Thực trạng công ty chứng khoán tại Việt Nam - Thực tế hoạt động và những thách
thức tiềm ẩn
Trong thời gian qua, cùng với sự phát triển không ngừng về quy mô của thị trường chứng khoán (TTCK)
Việt Nam, là sự lớn mạnh của các tổ chức tài chính trung gian, đặc biệt là các công ty chứng khoán
(CtyCK). Sự trưởng thành của các CtyCK Việt Nam không chỉ thể hiện về sự tăng trưởng số lượng và quy
mô vốn mà còn thể hiện rõ nét qua phương thức và chất lượng cung cấp dịch vụ cho khách hàng.
Tăng trưởng về số lượng và quy mô của các CtyCK
Tính đến 30/8/2007, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã cấp phép hoạt động kinh doanh chứng
khoán cho 61 công ty, với tổng số vốn điều lệ đạt 5.735 tỷ đồng. Trong đó, có 43 công ty được cấp phép 4
nghiệp vụ môi giới chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán, tự doanh chứng khoán và bảo lãnh phát hành
chứng khoán.
Mặc dù số lượng CtyCK đi vào hoạt động từ năm 2007 tăng gấp 3-4 lần so với năm 2006, nhưng kết quả
kinh doanh 6 tháng đầu năm 2007 của nhiều CtyCK vẫn khá tốt, điển hình là các CtyCK đã có thời gian hoạt
động lâu như CtyCK Sài Gòn (SSI) - lợi nhuận sau thuế đạt 668,5 tỷ đồng, CtyCK ACB (ACBS) - lợi nhuận
sau thuế đạt 141 tỷ đồng, CtyCK Bảo Việt (BVSC) - lợi nhuận sau thuế đạt 156,8 tỷ đồng... và một số CtyCK
tuy mới triển khai hoạt động nhưng không chịu lép vế trước các CtyCK đàn anh như: CtyCK Ngân hàng Sài
Gòn Thương tín (SBS) - lợi nhuận sau thuế đạt 125,2 tỷ đồng, CtyCK Đại Việt - lợi nhuận sau thuế đạt 39,4
tỷ đồng, CtyCK Quốc Tế Việt Nam - lợi nhuận sau thuế đạt 23,7 tỷ đồng.
Trong quá trình hoạt động, các CtyCK luôn đẩy mạnh việc phát triển mạng lưới, tính đến hết ngày
30/6/2007, ngoài 56 trụ sở chính, mạng lưới hoạt động của các công ty gồm 25 chi nhánh, 14 phòng giao
dịch, 24 đại lý nhận lệnh (so với mạng lưới gồm 12 chi nhánh, 9 phòng giao dịch và 13 đại lý nhận lệnh tại
thời điểm 31/12/2006). Cùng với việc mở rộng chi nhánh, hoàn thiện bộ máy tổ chức, nhiều CtyCK đã thực
hiện tăng vốn điều lệ nhằm nâng cao năng lực tài chính và đáp ứng quy định vốn pháp định theo yêu cầu
của Nghị định 14 hướng dẫn Luật Chứng khoán. Trong 6 tháng đầu năm 2007, 4 CtyCK gồm Sao Việt (tăng
từ 20 tỷ đồng lên 36 tỷ đồng), CtyCK An Bình – ABS (tăng từ 50 tỷ đồng lên 330 tỷ đồng), CtyCK Hà Thành
(tăng từ 18 tỷ đồng lên 60 tỷ đồng), CtyCK Kim Long (tăng từ 18 tỷ đồng lên 315 tỷ đồng).
Nâng cao chất lượng hoạt động
Về hoạt động môi giới
Tính đến hết ngày 30/6/2007, số tài khoản giao dịch chứng khoán tại các CtyCK đạt 255.185 tài khoản (tăng
169.001 tài khoản, tương đương 196% so với thời điểm ngày 31/12/2006). Trong đó, đối với những CtyCK
đã có bề dày hoạt động, đều chiếm tỷ trọng cao về số lượng nhà đầu tư mở tài khoản giao dịch như: VCBS
có 34.490 tài khoản, chiếm 16,52% tổng số tài khoản toàn thị trường; BVSC có 34.395 tài khoản, chiếm
13,48%; CtyCK Sài Gòn (SSI) có 26.746 tài khoản, chiếm 10,48%; CtyCK Ngân hàng Đầu tư (BSC) có
24.525 tài khoản, chiếm 9,61%. Bên cạnh đó, một số CtyCK tuy mới triển khai hoạt động nhưng đã thu hút
được khá nhiều nhà đầu tư, như SBS đạt 7.720 tài khoản, chiếm 3,03% thị phần, ABS đạt 6.104 tài khoản,
chiếm 2.39% thị phần, CtyCK Vndirect đạt 5.195 tài khoản, chiếm 2.04% thị phần...
Tổng giá trị giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trong tháng 6/2007 qua các CtyCK đạt 25.196 tỷ đồng.
Những CtyCK có doanh số môi giới giao dịch lớn đa số là những công ty đã có nhiều năm hoạt động, có
nhiều nhà đầu tư mở tài khoản (xem bảng dưới đây).
Công ty chứng khoán Doanh số giao dịch tháng 6/2007 Thị phần giao dịch tháng 6/2007
VCBS 6.362,5 25,25%
ACBS 3.361 13,34%
SSI 3.253 12,91%
BVSC 2.182 8,66%
BSC 1.313 5,21%
Đơn vị: tỷ đồng
Về hoạt động tự doanh
Tổng giá trị chứng khoán tự doanh tính tại thời điểm ngày 30/6/2007 đạt 9.667 tỷ đồng (tăng 4.671 tỷ đồng,
tương đương 48,31% so với thời điểm 01/01/2007). Đối với 14 CtyCK đã hoạt động lâu năm, giá trị chứng
khoán tự doanh (2 công ty là SCBS và BSC không báo cáo số liệu này) tính tại thời điểm ngày 30/6/2007
đạt 5.997 tỷ đồng (tăng 1.000 tỷ đồng, tương đương 16,69% so với giá trị ngày 01/1/2007). Một số công ty
có giá trị tự doanh cuối kỳ tăng khá nhanh và đạt giá trị cao.
Đối với khối CtyCK được cấp phép vào cuối năm 2006, tại thời điểm đầu kỳ, giá trị tự doanh không đáng kể
vì công ty chưa triển khai hoạt động thì đến thời điểm 30/6/2007, giá trị chứng khoán tự doanh của khối
công ty này đạt 3.345 tỷ đồng (chiếm 35,63% giá trị tự doanh của 59 CtyCK). Một số công ty đã đẩy nhanh
nghiệp vụ tự doanh mặc dù hoạt động chưa lâu như: CtyCK Ngân hàng Sacombank (giá trị chứng khoán tự
doanh đạt 571 tỷ đồng), CtyCK Vndirect (giá trị chứng khoán tự doanh đạt 587 tỷ đồng), CtyCK Ngân hàng
Đông Nam Á (giá trị chứng khoán tự doanh đạt 458 tỷ đồng).
Hoạt động bảo lãnh phát hành, đại lý phát hành
Hoạt động bảo lãnh phát hành của các CtyCK 6 tháng đầu năm 2007 vẫn tập trung chủ yếu là bảo lãnh phát
hành các loại trái phiếu như trái phiếu chính phủ cho Kho bạc Nhà nước, trái phiếu ngân hành, trái phiếu đô
thị (xem bảng dưới đây).
Công ty Khối lượng
bảo lãnh
Giá bảo lãnh
(đồng)
Vốn chủ sở hữu
của CtyCK (tỷ
đồng)
Hình thức bảo
lãnh
Số hợp đồng
bảo lãnh
Giá trị bảo lãnh
(triệu đồng)
BVSC 5.314 33.500 150 Chắc chắn 1 178
ACBS 880.000 67.000 250 Chắc chắn 1 58.960
Cty CK
Thăng Long
108.758
451.000
120 Chắc chắn 2 49.050
Như vậy, các CtyCK đã thực hiện 4 hợp đồng bảo lãnh phát hành với hình thức bảo lãnh cam kết chắc
chắn. Các hợp đồng bảo lãnh nói trên đã thực hiện theo đúng quy định hiện hành do giá trị chứng khoán đã
được bảo lãnh không vượt quá 50% vốn điều lệ của CtyCK. Tuy nhiên, số liệu trên cũng cho thấy, trong
thời gian gần đây, có rất ít CtyCK thực hiện việc bảo lãnh phát hành và các công ty chưa chú trọng đầu tư
tìm kiếm khách hàng, đào tạo nhân sự, xây dựng quy trình chuẩn để triển khai nghiệp vụ này.
Hoạt động tư vấn
- Tư vấn đầu tư chứng khoán
Mảng hoạt động này nhìn chung đã bắt đầu tiến triển với số hợp đồng tư vấn đầu tư chứng khoán của các
công ty đạt 55 hợp đồng (tại thời điểm 1/1/2007 chỉ có 6 hợp đồng tư vấn đầu tư). Điều này cho thấy trong
sự phát triển, các CtyCK đang dần chuyển sang hướng quan tâm, chú trọng hơn đến hoạt động chăm sóc
khách hàng. Tuy nhiên, so với khoảng 255.000 tài khoản giao dịch chứng khoán tại các CtyCK hiện nay, số
hợp đồng trên là không đáng kể và tiềm năng để các CtyCK phát triển mảng hoạt động này là không nhỏ.
Tuy là CtyCK được cấp phép cuối năm 2006 và triển khai hoạt động chưa lâu, CtyCK An Bình hiện đang có
số hợp đồng tư vấn đầu tư chứng khoán lớn nhất (50 hợp đồng).
- Tư vấn niêm yết
Tổng số hợp đồng tư vấn niêm yết tại thời điểm hiện nay của các CtyCK là 100 hợp đồng, trong đó có 9
hợp đồng được ký trong tháng 6/2007 (so với 67 hợp đồng tại thời điểm 1/1/2007). Như vậy, hoạt động tư
vấn niêm yết có những dấu hiệu khả quan hơn so với thời điểm đầu năm. Những CtyCK đang thực hiện
nhiều hợp đồng tư vấn niêm yết là CtyCK Sài Gòn (30 hợp đồng), CtyCK Ngân hàng ACB (14 hợp đồng),
CtyCK Ngân hàng Đông Nam Á.
- Tư vấn khác
Tổng số hợp đồng tư vấn khác tại ngày 30/6/2007 là 305 hợp đồng, trong đó có 77 hợp đồng được ký, 42
hợp đồng được thanh lý trong tháng 6/2007. Các hợp đồng này chủ yếu là hợp đồng tư vấn cổ phần hóa
và bán đấu giá cổ phần. Các công ty có nhiều hợp đồng tại thời điểm này là SSI (42 hợp đồng), ACBS (35
hợp đồng), IBS (32 hợp đồng).
Nhìn chung, hoạt động tư vấn đã có những phát triển đáng kể so với thời gian đầu năm, các CtyCK đã chú
trọng hơn đến nghiệp vụ tư vấn. Không chỉ những công ty đã hoạt động lâu năm mà những công ty được
cấp phép trong năm 2006 cũng đã triển khai hoạt động này khá tốt.
Những thách thức đối với các CtyCK
Với kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2007 khá vượt trội của nhiều CtyCK trong bối cảnh thị trường rơi
vào xu thế trầm lắng, kéo dài sang các tháng của quý III/2007, đã phần nào phản ảnh rõ nét những bước đi
vững chắc của các khối CtyCK. Sự ra đời của hàng loạt các CtyCK đã góp phần đáp ứng được nhu cầu
dịch vụ cho số lượng đông đảo nhà đầu tư đang ngày một gia tăng, đồng thời tạo ra áp lực cạnh tranh buộc
các CtyCK phải tự hoàn thiện mình, nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng và đảm bảo lợi ích cho khách
hàng.
Mặc dù vậy, do hiện nay tỷ lệ người dân Việt Nam tham gia đầu tư chứng khoán vẫn còn rất nhỏ, nên việc
số lượng các CtyCK gia tăng nhanh trong một khoảng thời gian khá ngắn đã dẫn đến một số công ty gặp
nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh. Với khả năng tài chính và kinh nghiệm còn hạn chế, vì mục tiêu
lợi nhuận của mình một số CtyCK đã sử dụng những biện pháp cạnh tranh không lành mạnh, gây ra những
ảnh hưởng xấu đến sự phát triển chung của thị trường, tạo tâm lý lo ngại cho các nhà đầu tư. Trên thực tế,
hiện nay với số lượng trên 60 CtyCK được cấp phép và đi vào hoạt động nhưng phải chia nhau một thị
trường quá nhỏ chỉ với trên dưới 250.000 khách hàng (là các nhà đầu tư, tổ chức và cá nhân, trong khi đó
các CtyCK lớn và hoạt động lâu năm như SSI, VCBS, ACBS, BCVS, SBS... đã thâu tóm khoảng 85% lượng
khách hàng, những CtyCK mới và quy mô vốn nhỏ phải chật vật chia nhau 15% thị phần còn lại (chưa kể số
CtyCK mới đang nộp hồ sơ chờ cấp phép tại UBCKNN). Nhiều CtyCK đã phải bỏ ra hàng chục tỷ đồng để
mua sắm trang thiết bị, thuê mặt bằng... nhưng thực tế hoạt động trong thời gian gần đây số lượng khách
hàng đến đầu tư không đáng kể, khiến nhiều CtyCK bị thâm hụt vốn sở hữu.
Để hút khách trên thị trường, nhiều công ty đã mở rộng dịch vụ repo và hạ phí... Tuy nhiên, nóng bỏng hơn
cả là cuộc đua hạ phí. Theo quy định, phí giao dịch thu từ các nhà đầu tư là 0,5% trên giá trị giao dịch.
Nhưng hiện nay đã bị một số CtyCK hạ đến mức thấp nhất, thậm chí có CtyCK không thu phí trong 3 tháng
đầu hoạt động. Đặc biệt, nhiều CtyCK mới thành lập đã sử dụng chiêu khuyến mại bằng cách tặng tiền cho
khách hàng mở tài khoản giao dịch tại công ty và trừ dần vào phí giao dịch. Trên thực tế trong thời gian gần
đây, thông tin về việc giảm, miễn phí giao dịch của các CtyCK liên tục được công bố trên thị trường. Trong
đó, tất cả các CtyCK lớn nhỏ lần lượt vào cuộc, dù đây là nguồn thu đáng kể, nhất là với những thành viên
mới hoạt động. Cuộc cạnh tranh phí giao dịch được giới chuyên môn nhận định là đang ở hồi căng thẳng.
Đỉnh điểm của cuộc đua giảm phí giao dịch giữa các CtyCK tập trung từ đầu tháng 9 này, nhân dịp kỷ niệm
ngày Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2/9. Mức giảm phổ biến từ 1/2 phí giao dịch hiện hành; một số
miễn phí 100%. Với CtyCK, đây là một hình thức khuyến mãi, kéo nhà đầu tư đến sàn giao dịch... Nhưng
với nhiều công ty nhỏ, mới tham gia thị trường, kinh doanh đang lỗ thì việc giảm phí sẽ là một gánh nặng
lớn.
Ngoài việc khó khăn về chiếm lĩnh thị phần, sự thiếu hụt nguồn nhân lực cũng đặt các CtyCK vào những
tình thế khó khăn. Tính đến thời điểm 30/6/2007, số nhân viên được UBCKNN cấp Chứng chỉ hành nghề
chứng khoán đạt khoảng 650 người. Tuy nhiên, do có nhiều CtyCK được cấp phép trong những tháng cuối
năm 2006 và có khoảng trên 80 Hồ sơ đề nghị thành lập CtyCK đã được gửi UBCKNN nên số người hành
nghề chứng khoán đã được cấp Chứng chỉ hành nghề chứng khoán tại các công ty lại càng thiếu hụt. Mặt
khác, do Quy chế hành nghề chứng khoán chưa chính thức ban hành nên tại một số công ty, một số người
hành nghề đã có Hồ sơ hợp lệ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề nhưng chưa được cấp. Bên cạnh đó, một
số công ty có số người hành nghề tương đối ít so với yêu cầu tối thiểu theo quy định, giữa các CtyCK có xu
hướng dịch chuyển, thu hút, lôi kéo nhân viên hành nghề...
Các giải pháp và kiến nghị
Về vấn đề cạnh tranh, nhiều chuyên gia cho rằng, mặc dù hiện tại hoạt động kinh doanh của các CtyCK khá
khó khăn theo bối cảnh chung của thị trường, hướng cạnh tranh chính và lâu dài nhất là các công ty không
nên quá chú trọng tới việc cạnh tranh bằng phí giao dịch, thay vào đó nên đầu tư công nghệ và tăng tiện
ích. Về phía cơ quan quản lý thị trường, hiện nay Bộ Tài chính đã giao nhiệm vụ cho UBCKNN sớm hoàn
thiện đề án về chính sách phí, lệ phí đối với các đối tượng tham gia thị trường, trong đó có phí giao dịch.
Tuy nhiên, thị trường có nhiều cuộc cạnh tranh về phí và có quan điểm cho rằng không nên khống chế trần
mà chỉ khống chế sàn. Theo Lãnh đạo UBCKNN, sắp tới đề án được ủy ban xây dựng sẽ đề cập đến cả
mức phí trần và sàn. Trong đó, mức phí sàn sẽ được xác định để tránh cạnh tranh không lành mạnh. Và
trong bối cảnh thị trường chưa ổn định thì cũng cần đưa ra mức trần. Ngoài khả năng áp trần và sàn phí
giao dịch đối với các CtyCK, dự kiến đề án cũng sẽ đề cập đến vấn đề phí đối với các quỹ đầu tư.
Về vấn đề nhân lực, trên cơ sở theo dõi hoạt động của các CtyCK, cơ quan quản lý thị trường nên ban
hành Quy chế người hành nghề chứng khoán, tạo điều kiện để các CtyCK có số người hành nghề đảm bảo
theo quy định pháp luật hiện hành./.