Tải bản đầy đủ (.pdf) (7 trang)

Phong trào đấu tranh của nông dân đồng bằng Bắc Kì những năm 1930-1931

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (102.91 KB, 7 trang )

JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE
Social Sci., 2015, Vol. 60, No. 3, pp. 96-102
This paper is available online at

DOI: 10.18173/2354-1067.2015-00016

PHONG TRÀO ĐẤU TRANH CỦA NÔNG DÂN
ĐỒNG BẰNG BẮC KÌ NHỮNG NĂM 1930 - 1931
Trần Văn Hùng

Khoa Khoa học Xã hội & Nhân văn, Trường Đại học Hùng Vương
Tóm tắt. Hai năm 1930-1931, cùng phong trào cách mạng chung của cả nước, dưới sự lãnh
đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nông dân các tỉnh đồng bằng Bắc Kì (ĐBBK) đã vùng
dậy đấu tranh chống ách thống trị hà khắc của thực dân, phong kiến. Phong trào nông dân
ĐBBK lúc này mang tính chất mới, nằm trong phạm trù cách mạng vô sản, có tổ chức, lãnh
đạo chặt chẽ, diễn ra quyết liệt, lan rộng khắp các tỉnh. Măc dù bị đế quốc, tay sai đàn áp
khốc liệt, nhưng phong trào đã làm rung chuyền nền thống trị của chúng và để lại những
bài học kinh nghiệm quý cho giai đoạn đấu tranh cách mạng tiếp theo.
Từ khóa: Thực dân Pháp, nông dân, đấu tranh, đồng bằng Bắc Kì.

1.

Mở đầu

Giai đoạn 1930-1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), cách mạng
Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới. Phong trào đấu tranh cách mạng của các giai cấp, tầng lớp
xã hội, trong đó có phong trào đấu tranh của nông dân, chuyển biến mạnh mẽ, tạo thành sức mạnh
toàn dân đưa đến thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm1945 [7, 8]. Mở đầu giai đoạn này là
phong trào đấu tranh mạnh mẽ của nông dân ĐBBK diễn ra trong 2 năm 1930-1931 [10]. Thông
qua nghiên cứu phong trào đấu tranh của nông dân ĐBBK (1930-1931 - Bắc Kì (Tonkin) là tên gọi
được thực dân Pháp đặt chỉ vùng đất thuộc phía Bắc Việt Nam từ Ninh Bình trở ra, là khu vực Bắc


Bộ Việt Nam ngày nay [1-5]), chúng tôi rút ra những đặc điểm, ý nghĩa và bài học kinh nghiệm
của phong trào; đồng thời giúp hiểu biết sâu sắc thêm về vai trò, sức mạnh của giai cấp nông dân
trong cách mạng.

2.
2.1.

Nội dung nghiên cứu
Cơ sở, tiền đề của phong trào đấu tranh cách mạng của nông dân đồng
bằng Bắc Kì

Khủng hoảng kinh tế 1929-1933, làm rung chuyển hệ thống tư bản chủ nghĩa. Tại Pháp
cuộc khủng hoảng bắt đầu diễn ra đầu năm1930, đã phá hủy nghiêm trọng tất cả các ngành kinh
tế, thu nhập quốc dân nước Pháp giảm 1/3. Do bị phụ thuộc chặt chẽ vào kinh tế Pháp, nên kinh tế
Việt Nam rơi và khủng hoảng nhanh chóng.
Ngày nhận bài: 15/9/2014 Ngày nhận đăng: 01/2/2015
Liên hệ: Trần Văn Hùng, e-mail:

96


Phong trào đấu tranh của nông dân đồng bằng Bắc Kì những năm 1930 - 1931

Ở Việt Nam kinh tế nông nghiệp giữ vai trò chủ đạo, vì thế nền nông nghiệp và người nông
dân phải gánh chịu tác động nặng nề của cuộc khủng hoảng. Lúa gạo là sản phẩm cho thu nhập
chính đối với nông dân nhưng lại bị sụt giá nghiêm trọng: năm 1929, giá một tạ gạo hơn 11 đồng,
năm 1933 còn hơn 3 đồng. Trong khi đó thực dân Pháp thi hành nhiều chính sách nhằm bắt người
nông dân phải gánh chịu những khó khăn, thiệt hại của khủng hoảng kinh tế. Mặt khác thực dân
Pháp còn ra rức bòn rút sức lực, tiền của của người nông dân Bắc Kì. Giá cả các mặt hàng thiết
yếu đều liên tục tăng giá, tô thuế nặng nề hơn. “Một xuất sưu năm 1929 bằng giá 50kg gạo, thì

năm 1932 là 100kg gạo, năm 1933 là 300kg” [10;299].
Trong hoàn cảnh tô thuế nặng nề, các mặt hàng tăng giá nhưng ruộng đất của nông dân Bắc
Kì đã bị chiếm đoạt gần hết. Theo số liệu thống kê đến tháng 1-1931, thực dân Pháp đã chiếm đoạt
ở Bắc Kì 134.000 ha [9;228], nhưng chỉ có 34.350 ha được sản xuất [7;78]. Như vậy một tình cảnh
trái ngược trong nông thôn Bắc Kì đã diễn ra, trong khi nông dân không có ruộng để cày cấy thì
lại có một diện tích lớn đất đai bị bỏ hoang.
Mặt khác, cuối năm 1929, nhiều tỉnh khu vực ĐBBK bị thiệt hại nặng nề bởi trận bão gây
ra lũ lụt nghiêm trọng. Tại Thái Bình, “trận lụt năm 1929, làm nhiều nhà cửa đổ nát, nhiều người
chết và bị thương, lúa mùa thiệt hại nghiêm trọng, hàng đoàn người phải bỏ làng đi tha hương cầu
thực, những người ở lại thì sống lay lắt, chết đói, chết rét” [2;129]. Tại Nam Định, “trận bão làm đổ
gần 8 vạn ngôi nhà và mất khoảng 10 vạn mẫu lúa” [4;18]. . . Chính điều này làm gia tăng mạnh
mẽ, sâu sắc hơn mâu thuẫn dân tộc và mâu thuẫn giai cấp trong xã hội Việt Nam, là nguyên nhân
trực tiếp làm bùng nổ phong trào đấu tranh của nông dân ĐBBK.
Trong bối cảnh đó, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập. Nguyễn Ái Quốc và Đảng đã
vận dụng sang tạo lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam đề ra đường
lối cách mạng khoa học, giải quyết đúng đắn những vấn đề cách mạng Việt Nam đặt ra, trong đó
có vấn đề giai cấp nông dân. Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng tháng 2/1930, đã xác định
rõ mục tiêu cách mạng gắn với quyền lợi của nông dân: “(1) Đánh đổ đế quốc Pháp, phong kiến
An Nam và giai cấp tư sản phản cách mạng. (2) Làm cho nước An Nam được độc lập....(5) Quốc
hữu hóa toàn bộ đồn điền và đất đai của bọn đế quốc và địa chủ phản cách mạng An Nam chia
cho nông dân nghèo...(7) Hủy bỏ mọi thứ quốc trái và thuế thân, miễn các thứ thuế cho nông dân
nghèo” [6;16]. Để thực hiện được mục tiêu đó, Đảng xác định, “phải thu phục cho được đại bộ
phận dân cày và phải dựa vào hạng dân cày nghèo làm thổ địa cách mạng đánh trúc bọn đại địa
chủ và phong kiến” [6;4].
Luận cương Chính trị của Đảng tháng 10/1930, khẳng định: “Vấn đề thổ địa là cái cốt của
cách mạng tư sản dân quyền”. “ Sự cốt yếu của tư sản dân quyền cách mạng thì một mạt là phải
tranh đấu để đánh đổ các di tích phong kiến,đánh đổ các cách bóc lột theo lối tiền tư bổn và để
thực hành thổ địa cách mạng cho triệt để, một mặt nữa là tranh đấu để đánh đổ đế quốc chủ nghĩa
Pháp, làm cho Đông Dương hoàn toàn độc lập” [6;97-94].
“Tổ chức biểu tình thị oai tranh đấu thì cần phải hết sức cổ động tuyên truyền cho mạnh,

làm cho ngày càng đông quần chúng tham gia” [6;156]. Về mục tiêu đấu tranh, Đảng xác định:
“a) Về chính trị: tự do tổ chức, hội hiệp, ngôn luận, bỏ canh tuần; phản đối: khủng bố trắng, hội
đồng cải cách,...b) Về kinh tế: Giảm thuế, bỏ thuế thân, bớt địa tô, chống địa tô, bỏ sưu dịch công
ích...” Để giác ngộ nông dân tham gia cách mạng, Đảng chủ trương: “Đem những sự bóc lột hàng
ngày (thuế, sưu, đói kém, địa tô, cướp đất, nhũng nhiễu của bọn làng, bọn quan,...), làm cho dân
cày mau giác ngộ quyền lợi và biết phải tranh đấu” [6;154-157]. . .
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời có đường lối cách mạng đúng đắn, đáp ứng được yêu cầu
97


Trần Văn Hùng

bức thiết của cách mạng và quyền lợi thiết thân của nông dân và trực tiếp lãnh đạo cách mạng.Tổ
chức Nông hội đỏ được thành lập ở các địa phương để tổ chức chỉ đạo nông dân đấu tranh. Vì thế
phong trào đấu tranh của nông dân đã bùng nổ và nhanh chóng phát triển thành cao trào trên địa
bàn cả nước nói chung và ĐBBK nói riêng .

2.2.

Phong trào đấu tranh của nông dân đồng bằng Bắc Kì những năm
1930-1931

2.2.1. Các cuộc đấu tranh trong năm 1930
Những cuộc đấu tranh của nông dân ĐBBK bắt đầu bùng nổ ở Thái Bình. Đây là một tỉnh
thuần nông, tình trạng thực dân, phong kiến chiếm đoạt ruộng đất của nông dân ngày càng trầm
trọng. Thêm vào đó, nhân dân Thái Bình thường xuyên phải chịu tác động của thiên tai bão lụt,
hạn hán nghiêm trọng. Cuối năm 1929, nạn đói diễn ra nghiêm trọng, đời sống nhân dân, nhất là
nông dân trong tỉnh rất cực khổ. Chính vì vậy ngay từ đầu năm 1930, các cuộc đấu tranh của nông
dân diễn ra với mục tiêu đòi đế quốc, địa chủ phải cho nông dân vay thóc cứu đói và hoãn nợ, tô
thuế.

Từ tháng 2 -1930 đến tháng 4 - 1930, nhiều cuộc đấu tranh của nông dân ở huyện Thư Trì
diễn ra. Ngày 21-4-1930, hơn 300 nông dân làng Đại Đồng (Thư Trì) đấu tranh đòi Chánh Khanh
cho vay thóc. Chánh Khanh không chấp thuận, nên nông dân đã phá kho thóc lấy 400 thùng thóc
chia cho dân.
Tại huyện Kiến Xương ông Phạm Quang Lịch, một đảng viên đã vận động mẹ của mình
cho hơn 500 nông dân trong làng được vay 1000 thùng thóc và 600 đồng Đông Dương cứu đói.
Hơn700 nông dân hai làng Nam Huân, Cao Bạt Nang đấu tranh, thuyết phục địa chủ Hai Lộc cho
nông dân vay 600 thùng thóc và 300 đồng Đông Dương. Ngày 12-4-1930, 1500 nông dân làng
Nam Huân (Kiến Xương) đấu tranh đòi đại địa chủ Bát Song cho vay thóc , hoãn nợ, nhưng không
đạt được kết quả. Tổng đốc Thái Bình đưa quân lính về đàn áp. Cuộc đấu tranh của 500 nông dân
ba làng: Trình Nhất, Trình Nhì, Trình Trung đòi Chánh Bân cho nông dân vay thóc.
Ở phủ Thái Ninh, hơn 1000 nông dân ba làng Phúc Khê tiền, Phúc Khê trung, Phúc Khê
quài tập trung dự mít tinh, sau đó tập hợp hàng ngũ kéo đến nhà đại địa chủ cường hào Bá Chất
đòi vay thóc. Xung đột diễn ra giữa lực lượng tự vệ của nông dân và bọn lính tay sai của đế quốc.
Cuộc đấu tranh không đạt được mục tiêu.
Ngày 1-5-1930, đoàn biểu tình thị uy của gần 1000 người nông dân của hai huyện Duyên
Hà, Tiên Hưng đeo băng giấy với khẩu hiệu “Ngày 1-5 vạn tuế!”, dương cao cờ đỏ búa liềm và
băng “Đảng Cộng sản Việt Nam!” tiến về thị xã Thái Bình, đòi thực dân Pháp phải giảm thuế
miễn sưu, cấp thóc gạo cho dân, đòi thả những người bị bắt, rút quân tuần tiễu về, đền tiền cho các
làng bị tàn phá và đòi được tự do đi lạị, hội họp. Lực lượng biểu tình tiến về thị xã với khí thế rất
mạnh, luôn hô vang các khẩu hiệu, làm cho bọn thống trị rất lo sợ. Thực dân Pháp ra lệnh bắn vào
đoàn biểu tình, làm một người bị thương nặng. Bọn lính xông vào đánh những nười biểu tình. Bắt
giam 30 người lãnh đạo cuộc biểu tình, cuộc biểu tình phải giải tán. Sau đó ít ngày địch đã bắt giữ
hơn 200 người khác và đốt nhà của 9 người lãnh đạo cuộc biểu tình . Trong hoàn cảnh đó, chi bộ
Đảng đã chỉ đạo nông dân các làng Duyên Hà, Tiên Hưng chuyển từ đấu tranh đòi quyền lợi sang
đấu tranh chống địch khủng bố, đàn áp để bảo vệ cán bộ và nhân dân [2;157]. Cuộc đấu tranh của
nông dân Duyên Hà-Tiên Hưng (Thái Bình) đầu tháng 5 năm 1930, khích lệ mạnh mẽ tinh thần
yêu nước, cách mạng đấu tranh chống đế quốc, tay sai của nông dân ĐBBK và cả nước.
Ở huyện Nho Quan (Ninh Bình), được chi bộ Đảng lãnh đạo, nông dân đã đoàn kết đấu
98



Phong trào đấu tranh của nông dân đồng bằng Bắc Kì những năm 1930 - 1931

tranh chống tuần phủ hưu trí Nghiêm Xuân Quảng cướp đất của dân làng Văn Bảng, Yên Lạc,
Quỳnh Lưu, Lạc Thành, Quảng Cư để mở rộng đồn điền. Cuộc đấu tranh giành thắng lợi, buộc
Nghiêm Xuân Quảng phải trả lại đất cho nông dân .
Tháng 9 và tháng 10-1930, phong trào cách mạng ở Hải Phòng ở vào thời Kì cao điểm.
Ngọn lửa cách mạng từ phong trào công nhân bùng cháy, đã khích lệ, tập hợp được đông đảo lực
lượng nông dân, dân nghèo thành thị, tiểu thương, học sinh. . . tham gia đấu tranh cách mạng. Ngày
7-9-1930, nông dân, diêm dân đảo Đình Vũ được Đảng vận động đấu tranh hưởng ứng với cuộc
bãi khóa của học sinh trường Trung Hành. Hơn 300 nông dân biểu tình, tuần hành biểu dương lực
lượng xung quanh đảo. Sau đó họ kéo đến Sở thuế, lấy muối chia cho dân nghèo. Khẩu hiệu cuộc
đấu tranh là “chống thu thuế muối và độc quyền muối, ủng hộ công nông Nghệ -Tĩnh. Quần chúng
đã làm chủ đảo trong một ngày” [3;35]. Cuộc đấu tranh của nông dân, diêm dân Đình Vũ đã đánh
dấu sự phát triển đỉnh cao của phong trào cách mạng của nhân dân Hải Phòng .
Đấu tranh của nông dân và nhân dân Hà Nam bắt đầu phát triển mạnh từ tháng 9-1930, khi
Đảng bộ Hà Nam được thành lập. Ngay trong tháng 9-1930, ba cuộc mít tinh liên tục được tổ chức
ở Duy Tiên để chào mừng sự ra đời của Đảng bộ Hà Nam. Cuộc mít tinh sau đó biến thành cuộc
biểu tình của hơn 150 nông dân, hô vang các khẩu hiệu: đả đảo đế quốc, phong kiến, chống sưu
cao, thuế nặng, đoàn kết toàn dân đòi ruộng đất, cơm áo. Các cuộc diễn thuyết ở những khu vực
đông người như bến đò, chợ đã được tổ chức trong thời gian này.
Cũng trong thời gian này, ở Hưng Công (Bình Lục) nổ ra cuộc đấu tranh của nông dân đòi
bãi bỏ Hội đồng cải lương hương chính, đòi bỏ sổ thu chi, giảm sưu thuế. Hơn 300 quần chúng
nông dân đòi phế bỏ hội đồng và các sổ sách ghi số tiền mà nhân dân phải đóng. Trước sức mạnh
đoàn kết đấu tranh buộc tri huyện phải chấp thuận giải quyết. Liên tiếp sau đó ở Kim Bảng, Lý
Nhân, Thanh Liêm cũng nổ ra các cuộc đấu tranh chống phụ thu lạm bổ, chống cường hào tham
nhũng, cướp đoạt ruộng công,...
Ngày 14-10-1930, diễn ra cuộc biểu tình quy mô lớn ở Tiền Hải (Thái Bình), có hơn 700
nông dân tham gia kéo về huyện đường Tiền Hải với khẩu hiệu: “Không được đụng đến công nông

Nghệ Tĩnh; Trả lại tiền đào sông Cốc Giang; phá tư điền gián thành công điền quân cấp; Yêu cầu
giảm sưu thuế, xóa bỏ việc bắt muối, bắt rượu; Ủng hộ Liên bang Xô Viết” [2;170]. Đoàn biểu tình
tổ chức lực lượng tự vệ chốt chặn các ngả đường, bắt một số tên tay sai của Pháp. Chính quyền
thực dân, tay sai ở Tiền Hải phải huy động cả lực lượng binh lính ở thị xã về đàn áp cuộc biểu tình,
ra lệnh cho bọn lính xả súng vào đoàn biểu tình, làm 8 người hy sinh, 12 người bị thương và bắt
đi hơn 10 người lãnh đạo cuộc đấu tranh. Cuộc biểu tình phải tự giải tán. Mấy ngày sau đó chính
quyền thực dân tiếp tục bắt bớ, khủng bố nhân dân các làng tham gia biểu tình.
Noi theo tinh thần đấu tranh oanh liệt của nông dân Tiền Hải ( Thái Bình) nông dân ĐBBK
đã liên tiếp nổi dậy đấu tranh chống đế quốc, phong kiến. Phong trào đấu tranh ở ĐBBK vẫn tiếp
tục phát triển. Tiêu biểu là cuộc đấu tranh ở Bình Lục (Hà Nam), sáng ngày 20-10-1930, hàng
trăm nông dân ở huyện Bình Lục và một số nông dân ở huyện Duy Tiên, Lý Nhân đã kéo về Bồ
Đề mít tinh chống chính quyền thực dân, tay sai. Sau đó cuộc mít tinh đã chuyển thành cuộc tuần
hành thị uy có hàng nghìn nông dân tham gia, kéo dài 6 tiếng liền.

2.2.2. Các cuộc đấu tranh trong năm 1931
Do bị khủng bố, đàn áp nên sang năm 1931 phong trào nông dân ở một số tỉnh Bắc Kì cũng
như cả nước dần tạm lắng. Tuy nhiên một số tỉnh khác ở ĐBBK lại phong trào đấu tranh của nông
dân bùng nổ mạnh mẽ như Nam Định, Ninh Bình, Hải Phòng.
99


Trần Văn Hùng

Từ tháng 4/1931, nhiều cuộc đấu tranh của nông dân Hải Phòng diễn ra. Tiêu biểu là cuộc
đấu tranh của thanh niên làng Ninh Duy, Cương Nha, Ngọc Động (Tiên Lãng) rải truyền đơn, dán
khẩu hiệu với nội dung đòi giảm sưu thuế, chống chiếm đoạt ruộng đất.
Tại Nam Định, từ đầu năm 1931, phong trào cách mạng dần chuyển sang khu vực nông
thôn. “Mùa hạ năm 1931, nông dân Lạc Nghiệp đấu tranh đòi lập chợ; tháng 6-1931, nông dân
Xuân Cốc đấu tranh đòi địa chủ không được hạ giá công gặt; tháng 7-1931, nông dân nhiều vùng
trong tỉnh đấu tranh chống thuế; vụ mùa năm 1931, nông dân Quất Lâm Hạ đấu tranh đòi gặt lúa

ở một số ruộng do địa chủ, cường hào chiếm đoạt” [4;33].
Tiêu biểu nhất trong đó phải kể đến cuộc đấu tranh khất sưu thuế vào giữa năm 1931 của
mười cơ sở Đảng thuộc bốn phủ huyện Ý Yên, Phong Doanh, Nghĩa Hưng, Xuân Trường. Chị bộ
An Cừ đã lãnh đạo đông đảo quần chúng ký tên, cử đại biểu đưa đơn ra tận tòa sứ. Ở Giáp Nhất
(Phong Doanh) đông đảo nông dân biểu tình lên huyện lỵ, tri huyện sở tại phải về tận nơi giải
quyết. Ở Bắc Nghĩa Hưng, đấu tranh còn phối hợp được nhiều thôn, với hàng trăm nông dân cùng
biểu tình lên phủ lỵ làm áp lực đòi tri phủ phải giải quyết yêu sách. Tất cả các cuộc đấu tranh do
khéo kết hợp các hình thức nên vừa bảo toàn được lực lượng, vừa đạt được yêu cầu.
Phong trào cách mạng ở nông thôn Ninh Bình lên cao vào năm 1931. Cuộc đấu tranh mở
đầu của nông dân các thôn Trung Trữ, Thanh Khê, Ngô Khê... dưới sự lãnh đạo của các chi bộ đòi
tăng công gặt đều đạt được kết quả. Các chủ ruộng đều phải chấp nhận tăng công từ ba đon lên
một bó lúa cho một công gặt. Từ thắng lợi đó, tháng 6-1931, nông dân đấu tranh chống thuế với
khẩu hiệu “lúa xấu mất mùa, không có việc làm không nộp thuế” [5;25]. Trong đấu tranh nông
dân đã có nhiều sáng kiến đối phó với địch, như: hướng dẫn nhân dân viết đơn khất thuế, “ký tên
vào đơn theo vòng tròn để địch không vin vào đó bắt người cầm đầu” [1;9]; vận động các ông đồ
viết hộ đơn; vận động các chức dịch đã nghỉ thuyết phục lực lượng đương chức ủng hộ hoặc không
can thiệp vào cuộc đấu tranh của dân chúng. . .
Ngày 20-6-1931, nhân việc tri huyện Gia Viễn về làng Vân Trình đốc thuế, nông dân ra làng
xin khất thuế, trước lý lẽ xác đáng buộc tri huyện phải chấp thuận cho làm đơn để xét. Nông dân
làng Vân Trình làm đơn kí tên theo vòng tròn đưa về huyện xin xét được hoãn thuế. Ngày 23-6,
hàng ngàn nông dân tổng Vân Trình do Đinh Tất Miễn dẫn đầu kéo về huyện Gia Viễn xin khất
thuế. Không được chấp nhận, đoàn biểu tình kéo về tỉnh, trên đường đi nông dân nhiều làng hưởng
ứng tham gia cùng đoàn đi tranh đấu. Tuần phủ Ninh Bình thấy dân chúng kéo đến đông, lí lẽ xác
đáng nên buộc phải chấp thuận ghi vào đơn: “khoan, cho dân nộp”. Thắng lợi của nông dân tổng
Vân Trình làm nức lòng nông dân ở khắp nơi. Ngày 27-6, đông đảo nông dân tổng Lê Xá cùng
biểu tình về tỉnh xin khất thuế giành thắng lợi. Cùng ngày, hơn 700 nông dân các thôn Thần Thiệu,
Sơn Quyết, Quỳnh Lưu, Phúc Lai... (Nho Quan) kéo về tỉnh xin khất thuế. Ngày 29-6, hơn 300
nông dân Trung Trữ, Thanh Khê, Ngô Khê, Đại Áng (Gia Khánh) cũng kéo về tỉnh xin khất thuế.
Trước áp lực đấu tranh mạnh mẽ của nông dân “tuần phủ Ninh Bình phải giảm 10% thuế, cho dân
nộp thuế dần dần” [1;9]. Các cuộc đấu tranh chống thuế trong 10 ngày cuối tháng 6-1931 đã giành

được thắng lợi liên tiếp. Đó là phong trào đấu tranh sôi nổi, rộng lớn nhất trong phong trào cách
mạng 1930-1931 ở Ninh Bình. Phong trào đấu tranh của nông dân các tỉnh còn lại ở đồng bằng
Bắc Kì dần tạm lắng vào nửa cuối năm 1931.

2.3.

Đặc điểm phong trào đấu tranh của nông dân đồng bằng Bắc Kì

Qua nghiên cứu cho thấy phong trào đấu tranh của nông dân ĐBBK những năm 1930 –
1931 có những đặc điểm sau:
100


Phong trào đấu tranh của nông dân đồng bằng Bắc Kì những năm 1930 - 1931

Thứ nhất: Phong trào nông dân Bắc Kì 1930-1931 có sự lãnh đạo thống nhất của Đảng
Cộng sản Việt Nam và tổ chức chỉ đạo đấu tranh trực tiếp của Nông hội đỏ. Mục đích đấu tranh
không chỉ đấu tranh đòi quyền lợi kinh tế: chống cướp đoạt ruộng đất, chống sưu thuế, phụ thu lạm
bổ, chống chế độ phu phen tạp dịch, đòi giảm tô, hoãn nợ và cho vay thóc cứu đói, đòi tăng công
gặt, đòi tiền đào sông,... mà còn đấu tranh đòi quyền chính trị, như tự do hội họp, đi lại, lập hội;
chống khủng bố đàn áp, chống chính sách cải lương hương chính của thực dân Pháp...; đấu tranh
bảo vệ Xô viết Nghệ - Tĩnh, bảo vệ Liên Xô; quyên góp tiền ủng hộ công nhân Nam Định...
Phong trào nông dân ĐBBBK 1930-1931 có bước chuyển biến mới về chất, chuyển lên trình
độ tự giác, nằm trong phạm trù của cách mạng vô sản.
Thứ hai: Đấu tranh của nông dân diễn ra mạnh mẽ, quyết liệt, có quy mô lớn, diễn ra ở các
tỉnh của ĐBBK. Có những cuộc đấu tranh của nông dân ĐBBK thời Kì này thu hút hàng nghìn
nông dân tham gia. Các đoàn biểu tình đã tiến thẳng về huyện đường, công sở của chính quyền thực
dân, tay sai để đấu tranh. Một số cuộc biểu tình bị bị đế quốc, tay sai đàn áp dã man, nhưng nông
dân vẫn tiếp tục đấu tranh. Phong trào đấu tranh của nông dân sử dụng nhiều hình thức, phương
pháp đấu tranh từ thấp lên cao: đấu tranh bí mật, công khai, đưa đơn kiến nghị, rải truyền đơn, treo

cờ búa liềm, khẩu hiệu, mít tinh, biểu tình, diễu hành thị uy, xung đột với chính quyền, binh lính
địch.
Thứ ba: Phong trào đấu tranh của nông dân ĐBBK thời Kì này đã có sự liên kết, thống nhất.
Sự liên kết thể hiện trước hết ở chỗ, các cuộc đấu tranh không chỉ diễn ra trong phạm vi một làng,
một xã mà đã có liên kết giữa các làng xã trong huyện, các huyện trong tỉnh và liên kết giữa các
tỉnh. Sau cuộc đấu tranh của nông dân Tiền Hải, hàng loạt các cuộc đấu tranh ở các tỉnh Hà Nam,
Nam Định, Ninh Bình, Hải Phòng nhằm ủng hộ, phản đối sự đàn áp ở Tiền Hải. Tính liên kết của
phong trào còn thể hiện rộng hơn trong phạm vi cả nước và có tính quốc tế. Điều này được thể
hiện ở chỗ các cuộc đấu tranh của nông dân ĐBBK còn nhằm hưởng ứng, ủng hộ phong trào đấu
tranh của Xô viết Nghệ Tĩnh và ủng hộ Liên Xô. Trong các cuộc biểu tình từ nửa cuối năm 1930,
luôn có khẩu hiệu: “Ủng hộ Nghệ Tĩnh đỏ và nông dân Tiền Hải. Ủng hộ Xô – Liên” [2;178].
Thứ tư: Phong trào đấu tranh của nông dân bùng nổ và phát triển ở hầu khắp các tỉnh ĐBBK,
nhưng tiêu biểu nhất là các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam đặc biệt là Thái Bình.
Phong trào phát triển mạnh nhất ở các tỉnh nói trên là vì đây là các tỉnh có đất đai trù phú nhất, vì
vậy thực dân, phong kiến đã chiến đoạt hầu hết ruộng đất của người nông dân.; nông dân không
có hoặc thiếu ruộng đất canh tác. Đây cũng là những tỉnh ven biển, nơi thường xuyên bị bão lụt,
hạn hán tàn phá mùa màng, nạn đói thường xuyên xảy ra. Đời sống người nông dân rất cùng quẫn.
Theo số liệu thống kê từ năm 1900 đến 1929, khu vực này phải gánh chịu 14 vụ vỡ đê, đó là các
năm: “1902, 1903, 1904, 1905, 1909, 1911, 1913, 1915, 1917, 1918, 1923, 1924, 1926” [8;79] và
trận bão lụt nghiêm trọng cuối năm 1929. Nhưng mặt khác, các tỉnh nói trên là là những tỉnh có tổ
chức và hoạt động mạnh của Đảng Cộng sản. Ngay từ cuối năm 1929, đầu 1930, Đảng bộ các tỉnh
nói trên đã thành lập và phát triển các Chi bộ Đảng, Nông hội ở hầu khắp các làng xã.
Thứ năm: Có nhiều cuộc đấu tranh của nông dân đã đạt được những mục tiêu kinh tế chính
trị. Dưới áp lực mạnh mẽ của nông dân, chính quyền thực dân, tay sai đã phải đáp ứng các yêu
sách của nông dân đưa ra như về kinh tế: chính quyền địch phải chấp thuận cho nông dân vay thóc
cứu đói ở Thái Bình, giảm thuế và cho dân nộp thuế dần ở Ninh Bình, tăng công tiền cấy gặt cho
nông dân ở Nam Định. Mặt khác, các cuộc đấu tranh đã buộc chính quyền địch phải giảm áp lực
đàn áp, khủng bố ở Tiền Hải, ở Xô viết Nghệ Tĩnh.

101



Trần Văn Hùng

3.

Kết luận

Phong trào đấu tranh của nông dân ĐBBK cuối cùng thất bại, bị đàn áp. Mặc dù các cuộc
đấu tranh của nông dân ĐBBK trong thời kì này là rất quyết liệt, anh dũng dưới sự lãnh đạo của
Đảng, nhưng do so sánh tương quan lực lượng phong trào chưa có kinh nghiệm, còn yếu; kẻ thù
còn rất mạnh và tàn bạo. Mặc dù vậy, vai trò và tác động từ phong trào đấu tranh của nông dân
ĐBBK là vô cùng to lớn. Phong trào đấu tranh của nông dân ĐBBK cùng với phong trào cách
mạng cả nước làm rung chuyển chế độ thống trị của Pháp và tay sai, khiến chúng hoảng sợ và lúng
túng. Phong trào đã góp phần nâng cao, phát huy truyền thống yêu nước, cách mạng và sức mạnh
vĩ đại của giai cấp nông dân Việt Nam.
Qua sự thành bại của phong trào nông dân ĐBBK những năm 1930 – 1931 đã cung cấp cho
chúng ta những bài học kinh nghiệm quý phục vụ cho việc phát động đấu tranh của nông dân giai
đoạn tiếp sau: bài học về sự lãnh đạo, tổ chức đấu tranh của Đảng; bài học về xây dựng khối liên
minh công nông và bài học về thời cơ cách mạng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Gia Viễn, 2013. Lịch sử Đảng bộ huyện Gia Viễn. Nxb Chính
trị quốc gia, Hà Nội.
[2] Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Bình, 1999. Lịch sử Đảng bộ Thái Bình. Nxb Chính trị
quốc gia, Hà Nội.
[3] Ban Chấp hành Hội Nông dân Hải Phòng, 2000. Lịch sử Phong trào nông dân và Hội nông
dân Hải Phòng (1930 – 2000). Nxb Hải Phòng, Hải Phòng.
[4] Ban Thường vụ tỉnh ủy Nam Hà, 1970. Sơ thảo lịch sử Đảng bộ Nam Định – Hà Nam. Ban
nghiên cứu lịch sử Đảng Nam Hà xuất bản.
[5] Ban Thường vụ tỉnh ủy Ninh Bình, 1970. Lịch sử Đảng bộ Ninh Bình. Ban nghiên cứu lịch sử

Đảng Ninh Bình xuất bản.
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam, 1998. Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 2 (1930). Nxb Chính trị quốc
gia, Hà Nội.
[7] Nguyễn Kiến Giang, 1959. Phác qua tình hình ruộng đất và đời sống nhân dân trước cách
mạng Tháng Tám – 1945. Nxb Sự Thật, Hà Nội.
[8] Pierre Gourou, 1936. Người nông dân châu thổ Bắc Kì (Nguyễn Khắc Đạm, Đào Hùng,
Nguyễn Hoàng Oanh dịch - 2003). Nxb Trẻ, Hà Nội.
[9] Y. Henry, 1932. Économie agricole de l’Indochine. Hà Nội.
[10] Đinh Xuân Lâm, 2000. Đại cương lịch sử Việt Nam, tập II. Nxb Giáo dục, Hà Nội.
ABSTRACT
Resistance movements of peasants in Northern Delta between 1930 and 1931
In two years 1930 and 1931, along with the country’s general revolutionary movement,
under the leadership of the Communist Party of Vietnam, peasants from Northern Delta provinces
rose up against the repressive yoke of colonialism and feudalism. That movement had new nature
within the proletarian revolution, which was well organized, closely controlled, and happened
drastically throughout provinces. Although fiercely suppressed by the empire and minions, the
movement vibrated their domination and left invaluable lessons for subsequent period of the
struggle.
Keywords: France colonial, peasants, against, Northern Delta.
102



×