Tải bản đầy đủ (.docx) (17 trang)

Qua hình tượng joseph k trong “ vụ án” của kafka, anh (chị) hãy trình bày cách tân nghệ thuật tiểu thuyết của nhà văn

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (140.19 KB, 17 trang )

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI
Khoa Ngữ văn

Các thể loại và tác gia tiêu biểu văn
học Tây Âu- Mĩ
Giảng viên: PSG.TS Nguyễn Linh Chi
Sinh viên:

Đề bài: Qua hình tượng Joseph K. trong “ Vụ án” của
Kafka, anh (chị) hãy trình bày cách tân nghệ thuật tiểu
thuyết của nhà văn.

HÀ NỘI, 2019

1


MỤC LỤC
A. KHÁI QUÁT CHUNG
I. Khái quát bối cảnh lịch sử xã hội
II. Tác giả Franz Kafka và tác phẩm “ Vụ án”
1.Tác giả Franz Kafka
1.1. Cuộc đời
1.2. Sự nghiệp sáng tác
2.Tác phẩm “ Vụ án”
2.1. Hoàn cảnh ra đời
2.2. Tóm tắt tác phẩm
B. CÁCH TÂN NGHỆ THUẬT TIỂU THUYẾT CỦA F. KAFKA QUA
HÌNH TƯỢNG JOSEPH K. TRONG “VỤ ÁN”.
I. Nhân vật đặt trong hoàn cảnh xám xịt, phi lý.
II. Nhân vật mê sảng, lo âu, cô độc.


III. Nhân vật có cái tôi “mờ nhạt”, “không có tính cách”.
C. TỔNG KẾT

2


A. KHÁI QUÁT CHUNG
I. Khái quát bối cảnh lịch sử xã hội
Thế kỷ XX chứng kiến sự suy giảm mức độ thống trị đối với thế
giới của châu Âu do những thiệt hại và phá hủy của chiến tranh. Trong
hoàn cảnh đó, khoa học kĩ thuật có cơ hội được thúc đẩy phát triển. Xã
hội trở thành một xã hội công nghiệp, gấp gáp, máy móc, rập khuôn. Thế
kỷ này trở thành một thế kỷ “thiếu thời gian” và con người trong đó cũng
trở thành những “cỗ máy”, tồn tại độc lập và đơn điệu. Việc sống trong
bầu không khí khoa học kĩ thuật phát triển đó có tác động đáng kể đến thế
giới quan của Franz Kafka, đặc biệt trong cảm thức về hiện thực.
Chiến tranh thế giới lần thứ nhất là cú đánh mạnh nhất, giáng
thẳng vào cái nhìn về con người và thế giới của không chỉ riêng Kafka.
Thế kỷ XVIII, XIX đánh dấu cái nhìn tích cực đối với lịch sử cũng như
sự lạc quan, tin tưởng mạnh mẽ vào lý trí và khả năng phục thiện của con
người. Nhưng cuộc chiến tranh thế giới kinh hoàng nổ ra, phô bày một
diện mạo khác xấu xa đến sửng sốt của con người. “Lòng tham vô đáy và
những tín điều xuẩn ngốc” đã gây ra cái chết của hàng triệu người trên thế
giới.
II. Tác giả Franz Kafka và tác phẩm “ Vụ án”
1. Tác giả Franz Kafka
1.1. Cuộc đời
Franz Kafka (1883-1924) _nhà văn lỗi lạc được suy tôn là một
trong những bậc thầy vĩ đại nhất của nhân loại trong lĩnh vực văn chương.
Kafka sinh ra trong một gia đình Do Thái nói tiếng Đức thuộc tầng lớp

trung lưu ở Praha. Ông sống trong một thời kỳ xã hội đầy biến động. Nhất
là khi các phong trào đàn áp người Do Thái diễn ra mạnh mẽ vào đầu thế
kỉ XX.
Không những chịu đựng nhiều nỗi đau khi trưởng thành trong bối
cảnh xã hội đương thời mà thuở nhỏ, Kafka đã phải trải qua một tuổi thơ
bất hạnh do người cha hà khắc. Mối quan hệ phức tạp và khó khăn với
người cha có tầm ảnh hưởng quan trọng lên tác phẩm của ông. Trong
cuộc sống cá nhân, hai cha con ông thường xuyên mâu thuẫn. Cha của
Franz Kafka là Hermann Kafka _ một người đàn ông cao lớn và dữ dằn.
Trong khi đó, nhà văn vốn là một cậu bé nhút nhát. Có lẽ không người
cha nào lại trở thành đối tượng sáng tác văn học dai dẳng và ám ảnh như
cha của Kafka.

3


Bước ngoặt lớn và quan trọng nhất trong cuộc đời ông là gặp gỡ và
kết thân với nhà văn, nhà báo Max Brod_ là người hâm mộ tài năng của
Kafka. Năm 1924, trước khi Kafka qua đời, những tác phẩm của ông
không được dư luận chú ý, ông đã nhờ bạn của mình là Max Brod đốt hết
tất cả những bản thảo còn lại. Trong suốt những năm chiến tranh thế giới
thứ nhất, do lo sợ những bản thảo của Kafka có thể bị thất lạc hoặc hư hại,
Max Brod đã phải mang chúng theo trên đường đi lánh nạn từ Praha sang
Palestine.
1.2. Sự nghiệp sáng tác
Kafka chưa hoàn thành một tiểu thuyết nào trọn vẹn và đốt bỏ
khoảng 90% tác phẩm của chính mình. Tất cả các tác phẩm được xuất bản
của Kafka đều được viết bằng tiếng Đức, trừ vài bức thư được viết bằng
tiếng Séc.
Trong khoảng những năm 1911 - 1912, khi trở thành đối tác kinh

doanh cùng Hermann, Kafka đồng thời tìm thấy hứng thú trong văn học
Yiddish thông qua các vở diễn ở nhà hát Yiddish. Đây cũng là thời gian
đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của Kafka với nhiều tác phẩm ra đời
như truyện dài “Hoá thân” được xuất bản vào năm 1915 ở Leipzig; cơn
bùng nổ sáng tạo vào đêm 22/9/1912 khi ông sáng tác “Lời tuyên án”, tác
phẩm cũng xuất bản lần đầu ở Leipzig vào năm 1912. Cũng trong thời
gian này ông cũng bắt tay vào viết cuốn tiểu thuyết đầu tiên mang tên
“Người mất tích”– cuốn tiểu thuyết được cho là lấy cảm hứng từ những
lần tham dự tại nhà hát Yiddish nhưng vẫn còn chưa được hoàn thành.
Sau này cuốn sách được xuất bản với cái tên “Nước Mỹ” (America).
Năm 1914, Kafka tiếp tục bắt đầu một dự án tiểu thuyết khác mang
tên “Vụ án” nhưng ông không bao giờ hoàn thành tác phẩm. Theo nhật kí
của ông, lúc này Kafka đã bắt đầu chuẩn bị ý tưởng cho tiểu thuyết “Lâu
đài”. Tuy nhiên, mãi cho đến khoảng năm 1922 ông mới bắt đầu viết “Lâu
đài” và đây cũng là một tiểu thuyết còn dang dở.
Khi còn sống ông chỉ cho in một vài tác phẩm, chủ yếu là những
truyện ngắn như: “Lời phán xét”, “Hóa thân”, “Trại cải hối”, “Nghệ sĩ
nhịn đói”... Sau khi chết, trái với di nguyện của Kafka, trong giai đoạn từ
sau chiến tranh thế giới thứ hai, Max Brod – bạn thân ông đã cho in một
số tác phẩm như: “Vụ án”, “Lâu đài”, “Kẻ mất tích”,... và cũng từ đây,
ông được công chúng chú ý đến, Kafka trở thành một trong những bậc
thầy của văn học hiện đại phương Tây.

4


2. Tác phẩm “ Vụ án”

2.1. Hoàn cảnh ra đời
“Vụ án” là một phần nhỏ nằm trong những tác phẩm của Franz

Kafka thoát khỏi ngọn lửa năm xưa. Tác phẩm được viết vào chiến tranh
thế giới thứ nhất, cho đến hết cuộc đời thì ông vẫn chưa thể hoàn thành.
Đây là một tác phẩm mà có lẽ Kafka viết lâu nhất với nhiều sự trăn trở,
Max Bord vì mến mộ tài năng nên đã tập hợp và sắp xếp lại bản thảo dang
dở rồi in thành tác phẩm vào năm 1925. Đây một trong những tác phẩm
nổi tiếng sau khi ông qua đời.
2.2. Tóm tắt tác phẩm
Joseph K. là người đại diện trong một ngân hàng tại một thành phố.
Vào một buổi sáng, ngày sinh nhật thứ 30 của mình, K. vừa thức dậy thì
xuất hiện hai người lạ, họ cho biết K. bị bắt và họ là người của tòa án đến
giám sát anh. K. tưởng họ nói đùa hoặc có nhầm lẫn gì chăng nên anh đưa
giấy tờ tùy thân chứng minh mình vô tội nhưng vô ích. Vì bọn chúng đều
không biết K. mắc tội gì, chúng chỉ biết một việc duy nhất là giám sát K.
mà thôi, K. bị tuyên bắt bởi tòa án mà anh không thể biết rõ nó nằm ở
đâu, anh đã mắc tội gì, nhưng anh vẫn được đi làm. Nhưng chủ nhật hàng
tuần anh phải đến hầu tòa.
Sáng chủ nhật đầu tiên, K. đến dự phiên tòa ở một chung cư tồi tệ
ngoài thành phố. Phòng xử án nằm ở tầng áp mái khu chung cư, K. phải
khó khăn lắm mới tìm thấy. Anh nhận được câu trả lời là chắc họ ghi
nhầm tên người. Trong phiên tòa đầy kì quái, nhố nhăng và ngột ngạt đó,
K. chủ động bào chữa cho mình bằng cách nói rõ mình vô tội rồi bỏ ra về.
Chủ nhật tuần sau, K. tìm đến tòa để xem tình hình vụ án đến đâu.
Tòa không họp nhưng anh khám phá ra vô số điều ghê tởm của tòa án.
Không khí trong đó càng ngày càng ngột ngạt làm K. không thể đi nổi,
hai nhân viên của tòa phải dìu anh ra cửa. Trong khi anh khoan khoái hít
thở bầu không khí trong lành thì hai nhân viên kia suýt ngất, vội vã đi vào
vì họ đã quen sống trong sự tù túng. Anh biết rõ mình không mắc tội gì,
tòa án cũng không có giấy bắt và buộc anh phạm tội gì, anh nghĩ mình sẽ
nhanh chóng kết thúc vụ án, anh giấu không cho ai biết và làm mọi cách
để kết thúc vụ án. Nhưng đa số những người anh gặp đều biết anh mắc

vào một vụ án mà theo họ là nghiêm trọng. Ai cũng liên quan đến tòa án
tư pháp và họ đều nhận giúp đỡ anh.
Trong quá trình tìm hiểu, anh gặp và biết câu chuyện của thương
gia Block_ người cũng vướng phải một vụ án giống anh. Ông đã tìm đến
6 “luật sư vườn” để giúp đỡ mình nhưng vụ án của ông đã 5 năm không
5


tiến triển gì. Joseph K.trong quá trình tìm sự giúp đỡ đã biết một sự thực
phi lý về tòa án là tòa đã bắt thì không có tha bổng bao giờ mà chỉ có tạm
tha hoặc tạm hoãn, không có trường hợp vô tội vì nhất định tòa án với vô
vàn những thứ tinh vi sẽ tìm cho ra những tội mà trước giờ chưa bao giờ
có.
Hết hi vọng ngày được tự do nhưng Joseph K. vẫn làm mọi cách để
cứu vãn tình thế. Anh từ chối luật sư Huld bào chữa cho anh vì anh nhận
ra luật sư không làm cho mình gì cả mà chỉ muốn kéo dài vụ án. Anh tự
viết đơn trình lên tòa mặc dù biết không giải quyết được gì và ngay lúc
này anh đã bị ám ảnh thực sự. Lúc nào anh cũng tưởng người ta đang nói
về vụ án của mình.
Vào buổi tối trước ngày sinh nhật thứ 31, K. trong tư thế đã chuẩn
bị sẵn, đến 9h có hai tên lạ mặt tới dẫn K. đi xử án. Đến một công trường
đá bỏ hoang trong khi K. đã sẵn sàng chấp nhận cái chết thì chúng cứ đứa
nọ nhường đứa kia mà chuyền tay nhau con dao trên đầu K. làm cho anh
có cảm giác là muốn cầm con dao mà tự đâm thẳng vào người mình. K.
quan sát xung quanh đến khi trong đầu có tinh thần phản kháng thì một
tên nắm cổ họng anh, tên kia thọc sâu lưỡi dao vào tim anh và ngoáy hai
lần. Trước khi chết K. nói lời cuối cùng nhắn nhủ nỗi nhục nhã ở đời rằng
“như một con chó”.

B. CÁCH TÂN NGHỆ THUẬT TIỂU THUYẾT CỦA F.

KAFKA QUA HÌNH TƯỢNG JOSEPH K. TRONG “VỤ
ÁN”.
Xuất phát từ hình tượng nhân vật Joseph K. trong tác phẩm, chúng tôi
tiến hành khái quát lên những đặc điểm chung của nhân vât dựa vào thế giới
bên ngoài, nơi nhân vật xuất hiện; hành động của nhân vật và thế giới bên
trong của nhân vật, đặt trong mối quan hệ với các tác phẩm khác của Kafka.
Kết hợp với những đặc điểm tiêu biểu của nhân vật, theo dõi tiến trình văn
học, sự thay đổi của các khuynh hướng và phương pháp sáng tác. Nhóm đã
đưa ra một số điểm nổi bật của nhân vật Joseph K., sau đó xác định nghệ
thuật tiểu thuyết của F.Kafka. Qua quá trình khái quát hóa đặc điểm nhân vật,
nhóm đã đưa ra 3 đặc điểm chính: Nhân vật đặt trong hoàn cảnh xám xịt, phi
lí; nhân vật mê sảng, lo âu, cô độc; Nhân vật có cái tôi “mờ nhạt”, “không có
tính cách”.
I.

Nhân vật đặt trong hoàn cảnh xám xịt, phi lý.
6


Mở đầu tác phẩm, Kafka gợi đến cho người đọc một khung cảnh
đầy phi lý. Không gian đầu tiên xuất hiện trong tác phẩm là ở nhà trọ của
Joseph K. “ căn phòng bừa bộn những đồ đạc, ăng ten, đồ sứ và ảnh chụp
ấy gọn gàng hơn thường ngày một chút”. Sự thay đổi nhẹ của không gian
ngay mở đầu tác phẩm cũng như dự báo một điều gì đó sắp đến và thay
đổi cuộc đời của K. Thời gian nhân vật xuất hiện trong tác phẩm bắt đầu
từ “ một buổi sáng kia”. Buổi sáng vốn dĩ đánh dấu cho một sự khởi đầu
mới tốt đẹp nhưng trong tác phẩm, đây lại là sự bắt đầu cho một hành
trình “tìm kiếm” và “ giãy đạp” của nhân vật Joseph K. trước một “ tai
họa” bất ngờ giáng trúng người ngay trong ngày sinh nhật. Đây cũng là
một kiểu mở đầu rất quen thuộc trong các tác phẩm của Kafka, nhân vật

được đặt vào một hoàn cảnh bất ngờ mà hoàn cảnh ấy biểu hiện một kết
quả cụ thể, được bày ra ngay trước mắt người đọc từ những dòng đầu
tiên.Từ hoàn cảnh phi lý đó, nhân vật dẫn người đọc vào hành trình tìm
kiếm câu trả lời cho kết quả đã được đặt ra ngay từ đầu tác phẩm. Cụ thể
trong tác phẩm, hành trình của Joseph K. là hành trình tự nhận thức về
luật pháp, bộ máy hành chính và quyền lực trong xã hội đương thời.
Không gian tiếp theo xuất hiện trong tác phẩm có ảnh hưởng đến
nhân vật K. là không gian ở tòa án vào một ngày chủ nhật “ trời u ám”.
Không gian tòa án được xuất hiện hai lần trong tác phẩm nhưng lại hiện
ra như hai không gian hoàn toàn khác nhau. Tòa án nằm ở “một khối nhà
tồi tàn cho người nghèo thuê”. Lần thứ nhất, nó hiện lên là một “căn
phòng đông người quá rồi”, “có một lối đi hẹp hình như phân chia đám
đông ra làm hai phe”, “ đám đông đủ các hạng người ngồi chật ních căn
phòng có hai cửa sổ, quanh phòng là ban công sát trần, người đứng chen
chúc, ai cũng phải khom khom, đầu và lưng đụng vào trần nhà”; không
khí ở trong phòng thì “lờ mờ, qua lớp bụi và khói”. Đáng lẽ tòa án phải là
một nơi trang trọng, dễ nhìn, dễ tìm kiếm, nhưng nó lại nằm ở một khu
gác mái, lộn xộn, tăm tối, luẩn quẩn. Lần thứ hai khi K. xuất hiện tại tòa
án là do anh tự động đến mà không có lời triệu tập trước. Điều này đã
khiến cho không gian tòa án mà K. nhìn thấy thay đổi hoàn toàn so với
lần trước. Nơi đây không còn là một phòng tòa án xô bồ, lộn xộn, chật
ních người như lần trước nữa mà thay vào đó là một căn phòng “ vắng
lặng” và có vẻ còn “ tồi tàn hơn chủ nhật trước”. Từ một căn phòng dành
cho việc thẩm vấn, xét xử bị cáo, nơi đây trở thành một “căn phòng ở”
của vợ chồng anh mõ tòa. Không gian tòa án lần thứ hai được miêu tả cụ
thể hơn là ở trên một căn gác mái với một “ hành lang dài” và con người
ở đó thì “ ngồi rải đều trên các ghế dài bằng gỗ kê hai bên hành lang”.
Không gian luẩn quẩn, loanh quanh ở tòa án khiến con người ta càng
bước vào càng khó tìm, và khi lạc vào rồi không tìm lấy lối ra. K. thấy bị
ngột ngạt, mất sức lực về cả tinh thần và thể chất, phải có người “ xốc

nách” lôi ra ngoài, khi ra ngoài anh mới cảm thấy
“ một luồng
7


không khí mát lạnh” thổi vào anh trong khi người trong tòa án lại cảm
thấy “ nhọc nhằn” không thể chịu nổi với không khí ở ngoài trời. Với hai
lần miêu tả không gian ở tòa án, ta có thể thấy được sự tạm bợ, quẩn
quanh, ngột ngạt trong ngành tư pháp, xã hội đương thời và đó cũng là sự
quẩn quanh, bế tắc, tù túng, ngột ngạt trong hành trình tìm kiếm và tự
nhận thức của K.
Trong các không gian tiếp theo mà nhân vật K. xuất hiện từ nhà
ông luật sư đến nhà ông họa sĩ và quay trở lại nhà ông luật sư, ta có thể
thấy được không gian trong tác phẩm như càng ngày càng chật chội, càng
ngày càng được thu hẹp lại và vẫn cứ quẩn quanh, bế tắc, tối tăm, xám xịt
như thế. Trước hết là ngôi nhà của ông luật sư Huld hiện lên là một “ngôi
nhà tối tăm”, “ ngọn đèn… tỏa ra một ánh sáng yếu ớt”. Có thể thấy ngôi
nhà như bị bao trùm bởi bóng tối, cô quạnh và không khí của bệnh tật,
chết chóc. Tiếp đến là không gian khu nhà và trong căn phòng của ông
họa sĩ Titorelli. Đó là một xó xỉnh “còn tồi tàn hơn cái xó của tòa” với “
một cái lỗ khoét trong tường… bất thình lình tóe ra một thứ nước khủng
khiếp màu vàng và bốc khói”, căn buồng thì “ tồi tàn”, “ bừa bộn”, bầu
không khí thì ngột ngạt, nặng nề. Khu nhà và căn buồng của ông họa sĩ
giống như một khu ổ chuột chật hẹp, hôi hám, bẩn thỉu và ngột ngạt.
Không gian tiếp theo quay trở lại nhà của ông luật sư nhưng lại ở một
không gian hẹp hơn là trong một căn phòng dành cho ông thương gia. Đó
là “ một căn phòng thấp lè tè, cửa sổ không có, và kê vừa đủ một cái
giường hẹp”. Có thể nói, không gian trong tác phẩm đến căn phòng của
ông thương gia như được thu hẹp đến cực hạn. Đó không còn là căn
phòng cho người ở nữa mà giống như “căn phòng của một con sen”. Đến

đây thì nhân vật K. dường như không thể nào chịu đựng nổi nữa và muốn
kiếu từ ông luật sư để trở về. Hay như nhà thờ vốn dĩ phải là nơi tràn đầy
ánh sáng và thiêng lýêng thì ở đó, “những chiếc đại phong cầm vẫn im bặt
và chỉ lấp lánh một cách lờ mờ trong bóng tối bên kia dưới vòm mái mà
thôi”. Có thể thấy, không gian trong các căn phòng được miêu tả như càng
ngày càng chật, càng ngày càng hẹp, càng ngày càng tăm tối, bế tắc và
không theo một trình tự tuyến tính nào. Vẫn là không gian ở nhà ông luật
sư nhưng lại không được miêu tả liên tiếp mà có sự ngắt và không gian
sau hẹp hơn không gian trước, không gian sau lại tăm tối, ngột ngạt hơn
không gian trước. Và sự tăng tiến trong việc miêu tả không gian hẹp cũng
gợi lên hành trình đi đến ngõ cụt, bế tắc, không lối thoát và cuối cùng là
buông xuôi của nhân vật Joseph K.
Có thể thấy, hoàn cảnh mà nhân vật xuất hiện chứa đầy sự phi lý,
nghịch dị, bất bình thường, trái ngược lại với những không gian, thời gian
thực tế. Vẫn là những không gian địa danh tòa án, căn phòng, nhà thờ có
thực nhưng dưới ngòi bút của Kafka, nó lại được miêu tả hoàn toàn trái
8


ngược với thực tế: Tòa án vốn phải là nơi tràn đầy ánh sáng, rõ ràng thì lại
được miêu tả là một nơi loanh quanh, luẩn quẩn, u ám, xám xịt và ngột
ngạt, giống như một mê cung mà một khi đã lạc vào thì không thể nào
thoát ra được. Hay như nhà thờ vốn phải là một nơi linh thiêng, tràn đầy
ánh sáng, nơi con người đến để tìm sự an yên về tinh thần thì lại hiện lên
là một nơi tối tăm và tạo cho con người một cảm giác hoang mang, lo sợ,
không biết chuyện gì sắp xảy ra ở nơi đây. Thêm vào đó là sự tăng tiến về
độ hẹp của không gian, càng về sau không gian càng trở nên chật hẹp, tù
túng và tối tăm hơn trước. Thời gian trong tác phẩm cũng như bị đảo
ngược so với thời gian thực tế. Ngày chủ nhật vốn dĩ là ngày để con người
ta nghỉ ngơi, có thể đến nhà thờ để tìm niềm an ủi tâm hồn thì trong tác

phẩm lại là ngày mà người ta tổ chức những buổi thẩm vấn, xét hỏi…
Ngược lại, các ngày trong tuần vốn dĩ phải là ngày người ta làm việc thì
nhà thờ lại tổ chức những buổi thuyết pháp. Tất cả những hoàn cảnh trái
ngược của không gian, thời gian nhân vật xuất hiện trong tác phẩm trái
ngược, đối lập với thực tế ấy là một trong những biểu hiện tiêu biểu của
khuynh hướng hiện thực huyền ảo.
* Tiểu kết:
Sự tăng tiến trong việc miêu tả không gian hẹp, không gian và thời
gian phi tuyến tính trong tác phẩm cũng chính là hành trình đi đến ngõ
cụt, bế tắc, không lối thoát và cuối cùng là buông xuôi của nhân vật
Joseph K. Sự trái ngược, đối lập giữa không gian, thời gian mà nhân vật
xuất hiện trong tác phẩm với không gian, thời gian thực tế đã góp phần
làm rõ tính chất phi lý, nghịch dị trong nghệ thuật sáng tác của Kafka.
Đây chính là một trong số những biểu hiện tiêu biểu của khuynh hướng
hiện thực huyền ảo mà Kafka là người mở đầu.
II.

Nhân vật mê sảng, lo âu, cô độc.
Với lối tư duy ngược trong sáng tác của mình, Kafka luôn
đặt ra cho người đọc cái kết quả được hiện hữu ngay từ đầu mỗi cảnh, để
rồi qua đó, nhân vật và người đọc tự đi tìm câu trả lời cho những điều đã
xảy ra. Kafka đã “ném” nhân vật của mình vào cái thế giới hỗn độn, điên
đảo đó thay vì từng bước dẫn dắt nhân vật của mình đến cái kết quả của
thực tại. Bởi cái sự đột ngột và bất ngờ như vậy mà ngay khi bắt đầu câu
chuyện của mình, ta có cảm giác trong trạng thái tồn tại trước đó, nhân
vật như chìm trong cơn mê sảng tăm tối, mịt mù và không ý thức được
những gì đã thay đổi trong cuộc sống của bản thân. “Một buổi sáng kia”
là cái mốc đánh dấu khoảnh khắc tự phát hiện, “bừng ngộ” của nhân vật
Joseph K. Kafka không trình bày trước đó nhân vật sống thế nào, làm cái
gì, nguyên nhân tại sao lại bị bắt. Tại khoảnh khắc đó, có chăng nhân vật

mới được “đánh tiếng” về bản án treo trên đầu mình. Điều này cũng được
9


thấy rõ trong tác phẩm “Hóa thân”, khi mà Gregor Samsa “trong buổi
sáng tỉnh giấc băn khoăn” “thức dậy và thấy mình biến thành một côn
trùng khổng lồ”, tất cả đều không có lời giải đáp. Nhân vật bị cuốn đi
trong sự bất an và lần lượt rơi vào những bi kịch. Có điều, nhân vật không
tự ý thức về mục đích của mình, luôn bị chi phối và “giật dây” và hành
động vô cùng khó lý giải.
Nỗi lo âu, bất an, không chấp nhận cuộc sống và hoàn cảnh thực tại
là một trong những đặc điểm của nhân vật, Joseph K. luôn bất an và lo sợ
với cuộc sống của mình. Kể từ thời điểm anh ta hoài nghi về bản án dành
cho mình khi nghĩ rằng “họ đã kết nhầm án”, hay anh nghĩ rằng đây là
một trò đùa, thì về mặt nào đó, trong K. đã manh nha suy nghĩ chấp nhận
bản án, tội danh của mình. Hành trình chứng minh vô tội của K. là hành
trình anh dần dấn thân vào cái mê cung luẩn quẩn của quyền lực vô hình.
Trong chính những lúc tưởng chừng như K. đưa ra những bằng chứng cho
sự vô tội thì anh đã từng bước dấn sâu vào sự phạm tội và gây tội . Nỗi lo
âu vào quyền lực vô hình luôn bao lấy K. Anh ta sợ và giật mình với tiếng
đẩy cửa nhẹ ở hành lang trong không gian căn nhà của mình, anh cảm
giác người của tòa án có mặt ở xung quanh. Sau khi bị kết tội, anh ta vẫn
phải đi làm và thực hiện nghĩa vụ của mình. Nỗi lo âu và bất an không chỉ
dừng lại ở những biểu hiện bên ngoài mà nó đã ăn sâu vào nỗi sợ quyền
lực đến mức khi nghe một tiếng động lạ phát ra từ căn phòng ở nơi làm
việc, việc đầu tiên mà anh nghĩ là đi tìm tên đầy tớ để làm chứng. Nỗi lo
âu khiến K. rơi vào cái mê lộ tuyệt đối của tòa án, nơi mà hôm trước là
địa điểm phiên tòa diễn ra, hôm sau đã trở thành nơi ở của vợ chồng mõ
tòa, rồi biểu hiện của người đàn bà là người tình của rất nhiều người, vừa
tán tỉnh K., vừa được K. tán tỉnh trong khu tòa án tăm tối. Những sự đảo

điên đó là một đáp số mà K. không thể tìm thấy lời giải. Kafka đã diễn đạt
một thứ nghệ thuật gọi là “nghệ thuật mô tả cái vắng mặt”, “nghệ thuật
thông báo cái không thể thông báo”, “diễn đạt cái không thể diễn đạt”.
K đứng trước thế giới với tâm thế vô cùng cô độc. Không phải
bởi vì anh ta không có bất kì mối quan hệ xã hội hay những sợi dây liên
kết với xã hội. Mà là trong cuộc đời mình, anh không tìm thấy những sự
đồng điệu và tiếng vọng của nhân loại… Khi K. đứng diễn thuyết hùng
hồn giữa đám đông, không ai nghe và để ý đến lời nói của anh ta; khi đi ở
hành lang nơi xử án, anh cũng gặp rất nhiều gương mặt, nhưng tất cả đều
không thể hiểu anh, chẳng khác nào mất đi ngôn ngữ như Samsa trong
“Hóa thân”, bị tách ra khỏi cộng đồng, xã hội. Trên hành trình của K. anh
lạc vào mê cung của luật pháp. Anh phải nhờ đến những nhân vật như luật
sư Huld, họa sĩ Titorelli… những người đó tin là họ sẽ giúp được K,
nhưng cuối cùng thì chúng cũng là một phần của cái vòi bạch tuộc mang
10


tên bộ máy công quyền và cho dù cố gắng, anh ta cũng không thể thoát
khỏi cái án tử được định trước.
* Tiểu kết:
Trong “Vụ án”, Kafka đã đặt nhân vật Joseph K. vào những
trạng huống nghịch dị, nhân vật bị “giật dây” hoạt động xuyên suốt
truyện, kết hợp với kiểu tư duy ngược khiến nhân vật vô cùng bị động
trước những hoàn cảnh được bày ra. Ở đây, ta thấy nghệ thuật xây dựng
nhân vật “con rối” của Kafka được thể hiện rất rõ; “con rối” ấy đầy lo âu,
bất an, hoạt động quẩn quanh, bế tắc trong cái mê lộ của một thứ gọi là
quyền lực vô hình chi phối toàn bộ thế giới tác phẩm. Để diễn tả sự lo âu,
bất an, Kafka đã sử dụng nghệ thuật mô tả cái vắng mặt. Ngoài ra, Chất
“Uy mua đen” (Black humour) - “hài hước cay đắng” cũng được sử dụng
khá nhiều. Hành trình giải quyết cái mâu thuẫn giữa cái “có tội”- “vô tội”

của K là một nghịch lý bi hài, khi anh chẳng biết mình mắc tội gì; quá
trình nhân vật khám phá những nghịch lý ở tòa án, nhà thờ, văn phòng
hành chính… cũng xuất hiện nhiều cái bi hài. Nhất là đoạn kết; khi hai gã
đao phủ truyền tay nhau con dao qua đầu K. đến nỗi anh chỉ muốn giằng
lấy mà tự đâm quách cho xong.

III.

Nhân vật có cái tôi “mờ nhạt”, “không có tính cách”.

Về cái tên của nhân vật, nếu như các nhà văn khác khu biệt nhân
vật bằng tên (ít nhiều phản chiếu dấu ấn lịch sử xuất thân) thì với Kafka,
việc đặt tên các nhân vật trong “Vụ án” cũng không còn cần thiết. Ông
khoác cho nhân vật mình một cái tên viết tắt, như một ký hiệu, nhà văn
dường như muốn thông báo đó là dấu hiệu khuyết thiếu, biến dạng đầu
tiên của con người thời hiện đại. K. là cái tên không rõ ràng, chỉ là một
chữ cái, có thể là bất kỳ ai. Kafka đã lược đi đường nét riêng về nhân
cách của nhân vật. Nó là một sự bất bình thường, sự què quặt, khuyết
thiếu. Cái tên ấy cũng gợi nên một thân phận mong manh, bi đát của con
người thời hiện đại. Thân phận ấy có thể là bất cứ ai trong số chúng ta, là
độc giả hoặc cũng có thể là chính tác giả.
Về nghề nghiệp, nhân vật Joseph K. được khắc họa là một nhân
viên ngân hàng mẫn cán cũng chẳng mấy khi có mặt tại văn phòng làm
việc, toàn bộ hành động và tâm tư của anh dồn vào vụ án. Cả cuốn tiểu
thuyết có đến 20 lần dấu hiệu về nghề nghiệp của K. được nêu ra thông
qua các từ “ngân hàng, đại diện” hay sự giao tiếp giữa K với khách hàng,
đồng nghiệp. Tuy vậy, hình ảnh K. và nghề nghiệp của K. không vì thế
mà trở nên định hình hơn. Các nhân vật khác cũng vậy, bao giờ cũng được
11



đi kèm với một chức danh nghề nghiệp nào đó nhưng nghề nghiệp được
nêu ra chỉ để cho có, như là một người bình thường thì phải có một cái
nghề gì đó, chứ không mang một dấu ấn lịch sử nào, và dường như nhà
văn có đổi nghề cho nhân vật thì cũng không tạo ra sự khác biệt quá lớn.
Về chân dung, diện mạo, nhân vật trong tiểu thuyết cổ điển thường
được khắc họa rõ nét, tỉ mỉ chân dung nhân vật đến từng chi tiết. Hình ảnh
của nhân vật hiện lên rõ ràng trước mắt người đọc, là một chân dung hoàn
thiện về một con người, từ vóc dáng, khuôn mặt cho đến từng đường nét
trang phục (đặc biệt là các tiểu thuyết của V. Hugo, Balzac,...). Nhưng
Kafka không hề miêu tả gì về ngoại hình của nhân vật, nếu có họa chăng
hình ảnh về Joseph K. hiện lên cũng mơ hồ và chung chung qua các miêu
tả của những người xung quanh. Ví như chị vợ anh mõ tòa nói đôi mắt
của anh rất đẹp, hay những đứa bé ở nhà họa sĩ thì K. “xấu xí lắm”. Ngay
cả cái nhìn khách quan của những con người bên ngoài khi miêu tả về K.
cũng rất mơ hồ và mông lung. Điều đó khiến người đọc thật khó có thể
hình dung về K. Tất cả đều không rõ nét, anh ta là ai, có ngoại hình như
thế nào, anh ta ra sao? Đều không ai trả lời cụ thể được.
Có thể thấy, chân dung nhân vật đã bị “mờ hóa”, nhạt hơn so với
các nhân vật trong các tiểu thuyết thời kỳ trước đó.
Không chỉ tên tuổi, nghề nghiệp của nhân vật bị “mờ hóa” mà ngay
cả quá khứ của nhân vật cũng không được nhắc đến. Với các tiểu thuyết
cổ điển, thì nhân vật không chỉ là một lát cắt trong một thời điểm cụ thể
mà còn hiện lên với cả một quá khứ, lai lịch cụ thể rõ ràng. Ví dụ như
“những người khốn khổ” của Victor Hugo, Jean Vanjean hiện lên rõ nét
với cả quá khứ là người thợ xén cây, bị bắt đi tù chỉ vì ăn cắp một mẩu
bánh mì cho đứa cháu đói khổ,... Hay Grandet trong “Euginie Grandet”
của Balzac, ông ta có cả một quá khứ để phát triển tính cách thành một
lão hà tiện. Còn Joseph K. thì không. Bố mẹ anh ta là ai? Tên tuổi cụ thể
là gì? Các mối quan hệ xã hội, quan hệ thân cận ra sao? Không ai biết.

Kafka đã chặt bỏ hết quá khứ đằng trước của Joseph K., khiến cho tính
cách của nhân vật bị khuyết, không có một quá trình để hình dung, không
có hành trình phát triển.
Bên cạnh đó, theo lý thuyết, thông thường nhân vật thường bộc lộ
cái tôi, nét riêng qua những mâu thuẫn, xung đột và giằng xé nội tâm khi
gặp tình huống. Ở đây, K. cũng gặp tình huống - việc anh bất ngờ bị bắt,
nhưng, không như người đọc thường mong đợi rằng anh sẽ bộc lộ một nét
tính cách nào đó khi thể hiện sự đấu tranh trong tâm lý, K. lại luôn tự đưa
ra những nhận định của riêng mình về sự việc, tự lý giải tình huống theo
cách anh nghĩ và tự động thuận theo nó, không hề có băn khoăn hay mâu
thuẫn tâm lý nào. Anh bị bắt, và không lâu sau anh đã nghĩ rằng đó biết
12


đâu là trò đùa của đồng nghiệp, và anh thử “hùa vào” trò đùa ấy xem sao.
Khi nói chuyện với họa sĩ, anh ta giải thích cho K. về ba khả năng để K.
có thể thoát khỏi vụ án: tha bổng, tha tạm và hoãn vô thời hạn. Khả năng
đầu tiên dành cho những người vô tội và họa sĩ chưa thấy khả năng đó
xảy ra bao giờ. K. thấy nó thật không hợp lý, thật không đúng với hoàn
cảnh của anh, rõ ràng là nếu anh vô tội thì anh được tha là điều đương
nhiên, theo logic bình thường thì anh có thể lựa chọn việc không chấp
nhận sự thật mà họa sĩ nói, anh có thể tạo nên một kì tích nhưng K. lại
“tạm thời chấp nhận tất cả các ý kiến của họa sĩ” và nói rằng “Ta hãy
gạt chuyện tha bổng sang một bên, vừa nãy anh có kể ra giải pháp khác”.
K. không chỉ chấp nhận các ý kiến của họa sĩ mà chính hành động đó đã
cho thấy anh chấp nhận với việc thừa nhận mình có tội để lựa chọn các
giải pháp tiếp theo. Cứ như vậy, trong nhiều tình huống khác của tác
phẩm, cứ như K. tự thỏa thuận với chính mình và lựa chọn, sự đấu tranh
tâm lý giữa các khả năng có thể xảy ra với lựa chọn của mình dường như
không có. Anh ta luôn mặc định đi theo sự dẫn dắt của người khác, sự

chống cự rất yếu ớt của K. khiến anh trở thành một con rối bị giật dây bởi
các nhân vật như ngài dự thẩm, mõ tòa, luật sư Huld, họa sĩ, linh mục,... bất cứ ai cho anh ta manh mối về vụ án của mình. Vì vậy, ngoài cảm giác
loay hoay, rối rắm, khó giải thích mà anh ta mang lại cho người đọc thì K.
không thể hiện một tính cách nào, người đọc không thể gọi tên được một
phẩm chất nào của anh ta cả.
Xét về các yếu tố tạo nên tính cách nhân vật truyền thống bao gồm
quá trình phát triển, hình thành tính cách và điều kiện để bộc lộ tính cách
thì Joseph K. gần như không đảm bảo được những yếu tố này, nhân vật
không thể hiện tính cách riêng rẽ, rõ ràng của mình. Song, chính sự không
rõ ràng ấy lại mang một ý nghĩa khái quát lớn đối với tất cả những con
người hiện đại, chính vì vậy, chúng tôi để cụm từ “không có tính cách”
trong dấu ngoặc kép để nhấn mạnh điều này.
Các nhân vật trong tiểu thuyết trước đó đều thể hiện những hành
động, suy tư, cảm xúc, tâm trạng,... để nhằm khẳng định một tính chất nào
đó ở bản thân mình. Hành động Jean Vanjean ăn cắp bánh mì cho các
cháu bộc lộ tấm lòng nhân hậu của anh ta, việc lão Grandet thốt lên câu
hỏi rằng liệu yêu thương có tốn kém gì không đã thể hiện lão là một
người keo kiệt,... còn với K. , Kafka cho nhân vật hành động, suy nghĩ,
thể hiện cảm xúc lại để hoài nghi, phủ định những điều trong nội tại bản
thân mình, K. luôn tự nhận thức lại sự việc, nhận thức lại con người ngay
sau những hành động, suy nghĩ của anh ta. Ví dụ, khi nói chuyện với bà
chủ nhà Grubach, anh nói rằng anh cần một cái bắt tay của bà để nhất trí
với anh về vụ bắt bớ của anh vào buổi sáng là rất khó hiểu, thì ngay sau
đó, anh lại tự hoài nghi ngay lập tức: “Bà ta liệu có bắt tay mình không?”.
13


Câu hỏi ấy đặt ra như thể chính anh ta cũng hoài nghi về những điều mình
vừa nói, liệu nó có đúng không, liệu vụ bắt bớ đó có khó hiểu thật không?
Trên tất cả, những hành động (xét theo nghĩa rộng, bao gồm việc suy

nghĩ, bộc lộ cảm xúc,...) của nhân vật cũng chỉ nhằm mục đích là phủ
nhận suy nghĩ con người, phủ nhận toàn bộ những thứ theo logic. Có lẽ
bởi vì đi theo logic thông thường thì kết cục cũng chẳng đi đến đâu, ngày
càng rối rắm, phức tạp và vô nghĩa. Viết về tất cả những điều ấy lạ lùng
đó của Joseph K., văn phong, lời kể của Kafka lại “điềm tĩnh lạ lùng” và
vô cùng nghiêm túc. Ông muốn gỡ bỏ đi sự tự tin quá đáng của con người
vào ngôn từ, thay vào đó, chỉ tin vào điều mình tin mà thôi. Đừng cố đi
tìm một logic nào cả, bởi vì cuộc đời đầy rẫy những điều phi lý, không thể
lý giải được.
Lý giải thêm về sự phi lý, các nhân vật trong tiểu thuyết trước đây
được nhà văn miêu tả tâm lý theo một trình tự thông thường, thì K. lại
được mô tả với logic tâm lý bất thường. Trong chương cuối của tác phẩm,
khi đối diện với hai tên đao phủ, đối diện với ngày xử án, K. không có vẻ
gì là lo sợ thay vào đó là sự bình thản đón nhận cái chết. Thậm chí chính
K. còn chạy vượt trước hai tên đao phủ. Chứng kiến hai tên đao phủ
nhường qua nhường lại con dao, K. chỉ nghĩ rằng “nhiệm vụ của của anh
là tự chụp lấy con dao và tự đâm vào mình”. Nhưng ngay khi K. chỉ vừa
có ý muốn phản kháng, ngay lập tức một trong hai tên đã nhanh chóng
cầm lấy con dao “ngoáy ngoáy 2 lần” vào trái tim của K. và K. chỉ kịp bật
thốt lên “như một con chó" K. nói “như để gửi lại nỗi nhục nhã ở đời.”
Thế giới trong văn học hiện sinh là thế giới phi lý và khi đứng giữa ranh
giới sống - chết, K. không ngần ngại chọn cái chết. Dường như chọn lấy
cái chết đó phần nào để phủ định một đấng tối cao nào đã ban sự sống và
cái chết cho con người, nghĩa là cho rằng sự sống và cái chết là do chính
bản thân con người quyết định, con người có thể chủ động lựa chọn cái
chết mà không cần đến bất cứ thể lực thần linh nào, và sự tồn tại của con
người đã là một sự phi lý tột cùng.
Như vậy, cái riêng biệt, độc đáo nữa của Kafka khi xây dựng nhân
vật còn là xây dựng cái tôi để thể hiện sự hoài nghi và phủ định thể giới,
con người, trong khi các nhà văn trước đó lại tạo ra nhân vật để xây dựng

những giá trị cho con người.
* Tiểu kết:
Có thể thấy, Kafka đã xây dựng một kiểu nhân vật “siêu điển hình”
kiểu Kafka.. Cái tôi của nhân vật dường như được ông định nghĩa lại,
nhận thức lại hoàn toàn. Ông để nhân vật lật nhào, phủ định hết những
điều được đề cao ở những tiểu thuyết trước đó: sức mạnh của tư duy, của
trí tuệ con người, những đạo đức tốt đẹp con người xây dựng ra, thậm chí
14


cả sự tồn tại của con người. So với những “cái tôi” của tiểu thuyết kinh
điển trước đó, cái tôi trong nhân vật của Kafka có vẻ bị mờ đi, nhạt đi,
nhưng thực chất nó lại đang tự tạo nên cho mình một lịch sử mới trong
văn học: “Cái tôi đứng ngoài lịch sử”, cái tôi ấy không được nhận định
dựa trên những mối quan hệ xã hội, những yếu tố của thời đại,... mà tự
thân nó có ý nghĩa riêng, theo một trường phái riêng của Kafka mà sau
này, nhiều hậu bối vẫn theo đuổi, song chưa ai vượt qua được ông.
C.

TỔNG KẾT
Qua việc xây dựng hình ảnh nhân vật Joseph K. được đặt trong một
hoàn cảnh xám xịt và đầy phi lý; luôn mang trong mình những mê sảng,
lo âu, cô độc và là một nhân vật có cái tôi“ mờ nhạt”, “ không có tính
cách”, ta có thể thấy rõ những cách tân nghệ thuật tiểu thuyết độc đáo
trong sáng tác của Kafka.
Thứ nhất, bằng việc đặt nhân vật trong hoàn cảnh xám xịt và đây
phi lý, ta thấy nghệ thuật miêu tả không gian và thời gian mang
khuynh hướng hiện thực huyền ảo được đặt ra trong tác phẩm. Đó là
cái hiện thực của xã hội u mờ, tăm tối, bị chi phối bởi “quyền lực vô
hình”. Nó khác so với văn học thời kì trước, nếu như các tác giả định

nghĩa được thứ chi phối con người là sức mạnh của đồng tiền, hay là bộ
máy xã hội phong kiến… Xã hội đặt ra trong thời kỳ của Kafka như một
guồng máy phức tạp mà người ta không thể hiểu nổi cơ chế vận hành của
nó.
Thứ hai, kiểu tư duy, logic ngược, nghệ thuật mê lộ cũng được sử
dụng rất đắc địa trong việc mô tả nhân vật với tính chất mê sảng, lo âu và
cô độc. Kafka đã treo cái đáp án lửng lơ ngay từ khúc rào đầu, nhân vật sẽ
là người đặt chân đi tìm câu trả lời và luẩn quẩn trong mê lộ của những
điều nghịch dị mà không tìm thấy lối ra. Bi kịch của K. trong “ Vụ án” nói
riêng và con người nói chung là bi kịch bị điều khiển bởi những thứ phi
lý, con người tồn tại mà như không tồn tại, như một con rối bị chi phối và
giật dây bởi một quyền lực vô hình trên bề mặt, nhưng bề sâu chính là bởi
những suy nghĩ của chính mình.
Thứ ba, một trong những nét cách tân nghệ thuật của Kafka là cái
hài giễu nhại. Trong hành trình giải quyết mâu thuẫn giữa “ vô tội” và
“ có tội” của Joseph K. , những hành động của nhân vật ngớ ngẩn đến nực
cười. Đó là sự giễu nhại con người. Cụ thể là trong hành trình đấu tranh
chứng minh mình vô tội của K. lại là quá trình dần thừa nhận mình có tội,
điều ban đầu tưởng chừng như vô lý nhưng lại trở nên có lý. Điều này
như để lật nhào tất cả, chế giễu, cười vào những thứ to lớn, ngớ ngẩn nhất

15


mà chúng ta vẫn tin tưởng bấy lâu: công lý, pháp luật, con người,... thậm
chí cả thần linh.
Thứ tư, Kafka đã xây dựng nhân vật “siêu điển hình” kiểu
Kafka. Con người trong văn chương Kafka luôn có cái tôi được định
nghĩa lại, ý thức lại về sự tồn tại của chính nó, thể hiện sự hoài nghi vào
thế giới logic, có nghĩa. Điều này ban đầu có thể khiến người đọc bi quan,

lạc lối trong thế giới phi lý đó nhưng đó lại là dấu hiệu đáng mừng. Nhìn
bao quát hơn, văn chương Kafka là sự phản ánh hiện thực một cách trần
trụi, khủng khiếp nhất từ trước tới nay, đi sâu vào những nỗi phức tạp
trong tâm khảm con người để tìm về với căn tính của nó. Ông đã tiên tri,
dự đoán được xu hướng của con người hiện đại trong xã hội công nghiệp
một cách tài tình. Tạo nên kiểu nhân vật này, Kafka nâng tầm độc giả
nhân loại, độc giả giờ đây đòi hỏi phải có một “tầm” rất cao mới có thể
đọc được Kafka.
Thứ năm, một điểm đặc biệt nữa làm nổi bật cách tân nghệ thuật
tiểu thuyết của riêng Kafka chính là việc nhìn nhận tính phi lý trong tác
phẩm như một đối tượng nhận thức. Trước kia, trong một số tác phẩm
văn học cũng có xuất hiện một số điều nghịch lý với mục đích gây hài.
Tuy nhiên, phải đến sáng tác của Kafka, cái nghịch lý, phi lý ấy mới được
nâng tầm để nhìn nhận như một đối tượng nhận thức, phản ánh những phi
lý về tồn tại xã hội và tồn tại con người. Điều này thể hiện bi kịch của K.
trong “ Vụ án” nói riêng và con người nói chung là bi kịch bị điều khiển,
không được làm chủ cuộc sống của mình. Con người tồn tại mà như
không tồn tại, tất cả mọi thứ đều bị chi phối và giật dây bởi một quyền lực
vô hình. Qua đó cũng làm sáng tỏ nghệ thuật xây dựng nhân vật “ con rối”
trong sáng tác của kafka.
Những cách tân nghệ thuật mới của ông khiến các nhà phê bình khó
có thể xếp ông vào một trường phái hay một chủ nghĩa cụ thể nào. Kafka
là người khơi nguồn cảm hứng cho những thế hệ sau, để họ bước tiếp trên
con đường mà Kafka đã tìm ra. Tất cả những cách tân trên tạo ra một nét
rất riêng mà chỉ có đến Kafka mới có đó chính là Kafkaesque.
Chính vì vậy mà người ta vẫn gọi Kafka là người “tẩy não nhân
loại”. Để hiểu được văn chương của Kafka, phải buông xuôi, để ông tẩy
não thì người đọc “mới có cơ may tiệm cận đến cái phần căn tính nhất
của con người” (Lê Huy Bắc)


16


TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lê Huy Bắc, Franz Kafka - Người tẩy não nhân loại, NXB Tổng hợp Thành phố Hồ
Chí Minh, 2018.
2. Lê Huy Bắc - Lê Nguyên Cẩn - Nguyễn Linh Chi, Giáo trình văn học phương Tây,
NXB Giáo dục, 2015.
3. Đặng Anh Đào, Giáo trình văn học phương Tây, NXB Giáo dục, 2012.
4. Franz Kafka, Vụ án, NXB Nhã Nam, 2018.
5. Trần Đình Sử (cb), Lí luận văn học - tập 2, tập 3, NXB ĐH Sư phạm, 2017.

17



×