Một số vấn đề lí luận về nghiệp vụ bảo hiểm toàn diện học sinh
sinh viên.
I. Sự cần thiết và tác dụng của bảo hiểm toàn diện học sinh-sinh viên.
1. Sự cần thiết của bảo hiểm toàn diện học sinh-sinh viên.
Việt Nam được coi là một trong những nước có dân số trẻ do đó tỷ lệ trẻ
em ở độ tuổi đi học là khá cao. Với chủ trương “Trẻ em hôm nay thế giới ngày
mai”, thế hệ trẻ học sinh, sinh viên chính là những chủ nhân tương lai- nhân tố
quyết định đến vận mệnh, sự phát triển của mỗi quốc gia trong đó có Việt Nam.
Vì vậy việc quan tâm, chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ và giáo dục nhân cách, trí
tuệ cho thế hệ trẻ không chỉ là mối quan tâm của Đảng và Nhà nước mà còn là
của mỗi gia đình cũng như của toàn xã hội.
Do Việt Nam là một trong những nước đang phát triển nên việc quan tâm,
chăm sóc sức khoẻ cho thế hệ trẻ còn gặp nhiều khó khăn. Mặc dù đất nước ta
đã đạt được những thành tích đáng kể sau hơn 20 năm đổi mới nhưng vẫn tồn
tại khá nhiều hạn chế, nhiều điều bất cập mà không phải một sớm một chiều có
thể thay đổi ngay được. Chính những hạn chế này đã ảnh hưởng không nhỏ đến
chất lượng chăm sóc trẻ em. Thí dụ như sự phát triển không đồng đều giữa
thành thị và nông thôn, giữa đồng bằng và miền núi dẫn đến một thực trạng là
trong khi trẻ em thành thị, đồng bằng được hưởng nhiều chất lượng dịch vụ tốt
như các nguồn vui chơi giải trí, các dịch vụ chăm sóc y tế… thì trẻ em ở nông
thôn, miền núi do thu nhập của gia đình thấp nên việc cho các em đi học đã là
một cố gắng lớn chứ chưa nghĩ đến việc được hưởng các chất lượng dịch vụ tốt.
Ngoài ra ở lứa tuổi này tâm lí và thể chất các em còn chưa hoàn thiện nên xác
suất gặp rủi ro là khá cao: các em trong độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo do quá bé, thể
chất yếu dễ mắc bệnh; Các em ở độ tuổi tiểu học, trung học là lứa tuổi rất hiếu
động chưa đủ nhận thức để có thể tự bảo vệ mình. Còn đối với lứa tuổi sinh viên
mặc dù đã có đủ nhận thức nhưng lại vừa mới bắt đầu cuộc sống tự lập, xa sự
quản lí của cha mẹ nên dễ bị kẻ xấu lôi kéo sa vào những tệ nạn xã hội.
Do vậy để bảo vệ thế hệ trẻ- chủ nhân tương lai của đất nước cũng như
chia sẻ một phần nào những tổn thất về thể xác cũng như tinh thần của các em
và nỗi đau của gia đình các em khi có tổn thất xảy ra, bảo hiểm toàn diện học
sinh, sinh viên đã ra đời. Bảo hiểm học sinh, sinh viên ra đời là một tất yếu
khách quan góp phần ổn định về mặt tài chính và tạo sự yên tâm cho các bậc
phụ huynh rằng con em mình luôn được bảo vệ.
2. Tác dụng của bảo hiểm toàn diện học sinh-sinh viên.
2.1. Đối với bản thân học sinh, sinh viên và gia đình các em:
Bảo hiểm toàn diện học sinh, sinh viên có vai trò tác dụng hết sức to lớn
không chỉ đối với bản thân học sinh, sinh viên mà nó còn có ý nghĩa rất thiết
thực đối với gia đình các em. Cụ thể:
Đối với các em học sinh, sinh viên như đã nói ở trên do đây là lứa tuổi có
xác suất rủi ro là khá cao nên nếu được bảo hiểm thì đó chính là sự đảm bảo
quyền lợi cho các em. Trong cuộc sống không ai lường trước được những rủi ro
để có thể tránh được, không may rủi ro tai nạn xảy ra thì chính các em sẽ là
người trực tiếp gánh chịu mọi tổn thất và thể chất và tinh thần, làm gián đoạn
quá trình học tập. Không những vậy nó còn làm ảnh hưởng đến tình hình tài
chính của các gia đình các em, cha mẹ các em ngoài sự lo lắng đến tình trạng
sức khoẻ của con mình còn phải nghỉ làm để chăm sóc cho con. Đặc biệt sẽ còn
khó khăn hơn đối với các học sinh, sinh viên ở nông thôn, miền núi, việc được
đến trường đã là khó không nói đến chuyện có đủ điều kiện để chi trả viện phí,
chăm sóc các em khi gặp tai nạn. Việc tham gia bảo hiểm toàn diện học sinh
giúp các em và gia đình có thể ổn định tài chính, có đủ điều kiện chăm sóc phục
hồi sức khoẻ cho các em sau tai nạn, rủi ro. Chỉ với một khoản tiền nhỏ đóng
phí bảo hiểm nhưng bù lại khi gặp rủi ro thì công ty bảo hiểm sẽ chi trả gấp
nhiều lần để chi phí về y tế tạo điều kiện cho các em được chăm sóc tốt.
Hơn thế nữa việc tham gia bảo hiểm còn giúp các em nâng cao được ý
thức cộng đồng, giáo dục cho các em tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm
lá rách.
2.2. Đối với nhà trường:
Nhà trường là cái nôi thứ hai nuôi dưỡng những mầm xanh tương lai của
đất nước, là nơi giáo dục đào tạo những nhân tài, những chủ nhân tương lai của
đất nước. Do đó, thể lực và trí lực của các em luôn là mối quan tâm hàng đầu
của nhà trường. Nhà trường cũng là người đại diện tham gia kí kết hợp đồng
bảo hiểm toàn diện học sinh, sinh viên với các công ty bảo hiểm. Việc tham gia
bảo hiểm cho các em không chỉ có tác dụng to lớn cho bản thân các em mà đối
với nhà trường cũng có ý nghĩa hết sức quan trọng, nó giúp cho nhà trường và
gia đình các em thêm gắn kết, các bậc phụ huynh tin tưởng cho con em mình
đến trường. Từ đó đảm bảo quá trình học tập được diễn ra liên tục, công tác
giảng dạy của nhà trường có thể đảm bảo được chất lượng, thực hiện tốt được
sự nghiệp trồng người mà Đảng và Nhà nước giao cho.
2.3. Đối với công ty bảo hiểm:
Việc triển khai nghiệp vụ bảo hiểm toàn diện học sinh, sinh viên cũng có ý
nghĩa hết sức to lớn đối với các công ty bảo hiểm. Nó giúp các công ty bảo hiểm
đạt được mục tiêu tăng doanh thu của mình. Do nghiệp vụ bảo hiểm này liên
quan đến các định hướng chiến lược của Nhà nước nên đòi hỏi các công ty bảo
hiểm không chỉ quan tâm đến kết quả kinh doanh mà còn phải chú ý đến hiệu
quả xã hội của nghiệp vụ bảo hiểm này.
2.4. Đối với xã hội:
Bảo hiểm học sinh ngoài việc có tác dụng vô cùng to lớn đối với thân học
sinh, sinh viên, gia đình các em, nhà trường và công ty bảo hiểm thì nó còn
mang tính xã hội khá sâu sắc. Nó đóng góp vào sự nghiệp “ trồng người “ của
Đảng và Nhà nước, trang bị cho thế hệ tương lai của đất nước một nền tảng
vững vàng cả về thể chất và tri thức.Vì vậy thực hiện nghiệp vụ bảo hiểm toàn
diện HSSV chính là một biện pháp hữu hiệu, thiết thực trong chiến lược phát
triển nguồn nhân lực của Đảng và Nhà nước ta.
Một khía cạnh tích cực khác cần phải kể đến đó là bảo hiểm HSSV giúp các
bậc phụ huynh bớt một phần nào đó lo lắng cho con cái mình vì đã có bảo hiểm
cùng chia sẻ nỗi lo lắng và quan tâm. Từ đó họ có thể an tâm hơn để công tác
tốt đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
3. Sự ra đời và phát triển của nghiệp vụ bảo hiểm toàn diện học sinh, sinh viên.
Nghiệp vụ bảo hiểm học sinh – sinh viên lần đầu tiên xuất hiện tại Việt
Nam do Công ty bảo hiểm Việt Nam (Bảo Việt) triển khai với hình thức bảo
hiểm tai nạn thân thể học sinh. Được sự đồng ý của Bộ Tài Chính ngày
26/9/1985 Bảo Việt ra quyết định số 887/HD-85 về việc triển khai thí điểm bảo
hiểm tai nạn thân thể học sinh vào năm học 1985-1986 ở 5 tỉnh thành phố trong
cả nước. Sau một thời gian triển khai, bảo hiểm tai nạn thân thể học sinh đã phát
huy được nhiều tác dụng, hỗ trợ những gia đình có con em gặp tai nạn nhanh
chóng khắc phục được hậu quả. Từ những kết quả đó, ngày 17/9/1986 Bộ
Trưởng Bộ tài chính ra quyết định số 262/TC-BH cho phép Bảo Việt triển khai
nghiệp vụ bảo hiểm tai nạn thân thể học sinh trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên,
phạm vi bảo hiểm của nghiệp vụ này là quá hẹp vì chỉ bảo hiểm cho những học
sinh bị tai nạn trong thời gian học tập, vui chơi ở trường trong khi trung bình
một ngày các em chỉ ở trường có 5 giờ mà tai nạn lại thường xảy ra khi các em
ở ngoài sự quản lí của nhà trường. Do vậy, nghiệp vụ bảo hiểm học sinh lúc này
chưa đáp ứng được yêu cầu của người tham gia.
Từ năm học 1989-1990, Bảo Việt đã mở rộng phạm vi bảo hiểm cho học
sinh triển khai bảo hiểm thân thể học sinh 24/24 giờ. Mặc dù đã có sự thay đổi
nhưng thực tiễn cho thấy nghiệp vụ bảo hiểm này vẫn chưa đáp ứng được yêu
cầu của người tham gia. Bởi vì, trong cuộc sống ngoài các rủi ro về tai nạn, các
em còn phải chịu nhiều rủi ro khác như ốm đau, bệnh tật đòi hỏi chi phí lớn để
chăm sóc sức khoẻ. Để khắc phục điều này, Bảo Việt đã ra quyết định số
1035/PHH ngày 8/7/1994 về việc ban hành điều khoản bảo hiểm toàn diện học
sinh. Bảo hiểm toàn diện học sinh thực chất là sự kết hợp của bảo hiểm 24/24
giờ và bảo hiểm trợ cấp phẫu thuật nằm viện.
Nghiệp vụ bảo hiểm toàn diện học sinh – sinh viên có những nét đặc trưng
sau:
- Đây là hình thức bảo hiểm con người phi nhân thọ vì vậy nó cũng tuân
thủ những nguyên tắc cơ bản của bảo hiểm con người phi nhân thọ.
- Do đối tượng bảo hiểm chính là tính mạng, tình trạng sức khoẻ của học
sinh, sinh viên nên hợp đồng bảo hiểm sẽ chấm dứt trước thời hạn đối với
những học sinh thôi học hoặc bị buộc thôi học.
- Bảo hiểm học sinh thường được các công ty bảo hiểm triển khai vào đầu
năm do nó có tính chất thời vụ.
- Bảo hiểm toàn diện học sinh là loại hình bảo hiểm tự nguyện, phí bảo
hiểm do người tham gia đóng tạo nên quỹ tài chính tập trung.
II. Kế hoạch và quy trình tổ chức thực hiện bảo hiểm toàn diện học sinh,
sinh viên.
1. Đối với các đơn vị đã triển khai nhiều năm nghiệp vụ bảo hiểm học sinh, sinh
viên.
1.1. Kế hoạch thực hiện tới các cơ quan, ban ngành có liên quan:
Tháng 6: Báo cáo Sở Giáo dục đào tạo của Tỉnh, Thành phố về kết quả
triển khai năm học cũ và thảo luận, kí kết văn bản hướng dẫn liên ngành triển
khai bảo hiểm học sinh, sinh viên (HSSV) năm học mới, lên kế hoạch tổng kết
với các trường phổ thông trung học, các trường cao đẳng, đại học, trung học
chuyên nghiệp; Lập danh sách tất cả các trường học các cấp trên địa bàn phụ
trách và phân công nhiệm vụ tiếp cận khai thác cho từng cán bộ nghiệp vụ có
liên quan.
Tháng 7: Tiếp xúc với Phòng giáo dục và Uỷ ban nhân dân các quận,
huyện về việc triển khai tới các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở,
chuyển các tài liệu, công văn về bảo hiểm HSSV tới tất cả các trường học.
Tháng 8: Tổ chức hội nghị tổng kết năm học cũ.
*Khách mời:
- UBND Tỉnh, Thành phố: Phó chủ tịch văn xã, chuyên viên văn xã.
- Sở giáo dục đào tạo Tỉnh, Thành phố: Giám đốc Sở, một số trưởng
phòng có liên quan như: Phòng Phổ thông, tiểu học…
- UBND các quận, huyện: các ông bà chủ tịch/ phó chủ tịch văn xã có liên
quan.
- Phòng giáo dục đào tạo các quận: các ông / bà Trưởng phòng
- Các trường học đã tham gia với công ty bảo hiểm từ khi bắt đầu triển
khai bảo hiểm HSSV, một số trường dự kiến khai thác trong năm học tới: Hiệu
trưởng và đại lý bảo hiểm.
- Đài truyền hình: 2 phóng viên đưa tin thời sự ( nếu thấy cần thiết )
- Báo địa phương: Nhà báo đưa tin thời sự.
*Hội trường: Tuỳ theo thị phần và doanh thu phí bảo hiểm có thể tổ chức
tại các Sở giáo dục, Phòng giáo dục hoặc tổ chức tại một khách sạn, địa điểm
lịch sự sang trọng trên địa bàn phụ trách.
*Thời gian: đầu tháng 8 ( liên hệ với Sở giáo dục đào tạo thành phố để
quyết định ngày chính thức ).
*Tài liệu phát cho khách mời:
- Báo cáo tổng kết công tác bảo hiểm học sinh tại đơn vị năm học cũ, kế
hoạch triển khai năm học mới .
- Bảng tổng kết các trường có tỷ lệ bồi thường thấp và phát phần thưởng
theo Hướng dẫn bảo hiểm học sinh năm học cũ của Công ty.
- Quà cho khách mời: Phù hợp với đặc điểm tâm lý của từng địa phương;
trị giá phù hợp theo phân biệt của từng địa bàn như nội thành, ngoại thành cho
tiết kiệm và hiệu quả.
1.2. Kế hoạch triển khai trực tiếp tới các trường:
Bước 1 ( Tháng 6 ): Cán bộ khai thác xuống các trường tiếp tục giải quyết
thực hiện bồi thường tại các trường vào cuối năm học để nắm bắt tình hình sơ
lược của các trường đồng thời bồi dưỡng kiến thức khai thác, nghiệp vụ bảo
hiểm HSSV cho các cán bộ khai thác.
Bước 2 ( Tháng 7 ): Xuống các trường để tìm hiểu, tuyên truyền và nắm
bắt thông tin cần thiết cũng như xu hướng của các công ty bảo hiểm có triển
khai bảo hiểm học sinh.
Bước 3 ( Tháng 8 ): Xuống trường để chuyển giao tài liệu, tiếp tục nắm bắt
thông tin và mời tham dự hội nghị.
Bước 4 ( Tháng 9 ): Bám sát các nhà trường để nắm bắt thông tin và tìm
mọi cách kí kết được hợp đồng bảo hiểm theo mẫu hướng dẫn của công ty.
Bước 5 ( Tháng 10 ): Thu phí bảo hiểm, cấp giấy chứng nhận bảo hiểm
của những trường đã ký kết được hợp đồng.
2. Đối với các đơn vị mới thành lập
* Lãnh đạo các đơn vị phải quán triệt tư tưởng triển khai bảo hiểm HSSV nhằm:
- Khẳng định thị phần và vị trí của Công ty trong nghiệp vụ bảo hiểm
HSSV.
- Quảng cáo thương hiệu của Công ty.
- Giải quyết việc làm cho các cán bộ.
- Đào tạo cán bộ khai thác mới.
* Các bước khai thác bảo hiểm HSSV:
Do là năm đầu tiên và mới tiếp cận thị trường nên các đơn vị cần chọn
điểm để khai thác nhằm tạo uy tín, ấn tượng ban đầu về chất lượng dịch vụ và
các chính sách bảo hiểm HSSV hấp dẫn của công ty. Các cán bộ được giao
nhiệm vụ khai thác bảo hiểm HSSV phải rất mẫn cán, chịu khó học hỏi kinh
nghiệm khai thác bảo hiểm học sinh của các công ty khác trên cùng địa ban.
- Tận dụng các mối quan hệ của cá nhân của cán bộ công ty tiếp xúc với
hiệu trưởng các trường học để tìm hiểu thị trường bảo hiểm học sinh đang được
áp dụng tại các trường đó cũng như tại địa bàn .
- Tiếp xúc với Lãnh đạo phụ trách các trường của phòng giáo dục, Sở giáo
dục để có được văn bản cho phép của công ty giới thiệu và phục vụ thử trong
năm đầu tiên hoặc tiếp tục.
- Tiếp xúc với hội trưởng hội phụ huynh để có được sự ủng hộ từ phụ
huynh học sinh.
- Yêu cầu các cán bộ khai thác tập trung xuống các trường để gửi các tài
liệu gồm:
+ Văn bản được sự đồng ý của Sở giáo dục, Phòng giáo dục giới thiệu về
bảo hiểm học sinh của công ty.
+ Giới thiệu về quyền lợi, phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm dự kiến áp dụng
phổ biến tại các địa bàn .
+ Việc tiếp xúc với hiệu trưởng của các trường sẽ được thực hiện lặp đi lặp
lại nhiều lần để có được sự ủng hộ của Ban giám hiệu.
IV. Nội dung cơ bản của nghiệp vụ bảo hiểm toàn diện học sinh-sinh viên
1. Đối tượng và phạm vi bảo hiểm
1.1. Đối tượng bảo hiểm:
* Đối tượng bảo hiểm: Là tất cả các học sinh từ 1 tuổi ( 12 tháng ) đến 25
tuổi đang theo học tại các trường: nhà trẻ, mẫu giáo, phổ thông cơ sở, phổ thông
trung học, các trường đại học, trung học chuyên nghiệp, học sinh học nghề.
* Người tham gia bảo hiểm: Những học sinh ở tuổi thành niên, bản thân
các em đã là những người tham gia bảo hiểm.Còn đối với học sinh vị thành
niên, người tham gia có thể là bố mẹ, anh chị hoặc người đỡ đầu. Người tham
gia bảo hiểm ở đây không bị hạn chế bởi tuổi tác, mức độ thân thích hay mức độ
bệnh tật.
1.2. Phạm vi bảo hiểm:
* Phạm vi bảo hiểm bao gồm những rủi ro xảy ra đối với người được bảo
hiểm trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam:
- Điều kiện A ( Bảo hiểm sinh mạng ): Chết do ốm đau, bệnh tật;
- Điều kiện B ( Bảo hiểm tai nạn ): Chết, thưong tật thân thể do tai nạn;