Tải bản đầy đủ (.doc) (2 trang)

Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (64.56 KB, 2 trang )

Tìm hiểu Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục
Ngày 6/9/2003. Cập nhật lúc 15
h
29'
Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục là một hệ thống các quan điểm toàn diện và sâu sắc về các vấn đề:
lên án chính sách ngu dân của thực dân, đế quốc; xác định vị trí, vai trò của giáo dục đối với sự phát triển
của đất nước và những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo phát triển nền giáo dục trong chế độ mới. Các nhà
nghiên cứu đã ghi nhận: tổng số bài nói, bài viết của Bác về các chủ đề nêu trên là 386. Đây là một di sản
vô giá đối với nền giáo dục cách mạng. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ đi sâu tìm hiểu một số tư tưởng
cơ bản về nhiệm vụ của ngành giáo dục, nhà trường, của thầy giáo, cô giáo và học sinh trong chế độ mới
qua khoảng 20 bài nói, bài viết của Bác trực tiếp với ngành giáo dục sau khi nước nhà giành được độc
lập.
Điều đầu tiên Bác Hồ quan tâm là phải nhanh chóng xóa bỏ nền giáo dục nô lệ, bắt đầu từ xây dựng mới
chương trình, sách, cách dạy, đội ngũ cán bộ cho nền giáo dục đến việc nâng cao dân trí cho người dân
của một nước độc lập. Trong thư gửi Hội nghị giáo dục toàn quốc họp tại Việt Bắc tháng 7/1947, Bác viết:
“Chúng ta cần phải có một nền giáo dục kháng chiến và kiến quốc. Vì vậy, chúng ta:
1 - Phải sửa đổi triệt để chương trình giáo dục cho hợp với sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc.
2- Muốn như thế, chúng ta phải có sách kháng chiến và kiến quốc cho các trường.
3- Chúng ta phải sửa đổi cách dạy cho hợp với sự đào tạo nhân tài kháng chiến và kiến quốc.
4- Chúng ta phải đào tạo cán bộ mới và giúp đỡ cán bộ cũ theo tôn chỉ kháng chiến và kiến quốc.
5- Về bình dân học vụ, nhờ sự hy sinh cố gắng của nam nữ giáo viên, đã có kết quả rất tốt đẹp. Bây giờ,
số đông đồng bào đã biết đọc biết viết thì chúng ta phải có một chương trình để nâng cao thêm trình độ
văn hóa phổ thông của đồng bào".
Bác rất coi trọng việc ngành giáo dục phải nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ đặt ra, tổng kết thực tiễn,
kinh nghiệm. Gửi thư cho Đại hội giáo dục toàn quốc họp tháng 7/1951 , Bác yêu cầu: "Đại hội nên kiểm
thảo kỹ công tác cải cách về chương trình, chủ trương và cách thi hành, để tìm thấy những khuyết điểm
mà sửa đổi, những ưu điểm mà phát triển thêm. Đại hội nên chú ý làm thế nào cho việc giáo dục liên kết
với đời sống của nhân dân, với công cuộc kháng chiến và kiến quốc của dân tộc".
Đến Hội nghị giáo dục toàn quốc tháng 3/1955, Bác nhấn mạnh: "Để thu kết quả tốt đẹp thì Hội nghị cần
phải nắm vững mấy vấn đề chính do Bộ đề ra, đi sâu vào việc điều tra nghiên cứu, tổng kết kinh nghiệm.
Mỗi chủ trương công tác đều phải căn cứ vào tình hình thực tế, vào kinh nghiệm rất phong phú của quần


chúng, của cán bộ, của địa phương.
Trước đây, một thiếu sót trong công tác giáo dục là ít kết hợp chủ trương và chính sách của Bộ với tình
hình cụ thể và kinh nghiệm quý báu của các địa phương".
Nói về nhiệm vụ của nhà trường, Bác chỉ rõ nhiệm vụ chung của nhà trường trong chế độ mới đồng thời
nêu những nhiệm vụ cụ thể cho nhà trường của từng cấp học, bậc học, từng loại trường đào tạo:
"Trường học của chúng ta là trường học của chế độ dân chủ nhân dân, nhằm mục đích đào tạo những
công dân và những cán bộ tốt, những người chủ tương lai tốt của nước nhà... Trước hết phải ra sức tẩy
sạch ảnh hưởng giáo dục nô dịch của thực dân còn sót lại, như: Thái độ thờ ơ đối với xã hội, xa rời đời
sống lao động và đấu tranh của nhân dân; học để lấy bằng cấp, dạy theo lối nhồi sọ. Và cần xây dựng tư
tưởng: dạy và học để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Nhà trường phải gắn liền với thực tế của
nước nhà, với đời sống của nhân dân. Thầy giáo và học trò, tùy hoàn cảnh và khả năng, cần tham gia
những công tác xã hội, ích nước lợi dân.
Ngoài ra, mỗi một cấp giáo dục cần nhận rõ nhiệm vụ của mình trong lúc này:
- Đại học thì cần kết hợp lý luận khoa học với thực hành, ra sức học tập lý luận và khoa học tiên tiến của
các nước bạn kết hợp với thực tiễn của nước ta, để thiết thực giúp ích cho công cuộc xây dựng nước
nhà.
- Trung học thì cần đảm bảo cho học trò những tri thức phổ thông chắc chắn, thiết thực, thích hợp với
nhu cầu và tiền đồ xây dựng nước nhà, bỏ những phần nào không cần thiết cho đời sống thực tế.
- Tiểu học thì cần giáo dục cho các cháu thiếu nhi: yêu tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa
học, trọng của công. Cách dạy phải nhẹ nhàng và vui vẻ, chớ gò ép thiếu nhi vào khuôn khổ của người
lớn. Phải đặc biệt chú ý giữ gìn sức khỏe của các cháu".
"Làm mẫu giáo tức là thay mẹ dạy trẻ. Muốn làm được thế thì trước hết phải yêu trẻ... Điều trước tiên là
dạy các cháu về đạo đức. Anh chị em giáo viên và mẫu giáo cần luôn luôn gương mẫu về đạo đức để
các cháu noi theo".
Nói chuyện với giáo viên và học sinh Trường phổ thông cấp III Chu Văn An (Hà Nội), Bác giải thích:
"Trường học của ta là trường học xã hội chủ nghĩa..., là nhà trường:
- Học đi với lao động.
- Lý luận đi với thực hành.
- Cần cù đi với tiết kiệm".
Bác đặc biệt quan tâm việc kết hợp giáo dục gia đình, nhà trường và xã hội; nhắc nhở nhà trường phải

chú ý giáo dục lao động cho các em:
"Giáo dục các em là việc chung của gia đình, trường học và xã hội... Gia đình, trường học và xã hội chăm
lo giáo dục, đều nhằm mục đích làm cho các em mai sau trở nên những công dân tốt, những cán bộ tốt,
những người chủ tốt của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa".
"Trong việc giáo dục phải có môn giáo dục về lao động... Nhưng ta chưa kết hợp được chặt chẽ giáo dục
văn hóa với lao động sản xuất. Mấy năm gần đây, việc giáo dục tinh thần lao động, kỷ luật lao động và
giáo dục lao động có sút kém. Bây giờ phải sửa".
Nhiệm vụ của các nhà trường cuối cùng là phải đào tạo nhân lực cho việc kiến thiết đất nước: "Trong
việc kiến thiết nước nhà về mọi mặt, ta thiếu rất nhiều cán bộ như kỹ sư, chuyên gia, thợ lành nghề, thầy
dạy học, v.v... Vì vậy ta phải phát triển mạnh đại học và chuyên nghiệp. Muốn phát triển đại học và
chuyên nghiệp, phải chú trọng cấp 2, cấp 1, và cấp vỡ lòng".
Bác đặc biệt quan tâm tới việc các nhà trường phải dạy các ngành nghề liên quan trực tiếp đến nông
nghiệp và nông thôn, cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi:
"Hiện nay ở nông thôn, vấn đề quan trọng là cải tiến và nâng cao trình độ quản lý hợp tác xã để phát triển
sản xuất. Nhà trường góp sức đào tạo bồi dưỡng thanh niên có khả năng ấy".
"Hiện nay lại có hơn 30 trường thanh niên dân tộc vừa học vừa làm, để đào tạo cán bộ địa phương, vừa
có văn hóa, vừa có kỹ thuật, vừa giỏi lao động. Loại trường đó rất tốt, cần giúp cho những trường đó phát
triển đúng phương hướng... Đây là trường học để đào tạo cán bộ... Cần phải chú ý phát triển loại trường
thanh niên dân tộc vừa học vừa làm đó".
Để thực hiện tốt nhiệm vụ, cần tổ chức tốt việc thi đua dạy và học trong nhà trường. Tư tưởng về xây
dựng phong trào "Thầy thi đua dạy, trò thi đua học" được Bác nêu lần đầu vào năm 1952, được Bác nhắc
lại nhiều lần trong các lần gửi thư, nói chuyện với thầy giáo, cô giáo, học sinh và đặc biệt được khẳng
định trong bức thư cuối cùng Bác gửi cho ngành giáo dục ngày 16/10/1968:
"Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt. Trên nền tảng giáo dục chính trị và
lãnh đạo tư tưởng tốt, phải phấn đấu nâng cao chất lượng văn hóa và chuyên môn nhằm thiết thực giải
quyết các vấn đề do cách mạng nước ta đề ra và trong một thời gian không xa, đạt những đỉnh cao của
khoa học và kỹ thuật”.
Đối với các thầy giáo, cô giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Bác nhấn mạnh:
"Các thầy giáo có nhiệm vụ nặng nề và vẻ vang là đào tạo cán bộ cho dân tộc", "chăm lo dạy dỗ cho con
em của nhân dân thành người công dân tốt, người lao động tốt, người chiến sĩ tốt, người cán bộ tốt của

nước nhà. Để làm trọn nhiệm vụ ấy, cán bộ giáo dục cần phải luôn luôn ra sức thi đua công tác và học
tập, thật thà tự phê bình và phê bình để cùng nhau tiến bộ mãi", "đều phải luôn luôn cố gắng học thêm,
học chính trị, học chuyên môn. Nếu không tiến bộ mãi, thì sẽ không theo kịp đà tiến chung, sẽ trở thành
lạc hậu”, "cần luôn luôn bồi dưỡng tư tưởng xã hội chủ nghĩa, đấu tranh tiêu diệt cá nhân chủ nghĩa".
Không những chỉ rèn luyện chính trị, đạo đức, trau dồi chuyên môn, Bác còn yêu cầu "các thầy giáo, cô
giáo phải tìm cách dạy. Dạy cái gì, dạy thế nào để học trò hiểu chóng, nhớ lâu, tiến bộ nhanh. Dạy và học
cần phải theo nhu cầu của dân tộc, của Nhà nước" và “phải mật thiết liên hệ với gia đình học trò".
Đối với cán bộ Đảng trong ngành giáo dục, Bác đặc biệt yêu cầu: "Trước hết phải đoàn kết với cán trộ
ngoài Đảng”... Cuối cùng Bác nhắc lại: nội bộ chúng ta phải đoàn kết, đoàn kết thật chặt chẽ, do đoàn kết
thật chặt chẽ trong Đảng mà đoàn kết ngoài Đảng, đoàn kết với nhân dân. Có như thế, khó khăn gì cũng
vượt qua, việc gì cũng làm được".
Bác đặc biệt quan tâm hướng dẫn, nhắc nhở các em học sinh, sinh viên phải có mục đích, động cơ học
tập đúng đắn, hiểu đúng và thực hiện tốt nhiệm vụ của mình trong nhà trường:
"Nhiệm vụ chính của thanh niên học sinh là học... Bây giờ phải học để: Yêu Tổ quốc... Yêu nhân dân...
Yêu lao động... Yêu khoa học... Yêu đạo đức... để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, làm cho dân
giàu nước mạnh, tức là để làm trọn nhiệm vụ người chủ của nước nhà... Học phải đi đôi với hành".
Trong thư gửi các cháu lưu học sinh Việt Nam đang học ở Mát-xcơ-va ngày 19/7/1955, Bác nhắc nhở:
"Học cốt để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Học ngành nào cũng cần phải căn cứ vào nhu cầu của
Tổ quốc, của nhân dân mà định, không thể tùy theo sở thích riêng của mình... Học tập được nhiều kết
quả để mai sau về nước phục vụ nhân dân".
Bác chỉ rõ các nội dung học sinh cần tu dưỡng, rèn luyện trong nhà trường là:
"Các em cần rèn luyện cái đức tính thành thật và dũng cảm.
Ở trường thì kính thầy, yêu bạn, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau.
Ở nhà, thì yêu kính và giúp đỡ cha mẹ.
Ở xã hội thì tùy sức mình mà tham gia những việc có ích lợi chung” và “...các cháu trong lúc học cũng
phải: lý luận kết hợp với thực hành, học tập kết hợp với lao động. Lao động trí óc phải kết hợp với lao
động chân tay”.
Nhân dịp năm học mới và thực hiện chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng về học tập Tư tưởng Hồ Chí
Minh, ôn lại những điều Bác dạy nêu trên, chúng ta càng thấy tư tưởng của Người vẫn giữ nguyên giá trị
soi đường cho công cuộc đổi mới giáo dục hiện nay.

×