Tải bản đầy đủ (.docx) (73 trang)

Yếu tố văn hoá dân gian trong tiểu thuyết 1Q84 của Haruki Murakami

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (340.88 KB, 73 trang )

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HOÀ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHÁNH HOÀ

KHOÁ LUẬN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC

YẾU TỐ VĂN HOÁ DÂN GIAN TRONG TIỂU
THUYẾT 1Q84 CỦA HARUKI MURAKAMI

Họ và tên sinh viên: Nguyễn Quang Minh Hiếu
Ngành: Sư phạm Ngữ Văn

Khoá: 1

Khoa: Sư phạm
Giảng viên hướng dẫn: ThS Phan Thị Thuỳ Nhung


Khánh Hoà, tháng 06 năm 2020


LỜI CẢM ƠN
Tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến ThS Phan Thị Thuỳ
Nhung, người đã tận tình hướng dẫn và góp ý cho tôi trong suốt
quá trình nghiên cứu và thực hiện khoá luận này.
Tôi xin chân thành cảm ơn các thầy cô khoa Sư phạm bộ môn
Ngữ Văn đã nhiệt tình giảng dạy suốt bốn năm qua để tôi có được
những kiến thức nền tảng trong việc thực hiện khoá luận này.
Khoá luận của tôi vẫn còn nhiều thiếu sót, rất mong nhận
được những ý kiến đóng góp của các thầy cô để khoá luận được
hoàn thiện hơn.


Sinh viên thực hiện
Nguyễn Quang Minh Hiếu


MỤC LỤC


MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Thế kỉ 20 được xem là thời kì hoàng kim của văn học Nhật
Bản với những dấu ấn đậm nét trên văn đàn quốc tế. Cùng với đó,
sự du nhập của văn hoá phương Tây đã đổi mới phần nào diện mạo
văn học ở đất nước “mặt trời mọc” này. Tuy vậy, tinh thần dân tộc
của người Nhật vẫn được thể hiện rõ qua các tác phẩm của mình,
khiến chúng vừa mang tầm vóc quốc tế, vừa đậm đà bản sắc văn
hoá Nhật Bản. Những cái tên như Akutagawa, Kawabata,
Kenzaburo, Tanizaki… đã khiến nền văn học của xứ sở Phù Tang trở
nên rạng danh hơn bao giờ hết, đặc biệt là hai giải Nobel văn học
danh giá vào các năm 1968 và 1994. Trên con đường đổi mới văn
học ấy, cái tên Haruki Murakami xuất hiện như một hiện tượng lạ
của văn học đương đại với việc phá bỏ hầu hết những định kiến về
văn chương truyền thống cả về quan niệm sáng tác lẫn hình thức
thể hiện, khiến văn học Nhật Bản trở nên gần gũi với văn học đại
chúng. Với văn phong độc đáo, mới lạ, Murakami để lại ấn tượng
sâu sắc mà người đọc khó bắt gặp ở bất kì nhà văn nào khác, cùng
với đó là những ý kiến trái chiều của giới phê bình. Văn chương của
Murakami tiếp thu sâu sắc tinh hoa của văn học hiện đại phương
Tây, tạo nên một kiểu văn nửa Tây, nửa Nhật Bản. Riêng về hình
thức biểu hiện, vì không muốn bị gò bó trong một khuôn khổ nào
nên ông luôn phóng khoáng trong việc tìm cách để thể hiện ý đồ

nghệ thuật của mình. Từ trước đến nay, độc giả đã quen với những
hồn văn, hồn thơ Nhật đề cao sự hoa mỹ, tinh tế trong cách biểu
đạt, do đó văn chương Nhật thường gắn liền với sự thanh cao.
Murakami đã phá vỡ mọi quy luật ấy để đi theo một lối văn cá biệt,
do đó ông bị nhiều nhà văn trong nước nhận xét là “mất gốc”.
Nhưng cũng nhờ sự phóng túng ấy mà văn chương Murakami có
được sức hút và giá trị riêng. Những vấn đề mà con người hiện đại
vô cùng trăn trở như bản chất của xã hội, giá trị của sự tồn tại hay
ý nghĩa của cái chết dưới ngòi bút của Murakami trở nên ám ảnh
tột cùng đối với người đọc. Do đó, sức ảnh hưởng của ông không
thua kém gì những bậc đàn anh thời trước.
Đối với văn học nói chung, có nhiều phương pháp khác nhau
để giải mã một tác phẩm, trong đó phương pháp phân tích tác
5


phẩm dưới góc nhìn văn hoá là một phương pháp quan trọng bởi
văn học luôn chứa đựng trình độ, đặc trưng văn hoá của mỗi quốc
gia, khu vực. Với các sáng tác của Haruki Murakami, điều này lại
càng được thể hiện rõ nét qua những thế giới thực - ảo đan xen với
vô vàn những biểu tượng, hình ảnh mang màu sắc cổ đại. Đọc các
tác phẩm của Murakami, người đọc thường có xu hướng tập trung
vào hành động, tính cách và tâm lý nhân vật mà ít quan tâm đến
những chi tiết, hình ảnh, bối cảnh xung quanh. Do đó, chúng ta sẽ
vô tình bỏ qua những dấu hiệu để giải mã tác phẩm một cách sâu
sắc. Tuy hiện thực và con người luôn là những vấn đề được đặt lên
hàng đầu khi phân tích tác phẩm của ông, ta cũng không thể bỏ
qua những yếu tố mang màu sắc văn hoá dân gian. Chúng không
chỉ giúp tác phẩm của ông mang tính dân tộc mà còn thể hiện sự
sáng tạo của ông cả về cách “giải thiêng” những truyền thống,

những huyền thoại lẫn những cách tân về kỹ thuật viết.
1Q84 là một trong số ít tác phẩm được Murakami tập trung
khai thác các vấn đề xã hội kể từ sau Ngầm hay Sau cơn động đất,
cùng với đó là vấn đề con người cá nhân quen thuộc khiến tác
phẩm này vừa mang màu sắc hiện thực huyền ảo, vừa mang dáng
dấp của hiện thực phê phán. Do vậy, tác phẩm không chỉ là cuộc
hành trình đi tìm bản ngã thường thấy mà còn là sự vạch trần mặt
trái của xã hội đương thời. Tuy nhiên, vì đây là tiểu thuyết còn khá
mới nên chưa có nhiều công trình nghiên cứu về tác phẩm này,
đặc biệt là khía cạnh văn hoá dân gian. Mặt khác, không chỉ 1Q84
mà ở các tác phẩm khác của Murakami, người ta cũng chưa chú ý
nhiều đến vấn đề này. Chúng tôi cho rằng việc tìm hiểu yếu tố văn
hoá dân gian là một bước quan trọng để hiểu được Murakami
muốn nói gì trong tác phẩm của mình. Hơn nữa, ở tác phẩm 1Q84,
chúng tôi nhận thấy sự xuất hiện của các yếu tố văn hoá dân gian
dường như phong phú hơn so với các tác phẩm trước đó và chúng
đóng vai trò quan trọng trong việc thể hiện giá trị tư tưởng của tác
phẩm. Vì những lí do trên, chúng tôi quyết định chọn đề tài “Yếu tố
văn hoá dân gian trong tiểu thuyết 1Q84 của Haruki Murakami”.

6


2. Lịch sử nghiên cứu
2.1 Nghiên cứu về yếu tố văn hoá dân gian trong tiểu
thuyết Murakami
PGS.TS Lê Huy Bắc từng nhận định:“Văn của Murakami luôn
đi tìm yếu tố dân gian, truyền thống Nhật Bản” [18]. Theo lẽ đó,
đã từng có nhiều bài viết, bài nghiên cứu có liên quan đến yếu tố
văn hoá trong những tác phẩm của Murakami.

*Trong nước
Trong bài viết Tiếp biến Franz Kafka trong tiểu thuyết Haruki
Murakami, Th.S Nguyễn Bích Nhã Trúc đã chỉ ra sự kế thừa một số
đặc điểm sáng tác về nội dung tư tưởng và nghệ thuật biểu hiện
của Franz Kafka trong những tác phẩm của Haruki Murakami như
vấn đề con người cá nhân, motif mê cung, motif hoá thân…
Trong bài viết Biểu tượng cổ mẫu và thực tại phức diện qua
tiểu thuyết Murakami Haruki (Tạp chí VHNT số 328, tháng
10/2011), Th.S Nguyễn Bích Nhã Trúc đã chỉ ra nghệ thuật sử dụng
biểu tượng trong sáng tác của Murakami, đặc biệt là những biểu
tượng mang tính huyền thoại. Qua đó cho thấy ông là người am
hiểu cả văn hoá phương Đông lẫn phương Tây.
Trong luận văn Khuynh hướng hiện thực huyền ảo trong tiểu
thuyết Haruki Murakami, Châu Hồng Thảo đã chỉ ra những nét đặc
trưng trong việc xây dựng yếu tố huyền ảo trong tiểu thuyết
Murakami qua các phương diện hình tượng nhân vật, không gian,
thời gian và biểu tượng nghệ thuật cũng như chỉ ra ý nghĩa của
chúng. Từ đó, người viết khẳng định đây là yếu tố không thể thiếu
trong sáng tác của Murakami.
Trong luận văn Biểu tượng trong tác phẩm Kafka bên bờ biển
của Murakami Haruki, Trần Lam Vy đã chỉ ra và lí giải những hình
ảnh biểu tượng cũng như phân tích nghệ thuật xây dựng biểu
tượng nghệ thuật trong tác phẩm Kafka bên bờ biển, luận văn này
cho thấy được dấu ấn văn học hậu hiện đại, tính huyền thoại và
cách giải thiêng huyền thoại trong tác phẩm của Murakami.
Trong luận văn Hệ thống hình tượng trong Kafka bên bờ biển
của Haruki Murakami, Phạm Văn Toàn đã phân tích một cách chi
7



tiết hệ thống hình tượng nhân vật, ngoài ra cũng đề cập đến một
số hình tượng sự vật khác và nghệ thuật xây dựng hình tượng
trong tiểu thuyết Kafka bên bờ biển.
Trong luận văn Thực và ảo trong truyện ngắn của Haruki
Murakami, Trần Thị Yến Minh đã chỉ ra các phương diện mang tính
hậu hiện đại trong việc xây dựng thế giới thực và ảo trong truyện
ngắn của Haruki Murakami. Qua đó khẳng định đây là thủ pháp kể
chuyện độc đáo của ông.
*Ngoài nước
Trong luận văn Beyond cultural nationalism: Murakami Haruki
and an emergent Japanese cosmopolitan identity, Wakatsuki
Tomoki đã chỉ ra sự phá bỏ văn hoá dân tộc để hội nhập văn hoá
quốc tế của đất nước Nhật Bản và một trong những minh chứng đó
là sáng tác của Murakami.
Trong sách The New Japanese Novel: Popular Culture and
Literary Tradition in the Work of Murakami Haruki and Yoshimoto
Banana, Giorgio Amitrano đã tiến hành phân tích, so sánh các tác
phẩm của Murakami và Yoshimoto để hiểu hơn về đặc điểm lịch sử,
văn hoá, văn học và tôn giáo của phương Đông.
Trong

sách

Murakami

Haruki:

The

Simulacrum


in

Contemporary Japanese Culture, Michael Seats đã chỉ ra những
vấn đề bàn luận về văn hoá đương đại Nhật Bản thông qua các tác
phẩm của Murakami. Từ đó cung cấp thêm tư liệu cho những
ngành nghiên cứu về Nhật Bản hiện đại.
Trong tiểu luận “Cat imagery in haruki murakami's fiction”,
Adelina Vasile đã chỉ ra và lí giải ý nghĩa hình tượng con mèo, một
loài vật xuất hiện thường xuyên trong tác phẩm của Murakami. Từ
đó cho thấy sự khéo léo của Murakami trong việc sử dụng hình ảnh
này để thể hiện tâm lý nhân vật. Bài viết còn đề cập đến phương
pháp phân tâm học trong việc phân tích nhân vật.
2.2 Nghiên cứu về tác phẩm 1Q84
1Q84 là tác phẩm khá mới nên số lượng các bài nghiên cứu,
phân tích, đánh giá về tác phẩm này còn rất ít ỏi, có thể kể đến
một số bài viết trong và ngoài nước như:
8


Trong bài viết Motif folklore trong tiểu thuyết 1Q84 của
Haruki Murakami, PGS.TS Nguyễn Thị Mai Liên đã chỉ ra và phân
tích một số motif quen thuộc trong những truyện cổ dân gian được
Murakami tái hiện trong tác phẩm của mình, bao gồm motif diệt ác
quỷ, motif chạy trốn, motif đi tới xứ sở khác, motif sinh nở kì lạ và
motif phân thân.
Trong luận văn Nghệ thuật kết cấu tiểu thuyết 1Q84 của
Haruki Murakami, Hoàng Thị Nga đã tập trung phân tích nội hàm
văn bản qua việc phân tích nghệ thuật kết cấu về mặt cốt truyện,
nhân vật và không gian, thời gian trong tiểu thuyết 1Q84.

Trong bài báo Behind Murakami’s Mirror, New York Books,
Charlé Baxter đã nêu cảm nhận của mình về hình ảnh “thế giới
ảo”, về ý nghĩa của những cái “phi thực tế” trong tác phẩm 1Q84
của Murakami. Tác giả cho rằng thế giới song song là hình ảnh
phản chiếu hiện thực chúng ta đang sống với sự lên ngôi của bạo
lực và các thế lực tà ác, con người phải sống trong thế giới ấy dù
họ không muốn và chỉ có sức mạnh của niềm tin, của tình yêu giữa
người với người mới có thể giúp họ chiến thắng được thế giới ấy.
Những tài liệu trên cho thấy tác phẩm 1Q84 dù ra mắt gần
đây nhưng đã nhận được sự chú ý đáng kể bởi độc giả nói chung
và những người có chuyên môn về lĩnh vực văn học nói riêng. Chắc
hẳn vẫn còn rất nhiều vấn đề có thể khai thác trong tác phẩm này,
đặc biệt là yếu tố văn hoá dân gian.
3. Mục tiêu của đề tài
Đề tài này làm rõ đặc điểm, ý nghĩa và vai trò của những yếu
tố văn hoá dân gian xuất hiện trong tiểu thuyết 1Q84. Qua đó hiểu
thêm về quan niệm, tư tưởng, đặc trưng văn học của Murakami và
khẳng định tác phẩm của Murakami vừa mang dấu ấn văn học hậu
hiện đại, vừa mang màu sắc cổ điển của văn hoá dân gian. Nhờ đó,
ta hiểu hơn về đất nước, con người Nhật Bản và văn hoá thế giới.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
*Đối tượng nghiên cứu: Những yếu tố văn hoá dân gian
trong tác phẩm 1Q84 của Haruki Murakami.
9


*Phạm vi nghiên cứu: Để thực hiện đề tài, chúng tôi đã
khảo sát tác phẩm: 1Q84 (tập 1, 2, 3), Dương Tường dịch, NXB Văn
học, Hà Nội.
5. Phương pháp nghiên cứu

Trong quá trình thực hiện luận văn, chúng tôi sử dụng những
phương pháp nghiên cứu sau:
Phương pháp phân tích – tổng hợp: Lý giải những yếu tố văn
hoá dân gian trong tác phẩm, từ đó tìm ra ý nghĩa của chúng và
dụng ý của nhà văn.
Phương pháp văn hoá học: Tìm hiểu về văn hoá dân gian
truyền thống và cách Murakami vận dụng chúng trong tác phẩm
của mình.
Phương pháp thi pháp học: Nghiên cứu về sự tác động của
yếu tố văn hoá dân gian đối với hình thức nghệ thuật của tác
phẩm, cụ thể là việc xây dựng nhân vật và không gian nghệ thuật.
Phương pháp kí hiệu học: Tìm hiểu dụng ý nghệ thuật của tác
giả thông qua các yếu tố cấu thành tác phẩm văn học như cốt
truyện, nhân vật, ngôn ngữ, biểu tượng, điểm nhìn…
6. Cấu trúc luận văn
Luận văn này gồm có ba chương
Chương 1: Những vấn đề chung
Chương 2: Yếu tố văn hoá dân gian trong tiểu thuyết 1Q84
xét trên phương diện nhân vật
Chương 3: Yếu tố văn hoá dân gian trong tiểu thuyết 1Q84
xét trên phương diện không gian nghệ thuật
7. Đóng góp của luận văn
Thông qua luận văn này, chúng tôi muốn tổng hợp và phân
tích các yếu tố văn hoá trong tiểu thuyết 1Q84, điều mà các bài
viết, bài nghiên cứu khác chỉ mới thể hiện một khía cạnh nào đó.
Nhờ đó, đưa ra cái nhìn tổng quan về văn hoá Nhật Bản, văn hoá
thế giới trong sáng tác của Murakami nói chung và tác phẩm 1Q84
nói riêng.
10



Chúng tôi cũng muốn đóng góp nghiên cứu của mình vào
những công trình nghiên cứu chung về văn học đương đại Nhật
Bản nói chung và văn chương Murakami nói riêng, cũng như các
nghiên cứu về thi pháp văn học hậu hiện đại. Ngoài ra, vì 1Q84 là
một tác phẩm tương đối mới, nghiên cứu của chúng tôi sẽ góp
phần cung cấp thêm tư liệu, góc nhìn cho những công trình nghiên
cứu khác về sau.
NỘI DUNG
CHƯƠNG 1: NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG
1.1 Yếu tố văn hoá dân gian trong văn học
Văn hoá và văn học có mối quan hệ biện chứng lẫn nhau, đó
là điều ta có thể khẳng định. Văn học được xem là một hình thái ý
thức xã hội, cụ thể là ý thức về thẩm mỹ. Do đó, mối liên hệ giữa
văn hoá và văn học là mối liên hệ khắng khít giữa cái chung và cái
riêng, giữa cái bộ phận và cái tổng thể. Văn học không chỉ là
phương tiện biểu hiện văn hoá mà còn trở thành nơi để bảo tồn
văn hoá. Nhà nghiên cứu M. Bahktin đã từng khẳng định: “Văn học
là một bộ phận không thể tách rời của văn hóa. Không thể hiểu nó
ngoài cái mạch nguyên vẹn của toàn bộ văn hóa một thời đại
trong đó nó tồn tại.” [49] Để phản ánh một xã hội đa chiều, đa
diện, văn hoá sẽ được thể hiện trong văn học theo nhiều cách khác
nhau, với những mục đích khác nhau. Một hình ảnh, biểu tượng, sự
vật, không gian, khoảng thời gian, motif… dưới ngòi bút tài hoa và
sức sáng tạo của tác giả, đều có thể trở thành những tín hiệu để
người đọc giải mã tác phẩm vì không ngoại trừ khả năng đó là kết
quả của một nền văn hoá lâu đời. Tiếp cận một tác phẩm văn học
không chỉ là phát hiện những giá trị nội hàm của nó mà còn phát
hiện được một hệ tư tưởng của cả một dân tộc đằng sau tác phẩm
ấy. Tuy vậy, phương pháp này lại xuất hiện khá muộn trên thế giới.

Thật ra, những người nghiên cứu đã ý thức được sự liên quan giữa
văn học và văn hoá, nhưng lại chưa lí giải được chúng một cách
sâu sắc và chặt chẽ. Những người được xem là tiên phong trong
việc xây dựng những công trình có giá trị thể hiện mối liên hệ văn
học – văn hoá là những nhà nghiên cứu đến từ Nga: M. Bakhtin, V.
Skhlovski, Y. Lotman… Họ đã đặt nền móng trong công cuộc
11


nghiên cứu văn hoá thông qua văn học. Ở Việt Nam, phương pháp
này càng xuất hiện muộn hơn, nhưng những công trình mà các
nhà văn hoá học để lại đã góp phần to lớn trong việc mở ra hướng
nghiên cứu văn học mới cho nền văn chương nước nhà. Có thể kể
đến một số thành tựu như: Mối quan hệ giữa văn hoá và văn học
của Đỗ Thị Minh Thuý, Văn học Việt Nam dòng riêng giữa nguồn
chung của Trần Ngọc Vương, Văn học trung đại Việt Nam dưới cái
nhìn văn hoá của Trần Nho Thìn, Tiếp cận văn học từ hệ thống văn
hoá của Đỗ Lai Thuý, Giá trị văn hoá của văn học Việt Nam của
Trần Đình Sử…
Văn hoá dân gian là cội nguồn của mọi nền văn hoá trên thế
giới bởi nó gắn bó mật thiết với sự phát triển của loài người. Văn
hoá dân gian chi phối đời sống sinh hoạt của con người trên mọi
phương diện, làm tiền đề cho nền văn hoá dân tộc sau này. Vì thế,
muốn hiểu về một đất nước, một hệ tư tưởng, ta không thể bỏ qua
yếu tố này. Để chỉ khái niệm văn hoá dân gian, giới nghiên cứu
trên thế giới đều thống nhất chung một thuật ngữ là “folklore”.
Thuật ngữ này xuất phát từ tiếng German -một tộc người cổ đại
sinh sống ở Bắc Âu, tiền thân của người Anh, Đức và Hà Lan ngày
nay - bao gồm sự kết hợp của hai từ “folk” (dân tộc) và “lore” (tri
thức, nhận thức). Như vậy “folklore” chính là những tri thức, cách

nhận thức của dân tộc về cuộc sống. Thuật ngữ “folklore” được đề
xuất lần đầu tiên bởi William J. Thoms - một nhà văn người Anh –
trong bài viết đăng trên báo The Athenaeum, London năm 1846.
Ông dùng nó để chỉ những “phong tục, tập quán, nghi thức, mê
tín, ca dao, tục ngữ... của người thời trước.” [32]. Quan niệm này
hướng nội hàm văn hoá dân gian về những giá trị tinh thần của
con người. Bài báo này sớm gây được tiếng vang và thuật ngữ
folklore ngay lập tức được chấp nhận trong giới nghiên cứu văn
hoá. Tuy vậy, đến nay các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể thống nhất
một định nghĩa chung về văn hoá dân gian. Riêng ở Việt Nam, các
nhà nghiên cứu thường tập trung tìm hiểu văn hoá dân gian trên
các lĩnh vực: ngữ văn dân gian; nghệ thuật dân gian; tri thức dân
gian; tín ngưỡng, phong tục và lễ hội [32]. Chúng là những sản
phẩm của trí tuệ, là những sáng tạo nghệ thuật mang tính thẩm
mỹ cao. Những yếu tố này được gìn giữ và lưu truyền bằng nhiều
12


cách thức khác nhau, tiêu biểu là những hiện vật, biểu tượng và
thông qua ngôn ngữ. Trong đó, ngôn ngữ (truyền miệng hoặc chữ
viết) là phương tiện phổ biến và quan trọng nhất. Văn hoá dân
gian thể hiện tư duy của con người trong quá trình tồn tại, làm chủ
tự nhiên và đặc biệt là xây dựng xã hội, nó là một trong những cơ
sở phân biệt dân tộc này với dân tộc khác.
Nhưng trước khi bàn đến vấn đề phê bình văn học, chính
những tác giả phải là người ý thức được việc phải dùng ngòi bút
của mình để thể hiện những bản sắc của một nền văn hoá dân tộc.
Trên thế giới, không ít các tác giả đã thấm nhuần cái hồn của dân
tộc và tôn vinh, ngợi ca chúng trong các sáng tác của mình, cũng
có người mượn văn hoá như một công cụ để biến đổi, sáng tạo lại

phục vụ cho mục đích phản ánh của mình.
Ở Nga, Puskin xứng đáng với biệt danh “mặt trời thi ca” mà
nhân loại đặt cho ông, người đã mở đường cho sự phát triển rực rỡ
của văn học Nga thế kỉ 19. Những tác phẩm của Puskin đều chứa
đựng hơi thở của nước Nga và yếu tố văn hoá dân gian là một
trong những đặc điểm tiêu biểu chứng minh cho điều đó. Đọc Con
đầm pích, người đọc dễ dàng nhận ra sự tương đồng giữa nó với
những truyện cổ tích dân gian. Nhân vật chính Gherman tượng
trưng cho kẻ tham lam, bá tước Anna Phedotopna tượng trưng cho
yếu tố thần kì, còn tiểu thư Lidaveta Ivanopna tượng trưng cho lực
lượng trợ giúp nhân vật chính. Gherman với niềm khao khát bí
quyết chiến thắng cờ bạc đã tìm đến bá tước Anna vì lời đồn rằng
bà có bí quyết để chiến thắng ba ván bài liên tiếp, tuy nhiên,
Gherman lại vô tình khiến bà chết. Sau đó, linh hồn của bá tước
Anna đã hiện về truyền bí quyết cho Gherman với điều kiện anh
phải giúp bà chăm sóc tiểu thư Lidaveta. Vì sự tham lam của mình,
Gherman đã hứa suông và cuối cùng bị trừng phạt. Đó là quan
niệm “ác giả, ác báo” đã tồn tại từ bao đời nay. Hay trong tiểu
thuyết Người con gái của viên đại uý, Puskin luôn đặt lời đề từ ở
đầu mỗi chương để thâu tóm nội dung của cả chương. Lời đề từ ấy
có thể là một câu ca dao, dân ca, tục ngữ, ngạn ngữ, một bài hát
cổ hoặc lời thoại của một vở kịch xưa.
Những tác phẩm thời kì Phục Hưng ở châu Âu cũng chứa
đựng nhiều yếu tố văn hoá dân gian. Chẳng hạn như ở tác phẩm
13


Don Quijote của Cervantes, từ cách mở đầu ta đã thấy bóng dáng
của kiểu truyện cổ “Cách đây không lâu, tại một làng nọ xứ
Mancha…” Hình tượng nhân vật Don Quijote là sự kế thừa của hình

tượng người hiệp sĩ trung cổ, cuộc hành trình tìm kiếm lí tưởng của
Don Quijote cũng giống như cuộc ra trận chiến đấu của người hiệp
sĩ. Một đặc điểm khác của văn hoá dân gian trong tác phẩm là thủ
pháp nghịch dị, thể hiện qua việc xây dựng nhân vật. Don Quijote
được miêu tả là một người “da thịt sắt seo”, “vàng ệch”, “mặt mũi
xương xẩu”, ta sẽ thấy nực cười khi thấy một người có ngoại hình
như thế này lại muốn “bênh vực kẻ yếu, đạp bằng mọi gian nguy,
để tiếng thơm lưu truyền mãi mãi”. [52, 24], chàng cưỡi trên lưng
chú ngựa Rosinante thảm hại, chỉ có “da bọc xương” mà chàng
nghĩ đó là một con tuấn mã cừ khôi. Ta thấy cả người và ngựa có
một sự tương xứng với nhau rõ rệt,“việc hòa trộn các nét của con
người và con vật là một trong những hình thức cổ xưa nhất và đặc
trưng nhất của văn hóa trào tiếu dân gian.” [22]. Không chỉ dừng ở
ngoại hình, sự nghịch dị còn thể hiện qua suy nghĩ của Don
Quijote, thế giới trong mắt chàng giống như những xứ sở trong
sách chàng đã đọc và chàng phải sống với cung cách của một hiệp
sĩ thực sự. Chàng chọn một cô thôn nữ tầm thường làm người mà
mình thầm thương trộm nhớ; xem những quán trọ là những toà lâu
đài còn con gái của chủ quán là chủ nhân lâu đài; xem cối xay gió
là bọn khổng lồ; khi đi qua một đám tang, chàng “nhìn cái kiệu
hoá ra cái cáng, trên đó có một hiệp sĩ bị trọng thương hoặc đã
chết và nhiệm vụ của chàng là phải trả thù cho kẻ bị nạn” [52,
164]; hay khi trông thấy đàn cừu qua đường khiến bụi bay mù mịt,
chàng lại tưởng đó là đội quân trung cổ đang giao chiến…
Bước sang thế kỉ 20, chủ nghĩa hiện thực trong văn học
phương Tây bắt đầu có sự đổi mới. Nhu cầu nhận thức lại hiện thực
và bộc lộ “cái tôi” cá nhân trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, dẫn
đến nhiều khuynh hướng sáng tác khác nhau. Trong đó, tiêu biểu
nhất phải kể đến khuynh hướng “huyền thoại hoá”. Những câu
chuyện nhại lại thần thoại là phương thức nghệ thuật phổ biến

trong các tác phẩm thời kì này, trong đó có thể kể đến hình tượng
nhân vật Santiago trong Ông già và biển cả của Hemingway.
Không khó để người đọc nhận ra hình ảnh của Chúa Giêsu qua
14


nhân vật Santiago, lão hành nghề đánh cá nhưng đã bốn mươi
ngày liền lênh đênh trên biển vẫn không bắt được một con cá nào,
việc này gợi cho ta nhớ đến sự kiện Chúa chịu cám dỗ trong sa
mạc trong bốn mươi ngày. Trong Kinh thánh, số bốn mươi là hình
ảnh mang tính biểu tượng, đó là quãng thời gian chuẩn bị để đón
một ân sủng nào đó của Chúa như kết quả của trận đại hồng thuỷ
bốn mươi ngày đêm là việc sinh ra một dân tộc được gọi là con của
Chúa, kết quả của việc Chúa chịu cám dỗ suốt bốn mươi ngày đêm
trong sa mạc là việc lời Chúa được rao truyền cho mọi người, kết
quả của bốn mươi ngày sau khi Chúa sống lại là sự khai sinh của
Giáo hội… Ngoài ra, lão Santiago còn rất nhiều lần cầu nguyện
trong suốt cuộc hành trình như “Cầu chúa làm nó nhảy lên” [55,
45], “Xin Chúa hãy giúp con trừ bỏ cái chứng chuột rút này đi” [55,
51], “Nếu cá mập đến, cầu Chúa hãy rủ lòng thương lấy con cá và
cả con nữa” [55, 59], “Chúa giúp ta chịu đựng” [55, 77]… hành
động này giống như việc Chúa Giêsu thường xuyên cầu nguyện với
Chúa Cha khi Ngài đi rao giảng Tin Mừng.
Một đất nước Nhật Bản đang chìm trong nỗi sợ hãi, hoang
mang mà Thế chiến thứ hai để lại đã khiến Y. Kawabata – với một
nỗi niềm hoài cổ mãnh liệt – tìm về những giá trị bị lãng quên của
dân tộc. Trà đạo, những nghệ sĩ geisha, vũ nữ lang thang, quốc
phục kimono và vô vàn vẻ đẹp truyền thống khác được Kawabata
cất giữ trong kho văn chương của mình với niềm tiếc thương cao
độ. Văn chương của ông mang nặng tư tưởng duy mỹ, đề cao cái

đẹp hình thức. Cái đẹp được Kawabata miêu tả ở nhiều bình diện
khác nhau nhưng đó đều là cái đẹp mang tính truyền thống trong
quan niệm của con người Nhật Bản. Không chỉ miêu tả cái đẹp,
Kawabata còn cho ta thấy số phận của cái đẹp ấy: vẻ đẹp vẹn toàn
lại nhận phải cái kết không toàn vẹn. Xứ tuyết là câu chuyện về
nghệ thuật Geisha lại kết thúc bằng hình ảnh cái chết của nhân
vật Yoko mà “vẻ đẹp thanh khiết của nàng như một biểu tượng cho
cái đẹp truyền thống mà Shimamura đang tìm về” [14]. Hay câu
chuyện về nghệ thuật trà đạo Nhật Bản trong Ngàn Cánh Hạc lại
kết thúc bằng cảnh tượng nhân vật Fumiko đập vỡ chiếc chén
Shino. Càng trân trọng và nâng niu cái đẹp bao nhiêu, Kawabata
càng đau lòng trước thực tại bấy nhiêu, xã hội phát triển quá
15


nhanh chóng khiến các giá trị ấy không còn tồn tại trong ký ức của
con người nữa và phải chăng, xã hội muốn phát triển thì phải chấp
nhận hy sinh, kể cả khi đó là hơi thở của dân tộc?
Ở Việt Nam, dù chịu ảnh hưởng sâu sắc của nền văn hoá,
văn học Tây phương nhưng các tác giả vẫn có ý thức giữ gìn phong
vị dân tộc, đó là nét văn hoá làng xã, lối sống tập thể, trọng tình
nghĩa… được lưu truyền từ đời này qua đời khác. Đầu tiên, ta có
thể kể đến Tố Hữu, một hồn thơ dạt dào tình quê với những câu
thơ mang hơi thở của những điệu hò, câu hát trữ tình xứ Huế. Ông
cũng trung thành trong việc sử dụng các thể thơ dân gian như lục
bát, song thất lục bát, bốn chữ, năm chữ, trong khi các nhà thơ
hiện đại khác thường tìm kiếm sự cách tân về hình thức nghệ
thuật. Đến với văn học thời kì Đổi mới, do chịu ảnh hưởng bởi chủ
nghĩa hậu hiện đại, biên độ và cách thức xây dựng tác phẩm được
mở rộng, tạo cơ hội cho nhà văn sáng tạo theo cách thức riêng.

Không ít các tác giả đã đem màu sắc văn hoá dân gian vào trong
các tác phẩm của mình để góp phần vào việc thể tư tưởng thời đại,
khuynh hướng “giải lịch sử”, “giải huyền thoại” cũng bắt đầu phát
triển rầm rộ. Đó là không gian tâm linh của làng quê Việt Nam với
tín ngưỡng thờ Mẫu lâu đời được Nguyễn Xuân Khánh đặc tả rõ nét
trong Mẫu Thượng Ngàn. Hay những quan niệm nhân sinh hiện đại
lại được thể hiện một cách sáng tạo dưới cái nhìn lịch sử qua hai
nhân vật nhà sư Từ Đạo Hạnh và vua Lý Thần Tông trong Giàn
thiêu của Võ Thị Hảo.
Như vậy, một dân tộc có thể hội nhập với thế giới để tìm
kiếm sự phát triển về mọi mặt. Nhưng dân tộc ấy muốn tồn tại lại
phải giữ được những “tiếng nói” riêng. Ngày nay, quá trình công
nghiệp hoá – hiện đại hoá và xu hướng hội nhập quốc tế, xu hướng
“thế giới phẳng” đã khiến cho nền văn hoá dân gian ngày càng trở
nên mai một, hoặc không, chúng sẽ tiếp tục phát triển nhưng lại bị
biến đổi ít nhiều cho phù hợp với văn hoá đại chúng, trong khi
chính những bản sắc văn hoá ấy đã góp phần tạo nên hình hài và
giá trị của một quốc gia trên bản đồ thế giới. Việc tác giả đưa các
yếu tố văn hoá dân gian có sáng tạo vào trong tác phẩm của mình
là một dấu hiệu đáng mừng. Đó có thể là một sự cố gắng trong
việc chung tay bảo tồn những giá trị cốt lõi của tinh thần dân tộc,
16


nhưng mặt khác, việc “giải thiêng” những giá trị ấy cũng ít nhiều
báo hiệu rằng trình độ tư duy của con người hiện đại đã đạt đến
một tầng cao mới. Con người đã có thể nhận thức đầy đủ những gì
đã và đang diễn ra trong cuộc sống cũng như bản chất của những
giá trị tinh thần và đến một ngày nào đó, đến cả thần linh cũng chỉ
là đối tượng để con người giễu cợt. Đó phải chăng là hệ quả của

công cuộc phát triển xã hội thần tốc thời kì hậu chiến, sự chạy đua
trí tuệ hòng làm chủ thế giới đã khiến các giá trị tinh thần không
còn ý nghĩa gì trong cuộc sống con người.
1.2 Yếu tố văn hoá dân gian trong tiểu thuyết Murakami
Haruki Murakami sinh ngày 21 tháng 1 năm 1949 tại Kyoto
trong một gia đình trí thức, cả cha và mẹ ông đều là giáo viên bộ
môn văn học Nhật Bản. Kyoto là cố đô của Nhật Bản với những giá
trị văn hoá lâu đời và nếu Murakami sinh sống và phát triển ở đây,
có lẽ ông bây giờ ông đã trở thành một nhà văn thuần Nhật. Tuy
nhiên, khi còn rất bé, ông đã phải chuyển đến Kobe – một thành
phố tấp nập, nhộn nhịp với sự giao lưu quốc tế mạnh mẽ mà đến
mãi về sau, nó còn ám ảnh ông mãnh liệt hơn bởi trận động đất
kinh hoàng năm 1995. Sống giữa hai thế cực, một bên là văn hoá
truyền thống của gia đình, một bên lại là văn hoá đại chúng trong
một xã hội “Tây hoá”, Murakami nhận ra mình không tìm được mối
giao cảm nào với văn hoá truyền thống. Ông nhận ra mình say mê
với nhạc jazz, với The Beatles, với bóng chày, với Dostoievski, F.
Kafka, W. Faulkner và cả Fitzgerald - người truyền cảm hứng cho cả
sự nghiệp của ông.
Sự nghiệp văn chương của Murakami bắt đầu tương đối
muộn. Tuy viết văn từ khá sớm nhưng đến năm 29 tuổi, ông mới
cho ra đời tiểu thuyết đầu tay mang tên Lắng nghe gió hát với cảm
hứng được lấy từ một trận đấu bóng chày. Ngay lập tức, tác phẩm
ấy đã ghi được dấu ấn trên các diễn đàn văn học Nhật Bản và giúp
Murakami đoạt giải Gunzo – một giải thưởng văn học đáng mơ ước
cho những nhà văn mới. Thành công ấy là động lực khiến ông cho
ra hai phần kế tiếp của tác phẩm này là Pinball, 1973 và Cuộc săn
cừu hoang, tạo nên bộ sách được gọi là “bộ ba Chuột”. Lúc này,
tên tuổi lẫn phong cách của Murakami được hình thành rõ rệt, ông
trở thành hiện tượng văn học lúc bấy giờ với lối viết độc đáo, mới

17


lạ, gây ra nhiều tranh cãi cho giới văn chương trong nước về ranh
giới giữa hiện thực và nghệ thuật. Năm 1987, ông cho ra đời kiệt
tác Rừng Nauy, tác phẩm đã trở thành bệ phóng đưa Murakami
đến gần hơn với độc giả khắp thế giới. Riêng ở Nhật Bản, cứ bảy
người lại có một người đã từng đọc tác phẩm này. Với việc khai
thác khéo léo mọi ngóc ngách trong tâm hồn sâu thẳm của con
người, câu chuyện trong Rừng Nauy có sức ám ảnh đặc biệt với
đông đảo giới trẻ khắp thế giới, dường như ai cũng tìm được một
phần hình ảnh của chính mình trong thế giới mà Murakami tạo
nên. Những tác phẩm về sau của ông như Xứ sở diệu kỳ tàn bạo
và chốn tận cùng thế giới; Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời;
Biên niên ký chim vặn dây cót; Người tình Sputnik; Kafka bên bờ
biển; 1Q84… đều được độc giả đón nhận nồng nhiệt. Trong đó,
Biên niên ký chim vặn dây cót được được nhiều nhà phê bình đánh
giá là tác phẩm thành công nhất của ông, kể cả đại văn hào
Kenzaburo Oe, người trước đây từng chỉ trích ông rất gay gắt.
Ngoài việc sáng tác, Murakami còn dành nhiều thời gian để nghe
nhạc jazz và chạy bộ. Tài năng là thế nhưng Murakami lại chưa một
lần chạm tay vào giải Nobel, giải thưởng quý giá nhất của ngành
văn học, dù nhiều lần người ta tin chắc ông là ứng cử viên sáng giá
cho danh hiệu này. Tuy vậy, khi được phỏng vấn, ông nói rằng việc
cứ nghĩ đến giải Nobel không chứng tỏ mình là “một nhà tiểu
thuyết lịch lãm” (a gentleman novelist) [73]. Vì luôn thuộc nhóm
những tác giả được săn đón nhiều nhất giới nên vô hình trung, điều
này lại làm nảy sinh mối nghi ngờ rằng liệu văn chương của
Murakami có đang trở nên “đại chúng hoá” mà mất đi tính trí tuệ.
Vì thế, không phải ai cũng đồng tình rằng ông là nhà văn hàng đầu

của xứ Phù Tang hiện nay.
Đọc các tác phẩm của Murakami, nhiều người có thể sẽ cảm
thấy sốc bởi thứ văn phong cá biệt và táo bạo của ông. Một thứ
ngôn ngữ trần trụi, không có giới hạn, đủ để tác giả thoả sức
truyền tải mọi ý niệm của mình. Ngôn ngữ ấy đoạn tuyệt với những
gì chúng ta thường thấy ở văn chương Nhật Bản nói riêng và nền
văn học phương Đông nói chung là sự trau chuốt về ngôn từ, hình
ảnh và sự tinh tế, tế nhị trong cách biểu đạt, đúng như ông đã
từng khẳng định rằng mình chẳng nợ “cho dù chỉ một giọt mực”
18


[57] của truyền thống Nhật. Việc sử dụng từ ngữ, hình ảnh và
trường liên tưởng một cách phóng khoáng đã giúp các tác phẩm
của Murakami thực hiện được đầy đủ chức năng mà văn học đương
đại cần phải có, đó là khả năng phản ánh một cách chân thực, sâu
xa bức tranh đa chiều của xã hội đương thời, đặc biệt là những
biến động vô cùng phức tạp trong nội tâm con người khi phải đối
mặt với hiện thực, điều mà không phải ai cũng dám nói ra. Yếu tố
kỳ ảo xuất hiện trong sáng tác của Murakami với tần suất dày đặc,
thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau. Người đọc hẳn không còn lạ
lẫm gì với những hình ảnh như cái giếng, con mèo, bóng ma…
những không gian thực ảo đan xen như thế giới song song, giấc
mơ, khu rừng… những nhân vật tuy là người nhưng có khả năng
phi thường, cùng rất nhiều những chi tiết kì lạ khác. Tất cả không
chỉ mang đến những trải nghiệm mới lạ cho độc giả mà đó còn là
chiều sâu tư tưởng mà tác giả muốn truyền tải đến người đọc.
Mặc dù tràn ngập văn hoá hiện đại Tây phương, các tác phẩm
của Murakami vẫn ẩn chứa phong vị của văn hoá dân gian cổ điển.
Đó có thể không gian tâm linh của tôn giáo, lời nguyền, cái kì ảo

hay những nét đặc trưng thi pháp thường xuất hiện trong những
truyện cổ. Chẳng hạn, nhân vật toán sư trong Xứ sở diệu kỳ tàn
bạo và chốn tận cùng thế giới, nhân vật Tengo và Aomame trong
1Q84 hay Toru trong Biên niên ký chim vặn dây cót là những hiện
thân cho cuộc đấu tranh của cái thiện chống lại cái ác đã hiện diện
từ ngàn đời nay. Còn trong Kafka bên bờ biển, nhân vật Kafka phải
chịu lời nguyền của cha: “Một ngày kia, mày sẽ chính tay giết cha
mày và ngủ với mẹ mày” [62, 230], điều này tương tự với lời sấm
truyền về vị vua Oedipus của thành Thebes rằng ông cũng sẽ giết
vua cha và cưới mẹ mình trong Thần thoại Hy Lạp. Chi tiết Kafka đi
vào rừng lại khiến ta nhớ đến câu chuyện của Hansel và Gretel
trong Truyện cổ Grimm. Bên cạnh đó, ta bắt gặp ở ông sự vận
dụng những motif của truyện cổ để biểu đạt chủ đề, tư tưởng hiện
đại như motif lạc vào xứ sở lạ, motif diệt quỷ, motif hoá thân, motif
mê cung… Những nhân vật như “tôi” trong Xứ sở diệu kỳ tàn bạo
và chốn tận cùng thế giới, Kafka trong Kafka bên bờ biển, Toru
trong Biên niên ký chim vặn dây cót hay Tengo, Aomame trong
1Q84 đều lạc vào những mê cung của riêng mình, mê cung của
19


chiến đấu tìm kiếm sự thật, công lý và hạnh phúc. Nếu con người
của F. Kafka đa phần chỉ lạc trong mê cung của hiện thực thì nhân
vật của Murakami lại lạc lối trong cả hiện tại, quá khứ, lạc lối giữa
cái thực - ảo và lạc lối trong cả tâm thức, đó là điểm sáng tạo của
Murakami so với thế hệ đi trước.
Ngoài ra, đọc những truyện ngắn của Murakami, ta thấy
được rõ rệt sự “giải thiêng” văn hoá dân gian. Con quỷ trong Quỷ
hút máu trên xe taxi thực chất lại rất “con người”, hắn cũng phải
đi làm, nộp thuế và vào vũ trường như mọi người. Vị Thánh Cừu

trong Giáng sinh của người cừu cũng đón nhận một cái chết rất
“con người”, ông ngã vào một cái hố trên đường đi chơi Giáng sinh
và chết. Hay trong truyện Các con của Thượng Đế đều nhảy múa,
nhân vật Yoshiya không biết cha mình là ai, còn mẹ anh luôn muốn
anh tin rằng anh là con của Thượng Đế. Thế nhưng, những lời khẩn
cầu của anh đến Ngài lại không đem đến kết quả nào cả, điều này
khiến anh hoài nghi về đức tin và khao khát tìm kiếm một người
cha hữu hình. Câu chuyện này mang đến một vấn đề rất thực tế,
Giáo hội luôn dạy rằng chúng ta là con của Chúa, tuy vậy ta lại
không thể làm gì hơn ngoài việc cầu nguyện và tin tưởng vào sự
sắp đặt của Ngài. Tuy vậy, khi mọi sự việc diễn ra trong cuộc sống
đều là hệ quả của bàn tay con người thì đức tin liệu có còn tồn tại
được hay không? Giống như vị y sĩ mà Yoshiya theo dõi vì nghĩ đó
là cha mình bỗng dưng biến mất, con người tự hỏi Chúa sẽ cứu
giúp hay chúng ta chỉ đang chạy theo một Đấng vô hình?
Cùng với đó, hệ thống biểu tượng văn hoá là đặc điểm không
thể thiếu trong các tác phẩm của Murakami. Hầu hết các thông
điệp và mạch ngầm ý nghĩa của tác giả đều liên quan mật thiết
đến các hình ảnh mang tính biểu tượng. Do đó, chúng là dấu hiệu
quan trọng nhất giúp người đọc giải mã được tác phẩm của
Murakami. Trước hết, phải kể đến biểu tượng “giếng cạn”, hình ảnh
xuất hiện nhiều nhất trong các tác phẩm của ông. Giếng là hình
ảnh quen thuộc của nhiều nền văn hoá trên thế giới với ý nghĩa
thông thường là cội nguồn của đường dẫn của sự sống. Như vậy,
một cái giếng cạn tượng trưng cho việc dòng chảy của nước bị tắc
nghẽn, sự sống đang dần mất đi. Vì thế, giếng cạn biểu thị cho sự
sống đầy bế tắc của con người hiện đại. Cái giếng của Murakami
20



còn được nhấn mạnh ở hai đặc điểm: sâu và tối. Từ xưa, con người
thường tìm đến những nơi tối tăm, xa xôi, tách biệt với thế giới bên
ngoài để chiêm nghiệm, suy nghĩ về thế sự. Do đó, nhân vật trong
tác phẩm của Murakami thường mong muốn xuống giếng hoặc
phải tìm đường ở những nơi tối tăm. Đó chính là con đường trốn
tránh thực tại, đối diện với chính mình và tìm ra chân lý của cuộc
sống. Kế đến, “cái bóng” cũng là biểu tượng đáng chú ý trong tác
phẩm của ông. Theo quan niệm xưa, cái bóng gắn liền với tâm
hồn, bản ngã của con người. Cái bóng của họ biến mất hoặc bị
tách ra thành một nhân vật riêng biệt chứng tỏ con người đang
đánh mất chính mình. Thật vậy, con người ngày luôn phải chạy
theo những guồng quay định sẵn đến nỗi đánh mất sự tự do của
tâm hồn và trở nên vô cảm với cuộc sống.
Qua các tác phẩm của Murakami, những yếu tố văn hoá dân
gian được thể hiện một cách đa dạng, phong phú cả ở nền văn hoá
phương Đông lẫn phương Tây nhưng hầu hết chúng đều nhằm mục
đích phản ánh những vấn đề của xã hội và con người đương thời.
Đó là xã hội mà vật chất thay thế tinh thần, duy lý lấn át duy tâm,
cuộc sống là một hệ thống định sẵn, con người được ví như một cái
máy; một xã hội mà cái xấu lên ngôi, mâu thuẫn được giải quyết
bằng vũ lực và công bằng trở thành một thứ gì đó xa xỉ. Bị mắc kẹt
trong xã hội như vậy, con người tất yếu phải tìm lấy sự giải thoát,
thế nhưng cuộc hành trình đi tìm ý nghĩa cuộc sống lại dẫn đến
những con đường lẩn quẩn, không có điểm dừng. Cuối cùng, chỉ
còn cái chết là phương thức giải thoát duy nhất.
Tiểu kết: Như vậy, yếu tố văn hoá dân gian đóng vai trò
quan trọng trong việc phân tích tác phẩm văn học cũng như thấu
hiểu được hệ tư tưởng của một dân tộc. Thời đại ngày nay, quan
niệm sáng tác văn học đã có nhiều đổi mới, nhà văn giờ đây có thể
thoả sức sáng tạo, thể hiện cái “tôi” của riêng mình. Do đó, xuất

hiện vô vàn phương tiện được sử dụng để phản ánh hiện thực,
trong đó có việc vận dụng các yếu tố văn hoá dân gian. Chúng có
thể xuất hiện một cách long trọng giữa một xã hội bùn lầy nhưng
cũng có thể trở nên “tầm thường hoá” nhằm tố cáo bản chất xã
hội.
21


Dù sống trong một đất nước giàu truyền thống văn hoá,
Murakami lại là nhà văn sớm tiếp thu những tinh hoa văn hoá
phương Tây và thể hiện chúng trong tác phẩm của mình một cách
rõ rệt. Đặc biệt, phương thức vận dụng các yếu tố văn hoá dân
gian được ông sử dụng một cách triệt để, mang lại hiệu quả biểu
đạt cao. Đại đa số các yếu tố văn hoá dân gian xuất hiện trong tác
phẩm của ông mang khuynh hướng “giải thiêng” hơn là đề cao giá
trị của chúng. Điều này phù hợp với mục đích của Murakami là
khám phá bản chất xã hội và thế giới nội tâm của con người ở
những tầng sâu thẳm nhất.

22


CHƯƠNG 2: YẾU TỐ VĂN HÓA DÂN GIAN TRONG TIỂU
THUYẾT 1Q84 XÉT TRÊN PHƯƠNG DIỆN NHÂN VẬT
Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết 1Q84 có nhiều nét tương
đồng với hệ thống nhân vật trong những truyện cổ tích thần kỳ. Đó
là những nhân vật được phân tuyến thiện – ác mâu thuẫn gay gắt
với nhau, trong đó nhân vật thiện phải trải qua thử thách khó khăn
và sự xuất hiện của lực lượng hỗ trợ cái thiện đóng vai trò quan
trọng trong việc phát triển cốt truyện, giải quyết xung đột [19].

Câu chuyện kết thúc có hậu với việc cái ác bị tiêu diệt, nhân vật
chính có được hạnh phúc cho mình. Nhìn chung, cả hai nhân vật
chính trong 1Q84 là Aomame và Tengo đều đại diện cho kiểu nhân
vật, kiểu tính cách phổ biến xưa nay của người Nhật. Truyện cổ
tích Nhật Bản không đề cao triết lý “ở hiền gặp lành” vì họ quan
niệm rất thực tế rằng không phải lúc nào ở hiền cũng gặp lành, do
vậy họ hình thành ý thức thích nghi với mọi hoàn cảnh dẫn đến
kiểu nhân vật dũng cảm, mạnh mẽ, dám đương đầu xuất hiện phổ
biến trong truyện cổ Nhật và Aomame cũng kế thừa những đức
tính ấy. Ngoài ra, nếu theo quan niệm của Nho giáo, chữ “nhân” là
quan trọng nhất trong ngũ thường thì người Nhật lại xem trọng chữ
“tín” hơn cả. Do đó, cả Aomame và Tengo đều là những người
trọng chữ tín, Aomame quyết tâm thực hiện nhiệm vụ của một sát
thủ dù nguy hiểm đến đâu, trong khi đó Tengo cũng tỏ ra có trách
nhiệm với tác phẩm “Nhộng không khí” dù sự nổi tiếng của nó
mang đến nhiều phiền phức cho anh.
2.1 Nhân vật được phân tuyến thiện – ác
Cuộc đấu tranh giữa thiện và ác đã xuất hiện từ lâu trong văn
học. Khi xã hội bắt đầu có sự phân chia giai cấp, phân hoá giàu –
nghèo khiến đời sống vật chất và tinh thần của con người bị ảnh
hưởng thì vấn đề về đạo đức con người cũng dần dần được quan
tâm. Con người dùng nhiều phương thức khác nhau từ chính trực
đến gian trá để đạt được điều mình mong muốn, từ đó cái thiện và
cái ác dần phát triển và chống chọi nhau rõ rệt hơn bao giờ hết.
Nhân vật thiện và ác từ đó cũng xuất hiện nhiều trong văn học để
đáp ứng nhu cầu phản ánh hiện thực xã hội. Cùng với đó, tính
thiện lúc nào cũng được trân trọng, tôn vinh còn tính ác luôn luôn
bị bài trừ, khinh miệt. Sau này, khi xã hội phát triển hơn, cách nhìn
23



nhận về con người cũng có sự thay đổi, nhân vật văn học lúc này
“không đơn giản một chiều, không thuần nhất nên có chút khó
hiểu, bí ẩn mà người đọc không thể nhìn bằng cái nhìn một phía,
đánh giá bằng những thang bậc cứng nhắc” [43]. Những con người
dù ác hay thiện đều mang trong mình một đời sống nội tâm phức
tạp, do đó tác giả thường trao cho tất cả các nhân vật ấy cơ hội
được giãi bày, được tôn trọng. Tác phẩm Kẻ móc túi của nhà văn N.
Fuminori là một ví dụ cho việc đặt nhân vật phản diện – một kẻ
móc túi – làm trung tâm, từ đó khai thác nội tâm và những suy
ngẫm về cuộc sống của anh ta. Đó không đơn thuần là một kẻ
trộm cắp mà khi nhìn vào ta phải lập tức lên án, đó còn là một con
người ý thức được số phận cô độc của mình, thậm chí còn có lòng
trắc ẩn và khát vọng sống mãnh liệt khi bị đẩy vào đường cùng.
Qua đó, ta thấy rằng kể cả những người xấu cũng có thể mang đến
cho ta những bài học, những triết lý về cuộc đời.
Sự đấu tranh giữa thiện và ác là một điều hiếm gặp trong
tiểu thuyết của Murakami bởi tác phẩm của ông thường miêu tả
cuộc hành trình tìm kiếm chính mình của con người và nếu có đấu
tranh thì cũng chỉ là tranh đấu với chính mình để tìm được ý nghĩa
của cuộc sống. Các tác phẩm như Biên niên ký chim vặn dây cót
hay Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng thế giới cũng xuất
hiện cuộc chiến giữa thiện và ác nhưng những cuộc chiến ấy
không thể hiện chủ đề tác phẩm mà chỉ góp phần trên chặng
đường tìm về bản ngã của nhân vật. Còn trong 1Q84, cuộc chiến
thiện – ác được đặt làm trung tâm, các vấn đề về chính trị, xã hội
được phản ánh một cách rõ rệt và các nhân vật ý thức được vai trò
của mình trong cuộc sống. Tuy nhu cầu tìm kiếm cái tôi cá nhân
vẫn còn đó nhưng chủ đề trung tâm của tác phẩm vẫn là các vấn
đề xã hội và cách giải quyết chúng. Thêm vào đó, những vấn đề

đặt ra trong 1Q84 lại dựa trên những sự kiện có thật, khiến tác
phẩm ít nhiều mang hơi hướng lịch sử.
Trong tác phẩm, hai nhân vật Aomame và Tengo được xem là
đại diện cho cái thiện. Aomame - một phụ nữ chừng ba mươi tuổi –
là huấn luyện viên thể dục tự do đồng thời là sát thủ của một tổ
chức kín với nhiệm vụ trừng phạt những người đàn ông bạo hành
gia đình bằng cách giết chết họ. Mở đầu câu chuyện, tác giả đã
24


đặt ngay Aomame vào cuộc hành trình diệt trừ cái ác khi cô được
miêu tả là đang trên đường đến khách sạn ở Shibuya để giết chết
một người đàn ông đã “cầm gậy đánh golf đập cho vợ gãy mấy dẻ
sườn” [59, 60]. Mặt khác, chiếc taxi đang chở Aomame lại đang
mở bản nhạc Sinfonietta của Janacek, nhà soạn nhạc người Séc.
Đây là khúc nhạc mà ông sáng tác dành riêng cho quân đội nước
mình với ý nghĩa cổ vũ niềm tin và lòng dũng cảm của những binh
lính. Như vậy, phải chăng đây cũng chính là lời khích lệ Aomame
trên hành trình đầy chông gai phía trước? Xuyên suốt tác phẩm, ta
còn bắt gặp Aomame nghe bản nhạc ấy vài lần nữa như thể cũng
đang tự động viên mình vậy. Trùng hợp thay, ta cũng thấy Tengo
nghe bản nhạc ấy vài lần, điều này tượng trưng cho sự liên kết
ngầm giữa Aomame và Tengo, đến một lúc nào đó, hai người họ sẽ
cùng hợp sức để chống lại cái xấu.
Người mà Aomame đang trên đường tìm đến là một kẻ dù
mang một vẻ bề ngoài trí thức nhưng thực chất lại là một kẻ
thường xuyên hành hạ vợ và qua những bức ảnh mà bà chủ đưa
cho Aomame, ta thấy những gì hắn gây ra thật khủng khiếp. Qua
đó, ta thấy bạo lực gia đình đang là một vấn đề đáng báo động ở
Nhật Bản, cần được giải quyết một cách triệt để. Từ lâu, Nhật Bản

trong mắt bạn bè quốc tế luôn là quốc gia bất ổn về bình đẳng
giới, đó cũng chính là nguyên nhân quan trọng làm nảy sinh vấn
đề bạo lực gia đình, coi thường phụ nữ ở nước này. Dù là một trong
những cường quốc hàng đầu trên thế giới, nhưng sự phát triển của
Nhật Bản lại tỉ lệ nghịch với mức độ tiến bộ về tư tưởng. Trong xã
hội, người đàn ông vẫn được đặt ở vị trí cao hơn và được hưởng
nhiều quyền lợi hơn phụ nữ. Dù cho Nhật Bản đã đề ra những
chính sách cân bằng quyền lợi giữa nam và nữ, nhưng đâu đó vẫn
còn có những kẻ gia trưởng coi bản thân mình là trên hết. Thậm
chí khi người vợ muốn ly hôn cũng không nhận được tiền bồi
thường về tinh thần một cách thích đáng, bởi “gần như chẳng có
trường hợp nào chồng cũ phải vào tù vì không trả tiền bồi thường
tổn thất tinh thần… Xã hội Nhật Bản này vẫn dung túng cho đàn
ông như thế…” [59, 134]. Tệ hơn nữa, theo lời của cảnh sát Ayumi,
người bạn mà Aomame tình cờ quen biết trong quán bar, chính
trong nội bộ cảnh sát – nơi người ta tin rằng pháp quyền được thực
25


×