TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN - 2008
PHẦN III:
BÁO CÁO ĐẠT GIẢI BA
ĐẶC ĐIỂM VÀ PHƯƠNG THỨC BIỂU HIỆN CỦA CÁI NGHỊCH DỊ TRONG
TÁC PHẨM “TRÁI TIM CHÓ” CỦA BULGACOV
Sinh viên thực hiện: Nguyễn Thị Kiều Anh
Lớp: K50 CLC Văn học
Giáo viên hướng dẫn: PGS. TS. Phạm Gia Lâm
A. MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Milkhail Bulgacov - nhà văn Nga thế kỉ XX - là điển hình cho số phận của những
văn sĩ mà con người, cuộc đời và tác phẩm đã phải trải qua tất cả những thăng trầm của
lịch sử, những thử thách về chính trị và nghệ thuật để có thể khẳng định tài năng đích thực.
Bị nghi ngờ tác phẩm cuả mình chống chính quyền Xô Viết, sinh thời, Bulgacov chỉ có thể
in được một cuốn sách. Thế nhưng, từ khi tác phẩm trở lại với bạn đọc Nga sau thời “cải
tổ”, có lẽ không có nhà văn Nga – Xô Viết nào được quan tâm như ông.
Điều đặc biệt là qua hầu hết các tác phẩm của mình, nhà văn luôn sử dụng “cái
nghịch dị” như một phương thức để xây dựng thế giới hình tượng, từ đó, gián tiếp bộc lộ
thái độ của mình đối với xã hội đương thời. Điều này càng được nhà văn tập trung biểu
hiện trong truyện vừa Trái tim chó, sáng tác trong khoảng thời gian 1925 – 1926, câu
chuyện về một chú chó hoang bỗng chốc trở thành con người sau một cuộc phẫu thuật cấy
ghép tuyến yên, làm nảy sinh trong xã hội loài người bao chuyện khóc cười…
Vì vậy, chúng tôi đã chọn “Đặc điểm và phương thức biểu hiện cái nghịch dị trong
tác phẩm Trái tim chó cuả Milkhail Bulgacov” làm đề tài khảo sát và nghiên cứu, qua đó
tìm ra một hướng tiếp cận để “giải mã” những ý nghĩa ngầm ẩn mà nhà văn đã kí thác.
2. Lịch sử nghiên cứu
Bulgacov và những tác phẩm của ông đã trở thành một “hiện tượng” đặc biệt trong
văn chương thế giới, thu hút rất nhiều sự quan tâm của độc giả trong nước cũng như nước
ngoài, nhất là các học giả phương Tây. Ở Việt Nam cho đến nay chưa có một công trình
nghiên cứu nào mang tính chất khái quát về toàn bộ tác phẩm của Milkhail Bulgacov mà
phần lớn chỉ là những bài viết đươc đăng trên báo, tạp chí về cuộc đời nhà văn hoặc tìm
hiểu một vài khía cạnh trong tiểu thuyết Nghệ nhân và Margarita - tác phẩm lớn nhất của
ông.
3. Phạm vi và đối tượng nghiên cứu
Chúng tôi chỉ tập trung tìm hiểu về cái nghịch dị trong tác phẩm Trái tim chó của
Milkhail Bulgacov, văn bản lấy từ Bulgacov, tuyến tập tác phẩm (Đoàn Tử Huyến).
4. Phương pháp nghiên cứu
Do tìm hiểu cái nghịch dị như một phương thức thẩm mĩ để biểu hiện nội dung tư
tưởng của tác phẩm nên phương pháp chủ yếu được sử dụng là thi pháp học.
5. Bố cục báo cáo
Ngoài phần mở đầu, kết luận và tài liệu tham khảo, báo cáo bao gồm 3 chương:
Chương 1: Cơ sở tồn tại cái nghịch dị trong tác phẩm.
Chương 2: Đặc điểm của cái nghịch dị trong tác phẩm.
Chương 3: Phương thức biểu hiện cái nghịch dị trong tác phẩm.
B. NỘI DUNG
Chương I. Cơ sở tồn tại cái nghịch dị trong tác phẩm Trái tim chó của Milkhail
Bulgacov
1. Giới thuyết về cái nghịch dị
Nghịch dị là một kiểu tổ chức nghệ thuật (hình tượng, phong cách, thể loại) dựa
vào huyễn tưởng, vào tính trào phúng, tính ngụ ngôn, ngụ ý, vào sự kết hợp và tương phản
một cách kì quặc cái huyền hoặc và cái thực, cái đẹp và cái xấu, cái giống thực và cái biếm
hoạ.
2. Cơ sở tồn tại cái nghịch dị trong tác phẩm Trái tim chó
2.1. Truyền thống văn chương Nga
Sự xuất hiện của yếu tố nghịch dị trong sáng tác của Bulgacov là sự kế thừa và tiếp
nối truyền thống văn học dân gian Nga và văn học Nga thế kỉ XIX, cụ thể là các tác phẩm
của A.X.Puskin, N.Gôgôn…
2.2. Cuộc đời nhà văn
Hiện thực nước Nga những năm 20 của thế kỉ XX đã thổi bùng lên khao khát sáng
tạo vốn vẫn đang âm ỉ trong một tâm hồn nhiều đam mê và trăn trở, từ đó tạo cho
Bulgacov một phong cách độc đáo: chọn “nghịch dị” như một phương thức để biểu hiện và
xây dựng thế giới hình tượng.
Chương II. Đặc điểm của cái nghịch dị trong tác phẩm Trái tim chó của Milkhail
Bulgacov
1 Thế giới nhân vật
Cái nghịch dị được biểu hiện cụ thể và rõ nét nhất thông qua tính lưỡng trị
(ambivalance), cùng một lúc xây dựng những mặt đối lập thậm chí đến mâu thuẫn bên
trong nhân vật (Sarik, Philip Philippovich). Thế giới nhân vật trong tác phẩm còn là một
thế giới của những con người quái dị, khác thường: Daria, Dina, các bệnh nhân…
2. Không gian - thời gian
2.1 Thời gian
Phần lớn các sự kiện diễn ra vào ban đêm - thời gian thích hợp cho việc diễn tả
những điều kì bí. Thế giới nghịch dị với những sự kiện bất thường xảy ra trong một diễn
biến thời gian hoàn toàn bình thường, hợp với logich tự nhiên, tạo “độ tin cậy” về tính
chân thực của sự việc.
2.2. Không gian
Trong tác phẩm, không gian thường có xu hướng thu hẹp, đặc tả những vùng không
gian nhỏ như các căn phòng trong nhà giáo sư Philip Philippovich với hàng loạt những chi
tiết có tính chất nghịch dị, thông qua cách bài trí, các âm thanh, màu sắc…Bên cạnh đó,
còn có một kiểu không gian đặc biệt mang tính chất huyền hoặc: không gian của những
giấc mơ…
Chương III. Phương thức biểu hiện cái nghịch dị trong tác phẩm Trái tim chó của
Milkhail Bulgacov
1 Sự luân chuyển các điểm nhìn
1.1. Khảo sát một số điểm nhìn trong tác phẩm
Khảo sát các điểm nhìn bên trong, bên ngoài, zero được biểu hiện trong tác phẩm.
1.2. Tính phức tạp của các điểm nhìn và ý nghĩa biểu hiện
Các điểm nhìn luôn được chuyển hoá một cách phức tạp, như một trong những
dụng ý nghệ thuật của nhà văn nhằm thể hiện tính đối lập giữa con người có trái tim chó và
con chó có trái tim người…
2. Cấu trúc lặp và thủ pháp tương phản
2.1 Cấu trúc lặp
Sự lặp lại của yếu tố “bóng tối”, “ánh sáng”, “tiếng chuông”, “sự im lặng”…thể
hiện tính đa dạng và kì quái trong sự vận động của các hình tượng nghệ thuật. Đặc biệt,
theo thống kê, yếu tố “cánh cửa” được lặp lại 23 lần, trở thành một biểu tượng giàu sức gợi
cảm. Sự mở ra và đóng lại của yếu tố cánh cửa thường đi kèm theo nó sắc thái của cái bất
thường và đôi khi mang tính dự báo.
2.2 Thủ pháp tương phản
Không khí kì quái của ngôi nhà bác sĩ còn được xây dựng thông qua thủ pháp
tương phản giữa các yếu tố “bóng tối” và “ánh sáng”, “tiếng chuông” và “sự im lặng”, tạo
ra một hiệu quả đặc biệt cho việc xây dựng cái nghịch dị trong tác phẩm.
3. Cốt truyện và kết cấu
3.1. Cốt truyện
Tác phẩm được xây dựng từ một cốt truyện kì quặc, một vấn đề mang tính giả
tưởng với việc tao ra những yêu tố bất ngờ theo cấp độ tăng tiến, tạo nên sức hấp dẫn cho
tác phẩm.
3.2 Kết cấu
Kết cấu vòng tròn, có sự đan xen của các hình thức trần thuật khác…
C. KẾT LUẬN
Cái nghịch dị trong Trái tim chó đã được biểu hiện thông qua một thế giới nhân vật
đầy kì quái trên nền không gian hết sức khác thường. Có được điều đó là nhờ nhà văn đã
vận dụng khéo léo các điểm nhìn, cấu trúc lặp, thủ pháp tương phản, những sáng tạo trong
cốt truyện và kết cấu. Để từ đó, tác phẩm không chỉ đơn thuần là câu chuyện về những xáo
trộn trong gia đình bác sĩ Philip Philippovich mà còn là lời cảnh báo đối với những phát
minh khoa học của con người, khi chưa được kiểm định một cách cụ thể, sẽ đem đến
những hậu quả khôn lường - một thế giới méo mó, biến dạng đầy hài hước…
BÀI CA DAO “THẰNG BỜM CÓ CÁI QUẠT MO” DƯỚI GÓC NHÌN DỊ BẢN
Sinh viên thực hiện: Dương Thị Lan Anh
Lớp: K50 Văn học
Giáo viên hướng dẫn: GVC. Nguyễn Hùng Vỹ
Văn học dân gian từ lâu đã trở thành thế giới đầy lí thú cho các nhà nghiên cứu tìm
tòi và khám phá. Những giá trị của các sáng tác dân gian cho đến nay là những viên ngọc
quý càng tìm hiểu càng thấy nó sáng và trong hơn
Văn học dân gian có thể coi là sản phẩm đầu tiên trong lịch sử văn học nước nhà.
Những bài ca dao, những câu tục ngữ, những câu hò, những bài vè được hát lên trong
những đêm trăng trên sân đình mãi mãi vang vọng trong kí ức tuổi thơ của biết bao người.
Trước hàng ngàn những sáng tác văn học, đặc biệt là các sáng tác văn học dân gian,
chúng tôi đã chọn bài ca dao Thằng Bờm có cái quạt mo để tìm hiểu những giá trị và sự
biến đổi của nó trong suốt tiến trình văn học
Ngoài phần Mở đầu và Kết luận, báo cáo gồm 4 chương:
chương I: Một vài lí thuyết về tiếp nhận văn bản văn học dân gian
Chương II: Bài ca dao Thằng Bờm có cái quạt mo dưới góc nhìn dị bản
Chương III: Cách hiểu và lí giải một số chi tiết thú vị trong bài ca dao Thằng Bờm
Chương IV: Nguyên nhân của sự di chuyển dị bản trong bài ca dao Thằng Bờm
Trong chương III, chúng ta có thể thấy một số lí giải hết sức thú vị của những chi
tiết như: Thằng Bờm hay thằng Bần
Phú Ông hay Ông Trạng, Hán Ông...
Quạt mo, bút bi hay giấy khen...
Đặc biệt chi tiết chiếc quạt mo đã có nhiều cách hiểu rất khác nhau từ quan niệm
dân gian đơn thuần tới việc người ta gán cho nó nghĩa Phật giáo...
Mỗi chương trong báo cáo hi vọng sẽ đem đến cái nhìn về một tác phẩm văn học
dân gian điển hình, cho thấy sức sống của nó trong môi trường diễn xướng, thời gian tác
động như thế nào tới sự tồn tại của nó?
Sự di chuyển các văn bản văn học đang là vấn đề mà các nhà nghiên cứu hết sức
lưu ý khi tim hiểu tác phẩm văn học. Yếu tố dị bản không chỉ xuất hiện trong các tác phẩm
văn học dân gian mà ngay trong văn học viết, thứ văn bản được lưu trữ tốt nhất thì nay
cũng xuất hiện rất nhiều dị bản. Điều đó khiến ta đánh giá đúng hơn giá trị của các tác
phẩm văn học suốt quá trình tồn tại. Khi đứa con tinh thần tách khỏi người nghệ sĩ, sống
cuộc sống độc lập của riêng mình thì nó sẽ như thế nào? Đó không chỉ là sự quan tâm của
riêng các nhà văn.
NHU CẦU THÔNG TIN CỦA SINH VIÊN ĐƯỢC ĐÀO TẠO
THEO PHƯƠNG THỨC TÍN CHỈ TẠI TRƯỜNG
ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN, ĐHQGHN
Sinh viên thực hiện: Nguyễn Thị Vân Anh, Nguyễn Thị Minh Nguyệt
Lớp: K51 Thông tin Thư viện
Giáo viên hướng dẫn: ThS. Bùi Thanh Thuỷ
A. MỞ ĐẦU
1. Mục đích nghiên cứu
Đối với sinh viên, thông tin càng chiếm vai trò quan trọng trong học tập cũng như
trong cuộc sống và sinh viên Trường ĐH KHXH&NV cũng không nằm ngoài quy luật đó,
đặc biệt khi họ đang là đối tượng của một phương pháp học tập mới được áp dụng: phương
pháp đào tạo theo tín chỉ.
Nhằm tìm hiểu nhu cầu thông tin của sinh viên, từ đó đưa ra những kiến nghị giúp
sinh viên thoả mãn được nhu cầu tài liệu để đạt được hiệu quả cao trong học tập và nâng
cao các kỹ năng sống, nên chúng tôi chọn đề tài “Nhu cầu thông tin của sinh viên được đào
tạo theo phương thức tín chỉ tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn,
ĐHQGHN” để khảo sát.
2. Đối tượng nghiên cứu và phạm vi nghiên cứu của đề tài
Đối tượng nghiên cứu: nhu cầu TT của sinh viên đào tạo theo phương thức tín chỉ.
Phạm vi nghiên cứu: sinh viên K51 - K52 của Trường Đại học Khoa học Xã hội và
Nhân văn, ĐHQGHN năm học 2007 - 2008.
3. Phương pháp nghiên cứu
Đề tài đã sử dụng các phương pháp nghiên cứu: Phương pháp điều tra xã hội học,
phỏng vấn, quan sát; thống kê; phân tích, tổng hợp tài liệu.
Mẫu khảo sát: 150 sinh viên các khóa K51 – K52 Trường Đại học Khoa học Xã hội
và Nhân văn, ĐHQGHN.
B. NỘI DUNG
1. Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và sinh viên với phương thức đào
tạo tín chỉ
1.1. Vài nét về Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - giới thiệu sơ
lược về quá trình hình thành và phát triển
Hiện nay, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp Công
nghiệp hóa – Hiện đại hóa đất nước, góp phần đẩy nhanh quá trình hội nhập của nước ta
với quốc tế; Đại học Quốc gia Hà Nội nói chung và Trường Đại học Khoa học Xã hội và
Nhân văn nói riêng đang tích cực triển khai việc chuyển đổi từ phương thức đào tạo niên
chế sang đào tạo tín chỉ. Từ năm học 2007-2008, Nhà trường đã bước đầu áp dụng phương
pháp học tập và giảng dạy theo phương thức tín chỉ cho sinh viên hai khóa K51 và K52.
Đối với sinh viên K51: các giảng viên giảng dạy theo đề cương tín chỉ nhưng chưa
được lựa chọn môn học cũng như số tín chỉ trong một học kỳ; Đối với sinh viên K52 có
quyền lựa chọn số tín chỉ trong học kỳ theo quy định (số tín chỉ được phép tối thiểu và tối
đa mỗi sinh viên được học trong một học kỳ có trong quy chế đào tạo) bằng cách rút bớt
hay đăng ký học thêm các môn học; Sinh viên K52 cũng được chủ động hơn về thời gian
học bằng cách lựa chọn thời gian học một số môn học.
1.2. Vai trò của thông tin đối với sinh viên được đào tạo theo phương thức tín
chỉ
Với phương thức đào tạo tín chỉ, sinh viên cần tự tìm và đọc tài liệu, sau đó trao
đổi, thảo luận nhóm, thuyết trình, tranh luận trên lớp. Thời gian dành cho tự học, tự nghiên
cứu của sinh viên sẽ nhiều hơn so với học theo phương pháp niên chế, một giờ trên giảng
đường sẽ tương đương hai giờ tự học trên thư viện, đọc tài liệu. Điều này cũng có nghĩa
sinh viên phải đọc tài liệu để tìm kiếm các câu trả lời gợi mở của giảng viên. Sinh viên
phải hết sức tự giác, chủ động trong việc học của mình mới đáp ứng tốt được yêu cầu của
môn học và của giảng viên. Bên cạnh thông tin cho học tập, sinh viên cũng cần được cập
nhật thông tin giải trí để hòa nhập với sự phát triển của xã hội.
2. Thực trạng nhu cầu tin của sinh viên
2.1. Nhu cầu về thông tin phục vụ cho việc học tập trên lớp
Đối với mỗi sinh viên, tài liệu không thể thiếu cho việc học tập trên lớp đó là đề
cương môn học. Tuy nhiên, có 31% sinh viên được hỏi không có đủ Đề cương các môn
học. Trong đó: 45% thầy không cung cấp, 19% lớp không cung cấp, 16% mất, 3% chưa
lấy, 16% lý do khác. Với 31% sinh viên không có đề cương môn học thì tương đương với
việc 31% sinh viên không được cung cấp đủ về các thông tin quan trọng như đã đưa ra ở
trên. Như vậy cũng có nghĩa trong một số môn học, số sinh viên này không được định
hướng về nội dung cho môn học của mình hay không được cung cấp địa chỉ tài liệu trước
để tìm kiếm (trong trường hợp giảng viên không cung cấp).
Ngôn ngữ các tài liệu mà sinh viên sử dụng chủ yếu là tiếng Việt, ngoài ra một số
sinh viên cũng sử dụng tài liệu tiếng nước ngoài như: Anh, Pháp…Qua thống kê bảng hỏi,
48% sinh viên chỉ sử dụng được tiếng Việt, 36% sinh viên ngoài sử dụng được tiếng Việt
thì sử dụng được cả tiếng Anh, 3% sinh viên sử dụng được tiếng Pháp, 13% sử dụng được
các ngôn ngữ khác: Nhật, Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc…Bên cạnh đó, trình độ ngoại
ngữ của sinh viên cũng phân hóa khá rõ rệt. Ví dụ như sinh viên một số khoa: Du lịch, Báo
chí, Quốc tế, Đông phương vượt hẳn lên nền chung toàn trường: 45% họ sử dụng được
tiếng Anh, 3% sử dụng được tiếng Pháp, 13% sử dụng ngoại ngữ khác (Nhật, Trung,
Hàn…), 39% chỉ sử dụng được tiếng Việt (trong số đó không ít sinh viên dùng được song
hành tiếng Anh và một ngôn ngữ khác ngoài tiếng Việt).
Điều tra cho thấy, số sinh viên có được tài liệu chủ yếu qua thư viện chiếm 34%,
qua giảng viên chiếm 26%, qua internet chiếm 20%, mua chiếm 11%, 7% qua bạn bè, còn
lại là qua nguồn khác. Về loại hình tài liệu sinh viên cần 41% là sách, 41% trên Internet,
2% ở Đĩa, 7% ở báo, 9% ở Tạp chí. Như vậy có thể thấy nguồn tài liệu cũng như loại hình
tài liệu của sinh viên khá phong phú và đa dạng.
Trên thực tế, sinh viên gặp không ít khó khăn trong tìm tài liệu: với những sinh
viên cho rằng tài liệu họ có được chủ yếu thông qua thư viện thì trong đó 37% thấy chỉ tìm
được 10 – 20% tài liệu mình cần ở thư viện, 24% tìm được 21 – 40% tài liệu cần, 23% sinh
viên tìm được 41 – 60% tài liệu mình cần, 11% tìm được 61 – 80% tài liệu, chỉ có 5% tìm
được 81 – 100% tài liệu cần ở thư viện. Điều này thể hiện: thư viện vẫn chưa đáp ứng
được nhu cầu của phần lớn sinh viên. Ngay cả những sinh viên đã tìm được tài liệu mình
cần trên thư viện thì vẫn có 60 % sinh viên cho rằng tài liệu thư viện thường lạc hậu, 5%
không ý kiến, chỉ có 35% cho rằng cập nhật. Như vậy, cầu thì nhiều song cung thì ít dẫn
tới một số sinh viên không có đủ tài liệu ngay cả học liệu bắt buộc chứ chưa nói tới học
liệu tham khảo.
Hầu hết sinh viên chỉ đọc học liệu bắt buộc, học liệu tham khảo thì do thiếu hay
ngay cả khi đã có cũng ít khi thu hút được nhiều sự chú ý của SV; hay cá biệt có trường
hợp lại ngược lại. Nguyên nhân sinh viên không đọc tài liệu tham khảo vì: không có tài
liệu, không có khả năng đọc tài liệu (đối với tài liệu viết bằng tiếng nước ngoài) hoặc
không nhận thức đúng được tầm quan trọng của việc này, họ cho rằng đọc tài liệu bắt buộc
là đủ”.
2.2. Nhu cầu về thông tin giải trí
Theo thống kê: sinh viên tìm kiếm thông tin qua Tivi, Đài là 17%, qua sách là 10%,
qua báo, tạp chí là 18%, qua internet là 54%, nguồn khác 1%. Sinh viên một số khoa: Báo
chí, Du lịch, Quốc tế… có thể nói là thuộc bộ phận sinh viên truy cập internet thường
xuyên nhất, ví dụ khoa Đông phương 75% sinh viên thường xuyên truy cập tương đương
95% cho rằng thông tin họ cần tìm được chủ yếu qua mạng.
Trên thực tế, khi điều tra bằng bảng hỏi vấn đề sinh viên quan tâm nhất thì số sinh
viên cho rằng chính trị chiếm 18,7 %, kinh tế chiếm 15,4%, văn hóa chiếm 29%, giáo dục
chiếm 11%, thông tin giải trí khác chiếm 24,5% cá biệt có 2% không quan tâm. Qua đây
có thể thấy nhu cầu của sinh viên về thông tin xã hội là rất lớn nhưng vẫn có một bộ phận
không hề có định hướng về tầm quan trọng của các thông tin xã hội.
Về thông tin trên Internet, nhiều sinh viên thì sử dụng những công cụ tìm kiếm hiện
đại trên mạng: Google, Yahoo… xong vấn đề đặt ra là sinh viên cần được hướng dẫn cách
xác định phạm vi, tiếp cận nguồn thông tin, đánh giá, sử dụng thông tin để đạt được mục
đích đúng pháp luật và đạo đức.
Như vậy, có thể nói nhu cầu thông tin của sinh viên đào tạo theo phương thức tín
chỉ của Trường ĐHKHXH&NV hiện nay có rất nhiều vấn đề đặt ra, muôn màu muôn vẻ.
Trong đó cơ bản là nhu cầu của sinh viên rất lớn, phong phú về hình thức, đa dạng về thể
loại nhưng chưa thực sự được đáp ứng thỏa mãn. Có nhiều nguyên nhân, mà nguyên nhân
quan trọng nhất là vấn đề tài chính của sinh viên, sau mới là trình độ tin học, ngoại ngữ của
sinh viên còn hạn chế, ảnh hưởng đến tìm và khai thác thông tin.
3. Một số kiến nghị
3.1 Đối với sinh viên
Chủ động tìm tài liệu – thông tin bằng các nguồn khác nhau. Học tập nâng cao trình
độ tìm kiếm thông tin, kiểm định thông tin, đặc biệt là trình độ ngoại ngữ để tiếp xúc tốt
hơn với tài liệu nước ngoài.
Sinh viên cần nhận thức rõ tầm quan trọng về việc tìm hiểu các thông tin về xã hội
và tìm mọi cơ hội để tiếp cận với các nguồn thông tin đó.
3.2. Đối với giảng viên
Cần cung cấp đầy đủ đề cương môn học, tài liệu và địa chỉ tìm kiếm tài liệu đọc
thêm cho sinh viên. Những học liệu quý hiếm hoặc đã xuất bản lâu năm phải photo và cung
cấp đầy đủ cho sinh viên. Những học liệu là bài tạp chí, một phần của cuốn sách đã xuất
bản, ngoài phần học liệu đã yêu cầu ghi trong đề cương môn học thì cần có bìa và mục lục
của học liệu. Những học liệu tiếng nước ngoài nếu không có mục đích bắt buộc sinh viên
sử dụng trong khuôn khổ giảng dạy bằng ngoại ngữ hoặc quy định sinh viên phải dịch ra
để học thì vừa phải có bản gốc và bản dịch. Nếu số lượng trang quá lớn thì tạm thời có thể
lược dịch, biên dịch hoặc viết tóm tắt những điểm chủ yếu để sinh viên sử dụng trong thời
gian tổ chức dịch đầy đủ. Như vậy, sẽ giải quyết được việc sinh viên không tìm được tài
liệu tham khảo hay không sử dụng được vì ngôn ngữ tài liệu là tiếng nước ngoài.
3.3. Đối với nhà trường và khoa
Tăng cường hướng dẫn, đào tạo sinh viên sử dụng thư viện, tin học, khai thác mạng
và ngoại ngữ. Phòng tư liệu các khoa nên mở cửa phục vụ nhiều hơn (không phải là 2 ngày
1 tuần như hiện nay mà có thể là cả tuần như thư viện) giúp sinh viên tiếp xúc với sách và
kiến thức chuyên ngành.
3.4. Đối với thư viện
Cần có một đội ngũ cán bộ phục vụ chuyên môn hóa cao, thường xuyên được tập
huấn, học tập nâng cao trình độ nghiệp vụ. Liên tục bổ sung trao đổi để tạo ra một nguồn
tài liệu phong phú phục vụ đầy đủ và tốt hơn nhu cầu của sinh viên. Ngoài ra, thư viện
cũng cần tăng cường đầu tư các trang thiết bị hiện đại phục vụ nhu cầu tìm tin tra cứu tài
liệu được nhanh chóng và chính xác hơn. Đặc biệt với thời lượng phục vụ như hiện tại,
nhiều sinh viên phản ánh nên kéo dài thêm thời gian, tăng lượng sách tham khảo được
mượn trong một lần ( không phải 2 cuốn như hiện nay ) vì với nhiều bài tập sinh viên cần
dùng nhiều Tài liệu – Thông tin một lúc.
Thư viện cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các khoa để bổ sung sách mới phù hợp
với chương trình đào tạo của nhà Trường.
C. KẾT LUẬN
Nhu cầu về thông tin của sinh viên cần được đặc biệt quan tâm xử lý sớm tạo điều
kiện thuận lợi cho giảng viên trong quá trình giảng dạy, gợi mở vấn đề và sinh viên trong
quá trình tiếp thu môn học. Những kiến nghị trong khuôn khổ báo cáo khoa học này có thể
nói là đại diện cho mong muốn, suy nghĩ của nhiều sinh viên nhằm góp phần tháo gỡ khó
khăn về đáp ứng nhu cầu thông tin cho đào tạo – vấn đề đang thu hút được sự quan tâm
của nhiều người.
TÌM HIỂU MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ QUẢN TRỊ TRI THỨC
Sinh viên thực hiện: Nguyễn Hoàng Anh, Nguyễn Thu Anh
Lớp: K50 Thông tin Thư viện
Giáo viên hướng dẫn: ThS. Đồng Đức Hùng
A. MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Quản trị tri thức (Knowledge management) hiện nay còn là một khái niệm mới
trong ngành thông tin - thư viện Việt Nam. Tuy nhiên đây là hướng mà ngành thông tin -
thư viện trên thế giới đã và đang hướng tới. Trong bối cảnh bùng nổ thông tin hiện nay,
việc nghiên cứu, tìm hiểu những vấn đề liên quan đến tri thức và quản trị tri thức (QTTT)
đang là yêu cầu cấp thiết đặt ra cho những cán bộ công tác trong ngành thông tin - thư
viện. Việc đổi mới giáo dục để hướng tới một nền kinh tế tri thức đòi hỏi ngành thông tin -
thư viện phải nhanh chóng đổi mới để tiến đến quản trị tri thức nhằm đóng góp một phần
quan trọng trong việc hình thành tri thức cho mọi người trong sự nghiệp tri thức hoá xã
hội.
Đề tài khoa học "Tìm hiểu một số vấn đề về quản trị tri thức" được nghiên cứu
nhằm tiếp thu những tri thức mới về quản trị tri thức từ các nhà nghiên cứu trên thế giới, từ
đó ứng dụng vào thực tiễn quản trị tri thức nói chung và trong hoạt động thông tin - thư
viện nói riêng ở nước ta.
2. Mục tiêu nghiên cứu
- Hiểu được nội dung cơ bản của khái niệm "tri thức", "quản trị tri thức" và các
khái niệm liên quan.
- Nắm được trình tự và nội dung các công đoạn của quy trình quản trị tri thức.
- Làm cơ sở cho những nghiên cứu về quản trị tri thức trong tương lai.
3. Phạm vi nghiên cứu
Quản trị tri thức có thể được nghiên cứu ở nhiều khía cạnh như: khái niệm quản trị
tri thức, quy trình quản trị tri thức, tổ chức tri thức, đào tạo cán bộ quản trị tri thức, ứng
dụng công nghệ trong quá trình quản trị tri thức… Báo cáo khoa học này chỉ nghiên cứu
các khái niệm tri thức và quản trị tri thức, quy trình quản trị tri thức; trong đó tập trung
nghiên cứu các giai đoạn trong quy trình quản trị tri thức.
B. NỘI DUNG
1. Khái niệm tri thức và quản trị tri thức
1.1. Khái niệm tri thức
Tri thức (Knowledge): Một khối lượng thông tin đã được xử lý, đồng hoá, đưa vào
sự nhận thức của cá nhân, là thông tin và phán đoán.
Từ cách nhận thức trên có thể thấy tri thức chính được hình thành trên cơ sở các
thông tin đã được xử lý, ứng dụng, phát triển; và qua quá trình đó, thông tin được tinh chế
để tạo thành tri thức
Khái quát một cách cô đọng, tri thức có nghĩa là “hiểu” và “biết”. Trong nền kinh
tế tri thức và trong ngành khoa học thông tin - thư viện ngày nay định nghĩa tri thức là
thông tin hữu ích (useful) và có ý nghĩa (meaningful).
1.2. Khái niệm quản trị tri thức
Quản trị tri thức (Knowledge management) là khái niệm dùng để chỉ những công
nghệ, kỹ thuật, hoặc những thông lệ xã hội nhằm thu thập và tổ chức “tri thức” sao cho có
thể áp dụng chúng vào một địa điểm và thời điểm phù hợp.
Quản trị tri thức là đòn bẩy cho sự hiểu biết chung để làm tăng tính mới và sự đáp
ứng nhanh chóng các nhu cầu về tri thức.
2. Quy trình quản trị tri thức
Quản trị tri thức bao gồm 8 giai đoạn, đó là:
1. Tạo lập và bổ sung tri thức (Knowledge creation or acquisition)
2. Sửa đổi tri thức (Knowledge modification)
3. Sử dụng trực tiếp (Immediate use)
4. Lưu trữ (Archiving)
5. Chuyển tải (Transfer)
6. Cải biến/tái định hướng (Translation/repurposing)
7. Người dùng tin truy nhập (User access)
8. Thanh lý (Disposal)
Có thể khái quát 8 giai đoạn trên qua sơ đồ dưới đây:
Cải biến/
Tái định
hướng
Lưu trữ
Truy nhập Thanh lýTạo lập/
Bổ sung
Chuyển tải
Sửa đổi
Sử dụng
Hình 1: Các giai đoạn của quy trình quản trị tri thức
Cụ thể từng giai đoạn như sau:
2.1. Tạo lập và bổ sung (Creation and Acquisition)
Trong giai đoạn tạo lập và bổ sung, thông tin được sáng tạo bởi người lao động tri
thức, bổ sung thông qua việc tiếp nhận thông tin từ nguồn đối tác. Vấn đề chính liên quan
tới tạo lập và bổ sung thông tin trong chu trình QTTT bao gồm: chi phí, công nghệ phần
mềm và phần cứng, khổ mẫu và định danh thông tin, kiểm soát chất lượng, sự bảo mật
thông tin, biện pháp theo dõi thông tin. Thêm vào đó, việc biên tập thông tin, quyền sở hữu
và ngôn ngữ được sử dụng để trình bày thông tin cũng rất quan trọng.
2.2. Sửa đổi (Modification)
Trong giai đoạn này, thông tin được sửa đổi để phù hợp với những nhu cầu hiện tại
và trong tương lai gần của người lao động tri thức (knowledge worker) và nhà quản lý. Yếu
tố chính liên quan tới công tác sửa đổi là: quyền về tinh thần của tác giả, mức độ tác giả
liên quan, đưa ra quyết định mang tính 2 chiều cho sự sửa đổi thông tin và xác minh quyền
sở hữu thông tin. Công cụ hỗ trợ chính cho giai đoạn này gồm có: công cụ biên tập, theo
dõi thông tin, cơ chế bảo mật thông tin và kiểm soát các phiên bản.
2.3. Sử dụng (Use)
Trong giai đoạn sử dụng, thông tin được thu nhận cho một số mục đích có ích. Việc
sử dụng thông tin cụ thể có thể bị hạn chế bởi sự cấp phép, quyền tinh thần của tác giả và
sự kiểm soát các tài sản trí tuệ khác. Công cụ hỗ trợ chủ yếu cho giai đoạn này là hệ thống
phản hồi và hệ thống theo dõi cũng như sự đa dạng của công nghệ phổ biến và công nghệ
tìm kiếm.
2.4. Lưu trữ (Archiving)
Lưu trữ thông tin cũng như lưu kho thông tin trong một mẫu hoặc một khổ mẫu qua
thời gian vẫn có thể truyền đạt được và còn giá trị. Lưu trữ, đặc biệt là kho trung tâm, rất
hấp dẫn đối với các tin tặc vì thông tin được tập trung ở một địa điểm. Xây dựng nhiều kho
lưu trữ không chỉ đề phòng hỏa hoạn, lũ lụt và các thiên tai khác mà còn tăng tính an toàn
cho tài liệu. Một vài yếu tố chính liên quan đến giai đoạn lưu trữ gồm có: thời gian truy
nhập, dịch vụ bảo mật thông tin cá nhân, chỉ dẫn thông tin, chi phí lưu trữ và những công
nghệ khác nhau được sử dụng. Tuổi thọ của thông tin trong kho lưu trữ phụ thuộc vào việc
xây dựng một môi trường được kiểm soát, các chương trình bảo quản và một cán bộ thư
viện để trông coi quá trình lưu trữ.
2.5. Chuyển tải (Transfer)
Sự chuyển tải hoặc truyền đạt thông tin là điều kiện tiên quyết cho một hệ thống
QTTT có hiệu quả. Thành phần chính trong giai đoạn chuyển tải gồm: chi phí, tính bảo mật
và thời gian chuyển tải. Chi phí cho mỗi lượng thông tin được truyền đạt có thể khá lớn,
đặc biệt nếu không có mạng lưới cơ sở hạ tầng. Thêm vào đó, tính bảo mật của thông tin
luôn là vấn đề mang tính then chốt khi thông tin được chuyển tải qua một mạng lưới công
cộng, như mạng toàn cầu (Internet) hoặc mạng không dây, mạng điện thoại. Thời gian
chuyển tải thường cho thấy sự hữu hiệu của một hệ thống QTTT. Trong nhiều trường hợp,
thời gian chuyển tải càng ngắn, thông tin càng có ích.
2.6. Cải biến/tái định hướng (Translation/Repurposing)
Trong giai đoạn cải biến/tái định hướng, thông tin được biến đổi từ dạng gốc sang
một dạng thích hợp hơn tùy theo mục đích sử dụng. Những yếu tố then chốt trong giai
đoạn này: tính thuận nghịch của quá trình biến đổi, quyền về tinh thần của tác giả, sự xác
minh quyền sở hữu và trách nhiệm liên quan. Công cụ hỗ trợ quan trọng nhất trong giai
đoạn cải biến/tái định hướng là những kiến thức chuyên môn thu được từ bên ngoài và các
ứng dụng đa dạng của công nghệ thông tin.
2.7. Truy nhập (Access)
Một nét đặc trưng của hầu hết các hệ thống QTTT là sự bảo mật thông tin. Thông
tin trong hệ thống không sẵn sàng mở với tất cả mọi người. Truy nhập thông tin cũng có
thể bị giới hạn bởi một lượng lớn thông tin sẵn có. Các yếu tố quan trọng liên quan tới giai
đoạn truy nhập là tính bảo mật thông tin, chi phí, các công nghệ thích hợp nhất và nhận
thức của người lao động tri thức. Chi phí cho việc truy nhập thông tin có thể rất khác nhau.
2.8. Thanh lý (Disposal)
Mọi loại thông tin đều có thể lỗi thời. Thông tin có giá trị giới hạn bị loại bỏ để tiết
kiệm không gian và giảm phí tổn. Phương pháp xác định thông tin nào cần bảo lưu và
thông tin nào cần loại bỏ cần tuân theo quy định chung cũng như điều lệ của chính phủ về
hồ sơ kinh doanh. Các thành phần chính xung quanh việc loại bỏ thông tin trong giai đoạn
thanh lý là chi phí, mức độ bảo mật thích hợp nhất, ước định giá trị thông tin và nhiều loại
công nghệ thích hợp khác. Loại bỏ thông tin không phải là không có chi phí, đặc biệt nếu
thông tin đó được xử lý tốn kém trước khi thanh lý.
C. KẾT LUẬN
Quy trình QTTT có thể được mô tả như một loạt các giai đoạn có liên quan đến
nhau. Mỗi giai đoạn phải được liên kết và xác định bởi các yếu tố mang tính chất trợ giúp
và có thể được kích hoạt bằng công nghệ thông tin. Hầu hết các yếu tố này dễ bị ảnh
hưởng, có quan hệ tới kinh tế, sở hữu trí tuệ, cơ sở hạ tầng, trách nhiệm và vai trò tích cực
của quản lý trong việc đặt ra các quy định. Thêm vào đó, các yếu tố về bản thân thông tin
cần đến các công cụ hỗ trợ như việc lập ra và đảm bảo thực hiện các tiêu chuẩn, tận dụng
sự đóng góp của người lao động tri thức và quản lý toàn bộ quy trình.
Trong một xã hội hướng tới nền kinh tế tri thức, vai trò của tri thức và QTTT ngày
càng trở nên quan trọng và thiết yếu. Việc cung cấp những tri thức cho cộng đồng đã và
đang đặt ra cho ngành thông tin - thư viện nhiều cơ hội cũng như những thách thức. Vai trò
và vị thế của ngành thông tin - thư viện sẽ ngày càng được khẳng định trong một xã hội tri
thức. Chính vì vậy, chúng ta - những cán bộ của ngành thông tin - thư viện phải tự đổi mới,
hội nhập, cùng đồng nghiệp khắp nơi trên thế giới tiến dần đến QTTT trong một xã hội tri
thức.
MỨC ĐỘ LO ÂU CỦA SINH VIÊN KHOA TÂM LÝ HỌC TRƯỚC KỲ THI HỌC
KỲ
Sinh viên thực hiện: Triệu Thị Biển
Lớp: K50 Tâm lý học
Giáo viên hướng dẫn: ThS. Nguyễn Bá Đạt
A. MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Trong cuộc sống mỗi người đều có những vấn đề lo lắng nhất định, có thể lo lắng
về công việc, gia đình, tình yêu... Sự lo lắng đã đặt con người vào những hoàn cảnh phải
đương đầu với vấn đề, phải tư duy. Điều đó tạo cho con người tâm thế để hoạt động. Các
nhà khoa học cho rằng 10% lo âu cho một người bình thường là đủ, song trên thực tế
không phải lúc nào cũng như vậy. Ở rất nhiều người sự lo âu đã vượt ra khỏi giới hạn bình
thường, kéo dài, dai dẳng và trở thành bệnh lý, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống tinh
thần của họ.
Đối với sinh viên, sự lo lắng trước kì thi là vấn đề mà hầu hết sinh viên nào cũng
gặp phải. Sự lo âu thái quá, kéo dài khiến cho họ bị Stress, luôn căng thẳng... ảnh hưởng
không chỉ đến chất lượng bài thi mà còn ảnh hưởng rất lớn tới đời sống tinh thần của họ.
Nghiên cứu về vấn đề này sẽ cho chúng ta có một cái nhìn tổng quát nhất về thực
trạng lo âu trước kì thi của sinh viên khoa Tâm lý học, giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn về
đời sống của sinh viên, từ đó có biện pháp trợ giúp họ.
2. Mục đích nghiên cứu
Nghiên cứu về thực trạng lo âu của sinh viên khoa Tâm lý học trước kỳ thi học kỳ,
từ đó tìm ra giải pháp hữu hiệu nhất cho vấn đề này.
3. Nhiệm vụ nghiên cứu
• Tổng quan những tài liệu liên quan đến vấn đề ngiên cứu
• Nghiên cứu, khảo sát thực tiễn để đánh giá thực trạng lo âu ở sinh viên
• Phân tích kết quả nghiên cứu, từ đó đề xuất những kiến nghị, giải pháp để giảm
thiểu tình trạng lo âu ở sinh viên.
4. Mục tiêu nghiên cứu
• Chỉ ra được tỷ lệ sinh viên lo âu ở các mức độ khác nhau
• Chỉ ra được những biểu hiện của sự lo âu
• Chỉ ra các nguyên nhân dẫn đến lo âu ở sinh viên
• So sánh sự khác nhau về thực trạng lo âu ở sinh viên giữa hai hình thức đào tạo:
theo niên chế và theo tín chỉ (K49, K50 và K51, K52).
5. Đối tượng nghiên cứu
Mức độ lo âu của sinh viên khoa Tâm lý học trước kỳ thi học kỳ.
6. Khách thể nghiên cứu
Nghiên cứu 130 sinh viên khoa Tâm lý học, gồm:
• 25 sinh viên thuộc lớp K49
• 35 sinh viên thuộc lớp K50
• 35 sinh viên thuộc lớp K51
• 35 sinh viên thuộc lớp K52
7. Phạm vi nghiên cứu
Nghiên cứu mức độ lo âu trước kỳ thi học kỳ của sinh viên khoa Tâm lý học thuộc
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN.
8. Giả thuyết nghiên cứu
- Sinh viên khoa Tâm lý có mức độ lo âu trước kỳ thi học kỳ là khác nhau:
+ Sinh viên K49 có mức độ lo âu cao
+ Sinh viên K50 có mức độ lo âu bình thường
+ Sinh viên K51 và K52 có mức độ lo âu khá cao, trong đó ở lớp K52 mức độ lo âu
cao hơn cả.
- Sự lo âu của sinh viên chưa đến mức bệnh lý
9. Phương pháp nghiên cứu
- Phương pháp tổng quan tài liệu
- Phương pháp điều tra: Sử dụng thang tự đánh giá mức độ lo âu dành cho người từ
15 tuổi trở lên của Charler D.Spielberger.Ph.D đã được chuẩn hoá tại Việt Nam do TS.
Nguyễn Công Khanh biên soạn.
- Phương pháp phỏng vấn sâu
- Phương pháp thống kê toán học.
B. NỘI DUNG
Chương I. Cơ sở lý luận
1. Tổng quan lịch sử nghiên cứu vấn đề
1.1. Trên thế giới
Lần đầu tiên thuật ngữ Angest được dùng để chỉ trạng thái lo âu bởi Kerkgand vào
năm 1844.
Năm 1871, Dacosta đã mô tả các triệu chứng lo âu và gọi là trạng thái tim bị kích
thích. Beck là người đầu tiên tách trạng thái lo âu trầm cảm ra khỏi suy nhược thần kinh.
Năm 1895, Freud đã đề xuất ra thuật ngữ "nhiễu tâm lo âu", trên cơ sở phân tích
các hiện tượng lâm sàng rối loạn ám ảnh.
Từ những năm 60 của thế kỷ XX có nhiều cách gọi khác nhau để chỉ trạng thái lo
âu (ICD8, 1968; ICD9, 1978; ICD10, 1992; DSM III, 1983......).
Lo âu theo quan điểm của các nhà tâm lý học Nga, theo Aubrey Leus (nhà tâm lý
học người Anh).
1.2. Ở Việt Nam
Nghiên cứu dưới góc độ chẩn đoán trị liệu qua 352 hồ sơ của Bác sỹ Phạm Văn
Đoàn từ tháng 1/1989 đến tháng 10/1995.
Lo âu theo quan điểm của Bác sỹ Phạm Văn Trụ (Bệnh viện TP HCM), Bác sỹ
Nguyễn Minh Tuấn (“Các rối loạn tâm thần ở trẻ em và thanh thiếu niên”).
Nghiên cứu của nhóm sinh viên khoa Tâm lý học, Trường ĐHKHXH&NV và
nghiên cứu của sinh viên Nguyễn Thị Hằng Phương, K46 Tâm lý học (Nhân văn).
2. Các khái niệm cơ bản
2.1. Khái niệm lo âu
2.1.1. Định nghĩa
Có nhiều định nghĩa về lo âu, có thể hiểu lo âu qua các ý sau:
- Lo âu là hiện tượng phản ứng tự nhiên (bình thường) của con người trước những
khó khăn và các mối đe doạ của tự nhiên, xã hội mà con người phải tìm cách vượt qua để
tồn tại.
- Lo âu là một tín hiệu báo động, báo trước một nguy hiểm sắp xảy đến, cho phép
con người sử dụng mọi biện pháp để đương đầu với đe dọa.
- Lo âu bệnh lý là lo âu quá mức hoặc dai dẳng không tương xứng với sự đe doạ
được cảm thấy, ảnh hưởng đến hoạt động của người bệnh, có thể kèm theo những ý nghĩ
hay hành động có vẻ như quá mức hay vô lý.
2.2.2. Lo âu bình thường
2.2.3. Lo âu bệnh lý
- Phân biệt lo âu bình thường và lo âu bệnh lý.
2.2. Các biểu hiện của rối loạn lo âu: về nhận thức; về cơ thể; về tâm lý
2.3. Một số RLLA thường gặp: lo âu tâm căn, lo âu lan toả
2.4. Tiêu chuẩn chẩn đoán RLLA
- Dựa theo bảng phân loại quốc tế lần thứ 10 (ICD - 10)
- Dựa theo bảng phân loại các rối loạn tâm lý và các bệnh tâm thần của Hiệp hội
tâm thần Mỹ DSM - IV.
2.5. Nguyên nhân của RLLA
- Nguyên nhân tâm lý: tiếp cận Phân tâm học (Freud); tiếp cận tập nhiễm xã hội
(Skiner, Bandura); tiếp cận nhận thức (Beck và Emery); tiếp cận ứng xử; học thuyết phản
xạ của Paplop.
- Nguyên nhân sinh học: yếu tố di truyền, yếu tố khí chất lo âu, quá trình điều
chỉnh sinh học của cơ thể, các chất trung gian dẫn truyền thần kinh và cấu trúc não.
- Theo tác giả Piere Daco ("Những thành tựu lẫy lừng trong tâm lý học hiện đại"):
một xung đột nội giới, sự chống đối bị ức chế, xung đột đe doạ nhu cầu sống còn.
- Các nguyên nhân khác: nhân tố thể trạng, khí chất, môi trường sống, bệnh cơ thể.
2.6. Cơ chế hình thành lo âu
Nhu cầu cơ bản, cảm giác an toàn và mất an toàn, phản ứng cảm xúc, cơ chế phản
ứng của Stress, Stress và hình thành Stress, sinh lý Stress.
2. 7. Điều trị RLLA
- Liệu pháp hoá dược, liệu pháp tâm lý, liệu pháp điều trị nhận thức của Beck, liệu
pháp giải mẫn cảm có hệ thống, liệu pháp thư giãn.
3. Đặc điểm tâm lý của khách thể nghiên cứu
3.1. Khái niệm sinh viên
- Khái niệm tuổi thanh niên
- Sự phát triển về thể chất
- Vai trò xã hội của sinh viên
- Các hoạt động cơ bản của tuổi thanh niên sinh viên (học tập, NCKH, hoạt động
kinh tế - chính trị...)
3.2. Đặc điểm tâm lý cơ bản của sinh viên
- Sự thích nghi của sinh viên với cuộc sống và hoạt động mới
- Sự phát triển vể nhận thức, trí tuệ
- Đời sống xúc cảm - tình cảm của sinh viên
- Sự phát triển một số phẩm chất nhân cách
4. Các khái niệm liên quan: đào tạo tín chỉ, đào tạo niên chế, sự khác nhau.
Chương II: Phương pháp nghiên cứu và tổ chức nghiên cứu
1. Phương pháp nghiên cứu
Sử dụng các phương pháp sau: phương pháp điều tra, phương pháp phỏng vấn sâu.
2. Tổ chức nghiên cứu
Chương III: Kết quả nghiên cứu
1. Thực trạng lo âu của sinh viên khoa Tâm lý học
Lớp Tổng số phiếu Số SV có RLLA % SV có RLLA
K49 26 3 10,34%
K50 36 5 17,24%
K51 31 6 20,70%
K52 37 15 51,72%
Tổng 130 29 100%
Bảng trên thể hiện mức độ lo âu khác nhau giữa các lớp, đồng thời cũng thể hiện sự
khác nhau về mức độ lo âu giữa hai hình thức đào tạo: đào tạo theo niên chế và theo tín
chỉ.
2. Những biểu hiện của lo âu: căng thẳng, mệt mỏi, lo lắng, không hài lòng về
bản thân...
3. Nguyên nhân của sự lo âu
* Nguyên nhân về học tập: Chủ yếu là do phương pháp học và áp lực từ hình thức
đào tạo (Đào tạo tín chỉ).
Ngoài ra còn có các yếu tố khác như: kỳ vọng vào kết quả bài thi, kết quả của học
kì trước và của bài thi giữa kì, không khí học tập của tập thể lớp, mục tiêu cụ thể của từng
sinh viên, giới hạn môn thi và hình thức thi.
* Nguyên nhân về mặt tình cảm: tình cảm gia đình, tình cảm bạn bè, tình yêu nam
nữ.
Ngoài ra còn có các yếu tố khác ảnh hưởng đến sự lo âu của sinh viên như: sự thích
ứng của cá nhân với môi trường sống, những sự kiện trong cuộc sống làm cho sinh viên bị
Stress.......
* So sánh thực trạng lo âu của sinh viên theo hai hình thức đào tạo: niên chế và tín
chỉ: về tỷ lệ lo âu, về nguyên nhân dẫn đến lo âu.
Chương IV: Kết luận và kiến nghị
1. Kết luận
Vấn đề lo âu ở con người là bình thường, cần thiết cho cuộc sống...
Lo âu ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng kỳ thi của sinh viên, có nhiều nguyên nhân
dẫn đến lo âu, chủ yếu là do phương pháp học tập và hình thức đào tạo.
Mức độ lo âu của sinh viên khoa Tâm lý trước kỳ thi là từ 22,31% đến 26,92%
(không phải là con số đáng lo ngại), không đồng đều giữa các lớp và các hình thức đào tạo.
Kết quả thu được khá phù hợp so với giả thuyết ban đầu đưa ra.
2. Kiến nghị
Về phía sinh viên: Phải nhận thức được thực chất vấn đề gây ra sự lo lắng của mình
là gì, tìm biện pháp khắc phục nguyên nhân ấy. Gắn với vấn đề nghiên cứu, sinh viên phải
tìm ra phương pháp học tập hiệu quả và phù hợp, chủ động trong việc học tập theo phương
pháp mới, rèn luyện năng lực làm chủ xúc cảm - tình cảm...
Về phía Đoàn - Hội: Tổ chức toạ đàm về phương pháp học tập, kinh nghiệm học
tập ở bậc ĐH, các hoạt động thiết thực cho sinh viên...
Về phía Ban chủ nhiệm khoa: Luôn lắng nghe và phản hồi cho sinh viên biết về
những vấn đề họ thắc mắc, chủ động tìm hiểu những khó khăn mà họ gặp phải trong quá
trình học tập theo hình thức đào tạo tín chỉ.
BLOG DU LỊCH VÀ VAI TRÒ CỦA BLOG DU LỊCH
ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG DU LỊCH
Sinh viên thực hiện: Nguyễn Thị Vân Dung
Lớp: K50 Du lịch học
Giáo viên hướng dẫn: ThS. Phạm Hồng Long
A. MỞ ĐẦU
Giới thiệu khái quát về lý do chọn đề tài, đối tượng, phạm vi nghiên cứu, phương
pháp nghiên cứu, bố cục đề tài.
B. NỘI DUNG
Chương I. Lý luận chung về blog
1. Khái niệm, tác dụng và phân loại blog
Làm rõ khái niệm blog, nêu lên những tác dụng chung của blog và phân loại blog
theo nhiều tiêu chí
2. Sự ra đời và những chặng đường phát triển
Giới thiệu lịch sử hình thành, nguồn gốc của blog và những giai đoạn phát triển chính của
blog.
3. Các tiêu chí và đặc trưng chính của blog
Nêu lên những đặc tính và đặc trưng cơ bản của blog, phân biệt blog với một số
công cụ khác được sử dụng trên internet
Chương II. Blog du lịch và vai trò của blog với hoạt động du lịch
1. Vai trò của blog với hoạt động du lịch
- Đưa ra định nghĩa về blog du lịch: blog du lịch cá nhân, blog du lịch tổ chức (blog do
các công ty, doanh nghiệp du lịch... thiết lập)
- Nêu lên những vai trò quan trọng chủ yếu của blog trong hoạt động du lịch qua
việc nghiên cứu các tính năng, ưu điểm riêng của nó. Vai trò của blog đối với hoạt động du
lịch được thể hiện ở những tác dụng và lợi ích của nó đem lại đối với 4 đối tượng khác
nhau hoạt động trong lĩnh vực du lịch đó là: nhà kinh doanh du lịch, khách du lịch, cộng
đồng du lịch và nhà quản lý du lịch.
2. Giới thiệu blog du lịch, blog chuyên về du lịch
Giới thiệu một số blog du lịch nổi tiếng trên thế giới, blog du lịch đã có ở Việt Nam
(bao gồm nội dung, ưu điểm, nhược điểm của mỗi blog). Rút ra những nhận xét chung về
blog du lịch thế giới cũng như blog du lịch ở Việt Nam
Chương III. Những đề xuất cho việc khai thác và sử dụng blog trong hoạt động du
lịch ở Việt Nam
1. Nhận xét chung
Nêu lên những ưu điểm vượt trội nhất của blog, khẳng định lại tầm ảnh hưởng
cũng như vai trò của blog đối với hoạt động du lịch và nêu một vài điểm hạn chế của blog
2. Những đề xuất cho việc khai thác và sử dụng blog trong hoạt động du lịch ở
Việt Nam
Nêu lên một số đề xuất chung cho việc khai thác, sử dụng blog một cách hiệu quả
cho hoạt động du lịch ở Việt Nam
QUỐC HOA - NÉT VĂN HÓA ĐẶC TRƯNG CỦA MỖI DÂN TỘC
Sinh viên thực hiện: Nguyễn Thị Thanh Cảnh, Phan Thị Hoài,
Nguyễn Thuỳ Linh, Trần Thị Thuỳ
Lớp: K52 Quốc tế học
Giáo viên hướng dẫn: ThS. Nguyễn Thu Hằng
I. Hoa Mẫu đơn - Quốc hoa của Trung Quốc
Trung Quốc là một trong những cái nôi sớm nhất của nền văn minh nhân loại. Và
cho đến bây giờ Trung Quốc vẫn tự hào là quốc gia có nền văn hoá phong phú, đa dạng với
những loại hình văn hoá độc đáo.
Hoa mẫu đơn có rất nhiều tên gọi khác nhau như lộc phỉ, thử cô, bạch truật, bạch
lượng kim, mộc thược dược…Hoa mẫu đơn nở đẹp lộng lẫy, hương thơm sắc màu hiện
diện khắp nơi. Vì vậy nó còn được mệnh danh là “quốc sắc thiên hương” (sắc nước hương
trời), “hoa trung chi vương”(vua của các loài hoa), “phú lệ nhi tiêu sái” (hoa đẹp lộng lẫy
mà thanh thoát tự nhiên)…
Ý nghĩa của hoa mẫu đơn:
Ngày nay mẫu đơn được xem là biểu tượng của sự phồn hoa, thịnh vượng, bất
khuất, là ý chí quật cường của dân tộc Trung Hoa không cam chịu làm một dân tộc nghèo
nàn, lạc hậu, mà nuôi hung tâm tráng trí dọc ngang trời lập nên đại nghiệp chấn hưng đất
nước, đưa đất nước Trung Hoa phát triển lên một tầm cao mới.
II. Hoa Anh đào - Quốc hoa của Nhật Bản
Mặc dù là nước có nền kinh tế phát triển cao, Nhật Bản vẫn giữ được những nét
văn hoá hết sức độc đáo của mình như môn đấu vật Sumô, áo Kimono, trà đạo… Nước
Nhật còn được mệnh danh là “xứ sở hoa anh đào” vì hoa anh đào được trồng khắp nơi trên
đất nước Phù Tang.
Hoa anh đào, tên tiếng Nhật là Sakura, tên tiếng Anh là Cherry Blossom, là quốc
hoa của Nhật Bản. Hoa anh đào, phần lớn màu hồng nhạt hoặc màu trắng, chỉ có năm cánh
nhỏ, chỉ lưu lại trên cành độ mười ngày. Hoa anh đào ở Nhật được xem là “hoa đạo” – loài
hoa cao quý không chỉ nở rộ cho người đời ngắm nhìn mà còn để cho nhân gian ngưỡng
mộ, tôn vinh, yêu quý và trân trọng. Cuộc đời ngắn ngủi nhưng mong manh của loài hoa
này khiến người ta lưu luyến khi chia xa và vui mừng hạnh phúc khi được gặp lại. Đối với
người Nhật Bản hoa anh đào vừa tượng trưng cho vẻ đẹp thanh cao vừa là nỗi buồn cho sự
phù du và tình khiêm nhường nhẫn nhịn.
Ý nghĩa của hoa anh đào:
Người Nhật có tình cảm đặc biệt với hoa anh đào. Mỗi khi mùa hoa anh đào đến,
khắp đất nước Nhật Bản được phủ kín bởi màu hoa này. Cả một màu hồng phấn ôm trọn
lấy núi đồi tượng trưng cho một mùa đẹp nhất trong năm: Mùa hoa anh đào.
Ngoài ra, hoa anh đào còn tượng trưng cho tinh thần võ sỹ đạo (Samurai) - biết chết
một cách cao đẹp. Người Nhật Bản có câu: “Nếu làm hoa, xin làm hoa anh đào, nếu là
người xin làm võ sỹ đạo”. Điều đó có nghĩa là khi một võ sỹ đạo đối mặt với hiểm nguy,
anh ta không run sợ trước cái chết bởi giống như hoa anh đào, anh ta sẽ tự đâm mình và
gục xuống, không ngần ngại.
III. Hoa Mugunghwa - Quốc hoa của Hàn Quốc
Hàn Quốc (còn gọi là Đại Hàn Dân Quốc) có khá nhiều nét văn hoá đặc biệt như áo
truyền thống Hanbok, món Kim chi, nhân sâm… Và thế giới còn biết đến Hàn Quốc với
quốc hoa là Mugunghwa (thuộc loại hoa hồng Sharon).
Hoa Mugunghwa có nhiều màu: màu hồng, màu trắng, màu hồng pha tím, hoa nở
một cách thầm lặng và rất lâu vào khoảng từ đầu tháng 7. Loại hoa này gắn liền với người
dân Hàn Quốc từ thời xa xưa nên ngoài tên Mugunghwa, người Hàn Quốc còn có khi gọi
nó là “Hoa không nghèo”. Theo những bản ghi chép còn lại, từ thời cổ đại, người dân
Triều Tiên coi loài hoa này là hoa thiên đường từ. Trên thực tế, triều đại Silla đã từng được
gọi là “Đất nước của hoa Mugunghwa”. Thậm chí những người Trung Quốc cổ đại đã gọi
Triều Tiên là “Mảnh đất của những con người hoà nhã, nơi hoa Mugunghwa đua nở. Tình
yêu dành cho loài hoa này đã được thể hiện rõ nét khi những ca từ “Hoa hồng Sharon, nở
ngàn dặm trên những ngọn núi và bên những dòng sông tươi đẹp” đã được ghi trong quốc
ca vào cuối thế kỷ XIX. Do đó Hàn Quốc đã lựa chọn loài hoa này làm quốc hoa sau khi
được giải phóng khỏi ách thống trị của thực dân Nhật Bản năm 1990.
Ý nghĩa của hoa Mugunghwa:
Quốc huy của Hàn Quốc mang hình bông hồng Sharon bao quanh vòng tròn
Taegeuk, quốc hiệu được sử dụng trong nhiều văn bản như phần đầu đề của công văn
chính phủ, giấy tờ bổ nhiệm các quan chức cấp cao của chính phủ, huân chương tuyên
dương của Tổng thống và các văn bản chính thức tại nước ngoài. Vào năm 1963 Hàn
Quốc đã thông qua quốc hiệu ở dạng huy hiệu hoặc được rập nổi. Quốc huy của Hàn Quốc
có hình tròn, trung tâm là hình thái cực màu lam và đỏ. Xung quanh thái cực là một bông
hoa Mugunghwa tượng trưng cho tinh thần kiên nghị, bất khuất, niềm tự hào dân tộc.
Chính loài hoa này đã biểu tượng cho mong ước về sự phát triển không ngừng và sự thịnh
vượng của quốc gia, những thử thách, đau khổ trong suốt những trang sử vẻ vang của nước
Hàn.
IV. Quốc hoa của Việt Nam
Nhắc đến Việt Nam người ta nhớ đến ngay một đất nước có nền văn hoá lâu đời
hàng ngàn năm văn hiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Hiện nay có rất nhiều ý kiến xoay quanh
việc chọn quốc hoa cho Việt Nam. Trong đó những loại hoa được nhắc đến nhiều nhất là
hoa sen, cây tre, hoa đào và hoa mai.
1. Hoa sen
Là một loại hoa thanh khiết có truyền thống lâu đời nhất ở phương Đông. Đây là
loài thực vật sống dưới nước có nguồn gốc Á châu và chiếm giữ một vị trí cổ xưa trong tất
cả các nền văn hoá đặc biêt của Phật giáo. Những cánh, nhụy và gương hạt đã cấu thành
một bông hoa sen có vẻ đẹp thanh thoát và màu sắc tươi sáng. Gương sen là một cảm hứng
cho các nhà nghệ sỹ và những người thợ thủ công sáng tạo những tác phẩm diệu kỳ của
mình.
Hoa sen được dùng trong nghệ thuật và trang trí của Phật giáo. Ngó sen được dùng
làm thức ăn, còn củ sen có thể ăn sống hoặc nấu chín. Củ sen cung cấp nhiều tinh bột.
Ở Việt Nam, hầu như vùng nào cũng có thể trồng được hoa sen. Hoa sen phân bố
rộng khắp trên cả nước. Mỗi người dân Việt Nam không ai là không biết đến hoa sen với
vẻ đẹp diệu kỳ của nó. Hoa sen đã trở thành một trong những niềm tự hào của dân tộc Việt,
con người Việt. Ngắm hoa sen chúng ta có thể nhận ra hình ảnh của con người Việt Nam.
Nhìn vào lịch sử của hoa sen, chúng ta có thể thấy được sự gắn bó giữa văn hoá
Việt, con người Việt với hoa sen. Hoa sen đã trở thành biểu tượng cho rất nhiều các công
ty, các sự kiện… ở Việt Nam. Việt Nam Airlines đã chọn hình ảnh bông sen làm biểu
tượng vẽ lên thân máy bay. Đại hội thể thao Châu Á được tổ chức tại Việt Nam đã chọn
hoa sen làm biểu tượng cho tinh thần Việt Nam.
2. Cây tre
Tre là một nhóm thực vật có rễ ngắn, sống lâu, mọc ra những trồi gọi là măng. Cả
đời tre chỉ ra hoa một lần và vòng đời của nó sẽ khép lại khi tre “bật ra hoa”. Cây tre gắn
bó với văn minh “làng xã” của nước ta hàng ngàn năm qua.
Vốn gần gũi với đời sống con người, cây tre đã trở thành nguồn cảm hứng trong
văn học, nghệ thuật. Từ những câu truyện cổ tích (Nàng Út ống tre, Cây tre trăm đốt…)
đến các ca dao, tục ngữ đều có mặt của tre.
Có thể thấy rằng bản lĩnh, bản sắc của người Việt và văn hoá Việt có những nét
tương đồng với sức sống và vẻ đẹp của cây tre đất Việt. Tre không mọc riêng lẻ mà sống
thành từng luỹ, từng rặng tre. Đặc điểm này tượng trưng cho tính cộng đồng của người
Việt. Chính vì thế mà cây tre được ví như là con người Việt Nam cần cù siêng năng, bám
đất, bám làng. Tre cùng con người Việt Nam trải qua bao thăng trầm của lịch sử, qua bao
cuộc chiến tranh giữ nước. Tre xứng đáng là biểu tượng cho tính kiên cường, bất khuất của
con người Việt Nam, cho cái đẹp Việt Nam.
TÌM HIỂU VIỆC LÀM CỦA NGƯỜI NÔNG DÂN SAU KHI BỊ THU HỒI ĐẤT ĐỂ
PHỤC VỤ XÂY DỰNG CÁC KHU CÔNG NGHIỆP
(NGHIÊN CỨU TRƯỜNG HỢP TẠI XÃ BÍCH HOÀ, THANH OAI, HÀ TÂY)
Sinh viên thực hiện: Nguyễn Chu Du
Lớp: K51 Xã hội học
Giáo viên hướng dẫn: TS. Mai Kim Thanh
A. MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Công nghiệp hoá, hiện đại hóa và đô thị hoá là xu hướng phát triển có tính quy luật
chung của nhiều nước trên thế giới
1.1. Ý nghĩa khoa học
Kiểm nghiệm chứng minh tính đúng đắn khoa học các lý thuyết xã hội học
1.2 Ý nghĩa thực tiễn
Góp phần tích cực giải quyết việc làm cho người nông dân
1.3 Hướng nghiên cứu của đề tài nhằm
Tìm hiểu về việc làm của người nông dân
2. Nhiệm vụ nghiên cứu
- Mô tả thực trạng việc làm của người dân
3. Đối tượng nghiên cứu
Nghiên cứu việc làm của người nông dân sau khi bị thu hồi đất để phục vụ cho xây
dựng các cụm công nghiệp.
3.1. Khách thể nghiên cứu
Các hộ gia đình thuộc xã Bích Hoà - Thanh Oai - Hà Tây.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
Thời gian nghiên cứu khảo sát: từ tháng11/2007 đến tháng 2/2008.
3.3. Mẫu nghiên cứu: chọn 100 khách thể để nghiên cứu.
4. Cơ sở phương pháp luận
Đứng trên lập trường của chủ nghĩa duy vật lịch sử; Hệ phương pháp nghiên cứu;
Phương pháp quan sát; Phương pháp phân tích tài liệu; Phương pháp phỏng vấn.
5. Giả thuyết nghiên cứu và khung lý thuyết
5.1 Giả thuyết nghiên cứu
Quá trình công nghiệp hoá đã làm thay đổi khá nhiều đời sống của người nông dân.