Cơ sở lý luận về đào tạo công nhân kỹ thuật.
I. Công nhân kỹ thuật và vai trò của lực lượng công nhân kỹ thuật
trong sự phát triển của Doanh nghiệp
1. Khái niệm về công nhân kỹ thuật
Theo thông lệ, người ta thường gọi những người thực hiện hoạt động
nghiên cứu và quản lý - lãnh đạo là cán bộ, còn những người thực hiện hoạt
động thừa hành trực tiếp là những người lao động hoặc công nhân, nhân viên
phục vụ v.v...
*Hoạt động thừa hành là những hoạt động trực tiếp thực hiện tạo ra sản
phẩm hoặc dịch vụ nhằm thoả mãn nhu cầu của xã hội. Tuỳ theo mức độ phức
tạp của các hoạt động này mà chúng ta chia chúng ra thành những mức độ
khác nhau với sự đòi hỏi ở các mức độ kỹ năng, kỹ xảo khác nhau. Thông
thường người ta chia ở ba mức độ sau đây:
- Hoạt động thừa hành đòi hỏi mức độ kỹ năng, kỹ xảo lao động cao gọi là
hoạt động thừa hành kỹ thuật. Loại này thông thường phải đào tạo từ 1-3 năm
thì mới có khả năng thực hiện được công việc
- Hoạt động thừa hành đòi hỏi mức độ kỹ năng, kỹ xảo lao động thấp gọi là
hoạt động thừa hành giản đơn. Loại này thường chỉ cần đào tạo dưới một
năm là có khả năng thực hiện được công việc.
- Hoạt động thừa hành không đòi hỏi kỹ năng, kỹ xảo lao động . Loại
này chỉ cần những người có sức khoẻ là có khả năng thực hiện được công việc
ví dụ: bốc vác, quét dọn, đào đất .v.v.. Hoạt động thừa hành này gọi là lao động
phổ thông, không cần phải qua đào tạo.
Từ đây chúng ta xác định khái niệm lao động kỹ thuật như sau:
“ Công nhân kỹ thuật là những người thực hiện hoạt động thừa hành kỹ
thuật, đã trải qua giáo dục nghề nghiệp từ 1-3 năm và phải có văn bằng tốt
nghiệp giáo dục nghề nghiệp đó ”.
* Điều kiện để xác định là công nhân kỹ thuật bao gồm:
- Có văn bằng tốt nghiệp các trường dậy nghề, trung học nghề, trung
học chuyên nghiệp, cao đẳng kỹ thuật, có thời gian đào tạo từ 1-3 năm với
hình thức chính quy, tại chức.
- Công nhân kỹ thuật bậc cao ngoài văn bằng tốt nghiệp đã nói trên,
còn phải có các chứng chỉ, chứng nhận đã qua các lớp bồi dưỡng tay nghề của
các trường hoặc trung tâm giáo dục nghề nghiệp cấp.
2. Phân loại công nhân kỹ thuật
Tuỳ theo tiêu thức xác định mà chúng ta có các loại công nhân kỹ thuật
khác nhau. Sau đây là một vài cách phân loại công nhân kỹ thuật:
2.1. Phân loại theo tính chất lao động
Theo tính chất của lao động thông thường người ta chia công nhân kỹ
thuật thành hai loại sau đây:
- Công nhân kỹ thuật là những người thừa hành kỹ thuật ở trong các xí
nghiệp, công trường, nông trường , lâm trường.v.v... ví dụ: lái xe, lái cẩu, thợ
tiện, thợ hàn...
- Nhân viên chuyên môn - kỹ thuật là những người thừa hành kỹ thuật ở các cơ
sở dịch vụ và phục vụ xã hội như: Nhân viên buồng, bàn, ba trong khách sạn, y
tá, dược tá, kỹ thuật viên y, dược trong các bệnh viện .v.v...
2.2. Phân loại theo ngành nghề
Theo ngành, nghề người ta phân chia công nhân kỹ thuật ra rất nhiều
loại và sử dụng tên khác nhau cho mỗi loại.
Ví dụ một số ngành nghề sau:
+ Ngành xây dựng
- Công nhân kỹ thuật bê tông
- Công nhân kỹ thuật mộc, mẫu
- Công nhân kỹ thuật xây, trát
- Lái xúc, ủi, cẩu
- V.v…
+ Ngành công nghiệp cơ khí
- Công nhân kỹ thuật tiện
- Công nhân kỹ thuật phay
- Công nhân kỹ thuật bào
- Công nhân kỹ thuật định hình
- Công nhân kỹ thuật hàn
- Công nhân kỹ thuật tôi, ran, ủ
- v.v...
+ Ngành công nghiệp điện
- Công nhân kỹ thuật đường dây
- Công nhân kỹ thuật vận hành máy
- Công nhân kỹ thuật điện xí nghiệp
- Công nhân kỹ thuật điện động cơ
- Công nhân kỹ thuật điện tử
- v.v...
+ ………
2.3. Phân loại theo cấp đào tạo
Hiện nay, hệ thống đào tạo nghề nghiệp được chia ra thành các cấp đào
tạo:
+ Lớp cạnh xí nghiệp: đây là loại hình đào tạo đặc thù dùng để đào tạo
lao động kỹ thuật bậc thấp cho các xí nghiệp. Loại hình này thường đào tạo từ
9-12 tháng.
+ Trường dậy nghề: đây là loại hình trường công nhân kỹ thuật có tính
chất chính quy chuyên nghiệp đào tạo lao động kỹ thuật cho các ngành, lĩnh
vực cụ thể. Loại hình này thường đào tạo từ 12-27 tháng.
+ Trường trung học chuyên nghiệp: là loại hình đào tạo nhân viên
chuyên môn kỹ thuật cho các lĩnh vực ngành nghề, loại này đào tạo từ 2-3 năm.
+ Trường cao đẳng kỹ thuật: đây là loại hình đào tạo công nhân kỹ
thuật cao cấp cho một số ngành đòi hỏi trình độ kỹ thuật công nghệ cao như:
cao đẳng kỹ thuật công nghệ, kỹ thuật điện tử v.v... loại này đào tạo từ 3-3,5
năm.
2.4. Phân loại theo trình độ
Theo trình độ đào tạo hiện nay, chúng ta cần xác định rõ hai loại sau
đây:
+ Phân theo thời gian đào tạo thường có:
- Công nhân kỹ thuật đào tạo từ 1-2 năm
- Công nhân kỹ thuật cao cấp đào tạo từ 2-3 năm
+ Phân theo trình độ lành nghề
Theo trình độ lành nghề, chúng ta cần phân theo mức độ phức tạp của
nghề nghiệp.Tuỳ thuộc vào mức độ phức tạp của nghề nghiệp mà chúng ta có
thể xác định số lượng các bậc thợ khác nhau để phân định và thời gian lưu giữ
trung bình ở các bậc thợ, chứng chỉ, chứng nhận kèm theo cho các bậc thợ. Ví
dụ như: công nhân kỹ thuật may, dệt, chế biến thực phẩm thường có 5 bậc;
công nhân kỹ thuật cơ khí thường có 7 bậc v.v... Chúng ta cần phải xây dựng
tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật cho mỗi nghề để làm căn cứ cho đào tạo và nâng
cao trình độ lành nghề.
3. Vai trò của lực lượng công nhân kỹ thuật trong doanh nghiệp.
Trong bất kỳ một doanh nghiệp (DN) sản xuất nào cũng cần có đội ngũ
công nhân kỹ thuật những người lao động trực tiếp làm ra các sản phẩm,
những người đứng máy, đứng theo dây chuyền công nghệ sản xuất.
* Lực lượng công nhân kỹ thuật của một DN là người quyết định số
lượng, chất lượng sản phẩm đầu ra của DN:
Một DN có lực lượng công nhân kỹ thuật có tay nghề trình độ cao có kinh
nghiệm sản xuất, có niềm đam mê nhiệt tình với công việc, gắn bó với tổ chức
sẽ tạo ra cho doanh nghiệp nhiều sản phẩm có chất lượng với độ tin cậy cao.
Việc tao ra những sản phẩm chất lượng sẽ tạo cho DN uy tín đối với khách
hàng, tạo được lợi thế cạnh tranh với các đối thủ khác. Cạnh đó, số lượng sản
phẩm cũng quyết định rất lớn tới doanh thu của DN. Việc tăng năng suất gắn
liền với thị trường tiêu thụ sẽ đảm bảo cho DN một lượng doanh thu, đảm bảo
cho DN một sự phát triển trên thị trường sản phẩm biến động không ngừng.
* Lực lượng công nhân kỹ thuật là người quyết định chi phí sản xuất
kinh doanh của DN.
Với vai trò là người kết hợp các nguyên nhiên vật liệu đầu vào để tạo
thành các yếu tố đầu ra việc sử dụng nguyên nhiên vật liệu của người công
nhân như thế nào sẽ quyết định đến chi phí sản xuất kinh doanh của DN bởi chi
phí về nhân công và chi phí nguyên nhiên vật liệu là chi phí của thành phẩm.
Các chi phí này liên quan đến chất lượng các sản phẩm được tạo ra, khi chất
lượng sản phẩm tốt đạt tiêu chuẩn thì nó sẽ giảm chi phí sản phẩm sai hỏng.
Bên cạnh đó, việc sử dụng tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu cũng góp phần tiết
kiệm chi phí cho doanh nghiệp. Việc lao động với năng suất cao cũng góp phần
nâng làm giảm chi phí nhân công. Chính vì thế, việc tiết kiệm chi phí sản xuất
kinh doanh (SXKD) phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ công nhân sản xuất.
* Lực lượng công nhân kỹ thuật là người tạo ra thặng dư cho DN.
Là người kết hợp sức lao động với các tư liệu lao động tạo ra sản phẩm
cho DN công nhân kỹ thuật là người tạo ra các giá trị thặng dư cho DN. Giá trị
thặng dư là yếu tố quyết định cho sự tồn tại của các DN kinh doanh vì mục tiêu
lợi nhuận, nó quyết định sự phát đạt của doanh nghiệp hay là sự tàn bại của
doanh nghiệp. Tuy nhiên để phát huy được vai trò các giá trị đó thì doanh
nghiệp cần phải có sự kết hợp nhiều yếu tố trong lĩnh vực quản lý điều hành
sản xuất và phân phối sản phẩm.
* Lực lượng công nhân kỹ thuật là người tạo lên sự hoạt động của DN.
Một doanh nghiệp để tồn tại được thì cần có các hoạt động mà người ta
thường gọi là hoạt động SXKD. Người công nhân là chủ thể trong quá trình sản
xuất, là người tạo nên sự tồn tại của DN thông qua các hoạt động của mình.
Một DN tồn tại khi mà DN đó có sự phản ứng trước thị trường thay đổi. Điều
này phụ thuộc phần nào vào lực lượng công nhân trực tiếp, lực lượng công
nhân lực lượng đông đảo nhất trong các doanh nghiệp.
Từ trên ta thấy công nhân là một phần không thể thiếu của mỗi doanh
nghiệp là lực lượng quan trọng quyết định trong qúa trình tồn tại doanh
nghiệp.
II.Đào tạo công nhân kỹ thuật
1. Vai trò của đào tạo &phát triển công nhân kỹ thuật ngày nay.
1.1. Đáp úng nhu cầu về công nhân kỹ thuật trình độ ngày càng tăng.
Sự phát triển của khoa học kỹ thuật công nghệ luôn đặt ra những vấn đề
mới, phức tạp hơn cho người lao động. Hoạt động lao động ngày càng đòi hỏi
tri thức cao hơn. Do vậy nhu cầu công nhân kỹ thuật ngày càng nhiều hơn,
chất lượng công nhân kỹ thuật ngày càng cao hơn. Thời kỳ cơ khí hoá đòi hỏi
chủ yếu là kỹ xảo lao động và kinh nghiệm của họ trong lao động. Thời đại tự
động hoá kỹ xảo và kinh nghiệm lao động từng bước được máy thay thế, đòi
hỏi người lao động có tri thức cao, hiểu được kỹ thuật công nghệ của hệ thống
máy móc thiết bị tự động phức tạp và vận hành nó có hiệu quả. Khoa học kỹ
thuật công nghệ ngày càng trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, được sử
dụng rộng rãi phục vụ cuộc sống hàng ngày. Ở khắp nơi, ở mọi chỗ luôn cần
đến tri thức cao để sử dụng những công nghệ hiện đại một cách hiệu quả. Do
vậy chúng ta luôn cần đến một số lượng lớn lao động kỹ thuật có trình độ để
đáp ứng yêu cầu phát triển của khoa học kỹ thuật công nghệ.
1.2. Vai trò của đào tạo công nhân kỹ thuật đối với doanh nghiệp
Nhờ có hoạt động đào tạo phát triển mà doanh nghiệp mới có thể đảm
bảo cho bản thân một lực lượng lao động đủ cả về số lượng và chất lượng đáp
ứng nhu cầu nhân lực cho kế hoạch sản suất kinh doanh. Một lực lượng công
nhân kỹ thuật tay nghề cao sẽ góp phần thực hiện một cách thắng lợi các mục
tiêu doanh nghiệp đề ra. Công nhân kỹ thuật là lực lượng trực tiếp sản xuất
tạo ra giá trị thặng dư mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp. Việc đào tạo và
phát triển lượng công nhân kỹ thuật sẽ nâng cao khả năng, năng lực làm việc
cho người lao động, giảm bớt quá trình giám sát trong công việc đối với người
lao động cho các cán bộ điều hành, giảm bớt đi các yếu tố tai nạn lao động, tạo
động lực cho người lao động, tạo cho người lao động gắn bó với doanh nghiệp,
và góp phần tạo uy tín cho doanh nghiệp trên thương trường cạnh tranh về
mọi mặt trong đó có cạnh tranh về nhân lực.
1.3. Vai trò của đào tạo đối với người lao động.
Con người có rất nhiều nhu cầu với những thứ bậc nhu cầu khác nhau.
Trong cuộc sống nghề nghiệp của mình con người luôn mong muốn học hỏi,
nâng cao kiến thức kỹ năng cho bản thân. Đào tạo phát triển góp phần nâng
cao kỹ năng tay nghề cũng như sự thuần thục trong công việc cho người lao
động. Làm tăng sự hiểu biết của người lao động trong chuyên môn nói riêng và
trong đời sống xã hội nói chung. Việc nâng cao kiến thức tay nghề cho người
lao động sẽ giúp người lao động tự tin hơn trong công việc, giúp họ có cơ hội
phát triển cao hơn trong ngành nghề, tạo cho họ có cơ hội kiếm được thu nhập
cao hơn, tin yêu DN hơn, làm cho người lao động thoả mãn hơn khi tham gia
vào quá trình hoạt động của DN.
1.4. Đối với xã hội.
Việc đào tạo và phát triển lực lượng công nhân kỹ thuật là góp phần tạo
nghề nghiệp cho người lao động phổ thông, góp phần ổn định cơ cấu lao động
còn nhiều bất hợp lý hiện nay góp phần phát triển kinh tế xã hội cho đất nước.
Đào tạo phát triển lực lượng công nhân kỹ thuật là một bộ phận trong hệ
thống giáo dục quốc dân, chính vì thế nó góp phần phát triển sự nghiệp giáo
dục của đất nước, nâng cao trình độ dân trí, tạo một lực lượng lao động đủ
khả năng cung cấp cho sự nghiệp công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước, đưa
đất nước đi vào hội nhập khu vực và hội nhập thế giới.
2. Các nhân tố ảnh hưởng tới đào tạo công nhân kỹ thuật.
Đào tạo công nhân kỹ thuật là một nhân tố tác động mạnh đến tăng
trưởng kinh tế và phát triển xã hội. Để nâng cao chất lượng của công tác đào
tạo công nhân kỹ thuật, chúng ta cần phải nghiên cứu và xem xét các yếu tố
ảnh hưởng tới công tác đào tạo sau đây:
- Quán triệt mục tiêu giáo dục của Đảng vào quá trình đào tạo lao động
kỹ thuật. Cần cụ thể hoá mục tiêu giáo dục nghề nghiệp vào chương trình, nội
dung, phương pháp đào tạo. Đặc biệt là xác định mục tiêu đào tạo của từng
nghề chuyên môn kỹ thuật, xác định rõ yêu cầu cần đạt được kỹ năng, kỹ xảo,
trình độ tay nghề của người tốt nghiệp.
- Tuyển dụng đầu vào phù hợp với từng nghề, chuyên môn kỹ thuật.
Trong tuyển dụng cần chú ý tới trình độ văn hoá và đặc tính tâm lý cá nhân.
Cần đặt ra tiêu chuẩn về văn hoá, tâm lý và sức khoẻ. Coi trọng cả ba tiêu
chuẩn đó trong tuyển chọn.
- Cơ sở vật chất kỹ thuật đào tạo có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng
đào tạo lao động kỹ thuật, chúng ta cần huy động mọi nguồn vốn vào tăng
cường cơ sở vật chất kỹ thuật, đặc biệt chú trọng đến mở rộng các cơ sở thực
hành tay nghề. Cần phải đầu tư mua sắm trang thiết bị hiện đại phục vụ cho
đào tạo.
- Chất lượng của thầy cô giáo quyết định rất lớn đến chất lượng đào
tạo. Chúng ta cần có kế hoạch tuyển chọn và đào tạo nâng cao trình độ của
giáo viên đặc biệt là giải quyết vấn đề tiền lương và các chế độ khác cho giáo
viên để họ thực sự an tâm công tác, dồn hết tâm huyết, trí lực vào nâng cao
trình độ và chất lượng đào tạo.
- Nội dung, phương pháp giáo dục đào tạo là yếu tố quan trọng tác
động đến chất lượng đào tạo. Chúng ta cần nâng cấp và hiện đại hoá chương
trình đào tạo để từng bước hoà nhập với khu vực và thế giới. Chú trọng đào
tạo nhận thức chính trị, ý thức và tác phong công nghiệp cho người học, đạo
đức và lối sống lành mạnh. Sử dụng đa dạng phương pháp giảng dậy, hướng
các phương pháp giảng dậy vào nâng cao tính độc lập, tự chủ trong học tập
của học sinh, nâng cao kỹ năng thực hành và khả năng hành nghề của học sinh
sau khi tốt nghiệp. Đặc biệt chú trọng đến đánh giá một các công bằng, trung
thực.
- Quản lý giáo dục đào tạo là khâu quan trọng tác động đến chất lượng
đào tạo. Cần phải xác định rõ chức năng nhiệm vụ của các bộ phận trong công
tác đào tạo, chức danh, tiêu chuẩn chức danh trong các trường, cơ sở đào tạo.
Tăng cường công tác kiểm tra giám sát hoạt động của cá nhân cũng như các
bộ phận.
- Yêu cầu của khoa học kỹ thuật công nghệ trong thực tế có ảnh hưởng
lớn đến chương trình đào tạo. Trình độ khoa học công nghệ sẽ quyết định đến
trình độ đào tạo, đặc biệt ảnh hưởng đến nội dung của từng môn học. Do vậy
khi xây dựng chương trình đào tạo phát triển, soạn thảo giáo trình các môn
học, chúng ta phải dựa trên các tài liệu điều tra, đánh giá trình độ khoa học
công nghệ thực tế và xác định yêu cầu của nó đối với đào tạo.
- Tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ thế giới là một trong những yếu
tố quyết định đến trình độ đào tạo. Đây là mục tiêu phấn đấu cho giáo dục đào
tạo, cần phải từng bước nâng cao trình độ đào tạo trong nước theo kịp với thế
giới.
3. Khái niệm đào tạo công nhân kỹ thuật
Chúng ta đang tìm hiểu về đào tạo công nhân kỹ thuật. Vậy đào tạo công
nhân kỹ thuật là gì?
“Đào tạo công nhân kỹ thuật là quá trình giáo dục kỹ năng, kỹ sảo lao
động và nhân cách cho người học nhằm tạo ra năng lực làm việc của họ ở một
nghề hoặc chuyên môn kỹ thuật nào đó”.
Thực chất của đào tạo công nhân kỹ thuật là đào tạo cho người lao
động một nghề nào đó để họ tham gia vào lực lượng lao động xã hội và họ nuôi
sống , phát triển bản thân. Trong thời đại ngày nay, nghề trong xã hội chủ yếu
là nghề chuyên môn hoá và một số nghề được chuyên môn hoá hẹp, nó đòi hỏi
thời gian đào tạo dài và thực hành trên cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại.
Đào tạo công nhân kỹ thuật có hiệu quẩ cần phải đáp ứng được các yêu
cầu cơ bản sau:
+ Phải có hệ thống hướng nghiệp đầy đủ để lựa chọn được người học
có đặc tính tâm lý phù hợp với yêu cầu của nghề nghiệp.
+ Phải có chương trình đào tạo rõ ràng, cụ thể phù hợp với yêu cầu của
xã hội.
+ Phải có cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại để đảm bảo cho học tập lý
thuyết và thực hành có chất lượng.
+Phải có đội ngũ giáo viên có kiến thức cao và tay nghề giỏi
Mục tiêu của đào tạo công nhân kỹ thuật phải đạt được là “ Đào tạo
người lao động có kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp ở các trình độ khác nhau, có
đạo đức, lương tâm nghề nghiệp, ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp, có sức
khoẻ nhằm tạo điều kiện cho người lao động có khả năng tìm việc làm, đáp
ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh” (Luật giáo
dục).
4. Nội dung của đào tạo công nhân kỹ thuật.
Nội dung của đào tạo công nhân kỹ thuật phải tập trung vào đào tạo năng lực nghề nghiệp, coi
trọng giáo dục đạo đức, rèn luyện sức khoẻ, nâng cao trình độ học vấn theo yêu cầu đào tạo. Nội dung bao
gồm những loại kiến thức cơ bản sau đây:
- Kiến thức lý thuyết nghề nghiệp bao gồm những môn học cơ sở, công cụ,
kiến thức nghề nghiệp và kiến thức bổ trợ. Chương trình đào tạo mỗi nghề
nghiệp hoặc chuyên môn kỹ thuật cần phải xác định rõ các môn học đó và khối
lượng thời gian cho mỗi môn học, mỗi loại kiến thức. Yêu cầu lý thuyết phải cơ
bản, hiện đại và phù hợp với thực tế.