Làm gì khi sếp mắc bệnh
"quên"?
Có những "sự quên" của sếp chỉ do vô tình không nhớ, nhưng cũng đầy những lần
sếp quên “hữu ý” khiến nhân viên nhiều khi “ngậm đắng nuốt cay” vì không thể
thanh minh.
Làm sếp khó lắm phải đâu chuyện đùa...
Từ vô tình
Không ít lần Thu phải điên đầu chỉ vì tật hay quên của sếp. Có lần nhận dự án từ
một người quen cũ, sếp đùng đùng tuyên bố: “Dự án này tôi sẽ phụ trách, cô
không phải lo gì cả. Mọi việc tôi sẽ tự phân công và lên lịch trình cụ thể”. Mừng vì
không phải đảm nhận dự án “cồng kềnh” đó và yên tâm vì đích thân sếp đứng ra lo
liệu nên Thu gần như gạt dự án đó ra khỏi đầu mình, nhất là khi cô còn bao nhiêu
việc phải lo.
Hai tuần trước thời hạn hoàn thành dự án và bàn giao cho khách hàng, Thu ngớ
người khi sếp lên tiếng hỏi về dự án: “Cô Thu, dự án triển khai đến đâu rồi, gửi
cho tôi báo cáo các đầu mục công việc và tiến độ thực hiện ngay trong sáng hôm
nay”. Sau phút bất ngờ, Thu trấn tĩnh lại: “Dự án đó em đâu có làm, chính anh đã
nhận sẽ trực tiếp chỉ đạo và phân công người thực hiện mà". "Tôi bảo thế lúc nào,
nhiệm vụ của cô là phân công công việc và quản lý, theo dõi dự án. Bất kỳ dự án
mới nào cô cũng phải nắm được chứ, sao lại bảo tôi". "Đúng là em phải quản lý
các dự án nhưng riêng dự án này, chính sếp đã nhận trách nhiệm nên em cứ yên
tâm là anh phân công triển khai, em đang định cuối tuần hỏi sếp để tổng hợp tiến
độ”.
Dường như đã lờ mờ nhớ ra lời nói của mình nhưng không lẽ nhận mình sai thì
quả là “mất mặt”, sếp tỏ ra không bằng lòng: “Ở công ty này chỉ có sếp giao việc
cho nhân viên, chứ nhân viên giao việc cho sếp thì tôi chưa thấy bao giờ”. Chẳng
biết nói thế nào, Thu đành im lặng. Cô lại phải gọi điện sang "khất" với khách
hàng, và cả phòng bắt tay vào gấp rút thực hiện.
Có lần, một bản đề án mới phòng Thu gửi lên sếp tổng, trong buổi đi họp, sếp tổng
yêu cầu giám đốc điều hành về chỉ cho phòng Thu những điểm cần sửa chữa và bổ
sung sớm để lên kế hoạch triển khai. Thế mà sếp cũng "quên béng" lúc nào, đến
khi sếp tổng hỏi và thúc giục, Thu mới té ngửa ra vì chưa bao giờ nghe giám đốc
nhắc đến đề án. Khi Thu hỏi, chính giám đốc cũng cuống cuồng, thế nhưng vẫn
cho mình quyền chỉ đạo và quát tháo nhân viên: "Tại sao cô không chủ động một
chút, cái gì cũng ngồi đợi tôi nói mới làm là sao". Thế mới thấy, cái sự quên của
sếp thật tai hại.
Thật khó xử khi sếp quên...
Đến hữu ý
Chuyện sếp nói xong rồi quên không phải là hiếm gặp ở các công ty. Tuy nhiên,
những cái quên do vô tình vì quá bận rộn nhiều khi còn thông cảm được. Nhưng
lại có những cái quên hữu ý nhiều khi trở nên “bôi bác” và trong mắt nhân viên,
sếp thật chẳng ra sao.
Không ít người cho rằng được đi ăn trưa cùng sếp là một đặc ân nhưng ở công ty
Oanh hầu như chẳng ai muốn hưởng cái đặc ân ấy. Không ai dám nói toẹt ra
nhưng qua thái độ, ánh mắt mọi người khi sếp rủ đi ăn thì đủ biết họ chỉ muốn
chối phắt cho xong.
Đơn giản chỉ vì, sếp thường xuyên quên… trả tiền. Lúc thì quên mang ví, khi lại
không sẵn tiền lẻ, nhờ nhân viên trả hộ nhưng chưa bao giờ sếp nhớ để trả lại tiền
cho nhân viên. Cứ nghĩ sếp nhiều việc, có lúc quên nên ban đầu chẳng ai để ý,
nghĩ số tiền cũng nhỏ lại là việc tế nhị nên chẳng ai dám nhắc sếp “trả nợ” nhưng
dần dần mọi người đều trố mắt ngạc nhiên vì đó là “thói quen” của sếp.
Không thèm quên mấy chuyện lặt vặt như sếp của Oanh, vị sếp đang kính của
Minh lại thường xuyên “phớt-ăng-lê” những lời hứa tăng lương, thưởng sau mỗi
lần giao thêm công việc. Kể cả khi đã hoàn thành hợp đồng, tiền đã chuyển về
công ty và lời hứa của sếp vẫn còn vang đâu đây nhưng hình như sếp đã có thời
gian suy nghĩ “lại” và đành dùng chiêu bài "quên" để tránh sự tra hỏi của nhân
viên.
Ngay hôm gọi Minh vào giao thêm công việc, sếp tổng hứa sẽ bảo nhân sự tăng
cho Minh 30% so với mức lương hiện tại. Sếp còn vỗ vai Minh động viên "chịu
khó vất vả chút, công ty sẽ có hậu đãi, lương thưởng xứng đáng". Thậm chí nói
một hồi, bốc lên, sếp còn tự hào “chú thấy anh có để ai thiệt bao giờ đâu”. Tin vào
lời nói của sếp, Minh giật mình vì cuối tháng kiểm tra tài khoản công ty chuyển
qua thẻ ATM,vẫn nguyên mức lương cũ. Con số 9 triệu vẫn nhảy nhót trước mắt
cậu như trêu ngươi. Cả tháng trời Minh vật lộn với công việc, viết phần mềm cho
dự án mới để giao hàng kịp thời, thế mà lời hứa của sếp lại “không cánh mà bay”.
Khi Minh thắc mắc thì nhân sự trả lời "không thấy sếp bảo gì”. Còn khi gặp trực
tiếp sếp thì chỉ nhận được những câu nói “đánh trống lảng”.
Là sếp, bạn hãy thực hiện lời hứa của mình để có được sự nể phục từ nhân viên
Khi Minh trực tiếp nhắc lại lời sếp, biết là không thể dở bài "quên" ra được" sếp
lại chơi bài ngửa "mới đóng góp tý chút sao đã đòi công rồi, anh em làm với nhau
gần năm trời, cậu cần gì tính toán thế". Đúng là anh em cùng làm việc gần năm
trời nhưng thà sếp cứ nói thẳng "thêm việc không thêm lương" thì Minh vẫn chấp
nhận, đằng này chính sếp lại lên tiếng hứa hẹn. Không chấp nhận kiểu “hứa
suông”, bóc lột chất xám như thế, tháng sau, Minh xin nghỉ việc.
Công ty của Thanh thì không thiếu những trường hợp sếp cố tình quên dù cái lý
quên sếp đưa ra nhiều khi cứ ngang phè, không ai nghe nổi. Hồi Thanh mới vào,
rõ ràng sếp bảo thử việc 1 tháng với mức lương 4 triệu, sau một tháng sẽ tăng 20%
nữa. Thanh đảm nhận bao nhiêu việc từ biên tập, liên hệ đối tác, viết bài PR, lập
event… không nề hà. Hết tháng thử việc, mức lương của Thanh vẫn “dẫm chân tại
chỗ”. Khi Thanh hỏi, sếp tuyên bố xanh rờn, mức lương chính là 4 triệu, cậu mang
danh thử việc nhưng vẫn được hưởng mức lương chính còn gì. Tôi không hề nói
tăng 20%, chắc cậu hiểu nhầm, nếu tôi nói thì tôi phải nhớ chứ”. Biết chẳng thể
nào nói cứng được với sếp, Thanh đành ngậm ngùi đợi đến lúc sếp… nhớ ra.
Vẫn biết, “vua chúa có lúc còn nhầm”, huống hồ sếp cũng là người bình thường
như bao người khác, làm sao tránh khỏi những lúc quên. Thế nhưng, đừng cố tình
tạo ra những lần quên vô lý vì như thế, bạn đã đánh mất hình ảnh của mình và của
công ty trong mắt các nhân viên.