nền văn học Ấn Độ hiện đại.
Năm 1891, lần đầu tiên Tagore xuất hiện với tư cách là mộ nhà văn viết
truyện ngắn với hai tác phẩm Ông chủ bưu điện và Khobababur được viết
bằng tiếng Bengali. Nguyễn Văn Hạnh đã khẳng định những đóng góp của
Tagore với văn học Bengal và văn học Ấn Độ qua thể loại truyện ngắn:

2


“Trước R. Tagore, cùng thời với Tagore dường như chưa có nhà văn nào ở
Ấn Độ thành công với những tác phẩm văn xuôi viết bằng ngôn ngữ bản địa”
[5,106].
Sau hai truyện ngắn đầu tay, Tagore liên tiếp cho ra đời hàng loạt
những truyện ngắn về nhiều đề tài khác nhau. Tiêu biểu là các tác phẩm như:
Một đêm (1982); Đền tội (1894); Mây và mặt trời (1894); Chúng tôi xin tôn
anh lên làm vua (1898); Đá đói; Những bậc bến tắm bên sông,… Truyện
ngắn của Tagore thường viết về những mảnh đời bất hạnh, tối tăm đầy rẫy
trong xã hội Ấn Độ . Tagore gần gũi những người nông dân, chứng kiến cuộc
sống đói nghèo của họ, ông đã nhận ra tình trạng bất bình đẳng sâu sắc trong
xã hội Ấn Độ. Khoảng cách giàu-nghèo, sự đối lập giữa nông thôn- thành thị
trở nên sâu sắc hơn dưới sự thống trị của người Anh đã có tác động lớn đến tư
tưởng tình cảm của Tagore. Truyện ngắn Tagore mang giá trị như một tấm
gương phản chiếu những số phận người ở xã hội Ấn Độ đầy tối tăm lạc hậu
bằng một đôi mắt của nhà nhân đạo chủ nghĩa, thương cảm với những số phận
người và mở ra cho họ những hướng đi mới. Truyện ngắn của Tagore hài hoà
giữa trữ tình và triết lý, hiên thực và huyền ảo, truyền thống và hiện đại.

Đặc biệt Tagore rất thành công trong việc khắc hoạ hình tượng người
phụ nữ Ấn Độ. Dưới cái nhìn nhân đạo sâu sắc, người phụ nữ Ấn Độ hiện lên
trong truyện ngắn của Tagore sống trong sự hà khắc của gia đình, lễ giáo và
xã hội. Họ chính là những mảnh ghép của cuộc sống hiện thực, những người
phụ nữ đáng thương và đáng trân trọng.
Một số truyện ngắn hay của Tagore đã được dịch thuật và in trong tập
Mây và mặt trời, Nxb Văn học, Hà nội, 1986 .Tập truyện mang tư tưởng và
triết lý nhân văn sâu sắc, đặc biệt là thể hiện một cách xuất sắc hình tượng
nhân vật người phụ nữ Ấn Độ cuối thế kỉ XIX dưới cái nhìn của một nhà nhân
đạo chủ nghĩa. Tập truyện gồm hai mươi lăm truyện ngắn này của Tagore này

3


hiện nay chưa được nghiên cứu nhiều ở Việt Nam. Trong bối cảnh đó, việc
tìm hiểu hình tượng người phụ nữ trong tập truyện ngắn Mây và mặt trời của
R.Tagore có một ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, góp thêm một nguồn tư liệu hữu
ích cho việc giảng dạy và học tập. Đó chính là lý do khiến người viết lựa chọn
đề tài nghiên cứu: “Hình tượng nhân vật phụ nữ trong tập truyện Mây và mặt
trời của R.Tagore”
2. Lịch sử vấn đề
Năm 1913, Tagore được nhận giải thưởng Nobel văn học với tập Thơ
Dâng, ông được biết tới như một hiện tượng kỳ lạ của văn hoá Phương Đông
thế kỷ XX. Từ đây tên tuổi và các tác phẩm của ông được truyên sang các
nước khác. Đến cuối thập niên 50 của thế khỉ XX, truyện ngắn R.Tagore được
dịch và giới thiệu ở nhiều nước Châu Âu như Anh, Pháp, Nga với một số
truyện ngắn tiêu biểu như Đá đói; Mây và mặt trời; Ảo ảnh tan vỡ. Như vậy,
có thể thấy, so với thơ, truyện ngắn R. Tagore được biết đến ở nước ngoài
muộn hơn nhiều thập kỷ.
Qua những tài liệu thu thập và tìm thấy được, tôi nhận thấy lịch sử

vấn đề nghiên cứu về truyện ngắn Tagore thu hút được sự quan tâm, nghiên
cứu của không ít độc giả và những nhà nghiên cứu ở Ấn Độ và các nước
phương Tây như nhà phê bình Promothonath Bishi, Mary.m.Lago,.. song
chưa có bài viết cụ thể, chuyên sâu nào về hình tượng nhân vật phụ nữ trong
tập truyện ngắn Mây và mặt trời. Bên cạnh đó, lịch sử vấn đề nghiên cứu về
truyện ngắn Tagore ở Việt Nam muộn hơn rất nhiều so với phương Tây và
cũng ít hơn so với nghiên cứu về thơ ca của ông.
Tên tuổi của Tagore lần đầu tiên được biết đến ở Việt Nam vào năm
1924, trên hai số báo Nam Phong là số 84 và 85 trong bài viết Một đại thi sĩ
ấn Độ - ông Rabindranath Tagore của Trần Trúc Đình. Cũng ở số báo đó,
trong bài viết Bàn phiếm về văn hóa phương Tây, học giả Thượng Chi đã nói

4


đến R.Tagore như một đại diện ưu tú của văn hóa phương Đông, người đã chủ
trương hòa hợp hai nền văn hóa Đông - Tây. Tuy nhiên, phải đến năm 1943,
khi cuốn Thi hào R.Tagore của Nguyễn Văn Hai được nhà xuất bản Tân Việt
ấn hành, độc giả Việt Nam mới có cái nhìn đầy đủ hơn về R.Tagore.
Năm 1958, trong chuyến thăm ấn Độ đầu tiên, chủ tịch Hồ Chí Minh đã
đến thăm bảo tàng R.Tagore ở thành phố Calcutta, quê hương ông. Ghi lại
chuyến đi này, chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết trên báo nhân dân số ngày
19/3/1958: “Đại thi hào R.Tagore cả thế giới đều kính trọng”. Có thể xem đây
là cột mốc quan trọng quá trình giới thiệu nghiên cứu Tagore ở Việt Nam.
Ở Việt Nam, phần lớn các dịch giả và các nhà nghiên cứu đều tập trung
vào lĩnh vực thơ ca của Tagore vì vậy các công trình nghiên cứu về thơ ca tagore
ở Việt Nam rất phong phú và chuyên sâu. Trong khi đó, các nghiên cứu về
truyện ngắn Tagore không nhiều và cũng chỉ dừng lại ở những khái quát.
Tác giả Cao Huy Đỉnh và La Côn đã giới thiệu truyện ngắn của
R.Tagore đến với độc giả Việt Nam vào kỷ niệm 100 năm ngày sinh của

R.Tagore bằng cuốn R. Tagore - Thơ, kịch. Trước khi dịch 50 bài thơ và hai
vở kịch của Tagore, Cao Huy Đỉnh đã có 48 trang viết giới thiệu về cuộc đời,
tư tưởng nghệ thuật và một số đặc sắc trong sáng tác của R.Tagore, trong đó
có thể loại truyện ngắn. Khi nhận xét về truyện ngắn Tagore, Cao Huy Đỉnh
viết " Truyện ngắn của Tagore cũng mang nhiều tính trữ tình. Nó nói hộ triết
lí và tình cảm của nhà thơ bằng những hình ảnh thiên nhiên, bằng thần thoại,
bằng biểu tượng và ngụ ngôn nhiều hơn là sự việc rút ra từ thực tế đời sống.
Nhưng Tagore đã lựa chọn đúc kết rất chặt chẽ và tinh vi để cho hợp với cuộc
sống hiện thời” [11,422].
Năm 1986, nhà xuất bản Văn hoá xuất bản tập truyện Mây và Mặt trời
của R.Tagore, gồm 25 truyện do Hoàng Cương, Nguyễn Tâm dịch. Trong lời
giới thiệu, Đào Anh Kha đã có một cái nhìn bao quát. Ông chú ý đến một số

5


đặc điểm cơ bản của truyện ngắn Tagore, mà theo ông là hết sức tiêu biểu.
Đó là “sự đan xen giữa hiện thực và huyền ảo, giữa triết lý và trữ tình, giữa
đạo và đời”. Đặc biệt Đào Anh Kha đã chú ý đến sự phong phú đa dạng của
thế giới nhân vật trong sáng tác của R. Tagore nhất là những nhân vật trong
truyện ngắn của Tagore. Ông viết: “R.Tagore thường tránh cách dùng lý trí để
mô tả và phân tích tâm lý nhân vật như phần lớn các nhà văn khác. Ông sử
dụng tài tình các phương tiện thiên nhiên. Dưới ngòi bút của ông, thiên nhiên
có mặt khắp nơi, mọi lúc và bao giờ cũng nặng tâm tư, mọi sắc thái của cảnh
vật đều phản ánh những biến động của tâm hồn” [7,11].Nói về nhân vật phụ
nữ truyện ngắn Tagore, Đào Anh Kha cho rằng, “Phụ nữ Ấn Độ dưới ngòi bút
của tagore , thật muôn hình muôn vẻ, mỹ lệ và đáng thương” [7,9]. Như vậy,
so với Cao Huy Đỉnh, Đào Anh Kha đã có cái nhìn bao quát và cụ thể hơn về
nghệ thuật và nhân vật phụ nữ trong truyện ngắn R.Tagore.
Tác giả Lưu Đức Trung đã viết : “Truyện ngắn của Tagore rất đa dạng.

Có truyện rất ngắn chỉ mấy chục dòng, có truyện rất dài, kết cấu khá phức tạp,
nhưng nói chung tính hiện thực rất sâu sắc. Ông thường kết hợp tính chất
huyền ảo và hiện thực trong truyện, khiến cho tác phẩm có sức gợi cảm và
hấp dẫn” [9,151-152]. Bên cạnh đó, Lưu Đức Trung cũng đã có nhận xét xác
đáng về truyện ngắn Tagore: “Cốt truyện ngắn gọn, có truyện chỉ vài ba trang
nhưng nội dung lại súc tích, kết cấu chặt chẽ, mang tính kịch sâu sắc, tạo cho
truyện có tính hấp dẫn”[10,152]. Trong một lời giới thiệu của cuốn Tuyển tập
tác phẩm R.Tagore , Lưu Đức Trung khẳng định: “Truyện ngắn Tagore chan
chứa tinh thần nhân đạo cao cả[12,7]. Như vậy Lưu Đức Trung đã có một cái
nhìn bao quát về giá trị nhân đạo trong truyện ngắn của Tagore.
Năm 1979, nhà phê bình Đào Xuân Quý trong bài viết Rabindranath
Tagore, nhà thơ của cuộc đời đã lưu ý về thái độ của Tagore với nhân dân lao
động nghèo khổ thể hiện trong toàn bộ sáng tác của ông, bao gồm cả truyện

6


ngắn: “Thái độ của Tagore đã rõ. Ông không bao giờ xu phụ bọn giàu sang
quyền quý. Trái lại, đối với nhân dân lao động, đối với những người thuộc
tầng lớp thấp hèn trong xã hội Ấn Độ, ông rất đỗi thương yêu, quý mến; ông
luôn đứng về phía họ, tìm thấy ở họ nguồn sức mạnh của mình. Chủ đề này
hầu như bao trùm toàn bộ tác phẩm của Tagore, cả thơ, kịch, tiểu thuyết,
truyện ngắn và những bài diễn văn nữa” [8,200].
Năm 1984, cuốn giáo trình Văn học Ấn Độ- Lào-Campuchia của Lưu
Đức Trung và Đinh Việt Anh ra đời đã đánh dấu một mốc quan trọng của văn
học Ấn Độ nói chung và của văn học Tagore nói riêng tại Việt nam. Văn học
Ấn Độ chính thức được đưa vào giảng dạy tại chương trình cao đẳng và đại
học.
Lê Nguyên Cẩn đã có dẫn trích ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu về
truyện ngắn Tagore. Jun Ohrui “Chẳng có gì là quá đáng khi nói rằng R.

Tagore là nhà thơ cũng như nhà văn vĩ đại nhất trong suốt ba nghìn năm hoạt
động của văn học Ấn Độ” [2,155].
Đỗ Thu Hà đã có cái nhìn về truyện ngắn Tagore “Truyện ngắn của
Tagore không phải luôn luôn là những kiệt tác không có tì vết, nhưng xét cả
về phương diện xã hội lẫn nghệ thuật có thể coi đây là những mẫu mực của
truyện ngắn hiện đại qua cách mà các nhân vật của ông trình bày sự xung đột
trong xã hội Bengal, cách mà ông đưa ra câu hỏi về những xung đột này”
[4,119].
Nhiều nhà nghiên cứu cả nước ngoài và Việt Nam đã cho rằng chính
Tagore là người đầu tiên mang thể loại truyện ngắn đến cho văn học Ấn Độ.
Tác giả Lê Thanh Huyền đã đồng ý với nhận định của Buddhadva Bose:
“Buddhadva Bose khẳng định: “Tagore đã mang truyện ngắn đến cho chúng
ta thậm chí ngay cả khi người ta còn chưa biết đến nó tại Anh”” [4.119] và
nhận định của Sukima Sen “Tagore là nhà văn đầu tiên viết truyện ngắn thực

7


sự bằng tiếng Bengali (năm1891) và cho đến nay vẫn là nhà văn viết truyện
ngắn hay nhất” [6,104].
Gần đây nhất là cuốn sách Tác giả tác phẩm văn học nước ngoài trong
nhà trường- Tago đã được xuất bản năm 2016 do Lê Nguyên Cẩn chủ biên,
Nguyễn Thị Mai Liên biên soạn vào tuyển chọn. Cuốn sách gồm những kiến
thức về tagore và các sáng tác của ông, trong đó đã nói về nội dung và nghệ
thuật của truyện ngắn Tagore. Về nội dung, tác phẩm đã làm rõ giá trị hiện
thực và giá trị nhân đạo của truyện ngắn. Về nghệ thuật, đã làm rõ nghệ thuật
miêu tả và nghệ thuật sắc màu huyền ảo cuả truyện ngắn Tagore. Những nhận
định của Lê Nguyên Cần và Nguyễn Thị Mai Liên đã mở ra hướng đi cho
những đọc giả rmuốn nghiên cứu về Tagore và truyện ngắn của ông.
* Điểm lại một số công trình nghiên cứu, giới thiệu về R.Tagore tôi đã

tìm hiểu, có thể nhận thấy rằng, cho đến nay thành tựu nghiên cứu về truyện
ngắn Tagore chưa có nhiều. Nhất là tại Việt Nam, các nhận xét của các nhà
nghiên cứu ở trong nước về truyện ngắn Tagore mới dừng lại ở khái quát về
hình tượng nhân vật và hình tượng nhân vật phụ nữ được thể hiện trong
truyện ngắn. Một số luận văn và bài báo khoa học đã bắt đầu nghiên cứu về
nhân vật phụ nữ trong tiểu thuyết Đắm thuyền hay vấn đề trang phục trong
Mây và mặt trời. Tuy nhiên, tôi nhận thấy chưa có công trình nghiên cứu
chuyên sâu nào về hình tượng nhân vật phụ nữ trong truyện ngắn của Tagore.
Trong phạm vi đề tài của khoá luận Hình tượng nhân vật phụ nữ trong tập
truyện Mây và mặt trời, tôi sẽ tiếp nhận những ý kiến, nhận xét đáng lưu tâm
có liên quan đến hình tượng nhân vật phụ nữ từ nguồn tư liệu thu thập được
để phục vụ cho quá trình triển khai khoá luận này.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Hình tượng nhân vật nữ trong tập truyện Mây và mặt trời của Tagore.

8


3.2. Phạm vi nghiên cứu
Nghiên cứu qua 25 truyện ngắn trong tập truyện Mây và mặt trời của
Tagore xuất bản năm 1986 do Hoàng Cường, Nguyên Tâm và một số dịch giả
khác dịch, Đào Anh Kha giới thiệu.
4. Phương pháp nghiên cứu
Để hoàn thành đề tài này tôi vận dụng phối hợp các phương pháp sau:
- Phương pháp lịch sử - xã hội: Đặt vấn đề văn học vào xã hội và thời
đại xuất hiện vấn đề đó. Từ đó đảm bảo tính khách quan khoa học.
- Phương pháp khảo sát văn bản: Khảo sát 25 truyện ngắn trong tập
truyện Mây và mặt trời của R.Tagore
- Phương pháp thống kê: Thống kê nhân vật phụ nữ trong tập truyện

Mây và mặt trời
- Phương pháp phân tích – tổng hợp: Phân tích để làm sáng rõ các luận
điểm cần triển khai trong khóa luận, sau đó tiến hành tổng hợp, khái quát và
đi đến khẳng định vấn đề.
Ngoài những phương pháp nêu trên, người viết còn sử dụng một số
phương pháp bổ trợ khác .Những phương pháp này sẽ có tác dụng làm cho
những vấn đề đưa ra sẽ được giải quyết một cách rõ ràng, sâu sắc hơn và hoàn
thiện hơn.
5. Đóng góp của khóa luận
Qua khóa luận này, người viết mong muốn sẽ chỉ ra những đóng góp
cũng như vị trí của Tagore đối với nền văn học hiện đại Ấn Độ và chỉ ra
những đặc điểm hình tượng nhân vật phụ nữ từ 25 truyện ngắn trong tập
truyện Mây và mặt trời của Tagore. Bên cạnh đó đưa ra cách tiếp cận mới về
nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật nữ trong truyện ngắn của Tagore.
Người viết khoá luận mong rằng khóa luận này sẽ là một tài liệu bổ ích cho
việc học tập và nghiên cứu về truyện ngắn của R.Tagore ở Việt Nam.

9


6. Bố cục khóa luận
Ngoài phần mở đầu, kết luận và tài liệu tham khảo, khóa luận được cấu
trúc thành hai chương như sau:
Chương 1: Đặc điểm hình tượng nhân vật phụ nữ trong tập truyện Mây
và mặt trời
Chương 2: Nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật phụ nữ trong tập
truyện Mây và mặt trời

10



NỘI DUNG
CHƯƠNG 1. ĐẶC ĐIỂM HÌNH TƯỢNG NHÂN VẬT PHỤ NỮ
TRONG TẬP TRUYỆN MÂY VÀ MẶT TRỜI
1.1. Khái niệm nhân vật và hình tượng nhân vật.
1.1.1. Nhân vật văn học
“Nhân vật văn học là một đơn vị nghệ thuật. Nó mang tính ước lệ,
không đồng nhất với con người có thật, ngay khi tác giả xây dựng nhân vật
với những nét rất gần với nguyên mẫu có thật. Nhân vật là sự thể hiện quan
niệm nghệ thuật của nhà văn về con người” [1,242]. Nhân vật văn học là con
người cụ thể được miêu tả trong tác phẩm văn học. Nhân vật có thể có tên
riêng như Phùng (Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu), Chí Phèo,
Bá Kiến( Chí phèo của Nam Cao) A Phủ, Mị( Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài…
hoặc không có tên riêng mà nhà văn đặt ra một cách ước lệ như “người đàn bà
hàng chài (trong Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu), “chị vợ
nhặt” (trong Vợ nhặt của Kim Lân)…
Nhân vật không nhất thiết phải mang hình hài của con người mà có
thể đội lốt vật, muông thú, cây cỏ hay lốt của những sinh thể hoang đường, có
khi được sử dụng như một ẩn dụ, không chỉ một người cụ thể nào cả, mà chỉ
một hiện tượng nổi bật nào đó trong tác phẩm.
Nhân vật là phương tiện nghệ thuật nhằm khai thác những nét thuộc
đặc tính con người, nhân vật có ý nghĩa trước hết ở các loại văn tự sự và kịch,
ở sân khấu,điện ảnh, điêu khắc, đồ họa. Các thành tố tạo nên nhân vật gồm:tư
tưởng, các lợi ích đời sống, thế giới cảm xúc, ý chí, các hình thái ý thức và
hành động. Nhân vật là phương tiện khái quát tính cách số phận con người.
Nhân vật trong tác phẩm văn học chính là con người hoặc không phải
con người nhưng mang những đặc điểm giống với con người. Nhân vật ấy là
đứa con tinh thần của nhà văn, là máu thịt của nhà văn để thể hiện quan niệm

11



thẩm mĩ và lí tưởng thẩm mĩ của nhà văn về cuộc đời và con người. Nhân vật
văn học không hoàn toàn giống như con người thật ngoài đời vì chúng có
những đặc trưng nghệ thuật và được thể hiện trong tác phẩm bằng các phương
tiện văn học thông qua quan niệm và biện pháp nghệ thuật của nhà văn,
nhưng nhân vật văn học vẫn giữ được yếu tố chân thật. Đã là tác phẩm văn
học thì không thể thiếu nhân vật văn học.
1.1.2. Hình tượng nhân vật
Hình tượng được hiểu là sự phản ánh hiện thực một cách khái quát về
nghệ thuật dưới hình thức những hiện tượng cụ thể, sinh động, điển hình,
nhận thức trực tiếp bằng cảm tính. Hình tượng văn học trong tác phẩm luôn là
phương tiện hình thức để nhà văn bộc lộ giá trị tư tưởng và phong cách nghệ
thuật của mình. Mỗi nhà văn khi cầm bút phải không ngừng sáng tạo tìm tòi
để xây dựng hình tượng nhân vật tiêu biểu đặc sắc. Không phải tác phẩm văn
học nào cũng có hình tượng văn học, không phải nhân vật nào trong tác phẩm
văn học đều trở thành hình tượng nhân vật văn học. Để trở thành hình tượng
nhân vật phải là: “tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình” ( Engels).
Nghĩa là nhân vật văn học ấy phải có sức tập trung khái quát cao. Nhân vật ấy
phải có những nét chung nhất của tầng lớp, giai cấp… mà mình đại diện. Và
bối cảnh xã hội mà nhân vật ấy xuất hiện phải là bối cảnh điển hình của một
vùng, một nơi nào trong một thời điểm nhất định. Như vậy, hình tượng nhân
vật là nhân vật điển hình trong tác phẩm văn học, mang đậm nét khái quát của
tầng lớp, giai cấp của nhân vật ấy, đồng thời là nhân vật có những nét riêng
đặc biệt, xuất hiện trong bối cảnh điển hình mà tác phẩm văn học ấy thể hiện.
1.1.3. Hình tượng nhân vật phụ nữ
Khi nhắc đến hình tượng nhân vật người phụ nữ trong văn học, chúng
ta thường nghĩ tới những vẻ đẹp và những số phận đáng thương của họ. Như
nàng Kiều của Nguyễn Du, chị Dậu của Ngô Tất Tố, nàng Tachiana


12


của Pushkin hay nàng Mahamaya của R.tagore… mỗi nhân vật hiện lên đều
đẹp và đều đau những nỗi đau riêng của mình, không có nỗi đau nào giống
với nỗi đau nào. Tất cả đều là những phận đàn bà bạc mệnh. Đã từ lâu trong
văn học thế giới cũng như văn học Ấn Độ, thân phận người phụ nữ luôn có
một vị trí quan trọng và là đối tượng chính để tác giả thể hiện quan niệm nhân
sinh của mình. Nhân vật bi kịch của văn học thường là nhân vật nữ, họ là nạn
nhân của bao đau khổ về tôn giáo, gia đình, xã hội, tình yêu,... Hiểu theo
nghĩa khái quát, có thể nói thân phận người phụ nữ cũng chính là thân phận
của con người nói chung. Và văn học nói lên tiếng nói về thân phận con người
một cách trung thực nhất… Các tác giả đã thể hiện sự bênh vực, cảm thông
chia sẻ với người phụ nữ trước thế lực của xã hội chà đạp lên người phụ nữ.
Điều này ảnh hưởng lớn đến nhân vật người phụ nữ trong sáng tác của
Tagore . Nhân vật nữ trong văn học phong phú và đa dạng. Bên cạnh
những đức tính dịu dàng, cam chịu, họ còn là những người bản lĩnh, có niềm
tin, luôn khát khao hạnh phúc và có tinh thần phản kháng mạnh mẽ. Đó cũng
chính là thông điệp mà Tagore đã gửi gắm qua hình tượng nhân vật người phụ
nữ trong truyện ngắn của ông. Người nghiên cứu đề tài này mong muốn với
khả năng của mình sẽ giúp cho người đọc có được sự cảm thông và chia sẻ
đối với số phận bất hạnh của người phụ nữ, đồng thời cảm nhận được vẻ
đẹp tâm hồn người phụ nữ Ấn Độ.
1.2. Một số đặc điểm tiêu biểu của hình tượng nhân vật phụ nữ trong
Mây và mặt trời của R.Tagore
Tagore có nhiều truyện ngắn nổi tiếng và đặc biệt trong đó là 25 truyện
ngắn được in trong tập Mây và mặt trời xuất bản năm 1986 do Hoàng Cường,
Nguyên Tâm và một số dịch giả khác dịch, Đào Anh Kha giới thiệu.
Tập truyện Mây và mặt trời gồm hai mươi lăm truyện ngắn nói về các
vấn đề trong xã hội Ấn Độ đương thời. Tagore phản ánh tác hại của đồng tiền


13


bằng việc thể hiện những bi kịch mà đồng tiền gây nên. Ông còn phản ánh sự
nặng nề của đẳng cấp, tôn giáo và những hủ tục nặng nề, đặc biệt tàn nhẫn đối
với người phụ nữ. Người phụ nữ trong tập truyện ngắn được khắc hoạ đa dạng
với những nỗi bất hạnh và bi kịch đè nặng trên đầu. Tình yêu là chủ đề được
nói đến nhiều trong các truyện ngắn này, Tagore ca ngợi tình yêu và sự khát
khao hạnh phúc bằng những lời văn cao quý nhất. Bên cạnh đó Tagore còn
mang đến những sắc màu huyền thoại qua những câu chuyện ảo tưởng. Các
truyện ngắn trong Mây và mặt trời đã thể hiện giá trị nhân đạo, thấy được tâm
hồn rộng mở của Tagore trược những con người đau khổ bất hạnh, và đặc biệt
là nối bất hạnh của những người phụ nữ.
Phụ nữ Ấn Độ được coi là đẹp nhất Nam Á với đôi mắt to tròn, mũi
cao, nước da bánh mật, thân hình eo thon, chân búp sen, nốt son đỏ trên trán
và mái tóc dài đen dày, với những trang phục truyền thống,những tấm Xari
tuyệt đẹp, những lắc tay lắc chân đủ sắc màu. Vẻ đẹp của phụ nữ Ấn Độ đã đi
vào những sử thi cổ xưa đến thơ ca và văn xuôi hiện đại. Vẻ đẹp phụ nữ Ấn
Độ như nàng Xita trong sử thi Ramayana được khắc hoạ vẻ đẹp như “bông
sen”- vẻ đẹp chuẩn mực, hoàn mĩ, hay vẻ đẹp người phụ nữ trong thơ ca của
Tagore với vẻ đẹp tự nhiên được trời đất tô thắm :
"Em thế nào thì cứ thế mà đến
Chớ có loay hoay sửa soạn áo quần”
(Bài thơ tình số 2)
Người phụ nữ Ấn Độ đẹp như vậy thế nhưng cuộc sống của họ lại
không hề yên bình. Họ phải chịu nỗi bất hạnh từ những hủ tục, từ sự bất bình
đẳng nam nữ, từ đẳng cấp của tôn giáo và rất nhiều điều xáu xa khác nữa của
xã hội Ấn Độ. Hàng năm tại Ấn Độ có rất nhiều phụ nữ chịu cảnh tảo hôn,
các bé gái phải lấy chồng khi mới lên tám, lên mười tuổi, có nhiều phụ nữ


14


phải chịu bất hạnh khi thiếu của hồi môn, hay bất hạnh khi goá bụa mà không
được tìm hạnh phúc khác cho mình,…
Từ hiện thực xã hội khắc nghiệt với người phụ nữ như vậy, Tagore hiểu
họ và cảm thông cho họ. Những người phụ nữ trong tác phẩm của ông đều
được nhìn nhận trong bất hạnh bi kịch để cảm thông và để từ đó toát lên vẻ
đẹp tâm hồn của người phụ nữ Ấn Độ. Cùng với nhân vật các quan Xahip,
nhân vật chúa ông chúa bà, nhân vật nhà thơ nhà văn, nhân vật con người thấp
cổ bé họng thì nhân vật nữ cũng là đối tượng chính để Tagore thể hiện tư
tưởng tình cảm của mình trong tập truyện.
Trong tập Mây và mặt trời gồm hai mươi lăm truyện ngắn thì có đến
hai mươi ba truyện có xuất hiện nhân vật người phụ nữ, chiếm đến 92%. Khi
thì họ là nhân vật chính của câu chuyện, khi thì họ là nhân vật phụ tham gia
vào các tình huống trong truyện, và mỗi sự xuất hiện lại là một vẻ khác nhau.
Các nhân vật phụ nữ thuộc các đẳng cấp và địa vị khác nhau. Họ có
những hoàn cảnh khác nhau tuy nhiên về cơ bản họ là những con người bất
hạnh nhưng lại đẹp đẽ một cách lạ thường.
1.2.1. Số phận bất hạnh
Phụ nữ Ấn Độ dưới ngòi bút của Tagore hiện lên trong những trang
sách Mây và mặt trời muôn hình muôn vẻ. Họ ở những đẳng cấp, địa vị khác
nhau trong xã hội. Thế nhưng dù họ có những hoàn cảnh khác nhau thì về cơ
bản họ là những con người bất hạnh trong xã hội Ấn Độ.
1.2.1.1. Bất hạnh trong tình yêu và hôn nhân
Phụ nữ Ấn Độ yêu say đắm và tôn thờ người mình yêu, người chồng
của mình. Họ coi đàn ông là những vị thánh, chính điều này làm họ đau khổ,
day dứt khi tình yêu, hôn nhân không được vẹn toàn.
Nhân vật nữ trong Mây và mặt trời luôn day dứt đau khổ trong tình

yêu. Họ đau khổ khi tình yêu phải chịu sự ngăn cấm của đẳng cấp, của tôn

15


giáo.Nàng Mahamaya trong truyện Dàn hoả thiêu yêu Rajib say đắm, thế
nhưng số phận không cho nàng được hạnh phúc vì đẳng cấp của nàng không
cho phép nàng lấy một người thuộc đẳng cấp dưới. Khi Rajib nói lên khát
vọng của mình rằng “Em ơi, chúng mình bỏ trốn đi,chúng mình lấy nhau đi”
[7,105-106]. Mặc dù nàng yêu Rajib say đắm thế nhưng niềm kiêu hãnh của
dòng họ chảy trong huyết quản nàng không cho phép nàng đồng ý. Nàng đau
khổ, day dứt, Chân nàng không chịu nhấc bước khi nàng định chạy đi khỏi
Rajib. Cũng chính vì tình yêu mà khi biết được Rajib phải đi khỏi vùng, khát
vọng tình yêu bùng cháy lên như ngọn lửa khiến nàng đồng ý theo Rajib. Để
rồi cũng chính ngọn lửa tình yêu ấy khiến anh trai nàng bắt nàng phải lấy một
kẻ hấp hối và bước lên giàn hoả thiêu cùng với người chồng.
Đau khổ trong tình yêu còn là khi cố gắng đến với tình yêu, là ảo ảnh
của tình yêu bị tan vỡ. Nàng công chúa của tiểu vương Gôlam Kađe Khan
trong truyện Ảo ảnh tan vỡ là một người phụ nữ bất hạnh,nàng là công chúa lá
ngọc cành vàng, xinh đẹp kiều diễm, nàng hết lòng tôn thời một tình yêu với
chàng chỉ huy đạo quân người Bàlamôn Kesáclan. Thế nhưng nàng bị đẩy đến
tận cùng của tuyệt vọng tình yêu khi cha nàng phản bội vương quốc, nàng tìm
thấy Kesáclan còn sống và chàng đã tát nàng một cái mạnh. Một cô công chúa
mười sáu tuổi, lần đầu rời khỏi khuê phòng để đi vào nơi xác chết tìm người
mình yêu, vậy mà vừa tìm thấy chàng thì nàng đã phải nhận lấy một cái tát từ
chính “vị thiên thần” mà mình hằng tôn thờ. Bị chính người mà mình tôn thờ
khước từ trái tim, nàng tổn thương đến tận đáy lòng, cảm giác như cả bầu trời
và cả trái đất sụp đổ xuống đầu. Vậy mà nàng vẫn đi tìm Kesáclan, người
công chúa ấy luôn không từ bỏ công cuộc tìm kiếm của mình. Vì tình yêu
nàng quyết trở thành một phụ nữ người Bà La Môn để xứng đáng với

Kesáclan, nàng rong ruổi đi khắp mọi nơi khi nghe ngóng được chút tin tức để
tìm Kesáclan. Vậy mà khi tìm thấy Kesáclan ở Đajilinh thì ảo ảnh về

16


Kesáclan thần thánh của bao nhiêu năm trước bỗng tan vỡ “Kesáclan già nua
trong đám thổ dân Butan, người vợ Butan đầu bù tóc rối, cùng đám con cháu
bẩn thỉu nhếch nhác…”[7,362]. Kesáclan đã khác, chàng đã không còn là
chàng trai Bà La Môn mà nàng luôn tôn thờ nữa, chàng đã dễ dàng vứt bỏ
những nề nếp tín ngưỡng của người Bà La Môn để tiếp nhận một cách sống
khác, những còn nàng công chúa tiểu vương Gôlam Kađe Khan thì sao? Làm
cách nào để nàng vứt bỏ được cuộc sống, vứt bỏ được cả tuổi trẻ mà nàng đã
dành để tìm tình yêu của mình?
Cô bé Giribala trong truyện Mây và mặt trời quen anh chàng nhút nhát
lủi thủi trong gian buồng nhỏ Xasibusan khi chỉ mới lên tám tuổi. Xasibusan
đã dạy cô bé học chữ, dạy cô đọc sách, kết bạn và nói chuyện cùng cô, dần
dần từ đó cô bé chú ý tới anh chàng, những tình cảm trong sáng lớn dần, và cô
vui vẻ khi học chữ cùng Xasibusan. Thế nhưng mớ rắc rối bao vây lấy
Xasibusan khiến anh dồn hết tâm trí vào vụ kiện cáo, anh không chú ý tới cô
bé và không cùng cô bé đọc sách nữa. Giribala cảm thấy cô đơn, cô cố gây
chú ý bằng những quả anh đào và điều đó làm cô bé tổn thương, khổ sở. Cô
đau khổ và khóc sau một thân cây bên vệ đường vì tự ái, tự ái vì niềm cảm
thương đối với Xasibusan bị anh khước từ. Thế rồi Giribala đi lấy chồng,
người ta đã chọn cho cô một người chồng mà cô không thể không làm theo.
Cô không còn được gặp Xasibusan và cho anh những thứ quà nữa, thứ tình
cảm đầu đời của cô bé bị dập tắt.
Cô gái Hemsasi trong truyện Quan chánh án là một phụ nữ bất hạnh.
Cô goá chồng từ năm mười lăm tuổi, về nhà ở với cha mẹ. Trong cảnh cô đơn
goá bụa ở mảnh đất heo hút đó, cô khát khao cuộc sống tự do, khát khao cuộc

sống đầy lạc thú giữ người với người. Cô như người bị giam giữ trong lồng
thèm khát được giao cảm với thế giới loài người. Cô si tình Môhít Môhan
bên cạnh nhà, cô coi anh ta là tận thiện tận mỹ của thánh thần. Nhưng cô gái

17


si tình đâu biết rằng anh tà là một người lừa đảo, cô bị lừa lên toa tàu và bị bỏ
rơi. Hemsasi hổ thẹn, hối hận tột cùng và chìm ngập trong tủi nhục. Bị người
mình yêu, mình tôn thờ lừa gạt, có sự đau khổ nào hơn thế. Cô đau khổ day
dứt và nghĩ về cuộc sống êm đềm bên cha và hai em. Cô như kẻ chết đuối
muốn được cứu nhưng lại bị người ta đạp mạnh xuống sông, con người khốn
khổ tội nghiệp ấy vì si tình mà bị văng mạnh ra khỏi cái thế giới loài người.
Chính vì cái tình yêu ấy mà Hemsasi phải đổi tên thành Khirôđa để có thể tiếp
tục tồn tại với trái tim đã tan vỡ. Để rồi sau ba mươi tám năm, người phụ nữ
ấy không một mái nhà, không một gia đình, không có nổi một người bạn hổ
thẹn mà ôm con lao xuống giếng.
Cô gái trong truyện Bộ xương là một goá phụ khi còn rất trẻ, cô trở
thành goá phụ chỉ sau hai tháng kết hôn. Cô bị bố chồng gọi là kẻ sát phu và
đuổi cô ra khỏi nhà. Cô trở về nhà bố mẹ đẻ, cô còn quá trẻ để có thể hiểu
đượcnỗi bất hạnh của một goá phụ. Cô gái của “bộ xương” có một vẻ đẹp
hiếm có, các chàng trai thường nhìn cô đắm đuối. Cô yêu anh chàng thầy
thuốc thế nhưng anh chàng phải đi lấy vợ, và người vợ đó không phải là goá
phụ như cô. Cô gái đã cho thuốc độc và rượu vào ly của chàng thầy thuốc,
còn cô, cô cũng tự kết liễu cuộc đời goá bụa đau khổ của mình bằng một cái
chết với nụ cười trên môi. Bi kịch của những người phụ nữ goá trong tập
truyện cũng là bi kịch của những người phụ nữ goá Ấn Độ : Khát khao tình
yêu, khát khao giao cảm, thế nhưng một thế lực vô hình ngăn cách họ với
cuộc sống, họ phải trốn tránh tình yêu, trốn tránh hạnh phúc và phải chết
trong sự cô đơn.

1.2.1.2. Bất hạnh bởi chế độ đẳng cấp và những hủ tục lạc hậu
Đất nước Ấn Độ cuối thế kỉ XIX có sự phân biệt đẳng cấp sâu sắc, những
người phụ nữ phải có trách nhiệm giữ gìn sự trong sạch cho đẳng cấp của
mình, chính vì vậy mà rất nhiều mối tình trở nên ngang trái, bao người phụ nữ

18


đã chịu bất hạnh chỉ vì khác đẳng cấp. Bên cạnh đó Ấn Độ đầy rẫy những hủ
tục lạc hậu, những hủ tục trong hôn nhân, cưới hỏi, ma chay đã gây nên nỗi
bất hạnh cho biết bao con người. Và những người chịu đau khổ, bất hạnh nhất
không ai khác chính là những người phụ nữ.
Ấn Độ nhức nhối với hủ tục tảo hôn. Tảo hôn đã trở thành một vấn nạn
ở Ấn Độ. Những trẻ em gái Ấn Độ phải đi lấy chồng từ rất sớm. khi các em
chỉ tám hay mười tuổi, cướp đi của các em cơ hội học hành và mang đến cuộc
sống vất vả khổ cực nơi nhà chồng. Ở tuổi còn quá nhỏ, Những bé gái chưa ý
thức được về tình yêu, về hôn nhân và cuộc sống vợ chồng đã phải làm dâu.
Trong Mây và mặt trời, Tagore đã nói lên sự nhức nhối của vấn nạn tảo hôn ở
Ấn Độ qua hàng loạt nhân vật phụ nữ như Kuxum trong truyện Những bậc
bến tắm bên sông, Hemsasi trong Quan chánh án, cô gái bộ xương trong
truyện Bộ xương, Kuxum trong truyện Từ con,…
Hủ tục tảo hôn và phân biệt đẳng cấp kéo theo đó là bao nhiêu nỗi bất
hạnh của người phụ nữ. Trong truyện Từ con, cô gái Kuxum mồ côi nghèo
khổ thuộc đẳng cấp hạ đẳng lấy chồng và goá chồng khi còn rất nhỏ. Cô tìm
thấy tình yêu của mình là anh chàng Hêmanta thuộc đẳng cấp Bà La Môn và
tình yêu của cô hiển nhiên là sai trái và không thể chấp nhận. Kuxum đau khổ
và tuyệt vọng, cô oà khóc và bỏ chạy mỗi khi nghĩ đến tình cảnh của mình.
Người ta che dấu thân phận của cô và gả cô cho Hêmanta. Đôi vợ chồng trẻ
chưa kịp hạnh phúc được lâu thì cô bị phát hiện ra thân phận mình, cũng là
lúc cô muốn nói ra sự thật. Bất hạnh ập tới cô gái trẻ xinh đẹp khi cô bị bắt ra

khỏi nhà, cô vừa không muốn xa người chồng yêu quý, lại vừa hối hận vì sự
ích kỷ của mình đã nhuốm bẩn đẳng cấp của Hêmanta. Cứ thế nỗi đau khổ
dằn vặt đè nặng lên tâm trí người phụ nữ ấy. Hạnh phúc cô hưởng chưa được
bao lâu thì sự phân biệt đẳng cấp xã hội đã gieo cho cô gái bao bất hạnh.

19


×